Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Ai không tin ta hạnh phúc nhì thế giới, mời xem đây: - Tiểu Cẩm Linh hay thói hợm hĩnh của quan chức Trung Quốc

Ai không tin ta hạnh phúc nhì thế giới, mời xem đây:

Quechoa

Võ Văn Tạo
Xem bài: Chui vào tú ni lông để… qua suối.
NQL: “Bộ GTVT sẽ cho triển khai xây cầu treo để phục vụ các thầy cô, học sinh và người dân” – Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thông báo như vậy sau khi đọc bài “Chui vào túi nilông để… qua suối” và hình ảnh cô giáo, học sinh ở bản Sam Lang (X. Nà Hỳ, H. Nậm Pồ, Điện Biên) vượt suối bằng túi nilông vào mùa lũ.
Hoan hô bộ trưởng Đinh La Thăng!  Nhưng đấy chỉ là một cầu, còn hàng trăm nơi khác, rất mong Bộ trưởng quan tâm đến điều này, nó còn lớn lao cấp thiết hơn hàng trăm việc khác mà Bộ GTVT đã và đang làm.
Tháng 6-2012, báo chí các “lề” rầm rộ đưa tin: theo đánh giá của Quỹ Kinh tế mới (NEF), Việt Nam đứng nhì thế giới về chỉ số hạnh phúc, chỉ sau mỗi Costa Rica! Nhân sự kiện này, các báo “lề đảng” “nhảy cẫng” đồng loạt tán dương. Báo “lề dân” lại có dịp dè bỉu, công kích báo “lề đảng”. Người dân ù cả tai, hoa cả mắt, chẳng biết đâu mà lần.
Ngót 2 năm thu thập thêm thông tin và nghiền ngẫm đề tài này, nhân sự kiện vừa được báo Tuổi Trẻ phát hiện và đăng tải (phóng sự kèm videoclip người thật việc thật ở bản Sam Lang -Điện Biên) về câu chuyện học trò, cô giáo, người dân hàng ngày vượt suối lũ bằng cách chui vào… túi bóng (nilon), nhờ thanh niên khỏe mạnh kéo qua, người viết bài này đã có thể rút ra được kết luận khó phản bác: NEF và báo “lề đảng” chuẩn không cần chỉnh (xin nói thêm, NEF là tổ chức quốc tế hẳn hoi, mặc dù tên gọi của nó có gợi lại thảm họa “kinh tế mới” – chẳng mấy hạnh phúc với hàng triệu gia đình). Báo “lề dân” chỉ được cái xuyên tạc, thiếu thiện chí.
Xin chứng minh:
Qua sông bằng đu dây cáp
Này nhé, ai phủ nhận được luận điểm: chỉ những người dư dả tiền bạc mới có thể đi du lịch?
Này nhé, ai dám phản bác kết luận: chỉ những người có sức khỏe thể chất và tinh thần thật mạnh mẽ, lạc quan mới dám tham gia các môn thể thao mạo hiểm như leo núi, chèo xuồng vượt thác ghềnh… ?
Này nhé, nếu không có sức khỏe hạng A, đố bạn hàng ngày cuốc bộ đường rừng từ vài cây số đến hàng chục cây số.
Này nhé, ai dám bảo việc đi rừng hằng ngày không cho ta duy trì sức khỏe dẻo dai?
Này nhé, ai dám nói việc vượt suối bằng túi bóng không mạo hiểm bằng các trò leo núi, chèo thuyền vượt thác ghềnh?
Này nhé, du lịch mạo hiểm đâu chỉ có ở Sam Lang? Bạn có thể thấy hàng ngày ở khắp nơi trên đất nước ta tươi đẹp. Từ Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên (đu dây vượt suối), đến đồng bằng sông Cửu Long (cầu tre, cầu khỉ), dọc quốc lộ 1A cùng hàng trăm tuyến đường bát nháo khác…
Này nhé, người dân vùng sâu, vùng xa, vốn dĩ được nhà nước xếp vào dạng nghèo khó, lạc hậu… còn hạnh phúc đến mức hàng ngày vẫn có điều kiện thực hành du lịch mạo hiểm, thử hỏi người dân ở đô thị còn hạnh phúc đến cỡ nào?
V.V.TTác giả gửi Quê Choa

Trung Quốc không tán thành hành động của Nga đối với Ukraina

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.

Scott Stearns  -VOA

Trong lúc các nước Tây phương áp đặt các biện pháp chế tài đối với Nga vì vấn đề Crimea, một số nước đồng minh của Moscow cũng nêu nghi vấn về những hành động của Nga ở Ukraina. Thông tín viên Scott Stearns của đài VOA tại Bộ Ngoại giao Mỹ có bài tường thuật về ảnh hưởng của vụ giằng co này đối với các mối quan hệ giữa Nga với Trung Quốc và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Trong cuộc nội chiến Syria, Trung Quốc và Nga đã cùng nhau ngăn chặn những hành động cứng rắn hơn đối với Tổng thống Bashar al-Assad. Moscow và Bắc Kinh đều cho rằng sự hậu thuẫn của nước ngoài đối với phe nổi dậy là một hành động xâm phạm chủ quyền của Syria.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngấm ngầm chia rẽ với Nga về Crimea – vì cùng một lý do là vấn đề chủ quyền.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phát biểu như sau về lập trường của Bắc Kinh.
“Trung Quốc luôn tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả mọi nước trên thế giới. Vụ khủng hoảng Crimea phải được giải quyết bằng đường lối chính trị trong khuôn khổ của luật pháp và trật tự. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và tự chế để tình hình căng thẳng không leo thang thêm nữa.’
Giáo sư Keith Darden của Đại học American Univeristy ở Washington cho biết Trung Quốc không muốn thấy sự việc nào làm cho những phong trào đòi ly khai ở nước họ trở nên mạnh mẽ hơn.
“Trung Quốc có chính sách Một Nước Trung Hoa, một chính sách rất cứng rắn chống lại chủ nghĩa ly khai. Họ đòi quốc tế hậu thuẫn cho lập trường của họ đối với vấn đề Đài Loan. Ý tưởng cho rằng thông qua việc tiến hành những cuộc trưng cầu dân ý, một phần nào đó của một nước nào đó có thể quyết định tách ra khỏi nước đó mà không có sự chấp thuận của chính phủ trung ương, là một ý tưởng mà Trung Quốc không bao giờ tán thành. Vì vậy Nga đang tự cô lập bằng hành động này.”
Khi Nga phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về vấn đề Crimea, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng và tuyên bố là cần phải làm nhiều hơn nữa để làm cho vụ khủng hoảng này bớt căng thẳng.
Các giới chức Hoa Kỳ mô tả hành động của Nga ở Crimea là vượt khỏi các chuẩn mực hành xử quốc tế. Họ cho biết họ đang tham khảo ý kiến chặt chẽ với Trung Quốc về vấn đề Ukraina để tìm cách làm cho Nga bị cô lập nhiều hơn nữa.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki phát biểu như sau.
“Chúng tôi tiếp tục hy vọng là nhiều thành viên của cộng đồng quốc tế, kể cả Trung Quốc, đang phối hợp với nhau và hợp tác với nhau về những hành động bất hợp pháp mà Nga đã thực hiện trong vụ này và áp lực cần được tạo ra không phải chỉ từ Hoa Kỳ mà còn từ các nước khác trên khắp thế giới.”
Việc binh sĩ Nga chiếm quyền kiểm soát tại một nước thuộc Liên Xô cũ cũng nêu lên nghi vấn là Nga có muốn duy trì hiện trạng của thời hậu Chiến tranh Lạnh hay không. Về việc này, giáo sư Darden cho biết như sau.
“Như Kazakhstan chẳng hạn. Nước này chắc chắn là rất lo ngại trước ý tưởng cho rằng những khối dân nói tiếng Nga có quyền quyết định về vấn đề có tách ra để trở thành một phần của Liên bang Nga hay không. Bên trong Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, Nga đã khẳng định rất rõ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, và đó chính là lý do tại sao Nga đã có được những mối quan hệ khá tốt đẹp với Kazakhstan và một số các nước láng giềng. Việc phá vỡ nguyên tắc đó sẽ tạo ra rất nhiều thiệt hại cho các mối quan hệ đó.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng vụ khủng hoảng Crimea không do Nga gây ra. Ông yêu cầu Cộng đồng các Quốc gia Độc lập tổ chức một cuộc họp vào đầu tháng tư để thảo luận về vụ khủng hoảng ở Ukraina.

Máy bay Malaysia : Trung Quốc, kẻ nổi tiếng mờ ám lại đòi minh bạch

Thụy My – RFI blog

(AFP 18/03/2014) Trung Quốc đả kích Malaysia vì thiếu minh bạch sau vụ chuyến bay MH370 mất tích. Nhưng sự phẫn nộ của Bắc Kinh lại tương phản với chính thái độ mờ ám của họ về những thảm họa xảy ra ngay trên đất Trung Quốc.

Công an tuần tra tại sân bay quốc tế Bắc Kinh sau khi chiếc máy bay Malaysia mất tích, ngày 13/03/2014.
Hôm thứ Hai 17/03/2014 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lạnh lùng yêu cầu người đồng nhiệm Malaysia phải cung cấp các thông tin « đúng lúc, cụ thể và toàn bộ » về chiếc Boeing của Malaysia Airlines bị mất tích cách đây mười ngày với 239 người trong đó có 153 người Trung Quốc.
Từ một tuần qua, các phương tiện truyền thông Nhà nước liên tục đưa ra các bài xã luận dữ dội, đả kích chính quyền Malaysia là thiếu minh bạch ; rồi đến việc loan báo chậm trễ sự kiện máy bay bị chuyển hướng một cách « có chủ ý », khiến việc tìm kiếm quay sang hẳn một hướng khác.
Tuy vậy chính bản thân Trung Quốc lại khó đóng nổi vai trò minh bạch – như đã được chứng minh trong buổi họp báo thường lệ của Bộ Ngoại giao nước này hôm thứ Hai.
Trung Quốc có loại trừ khả năng chiếc máy bay đã bay vào không phận của mình hay không ? Cuộc điều tra có chú ý đến các hành khách người Trung Quốc ? Bắc Kinh chỉ tiến hành tìm kiếm trên biển hay còn cả trên đất liền ? Và các khu vực như Tân Cương hay Tây Tạng có nằm trên đường bay dự đoán của chiếc phi cơ hay không ?
Trước hàng loạt câu hỏi của báo chí ngoại quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi đã nhất định từ chối trả lời, chỉ nhắc lại là Bắc Kinh « hợp tác tích cực với Malaysia ».
Mãi cho đến hôm nay mới có một bản tin ngắn của Tân Hoa Xã, loan báo rằng việc tìm kiếm trên lãnh thổ Trung Quốc « đã bắt đầu », và không có yếu tố nào trong cuộc điều tra liên quan đến các hành khách Trung Quốc.
Nhưng lại một lần nữa Hoàng Huệ Khang (Huang Huikang), đại sứ Trung Quốc tại Malaysia được dẫn lời trong bản tin, cũng không muốn đưa thêm nhiều chi tiết : « Sẽ không phù hợp nếu cuộc điều tra này được công khai ». Và trong cuộc họp báo mới ngày hôm nay, ông Hồng Lỗi tự bằng lòng với việc xác nhận thông báo sơ sài của Tân Hoa Xã, mà không cho biết chi tiết bổ sung nào.
Hẳn là chính quyền Trung Quốc hồi tuần rồi đã phổ biến các hình ảnh vệ tinh về những đồ vật phát hiện nổi lập lờ trên biển, nhưng không hề giải thích vì sao các tấm ảnh này đến ba ngày sau khi chụp mới được công bố.
Còn truyền thông Trung Quốc thì được yêu cầu đưa tin hoàn toàn theo Tân Hoa Xã – theo nguồn tin từ giới báo chí. Một sự kiểm soát mà Liên đoàn Nhà báo Quốc tế cho rằng « vô cùng đáng tiếc ».
Nhưng nếu thái độ này mâu thuẫn với những lời đả kích mãnh liệt về phía Malaysia, sự ngần ngại của Bắc Kinh trong việc tiết lộ những thông tin của chính mình không hề gây ngạc nhiên cho các chuyên gia. Sự kiện chiếc máy bay Malaysia mang tính chất địa chính trị nhạy cảm đối với các quốc gia trong khu vực.
James Brown, nhà phân tích quốc phòng của Lowy Institute for International Policy ở Sydney nhận định, các hoạt động tìm kiếm trong những ngày đầu tại Biển Đông đã gợi lên « một sự triển khai rộng rãi các phương tiện quân sự trong thời bình cho thấy tính chất nguy hiểm trong trường hợp xung đột ». Mỗi bên « trong khi sục sạo hết sức chú tâm đến năng lực và hiệu quả của nước khác, trong khi thận trọng không phô ra những điểm yếu của mình ».
Trung Quốc nổi bật hơn hẳn mọi quốc gia khác về thái độ mập mờ trong những sự cố và thảm họa xảy ra trên nước mình. Bắc Kinh luôn tìm cách bóp nghẹt thông tin, tăng cường kiểm duyệt và gây áp lực lên truyền thông.
Sau trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, khi những trường học sụp đổ vùi chết hàng ngàn trẻ em, các nhà hoạt động đặt nghi vấn về chất lượng tồi tệ của các ngôi trường. Kết quả là các vụ bắt giữ và đánh đập các công dân quá tò mò.
Một xì-căng-đan khác ba năm sau đó : sau tai nạn xe lửa làm chết nhiều người ở Ôn Châu, cả một toa tàu đã bị vội vã chôn lấp tại chỗ với cái cớ « bảo vệ các bí mật công nghệ của đất nước ».
Vào tháng 10/2013, báo chí được lệnh không được công cố các thông tin độc lập về vụ tấn công vào Thiên An Môn ở Bắc Kinh, cũng như vụ tấn công ở Vân Nam vào đầu tháng Ba với khoảng 170 người bị đâm.
Theo tổ chức phi chính phủ Human Rights in China có trụ sở tại Hoa Kỳ, Bắc Kinh « sử dụng một định nghĩa mơ hồ, phức tạp và hết sức rộng đối với khái niệm ‘bí mật Nhà nước’, để bịt miệng những tiếng nói ly khai hay chỉ trích, về chính trị, môi trường cũng như những chủ đề khác ».
Một tình trạng mà nhiều cư dân mạng Trung Quốc trong những ngày gần đây đã không ngần ngại kêu ca về thái độ nhát gan, trốn tránh trách nhiệm của báo chí chính thức. Một người trên mạng Vi Bác đã mỉa mai : « Malaysia và Trung Quốc đã đơn giản chứng tỏ nạn quan liêu, vô trách nhiệm, khi đưa ra những thông tin không chính xác và thiếu mạch lạc », trong khi báo chí Nhà nước « lập cập chạy theo sau truyền thông nước ngoài ».

Tiểu Cẩm Linh hay thói hợm hĩnh của quan chức Trung Quốc

Một bằng chứng đơn cử cho sự "hợm hĩnh" của giới nhà giàu Trung Quốc
Một bằng chứng đơn cử cho sự “hợm hĩnh” của giới nhà giàu Trung Quốc -REUTERS

Trọng Nghĩa  -RFI

Chính quyền một huyện xa xôi vùng ngoại ô Bắc Kinh đã xây dựng một khu công sở được mệnh danh là Tiểu Cẩm Linh. Với tường sơn màu trắng, trên nóc lổm chổm những mái vòm tròn màu vàng óng ánh, khu công sở này đã quay cóp kiểu kiến trúc của điện Kremly tại Mátxcơva. Sự kiện đó đã bị cư dân mạng Trung Quốc vừa nhạo báng – vì đã thể hiện tâm lý hợm hĩnh của những kẻ giàu mới – vừa đả kích – vì đã lãng phí công quỹ một cách vô tội vạ.
Các bức ảnh được tờ Thanh niên Nhật báo Bắc Kinh công bố vào cuối năm 2013 đã cho thấy những mặt tiền khác nhau của khu công sở rộng lớn đó, mà các mái vòm « mạ vàng » hay các tháp chuông bóng loáng đã gợi lên hình ảnh của các nhà thờ ở khu vực điện Kremli, với những « củ hành tây » vàng chóe trên nóc. Có điều là xa phía sau, trong hậu cảnh các bức hình, người ta nhận thấy rõ các chùm khói đen bốc lên từ các nhà máy gần đấy.
Tòa nhà – mà theo chính quyền địa phương được dùng làm nơi đặt các cơ quan chính quyền chịu trách nhiệm về khí tượng, địa chấn, cấp nước và cây cảnh – có chi phí xây dựng từ 9,3 cho đến 21 triệu nhân dân tệ (1,1 – 2,5 triệu euro).
Đây là một khoản tiền không phải là nhỏ đối với chính quyền của huyện Môn Đầu Câu (Mentougou) một huyện xa xôi vùng nông thôn ngoại thành Bắc Kinh. Chính vì thế mà chỉ ít lâu sau bài báo của tờ Thanh niên, trên các mạng xã hội Trung Quốc, những lời mỉa mai châm biếm đã rộ nở.
Cư dân mạng đều ghi nhận thực tế là các địa phương Trung Quốc đã phải oằn lưng gánh chịu các món nợ khổng lồ, trong lúc chính quyền trung ương lại đã ra lệnh cấm xây dựng các cơ sỏ hành chánh mới, khuyến khích các cấp thắt lưng buộc bụng.
Theo hãng tin Pháp AFP, một cư dân mạng đã tự hỏi : « Làm sao mà họ dám xây dựng một tòa nhà như thế trên vùng đất của kinh đô ? Cứ như là hoàng đế hôm đó đã đi vắng ! ». Một người khác thì tỏ ý bất bình : « Hỡi các quan chức huyện Môn Đầu Câu. Làm sao mà các người có thể ngủ yên vào buổi tối được ? ».
Thói hợm hĩnh thể hiện qua « công trình kiến trúc » kể trên không phải là hiếm hoi. Giới nhà giàu mới tại Trung Quốc đã cho xây cất tại khắp nơi trên lãnh thổ Trung Quốc đủ loại cung điện hoa hòe hoa sói khác nhau, bắt chước nào là kiến trúc châu Âu, nào là các tòa lâu đài được vẽ lên trong chuyện cổ tích… Nhưng thể hiện sự hợm hĩnh đó trong một khu công sở thì quả là điều quá đáng.
Một người đã viết trên mạng Vi Bác : « Khi nhìn thấy các bức hình này, tôi cứ cho rằng đó lại là một kiểu chơi ngông của một tay trọc phú nào đó ! Làm sao mà tôi có thể tưởng tượng ra rằng đấy chính là một cơ quan nhà nước ! ».
Trên nguyên tắc, chính quyền Bắc Kinh đã nghiêm cấm việc xây dựng các cơ quan chính phủ mới trong thời hạn năm năm. Thế nhưng mới đây, chính quyền tỉnh An Huy, một trong địa phương nghèo nhất tại Trung Quốc, đã gây chấn động khi xây cho mình một không gian văn phòng với diện tích còn lớn hơn cả Lầu Năm Góc tại Washington.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét