Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Phản biện giống như ‘đánh vào chỗ không’

Vietnam Net

Phản biện giống như ‘đánh vào chỗ không’

Cập nhật 11/12/2011 06:00:00 AM (GMT+7)
- Góp ý về hiệu quả công tác phản biện xã hội của giới trí thức, ông Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn và vệ sinh lao động VN ví von “giống như đánh vào chỗ không” mà không nhận được hồi đáp.

Tại buổi tổng kết đánh giá hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) sáng 10/12 ở Hà Nội, không ít nhà trí thức đã phàn nàn tình trạng phản biện ít có người nghe. Nhiều đề xuất được đưa ra để cải thiện tình hình trong giai đoạn tới.
Ai muốn góp cứ góp
Cầm trên tay tập tài liệu, ông Nguyễn An Lương kể lại chuyện vừa rồi hội của ông đã gửi một bản góp ý hơn chục trang cho một cơ quan lập pháp, đóng góp vào dự án luật. Nhưng rồi chờ mãi cũng không nhận được hồi đáp, dù chỉ là một tờ xác nhận “đã nhận được ý kiến”.
Ông Nguyễn An Lương: Đề nghị có văn hóa trả lời
Ông Lương ví von, việc góp ý kiến nhiều khi trở thành “đánh vào chỗ không”, chưa được trân trọng và ghi nhận. Trí thức không quản nề hà góp ý cho các chính sách xã hội cũng không mong phải được biết đến, nhưng theo ông Lương, đó là tập hợp trí tuệ, tâm huyết của không ít người. Nếu có tiếp thu hay không cũng cần một phản hồi tích cực cho thấy ý kiến đã đến đúng địa chỉ.
Vậy là, hiệu quả của các ý kiến tư vấn, phản biện không còn phụ thuộc vào chất lượng các đóng góp đó ra sao mà phần nhiều “phụ thuộc thiện chí, tấm lòng của người lắng nghe. Và có một sự thật là các cơ quan quản lý rất ngại nghe góp ý. Nhiều khi chúng ta ai muốn góp thì cứ góp thế thôi”, ông Lương tâm tư. Thậm chí ngay cả khi đã chọn cách góp ý đúng mức, xác đáng nhất và dễ nghe nhất.
Một đề xuất của ông Lương được các đại biểu tán thành là phải hình thành “văn hóa trả lời” trong các cơ quan công quyền. Để những tư vấn, phản biện có đích đến. 
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng phân tích thêm, có một thực tế là nhiều người không thích nghe tư vấn phản biện, đặc biệt là những ý kiến trái chiều, cho là mất thời gian.
“Vì vậy họ cũng quên luôn yêu cầu tư vấn phản biện hoặc chỉ lấy ý kiến một cách hình thức… Thậm chí, một vài lần phản biện trái ý lập tức sẽ bị quên không yêu cầu nữa”, ông Hùng cho hay.
Các nhà khoa học cũng dẫn nhiều ví dụ về trường hợp các chuyên gia đã dày công chuẩn bị tài liệu, hội thảo công phu, nhưng tư liệu đưa lên lại được trả lời là “vấn đề đã thông qua”. Như vậy là đặt  các nhà khoa học trước một việc đã rồi.
Giáo sư Chu Hảo kể lại chuyện từ 2004 đến nay, các tổ chức đã gửi ít nhất 4 bản kiến nghị về giáo dục nhưng tuyệt nhiên không nhận được câu trả lời nào. Ông Hảo cho rằng, cần có một thái độ ứng xử văn hóa hơn. Những ý kiến phản biện không theo đơn đặt hàng mà do các nhà trí thức tự đề xuất và gửi lên thì có thể không cần phải trả lời nhưng cần có sự tiếp thu.
Phó tổng thư ký VUSTA Phạm Bích San trong tổng kết 10 năm hoạt động phản biện của Liên hiệp hội cũng thừa nhận, cơ chế phản hồi giữa cơ quan nhận kết quả không rõ ràng nên nhiều khi đã không đánh giá được hiệu quả.
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp do tác động của bệnh thành tích hoặc nhóm lợi ích nên đôi khi vẫn coi hoạt động phản biện là soi mói vào nội tình, không phải lúc nào cũng có thái độ cởi mở với kết quả nhận được.
Đặt hàng phải kèm… đặt tiền
Theo nhiều nhà khoa học, chừng nào vẫn luẩn quẩn chuyện nói ai nghe, nói có tiếp thu và tiếp thu đến đâu thì câu chuyện tư vấn, phản biện vẫn sẽ không có được kết quả như mong muốn. Vì thế, VUSTA cần sớm tìm  giải pháp.
Ông Đặng Ngọc Dinh: Chủ động phát hiện đúng vấn đề, công khai trên truyền thông, tự nhiên người ta phải nghe
Nói như ông Đặng Ngọc Dinh, nên “mặc kệ” chuyện ai đó cần tiếp thu và cũng không nên “xin xỏ” ai, mà cách tốt nhất là các nhà khoa học hãy tự phát hiện, đề xuất vấn đề, công bố rộng rãi, công khai trên các phương tiện truyền thông, khi đó, hiệu ứng lan tỏa của nó sẽ khiến cho cơ quan công quyền sẽ phải để tâm chú ý. Quan trọng là phải luôn giữ được tinh thần ôn hòa, tích cực và cấp tiến.
Ông Dinh cũng dẫn lại nhiều ví dụ minh họa cho thành công của cách làm trên.
Không được lạc quan như ông Dinh, ông Nguyễn Ngọc Thu (Phó chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục VN) lại cho rằng, cần đề xuất cơ chế lấy ý kiến góp ý chính sách từ các nhà khoa học, chuyên gia là một điều khoản bắt buộc, như vậy mới có giá trị pháp lý. Đặc biệt trong bối cảnh các nhà khoa học đều cho rằng từng hiệp hội phải tự phát hiện, tự đề xuất vấn đề thay vì chỉ tư vấn, phản biện theo đơn đặt hàng.
Ông Lê Thanh Ba (Tổng hội Xây dựng) gợi ý, hoạt động tư vấn phải được xem như một loại dịch vụ. “Chỉ khi nào các tổ chức, cá nhân đặt hàng tư vấn phản biện có kèm theo đặt tiền thì mới tạo cơ sở ràng buộc là phải lắng nghe. Nếu như bây giờ vẫn sẽ là nói đến đâu thì nói, nghe được đến đâu thì nghe”.
Một số đại biểu khác cho rằng, tư vấn phản biện phải kết hợp với nghệ thuật vận động chính sách thì mới mong có kết quả và mới mong đóng góp của chuyên gia được tiếp thu. Vận động chính sách phải được tiến hành tới cơ quan ở những cấp cao nhất. Các nhà khoa học cũng không nên thụ động chờ phản hồi và than thở là không có ai phản hồi mà phải có ý kiến đòi hỏi thích đáng.
Một số hoạt động tư vấn phản biện xã hội nổi bật của VUSTA 10 năm qua: Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, dự án xây nhà máy thủy điện Sơn La, dự án khai thác bô-xít, báo cáo về xây đập thủy điện Xayabury (Lào), chương trình  xây nhà máy điện hạt nhân, quy hoạch chung Thủ đô…Thời gian tới, nhu cầu xã hội đặt ra cho VUSTA hai hoạt động mới là tham mưu và vận động chính sách.
Bài và ảnh: Lê Nhung

Công ước luật biển LHQ 1982 và an ninh hàng hải ở biển Đông


HỌC VIỆN NGOẠI GIAO
Tài liệu tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba, chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 4-5 tháng 11 năm 2011

CÔNG ƯỚC LUẬT BIỂN NĂM 1982 CỦA LIÊN HỢP QUỐC VÀ AN NINH HÀNG HẢI TẠI KHU VỰC BIỂN ĐÔNG

TS. Nguyễn Thị Lan Anh1,
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông;
Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao
Tóm tắt
Biển Đông là nơi hội tụ của nhiều mối quan tâm về an ninh trên biển. Dưới góc độ an ninh truyền thống, những xung đột về yêu sách lãnh thổ và vùng biển ngày càng gay gắt khiến cho xung đột vũ trang có thể xảy ra tại khu vực biển Đông. Dưới góc độ an ninh phi truyền thống, sự suy giảm đa dạng sinh học của môi trường sinh vật biển nửa kín, sự khai thác quá mức tài nguyên sinh vật biển, sự đe dọa đến quyền tự do và an toàn hàng hải và hàng không và sự mất an toàn về sinh kế của người dân ven biển là những nguy cơ đang hiện hữu. Tất cả những triển vọng này đặt an ninh của khu vực biển Đông ở mức báo động cao.
Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc là một khuôn khổ pháp lý đa phương và toàn diện nhằm giúp các quốc gia sử dụng và quản lý biển một các hòa bình, công bằng và bền vững trên cơ sở tôn trọng chủ quyền lẫn nhau. Với mục tiêu này, các quy định của Công ước 1982 đã cung cấp cơ sở để các quốc gia trong khu vực biển Đông kiềm chế và quản lý các nguy cơ đối với an ninh trên biển. Mặc dù không tạo cơ sở pháp lý giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền, Công ước có thể giúp các bên xác định và thu hẹp đối tượng của tranh chấp chủ quyền. Công ước là cơ sở để các bên đưa ra các yêu sách vùng biển hợp pháp, từ đó xác định được các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển và các quốc gia khác. Công ước cũng thiết lập cơ chế hợp tác về bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển và đặc biệt là nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia trong vùng biển nửa kín. Cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước có thể được vận dụng để thu hẹp và tiến tới giải quyết tranh chấp, trong đó các quốc gia có nghĩa vụ đạt được giải pháp tạm thời trong khi tranh chấp chưa được giải quyết triệt để. Nhằm áp dụng hiệu quả các quy định của Công ước vào bối cảnh đặc thù của biển Đông, các quốc gia cần cụ thể hóa các quy định của Công ước để xây dựng một bộ luật ứng xử có hiệu lực ràng buộc trong khu vực.
An ninh hàng hải là khái niệm khá mới và có nhiều cách tiếp cận về nội dung trong tổng thể an ninh chung của quan hệ quốc tế. An ninh hàng hải được giới thiệu nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trong việc sử dụng và quản lý biển vì mục tiêu phát triển của con người. Ở những khu vực nóng như Biển Đông, nơi các tranh chấp về chủ quyền và vùng biển còn đan xen và leo thang thì việc duy trì an ninh hàng hải càng là một vấn đề quan trọng, bao trùm cả khía cạnh an ninh truyền thống và phi truyền thống. Ở khía cạnh an ninh truyền thống, hiện trạng căng thẳng và tình hình trang bị vũ khí, hiện đại hóa quân đội và đặc biệt là hải quân cho thấy các bên đã chuẩn bị cho việc sử dụng vũ lực và xung đột vũ trang ở tầm khu vực có thể xảy ra. Ở khía cạnh phi truyền thống, an toàn hàng hải, hàng không, bảo vệ môi trường biển, đa dạng sinh học hay đảm bảo sinh kế cho con người là những lĩnh vực có thể đang đe dọa nghiêm trọng. Không những thế, các nước trong khu vực đều có nền kinh tế phụ thuộc vào biển. Việc đảm bảo an ninh hàng hải sẽ có yếu tố quyết định đến sự phát triển và thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Bài toán về an ninh hàng hải chỉ có thể được giải đáp nếu các mối đe dọa đến an ninh hàng hải được kiềm chế và quản lý. Trong nỗ lực tìm kiếm các công cụ quản lý các mối đe dọa về an ninh hàng hải, bài viết sẽ tập trung nghiên cứu về vai trò của Công ước luật biển của Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS). UNCLOS được lựa chọn làm công cụ nghiên cứu do bối cảnh các quốc gia ven biển Đông đều đã là thành viên nghiên của Công ước này, đồng thời, công cụ pháp lý sẽ là lựa chọn phù hợp nhất cho các quốc gia vừa và nhỏ tại Đông Nam Á. Với mục tiêu này, bài viết trước hết sẽ tìm hiểu các mối đe dọa đến an ninh hàng hải của khu vực biển Đông, từ đó, phân tích mối liên hệ giữa UNCLOS đối với những mối đe dọa này và tìm lời giải đáp về vai trò của Công ước đối với việc kiềm chế và quản lý các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải.
Mối đe dọa đến an ninh hàng hải tại khu vực biển Đông
Thuật ngữ hàng hải có thể được dùng như một tính từ chỉ không gian biển, cũng có thể được hiểu như một khía cạnh của quan hệ quốc tế tương tự như chính trị, kinh tế, môi trường… Với cách hiểu thứ hai, an ninh hàng hải là một thuật ngữ tương đối hẹp, thường nhấn mạnh đến khía cạnh an ninh của việc sử dụng biển vào mục đích giao thông và thương mại. Theo đó, cướp biển, cướp có vũ trang trên biển hay tai nạn, sự cố giữa các tàu thuyền là các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải.2 Với cách hiểu thứ nhất, không gian biển là một không gian tương tự như đất liền, vì vậy an ninh biển là một khái niệm rộng bao trùm một số lĩnh vực từ an ninh truyền thống đến phi truyền thống. Do đặc trưng của không gian biển, an ninh hàng hải theo nghĩa này nhấn mạnh đến trật tự trên biển. Theo đó, biển là một nguồn tài nguyên, nhưng cũng là môi trường cho giao thông, thông tin liên lạc và thương mại.3 Trật tự trên biển cần được duy trì nhằm phục vụ cho sự phát triển của con người và trật tự này có thể bị đe dọa từ các nguyên nhân như chiến tranh, cướp biển, khủng bố, phổ biến vũ khí, buôn lậu ma túy, và các hành vi bất hợp pháp khác. Việc kiểm soát các mối đe dọa với an toàn hàng hải sẽ giúp đảm bảo an ninh trên đất liền, đảm bảo sự ổn định toàn cầu và việc duy trì tự do hàng hải sẽ mang lại lợi ích chung cho tất cả các quốc gia.4
Biển Đông là biển nửa kín nơi tập trung nhiều nguồn tài nguyên phong phú và điểm kết nối của nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng.5 An ninh ở biển Đông có tầm quan trọng không chỉ với các quốc gia ven biển mà còn có ý nghĩa với các quốc gia khác.6 Hiện nay, cho dù theo cách hiểu rộng hay hẹp, an ninh hàng hải tại biển Đông đang bị đe dọa.
Thứ nhất là khả năng sử dụng vũ lực và xảy ra xung đột vũ trang tại khu vực biển Đông. Trong hai năm trở đây, các quốc gia trong khu vực biển Đông đã không ngừng nâng cao và hiện đại hóa hải quân và lực lượng quân sự của mình. Trung Quốc dẫn đầu với ngân sách quân sự khổng lồ và tăng đều đặn hàng năm. Đến năm 2010, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã lên đến 78 tỉ đô la Mỹ.7 Đặc biệt, Trung Quốc đã tập trung phát triển lực lượng hải quân, xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân tại Sanya (đảo Hải Nam), trang bị tàu sân bay cùng các vũ khí hiện đại khác. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực. Việt Nam có kế hoạch trang bị thêm 6 chiếc tàu ngầm hạng kilo từ Nga. Singapore, Indonesia và Malaysia cũng trang bị thêm 2 chiếc tàu ngầm cho mỗi nước. Philippines gần đây cũng tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và nhập khẩu thêm các trang thiết bị quân sự mới.8 Tất cả những diễn biến này cho thấy các quốc gia dường như đang chuẩn bị sẵn sàng cho diễn biến xấu nhất của việc sử dụng vũ lực và xung đột vũ trang tại biển Đông. Giả thiết này càng được khẳng định khi Trung Quốc thực hiện các hành động quấy rối hoạt động nghiên cứu khoa học, thăm dò tài nguyên của các quốc gia ven biển9 và phát đi những thông điệp về khả năng các quốc gia ven biển Đông sẽ phải “chuẩn bị nghe tiếng súng thần công nếu còn tiếp tục theo đuổi chiến lược chống lại Trung Quốc”10.
Thứ hai, quyền tự do hàng hải của tàu thuyền và tự do hàng không của các phương tiện bay có thể bị ảnh hưởng. Sự kiện EP3 và USNS Impeccable11 cho thấy trong những điều kiện chưa có xung đột vũ trang tại khu vực biển Đông thì cách hiểu và áp dụng khác nhau các quy định pháp lý đã có thể tạo ra tác động tiêu cực cản trở tàu thuyền và phương tiện bay thực hiện quyền tự do qua lại được pháp luật quốc tế quy định. Hơn nữa, trong những điều kiện nếu xung đột vũ trang xảy ra thì một lưu lượng lớn tàu thuyền và các phương tiện bay qua lại khu vực biển Đông sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hàng năm, hơn 41000 tàu thuyền, chiếm nửa số lượng tàu thuyền vận tải trên thế giới và khoảng 80% dầu thô nhập khẩu cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan được vận chuyển qua biển Đông.12
Thứ ba là sự suy thoái của môi trường biển tại biển Đông, một môi trường biển có sự đa dạng sinh học cao nhất trong số cac biển nhiệt đới. Số liệu thống kê của chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc cho thấy 80% các loài san hô tại biển Đông đang bị đe dọa, chủ yếu từ các hoạt động của con người. Hai phần ba số lượng các loài cá trong khu vực đang bị khai thác quá mức và khai thác với các hình thức tận diệt.13
Cuối cùng, môi trường biển suy thoái, khả năng xảy ra xung đột vũ trang còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh con người. Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á thì số lượng ngư dân của khu vực lên đến hơn 2 triệu người.14 Sản lượng các cần thiết để phục vụ nhu cầu con người và phát triển kinh tế ngày càng tăng lên. Ngành khai thác và chế biến thủy sản đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của các quốc gia ven biển, trong đó Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines là một trong 10 quốc gia đứng đầu về sản lượng cá xuất khẩu trên thế giới.15 Lượng cá trogn khu vực biển Đông cung cấp khoảng 25% số lượng protein cần thiết cho 500 triệu người.16 Trong khi đó, với môi trường san hô và thực vật biển bị hủy hoại, môi trường sống cho cá bị đe dọa, kích thước cá nhỏ dần và sản lượng cá cũng suy giảm, nhiều loài thậm chí tuyệt chủng.17 Hơn nữa, thực trạng đánh bắt cá trong khu vực chưa được quản lý tốt. Hiện tượng đánh bắt cá bằng những phương pháp tận diệt như sử dụng chất độc, gây ô nhiễm môi trường còn xảy ra, hiện tượng đánh bắt cá trái phép chưa được kiểm soát.18 Các quốc gia còn tranh chấp về khu vực và quyền đánh cá dẫn đến sự bắt giữ, xét xử và phạt tiền ngư dân và tàu thuyền của nhau. Tất cả những yếu tố này cho thấy mối đe dọa đối với an ninh con người, cụ thể là với sinh kế của ngư dân các nước ven biển, với nguồn lương thực từ các loài thủy sản tại biển Đông.
Các thực trạng nói trên đa phần đều xuất phát từ hành động trực tiếp và gián tiếp của các quốc gia ven biển. Hành vi chạy đua vũ trang, tăng cường các biện pháp hành pháp để kiểm soát các vùng biển biển chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nguy cơ về xung đột vũ trang, đe dọa đến an toàn hàng hải, hàng không, đe dọa đến sinh kế của ngư dân. Các hành vi này được thực hiện bởi mục đích củng cố yêu sách chủ quyền và vùng biển của quốc gia ven biển. Đồng thời, gián tiếp thông qua việc thiếu kiểm soát và hợp tác về các vấn đề xuyên biên giới như các nguồn gây ô nhiễm, bảo tồn các loài sinh vật biển đã dẫn đến sự đe dọa đối với môi trường biển và suy giảm tài nguyên sinh vật biển. Các hành vi này xảy ra bởi thực trạng tranh chấp chủ quyền và vùng biển đã ngăn cản các bên thực hiện các biện pháp hợp tác do lo ngại vấn đề công nhận chủ quyền của nhau. Như vậy, suy cho cùng nguyên nhân sâu xa dẫn đến các mối đe dọa đến an ninh hàng hải tại Biển Đông có nguồn gốc từ cac yêu sách chủ quyền, từ yêu sách chủ quyền dẫn đến yêu sách vùng biển và được phản ánh trực tiếp thông qua các hành động nhằm củng cố các yêu sách này.
Mối liên hệ giữa UNCLOS 1982 và các mối đe dọa an ninh hàng hải
Công ước luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 là một công ước cả gói được ra đời sau 9 năm và 11 phiên đàm phán liên tục từ năm 1973 đến năm 1982. Công ước được ghi nhận như một bản Hiến pháp về biển với sự đồ sộ của hơn 300 điều khoản và sự toàn diện của các quy định trong các lĩnh vực quản lý và sử dụng biển. Mục tiêu của Công ước là nhằm thúc đẩy việc sử dụng biển vào mục đích hòa bình, tận dụng các nguồn tài nguyên của biển trên cơ sở nguyên tắc công bằng, bền vững và tôn trọng chủ quyền lẫn nhau.19 Rất tiếc là đối với an ninh tại biển Đông, Công ước dường như không phát huy vai trò tích cực.20
Sở dĩ như vậy vì trước hết nguyên nhân sâu xa nhất đối với các mối đe dọa đối với an ninh trên biển Đông là tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ nhưng UNCLOS không có quy định để điều chỉnh về vấn đề này. Hơn nữa, lịch sử tranh chấp biển Đông cho thấy, tranh chấp dường như bị mở rộng và leo thang một phần do có những quy định của Công ước. Thời điểm Công ước đang được đàm phán cũng là thời điểm tranh chấp biển Đông ghi nhận sự mở rộng của ba bên tranh chấp mới: Philippines, Malaysia và Brunei.21 Điều này có thể được lý giải bởi những quy định mới của Công ước về việc đảo có thể tạo ra các vùng biển đầy đủ như đất liền đã làm cho các quốc gia ven biển nhận ra tầm quan trọng của các thực thể tại biển Đông và đưa ra yêu sách của mình.22 Ngoài ra, dựa trên các quy định của Công ước như quy định về cách xác định đường cơ sở, cách xác định các vùng biển, quy chế các vùng biển, cac quốc gia đã cố tình giải thích và áp dụng theo hướng có lợi nhất cho quốc gia của mình, để từ tranh chấp chủ quyền, tranh chấp đã mở rộng thành tranh chấp về vùng biển và cạnh tranh trong việc thực thi các quyền chủ quyền và quyền tài phán để củng cố cho yêu sách của mình từ đó tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải của khu vực.
Tuy nhiên, ở góc độ ngược lại, người ta cũng có thể lập luận rằng hoàn toàn không có sự mâu thuẫn giữa mục đích của UNCLOS và an ninh hàng hải nhằm duy trì trật tự trên biển. Cùng với sự tham gia gần đây của Thái Lan, hầu hết các quốc gia ven biển Đông, đặc biệt là tất cả các quốc gia là các bên của tranh chấp biển Đông, cũng như có lợi ích liên quan đều đã là thành viên của Công ước luật biển.23 Là thành viên, các quốc gia ven biển Đông có nghĩa vụ giải thích và thực hiện các nghĩa vụ được quy định trong Công ước với thiện chí theo nguyên tắc pacta sunt servanda.24 Theo đó, các quy định của Công ước sẽ phải được giải thích và áp dụng theo đúng mục đích của Công ước và như vậy không thể đe dọa đến an ninh hàng hải tại biển Đông. Vai trò cụ thể của Công ước có thể được nhìn nhận ở các khía cạnh sau đây:
Vai trò của UNCLOS 1982 trong việc kiềm chế và quản lý các mối đe dọa an ninh hàng hải
Hạn chế và làm rõ đối tượng của yêu sách chủ quyền lãnh thổ
Đối với yêu sách chủ quyền, mặc dù không quy định về giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, UNCLOS có thể được áp dụng nhằm thu hẹp và làm rõ đối tượng của tranh chấp lãnh thổ. Hiện nay, đối tượng tranh chấp chủ quyền dẫn đến mất an ninh hàng hải tại biển Đông chủ yếu là yêu sách chủ quyền đối với các đảo nằm giữa biển Đông.25 Các quốc gia thường chỉ đưa ra yêu sách chủ quyền một cách chung chung là yêu sách chủ quyền với một nhóm các thực thể được gọi tên là Hoàng Sa, Trường Sa và Kalayaan. Tuy nhiên không phải mọi thực thể của Hoàng Sa và Trường Sa hoặc Kalayaan đều thỏa mãn là đối tượng của tranh chấp lãnh thổ.
Các thực thể trên biển có thể chia thành ba loại là các thực thể chìm, các bãi nửa nổi nửa chìm và các đảo. UNCLOS đã đưa ra định nghĩa đảo rất rõ ràng, theo đó chỉ “các vùng nước được hình thành tự nhiên, có nước bao bọc và nổi trên mặt nước khi thủy triều lên” mới là đảo theo định nghĩa tại điều 121 (1). Các tiêu chí về “hình thành tự nhiên”, “có nước bao bọc” và “nổi khi thủy triều lên” phải được kết hợp với nhau để xác định một thực thể là đảo. Các tiêu chí này loại bỏ sự can thiệp của con người để làm thay đổi định dạng, cấu trúc tự nhiên của các thực thể nhằm tạo thành đảo. Đồng thời tiêu chí nổi khi thủy triều lên cũng giúp phân biệt rõ ràng đảo và các bãi nửa nổi nửa chìm khi các bãi này chỉ nổi khi thủy triều xuống thấp.26 Các thực thể còn lại không nổi kể cả khi thủy triều xuống thấp chỉ là các bãi chìm, thuộc một phần của thềm lục địa và đáy đại dương. Trong số các thực thể này, chỉ có đảo thõa mãn là đối tượng của yêu sách lãnh thổ. Các bãi nửa nổi nửa chìm có thể được sử dụng làm điểm cơ sở cho các đảo trong một số điều kiện theo quy định của UNCLOS27 nhưng không thể là đối tượng của yêu sách chủ quyền.28 Đồng thời, với quan điểm là bãi nửa nổi nửa chìm không thể đồng nhất với đảo, các quốc gia không được sử dụng các bãi nửa nổi nửa chìm trong các vùng chồng lấn làm điểm cở sở.29 Ngoài ra, hành vi can thiệp của con người để xây dựng các công trình trên các bãi nửa nổi nửa chìm và bãi chìm có thể tạo ra đảo nhân tạo, nhưng đảo nhân tạo không phải là đối tượng của yêu sách chủ quyền vì việc quyết định cho phép xây dựng đảo nhân tạo thuộc quyền tài phán của quốc gia ven biển, và khi được xây dựng đảo nhân tạo cũng chỉ có vùng an toàn tối đa 500 mét, khác hoàn toàn đảo.30
Như vậy, nếu giải thích và áp dụng đúng đắn quy định của UNCLOS, số lượng các đảo là đối tượng của yêu sách chủ quyền lãnh thổ tại biển Đông sẽ nhỏ hơn nhiều số lượng các thực thể đang được yêu sách chủ quyền lãnh thổ hiện nay. Các quốc gia không thể tiến hành xây dựng các công trình để biến các bãi nửa nổi nửa chìm hoặc các bãi chìm thành đảo để yêu sách chủ quyền lãnh thổ. Qua đó, việc áp dụng các quy định của UNCLOS đã giúp hạn chế và làm sáng tỏ đối tượng của yêu sách chủ quyền lãnh thổ của các bên, từ đó hạn chế việc chiếm giữ các bãi chìm, bãi nửa nổi nửa chìm và xây dựng các công trình nhân tạo trên các thực thể này.
Thiết lập cơ sở pháp lý đối với yêu sách vùng biển
Với yêu sách vùng biển, theo học thuyết đất thống trị biển đã được pháp điển hóa vào nội dung các quy định của công ước, các vùng biển chỉ có thể được tạo ra từ các danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ.31 Theo đó, đất liền của các quốc gia ven biển có thể tạo ra các vùng biển nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.32 Các đảo cũng có thể tạo ra đầy đủ các vùng biển như đất liền nếu các đảo có đời sông kinh tế riêng hoặc có khả năng cho con người sinh sống.33 Nếu vùng biển của các quốc gia chống lấn với nhau thì việc phân định sẽ được thực hiện để hướng đến giải pháp công bằng.34 Thực tiễn áp dụng các quy định pháp lý của UNCLOS có mấy điểm cần lưu ý sau đây:
Thứ nhất, việc xác định các vùng biển của đảo là vấn đề còn gây tranh cãi do quy định mập mờ của Công ước và các quốc gia có xu hướng tối đa lợi ích của mình thông qua việc giải thích rộng rãi các điều kiện về khả năng cho con người cư trú và đời sông kinh tế riêng của điều 121(3) để yêu sách đầy đủ các vùng biển cho các đảo. Tuy nhiên, xu hướng này đi ngược lại mục đích của điều 121(3) là để nhằm hạn chế sự mất cân đối về hiệu lực tạo ra các vùng biển giữa đất liền và các đảo, chứ không phải là công cụ để mở rộng vùng biển cho các đảo.35
Thứ hai, việc phân định biển để hướng đến giải pháp công bằng đã được thực tiễn các quốc gia thực hiện với một quy trình thống nhất gồm 2 bước: xác định đường cách đều và điều chỉnh đường này để đạt đến giải pháp công bằng.36 Trong số các tiêu chí để xác định sự điều chỉnh, tỷ lệ độ dài bờ biển luôn là yếu tố có sức mạnh. Điều này cho thấy, cho dù các đảo tại biển Đông có thể được yêu sách đầy đủ vùng biển nhưng do kích thước quá nhỏ bé, tỉ lệ bờ biển của các đảo sẽ chênh lệch lớn với bờ biển của các quốc gia ven biển nên khi phân định các đảo này không bao giờ được hưởng đầy đủ hiệu lực. Phán quyết gần đây giữa Rumani và Ukraina đã cho thấy để phân định biển giữa hai quốc gia Tòa không cần xem xét về việc đảo Serpent là đảo thuộc quy định tại khoản 2 (tức là có đầy đủ các vùng biển) hay đảo đá thuộc quy định tại khoản 3 của điều 121 để có thể phân định được vùng biển chồng lấn giữa hai quốc gia.37 Như vậy, nhìn vào đặc điểm địa lý của biển Đông có thể thấy việc yêu sách vùng biển cho các đảo tại biển Đông không thực sự quan trọng bởi các đảo này sẽ bị giảm hiệu lực thậm chí bỏ qua khi phân định  biển với các vùng biển của đất liền và kết luận này không phụ thuộc vào việc chủ quyền đối với các đảo thuộc về quốc gia nào.
Thứ ba, ngoài các cơ sở pháp lý để xác định các vùng biển, UNCLOS không quy định về cơ sở lịch sử để yêu sách các vùng biển mà chỉ đề cập đến khái niệm vịnh lịch sử. Thực tiễn quốc tế cũng cho thấy thuật ngữ lịch sử chỉ được áp dụng cho vùng nước lịch sử hoặc vịnh lịch sử với ý nghĩa như là nội thủy và để thiết lập vùng nước lịch sử hoặc vịnh lịch sử cần thỏa mãn các yêu cầu nghiêm ngặt về chiếm hữu thực sự, hòa bình, liên tục trong thời gian dài và không có sự phản đối của các quốc gia có liên quan.38 Thực tiễn về chiếm hữu thực sự hòa bình, liên tục và không có phản đối của các quốc gia có liên quan không tồn tại tại Biển Đông.39
Như vậy, có thể thấy, việc áp dụng đúng đắn các quy định của Công wocs 1982 sẽ tạo ra cơ sở hợp pháp cho yêu sách vùng biển của các bên. Theo đó, yêu sách các vùng biển cần được dựa trên các vùng biển tạo ra từ bờ biển đất liền của các quốc gia ven biển. Do những đặc thù về tự nhiên và địa lý, các đảo giữa biển Đông không nên được yêu sách có đầy đủ các vùng biển và cho dù có được yêu sách như vậy, các đảo này cũng không thể hưởng nguyên các vùng biển được yêu sách trong phân định biển do có sự chồng lấn với vùng biển của các quốc gia ven biển. Các yêu sách về vùng biển dựa trên cơ sở lịch sử không phù hợp với quy định của UNCLOS. Với những ý nghĩa này, các quốc gia ven biển Đông có thể những định hướng pháp lý cho những yêu sách vùng biển và từ đó phạm vi các vùng biển không có tranh chấp được làm rõ.
Tạo cơ sở pháp lý cho các hành xử phù hợp
UNCLOS không chỉ định ra cơ sở pháp lý để xác định giới hạn của yêu sách các vùng biển mà còn định ra các chế độ pháp lý của từng vùng biển. Chế độ pháp lý của từng vùng biển được đặc trưng bởi quy định về quyền và nghĩa vụ của hai nhóm nước: các quốc gia ven biển và các quốc gia khác. Các quốc gia khác có nghĩa vụ tôn trọng quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển là ngược lại. Theo đó, nội thủy và lãnh hải thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển. Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền của quốc gia ven biển trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật của biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Các quốc gia ven biển cũng có quyền tài phán đối với việc lắp đặt, sử dụng các công trình, các đảo nhân tạo, lắp đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và nghiên cứu khoa học biển.40 Các quốc gia khác được hưởng quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải, quyền tự do hàng không, hàng hải tại vùng đặc quyền kinh tế.41
Từ những phân tích về cơ sở pháp lý của yêu sách vùng biển, trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của cac quốc gia ven biển, các quốc gia ven biển Đông có toàn quyền thực hiện các hoạt động thăm dò, khai thác, bảo tồn, quản lý tài nguyên thiên nhiên. Các hành vi quấy rối, đe dọa sử dụng vũ lực, sử dụng vũ lực đối với các tàu thăm dò, khảo sát tài nguyên thiên nhiên, bắt giữ tàu cá và đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển là vi phạm các quyền của các quốc gia ven biển theo quy định của UNCLOS.
Ngược lại các quốc gia ven biển cũng cần tôn trọng quyền lợi của các quốc gia khác, không được có hành vi cản trở quyền tự do hàng hải và tự do hàng không của tàu thuyền và các phương tiện bay, không được có hành vi phân biệt đối xử khi trao quyền qua lại vô hại tại lãnh hải.
Như vậy, nếu thực hiện đúng theo quy định của UNCLOS thì đa số các hành vi mà các bên tranh chấp hiện nay đang thực hiện nhằm củng cố chủ quyền đồng thời gây ra mất an ninh hải là hành vi vi phạm nghĩa vụ mà các quốc gia thành viên đã cam kết khi gia nhập UNCLOS. Việc giải thích và áp dụng đúng đắn UNCLOS sẽ giúp các mối đe dọa đến an ninh hàng hải được kiềm chế và kiểm soát.
Đề ra cơ chế giải quyết tranh chấp
Cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định tại phần XV để giúp các quốc gia giải quyết những bất đồng về giải thích và thực hiện các nghĩa vụ của Công ước. Theo đó, UNCLOS khẳng định nguyên tắc cơ bản là giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên thông qua các biện pháp hòa bình.42 Để thực hiện nguyên tắc này, trước hết các bên tranh chấp cần giải quyết tranh chấp thông qua trao đổi quan điểm và hòa giải.43 Nếu sau một khoảng thời gian hợp lý, tranh chấp chưa được giải quyết thì các bên có nghĩa vụ bắt buộc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tư pháp. Trong đó, các quốc gia có quyền lựa chọn một trong bốn cơ chế: Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án luật biển của Liên Hợp Quốc, Trọng tài theo phụ lục VII và Trọng tài theo Phụ lục VIII. Không đưa ra lựa chọn sẽ dẫn tới việc giải quyết tại Trọng tài theo Phụ lục VII là cơ chế bắt buộc.44
Tuy nhiên, Công ước cũng dành cho các quốc gia thành viên được quyền loại bỏ một số tranh chấp ra khỏi phạm vi xét xử bắt buộc của phần XV, trong số này có tranh chấp về chủ quyền, về phân định biển…45 Theo đó, Trung Quốc đã sử dụng quyền này để loại bỏ khả năng áp dụng thủ tục bắt buộc cảu phần XV vào việc giải quyết tranh chấp tại biển Đông.46 Nhiều học giả lạc quan cho rằng cần thuyết phục Trung Quốc với tư cách là nước lớn, rút bảo lưu để đưa tranh chấp biển Đông ra giải quyết bởi cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS nhằm đạt được giải pháp khách quan và lâu dài.47
Trong khi chờ một động thái như vậy từ Trung Quốc, các quốc gia ven biển Đông vẫn có thể vận dụng cơ chế giải quyết của Công ước để giải quyết một số tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng một số điều khoản của Công ước, trong đó điều 121 có thể là một ví dụ. Một yêu sách như vậy có thể được đệ tình lên Tòa Công lý quốc tế hoặc Tòa án luật biển dưới dạng một yêu cầu xét xử do có sự áp dụng khác nhau hoặc yêu cầu đưa ra ý kiến tư vấn.48 Ngoài ra, trong những trường hợp cấp thiết, nhằm ngăn chặn những hậu quả không thể khắc phục được, các bên còn có thể yêu cầu Tòa Công lý quốc tế hoặc Tòa án luật biển ra quyết định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời.49
Việc vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS trong bối cảnh hiện nay ít nhất có thể giúp các quốc gia ven biển thống nhất việc giải thích và áp dụng một số điều khoản quan trọng đối với tranh chấp tại biển Đông, ngăn chặn các hành vi và hậu quả nghiêm trọng qua đó hạn chế các nguy cơ đối với an ninh hàng hải.
Xây dựng cơ chế hợp tác
Nhiều mối đe dọa đến an ninh hàng hải, đặc biệt là an ninh phi truyền thống là hậu quả của việc các quốc gia đã quá tốn thời gian vào việc leo thang tranh chấp và thực hiện các hành động củng cố yêu sách mà quên đi việc thực hiện các hoạt động hợp tác để quản lý các vấn đề xuyên quốc gia. UNCLOS đề ra những khuôn khổ hợp tác về vấn đề bảo vệ và bảo tồn môi trường biển,50 nghiên cứu khoa học biển,51 về phát triển và chuyển giao kỹ thuật hàng hải,52 và tôn trọng quyền của các quốc gia không có biển hoặc gặp bất lợi về mặt địa lý.53
Hơn nữa, liên quan cụ thể đến bối cảnh biển Đông, các quốc gia ven biển có nghĩa vụ đạt được những dàn xếp tạm thời trong khi chờ đợi đạt được đến giải pháp lâu dài theo quy định của điều 74(3) và 83(3).54 Công ước không quy định cụ thể về các hình thức thỏa thuận tạm thời, do vậy các thỏa thuận hợp tác và khai thác chung chính là những hình thức thỏa thuận tạm thời đáp ứng việc thực hiện nghĩa vụ này.
Ngoài ra, với đặc điểm là một biển nửa kín, có nguồn tài nguyên sinh vật biển nhiệt đới vô cùng phong phú, theo quy định tại điều 123, các quốc gia ven biển Đông có nghĩa vụ hợp tác trực tiếp hoặc thông qua các thiết chế khu vực trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Công ước nhằm (1) quản lý, bảo tồn, thăm dò, khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật biển, (2) phối hợp thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển, (3) phối hợp thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học biển và nếu phù hợp thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học biển chung trong khu vực, (4) nếu phù hợp, mời các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế tham gia để thúc đẩy việc thực hiện nghĩa vụ này.
Như vậy, trong khi chờ đạt đến một giải pháp lâu dài cho tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, các quốc gia có thể hợp tác với nhau về trong các lĩnh vực theo quy định của điều 123 nhằm hạn chế và kiểm soát các nguy cơ đối với an ninh phi truyền thống tại biển Đông.
Thay lời kết
Có thể nói nếu các quy định của Công ước luật biển 1982 được giải thích và áp dụng một cách thiện chí phù hợp với nghĩa vụ điều ước của các quốc gai thành viên thì phần lớn các nguy cơ đối với an ninh hàng hải tại biển Đông có thể được kiềm chế và quản lý. Điểm khó khăn là không phải mọi quy định cần thiết đối với biển Đông đều được quy định rõ ràng và dễ áp dụng. Ví dụ như quy định tại điều 7 về đường cơ sở thẳng, điều 121 về quy chế đảo, điều 58 về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế, đã ít nhiều gây ra những tranh cãi và thiếu thống nhất trong thực tiễn áp dung, từ đó có thể bị áp dụng theo hướng có lợi cho lợi ích của một số quốc gia nhất định và gây ra căng thẳng, ảnh hưởng đến an ninh hàng hải tại biển Đông. Điều này có thể dễ dành giải thích bởi UNCLOS không phải là một văn bản được xây dựng riêng cho khu vực và quá trình đàm phán, ký kết Công ước cho thấy đôi khi các quy định buộc phải chung chung để có được sự chấp thuận của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, Biển Đông lại, một môi trường biển phong phú, chứa đựng trong đó một tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và vùng biển thuộc loại phức tạp nhất trên thế giới và điểm nóng của an ninh hàng hải. Đặc thù của biển Đông đòi hỏi việc giải thích và áp dụng thiện chí các quy định của UNCLOS là cần thiết nhưng chưa đủ. Các quốc gia ven biển Đông cần dựa trên nền của Công ước để xây dựng văn bản pháp lý cụ thể cho khu vực, ví dụ như một Bộ luật ứng xử có hiệu lực pháp lý trong tương lai, để đảm bảo sự áp dụng thống nhất các quy định của UNCLOS và qua đó kiểm soát và quản lý hiệu quả các mối đe dọa với an ninh trên biển Đông.
CHÚ THÍCH
1 Học viện Ngoại giao Việt Nam
2 Michael McNicolars, Maritime Security: An introduction, Butterworth-Heinemann, 2007
3 Geoffey Till, Seapower: A Guide for the Twenty-first Century, Taylor & Francis, 2009 p.311
4 US National Strategy for Maritime Security: A Cooperative Strategy for the 21st century seapower, p.8
5 Biển Đông là biển nửa kín và là một trong những biển nhiệt đới có sự đa dạng sinh học cao nhất. Trữ lượng và các loài cá của biển Đôgn vô cùng phong phú, cùng với đó là tiềm năng về dầu lửa, khí đốt và băng cháy. Ngoài ra, hơn 41000 tàu thuyền, chiếm tới một nửa lượng tàu thuyền vận tải hàng hóa hàng năm qua lại tại các tuyến đường hàng hải trên biển Đông.
6 Ví dụ như Nhật Bản hay Hàn Quốc không phải là quốc gia ven biển Đông nhưng hàng năm 80% lượng dầu thô nhập khẩu của hai quốc gia này được vận chuyển qua Biển Đông.
7 Số liệu thống kê chính thức về ngân sách quốc phòng do Chính phủ Trung Quốc công bố vào ngày 4 tháng 3 năm 2010. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin phương tây, con số này cho thấy ngân sách này không tính đến kinh phí dành cho nhập khẩu vũ khí. Riêng năm 2009, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thống kê rằng tổng cộng ngân sách quốc phòng kể cả kinh phí nhập khẩu của Trung Quốc lên đến 150 tỉ đô la Mỹ. Trung Quốc không công bố số liệu này. Thống kê từ Nga cũng cho thấy Trung Quốc đã sử dụng 17 tỷ đô la Mỹ để nhập khẩu vũ khí từ Nga từ năm 2001 đến 2010.
8 Vinod Saighal, “Is Time Running Out: The Urgency for Full, Final and Equitable Resolution of the South China Sea Imbroglio”, Bài trình bày tại Hội thảo biển Đông: Hướng tới một khu vực Hòa bình, An ninh và Hợp tác, Hồ Chí Minh, 2010.
9 Như sự kiện đe dọa tàu thăm dò của Philippines tại Reed Bank vào tháng 3 năm 2011 và cắt cáp khảo sát biển của tàu Bình Minh 02 và Viking của Việt Nam vào tháng 5 và 6 năm 2011.
10 Thời báo Hoàn cầu, ngày 25 tháng 11 năm 2011. Mặc dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định đây không phải là chính sách chính thống của chính quyền Bắc Kinh, việc một tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra quan điểm này ít nhất cho thấy đây là quan điểm thắng thế trong bộ phận lớn lãnh đạo Trung Quốc hoặc ít nhất đây là chiến lược răn đe của Trung Quốc trước các quốc gia trong khu vực. Trước đó, vào tháng 6, thời báo này cũng đã đưa ra một bài xã luận nêu rõ khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào Việt Nam nếu Việt Nam tiếp tục khiêu khích Trung Quốc ở biển Đông, Global Times,
11 Vụ thứ nhất là vụ va chạm giữa máy bay của Trung Quốc và máy bay quân sự của Mỹ EP3 tại vùng trời cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 70 dặm vào ngày 1 tháng 4 năm 2001 và vụ thứ hai là vụ đụng độ giữa tàu hải quân của Trung Quốc và tàu hải quân Impeccable của Mỹ đã xảy ra tại địa điểm cách đường cơ sở của Trung Quốc 75 hải lý vào ngày 8 tháng 3 năm 2009.
12 Scott Snyder, Brad Glosserman, and Ralph A. Cossa, Condidence Building Measures in the South China Sea, Issues and Insights, No 2-01, Pacific Forum CSIS, 2001, p.4.
13 Christopher John Paterson, UNEP/GEF Review of Coral Reefs in the South China Sea, 2006, p.5-6
14 Số liệu này được thống kê vào năm 2007 và chưa tính đến số lượng ngư dân của Việt Nam, thông tin có tại www.fishstat.seafdec.org/statistical_bulletin/mf_fishman_action.php (truy cập vào ngày 31 tháng 10 năm 2011). Chưa kể đến Trung Quốc và Đài Loan cũng có vị trí địa lý ven biển Đông và có lượng ngư dân đông đảo khai thác các tại biển Đông.
15 Sources: World Review of Fisheries and Aquaculture, 2010, accessed at www.fao.org/docrep/013/i1820e/i1820e01.pdf (accessed on 31 October 2011). Trung Quốc, Đài Loan cũng là một trong những bên xuất khẩu hải sản lớn trên thế giới.
16 Scott Snyder et al, note 12, p.19
17 Christopher J. Paterson, op.cit, note 13
18 Một số quốc gia như Philippines và Indonesia đã bắt đầu thống kê thiệt hại từ các hoạt động đánh bắt cá trái phép đối với nền kinh tế của mình. Điều này cũng dẫn đến các hoạt động tăng cường tuần tra và bắt giữ các tàu cá nước ngoài. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là quốc gia tích cực cử các tàu tuần tra đi sâu vào các vùng nước tại biển Đông để thực hiện việc xua đuổi và bắt giữ các tàu cá của các quốc gia khác.
19 Lời nói đầu của Công ước luật biển. Để đọc toàn văn công ước, xem tài liệu Liên Hợp Quốc số A/CONF.62/122 ) (1982), hoặc trên trang của Liên Hợp Quốc tại http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/convention_overview_convention.htm
20 Quan điểm này được Sam Bateman lập luận tại UNCLOS an its Limitations as the Foundation for a Regional Maritime Security Regime, Working paper, No. 111, Institute of Defence and Strategic Studies, Singapore, 2006
21 Philippines lần đầu tiên đưa ra yêu sách với 53 thực thể của Trường Sa và đặt tên là Kalayaan vào năm 1971, đồng thời khẳng định yêu sách bằng một đạo luật của Tổng thống năm 1978. Malaysia đưa ra bản đồ về thềm lục địa, đồng thời yêu sách một số thực thể của Trường Sa nằm trên thềm lục địa của Malaysia theo bản đồ này vào năm 1979. Brunei cũng xuất bản bản đồ về vùng đánh cá và thềm lục địa vào năm 1987-1988 trong đó có yêu sách đối với đảo Hoa Lau.
22 Quy chế pháp lý của đảo đã được quy định tại điều 10 của Công ước về lãnh hải năm 1958. Tuy nhiên, điều 10 chỉ cung cấp định nghĩa về đảo và cho phép đảo xác định vùng lãnh hải theo các quy định của công ước. Công ước 1982 đã kế thừa định nghĩa đảo tại điều 10 và quy định về khả năng đảo có thể có đầy đủ các vùng biển từ lãnh hải, đặc quyền kinh tế đến thềm lục địa nếu thỏa mãn các điều kiện về khả năng cho con người cư trú hoặc có đời sống kinh tế riêng. Với quy định mới này, các quốc gia đã nhìn thấy tiềm năng của đảo để tạo ra các vùng biển rộng lớn không khác gì đất liền.
23 Thái Lan đã phê chuẩn Công ước luật biển vào ngày 15/5/2011, đưa tất cả các quốc gia ven biển Đông trừ Campuchia đều đã là thành viên của UNCLOS.
24 Là nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được quy định tại điều 26 Công ước Viên năm 1969 về luật điều ước quốc tế, điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc và đã trở thành một nguyên tắc tập quán có giá trị bắt buộc chung với tất cả các quốc gia.
25 Ngoài yêu sách chủ quyền liên quan đến các đảo, các quốc gia ven biển Đông còn có một số tranh chấp chủ quyền khác như tranh chấp đối với Sabah giữa Philippines và Malaysia, tranh chấp chủ quyền về ngôi đền Preah Vihear giữa Campuchia và Thái Lan. Tuy nhiên những tranh chấp này không làm ảnh hưởng đến an ninh hàng hải. Ngoài ra, các quốc gia cũng còn có một số tranh chấp về các đảo ven bờ như tranh chấp giữa Malaysia và Singapore về chủ quyền của Sidadan, Ligitan và Pedra Branca. Tuy nhiên, các tranh chấp này đã được giải quyết thành công thông qua con đường tài phán vào năm 2002 và 2008
26 Điều 13, UNCLOS
27 Theo điều 13(1) của UNCLOS, khi toàn bộ hay một phần bãi nửa nổi nửa chìm ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi nửa nổi nửa chìm này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải. Đồng thời kết hợp với quy định của điều 7 (4) thì ngoài tiêu chí về khoảng cách bãi nửa nổi nửa chìm chỉ được sử dụng làm điểm cơ sở nếu có đèn biển hoặc công trình luôn nổi trên mặt nước được xây dựng trên bãi nửa nổi nửa chìm đó.
28 Phán quyết của Tòa Công lý quốc tế trong vụ Qatar v. Bahrain case (2001) đã làm rõ thêm chế độ pháp lý của bãi nửa nổi nửa chìm. Bằng việc nêu lại quy định của điều 13(2), các điều kiện để một bãi nửa nổi nửa chìm có thể được sử dụng làm điểm cơ sở tại điều 13(1) và điều 7(4) và rà soát lai các quy định điều ước và thực tiễn áp dụng của các quốc gia, Tòa kết luận rằng các quy định pháp luật hiện nay cho thây bãi nửa nổi nửa chìm không thể có địa vị ngang bằng với đảo (đoạn 2006). Kể cả trong trường hợp bãi nửa nổi nửa chìm được sử dụng làm điểm cơ sở theo quy định của điều 13(1) và 7(4) thì các quy định của luật biển cũng không cho phép việc áp dụng phương pháp sử dụng tiếp nối hai bãi nửa nổi nửa chìm, trong khi phương pháp này vẫn được áp dụng với hai đảo (đoạn 2007).
29 Mặc dù trong vụ Qatar v. Bahrain, các bãi nửa nổi nửa chìm nằm trong lãnh hải bị chồng lấn, nhưng phán quyết của tòa tại đoạn 209 không chỉ giới hạn việc sử dụng bãi nửa nổi nửa chìm làm điểm cơ sở trong lãnh hải. Do vậy, có thể cho rằng Tòa đã kết luận rằng bãi nửa nổi nửa chìm không thể được sử dụng làm điểm cơ sở nếu nằm trong khu vực vùng biển đang có tranh chấp nói chung. Kết luận này sẽ có ý nghĩa với việc sử dụng các bãi san hô làm điểm cơ sở (theo quy định của điều 6) do các bãi này không chịu giới hạn bởi khoảng cách như quy định tại điều 13(1).
30 Điều 60, UNCLOS. Thảo luận về vai trò của đảo nhân tạo trong bối cảnh tranh chấp biển Đông, xem thêm: Zou Keyuan, “Tác động của các đảo nhân tạo đối với tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Trường Sa”, bài trình bày tại Hội thảo biển Đông: Hướng tới một khu vực Hòa bình, An ninh và Hợp tác, Hồ Chí Minh, 2010.
31 Phán quyết của vụ Thềm lục địa biển Bắc, North Continental Shelf Case, Judgment, ICJ Reports (1969), trang 3, đoạn 96
32 Theo quy định tại điều 2, 33, 57, 76 của UNCLOS về giới hạn các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển.
33 Điều 121(3) UNCLOS
34 Theo điều 74(3) và 833 UNCLOS
35 Nếu không điều 121 chỉ cần dừng tại khoản 2 với quy định rằng đảo hoàn toàn bình đẳng như đất liền trong việc tạo ra các vùng biển.
36 Quy định của UNCLOS và thực tiễn áp dụng các quy định này trong phân định biển được phân tích tại Nguyễn Thị Lan ANh, “Luật quốc tế về phân định biển và tác động đến tranh chấp Biển Đông”, Bài trình bày tại Hội thảo Biển Đông: Hướng tới một khu vực hòa bình, an ninh và hợp tác, Hồ Chí Minh, 2010.
37 Maritime Delimitation in the Black Sea (Romania v. Ukraine), Judgment, I.C.J Reports 2009, p.61, para.187
38 UN Doc. A/CN.4/143, 9 March 1962, titled “Judicial Regime of Historic Waters, Including Historic Bays”, (1962) 2 Yearbook of the International Law Commission, p.3 at 13
39 Các quốc gia ven biển Đông chưa bao giờ công khai hoặc ngầm thừa nhận bất kỳ yêu sách vùng biển nào có danh nghĩa lịch sử
40 Theo quy định của điều 56, UNCLOS
41 Điều 58 của UNCLOS về quyền tự do hàng hải, hàng không của các quốc gia khác tại vùng đặc quyền kinh tế và điều 17-26 của UNCLOS về quyền qua lại vô hại trong lãnh hải.
42 Điều 279, UNCLOS
43 Điều 283 và 284, UNCLOS
44 Điều 287, UNCLOS
45 Điều 298, UNCLOS
46 Trung Quốc đã ra tuyên bố vào ngày 25 tháng 8 năm 2006 để loại bỏ thủ tục giải quyết bắt buộc của cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS đối với tất cả các tranh chấp được liệt kê tại khoản 1a, b, c của điều 298 của Công ước. Theo đó, tranh chấp liên quan đến chủ quyền và phân định biển tại biển Đông đã bị loại trừ khỏi thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc này. Chi tiết về tuyên bố của Trung Quôc có thể xem tại: http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/convention_declarations.htm#China Upon ratification(truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2011).
47 Sunil Agarwal, “Legal Framework and International Law in Determining the disputed area in the SCS”, bài trình bày tại Hội thảo Tranh chấp biển Đông: Đường tới Hòa bình, Ổn định và Phát triển, Kuala Lumpua, October 2011.
48 Hiện nay Trung Quốc đã gửi Công hàm tới Liên Hợp Quốc ngày 14 tháng 4 năm 2011 yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với Trường Sa, trong khi đó các quốc gia như Indonesia, và gián tiếp là Việt Nam và Malaysia đã bày tỏ quan điểm các đảo tại Trường Sa không tểh có đầy đủ các vùng biển. Sự khác biệt trong việc giải thích và áp dụng điều 121 vào Trường Sa có thể là cơ sở để các bên đưa bất đồng về việc giải thích và áp dụng này ra Tòa án Công lý quốc tế hoặc Tòa án luật biển.
49 Theo quy định tại điều 290, UNCLOS. Trong thực tiễn xét xử cảu Tòa án Công lý quốc tế và Tòa án luật biển đã có nhiều yêu cầu về quyết định khẩn cấp tạm thời được đưa ra và tùy từng mức độ nghiêm trọng và hậu quả có thể xảy ra mà Tòa đã ra quyết định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ lợi ích của các bên. Ví dụ như ITLOS đã xem xét về quyết định khẩn cấp tạm thời trong vụ MIV SAIGA (Provisional Measures), ITLOS Reports 2, 1988, 21, vụ Southern Bluefin Tuna, Order of 27August 1999 và vụ Mox Plant, Order of 3 December 2001. Thảo luận về vấn đề này có thể xem thêm tại Thomas A. Mensah, “Provisional Measures in the International Tribunalfor the Law of the Sea (ITLOS)” Max-Planck-Institut fur auslandisches offentliches Recht und Volkerrecht, 2002
50 Phần XII, UNCLOS
51 Phần XIII, UNCLOS
52 Phần XIV, UNCLOS
53 Điều 69, 70 và phần X của UNCLOS
54 Điều 74 (3) và 83(3) quy định rằng trong khi chờ ký kết thỏa thuận phân định biển, “các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến hoạch định cuối cùng.”

Phụ lục – Tuyên bố của Tổng thống Truman về nguồn tài nguyên trên biển


HỌC VIỆN NGOẠI GIAO
Tài liệu tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba, chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 4-5 tháng 11 năm 2011

PHỤ LỤC

TUYÊN BỐ CỦA TỔNG THỐNG TRUMAN VỀ CHÍNH SÁCH CỦA MỸ LIÊN QUAN ĐẾN CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN DƯỚI ĐÁY BIỂN VÀ NGUỒN THỦY SẢN Ở BIỂN CẢ

Ngày 28 tháng 9 năm 1945
Thông cáo báo chí của Nhà Trắng
Chính sách của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đối với tài nguyên thiên nhiên của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của thềm lục địa.
XÉT RẰNG Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với nhận thức về nhu cầu dài hạn của toàn thế giới đối với các nguồn dầu khí và khoáng sản, giữ quan điểm rằng những nỗ lực khám phá và tạo ra các nguồn dự trữ mới của các nguồn tài nguyên này cần được khuyến khích và
NHẬN THẤY RẰNG các chuyên gia có thẩm quyền của Hoa Kỳ cho rằng các nguồn tài nguyên đó nằm dưới rất nhiều tầng của thềm lục địa ngoài bờ biển của Hoa Kỳ, và với sự tiến bộ của công nghệ hiện đại thì việc sử dụng các nguồn tài nguyên này có thể thực hiện được hoặc sẽ trở thành như vậy vào một ngày không xa;
Ý THỨC RẰNG việc công nhận thẩm quyền đối với các nguồn tài nguyên này là cần thiết vì lợi ích của việc bảo tồn và sử dụng thận trọng chúng ngay khi chúng được phát hiện; và
XÉT THẤY RẰNG Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cho rằng việc thực hiện thẩm quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của lòng đất, đáy biển của thềm lục địa bởi quốc gia ven biển kế cận là hợp lý và công bằng, vì hiệu quả của các biện pháp sử dụng hoặc bảo tồn các nguồn tài nguyên này sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác và bảo vệ từ phía đất liền, vì thềm lục địa được coi như sự mở rộng lãnh thổ đất liền của quốc gia ven biển và do vậy gắn liền một cách tự nhiên vào các quốc gia này, vì những nguồn tài nguyên này thường xuyên tạo thành một phần mở rộng hướng ra biển của một mỏ dầu hoặc mỏ khoáng sản nằm trong phạm vi lãnh thổ, và vì vấn đề tự vệ buộc các quốc gia ven biển phải kiểm soát chặt chẽ các hoạt động ngoài khơi vốn mang tính cần thiết cho việc tận dụng các nguồn tài nguyên này;
Do đó, bây giờ, Tôi, Harry S. Truman, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, công bố chính sách sau đây của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đối với tài nguyên thiên nhiên của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của thềm lục địa.
Nhận thấy tính cấp thiết đối với việc bảo tồn và sử dụng một cách thận trọng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ coi các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đáy biển lòng đất dưới đáy biển của thềm lục địa, nhưng tiếp giáp với bờ biển của Hoa Kỳ thuộc về Hoa Kỳ, thuộc thẩm quyền và kiểm soát của Hoa Kỳ. Trong trường hợp thềm lục địa kéo dài tới bờ biển của một quốc gia khác, hoặc là chồng lấn với quốc gia lân cận, ranh giới sẽ được xác định bởi Hoa Kỳ và quốc gia có liên quan phù hợp với nguyên tắc công bằng. Đặc tính biển cả của các vùng nước nằm phía trên thềm lục địa cũng như quyền hàng hải tự do và không bị cản trở qua các vùng biển đó sẽ không hề bị ảnh hưởng.
TRƯỚC SỰ CHỨNG KIẾN TẠI ĐÂY, tôi đã đặt tay và đóng con dấu của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ lên văn bản này.
THỰC HIỆN tại thành phố Washington ngày 28 tháng Chín, năm 1945, và lần độc lập thứ 170 của Hoa Kỳ.
[Dấu]
Harry S.Truman
Thừa lệnh Tổng thống
DEAN ACHESON
Quyền Ngoại trưởng
Chính sách của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đối với nguồn thủy sản ở một số vùng biển
XÉT RẰNG trong một vài năm, Chính phủ Hoa Kỳ đã quan tâm đến tình trạng thiếu các thỏa thuận để bảo vệ và bảo tồn của các nguồn thủy sản tiếp giáp với bờ biển của Hoa Kỳ, và nhận thấy khả năng đáng lo ngại của tình trạng này, đã nghiên cứu một cách kỹ càng khả năng tận dụng cơ sở thẩm quyền tài phán đối với các biện pháp bảo tồn và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, và
NHẬN THẤY RẰNG nguồn lợi thủy sản như vậy có một tầm quan trọng đặc biệt như một kế sinh nhai đối với cộng đồng ven biển và như là một nguồn lương thực và tài nguyên công nghiệp đối với quốc gia.
XÉT RẰNG sự phát triển tiến bộ của phương pháp và kỹ thuật mới góp phần tăng cường việc đánh bắt các trên các vùng biển rộng và trong một số trường hợp đe dọa nghiêm trọng đến nguồn thủy sản đang bị cạn kiệt, và
Ý THỨC RẰNG, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển khỏi sự khai thác mang tính hủy diệt là một như cầu bức thiết, có liên quan đến điều kiện đặc thù của từng khu vực và từng tình hình và liên quan đến các quyền đặc biệt và các quyền lợi hợp lý của các quốc gia ven biển và của bất kỳ quốc gia nào có thể chứng minh được lợi ích chính đáng của mình trong đó;
Do đó, bây giờ, Tôi, Harry S. Truman, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, công bố chính sách sau đây của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đối với nguồn thủy sản ở một vài khu vực của biển cả.
Xét thấy nhu cầu cấp thiết đối với việc bảo tồn và bảo vệ của các nguồn thủy sản, Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ coi việc thành lập khu bảo tồn ở những khu vực biển tiếp giáp với bờ biển của Hoa Kỳ hoạt động đánh bắt cá trong đó đang hoặc trong tương lai sẽ có thể được phát triển và duy trì trên một quy mô đáng kể là điều xác đáng. Trường hợp các hoạt động này sau này có thể được phát triển và duy trì bởi công dân của Hoa Kỳ thì Hoa Kỳ cũng cho rằng cần thiết để thành lập khu bảo tồn được phân ranh giới một cách rõ ràng trong đó hoạt động đánh bắt cá sẽ phụ thuộc vào quy định và kiểm soát của Hoa Kỳ. Trường hợp hoạt động như vậy sau này có thể được được phát triển và duy trì bởi các công dân của Hoa Kỳ và công dân của nước khác, thì khu bảo tồn có ranh giới rõ ràng này có thể được thành lập theo thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khác; và tất cả các hoạt động đánh bắt cá sẽ phụ thuộc vào quy định và sự kiểm soát theo quy định trong các hiệp định đó. Quyền thành lập khu bảo tồn ngoài khơi của bất kỳ quốc gia nào phù hợp với các nguyên tắc trên đều được thừa nhận, với điều kiện các quốc gia đó phải thừa nhận mọi lợi ích đánh bắt cá của các công dân của Hoa Kỳ mà có thể tồn tại ở những khu vực đó. Tính chất biển cả của các khu vực nơi các khu bảo tồn này được thành lập và quyền hàng hải tự do và không bị cản trở không bị ảnh hưởng.
TRƯỚC SỰ CHỨNG KIẾN TẠI ĐÂY, tôi đã đặt tay lên con dấu của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và đóng dấu lên văn bản này.
THỰC HIỆN tại thành phố Washington ngày 28 tháng Chín, năm 1945, và lần độc lập thứ 170 của Hoa Kỳ.
[Dấu]
Harry S.Truman
Thừa lệnh Tổng thống
DEAN ACHESON
Quyền Ngoại trưởng
SẮC LỆNH
Về bảo tồn và thay thế một vài tài nguyên của Thềm Lục Địa dưới sự kiểm sót và thẩm quyền của Bộ trưởng Nội Vụ.
Chiểu theo thẩm quyền được giao phó của Tổng thống Hoa Kỳ, tôi ra sắc lệnh rằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của thềm lục địa, tiếp giáp với bờ biển của Hoa Kỳ đã được tuyên bố trong ngày hôm nay thuộc về Hoa Kỳ và phụ thuộc vào thẩm quyền và sự kiểm soát của Hoa Kỳ. Chúng được bảo tồn và được đặt dưới thẩm quyền và kiểm soát của Bộ trưởng Nội vụ vì các mục đích quản lý, trong khi chờ ban hành văn bản pháp luật liên quan. Sắc lệnh này hoặc Tuyên bố đã nói ở trên không ảnh hưởng đến phán quyết hay nghị định tư pháp về bất kỳ vấn đề nào giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khác, liên quan đến quyền sở hữu hoặc kiểm soát lòng đất và đáy biển của thềm lục địa bên trong vòng hoặc bên ngoài giới hạn ba dặm.
HARRY S. TRUMAN
NHÀ TRẮNG,
28 tháng 9, 1945
SẮC LỆNH
Về việc thiết lập các khu bảo tồn thủy sản
Theo thẩm quyền được giao phó của Tổng thống Hoa Kỳ, tôi ra sắc lệnh rằng Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nội vụ kể từ đây sẽ cùng nhau kiến nghị việc thành lập theo Sắc lệnh về khu vực bảo tồn thủy sản trong các vùng biển tiếp giáp với bờ biển của Hoa Kỳ, chiểu theo Tuyên bố có tựa đề “Chính sách của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đối với nguồn thủy sản ở một số vùng biển”, được tôi ký ngày hôm nay và yêu cầu các Bộ trưởng trong từng trường hợp sẽ khuyến nghị các điều khoản để kết hợp với các sắc lệnh liên quan đến việc điều hành, quản lý và kiểm soát các nguồn thủy sản và các hoạt động đánh bắt cá trong các khu vực đó, theo thẩm quyền của pháp luật hoặc thẩm quyền được quy định.
HARRY S.TRUMAN
NHÀ TRẮNG
28 tháng 9 năm 1945

HỐT TẤT LIỆT KHÔNG NGU NHƯ BÒ



 

HỐT TẤT LIỆT KHÔNG NGU NHƯ BÒ

Huỳnh Ngọc Chênh

Ngoại sử Mông Cổ kể rằng sau khi đạp đổ Trung Hoa dưới vó ngựa chinh phạt của mình, Hốt Tất Liệt nghĩ ngay đến chủ trương “toàn súc” nên phán rằng: “Đất đai nơi nầy rộng lớn và tươi tốt, khí hậu ôn hòa nhưng dân Hán đông quá, sống chật hết đất. Nay ta lệnh giết hết dân Hán để lấy chỗ chăn nuôi súc vật”. Một trí thức Hán đang làm thông ngôn cho quân Mông Cổ nghe vậy hoảng hốt nghĩ thầm “Thằng rợ du mục nầy quả là ngu, ta phải khai hóa cái đầu bò tối tăm của hắn để cứu Hán tộc” rồi quỳ mọp xuống thưa: “Thưa đức Đại Đế anh minh, nuôi người Hán có lợi hơn nuôi súc vật”. Các tướng Mông Cổ tức giận quát nạt: “ Vô lý! Vô lý! Nuôi người Hán mà lợi hơn nuôi súc vật à? Người Hán chúng mày có làm ra sữa ra thịt như cừu, ngựa của chúng tao không?”

Hốt Tất Liệt phán: “Ngươi giải thích cho thông, không thì tao chém đầu”. Trí thức Hán thưa: “Dạ để cho người Hán sống không phải nuôi, cho chúng tự do làm ăn, của cải chúng làm ra bắt đóng thuế thì lợi gấp trăm lần nuôi súc vật”.
Hốt Tất Liệt là vị đại đế lãnh đạo hàng trăm vạn quân thảo phạt từ Tây sang Đông thì đầu óc không hề ngu muội tăm tối như tay trí thức Hán nghĩ. Ngay tức khắc, ông ngộ ra, liền dẹp bỏ chủ trương “toàn súc”, cho người Hán sống để thu thuế. Từ đó ông dựng nên triều đình nhà Nguyên giàu mạnh hùng cường.

Đảng ta sau khi chiếm trọn miền Nam, liền nghĩ đến chủ trương toàn trị, dành hết tất cả các quyền chính trị vào một mối: quyền lãnh đạo, quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp, quyền ngôn luận.
Rồi cả cái quyền không dính líu gì đến chính trị là quyền dân sinh tức là quyền được tự do làm ăn, học hành, vui chơi và sinh hoạt của người dân, đảng cũng thu tóm.
Đảng lùa hết người dân vào tập thể để tất cả họ đều trở thành người làm công cho đảng. Của cải làm ra giao nộp hết cho đảng rồi đảng phát lại phiếu mua gạo, phiếu mua thực phẩm, phiếu mua áo quần…Rồi đảng lo trường học, lo chữa bệnh, lo chỗ vui chơi giải trí, kể cả cái nhỏ nhặt nhất của phụ nữ là cái băng vệ sinh đảng cũng dành lo.
Nhiều trí thức miền Nam, thậm chí nhiều cán bộ cao cấp của đảng thời đó góp ý phản đối chủ trương đó. Những người ấy ý kiến rằng phải để cho người dân tự do kinh doanh làm ăn, tự họ nuôi sống lấy họ rồi đảng thu thuế thì lợi hơn gấp bội lần đảng đứng ra nuôi họ để họ làm ăn theo chỉ đạo của đảng. Nhưng đảng muốn toàn trị tuyệt đối nên đảng vẫn kiên định lập trường.

Sau 10 năm như vậy, cả nước càng ngày càng tiến dần lên đói nghèo. Toàn dân thiếu ăn đến xanh xao hốc hác. Kẻ làm trong Nhà nước thì tìm cách quèo quẹt của công, ăn chận của dân. Người ở bên ngoài thì lén lút chạy chợ, buôn bán chụp giựt, lừa đảo kiếm sống. Nhân cách của người dân, bất kể thành phần, sa sút đến thậm tệ. Nhiều người không chịu nổi nữa phải liều mạng sống, tìm cách vượt biên tha phương cầu thực.
Nhưng đảng vẫn kiên định, một tấc không đi một li không dời, cương quyết không thay đổi lập trường cho đến khi nhìn lên thấy Trung Cộng rồi Liên Xô đổi mới, lúc đó đảng mới… sáng suốt đổi mới theo là trả cái quyền tự do dân sinh lại cho người dân.
Ngay sau đó bộ mặt đất nước, vẻ mặt người dân, tư cách con người thay đổi hẳn.

So với hai đồng chí vẫn kiên định lập trường là Cu Ba và Triều Tiên, Việt Nam cách xa một trời một vực.
Tuy nhiên so với thiên hạ chung quanh (không dám so với Nhật, Hàn, Đài Loan) Việt Nam vẫn còn cách xa một trời một vực theo hướng ngược lại. Ấy là do đảng vẫn còn giữ khư khư bốn quyền còn lại mặc cho sự kêu gào của người dân, mặc cho sự góp ý của các quốc gia tiên tiến đi trước.
Ngẫm nghĩ lại thấy rằng Hốt Tất Liệt, cách đây hơn 500 năm, dù từ nhỏ sống chung giữa bầy gia súc, lớn lên suốt đời ngồi trên lưng ngựa, chỉ lo đi chinh phạt cướp bóc khắp thế giới, không có chút khái niệm gì về kinh tế chính trị học nhưng không ngu chút nào. Đầu ông ta không phải là đầu bò.

Chất vấn công khai trong Đảng Cộng Sản Việt Nam


Đôi lời: Một bài báo của TS Nguyễn Quang A đăng trên Lao động Cuối tuần được biên tập khác nhiều với bản gốc. BS xin đăng cả hai bản. Những chữ màu đỏ tươi là được biên tập thay thế, chữ màu đỏ sẫm là bị cắt bỏ, chữ màu vàng do biên tập viên thêm vào.

Chất vấn công khai trong Đảng Cộng Sản Việt Nam

 Nguyễn Quang A
Trong thế giới hội nhập này, hội nhập về mặt thông tin cũng hết sức quan trọng. Tuy còn hạn chế, nhưng người dân Việt Nam qua TV, qua Internet cũng có thể chứng kiến những tranh luận, chất vấn công khai hết sức sôi nổi của các đảng chính trị, dẫu cầm quyền hay đối lập, ở nhiều nước trên thế giới.

Các đảng chính trị hoạt động lành mạnh là một nhân tố tối quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước. Chính vì thế hoạt động của các đảng chính trị, các cuộc hội nghị, tranh luận và chất vấn của các đảng nhằm làm rõ đường lối, các chủ trương và chính sách của các đảng phải công khai cho đảng viên của đảng và dân chúng biết. Nếu không làm vậy thì cơ hội cử tri bỏ phiếu cho họ không còn. Vì sự tồn tại của chính mình mà các đảng phải công khai như vậy tại các nước dân chủ.
Ở Việt Nam, từ hơn 25 năm nay chỉ có một đảng chính trị duy nhất hoạt động. Và có lẽ do vẫn quen với hoạt động trong thời kỳ bí mật, khi chưa nắm chính quyền, hay trong thời kỳ chiến tranh, nên các tranh luận chất vấn trong Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) chưa được công khai. Nhưng khi đã là đảng cầm quyền và không còn chiến tranh hay không còn phải hoạt động bí mật nữa, và nhất là theo tôn chỉ thì ĐCSVN nói mình phục vụ lợi ích toàn dân, lợi ích dân tộc, thì nhu cầu công khai các cuộc họp, các tranh luận, chất vấn của ĐCSVN càng trở nên cấp bách. Không chỉ phải công khai trước các đảng viên ĐCSVN mà còn phải công khai trước toàn dân.
Thế nhưng, ở bất cứ đâu nếu chỉ có một đảng chính trị duy nhất, thì do không có cạnh tranh chính trị, (nên) không có khuyến khích, không có sức ép, không có động lực buộc phải công khai các cuộc tranh luận, chất vấn hay hoạt động nói chung nhằm giành phiếu bầu như ở các nước dân chủ. Và như thế hoạt động của đảng chính trị duy nhất rất dễ mắc các tật khó chữa do thiếu cạnh tranh, thiếu sức ép phải công khai minh bạch vì sự tồn tại của chính mình. Khía cạnh này ít khi được chú ý, tuy nó có thể giúp chúng ta nhiều trong việc hiểu thực tế kỹ hơn.
Cũng có thể, người ta nghĩ rằng công khai, minh bạch sự tranh luận thì mâu thuẫn nội bộ bộc lộ ra và mất đi sự “đoàn kết nhất trí”. Nếu nghĩ kỹ thì chuyện bộc lộ hay “vạch áo cho người xem lưng” này chỉ có lợi cho bản thân tổ chức vì nó buộc mọi thành viên của tổ chức phải có trách nhiệm giải trình.
Có lẽ do hiểu được nhu cầu chính đáng đó và những yếu điểm nêu trên mà hơn ba năm trước, Bộ Chính trị ĐCSVN đã ban hành Quy chế chất vấn trong Đảng CSVN (Quyết định số 158 ngày 12-5-2008). Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa thấy lần chất vấn nào. Trong khi các buổi chất vấn công khai tại Quốc Hội đã trở thành thông lệ trong mấy năm trở lại đây.
Tình hình dường như đã thay đổi kể từ ngày 2-12-2011 khi báo chí đưa tin về Hội nghị lần VII của Tỉnh ủy ĐCSVN tỉnh Quảng Ngãi và tường thuật một phiên chất vấn được cho là sôi nổi về các vấn đề nội bộ của Đảng bộ cũng như về các vấn đề chung của tỉnh như tham nhũng, thủ tục hành chính và vấn đề di dân cụ thể mà người dân trong tỉnh quan tâm.
Đấy là một dấu hiệu đáng khích lệ, tuy hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không. Tỉnh ủy ĐCSVN tỉnh Quảng Ngãi đã không có sáng kiến “xé rào” nào cả, mà chỉ làm theo Quyết định số 158 mà thôi! Nhưng 62 đơn vị còn lại và cả ở cấp trung ương vẫn chưa nơi nào thực hiện Quyết định đó, cho nên sự kiện Quảng Ngãi vẫn là sự kiện đáng chú ý được nhiều báo chính thống coi như sự kiện nổi bật.
Điểm 3 trong Điều 3 của Quy chế ban hành theo Quyết định số 158 quy định “chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng…”. Không rõ sự “công khai” ở đây chỉ là trước hội nghị hay công khai trước cả dân chúng và các phương tiện truyền thông? Nhiều báo đã đưa tin về cuộc chất vấn này, từ đó có thể suy ra các phóng viên báo chí đã có mặt, nói cách khác đó không phải là một cuộc chất vấn chỉ “công khai” trong nội bộ những người dự hội nghị. Đấy là một dấu hiệu đáng mừng.
Giá mà ở tất cả các cấp, từ cấp xã đến trung ương, đều thực hiện Quyết định trên, thì chắc tình hình và hiệu quả hoạt động của Đảng CSVN đã được cải thiện.
Ở cấp tỉnh và thành phố các cuộc chất vấn tại các phiên họp Hội đồng nhân dân, cũng như các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc Hội, từ nhiều năm nay đã trở thành thông lệ. Báo giới có mặt để tường thuật, nhất là truyền hình trực tiếp các buổi chất vấn ấy đã giúp cho quảng đại quần chúng biết kỹ, nếu muốn, về các hoạt động của các cơ quan này. Đấy là một điểm rất đáng hoan nghênh, tuy vẫn cần cải thiện nhiều.
Nếu các tổ chức của ĐCSVN ở cấp tỉnh và thành phố, cũng như cấp trung ương, tức là trong các hội nghị của ban chấp hành trung ương của ĐCSVN, cũng làm tương tự, thì sẽ rất tốt. Có người sẽ nói, đấy là chuyện nội bộ của Đảng CSVN. Hoàn toàn đúng. Nhưng Đảng CSVN nói mình phục vụ toàn dân và là đảng duy nhất cầm quyền, nên hoạt động và quyết định của không chỉ còn là “nội bộ” mà ảnh hưởng đến tất cả mọi người, cho nên việc công khai minh bạch là cần thiết.
Chính vì thế, sự kiện “chất vấn” ở Quảng Ngãi rất có ý nghĩa và là một dấu hiệu tốt.

Lao động Cuối tuần

Từ một sự kiện ở Quảng Ngãi

Thứ Năm, 8.12.2011 | 16:52 (GMT + 7)
Trong thế giới hội nhập này, hội nhập về mặt thông tin cũng hết sức quan trọng. Tuy còn hạn chế, nhưng người dân Việt Nam qua TV, qua Internet cũng có thể chứng kiến những tranh luận, chất vấn công khai hết sức sôi nổi của các đảng chính trị, dẫu cầm quyền hay đối lập, ở nhiều nước trên thế giới.
Các đảng chính trị hoạt động lành mạnh là một nhân tố tối quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước. Chính vì thế hoạt động của các đảng chính trị, các cuộc hội nghị, tranh luận và chất vấn của các đảng nhằm làm rõ đường lối, các chủ trương và chính sách của các đảng phải công khai cho đảng viên của đảng và dân chúng biết. Nếu không làm vậy thì cơ hội cử tri bỏ phiếu cho họ không còn. Vì sự tồn tại của chính mình mà các đảng phải công khai như vậy tại các nước dân chủ.
Có lẽ do hiểu được nhu cầu chính đáng đó mà hơn ba năm trước, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế chất vấn trong Đảng (Quyết định số 158 ngày 12.5.2008). Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa thấy lần chất vấn nào được nhiều người biết đến. Trong khi các buổi chất vấn công khai tại Quốc hội đã trở thành thông lệ trong mấy năm trở lại đây.
Tình hình dường như đã thay đổi kể từ ngày 2.12.2011 khi báo chí đưa tin về Hội nghị lần VII của Ban chấp hành Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi và tường thuật một phiên chất vấn được cho là sôi nổi về các vấn đề nội bộ của Đảng bộ cũng như về các vấn đề chung của tỉnh như tham nhũng, thủ tục hành chính và vấn đề di dân cụ thể mà người dân trong tỉnh quan tâm.
Đấy là một dấu hiệu đáng khích lệ, tuy hơi muộn. Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi đã không có sáng kiến “xé rào” nào cả, mà chỉ làm theo Quyết định số 158! Nhưng 62 đơn vị tỉnh, thành phố còn lại vẫn chưa nơi nào thực hiện công khai, trước công chúng Quyết định đó, cho nên sự kiện Quảng Ngãi vẫn là sự kiện đáng chú ý được nhiều báo chính thống coi như sự kiện nổi bật.
Toàn cảnh Hội nghị lần VII của BCH Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ảnh:TL
Điểm 3 trong Điều 3 của Quy chế ban hành theo Quyết định số 158 quy định “chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng…”. Không rõ sự “công khai” ở đây chỉ là trước hội nghị hay công khai trước cả dân chúng và các phương tiện truyền thông? Nhiều báo đã đưa tin về cuộc chất vấn này, từ đó có thể suy ra các phóng viên báo chí đã có mặt, nói cách khác đó không phải là một cuộc chất vấn chỉ “công khai” trong nội bộ những người dự hội nghị.
Giá mà tất cả các cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp đều thực hiện Quyết định trên, như ở Quảng Ngãi thì chắc tình hình và hiệu quả hoạt động của Đảng đã được hiệu quả hơn.
Ở cấp tỉnh và thành phố các cuộc chất vấn tại các phiên họp Hội đồng nhân dân, cũng như các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, từ nhiều năm nay đã trở thành thông lệ. Báo giới có mặt để tường thuật, nhất là truyền hình trực tiếp các buổi chất vấn ấy đã giúp cho quảng đại quần chúng biết kỹ, nếu muốn, về các hoạt động của các cơ quan này. Đấy là một điểm rất đáng hoan nghênh.
Nếu các cấp ủy, các ban thường vụ cấp ủy các cấp cũng làm tương tự, thì sẽ rất tốt. Có người sẽ nói, đấy là chuyện nội bộ của Đảng. Hoàn toàn đúng. Nhưng Đảng có mục đích phục vụ toàn dân và là đảng duy nhất cầm quyền, nên hoạt động và quyết định của đảng không chỉ còn là “nội bộ” mà ảnh hưởng đến tất cả mọi người, cho nên việc công khai là cần thiết.
Chính vì thế, sự kiện “chất vấn” ở Quảng Ngãi rất có ý nghĩa và là một dấu hiệu tốt đưa Quyết định 158 của Đảng vào cuộc sống.
Nguyễn Quang A

Tin Chủ Nhật, 11-12-2011



CHÍNH TRỊ-PHÁP LUẬT
- Cột mốc chủ quyền giữa đại dương (VNN).
- Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Quang Vinh: HOÀNG SA VẠN LÝ – TẬP 1 – KỲ 11;  – KỲ 12;  – KỲ 13;  – KỲ 14;  – KỲ 15 (Jasmine). – GS. Jon M. Van Dyke: Hợp tác khu vực ở Biển Đông (NCBĐ).
- “Bay qua biển Đông” gian khổ nhưng tuyệt đẹp (VNN).
- Trong lúc “cuộc Đối thoại quốc phòng thường niên” giữa Ấn Độ với Trung Quốc “không mang lại kết quả đột phá nào” thì có Thêm những cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ (TN).
- Món quà nửa triệu đô cho thác Bản Giốc (Trương Duy Nhất).” Nhưng món quà ấy đã không trao được. Nghe bảo không được chỉnh trang xây dựng gì do vướng nội dung hiệp định ‘khai thác chung’ đã ký kết giữa hai bên Việt- Trung. Cương bảo anh nghe vị quan chức nọ kể rằng mỗi lần bên mình sửa soạn xây dựng cái gì là lập tức bên đó họ kéo sang phá“! – Hình ảnh Chủ tịch nước thăm vùng biên giới Hà Giang (VOV). Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm Hà Giang  =>
- Độc giả K.N. gửi clip biểu tình ở Sài Gòn bốn năm trước: Biểu tình chống Trung Quốc vì Hoàng Sa & Trường Sa – Sài Gòn 09/12/2007 (youtube). Trong clip có các cán bộ nhà nước đi giải thích với thanh niên về “cách thể hiện lòng yêu nước”: “Em phải cần nhớ là không nên làm mất quan hệ ngoại giao…
- Phụ nữ biểu tình bị 2 năm cải tạo  —  (NV).  – Bà Bùi Thị Minh Hằng bị giam trái phép tại cơ sở giáo dục Thanh Hà, Vĩnh Phúc  —  (Chuacuuthe). “Về nội dung, văn bản được ký tại Hà Nội ngày 8.11.2011, trong khi đó bà Bùi Hằng bị bắt tại Sài Gòn ngày 27.11.2011. Tức là văn bản 5225 đã ra đời trước khi bà Bùi Hằng bị bắt 19 ngày. Việc bắt và đưa một người vào cơ sở giáo dục, chứng tỏ người đó không hề mắc tội, không có án, nên không bao giờ được quyền có quyết định bắt như thể lệnh truy nã từ trước được”.
- Xin đừng chôn giấu lòng yêu nước! (Lê Nguyên Hồng). “Xin nhắn đến những ‘người yêu nước’ đã phê phán chị Hằng: Khi kịp lúc và có cơ hội, hãy đừng chôn giấu lòng yêu nước của mình. Hãy làm việc gì đó để thể hiện lòng yêu nước. Nếu không, họ mới chính là những người không yêu nước!”. – Trịnh Kim Tiến: Người” đi tìm mẹ – (FB Trịnh Kim Kim/ DLB).
- TẠI SAO LẠI VIẾT CÁC NỮ ANH HÙNG ĐI ĂN MÀY? (Nguyễn Quang Vinh). “Tại sao lại ăn mày? Để cho các o của một đơn vị anh hùng đi ăn mày? Quan điểm đâu? Bản chất xã hội tốt đẹp đâu? Đảng lãnh đạo đâu? Họ hỏi thế nhưng chính các o lại đi ăn mày… Rồi mình cũng gặp lãnh đạo chính quyền. Họ cũng thừa nhận là có một số o đi ăn mày thật, nhưng lại trách, đúng là có một số o đi ăn mày, nhưng sao anh lại viết là ăn mày? He he. Nói thế, không khác chi bây giờ, biểu tình rõ ràng mà người ta lại chỉ dám dùng chữ tụ tập”.
<= Đại Vệ Chí Dị. Photo: kiengiangezine.net. – Tom Cat – Cảnh báo blogger Người Buôn Gió – (Dân Luận). “…anh có 3 hoạt động khiến những người làm an ninh và bảo vệ tư tưởng văn hóa đặc biệt khó chịu: đó là cổ vũ cho các hoạt đống chống đối ở Thái Hà, tham gia tích cực biểu tình, viết tập truyện ‘Đại Vệ Chí Dị’. Tôi xin mạn phép cảnh báo anh Hiếu là đã có quyết định chính thức của cơ quan chức năng để vô hiệu hóa anh…”.  – Lời cảnh báo từ TomCat  –  (Người Buôn Gió). “P/S: Tom Cat xin cảnh báo 2 người nữa cũng đang có nguy cơ rất cao bị ‘vô hiệu hóa’ đó là ông Nguyễn Hữu Vinh và ông Nguyễn Xuân Diện, xin hai ông biết rằng chính quyền đã hết kiên nhẫn với hai ông…”
- Trần Mạnh Hảo: Thông điệp mùa Giáng Sinh: Bỏ Mác Lê xuống là… thành Phật – (DLB). “…hỡi các đồng chí Caesar, cái gì của đảng hãy trả cho đảng, cái gì của dân hãy trả cho dân. Hãy trả lại cho dân tự do, dân chủ, trả người yêu nước bị bắt oan về gia đình họ…”
- Thế giới đánh dấu Ngày Nhân quyền  —  (VOA). – GS. Nguyễn Thanh Trang nói về Ngày Nhân Quyền 10/12  —  (NV). - DB Loretta Sanchez kêu gọi đại sứ Mỹ giúp tù nhân lương tâm  —  (NV). – Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam – (RFA). - Phạm Trần: Nước đã tràn ly chưa? (ethongluan).
- Đào tiên sinh “đảng viên nhưng mà tốt”! (Gocomay). Nói về bài TÔI BỊ XẾP ĐẢNG VIÊN LOẠI 3 VÌ ĐI BIỂU TÌNH CHỐNG TRUNG QUỐC GÂY HẤN  (Ba Sàm/ NXD).
- Biểu tình nhìn từ sân trường Đại học Berkeley (Bùi Văn Phú). – Cựu thủ tướng Thái bị hỏi cung về chuyện trấn áp người biểu tình – (DCVOnline). Dịch từ bài: Thai ex-PM grilled over deadly rally crackdown (AFP). – >
- KHÔNG TAM QUYỀN PHÂN LẬP LÀ QUAY LƯNG VỚI VĂN MINH NHÂN LOẠI (Ngô Minh).
- Phản biện giống như ‘đánh vào chỗ không’ (VNN).  – Tư vấn, phản biện: Đúng, sai cũng phải trả lời! (PLTP).  – Học từ “văn minh hóa” của người Nhật (NLĐ).
- Đọc bài thơ của Lưu Quang Vũ (Anh Vũ). “Bây giờ/ Hai đạo quân đã giết hết nhau/ Tiếng trống cuối cùng đã bặt/ Người ngựa đều ngã gục/ Chỉ còn con quạ xám đậu trên bờ”.
- Séc: Hai người Việt ra toà vì tội hối lộ (Vietinfo). – Nơi Xa Xứ: Tại châu Âu không nên hối lộ? (Vietinfo). “Lạ thật cái thói quen của người Việt Nam mình, dù sống ở đâu trên thế giới này cũng không từ bỏ được nghề:  Đút lót, nói văn hóa hơn là hối lộ”. BTV: Bà con ra nước ngoài cẩn thận, đừng bao giờ hối lộ cho bọn “tư bổn”. Nhớ gần 10 năm trước, một người đàn ông Việt Nam đã hối lộ cho 1 nhân viên công quyền ở Mỹ số tiền khoảng 1.000 đô, nó không lấy mà còn gọi cảnh sát tóm người này vì đã phạm tội đại hình (felony). Mời xem thêm: Hối lộ cảnh sát Ba Lan thành ra tiền mất tật mang (Vietinfo).
<- Chủ tịch Quốc hội kết thúc thăm Vương quốc Anh (DT). - Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Anh đầu tư vào Việt Nam (SGGP). - Ông Lê Hồng Anh tiếp đoàn Đảng, Nhà nước Lào (VOV).
- TRUYỀN HÌNH ĐÃ TỚI CHƯA NHỈ? (Nguyễn Quang Vinh).
- Cán bộ kiểm lâm ‘ngồi xe chở gỗ lậu’  —  (BBC).  – Kiểm lâm nói cấp trên ‘nhờ hộ tống’ xe gỗ lậu bị lật (TP).  - Đề nghị xử lý 2 cán bộ CSGT tỉnh Bình Phước (TN).
- 16 tỷ USD cho 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận (VOV).  - Ninh Thuận: Trung tâm năng lượng sạch (NLĐ). - Ninh Thuận muốn trở thành trung tâm năng lượng sạch (TN).
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở đâu? (PLTP).
- Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ viếng thăm Việt Nam đầu tuần tới   —  (RFI).
- Không, Hồ Cẩm Đào không kêu gọi chiến tranh: No, Hu Didn’t Call for War (Diplomate). BTV: Trong bài, GS Fravel phân tích lời nói của ông Hồ Cẩm Đào và cho rằng báo AFP đã diễn giải sai lời của chủ tịch Trung Quốc, rằng ông Hồ không kêu gọi chiến tranh. Giả dụ như AFP đã diễn giải sai lời của ông HCĐ, nhưng sau khi AFP và báo chí các nước đồng loạt đưa tin này, đã 4-5 ngày qua mà vẫn chưa thấy các cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc như Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa xã… lên tiếng cải chính? Xem thêm tin từ các báo khác + Hải quân Trung Quốc sẵn sàng cho cuộc chiến: Chinese Navy ready for war‎ (Pravda). + Chủ tịch Hồ nói với hải quân – chuẩn bị chiến tranh: “Prepare for warfare” – President Hu tells navy‎ (Phayul). + Báo động hải quân – Trung Quốc sẵn sàng cho chiến tranh: – China getting ready for war, alerts Navy (Truth Dive). + Hồ Cẩm Đào nói với Hải quân Trung Quốc: Chuẩn bị chiến tranh! Hu Jintao to Chinese Navy: Prepare for war! (Daily Bhaskar).
- Ba nhà đấu tranh cho nữ quyền nhận giải thưởng Nobel Hòa bình  —  (RFI).  – Ba phụ nữ nhận giải Nobel Hòa bình tại Oslo  —  (VOA). Tổng thống Liberia Ellen Johnson-Sirleaf (bên trái), nhà hoạt động Liberia Leymah Gbowee (giữa), và bà Tawakkol Karman người Yemen (bên phải), nhận giải Nobel Hòa bình ở Oslo, Na Uy – >
- Miến Điện trước nguy cơ khủng hoảng nhân đạo  —  (RFI).
KINH TẾ
Thanh toán bằng tiền mặt vẫn ở mức cao (VTV).
3 lý do có thể giải ngân nếu chứng khoán vẫn giảm (NDHMoney).
- Chưa biết có học người ta được gì không, mà đã mơ hão huyền Việt Nam liệu có thành Israel thứ hai? (TVN).
- Giá tăng, khó kiềm chế lạm phát (NLĐ).  - Sếp ‘buộc bụng’ thời lạm phát (VNE).
- Vietnam Airlines tăng giá vé ‘tối đa 20%’  —  (BBC).  – Giá vé máy bay tăng: Lo lắng từ nhiều phía (TN).
- Diễn đàn Kinh doanh Anh-Việt (BBC).
- Giá nhà sẽ giảm thêm 40%? (NLĐ).  - Gas giả hoành hành (PLTP).
<- Những bí mật của “Bầu” Hiển (GDVN).
Coca – Pepsi: Cuộc chiến vượt ra ngoài vũ trụ (VEF).
Cuộc đảo chính ngoạn mục của nữ Thủ tướng Đức (TVN). - Kỳ 1: Angela Merkel: Người phụ nữ quyền lực ngại nói chuyện riêng tư
- Anh phủ quyết hiệp ước EU vì quyền lợi  —  (BBC).  – Từ chối thỏa thuận của EU, Anh bị cô lập (NLĐ).  – Nắm lấy thời cơ (NLĐ).
VĂN HÓA-THỂ THAO
- VĂN TẾ “TỆ SỸ” THAO TÚNG GIẢI THƯỞNG XUÂN HƯƠNG (Thắng xòe).  – DANH SÁCH CÁC TÁC PHẨM ĐẠT GIẢI THƯỞNG HỒ XUÂN HƯƠNG LẦN THỨ 4. – Chúng ta sắp nổi tiếng thế giới đến nơi rồi! (Quê choa). “Nhớ nhé! Nhớ nhé! Nếu cứ đi theo văn học phải đạo, à quên quên, văn học cách mạng, thì chỉ cần chăm chỉ và biết quảng bá thì các nhà văn Thành phố nhất định nổi tiếng thế giới, nhất định đoạt giải Nobel”.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm và những sự việc tầm thường trong thơ   —  (NV).
- Khai quật đền cổ vùi lấp trong cát (NLĐ). Một số cổ vật thời Nguyễn được trưng bay tại triển lãm “Di sản văn hóa Phật giáo Đằng Trong” ở TPHCM – >
Võ Cạnh – bia sớm nhất của vương quốc Chăm Pa (TN).
- Báu vật của làng (NLĐ).  – Đặc sắc Làng… Trạng Vĩnh Hoàng (VOV).
Nhiều ưu tư về văn hóa dân tộc (TN).
Thần thánh và bươm bướm - (RFA).
Hội thảo về sự nghiệp của Giáo sư – viện sĩ Trần Huy Liệu (TN).
- CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN ĐÁNG ĐỌC: CÂU CHUYỆN XUNG QUANH HÌNH MẪU CHÍ PHÈO, THỊ NỞ  —  (Nguyễn Vĩnh).
- Đồng dao trong thế giới trẻ thơ (Petrotimes).
- Siu Black: Để nhà báo ‘đạp’ nhau thì mới hay (VNN/BĐVN).  – CHỊ SIU “ĐẠP” NHÀ BÁO (Jasmine).
<- Nghệ sĩ Lệ Thủy biểu diễn tại Paris ngày 18 và 25/12    —  (RFI).
- “SẤM NGỮ” BẰNG THƠ CỦA NHÀ TIÊN TRI TỐ HỮU (NCTG).
Từ hoàng kim tới thăng trầm (TT&VH)
2 ngày làm cư dân Sài Gòn (TT).
Những chuyện kỳ bí về “rừng ma” của người Vân Kiều (Nguoiduatin).
Triệu Thị Hà đăng quang hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 (PLTP).
Toàn cảnh văn hóa trong nước: Mất mát và chờ đợi (TT&VH).
- Từ Julien Clerc đến Adamo: ngày trở lại của các ca sĩ Pháp  —  (RFI).
Lo cho VPF… (PLTP).
- Sốc với lương trọng tài V-League (NLĐ).
GIÁO DỤC-KHOA HỌC
2 năm, gần 30.000 hiệu trưởng được bồi dưỡng kinh nghiệm quản lý (DT).
Trường ĐH thôi tuyển sinh TCCN: Kẻ mừng, người lo (TT).
Tự xác định chỉ tiêu: Nhiều trường ĐH sẽ “chết đứng” (PLTP).
Sẽ chuyển sang chế độ cho vay với đối tượng du học bằng NSNN (GDVN).
ĐHDL Hải Phòng – sự khác biệt đến từ thầy Hiệu trưởng (GDVN). GS.TS.NGƯT Trần Hữu Nghị – Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng – >
- Thanh Hóa: Lạm thu đầu năm học: Thu thì dễ… trả lại khó! (DT).
- Miễn phí khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho GV tiếng Anh (GDVN).
- Nghệ An dư gần 2.500 giáo viên, nhân viên (Tin tức).
- Thêm “Sức sống biển đảo” học trò vượt khó 3 tỉnh ven biển ĐBSCL (TT).
Học xuyên đêm để nuôi ước mơ thành nhà quay phim (VNE).
Tay xách cặp, tay xách cơm đến trường (DT).
<- GS Trịnh Xuân Thuận, Nhà khoa học giàu mỹ cảm (NLĐ).
- Đoàn VN đoạt 6 giải tại Olympic Khoa học trẻ quốc tế (VTV).
- Trong lúc Vụ 3 thanh niên mang án hiếp dâm: Chỉ còn chờ Quốc hội (DT) do những lý lẽ của luật sư là “cơ quan điều tra đã bỏ sót một số chi tiết quan trọng của vụ án” thì một mình tờ báo của Tòa tối cao tìm những bằng chứng khác để bảo vệ phán quyết của các cấp tòa:  Sự thật cái gọi là “Huyệt trai trinh” (CL).
- Bà con nào không xem được nguyệt thực toàn phần tối qua, 8h tối giờ VN hoặc 5h sáng giờ miền Tây ở Mỹ, thì vào đây xem: Nguyệt thực toàn phần tối 10-12 (TT). – Hình ảnh mới nhất về nguyệt thực tại Việt Nam‎ (Zing). Còn đây là hình ảnh nguyệt thực đã được ghi lại ở Mỹ, Úc, Nhật: Goodnight, Moon: Total lunar eclipse wows the world (MSNBC). Nhà báo Nguyễn Thông bình luận trên FB: “Nguyệt thực với chả nguyệt thực. Làm trăng mà không dám sáng thì tắt hẳn đi, hay ho cái nỗi gì còn lấp ló“.  - Giới trẻ Hà thành tiu nghỉu với mặt trăng đỏ (VTC). - Trăng “đỏ bầm” lần Nguyệt thực cuối cùng trong năm (DT).
XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG
- 19 ngư dân gặp nạn ở Trường Sa đã được đưa vào bờ an toàn (NLĐ).
Lũ muộn cô lập gần 500 nhà ở Phú Yên (PLTP). - Cứu 7 người lật thuyền trong lũ (SGGP).
- Quảng Ngãi: Đã có người tử vong do bệnh lạ (VOV).
- Khuôn mặt Làng Ho – (Cu làng cát).
Tình trạng bệnh viện quá tải (Phần 1) - (RFA).
Làm rõ vụ bác sĩ cắt 2 thận bệnh nhân (TN). - Vụ bác sĩ tắc trách, bệnh nhân bị cắt 2 quả thận – Sở Y tế TP Cần Thơ chỉ đạo làm rõ (SGGP).
Đi canh trang trại, hai vợ chồng chết đuối (LĐ). - Lật thuyền, vợ chồng tử nạn (NLĐ).
Bất an xe máy cháy, nổ (TN).
Bắt khẩn cấp nữ giám đốc lừa hàng trăm tỷ đồng (VTC). - Bắt vợ chồng chủ doanh nghiệp lừa đảo hàng trăm tỉ đồng (DT).
- Tạm giam 3 tài xế gây rối tại trạm cân Dầu Giây (NLĐ).
Bắt 2 tên cướp tấn công cảnh sát (TN).
Suýt mất 8 triệu đồng vì tin nhắn trúng thưởng (PLTP).
Bán vé tàu tết về miền Trung (TN).
Càng giàu, mức chênh lệch giàu – nghèo càng tăng (PLTP).
- Chất độc trong đồ chơi sản xuất từ Trung Quốc – (x-café). Dịch từ bài: Lead and arsenic found in children’s products, toys (SMH).
- Nhân viên bệnh viện bị truy tố trong vụ hỏa hoạn gây chết người ở Ấn Độ  —  (VOA).
- Nhật Bản : nước nhiễm xạ thất thoát từ nhà máy điện hạt nhân Genkai  —  (RFI).
- Hội nghị Durban kéo dài thêm một ngày để đạt thỏa thuận  —  (RFI).  – Không còn nhiều thời gian để đạt thỏa thuận tại Hội nghị Khí hậu  —  (VOA).
QUỐC TẾ
- Moscow đối diện cuộc biểu tình lớn   —  (BBC).  – Hàng chục ngàn người Nga biểu tình phản đối kết quả bầu cử Quốc hội  —  (RFI).  – Hàng chục ngàn người biểu tình tại Moscow phản đối sai phạm trong bầu cử  —  (VOA).  - Biểu tình lớn nhất hậu Liên Xô ở Moscow - (BBC). - Người Nga chống Putin, ủng hộ dân chủ - (VOA). - Đại biểu tình sau bầu cử tại Nga (TN). – 35,000 người Nga ghi tên biểu tình chống kết quả bầu cử   —  (NV).  – Nga bịt miệng các mạng xã hội  —  (RFI).  – Nga siết chặt an ninh sau bầu cử (NLĐ).
- Thêm 50 dân Syria thiệt mạng do bị đàn áp  —  (RFI).  – 9 người chết trong tình hình bất ổn ở Syria  —  (VOA).
- Điệp vụ tuyệt mật RQ-170 Sentinel: Quái vật ở Kandahar (NLĐ).
- Pakistan chặn lại đoàn xe tiếp tế cho NATO từ 2 tuần nay  —  (RFI).
Nga nên cân nhắc lại chính sách với Iran? (Đất Việt).
Khởi tố thêm một vụ án hình sự với cựu Thủ tướng Ukraine (VOV).
- Bom nổ tại Lebanon, 5 lính LHQ bị thương  —  (NV/AP).
- Chỉ huy phe Taliban xác nhận đàm phán hòa bình với chính phủ Pakistan  —  (VOA).
- Đại sứ Mỹ: những vụ tấn công ở Afghanistan không làm nổ ra xung đột giáo phái  —  (VOA).
- Yemen có chính phủ thống nhất  —  (VOA).
- Tổng thống Obama thúc hối QH thông qua đề cử lãnh đạo cơ quan bảo vệ người tiêu thụ  —  (VOA).
- Trung Quốc triển khai tàu tuần tra trên sông Mêkông  —  (RFI).
- Luật về tội phạm thượng ngày càng bị phản đối tại Thái Lan  —  (RFI).
Máy bay lao vào trường học Philippines, 13 người chết (VNE). - Máy bay rơi trúng trường học tại Philippines, 13 người chết (TN_/
* VTV1: + Chào buổi sáng – 10/12/2011;  + Trang địa phương – 10/12/2011;  + SK và BL: Nhân quyền.

* RFA: + Sáng 10-12-2011
Tối 10-12-2011
* RFI: 10-12-2011