Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Phụ lục – Tuyên bố của Tổng thống Truman về nguồn tài nguyên trên biển


HỌC VIỆN NGOẠI GIAO
Tài liệu tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba, chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 4-5 tháng 11 năm 2011

PHỤ LỤC

TUYÊN BỐ CỦA TỔNG THỐNG TRUMAN VỀ CHÍNH SÁCH CỦA MỸ LIÊN QUAN ĐẾN CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN DƯỚI ĐÁY BIỂN VÀ NGUỒN THỦY SẢN Ở BIỂN CẢ

Ngày 28 tháng 9 năm 1945
Thông cáo báo chí của Nhà Trắng
Chính sách của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đối với tài nguyên thiên nhiên của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của thềm lục địa.
XÉT RẰNG Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với nhận thức về nhu cầu dài hạn của toàn thế giới đối với các nguồn dầu khí và khoáng sản, giữ quan điểm rằng những nỗ lực khám phá và tạo ra các nguồn dự trữ mới của các nguồn tài nguyên này cần được khuyến khích và
NHẬN THẤY RẰNG các chuyên gia có thẩm quyền của Hoa Kỳ cho rằng các nguồn tài nguyên đó nằm dưới rất nhiều tầng của thềm lục địa ngoài bờ biển của Hoa Kỳ, và với sự tiến bộ của công nghệ hiện đại thì việc sử dụng các nguồn tài nguyên này có thể thực hiện được hoặc sẽ trở thành như vậy vào một ngày không xa;
Ý THỨC RẰNG việc công nhận thẩm quyền đối với các nguồn tài nguyên này là cần thiết vì lợi ích của việc bảo tồn và sử dụng thận trọng chúng ngay khi chúng được phát hiện; và
XÉT THẤY RẰNG Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cho rằng việc thực hiện thẩm quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của lòng đất, đáy biển của thềm lục địa bởi quốc gia ven biển kế cận là hợp lý và công bằng, vì hiệu quả của các biện pháp sử dụng hoặc bảo tồn các nguồn tài nguyên này sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác và bảo vệ từ phía đất liền, vì thềm lục địa được coi như sự mở rộng lãnh thổ đất liền của quốc gia ven biển và do vậy gắn liền một cách tự nhiên vào các quốc gia này, vì những nguồn tài nguyên này thường xuyên tạo thành một phần mở rộng hướng ra biển của một mỏ dầu hoặc mỏ khoáng sản nằm trong phạm vi lãnh thổ, và vì vấn đề tự vệ buộc các quốc gia ven biển phải kiểm soát chặt chẽ các hoạt động ngoài khơi vốn mang tính cần thiết cho việc tận dụng các nguồn tài nguyên này;
Do đó, bây giờ, Tôi, Harry S. Truman, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, công bố chính sách sau đây của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đối với tài nguyên thiên nhiên của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của thềm lục địa.
Nhận thấy tính cấp thiết đối với việc bảo tồn và sử dụng một cách thận trọng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ coi các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đáy biển lòng đất dưới đáy biển của thềm lục địa, nhưng tiếp giáp với bờ biển của Hoa Kỳ thuộc về Hoa Kỳ, thuộc thẩm quyền và kiểm soát của Hoa Kỳ. Trong trường hợp thềm lục địa kéo dài tới bờ biển của một quốc gia khác, hoặc là chồng lấn với quốc gia lân cận, ranh giới sẽ được xác định bởi Hoa Kỳ và quốc gia có liên quan phù hợp với nguyên tắc công bằng. Đặc tính biển cả của các vùng nước nằm phía trên thềm lục địa cũng như quyền hàng hải tự do và không bị cản trở qua các vùng biển đó sẽ không hề bị ảnh hưởng.
TRƯỚC SỰ CHỨNG KIẾN TẠI ĐÂY, tôi đã đặt tay và đóng con dấu của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ lên văn bản này.
THỰC HIỆN tại thành phố Washington ngày 28 tháng Chín, năm 1945, và lần độc lập thứ 170 của Hoa Kỳ.
[Dấu]
Harry S.Truman
Thừa lệnh Tổng thống
DEAN ACHESON
Quyền Ngoại trưởng
Chính sách của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đối với nguồn thủy sản ở một số vùng biển
XÉT RẰNG trong một vài năm, Chính phủ Hoa Kỳ đã quan tâm đến tình trạng thiếu các thỏa thuận để bảo vệ và bảo tồn của các nguồn thủy sản tiếp giáp với bờ biển của Hoa Kỳ, và nhận thấy khả năng đáng lo ngại của tình trạng này, đã nghiên cứu một cách kỹ càng khả năng tận dụng cơ sở thẩm quyền tài phán đối với các biện pháp bảo tồn và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, và
NHẬN THẤY RẰNG nguồn lợi thủy sản như vậy có một tầm quan trọng đặc biệt như một kế sinh nhai đối với cộng đồng ven biển và như là một nguồn lương thực và tài nguyên công nghiệp đối với quốc gia.
XÉT RẰNG sự phát triển tiến bộ của phương pháp và kỹ thuật mới góp phần tăng cường việc đánh bắt các trên các vùng biển rộng và trong một số trường hợp đe dọa nghiêm trọng đến nguồn thủy sản đang bị cạn kiệt, và
Ý THỨC RẰNG, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển khỏi sự khai thác mang tính hủy diệt là một như cầu bức thiết, có liên quan đến điều kiện đặc thù của từng khu vực và từng tình hình và liên quan đến các quyền đặc biệt và các quyền lợi hợp lý của các quốc gia ven biển và của bất kỳ quốc gia nào có thể chứng minh được lợi ích chính đáng của mình trong đó;
Do đó, bây giờ, Tôi, Harry S. Truman, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, công bố chính sách sau đây của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đối với nguồn thủy sản ở một vài khu vực của biển cả.
Xét thấy nhu cầu cấp thiết đối với việc bảo tồn và bảo vệ của các nguồn thủy sản, Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ coi việc thành lập khu bảo tồn ở những khu vực biển tiếp giáp với bờ biển của Hoa Kỳ hoạt động đánh bắt cá trong đó đang hoặc trong tương lai sẽ có thể được phát triển và duy trì trên một quy mô đáng kể là điều xác đáng. Trường hợp các hoạt động này sau này có thể được phát triển và duy trì bởi công dân của Hoa Kỳ thì Hoa Kỳ cũng cho rằng cần thiết để thành lập khu bảo tồn được phân ranh giới một cách rõ ràng trong đó hoạt động đánh bắt cá sẽ phụ thuộc vào quy định và kiểm soát của Hoa Kỳ. Trường hợp hoạt động như vậy sau này có thể được được phát triển và duy trì bởi các công dân của Hoa Kỳ và công dân của nước khác, thì khu bảo tồn có ranh giới rõ ràng này có thể được thành lập theo thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khác; và tất cả các hoạt động đánh bắt cá sẽ phụ thuộc vào quy định và sự kiểm soát theo quy định trong các hiệp định đó. Quyền thành lập khu bảo tồn ngoài khơi của bất kỳ quốc gia nào phù hợp với các nguyên tắc trên đều được thừa nhận, với điều kiện các quốc gia đó phải thừa nhận mọi lợi ích đánh bắt cá của các công dân của Hoa Kỳ mà có thể tồn tại ở những khu vực đó. Tính chất biển cả của các khu vực nơi các khu bảo tồn này được thành lập và quyền hàng hải tự do và không bị cản trở không bị ảnh hưởng.
TRƯỚC SỰ CHỨNG KIẾN TẠI ĐÂY, tôi đã đặt tay lên con dấu của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và đóng dấu lên văn bản này.
THỰC HIỆN tại thành phố Washington ngày 28 tháng Chín, năm 1945, và lần độc lập thứ 170 của Hoa Kỳ.
[Dấu]
Harry S.Truman
Thừa lệnh Tổng thống
DEAN ACHESON
Quyền Ngoại trưởng
SẮC LỆNH
Về bảo tồn và thay thế một vài tài nguyên của Thềm Lục Địa dưới sự kiểm sót và thẩm quyền của Bộ trưởng Nội Vụ.
Chiểu theo thẩm quyền được giao phó của Tổng thống Hoa Kỳ, tôi ra sắc lệnh rằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của thềm lục địa, tiếp giáp với bờ biển của Hoa Kỳ đã được tuyên bố trong ngày hôm nay thuộc về Hoa Kỳ và phụ thuộc vào thẩm quyền và sự kiểm soát của Hoa Kỳ. Chúng được bảo tồn và được đặt dưới thẩm quyền và kiểm soát của Bộ trưởng Nội vụ vì các mục đích quản lý, trong khi chờ ban hành văn bản pháp luật liên quan. Sắc lệnh này hoặc Tuyên bố đã nói ở trên không ảnh hưởng đến phán quyết hay nghị định tư pháp về bất kỳ vấn đề nào giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khác, liên quan đến quyền sở hữu hoặc kiểm soát lòng đất và đáy biển của thềm lục địa bên trong vòng hoặc bên ngoài giới hạn ba dặm.
HARRY S. TRUMAN
NHÀ TRẮNG,
28 tháng 9, 1945
SẮC LỆNH
Về việc thiết lập các khu bảo tồn thủy sản
Theo thẩm quyền được giao phó của Tổng thống Hoa Kỳ, tôi ra sắc lệnh rằng Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nội vụ kể từ đây sẽ cùng nhau kiến nghị việc thành lập theo Sắc lệnh về khu vực bảo tồn thủy sản trong các vùng biển tiếp giáp với bờ biển của Hoa Kỳ, chiểu theo Tuyên bố có tựa đề “Chính sách của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đối với nguồn thủy sản ở một số vùng biển”, được tôi ký ngày hôm nay và yêu cầu các Bộ trưởng trong từng trường hợp sẽ khuyến nghị các điều khoản để kết hợp với các sắc lệnh liên quan đến việc điều hành, quản lý và kiểm soát các nguồn thủy sản và các hoạt động đánh bắt cá trong các khu vực đó, theo thẩm quyền của pháp luật hoặc thẩm quyền được quy định.
HARRY S.TRUMAN
NHÀ TRẮNG
28 tháng 9 năm 1945

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét