Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Phá hoại DOC: Trung Quốc đã mở rộng đá Chữ Thập của Việt Nam tới 2,2 km2


 
(GDVN) - Hoạt động bất hợp pháp và phá hoại DOC, cản trở COC này được Công ty Airbus công bố đã thể hiện lòng tham không đổi của Trung Quốc và ai là người cần đề phòng.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Evan Garcia
Trung Quốc đã mở rộng đá Chữ Thập tới 2,2 km2
Tờ “Quan sát” Trung Quốc ngày 26 tháng 1 đưa tin, ngày 22 tháng 1, Đối thoại chiến lược thường niên Mỹ-Philippines (2 ngày) kết thúc. Theo báo Mỹ, tuy hai nước không có dấu hiệu áp dụng biện pháp mới nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng hai nước Mỹ-Philippines đã tiếp tục phê phán Trung Quốc tiến hành lấn biển, xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), và tiếp tục kêu gọi Trung Quốc dừng thi công.
Đồng thời, gần đây, trên mạng Trung Quốc cũng xuất hiện một chùm ảnh mới, cho thấy, đến ngày 23 tháng 1, Trung Quốc cơ bản đã “lấp đầy” đá Chữ Thập, diện tích lên tới khoảng 2,2 km2.
Theo trang mạng “Nhật báo phố Wall” Mỹ ngày 21 tháng 1, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell gọi liên minh Mỹ-Philippines là “quan hệ đối tác thực sự giữa những người bình đẳng”, đồng thời tái khẳng định “cam kết vững chắc đối với Philippines” của Mỹ. Thứ trưởng phụ trách vấn đề chính sách của Bộ Ngoại giao Philippines Evan Garcia cho hay, liên minh này vững chắc mà linh hoạt.
Cùng ngày, hai bên Mỹ-Philippines đã ra Tuyên bố chung, cho biết sẽ tiếp tục tăng cường thực lực của quân đội hai nước trên các lĩnh vực như “nhận biết tình hình trên biển” (giám sát), hai nước cũng phê phán hoạt động “đá hóa đảo” bất hợp pháp của Trung Quốc. Ông Evan Garcia khẳng định, hoạt động “đá hóa đảo” quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông đã “rõ ràng vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Hình ảnh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên mạng "Quan sát" Trung Quốc ngày 15 tháng 1 năm 2015
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho rằng: “Trung Quốc đang thực hiện rất nhiều dự án ở Biển Đông, ở khu vực có tranh chấp chủ quyền nhạy cảm, lợi dụng bãi cạn đá ngầm để lấp biển đắp đất”. Mỹ tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt loại hoạt động (bất hợp pháp) này. Mặc dù hai nước đều đã bày tỏ phản đối, nhưng theo “Nhật báo phố Wall”, đối với hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, hiện nay không có dấu hiệu cho thấy hai nước sẽ áp dụng biện pháp mới đối với vấn đề này.
Theo hãng tin AFP Pháp, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lerenzo Battino ngày 21 tháng 1 cũng cho biết: “Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn gây quan ngại sâu sắc”, cho rằng hoạt động lấn biển bành trướng, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là “rất nghiêm trọng, đang không ngừng mở rộng”.
Tuy bị hai nước Mỹ-Philippines phản đối, nhưng các hình ảnh trên mạng cho thấy, tiến độ thi công bất hợp pháp của Trung Quốc ở đá Chữ Thập không hề dừng lại (bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp cộng đồng quốc tế), hình ảnh vệ tinh về đá chữ Thập công bố trong hai ngày 22 và 23 tháng 1 của Công ty quốc phòng và không gian Airbus (Airbus Defense & Space) cho thấy, diện tích “đảo Chữ Thập” đang tiếp tục mở rộng, hiện đã lên tới khoảng 2,2 km2. Theo bài báo, hiện nay, hoạt động “lấn biển-đắp đất” ở đá ngầm này đã kết thúc.
Tướng Mỹ kêu gọi xây dựng cơ chế trao đổi, giảm căng thẳng
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 26 tháng 1 cũng có bài viết cho rằng, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Daniel Russell thăm Philippines từ ngày 20 đến ngày 21 tháng 1. Khi đó, ông Russell đã nói nhiều về vấn đề Biển Đông, bài báo gọi là “thổi phồng tình hình căng thẳng Biển Đông”.
Hình ảnh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên mạng "Quan sát" Trung Quốc ngày 15 tháng 1 năm 2015
Nhưng có lẽ ai cũng biết các hành động “đe dọa uy hiếp Việt Nam” (vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 năm 2014) và vi phạm DOC (Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng Biển Đông hiện nay) đã thể hiện rõ đối tượng nào đang gây rối hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Trong khi đó, vào cuối năm 2014, khi trả lời phỏng vấn tờ “Thời báo Hoàn Cầu”, cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ, đồng thời là cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Gary Roughead tiếp tục nhấn mạnh, trong vấn đề Biển Đông, bất kỳ bên nào đều “không nên đụng chạm đến điểm xung đột”, cần phải thông qua phương thức hòa bình để giải quyết vấn đề.
Khi nói về giới hạn của Mỹ ở Biển Đông và khi Trung Quốc áp dụng hành động nào khiến Mỹ phải sử dụng vũ lực, ông Gary Roughead cho rằng, đây là một vấn đề mang tính “giả thiết” rất cao. Hiện nay, việc quan trọng nhất là, phải xem làm thế nào để giải quyết vấn đề bằng phương thức hòa bình.
Hơn nữa, khi tìm kiếm phương án hòa bình, cần phải bảo đảm các lực lượng hoạt động ở khu vực này, bất kể là đến từ Trung Quốc, Philippines, Việt Nam hay bất cứ nước nào khác, đều phải tìm cách trao đổi với nhau nhằm mục đích không được chạm vào “điểm xung đột”. Trọng điểm phải đặt vào đó, chứ không phải suy đoán tương lai sẽ thế nào.
Khi tờ “Thời báo Hoàn Cầu” đề cập tới việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được đào tạo tác chiến tại Mỹ và khả năng Mỹ thiên vị Nhật Bản trong tranh chấp Trung-Nhật, Đô đốc Gary Roughead cho rằng, do Mỹ và Nhật Bản có quan hệ đồng minh và hiệp định song phương, “Mỹ đứng về phía Nhật Bản là rất rõ ràng”. Đồng thời, giống như tình hình Biển Đông, cần phải giải quyết những vấn đề này bằng phương thức hòa bình.
Cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Gary Roughead
Ở biển Hoa Đông, trong phần lớn tình hình, hai bên đều dùng lực lượng cảnh giới bờ biển và lực lượng tuần tra trên biển, chứ không phải hải quân. Những tổ chức này phải “tìm con đường trao đổi” với nhau, đạt được thỏa thuận, từ đó làm giảm căng thẳng tình hình. “Cần xây dựng một số cơ chế, để vấn đề được thảo luận và giải quyết, một khi sự cố xảy ra, tầng lớp lãnh đạo có thể giúp cho tình hình giảm nhiệt”.
Khi “Thời báo Hoàn Cầu” yêu cầu Mỹ “chia sẻ quyền lực” với Trung Quốc ở Thái Bình Dương, tướng Gary Roughead cho rằng, Mỹ luôn tìm phương pháp hợp tác ở mức cao để đạt được hòa bình và thịnh vượng.
Chẳng hạn, trong 2 năm qua, Mỹ chủ động tiếp xúc với Trung Quốc, xây dựng quan hệ tích cực hơn với Quân đội Trung Quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội Trung Quốc đã tham gia diễn tập quân sự “Vành đai Thái Bình Dương” (2014), Đô đốc Ngô Thắng Lợi cũng đã đến Mỹ tham gia hội thảo các lực lượng trên biển quốc tế.
Đó là những phương thức Mỹ chủ động tìm cách hợp tác. Điều quan trọng là, trong tương lai, một số hoạt động có thể tiếp tục, Trung Quốc cũng cần chủ động tìm Mỹ và các nước khác tham gia hoạt động của Trung Quốc. Đây không thể chỉ là con “đường một chiều”.
Mỹ luôn tìm cách để hợp tác lĩnh vực rộng hơn. Đô đốc Gary Roughead gọi đó là “Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Theo ông, về ý nghĩa biển, Ấn Độ Dương ngày càng quan trọng. Trong vấn đề tấn công cướp biển tầm xa và các vấn đề khác, Mỹ và Hải quân Trung Quốc đang có hợp tác chặt chẽ. Ở biển gần, giữa hai bên tồn tại bất đồng, chứ không phải là xung đột. Điều quan trọng là làm thế nào để hai bên thoát khỏi bất đồng.
Theo tướng Philippines: Trung Quốc lấn biển, xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam  không vì hòa bình