Chuyện bom nguyên tử của Bắc Hàn và Iran đang là đề tài quan tâm của thế
giới, nhất là Hoa Kỳ. Và hai bức tranh mâu thuẫn gần như khôi hài.
Trong khi Iran khẳng định không có ý định chế tạo bom nguyên tử mà chỉ
nghiên cứu và tinh lọc nhiên liệu Uranium để giải quyết vấn đề năng
lượng thì Hoa Kỳ và Do Thái quả quyết Iran đang tìm cách chế tạo bom
nguyên tử và dọa sẽ đánh Iran trước khi Iran đi vào giai đoạn tinh luyện
cuối cùng. Chuyến thăm viếng Do Thái của tổng thống Obama từ 20/3 đến
23/3 thật ra để bàn một giải pháp cho cuộc tranh chấp Do Thái –
Palestine và tình hình chiến tranh tại Syria đã bị lu mờ vì chuyện bom
nguyên tử của Iran.
Trong khi đó Bắc Hàn có một quá trình công khai chế bom nguyên tử (1) và
cho đến hôm nay đã 3 lần thí nghiệm cho nổ bom nguyên tử, và mấy tháng
nay nhiều lần công khai sẽ dùng bom nguyên tử đánh Nam Hàn và Hoa Kỳ để
trả đũa việc Hoa Kỳ đưa nghị quyết trừng phạt ra Hội đồng Bảo an Liên
hiệp quốc và được Hội đồng Bảo an chấp thuận, và việc Hoa Kỳ và Nam Hàn
thao dượt quân sự với máy bay B52 của Hoa Kỳ mang bom nguyên tử bay trên
ranh giới Nam Bắc Hàn thì phản ứng của Hoa Kỳ chỉ là tuyên bố tăng
cường khả năng hỏa tiễn chống hỏa tiễn để ngăn chặn các hỏa tiễn của Bắc
Hàn. Thái độ mạnh mẽ nhất của Hoa Kỳ là lời tuyên bố của Trung tướng
Jack Miller, phát ngôn nhân của bộ Quốc phòng rằng Hoa Kỳ cam kết và có
đủ khả năng bảo vệ hai đồng minh Nhật Bản và Nam Hàn.
Đối với Bắc Hàn, Hoa Kỳ biết Bắc Hàn chưa có khả năng để biến hiểu biết
cho nổ một ngòi nguyên tử thành vũ khí tấn công. Cái quá trình dọa dẫm
như trẻ con của Bắc Hàn đã quá quen thuộc với Hoa Kỳ. Tổng thống
Clinton, tổng thống Bush (nhỏ) đã có nhiều đối sách và nhận ra rằng Bắc
Hàn giống như một chú mèo con càng cho ăn càng đòi thêm. Hơn nữa đối với
Bắc Hàn còn có Trung quốc, Nam Hàn và Nhật Bản. Quyền lợi và an ninh
của các nước này trực tiếp hơn của Hoa Kỳ. Và ai cũng biết một điều Bắc
Hàn không dại đánh Nam Hàn. Vì kết quả là cho dù Hoa Kỳ và Trung quốc
đứng ngoài, Nam Hàn cũng sẽ đánh bại Bắc Hàn và thống nhất đất nước. Sự
lo ngại của Trung quốc về một nước Đại Hàn thống nhất thân Hoa Kỳ sát
biên giới có thể được giải quyết bằng một khu phi quân sự dọc biên giới
Đại Hàn – Trung quốc. Với giả thuyết này Hoa Kỳ có thể không lo mà còn
mong ước ngầm Bắc Hàn đánh Nam Hàn. Cùng tất biến, biến tất thông.
Trước hết là Do Thái. Với đại nạn Holocaut trong Thế chiến thứ hai, 6
triệu người Do Thái bị giết trên khắp Âu châu, người Do Thái không thể
chấp nhận để Iran có bom nguyên tử. Tâm lý của Do Thái là chẳng thà cùng
chết trong một trận lửa nguyên tử hơn là bị giết như những con bò thịt.
Điều này giải thích thái độ cương quyết của Do Thái.
Đối với tổng thống Obama ông có thể nghĩ rằng Iran có bom nguyên tử Do
Thái cũng không quá bị đe dọa vì Do Thái cũng có một kho bom và Iran
cũng không muốn tự sát bằng cách mang bom đánh Do Thái hay Hoa Kỳ (2).
Nhưng với sức vận dụng (lobby) của Do Thái tại quốc hội Hoa Kỳ và ảnh
hưởng của Do Thái trên mặt trận truyền thông tổng thống Obama cũng không
thể làm gì khác hơn là ủng hộ Do Thái. Hơn nữa, nếu Iran có bom nguyên
tử thì Trung đông sẽ đi vào một kỷ nguyên chạy đua sản xuất vũ khí
nguyên tử.
Saudi Arabia và các nước trong vùng Vịnh mà đa số tín đồ theo Hồi giáo
hệ phái Sunni sẽ lo sợ bom nguyên tử trong tay Iran theo Hồi giáo hệ
phái Shitte. Saudi Arabia sẽ không ngồi yên mà không chế bom hay sắm bom
nguyên tử . Trong khi đó các nhóm tay chân của Iran như Syria,
Hezbollah (ở Lebanon) và Hamas (ở Gaza) được chiếc dù nguyên tử của Iran
che chở cũng trở nên bạo dạn hơn.
Đặt Bắc Hàn và Iran lên bàn cân người ta có thể thấy rằng: Mặc dù nhà
lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Ân còn “trẻ người non dạ” nhưng “cháu lú có
chú khôn”, ông chú Trung quốc sẽ không để cho Kim Chính Ân làm gì thì
làm. Hơn nữa tại đó Nhật Bản và Nam Hàn là hai quốc gia có tiềm năng
quốc phòng cao và có khả năng tự vệ Hoa Kỳ không cần phải quá bận tâm. Ở
Trung đông, trái lại, Hoa Kỳ là lực lượng duy nhất có khả năng hành
động. Do Thái có thể thúc bách Hoa Kỳ, nhưng Do Thái cùng biết khả năng
giới hạn của mình.
Và tuy tổng thống Obama không bị ràng buộc bởi nhu cầu tranh cử ông có
bổn phận tạo thế đứng cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ
2014 và cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Một chính sách quá dè dặt đối
với Iran có thể không có lợi về mặt chính trị nội bộ. Điểm thứ hai là
Iran có bom nguyên tử thay đổi sự cân bằng tại Trung đông trong cuộc
chiến tranh chống khủng bố và quyền lợi về dầu hỏa của Hoa Kỳ. Thập niên
trước chính vì tính toán trên sự cân bằng này mà tổng thống Bush bất
chấp dư luận quốc tế đã tấn công Iraq. Cuộc chiến Iraq đã chấm dứt với
những hậu quả không lấy gì khích lệ cho Hoa Kỳ nhưng cái khuynh hướng
hành động trước khi sự đe dọa tới vẫn là một thứ tâm lý của kẻ mạnh nên
việc Hoa Kỳ lâm vào một cuộc chiến Trung đông khác không phải là một giả
thuyết hoàn toàn được gạt bỏ.
Điều đáng lo là nếu Hoa Kỳ và Do Thái càng lớn tiếng đe dọa Iran càng
làm cho Iran quyết tâm hơn trong nổ lực chế tạo bom nguyên tử. Nhu cầu
an ninh và tự ái là hai yếu tố chính. Cho nên nếu thế giới chờ đợi gì
thì không nên chờ đợi Iran vì bị đe dọa mà từ bỏ quyết tâm chế tạo bom
nguyên tử.
Còn nhớ năm 1949 khi Liên bang Xô viết thí nghiệm bom nguyên tử thế giới
Tây phương tưởng như chiến tranh đã gần kề. Sau đó năm 1964 khi Trung
quốc thử bom nguyên tử thế giới lại một lần nữa lên cơn sốt. Nhưng rồi
nhờ những kho bom nguyên tử đó mà các cường quốc trên thế giới sợ tiêu
diệt lẫn nhau mà thế giới đã không xẩy ra trận Thế giới chiến tranh thứ
ba trong thế kỷ 20. Trong thế kỷ đó, Ấn Độ, Pakistan công khai chế tạo
bom nguyên tử. Sau đó Do Thái không công khai nhưng cũng thủ sẵn một kho
bom. Và Nhật Bản, Nam Hàn (có thể cả Đài Loan và Nam Phi) đều chuẩn bị
hiểu biết kỹ thuật để sẵn sàng ráp bom nguyên tử trong một thời gian
ngắn.
Thủ tướng Do Thái Netanyahu biết tổng thống Obama không muốn đánh Iran,
nhưng Netanyahu cũng biết tổng thống Obama bị nhiều áp lực để có thể
hành động hay không. Hoa Kỳ vốn là một quốc gia nhiều tự ái, tính toán
hướng nội và ông tổng thống Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng có thể hành
động theo tính toán của riêng mình. Đó là yếu tố bất định nhất trong
chính sách của Hoa Kỳ đối với Iran.
Tổng thống Obama còn đối diện với một khó khăn khác là cuộc thương
thuyết giữa Do Thái và Palestine. Chính sách của Do Thái là lấn đất và
làm tới để nếu có một giải pháp nào họ cũng đặt Hoa Kỳ và Palestine
trước việc đã rồi (xây tường an ninh gây khó khăn cho sinh hoạt của
người Palestine, thành lập các khu định cư trong vùng Tây ngạn sông
Jordan là vùng đất của người Palestine đến mức không thể dở bỏ…). Và Do
Thái càng đi vào con đường đó thì Palestine càng khó chấp nhận một giải
pháp hòa bình vì họ chẳng thể lập quốc trên một mảnh đất bị chia năm xẻ
bảy đi lại khó khăn và do đó an ninh quốc gia hoàn toàn bị người Do Thái
khống chế.
Chuyến công du Do Thái của tổng thống Obama đã giúp cho quan hệ cá nhân
giữa tổng thống và thủ ướng Netanyahu bớt căng thẳng. Trong cuộc họp báo
chung thủ tướng Netanyahu tuyên bố “bây giờ” ông tin rằng Hoa Kỳ sẽ
“bằng mọi cách” không để cho Iran có bom nguyên tử. Trong khi tổng thống
Obama nói ông hiểu “vì nhu cầu an ninh” Do Thái có khuynh hướng dùng
biện pháp quân sự mạnh hơn là Hoa Kỳ với hàm ý để Iran hiểu rằng sau
cuộc thăm viếng này Hoa Kỳ sẽ không níu chân Do Thái nếu Do Thái quyết
định đánh bom Iran để phá hủy các cơ sở sản xuất vũ khí.
Tuy nhiên nếu Do Thái lo an ninh quốc gia, Hoa Kỳ có mối lo về toàn bộ
tình hình Trung đông. Đánh, nói thì dễ, nhưng kết thúc nó như thế nào
lại là một vấn đề khác. Cuộc chiến Iraq đã chấm dứt, Hoa Kỳ đã rút quân.
Cuộc chiến Afghanistan đang xuống thang, nhưng triển vọng tương lai
trên cả hai vùng đất không có gì sáng sũa. Có chăng là hai chính quyền
thân Tây phương, nhưng gánh nặng còn đè trên vai.
Đánh Iran chưa chắc đã ngăn được Iran hoàn thành bom nguyên tử, nhưng hệ
lụy khó lường. Hiện nay tổng thống Obama, dù chủ trương càng ít dùng
sức mạnh càng tốt cũng nói mạnh để làm hài lòng Do Thái. Trong khi Do
Thái khẳng định sẽ đánh Iran để không cho Iran sản xuất vũ khí nguyên
tử, xem như Iran là một đứa bé ngỗ nghịch trừng phạt lúc nào cũng được.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Chưa đánh mặt đỏ như vang, đánh rồi mặt vàng
như nghệ”. E rằng khi Do Thái và Hoa Kỳ nhận thức được hậu quả của một
cuộc chiến mới tại Trung đông thì đã muộn.
Và đừng quên Trung quốc đang ngồi chờ cho tình hình Trung đông bùng nổ.
Cũng không phải quá đa nghi để nghĩ rằng thái độ hung hăng của nhà lãnh
đạo “con nít” Kim Chính Ân không có bàn tay xúi dục của Trung quốc sau
lưng. Trung quốc không phủ quyết biểu quyết của Hội đồng Bảo An Liên
hiệp quốc hôm 7/3/2013 trừng phạt Bắc Hàn thí nghiệm nguyên tử chỉ là
một cách xóa vết.
Hoa Kỳ càng lúng túng vì tình hình Bắc Hàn và Iran bao nhiêu, Trung quốc
càng có lợi bấy nhiêu. Làm mệt mỏi kẻ địch là một trong 13 binh pháp
của Tôn Tử để thắng một cuộc tranh hùng.
Mar. 26, 2013
Âm vang tiếng súng Đoàn Văn Vươn
Trong vụ nổ súng làm bị thương sáu công an, bộ đội ở Tiên Lãng, Hải
Phòng, Đoàn Văn Vươn không cầm súng bắn nhưng Đoàn Văn Vươn là thủ lĩnh,
là linh hồn, là người tiêu biểu cho ý chí lấn biển, mở cõi, mở mang đất
sống cho gia đình, cho quê hương và cho đất nước. Đoàn Văn Vươn cũng
tiêu biểu cho ý chí phản kháng việc thu hồi đất như cướp trắng thành quả
hàng chục năm trời lao động bằng mồ hồi và bằng máu của cả gia đình,
cướp trắng toàn bộ của cải tiền bạc đầu tư vào việc lấn biển mở đất. Vì
thế tiếng súng phản kháng đó chính là tiếng súng Đoàn Văn Vươn.
Tiếng súng Đoàn Văn Vươn là sự bùng nổ của mâu thuẫn đang chứa chất ở
nhiều nơi trong xã hội ta hôm nay, mâu thuẫn giữa người nông dân lao
động sáng tạo trên mảnh đất mồ hôi xương máu của họ với hệ thống quyền
lực nhân danh Nhà nước quản lí mảnh đất đó.
Luật đất đai, điều 5: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện
chủ sở hữu. Và điều 6: Nhà nước thống nhất quản lí về đất đai. Luật đất
đai như vậy đã tạo ra những đoàn nông dân hình hài gầy guộc, xiêu vẹo,
gương mặt rầu rĩ, tiều tụy cầm đơn đi khiếu kiện đất đai nối dài từ Nam
ra Bắc, dòng dã năm này qua năm khác suốt mấy chục năm nay. Tấc đất tấc
vàng, những tấc vàng đó lại thuộc sở hữu toàn dân, tức là của chùa!
Những tấc vàng của chùa dễ xơ múi quá đã làm hỏng những người được Nhà
nước giao cho quyền quản lí, quyền định đoạt những tấc vàng của chùa.
Mảnh đất người nông dân đổ mồ hôi, đổ máu, đổ của cải ra khai khẩn lại
không thuộc quyền sở hữu của người khai khẩn mà thuộc quyền quản lí của
quan lại hàng huyện thì sự quản lí sẽ vô cùng tùy tiện và việc thu hồi,
cưỡng chế mảnh đất người kĩ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn khai khẩn là sự
tùy tiện đó.
Từ trước đến nay lệnh thu hồi đất của quan ban ra, người dân chỉ biết
cay đắng nhận đồng tiền đền bù rẻ mạt rồi đau khổ giao mảnh đất của tổ
tiên ngàn đời để lại, giao mảnh đất mồ hôi xương máu, mồ mả ông cha,
giao mảnh đất là núm ruột chôn rau cắt rốn, là quê cha đất tổ, là gốc
tích cội nguồn dòng dõi, là nguồn sống của muôn đời con cháu cho các
quan để các quan tư túi kiếm lợi trên mảnh đất đó. Đây là lần đầu tiên
lệnh thu hồi đất ngang trái gặp sự phản kháng bằng tiếng súng.
Mảnh đất lấn biển của người kĩ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn không phải
chỉ là mảnh đất mồ hôi, xương máu mà còn là mảnh đất của sự nghiệp cuộc
đời, của ý chí nam nhi. Mảnh đất của sự nghiệp cuộc đời bị mất trắng là ý
chí nam nhi bị đánh bại. Ý chí nam nhi đã thắng cả trời, thắng cả sức
mạnh hoang dã của bão biển mà phải thua cái lệnh hành chính ngang trái
của hai anh em ruột nhà quan, phía sau ông anh quan đầu huyện kí quyết
định thu hồi đất thấp thoáng bóng ông em quan đầu xã, nơi có bãi đất lấn
biển của kĩ sư Đoàn Văn Vươn bị thu hồi.
Đã là nông dân thì ai cũng khát đất như quan khát chức quyền. Quan xuất
thân từ nông dân thì khát cả hai! Người nông dân thỏa mãn nỗi khát đất
bằng đổ mồ hôi, đổ máu ra mở đất, bỏ cả chiếc ghế công chức, bỏ cả cuộc
đời vào mở đất. Quan thỏa mãn nỗi khát đất bằng quyền lực.
Dời núi lấp biển, thay đổi cả cảnh quan thiên nhiên, vẽ lại bản đồ cả
vùng đất là công việc của những anh hùng cái thế. Đoàn Văn Vươn là người
anh hùng đó. Lấn biển, thách thức sức mạnh hoang dã của biển cả, chỉ
người có chí lớn mới làm được và Đoàn Văn Vươn đã làm được. Bãi biển xã
Vinh Quang, Tiên Lãng đã có từ bao đời và từ bao đời nay chỉ có sóng
cuồng, bão dữ. Bão từ biển đổ bộ vào, người dân Vinh Quang phải bỏ nhà
cửa ruộng vườn chạy sâu vào đất liền tránh bão thì Đoàn Văn Vươn lại
tiến ra biển đắp đê ngăn sóng, trồng cây chắn bão. Nhà cửa có thứ gì bán
ra tiền đều bán hết để có đồng tiền cùng với tâm trí, sức lực, cùng với
mồ hội và máu đổ ra, cùng với năm tháng cuộc đời làm nên con đê ngăn
sóng, làm nên rừng cây chắn bão.
Lấn biển là sự nghiệp của cả cuộc đời, của nhiều thế hệ. Nhưng mảnh đất
Đoàn Văn Vươn lấn biển vừa thành bãi chuối, vừa thành đầm tôm, chuối
chưa kịp ra buồng, tôm vừa quen nước thì quyết định thu hồi đất của quan
huyện tùy tiện ban ra. Luật đất đai qui định thời hạn giao đất là 20
năm, quan tùy tiện chỉ giao 14 năm. Quan kí quyết định giao đất ngày 9.
4. 1997 nhưng ngày tính thời hạn sử dụng đất lại là ngày 4.10.1993, tùy
tiện kéo lùi ngày sử dụng đất trước ngày kí giao đất đến ba năm rưỡi.
Quyết định thu hồi đất tùy tiện trái luật đất đai bị dân kiện, quan lại
tùy tiện hứa: Dân rút đơn kiện thì quan sẽ cho dân tiếp tục sử dụng đất
có được từ mồ hôi, xương máu của dân. Nhưng dân rút đơn kiện năm trước
thì năm sau liền có quyết định thu hồi đất cùng với lệnh cưỡng chế quyết
liệt, ầm ầm kéo công an, bộ đội về đập tan ngôi nhà nơi đầu sóng của
gia đình người mở đất. Người đại diện Nhà nước thực hiện lời hứa với dân
như vậy không thể dùng từ nào khác ngoài từ lật lọng. Tiếng súng Đoàn
Văn Vươn là tiếng súng nổ vào sự lật lọng đó!
Kí giấy giao đất, tùy tiện định thời hạn sử dụng đất gây thiệt hại cho
người nông dân chân chính Đoàn Văn Vươn khai phá lên mảnh đất đó, lại
vội vã, nôn nóng, quyết liệt cưỡng chế, thu hồi mảnh đất lấn biển là
toàn bộ cuộc đời, cơ ngơi, sự nghiệp của người nông dân chân chính Đoàn
Văn Vươn, người đại diện Nhà nước quản lí đất đai đã thiếu cái đức lo
cho dân của quan cai trị dân, lại thiếu tầm nhìn ra xã hội của người
quản lí xã hội. Bãi biển nơi phô trương sức mạnh của thiên nhiên hoang
dã nay đã thành bãi chuối, đầm tôm có sức hấp dẫn quá lớn làm cho ông
quan đại diện Nhà nước quản lí đất đai trở nên nhỏ nhen, hẹp hòi, đối
lập với dân.
Nhà nước đổ tiền ngân sách, huy động sức dân đắp được con đê quai biển
nhưng động mưa bão là đê vỡ, sóng biển tràn vào tàn phá xóm làng, cuốn
cả người, cả tài sản ra vùi dưới đáy biển. Động mưa bão là người dân
phải bỏ nhà cửa, dắt díu con cái chạy trốn sức mạnh của biển. Đoàn Văn
Vươn không xin một đồng tiền ngân sách Nhà nước, chỉ đổ của cải, công
sức của gia đình ra đã đắp lên con đê vững chãi, trồng lên rừng cây bền
bỉ, tạo ra khoảng cách an toàn giữa sóng dữ và làng xóm hiền hòa. Dân
không còn phải chạy bão, bãi lấn biển của người nông dân mở đất Đoàn Văn
Vươn còn tạo thêm việc làm cho những người dân quê hay lam hay làm, tạo
thêm của cải cho xã hội, mở thêm đất sống cho quê hương, mở mang bờ cõi
cho đất nước. Những lợi ích to lớn đó do người nông dân mở đất Đoàn Văn
Vươn tạo ra, người dân cả xã Vinh Quang, cả huyện Tiên Lãng đều thấy,
người dân Việt Nam cả nước đều thấy, chỉ riêng những người đại diện Nhà
nước quản lí đất đai ở huyện Tiên Lãng không thấy.
"Anh Vươn không phải người tốt. Nói đúng ra anh Vươn chẳng có công lao
gì cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục hecta (đất) và
thu lời nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt từ năm 2007 đến
nay anh hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì
cho xã hội." Câu nói của ông chánh văn phòng ủy ban Nhân dân huyện Tiên
Lãng, người phát ngôn của chủ tịch huyện Lê Văn Hiền đã bộc lộ rõ sự
chật chội, hẹp hòi, đối lập với dân, bộc lộ sự tha hóa của những người
đại diện Nhà nước quản lí đất, quản lí dân. Tiếng súng Đoàn Văn Vươn là
tiếng súng nổ vào sự tha hóa đó.
Những người nổ súng vào quyền lực Nhà nước sẽ bị pháp luật Nhà nước xét
xử. Nhưng tiếng súng phản kháng quyền lực Nhà nước chỉ là cái ngọn. Cái
gốc là luật đất đai đã tước đoạt quyền làm chủ của người nông dân trên
mảnh đất của chính họ. Cái gốc là sự tha hóa, sự xa dân đến mức đối lập
lợi ích với dân, sự lợi dụng quyền đại diện Nhà nước quản lí đất đai
nhưng ứng xử với đất đai không vì lợi ích Nhà nước, không vì lợi ích
toàn dân mà chỉ vì lợi ích của cá nhân và phe nhóm. Sự tha hóa của quan
chức đại diện Nhà nước quản lí đất đai đã xuất hiện ở mọi miền đất nước
tạo nên dòng người dân mất đất cầm đơn đi khiếu kiện nối dài trong thời
gian. Nhưng sự tha hóa của quan chức trong quản lí đất đai như được dung
túng. Chưa có nỗi oan khuất mất đất đai của dân nào được giải quyết
thỏa đáng, chưa có sự tha hóa nào của quan chức trong quản lí đất đai
được nghiêm trị và sự tha hóa cứ lan rộng, kéo dài. Trong xử lí đất đai ở
bãi biển xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng có yếu tố của sự tha
hóa đó.
Cuộc vận động học tập đạo đức Hồ Chí Minh kéo dài rầm rộ suốt nhiều năm,
tốn kém không ít tiền thuế của dân nhưng chỉ ồn ào hình thức, kết quả
không thấy đâu, tiêu cực tham nhũng không suy giảm mà ngày càng trầm
trọng đang đe dọa sinh mệnh của đảng cầm quyền và đe dọa sự sống còn của
chế độ. Vào những ngày tận cùng của năm 2011 đầy biến động, ban chấp
hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam vừa gấp gáp họp và thống thiết
phát động cuộc chỉnh đốn đảng cứu đảng, cứu chế độ thì bùng nổ tiếng
súng Đoàn Văn Vươn.
Người dân phập phồng lo lắng cho số phận người hùng mở đất Đoàn Văn Vươn
trước sự xét xử của pháp luật nhưng người dân cũng chờ đợi sự phán
quyết của pháp luật, của cơ quan tổ chức cán bộ, của cơ quan kiểm tra
đảng đối với những ông quan cai trị dân nhưng ngày càng xa dân, ngày
càng đối lập với dân. Người dân chờ đợi sự phán quyết đó để xem cuộc
chỉnh đốn đảng lần này có khác với cuộc vận động học tập đạo đức Hồ Chí
Minh chỉ ồn ào hình thức rầm rộ suốt mấy năm qua không.
11. 01. 2012
Phạm Đình Trọng
(DLB)
Luật sư Nguyễn Văn Đài - Ai sai phạm trong vụ án Đoàn Văn Vươn?
Vụ việc UBND huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng tiến hành cưỡng chế
trái pháp luật để thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã dẫn đến
việc gia đình ông tự chế mìn và trang bị súng bắn đạn hoa cải để tự vệ.
Điều này cho thấy những người dân vốn hiền lành quanh năm lao động bán
mặt cho đất, bán lưng cho trời để kiếm sống, nay khi họ bị chính quyền
ức hiếp, đối xử bất công nhằm tước đoạt mồ hôi, nước mắt, vốn liếng của
họ đã bỏ ra biết bao năm trời. Họ đã sửa dụng đến các công cụ pháp lý là
khởi kiện ra tòa án, họ tin tưởng là tòa án sẽ đem lại công lý cho họ.
Kết quả là họ đã bị cả tòa án và chính quyền lợi dụng pháp luật, bẻ cong
pháp luật, rồi thực hiện hành vi trái pháp luật để tước đoạt tài sản
của họ. Thất vọng, mất niềm tin vào chính quyền và tòa án, không còn nơi
nương dựa. Họ đã buộc phải lựa chọn giải pháp cuối cùng đó là trang bị
vũ khí tự chế để tự vệ tài sản và bảo vệ công lý cho chính mình. Kết quả
là chính quyền huyện Tiên Lãnh đã biến họ từ những người dân vô tội,
hiền lành có nguy cơ trở thành những người tội phạm.
Hành vi vi phạm pháp luật của chính quyền huyện Tiên Lãng đã gây ra sự
bất bình và phẫn nộ trong nhân dân. Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và
Môi trường Đặng Hùng Võ đã khẳng định trên trang tin nhanh Vnexpress vào
ngày 13/1/2012 rằng: quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng(
Hải Phòng) với gia đình ông Đoàn Văn Vươn là vừa trái pháp luật vừa trái
đạo lý, cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân. Luật sư Trần Vũ Hải đã
gửi thư lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đại biểu quốc hội của thành
phố Hải Phòng. Luật sư Hải đã đề Thủ tướng Dũng chỉ đạo bộ Công an khởi
tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ hành vi hủy hoại tài sản công dân.
Nhiều Văn phòng luật sư đã đứng ra nhận bào chữa miễn phí cho các thành
viên trong gia đình ông Vươn. Vụ việc cũng đã thu hút được sự quan tâm
của nhiều người nguyên là lãnh đạo cao cấp của Nhà nước và của đảng Cộng
sản. Đặc biệt có hàng trăm người đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để
giúp đỡ và ủng hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Trước áp lực của nhân dân cả nước, ngày 10 tháng 2 năm 2012, thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến kết luận: UBND huyện Tiên Lãng, thành phố
Hải Phòng đã có sai phạm trong giao đất, thu hồi đất và cưỡng chế thu
hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn. Cụ thể là các quyết định
460/QĐ-UBND ngày 23 tháng 4 năm 2008, quyết 461/QĐ-UBND ngày 7 tháng 4
năm 2009 của UBND huyện Tiên Lãng về việc thu hồi đất của gia đình ông
Vươn là không đúng với qui định của Luật đất đai năm 2003. Do vậy quyết
định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật.
Từ kết luận của thủ tướng chính phủ, tính chất pháp lý của vụ án đã thay
đổi. Vấn đề đặt ra ở đây là 6 người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn có
phạm các tội hình sự “giết người” và “chống người thi hành công vụ” mà
các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hải Phòng đã khởi tố hay không?
Trước hết, chúng ta xem xét đến việc UBND huyện Tiên Lãng tiến hành
cưỡng chế trái pháp luật để thu hồi đất của gia đình ông Vươn có phải là
thi hành công vụ hay không?
Khái niệm người thi hành công vụ được nêu trong Điều 257 Bộ luật hình sự
bao gồm các nhân viên của các cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức đang
thừa hành nhiệm vụ được giao theo đúng qui định của pháp luật. Nhiệm vụ
được giao những hoạt động bình thường, đúng đắn và đúng pháp luật.Theo
kết luận của Nguyễn Tấn Dũng thì quyết định cưỡng chế thu hồi đất của
UBND huyện Tiên Lãng là không đúng pháp luật. Do vậy việc UBND huyện
Tiên Lãng tiến hành cưỡng chế là trái pháp luật và đương nhiên không
phải là hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước. Do vậy những người
được UBND huyện Tiên Lãng giao nhiệm đến cưỡng chế thu hồi đất của gia
đình ông Vươn không phải là những người thi hành công vụ.
Vậy UBND huyện Tiên Lãng và những người được giao nhiệm đó vi phạm pháp luật như thế nào?
Điều 73 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 qui định:
“Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép….”
Quyết định số 447/QĐ-UB ngày 4 tháng 10 năm 1993 và quyết định số
200/QĐ-UB ngày 9 tháng 4 năm 1997 của UBND huyện Tiên Lãng giao đất cho
gia đình ông Đoàn Văn Vươn là phù hợp với qui định của pháp luật tại
thời điểm đó(Kết luận của TT Nguyễn Tấn Dũng). Do vậy nhà ở,các công
trình xây dựng và tài sản trên đó là thuộc quyền sở hữu hợp pháp của gia
đình ông Vươn. Không ai được tự ý xâm phạm.
Về mặt khách quan: Việc UBND huyện Tiên Lãng lợi dụng pháp luật để huy
động một lực lượng trên 100 người gồm công an, quân đội, dân phòng. Họ
được trang bị vũ khí và các công cụ hỗ trợ nhằm dùng vũ lực hoặc đe dọa
dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản được pháp
luật bảo hộ của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Các loại vũ khí mà UBND
huyện Tiên Lãng sử dụng hoàn có thể gây thương tích và tước đoạt mạng
sống của các thành viên gia đình ông Vươn.
Về mặt khách thể: UBND huyện Tiên Lãng đã sử dụng một lực lượng đông
đảo, được trang bị vũ khí để sẵn sàng dùng vũ lực ngay tức khắc buộc gia
đình ông Đoàn Văn Vươn lâm vào tình trạng mất khả năng chống cự nhằm
mục đích chiếm đoạt tài sản của gia đình ông. Tính mạng và sức khỏe của
các thành viên trong gia đình ông Vươn có thể bị tước đoạt nếu họ quyết
tâm bảo vệ tài sản hợp pháp của mình đến cùng. Thực tiễn là sau khi cho
nổ mìn tự chế để ngăn cản hành vi vi phạm pháp luật của UBND huyện Tiên
Lãng, nhưng những người vi phạm vẫn kiên quyết thực hiện hành vi phạm
tội tới cùng. Họ tiếp tục tấn công bất hợp pháp vào khu vực của gia đình
ông Đoàn Văn Vươn, buộc gia đình ông phải bắn đạn hoa cải để tự vệ gây
thương vong cho một số người vi phạm pháp luật. Khi UBND huyện Tiên Lãng
tăng cường lực lượng và vũ khí thì gia đình ông Vươn buộc phải rút lui
để bảo toàn tính mạng, sức khỏe.
Hậu quả sảy ra: Toàn bộ tài sản hợp pháp của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã bị cướp sạch, phá sạch và đốt sạch.
UBND huyện Tiên Lãng đã vi phạm Điều 73 Hiến pháp Việt Nam năm 1992, khi
huy động một lực lượng đông đảo, được trang bị vũ khí xâm phạm vào nơi ở
của gia đình ông Đoàn Văn Vươn khi không được pháp luật cho phép. Hành
vi của UBND huyện Tiên Lãng có dấu hiệu của tội cướp tài sản có tổ chức,
có vũ khí được qui định tại Điều 133 Bộ luật hình sự Việt Nam. Khi họ
sử dụng một lực lượng đông đảo để dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay
tức khắc nhằm tấn công vào gia đình ông Vươn, làm cho gia đình ông không
thể chống cự để chiếm đoạt tài sản hợp pháp của gia đình ông Vươn. Việc
gia đình ông Vươn sử dụng mìn tự chế, súng tự chế bắn đạn hoa cải chỉ
là giải pháp cuối cùng để tự vệ bảo vệ tài sản hợp pháp của gia đình
mình trước hành vi tấn công ăn cướp của người khác. Hành động tự vệ cho
nổ mìn tự chế và bắn đạn hoa cải chỉ nhằm hạn chế hành vi vi phạm pháp
luật của người khác.
Chúng ta xét đến mức độ tương xứng giữa lực lượng vi phạm pháp luật và
gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Bên UBND huyện Tiên Lãng với trên 100 công
an, quân đội, dân phòng. Được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ hiện đại
và đầy đủ. Còn gia đình ông Đoàn Văn Vươn có bốn người đàn ông và hai
người phụ nữ. Họ tự trang bị một mìn tự chế, và một số súng tự chế bắn
đạn hoa cải. Điều rõ ràng ở đây là gia đình ông Vươn hoàn toàn yếu thế
trước những người vi phạm pháp luật là UBND huyện Tiên Lãng. Việc gia
đình ông Vươn cho nổ mìn, bắn súng hoa cải chỉ nhằm ngăn chặn hành vi
nguy hiểm của những người tấn công chiếm đoạt tài sản của gia đình ông.
Nhưng mặc dù gia đình ông đã cho nổ mìn, bắn đạn hoa cải, nhưng vẫn
không ngăn chặn được hành động phạm tội của UBND huyện Tiên Lãng. Cuối
cùng tài sản mà ông và gia đình đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, tiền
bạc đã bị họ cướp, đốt và phá sạch. Tất cả những điều trên đã chứng minh
rằng hành động tự vệ của gia đình ông Vươn thấp hơn mức độ cố ý phạm
tội đến cùng của các nạn nhân. Hành động tự vệ đã không đủ để ngăn chặn
quyết tâm phạm tội đến cùng của những người vi phạm pháp luật.
Không một ai, hay không có một cơ sở nào có thể biện minh cho hành động
vi phạm pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng. Nhưng sự quan tâm, ủng hộ và
lên tiếng của cả xã hội là chứng minh tốt nhất cho hành động tự vệ hợp
pháp và đúng đắn của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Hàng động tự vệ của gia đình ông Vươn khi cho nổ mìn tự chế và bắn hoa
cải vào những người vi phạm pháp luật vẫn nằm trong giới hạn phòng vệ
chính đáng mà pháp luật cho phép. Đó không phải là hành vi giết người
như quyết khởi tố của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hải Phòng.
Do vậy, các ông Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn
Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) không phạm tội giết người
như quyết định khởi tố của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Bà Phạm Thị Báu(tức Hiền vợ của ông Quý) và bà Nguyễn Thị Thương(vợ của
ông Vươn) không phạm tội chống người thi hành công vụ như quyết định
khởi tố của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hải Phòng. Do những
người được UBND huyện Tiên Lãng giao nhiệm vụ trong ngày 5 tháng 1 năm
2012 khi xâm phạm bất hợp pháp vào nơi ở của gia đình ông Đoàn Văn Vươn
là những người vi phạm pháp luật. Họ không phải là những người thi hành
công vụ.
Vậy việc các ông Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn
Vệ sử dụng mìn tự chế và súng bắn đạn hoa cải vi phạm điều luật nào?
Theo qui định tại Nghị định số 175/CP ngày 11 tháng 12 năm 1964 của Hội
đồng chính phủ thì các loại: “vũ khí thể thao quốc phòng và các loại vũ
khí khác như(súng săn, súng kíp, súng hỏa mai,…), thuốc nổ và kíp mìn
dùng trong sản xuất không phải là vũ khí quân dụng.
Như vậy, các ông Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn
Vệ chỉ có thể có dấu hiệu vi phạm vào Điều 232 Bộ luật hình sự qui định
về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng,.. vật liệu nổ. Và Điều
234 qui định về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái
phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.
Gia đình ông Đoàn Văn Vươn sử dụng vật liệu nổ và vũ khí thô sơ chỉ nhằm
bảo vệ tài sản hợp pháp của mình. Chống lại hành vi vi phạm pháp luật
của UBND huyện Tiên Lãng. UBND huyện Tiên Lãng đã thực hiện âm ưu, thủ
đoạn, sử dụng mọi lực lượng để quyết tâm thực hiện hành vi vi phạm pháp
luật đến cùng. Nhằm dồn gia đình ông Vươn vào đường cùng để họ dễ dàng
chiếm đoạt tài sản. Hành vi vi phạm pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng
đã bị nhân dân cả nước phẫn nộ và lên án. Nhưng hành động tự vệ của gia
đình ông Đoàn Văn Vươn lại được nhân dân cả nước đồng cảm, chia sẻ và
ủng hộ.
Do vậy chúng ta mong rằng các cơ quan tiến hành tố tụng của thành phố
Hải phòng không xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 232 và 234 đối với
các ông Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ để
đáp ứng sự mong đợi của nhân dân cả nước.
Hà Nội, ngày 14 tháng 2 năm 2012
Luật sư Nguyễn Văn Đài
(DLB)
Luật sư Lê Đức Tiết lên tiếng phản đối Cáo trạng vụ án Đoàn Văn Vươn
“Không có quyết định đúng luật thì không thể có hành vi chống người thi hành công vụ" - Luật sư Lê Đức Tiết
“Nếu toà án có cơ sở để kết luận quyết định thu hồi, cưỡng chế đất của
huyện Tiên Lãng là đúng; tức kết luận của Thủ tướng rằng huyện thu hồi,
cưỡng chế đều sai cũng là sai thì lúc đó mới buộc tội ông Vươn là chống
người thi hành công vụ”, quan điểm của luật sư Lê Đức Tiết, phó chủ
nhiệm hội đồng tư vấn Dân chủ và pháp luật (thuộc uỷ ban trung ương Mặt
trận tổ quốc Việt Nam) khi trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị xung
quanh kết luận điều tra và bản cáo trạng mới đây của các cơ quan công
quyền đối với vụ việc liên quan đến ông Đoàn Văn Vươn và các cá nhân
khác trong vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng – Hải Phòng cách đây
gần tròn một năm.
Chắc ông đã nghe những diễn biến mới nhất của vụ việc, là kết luận
điều tra của Công an Hải Phòng và bản cáo trạng của viện Kiểm sát nhân
dân thành phố Hải Phòng?
Báo chí đã đăng kết luận điều tra vụ Đoàn Văn Vươn. Dư luận xã hội và
nhất là giới luật gia không đồng tình. Không ai có thể tự làm quan toà
cho chính mình.
Trong vụ này, ông giám đốc Công an Hải Phòng nói đây là trận đánh đẹp.
Chính ông cùng với hai phó giám đốc trực tiếp chỉ huy lực lượng cưỡng
chế rồi chính cơ quan công an Hải Phòng trực tiếp điều tra vụ án. Viện
Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng và TAND thành phố Hải Phòng, cũng
là những cơ quan đã từng xét xử sai, nay lại tiếp tục xét xử vụ án nên
khó thuyết phục được dân chúng về tính công minh của công việc điều tra,
truy tố, xét xử.
Các cơ quan tư pháp Hải Phòng nên tự rút ra, để cơ quan tư pháp trung
ương trực tiếp vào cuộc thì mới đảm bảo khách quan. Nếu Hải Phòng tự
mình điều tra, xét xử thì không bảo đảm được tính không thiên vị trong
đấu tranh bảo vệ công lý. Hơn nữa, nếu cơ quan điều tra bộ Công an và
viện Kiểm sát nhân dân tối cao trực tiếp rút hồ sơ lên để trực tiếp làm,
thì vụ việc sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn như Thủ tướng Chính phủ
yêu cầu và giúp cho các cơ quan tư pháp Hải Phòng đỡ vướng mắc hơn.
Vậy còn quan điểm của ông với nội dung cáo trạng, quyết định khởi tố
bị can sáu người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn về tội “giết người,
chống người thi hành công vụ”?
Phán quyết cuối cùng là do toà án quyết định. Tuy vậy, cần lưu ý rằng
phán quyết công minh, đúng pháp luật được đông đảo dư luận nhân dân đồng
tình sẽ có tác dụng giáo dục sâu rộng trong xã hội. Còn ngược lại,
những phán quyết bất công thường gây ra sự phẫn nộ của công chúng và
đánh mất niềm tin của công chúng vào pháp luật, vào chính quyền.
Trong vụ Đoàn Văn Vươn, nếu các cơ quan tư pháp có đủ cơ sở pháp lý để
khẳng định lệnh thu hồi đất của chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng là đúng
Hiến pháp, đúng luật Đất đai thì mới có thể buộc tội ông Vươn phạm tội
chống người thi hành công vụ. Trong khi đó, chính Thủ tướng Chính phủ –
người đứng đầu cơ quan hành pháp – cũng từng kết luận rằng quyết định
thu hồi đất nói trên là sai. Lệnh cưỡng chế để thi hành quyết định trái
luật, do vậy, cũng không thể đúng. Không có quyết định hành chính đúng
luật thì không thể có hành vi chống người thi hành công vụ. Không thể
buộc tội ông Vươn chống lại cái không có trong thực tế. Ông Vươn chỉ
chống lại hành vi trái luật của viên chức. Đó là quyền phòng vệ chính
đáng của công dân mà luật pháp tất cả các nước trên thế giới và ở nước
ta đều công nhận.
|
Báo chí đã đăng kết luận điều tra vụ Đoàn Văn Vươn. Dư luận xã hội và nhất là giới luật gia không đồng tình |
Cũng có ý kiến cho rằng dẫu sao ông Vươn cũng biết những người mà ông
ta chống lại là viên chức nhà nước. Chống lại viên chức nhà nước là
chống lại người thi hành công vụ?
Lập luận này rất khiên cưỡng. Danh hiệu viên chức nhà nước không thể là
cơ sở pháp lý để buộc tội người dân chống lại hành vi hoặc quyết định
trái pháp luật của viên chức. Không thể lấy cái “áo giáp” viên chức để
buộc tội dân. Nếu vậy thì không có sự kiện mà báo chí đã đưa tin là có
50 cá nhân, 25 tổ chức bị kỷ luật, năm cán bộ trong đó có chủ tịch, phó
chủ tịch huyện, bí thư đảng uỷ, chủ tịch xã bị khởi tố vì đã cố ý huỷ
hoại tài sản của công dân. Người dân quan tâm theo dõi bởi vì vụ việc
xảy ra ở Tiên Lãng không phải là vụ việc đột xuất, cá biệt. Nhân dân chờ
đợi “thần công lý” lên tiếng.
Nghĩa là nếu buộc ông Vươn tội chống người thi hành công vụ, thì theo
quan điểm của ông là không đúng pháp luật, vì ở đây không có thi hành
công vụ?
Tôi muốn nhấn mạnh, trong trường hợp toà án tối cao đưa ra xét xử, nếu
toà án tối cao có được chứng cứ thuyết phục được rằng việc làm của huyện
Tiên Lãng (thu hồi, cưỡng chế) là đúng luật thì mới có thể kết luận ông
Vươn chống người thi hành công vụ. Hay nói cách khác, chỉ khi toà án có
cơ sở để bác lại kết luận Thủ tướng (kết luận Thủ tướng cho rằng thu
hồi, cưỡng chế là sai pháp luật) thì lúc đó mới buộc tội ông Vươn vào
tội này.
Vậy theo ông, trong trường hợp này thì ông Vươn có thể bị khép vào tội danh nào?
Theo tôi đó là tội vượt quá phòng vệ chính đáng, theo điều 15 của bộ luật Hình sự.
Chí Hiếu thực hiện
“Các Quyết định của UBND huyện Tiên Lãng thu hồi đất của ông Đoàn
Văn Vươn với lý do hết thời hạn sử dụng là không đúng với quy định của
luật Đất đai 2003 và nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành
luật Đất đai năm 2003”.
“Do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật đất
đai nên quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Mặt
khác, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng
có nhiều thiếu sót, sai phạm”.
(trích kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 10.2.2012 về vụ việc
cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải
Phòng)
“Bộ đội của ta là của dân, do dân, vì dân mà lại đi tham gia cưỡng
chế. Bộ đội, thì nhiệm vụ trước tiên, hàng đầu của anh là chống giặc
ngoại xâm, thứ hai mới là giúp dân và thứ ba là tham gia sản xuất. Đây
anh lại không bảo vệ cho dân làm ăn lại tham gia cưỡng chế dân. Đây là
một sai lầm mà trong lịch sử đất nước ta chưa từng có”...
“... Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, cán bộ, công chức là công bộc của
dân. Cái gì có lợi cho dân thì làm, cái gì hại cho dân phải tránh nhưng
thực tế có làm được như vậy không? Ở trường hợp như vụ cưỡng chế, thu
hồi đất với nhà ông Đoàn Văn Vươn thì họ đã làm trái, không thực hiện
lời dạy của Hồ Chủ tịch. Chúng ta thấy ở đây hiện tượng bao che cho
nhau. Cho nên, nếu làm quyết liệt, có thể truy tố cả những cá nhân chủ
trương, thực hiện phá nhà của công dân Đoàn Văn Vươn vì đây có thể nói
là tội phạm, tội phá hoại tài sản của công dân”.
(Nguyên Chủ tịch nước – đại tướng Lê Đức Anh trả lời phỏng vấn Sài Gòn Tiếp Thị ngày 7.2.2012)
(SGTT)
Ai sẽ là Bí thư Đà Nẵng?
|
Ai sẽ là Bí thư Đà Nẵng? |
13 tháng ông Nguyễn Bá Thanh ra Ba Đình giữ chức Trưởng ban Nội chính. 3 tháng Đà Nẵng không có Bí thư.
Ông Trần Thọ, Phó Bí thư thường trực đang được phân công phụ trách,
nhưng chiếc ghế Bí thư sẽ không bao giờ đến được tay ông. Ngày 1 tháng 4
tới, HĐND Đà Nẵng sẽ họp phiên bất thường để bầu Trần Thọ ngồi ghế Chủ
tịch HĐND thay ông Thanh. Trần Thọ sẽ vẫn chỉ là Phó Bí thư kiêm thêm
chức Chủ tịch HĐND cho đến hưu.
Không hiểu sao việc bổ nhiệm Bí thư Đà Nẵng lâu đến thế? Thông thường,
chỉ khi tìm được người thay ghế Bí thư xong mới tính đến việc kéo Nguyễn
Bá Thanh ra Ba Đình. 3 tháng vẫn chưa thể lựa chọn xong một Bí thư cho
Đà Nẵng. Điều này chứng tỏ công tác tổ chức nhân sự cấp cao đang “đụng”
vấn đề gì đó.
Thoạt đầu nghe đồn cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, người đang ngồi
ghế Phó trưởng ban Tổ chức trung ương sẽ về lại Đà Nẵng. Nhưng có vẻ như
“quả bom đất 3.400 tỷ” đang cản đường về của ông Minh.
Đến giờ, ông Trần Văn Minh vẫn là ứng viên sáng giá. Qua nhiều nguồn tin
từ cấp tối thượng, ai cũng bảo Trần Văn Minh gần như chắc chắn.
Nhưng rồi lại nghe đồn có thêm nhiều ứng viên khác: Phó trưởng ban Tuyên
giáo trung ương Vũ Ngọc Hoàng, Trung tướng Thứ trưởng Bộ Công an Tô
Lâm, thậm chí gần đây nghe thêm 2 nhân vật nữa là Bí thư tỉnh ủy Kon Tum
Hà Ban và một vị đang là trợ lý của Tổng Bí thư.
Không biết rồi ai, nhân vật nào sẽ ngồi ghế Bí thư Đà Nẵng và chờ đến khi nào mới chọn xong?
3 nhân vật sau tôi không thích. Và có lẽ cũng ít tìm được người Đà Nẵng
nào ưa. Giả nếu phương án Trần Văn Minh không được thì cái tên Vũ Ngọc
Hoàng là hợp lý hơn.
Nhưng dù sao tôi vẫn thích Trần Văn Minh trở về.
Nếu ông Minh không phải là người được chọn để “trở về” thì đấy sẽ là một mối lo cho Đà Nẵng thời hậu Bá Thanh.
Chờ xem!
Trương Duy Nhất
(Blog Trương Duy Nhất)
Giảm lãi suất để cứu ai?
Nhìn lại toàn bộ biến động giảm lãi suất huy động của Ngân hàng nhà nước
Việt Nam từ đầu năm 2012 đến nay, có thể thấy rõ sự bất nhất đầy ẩn ý
của một nền kinh tế thị trường còn trong thai kỳ đầu tiên, một thai kỳ
dường như được phóng to bởi “Chủ nghĩa tư bản man dã” - theo một ý niệm
của giáo hoàng quá cố Jean Paul II.
Nói “Không” với lãi suất
Bức tranh kinh tế Việt Nam, với một độ trơ u tối cố hữu và giáo điều, đã
mặc nhiên toát lên nét chấm phá “Không” với bất kỳ động thái giảm lãi
suất nào.
Nếu vào năm ngoái, Ngân hàng HSBC tỏ ra lo ngại khi bình luận về hành vi
giảm lãi suất quá nhanh của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, thì sau khi
mặt bằng lãi suất huy động được cơ quan này tiếp tục kéo giảm thêm 0,5%
vào ngày 25/3 năm nay, HSBC chỉ nhận xét ngắn gọn: việc giảm lãi suất
chỉ có tác động về mặt tâm lý.
Khá nhiều tờ báo kinh tế lẫn chính trị xã hội ở Việt Nam cũng không tỏ
ra quá hào hứng với trào lưu giảm lãi suất huy động, cho dù giới chức
điều hành tín dụng luôn cho rằng đây là một hành động cấp thiết nhằm
“cứu nền kinh tế và các doanh nghiệp”.
Trước đó, khoảng 80% số doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả và quá đói
vốn, trong đó có đến phân nửa không thể tiếp cận được cái gọi là “nguồn
vốn vay giá rẻ” như được Ngân hàng nhà nước hứa hẹn ròng rã từ quý
4/2011 cho đến nay, đã thêm một lần nữa hy vọng trần lãi suất huy động
sẽ được hạ đến 1%, thay vì chỉ 50 điểm phần trăm.
Động cơ thực chất mà các doanh nghiệp khát vốn chú tâm không phải là từ
cơ chế hạ lãi suất để tiền tiết kiệm sẽ được người dân tung vào các kênh
đầu tư trong nền kinh tế, mà chỉ thuần túy là việc lãi suất huy động
giảm sẽ kéo theo cơ may hạ dần mặt bằng lãi suất cho vay.
Ngoại trừ khoảng 20% số doanh nghiệp Việt Nam còn giữ được thái độ lạc
quan thận trọng sau hai năm suy thoái trầm kha như một kết quả khảo sát
gần đây, số còn lại không mong muốn gì hơn là được thoát khỏi cảnh bị
“ngân hàng bắt làm con tin”.
Trong năm suy thoái thứ hai - 2012, bất chấp tiếng kêu cứu diễn ra đồng
loạt từ các doanh nghiệp, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn treo cao một
cách đầy ẩn ý xen lẫn ác ý. Chỉ đến gần giữa năm 2012, một số ngành nghề
được định hướng ưu tiên như nông nghiệp, cơ khí, xuất khẩu mới bắt đầu
được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi.
Tuy nhiên, lại khá thường tồn tại một khoảng cách xa vời từ chính sách đến thực thi ở Việt Nam.
Dù những gói hỗ trợ tín dụng đã được Ngân hàng nhà nước chỉ định cho một
số ngân hàng thương mại cấp dưới, nhưng cho đến nay lại bị khá nhiều
doanh nghiệp và cả một số quan chức ngành khác hoài nghi không giấu diếm
là “chuyển vốn sai địa chỉ”, không khác mấy tính hiệu quả đầy nghi vấn
của gói kích cầu 8 tỷ USD mà một số đại biểu quốc hội đã đặt ra suốt từ
cuối năm 2009 cho đến gần đây nhưng vẫn không hề nhận được lời giải
thích minh bạch nào từ phía các cơ quan quản lý liên quan.
Trong khi đó, đại đa số các doanh nghiệp khác vẫn còng lưng bởi gánh
nặng từ 19-20% lãi suất cho vay. Con số này, tuy xét ra có vẻ đã thấp
hơn đáng kể đỉnh cao gần 30% vào tháng 10/2011, nhưng vẫn không thể làm
nguôi ngoai tiếng tán thán “Ngân hàng hút máu doanh nghiệp”.
Khối u di căn
Cho tới lúc này, khi nhìn lại, người ta có thể nhận ra rằng Ngân hàng
nhà nước và nhóm lợi ích ngân hàng đã có những điều kiện không quá tệ để
giảm lãi suất cho vay vào năm 2011 - vào lúc số doanh nghiệp được báo
cáo phải giải thể và phá sản “chỉ” khoảng 50.000, so với hiện thời - khi
một công bố chính thức của Ủy ban thường vụ quốc hội cho biết số doanh
nghiệp tử thương đã gấp đôi con số đó.
Câu tục ngữ “Tham thì thâm” ắt đã mang tính nhân quả thích hợp nhất đối
với những ngân hàng bị coi là “hút máu”. Hoàn toàn bàng quan trước thế
sự doanh nghiệp tử thương, các ngân hàng thương mại chỉ chăm chăm vào
bầu sữa Ngân hàng nhà nước.
Sau một thời gian “tái cấu trúc” một số ngân hàng nhỏ - hành động đã gây
ra không ít đồn đoán tai tiếng về động cơ sáp nhập và trục lợi, sau tết
nguyên đán 2012, Ngân hàng nhà nước bất ngờ phát đi thông điệp “thanh
khoản hệ thống ngân hàng đang tốt lên”. Tiếp theo đó, tiền được cơ quan
này cung ra. Kể từ thời điểm đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng
chuyển sang một trạng thái hoàn toàn trái ngược với thời gian trước:
thay cho nạn đói vốn và phải lao vào cuộc đua tăng lãi suất huy động,
một số ngân hàng lớn bắt đầu xuất hiện tình trạng thừa vốn.
Nhưng cũng chính từ thời điểm trên, chủ đề nợ xấu nói chung và nợ xấu
bất động sản nói riêng bắt đầu phát lộ trên mặt báo chí, lôi dần những
vết đen của ngân hàng ra ánh sáng.
Đến gần giữa năm 2012, ACB - một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất
Việt Nam và cũng là địa chỉ chứa chấp nhân vật Nguyễn Đức Kiên - người
đang bị cơ quan cảnh sát điều tra tạm giam vì một số hành vi bị coi là
phạm pháp, đã trở thành nơi đầu tiên tiết lộ số vốn dư thừa đến 3 tỷ USD
mà không cho vay được.
Ứ vốn do huy động nhưng lại chỉ cho vay được quá ít, tối thiểu một phần
ba ngân hàng còn buộc phải đồng cảm với các doanh nghiệp nhà đất bởi
tình cảnh nợ xấu bất động sản trên cả nước chưa bao giờ nằm dưới con số
200.000 tỷ đồng. Thậm chí, những chuyên gia phản biện độc lập còn cho
biết tỷ lệ nợ xấu mà các ngân hàng chưa bao giờ báo cáo trên mức 7-8%,
thực ra lại gấp ít nhất hai lần như thế.
Hoặc theo một người trong giới chủ đầu tư kinh doanh nhà đất ở TP.HCM là
ông Nguyễn Văn Đực, trong khi Bộ xây dựng công bố con số tồn kho căn hộ
trên cả nước là khoảng 40.000, thì lượng ế ẩm thực chất lại có thể gấp
đến 5 lần - tức khoảng 200.000.
Khối ung thư của ngành bất động sản cũng vì thế đã chính thức được di căn sang nhóm lợi ích ngân hàng với độ trễ khoảng một năm.
Đó cũng là nguồn cơn sâu xa mà không thể chậm trễ hơn nữa, vào đầu năm 2012, tiếng kêu “giải cứu bất động sản” bắt đầu dậy lên.
Đối đầu
Có vẻ như quá tự tin với phương châm “cứu nền kinh tế và các doanh
nghiệp” và chỉ cần “nhả” ra một chút là lập tức kích động được sức cầu,
mãi đến tháng 3/2012, khi âm thanh rên rỉ của doanh nghiệp đã biến thành
tiếng kêu thét, Ngân hàng nhà nước mới lần đầu tiên tiến hành hạ trần
lãi suất huy động từ 14% về 13%.
Song vào lúc đó, nền kinh tế đã biến thành con bệnh mãn tính chính thống
cùng khối u bất động sản đang di căn cực nhanh. Tỷ lệ hàng tồn ứ về sắt
thép, xi măng và sau đó là nông sản, thủy sản cũng khá mau chóng vọt
lên đến 30-40%. Nhưng trên tất cả, hầu như toàn bộ các dự án căn hộ,
trong đó có đến 70% thuộc về phân khúc căn hộ cao cấp, đã chỉ làm lợi
cho những người chăn dắt bò. Còn những ông chủ của bãi đất không có gì
khác ngoài hệ số tiêu thụ 1-2% cho mỗi quý.
Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó.
Chuỗi logic tiếp theo của hoang cảnh bất động sản và núi tồn kho hàng
hóa là vấn nạn tồn ứ vốn tại các ngân hàng. Sau ACB, đến lượt một số
ngân hàng đầu đàn khác như Vietinbank, BIDBV, Vietcombank, Eximbank… bắt
đầu thở dài khi nhắc đến “đầu ra”.
Nhưng cũng chỉ dám thở dài nhè nhẹ. Không một ngân hàng nào đủ can đảm
để lộ gót chân asin của họ. Như một thú ghiền định mệnh không thể chối
bỏ, họ vẫn lao vào cuộc đua treo cao lãi suất cho vay để tiếp tục hành
hạ các doanh nghiệp con nợ và tương lai có thể là con nợ của ngân hàng.
Nhưng đó cũng là thời điểm mà các con nợ đã trở nên lì lợm và bất chấp
trong tư thế cùng đường. Một số trong họ sẵn lòng gán cho ngân hàng tất
cả những gì mình có để xí xóa nợ nần, như một hành động bỏ của chạy lấy
người.
Cũng bởi thế, từ đầu đến cuối năm 2012, định hướng “giảm lãi suất huy
động 1% mỗi quý” của Ngân hàng nhà nước đã bị phá hủy bởi chính người
đứng đầu của cơ quan này - thống đốc Nguyễn Văn Bình. Không những không
kềm chế việc kéo giảm lãi suất để qua đó kềm giữ lạm phát, Ngân hàng nhà
nước lại tiến hành một chiến dịch “phá giá” lãi suất huy động nhanh
chưa từng có so với 5 năm trước đó: lãi suất huy động từ 14% được kéo về
còn 8% vào thời điểm cuối năm 2012.
Nhưng như một sự đối đầu đầy thách thức, trong khi lãi suất huy động
được miệt mài kéo giảm, nền kinh tế vẫn không hề nhúch nhích, sức cầu
thị trường vẫn ngày càng giảm sút, còn doanh nghiệp vẫn không thể nào
tin nổi là họ phải tiếp tục chịu đựng mặt bằng lãi suất cho vay chỉ giảm
một vài phần trăm kèm theo những điều kiện trịch thượng.
Giai đoạn cuối
Cho tới đầu năm 2013, tình hình đã trở nên bĩ cực đến mức khó tả. Bất
chấp những con số kèm thuyết minh tươi sáng đầy tính tuyên giáo của giới
chức điều hành, phần lớn nền kinh tế vẫn chưa thể “thoát đáy”, nếu quả
thực cái đáy đó đã hiện hình.
Đáng kể nhất trong toàn bộ hình ảnh giậm chân tại chỗ ấy là không có bất
kỳ một triển vọng nào khởi động cho việc giải phóng hàng tồn kho bất
động sản - vốn là nỗi đau cay nghiệt của giới doanh nghiệp địa ốc, các
nhóm đầu cơ nhà đất từ lớn đến nhỏ, và giờ đây thuộc về những ông chủ
góp phần khai sinh ra nỗi đau đó: ngân hàng.
Cũng giờ đây, không còn cách nào khác, nhóm lợi ích ngân hàng chỉ có thể
mong manh tia hy vọng hồi phục sức mua của thị trường và qua đó kích
thích sức cầu cho hàng trăm ngàn căn hộ ế thừa bằng động tác giảm lãi
suất và bơm tiền.
Dường như thái độ nhiệt thành thái quá trên không có liên quan gì đến tỷ lệ lạm phát gần 20% vào năm 2011.
Thế nhưng hệ lụy mà Ngân hàng nhà nước cùng thống đốc Nguyễn Văn Bình
hẳn không mong muốn là một khi họ đã quá phung phí các cơ hội vào nửa
cuối năm 2011 và trong nguyên năm 2012, dư địa giảm lãi suất huy động
cho năm 2013 chỉ còn lại rất ít. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao thay cho
biên độ kéo giảm 1%, lãi suất huy động chỉ được hạ có 0,5% như vừa qua.
Dung sai kéo giảm như thế cũng hàm ý cơ chế hạ lãi suất huy động trong
năm 2013 có thể sẽ diễn ra 3-4 lần, ứng với từng quý. Tuy nhiên, có lẽ
dư địa tối đa mà lãi suất huy động có thể hạ sẽ chỉ là 2%. Tức vào cuối
năm nay, mặt bằng lãi suất huy động có thể là 6%.
Và tương ứng với việc lãi suất tái cấp vốn được kéo giảm 1%, gấp đôi mức
giảm của lãi suất huy động - một động thái khác lạ của Ngân hàng nhà
nước trong đợt giảm lãi suất vào cuối tháng 3/2013, nguồn cung tín dụng
giá rẻ từ cơ quan này cho các ngân hàng thương mại sẽ còn rẻ hơn, hơn
nhiều nữa cho đến khi giải phóng được cơ bản núi tồn kho tiền mặt và nhà
đất đang tồn ứ tại các ngân hàng.
“Chủ nghĩa tư bản man dã”
Khi trở lại với đánh giá “chỉ có tác động về tâm lý” của Ngân hàng HSBC,
hay nhìn lại những nhận xét rất thận trọng của Ngân hàng thế giới và
Quỹ tiền tệ quốc tế về toàn bộ biến động giảm lãi suất huy động của Ngân
hàng nhà nước Việt Nam từ đầu năm 2012 đến nay, có thể thấy rõ sự lúng
túng và bất nhất của một nền kinh tế thị trường còn trong thai kỳ đầu
tiên.
Một thai kỳ dường như được phóng to bởi “Chủ nghĩa tư bản man dã” - theo một ý niệm của giáo hoàng quá cố Jean Paul II.
Không còn được sự trợ giúp đắc lực của công cụ lãi suất, các ngân hàng
sẽ chỉ còn biết trông đợi vào cơ chế bơm tiền của Ngân hàng nhà nước để
kích thích sức cầu, cho dù việc kích cầu như thế có dẫn đến “bóng ma lạm
phát quay trở lại”.
Cũng không còn cách nào khác, những ngân hàng đã “ăn trên đầu trên cổ
doanh nghiệp”, hoặc nói theo ngữ nghĩa báo chí trong nước là “bắt nền
kinh tế và doanh nghiệp làm con tin” đang phải trả giá cho hành vi của
chính họ.
Muốn thu được nợ vay và tồn tại mà không phải rơi vào tình cảnh “chết
lâm sàng” như nhiều doanh nghiệp bất động sản, nhóm lợi ích ngân hàng
chỉ còn phương cách duy nhất là tự hy sinh một phần quyền lợi của bản
thân họ. Cũng có nghĩa là lãi suất cho vay sẽ bắt buộc phải giảm theo
lãi suất huy động, thậm chí phải hạ về mức “không tưởng” 5-6% thì may ra
những doanh nghiệp đang tê cứng mới chấm dứt nói “Không” với ngân hàng.
Và đó cũng là cứu cánh duy nhất cho ngành ngân hàng chứ không phải cho cái được gọi là “nền kinh tế và các doanh nghiệp”…
Thiền Lâm
Gởi RFA từ Việt Nam
(RFA)
Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay
Lời Bộ Biên tập: Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư
Trung ương Đảng, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng,
các nghị quyết Hội nghị Trung ương, trực tiếp là Nghị quyết Hội nghị
Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”,
ngày 27-12-2012, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Đảng ủy Khối
các Cơ quan Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
đồng tổ chức Hội thảo khoa học: “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay”. Hơn 200 cán bộ lãnh đạo,
quản lý các cơ quan đảng, các bộ, ngành ở Trung ương, các nhà khoa học
tới dự Hội thảo. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu Tổng thuật Hội
thảo.
TỔNG THUẬT HỘI THẢO
Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 96 bản tham luận từ các nhà khoa học, các
đồng chí lãnh đạo, quản lý các cấp, các nhà hoạt động thực tiễn trên
các lĩnh vực, các địa bàn; các tướng lĩnh, từ các địa bàn trọng điểm rất
nhạy cảm về tôn giáo, dân tộc tới các cơ quan quản lý người Việt Nam
sinh sống và học tập tại nước ngoài... Nhìn tổng thể, các tham luận và
13 ý kiến tham luận tại Hội trường, dưới nhiều góc độ, từ nhiều cách
tiếp cận, đã kiến giải vấn đề một cách tương đối đa diện, khá phong phú,
gợi mở, có đóng góp nhất định về lý luận cũng như thực tiễn.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”: Khái niệm và các yếu tố tác động
Thuật ngữ “tự diễn biến” (TDB), “tự chuyển hóa” (TCH) chỉ thực sự xuất
hiện gần đây sau chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù
địch chống các nước xã hội chủ nghĩa và các nước có khuynh hướng tiến bộ
không theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Bằng thủ đoạn chống phá, các
thế lực thù địch tạo sự TDB, TCH từ bên trong nội bộ.
Theo TS. Phạm Chiến Khu (Viện trưởng Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo
Trung ương), chúng ta cần có cách hiểu thống nhất về bản chất của hiện
tượng này. Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Văn Thắng (Phó chủ nhiệm Khoa Công
tác đảng, công tác chính trị, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng) khẳng
định, những biểu hiện TDB, TCH về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức,
lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đã được Đảng ta cảnh báo từ
Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII. TDB, TCH lần đầu tiên được
khẳng định trong Nghị quyết XI của Đảng.
Đại tá, PGS, TS. Bùi Trung Thành (Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân
dân), TS. Nguyễn Đức Độ (Trưởng Ban Nghiên cứu,Viện Khoa học xã hội nhân
văn quân sự, Bộ Quốc phòng) cho rằng, TDB, TCH là yếu tố bên trong của
“diễn biến hòa bình”. Nhận diện đúng các biểu hiện của TDB, TCH là một
nhiệm vụ rất cấp bách để giành thế chủ động trong cuộc chiến phòng,
chống “diễn biến hòa bình”.
Theo Đại tướng, GS, TS. Trần Đại Quang (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng
Bộ Công an), “tự diễn biến” là quá trình đấu tranh giữa các mặt tích cực
và tiêu cực, giữa tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trong
nội tâm người cán bộ, đảng viên trước những tác động phức tạp của tình
hình trong nước và quốc tế. Trong đó, yếu tố tiêu cực và tư tưởng tư bản
chủ nghĩa dần dần tăng lên; yếu tố tích cực, cách mạng, tư tưởng xã hội
chủ nghĩa phai nhạt dần. Đây là quá trình biến đổi từ bên trong chủ
thể, đến một thời điểm nhất định, sự biến đổi này sẽ chuyển sang hành
động của chủ thể. Phát biểu tại Hội thảo, Nhà báo Hà Đăng cho rằng, “tự
diễn biến” là quá trình biến đổi từ bên trong cán bộ, đảng viên theo
chiều hướng từ đúng sang sai, từ tốt sang xấu, từ tích cực sang tiêu
cực, từ tiến bộ sang phản tiến bộ. Biểu hiện rõ nhất là sự suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
“Tự chuyển hóa” là sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”, nhưng ở cấp
độ cao hơn. Đó là sự thay đổi về chất của quan điểm chính trị lẫn đạo
đức, lối sống, khiến cho cán bộ, đảng viên không còn là chính mình nữa,
chẳng những đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu mà có khi trở thành
kẻ phản bội, chống lại Đảng và Nhà nước ta, thậm chí chuyển sang hàng
ngũ kẻ thù. TDB, TCH là nói về quá trình diễn ra trong chính nội bộ ta.
TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, đối tượng của TDB, TCH mà chủ nghĩa đế quốc
và các thế lực thù địch nhằm tới là các tổ chức, cá nhân trong hệ thống
chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, trong đó tập trung vào
hệ thống tổ chức của Đảng, chính quyền, đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng
viên, công chức, viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang.
Theo PGS, TS. Bùi Trung Thành TDB, TCH có thể diễn ra ba giai đoạn, ứng
với ba mức độ. Ở giai đoạn ban đầu, đối tượng thể hiện sự hoang mang,
dao động về tư tưởng chính trị, sự hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng,
tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; giai đoạn hai, đối tượng bắt
đầu chủ động hơn trong tiếp nhận những thông tin trái chiều, những luận
điệu chống đối, hoặc lý luận phản động; giai đoạn ba, đối tượng hoàn
toàn có tư tưởng phản động, chống đối.
Trung tướng Nguyễn Đức Khiển (Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị
Quân đội nhân dân Việt Nam), đồng chí Nguyễn Phương Nga (Thứ trưởng Bộ
Ngoại giao) khẳng định, TDB, TCH có quan hệ mật thiết và là một trong
những mục tiêu của chiến lược “diễn biến hòa bình”. Tình trạng suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, sa vào
chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, ích kỷ, tham nhũng, lãng phí, tùy
tiện, vô nguyên tắc của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền
là mảnh đất màu mỡ của TDB, TCH.
Các tác giả đều nhắc tới bài học về việc xóa bỏ chế độ XHCN ở Liên Xô và
một số nước Đông Âu của các thế lực thù địch bằng thủ đoạn chống phá
tạo sự chuyển hóa từ bên trong. Theo TS. Cao Đức Thái (Học viện Chính
trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), nguyên nhân trực tiếp, thể hiện ở
giai đoạn cuối cùng của cuộc khủng hoảng - sụp đổ Liên Xô, Đông Âu là
TDB, TCH ngay trong nội bộ ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. PGS,
TS. Nguyễn Thế Thắng (Trưởng Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính
trị - Hành chính Khu vực I) chứng minh, Hồ Chí Minh đã lo lắng rất sớm
về sự suy thoái đạo đức, lối sống của những người “lên mặt làm quan cách
mạng”, sa vào chủ nghĩa cá nhân trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên.
Các nhà báo Hà Đăng, Hữu Thọ, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn (Cục trưởng
Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị), PGS, TS. Trần Nam Chuân, TS. Nguyễn
Đức Độ và nhiều tác giả khác khẳng định, hiện nay TDB, TCH trong đội
ngũ cán bộ, đảng viên là hiện hữu, đáng lo ngại, với nguyên nhân chủ
quan là chủ yếu. Nhiều tác giả nhắc lại lời căn dặn của V.I. Lê-nin là,
không ai có thể đánh đổ được chúng ta, trừ chính những sai lầm của chúng
ta; và thống nhất: Phòng, chống TDB, TCH trong nội bộ ta thực chất là
phòng ngừa, triệt tiêu nguyên nhân chủ quan dẫn đến thoái hóa, biến chất
là vấn đề có ý nghĩa quyết định, là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng,
chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Đại tá Đinh Công Huấn (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Quân sự) khẳng
định, trong những sai lầm của người cộng sản, xa rời mục tiêu, lý tưởng
của Đảng là vấn đề nguy hại nhất. Đại tá, ThS. Nguyễn Đức Thắng (Viện
Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng) cho rằng, chủ nghĩa
đế quốc và các thế lực thù địch đã và đang gây chia rẽ, mất đoàn kết từ
bên trong, bên trên nội bộ Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân và Công an
nhân dân; khi có thời cơ chúng sẽ sử dụng tổng hợp các biện pháp cả vũ
trang và phi vũ trang; kết hợp “nội công, ngoại kích”, nhằm xóa bỏ vai
trò lãnh đạo của Đảng ta, đẩy nhanh sự sụp đổ chế độ XHCN mà chúng đã
rắp tâm thực hiện được ở các nước Đông Âu và Liên Xô trước đây.
PGS, TS. Tô Lâm (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an), PGS,
TS. Bùi Trung Thành, Trung tướng, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hồi (Tổng Biên
tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân) cho rằng, TDB, TCH trong nội bộ ta do
nhiều yếu tố trước hết là nguyên nhân chủ quan và nhấn mạnh: Con đường
đi lên CNXH ở nước ta đang đặt ra nhiều vấn đề mới chưa được luận giải
kịp thời; một bộ phận cán bộ lãnh đạo, đảng viên ở các cấp, các ngành
thoái hóa, biến chất, chạy chức, chạy quyền, tranh giành, kèn cựa địa
vị, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân, vi phạm pháp luật và chuẩn mực văn
hóa, đạo đức; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng
viên chưa thường xuyên và chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; sự phát
triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội và hệ thống thông tin đại
chúng; tình trạng quản lý cán bộ, đảng viên lỏng lẻo dẫn tới hiện tượng
chạy chức, chạy quyền; tác động của mặt trái của cơ chế thị trường v.v..
Bản chất, biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên
Thực tiễn ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, tình trạng TDB, TCH
rất nguy hiểm. Một trong các vấn đề mấu chốt là cần nhận diện rõ âm mưu,
thủ đoạn, các hình thức, biện pháp của các thế lực thù địch từ nước
ngoài đang tìm mọi cách thúc đẩy TDB, TCH nội bộ ta ở mọi cấp, mọi
ngành, mọi lĩnh vực.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị là sự phủ nhận chủ
nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thiếu niềm tin, hoài nghi,
thậm chí phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; xa rời các nguyên lý xây
dựng Đảng, đòi Đảng từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ để hướng theo tư
tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; phê phán lịch sử thiếu khách
quan; đòi xét lại con đường đi lên CNXH và thay bằng con đường phát
triển tư bản chủ nghĩa; xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ và các đồng
chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước... GS, TS. Lê Hữu Nghĩa (Phó Chủ tịch Hội
đồng Lý luận Trung ương), Thiếu tướng, GS, TS. Phạm Ngọc Hiền (Học viện
An ninh nhân dân, Bộ Công an), Đại tá Nguyễn Đức Khang (Viện Chiến lược,
Bộ Quốc phòng) đều khẳng định như vậy. Các thế lực thù địch dùng mọi
biện pháp để đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng hòng gây hoang mang dao
động về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục xuyên tạc,
phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin; đẩy mạnh tuyên truyền, ca ngợi chủ
nghĩa tư bản, xuyên tạc, bôi nhọ tư tưởng, đạo đức, tác phong, cuộc đời
và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ,
nhân quyền. Nhà báo Trần Quang Hà (Báo Nhân Dân) cho rằng, các thế lực
thù địch muốn truyền bá lối sống thực dụng, văn hóa phẩm đồi trụy,
khuếch trương các quyền tự do, dân chủ trên lĩnh vực báo chí, xuất bản,
văn hóa, văn nghệ núp dưới chiêu bài tự do ngôn luận, tự do sáng tác,
quyền thông tin; móc nối với những phần tử bất mãn, chống đối trong
nước, lợi dụng những sơ hở, yếu kém của ta trong quản lý kinh tế, văn
hóa, xã hội, tung ra những tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật để xuyên
tạc lịch sử, bóp méo sự thật, nói xấu, vu cáo chế độ ta, hòng bôi đen
chế độ.
Theo PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị - Hành chính quốc
qia Hồ Chí Minh), sự suy thoái về tư tưởng chính trị trước hết biểu hiện
ở sự phai nhạt lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, thậm chí muốn từ bỏ mục
tiêu xây dựng CNXH ở Việt Nam. Biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính
trị còn là sự dao động, thiếu niềm tin, nhất là ở những thời điểm khó
khăn của đất nước, những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới. Đại
tá, TS. Mẫn Văn Mai (nguyên Chủ nhiệm Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học,
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng) cho rằng, sự suy thoái về tư tưởng
chính trị và nêu gương xấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có
quyền, biểu hiện ở sự coi thường tổ chức, kỷ cương, kỷ luật và các
nguyên tắc lãnh đạo, nguyên tắc tập trung dân chủ, lợi dụng trách nhiệm
được giao để mưu cầu lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; coi thường lý luận,
không chịu học tập, nghiên cứu lý luận, đường lối quan điểm của Đảng,
chủ quan, giáo điều, kinh nghiệm chủ nghĩa; không cố gắng làm tròn chức
trách, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, nói và làm trái với quan
điểm, nghị quyết của Đảng; từ đó rơi vào vòng xoáy của chủ nghĩa cơ hội,
nhất là cơ hội về chính trị, viết hồi ký, tán phát tài liệu trái phép
nhằm làm rối dư luận, kích động các hành vi chống đối Đảng, Nhà nước.
Thực tế các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô cho thấy, “tự
diễn biến” trước hết và chủ yếu về tư tưởng chính trị. Khi tư tưởng
chính trị chệch hướng, tất yếu làm cho bộ máy của Đảng và Nhà nước bị
chia rẽ, suy thoái, nguy cơ “tự chuyển hóa”, sụp đổ của thể chế chính
trị là điều khó tránh khỏi. Đây là lý do lý giải vì sao những năm qua,
các thế lực thù địch luôn đặt trọng tâm thúc đẩy TDB, TCH về tư tưởng
chính trị, trước hết nhằm vào các cơ quan lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của
Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nơi hoạch định đường lối, chủ trương, chính
sách, pháp luật của đất nước... một cách tinh vi và đa dạng. Đồng chí
Nguyễn Văn Nên (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban
Chỉ đạo Tây Nguyên) nhấn mạnh, từ nhiều năm nay, các thế lực thù địch
luôn khai thác, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gắn với nhân quyền để
thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá nước ta.
Theo Đại tá Nguyễn Đức Khang, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về kinh tế
là sự phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hạ
thấp vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, đòi tư nhân hóa toàn bộ nền
kinh tế, xóa bỏ chế độ công hữu về tư liệu sản xuất để thay thế bằng chế
độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất... TS. Cao
Đức Thái đặt câu hỏi: Phải chăng trong điều kiện của kinh tế thị trường,
thiếu cơ chế quản lý hiệu quả, thiếu công khai minh bạch, thiếu sự giám
sát khách quan đã dẫn đến hình thành những điều kiện kinh tế - xã hội,
như là nguyên nhân của TDB, TCH trong Đảng và Nhà nước ta? Thiếu tá Mai
Tùng Lâm (Phó Trưởng phòng, Cục Tham mưu, Tổng cục An ninh II), Đại tá,
PGS, TS. Bùi Trung Thành đưa ra những kịch bản TDB ở Việt Nam có thể xảy
ra. Một là, về chính trị. Hai là, từ kinh tế chuyển hóa về chính trị.
Ba là, các phần tử biến chất liên kết lại dùng “nội công, ngoại kích”
tạo ra “cách mạng màu” theo kiểu “mùa xuân Ả-rập”.
Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, đạo đức, lối sống, TDB, TCH là sự đề cao,
sùng bái, chạy theo văn hóa, lối sống tư sản; từ bỏ các giá trị văn
hóa, đạo đức truyền thống, các giá trị văn hóa, đạo đức XHCN; xuyên tạc
lịch sử, phủ nhận nền văn hóa cách mạng; thương mại hóa các hoạt động
văn hóa, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc; đề cao chủ nghĩa cá nhân, lối
sống thực dụng... Điều đáng lo ngại là những biểu hiện đó lại hiện hữu ở
một số người, tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng
cấp, chạy huân chương” diễn ra rất phức tạp chưa được khắc phục... Tình
trạng “thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn
ra khá phổ biến” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đồng chí Cao Văn
Thống (Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho rằng,
một bộ phận cán bộ, đảng viên từ suy thoái về tư tưởng chính trị, cũng
có thể chuyển sang cả suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống ích kỷ,
cá nhân, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; tham nhũng, lãng phí, hám danh, bè
phái, cục bộ, mất đoàn kết, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân;
nói không đi đôi với làm, nói một đằng, làm một nẻo, không chấp hành
nghiêm túc quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp, không gương mẫu trong
sinh hoạt gia đình.
Những biểu hiện TDB về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng
viên là vấn đề không thể xem thường, bởi vì nhiều khi TDB về đạo đức,
lối sống, sự lệch chuẩn giá trị là sự khởi đầu cho TDB về chính trị, tư
tưởng. Điều đáng nguy hại là TDB về đạo đức, lối sống diễn ra ở một bộ
phận cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị trong đó có cả những người
có chức, có quyền, nhằm du nhập văn hóa, đạo đức lối sống tư sản trong
đời sống của xã hội ta. Đồng chí Nguyễn Đức Hà (Ban Tổ chức Trung ương)
cho rằng, việc suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong
đội ngũ cán bộ, đảng viên đã diễn ra trong một thời gian dài và trên
phạm vi rộng, với tính chất và mức độ rất nghiêm trọng.
Trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, PGS, TS. Nguyễn Hồng Vinh (Chủ tịch
Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương) cho rằng,
TDB, TCH trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật về bản chất, là một quá
trình suy thoái từ bên trong của một số văn nghệ sĩ thoái hóa, biến chất
về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống.
“Tự diễn biến” trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại là sự phủ
nhận của một số người đối với sự lãnh đạo trực tiếp, tập trung thống
nhất của Đảng đối với lực lượng vũ trang, mong muốn “phi chính trị hóa
quân đội”, phủ nhận, xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và chiến
tranh nhân dân của Đảng, tuyệt đối hóa nhiệm vụ phát triển kinh tế, coi
nhẹ, buông lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đề cao thuyết vũ khí luận trong
điều kiện mới, coi nhẹ yếu tố chính trị tinh thần, gây chia rẽ mất đoàn
kết giữa Đảng với quân đội, quân đội với nhân dân và công an, đối lập
tổ chức đảng với tổ chức chỉ huy, chính ủy, chính trị viên với người chỉ
huy, cổ xúy cho những hành động “yêu nước” theo kiểu manh động, như
xuống đường biểu tình, tập trung tụ tập đông người gây mất trật tự trị
an xã hội. Theo Đại tá, ThS. Đặng Văn Hường (Cục Dân vận, Tổng cục Chính
trị), với âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội các thế lực thù địch đưa
ra luận thuyết: “Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ phục vụ Tổ quốc, phục vụ
đồng bào và chủ quyền quốc gia”; phải là “lực lượng trung lập”, “đứng
ngoài chính trị”, “không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào”,
chỉ là “công cụ của quốc gia, dân tộc”(!)... nhằm phủ nhận nguyên tắc
“Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” đối với lực lượng vũ
trang nhân dân, hướng tới làm tê liệt ý chí chiến đấu của Quân đội ta.
Đồng chí Nguyễn Phương Nga, đồng chí Trương Mạnh Sơn (Bí thư Đảng ủy
Ngoài nước) nhấn mạnh, trong lĩnh vực đối ngoại, các thế lực thù địch cố
tình thông tin sai lệch và xuyên tạc chính sách đối ngoại của Việt Nam
và quan hệ giữa ta với các đối tác quan trọng nhằm gieo rắc sự hoài
nghi, hiểu lầm, bức xúc của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta; xuyên
tạc các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam
ở nước ngoài…
Một số giải pháp chủ yếu phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
PGS, TS. Vũ Văn Phúc (Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) nhấn mạnh: Việc
phòng, chống TDB, TCH trong cán bộ, đảng viên hiện nay là một trong
những vấn đề cấp bách, nhưng cũng là rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi
giải quyết phải rất khoa học, rất công phu và phải rất tinh tế và hiệu
quả, để tránh những hậu quả không đáng có trong tình hình hiện nay.
Đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và phòng, chống TDB, TCH có mối
quan hệ chặt chẽ với nhau; trong đó, phòng, chống TDB, TCH trong nội bộ
giữ vai trò quyết định; cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên
tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng -
an ninh (QP-AN) và đối ngoại.
Trước hết, trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng, Thượng tướng, Viện sĩ,
TS. Nguyễn Huy Hiệu (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), Thiếu tướng Bùi
Văn Tâm (Phó Chính ủy Học viện Quốc phòng), Thiếu tướng Phan Tiến Hạc
(Phó Cục trưởng Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị) cho rằng, chúng ta phải
kiên quyết đấu tranh bảo vệ, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ
và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là điều kiện
tiên quyết. Toàn Đảng cần kiên trì tiến hành cuộc đấu tranh phê phán hệ
tư tưởng tư sản, tư tưởng xã hội - dân chủ, chủ nghĩa thực dụng; kiên
quyết bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng.
GS, TS. Trần Đại Quang khẳng định, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa
bình”, TDB, TCH là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; của các
ngành, các cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây không phải là mặt trận có
giới tuyến địch - ta rõ ràng, mà phải sử dụng tư tưởng, lý luận cách
mạng đánh bại tư tưởng, lý luận phản động; sử dụng chính nghĩa và sự
thật đánh bại sự xuyên tạc, vu cáo; học tập và làm theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh để khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống... PGS, TS. Bùi Trung Thành, TS. Cao Đức Thái, TS. Nguyễn Đức
Độ, PGS, TS. Nguyễn Bá Dương, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, TS. Trần
Hồng Hà (Phó Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương) đều cho rằng,
cần tập trung thực hiện một số giải pháp: Tăng cường công tác giáo dục
chính trị tư tưởng, lý luận, bảo vệ và giữ vững nền tảng tư tưởng của
Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khắc phục những sơ
hở, yếu kém trong quản lý kinh tế - xã hội; tích cực tạo bước chuyển
biến mới trong phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tập
trung giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân;
tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; kết hợp chặt
chẽ giữa tích cực, chủ động giữ vững ổn định bên trong với phòng ngừa,
ngăn chặn các tác động tiêu cực từ phía chủ nghĩa đế quốc và các thế lực
thù địch ở bên ngoài bằng nhiều hình thức, quy mô, lực lượng trên tất
cả các lĩnh vực...; tăng cường các biện pháp nắm bắt tình hình địch,
tình hình ta ở cơ sở, nhất là những địa phương có “điểm nóng”; kịp thời
phát hiện các hoạt động chống phá và xâm nhập trái phép của bọn phản
động, sự móc nối của chúng với các phần tử bất mãn với chế độ ta ở trong
và ngoài nước... Nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đổi mới
và tăng cường công tác cán bộ và công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Để phòng, chống tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối
sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, PGS, TS. Vũ Văn Phúc;
TS. Phạm Đình Đảng (Tạp chí Cộng sản); ThS. Lại Xuân Lâm (Trưởng Ban
Tuyên giáo Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương); Đại tá, TS. Nguyễn Văn
Hữu (Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng) đưa ra các
nhóm giải pháp trong công tác xây dựng Đảng; quản lý nhà nước; hạn chế
tiêu cực từ bên ngoài và phát huy vai trò của tổ chức đảng các cấp, các
đoàn thể chính trị - xã hội trong phòng, chống TDB, TCH. GS, TS. Lê Hữu
Nghĩa, PGS, NCVCC Trần Đình Huỳnh, PGS, TS. Nguyễn Văn Thắng, Thiếu
tướng, PGS, TS. Nguyễn Vĩnh Thắng (Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và
nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng), TS. Phạm Văn Khánh (Báo Nhân Dân),
Nguyễn Phi Long (Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương) cho
rằng, phải gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong các giải pháp
đấu tranh, “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”,
tạo ra sức tự đề kháng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc,
kích động của các thế lực thù địch. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các
ngành, giữa trung ương và địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của
các lực lượng, các binh chủng trên mặt trận tư tưởng trong cuộc đấu
tranh chống hoạt động “diễn biến hòa bình”.
PGS, TS. Nguyễn Thế Thắng, đồng chí Nguyễn Đức Hà đề cao giải pháp đổi
mới công tác cán bộ, tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng; đẩy mạnh tự
phê bình và phê bình theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI; đấu
tranh chống tham nhũng; bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp
luật. ThS. Lê Hải (Tạp chí Cộng sản) khẳng định, để có thể chiến thắng
được chính mình trong cuộc đấu tranh tư duy giữa “trắng” và “đen”, đòi
hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải được chuẩn bị hành trang về nhận thức
chính trị, bản lĩnh chính trị và phương pháp luận khoa học, từ đó nâng
cao khả năng “tự miễn dịch” từ bên trong. GS, TS. Phạm Ngọc Hiền cho
rằng, việc tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
có ý nghĩa hết sức quan trọng và có thể xem là một trong những giải pháp
cơ bản phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, TDB, TCH.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Thiếu tướng Lê Đình Luyện (Cục trưởng A88, Bộ
Công an), TS. Lê Minh Phụng (Tạp chí Cộng sản) cho rằng, công tác đấu
tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để
tác động chuyển hóa chính trị ở Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống
chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thống nhất của các cấp
ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp.
Trong lĩnh vực kinh tế, đồng chí Nguyễn Đình Phách (Ủy viên Trung ương
Đảng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng)
nhấn mạnh, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng
XHCN, tăng cường xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có cơ cấu hợp lý,
có sức mạnh nội sinh, bền vững; có khả năng cạnh tranh cao để chủ động
hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế. Cần tiếp tục đấu tranh bảo
vệ những quan điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới kinh tế của Đảng. Phát hiện và đấu tranh
có hiệu quả với thủ đoạn lợi dụng các quan hệ kinh tế, các công cụ và
thiết chế tài chính, tiền tệ quốc tế... để chi phối, kiểm soát, khống
chế, chuyển hóa nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Đặc biệt là, cán bộ chủ trì lãnh đạo, quản lý kinh tế không để chủ
nghĩa thực dụng, “chủ nghĩa cá nhân” chi phối.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, cần quyết tâm bảo vệ đường lối xây dựng
và phát triển văn hóa - xã hội của Đảng, chủ trương và chính sách văn
hóa - xã hội của Nhà nước; bảo vệ, xây dựng và phát triển hệ thống giá
trị, những chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới trên nền tinh hoa truyền
thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Chống lợi dụng mở cửa, giao lưu văn hóa
để quảng bá, tuyên truyền, phổ biến hệ thống giá trị, những chuẩn mực
đạo đức, lối sống của phương Tây. Nhà báo Trần Quang Hà cho rằng, phòng
và chống TDB, TCH trong văn học - nghệ thuật trước hết là cần tạo dựng
niềm tin, ý chí, sự kiên định với con đường đã lựa chọn,... trong mỗi
chủ thể sáng tạo.
Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại, Trung tướng, TS. Võ Tiến
Trung (Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng) nhấn
mạnh, để nâng cao hiệu quả phòng, chống khuynh hướng “phi chính trị hóa”
trong Quân đội nhân dân Việt Nam, cần giữ vững và tăng cường sự lãnh
đạo của Đảng đối với quân đội, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến
đấu của các tổ chức đảng trong quân đội; vạch trần và chống lại âm mưu,
thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng làm quân đội ta “tự diễn biến”
theo khuynh hướng “phi chính trị hóa”. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Nghi
(Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị); Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Xuân Thành
(Học viện Quốc phòng) cho rằng, phòng chống TDB, TCH trong cán bộ, đảng
viên quân đội là vấn đề vừa cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài cần phải được
coi trọng và tổ chức thực hiện bằng hệ thống giải pháp đồng bộ cả về
chính trị, tư tưởng, tổ chức...
Các tham luận đều khẳng định, cần giữ vững và tăng cường khả năng đề
kháng trong nội bộ. Xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây
dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững chắc là cơ sở để ngăn ngừa, đẩy
lùi nguy cơ tác động từ bên ngoài. Theo đồng chí Nguyễn Đình Phách; ThS.
Đỗ Minh Hạnh (Tạp chí Cộng sản); ThS. Nguyễn Tùng Lâm (Bộ Quốc phòng),
cuộc đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí phải được tăng
cường, kiên quyết loại bỏ những con “sâu mọt” ra khỏi bộ máy cơ quan của
Đảng, Nhà nước, làm trong sạch các tổ chức đảng, bộ máy chính quyền;
đẩy mạnh đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, lý luận, bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng.
Đồng chí Mai Thế Dương (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm thường
trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Trung tướng Vũ Hải Triều (nguyên Phó
Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II), Trung tướng Võ Trọng Việt (Ủy viên
Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Đại tá, TS. Vũ Minh Thực
(Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) khẳng định, nâng cao
chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát là một trong những giải
pháp quan trọng để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
nội bộ và cán bộ, đảng viên; góp phần kịp thời phát hiện và khắc phục
được những khuyết điểm, thiếu sót khi mới nhen nhóm, phát sinh với
phương châm “chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính, tự bảo vệ
mình là chính”; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa, đấu tranh
chống TDB, TCH với tinh thần tích cực tấn công làm thất bại âm mưu, hoạt
động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trước mắt, tập
trung giải quyết tốt ba vấn đề mang tính cấp bách về công tác xây dựng
Đảng theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI./.
Nguyễn Thị Vy(Tổng thuật)
(Tạp chí Cộng sản)
Bộ trưởng Bộ Y tế: Không thể cấm bác sĩ nhận quà sau khi điều trị xong
Ngày 27.3, lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp.
Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, “học viên” tham
dự là những người đứng đầu bệnh viện (BV), lãnh đạo các Sở Y tế, các bác
sĩ, điều dưỡng.
Các BV sẽ phải triển khai quy tắc ứng xử toàn diện đến tận bảo vệ trông
xe. Đặc biệt với vấn đề y đức, phải thay đổi được suy nghĩ của các nhân
viên trong BV công: y bác sĩ, điều dưỡng, trông xe luôn coi người bệnh
là “khách hàng”, là người đem đến thu nhập cho mình, cần phải chăm sóc
chu đáo.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, lâu nay bức xúc về y đức chỉ
xảy ra trong BV công vì đời sống của y bác sĩ trong BV công còn khó
khăn, thu nhập chưa tương xứng. Giữa BV Việt Pháp và BV Bạch Mai chỉ
cách nhau một cái cổng, trong khi BV Bạch Mai liên tục hô hào vận động,
treo băng rôn khẩu hiệu nâng cao y đức thì BV Việt Pháp lại chẳng bao
giờ xảy ra tiêu cực về lĩnh vực này. Ở BV Việt Pháp, lương y bác sĩ được
trả cao, nếu y đức không tốt họ sẽ cho nghỉ việc luôn.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, các cơ sở y tế công phải ký cam kết “nói
không với phong bì” từ giám đốc BV đến trưởng phó khoa và nhân viên.
Người nhà bệnh nhân cũng phải ký cam kết không đưa phong bì cho bác sĩ
trước và trong khi điều trị còn sau khi điều trị lại là vấn đề khác. Bà
Kim Tiến dẫn chứng: “Trong miền Nam, bệnh nhân đưa phong bì cho bác sĩ
sau khi đã được điều trị khỏi và nói nếu bác sĩ không nhận quà thì bệnh
của tôi không khỏi được".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: "Quà của bệnh nhân biếu bác sĩ sau
khi đã được điều trị khỏi phần nhiều thể hiện tình cảm, sự biết ơn của
người bệnh với người thầy thuốc nên không thể cấm họ biếu hay cấm bác sĩ
nhận quà sau khi đã điều trị mà chỉ cấm nhận trước và trong điều trị”.
Người đứng đầu ngành y tế bày tỏ, với tất cả các biện pháp đang triển
khai, ngành y tế, toàn bộ cán bộ nhân viên ngành y quyết tâm thay đổi
chân dung người thầy thuốc Việt Nam trong mắt người dân.
Liên Châu
(Thanh niên)
Triệu tập con rể Chủ tịch Vĩnh Phúc vì từng dùng nhà chứa các bị can
|
Chủ tịch Vĩnh Phúc |
Liên quan đến vụ án mạng gây xôn xao dư luận, Công an Vĩnh Phúc cho biết
đã triệu tập nhân vật tên D., con rể Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc, lên làm
việc trong 2 ngày 26 và 27/3.
Đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15/3, tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
đã xảy ra một vụ án mạng. Nạn nhân là Nguyễn Tuấn Anh (27 tuổi, ngụ ở
phường Hội Hợp, Vĩnh Yên), đã chết sau khi bị một nhóm thanh niên truy
sát. Sáng ngày 17/3, gia đình nạn nhân mới tìm thấy xác Nguyễn Tuấn Anh.
Sau đó cho rằng biên bản khám nghiệm tử thi không nêu đúng nguyên nhân
cái chết, gia đình đã mang quan tài người thân đi qua các con phố chính ở
Vĩnh Yên đòi công lý, gây nên một cuộc diễu hành trong 2 ngày, chấn
động dư luận.
Công an Vĩnh Phúc đến chiều 17/3 đã bắt 5 đối tượng tình nghi, sau đó
bắt tiếp đối tượng thứ sáu. Theo báo Thanh niên, các bị can nói trên là
nhân viên của công ty do ông D. làm giám đốc và khi xảy ra vụ án, các bị
can đã chạy vào nhà ông D. gần đó để lấy hung khí truy sát nạn nhân.
Còn theo báo Tiền phong, ông D. được mời làm việc vì các bị can từng có
một thời gian ở trong căn nhà 4 tầng mà vợ chồng ông từng ở, nằm cách
nơi xảy ra cãi vã chỉ vài chục mét. Hiện tại, chưa rõ ông D. còn liên
quan gì đến vụ án mạng.
Ông D. là con rể của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay – ông Phùng
Quang Hùng. Trong một diễn biến khác, Nguyễn Văn Hiệp, em họ nạn nhân và
là người cùng nạn nhân đi ăn trước khi xảy ra vụ cãi cọ dẫn đến án
mạng, đa trở về nhà sau vài ngày vắng mặt.
(Sống mới)
Lê Xuân Khoa - Nghĩ về trường hợp Nguyễn Đình Lộc
|
Ông Nguyễn Đình Lộc |
Tôi không quen ông Nguyễn Đình Lộc nhưng được biết về ông qua một số
phát biểu và trả lời phỏng vấn của ông trong mấy năm gần đây, đặc biệt
là cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Anh Tuấn về Dân chủ và Pháp quyền”
trên Tuần Việt Nam, ngày 25/8/2010. Là một người Việt Nam ở nước ngoài
quan tâm đến những vấn đề của đất nước, tôi đánh giá ông là một trí thức
tiến bộ, thẳng thắn và can đảm trong một chế độ độc tài toàn trị, mặc
dù tôi có khác ý kiến với ông về một số điểm. Tôi tôn trọng ông hơn khi
thấy ông đứng tên trong số 72 nhân sĩ, trí thức khởi xướng bàn Kiến Nghị
về Sửa đổi Hiến Pháp 1992 (KN72) và cầm đầu phái đoàn 15 người đến trao
bản Kiến nghị cho Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ngày 4 tháng 2, 2013.
Bởi thế, tôi rất ngạc nhiên và thất vọng khi xem và nghe ông trả lởi
trên đài VTV về vai trò của ông Lộc trong nhóm khởi xướng KN72. Tuy
nhiên, tôi cũng cảm thấy có điều gì khác thường cần tìm hiểu thêm, nhất
là chờ phản ứng từ những bạn đồng chí của ông trong nhóm KN72. Sau khi
đã đọc và suy nghĩ về những ý kiến và giải thích của những người mà tôi
quen biết và quý mến, tôi muốn góp thêm một số nhận xét như sau:
1. Sự kiện quan trọng và minh bạch nhất là ông Lộc đã ký vào bản KN 72 và ông không hề phủ nhận điều ấy.
Ông Lộc đã cho thấy là một nguyên bộ trưởng bộ tư pháp với kinh nghiệm
già dặn như ông chỉ có thể đặt bút ký trên một văn kiện quan trọng sau
khi đã đọc kỹ với đầu óc sáng suốt và tinh thần trách nhiệm. Chắc chắn
ông Lộc cũng có cùng một suy nghĩ như GS Tương Lai: “Với tư cách là trí
thức, mình đã đặt bút ký thì chữ ký đó nặng ngàn cân, vì nó là danh dự
và trách nhiệm của người trí thức.”
2. Ông Lộc đính chính ông không phải là người tham gia “việc viết cái văn bản,”
nhưng việc đính chính này không liên quan đến việc ông ký tên vì ai
cũng hiểu rằng không phải người nào ký tên cũng là người tham gia viết
văn bản. Các bạn ông đều nói ông đã phải chịu nhiều sức ép rất mạnh. Đó
là lý do khiến ông phải đính chính, nhưng ông đã chỉ nói ra một sự thật
khách quan vô hại. Như vậy ông đã chọn được một cách đính chính khôn
ngoan: đính chính một việc không cần phải đính chính. Như ta thường nói:
“bị ép thì làm cho có, cho yên chuyện”.
3. Ông Lộc giải thích lý do ông làm trưởng đoàn là vì ông là
nguyên Bộ trưởng bộ Tư pháp nên được các bạn “tín nhiệm giao” cho ông
trao bản Kiến nghị. Ông cũng nói là việc làm trưởng đoàn “cũng có
lúc định là người khác” nhưng đến hôm cuối cùng thì mọi người gặp nhau
“bảo là bác Lộc phải trao, thì tôi trao.” Ông Lộc cũng nói là vào lúc
chót, ông “muốn sửa đổi một số chỗ” (trên bản văn mà ông đã ký) nhưng
tất nhiên là không được vì bản văn đã được công bố rồi.
Ông Lộc cho thấy ông chỉ muốn nói cho rõ việc ông làm trưởng đoàn
không phải do ông tự ý tình nguyện mà do lời yêu cầu của các bạn trong
buổi họp mặt trước khi cùng nhau đến Quốc hội để trao bản Kiến nghị. Ông
Lộc đã dùng lời lẽ có vẻ như đính chính nhưng thật ra thì ông xác nhận
việc ông được bạn bè tín nhiệm là chính đáng nên ông đã nhận lời. Một
lần nữa, trong tình thế bị áp lực, ông Lộc lại tìm được cách đính chính
mà không phải là đính chính. Còn việc ông Lộc nói ông muốn sửa đổi mấy
chỗ thì ông cũng chỉ nói lên một điều mà ông biết là không thể làm được
vào lúc đó. Dù sao, nếu có những chỗ muốn sửa thì chỉ là về hình thức,
chứ không phải về nội dung mà ông đã đồng ý khi ký tên cũng như khi đi
cùng với đoàn và nhận làm trưởng đoàn.
Về điểm này, tôi thấy cần nhấn mạnh rằng ông Nguyễn Đình Lộc đã đặt vấn đề sửa đổi hiến pháp từ lâu rồi.
Trong cuộc thảo luân bàn tròn trực tuyến của Tuần Việt Nam năm 2010,
ông Lộc đã châm biếm tình trạng vẫn y nguyên (dân gian thường nói lái là
“nguyễn y vân”) của những sửa đổi hiến pháp trước đó. Ông nói: “Chẳng
hạn, năm 2001 lúc sửa Hiến pháp, đưa được vào Hiến pháp điều Nhà nước
ta là nhà nước pháp quyền của dân do dân vì dân thì rất mừng, sướng quá,
xem đó như một thắng lợi. Nhưng 10 năm trôi qua, giờ nhìn lại thấy giật
mình hỏi: chỉ đưa vào từng đó là đủ, là hết à? Rõ ràng là không phải,
vì cả 5 chương về bộ máy nhà nước chúng ta vẫn quy định theo cách cũ…Có
khác gì chúng ta hô hào phải mạnh mẽ đi lên, đã nhấc một chân lên, nhưng
chỉ nhấc lên mà không hạ xuống. Có khác gì dùng một cái bánh rất ngon
nhử nhử “bánh này ngon lắm các bạn ơi” nhưng chỉ nhử mà không cho ăn gì
cả.”
Thật đúng là một trò lừa dối nhân dân, coi nhân dân là con nít. Bởi thế, ông Lộc đã khẳng định: “Nếu sửa Hiến pháp bây giờ cần phải sửa rất cơ bản.”
Tôi cũng trích dẫn vài đoạn khác để cho thấy ông Lộc không phải là
người bị lôi cuốn bởi bạn bè. Về dân chủ, ông bác bỏ luận điệu cho rằng
trình độ dân trí Việt Nam còn thấp, chưa thể thực hiện dân chủ được: “Nói như thế là nguy hiểm chứ không phải là nói sai. Đó là một cách nói để chúng ta hạn chế quyền dân chủ của người dân.” Và ông cảnh cáo: “Phải
luôn luôn nhớ rằng sinh ra bộ máy nhà nước là để quản lý, giữ gìn trật
tự trị an, nhưng chúng ta làm không tốt nên người dân có phản ứng bằng
nhiều hình thức. Có thể người ta mạnh mẽ phản kháng, nhưng điều đáng
sợ hơn là nguy cơ người dân quay lưng lại với chế độ. Mà một khi người
dân đã quay lưng lại thì không gì có thể cứu vãn được.”
Bây giờ, trở lại chuyện sức ép. Vấn đề đặt ra là có hay không việc
ông Nguyễn Đình Lộc bị sức ép mạnh đến độ ông phải nhận trả lời câu hỏi
của đài truyền hình nhà nước, và nếu có thì sức ép đó như thế nào?.
Về điểm thứ hai trong câu hỏi thì không ai có thể trả lời ngoài ông Lộc
và cũng không ai có quyền đòi hỏi ông Lộc phài tố cáo các sức ép. Nhưng
chuyện có sức ép hay không thì người ngây thơ đến đâu cũng biết là ông
Lộc không thể nào tự ý muốn lên đài truyền hình nhà nước để trả lời một
câu hỏi được “hướng dẫn” vào việc tấn công nhóm Kiến nghị 72. Câu hỏi
của VTV có hai vế rất rõ: vế đầu khẳng định một chuyện tưởng tượng là
“đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ” bản dự thảo của chính quyền về việc
sửa đổi hiến pháp 1992; vế thứ hai yêu cầu ông Lộc trả lời về việc “một
số người tự ý xây dựng một bản dự thảo hiến pháp và môt bản kiến nghị gửi Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992”.
Việc bịạ đặt và thổi phồng thành tích tốt đẹp của Đảng vốn là nghiệp
vụ thường ngày của các cán bộ tuyên truyền trong bộ máy nhà nước. Việc
gợi ý cho người được phỏng vấn ca ngợi hay đả kích một đối tượng trong
cuộc phỏng vấn lại là một xảo thuật để lấy được những câu trả lời mà
Đảng và nhà nước mong muốn. Tuỳ trường hợp, việc hướng dẫn trả lời có
hàm ý khuyến khích hay đe dọa. Trong trường hợp ông Lộc, phóng viên cán
bộ VTV vừa áp đặt một kết quả giả tạo để làm phông cho cái-được-gọi-là
phỏng vấn, vừa hàm ý “nhắc nhở” ông Lộc về kết quả mong đợi. Không may
cho VTV, ông Lộc đã biết cách thoát hiểm dù có bị sây sát đôi chút.
Phản ứng đầu tiên của những người theo dõi những câu trả lời của ông
Nguyễn Đình Lộc, nói chung, là thất vọng (trong đó có tôi). Nhiều người,
kể cả một số bạn của ông, đã phê phán ông ở nhiều mức độ khác nhau.
Nhưng nghĩ lại, đa số đều hiểu cách trả lời của ông vẫn bảo vệ được toàn
vẹn giá trị của bản Kiến nghị 72 và chỗ đứng của ông trong hàng ngũ trí
thức tiến bộ. Tất cả đều thấy rõ ông đã bị sức ép rất mạnh không chỉ
với cá nhân ông mà còn với cả gia đình ông, nhất là các con ông đã được
chính quyền “hỏi thăm” và rất lo lắng. Quan trọng hơn hết là tất cả mọi
ngưòi đều biết rằng chính quyền độc tài, qua đủ thứ tay sai, không từ bỏ
một thủ đoạn bẩn thỉu hay độc ác nào để hăm dọa và ép buộc một đối
tượng làm theo ý muốn của họ.
Bởi vậy, thay vì chỉ trích một nạn nhân bị hăm dọa, nhất là khi nạn
nhân ấy đang phấn đấu để bảo vệ danh dự và trách nhiệm, trí thức và nhân
dân hãy liên kết để bảo vệ những nạn nhân bị hăm doạ và đàn áp, và chĩa
mọi mũi dùi tấn công vào bọn gian manh đang thi hành những tội ác tày
trời. Bằng sự tố cáo trước dư luận trong nước và thế giới những thủ đoạn
hăm doạ bẩn thỉu, những hành động đàn áp dã man người vô tội, những trò
hoả mù về ngoại giao để lừa dối quốc tế, ta sẽ vô hiệu hóa được mọi
luận điệu tuyên truyền và bạo lực nhằm duy trì quyền lực và lợi ích
riêng của những kẻ cầm quyền độc tài và tham nhũng.
Khi đã bị đông đảo nhân dân lột mặt nạ, phơi bày tôi ác trước dư luân
thế giới, chế độ sẽ thấy rõ “nguy cơ người dân quay lưng lại với chế
độ.” Khi đó, đông đảo nhân dân sẽ hết sợ và từ hết sợ đến nổi giận rồi
nổi loạn, quãng đường sẽ rất ngắn, ngắn lắm.
Ngày 27/03/2013, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã đến
nói chuyện tại Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Mặc dù vẫn có lối nói lòng vòng thiếu sáng sủa nhưng không bao giờ quên
vai trò của Đảng, ông Trọng cũng đã làm nổi bật được môt điểm then chốt
khi nói về công tác chính trị trong quân đội:
“Đây là nền tảng, là
yếu tố cơ bản, nòng cốt để xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, xây
dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung
thành với Tổ quốc, với nhân dân, là người bạn tin cậy, thân thiết của
toàn dân.”
Phải chăng đây là một sự thức tỉnh kịp thời của ban lãnh đạo Đảng và
Nhà nước hay vẫn chỉ là một xảo thuật để trấn an, mua thời gian để tiếp
tục đối phó . Nhưng người dân cũng đã hết bị lừa. Cuôc chiến tranh lạnh
giữa nhà cầm quyền với trí thức và nhân dân đã tới hồi kết thúc. Có thể
nào “người bạn tin cậy, thân thiết của toàn dân” lại phản bội sự “tuyệt
đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân”?
Lê Xuân Khoa
California, 27/03/2013
(ABS)
Beo: Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh ăn hai mang lẩn tựa lươn
|
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh |
Bạn nghĩ sao, khi trước một sự kiện liên quan đến vận mệnh một quốc gia,
đến số phận 90 triệu con người, đến sự tồn vong của một thể chế, mà một
ông từng giữ hàm bộ trưởng vừa cười vừa thản nhiên trả lời phỏng vấn
trước nhiều triệu người xem rằng :"Tất nhiên thì trước khi trao phải
đọc. Tôi cũng có nghiên cứu, và bản thân tôi lúc bấy giờ cũng có muốn
sửa một số chỗ. Sau các đồng chí bảo là không, vì là cái này công bố
trên mạng rồi, bây giờ mình sửa thì không nên. Cho nên vẫn cứ trao."
Chuyện ông nhận làm trưởng đoàn trao kiến nghị 72 vào phút chót là vặt
vãnh, vui đâu chầu đấy của người nhàn cư vi, Beo không quan tâm. Nhưng
chuyện ông thò bút kí vào một văn bản mà chính ông cấn cá, không hề nhỏ
vặt.
Ông, Nguyễn Đình Lộc, bằng cấp treo xuống tận cạp quần, có phải thằng vô
học đâu. Ông, gần 80 tuổi đầu, có phải trẻ con đâu, để có thể mắng mỏ
nó bảo ăn... cũng ăn à?
Giả sử, kết thúc cuộc trưng cầu dân ý, ý dân sẽ được thể hiện đầy đủ và
trung thực trong bản tân hiến pháp. Trong ý dân ấy không có ý ông, âu
cũng là chuyện thường, bởi người ta hoàn toàn có quyền xếp ý ông vào
loại: thiếu suy nghĩ nghiêm túc.
Beo đã từng gặp gỡ, trò chuyện với thế hệ đầu tiên mơ giấc mơ dân chủ
theo mô hình các nước tư bản, hai cụ Hoàng Minh Chính và Trần Độ.
Những ước mơ đẹp.
Gần 3 chục năm đã qua, một thế hệ mới đã ra đời.
Một nhóm người, đi theo con đường hai cụ, hình như chọn cho mình dưới trướng ngọn cờ 72 xĩ đang phất.
Xĩ. Tiêu biểu tinh hoa như ông trưởng đoàn Lộc. Dăm vài đồng bạc vụn đã
kịp gấu ó nhau như ông Huệ Chi-Phạm Toàn. Ăn hai mang lẩn tựa lươn như
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh...
Tự đặt kì vọng vào trong giới hạn của những người trung bình như thế,
thì cũng nên mơ ước trung bình. Ví như ước cơm ăn hai bữa quần áo mặc cả
ngày hay được làm tình với cô hoa hậu, chẳng hạn.
Cơ hội trong chính trị là do chính người muốn có nó tạo ra. Và để tạo ra
được cơ hội thì cần hàng trăm thứ rất thật: Có tư chất lãnh tụ thật; Có
tri thức và có thủ đoạn thật để thuyết phục số đông quần chúng; Đang
nắm giữ quyền lực thật để am tường điểm xuất phát của cơ hội...vân vân
và vân vân.
Nhật pháp uýnh lộn đến chết, cũng không có kẽ len lỏi cho những kẻ, chỉ
đến tụ tập trà đá vỉa hè hay úp mặt vào computer chém gió chửi đổng,
là kịch bến hết tầm tư duy.
Hồ Thu Hồng
(Blog Beo)
'Lão thợ đấu' Nguyễn Văn Thọ trình làng 'Vợ cũ'
tại Hà Nội diễn ra buổi giới thiệu tập tản văn Vợ cũ, tập truyện ngắn Sẫm Violet và giao lưu với tác giả - nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
1. Nhà văn
Nguyễn Văn Thọ từng là lính trận, một thời gian dài sống ở Đức, làm đủ
nghề để kiếm sống từ lao động phổ thông cho đến công tác quản lý, kinh
doanh. Có thương hiệu và khá “mặn” với giải thưởng lớn, cứ Hội Nhà văn,
tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Văn nghệ tổ chức cuộc thi truyện ngắn
hoặc tiểu thuyết là nhà văn Nguyễn Văn Thọ rập rình, “quăng lưới” văn và
thắng giải.
Thế nhưng, ít người biết khởi đầu Nguyễn
Văn Thọ lại làm thơ và tập sách đầu tiên là tập thơ có tên Mảnh
vỡ(1998) đầy những chớp lóe nội cảm, đau đớn ngổn ngang. Đã qua tuổi tri
thiên mệnh, giờ đây ngoài cày ải trên cánh đồng văn một cách miệt mài,
thi thoảng Nguyễn Văn Thọ vẫn nồng nhiệt “đi” thơ trên mạng xã hội “mong
nó như một thứ ánh sáng trong một chiều Đông sắp tàn, giúp bạn rọi thêm
vào những trang văn xuôi mà các bạn từng quý mến trân trọng”. Và cũng
như một cách để làm mới những cảm xúc kẻ viết, phơi mở những rung động
tận đáy nguồn cơn: “Vô tình anh đặt môi đúng vào vệt son trên tách/ vệt
son hình trái tim còn mọng dấu/ anh nuốt cả hương trà, nuốt cả hương
môi.../ chầm chậm/ quanh bàn trà mọi người đều biết em rời gót/ riêng
anh thấy em còn” (13 tháng 12).
Với vốn sống đa dạng và dày dặn, những
trang viết của anh luôn đầy ắp những chi tiết hiện thực. Sự quyết liệt
trong cách ứng xử và nỗi da diết tình người làm nên đặc trưng chủ đạo
trong văn Nguyễn Văn Thọ. “Nhiều kẻ có dăm ba chữ, in chục truyện ngắn,
một tập thơ đã nói câu bạc với văn chương. Tôi không thể như thế. Sự yêu
văn chương như tôi chờ đợi... hẹn hò, tôi ngộp thở chờ trước tác của bè
bạn được in ra công bố rộng rãi cho bạn đọc và lòng cũng vui như chính
tôi được in trước tác ấy”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết.
|
Bìa tập tản văn Vợ cũ. |
2. Tập truyện Sẫm Violet gồm 11 truyện
ngắn với chủ đề đa dạng về chiến tranh, về cuộc sống của những người
Việt tha hương ở Đức, về đề tài dã sử và cả nhịp sống chậm rãi, đôn hậu
của những người thành thị.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa hóm hỉnh nhận
xét: “Đọc anh, dù ở bất cứ thể loại nào, không hiểu sao, tôi cứ hình
dung một lão thợ đấu lực lưỡng, chân thành và bộc trực. Lão cứ huỳnh
huỵch xắn từng mảng đời sống mà vật lên trang giấy. Sự mặn mòi, đắng đót
của đời sống đã cho Nguyễn Văn Thọ những trang văn thực sự hấp dẫn, vừa
giản dị thật thà, vừa sinh động, biến hóa. Ai đã đọc rồi thì rất khó
quên”.
Hỏi Nguyễn Văn Thọ có bối rối, có lo
ngại và xử lý như thế nào trước tình huống “vợ mới” sẽ giao lưu, đối
diện và thậm chí phản biện trực tiếp trước Vợ cũ. Nhà văn cười hề hề đốp
lại: “Đến đấy bạn sẽ biết hiện thực đời sống và hiện thực nhà văn quanh
các sáng tác văn học”.
Lãng Ma
(TT&VH)