Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Không nên cho chính phủ quyền kết án tử hình & Cần xét xử những “đại án tham nhũng” trước công chúng

Có phải ông Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt cả dân tộc đi tìm kho báu?!

Vừa qua, sau nghe ông TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu về tương lai của CNXH, tại buổi thảo luận tổ Quốc Hội, làm 90 triệu dân sửng sốt, choáng váng!
Không choáng váng sao được, đã gần bảy mươi năm, kể từ khi thiết lập nền cộng hòa (VNDCCH), dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, nhân dân ta đã đổ biết bao núi xương sông máu, để dành và giữ cái nền cộng hòa này, mà hiện nay gọi là CHXHCN (theo mô hình Liên Xô).
Sự hy sinh to lớn của cả dân tộc, cho giai đoạn lịch sử này, không những không được đền đáp thỏa đáng; mà niềm hy vọng cứ dần tiêu tan, bởi những sai lầm cứ nối tiếp nhau; về cả đường lối, chủ trương, chính sách, và sự tha hóa của đội quân tiên phong; nay lại nghe ông TBT cứ nói khơi khơi rằng, xây dựng CNXH còn lâu dài lắm; rằng đến hết thế kỷ 21 này, không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam chưa?! Người dân không cần quan tâm mô hình, hay tên gọi CNXH, hay CNXH hoàn thiện là gì; mà cái dân cần ngay bây giờ, chứ không phải đợi trăm năm nữa; đó là làm sao cho đất nước thoát hiểm; ra khỏi khó khăn, cho nhân dân bớt khổ!
Cần hành động chứ không chỉ nghe nói huyên thuyên; sự thật bao giờ cũng mạnh hơn muôn lời hùng biện! Với cái giọng mơ hồ, nửa vời, pha chút màu sắc bí ẩn, cứ hư hư thực thực, làm cho người ta không biết ông TBT đang tung ra một thông điệp gì? Đây không phải là Hội đồng lý luận, với những bộ óc “siêu phàm”! Mà đây là diễn đàn đại diện của dân. Thật là khó hiểu!
Thôi, cứ thử tự đoán xem; có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng nói, xây dựng CNXH còn lâu dài lắm, là nhằm răn dạy, nhắc nhở nhân dân cần có tư tưởng vững vàng, lập trường kiên định, sẵn sàng tiếp tục hy sinh, chịu đựng, chịu đựng hơn nữa; tiếp tục tin tưởng đi theo đảng trên con đường dài vô tận này chăng?! Nếu quả đúng như vậy, thì chẳng lẽ ông TBT cho rằng, gần bảy nươi năm qua, từ giữa cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này, sự hy sinh của toàn dân tộc Việt Nam còn ít quá sao?!

Hay vì ông Trọng chưa hề một ngày có mặt ở chiến trường, trong những năm đất nước có chiến tranh, nên ông khó có sự cảm thông, chia sẻ về sự mất mát với nhân dân? Từ cuộc chiến tranh thứ nhất, đến cuộc chiến tranh thứ hai, thứ ba… Rồi gần bốn mươi năm hòa bình, thống nhất, bá tánh của ông, nào đã được yên ổn; lại tiếp tục gồng mình hy sinh, chịu đựng vượt qua, để tồn tại; và mỗi lần như thế, họ lại tự chấn an bằng điệp khúc: “khổ chừ sướng sau, khổ chừ sướng sau”. Thế mà nhân dân đã được sướng đâu cơ chứ?
Nền kinh tế, với căn bệnh “ác tính” kéo dài; người dân đang phải chạy lo ăn từng bữa, cùng với bệnh tật ốm đau, lo học hành cho con cái; nghĩa là cuộc sống với hàng trăm hàng nghìn cái lo, cái ẩn họa, sao có thể gọi an dân được? Các quyền tự do dân chủ cơ bản từ khi có bản Hiến pháp đầu tiên của nền cộng hòa, đến nay người dân vẫn chưa thực sự được hưởng. Đất nước độc lập, mà lãnh thổ vẫn chưa giữ được chủ quyền toàn vẹn; bị tụt hậu xa về sự phát triển, so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tất cả sự hy sinh mất mát, sự thua thiệt này, cuối cùng ai phải gánh chịu, ngoài nhân dân?!
Nếu ông TBT có tình cảm thương dân, thương nước thực sự, thì hãy nhìn kỹ lại đi chặng đường lịch sử gần bảy mươi năm đã qua, với sự hy sinh của cả dân tộc to lớn biết nhường nào, e trời cũng phải cảm động! Từ nhận thức thực tiễn của bảy mươi năm này, ông TBT có thể hình dung, phán đoán, lượng định ra được sự hy sinh, chịu đựng của thần dân của ông cho chặng đường trăm năm có dư sắp tới nữa, như ông nói, để có được CNXH hoàn thiện không? Ngay qua lời nói của ông, cũng đã bộc lộ sự thiếu tự tin và mơ hồ rồi. Nếu không lượng định, hình dung, tính toán, dự đoán nổi tương lai, sao ông phải lãnh nhận trách nhiệm người đứng đầu dắt dẫn nhân dân đi tiếp trên một con đường như vô tận này?
Ví như người điều khiển một con tàu, cũng phải thông thạo luồng lạch, đo dò độ nông sâu, các vật chướng ngại có nguy cơ gây tai nạn; có như thế mới đưa con tàu tránh được đá ngầm, đến đích an toàn. Huống gì một con người tự nhận lãnh trách nhiệm dẫn dắt cả một dân tộc, một đất nước có chín mươi triệu dân mà không am tường, không nắm bắt kịp xu thế thời đại, không dự đoán được thời cuộc, thì hậu quả sẽ ra sao?!
Ông đưa ra nhận định tỉnh khô rằng, phải trăm năm nữa, Việt Nam chưa chắc đã có CNXH hoàn thiện! Ông đưa ra khái niệm “hoàn thiện”, nghe lại càng mơ hồ; thế nào là “hoàn thiện?” Ông có biết cái hình thù của CNXH hoàn thiện nó ra sao không? Cựu phó thủ tướng Trần Phương hỏi: “CNXH là cái gì? Là cái gì nữa? Ai trả lời? Không trả lời được”!!! Có phải theo ông đến khi đó, con người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu chăng? Thật là hoang tưởng?!
Tôi xin trở lại ý, vì sao sau khi nghe ông TBT Nguyễn Phú Trọng nói, xây dựng CNXH còn lâu dài lắm, phải hàng trăm năm nữa mà chưa chắc đã có CNXH hoàn thiện; thì không những riêng tôi, người viết bài này, mà cả dư luận rộng rãi trong nhân dân, đều có phản ứng sửng sốt, choáng váng! Sự choáng váng, lo lắng của người dân, nên hiểu như thế nào cho đúng với thực tế đây?
Có phải vì họ yêu thích, ngưỡng mộ cái mô hình CNXH mà họ đang mong chờ nó sớm thành công, để được hưởng “phúc”; nên nay nghe nói còn dài thăm thẳm, trăm năm nữa chưa chắc đã có, làm cho họ chán nản, thất vọng chăng? Rất tiếc, hoàn toàn không phải hiểu theo nghĩa như thế. Mà là sự lo lắng đến choáng váng của họ là, xuất phát từ bài học thực tiễn của quá khứ và hiện tại, qua gần bảy mươi năm của chặng lịch sử đầy cay đắng, cả máu và nước mắt, mà họ đã từng can dự, trải nghiệm, in đậm trong hồi ức; nay lại nghe cuộc thử nghiệm lịch sử mới, dài hơn nữa, làm họ nghi ngại, lo lắng; lo lắng cho bản thân, cho tương lai con em họ, lo lắng cho cả tiền đồ dân tộc.
Có người hỏi, thử nghiệm gì mà lo vậy? Xin thưa rằng, những thử nghiệm của chặng đường dài trăm năm tới, thì chưa thể biết cụ thể, vì nó còn như một ẩn số. Còn những thử nghiệm chặng lịch sử gần bảy mươi năm đã qua, thì đầy rẫy đó thôi, kể sao cho xiết. Như mấy cuộc chiến tranh liên tiếp, là những thử nghiệm; trong này máu, như một loại hàng hóa “giá rẻ”. Rồi cải cách ruộng đất và hợp tác hóa nông nghiệp; cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh; tất cả đều làm theo ý chí và lý thuyết giáo điều, bất chấp quy luật; phá nát lực lượng sản xuất, gây nên bao tổn thất to lớn nội lực quốc gia; kéo lùi phát triển nền kinh tế, và để lại di chứng nặng nề về xã hội.
Như vậy, phải chăng những việc làm trên đây qua từng giai đoạn, trên nhiều lĩnh vực, lại không phải là những cuộc thử nghiệm tàn hại nhất và nghiêm trọng nhất, mà không những đối với thời chúng ta đang sống, con cháu chúng ta cũng phải gánh chịu hậu quả lâu dài này nữa, đó sao? Cũng chẳng cần dẫn chứng đâu xa, mà ngay trong những năm gần đây thôi; khi đứng trước tình hình nền kinh tế khủng hoảng, lại có biết bao nhiêu giải pháp nửa vời đưa ra, đều không có hiệu quả, phải trả giá; kéo theo kinh tế là sự khủng hoảng toàn diện, làm cả xã hội bức bối, ngột ngạt; mà nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng này ai cũng biết, đó là sự lãnh đạo yếu kém của đảng và quản lý điều hành tồi của nhà nước. Thế mà, bộ máy cầm quyền vẫn tồn tại vững mạnh, như vô can, thế mới lạ! Chẳng lẽ tình hình nêu trên, không đủ chứng minh về sự thử nghiệm tai hại đó sao???
Thử nghiệm từ cả máu xương, đến cả cái hầu bao, nồi cơm của dân. Trong khoa học, để sản xuất ra một loại vắc-xin nào đó người ta phải dùng đến chuột làm thí nghiệm. Còn để tìm ra một mô hình, một đường lối phát triển; người ta sẵn sàng hy sinh nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của cả một dân tộc ư?! Thế giới có bao nhiêu mô hình, bao nhiêu kinh nghiệm hay về sự phát triển, sao chúng ta không học, cứ loay hoay, ôm giữ khư khư mãi cái mớ lý thuyết giáo điều, đã lỗi thời, bắt nhân dân phải tin và làm theo, để đất nước tiếp tục lụn bại, dân tộc phải chịu khổ đau, điêu đứng?! Như vậy, đã gần bảy mươi năm thử nghiệm chưa đủ sao? Nay lại tiếp tục định hướng thêm trăm năm có dư nữa, để có CNXH hoàn thiện sao?
Mấy năm nay, từ lãnh đạo cấp quốc gia, đến bộ máy quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, đi ra nước ngoài khá nhiều, như đi chợ; có khi cơ quan quản lý ngân sách méo mặt phải kêu lên về cái hầu bao ngân sách. Đáng lẽ “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”; thế nhưng, hiếm thấy họ đem những điều hay học được, về áp dụng, làm lợi cho dân, cho nước?
Lấy một ví dụ như nước Hàn Quốc, đất không rộng, người không đông, ít tài nguyên thiên nhiên, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề; là một trong những nước nghèo nhất thế giới, lúc bấy giờ. Vậy mà sau khi chấm dứt chiến tranh 1950, chỉ trong thời gian 40 năm, (trừ mười năm đầu khôi phục sau chiến tranh); họ đã “lột xác”, vươn mình đứng dậy, làm nên những kỳ tích, cả thế giới phải khâm phục. Về kinh tế, Hàn Quốc là nước đứng hàng thứ ba Châu Á, và hàng thứ mười ba thế giới; có nguồn dự trữ ngoại tệ đứng hàng thứ sáu thế giới; có mức thu nhập bình quân đầu người, cao hơn mức trung bình liên minh Châu Âu; có một nền khoa học và công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, cùng với thành công trong phát triển kinh tế, Hàn Quốc đã xây dựng được một xã hội dân chủ, giá trị con người được tôn trọng.
Hoặc như CHLB Đức, sau khi thống nhất, Tây Đức phải gồng mình cõng trên lưng cả Đông Đức; vậy mà chỉ trong vòng hai mươi năm, họ đã sớm ổn định và có bước phát triển mới; hiện là một cường quốc kinh tế thế giới đáng nể trọng. Còn cái thể chế của CHXHCN Việt Nam ta thì sao? Đã bảy mươi năm rồi vẫn chưa ra môn ra khoai gì. Nay “câu giờ”, thêm trăm năm nữa có dư; và nếu lạc quan dè dặt, là gần hai trăm năm, khi ấy Việt Nam là cái gì, chưa ai biết?! Và thế giới lúc bấy giờ họ đang ở đâu? Hay họ đã di dân sang một hành tinh khác ở cho sướng, để bớt bị ô nhiễm của môi trường?! Nêu lên vài dẫn chứng và suy nghĩ trên đây, với hy vọng những người đang nắm trọng trách đất nước và vận mệnh dân tộc, hãy sớm thực sự thay đổi tư duy, nắm bắt kịp xu thế thời đại, để đưa đất nước thoát hiểm; cố gắng rút ngắn khoảng cách mà thế giới bỏ xa ta.
Tưởng chỉ viết đôi dòng về bức xúc, sau khi nghe phát biểu của ông TBT Nguyễn Phú Trọng thôi; không ngờ lại dông dài, ngoài ý muốn. Tại sao tôi lại có liên tưởng mạnh mẽ về cái mô hình “CNXH hoàn thiện” với “kho báu”, mà ông TBT đi đầu, cùng với đội quân tiên phong, dắt dẫn cả dân tộc Việt Nam đi tìm “kho báu” nào đó; với niềm tin và hy vọng nó sẽ là cứu cánh, đưa được đất nước đến bến bờ phồn vinh, nhân dân sẽ có ấm no hạnh phúc. Việc đi tìm kho báu thì đã có từ xưa nay; kể cả tìm thấy trong các truyện cổ tích, truyện thần thoại.
Những người đi tìm kho báu, ngoài được trang bị một số thông tin nào đó ban đầu, để có căn cứ làm chỗ dựa; họ thường là những con người cả tin vào vận may. Nói chính xác, họ sẵn sàng liều đánh cược trước sự may rủi; và cũng có kẻ, có thêm sức mạnh của lòng tham; nhưng nhìn chung, họ đều giống nhau là, chọn sự rủi may để hành động. Nếu như ví mô hình “CNXH hoàn thiện” là “kho báu”, thì trăm năm nữa, liệu có tìm thấy “kho báu” không nhỉ? Không ai trả lời nổi câu hỏi này, ngoài người đại diện tiêu biểu, sáng suốt duy nhất là, ông TBT Nguyễn Phú Trọng, đáng kính./.
Hữu Quả (Nhà báo- đã nghỉ hưu)
(Quê Choa)

Bùi Tín - Kỷ lục về chậm hiểu


07.11.2013
Cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN lần thứ 8 (khóa XI) đã xét duyệt, hoàn thiện bản dự thảo Hiến pháp mới dự định đặt tên là Hiến pháp năm 2013 đang đưa ra Quốc hội thông qua, đồng thời cũng khẳng định quyết tâm «ngăn chặn việc hình thành mọi tổ chức đối lập».

Tại sao ban lãnh đạo đảng CS lại lo sợ tổ chức đối lập đến như vậy? Phải chăng cả gần 200 đại biểu chính thức và dự khuyết dự họp đều không hiểu rằng ý định ấy là vi hiến, vì Hiến pháp hiện hành công nhận quyền của mọi công dân có quyền tư do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do lập hội.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của mọi người trên hành tinh này cũng ghi rõ các quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và tự do lập hội là bất khả xâm phạm. Công ước quốc tế công khai công nhận quyền mọi người có những tư tưởng chính trị, những chính kiến khác nhau, đối lập nhau, miễn là không được cổ động chiến tranh và bạo lực, không được chủ trương phân biệt chủng tộc.

Mọi người có trí khôn, có hiểu biết bình thường cũng có thể nhận ra rằng ý kiến khác nhau, nhiều khi trái ngược nhau, đối lập nhau là chuyện luôn luôn xảy ra ở mọi lúc mọi nơi, trên mọi lĩnh vực, thúc đẩy xã hôi tiến lên để tiếp cận với lẽ phải và chân lý. Ngăn cản sự hình thành tổ chức đối lập là cản trở sự tiến hóa của xã hôi loài người, là chủ trương toàn dân mặc đồng phục và mọi người phải suy nghĩ giống nhau như người máy robot .

Tự phê bình và phê bình, kiểm thảo, kiểm điểm chính là phương pháp chỉ ra những thiếu sót, sai lầm, giải quyết những mâu thuẫn, đối lập, chính kiến khác nhau để tìm ra giải pháp tối ưu trong cuộc sống và trong đấu tranh.

Trong một xã hội toàn trị như ở Việt Nam hiện nay, khi dân oan bị cướp đất khắp nơi, việc tổ chức các hội bảo vệ dân oan, bảo vệ nông dân bị cướp đất là lẽ đương nhiên. Trong khi xã hội dân sự bị đảng cầm quyền bóp nghẹt, tổ chức Diễn đàn Xã hội Dân sự là một sáng kiến cần thiết. Trong khi tổ chức công đoàn tự do bị đảng CS nghiêm cấm để dành độc quyền cho Tổng liên đoàn lao động VN do đảng nắm chặt, việc tổ chức các công đoàn tự do của từng vùng, từng ngành, nghề, từng xí nghiệp do anh chị em công nhân, lao động lập nên là hành động cần thiết, hợp hiến, cũng thuận theo đòi hỏi của các tổ chức kinh tế - tài chính, nhân quyền thế giới.

Do những lẽ trên việc Hội nghị Trung ương 8 của đảng CS đề ra việc ngăn chặn sự hình thành các tổ chức đối lập là vi hiến, phi pháp, trái lẽ phải, do đó không có giá trị, công dân không ai chấp hành. Nó chỉ chứng minh rằng trên thế giới văn minh hiện đại, đang có một tập thể gần 200 người không hiểu gì về xã hội dân sự, không hiểu gì về Công ước quốc tế về nhân quyền, chậm tiến về chính trị một cách tệ hại, lại đang tự nhận quyền lãnh đạo cả một đất nước gần 100 triệu dân.

Cũng là quán quân về chậm tiến, chậm hiểu biết, khi gần 500 đại biểu Quốc hội đang chuẩn bị bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp 2013, trong đó ngay khi mở đầu đã ghi chủ nghĩa Mác – Lênin ở hàng đầu. Cả 500 vị tự nhận là đại biểu nhân dân ấy không hề chịu biết, chịu hiểu rằng ở giữa thủ đô Washington đã dựng lên một đài kỷ niệm đồ sộ cho hơn 100 triệu nạn nhân bi thảm của chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa xã hội thực tiễn theo tà thuyết Mác – Lênin – Stalin – Mao Trạch Đông, nhằm cảnh tỉnh toàn thế giới hiện tại và mãi mãi về sau phải cảnh giác với con đường tội ác chồng chất ấy. 500 con người lạc lõng giữa thế giới!

Vậy thì khi 14.785 trí thức và công dân tỉnh táo ký tên vào Kiến nghị bác bỏ bản dự thảo hiện tại và đề ra một số nội dung chuẩn xác cho một bản hiến pháp dân chủ hợp thời đại, tập thể ấy đã tỏ ra sáng suốt, có trách nhiệm, tiền tiến hơn hẳn Bộ Chính trị và Ban Thường trực Quốc hội. Thái độ lẳng lặng bác bỏ kiến nghị ấy một cách mù quáng, cao ngạo là sai lầm kinh hoàng mà những người lãnh đạo tự phụ một cách dại dột sẽ phải trả giá rất đắt.

Rồi sẽ có nhiều tổ chức khác, nhiều sáng kiến khác của trí thức, của tuổi trẻ dũng cảm nước ta nhằm bác bỏ, phê phán bản Hiến pháp «mới» mà rất cũ, rất tệ hại, để xé bỏ, phủ nhận triệt để, chôn vùi nó theo những nhân vật ma quái Mác – Lênin- Stalin – Mao Trạch Đông và bộ hạ tham nhũng bất tài vô lương tâm, đến nay còn tự nhận là tay chân kế thừa trung thành của chúng.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Trông đợi gì vào chuyến thăm VN của TT Vladimir Putin?


Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng tại Nga hôm 15 tháng 5 năm 2013. (AFP)

Việt Hà, phóng viên RFA
2013-11-08

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đến thăm Việt Nam vào tuần tới với mục đích thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ trong nhiều mặt giữa hai nước. Nhân dịp này, Việt Hà có bài phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer, thuộc công ty tư vấn Carl Thayer, chuyên gia về châu Á, về chuyến đi này và quan hệ Nga Việt Nam. 

Gây sức ép VN gia nhập Customs Union

Trước hết nói về những trông đợi từ chuyến thăm sắp tới của ông Putin, Giáo sư Carl Thayer nhận định:

GS. Carl Thayer: Đây là một phần trong một loạt các chuyến thăm cấp cao gần đây giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã sang thăm Nga vào tháng 5 năm nay.Tôi nghĩ là Putin sẽ gây sức ép lên Việt Nam để mở cửa một loạt các khu vực hiện đang gây khó khăn về mặt pháp lý cho đầu tư từ Nga. Và cũng bởi vì cuối cùng thì Việt Nam sẽ phải trả tiền cho các vũ khí quân sự mua từ Nga, và cho khoản vay mà Nga cung cấp cho nhà máy điện hạt nhân, nên theo tôi thì cái lớn hơn là Nga sẽ gây sức ép với Việt Nam để gia nhập Customs Union với Nga và Kazakhstan và Belarus và diễn đàn kinh tế Eurasia để Việt Nam tham gia một cách tích cực hơn về kinh tế vào khối mà Nga là chủ đạo. Bên cạnh đó cũng sẽ có một loạt các doanh nhân Nga đi cùng với ông Putin lần này và sẽ có một loạt các thỏa thuận và ghi nhớ được ký kết giữa hai nước.

Việt Hà: Nga cũng đang chuẩn bị cho các cơ sở sửa chữa tại vịnh Cam Ranh, theo ông liệu đây có thể coi là một dạng căn cứ quân sự nào đó của Nga đặt tại Cam Ranh?
Giới chức Việt Nam có thể nói là quan hệ giữa Việt Nam với Nga là đối tác chiến lược toàn diện nên có khác và đặc biệt, cho nên Nga có quyền tiếp cận đặc biệt với Cam Ranh.
-GS. Carl Thayer
GS. Carl Thayer: Cam ranh đang là một vấn đề nóng hiện nay, căn cứ theo những trao đổi mà tôi có được từ Việt Nam. Việc mua tầm ngầm Kilo đã ràng buộc Nga và Việt Nam trong nhiều thập kỷ bởi vì chúng ta không thể mua tàu ngầm kilo như mua một chiếc xe hơi và lái về nhà. Sẽ có một lượng lớn các nhân sự người Nga được đặt tại Cam Ranh để bảo trì các tàu ngầm này. Có thể là các chuyên gia này sẽ ở lại trong nhiều năm cho đến khi Việt Nam đủ khả năng để vận hành các tàu ngầm này. Người Nga sẽ kiếm được tiền. Cảng Cam Ranh được phát triển với các cơ sở về dân sự, hàng hóa và quân sự. Nga sẽ cố gắng dành được quyền tiếp cận toàn bộ đối với các cơ sở tại đây không phải chỉ là để giúp Việt Nam mà còn để các tàu của họ có thể ghé đây trong các chuyến đi chống cướp biển ở vinh Aden, hoặc để đẩy mạnh hơn nữa vai trò của Nga tại châu Á Thái Bình Dương. Họ cũng gây sức ép để Việt Nam xây dựng khách sạn 5 sao cho người Nga. Nga bán tàu ngầm cho Việt Nam và họ cần tiền từ Việt Nam, cho nên Việt Nam bị sức ép phải cố gắng đáp ứng các yêu cầu của Nga tại Cam Ranh.

Việt Hà: Vậy Việt Nam làm thế nào để cân bằng các quan hệ với các nước khác ví dụ như Mỹ và Trung Quốc?

GS. Carl Thayer: Chúng ta phải nhìn lại một năm trước đó khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đến thăm Cam Ranh và nghĩ liệu Mỹ có thể quay lại Cam Ranh nhưng sau đó ông được nghe Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trả lời là Việt Nam có chính sách 3 không, đó là không có căn cứ quân sự, không liên kết đồng minh với nước nào và không kết hợp với bất kỳ các nước để chống lại nước khác.

Hai chiếc tàu ngầm lớp Kilo thuộc dự án 636 đang thử nghiệm ở St. Petersburg, Nga trướckhi giao cho Việt Nam
Hai chiếc tàu ngầm lớp Kilo thuộc dự án 636 đang thử nghiệm ở St. Petersburg, Nga trướckhi giao cho Việt Nam

Nhưng giới chức Việt Nam có thể nói là quan hệ giữa Việt Nam với Nga là đối tác chiến lược toàn diện nên có khác và đặc biệt, cho nên Nga có quyền tiếp cận đặc biệt với Cam Ranh. Tôi nghi ngờ là những nước như Mỹ có gây sức ép để đòi công bằng nếu họ có thể làm vậy nhưng ở đây chúng ta nói các cơ sở bảo hành sửa chữa quân sự ở đây. Và Mỹ sẽ có thể thảo luận về thỏa thuận bảo hành sửa chữa chéo. Theo luật của Mỹ thì một loạt các điều kiện cần phải được đáp ứng và Việt Nam cũng có những điều kiện của mình. Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ, nên hiện không trợ giúp các hoạt động quân sự của Mỹ, và không cho phép đặt các thiết bị của Mỹ tại Việt Nam để dùng cho các trường hợp khẩn cấp trong khu vực. Cho nên đó là một đoạn đường đi dài. Nhưng Hoa kỳ có thể tận dụng các cơ sở sửa chữa thương mại và các tàu của Mỹ có thể đỗ tại cảng Đà Nẵng. Sự có mặt của Nga ở đây có thể làm Trung Quốc lo ngại chút ít và một số các quốc gia châu Á có thể thắc mắc không biết Việt Nam đang làm gì vì Việt Nam là thành viên của ASEAN. Hiện tại thì Nga chưa có khả năng toàn bộ để đóng vai trò như một người chơi chính trong khu vực này. Tổng thống Nga không dự thượng đỉnh Đông Á, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng không dự hội nghị các Bộ trưởng quốc phòng ASEAN cộng. 

Tiềm năng và thách thức

Việt Hà: Theo ông những tiềm năng và thách thức trong quan hệ giữa hai nước thời gian tới là gì?
Chúng ta sẽ thấy đây là một tình huống không có ai thua bởi vì nó giúp làm giảm căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, trong khi cả hai nước đều đang lệ thuộc vào Nga.
-GS. Carl Thayer
GS. Carl Thayer: Vấn đề chính là thương mại hai chiều chỉ đạt 2,7 tỷ đô la là nhỏ và mối quan hệ kinh tế hai nước đã đạt đúng tiềm năng. Nga đang xem xét tham gia cùng với công ty của Thái để đầu tư vào dự án lọc dầu có thể coi là lớn nhất châu Á ở tỉnh Bình Định. Nga cung cấp tín dụng cho Việt Nam trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Cho nên cái lớn hơn của Nga ở đây là làm ra càng nhiều tiền từ Việt Nam càng tốt và tạo lợi thế ở Việt Nam để đảm bảo có thể nhận được phần hoàn trả từ Việt Nam có thể là dưới dạng tiền mặt hoặc lòng tốt từ Việt Nam mà Nga sẵn sàng chấp nhận hơn các nước khác.

Việt Hà: Chuyến thăm lần này của ông Putin có ý nghĩa thế nào với hai nước?

GS. Carl Thayer: Putin đã từng bày tỏ mong muốn Nga sẽ đóng vai trò quan trọng hơn tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Một vài người có thể nói là với những thù nghịch hướng về phía Mỹ, ông Putin sẽ muốn trở thành một bên quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc để cân bằng với Mỹ. Và chúng ta sẽ thấy đây là một tình huống không có ai thua bởi vì nó giúp làm giảm căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, trong khi cả hai nước đều đang lệ thuộc vào Nga, Việt Nam có hơn một đôi chút, về mặt vũ khí, và cả hai đều hoan nghênh một cường quốc là thành viên của UN đứng về phía mình để đối lại với việc chuyển trục chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ là nước cảm thấy khó khăn nhất trong ba nước đối với sự sắp xếp này.

Ông Putin cũng đã bày tỏ mong muốn trở lại châu Á hơn một năm qua, nhưng cho đến giờ đó mới chỉ là lới nói nhiều hơn hành động. Trước Việt Nam, Putin đã thăm Trung Quốc và sau đó là Nam Hàn, chúng ta đang thấy là họ đang cố gắng tạo dựng lại ảnh hưởng của mình và tạo cơ sở cho vai trò lớn hơn của nga tại đây trong tương lai. Nhưng liệu họ có kiếm được thêm tiền và giữ được cam kết hay không thì chúng ta còn phải chờ xem.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Marc Hyden - Không nên cho chính phủ quyền kết án tử hình

Lời người dịch: Theo bài báo này thì thi hành án tử hình là việc làm vô cùng tốn kém, có nhiều sai sót, nhiều người bị giết oan. Án tử hình không thực hiện được những chức năng mà những người ủng hộ nó kì vọng: cải tạo người tù và giảm bớt tội phạm. Nó chỉ còn là một vụ báo thù được hợp pháp hóa mà thôi. Với những oan khuất như trong vụ người tù Nguyễn Thanh Chấn mà chúng ta vừa được biết gần đây (nếu lúc đó ông bị tử hình thì làm sao sửa chữa được nữa), phải chăng đã đến lúc những người có lương tri cùng khởi thảo Kiến nghị đề nghị Quốc hội xóa bỏ án tử hình. Thiết nghĩ đây cũng là một trong những hoạt động của xã hội dân sự. Mong lắm thay. - Phạm Nguyên Trường
Nhóm đánh giá tội tử hình bang Texas thuộc Hiệp hội luật sư Mĩ vừa mới xem xét hệ thống án tử hình ở Texas và đã phát hiện những điều không làm ai ngạc nhiên - đó là một chương trình tốn kém, quản lí kém và có nhiều sai lầm. Công trình phân tích, do các chuyên gia pháp lý và cựu quan chức dân cử tiến hành chỉ ra rằng, bang Texas sử dụng những phương pháp lỗi thời, thiếu khoa học, và không đáng tin nhằm chứng minh tội lỗi. Nhiều cải tiến đã được đề xuất nhằm ngăn chặn những bản án sai trái và bảo đảm thủ tục theo đúng luật pháp.

Chính hệ thống án tử hình của mà Thống đốc Perry và một số người tiền nhiệm của ông rất tự hào đã dẫn đến những hậu quả thảm khốc. Hệ thống này phải chịu trách nhiệm về việc kết án oan ít nhất 12 người và sau đó đã đưa những người này ra khỏi buồng giam tử tội và có thể một số người khác thậm chí đã bị tử hình oan. Carlos DeLuna đã bị tử hình mà thiếu bằng chứng pháp lí, cẩu thả trong quá trình điều tra hiện trường, và quan trọng nhất là có một nhân chứng sau này nói rằng ông chắc chắn 50 phần trăm rằng DeLuna là thủ phạm. Claude Jones đã bị xử tử vào năm 2000, một phần là dựa vào phân tích sợi tóc tìm thấy tại hiện trường. Sau đó người ta đã chứng minh rằng các phân tích tóc đó là không khoa học, và mới đây bằng chứng ADN cho thấy đó hoàn toàn không phải là tóc của Jones. Cameron Todd Willingham đã bị hành quyết vào năm 2004 trước hết là do các nhà điều tra địa phương chứng minh rằng vụ phóng hỏa là nguyên nhân của đám cháy làm chết ba người con gái của của ông ta. “Chứng cứ” này sau đó đã bị chín chuyên gia cứu hỏa vạch trần, những chuyên gia này đã xem xét lại vụ án và xác định rằng đấy là tai nạn bi thảm, chứ không phải cố ý phóng hỏa.
Nhân dân bang Texas tiếp tục phải đóng thuế cho chương trình này, một chương trình trao quá nhiều quyền lực cho nhà nước và thường thất bại thảm hại. Chi phí trung bình cho một án tử hình vào năm 1992 tại Texas là 2.300.000 USD, trong khi cho một án tù trung thân là 750.000 USD. Hạt Jasper County, bang Texas, buộc phải tăng thuế bất động sản lên gần 7% chỉ để chi trả cho một phiên tòa có án tử hình. Một án tử hình duy nhất ở hạt Gray, bang Texas, là một phần lí do làm cho hạt này không tăng số lượng viên chức và không tăng thuế. Chi phí ở các địa phương, tiểu bang và liên bang là gánh nặng đối người nộp thuế trong khi án tử hình không ngăn chặn được tội phạm[1].
Chi phí cao, thường xuyên có sai lầm, và quyền lực mà án tử hình trao cho nhà nước không chỉ giới hạn trong Texas. Trên toàn quốc, từ năm 1976 đã có hơn 140 người bị kết án tử hình oan và được đưa ra khỏi buồng giam tử tội, trong khi nhiều người khác có nhiều khả năng là bị giết oan. Chương trình này tốn kém hơn hẳn án tù-chung-thân-không-được-ân-xá. Thường thì chi phí gia tăng này được chuyển cho công dân dưới dạng thuế bổ sung hoặc nợ công.
Kể từ khi án tử hình được Tòa án tối cao Hoa Kỳ khôi phục vào năm 1976, vô số các các tu chính án trong lĩnh vực lập pháp và tư pháp đã được ban hành. Những tu chính này đã hạn chế đáng kể việc áp dụng án tử hình. Quyết định của tòa án và lập pháp đã kéo dài quá trình khiếu nại, cố gắng hạn chế sự tùy tiện của án tử hình, và thậm chí tạo ra một phiên tòa bổ sung, chỉ áp dụng cho những trường hợp có án tử hình. Cũng như mọi phiên tòa khác, quy định bổ sung của chính phủ và sự tham gia không thể làm cho hoàn mĩ được. Trên thực tế, thất bại mang tính hệ thống cũng vẫn còn và còn khá nhiều. Điều này làm cho 18 tiểu bang bãi bỏ án tử hình.
Khung pháp lí về án tử hình chắc chắn sẽ dẫn đến sai sót. Các công tố viên được bầu có quyền lực rộng lớn trong việc quyết định có ra bản án tử hình hay không - không phụ thuộc vào mong muốn của nạn nhân hoặc người nhà gia đình nạn nhân. Cân nhắc về mặt chính trị, chứ không phải đạo đức hay pháp lý, đôi khi là động lực thúc đẩy các quan chức dân cử tìm cách đưa ra án tử hình. Ngay cả bồi thẩm đoàn cũng được tổ chức nhằm ủng hộ bản án tử hình. Nếu công tố muốn có án tử hình, thì người phản đối án tử hình thường không được đưa vào bồi thẩm đoàn đó. Nếu riêng điều đó không làm người ta suy nghĩ thì xin nói thêm rằng quá trình kháng cáo thường không nhằm trưng ra bằng chứng mới mà để chứng minh rằng người bị kết án đã được đưa ra xét xử công bằng ngay từ đầu. Đưa ra bằng chứng mới là công việc thiên nan vạn nan. Khung pháp lí này ủng hộ án tử hình và ý chí của chính phủ trong việc bảo vệ các quyền của người dân.
Hệ thống hiện tại không chỉ tạo điều kiện cho người ta dùng ngụy khoa học làm bằng chứng, mà chính phủ còn sẵn sàng chấp nhận, sử dụng và bảo vệ bằng chứng phi khoa học và lời chứng không đáng tin của các chuyên gia thì thật là khủng khiếp. Điều này đã góp phần tạo ra những thất bại to lớn và cuối cùng là những bản án sai lầm. Ngay cả khi người ta đã biết rằng nhiều nội dung của “khoa pháp y” giống nghệ thuật hơn là khoa học, người ta cũng không cho các bồi thẩm đoàn biết về tính chất chủ quan của nó.
Chính phủ Mỹ có quyền lực rất trong việc kết tội tử hình công dân Mỹ, và quyền lực lớn thì dễ dẫn đến lạm dụng lớn. Nhằm ngăn chặn những vụ án oan và lạm dụng, chính phủ đã áp dụng những thay đổi trong quá trình thi hành án tử hình, làm cho nó trở thành cực kì tốn kém, nhằm hạn chế những thảm họa trong tương lai. Ngay cả với những thay đổi như thế, nó vẫn cứ thất bại như thường.
Chấp nhận án tử hình có thể không phải là do những mưu đồ xấu xa và có khả năng là nó xuất phát từ mong muốn đảm bảo công bằng và an ninh. Nhưng, sự độc quyền của chính phủ đối với thủ tục tố tụng hình sự và việc nó không phải chịu trách nhiệm khi hệ thống mắc sai lầm, là nguồn gốc thất bại của hệ thống. Nếu chúng ta muốn hạn chế quyền lực của nhà nước, chúng ta có thể bắt đầu từ việc không để cho nhà nước ban hành án tử hình.
Phạm Nguyên Trường dịch
* Marc Hyden là điều phối viên toàn quốc cuộc vận động của những người Bảo thủ lo lắng về án tử hình, một dự án của phong trào Pháp lí bình đẳng ở Hoa Kỳ.

Án oan, ép cung và "dê tế thần"

Nước mắt của nhân dân, là khóc cho bi kịch của một quốc gia - khó phát triển.
I- Tự do là trạng thái tự nhiên và giá trị sống tuyệt vời nhất của con người trong xã hội. Nhưng có những con người, cái giá tự do buộc phải trả quá đắt. Mà trường hợp và số phận của tù nhân Nguyễn Thanh Chấn (Việt Yên, Bắc Giang), vừa được tạm tha, sau 10 năm bóc lịch oan trong tù với cái “án giết người” không gây ra, khiến cả xã hội chấn động mạnh, là một minh chứng buồn.
Sự tự do đó không phải được đánh đổi bằng tài năng điều tra, trách nhiệm công tâm của cơ quan chức năng hay tòa án, mà bằng sự “điều tra’ tận tụy, kiên nhẫn vô bờ bến của người vợ ông bỗng trở thành “thám tử tư” bất đắc dĩ, dẫn đến sự hối thúc và hung thủ giết người phải ra thú tội trước cơ quan chức năng- Lý Nguyễn Chung, sau đúng 10 năm lẩn trốn.
Nguyễn Thanh Chấn, tư pháp, tham nhũng
Anh Nguyễn Thanh Chấn trở về trong vòng tay gia đình. Ảnh: VietNamNet
Thật ra, tư pháp của bất cứ quốc gia văn minh nào cũng vẫn có những án oan sai “chết người”. Thế giới từng ghi nhận những án oan chấn động- của Darryl Hunt, Thomas Kennedy, Dewey Bozella (Mỹ), Arthur Allan Thomas (New Zealand), Donald Marshall, Jr (Canada)… , những số phận người bình thường bỗng thành nổi tiếng một cách đắng cay.
Vì thế mà nhân gian luôn tồn tại những bi kịch.
Nguyễn Thanh Chấn chỉ là một nông dân ở Bắc Giang. Cái án oan khiên bất ngờ rơi xuống đầu ông chỉ có mấy tiếng, trong buổi tối định mệnh ngày 15/8/2003, khi ông đi lấy nước, khi người ta phát hiện người phụ nữ đơn thân tên là H. cùng thôn Me với ông này, bị giết hại. Nguyễn Thanh Chấn bị khép tội với bản án chết người- “giết người”- tù chung thân.
Bị kịch của người nông dân trong thời hiện đại “sống và làm việc theo pháp luật”, có nỗi bi thảm riêng của nó. Đâu phải chỉ có Nguyễn Thanh Chấn, kéo theo là sự thiệt hại về kinh tế của một gia đình nghèo, là nỗi đau của người vợ có chồng mang tiếng giết người, là nỗi tổn thương và tủi hổ của những đứa trẻ con cái ông, trong ánh mắt kỳ thị của cộng đồng, làng xóm, bạn bè sau lũy tre làng.
Có điều, bi kịch đó đến thời điểm này, khi mọi việc vỡ lở tung tóe, người ta mới thấy hàng loạt điều “phi pháp luật” của cơ quan thực hiện pháp luật, có thẩm quyền kết án … oan sai, khiến xã hội bàng hoàng, bức xúc.
Ai là những nhân vật điều tra viên đã “có tài” ép cung, đẩy Nguyễn Thanh Chấn đến bước đường buộc phải nhận cái tội mình không mắc? Tệ đến mức (theo lời ông Chấn) hướng dẫn ông này khai báo sự việc, hướng dẫn vẽ sơ đồ hiện trường, và luyện tập thuần thục để thực nghiệm? Động cơ nào khiến họ thản nhiên làm một việc “dựng chuyện” thất đức đến vậy, và nghiệp vụ “phản pháp luật” đó, thực chất, còn mang tính chất “lừa đảo” cả tòa án?
Vì sao tòa án không đủ chứng cứ, nhân chứng, ngoài hai dấu vết chân gần giống, nhưng cả hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm vẫn thản nhiên kết luận y án “giết người”? Phải chăng, ngoài sự non yếu và lỏng lẻo nghiệp vụ, còn có tâm lý nghề nghiệp méo mó, hệt bác sĩ, nhìn đâu cũng thấy vi trùng?
Vì sao, người vợ ông 10 năm kêu oan cho chồng. Nhưng những lá đơn khiếu nại của người đàn bà khốn khổ vẫn rơi vào trong sự im lặng đáng sợ? Lá đơn đó, liệu có là một trong số không biết bao nhiêu lá đơn có số phận hẩm hiu trong thời “bạn hỏi, chúng tôi … không thèm trả lời”?
Để rồi sau 10 năm, cuối cùng, bi kịch mang tên Nguyễn Thanh Chấn cũng được mở nút, khi thủ phạm chính xuất hiện, với màn diễn có hậu- Viện KSNDTC công bố quyết định kháng nghị tái thẩm, tạm đình chỉ thi hành án do “xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án”, trả tự do cho Nguyễn Thanh Chấn.
Dù vậy, bi kịch Nguyễn Thanh Chấn có vẻ chưa thể kết thúc. Khi ông Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nhiệm UBPL của QH khẳng định, kháng nghị và xét xử tái thẩm là sai. Bởi điều tra sai, kết tội sai thì bây giờ phải minh oan cho người vô tội. Phải giám đốc thẩm để tuyên hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm, chứ không phải vì một kẻ ra đầu thú nhận tội mà coi đó là tình tiết mới.
Cũng theo ông Vũ Đức Khiển, nếu đưa ra tái thẩm, là các cơ quan tố tụng đang cố tình lấp liếm đi cái sai của mình trước đó, dễ bề phủi trách nhiệm đã gây oan cho ông Chấn (Lao động, ngày 06/11). Có lẽ, chỉ những người trong ngành tư pháp, mới hiểu bản chất của vấn đề?
Có điều, khi bi kịch Nguyễn Thanh Chấn mới mở nút, thì những phát ngôn ấn tượng của hai ông Nguyễn Minh Năng (nguyên chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm năm 2004), Trần Văn Duyên (nguyên thẩm phán TAND tỉnh Bắc Giang, thẩm phán phiên xét xử sơ thẩm) những quan chức tòa án từng có quyền sinh quyền sát với số phận ông Nguyễn Thanh Chấn, cho thấy họ vô cảm, và rũ sạch trách nhiệm đến chừng nào:
Giờ bị cáo oan sai thì trách nhiệm là do QH chứ biết sao được? Và: Chúng tôi xử sơ thẩm mà cấp phúc thẩm y án thì chứng tỏ có đủ căn cứ kết tội bị cáo về tội giết người. Cấp phúc thẩm tuyên y án có nghĩa chúng tôi xử đúng rồi và chúng tôi cũng không có trách nhiệm gì. Giờ vụ án có sai thì trách nhiệm thuộc về cấp phúc thẩm của tòa tối cao.
Không hiểu QH biến thành… tòa án tự lúc nào? Không hiểu, khi “đá bóng trách nhiệm” lên cấp phúc thẩm, các vị có nhớ đến câu dân gian Con nó lú có chú nó khôn. Dường như ở đây, con lú, chú nó cũng lú theo?
Cũng hệt như các quan chức đó, những điều tra viên đã “ép cung” năm xưa, giờ không nhận, và họ cũng quên hết những gì đã làm với ông Nguyễn Thanh Chấn. Nhưng chắc chắn, vụ án đáng xấu hổ này, sẽ đi vào lịch sử tư pháp, khó quên
Chắc chắn, vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn không phải là vụ duy nhất, không phải vụ đầu tiên và cũng chưa phải vụ cuối cùng. Rồi đây, cơ quan chức năng sẽ phải có chính sách đền bồi thiệt hại cả danh dự lẫn kinh tế cho ông này.
Nhưng bi kịch của một người nông dân như ông, cho thấy “lỗi hệ thống” của ngành tư pháp, trong vai trò công cụ quản lý và xét xử tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
II-Bi kịch Thần Công lý bị “bịt mắt” trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn, trở nên chua chát hơn, nếu đặt vụ án đó trong bối cảnh công cuộc diệt trừ tham nhũng hiện nay. Ở công cuộc đó hình như Thần Công lý còn … nhắm tịt mắt?
Đó không phải là hình ảnh ví von văn chương, mà là một nghịch cảnh phũ phàng. Nếu như tham nhũng được gọi đích danh bằng những ngôn từ, mạnh mẽ bao nhiêu, búa rìu bao nhiêu- “giặc nội xâm”, “quốc nạn”, “vấn nạn”, thì kết quả phòng chống, diệt trừ tham nhũng, thương thay, lại yểu mệnh bấy nhiêu: Giặc tham nhũng chưa bị sát thương; Phòng chống tham nhũng mới bắt được sâu nhỏ; Đánh tham nhũng mới mơn man bên ngoài; Chống tham nhũng kiểu “dội nước vội vàng”.. v.v và v.v…
Trong khi phòng chống tham nhũng, về hình thức, có đầy đủ từ bộ máy từ TƯ đến địa phương, có đầy đủ các văn bản luật, các quy định, chế tài về sự công khai minh bạch tài sản, có đầy đủ cả hệ thống bảo vệ pháp luật- cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Có điều, sự “vô hiệu hóa” của chiến dịch rầm rộ này ngay từ đầu, có vẻ như đã được báo trước.
Bởi sự bất lực trước quyền lực của các “nhóm lợi ích” thâu tóm, chi phối, từ những người đứng đầu các công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước. Những vị này, khi lâm nạn, cũng vẫn chỉ là “con dê tế thần” trước thanh thiên bạch nhật. Rút cục, “dê tế thần” bị mổ xẻ, bị mất hết cả danh dự lẫn sự nghiệp, nhưng kẻ chăn dắt thì nhởn nhơ, vô can với đôi tay… sạch.
Bởi sự “nhờn” với tham nhũng, thái độ cam chịu chung sống với tham nhũng một cách vô cảm của người dân, là kết quả tất nhiên của một tâm lý yếm thế, mất niềm tin trước những giá trị đen trắng đảo lộn trắng trợn trong xã hội: Người ngay sợ kẻ gian, cái tốt sợ cái xấu, người còng làm cho thằng ngay ăn….
Bởi sự ràng buộc trách nhiệm với người đứng đầu cao nhất một đơn vị, hóa ra không kích thích được ý thức trách nhiệm cao trong quản lý của họ. Vô tình “ràng buộc” họ trở thành người sẵn sàng bao che những bất ổn về tham nhũng của đơn vị mình, che dấu tội lỗi cho kẻ tham nhũng, nhân danh “bảo đảm sự bình ổn” của tập thể. Mà cái gốc của nó là bệnh thành tích.
Đặc biệt, bởi quy định công khai, minh bạch tài sản của quan chức chỉ mang tính hình thức- nói vậy không phải vậy- đã gây hoài nghi sâu sắc trong lòng nhân dân, nhân danh mỹ từ “bảo vệ uy tín cán bộ”, hệt câu chuyện ngụ ngôn “chiếc áo của hoàng đế”, trong khi có uy tín nào thực chất hơn phẩm cách trong sạch, vì nước, vì dân?
Sự “vô hiệu hóa”, mũ ni che tai, nhắm tịt mắt trước giặc tham nhũng giờ đây quá tinh vi, lan đến cả nghị trường. Khi mà chính đại biểu QH mỗi lần ra họp QH cũng được căn dặn rất kỹ- không phát biểu về tham nhũng, bởi nếu còn cơ chế xin- cho, thì mình xin ai cho (Tuổi trẻ, ngày 07/11). Đại biểu QH đại diện cho quyền lợi của dân, mà còn đành ngoảnh mặt làm ngơ thì đủ biết, tham nhũng có gương mặt lưu manh, ma giáo thế nào?
Và điều này mới quan trọng, khi chính vị Chủ tịch QH phải đặt câu hỏi nghi vấn: Liệu có tiêu cực, bao che trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong lực lượng phòng chống tham nhũng không? (VietNamNet, ngày 07/11). Ngành tư pháp liệu có thể trả lời câu hỏi này được không?
Dư luận xã hội còn chưa quên hiện tượng UB Tư pháp của QH đi giám sát một số đia phương, có tỉnh 02 năm chỉ xử được 09 bị cáo về tội tham nhũng, thì đã có 08 bị cáo hưởng án treo?
Không ít trường hợp, vụ to làm thành nhỏ, vụ nhỏ thành “án treo. Chợt nhớ tới nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn khốn khổ, bị kết án chung thân, và phải tù tới 10 năm mới được giải oan, chỉ vì một cái tội không mắc. Vì sao, cùng kiếp người, trước Thần Công lý, lại nhất bênquan tham, bét bên dân lành, bất công như vậy?
Điều này càng cần đặt ra, nếu biết, nhiều án tham nhũng lớn bị “tắc” vì giám định tư pháp. Bởi kết luận giám định tư pháp rất quan trọng, cho việc xét xử đúng người đúng tội.
Vậy nhưng, trong một số trường hợp, kết luận giám định chưa bảo đảm, còn chung chung, mập mờ, không rõ ràng, không khẳng định rõ đúng sai và có dấu hiệu né tránh khiến cho các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng, khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án (Chính phủ.vn, ngày 07/11). Đây là yếu kém về kỹ thuật giám định, hay còn nguyên nhân nào khiến các vụ án tham nhũng như … ngậm hột thị?
Hậu quả của hiện tượng “chạy” giám định tư pháp để thoát tội, dẫn đến có trường hợp phải đình chỉ vụ án. Khi đó, sẽ có người ngoài cười nụ… , còn có ai khóc thầm không, thì chỉ có người dân đóng thuế là biết rõ.
III- Bi kịch Nguyễn Thanh Chấn, bi hài kịch chống tham nhũng luẩn quẩn loanh quanh cho thấy, muốn chống “giặc nội xâm” triệt để, muốn sửa chữa các khuyết tật của hệ thống tư pháp, mà vụ án oan sai 10 năm ngồi tù của ông này là một lỗ hổng hổ thẹn, cho thấy cải cách tư pháp phải được quyết liệt thực hiện, nếu muốn người dân lấy lại niềm tin đã mất. Nhưng cải cách tư pháp chỉ có hiệu quả, một khi gắn liền với cải cách thể chế chính trị, cải cách cơ chế quản lý kinh tế- xã hội, xây dựng một nền quản trị quốc gia văn minh, tiến bộ.
Đó là một thách thức lớn, cũng là một cơ hội lớn. Nắm bắt hay bỏ qua?
Không phải ngẫu nhiên, Ts. Nguyễn Sĩ Dũng, trong trả lời phỏng vấn của báo Tuổi trẻ, ngày 04/11 khẳng định: Đổi mới là mệnh lệnh thời đại! Để chúng ta thiết kế nền quản trị quốc gia đáp ứng yêu cầu thời đại, tạo ra xung lực mới cho sự phát triển.
…Chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Sống theo cách cũ, vì vậy sẽ không có tương lai. Điều đáng lưu ý là không chỉ thế giới đã rất khác, mà những người dân cũng đã rất khác. Bởi hàng chục triệu người dân đã hội nhập với thế giới hiện đại nhanh chóng và hiệu quả hơn so với nhiều thiết chế đang vận hành nền quản trị quốc gia của chúng ta.
Cái thế giới đã thay đổi đó, đang thách thức chính nhận thức, tư duy xã hội, thách thức trí tuệ, bản lĩnh của cả một dân tộc- cập nhật để phát triển hay chối bỏ, mặc cho dân tộc tụt hậu? Hội nhập văn minh hay mãi mãi ở “cái bẫy trung bình” không chỉ là chất lượng sống, mà cả văn minh, văn hóa nhân loại? Muốn thế, một nền tảng, một cơ chế quản lý theo kiểu pháp trị phải thực sự được thượng tôn, định hướng và điều chỉnh mọi quan hệ xã hội.
Không phải ngẫu nhiên, đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa đã phải thẳng thắn: Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa XIII làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc.
Nếu không có những giải pháp toàn diện và đột phá thì đất nước không thể chuyển biến tích cực một cách căn bản… Công cuộc đổi mới thể chế và luật pháp đã chậm bước so với nhu cầu của đất nước.
Khi đọc bài báo đầu tiên về vụ án Nguyễn Thanh Chấn, nhìn vòng vây yêu thương, tràn đầy nước mắt của người dân vô tội đón người thân tù tội trở về, nhiều người đã cay mắt. Nước mắt khóc cho bi kịch một cá nhân.
Nhưng nếu quốc nạn tham nhũng cứ mãi ngang nhiên thách thức, trước nền tư pháp lạc hậu, yếu kém đầy khuyết tật, trước một thể chế, cơ chế quản lý già nua tư duy, xơ cứng nhận thức, thì nước mắt của nhân dân, là khóc cho bi kịch một quốc gia- khó phát triển.
Vâng, hậu thế sẽ đánh giá cha ông họ- hôm nay.
Kỳ Duyên
(VNN)

Cùng một thời điểm, Bắc Giang xảy ra hai vụ án oan chấn động dư luận?

(GDVN) - Cùng thời gian truy tố, tuyên án ông Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang còn “dính” tới vụ bê bối khác khi truy tố oan cho 8 công dân mà những người này sau đó đã tố cáo họ đã bị tra tấn, nhục hình, ép cung trong thời gian bị giam giữ.
Chiều ngày 6/11/2013, Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra xét xử theo trình tự tái thẩm vụ án giết người xảy ra hơn 10 năm trước tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Theo đó, Hội đồng tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm về tội giết người của ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ngày về đẫm nước mắt của ông Nguyễn Thanh Chấn
Như vậy, sau hơn 10 năm ở tù ông Chấn đã chính thức được các cơ quan chức năng tiến hành các công việc giải oan... 

Ép người vô tội phải nhận tội?

Trước đó, trả lời câu hỏi của luật sư Biền (người đã bào chữa cho ông Chấn tại những phiên xét xử cách đây 10 năm) cũng như nhiều người khác, ông Chấn cho biết ông đã bị các điều tra viên dọa dẫm, đánh đập, mớm và ép cung khiến ông quá sợ hãi nên buộc phải nhận đã giết người.
Ngoài ra, ông Chấn còn cáo buộc những điều tra viên này đã ép ông…làm "diễn viên", bắt ông phải miêu tả lại quá trình gây án mà kịch bản và đạo diễn do chính các điều tra viên viết và chỉ đạo.
“Họ bắt tôi tập cái nọ cái kia, lấy một cái giả làm cái dao để học đâm, đâm bên phải, bên trái… rồi họ cho thằng Quang giả làm cô Hoan (nạn nhân) để tôi tập bế lên đặt xuống, họ cũng bắt tôi học thuộc cách thức gây án do họ nói cho, tôi cứ răm rắp làm theo. Vì tôi sợ!” - ông Chấn cho biết.
Ông Chấn kể, sau khi ông đã khá thuộc bài và thành thạo các động tác, ông được yêu cầu thực nghiệm điều tra trong một căn nhà mượn tạm, diễn lại những cảnh đã tập để camera quay lại. “Tôi vốn chậm chạp nên cứ bị quên, phải diễn đi diễn lại nhiều lần để họ quay” - ông Chấn nói.
Vụ việc của ông Chấn đang gây phẫn nộ trong dư luận. Nhiều người cảm thấy vô cùng khó hiểu khi mà một vụ án có sự tham gia của nhiều cơ quan tố tụng như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án mà lại để xảy ra việc động trời, ngang trái đến như vậy. Tuy nhiên ở Bắc Giang, còn có một vụ án oan khác mà ít người biết đến cũng “kinh hoàng” không kém vụ của ông Chấn.

Truy tố oan 8 người, một người chết
Nguồn tin trên tờ báo Người Lao Động, cùng thời gian truy tố, tuyên án ông Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang còn “dính” tới vụ bê bối khác khi truy tố oan cho 8 công dân mà những người này sau đó đã tố cáo họ đã bị tra tấn, nhục hình, ép cung trong thời gian bị giam giữ.
Ông Dương Phúc Thịnh (trái), 1 trong các bị cáo của vụ trộm cổ vật, tại buổi xin lỗi của VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 23-7-2008.

8 công dân ấy bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tượng, cổ vật trong nhiều đình, chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong khoảng thời gian từ tháng 6-2001 đến tháng 7-2003.
Trong đó, ông Nguyễn Quý Đoan (tức tiểu Thích Đạo Sơn) là người bị khởi tố, bắt tạm giam đầu tiên. Sau đó, Đoan đã khai nhận tham gia 7 vụ trộm cắp và “xì” ra “đồng bọn”.
Trong suốt thời gian bị tạm giam hơn 2 năm trời và trải qua 4 phiên tòa, không đủ chứng cứ để buộc tội những người bị truy tố, 8 bị can đã được đình chỉ điều tra, xác định bị làm oan.
Đặc biệt, trước khi được giải oan, bị can Phan Hữu Hường - một nhà sư - đã chết trong trại tạm giam Kế (tỉnh Bắc Giang) và sau đó được kết luận là do bị bệnh. Trong các phiên xét xử công khai, 7 bị can còn lại đều nhất loạt tố cáo rằng họ bị tra tấn, nhục hình, ép cung trong thời gian bị giam giữ.
Tới phiên tòa lần thứ 4 diễn ra vào tháng 6-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phải tuyên cả 8 bị cáo trong vụ việc này đều vô tội và trả tự do ngay tại tòa.
Vậy nhưng phải tới tháng tháng 7-2008, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bắc Giang mới bắt đầu tổ chức “xóa án tích” cho ông Dương Phúc Thịnh, 1 trong các bị cáo của vụ trộm cổ vật, tại nơi cư trú (quận Ba Đình, Hà Nội) và sau đó lần lượt với những công dân khác.
Tại buổi công khai xin lỗi ông Thịnh ngày 23-7-2008, Phó viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang -Vũ Mạnh Thắng khẳng định, việc khởi tố oan sai là do sơ suất của cơ quan thực thi pháp luật của cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang nói chung và VKSND tỉnh Bắc Giang nói riêng. Thiếu sót này đã gây ra tổn thất về tinh thần và vật chất với ông Thịnh.
Trước khi xảy ra vụ việc, ông Dương Phúc Thịnh đang là một nghệ nhân làm cây cảnh, cuộc sống gia đình sung túc. Sau hơn 1.000 ngày bị khởi tố oan, ông trở về gia đình với hai bàn tay trắng và nỗi ám ảnh trong những ngày bị giam giữ. Tuy vậy, suốt một thời gian dài VKSND tỉnh Bắc Giang “cò kè bớt một thêm hai” khi tính toán các khoản bồi thường cho ông Thịnh và các công dân khác.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, sáng 5-11, một chuyên gia tư pháp nhận định việc điều tra, truy tố, xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) với tội danh “Giết người” và truy tố oan cho 8 công dân trong vụ “trộm cắp cổ vật” diễn ra trong cùng khoảng thời gian từ 2001-2003.
Vị chuyên gia tư pháp này cũng nhận định, để xảy ra nhiều vụ án oán đã cho thấy năng lực của các cơ quan tố tụng, xét xử tỉnh Bắc Giang thời gian này có vấn đề và cần thiết phải xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân cụ thể.(GDVN)

Thanh Hóa: Biểu tình vì công an "bảo kê"

Người dân biểu tình ở trụ sở Công an tỉnh Thanh Hóa
Người dân bức xúc vì công an bắt xe hải sản của dân vô cớ, theo báo trong nước.

Nhiều người dân kéo tới trụ sở Công an Tỉnh Thanh Hóa hôm thứ Năm phản đối và khiếu nại việc cảnh sát tỉnh này bắt giữ xe vận chuyển thủy sản của người dân một cách vô cớ, theo báo Việt Nam.

Hôm 07/11, hàng chục người dân từ xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa trong tình trạng được mô tả là bức xúc đã kéo tới trụ ở của công an tỉnh phản ứng và yêu cầu lãnh đạo công an tỉnh giải thích việc hai xe container chở cá khô bị bắt giữ với nghi vấn do công an, móc ngoặc bảo kê xã hội đen gây ra.
Những người phản đối nói một nhóm công an thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế thuộc Sở Công an tỉnh Thanh Hóa đã chặn hai xe hàng containter có máy làm lạnh vận chuyển hàng của dân mà không có lý do và không lập biên bản.

"Điều khiến họ bức xúc nhất là khi chặn bắt xe, những cảnh sát trên đã không nêu lý do cụ thể, không lập biên bản.

"Đồng thời thu giữ toàn bộ giấy tờ, chìa khóa, điện thoại của tài xế, đặc biệt đã tắt máy, không cho dàn lạnh trên xe hoạt động khiến hàng hóa trên xe có nguy cơ hư hỏng," tờ Thanh Niên hôm thứ Năm phản ánh lý do người dân bức xúc.
"Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Phòng Cảnh sát kinh tế phải giao trả ngay hai chiếc container chở hàng của người dân... cho biết sẽ tiến hành điều tra, xử lý những vi phạm của cấp dưới trong việc vô cớ chặn bắt xe hàng"
VnExpress.net
Tờ này dẫn lời nhân chứng cho biết khi chặn bắt xe, các cảnh sát đã không cho biết lý do, không lập biên bản và không đưa ra lệnh khám mà chỉ giữ xe lại để chờ chủ hàng ra làm việc "giống như hành vi trấn lột" chứ không phải là cách xử lý vi phạm và đặt vấn câu hỏi "rõ ràng có sự khuất tất trong việc này.”

Vẫn theo phản ánh của báo trong nước, người dân xã Hải Thanh sản xuất và chế biến thủy sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, với khoảng 30 lò chế biến, hấp sấy cá khô cùng sản lượng hàng tháng từ 50 - 200 tấn cá cơm khô mỗi lò.

Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, người dân bị một đối tượng xã hội đen nghi ngờ có liên hệ với công an o ép, khống chế, bắt buộc họ phải thuê xe, bãi đóng hàng và nộp tiền mãi lộ lên tới hàng triệu đồng mỗi chuyến vận chuyển.

'Xử lý cấp dưới'

Khi người dân tìm cách thuê dịch vụ ở chỗ khác đã thường xuyên gặp phải các vụ 'cảnh sát giao thông', 'cảnh sát kinh tế' chặn kiểm soát, gây khó dễ với mật độ 'bất thường,' vẫn theo phản ánh của truyền thông trong nước.

Hôm thứ Năm, tờ Vnexpress.net phản ánh: "Song cũng từ đó, việc vận chuyển hàng hóa của bà con gặp không ít khó khăn khi liên tục bị một số cảnh sát địa phương chặn bắt dọc đường mà không nêu rõ lý do.

Biểu tình ở Thanh Hóa
Người dân trèo cả lên tường cổng trụ sở Công an Tỉnh trong vụ phản đối
“Chúng tôi nghi ngờ, chính Dũng “mò” (đối tượng xã hội đen) đã ngầm báo cho cảnh sát để chặn bắt các xe chở hàng nhằm ép ngư dân phải cho Dũng tiếp tục bảo kê”, một ngư dân nói với tờ báo điện tử."

Người dân đã tụ tập trước cổng của Công an Tỉnh trong nhiều tiếng đồng hồ, nhiều người khác còn trèo lên cổng của trụ sở cảnh sát để theo dõi việc xử lý.
Sau nhiều tiếng đồng hồ bị khiếu nại, lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa đã buộc phải thả hai xe vận tải máy lạnh bị bắt giữ, hứa xử lý vi phạm của cấp dưới để giải tỏa người dân.

"Đại tá Nguyễn Văn Bính, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Phòng Cảnh sát kinh tế phải giao trả ngay hai chiếc container chở hàng của người dân, đồng thời động viên bà con về nhà yên tâm làm ăn,

"Đại tá Bính cho biết sẽ tiến hành điều tra, xử lý những vi phạm của cấp dưới trong việc vô cớ chặn bắt xe hàng của người dân," tờ VnExpress phản ảnh.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân Việt Nam phản ứng về nạn xã hội đen bị nghi là có câu kết với cảnh sát và chính quyền địa phương gây ảnh hưởng tới đời sống và làm ăn của người dân.

Nhiều vụ bảo kê được cho là có bàn tay bao che của cảnh sát như nạn 'cơm tù' ở các bến xe cho tới nạn 'chặt chém' khách du lịch, hoặc 'xin đểu' nằm trong số nhiều vụ được truyền thông lên tiếng gần đây.
(BBC)

Cần xét xử những “đại án tham nhũng” trước công chúng

5738318-305.jpg
Một phiên tòa xét xử lưu động tại tỉnh Đắk Lắk sáng ngày 17/9/2013, ảnh minh họa.
Courtesy toaan.gov.vn
Nhiều vụ án tham nhũng được cho có ‘tầm cỡ’ sẽ được đưa ra xét xử. Tuy nhiên để được hiệu quả theo như mong đợi, một luật sư tại Nam Định là luật sư Ngô Ngọc Trai hồi đầu tháng 11 này có đơn kiến nghị phải đưa những vụ án mà ông này gọi là ‘đại án tham nhũng’, mà trước mắt là hai vụ án Dương Chí Dũng và Nguyễn Đức Kiên, ra xét xử lưu động trong hai tháng cuối năm này.
Có quyết tâm chống tham nhũng?

Gia Minh hỏi chuyện luật sư Ngô Ngọc Trai về kiến nghị đó cũng như một số thông tin liên quan. Trước hết ông giải thích:

LS Ngô Ngọc Trai: Bình thường người dân Việt Nam rất ít khi đến tòa án để xem xét xử do ở Việt Nam có câu ‘vô phúc đáo tụng đình’, người ta không muốn đế nơi xử án đâu. Đó là tâm lý chung. Nhưng có một số tội phạm mà các cơ quan chính quyền muốn xét xử, thu hút sự chú ý của dân chúng để tạo ra một dư luận xã hội rộng rãi để đấu tranh với loại hình tội phạm gây bức xúc, người ta muốn xét xử lưu động.
Việc đề xuất xử án lưu động cũng có thể xem như một biện pháp đánh giá về mức độ quyết tâm chống tham nhũng của các cơ quan. Và tôi tin là ý kiến được chấp nhận.
-LS Ngô Ngọc Trai
Người dân Việt Nam lại có một tâm lý nữa là hiếu kỳ, hiếu sự , khi có những sự việc thuận tiện cho tham gia, người ta cũng ghé qua xem. Việc xét xử lưu động chẳng qua để thu hút sự tham gia, chú ý của các tầng lớp nhân dân.

Gia Minh: Qua những diễn biến lâu nay về công tác chống tham nhũng, luật sư có tin rằng kiến nghị của luật sư được chấp nhận hay không?

Ls Ngô Ngọc Trai: Về đề xuất của tôi, tôi thấy thế này. Mới vào  tháng 5 năm 2013 vừa rồi tôi có tham gia bào chữa trực tiếp trong một vụ án tổ chức xét xử lưu động tại tỉnh Nam Định, địa điểm xử án là hội trường của ủy ban nhân dân xã, nơi bị cáo cư trú. Tôi thấy mọi quy trình thủ tục xét xử bình thường như trong phòng xử án của tòa án, có điểm khác hơn là nhân dân đi tham dự rất đông.

Liên quan đến kiến nghị này, tôi thấy lâu nay về công tác chống tham nhũng thì tôi thấy là hiện tại các cấp lãnh đạo đảng và chính quyền Việt Nam cũng đang hô hào rất quyết tâm, nhưng quan trọng là xem việc làm thực tế của họ thế nào. Việc đề xuất xử án lưu động cũng có thể xem như một biện pháp đánh giá về mức độ quyết tâm chống tham nhũng của các cơ quan. Và tôi tin là ý kiến được chấp nhận.

ngo_ngoc_trai-250.jpg
Luật sư Ngô Ngọc Trai. Photo courtesy of giaoduc.net.vn
Gia Minh: Vừa rồi có một số vụ án hình sự, đặc biệt là những vụ án chính trị, mặc dù có luật sư nhưng những người trong cuộc cho biết ý kiến của luật sư không được phía Hội đồng xử án và phía công tố xem xét gì?

LS Ngô Ngọc Trai: Về vấn đề đó dọ họ không hiểu rõ về luật sư. Thực ra khi tham gia vào một vụ án hình sự, luật sư đâu phải chỉ tham gia mỗi phiên tòa đâu, mà trong cả quá trình điều tra - xét xử, luật sư đều có tham gia và có những hoạt động. Nếu luật sư năng nổ, nhiệt tình họ có thể làm được rất nhiều việc để giúp đỡ cho bị cáo cũng như gia đình của họ. Ví dụ việc họ vào trại để thăm gặp bị can, bị cáo nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe… của bị can, bị cáo thế nào; sau đó truyền đạt cho gia đình. Tức luật sư là cầu nối giữa người bị giam và người bên ngoài. Ngoài ra liên quan đến hành vi phạm tội thì luật sư có quyền chứng minh với các cơ quan xem xét về việc có dấu hiệu oan sai hay không, hay tội danh khác, hay tội danh nhẹ hơn đều kiến nghị được. Mọi người nên hiểu vai trò luật sư không chỉ ở phiên tòa mà trong cả giai đoạn họ đều có vai trò.
Cần sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự

Gia Minh: Trong những ngày này dư luận nói nhiều về vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, theo luật sư để tránh tình trạng oan sai như thế, ngành tư pháp cần có những cải tổ căn bản nào cho ngành tư pháp, dù rằng vấn đề cải cách ngành này cũng được nói đến gần đây?
Ở đây có mâu thuẫn giữa yêu cầu suy đoán vô tội và trách nhiệm chứng minh tội phạm của Hội đồng Xét xử; đó là điểm cần phải sửa đổi trong Bộ luật Tố tụng Hình sự của nước ta.
-LS Ngô Ngọc Trai
LS Ngô Ngọc Trai: Về vụ án ông Chấn, tôi rất quan tâm theo dõi vì rất giống với vụ án oan mà tôi cũng theo đuổi để kêu oan cho bị cáo đó là vụ án Hàn Đức Long ở Bắc Giang. Mọi tình tiết của vụ án tương tự như nhau và hiện nay bị cáo mà tôi kêu oan cho họ lại đang trong tình trạng đặc biệt, vì bị cáo chịu án tử hình. Liên quan đến việc oan sai, tôi có mấy ý kiến để tránh tình trạng oan sai. Thực ra người ta cũng đã bàn luận nhiều trong những hội thảo rồi. Đúc kết lại như thế này: Đầu tiên sửa Bộ Luật Hình sự để quy định cho phép bị can, bị cáo được quyền im lặng. (Thay vì quy định Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình, hãy quy định Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được quyền giữ im lặng.)

Thứ hai, sửa đổi bỏ quy định lời khai của bị can bị cáo cũng là chứng cứ kết tội. Thứ ba, buộc người điều tra viên phải có trách nhiệm tham gia tố tụng tại phiên tòa. Thứ tư: Đầu tư mua sắm các trang thiết bị máy móc hiện đại cho cơ quan điều tra, phục vụ việc giám định tư pháp, hay xac minh tội phạm…

Gia Minh: Nhân vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn, người ta nói nguyên tắc suy đoán vô tội vẫn chưa được áp dụng, luật sư nghĩ gì về điều đó?

LS Ngô Ngọc Trai: Nguyên tắc suy đoán vô tội là một tinh thần trong tố tụng hình sự. Hiện nay nội dung đó cũng được ẩn dấu hoặc hay được quy định ở một số điều khoản của Bộ Luật Hình sự, nhưng không được thực sự rõ ràng. Vấn đề là suy đoán vô tội, nhưng các cơ quan như cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, tòa án là những cơ quan tiến hành tố tụng. Cũng giống như một số quốc gia mà theo tôi biết cơ quan xét xử không có trách nhiệm chứng minh tội phạm mà họ là cơ quan cần được thuyết phục về hành vi phạm tội. Ở đây có mâu thuẫn giữa yêu cầu suy đoán vô tội và trách nhiệm chứng minh tội phạm của Hội đồng Xét xử; đó là điểm cần phải sửa đổi trong Bộ luật Tố tụng Hình sự của nước ta.

Gia Minh: Chân thành cám ơn Luật sư.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2013-11-08

VN muốn Mỹ, Úc giải thích việc 'nghe lén'


Edward Snowden đã tung ra nhiều tài liệu cáo buộc NSA nghe lén các nước

Việt Nam đã yêu cầu Úc và Mỹ “xác minh” cáo buộc nghe lén ở Việt Nam để duy trì quan hệ, theo lời Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Người phát ngôn ngoại giao Lương Thanh Nghị, trong buổi họp báo hôm 7/11, trả lời câu hỏi “về thông tin cơ quan tình báo Mỹ và đại sứ quán Úc tại các nước nghe lén điện thoại ở một số nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Một tài liệu của cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), Edward Snowden, cáo buộc NSA thực hiện chương trình nghe lén tại sứ quán Úc ở Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Đông Timor và Việt Nam.

Ông Nghị nói: “Việt Nam rất quan ngại về những thông tin trên và đã đề nghị các bên liên quan xác minh, xử lý vấn đề, bảo đảm quan hệ giữa Việt Nam với các nước tiếp tục phát triển tốt đẹp.”

Theo truyền thông ở Úc, Mỹ thực hiện hoạt động nghe lén tại các sứ quán Úc trong khi đa số các nhà ngoại giao Úc đều không hay biết.

Tờ Sydney Morning Herald đã loan tin rằng các cơ sở ngoại giao của Úc ở châu Á được sử dụng để nghe lén các cuộc gọi điện thoại và thu thập dữ liệu.

Tin này được dựa trên một tài liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ bị người 'tố giác' là ông Edward Snowden làm rò rỉ ra.

Tờ báo Úc cũng dẫn nguồn từ một viên chức ngoại giao Úc và ông Snowden nói cơ quan Tình báo Chính phủ Úc (Defence Signals Directorate) thực hiện việc do thám tại các đại sứ mà hầu hết giới ngoại giao Úc không hề biết.

Trong khi đó, Fairfax Media, công ty truyền thông lớn tại Úc, nói rằng việc thu thập thông tin tình báo diễn ra tại các đại sứ quán Úc ở Jakarta, Bangkok, Hà Nội, Bắc Kinh, Dili (Đông Timor), và Cao ủy của Úc tại Kuala Lumpur và Port Moresby...

Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho tới nay đã từ chối bình luận về các tin tức cáo buộc.

Hồi đầu tháng 11, Malaysia đã triệu lãnh đạo các cơ quan ngoại giao của Mỹ và Úc tại thủ đô Kuala Lumpur để phản đối, trong một cuộc tranh cãi về một mạng lưới do thám gián điệp do Mỹ cầm đầu ở châu Á.

Bộ Ngoại giao Malaysia nói các tin tức về hoạt động gián điệp có thể gây "tổn hại nghiêm trọng" các mối quan hệ.

Trung Quốc và Indonesia cũng đã phản đối trước các cáo buộc nói các tòa đại sứ Úc được sử dụng để theo dõi điện thoại và thu thập dữ liệu cho Mỹ.
(BBC)

Tầm quan trọng của Hội nghị TƯ 3

Celia Hatton
BBC News, Bắc Kinh

Các quyết nghị do Hội nghị Trung ương 3 Trung Quốc đưa ra sẽ có tác động to lớn tới toàn cầu

Hội nghị Trung ương 3 là lần thứ ba ông Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ với những người cộng sự cao cấp nhất của mình trong cương vị Chủ tịch Đảng Trung Quốc.

Đây là kỳ họp diễn ra sau cánh cửa đóng kín, với sự tham dự của các gương mặt cao cấp của đảng cầm quyền.

Chủ tịch Tập Cận Bình được trông đợi sẽ tiết lộ một khung hoạt động kinh tế mới cho đất nước sau kỳ họp thượng đỉnh.

Tại các khu chợ, những người được hỏi về kỳ họp quan trọng này đều gật đầu thừa nhận là họ đã có nghe nói về nó, thế nhưng họ hướng hy vọng của mình trong việc cải tổ vào những gì thiết thực, liên quan tới đời sống thường nhật.

"Tôi muốn các vấn đề như giá nhà đất phải được thảo luận," một bà hưu trí vừa mặc cả cân dưa chuột, vừa nói. "Tôi hy vọng là vấn đề sẽ được giải quyết cho các gia đình có nhu cầu."

'Kém hiệu quả'

Trước đây, các Hội nghị Trung ương 3 đã làm được nhiều hơn thế; các nhà lãnh đạo trước đây đã lấy kỳ họp thứ ba này làm cơ hội thông báo những thay đổi kịch tính cho nền kinh tế Trung Quốc.

Cựu lãnh đạo cộng sản Đặng Tiểu Bình là người đầu tiên dùng một kỳ họp đảng quan trọng hồi năm 1978 làm thời điểm công bố Trung Quốc sẽ mở cửa giao thương với thế giới.

Mười lăm năm sau, Chu Dung Cơ, phó thủ tướng, sau trở thành thủ tướng, đã hậu thuẫn cho một vòng tái cơ cấu nữa, với việc kết hợp doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp nhà nước vốn nhận được nhiều trợ giúp. Sự hòa trộn này đã khiến Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
"Giới lãnh đạo các ngân hàng quốc doanh quan tâm tới việc thăng tiến chính trị hơn là lợi nhuận của ngân hàng."
Giáo sư Chu Quốc Trung, Học viện Quản trị Quang Hoa, Đại học Bắc Kinh
Với một số người, những vấn đề đang tồn tại trong các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đang gây tắc nghẽn nghiêm trọng cho sự tăng trưởng kinh tế.

"Các ngân hàng quốc doanh quan tâm nhiều hơn tới việc cho các doanh nghiệp quốc doanh vay, bởi về mặt chính trị thì làm vậy an toàn hơn. Giới lãnh đạo các ngân hàng nhà nước thì quan tâm tới việc thăng tiến chính trị hơn là lợi nhuận của ngân hàng," giáo sư Chu Quốc Trung từ Học viện Quản trị Quang Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh giải thích.

"Cho nên nó dẫn tới tình trạng rất kém hiệu quả trong việc phân bổ các nguồn vốn. Các doanh nghiệp quốc doanh yếu kém thì lại được nhận nhiều vốn hơn, trong lúc chúng ta có những công ty tư nhân hoạt động rất sáng tạo. Họ cần tiền, nhưng lại không được tài trợ. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề rất cấp bách tại Trung Quốc."

Những người khác tin rằng sự độc quyền của chính phủ trong các lĩnh vực như dầu khí hay truyền thông mới là những vấn đề thực sự.

"Các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các công ty trong các ngành công nghiệp, nhìn chung đều đang nợ nần. Đây là điều không thỏa đáng, bởi các công ty đó chiếm dụng rất nhiều tài nguyên quốc gia, như đât đai, hay các khoản vay," Sinh Hương, Giám đốc Viện kinh tế Unirule, một tổ chức nghiên cứu tư nhân tại Bắc Kinh, nói.

"Họ chẳng làm ra lợi nhuận gì trong chừng hai thập niên qua, nhưng các quan chức thì lại nhận được những khoản lương bổng vô tận. Nhân dân Trung Quốc trao các nguồn lực cho nhóm người này, thế nhưng họ chẳng hề báo đáp nhân dân chút nào."

'Không có đạn bạc'

Ông Tập Cận Bình sẽ phải cân bằng giữa các loại lợi ích khác nhau nếu muốn hướng tham vọng cải cách vào các tài sản thuộc sở hữu nhà nước.

Bất kỳ kế hoạch mới nào cũng sẽ đều là sản phẩm của hàng tháng họp kín giữa các quan chức đại diện cho các nhóm lợi ích khác nhau.

Tại Trung Quốc, cũng không có gì là bí mật quanh chuyện tuyên bố cải tổ thì dễ, nhưng đó chỉ là khởi đầu cho một tiến trình dài hạn.

Vấn đề là việc cải tổ sẽ rất khó thực hiện, nhất là nếu việc đó đe dọa tới những lợi ích địa phương.

Ông Tập Cận Bình vẫn đang bị áp lực từ nhiều bộ phận khác nhau trong xã hội Trung Quốc trong việc công bố những thay đổi có tính quyết liệt.

Nhưng nếu không làm vậy, thì kỳ họp quan trọng này cũng đáng thất vọng không kém.

Kinh tế Mỹ trong quý 3 tăng vượt dự báo


Tăng trưởng trong quý ba của kinh tế Hoa Kỳ được thúc đẩy nhờ xuất khẩu

Kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng 2,8% trong quý ba so với cùng kỳ năm ngoái, theo thống kê mới được công bố.

Đây là mức tăng trưởng cao hơn dự đoán và cao hơn mức 2,5% trong quý trước đó.

Tăng trưởng được đẩy mạnh nhờ tổng sản lượng xuất khẩu gia tăng, các doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào, và diễn biến khả quan đối với dịch vụ xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng tiêu dùng, vốn chiếm hai phần ba hoạt động kinh tế của Mỹ, đã giảm tốc xuống 1,5%, thấp hơn mức 1,7% trong quý hai.

Đây cũng là mức tăng trưởng tiêu dùng chậm nhất kể từ năm 2011.

Việc công bố thống kê tăng trưởng Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của quý ba bị đình trệ vì chính phủ Hoa kỳ bị đóng cửa một phần hồi tháng trước.

Ông Chris Thomberg, cộng tác viên của hãng tư vấn Beacon Economics, nhận định 2,8% là một "tỷ lệ khả quan".

"Cần phải nhớ rằng hồi đầu năm nay, sự kiện vách đá tài khóa đã dẫn đến việc tăng mức thuế lên thêm 2,8 tỷ đôla," ông nói, đồng thời cho rằng điều này đã làm giảm đi 1,8% thu nhập của người tiêu dùng.

"Điều mà tôi lo lắng, đó là một phần của tăng trưởng, khoảng 0,8%, đến từ hàng tồn kho."

Đây là số hàng đã được sản xuất, nhưng chưa bán được, ví dụ như xe hơi, ông nói thêm.
(BBC)
 

Tội ác của mật vụ Tiệp khắc

Một nhân viên của mật vụ StB, giả trang là một người Mỹ đang phỏng vấn công dân Tiệp Khắc Jaroslav Hakr. Theo một ghi chú ở mặt sau, hình này được dùng làm bằng chứng trước tòa. Hình: abscr.cz
Người được cho là điệp viên của Hoa Kỳ với bí danh “Johnny” nhất định không chịu thua. Ông cố thuyết phục Jan và Jirina Prosvic. Ông có thể bí mật đưa đôi vợ chồng người Tiệp qua biên giới sang Tây Đức an toàn, bảo đảm. Nhưng đó là một lời nói dối: “Johnny” không phải là điệp viên Mỹ. Ông ta tên thật là Josef Janousek. Và nhiệm vụ của ông không phải là mang vợ chồng Prosvic qua biên giới, mà là vào tù.
Xuân 1948: Đảng Cộng sản Tiệp Khắc (KPT) đã nắm lấy quyền kiểm soát chính trị qua lần lật đổ vào tháng Hai và đang thanh toán các đối thủ chính trị. Để làm việc đó thì với họ bất kể phương kế nào đều tốt. Lấy ý tưởng từ những biện pháp của Xô viết và Quốc Xã, cơ quan mật vụ Statni Bezpecnost (StB – An ninh Quốc gia) đã tiến hành một mưu kế: Chiến dịch “Cột mốc biên giới”.
Người của mật vụ StB cố tình gọi điện thoại tới những người bị tình nghi là đối lập. Lấy cớ  là được Counter Intelligence Corps (CIC), một cơ quan tình báo của Lục quân Mỹ gởi tới, họ hứa sẽ giúp những người kia vượt biên bỏ trốn. Điều phi lý ở đây: nhiều người bị tình nghi hoàn toàn không thuộc giới đối lập và họ vẫn được thuyết phục bỏ trốn. Hàng trăm người đã rơi vào cái bẫy xảo trá này từ 1948 cho tới 1951.
Thuyết phục bỏ trốn – vào trong cạm bẫy
Doanh nhân Jan Proscvic và vợ Jirina là các nạn nhân được ghi nhận đầu tiên của chiến dịch “Cột mốc biên giới”. Hình: abscr.cz
Pavel Bret gọi vụ việc này là “đốm trắng” trong lịch sử của Tiệp Khắc. Bret là người lãnh đạo Phòng Điều tra Tội phạm Cộng sản trong Bộ Nội vụ của Praha. Hơn một năm nay, phòng này hoạt động để xem xét lại các tội ác của cơ quan mật vụ thuộc Đảng Cộng sản, những cái đã được ghi nhận rất chi tiết trên 10.000 trang hồ sơ. Mới đây, những cuộc điều tra hình sự về các nghi phạm lần đầu tiên đã được tiến hành. Qua đó, lần đầu tiên ánh sáng đã soi rọi tới những cạm bẫy xảo trá này của StB.
Theo hồ sơ, gia đình Prosvic nằm trong số những nạn nhân đầu tiên của An ninh Quốc gia Tiệp. Vợ chồng này không hoạt động chống lại sự thống trị của Cộng sản, cũng không muốn rời bỏ đất nước ra đi. Jan và Jirina Prosvic đã có hai con gái nên việc sống tạm bợ trong trại tỵ nạn và phải bắt đầu cuộc sống ở nơi lưu vong là một việc không thể được. Thế nhưng Janousek không bỏ cuộc: “Vì tôi biết là sẽ nhận được nhiều tiền nên tôi đã cố thuyết phục họ”, ông ta khai báo sau này.
Ông cũng không dừng lại ở những cố gắng thuyết phục vợ chồng Prosvic nhận những cú điện thoại nặc danh, cảnh báo họ trước là họ có thể bị bắt giam. Do áp lực này, Jan Prosvic cuối cùng đã nhượng bộ. Cùng với vợ con, ông để cho Janousek chở tới Kdyne, một thành phố nhỏ gần biên giới. Từ đó, một người trung gian tháp tùng họ tới biên giới, sau khi Prosvic trả một khoản tiền.
Một trạm biên giới giả được ngụy trang toàn hảo
Họ phải dừng lại ở nhiều chốt chặn, những nơi họ đi qua mà không gặp vấn đề gì. Vợ chồng Prosvic có ấn tượng mạnh tính cách chủ động của người dẫn đường: “Ông ấy lúc nào cũng biết rõ là phải nói những gì”, Prosvic khai báo sau này. Lúc đó đêm đã khuya và người của StB dẫn họ đi xuyên qua rừng tới nơi được cho là biên giới. Biên giới thật cách đó 50 kilômét nữa về phía Tây.
Trong ngôi nhà nhỏ được cho là trạm biên giới, “người Mỹ” Tony lộ rõ vẻ hồi hộp, tên thật của anh ta là Amon Tomasoff, đón họ với thuốc lá phương Tây, Lucky Strike. Cũng có cả sôcôla Thụy Sĩ. Căn phòng được trang bị một lá cờ Mỹ và chân dung tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt và Truman, tạo một phông cảnh giống như thật. Cơ quan mật vụ còn đưa ra một chai Whiskey nữa.
Mặc dù vậy, Proscvic vẫn nghi ngờ, khi Tomasoff hỏi quan điểm của ông về chủ nghĩa cộng sản và mối liên hệ với những người hoạt động bí mật, và cuối cùng ông phải ký tên vào một biên bản – “Guestionaire”. Và Prosvic đã kí tên mình trên tờ giấy đó. Khi ông ngửng lên, Tomasoff rút khẩu súng ngắn của hắn ra và nói: “Chúng tôi không quan tâm tới người Tiệp cộng sản”. Trạm biên giới, “Johnny” hảo tâm giúp đỡ, các cuộc gọi nặc danh – tất cả đều là lừa dối. Với chữ ký của mình, Prosvic đã tự định đoạt số phận của ông: với biên bản có chữ ký đó, sau này quan tòa đã có cơ sở kết tội về một lần bỏ trốn.
Vô tình phản bội bạn bè và gia đình
Oldrich Malac bị tuyên án 15 năm lao động cưỡng bức sau lần bị dụ dỗ bỏ trốn. Hình: abscr.cz
Ân mưu lập ra biên giới giả tạo là việc gian dối hiểm độc nhất mà ông đã từng gặp trong công việc xét định các tội phạm cộng sản, trưởng phòng Bret nói. Công cuộc điều tra được sử gia người Séc Igor Lukas khởi xướng, sau khi ông tình cờ quen biết với một trong những nạn nhân thời đó. Ông bắt đầu điều tra và phát hiện ra rằng hai nghi phạm vẫn còn sống, “Đó là một tương phản lớn với sự khốn cùng của những nạn nhân trước đây của họ – vì vậy mà tôi đã nộp đơn tố cáo”.
Thế nhưng nhiều nạn nhân cho tới nay vẫn không dám nói về các tội phạm này. Thời đó, nhiều người chạy trốn đã trả lời tỉ mỉ tất cả các câu hỏi của nhân viên biên phòng và qua đó đã vô tình phản bội bạn bè, gia đình. Ví dụ như họ được hỏi rằng, trong trường hợp xấu nhất thì ai trong số những người họ quen biết sẽ giúp người Mỹ lật đổ chế độ cộng sản. Những người chạy trốn tưởng rằng với thông tin của họ, họ đã giúp cho những người được nêu danh. Thế nhưng tất cả những người được nêu tên sau đó đều đã bị theo dõi, bị bắt và bị kết án, Bret xác nhận.
Những nạn nhân khác không bao giờ biết được sự thật về những gì đã xảy ra với họ. Sau khi ký tên vào bản câu hỏi, nhân viên StB ngụy trang yêu cầu những người chạy trốn tiếp tục đi về hướng Tây: “Anh bây giờ đang ở trong một đất nước tự do, chúng tôi không tháp tùng theo anh nữa. Anh hãy đi 200 mét về hướng này, ở đó anh sẽ thấy một ngôi nhà và cảnh sát Đức, họ sẽ tiếp tục giúp đỡ anh.” Họ đi được một vài mét thì bị cảnh sát Tiệp bắt giữ lại. Phần lớn đều tin rằng họ bị bắt cóc từ đất Đức.
Phản đối yếu ớt từ nước ngoài
Việc các nạn nhân hoàn toàn không hề hay biết còn bị lạm dụng ở một hình thức khác. Những người được cho là nhân viên biên phòng Mỹ từ chối đơn xin tỵ nạn của những người chạy trốn và trực tiếp bàn giao họ cho cảnh sát Tiệp Khắc. Tin tức này từ nhà tù lọt ra ngoài, và tạo nên hiệu ứng như chính quyền mong muốn: cam chịu. Việc Hoa Kỳ dường như khước từ những người bỏ trốn đã bóp ngẹt tia hy vọng cuối cùng về tự do và trốn thoát.
Do chiến dịch “Cột mốc biên giới” hoạt động tốt nên StB tiếp tục dựng biên giới giả, trang bị thanh chắn và bảng báo. Chúng có ở gần Cheb (Eger), Marianske Lazne (Marienbad), Svaty Kriz (từ 1960 Chodsky Ujezd, Heiligenkreuz) và Domazlice (Taus). Khi Hoa Kỳ biết được, họ đã chính thức phản đối việc lạm dụng quân phục và quốc huy Mỹ. Chính phủ Tiệp Khắc phản bác lời lên án đó. Họ khẳng định một cách bất chấp rằng, một cuộc điều tra hết sức kỹ lưỡng đã không tìm thấy “bất cứ một dấu vết hay sự nghi ngờ nào cho thấy có sự lạm dụng quốc huy hay hình ảnh chính khách Mỹ”.
Chiến dịch “Cột mốc biên giới” hoạt động ba năm, từ 1948 cho tới 1951. Bẫy này theo ước lượng của các sử gia đã dẫn tới 300 án tù. 16 người chạy trốn bị xử tử hình. Nhiều người đã tự tử.
Jan Prosvic bị tòa án xử phải đi lao động cưỡng bức. Ngày nay, sử gia Igor Lukas phỏng đoán là ĐCS Tiệp Khắc đã nhắm vào ngôi biệt thự của gia đình Prosvic khi tiến hành hoạt động này. Prosvic là một doanh nhân thành đạt trước đó và tài sản của ông bị chính quyền cộng sản quốc hữu hóa. Nhưng gia đình ông vẫn còn căn hộ ở Praha và một biệt thự lớn ở ngoại ô. Sau khi StB đẩy gia đình Prosvic vào tù, Antonin Zapotocky đã dọn tới đó ở. Người hưởng lợi từ tội phạm này là một nhân vật cao cấp của ĐCS Tiệp, trở thành chủ tịch CSSR năm 1953.
Tabea Rossol
Phan Ba dịch từ Spiegel Online
http://einestages.spiegel.de/s/tb/29645/falsche-grenze-zur-tschechoslowakei.html
(buudoan.com)