Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Vài nguyên tắc mong manh của nền công lý

Phạm Duy Nghĩa - Vài nguyên tắc mong manh của nền công lý


Sau 10 năm thụ án oan, người tù ở Bắc Giang được tự do về với mái ấm đã tan tác sau những chuỗi ngày lao lý. Còn biết bao thân phận con người đã và có thể sẽ bị dập vùi bởi những án oan được tuyên sai nghiệt ngã. Bất công và tai họa giáng xuống gia đình ông Chấn cũng có nguy cơ xảy đến với bất kỳ ai trong xã hội này. Vì vậy, muốn tránh những tai họa ấy, chúng ta cần phải làm gì?

Khỏi phải than thêm, khi xã hội bất an, con người dễ hung hãn và nổi đóa, tội ác nhan nhản khắp nơi thì gánh nặng trấn áp tội phạm trước hết dồn lên cơ quan điều tra. Ở đời ai chẳng mắc sai lầm, nhận định nhầm thì suy đoán cũng nhầm, điều tra nhầm thì cáo trạng cũng nhầm, cáo trạng nhầm thì buộc tội cũng nhầm, buộc tội nhầm thì tuyên án cũng nhầm. Cứ như thế, từ điều tra, kiểm sát tới tòa án, một bộ máy các cơ quan nhà nước đầy uy lực hùng dũng ra quân để truy xét và buộc tội người nghi can đơn độc.

Muốn chống đỡ lại nguy cơ bị bỏ tù oan, người nghi can ấy chỉ có thể trông mong vào vài nguyên tắc mong manh của nền công lý. Thứ nhất, mọi lời thú nhận tội trong quá trình điều tra không thể xem là chứng cứ đủ để buộc tội. Trách nhiệm chứng minh nghi can phạm tội là của cơ quan điều tra, nếu thiếu bằng cớ thì nghi can được suy đoán là vô tội và phải thả họ. Thứ hai, luật pháp văn minh nghiêm cấm truy bức, đánh đập, hành hạ về thể xác và tinh thần nghi can, cấm ép cung, mớm cung. Thứ ba, bắt đầu từ khi bị tạm giữ để điều tra, nghi can có quyền mời luật sư bào chữa, và vị này được quyền tham gia vào tất cả các phiên lấy lời khai. Trong quá trình bào chữa, luật sư có quyền nại ra chứng cứ gỡ tội, tranh luận về giá trị của các chứng cứ được trưng ra bởi cơ quan điều tra. Dựa trên chứng cứ được nêu ra của cả hai bên buộc và gỡ tội, Tòa án cân nhắc, đánh giá và phán xét.

Những nguyên tắc đơn sơ ấy tất nhiên cũng được cam kết trong pháp luật nước ta. Chỉ có điều, sau cánh cửa trại giam là thế giới riêng của phạm nhân, dù tạm giam hay đã có án. Nước ta đã có 8000 luật sư, họ chỉ được phép tham gia các phiên lấy cung sau khi đã trải qua những thủ tục hành chính tương đối phiền nhiễu, đặc biệt phải được cơ quan điều tra ưng thuận cho tham gia. Ngoài ra, được tham gia nghĩa là chỉ được dự và chứng kiến phiên hỏi cung, luật sư nước ta chưa quen với những thao tác chủ động điều tra và trưng ra các chứng cứ ngược lại. Họ quen đánh giá dựa trên chứng cứ do bên buộc tội đưa ra, chứ chưa có đủ quyền lực xông xáo tìm ra mọi chứng cứ gỡ tội. Thiếu những quyền năng điều tra chứng cứ ấy, cuộc đối thoại giữa bên buộc tội và luật sư bào chữa tất yếu nghiêng về cơ quan nhà nước.

Ông Chấn ở Bắc Giang, may mà còn sống để mơ có ngày đoàn tụ với vợ con. Nếu không phải là con liệt sỹ, nếu khung án tử hình giáng xuống đầu ông, nếu án ấy lại cũng đã được nghiêm chỉnh thi hành... thì kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, còn người chịu án oan đã mất mạng từ lâu. Sau nỗi run sợ hãi hùng ấy, có lẽ người ta mới thấu hiểu đằng sau pháp luật là những thân phận con người. Luật pháp phải lấy nhân phẩm và thân phận con người làm điều quý nhất. Xin đừng “xử oan còn hơn bỏ lọt tội phạm”, ngược lại hãy dũng cảm chấp nhận bỏ lọt tội phạm còn hơn vi phạm những nguyên tắc sơ đẳng bảo vệ công lý và nhân phẩm con người.
 
Phạm Duy Nghĩa
  (Chia Sẻ Thông Tin Luật Học)

Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn tù oan: Kẻ giết người khai gì?

Suốt quá trình bỏ trốn, Lý Nguyễn Chung không phút nào yên. Cứ chợp mắt, hình ảnh người phụ nữ mình đầy máu me lại len lỏi vào đầu óc hắn. Chỉ đến khi ra đầu thú hắn mới thấy nhẹ nhõm phần nào. Chung nói với kiểm sát viên: “Trước đây lúc nào em cũng cảm giác đang đeo vật gì đó nặng hàng tấn trên người. Giờ em đã trút được 900 cân rồi. Biết thế này, em ra đầu thú sớm hơn”.
Lòng tham trỗi dậy .
Sau khi nghe tin chị Nguyễn Thị Hoan ở xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang bị giết, rất nhiều người biết Chung là hung thủ, trong đó có bố là Lý Văn Chúc, một số anh chị ruột của đối tượng và sau này là bà Nguyễn Thị Lành (vợ thứ hai của ông Chúc). Vì “thương” và sợ Chung bị tử hình nên tất cả đã im lặng.
Theo lời khai của Chung, khoảng 19 giờ 30 tối 15-8-2003 Chung đi từ nhà đến cửa hàng của chị Hoan để mua dầu gội đầu. Thấy trong tủ kính đựng hàng có tiền, lòng tham của hắn trỗi dậy. Chung rút con dao bấm mới mua ở Đồng Đăng, Lạng Sơn lúc nào cũng thủ ở túi sau, bước vào nhà. Thấy chị Hoan không để ý, Chung đâm chị một nhát. Bị đâm bất ngờ, chị Hoan đã chửi Chung và bỏ chạy vào trong nhà. Như con thú say máu, Chung đuổi theo dùng tay trái ghì chị Hoan từ phía sau, tay phải đâm liên tiếp. Trong lúc giằng co, Chung đâm hai nhát vào tay trái của mình (trên tay Chung giờ vẫn còn hai vết sẹo). Khi lưỡi dao bị gãy, Chung túm tóc đập đầu nạn nhân vào tường rồi đập xuống nền nhà, dùng chiếc gối đè lên mặt chị Hoan cho đến chết.
Sau khi giết chị Hoan, Chung mở tủ kính lấy toàn bộ số tiền bán hàng của chị (59 ngàn đồng) rồi quay ra chỗ chị nằm tháo hai chiếc nhẫn. Dù lúc gây án chưa đầy 15 tuổi nhưng Chung tỏ ra là một kẻ máu lạnh. Hắn bình tĩnh tắt đèn và đóng cửa để mọi người không phát hiện. Trên đường về, Chung vứt chuôi dao gãy ở mương trước cửa nhà ông Vui (cách nhà chị Hoan vài chục mét). Về đến nhà, Chung tắm rửa và ngâm bộ quần áo dính đầy máu.
Nghe hàng xóm náo loạn về tin chị Hoan bị giết, nhìn thấy chậu quần áo của con có máu, Lý Văn Chúc đã hiểu tất cả sự việc nhưng thay vì động viên con ra đầu thú thì ông này bảo Chung lên Lạng Sơn - quê gốc của ông, có mấy người con vợ trước đang ở đấy.
Lên đến Lạng Sơn, Chung kể toàn bộ sự việc với anh trai là Lý Văn Phúc và đưa hai chiếc nhẫn cho Phúc. Phúc vay tiền đưa Chung làm lộ phí vào Đắk Lắk. Năm 2005, Lý Văn Phúc bị một đám côn đồ chém chết.
Những lời khai này của Chung đã được các kiểm sát viên xác minh một cách tỉ mỉ. Lời khai của những người liên quan đã chứng minh lời khai của Chung là thật.
Về nguồn gốc con dao gây án, anh Nguyễn Hữu Thanh, trú cùng thôn với Chung cho biết, trước khi xảy ra vụ án, anh cùng Chung lên chợ Đồng Đăng, Lạng Sơn mua hai con dao bấm của Trung Quốc.

Hung thủ Lý Nguyễn Chung (trái)


Chị Hoàng Thị Xướng, vợ của Lý Văn Phúc, cũng thừa nhận cuối năm 2003, Chung đến nhà chị. Hai anh em nói chuyện một lúc rồi ôm nhau khóc. Đêm hôm đó, Phúc kể với vợ: “Bây giờ khổ rồi, chú Chung đánh chết người có con nhỏ ở Bắc Giang”. Thấy chồng có hai chiếc nhẫn, chị Xướng hỏi thì được biết đây là nhẫn của người bị giết nên chị bắt chồng mang hai cái nhẫn đó đi. Hôm đó, chị Xướng cũng nhìn thấy Chung băng bó ở tay. Sau hôm đó, Chung vào Đắk Lắk và lang bạt ở nhiều nơi để trốn. Có dạo Chung sang tận Trung Quốc làm thuê hai năm. Vài năm gần đây, Chung về Việt Nam lấy vợ và trú tại thôn Đoàn Kết, Eakamut. huyện Eaka, tỉnh Đắk Lắk.
Nếu cơ quan chức năng ngay lúc đó tập trung vào chi tiết lưỡi dao gãy và hai chiếc nhẫn của nạn nhân bị mất thì mọi việc đã khác. Người nhà nạn nhân lúc tham gia khám nghiệm cũng phát hiện vết đeo nhẫn trên tay chị Hoan và đề nghị cơ quan điều tra làm rõ những tài sản của chị Hoan bị mất nhưng không được xem xét.
Khi tham dự phiên tòa, bà Nguyễn Thị Hội - mẹ nạn nhân cũng đề nghị HĐXX buộc bị cáo Chấn phải bồi thường hai chiếc nhẫn.
Sự thật bị bưng bít như thế nào?
Ròng rã mười năm kêu oan cho chồng, chị Chiến đã thu được những chứng cứ quan trọng. Như một thám tử chuyên nghiệp, chị Chiến đã có trong tay nhiều đoạn ghi âm một số cuộc nói chuyện và khẳng định Chung chính là thủ phạm.
Theo đơn của chị Chiến, các kiểm sát viên đã làm việc với bà Lành và bà cho biết: Khoảng 20 giờ ngày 15-8-2003, Chung mặc quần đùi, cởi trần đi về nhà (quần áo dài cầm trên tay). Đêm hôm đó, nghe tin chị Hoan bị giết nhưng bà không hề nghi ngờ đứa con riêng của chồng vì thấy nó lên giường đi ngủ như mọi ngày, không có biểu hiện tâm lý gì đặc biệt. Đến sáng hôm sau, bà Lành thấy chậu ngâm quần áo của Chung có nhiều vết máu nên đã nói với ông Chúc: “Khả năng Chung giết chị Hoan”.
Cũng như vợ, ông Chúc biết chắc chắn sự việc nhưng để giấu tội cho con, ông bảo vợ: “Việc thế rồi, đừng nói ra, để nó về quê đã”.
Kể với phóng viên, bà Lành cho biết, từ khi Viện KSND tối cao vào cuộc điều tra vụ giết chị Hoan, ông Chúc thường xuyên bóng gió, đe dọa vợ vì cho rằng bà Lành đã làm lộ vụ Chung giết người. Một ngày đầu tháng 10-2013, ông Chúc vơ quần áo ra đốt tại đống rơm trước nhà, vợ can ngăn thì đẩy vợ vào đống lửa đang cháy. Rất may bà Lành kịp thoát. Bà Lành nói: “Ông Chúc còn tuyên bố nếu thằng Chung bị bắt thì ông sẽ tự vẫn và trước khi chết sẽ phải cho tôi chết theo”. Trước đó, có lẽ vì chịu quá nhiều áp lực, có lần ông Chúc dùng dây thừng định tự tử nhưng con trai ông đã phát hiện. Không tự vẫn được, ông Chúc đào huyệt sẵn ở góc vườn vải sau nhà với ý định tự vẫn. Trước đó, năm 2011, vợ chồng ông Chúc mâu thuẫn trầm trọng và bà Lành đã đi Quảng Ninh làm ăn vài tháng. Lúc đó bà Lành có kể lại sự việc với bố đẻ là ông Hiền.
Được các kiểm sát viên động viên và phân tích về luật nên cuối cùng Chúc cũng tỉnh ngộ và bước đầu khai nhận. Ông thừa nhận năm 2005, khi vào Đắk Lắk thăm con thì Chung cho biết đã giết chị Hoan. Khi thấy cơ quan điều tra lật lại vụ án, ông Chúc tâm sự với một người họ hàng là Chung giết người và tỏ ra rất giận bà Lành. Trước đó, ông Chúc cùng bà Lành đem toàn bộ giấy tờ nhà sang nhà người bà con với bà Lành gửi. Hôm đó ông Chúc nói rõ, hai vợ chồng không ở được với nhau, nếu có chuyện gì xảy ra thì sang tên đất cho Lý Nguyễn Tuấn (con chung của ông Chúc với bà Lành). Theo đánh giá của cơ quan công tố, hành vi che giấu tội phạm của ông Chúc diễn ra trong một thời gian dài. Tuy ông Chúc đã bước đầu khai nhận nhưng chưa thực sự thành khẩn. Ông Chúc còn có hành vi đe dọa giết bà Lành. Ngày 3-11-2013, Cục Điều tra - Viện KSND tối cao đã bắt tạm giam ông Chúc về hành vi “che giấu tội phạm”.
Hủy hai bản án
Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cho biết, chiều 6-11-2013, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa theo trình tự tái thẩm.
Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại vụ án.
Hội đồng tái thẩm nhận định: ngày 25-10-2013, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú và khai nhận đã giết chị Nguyễn Thị Hoan tối 15-8-2003 để cướp tài sản, là tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án. Quyết định của Hội đồng tái thẩm có hiệu lực ngay.
Trước đó, ngày 4-11-2013, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết định kháng nghị tái thẩm bản án Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân về tội giết người. Cùng ngày, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể đã ký quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.
Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng tái thẩm sẽ gửi quyết định tái thẩm cho người bị kết án, người kháng nghị, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan công an, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc.
Phán quyết của Hội đồng tái thẩm quyết định hủy bản án để điều tra, do đó trong thời hạn mười lăm ngày, hồ sơ vụ án sẽ được chuyển cho Viện kiểm sát có thẩm quyền để điều tra lại theo thủ tục chung. 
 

Nhớ về vụ án oan của Trung tướng Hữu Ước


(Petrotimes) - Ba năm giời đằng đẵng, ông trải qua 4 phiên tòa và rồi cuối cùng được tuyên trắng án. Rồi ông lại trở về báo Công an nhân dân làm việc nhưng cũng chẳng được phục hồi, chẳng được bồi thường gì cả và ông phải làm lại tất cả mọi việc từ đầu.

Những ngày này, dư luận hết sức quan tâm về vụ án oan đến 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn. Đành rằng, đây là một vụ án xảy ra cách đây 10 năm và cho đến bây giờ thì những vụ án oan sai kiểu như thế này có lẽ không còn nữa. Nhưng, hầu như ai cũng bị ám ảnh rằng, tại sao một số người bảo vệ pháp luật, những người cầm cán cân công lý lại có thể thờ ơ, vô cảm với sinh mệnh của người dân đến như vậy.

Rồi đây, các cơ quan chức năng sẽ phải điều tra, làm rõ những ai gây ra nỗi oan tày đình cho ông Chấn và chắc chắn, họ sẽ phải bị xử lý. Đây cũng là bài học cho những người làm công tác điều tra, xét xử…

Nghĩ về vụ án này, tôi không thể không nhớ đến một vụ án oan khác đã xảy ra cách đây gần 30 năm: Đó là vụ án oan của Trung tướng, nhà văn Nguyễn Hữu Ước, hiện đang là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân. Ngày ông bị bắt là vào khoảng tháng 9 năm 1985. Khi ấy, ông là Đại úy, Phó trưởng phòng Thời sự Báo Công an Nhân dân.

Trong trí nhớ của tôi, lệnh bắt ông mang số 067 và chỉ có mấy dòng mơ hồ “vi phạm pháp luật”. Không có tội danh nào cụ thể.

Vậy mà người ta bắt ông rồi chuyển thẳng vào trong thành phố Hồ Chí Minh, lúc thì giam ở trại B34, lúc thì ở Chí Hòa.

Ba năm giời đằng đẵng, ông trải qua 4 phiên tòa và rồi cuối cùng được tuyên trắng án. Rồi ông lại trở về báo Công an nhân dân làm việc nhưng cũng chẳng được phục hồi, chẳng được bồi thường gì cả và ông phải làm lại tất cả mọi việc từ đầu.

Chúng tôi đã nói rằng, vụ án oan của ông là điển hình cho việc xâm hại các hoạt động tư pháp, mà điều đáng nói ở đây, ông là một Đại úy công an, là một nhà báo, là đảng viên, là người từng chưa đủ 18 tuổi đã lên đường nhập ngũ sang Lào chiến đấu. Với một người như vậy mà người ta còn bắt lấy được rồi tống vào Chí Hòa, bị giam chung với những kẻ đầu trộm đuôi cướp, đám lưu manh chuyên nghiệp thì quả là khủng khiếp.

Nhưng việc ông phấn đấu rồi được đề bạt đến cấp hàm Trung tướng, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thì cũng là một điển hình về ý chí của một con người và điển hình về sự đổi mới trong công tác cán bộ.

Lịch sử chắc sẽ không lặp lại một vụ như thế nữa.

Trở lại vụ án của ông. Tôi nhớ. Năm 1991, tôi đi viết về một vụ án lừa đảo. Khi cùng với các cán bộ điều tra của Công an Hà Nội hỏi cung đối tượng bị bắt thì gã lại khai ra một chuyện, ấy là hắn từng “được” giam chung với ông Nguyễn Hữu Ước. Gã còn kể, gã được “vinh dự” giao nhiệm vụ “giám sát”, không cho ông tự tử.

Sau này, khi ra tù, trở về Báo Công an Nhân dân, ông kể cho chúng tôi nghe các kiểu hành hạ ông mà một số cán bộ điều tra đã nghĩ ra. Nghe ông nói mà chúng tôi cứ dựng hết tóc gáy và thầm bảo rằng, nếu mình vào cảnh như thế này, có khi bị bắt phải “vu cho bố mình là phản động” thì cũng buộc phải khai cho xong để thoát khỏi cực hình.

Cũng đã có một số vụ án khác mà cán bộ điều tra đã nghĩ ra rất nhiều trò để tra tấn phạm nhân. Nhiều người chịu không nổi đã phải tìm con đường giải thoát - ấy là tự tử.

Hiện nay, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đang điều tra lại về một vụ án bắt giam sai của Công an Tiền Giang hơn chục năm trước. Báo Năng lượng Mới cũng đã có phóng sự về vụ án này và cũng đã được biết những người chịu không nổi cực hình mà phải tự tử. Nhưng Giời vẫn còn thương họ nên làm cho sợi dây họ dùng treo cổ bị đứt…

Sau này, khi đi viết phóng sự về khám Chí Hòa, tôi được một cán bộ quản giáo của trại giam - người đã từng làm quản giáo thời ông Hữu Ước bị giam ở đó dẫn đi tham quan. Ông chỉ cho tôi phòng giam nào ông Ước từng ở, chỗ nào ông Ước từng nằm. Rồi ông lại kể cho tôi nghe vanh vách chuyện ông Ước đã từng phải đánh nhau với bọn đầu gấu vì chúng cướp cơm, cướp chỗ ngủ của ông, hay cả những lần đám phạm nhân há hốc mồm nghe ông đọc “Tam quốc diễn nghĩa”.

Khủng khiếp nhất là trong thời gian ông Ước ở Chí Hòa, cứ vài tháng, các quản giáo lại nhận được lệnh từ một cấp trên nào đó chuyển ông sang phòng giam khác. Đối với phạm nhân, đang ở phòng giam này mà phải chuyển sang phòng giam khác, đó là một sự tra tấn vô cùng tinh vi, nhất là khi “chỗ ở” mới cũng là nơi giam giữ những kẻ lưu manh chuyên nghiệp, đám đầu trộm đuôi cướp và phòng nào cũng rất sẵn đám “đầu gấu, đại bàng”. Bởi người mới vào thì phải nằm chỗ bẩn thỉu nhất, phải hầu hạ đám “đầu gấu, đại bàng” và phải bị ăn những trận đòn “ra mắt”.

Những năm tháng bị giam cầm đã gây cho ông một căn bệnh mà chúng tôi cứ gọi là “hội chứng nhà giam”.

Hàng chục năm đã trôi qua nhưng ông vẫn nằm mê thấy cảnh mình phải ăn cơm trộn cát; vẫn nằm mê thấy cảnh đánh nhau với bọn đầu gấu… Và ông cũng vẫn nằm mê thấy cảnh những cán bộ quản giáo tìm cách dúi cho ông thêm nắm cơm, miếng bánh, an ủi, động viên ông trong những tháng ngày tù tội đó.

Được trả tự do, sự đền bù duy nhất mà người ta dành cho ông là đưa ông đi khám bệnh và an dưỡng ít ngày.

Nhiều cán bộ công an đã từng gây nên nỗi oan cho ông thì vẫn lấp liếm rằng: “Nó không có tội, nhưng cũng có lỗi”. Nhưng lỗi gì thì chẳng ai chỉ ra được.

Ấy vậy mà, ông đã nghiến răng làm lại sự nghiệp của mình. Không nửa lời oán trách. Không có những phát ngôn bất đắc chí. Không tìm cách kiện tụng những người đã gây nên nỗi đau khổ tột cùng cho mình và gia đình.

Tôi đã chứng kiến khi làm Tổng biên tập Báo An ninh Thế giới, ông vẫn đến thăm hỏi, biếu quà vào dịp lễ, tết những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên vụ án oan của ông. Bởi ông hiểu rõ, những người ấy thực ra cũng chẳng thù oán gì ông nhưng thời ấy tư duy nó thế, cách làm tùy tiện, vô luật pháp là thế… Sợi dây oán thù nên cởi không nên buộc!

Kinh Dịch có câu rằng: “Vật cùng tắc biến”, nghĩa là, cái gì phát triển đến cùng rồi thì sẽ có sự thay đổi.

Vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường đã khiến cho những người quản lý của ngành y tế phải tỉnh ra và có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các cơ sở khám chữa bệnh, làm đẹp tư nhân. Và đến lúc ấy người ta mới tá hỏa ra, lâu nay, vẫn tồn tại những cơ sở làm đẹp tư nhân hoạt động không có giấy phép.

Vụ Nguyễn Thanh Chấn cũng khiến những cơ quan bảo vệ pháp luật phải tỉnh ra và chắc chắn cũng sẽ có những biện pháp rà soát lại các vụ án có dấu hiệu oan sai hoặc có những biểu hiện xâm hại hoạt động tư pháp.

Cũng phải công nhận rằng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, việc các cán bộ điều tra dùng nhục hình hoặc nhục hình biến tướng, hoặc bức cung, mớm cung, dụ cung phạm nhân đã được giảm thiểu rất nhiều. Nhưng, ở đâu đó, cũng vẫn còn. Mong rằng, những người làm công tác xét xử hãy nghĩ đến câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” và “Việc gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.

Nhà văn Nguyễn Như Phong (hihi, dạo này nâng "bi" gớm =)))

Nội chiến trang web Bauxite

WEBSITE: boxit.net hay boxit.blogspot.com, do nhóm đồng sáng lập, gồm: Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng.

Web xuất hiện vào thời điểm làn sóng phản đối chủ trương khai thác bô xít ở Tây Nguyên, lúc đầu đơn thuần là diễn đàn đăng tải quan điểm cá nhân của một nhóm các nhà khoa học. Hiện, dự án khai thác bô xít Tây Nguyên đang triển khai và trang bô xít vẫn duy trì hoạt động, nhưng đã chuyển hướng, nhuốm màu chính trị.
Hồ sơ dân chủ không chi tiết hoạt động của trang này, mà “bạch hóa” một chút nội tình (cư xử) của Ban biên tập trang Bô xít Việt Nam để thấy được đằng sau vẻ thanh cao, đạo mạo của các bậc trưởng giả trí thức kia là cả một thế giới của những người ghen ăn tức ở rất tầm thường. Liệu những con người đó sẽ cư xử như thế nào nếu thực quyền rơi vào tay của họ?

Chung qui cũng vì cái “danh” mà thôi!!!

Vào chủ đề chính thôi!!!

Bức tâm thư chiếm trọn trang A4, Huệ Chi hết lời ca ngợi công trạng Phạm Toàn đối với trang boxit, nhưng quyết định từ chối tăng thành viên Ban biên tập

Huệ Chi một mực khẳng định bản thân “trong sạch”, đồng thời cho rằng Phạm Toàn “đa nghi”

Vì Sao?!!
Ảnh
Bởi Phạm Toàn cho rằng Huệ Chi thường xuyên gặp mật vụ CS, nhưng không hề hấn gì, nhất quyết không thêm người vào BBT, dễ bề thao túng, có khi nào trang boxit là của A25 (?!!)
Ảnh
Huệ Chi biết chuyện “nổi cơn tam bành”, cho rằng Phạm Toàn phát ngôn bừa, mang động cơ cá nhân, đồng thời tuyên bố rút khỏi BBT. Nhưng ông có đủ can đảm làm điều mà ông tuyên bố hay không?!!
Ảnh
Phạm Toàn không phải tay vừa, cương quyết rút tên khỏi BBT, vì cho rằng nếu giữ thế “độc quyền” như hiện nay, thì BBT đang “bẻ lái” trang boxitvn có lợi cho một nhóm người. Nào ngờ được rằng: trong cái nhóm nhỏ nhoi ấy lại nảy sinh ra một “nhóm lợi ích”, phải chăng đó là hệ lụy của một dịch bệnh tại Việt Nam?
Phạm Toàn giờ ra sao? Lẽ nào đã rời bỏ chiến tuyến?!!
Ảnh
Hay tin, cộng đồng dân chủ náo loạn, tìm  phương cách cứu chữa, nhưng nhất quyết xử lý nội bộ, tuyệt đối không để nhiều người biết, đó là “cao kiến” của nhà báo Tống Văn Công.
Ông nhà báo này thực ích kỷ, chuyện lớn như thế mà không chia sẻ cho những độc giả yêu mến trang boxit biết để quyết định có nên tiếp tục yêu mến nữa hay không. Thiết nghĩ, che dấu là hành động đi ngược lại tình cảm của độc giả.
(HSDC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét