Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Những tiếng nói bị dập tắt & Xã hội dân sự và công việc từ thiện

Xã hội dân sự và công việc từ thiện


Người dân tự nguyện cứu trợ lũ lụt ở Hà Tĩnh sau cơn bão số 10 hồi cuối tháng 9 năm 2013. (RFA)

Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-11-07

Vai trò của các tổ chức dân sự là vô cùng lớn lao trong việc tương trợ xã hôi, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên hoạt động đó tại Việt Nam thực sự không dễ dàng.

Ngăn cản cứu trợ

Mỗi năm đến hẹn, những cơn bão từ biển Đông lại tràn lên đất liền, tàn phá cả một dãy duyên hải miền Trung. Công tác báo bão trong thời buổi tin học này đã nhanh hơn rất nhiều so với chục năm trước, khi mà những cơn bão có thể ập vô bất ngờ. Việc đó làm tránh được nhiều tổn thất về nhân mạng và của cải. Tuy vậy, những thiệt hại về mùa màng nhà cửa cũng thường rất nặng nề không tránh khỏi. Cứu giúp những người nghèo sau bão tố thiên tai là một công việc quan trọng cần sự huy động sức lực của toàn xã hội.

Chính trong bối cảnh đó mà những hoạt động dân sự đóng vai trò quan trọng. Các hoạt động dân sự xuất phát từ ý tưởng cá nhân, huy động sự đóng góp của cá nhân, với chỉ một nguyên tắc là tình thương nhằm cứu giúp những đồng bào kém may mắn. Một điều quan trọng nữa là các hoạt động này không làm tiêu tốn một đồng nào của ngân sách nhà nước, mà ở một quốc gia đang phát triển như Việt nam, ngân sách đó cần thiết cho những hoạt động lớn lao hơn.
Tuy vậy, những hoạt động dân sự như thế không hề dễ dàng ở Việt Nam.
Họ bắt ép phải đem về phường và cùng với Nhà nước đứng phân phối theo danh sách như thế nào đó.
-HT Thích Không Tánh
Trong mùa mưa lũ năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất đã bị nhà cầm quyền ngăn cản khi mang hàng cứu trợ đến với đồng bào miền Trung, Và Giáo hội cho biết rằng đây không phải là lần đầu tiên bị ngăn trở như vậy. Hòa thượng Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ Thiện - Xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất nói với đài Á châu tự do:

Hằng chục năm rồi, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đi đến đâu cứu trợ (có những lần ra ngoài bắc Nghệ An, Thanh Hóa… bị bão lụt nặng), có những lần họ lấy luôn mì hay gạo đem về phường. Cuối cùng có quí vị ở hải ngoại lên tiếng hay sao đó khiến gây ảnh hưởng thế nào đó, họ lại đem quà, mì trả lại cho mình phát. Nhưng đi đâu họ cũng gây nhiều khó khăn, giám sát rất chặt chẽ.

Họ bắt ép phải đem về phường và cùng với Nhà nước đứng phân phối theo danh sách như thế nào đó. Bên chúng tôi không đồng ý. Khi bà con tụ lại tại địa điểm mình tổ chức phát quà, công an ép bà con phải về phường hết, không được ở tại điểm đó.”

Các thành viên của đoàn cứu trợ đã kiên nhẫn thực hiện ước nguyện từ thiện của mình. Cuối cùng thì phẩm vật cũng đến được những người dân đang thiếu thốn. Nhưng hình ảnh hàng chục công an bao vây các nhà sư mang hàng cứu đói đến vùng có thiên tai quả là một nghịch lý.

Tham nhũng hàng cứu trợ

lu-lut-2-250.jpg
Lũ lụt ở Hà Tĩnh sau cơn bão số 10 hồi cuối tháng 9 năm 2013. RFA PHOTO.
Trong khi đó, theo báo mạng Quảng Bình Ngày Nay, cũng trong đợt bão vừa qua, cán bộ nhà nước ở thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc, Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã giữ lại tất cả những phẩm vật của những nhà hảo tâm, rồi đem bán lại cho những người dân đang cần được cứu trợ.

Hành động tham nhũng không những phẩm vật cứu trợ mà còn đối với các dự án dân sinh, đã được nhiều người nói đến. Anh Nguyễn Huỳnh Thuật, người đã phát động thành công một phong trào dân sự cứu rừng Nam Cát tiên nói với chúng tôi về sự cần thiết của phong trào dân sự để bù đắp cho những khiếm khuyết của bộ máy nhà nước, cồng kềnh mà thiếu hiệu quả, lại nhiều rủi ro tham ô nhũng lạm, nhất là trong một xứ sở quyền cai trị của một đảng là tuyệt đối:

“Rất cần những người có tâm huyết vì nước vì dân đứng ra hoạt động để bổ sung cho những khiếm khuyết của nhà nước hay những điều mà các lãnh đạo không thể quan tâm được. Ví dụ như có những người tự nguyện lên vùng sâu vùng xa giúp trẻ em đi học, hay là mang những em đã bỏ học trở lại trường. Vừa rồi trong mùa mưa lũ miền Trung có những cá nhân đi làm việc đó bằng tiền túi của mình. Nhà nước thì cũng có những chương trình nhà tình thương, chia tiền giúp người dân vùng lũ nhưng lại bị tham nhũng.”
Nhà nước thì cũng có những chương trình nhà tình thương, chia tiền giúp người dân vùng lũ nhưng lại bị tham nhũng.
-Anh Nguyễn Huỳnh Thuật
Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành hẳn một nghị định từ năm 2008 về việc cứu trợ, trong đó có nghiêm cấm các hành vi ăn chận tiền và hàng cứu trợ. Năm năm đã trôi qua và những hành vi đó vẫn không thể tránh được. Nhưng khi những cá nhân đi làm từ thiện thì không thể có chuyện tham nhũng tiền túi của chính họ được. Đó là một điều rất rõ ràng.

Một cơ cấu ngoại vi của đảng cộng sản được đề cập rất nhiều trong nghị định về cứu trợ của chính phủ Việt Nam, đó là Mặt trận Tổ quốc. Đây là tổ chức trên danh nghĩa tập hợp tất cả các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức xã hội… nhưng nó vẫn là một cơ cấu hành chính, mà theo ông Lê Hiếu Đằng một thành viên lâu năm của Mặt trận này, nó không phải là tổ chức dân sự.

Hòa thượng Thích Không Tánh có nói rằng khi lực lượng chức năng đến ngăn cản nhóm của ông thực hiện việc cứu trợ, họ có nói rằng Giáo hội này không có giấy phép. Hòa thượng nói tiếp:

“Chúng tôi nói truyền thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là dân lập, nó đã có từ lâu đời rồi. Chúng tôi không có thỏa hiệp, không có kết hợp với tổ chức chính trị hay chế độ nào bởi vì như thế mang tính cách tuyên truyền chính trị.”

Bản chất của các tổ chức dân sự lại chính là dân lập và độc lập. Chính sự độc lập và tính dân sự ấy làm cho công việc từ thiện tránh được nạn nhũng lạm như vừa xảy ra tại Quảng Bình.

Trong một lần tìm hiểu về phong trào sách hóa nông thôn do ông Nguyễn Quang Thạch chủ xướng, chúng tôi biết rằng ông Thạch rất coi trọng các tổ chức tôn giáo trong hoạt động dân sự. Trong thực tế, các nhà chùa, nhà thờ đã đóng góp rất nhiều cho công việc cứu trợ nói riêng, và các hoạt động tương trợ xã hội nói chung.

Trong câu chuyện thành công của nhóm dân sự Cứu Nam Cát Tiên do anh Nguyễn Huỳnh Thuật khởi xướng, có nhiều những người đồng lý tưởng họp lại với nhau. Những sáng kiến cá nhân sẽ được khuếch lên nhiều lần khi những cá nhân đó có tổ chức. Và có vẻ như sự tổ chức đó lại là nỗi e ngại của nhà cầm quyền.

Ân Xá Quốc Tế tố cáo Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền


DR

Tú Anh (RFI)

Chính quyền Việt Nam phải chấm dứt tình trạng trấn áp nhân quyền đáng báo động và phải tức khắc ban hành các biện pháp bảo vệ các nhà tranh đấu cho dân chủ trước các hành động bạo lực và tù đày. Hiến pháp phải bảo vệ con người chứ không phải đàn áp con người. Trên đây là nội dung bản báo cáo của Ân Xá Quốc Tế - Amnesty International công bố hôm nay 07/11/2013 báo động tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế liệt kê danh sách 75 tù nhân chính kiến đang bị giam cầm tại Việt Nam chỉ vì họ phát biểu quyền tự do ngôn luận ngoài đường phố hoặc trên trang mạng internet.

Chuyên gia Rupert Abbott của Amnesty International thẩm định, “Việt nam đã nhanh chóng biến thành một trong những nhà tù lớn nhất tại Đông Nam Á, giam cầm những người bảo vệ nhân quyền và những nhà tranh đấu khác. Tình trạng đàn áp đến mức báo động này phải chấm dứt ».

Năm nay, Việt Nam tiến hành sửa đổi Hiến pháp và ứng cử thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Nhắc đến hai sự kiện này, Ân Xá Quốc Tế nhận định, Hà Nội đã từng tuyên bố với thế giới là sẽ « thượng tôn pháp luật », nhưng trên thực tế vẫn « đàn áp nhân quyền, vi phạm chính các lời cam kết của họ với cộng đồng quốc tế » qua các công ước về quyền công dân và chính trị.

Danh sách những trường hợp đàn áp rất dài. Chỉ tính từ đầu năm 2012, Amnesty International liệt kê « 65 trường hợp các nhà tranh đấu ôn hòa bị cầm tù qua những phiên tòa chớp nhoáng chứng tỏ bản án đã được soạn trước. Với thời gian, hàng trăm tiếng nói khác biệt với chế độ từ blogger, người tranh đấu cho nhân quyền, cho quyền lợi công nhân, bảo vệ dân oan bị mất đất cho đến các tín đồ tôn giáo đã bị truy tố, kết tội và giam cầm. Trong nhà giam, các tù nhân còn bị đối xử một cách thô bạo và phi nhân ».

Amnesty International kêu gọi Việt Nam thả hết 75 tù nhân và lưu ý trường hợp của cô Đỗ Thị Minh Hạnh, 28 tuổi, bị kết án 7 năm tù vào năm 2010, chỉ vì phát truyền đơn tố cáo tình trạng chủ xí nghiệp đánh đập công nhân. Minh Hạnh bị ngược đãi trong nhà tù.

Cũng trong ngày hôm nay, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Nhân quyền và Quyền lao động Scott Busby đã dành một bài phỏng vấn dài cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cho rằng « không có dấu hiệu nhân quyền tại Việt Nam được cải thiện trong ngắn hạn ». Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Việt Nam hợp tác với bốn thanh tra nhân quyền do Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm và nhanh chóng cải thiện sâu rộng về nhân quyền trong nước để nâng cao quan hệ với Hoa Kỳ.

Ông Scott Busby vừa đi thăm Việt Nam trong bốn ngày từ 29/10 đến 02/11/2013. Ông cho biết đã gặp đại diện chính quyền Việt Nam và « các nhóm xã hội công dân ».
 

'Việt Nam phải đạt tiến bộ về nhân quyền để thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ'


Công an canh gác bên ngoài Tòa án Nhân dân TPHCM.

07.11.2013
Một nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ nói Việt Nam phải có những tiến bộ có thể chứng minh được về nhân quyền trong những tháng sắp tới, nếu thực sự Hà Nội muốn thắt chặt quan hệ với nước cựu thù Hoa Kỳ.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng dành cho Đài VOA, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ Nhân quyền và Lao động Scott Busby nói rằng ông đã nhấn mạnh với các giới chức Việt Nam về tầm quan trọng của nhân quyền trong một chuyến đi thăm Việt Nam tuần trước.

Những dấu hiệu đó bao gồm việc trả tự do cho một số người đã bị giam giữ hoặc bỏ tù chỉ vì đã hành xử quyền tự do bày tỏ ý kiến, ký kết, phê chuẩn và thực thi công ước quốc tế chống tra tấn, tháo gỡ tất cả những hạn chế đối với internet, củng cố tình trạng tự do tôn giáo...
Lưu lại Việt Nam trong thời gian từ ngày 29 tháng 10 đến ngày 2 tháng 11, ông Busby đã ghé qua Hà Nội và thành phố HCM để gặp gỡ các đại diện chính quyền và giới hoạt động xã hội dân sự.

Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt dành riêng cho VOA do Thông tín viên Michael Lipin thực hiện, ông Scott Busby nói Hoa Kỳ cần thấy Việt Nam chứng minh là có những dấu hiệu tiến bộ về nhân quyền “trong tương lai gần.”

Ông Busby phát biểu:

"Những dấu hiệu đó bao gồm việc trả tự do cho một số người đã bị giam giữ hoặc bỏ tù chỉ vì đã hành xử quyền tự do bày tỏ ý kiến, ký kết, phê chuẩn và thực thi công ước quốc tế chống tra tấn, tháo gỡ tất cả những hạn chế đối với internet, củng cố tình trạng tự do tôn giáo, và cho phép xã hội dân sự được hoạt động tự do.”

Đài VOA đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Washington, nhưng sứ quán Việt Nam không bình luận gì về các cuộc thảo luận với Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ Nhân quyền và Lao động Scott Busby.

Hồi tháng 7, trong một chuyến đi thăm Hoa Kỳ gây nhiều chú ý, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang nói rằng chính quyền của ông đã thực hiện “những nỗ lực lâu dài để bảo vệ và cổ võ cho nhân quyền.”

Ông Busby nói những vụ bắt bớ mới đây, và các hành động sách nhiễu giới hoạt động xã hội là một đề tài chủ yếu trong các cuộc gặp gỡ của ông với các giới chức chính phủ Việt Nam.

“Chúng tôi nhấn mạnh với chính phủ Việt Nam tầm quan trọng của các hoạt động của xã hội dân sự, dù cho đó là để bênh vực quyền tự do tôn giáo, hành xử quyền tự do ngôn luận, hoạt động về các vấn đề nhân quyền, hay tổ chức các hoạt động có tính cách nhân đạo. Hoa Kỳ đã nêu rõ với chính phủ Việt Nam về sự quý trọng mà Hoa Kỳ dành cho các hoạt động vừa kể, và cá nhân tôi cũng nêu lên quan điểm đó khi còn ở Việt Nam.”

Ông Busby cho biết là phái đoàn Mỹ đã cung cấp một số hỗ trợ cho các nhóm xã hội dân sự ở Việt Nam, nhưng ông từ chối không cho biết chi tiết về những sự hỗ trợ đó.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân chủ Nhân quyền và Lao động nói ông đã gặp đủ mọi thành phần  trong xã hội dân sự tại Việt Nam, và giới này đã gây nhiều ấn tượng cho ông về “lòng nhiệt tình và tính lạc quan” của họ, khi đối mặt với những hạn chế của chính quyền.

Một blogger Việt Nam đã gặp ông Busby tại thành phố HCM hôm thứ Sáu vừa qua là nhà báo Phạm Chí Dũng. Trong một cuộc phỏng vấn do Trà Mi của Ban Việt ngữ thực hiện, ông Dũng cho biết mục tiêu chính của xã hội dân sự Việt Nam.

Ông Phạm Chí Dũng nói những người muốn giúp giới hoạt động tích cực Việt Nam cần phải thận trọng về hình thức hỗ trợ mà họ cung cấp.

Ông Busby nói các chuyến đi thăm như thế này rất nhạy cảm, và do đó phải thận trọng. Ông tiết lộ rằng có một số cá nhân đã bị ngăn cản đến gặp ông vì những hạn chế của chính quyền. Tuy nhiên phái đoàn Mỹ không cho chính quyền Việt Nam biết trước là họ đến gặp những ai, mà tìm cách gặp những người sẵn sàng đến gặp phái đoàn.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ Nhân quyền và Lao động Mỹ cho hay ông hy vọng sẽ trở lại Việt Nam trong năm tới.
(VOA Tiếng Việt)

Những tiếng nói bị dập tắt

Buổi họp của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council)
Buổi họp của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council)
(United Nations Human Rights Council)
Nghe bài này
Vào ngày 7/11, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế vừa ra bản thông cáo báo chí với nội dung Việt Nam cần phải chấm dứt ngay việc đàn áp những tiếng nói đối kháng và ngay lập tức phải có những biện pháp bảo vệ các nhà đấu tranh khỏi sự sách nhiễu hay bỏ tù, chỉ bởi họ lên tiếng thực hiện quyền của mình. Để có thêm thông tin về thông cáo báo chí này, Vũ Hoàng phỏng vấn bà Isabelle Arradon, phó giám đốc của Ân Xá Quốc Tế phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Vẫn chưa có tự do ngôn luận và nhân quyền

Trước hết, bà Isabelle Arradon cho biết nội dung chính trong thông cáo báo chí lần này. Phần chuyển ngữ do Thanh Trúc thực hiện:

Bản báo cáo mới của tổ chức Ân Xá Quốc Tế có phần nói về “những tiếng nói bị dập tắt” mô tả việc hàng trăm người bị bắt giữ, sách nhiễu, giam cầm… chúng tôi thấy rằng, trong vòng vài năm qua, vì lên tiếng với những suy nghĩ khác biệt mà có đến 75 người ở Việt Nam bị bỏ tù, đơn giản là họ chỉ thể hiện quyền bày tỏ của mình một cách ôn hòa. Chúng tôi gọi họ là những tù nhân lương tâm và chúng tôi kêu gọi Việt Nam hãy thả tự do cho họ ngay lập tức và một cách vô điều kiện.

Vũ Hoàng: Theo bà, tại sao Tổ chức Ân Xá Quốc tế lại ra bản thông cáo báo chí vào thời điểm này? Việc ra thông cáo này cũng gần với thời điểm Hội đồng Nhân quyền LHQ chuẩn bị bỏ phiếu cho VN vào Hội đồng này ngày 12/11 tới đây, bà nghĩ rằng thông cáo này sẽ có tác động như thế nào đến Việt Nam?
Chúng tôi rất quan ngại về tình hình tại Việt Nam vài năm qua khi ngày càng có nhiều nhà đấu tranh dân chủ, chính trị bị bắt giữ chỉ với nguyên nhân là họ có những ý kiến đối kháng… quan trọng hơn đây là thời điểm mà Việt Nam đang kiếm tìm một ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ
Isabelle Arradon
Isabelle Arradon: Lý do mà chúng tôi phổ biến bản thông cáo này là vì chúng tôi rất quan ngại về tình hình tại Việt Nam vài năm qua khi ngày càng có nhiều nhà đấu tranh dân chủ, chính trị bị bắt giữ chỉ với nguyên nhân là họ có những ý kiến đối kháng… quan trọng hơn đây là thời điểm mà Việt Nam đang kiếm tìm một ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ và cam kết thực hiện đầy đủ những điều luật quốc tế về nhân quyền. 

Việt Nam cần phải đảm bảo rằng Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền  tự do ngôn luận, chẳng hạn, trường hợp của cô Đỗ Thị Minh Hạnh, một nhà  đấu tranh cho quyền của người lao động bị giam tù 7 năm từ hồi năm 2010  với cáo buộc dải tờ rơi để đòi hỏi điều kiện làm việc tốt hơn và thu  nhập cao hơn cho người lao động. Anh thấy đó, Việt Nam không có đủ các  căn cứ để bỏ tù người ta một cách lâu như vậy. Vì vậy, giờ là lúc đòi  hỏi Việt Nam cần phải tuyệt đối tôn trọng những nghĩa vụ về nhân quyền  quốc tế.


Bà Isabelle Arradon, phó giám đốc của Ân Xá Quốc Tế phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Bà Isabelle Arradon, phó giám đốc của Ân Xá Quốc Tế phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. (Twitter)
Hiện tại, chúng tôi cần thấy VN phải tuân thủ những cam kết nhân quyền tại chính trong nước của mình trước đã, chẳng hạn, Việt Nam phải để người dân tự do bày tỏ ý kiến cá nhân…đồng thời, chúng tôi cũng kêu gọi VN phải trả tự do ngay lập tức cho những tù nhân chính trị
Isabelle Arradon
Vũ Hoàng: Thưa bà, việc tổ chức Ân Xá Quốc Tế ra thông cáo này cũng trùng với thời điểm Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW có bức thư gửi tới Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng với những khuyến nghị liên quan tới chiếc ghế trong hội đồng Nhân quyền LHQ mà Việt Nam đang tìm kiếm. Bà đánh giá ra sao về vai trò của các tổ chức quốc tế như vậy đối với Việt Nam?
Việt Nam đang muốn đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong LHQ và muốn tìm kiếm sự ủng hộ nhất là về vấn đề nhân quyền, điều quan trọng là Việt Nam cần phải tuân thủ những cam kết của quốc tế về nhân quyền. Tuy vậy, chúng tôi lại chưa thấy sự cam kết tuyệt đối cũng như các trách nhiệm mà chính phủ Việt Nam đang thực hiện. Hiện tại, chúng tôi cần thấy Việt Nam phải tuân thủ những cam kết nhân quyền tại chính trong nước của mình trước đã, chẳng hạn, Việt Nam phải để người dân tự do bày tỏ ý kiến cá nhân… đồng thời, chúng tôi cũng kêu gọi Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho những tù nhân chính trị. Nếu làm được như vậy, chứng tỏ Việt Nam mới có được những dấu hiệu tích cực trong việc thực thi các quyền cũng như nghĩa vụ về mặt nhân quyền quốc tế.
Chúng tôi cũng đã có những báo cáo gửi tới Việt Nam khuyến nghị những thay đổi chẳng hạn Hiến pháp Việt Nam phải bảo vệ quyền cho những người muốn tự do bày tỏ ý hay biểu đạt ý kiến
Isabelle Arradon
Một điểm khác tôi cũng muốn nhắc tới ở đây là tổ chức Ân Xá Quốc Tế vẫn đang theo dõi Việt Nam trong việc bàn thảo sửa đổi Hiến pháp. Chúng tôi cũng đã có những báo cáo gửi tới Việt Nam khuyến nghị những thay đổi chẳng hạn Hiến pháp Việt Nam phải bảo vệ quyền cho những người muốn tự do bày tỏ ý hay biểu đạt ý kiến. Bên cạnh đó, Hiến pháp Việt Nam cũng cần phải được củng phải được tu chính sao cho phù hợp với những gì Việt Nam đã và đang cam kết theo Công Ước Quốc tế về Quyền Chính trị và Dân sự.

Vũ Hoàng: Cám ơn những gì bà vừa trình bày, đó là những gì từ góc độ của Ân Xá Quốc Tế, nhưng theo bà, bản thân Việt Nam cần làm những gì để cải thiện những vấn đề về nhân quyền trong nước?

Isabelle Arradon:Trong bản báo cáo gửi tới Việt Nam chúng tôi có những khuyến nghị chi tiết rằng những nhà vận động dân chủ, tù nhân chính trị hay các nhân vật cổ vũ tự do tôn giáo không bị sách nhiễu, không bị phân biệt đối xử. Bản khuyến cáo của chúng tôi cũng có những điều khoản để giải quyết những tình hình cụ thể trong nước, như sửa đổi những điều luật mơ hồ mà Việt Nam sử dụng để bắt giữ các nhà đấu tranh dân chủ ôn hòa. Đồng thời, việc sửa đổi Hiến pháp mà Quốc hội Việt Nam đang tiến hành cũng cần tập trung vào chỉnh sửa những điều khoản sao cho đi đúng với những Công Ước Quốc tế về Quyền Chính trị và Dân sự.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn bà rất nhiều.
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-11-07

Quốc phòng Việt - Mỹ chậm mà chắc?


Tàu hải quân Mỹ cập cảng ở Đà Nẵng tháng Tư 2012

Một loạt diễn biến đáng chú ‎ ý vừa diễn ra trong tháng 10, cho thấy tiến triển trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước cựu thù, Việt Nam và Mỹ.

Đối thoại chính trị - an ninh - quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 6 đã diễn ra ngày 1/10 tại Washington, DC.

Ngày 20/10, một đoàn liên ngành của Việt Nam được đưa ra thăm tàu sân bay USS George Washington, khi tàu này đi qua vùng biển quốc tế gần Việt Nam.
Và trong hai ngày cuối tháng 10, Việt Nam và Hoa Kỳ có đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng lần 4 tại Washington DC từ 28 đến 29/10.

Đối thoại

Cuộc họp hôm 1/10 có sự tham dự của đại diện nhiều lĩnh vực.

Phái đoàn Việt Nam, do Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu, gồm các đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Phía Mỹ có đại diện của Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Cơ quan Phát triển Quốc tế và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, và do quyền trợ lý ngoại trưởng phụ trách vấn đề chính trị quân sự Tom Kelly dẫn đầu.

Tuyên bố chung cho biết hai bên “hài lòng với tiến bộ đạt được trong mấy năm vừa qua”.

Cuộc họp bàn về một loạt chủ đề hợp tác, như chống khủng bố, chống buôn lậu ma tuý, buôn người, các tội phạm an ninh mạng và thực thi pháp luật.

Hai phía đồng ý sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác về tăng cường khả năng ứng phó thiên tai, tìm kiếm và cứu nạn.

Các vấn đề di sản chiến tranh, như tù nhân chiến tranh (POW) và vấn đề người mất tích trong chiến tranh, chất độc dioxin da cam và các bom mìn chưa nổ, cũng được cam kết sẽ tiếp tục bàn thảo.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tiếp Bộ trưởng Leon Panetta năm 2012
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tiếp Bộ trưởng Leon Panetta năm 2012

Tương tự, tại đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng trong hai ngày 28-29/10, phía Mỹ tuyên bố Mỹ tiếp tục tăng cường quan hệ với các đồng minh cũng như đối tác mới ở Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Cuộc họp lần thứ tư này có sự tham gia của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đối thoại với Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Vikram Singh.

Theo truyền thông Việt Nam, phía Mỹ cam kết tiếp tục tăng cường hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề tẩy độc dioxin, xử lý bom mìn cùng vật liệt nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Đáng chú ý là việc Mỹ nói sẽ cung cấp thông tin cho phía Việt Nam tìm kiếm hài cốt quân nhân Việt Nam đã hy sinh trong chiến tranh.

Theo chuyên gia kỳ cựu về quốc phòng-chính trị Việt Nam, Carl Thayer, hai cuộc đối thoại nằm trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ chính thức năm 2011 và Tuyên bố chung Việt – Mỹ vừa ra hôm 25/7/2013.

Biên bản ghi nhớ năm 2011 đề ra năm lĩnh vực hợp tác: thiết lập đối thoại cấp cao đều đặn giữa hai bộ Quốc phòng, an ninh hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai.

Giáo sư Carl Thayer, trong một bài bình luận hôm 6/11, nói biên bản ghi nhớ này là biện pháp minh bạch nhằm giảm phần nào nỗi sợ từ Trung Quốc rằng Việt Nam và Mỹ thông đồng chống Trung Quốc.

Tiến triển từ từ

Kể từ năm 2011, hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ đã tiến triển theo hướng “thận trọng và chậm rãi”, theo ông Carl Thayer.

Nó phản ánh mong muốn của Việt Nam muốn giữ cân bằng trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc.

Giáo sư Carl Thayer nói Việt Nam chỉ cho hải quân Mỹ cập cảng một lần mỗi năm và vẫn cấm tàu chiến Mỹ được vào Vịnh Cam Ranh.

Tháng Sáu 2012, khi thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đề nghị cho phép lập Văn phòng Hợp tác Quốc phòng tại Sứ quán Mỹ - nhưng Hà Nội vẫn chưa thông qua.


Lãnh đạo hai nước hồi tháng Bảy xác lập quan hệ Đối tác toàn diện

Mỹ cũng chưa gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vì lý do nhân quyền.

Một đột phá trong quan hệ là chuyến thăm Mỹ hồi tháng Bảy của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, gặp Tổng thống Obama ở Tòa Bạch Ốc.

Qua chuyến thăm, hai bên xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ, trong đó có đề cập hợp tác nhân đạo - giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng-an ninh.

Đến tháng Tám, bên lề một hội nghị ở Brunei, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã nhận lời sẽ thăm Việt Nam vào năm 2014.

Theo giáo sư Carl Thayer, từ năm 2003, Mỹ và Việt Nam đồng ý lần lượt để bộ trưởng quốc phòng đi thăm lẫn nhau ba năm một lần.

Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đã thăm Washington năm 2003 và 2009, trong khi người tương nhiệm của Mỹ thăm Hà Nội năm 2006 và 2012.

Giáo sư Carl Thayer dự đoán chuyến thăm năm sau của ông Chuck Hagel có thể cho thấy khoảng cách ba năm được chấm dứt, mở đầu cho những lần gặp nhau thường xuyên hơn giữa hai bộ trưởng quốc phòng.
(BBC)
 

Viên chức lãnh sự Mỹ nhận tội

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ sáu, ngày 08 tháng mười một năm 2013

Sinh viên trình visa vào Mỹ
500 người Việt đã vào Mỹ bằng visa được mua bằng tiền (Ảnh minh họa)

Cựu viên chức phụ trách visa không di dân của tổng lãnh sự quán tại TP. HCM đã thú tội nhận ba triệu đôla hối lộ để cấp khống gần 500 visa vào Mỹ.

Truyền thông Mỹ đưa tin Michael Sestak, viên chức Bộ ngoại giao Mỹ, đã nhận tội tại một tòa án liên bang hôm 6/11.

Theo luật, ông ta có thể bị án tù 24 năm.

Công tố viên Ronald Machen Jr. nói ông Sestak đã “làm vấy bẩn tính liêm chính của quá trình xem xét người tới thăm Mỹ”

Theo ông Machen, động cơ của Sestak là tiền bạc và lòng tham.

Theo tài liệu nộp cho tòa, ông Sestak đã thu vén được 3 triệu đôla, phần lớn được ông ta dùng để mua chín bất động sản ở Thái Lan.

Ông ta làm việc ở tổng lãnh sự tại TP. HCM từ tháng Tám 2010 đến tháng Chín 2012.

Giới chức nói các khoản tiền người Việt nộp cho ông ta dao động từ 15.000 đến 70.000 đôla cho mỗi visa.

Ông Sestak, 42 tuổi, bị bắt giữ tháng Năm năm nay ở bang California.

Bốn người khác cũng bị buộc tội trong vụ án.

Trong số này có Binh Vo, 39 tuổi và em gái Hong Vo, 27 tuổi - cả hai là công dân Mỹ sinh sống ở Việt Nam.

Hai người khác mang quốc tịch Việt Nam, Anhdao Dao Nguyen, 30 tuổi, vợ Binh Vo và Truc Tranh Huynh, 29 tuổi.

Ước tính cả nhóm này thâu được khoảng 10 triệu đôla, trong đó riêng Sestak được 3 triệu đôla.
(BBC)

Ông Hoàng Duy Hùng thất cử ở Houston

Trần Đông Đức
Gửi cho (BBC) từ Hoa Kỳ
Ông Hoàng Duy Hùng (trái)
Ông Hoàng Duy Hùng (thứ hai, phải sang) trong lần thăm nhà riêng Chủ tịch Triết

Cuộc bầu cử 2013 vừa qua không có sự thay đổi lớn đáng kể nào trong hệ thống chính trị ở Hoa Kỳ nhưng đối với cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ đây là cú thay đổi ngoạn mục đến bất ngờ.

Nghị viên quyền lực Hoàng Duy Hùng của thành phố Houston đã thua cuộc với một nhân vật trẻ tuổi hơn ở cộng đồng, ông Richard Nguyễn, với vốn liếng chính trị khiêm tốn mà cho đến bây giờ, ngoài Houston vẫn chưa ai biết đến.

Richard Nguyễn đã quật ngã Hoàng Duy Hùng một cách dứt khoát, không cần đi vào vòng hai như các nghị viên khác ở Houston. Luật sư Hoàng Duy Hùng đã chấp nhận thua cuộc trước số phiếu áp đảo của đối thủ mà trước đây vài tháng ông ta tỏ không quan tâm sự thách thức. Nghị viên thất cử Hoàng Duy Hùng đã thừa nhận ông ta bỏ bê đối thủ vì tin chắc rằng chiến thắng trong tầm tay.

Chiến thắng của Richard Nguyễn đã làm cho cộng đồng chống cộng nổi tiếng ở Houston như nhổ được một cái gai trong mắt bấy lâu. Sự nghiệp chính trị của Hoàng Duy Hùng đi lên từ con đường chống cộng tạo nhiều tranh cãi trong các phe nhóm hội đoàn đến đây coi như chấm dứt.

Nguyên nhân chính là khi nhập vào dòng chính Hoa Kỳ, đường đường trở thành một nghị viên của một thành phố lớn hàng thứ tư nước Mỹ, ông ta đã thoả hiệp với phía cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, trong chuyến viếng thăm Việt Nam gần đây, Hoàng Duy Hùng có những phát biểu làm hài lòng phía quan chức Việt Nam, cào bằng những vấn đề dân chủ và nhân quyền thậm chí khuynh về Việt Nam liên quan đến một số đề tài về tự do tôn giáo. Nhiều nhân vật trong cộng đồng Việt Nam coi đây là sự phản bội trầm trọng đi ngược lại giá trị cốt lõi của đất nước Hoa Kỳ nơi mà ông đang đại diện.

Sau chuyến đi này, giới truyền thông hải ngoại cũng không đụng chạm và thách thức quan điểm tới nhân vật Hoàng Duy Hùng nữa mà xem như nhân vật ở tầm "ngoại giới" vì địa vị chính trị Hoa Kỳ của ông ta.

'Một con đường khác'


"Richard Nguyễn có trong tay chính nghĩa của một cộng đồng tị nạn cộng sản đứng sau"
Trần Trí Hoàng, Việt Kiều
Tuy nhiên cộng đồng Việt Nam tại Houston và những người chống Hoàng Duy Hùng đã tìm một con đường khác.

Theo anh Trần Trí Hoàng, một thành viên trong Ban Tham Mưu vận động bầu cử cho Richard Nguyễn, kế hoạch vận động gặp nhiều khó khăn về thời gian và tài chánh cho đến ngày cuối cùng của thời hạn nộp đơn. Yếu tố khách quan và tình cờ để thách thức "người khổng lồ" Hoàng Duy Hùng làm đối thủ không đề phòng.

Ban vận động dùng các phương thức kinh điển và phổ thông như tự lập danh sách bầu cử, phân phát thông tin đến từng hộ gia cư, chùa chiền, và nhà thờ. Đương kim nghị viên Hoàng Duy Hùng sẵn có guồng máy liên lạc làm việc trôi chảy và khả năng tài chánh do quỹ vận động và các cơ sở thương mại Hoa Kỳ. Đặc biệt, uỷ ban vận động của nghị viên Hoàng Duy Hùng còn mướn một người Mỹ làm trưởng ban vận động.

Đây thực sự là một cuộc tranh cử không cân xứng. Richard Nguyễn hoàn toàn là một nhân vật không được biết đến trong cộng đồng Việt Nam cho nên không có sự huy động nào ngoài Houston. Yếu tố khách quan do chuyện tranh cử giữa hai người gốc Việt sẽ không tạo nên tin thần ủng hộ đồng bào Việt Nam như khi ứng cử viên tranh cử với người bản xứ.

Nhưng với sự tự tin của người ủng hộ phe chiến thắng, anh Trần Trí Hoàng tin rằng: "Richard Nguyễn có trong tay chính nghĩa của một cộng đồng tị nạn cộng sản đứng sau. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại nói chung không thể bị Hoàng Duy Hùng xúc phạm".

Với một thái độ dứt khoát và cảm xúc có phần cá nhân chồng chất bấy lâu về nhân vật Hoàng Duy Hùng, Trần Trí Hoàng còn cho rằng "yếu tố khinh địch đối phương mà bị thua không phải là toàn bộ câu chuyện. Trên tất cả đó là vấn đề lập trường và nhân cách của hai ứng cử viên.

Lập trường tạo nhân cách. Không ai có thể chấp nhận được chuyện một nghị viên Hoa Kỳ tiếp xúc với phái đoàn ngoại giao Việt, tới tận tư gia của họ ở Việt Nam và nói lên những điều trái ngược với niềm tin và nguyện vọng của một cộng đồng hải ngoại như thế!"

'Nghị Viên Bí Mật'

Bầu cử ở Houston
Ông Richard Nguyễn (ngoài cùng, trái) là một đối thủ 'kém tên tuổi' trước khi giành chiến thắng bất ngờ

Trả lời với thông tín viên BBC, ông Hoàng Duy Hùng coi đây là ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời. Không chỉ chúc mừng tâm nghị viên theo lối xã giao Hoa Kỳ mà Hoàng Duy Hùng còn thừa nhận phe "Bế Quan Toả Cảng" đã thắng. Phiếm chỉ về một trạng thái cự tuyệt ngoại giao với "Tây Phương" dưới thời nhà Nguyễn mà ông gán cho cộng đồng Việt Nam ủng hộ Richard Nguyễn, trong một bức thư, Hoàng Duy Hùng không giấu được cảm xúc chua chát mà ông gọi là "quê và nhục" là đã thua cuộc trước một đối thủ "vô danh".

Hiện nay, người Việt khắp nơi đang háo hức về thông tin về một tân nghị viên "bí mật" Richard Nguyễn. Chỉ biết được qua một số thông tin từ thân hữu: Nguyễn là một người trẻ, có năng lực và một lập trường vững chắc. Thân phụ của anh là một cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Richard Nguyễn cũng từng là một nhà giáo tại Hoa Kỳ nên anh ta sẽ rất quan tâm đến vấn đề giáo dục và an sinh của người dân trong vùng.

Do sự thiết kế về cấu trúc chính trị Hoa Kỳ, nghị viên thành phố Houston là một trong những đơn vị dân cử quyền lực nhất là người Mỹ gốc Việt đạt được. Người Mỹ gốc Việt tuy đã đạt tới chức dân biểu Hoa Kỳ như Cao Quang Ánh (nay đã mãn nhiệm) và Tạ Đức Trí, đương kim thị trưởng Westminster ở California nhưng Houston vẫn là một đơn vị thành phố có giá trị thực quyền liên quan đến ngoại giao và thương mại cho toàn liên bang Hoa Kỳ.

Làm nghị viên thành phố, luật sư Hoàng Duy Hùng trước đây từng tham gia vào các đề án của thành phố và tạo sức xúc tác kinh tế thương mại với nhà cầm quyền Việt Nam và cả Trung Quốc.

Sự thất cử của một người gốc Việt vào tay một người gốc Việt khác đang trở nên một đề tài thú vị. Người Việt khắp nơi trên đất Hoa Kỳ dường như đang đợi tân nghị viên Richard Nguyễn xuất hiện.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, người đang là chủ biên tờ Người Việt Đông Bắc tại Hoa Kỳ.
(BBC)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét