Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Lý do phụ huynh Việt bất an về sao Hàn Quốc?


Hoạt động xuất khẩu văn hoá Hàn Quốc đang làm sống động thuật ngữ kinh doanh sao điện ảnh, sao nhạc pop.
TIN LIÊN QUAN

Ngoài công nghiệp truyền thông (media industry, có lúc là công nghiệp truyền thông giải trí/Media and Entertainment industry), công nghiệp nhạc toàn cầu (global music industry), khả năng tiêu thụ (marketability)… thường gặp trong quan sát quốc tế hiện tượng “nhạc Hàn”, là, sản xuất kinh doanh thần tượng (idol making biz), thị trường thần tượng kiểu Mỹ (US idol market), những kế hoạch kinh doanh hoàn hảo các thần tượng nhạc Hàn” (K – music idols well thought out business plans)...
Lò đúc sao Hàn
Điều gì khiến một nền sản xuất kinh doanh thần tượng điện ảnh /âm nhạc sinh sau đẻ muộn ở phương Tây gây được cơn sốt văn hoá Hàn (Korean fever)? Ta cùng trở lại với bài viết của tờ Le Monde tháng 6/2011 về kế hoạch “đánh chiếm lô cốt đầu cầu” Paris của Cty tiêu khiển SM Entertainment, một con sóng tiên phong của Hàn lưu.
Kim Young - min, giám đốc điều hành của SM Entertainment bật mí với tờ Le Monde: “Quá trình dựng và huấn luyện các ban nhạc trẻ (60 nhóm nhạc và ca sĩ) được lập trình kỹ cho tới từng chi tiết nhỏ, đây là một cuộc chọn lọc tàn khốc (impitoyable) về giọng hát, nhưng hàng năm vẫn lôi cuốn tới hàng vạn ứng viên ở khắp Hàn quốc đến thử tài".

“Sao” Song Seung Hun từng thành công trong phổ biến mốt kẹo mút ở Hà Nội.
“Sao” Song Seung Hun từng thành công trong phổ biến mốt kẹo mút ở Hà Nội.
Sau đó là một khóa đào tạo từ 3 đến 5 năm tại Học viện của SM Entertainment. Các bài giảng về thanh nhạc, vũ đạo, và cả học tiếng (Anh).
“Trong giai đoạn này, chúng tôi làm mọi điều có thể, để khuếch đại nét đặc sắc, nét nổi bật trong cá tính của mỗi diễn viên tương lai. Quá trình này bao hàm cả các biện pháp cực đoan, như trông cậy vào phẫu thuật thẩm mỹ", Kim Young - min tiết lộ.
“Chúng tôi đã khái toán rằng sẽ mất khoảng 2 năm để thực hiện ý tưởng. Chúng tôi quan sát (các nhóm) khoảng 20 học sinh trong quá trình đào tạo. Chúng tôi tìm cô cậu nào khả dĩ đáp ứng cao nhất ý đồ, và những ai đáp ứng được xu thế hiện hành. Nếu chúng tôi muốn tạo ra một nhóm nhạc, chúng tôi phải xác định được những ai hát tốp ca với nhau thì hợp”.
Các nấc trình độ sẽ được thực hiện cùng với các nhà tạo mốt thời trang, cho phép tạo dựng một diện mạo cho một nhóm nhạc mới, hoặc một ca sĩ mới. “Từ khi nhập trường cho tới khi ca sĩ/nhóm nhạc mới xuất hiện, với một danh hiệu, sẽ mất từ 100 – 200 triệu won (tiền Hàn, 1 won bằng khoảng 18 đồng tiền việt ) cho mỗi tiến trình thực hiện ý tưởng mới”. 
Tham chiếu
Công nghệ/cơ chế sản xuất sao (mechanism of making star) như trên không quá lạ lẫm với khán giả Việt Nam. Trên các kênh của Liên Xô, Nga có chương trình Sao Mai (Утренняя звезда), tương tự như Sao Mai điểm hẹn của Việt Nam, tới đầu những năm 2000 đổi tên thành “Nhà máy sao” (Фабрика звёзд), trên kênh TV1 của Nga. Đây là chương trình âm nhạc từ dự án Star Academy[1] có xuất xứ từ Hà Lan bởi hãng Endemol.
Ở  Anh, nó thành chương trình TV Fame Academy (Học viện sao), Big Brother (Anh cả), ở Pháp là Star Academy, ở Tây Ban Nha là Operación Triunfo… nó có mặt ở nhiều châu lục. Chương trình gần với ý tưởng của Endemol  ở Trung quốc là Super Girl, ở Hàn là Showvival...

Khi nhìn thấy Kim Hyun Joong, nhiều fan Việt sướng run và khóc ngất. Các fan khác ai nấy lăm lăm máy quay, máy ảnh, điện thoại để ghi lại những khoảnh khắc của anh tại Việt Nam.
Khi nhìn thấy Kim Hyun Joong, nhiều fan Việt sướng run và khóc ngất. Ảnh Internet

Các chương trình kiểu “Nhà máy sao”, “Học viện sao” chọn lọc các ngôi sao của nghệ thuật quần chúng (không chuyên), tạo ra một sự cạnh tranh giữa họ với nhau để nâng cao hiểu biết về văn hoá biểu diễn, và năng lực thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ. Thông thường, dự án khởi đầu bằng chương trình casting, từ hàng ngàn ứng viên ban giám khảo chọn ra từ hàng nghìn ứng viên chỉ khoảng 15 – 17 em. Một nhúm tính bằng phần nghìn những tài năng trẻ này qua được vòng thi tuyển nhờ hơn chúng bạn mình về hát hay, múa dẻo, phong cách nghệ sĩ, ngoại hình…
Các tài năng trẻ được đưa vào “Nhà dành cho sao”, nơi các em học hát, múa, nghệ thuật biểu diễn, tâm lý học, rèn luyện thể hình… cũng như các khóa dạy về kiến thức cơ bản về kinh doanh giải trí (show business) của trong nước và quốc tế, trong điều kiện, gần như “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Giai đoạn áp chót của dự án kiểu “Sao Mai” (Nga), “Học viện sao” (Tây Âu) thể hiện sự khác biệt với “lò đúc sao” của Hàn. Khác với các “sao” Hàn chưa ra ràng, cần được tôi đúc trong khuôn kín vài năm liền, các “sao mai điểm hẹn” ở Nga, châu Âu, châu Mỹ… chỉ sau đôi tháng tập huấn, phải bắt tay vào thực tập tự tổ chức, và tự tiến hành các cuộc biểu diễn nghệ thuật trên quảng trường phía trước “Nhà dành cho sao”, để tự mình kiếm tiền bằng lao động nghệ thuật đã qua bổ túc chính qui, và năng lực sáng tạo của mình.
Tháng cuối cùng của dự án “Học viện sao”,  cứ tuần một lần, các “sao mai” cùng một “loạt sản xuất sao” xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, thường là tối thứ sáu, hoặc thứ bảy. Trong chương trình thời lượng hai tiếng, các sao nhí “báo cáo” với khán giả truyền hình các tiết mục “tự biên tự diễn” của mình trong tuần vừa qua. Cũng có khi các em biểu diễn cùng với những minh tinh nhạc nhẹ, mà nhiều người trong đó từng được “sản xuất” bởi “nhà máy sao”. Con đường nghệ thuật của các em được quyết định bởi các buổi biểu diễn báo cáo này, khi các em được Ban giám khảo và cả khán giả bình xét qua gửi tin nhắn. Vào ngày đầu tuần, các kết quả bình xét từng em sẽ thông báo ai sẽ phải rời cuộc chơi nghệ thuật theo mô hình “học viện sao” kiểu Tây Âu. Còn các “sao mai” sáng nhất, đoạt được giải trong các cuộc thi này, thường được thưởng một khoản tiền từ nhà tài trợ. Ý tưởng Star Academy được xem là thành công nhất ở Pháp, và ở Nga.
Sau 9 năm (2002 – 2011), qua chương trình “Sao Mai” trên kênh TV1 của Nga, người xem đã được “tặng” thêm, ngoài nguồn chính ngạch khoảng 30 danh ca, và khoảng 30 nhóm nhạc nhẹ, trẻ và tài năng, do dự án kiểu “Học viện sao” của Anh (chỉ kéo dài khoảng 4 tháng) sản xuất ra.
Mục tiêu của các chương trình kiểu ‘Sao Mai” là phát hiện và nâng đỡ, “căn chỉnh” các tài năng trẻ về nghệ thuật biểu diễn, bao cấp phần nào về nghệ thuật cho mầm non của giới nghệ sĩ “tài tử”, tạo cơ hội cho họ bước vào biểu diễn nghệ thuật một cách trong sạch, chính tắc.
Còn công nghệ sản xuất sao Hàn là hoàn toàn nhằm mục đích thương mại. Theo tờ “Thời báo Hàn quốc” (The Korea Times) tháng 4/2011, SM Entertainment, YG Entertainment, JYP Entertainment (các Hãng môi giới trung gian Hàn quốc về giải trí, vốn dĩ chỉ chạy theo đồng tiền[2].
Các bài báo về “mặt tối” của nhạc Hàn pop cho rằng sau nhiều năm trong “lò”, nhiều sao Hàn còn tiếp tục bị trói vào các “hợp đồng nô lệ” với thời gian tổng cộng lên tới 13 năm liền, để bù đắp cho chi phí đào tạo họ về kỹ năng, về thời trang, quảng cáo, ăn ở, chi bởi các hãng như SM Entertainment…
Nhạc pop Hàn khác với nhạc nhẹ của Nga (эстраднaя музыкa) chẳng hạn, không hề có định hướng phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Một cách chính thức, nó chỉ nhận làm chức năng giải trí, và khá quyết đoán trong mưu toan “đem chuông đi đấm nước người”.
Tuy nhiên, chính các “sao Hàn” khá nổi tiếng như PSY, Shin Yeon-ah… hiện vẫn ngờ rằng tầm hiểu biết về văn hoá, và “chiều sâu” về ca nhạc, dù chỉ là của nghệ thuật quần chúng, của K – pop hiện tại, sẽ tiếp tục biến các sao Hàn thành những con ngỗng bị rán (peep in a pan) trên các “chảo lửa”, dễ “vồ vập” những cái lạ, nhưng lại khá tinh tế của thị trường âm nhạc Âu - Mỹ.
Phê phán
Những từ ngữ gặp được phê bình nhạc pop Hàn: “tiếp thị về chính trị” (political marketing), xâm lăng (invasion)[3] về văn hoá, nhạc lẩu (cocktail music), gieo giống cho quyền lực mềm (về kinh tế, và không kinh tế)[4] của Hàn quốc thông qua nhạc pop (Korea’s cultivation of soft power through pop), ngoa truyền (hyperbolic exaggerations), quảng bá lố lăng (ridiculous puffery) lây lan như virus (viral distribution), phản thẩm mỹ (artistic values non-existent)…
Trong phê bình nhạc Hàn, hiện có cả sự phê bình tỉnh táo mang tính học thuật, lẫn sự phê bình do “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi”[5], và cả sự phê phán gay gắt từ những thế lực cùng “hình thức canh tác” như nhạc pop Hàn, nhưng thu hoạch kém hơn nhiều.
Sự chống đối, hay cấm đoán con cái “nghiện” nhạc Hàn, phim Hàn… sẽ vô dụng, tựa như sự trấn an rằng  sùng bái thần tượng ngoại sẽ “tự nhiên” qua đi, khi hết tuổi teen. Vì ở thượng nguồn của các con sóng Hàn lưu, đang nỗ lực chăm lo sao cho các “fan” vẫn giữ được “niềm say mê K – pop ngay cả khi họ đã lớn lên”[6].

Nhưng xét cho cùng, phụ huynh Việt chắc chỉ quan tâm đến việc thế giới quan và nhân sinh quan của con mình có bị lung lạc khỏi các chuẩn mực dân tộc ngàn năm. Nỗi lo này, không hề hoang tưởng, và ngày một lớn lên, vì từng giờ, từng phút, “làn sóng Hàn” đang thay đổi hướng đích của không ít trong con cái chúng ta.
Chú thích:
[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Star_Academy
[2] http://www.koreatimes.co.kr/www/news/biz/2011/04/123_85219.html
[3] Bài viết: 1959: The Kim Sister and the Korean Invasion
[4] South Korea adds culture to its export power, NY, 29/6/2005.
[5] Đơn cử bài viết về trào lưu chống nhạc Hàn ở Nhật gần đây:
 http://www.soompi.com/news/talk-of-the-town-antikorean-wave
[6] http://www.koreatimes.co.kr/www/news/biz/2011/04/123_85219.html
Lê Đỗ Huy (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét