Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Quan trường VN: hay không bằng gian? - Thả tù chính trị, Việt Nam muốn đổi gì? - Đã tới lúc cần giải tán quốc hội bù nhìn!

Quan trường VN: hay không bằng gian?

Nhiều vấn đề nhân sự quan trọng được đưa ra Trung ương Đảng bàn bạc

Thử đặt vào trường hợp:

Đang ở nơi đô thành náo nhiệt đột nhiên phải về chỗ đìu hiu hút gió; công việc đã vào guồng phải khởi động lại từ đầu; các mối quan hệ gầy dựng bao lâu giờ chẳng còn tác dụng gì nhiều.

Như thế liệu có dễ chịu?

Nhưng ít nhất 44 vị vừa được luân chuyển từ trung ương về địa phương vừa rồi chẳng ai từ chối.

Ẩn mình chờ thời?

Theo thông báo chính thức thì 44 vị ở cấp thứ trưởng và vụ trưởng được đưa về làm phó bí thư và phó chủ tịch các tỉnh thành trong khoảng thời gian từ nay đến Đại hội Đảng.

Điều này được hiểu là thử thách để rèn luyện các vị.

Có câu: ‘Lửa thử vàng, gian nan thử sức’. Tình hình chính trị-kinh tế-xã hội các địa phương, nhất là những địa bàn khó khăn phức tạp, sẽ là ‘lò lửa’ để thử xem ‘vàng’ của các vị tới đâu.

Luân chuyển cán bộ, do đó, tôi nghĩ, là một chính sách hay trong việc dùng người, nhất là đối với những vị có triển vọng nhưng cần được rèn luyện.

Ngồi lâu một chỗ sẽ mọc dây mơ rễ má rồi quan hệ chằng chịt rất dễ phát sinh tiêu cực nên sau một thời gian cần phải bứng đem đi chỗ khác.

Thực tế địa phương sẽ làm giàu vốn sống của họ, và khi lăn lộn với thực tiễn họ sẽ có thêm nhiều khả năng xử lý công việc.

Một khi đi từ trung ương xuống địa phương, các vị này sẽ bớt nặng nề những chính sách vĩ mô và bước gần đến cuộc sống của người dân. Họ sẽ có điều kiện gần dân hơn, lắng nghe dân rõ hơn và hiểu dân hơn.

Đây là những hành trang rất hữu ích nếu sau này họ có lên làm lãnh đạo ở tầm cỡ quốc gia.

Các cán bộ đi luân chuyển sẽ được đánh giá như thế nào?
Có điều vàng thật hay vàng giả thì chưa biết nhưng gần như chắc chắn là 22 vị trong số này sẽ được vào Ban chấp hành Trung ương khóa tới.

Điều này khiến người ta không khỏi nghi ngờ, vì như thế thì thử thách gì nữa?

Các vị đã chắc suất liệu có còn động cơ phấn đấu? Vì làm nhiều chỉ tổ sai nhiều và đụng chạm nhiều.

Tại sao không để cho tất cả họ cạnh tranh bình đẳng với nhau và ai thật sự nổi trội, dám nghĩ, dám làm và làm được thì được chọn?

Với lại, tôi không rõ khi đưa các vị này đi thì có đặt ra những tiêu chí cụ thể nào hay không: chẳng hạn sau hai năm phải làm được những gì, phải đạt những chỉ tiêu cụ thể gì để có cái mà đánh giá.

Nếu không thì luân chuyển chẳng khác nào đưa cán bộ về làm cảnh rồi thôi.

Trong danh sách luân chuyển có người về những địa bàn đặc biệt khó khăn như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu… để rèn luyện nhưng cũng có vị về lại địa bàn đầy thuận lợi của ông, cha mình.

Cùng là luân chuyển, nhưng bên Trung Quốc họ thử thách ông Hồ Xuân Hoa ở Tây Tạng rồi Quảng Đông trong khi ông Trương Đức Giang, mặc dù đã được nhắm một chỗ trong Thường vụ Bộ Chính trị, bị đẩy vào ‘lò lửa’ ở Trùng Khánh để xử lý mớ bòng bong sau khi Bạc Hy Lai sụp đổ.

Còn luân chuyển như ở Việt Nam thì có khác nào ‘ẩn mình chờ thời’?
Cơ cấu tốt hay xấu?

Có thể thấy việc dùng người ở Việt Nam hiện nay tất cả tựu chung về hai chữ ‘cơ cấu’.

Phân nửa trong số 44 vị trên là đã được ‘cơ cấu’, còn phân nửa còn lại không được cơ cấu thì còn lâu mới vào được Trung ương.

Thật ra nếu họ vẫn có cơ hội vào Trung ương nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc. Nhưng nếu lý luận thế thì 22 vị được cơ cấu đã có thành tích đặc biệt xuất sắc gì rồi?

Nếu nói đó là do cấp bậc giữa họ khác nhau thì cấp bậc có liên quan gì đến tài năng một khi đã đưa họ ra thử thách?

Ông Nguyễn Thanh Nghị được đưa về nơi mà cha ông có ảnh hưởng lớn

Nhưng nói gì thì nói, trong nền chính trị Việt Nam không cơ cấu không xong.

Bởi lẽ đây là hình thức chọn nhân sự duy nhất trong một hệ thống không có bầu cử, đề cử thực chất.

Những đề cử mà chủ tịch hay thủ tướng đưa ra trước Quốc hội đều do Đảng cơ cấu hết và đề cử chỉ để ‘làm màu’, và một Quốc hội mà ai cũng biết là ‘Đảng cử dân bầu’ thì cũng chỉ gật đầu lấy lệ.

Còn bầu cử thật ở những kỳ hội Đảng thì các đại biểu chỉ bầu theo các danh sách có số dư chút đỉnh đã được các lãnh đạo khóa trước sắp xếp từ trước. Được bầu nhưng tự do bầu cử chẳng có là bao.

Bản thân Đảng cũng không có cạnh tranh bầu lãnh đạo. Chưa thấy các ứng viên đứng ra vận động đảng viên bỏ phiếu cho mình với chương trình và cam kết rõ ràng.

Như vậy, với cách cơ cấu kiểu này, một mình Đảng, chính xác là các lãnh đạo cấp cao của Đảng, thao túng hoàn toàn vấn đề cán bộ của Đảng và nhân sự của đất nước.

Đảng không cần cạnh tranh với ai thì mắc gì người của Đảng phải cạnh tranh với nhau?

Về nguyên tắc, ‘cơ cấu’ là chọn người tài đức để đảm đương các trọng trách của Đảng. Chỉ có điều đây là lựa chọn sớm chứ không phải chọn là lên ngay. Nếu đợi đến khi cần người mới chọn thì không kịp.

Mục đích của việc cơ cấu là giúp cho nhân sự của Đảng được chủ động, ổn định, xuyên suốt. Cấp trên cơ cấu cấp dưới. Khóa trước cơ cấu khóa sau.

Mọi việc cứ thế tuần tự mà đi không có gì đột phá và bị chi phối hoàn toàn bởi ý chí chủ quan của con người.

Có sơ hở không?

Các ông Hồ Đức Việt và Tô Huy Rứa lần lượt được giao công tác cán bộ của Đảng

Tuy nhiên liệu công tác nhân sự bằng cách cơ cấu có chọn ra được nhân tài cho đất nước? 44 vị được chọn đi luân chuyển và 22 vị được nhắm vào Trung ương đó có thật sự là tinh hoa trong thế hệ kế cận của Đảng?

Vấn đề nhân sự vốn hệ trọng, nhất là nhân sự từ cấp ủy viên Trung ương trở lên, nên không phải là công việc của một người hay một vài người mà của một tập thể trong Đảng.

Ban Tổ chức Trung ương có nhiệm vụ theo dõi, đánh giá và đề xuất còn quyết định thế nào là của Bộ Chính trị, Ban bí thư và nếu cần thì họp toàn thể Trung ương Đảng.

Ông Trần Lưu Hải, phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, khi trả lời báo chí trong nước đã nói rõ rằng quá trình xem xét 44 vị đi luân chuyển có sự tham gia ý kiến và thăm dò tín nhiệm ở cấp ủy trực tiếp, cấp ủy cấp trên, Đảng ủy nơi cư trú và Đảng ủy nơi tiếp nhận.

Một công việc có sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị ở cấp cao như thế và đi qua nhiều quá trình như thế ắt hẳn phải hết sức chặt chẽ và khách quan?

Nhưng cũng trên báo chí trong nước, một cựu phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương khác là ông Nguyễn Đình Hương lại cảnh báo về việc ‘chạy’ để được luân chuyển.

Ông Hương là người nắm công tác cán bộ của Đảng trong nhiều năm. Không phải tự dưng mà ông nói vậy.

Chức quan bao giờ cũng thứ ‘tài nguyên’ béo bở nhất trong các loại tài nguyên. Bao người thèm thuồng và đều muốn giành giật bằng được.

Những người làm công tác nhân sự của Đảng, do đó, rơi vào tình huống khó xử nhưng dễ hư.

Các nhà lãnh đạo phương Tây phải chịu trách nhiệm trước người dân về lựa chọn nhân sự của mình
Nếu tôi vì lẽ công mà xét chọn người tài thì có lợi cho đất nước nhưng lại có thể rước họa vào thân: chẳng những không xơ múi được gì mà còn mất quan hệ rồi còn bị người này người kia thù ghét.

Còn nếu tôi vì lẽ riêng thì cái lợi cho bản thân là rõ ràng trong khi cái hại cho đất nước thì còn xa vời. Hại hay không cũng chẳng ăn nhằm gì tôi và cũng chẳng ai truy ra mà quy trách nhiệm cho tôi cả.

Hơn nữa với đồng lương của cán bộ hiện nay thì dại gì mà không ‘ngậm miệng ăn tiền’? Nếu ai cũng thế thì mình tôi làm được gì?

Còn lại những thủ tục như đồng ý của cấp ủy, tín nhệm của tổ chức thì có khó gì nếu cán bộ đi luân chuyển có quan hệ lớn và rộng? Theo lời ông Hải thì việc bầu cử để đưa cán bộ luân chuyển vào chính quyền địa phương còn có cách ‘tránh bầu không trúng’ được cơ mà?

Người của mình

‘Quan hệ’ hay ‘tiền tệ’ có thể xảy ra với công tác cán bộ ở nhiều cấp, nhưng ở cấp các vị đi luân chuyển chẳng phải quyền quyết định ở Bộ Chính trị và Ban Bí thư hay sao?

Cần lưu ý là trong những người đi luân chuyển có một số vị có quan hệ thân thuộc với các ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm. Về lý thì các ủy viên đấy không nên bỏ phiếu khi có liên quan đến người thân của mình.

Đấy chỉ là mới nói về người thân, ai dám chắc là trong số những cán bộ luân chuyển còn lại không có những vị cùng phe cánh với ủy viên Bộ Chính trị nào đó?

Mà ai chẳng muốn đưa càng nhiều người của mình vào càng tốt để đảm bảo cho vị thế của mình?

Nếu một ủy viên Bộ Chính trị biểu quyết chọn người tài thì vị đó cũng cần đa số ủy viên khác đồng ý với mình.

Tại sao người dân không có quyền làm chủ trong vấn đề chọn lãnh đạo?

So với bỏ phiếu cho người nhà hoặc thuộc phe cánh của các vị kia để đổi lại các vị kia bỏ phiếu cho người nhà hoặc phe cánh của mình thì cách nào dễ dàng hơn?

Lý thuyết thì có khả năng như thế nhưng tôi nghĩ các vị ủy viên Bộ Chính trị, những cán bộ ưu tú nhất của Đảng, lẽ nào không biết phân biệt rõ ràng việc công việc tư?

Tuy nhiên, khi đã để cho ý chí chủ quan quyết định về nhân sự thì không tránh khỏi thị phi. Bản thân ai cũng có thể bị lợi ích cá nhân của mình chi phối.

Chỉ có người dân, thông qua các đại diện thật sự của mình ở Quốc hội, mới có lợi ích tối cao trong việc chọn lựa người tài đức ra phục vụ đất nước mà cũng chính là phục vụ quyền lợi của chính họ.

Ở các nước phương Tây, các vị nguyên thủ do được dân bầu đã đành mà khi chọn người cho nội các họ còn phải cân nhắc ý kiến của Quốc hội và nhân dân.

Cho nên Tổng thống Mỹ Barack Obama dù rất muốn đề cử bà Susan Rice làm ngoại trưởng nhưng không được, còn Tổng thống Pháp Francois Hollande phải thay ngay thủ tướng khi người dân bày tỏ sự bất mãn trong kỳ bầu cử vừa qua.

Trường hợp Việt Nam, đã không có bất cứ hình thức cạnh tranh nào để chọn ra người tài mà người dân còn bị tước đi cái quyền giám sát của mình thì công tác cán bộ trở thành ‘hố đen’ tiêu cực.

Trong cái ‘hố đen’ ấy, nếu ai đó có đủ sức mạnh và quyền uy thì hoàn toàn có thể khuynh loát việc đặt ai ngồi đâu và cho ai làm gì. Cho nên mới có chuyện cha truyền con nối như ở Bắc Hàn và anh xuống, em lên như ở Cuba.

Và khi quan trường bị chi phối bởi ‘hậu duệ, quan hệ, tiền tệ’ thì thủ đoạn, chứ không phải tài năng, mới là yếu tố giúp dễ dàng leo cao.
Nguyễn Lễ
Theo BBC 

Thả tù chính trị, Việt Nam muốn đổi gì?

Tiếp xúc Ngoại giao Mỹ - Việt
Việt Nam muốn giảm sức ép và cải thiện hình ảnh trước quốc tế, theo nhà quan sát.

Việt Nam hướng tới ít nhất năm mục tiêu trong đợt thả tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm đã đang diễn ra từ mùa Xuân năm 2014, trong đó mục tiêu tạo hình ảnh mới sau khi giành ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và tìm cách thoát ly ảnh hưởng của Trung Quốc là các lý do chính, theo một nhà quan sát Việt Nam từ châu Âu.

Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 13/4/2014 từ Thụy Sỹ, bình luận về động cơ thực sự đằng sau các vụ 'bắt - thả' tù nhân chính trị của Việt Nam lần này, mà mới nhất là các tù nhân Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức Hồi, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Hữu Cầu được thả tự do, một cựu Vụ Phó Bộ Ngoại giao VN cho rằng có 5 mục tiêu chính.

"Thứ nhất là giảm sức ép; giảm ảnh hưởng đối với ông bạn láng giềng (Trung Quốc); tạo thêm bạn mới, tạo thêm những liên minh mới; những lợi ích làm ăn về kinh tế và tạo hình ảnh," ông Đặng Xương Hùng, nguyên Lãnh sự Việt Nam tại Geneva nói.
"Thứ nhất là giảm sức ép; giảm ảnh hưởng đối với ông bạn láng giềng; tạo thêm bạn mới, tạo thêm những liên minh mới; những lợi ích làm ăn về kinh tế và tạo hình ảnh" - Ông Đặng Xương Hùng
"Tạo hình ảnh nhất là Việt Nam sau khi đã vào Hội đồng Nhân quyền, rồi những cam kết của Việt Nam trong tôn trọng nhân quyền cũng là một trong những nhu cầu tạo ảnh hưởng và tôi nghĩ rằng đợt rồi Bộ Ngoại giao, tiếng nói đã lên trong vấn đề thuyết phục được các đối tượng liên quan, để mà có những thay đổi như vừa rồi."

Theo cựu quan chức ngoại giao, một mục tiêu rất lớn mà Việt Nam đang hướng tới là gia nhập vào Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), được cho là một động thái giúp Việt Nam giảm đi lệ thuộc vào Trung Quốc, nhưng do đó, Việt Nam phải cải thiện thành tích nhân quyền của mình để đáp ứng điều kiện.

Tuy nhiên, động thái chuyển hướng mới có thể làm cho Trung Quốc, quốc gia được cho là muốn giữ Việt Nam trong vòng ảnh hưởng vụ lợi cho Bắc Kinh, không 'khoái lắm', ông Xương Hùng nói tiếp:

"TPP là một trong những bước đi của Việt Nam để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, tất nhiên tôi nghĩ rằng Trung Quốc không khoái lắm trong cái này, những thay đổi, nhất là những thay đổi về tư duy, Trung Quốc không khoái lắm bởi vì Trung Quốc luôn muốn Việt Nam nhất nhất phải đi theo cách mà Trung Quốc muốn."
'Muốn gửi tín hiệu mới'
 
Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Hôm 12/4, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói với BBC ông cho rằng Việt Nam nên có những thận trọng nhất định trong quan hệ đối ngoại với Trung Quốc.

Ông lưu ý: "Nước nào cũng vậy, không chỉ là Việt Nam và Trung Quốc, đều muốn những nước láng giềng của mình giữ một mối quan hệ hữu nghị với mình, và nếu gần gũi về mặt quan điểm thì càng tốt,

"Đặc biệt là Trung Quốc cũng tìm nhiều cách để mà tác động đến Việt Nam, làm ảnh hưởng đến Việt Nam, mà trong đó có những tính toán không có lợi cho Việt Nam, bởi vì vậy, tôi nghĩ là Việt Nam cũng phải khôn ngoan để nhận ra là mình nên đi con đường nào,
Vợ chồng TS Hà Vũ tới Mỹ
TS Cù Huy Hà Vũ sang Mỹ 'chữa bệnh' ngay sau khi được thả ra tù hôm 7/4/2014.

"Trong khi mình giữ một mối quan hệ láng giềng thân thiện với Trung Quốc, thì mình cũng phải đảm bảo quyền lợi dân tộc mình, mà quyền lợi dân tộc mình phải là cái được đề cao hơn."

Về động cơ của Việt Nam trong đợt thả các tù nhân chính trị và lương tâm đợt này, đặc biệt về những gì Việt Nam được cho là muốn được đổi lại, Giáo sư Thuyết nhận định:

"Khi trả tự do cho một số nhân vật mà người ta vẫn gọi là bất đồng chính kiến như vậy, rõ ràng Việt Nam muốn gửi đi một tín hiệu đối với quốc tế về sự đổi mới trong quan niệm của mình, và nó là điều mà tôi nghĩ là lợi nhất,
"Đặc biệt là Trung Quốc cũng tìm nhiều cách để mà tác động đến Việt Nam, làm ảnh hưởng đến Việt Nam, mà trong đó có những tính toán không có lợi cho Việt Nam, bởi vì vậy, tôi nghĩ là Việt Nam cũng phải khôn ngoan để nhận ra là mình nên đi con đường nào" - GS Nguyễn Minh Thuyết
"Thế còn về khả năng tham gia vào một số hiệp định hợp tác, như Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương chẳng hạn, chắc đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để cho đối tác của Việt Nam dễ chấp nhận Việt Nam hơn..."
'Không ảnh hưởng an ninh'

Theo Giáo sư Thuyết đợt thả tù nhân chính trị và lương tâm đợt này đã được Việt Nam 'cân nhắc' kỹ lưỡng. Ông nói:

"Trong trường hợp này tôi cho rằng chính quyền cũng đã cân nhắc thấy rằng việc trả tự do cho một số người bất đồng chính kiến như vậy cũng không có ảnh hưởng gì lớn đến an ninh của mình, nên mới có thể làm."

Cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng đợt thả tù nhân đã đang diễn ra này 'chắc chắn' có sự tác động 'đặt vấn đề' của cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế, đặc biệt trong đó là vai trò của Hoa Kỳ, mà gần đây thông qua chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng John Kerry.

Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, thứ hai từ trái, được ra tù hôm 12/4/2014

Nhân dịp này, Giáo sư Thuyết cho rằng Việt Nam nên thay đổi cách nhìn với giới bất đồng chính kiến ôn hòa, ông nói:

"Trong một xã hội dân chủ, việc một số người có ý kiến khác với chính quyền, thì chuyện đó cũng là chuyện bình thường, không có vấn đề gì quá đặc biệt, đến mức phải cách ly họ khỏi cuộc sống, trừ trường hợp mà họ cầm vũ khí chống lại chính quyền, nhà nước, thì cái đó ở nước nào người ta cũng phải xử lý thôi."

Hôm thứ Bảy, một cựu thành viên Ban Cố vấn Thủ tướng Chính phủ thời kỳ nội các Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói với BBC có ba lý chính tác động vào việc thả tù nhân chính trị của Việt Nam lần này.
"Sau khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của LHQ, thì sự chú ý của công luận của thế giới đối với tình trạng nhân quyền của Việt Nam đã tăng lên rất rõ rệt" - TS. Lê Đăng Doanh
"Vừa qua, sau khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của LHQ, thì sự chú ý của công luận của thế giới đối với tình trạng nhân quyền của Việt Nam đã tăng lên rất rõ rệt," Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC từ Hà Nội.

"Và những người hoạt động để ủng hộ và bảo vệ nhân quyền và muốn đề xuất yêu cầu thả những người bị bắt vì những sự biểu đạt chính kiến của họ một cách hòa bình - thì đề nghị là được thả, và những người đó đã tiếp xúc với nhiều sứ quán của các nước ngoài, cũng như là được trình bày ở những diễn đàn khác nhau."
'Nộp bản tiếp thu phê bình'

Tiến sỹ Doanh nhận định thêm: "Hơn thế nữa, Việt Nam sắp tới đây sẽ tích cực đàm phán để gia nhập Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó cũng có những yêu cầu nhất định về nhân quyền, mà như những yêu cầu này không được thông qua, thì Thượng Nghị viện Hoa Kỳ có lẽ sẽ không chuẩn y Hiệp ước TPP đó, trong đó có trường hợp của Việt Nam."

Hội đồng nhân quyền
Đại diện chính phủ Việt Nam tại cuộc Kiểm định phổ quát về nhân quyền (UPR 2014).

Hôm 13/4, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập (IDS - đã tự giải thể) nói với BBC, Việt Nam có bốn điều mong muốn được đổi lại qua việc thả tù nhân hiện nay.

Ông nói: "Rất có thể đáp ứng những sức ép từ bên ngoài... thí dụ đàm phán TPP với Mỹ, cải thiện quan hệ với Mỹ, cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu (EU),

"Và bây giờ là giữa tháng Tư, hơn một tháng nữa, Việt Nam phải trả lời, nộp bản tiếp thu của mình đối với Kiếm điểm Phổ quát về Nhân quyền (UPR), với tư cách là thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp quốc, lúc đó Việt Nam phải làm một cái gì đó..."

Nhân dịp này, trước câu hỏi lấy gì để bảo đảm Việt Nam sẽ chấm dứt trong tương lai việc 'bắt - thả tùy tiện' các tù nhân lương tâm mà một số nhà quan sát ví như cơ chế 'con tin', phục vụ công tác đối ngoại hoặc đàm phán quốc tế, cũng như để đạt một lộ trình thả các nhà bất đồng ôn hòa và không 'tái phạm', TS Quang A nêu quan điểm:
"Không có một cách nào khác là sức ép từ xã hội, từ người dân của Việt Nam, phản đối kịch liệt tất cả những việc bắt bớ tùy tiện như thế, đồng thời với sức ép từ bên ngoài. Nếu sức ép từ bên trong và bên ngoài đều hết sức mạnh mẽ và phối hợp nhịp nhàng, thì tôi nghĩ rằng chính quyền sẽ phải thay đổi" - TS. Nguyễn Quang A
"Tôi nghĩ rằng không có một cách nào khác là sức ép từ xã hội, từ người dân của Việt Nam, phản đối kịch liệt tất cả những việc bắt bớ tùy tiện như thế, đồng thời với sức ép từ bên ngoài,

"Nếu sức ép từ bên trong và bên ngoài đều hết sức mạnh mẽ và phối hợp nhịp nhàng, thì tôi nghĩ rằng chính quyền sẽ phải thay đổi."

'Ngoại giao và bắt thả'

Hôm Chủ Nhật, cựu quan chức ngoại giao Đặng Xương Hùng nói với BBC, phía sau những động cơ và lý do của đợt thả tù nhân chính trị và bất đồng chính kiến, lần này các diễn biến cho thấy ngành ngoại giao Việt Nam đã phát huy vai trò để tham mưu cho chính phủ và chính quyền phù hợp hơn trong tình hình mới.

Trước hết, ông Hùng nói về cách thức và quy trình đi tới ra quyết định thả tù nhân ra sao:

Ông Vi Đức Hồi (đầu tiên, hàng dưới, từ trái) cũng được ra tù ngày 12/4/2013.

"Bắt ai, thả ai, tôi nghĩ rằng cái này được Bộ Ngoại giao và Bộ Công an quyết định thôi.

"Tôi nghĩ rằng chắc phân tích của Bộ Ngoại giao hiện nay cho thấy là khi mà ta (Việt Nam) đã vào Hội đồng Nhân quyền (LHQ), nhất là khi ta đã ký Công ước chống tra tấn, rồi ta đã kiểm điểm định kỳ, rồi trước những dấu hiệu khả quan của TPP,

"Thì Bộ Ngoại giao mới đề xuất lên rằng trước tình hình đó, cần phải cải thiện hình ảnh về nhân quyền ở Việt Nam, trước mắt thả những tù nhân chính trị, thì cái này sẽ được bàn với Bộ Công an, rồi đưa ra Bộ Chính trị, Bộ Chính trị sẽ có những quyết định như vậy."
"Bắt ai, thả ai, tôi nghĩ rằng cái này được Bộ Ngoại giao và Bộ Công an quyết định thôi" - Ông Đặng Xương Hùng
Tuy nhiên, ông Hùng cũng đặt câu hỏi liệu đây chỉ là một động thái đáp ứng điều kiện quốc tế nhất thời, hay là một bước thay đổi thực sự về tư duy của Đảng và chính quyền, ông nói:

"Tôi thấy rằng đấy có thể là tiến trình, cách làm như vậy và đi đến giải pháp là thả tù chính trị, thả tù nhân lương tâm, cái này thực chất là để đạt được mục tiêu là TPP,

"Hay đây là một hình thức là cởi mở có sự thay đổi nhất định, đã thay đổi trong tư duy ở trong con người rằng là tình hình thế giới, tình hình thông tin thế giới như hiện nay, chính quyền không thể bưng bít được tất cả những thông tin, ta nên có một cách tư duy, cách suy nghĩ khác trước đi một chút."

"Thì đấy là niềm vui còn nếu chỉ là nhằm mục tiêu của TPP, thì đó chỉ là một hành động cụ thể nào thôi," cựu quan chức Ngoại giao nói với BBC.
(BBC)

Nguyễn Trung Tôn - Đã tới lúc cần giải tán quốc hội bù nhìn!

“Chủ tịch Quốc hội cũng không phải người đứng đầu Quốc hội” “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai”.
Vừa qua trong phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng ngày 11/4/. Qua lời phát biểu của ông Nguyễn Sinh Hùng đã cho toàn dân thấy rõ hơn về tư cách lãnh đạo của những người mang danh nghĩa “Đại diện” cho nhân dân từ ngày Đảng cộng sản nắm quyền trên đất nước tới nay.

Thứ nhất ông Hùng khẳng định: “Chủ tịch Quốc hội không phải người đứng đầu Quốc hội”. Ông đang làm ra vẻ “hạ mình” để thoái thác trách nhiệm cho cá nhân mình. Một đương kim chủ tích Quốc hội đã khẳng định mình không phải là người đứng đầu Quốc hội. Vậy xin hỏi ông ngôi ở vị trí đó để làm gì? Ai mới là người đứng đầu Quốc hội? có phải ông muốn nói rằng đàng sau ông, bên trên ông còn có một nhân vật ẩn danh nào đó đang điều khiển ông?


Có phải vị thế hiện tại của ông cũng chỉ là bù nhìn, còn người thực sự có quyền lực, đứng đầu Quốc hội Việt nam thật sự là đồng chí nào đó của ông? Không biết đồng chí đó hiện đang ở Việt nam hay ở bên Tàu? Tội nghiệp ông quá; đường đường với danh nghĩa chủ tịch Quốc hội mà không phải là người đứng đầu Quốc hội. Nếu ông nói câu này để chỉ nhằm thoái thác trách nhiệm của người đứng đầu nhằm để đổ lỗi cho tập thể thì vẫn còn thông cảm được, bởi lẽ ông cũng chỉ là còn người bình thường năng lực giới hạn nên đôi khi dám làm nhưng không dám chịu. Ông đổ lỗi cho tập thể để rồi sau đó hòa cả làng. Nhưng nếu không phải vậy mà thực sự ông đang bị điều khiển bới một nhân vật “vô hình” nào đó thì thật là vô cùng nguy hiểm cho đất nước và dân tộc. Tôi khuyên ông nên mạnh dạn tuyên bố giải tán Quốc hội và từ chức để nhân dân tiếp tục bầu chọn cho mình một người đại diện xứng đáng, có trách nhiệm với nhân dân đứng ra thay mặt nhân dân gách vác trọng trách.

Thứ hai ông Hùng khẳng định: “Quốc hội tức là dân dân quyết sai thì dân phải chịu, chứ kỷ luật ai.” Câu này ông nói làm cho một đứa trẻ chăn trâu ở nông thôn khi nghe cũng thấy bực mình. Cả một tập thể 500 người, ngồi chật văn phòng mỗi ngày chi phí hết bao nhiều tiền thuế của nhân dân. Các ông ăn của dân, ở cũng của dân, thậm chí ăn gấp nghìn lần, ở gấp vạn lần nhân dân, tự xưng là đại diện của dân. Một tập thể với nữa nghìn người mà không có người đứng đầu như ông đã nói, có nghĩa là một tổ chức hỗn độn kiểu “ cá mè một lứa thì làm sao đại diện cho dân được. Thế mà các ông lại họp hành đưa ra hàng loạt những Quốc sách chi phí hết những khoản ngân sách không lồ rồi sau đó lại đổ hết lỗi cho “Dân phải chịu”. Ông đã thoái thác trách nhiệm cho chính mình sau đó lại thoái thác trách nhiệm cho lũ đàn em. Ông đổ hết sai trái lên đầu nhân dân, những người suốt ngày còm lưng lăn lội để nuôi các ông. Nói thật với ông chứ lũ heo nhà tôi nó còn có con đầu đàn con cuối đàn, khi cho nó ăn nó còn biết ụt ịt cám ơn, còn cái tập thể bù nhìn vố trách nhiệm như ông nói trên thật chẳng ra sao. Cả một tập thể 500 cái đầu mà không tìm được một cái đầu nào “ có tóc” để mà nắm nên ông đổ hết cho dân. Một Quốc hội bù nhìn như vậy cần phải giải thể sớm. Trong nhân dân không phải không có người tài, người có trách nhiệm. Vậy hãy để họ đứng ra gánh vác trách nhiệm trước nhân dân.

Kính thưa toàn thể Quốc dân đồng bào: Chẳng lẽ chúng ta cứ cam chịu mãi vậy sao? Sao không cùng nhau lên tiếng đồng hành cùng nhau yêu cầu ông Nguyễn Sinh Hùng giải tán Quốc hội bù nhìn và chình ông hãy từ chức?
Thanh Hóa 14/4/2014
Nguyễn Trung Tôn
ĐT: 01628387716
Email: nguyentrungtonth@gmail.com
Theo Dân Làm Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét