Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Ngày 15/4/2014 - Tỵ nạn để đấu tranh dân chủ: con đường gian truân

  • Thả tù ở VN có thể tác động đến TQ? (BBC) - Thả tù nhân chính trị, cải cách ở Việt Nam và láng giềng có thể khuyến khích nhân dân và chính quyền Trung Quốc đổi mới dân chủ, theo GS Nguyễn Minh Thuyết.
  • Để chấm dứt lương quan chức 'tù mù' (BBC) - Tình trạng thiếu minh bạch về thu nhập luồng' của quan chức ở Việt Nam và biện pháp chấm dứt, theo nhà quan sát từ trong nước, ông Trần Tiến Đức.
  • Khi đảng thả con tin (RFA) - Mấy ngày gần đây, dư luận chú ý đến vài trường hợp “bỗng nhiên” được nhà nước gia ân, trả tự do hoặc “đặc xá”.
  • HRW kêu gọi Việt Nam tiếp tục thả các nhà bất đồng chính kiến (RFI) - Human Rights Watch hoan nghênh sự kiện Việt Nam vừa trả tự do trước thời hạn cho cácông Vi Đức Hồi và Nguyễn Tiến Trung, vài ngày sau khi thả luật gia Cù Huy Hà Vũ. Thế nhưng, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch kêu gọi Hà Nội tiếp tục thả các nhà bất đồng chính kiến.
  • Việt Nam vẫn trong 10 nước nhận nhiều kiều hối nhất thế giới (RFI) - Theo báo cáo chính thức của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 11/04/2014, lượng kiều hối - tức là tiền của những kiều dân ngoại quốc gởi về nước họ - trong năm 2013 đã đạt mức 404 tỷ đô la. Ấn Độ đứng đầu danh sách với 70 tỷ, theo sau là Trung Quốc với 60 tỷ. Riêng Việt Nam đứng thứ 9 trong số những nước nhận được kiều hối nhiều nhất với 11 tỷ đô la, ngay trước Ukraina (10 tỷ).
  • Bạn nghĩ gì? (RFA) - Trong chưa đầy một tuần lễ, Việt Nam đã trả tự do cho 3 nhà bất đồng chính kiến bị tuyên án tù về tội "tuyên truyền chống Nhà nước".
  • Phiên tòa xét xử con trai cố lãnh đạo Kadhafi (RFI) - Phiên tòa xử hai con trai cố lãnh đạo Libya và khoảng 30 người thân cận với đại tá Kadhafi được dự trù mở ra hôm nay (14/04/2014) tại Tripoli. Một nguồn tin từ bên Tư pháp không loại trừ khả năng phiên xử hôm nay bị hoãn lại vì lý do an ninh. Seif al-Islam, người từng được coi là sẽ lên kế vị cha phải trả lời trước công lý về trách nhiệm trong các cuộc đànáp đẫm máu nhắm vào phe nổi dậy năm 2011.
  • Hội nhập hay tiếp tục đấu tranh? (RFA) - TS Cù Huy Hà Vũ được phóng thích trước hạn tù nhưng phải đột ngột rời VN để đi Hoa Kỳ trị bệnh khiến dư luận thắc mắc về nguyên nhân thật sự khiến ông rời khỏi quê hương. Sự vắng bóng của ông trong nước có ảnh hưởng phong trào đấu tranh ở quốc nội và liệu ông hội nhập hay tiếp tục đấu tranh trong cuộc sống lưu vong?
  • Điều gì khiến người dân Bắc Sơn nổi loạn? (RFA) - Vụ nổi loạn của người dân xã Bắc Sơn huyện Thạch Hà tỉnh Hà tĩnh vẫn chưa kết thúc. Trong khi công an khởi tố thêm ba người về tội gây rối trật tự công cộng thì người dân tại đây vẫn chưa có dấu hiệu nào thụt lùi trước bạo lực của nhà nước đối với họ.
  • Lửa đang cháy ngang mày (RFA) - Tháng Tư lại về. Tháng Tư của lịch sử. Thời gian có thể mài mòn nhiều thứ, nhưng nỗi trĩu nặng trong tâm tư dân tộc Việt Nam có lẽ còn cần nhiều năm mới nghĩ đến hai chữ "nhẹ lòng
  • Triển khai tàu ngầm tìm MH370 (BBC) - Lần đầu tiên tàu ngầm không người lái sẽ tìm MH370 dưới nước sau 6 ngày không bắt được thêm xung tín hiệu nào.
  • Philippines "thách đố" Trung Quốc (BaoMoi) - PN - Những ngày qua, quan hệ Manila-Bắc Kinh tăng nhiệt đột ngột, sau khi Phó tổng thống Philippines Jejomar Binay tuyên bố “sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng” để đáp lại hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
  • Thủ tướng Singapore nói về Biển Đông (BaoMoi) - (PetroTimes) - Mới đây, tờ The Nation (Thái Lan) đã có cuộc phỏng vấn với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Trong bài phỏng vấn này Thủ tướng Lý Hiển Long đã nói đến lập trường của Singapore về Biển Đông cũng như tiến độ đàm phán bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). PetroTimes xin trích đăng bài phỏng vấn này.
  • TQ: Mỹ đừng "vung tay múa chân" về nhân quyền (RFA) - Trong cuộc họp báo sáng nay, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho rằng Washington vẫn tìm mọi cách để can thiệp vào chuyện nội bộ của Hoa Lục, nhắc lại rằng những người mà Hoa Kỳ lấy lý do nhân quyền để bênh vực đều là những người phạm pháp.
  • Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý một 2014 xuống thấp (RFI) - Hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong quý một năm nay giảm mạnh và tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới có nguy cơ xuống tới mức thấp nhất kể từ 25 năm qua, trong bối cảnh, Bắc Kinh muốn duy trì cải cách để tái cân bằng mô hình phát triển kinh tế.
  • Hà Nam lại tước quyền của dân tố quan tham nhũng (RFI) - Theo báo chí chính thức Trung Quốc vào hôm nay 14/04/2014, nhiều quan chức địa phương vẫn chận giữ không cho những người dân khiếu nại về tệ nạn tham nhũng tiếp xúc với đại diện cơ quan thanh tra Nhà nước. Sự kiện này diễn ra vào lúc chỉ mới cách nay một tháng, đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ thị cho các cơ quan chính phủ là không nên chặn bắt những người khiếu tố"bình thường".
  • Phe thân Nga lại tấn công ở Ukraine (BBC) - Những người thân Nga vừa tấn công một đồn cảnh sát nữa ở miền đông Ukraine, bất chấp hạn chót Kiev đòi phải rút đi.
  • Ukraina và Tây phương trúng kế của Nga ? (RFI) - Ukraina bên bờ nội chiến. Kiev phản công chống phe thân Nga. Căng thẳng leo thang tại miền đông Ukraina. Báo động tại biên giới phía đông (của châuÂu). Ukraina chấp nhận trả giá cải cách kinh tế theo TâyÂu. Đó là tựa chính các báo Pháp hôm nay, trong khi Le Monde dành hai bài phóng sự về nông nghiệp Việt Nam và cuộc tranh đấu của công nhân dệt may Cam Bốt có khả năng bùng dậy sau ba ngày nghỉ tết Khmer.
  • Chi phí quân sự : Thế giới cứ giảm, châu Á cứ tăng (RFI) - Trong bản báo cáo về chi phí quân sự toàn cầu năm 2013 công bố hôm 14/04/2014, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm SIPRI của Thụy Điển, đã xác nhận đà giảm sụt của chi tiêu quân sự trên thế giới, được ghi nhận từ năm 2012. Tuy nhiên, trong toàn cảnh cảnh đó, tại ChâuÁ, đặc biệt là tại ĐôngÁ và Đông NamÁ, chi phí quốc phòng lại gia tăng do các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các láng giềng.
  • Đài tưởng niệm quân Đức xâm chiếm Hungary gây tranh cãi (RFI) - Từ đầu năm nay và đặc biệt, trong những ngày gần đây, việc một đài tưởng niệm sự kiện quân đội phát-xít Đức đưa quân tràn vào Hungary vào trung tuần tháng 3/1944, cách đây tròn 70 năm, đã một lần nữa khiến công luận Hung dậy sóng.
  • Gasandji biểu diễn tại Việt Nam (RFI) - Gasandji, hạt ngọc trai đen huyền của làng nhạc Congo, lần đầu tiên lưu diễn tại Việt Nam. Giọng ca mượt mà quyến rũ, hoà quyện pha trộn các nhịp điệu châu Phi vớiâm hưởng của hai dòng nhạc jazz và soul.
  • Bé 9 tháng tuổi được miễn truy tố về tội âm mưu giết người ! (RFI) - Chuyện khó tin nhưng có thật tại Pakistan. Ngày 12/04 vừa qua, tòaán Pakistan đã quyết định bãi bỏ đơn kiện của một viên cảnh sát cáo buộc một đứa trẻ mới có 9 tháng tuổi, cóâm mưu giết người. Bé Muhammad Musa, vào đầu tháng Hai vừa qua, đã bị bắt cùng với các thành viên trong gia đình với cáo buộc là ném đá vào cảnh sát.
  • Nga phản bác phương Tây về vấn đề Ukraine (RFA) - Phía Nga nói rằng những điều được Tây Phương đưa ra hoàn toàn sai sự thật, đổ lỗi cho cách ứng xử của chính phủ Kiev là nguyên nhân khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn
  • HĐBA không đạt kết quả về vấn đề Ukraine (RFA) - Tại cuộc họp, các quốc gia Tây Phương và Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích Nga đã gây những khó khăn cho Ukraine, dàn quân ở biên giới và tìm cách gây chia rẽ dân chúng của nước láng giềng.
  • Cháy rừng ở Chilê : 12 người chết, 850 hecta bị thiêu trụi (RFI) - Hỏa hoạn tiếp tục hoành hành tại thành phố cảng Valparaiso. Hàng ngàn lính cứu hỏa và quân nhân Chilê được huy động để dập tắt các đám cháy rừng. 850 hecta rừng bị thiêu trụi, 12 người chết và 10.000 người phải di dời chỗ ở. Tổng thống Chilê ban hành tình trạng khẩn cấp.
  • Đông Ukraina : Tối hậu thư hết hạn, phe đòi ly khai không buông súng (RFI) - Tình hình tại miền đông Ukraina vẫn rất căng thẳng. Vào 9 giờ sáng nay, giờ địa phương, tức 6 giờ, giờ quốc tế, tối hậu thư mà Tổng thống lâm thời Ukraina Olexander Tourtchinov đưa ra, đã hết hạn, thế nhưng, các nhóm vũ trang đòi ly khai và thân Nga, vẫn không chấp nhận buông súng và tiếp tục chiếm giữ một số công sở.
  • Ukraina : Bế tắc ngoại giao tại Hội Đồng Bảo An (RFI) - Cuộc họp khẩn cấp ngày hôm qua, 13/04/2014, của Hội Đồng Bảo An về tình hình Ukraina, đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng và không mang lại kết quả gì. Nga tiếp tục tố cáo chính quyền Kiev khiêu khích, còn phương Tây cáo buộc Matxcơva tìm cách tái diễn lại kịch bản sáp nhập Crimée. Tóm lại, cuộc họp hôm qua giống như đối thoại giữa những người điếc.
  • Bắc Hàn bác bỏ tin drone rớt ở Nam Hàn (RFA) - Thông cáo mới nhất của Bắc Hàn bác bỏ tin đã sử dụng máy bay không người lái vào công tác thu thập tin tức tình báo, đồng thời còn nói rằng không hể có chuyện những chiếc máy bay này rớt trên lãnh thổ miền Nam.
  • Thủ tướng lâm thời Libya từ chức (VOA) - Thủ tướng lâm thời Libya Abdullah al-Thani, người đã nắm chức vụ chưa đầy 3 tuần lễ, đã cáo từ việc thành lập một chính phủ mới
  • Tình hình Ukraina vẫn phức tạp (VOA) - Miền đông Ukraine đang căng thẳng vào lúc quyền Tổng thống Turchynov dọa mở cuộc hành quân chống khủng bố để đối phó với những phần tử thân Nga
  • Nếu Senkaku/Điếu Ngư bị chiếm, Mỹ sẽ giành lại (BaoMoi) - ANTĐ - Nếu Trung Quốc xâm lược quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ ngay lập tức đánh chiếm lại quần đảo này cho Nhật Bản, tờ Japan Times ngày 13-4 dẫn lời Trung tướng John Wissler (ảnh), chỉ huy Lực lượng Thủy quân Lục chiến III của Mỹ ở Nhật Bản cho biết.

Tỵ nạn để đấu tranh dân chủ: con đường gian truân. (Phần 2)

Gia đình anh Nguyễn Ngọc Quang tại khu nhà chung cư ở vùng Southwest Houston, Hoa Kỳ.
Do hoàn cảnh thực tế, một số các nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam đã phải tự tìm cách đi tị nạn chính trị ở quốc gia khác trong khi đó một số khác bị buộc phải ra đi theo hình thức trục xuất ngay từ trong trại giam. Điều này đã khiến cho họ bị mang tiếng là thoái lui, đầu hàng tuy nhiều người không biết rằng họ cũng đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, kể cả công việc đấu tranh hiện tại ở nước ngoài sau khi định cư.

 Phải đối mặt nhiều vấn đề

Các nhà đấu tranh dân chủ luôn bị coi là mối đe dọa tới sự ổn định của chế độ. Do đó họ đã là đối tượng bị kiểm soát chặt chẽ và luôn bị chính quyền gây sức ép lên cuộc sống và các sinh hoạt bình thường của họ. Muốn thoát khỏi nhà tù ấy người ta chỉ còn biện pháp chạy trốn nó và họ tin rằng sẽ có một cuộc sống an toàn và tự do hơn cho bản thân và gia đình ở một nước tự do hơn ngoài Việt Nam.

Tuy nhiên khi được đến định cư ở quốc gia khác thì đa số đã gặp phải sự hụt hẫng trong cuộc sống ở miền đất mới, điều mà trước đó họ chưa hình dung được hết.




Ra hải ngoại thì mọi thực thể vật chất của mình thì mình phải lo lấy, không ai giúp mình nữa. Bởi vì mọi người phải dồn sức giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình ở trong nước.

-Trần Khải Thanh Thủy
Họ phải đối mặt với vấn đề công ăn việc làm và hòa nhập với cộng đồng để có thể tồn tại. Và đó là nguyên nhân chính dẫn tới sự giảm sút tranh đấu của họ.

Từ Hoa Kỳ, ông Nguyễn Ngọc Quang một nhà bất đồng chính kiến vừa định cư tại Mỹ sau nhiều năm sống tại Thái Lan cho biết:

“Tôi không còn một con đường sống nào hết ở Việt Nam, do đó buộc lòng tôi phải đào thoát khỏi Việt Nam. Tôi không nói đào thoát khỏi Việt Nam để đi đến nước nào, mà rời khỏi Việt Nam trước hết để bảo toàn cái mạng sống của mình.”

Ông Nguyễn Ngọc Quang đã từng cùng bạn bè nhen nhóm đấu tranh và vận động cho những đòi hỏi về nhân quyền và dân chủ và bị bắt đi tù nhiều năm. Sau khi ra tù, do không chịu nổi sự bức bách của chính quyền nên ông đã đưa gia đình đào thoát qua Thái Lan để tìm một cuộc sống an toàn hơn. Nói về các khó khăn trong thời gian tỵ nạn tại Thái Lan, ông Quang cho biết hoàn cảnh sống của những người Việt tỵ nạn ở Thái Lan hết sức khó khăn. Đó là cuộc sống chui lủi, bất hợp pháp thường xuyên bị đe dọa bắt bớ của cảnh sát Thái Lan:

“Nói đúng ra mọi người tỵ nạn đều rất khó khăn, khó khăn như nhau. Họ có thể đi làm được nhưng đi làm là đi làm chui nhờ vào sự bảo trợ của một số người Việt đã sống lâu năm ở Thái Lan họ giúp cho. Bên cạnh đó là khó khăn do sự thanh lọc rất gắt gao của Cao ủy Tỵ nạn”.

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy (trái) cùng con gái sau khi đến California hôm 24-06-2011.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, một cựu tù nhân chính trị người đã bị trục xuất từ nhà tù ở Thanh hóa ra thẳng phi trường Nội Bài sang Hoa Kỳ cho biết: mọi thứ đều có hai mặt của nó, việc ra đi của bà cũng vậy và nếu được ở lại Việt Nam để tranh đấu thì bà sẽ lựa chọn để ở lại Việt Nam. Nhưng do ở lại nếu vẫn chịu cảnh tù đầy thì buộc bà phải lựa chọn ra đi, vì trong tù thì không có khả năng tiếp tục đấu tranh. Khi đặt chân lên Hoa Kỳ cũng là khởi điểm cho một cuộc sống mới đầy thách thức và lo lắng. Vì mọi việc đều phải tự thân vận động, trong khi gặp phải rào cản của các vấn đề ngôn ngữ, công ăn việc làm và sự hòa nhập vào cộng đồng… Đây là thách thức lớn và sẽ rất khó khăn để có thể vượt qua.

Từ Hoa Kỳ, Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy kể lại cuộc sống hiện nay của bà:

“Trên thực tế mọi cái không như mình nghĩ, khi bước chân ra hải ngoại thì mọi thực thể vật chất của mình thì mình phải lo lấy, không ai giúp mình nữa. Bởi vì mọi người phải dồn sức giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình ở trong nước. Nhất là trong điều kiện mình không có ngoại ngữ, công ăn việc làm không có… đó là những thiệt thòi, một tháng đã mất 700-900 USD cho việc thuê nhà cho 4 người rồi. Chính vì thế mình đã phải buông bút để vịn vai đời để sống, muốn đấu tranh tiếp thì bây giờ mình phải vịn vai đời cho vững đã.”

Yểm trợ bạn bè trong nước

Nói về các suy nghĩ và hành động của cá nhân mình sau khi sang định cư tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Ngọc Quang cho biết ngay sau khi ông đặt chân đến Hoa Kỳ đã có một số tổ chức chính trị gọi mời, song ông đã từ chối. Và thay vì đấu tranh hay hoạt động chính trị cho phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Quang đã lựa chọn con đường dùng sức của mình để kiếm tiền nhằm yểm trợ cho bạn bè đang còn ở trong chốn lao tù:




Qua Mỹ rồi thì tôi không còn cơ hội đấu tranh trực tiếp với cs nữa thì tôi quay lại con đường yểm trợ, dùng sức lực bằng bắp thịt của mình cào ra đồng tiền để hỗ trợ.

-Nguyễn Ngọc Quang
“Khi qua Mỹ rồi thì tôi không còn cơ hội đấu tranh trực tiếp với cộng sản nữa thì tôi quay lại con đường yểm trợ, dùng sức lực bằng bắp thịt của mình cào ra đồng tiền để hỗ trợ cho họ để vượt qua cái khốn khó đó. Bởi vì hiện tại họ đang làm cái công việc trước đây tôi đang làm dang dở. Còn chuyện hoạt động thì tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện đó.”

Về sự thay đổi trong suy nghĩ của mình đối với các tổ chức chính trị ở hải ngoại, nơi đã từng yểm trợ cho việc đấu tranh trước đây, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy thừa nhận có sự bất đồng trong quan điểm và do xuất phát từ quan điểm đấu tranh ở trong nước và hải ngoại có khác nhau. Một phần nữa cũng do nhiều vấn đề trên thực tế đã không diễn ra như bà suy nghĩ. Đó cũng là những nguyên nhân dẫn đến việc đấu tranh trong môi trường mới có phần bị giảm sút:

“Trên con đường chính trị thì sự dối trá – bóng tối không thể đi xa được. Mình biết là bát nước công đức, cái quỹ Cây mùa xuân bị sóng sánh ra rất nhiều, đáng buồn là bát nước công đức ấy bị đổ vào cái túi để mà nuôi một bộ máy cồng kềnh. Mà họ có làm việc đâu, luôn luôn đưa ra hết các chính sách nọ đến chính sách kia nhưng cuối cùng cho qua hết và tiêu hết sức phung phí các đồng tiền nhận được ấy.”

Trường hợp mới nhất là TS luật Cù Huy Hà Vũ, người ta tin ông cũng không ngoại lệ nghĩa là phải lo cuộc sống trước mắt cho bản thân và gia đình, kế đến tiếng nói của ông không còn tác động hiệu quả như khi còn trong nước do đó nhiệt huyết đấu tranh chắc chắn sẽ giảm sút tới chỗ ngừng hẳn. Tuy nhiên làm sao có thể buộc những người tranh đấu tiếp tục như khi còn trong nước trong khi vũ khí chính của họ là không gian tranh đấu đã bị tước đoạt?

Con đường đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam là một con đường đầy chông gai, nó đòi hỏi sự can đảm và lý trí của những người tham gia tranh đấu. Việc ra đi tỵ nạn chính trị cũng vậy, nó cũng vô cùng khó khăn với nhiều trở ngại mà ít ai có thể hình dung được. Đó không phải là con đường trải đầy hoa hồng như nhiều người nghĩ.

Anh Vũ,
thông tín viên RFA
Theo RFA

Phạm Đình Trọng - Vì sao công an cần một chữ kí đến vậy

(Tường trình buổi làm việc với an ninh)


Làm việc với tôi lúc đầu là hai người: một công an cấp thành phố tên Tuấn ngoài năm mươi tuổi, nước da màu đồng ruộng, mặt nhọn chữ V, đã quá quen mặt với tôi suốt mấy năm nay và một người trẻ hơn ông Tuấn vài tuổi, mặc áo thun đen được ông Tuấn giới thiệu cũng là công an thành phố. Tôi hỏi tên, người đó nói tên Sang.
Tôi tin chắc ông Sang không phải là công an cấp thành phố mà là công an cấp bộ. Tôi đến trụ sở công an xã Phước Kiển vào phòng trung tá Lâm Ngọc Thích, trưởng công an xã, hỏi: Thưa anh, tôi được mời đến làm việc ở phòng nào. Ông Thích hỏi ngay: Bác là bác Trọng phải không? Ông Thích mời ngồi, pha ấm trà mới tiếp khách và bảo tôi bác ngồi đợi chút, các anh đó đang đến. Tôi hỏi thăm gia đình, ông Thích bảo quê ông bà nội ngoại của ông đều ở xã Phước Hải, cạnh xã Phước Kiển này. Ông vui vẻ, cởi mở khoe rằng anh thiếu úy Lê Phương Tinh, công an khu vực dân cư nơi tôi ở, người hai lần mang giấy mời của công an đến cho tôi chính là con rể của ông, lấy con gái đầu của ông.

Uống ngụm trà rồi tôi ra sân đợi thì ông Tuấn đến. Tôi và ông Tuấn đến phòng ông Thích đi ngang qua một người mặc áo thun đen đứng bên chiếc xe máy ngay cửa phòng ông Thích. Ngôn ngữ trao đổi và cử chỉ của ông Thích và ông Tuấn cho tôi hiểu rằng ông Thích giục làm việc đi, ông Tuấn bảo đợi thêm người, ông Thích liền chỉ người mặc áo thun đen. Lúc đó ông Tuấn mới biết rằng người mặc áo thun đen đứng trước phòng ông Thích chính là người sẽ cùng ông Tuấn làm việc với tôi. Người mặc áo thun đen chính là ông Sang. Sự không quen biết nhau giữa ông Tuấn và ông Sang cho tôi hiểu rằng ông Sang không cùng đơn vị công an thành phố với ông Tuấn thì ông Sang phải là công an cấp bộ.

Sau phần thủ tục đầu tiên ông Tuấn hỏi tôi về sức khỏe để ghi vào biên bản rằng tôi đủ sức khỏe và đủ minh mẫn để làm việc, tôi nói: Lần trước các anh gửi giấy mời nhưng tôi không đi vì những bài viết của tôi là của đời sống dân sự. Hiến pháp cho công dân được tư do ngôn luận đã cho tôi được viết bộc lộ suy nghĩ, tình cảm, chính kiến. Nếu tôi viết có gì sai, các anh cứ kiện tôi ra tòa án, tôi sẽ hầu kiện. Đó là đời sống dân sự. Nhưng công an vào cuộc về những bài viết của tôi thì đã hình sự hóa đời sống dân sự rồi. Tôi không chấp nhận đời sống dân sự bị hình sự hóa như vậy. Lần này lại nhận được giấy mời của các anh, tôi đã định không đi. Nhưng thấy những bài viết bộc lộ suy nghĩ, tình cảm của tôi chỉ là việc nhỏ nhặt trong đời sống dân sự mà cứ để các anh nay mời, mai mời làm cho sự việc nhỏ trở thành lớn, trở thành căng thẳng và các anh phải đi lại nhiều lần vất vả nên tôi đến đây gặp các anh. Tôi coi đây chỉ là cuộc gặp dân sự nói chuyện để hiểu biết nhau nên tôi không kí bất kì một biên bản nào để hình sự hóa cuộc gặp này.

Ông Tuấn gọi tôi là chú. Ông Sang gọi tôi là bác. Hai người thay nhau hỏi. Bác có trang cá nhân facebook không? Bác có trang này lâu chưa? Mục đích chú lập trang facebook để làm gì? Tôi nói rằng ở thời công nghệ thông tin này, trang facebook đã trở thành rất phổ biến từ bà nội trợ đến cô học trò cấp hai, từ anh nông dân đến ông cán bộ nhà nước đều có trang facebook công khai những sự việc, những vui buồn trong ngày của mình để được cộng đồng facebook trên khắp thế giới chia sẻ, tạo ra một thế giới phẳng rộng lớn. Tôi mới có trang facebook từ năm 2013. Cũng như mọi người, tôi ghi lại những vui buồn, nghĩ suy, trăn trở trên facebook. Khác mọi người, tôi là nhà văn. Tôi không chỉ buồn vui, nghĩ suy về cá nhân tôi mà tôi buồn vui, nghĩ suy, trăn trở về đất nước, về nhân dân, về thời cuộc.

Ông Tuấn đưa cho tôi xem hai tờ giấy A4 in một list tên những bài viết của tôi từ trang web Đàn Chim Việt và hỏi đây có phải những bài viết của chú không? Chú thường gửi bài cho những mạng nào? Trả lời: Tôi thường gửi bài cho trang Boxitvn và trang Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự. Đàn Chim Việt vẫn đăng bài của chú mà? Không phải chỉ có Đàn Chim Việt, các trang web khác đều tải bài của tôi từ trang Boxitvn và trang Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự.

Có lẽ ông Sang không phải là người chuyên trách theo dõi tôi nên hỏi nhiều câu thuộc về sơ yếu lí lịch mà người chuyên trách về tôi phải rành rẽ từ đầu như: Bác có tham gia công tác cách mạng gì không? Bác có tham gia tổ chức xã hội nào không. Tôi nói tôi là người lính nhập ngũ từ năm 1963 mà cuộc chiến tranh chống Mĩ đến năm 1965 mới thực sự nổ ra. Tôi đã tham gia trọn vẹn ba cuộc chiến tranh. Chiến tranh chống Mĩ. Chiến tranh chống Pôn Pốt. Chiến tranh chống Tàu ở biên giới phía Bắc. Cuộc chiến tranh chống Mĩ, tôi là người lính ở mặt trận Tây Nguyện. Sau năm 1975, tôi được điều về Tổng cục Chính trị, là nhà văn ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội rồi làm biên kịch ở Xưởng phim Quân đội. Hai cuộc chiến tranh sau, tôi là nhà văn, nhà báo quân đội. Tôi là hội viên các hội: hội Nhà Văn Việt Nam, hội Nhà Báo Việt Nam, hội Điện ảnh Việt Nam.

Ông Sang có hỏi tôi về Văn Đoàn Độc Lập nhưng chỉ hỏi thoáng qua. Sau này khi nhân vật công an thứ ba xuất hiện mới hỏi nhiều về Văn Đoàn Độc Lập và nhân vật này cũng biết rất rõ về tôi và gia đình tôi mà tôi tin chắc đó chính là người chuyên trách về tôi. Hỏi qua về Văn Đoàn rồi ông Sang lại quay về cá nhân tôi: Bác là hội viên hội Nhà Văn từ khi nào? Tôi không nhớ rõ năm nào nhưng lâu rồi. Tôi trả lời và nhìn Sang, nói: Tôi biết anh không phải là công an thành phố mà là công an bộ. Sang cười. Nụ cười thú nhận. Sau cuộc gặp, nhìn lại ba công an vừa làm việc với tôi, tôi thấy ở ông Sang phần người còn nhiều hơn cả trong ba công an, phần công cụ chưa lấn át phần người. Hai người còn lại thì phần người đã bị khuất lấp sau phần công cụ.

Ông Tuấn đưa ra một tập những bài viết của tôi được in từ trên mạng và bảo tôi kí xác nhận: Lần trước chú đã kí 19 bài rồi. Hôm nay chú kí tiếp những bài này. Tôi bảo lần này tôi không kí vì ba lẽ. Một là không cần thiết. Bài viết đã ghi rõ tên tôi là đủ để xác nhận rồi. Hai là lần trước tôi kí đã tạo ra tiền lệ để lần này tôi lại được mời đến gặp các anh để kí. Mấy tháng sau tôi có những bài viết mới lại bị gọi lên kí lần thứ ba. Rồi lần thứ tư. Lần thứ n. Là nhà văn, tôi không thể thờ ơ với cuộc sống, với số phận nhân dân, số phận đất nước nên cứ phải viết cho đến lúc từ giã cuộc đời. Rồi đến lúc sắp chết sẽ lại bị các anh nhét bút vào tay bắt kí. Ba là công dân có quyền tự do ngôn luận vì thế bài viết của tôi hoàn toàn hợp pháp trong đời sống dân sự. Tôi phải kí xác nhận bài viết với công an là tôi đã tự hình sự hóa bài viết của tôi. Tôi không thể làm điều đó.

Ông Sang bảo: Bài của bác sao bác không dám kí. Bác sợ à? Tôi mỉm cười: Nếu sợ tôi đã không dám viết. Có viết cũng không dám kí tên thật mà phải dùng một cái tên ảo Nguyễn Văn Sang, Nguyễn Văn Hèn nào đó. Tất cả các bài viết của tôi trên mạng suốt bao năm nay tôi đều ghi tên đầy đủ, rõ ràng. Không có bài nào tôi phải giấu tên. Điều đó xác nhận rằng tôi chẳng có gì phải sợ hãi. Làm đúng với lương tâm, trách nhiệm và luật pháp thì có gì phải sợ hãi, anh Sang nhỉ.

Ông Tuấn cắm cúi viết chắc là ghi biên bản. Chỉ còn đối đáp của ông Sang và tôi. Việc trùng tên rất thường gặp. Cũng có khi người khác ghi tên bác ở bài của họ thì sao. Vì thế bài nào của bác, bác phải kí xác nhận để phân biệt với những bài khác. Tên của tôi và bài viết của tôi là một chỉnh thể thống nhất. Văn phong, giọng điệu, ngôn ngữ, tình cảm, thái độ và cả kiến thức, trí tuệ trong bài viết của tôi cũng đã làm nên cái tên Phạm Đình Trọng và cái tên đó luôn là một chỉnh thể thống nhất với bài viết. Bài viết cũng như vân tay của một người. Từ vân tay công an xác định được người có vân tay đó thì từ bài viết, công an cũng dễ dàng xác định được người viết bài đó.

Lặp đi lặp lại đòi hỏi bác phải kí xác nhận bài viết là của bác thì cũng lặp đi lặp lại lí do không kí: Không phải chỉ riêng tôi phải kí mà hàng trăm, hàng ngàn người khác cũng đã và sẽ bị các anh yêu cầu kí vào bài viết. Số giấy mực in lại bài viết của một người thì không đáng bao nhiêu nhưng bài viết của hàng trăm, hàng ngàn người thì tiền giấy mực không phải là nhỏ. Dân mình còn nghèo lắm. Tiền giấy các anh in bài là tiền thuế của những người dân nghèo chạy ăn từng bữa đấy. Chúng tôi cứ kí hết lần này đến lần khác là các anh cứ vô tư tiêu phí những đồng tiền thuế của dân nghèo vào những việc không đáng tiêu. Tôi không thể hình sự hóa bài viết của tôi. Tôi không thể suốt đời cứ bị gọi lên gặp các anh để kí xác nhận bài viết.

Nếu bác không kí thì không có gì xác nhận có buổi làm việc hôm nay. Ông Sang nhắc đi nhắc lại câu đó rồi hứa: Bác cứ kí đi. Đây là lần kí cuối cùng. Sẽ không có lần thứ ba nữa. Tôi bảo: Lòng tin của người dân vào công an bây giờ xuống rất thấp. Chả có gì bảo đảm rằng tôi không còn bị các anh mời lên kí xác nhận bài viết nữa. Chúng tôi sẽ ghi vào biên bản làm việc điều đó. Biên bản các anh đưa vào hồ sơ rồi cất trong tủ sắt. Tôi đâu có bằng chứng về lời hứa của các anh. Tôi đề nghị các anh ghi điều đó ra giấy để tôi giữ lời hứa của các anh bằng giấy trắng mực đen. Ông Sang im lặng rồi đi ra ngoài. Trong quá trình làm việc, ông Sang mấy lần ra khỏi phòng gọi điện thoại. Lần này ông Sang ra ngoài khá lâu. Trở vào phòng, ông Sang ngồi lặng lẽ, dáng chờ đợi.

Gần nửa tiếng im lặng chờ đợi, người thứ ba mới xuất hiện. Lời giới thiệu của ông Sang về nhân vật mới chỉ vẻn vẹn có cái tên, anh Toàn. Mặt trắng, sáng sủa. Chân râu xanh rì quanh miệng. Đầu hói khoảng ba mươi phần trăm. Dáng nho nhã của con người bureau. Nhìn ông Tuấn thấy sự hăng hái, xông xáo, thấy cả sự tất bật, băm bổ của con người hành động thì nhìn ông Toàn nhận ra sự lạnh lùng, kín đáo của con người toan tính, nhận ra cả sự tư tin của kẻ rất có ý thức về sức mạnh đang có trong tay. Cái tự tin “công an là pháp luật, pháp luật là công an” của mọi công an nhà nước cộng sản Việt Nam.

Lời đầu tiên ông Toàn nói ngay những hiểu biết của ông về tôi, tuy những hiểu biết đó chỉ là bề ngoài, không đúng thực chất và không ăn nhập với đề tài buổi làm việc: Bác còn quá khỏe, còn đi khắp nơi. Bác có hai nhà cho thuê. Lương hưu lại cao . . . Ông Toàn còn kể ra cả căn hộ tôi đang ở là căn hộ penthouse, căn hộ thông tầng. Tôi nói: Những điều anh Toàn nói tuy có cái không đúng như tôi làm gì có hai nhà cho thuê nhưng tôi không cần diễn giải vì đây là lĩnh vực riêng tư của đời sống cá nhân được pháp luật bảo đảm bí mật, không bàn ở đây.

Ông Toàn hỏi tôi về Văn Đoàn Độc Lập. Văn Đoàn đã có hoạt động gì? Các tổ chức quốc tế có công nhận Văn Đoàn, có ủng hộ sự ra đời của Văn Đoàn không? Trang web của Văn Đoàn do ai làm? Bác đã viết bài cho trang web này chưa? Tham gia Văn Đoàn như thế nào? Tôi bảo: Anh Toàn cũng biết thời nước ta còn bị Pháp đô hộ, còn chưa có độc lập thế mà Tự Lực Văn Đoàn còn được ra đời và hoạt động suốt mười năm, từ năm 1932, để lại một nét son, một dấu ấn sâu đậm mãi mãi trong lịch sử văn học nước nhà. Bây giờ nước ta đã có độc lập, có Hiến pháp bảo đảm quyền lập hội cho công dân thì các nhà văn thành lập Văn Đoàn Độc Lập cũng là bình thường. Một xã hội dân sự phải có các tổ chức xã hội thực sự của người dân, do người dân thành lập và duy trì hoạt động. Ông Toàn cắt lời tôi rằng trên thế giới không nước nào có xã hội dân sự cả. Tôi rất ngạc nhiên về nhận thức xã hội dân sự của ông Toàn. Tôi nói chỉ có mấy nước cộng sản là không có xã hội dân sự thôi. Phần lớn các nước trên thế giới đều là xã hội dân sự. Văn Đoàn Độc Lập chưa chính thức ra đời. Mới có 61 người tập hợp nhau lại thành ban vận động rồi mới tiến tới thành lập Văn Đoàn. Tôi chỉ là một trong 61 người đó. Anh Toàn theo dõi các trang mạng thì cũng biết các hãng thông tấn nổi tiếng thế giới như BBC, RFA đều đã có bài phỏng vấn, đưa tin về Văn Đoàn. Đó là sự ủng hộ, chào đón của họ với Văn Đoàn. Chỉ là thành viên, không có chức trách gì ở Văn Đoàn nên tôi không biết ai làm trang web của Văn Đoàn và tôi cũng chưa có bài đăng ở đó. Những người gia nhập Văn Đoàn đều là tự nguyện ghi tên xin tham gia qua email.

Ông Sang hỏi email của tôi nhưng tôi bảo email thuộc bí mật thư tín cá nhân nên tôi không thể tùy tiện cung cấp cho mọi người.

Ông Toàn giơ lên tờ giấy A4 in lại từ Facebook của tôi bài “Hoa của Bauxite Việt Nam, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ viếng thầy Đinh Đăng Định” và hỏi: Bác có quan hệ với Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ chứ? Những ngày lễ của họ, họ vẫn mời những người như bác đến dự lễ mà. Tôi bảo: Thầy Đinh Đăng Định chỉ vì phản đối dự án khai thác bô xít Tây Nguyên mà bị tù. Thày bị bệnh hiểm nghèo, gia đình xin cho thầy ra tù để chữa bệnh nhưng công an không cho. Đến lúc bệnh của thầy không còn chạy chữa được nữa, cái chết đã cận kề, công an mới trả thầy về gia đình để rũ bỏ trách nhiệm tang lễ cho thầy. Thầy chết, những công an đã gần gũi thầy suốt nhiều năm không ai đến viếng thầy nhưng Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ xa lạ chưa hề gặp thầy đã gửi hoa viếng thầy. Hoa của Bauxit Việt Nam, hoa của Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự mang tấm lòng của cả nước đến với thầy. Hoa của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ mang tấm lòng của loài người dành cho một con người. Ba giá hoa đẹp đó gây cho tôi sự xúc động mạnh mẽ nên tôi đã chụp ảnh đưa lên fb của tôi.

Lại trở về với những bài viết của tôi, ông Sang: Dạo này bác viết nhiều không? Bác có nhớ viết bao nhiêu bài không? Trong đầu thoáng xuất hiện một câu hài hước, tôi nhìn ông Toàn và có lẽ trên gương mặt tôi có nụ cười thấp thoáng khi tôi nói: Tôi viết bài nào thì các anh đều biết cả. Có các anh nhớ hộ, thống kê hộ nên tôi cũng chẳng cần nhớ tôi đã viết bao nhiêu bài. Ông Toàn nói: Lần trước bác kí là năm 2012. Hơn một năm bác mới lại kí nhận bài viết của bác, đâu có nhiều. Bỗng ông Toàn căng giọng: Bác không kí thì còn làm việc dài. Hôm nay không xong thì ngày mai, ngày mốt. Tôi bình thản: Tôi sẵn sàng ngồi với các anh. Nhưng các anh không có quyền làm điều đó. Công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Ông Toàn: Bác sợ mới không dám kí nhận bài viết của mình. Tôi biết ông Toàn sử dụng ngón nghề điều tra, đánh vào tâm lí tự ái cá nhân nhưng tôi vẫn thấy như bị xúc phạm liền nói to: Anh nói thế là xúc phạm tôi. Tôi chẳng có gì sai để phải sợ các anh. Ông Toàn vẫn không thôi ngón đòn tâm lí: Tôi biết trong lòng bác đang sợ. Kiên trì lí lẽ của mình, tôi nói ngắn gọn: Tôi không kí để tự hình sự hóa bài viết của mình. Tôi không kí để cứ phải kí suốt đời. Ông Toàn liền lớn tiếng như quát: Bác còn viết thì còn phải kí!

Bác còn viết thì còn phải kí! Sự tự tin của ông Toàn đó! Công an là pháp luật, pháp luật là công an đó! Không có điều luật nào cho phép công an được mời công dân đến trụ sở công an vì những bài viết hợp pháp. Không có điều luật nào buộc công dân phải kí xác nhận bài viết hợp pháp với công an. Nhưng ông Toàn vẫn nói chắc nịch như công bố một điều luật của công an: Bác còn viết thì còn phải kí! Tôi lại nhớ đến câu nói của ông Sang mới ít phút trước: Đây là lần kí cuối cùng, không có lần kí thứ ba. Con người công dân của ông Sang đó! Bác còn viết thì còn phải kí! Con người công cụ của ông Toàn đó!

Kí – Không kí. Đã nói hết lí lẽ với nhau vẫn không chấp nhận đề xuất của nhau. Chẳng còn gì để nói, tất cả đều ngồi im lặng. Chợt ông Toàn đưa ra lối thoát: Bác không kí vào từng bài thì kí vào tờ giấy ghi rằng từ ngày 10 tháng tư năm 2014 trở về trước, những bài đứng tên Phạm Đình Trọng là của bác. Chúng tôi viết rồi đưa bác kí hoặc bác tự viết tờ giấy đó cũng được. Suy nghĩ giây lát, tôi chấp nhận giải pháp này. Tôi xin tờ giấy A4 và tự viết. Ông Sang nhắc tôi ghi tiêu đề Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng tôi không chấp nhận. Với tôi, đây không phải là văn bản pháp luật. Tôi viết ngắn gọn: XÁC NHẬN / Những bài viết trên mạng internet kí tên Phạm Đình Trọng từ ngày 10. 4. 2014 trở về trước là của tôi, Phạm Đình Trọng / Phước Kiển ngày 10. 4. 2014 / Kí tên.

Tôi đưa tờ giấy vừa viết cho ông Toàn. Ông Toàn đề nghị tôi thay chữ “kí tên” trong câu “Những bài viết trên mạng internet kí tên…” bằng chữ “đứng tên”. Lại phải lấy tờ giấy khác viết lại.

Ông Sang ra ngoài mời cô nhân viên hành chính Ủy ban Nhân dân xã Phước Kiển và ông hàng xóm cạnh trụ sở công an xã Phước Kiển vào làm chứng việc tôi viết giấy xác nhận. Lại mời cô công an xã Phước Kiển vào viết văn bản để hai người làm chứng kí.

Trong khi chờ ông Sang đi mời mấy người vào viết giấy làm chứng, tôi hỏi ông Tuấn: Anh Tuấn có biết hình ảnh của anh được đưa lên tất cả các trang mạng tiếng Việt khắp thế giới không? Ông Tuấn im lặng. Mặt ông Tuấn vốn đã tối như càng tối hơn. Ông Toàn nói: Sự nổi tiếng ấy cũng là do các bác. Tôi bảo: Tôi có đến viếng đám tang anh Lê Hiếu Đằng nhưng lúc anh Tuấn cướp băng tang, tôi không ở đó. Không biết ai chụp được bức ảnh giây phút anh Tuấn làm việc đó và đưa lên mạng. Là người phải có cái đức. Cái đức để sống ở đời và cái đức để lại cho con cháu, anh Tuấn nhỉ.
Giấy xác nhận rồi giấy làm chứng xác nhận đã xong. Đến biên bản làm việc cũng mất khá nhiều thời gian vì Kí – Không kí. Cuối cùng tôi chấp nhận xóa chữ “Đương sự” viết thay vào chữ “Người làm việc” ở cuối biên bản và ghi: Như lúc đầu tôi đã nói đây chỉ là buổi gặp gỡ trao đổi để hiểu nhau nên tôi không kí vào bất kì biên bản nào. Tôi không đọc biên bản này.

LỜI CUỐI

Đến nay tôi vẫn chưa lí giải được vì sao công an cần một chữ kí của tôi đến vậy. Vì thế tôi vẫn chưa xác định được buổi làm việc của tôi với công an hôm 10.4.2014 là thất bại hay là một kết quả chấp nhận được. Chỉ nhận ra rất rõ cảm giác mệt mỏi. Mệt mỏi về thể xác song ý chí của tôi không những không hề lay chuyển mà còn giúp tôi từng trải hơn, vững vàng hơn.

Những cuộc làm việc như vậy thực sự là cuộc công an khủng bố tinh thần, nhục hình tinh thần đối với công dân, chà đạp lên quyền con người, quyền công dân của người dân. Những cuộc làm việc như vậy cũng không khác bao nhiêu với việc năm công an ở Phú Yên dùng gậy cao su đánh chết công dân Ngô Thanh Kiều.

Nhân danh pháp luật, công an Phú Yên bắt anh Kiều trái pháp luật rồi cứ cái đà lạm quyền, lộng hành, mất tính người, năm công an Phú Yên thay nhau đánh anh Kiều nát nhừ thân thể đến chết. Nhân danh pháp luật, công an viết giấy mời trái pháp luật, hình sự hóa đời sống dân sự. Những cuộc làm việc theo giấy mời của công an với công dân là những trận nhục hình đối với công dân nhằm giết chết con người công dân, con người xã hội, giết chết con người trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, với đồng loại, để người dân chỉ còn được sống bằng con người sinh vật ích kỉ, chỉ biết có miếng ăn và chỉ mong được yên thân, để người dân chỉ còn được sống bằng con người thần dân, phục tùng, cam chịu như một bầy cừu.

Sự lộng hành của công an bằng gậy cao su để lại bằng chứng là cái chết của anh Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên, cái chết của ông Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội, cái chết của anh Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang, cái chết của em học sinh Tu Ngọc Thạch ở Khánh Hòa và cái chết trong đồn công an của hàng trăm người dân lương thiện khác. Những cái chết đó khắc ghi trong lòng người dân Việt Nam tội ác của công cụ bạo lực chuyên chính vô sản.

Sự lộng hành của công an bằng việc mời trái pháp luật công dân đến làm việc để dùng quyền uy của công cụ bạo lực nhà nước đánh đòn cân não vào tinh thần, ý chí con người tuy không để lại dấu vết trên thân thể nhưng hiểm độc và nguy hại hơn nhiều lần sự lộng hành của cơ bắp. Còn gì hiểm độc và nguy hại bằng giết chết con người công dân của một dân tộc. Sự lộng hành đó cần được ghi nhận lại trung thực bằng chữ nghĩa khắc vào thời gian, khắc vào lịch sử về một loại tội ác của công cụ bạo lực chuyên chính vô sản chỉ có ở nhà nước cộng sản.

Viết xong đêm 11.4.2014.
Đọc lại và chỉnh sửa đêm 14.4.2014
Phạm Đình Trọng
(FB Nguyễn Lân Thắng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét