Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Tuyến đường sắt Vân Nam-Viên Chăn và sự diệt vong của Lào - Những thách thức trong việc xây dựng thể chế dân chủ ở Việt Nam

Tuyến đường sắt Vân Nam-Viên Chăn và sự diệt vong của Lào

Trong bài “Việt Nam sẽ ra sao khi Lào trở thành một tỉnh của Trung Quốc?”, chúng tôi đã nhận định nguy cơ mất nước của Lào khi phê duyệt dự án đường sắt nối Vân Nam với Viên Chăn. Bài này nói thêm về nguy cơ đó.
clip_image002
Bản đồ hiển thị tuyến đường sắt nối giữa Vân Nam, Trung Quốc và Viên Chăn, Lào dài 420 km, dự kiến tiêu tốn của Lào 7 tỷ USD và vô số những vấn đề phát sinh đối với đất nước và con người nước này.

Nguồn: http://infonet.vn/lao-co-the-phai-tra-gia-vi-nhan-tien-dau-tu-cua-trung-quoc-post49670.info

Lào diện tích 236.800 km2, dân số 6,80 triệu người, mật độ dân số 26,70 người/ km2, GPD hàng năm chỉ khoảng 8 tỷ USD; Trong khi đó, tuyến đường sắt này dài 420 km, trị giá 7 tỷ USD. Vậy với điều kiện dân số và khả năng của nền kinh tế như hiện nay, Lào có thực sự cần đến tuyến đường này hay không? Rõ ràng, câu trả lời là: Không!

Và như vậy, đây là tuyến đường hoàn toàn phục vụ mưu đồ của Trung Quốc. Trung Quốc cho Lào vay tiền để làm một công trình phục vụ cho mưu đồ xâm lược và đồng hóa của Trung Quốc đối với Lào. Rõ ràng, chỉ có những kẻ đã bị mua chuộc, hoặc đã làm tay sai cho Trung Quốc mới đồng ý vay tiền của Trung Quốc và đầu tư tuyến đường này.

Với một công trình có tổng giá trị gần bằng GDP của quốc gia, tại sao lãnh đạo Lào, bất chấp lời khuyên của các nhà phân tích kinh tế quốc tế, lại vẫn quyết định vay vốn của Trung Quốc để thực hiện?

Câu trả lời có thể là:

1. Cũng như ở Việt Nam, do thể chế độc đảng lãnh đạo, cho nên Bắc Kinh chỉ cần bỏ tiền ra mua chuộc một số ít lãnh đạo cấp cao nhất (Bộ Chính trị), là có thể khiến toàn bộ vận mệnh đất nước trong vòng điều khiển của Bắc Kinh. Ngoài ra, không loại trừ khả năng Bắc Kinh đã cài được người vào hàng ngũ lãnh đạo cao nhất tại Lào.

2. Với lãnh đạo ở các Bộ, ngành và địa phương: Một khi cấp cao nhất đã đồng ý, thì tự khắc cấp địa phương buộc phải chấp hành, tuân theo (nguyên tắc của đảng là cấp dưới phải phục tùng cấp trên); tương tự như ở Việt Nam, thói quen thường được đưa ra là “Đây là chủ trương lớn của Đảng”, hoặc “Bộ Chính trị đã quyết”, v.v. Tất nhiên, giới doanh nghiệp Trung Quốc có trách nhiệm hối lộ các quan chức thuộc các Bộ, ngành và địa phương liên quan, để đảm bảo việc triển khai là thông suốt, và có sự thống nhất từ trung ương xuống đến các địa phương.

3. Một khi đã có sự thống nhất trong Đảng từ trung ương xuống đến địa phương, thì mọi sự phản đối hoặc chống đối từ phía nhân dân đều bị chính quyền cơ sơ triển khai lực lượng công an đàn áp. Thực tế xã hội Trung Quốc và Việt Nam trong mấy chục năm qua là như vậy. Lào, một đất nước phụ thuộc Trung Quốc và Việt Nam cũng không thể khác được.

Âm mưu của Trung Quốc từ tuyến đường Vân Nam-Viên Chăn

Có thể nói, Trung Quốc chỉ cần đầu tư một tuyến đường này thôi, cũng đủ mọi điều kiện để xâm lược nước Lào; và cũng chỉ một công trình là con đường này thôi, thì Lào cũng hội đủ các yếu tố để từ đó mất nước vào tay Trung Quốc, và việc Lào sẽ trở thành một tỉnh của Trung Quốc chỉ là vấn đề thời gian. Ta có thể thấy được những âm mưu của Trung Quốc từ tuyến đường này là:

1. Thi công công trình sẽ chắc chắn 100% là các nhà thầu Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc sẽ nắm tất cả các công đoạn trong đầu tư xây dựng, nghĩa là: vừa là nhà tư vấn (khảo sát, thiết kế, và có thể là giám sát thi công và quản lý dự án…); là nhà thầu cung cấp vật tư, thiết bị cho toàn bộ dự án; và cuối cùng là nhà thầu tổ chức thi công. Một khi đã nắm được tất cả các khâu, công đoạn như vậy (gọi là Hợp đồng tổng thầu EPC), xem như Trung Quốc đã thu hồi được hơn một nửa số vốn cho vay ngay sau khi công trình hoàn thành.

2. Đây là tuyến đường mới, thông qua hàng chục đường hầm, cầu, thời gian thi công lâu, có thể từ 5-10 năm hoặc lâu hơn, đủ để Trung Quốc tính toán khai thác vật liệu tại các địa phương tuyến đi qua (chủ yếu là đá xây dựng), kết hợp thành lập các khu dân cư người Hán lấy vợ người Lào. Với dân cư thưa thớt của Lào, việc Trung Quốc đưa sang hàng chục vạn thanh niên dọc theo tuyến đường để “phục vụ thi công” là điều đương nhiên. Có thể nói, đây là mặt thành công nhất của Trung Quốc trong âm mưu thôn tính Lào từ tuyến đường này.

3. Để trả vốn và lãi cho Trung Quốc, Lào không có gì khác ngoài tài nguyên thiên nhiên, đó chính là “các khoáng chất quý như kali và đồng để làm tài sản thế chấp cho khoản vay khổng lồ nói trên. Ngoài ra đó là gỗ và các nông lâm đặc sản khác... Để khai thác tài nguyên bán cho Trung Quốc, một lần nữa, Trung Quốc lại trúng thầu khai thác và đưa người sang ăn ở lâu dài tại các mỏ, thời gian là 50 đến 70 năm, như Trung Quốc đã làm tại Việt Nam.

Như vậy, tài nguyên của Lào, qua việc đầu tư con đường này bị Trung Quốc thâu tóm gần như toàn bộ. Với Việt Nam mà Trung Quốc đã đứng tên và chiếm 60% các mỏ, thì ở Lào, con số này tối thiểu phải là 90% (mở ngoặc nói thêm: có thể, cũng vì nguy cơ để Trung Quốc thâu tóm khoáng sản, mà ở Triều Tiên, Kim Jong Un đã xử tử người chú dượng là Jang Song-theak. Điều đó nói lên tai họa khi để cho Trung Quốc khống chế nguồn tài nguyên cũng như nền kinh tế).

Một lần nữa, Trung Quốc lại có lý do đưa người của mình xuống định cư tại Lào ở những vị trí khai thác mỏ, thành lập nên các buôn làng, thời hạn 50 đến 70 năm, và trở thành “người Lào gốc Hán”. Một đội quân tựa như người Nga ở Crimea thuộc Ukraine và hậu quả như cả thế giới đều biết.

4. Tuyến đường sắt Vân Nam-Viên Chăn là để thu tóm tài nguyên của Lào, lại được sử dụng để vận chuyển nông, lâm thổ sản, khoáng sản… của Lào về Trung Quốc. Với khối lượng khoáng sản lên đến hàng triệu tấn thì vận chuyển đường sắt là tối ưu. Nhất cử tam tứ tiện!

Kết luận

1. Việc Lào vay vốn của Trung Quốc với tổng mức khoảng 7 tỷ USD, để đầu tư tuyến đường sắt Vân Nam-Viên Chăn, không mang lại cho Lào bất kỳ một lợi ích kinh tế, xã hội nào; ngoại trừ nhân dân Lào thấy được như thế nào là đường sắt, và hàng năm có một vài trăm người có tiền đi du lịch Vân Nam Trung Quốc bằng tàu hỏa, ngược lại, phía Trung Quốc lại tích cực đi du lịch Lào bằng tuyến đường này và tìm cách di dân... Tuyến đường sắt Vân Nam-Viên Chăn là một thảm họa đối với nhân dân và các bộ tộc Lào. Có thể nói, thời điểm “Chính phủ Lào đã phê duyệt dự án...”, cũng chính là thời điểm đánh dấu sự mất nước của Lào.

2. Chưa tính đến các công trình khác mà Trung Quốc đã và đang đầu tư nhằm vơ vét tài nguyên của Lào. Chỉ riêng tuyến đường sắt Vân Nam-Viên Chăn, đã là một thảm họa đối với Lào. Việc Lào bất chấp lời khuyên của các tổ chức tín dụng quốc tế, là các đối tác: Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), và chấp thuận để Trung Quốc vào đầu tư một công trình lớn, tương đương GDP hàng năm, trong khi nguồn lực trả nợ chỉ là tài nguyên thiên nhiên, là một sai lầm mang tính lịch sử của lãnh đạo hiện nay của Lào.

3. Hai dân tộc Việt-Lào đã có lịch sử hàng nghìn năm chống Đại Hán xâm lược; nhưng trong lịch sử hiện đại, mới chỉ gần 70 năm dưới sự lãnh đạo những người theo chủ nghĩa Mác-Lê nin, cả Lào và Việt Nam đang từng bước mất chủ quyền vào tay người Trung Quốc. Liệu rằng, lịch sử có còn cơ hội để hai nước Việt-Lào nhận ra sai lầm?

4. Chỉ còn một hy vọng, rằng lịch sử thế giới sẽ có chuyển biến bất ngờ, mới có thể cứu Lào thoát khỏi họa mất nước vào tay Đại Hán Bắc Kinh từ việc đầu tư tuyến đường sắt Vân Nam-Viên Chăn.
11.4.2014
Hoàng Mai

Bài tham khảo:

(*) Lào có thể phải trả giá vì nhận tiền đầu tư của Trung Quốc

http://infonet.vn/lao-co-the-phai-tra-gia-vi-nhan-tien-dau-tu-cua-trung-quoc-post49670.info

Tác giả gửi BVN.

Cùng một tác giả:

1. Việt Nam sẽ ra sao khi Lào trở thành một tỉnh của Trung Quốc?

boxitvn.blogspot.com/2014/04/viet-nam-se-ra-sao-khi-lao-tro-thanh.html

2. Nguy cơ về mặt an ninh-quốc phòng của 3 nước Đông Dương khi Lào xây đập Don Sahong

http://boxitvn.blogspot.com/2014/04/nguy-co-ve-mat-ninh-quoc-phong-cua-3.html

3. Tại sao Trung Quốc lại chọn Vũng Áng?

boxitvn.blogspot.com/2014/.../tai-sao-trung-quoc-lai-chon-vung-ang.ht...‎

4. Phải chăng đã nhận ra sai lầm tại Vũng Áng?

http://boxitvn.blogspot.com/2014/03/phai-chang-nhan-ra-sai-lam-tai-vung-ang.html

Vụ 4 công an bị bắt trói: Không hợp lòng dân nhưng lệnh trên thì phải làm!

Điều tra của phóng viên Một Thế Giới cho thấy, chính quyền xã Bắc Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị ép tiếp tục theo đuổi để làm dự án công viên vĩnh hằng Bắc Sơn trong lúc tình hình đang bất ổn.
>> Xung đột ở Hà Tĩnh: Cay cú ăn thua với dân đều thủ bại
>> Vì sao vùng quê bình yên bỗng dậy sóng?
>> Cán bộ phải đưa người thân đi trốn để an toàn tính mạng
>> Dân bắt trói 4 công an vì mâu thuẫn về đất đai
>> Bắt giữ 4 người vụ xung đột đất nghĩa trang tại Hà Tĩnh
Chính Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Trần Bá Hoành thừa nhận không thể chống lại lệnh cấp trên dù đã có văn bản báo cáo tình hình chính trị đang bị tê liệt tại địa phương. Đây là một việc động trời cần phải có sự vào cuộc kiểm tra từ trung ương!
Chính quyền tê liệt
Ngày 13.4, chúng tôi trở lại xã Bắc Sơn sau 3 ngày xảy ra vụ việc 4 công an huyện bị người dân bắt giữ. Không khí ảm đạm và ngột ngạt. Người dân ít ra đồng hơn. Cả một xã chìm trong không khí nặng nề. Mọi ánh mắt đều tỏ vẻ nghi ngờ khi thấy người lạ đi vào. Nhìn ai cũng thấy lo lắng và sầu não.
“Điều này chưa hề xảy ra trước đó với 13 năm làm chủ tịch xã của tôi, lúc đó, tôi nói gì người dân cũng đồng thuận, khi có quy hoạch dự án về, mọi chuyện mới nên nỗi vậy”, ánh mắt đầy vẻ mệt mỏi, ông Hoành cho hay.
Chính quyền xã Bắc Sơn đã ngưng hoạt động từ ngày 10.4. Trụ sở xã đóng toàn bộ cổng. Phía trong, các phòng làm việc tan hoang vì bị ném đá. Chúng tôi hẹn gặp ông Chủ tịch xã tại nhà riêng tại xóm Đông Vĩnh. 
Trên bờ ruộng đường vào xã, có hai người đàn ông mặc áo quần sạch sẽ, đội mũ cối đứng câu cá nhưng không hề có vẻ câu cá.
Ông Trần Bá Hoành cho biết: “Dự án công viên vĩnh hằng Bắc Sơn được quy hoạch nhưng chủ tịch huyện Thạch Hà và chủ tịch xã Bắc Sơn không hề hay biết. Khi tỉnh đã chọn Bắc Sơn lấy đất làm dự án thì anh Quang (ông Nguyễn Phi Quang, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà - PV) mới gọi điện cho tôi hỏi có biết gì không, cả hai mới ngớ ra khi biết tỉnh đã chọn trước”.
Ông Hoành cũng cho hay, về lợi ích và tính khả thi của dự án thì cả chính quyền xã và người dân không đồng tình nhiều. Tuy nhiên, mình là cấp dưới thì chỉ biết tuân thủ quyết sách của cấp trên.
Theo đó, từ khi quy hoạch của dự án được triển khai, ngày 16.10.2013, Bí thư Đảng ủy Dương Công Tự phổ biến cho người dân thì đã bị phản đối.  
Sau đó, lãnh đạo xã và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể được cử đi vào Đồng Nai và Bình Dương tham quan các công viên vĩnh hằng ở những tỉnh này.
Giữa người dân và chính quyền xảy ra xung đột vì dự án nghĩa trang
Bên cạnh đó,  liên tục có những vụ gây rối mất trật tự của người dân khi nói về dự án. Từ đó đến nay, liên tục có 30 vụ.
“Đất sản xuất dự phòng của xã Bắc Sơn không đáng kể, do đó, nếu dự án được triển khai thì chỉ có một số dân được bù đất, còn lại phải nhận bằng tiền mặt đền bù thôi. Do đó, người dân chỉ muốn giữ đất canh tác chứ không chịu để dự án tiến hành”, ông Hoành cho hay.
Theo đó, từ khi việc chọn địa điểm để quy hoạch dự án “qua mặt” cấp huyện và cấp xã được đưa về đây, người dân liên tục phản đối. Bắc Sơn, từ một địa phương yên bình thì liên tục dậy sóng và mất an ninh trật tự gần một năm nay.
“Điều này chưa hề xảy ra trước đó với 13 năm làm chủ tịch xã của tôi, lúc đó, tôi nói gì người dân cũng đồng thuận, khi có quy hoạch dự án về, mọi chuyện mới nên nỗi vậy”, ánh mắt đầy vẻ mệt mỏi, ông Hoành cho hay.
Đáng nói, từ lúc xảy ra mất an ninh trật tự trên địa bàn vì dự án, thì cũng là lúc hoạt động của chính quyền xã Bắc Sơn rơi vào bế tắc; và gần một tháng nay gần như đã rơi vào tình trạng tê liệt.
“Xã Bắc Sơn có 7 xóm với 3200 nhân khẩu trên 900 hộ dân. Cách đây một tháng, có 4 đồng chí trưởng thôn và hai đồng chí Bí thư chi bộ thôn đã xin nghỉ việc. Từ đó đến nay, chưa có ai thay thế chức vụ. Những cán bộ trên thuộc 4 thôn chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án là Đồng Vĩnh, Trung Sơn, Kim Sơn, Xuân Sơn”, ông Hoành cho biết.
Ông Trương Văn Trường, sau khi xin nghỉ làm trưởng thôn Trung Sơn thì ngày 10.4 vừa qua bị công an lên bắt tạm giam vì tội gây rối trật tự công cộng.
“Sau khi hơn nửa chính quyền cấp thôn bị tê liệt, chính quyền xã Bắc Sơn đã có văn bản báo cáo và đề nghị lên huyện, tỉnh xin ngừng dự án để ổn định tình hình nhưng huyện không cho và ép xuống tiếp tục làm”, ông Hoành khẳng định.
Theo đó, dù chính quyền thôn bị mất và an ninh trật tự đang hết sức phức tạp, tuy nhiên từ ngày 9-13.3.2014, chính quyền xã Bắc Sơn vẫn phải tiến hành khảo sát ý kiến người dân về dự án nghĩa trang. Kết quả, có 43% ý kiến người dân trên toàn xã đồng ý về quy hoạch và xây dựng dự án. Nhưng khảo sát ở 4 thôn trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dự án thì chỉ có 17-18% ý kiến đồng ý với dự án!
Trả lời câu hỏi phóng viên về việc tại sao lúc tình hình chính trị xã hội ở địa phương đang phức tạp như vậy mà chính quyền xã không có văn bản nào đề nghị lên cấp trên tạm dừng tất cả các vấn đề liên quan đến dự án để lo đảm bảo vấn đề cấp bách hơn, ông Hoành cho hay: 
“Xã có văn bản và kiến nghị lên rồi nhưng không được. Mà mình là cấp dưới thì chỉ biết chấp hành mệnh lệnh cấp trên thôi. Hơn nữa, chẳng lẽ lại cử cán bộ xã về làm trưởng thôn hay bí thư chi bộ thì ai lo việc khác”.
Do đó, dù chính quyền cấp thôn bị tê liệt, tình hình an ninh chính trị phức tạp, nhưng lãnh đạo xã Bắc Sơn vẫn phải dành thời gian để lo làm việc khác theo lệnh trên: làm nghĩa địa!

Chính quyền đóng cửa liên tục nhiều ngày, lãnh đạo, dân làng đều sống bất an.
Hoang mang Bắc Sơn
Bắc Sơn đến ngày hôm nay vẫn chìm trong không khí ảo não, lo lắng nặng trịch trên đầu.
Thông tin mới nhất ông chủ tịch xã vừa cho hay, hai cán bộ gồm Trưởng công an xã Nguyễn Khắc Sơn, Phó chủ tịch hội Cựu chiến binh Dương Đình Thái đã gửi đơn lên huyện xin nghỉ việc.
Trong từng làng xóm, đường sá vắng lặng, chợ búa hiu hắt. Chúng tôi cố gắng tiếp cận từng người dân để tìm hiểu rõ vấn đề thì đều nhận được những sự dò xét với vẻ vừa lo sợ pha lẫn mệt mỏi. 
Lúc này, phải xuất trình thẻ nhà báo và những giấy tờ chứng minh tùy thân. Hỏi ra mới hay, họ sợ công an đóng giả người này người khác để tìm hiểu.
Những người dân cũng hạn chế tránh tụ tập đông. Một chủ bán quán tạp hóa cho hay: “Các chú vào tìm hiểu, nếu là nhà báo trung ương thì dân họ mừng lắm, họ giờ không tin ai ở đây nữa”.
Tại nhà anh Đào Công Thường, nguyên trưởng thôn Đồng Vĩnh, chúng tôi mới tìm được sự trao đổi cởi mở.
“Dù 13 năm làm chủ tịch xã, người dân rất đồng tâm. Nhưng sự việc liên quan đến dự án này đã cho thấy người dân không còn tin tưởng tôi nữa; có nghĩa là tôi thấy năng lực và trình độ không đảm bảo. Mà người dân đâu có biết cho chúng tôi, những người làm ở cấp xã thì phải tuân thủ chỉ thị từ cấp trên đâu”, ông Hoành nói.
Anh Thường cho hay: “Phần lớn người dân Bắc Sơn có nguồn gốc từ xã Thạch Đồng (Thạch Hà) lên khai hoang lập nghiệp. Đến nay đã 49 năm, nếu năm nay không có sự việc này thì sang năm xã chắc sẽ làm kỷ niệm 50 năm thành lập xã”.
Hiện tại xã Bắc Sơn có 329,6 ha đất nông nghiệp trồng lúa 2 vụ. Thu nhập bình quân hằng năm của người dân vào loại thấp, 15 triệu/người/năm.
“Ngày xưa, ở quê tổ Thạch Đồng, vì người đông đất chật ông bà tôi mới lên đây khai hoang lập nghiệp. Cả một vùng rừng núi rậm rạp nay thành ruộng thành làng thì có nguy cơ bị lấy đi. Dân chúng tôi sao không xót được. Anh có là người bỏ quê đi khai hoang thì anh mới thấy quý từng thước đất thế nào”, anh Thường nói.
Cũng theo anh Thường, từ khi xảy ra lộn xộn quanh dự án nghĩa trang, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn rất phức tạp. “Người dân chúng tôi đêm không dám ngủ, con cái đi học cũng nơm nớp lo sợ. Bình thường lo xong mùa vụ, ai nấy đều đi làm thêm kiếm tiền, nay thì không dám đi mà chỉ ở nhà”, nguyên trưởng thôn Đồng Vĩnh kể về tình hình phức tạp tại địa phương hiện nay.
 Người dân Bắc Sơn đang hết sức hoang mang
Cần xem lại sự hoan nghênh của Chủ tịch tỉnh
Quy hoạch dự án công viên vĩnh hằng Bắc Sơn nhận được sự hoan nghênh của Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự. 
Ngày 11.10.2013, tại văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo dự án công viên vĩnh hằng Bắc Sơn. Kết luận cho hay: “UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư dự án công viên vĩnh hằng Bắc Sơn Hà Tĩnh, hoan nghênh, khuyến khích Quỹ đầu tư phát triển tỉnh làm đầu mối thu hút các nhà thầu tham gia dự án”.
Tuy nhiên, cần phải xem lại, sự “hoan nghênh” này khi chính dự án đang làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống chính trị xã hội ở xã Bắc Sơn. Và càng cần xem kỹ hơn khi chính quyền cấp địa phương đang bị tê liệt thì vẫn có chỉ đạo cho tiếp tục theo đuổi dự án.
Ông Trần Bá Hoành cho biết: “Cấp xã bây giờ cũng mệt mỏi lắm rồi. Bây giờ việc cần nhất là ổn định tình hình trật tự, những đối tượng quá khích cần phải bắt giữ để có sự giáo dục. Hai nữa, nhà nước cũng cần xem lại dự án này có khả thi hay không”.
Về phía ông Hoành, ông cho biết đã xin lên huyện cho chuyển công tác đi nơi khác, nếu không được chấp thuận thì sẽ xin nghỉ việc. 
“Dù 13 năm làm chủ tịch xã, người dân rất đồng tâm. Nhưng sự việc liên quan đến dự án này đã cho thấy người dân không còn tin tưởng tôi nữa; có nghĩa là tôi thấy năng lực và trình độ không đảm bảo. Mà người dân đâu có biết cho chúng tôi, những người làm ở cấp xã thì phải tuân thủ chỉ thị từ cấp trên đâu”, ông Hoành nói.
Trời Bắc Sơn vẫn ảm đạm. Phần lớn người dân đang rất lo lắng và bồn chồn sau những sự việc vừa xảy ra. Việc quá khích và hành động vượt rào pháp luật là sai. Tuy nhiên, chính quyền các cấp của Hà Tĩnh cần phải vào cuộc sớm nhất và có nhiều giải pháp để vãn hồi trật tự, lý giải thấu đáo cho người dân để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc có thể tiếp tục xảy ra.
 Xã Bắc Sơn vừa được phê duyệt quy hoạch nông thôn mới thì “dính” dự án.
Lê Đình Dũng
(Một thế giới) 

Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng theo đề nghị của Chủ tịch nước?


Trong bản trình TVQH, Luật tổ chức Quốc hội quy định: Quốc hội sẽ tiến hành bầu Thủ tướng Chính phủ trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.
Luật tổ chức Quốc hội quy định: Quốc hội sẽ tiến hành bầu Thủ tướng trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch nước
Luật tổ chức Quốc hội được trình TVQH cho ý kiến vào sáng 15/4. Quốc hội được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luật quy định rõ, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao trên cơ sở hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
Quốc hội sẽ thực hiện quyền giám sát qua xem xét việc trả lời chất vấn của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Từ kết quả giám sát, Quốc hội có các quyền yêu cầu Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Quốc hội cũng có quyền bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Ngoài ra Quốc hội còn có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước; phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Một khía cạnh khác cũng thu hút được sự quan tâm là Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người do Ủy ban thường vụ Quốc hội giới thiệu. Ngoài ra Quốc hội cũng sẽ bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội giới thiệu. Quốc hội cũng bầu Phó Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.
Bên cạnh đó Luật tổ chức Quốc hội cũng nêu rõ: Quốc hội sẽ tiến hành bầu Thủ tướng Chính phủ trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.
Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người…
Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đều phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
Nguyễn Dũng
(Infonet)

Nguyễn Vũ Bình - Những thách thức trong việc xây dựng thể chế dân chủ ở Việt Nam


Đất nước Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của sự thay đổi lớn lao nhất trong suốt chiều dài lịch sử. Tự do cho người dân Việt Nam và Dân chủ cho toàn xã hội. Đứng trước thời khắc lịch sử này, chúng ta, những cá nhân, những tổ chức đã chuẩn bị những gì để đóng góp vào công cuộc xây dựng thể chế dân chủ của đất nước? Nhìn sang các nước láng giềng Phi-lip-pin và Thái lan, các nước đã có nền dân chủ mấy chục năm, chúng ta không khỏi lo lắng, ái ngại. Xa hơn về không gian, nhưng gần hơn về thời gian xây dựng thể chế dân chủ là các nước “Mùa Xuân Ả Rập”, đặc biệt là Ai Cập, một đất nước hỗn loạn và ẩn chứa nhiều bất ổn. Ukraine, Nga, các nước đã chuyển đổi thể chế dân chủ từ sự sụp đổ nhanh chóng và khá bất ngờ của các chế độ Cộng sản, cũng lại là sự bất ổn, mong manh. Theo khảo sát tình trạng Dân chủ ở 167 quốc gia và cố gắng định lượng chỉ số dân chủ do tạp chí The Economist ở Anh tiến hành, chỉ có 28 quốc gia được đánh giá là các nước có chỉ số dân chủ đầy đủ, 53 quốc gia có thể chế dân chủ khiếm khuyết, 29 quốc gia có thế chế chính trị hỗn hợp, 54 quốc gia là chính thể chuyên chế. Một cách đánh giá bao quát hơn, trong số trên 150 quốc gia có đầy đủ các định chế của một nền dân chủ như: hiến pháp dân chủ, các đảng phái chính trị (đa nguyên, đa đảng), tam quyền phân lập, tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội và hội họp…nhưng chỉ có trên dưới 30 quốc gia được xem là dân chủ tự do, số còn lại, hơn 120 nước được cho là chỉ có dân chủ trong tuyển cử. Tại sao các quốc gia đều có các định chế dân chủ như nhau, mà hơn 2/3 số nước lại không có được tự do thực sự của người dân?!? Với một tỷ lệ như vậy, khi Việt Nam chuyển sang chế độ dân chủ, chúng ta sẽ chen chân vào top 30 quốc gia dân chủ tự do, hay cũng sẽ nằm lại trong số hơn 120 quốc gia chỉ có dân chủ trong tuyển cử? Đành rằng chuyển từ thể chế độc tài toàn trị Cộng sản, sang một thể chế dân chủ khiếm khuyết (dân chủ tuyển cử) đã là một bước tiến vĩ đại đối với dân tộc Việt Nam. Người dân sẽ được tự do hơn rất nhiều, và mức sống cao hơn hẳn so với khi sống trong chế độ cũ. Nhưng ai cấm chúng ta, những người con dân đất Việt, tìm ra những khiếm khuyết và thiếu sót trong các thể chế dân chủ hiện hành và cách thức xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới, để từ đó khắc phục các khiếm khuyết, thiếu sót đó, xây dựng một nền dân chủ tự do thực sự cho đất nước Việt Nam.

Xây dựng thể chế dân chủ để đem lại tự do, dân chủ thực sự là một thách thức vô cùng lớn. Trước hết, đó là thách thức đặc thù, của một nước Việt Nam, với đầy đủ khó khăn và thuận lợi trong công cuộc xây dựng nền dân chủ vĩ đại. Nhưng thách thức lớn hơn nhiều, đó là vượt qua được lối mòn tai hại của cách thức xây dựng thể chế dân chủ phổ biến hiện nay trên thế giới.

I/ Những thách thức đặc thù Việt Nam trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ

Việt Nam là một nước có thể chế chuyên chính, độc tài toàn trị Cộng sản. Nhưng có sự khác biệt hơn so với Liên Xô và các quốc gia Đông Âu trước khi sụp đổ, đó là Việt Nam đã có một thời gian khá dài hội nhập với thế giới. Nền kinh tế đã tiếp xúc, làm quen với kinh tế thị trường, các quan hệ quốc tế đã rộng mở, nhận thức của người dân có rất nhiều thay đổi từ tiến trình này. Tuy nhiên, về khía cạnh chính trị, nhà cầm quyền Việt Nam đã thành công trong việc độc quyền tồn tại một đảng Cộng sản giữ vai trò lãnh đạo đất nước. Cũng chính vì sự độc quyền về chính trị này, với sự can thiệp của chính trị vào tất cả các lĩnh vực (dù cách thức can thiệp có khác trước đây), nền kinh tế Việt Nam đã phá sản hoàn toàn, xã hội Việt Nam bị dồn nén cùng cực và sự sụp đổ của chế độ Cộng sản Việt Nam đã hiển hiện trước mắt. Hậu quả của việc chỉ có một đảng chính trị (đảng Cộng sản Việt Nam) thật là tai hại trong hoàn cảnh chế độ sụp đổ không có lực lượng chính trị thay thế.

1/ Thách thức lớn - không có lực lượng chính trị thay thế

Chúng ta đều biết rằng, khi một chế độ sụp đổ, nếu có lực lượng chính trị thay thế, xã hội sẽ giảm bớt được rất nhiều sự hỗn loạn, không có khoảng trống quyền lực, một hoàn cảnh nguy hiểm đưa tới thời cơ cho những kẻ cơ hội chính trị. Bối cảnh về các lực lượng chính trị tại Việt Nam hiện nay, chỉ có một đảng chính trị, là đảng Cộng sản, các lực lượng đối lập có một số tổ chức ở hải ngoại nhưng chưa xây dựng được cơ sở tại Việt Nam (về cơ bản). Khi sự sụp đổ chế độ xảy ra, đảng Cộng sản là thủ phạm đưa đất nước vào ngõ cụt dẫn tới sự sụp đổ chắc chắn không còn vai trò, tiếng nói gì (với tư cách một lực lượng chính trị) trong việc xây dựng chế độ mới. Các đảng phái hải ngoại, dù có chuyển toàn bộ bộ máy từ nước ngoài về trong nước, cũng không thể kịp xây dựng thành một tổ chức hoàn chỉnh để có thể thay thế vai trò của đảng Cộng sản Việt Nam. Người dân trong nước, trừ một số người tham gia và quan tâm tới vấn đề đấu tranh dân chủ, phần lớn còn chưa biết tới sự tồn tại của các tổ chức, đảng phái đó. Chính vì vậy, cần có một thời gian để xây dựng các tổ chức chính trị. Hệ quả của việc không có một lực lượng chính trị thay thế, là các lực lượng chính trị, các tổ chức đảng phái sau này được lập ra, hoặc được đưa từ nước ngoài về (để hoàn thiện) có vai trò như nhau, không có lực lượng nào, tổ chức nào chiếm ưu thế. Điều này đòi hỏi một quá trình làm việc chung, vừa hợp tác vừa đấu tranh, những hoạt động rất xa lạ với phần lớn người dân trong nước.

2/ Phần lớn người dân bất ngờ khi chế độ sụp đổ, cả xã hội chưa có sự chuẩn bị cho việc thay đổi chế độ.

Không chỉ có những người dân thường, kể cả những người đấu tranh dân chủ, rất nhiều người không nghĩ, và không tin chế độ Cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ trong tương lai gần. Đây là điều hết sức bình thường, ngoài việc sự kiện sụp đổ của một chế độ là vấn đề quá lớn, quá phức tạp thì nguyên nhân khiến cho phần lớn người dân bất ngờ và không nghĩ có sự thay đổi chế độ trong thời gian ngắn tới đây là do:

- Hàng ngày, hàng giờ người dân tiếp xúc với hệ thống công quyền của chế độ, vẫn thấy nó hùng vĩ và không có gì thay đổi so với trước đây.

- Người dân bị bưng bít thông tin về những vấn nạn kinh tế, xã hội, chính trị. Về kinh tế, số liệu không chính xác và bị bóp méo, cũng như cách giải thích né tránh khủng hoảng sâu sắc và toàn diện của nền kinh tế. Về xã hội, chính trị, họ không biết được quá trình cướp đất của quan chức, của nhà nước đã tạo ra đội ngũ dân oan hàng triệu người trên khắp mọi miền đất nước. Sự đàn áp và dồn nén không trừ một tôn giáo nào khiến cho hàng triệu tín đồ phẫn nộ. Sự nhu nhược của nhà cầm quyền trước sự thôn tính và bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông và trên khắp đất nước khiến cho bao thanh nien, trí thức căm phẫn, uất hận…tất cả là một sự dồn nén đến cùng cực của xã hội.

- Điều quan trọng nhất, rất nhiều người không nghĩ và không tin có sự thay đổi chế độ trong tương lai gần là do người ta không nhìn thấy lực lượng nào, tổ chức nào thách thức sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt nam. Người ta luôn nghĩ, muốn thay đổi một chế độ thì phải có lực lượng thách thức, đánh đổ đảng Cộng sản và thể chế hiện thời. Người ta không biết, không nghĩ và không tin rằng, chế độ Cộng sản Việt Nam có thể sụp đổ chỉ giản dị là hết tiền để nuôi, duy trì hệ thống khổng lồ, giúp cho đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo đất nước. Người ta không biết rằng, sự cạn kiệt nguồn lực của chế độ đã đến cùng lúc với một nền kinh tế hoang tàn, niềm tin đổ vỡ hoàn toàn, cùng sự dồn nén cùng cực của rất nhiều giai tầng trong xã hội. Chính vì vậy mà tuy sống trong khó khăn, cảm nhận sự bức bối, nhưng phần lớn người dân không nghĩ rằng sẽ có sự sụp đổ của chế độ trong tương lai gần.

Đây là thách thức không nhỏ, cho quá trình xây dựng thể chế dân chủ. Bởi vì người dân quá bất ngờ, sự hoảng loạn sẽ diễn ra rất khốc liệt gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai.

3/ Phần lớn người Việt nam chưa có kỹ năng làm việc tập thể một cách tự nguyện, các tổ chức, lực lượng chính trị chưa có kinh nghiệm hợp tác, đối thoại trong những công việc chung.

Như chúng ta biết, người dân Việt Nam có nhiều phẩm chất tốt, cao đẹp, nhưng cũng có nhiều nét tính cách hạn chế, khiếm khuyết. Một trong số hạn chế lớn là khả năng, kỹ năng làm việc chung, tập thể. Có nhiều người gọi khiếm khuyết này, ở phạm vi hẹp, là kỹ năng làm việc theo nhóm. Ở quy mô lớn hơn, gọi là văn hóa tổ chức. Đây đúng là hạn chế, khiếm khuyết lớn trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai. Thực ra, từ trước tới nay, người Việt Nam chúng ta cũng vẫn làm việc trong nhiều tổ chức khác nhau. Tuy nhiên, đó là việc làm có tính chất bắt buộc (tham gia các đoàn thể), làm việc ở cơ quan. Nhưng những công việc xây dựng thể chế dân chủ, tính chất tự nguyện rất rõ nét và chiếm ưu thế, thì chúng ta yếu và thiếu trầm trọng kỹ năng cũng như kinh nghiệm làm việc. Mặt khác, do chưa có các tổ chức chính trị, đoàn thể tự nguyện, nên chúng ta cũng rất hạn chế trong việc phối hợp, hợp tác và đối thoại giữa các tổ chức, đơn vị đoàn thể với nhau cho các công việc chung. Ở hải ngoại, chúng ta cũng có một số tổ chức, đoàn thể nhưng kinh nghiệm qua nhiều năm cho thấy, hiệu quả phối hợp, làm việc chung và đối thoại rất hạn chế và khiêm tốn.

Đi sâu vào nghiên cứu lịch sử, chúng ta biết rằng, trước đây tổ tiên của chúng ta, thậm chí đời ông của chúng ta hiện nay, cũng không phải không có kinh nghiệm làm việc chung. Chúng ta có “lệ làng” ở tất cả các vùng nông thôn, được tổ chức và điều hành hoạt động rất hay và hiệu quả. Nhưng đến thời kỳ Cộng sản, những nét tính cách, văn hóa đó bị phá hủy vì bị đánh đồng với văn hóa phong kiến. Đây là điều vô cùng đáng tiếc. Sau khi mở cửa, hội nhập, những nét văn hóa và lễ hội đang dần được phục hồi, đi kèm theo là cách thức làm việc chung, tự nguyện đang được gây dựng trở lại.

Trên đây là khái quát những khó khăn, thách thức đặc thù trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai. Còn rất nhiều thách thức đặc thù Việt Nam trong việc này, như tâm lý bầy đàn khá đậm nét của người Việt Nam, thói háo danh, hư danh và sĩ diện cũng rất trầm trọng. Hạn chế về những kiến thức xã hội, nhân văn và quản trị xã hội trong môi trường giáo dục Việt nam cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình xây dựng nền dân chủ. Tuy nhiên, với tất cả các thách thức đặc thù Việt nam, cũng chỉ chiếm 30% nỗi lo lắng, lo ngại Việt Nam không xây dựng thành công thể chế dân chủ hiệu quả. Số phần trăm còn lại, 70% lo lắng giành cho việc chúng ta sẽ rơi vào “lối mòn tai hại’ của việc xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới. Mặt khác, nếu chúng ta thoát được “lối mòn tai hại” của việc xây dựng nền dân chủ, chúng ta sẽ dễ dàng giải quyết các thách thức đặc thù của Việt nam.

II/ Thách thức lớn nhất: khiếm khuyết, nhầm lẫn và thiếu sót trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ phổ biến hiện nay trên thế giới.

1/ Khảo sát sơ lược các nền dân chủ, một số vấn đề lý luận

Như phần đầu bài viết có đề cập, thế giới có trên 150 quốc gia, có thể chế dân chủ, nhưng chỉ có xấp xỉ 30 quốc gia, có được dân chủ tự do. Cách xem xét về chỉ số dân chủ, cũng cho kết quả tương tự, gần 30 quốc gia có chỉ số dân chủ đạt mức dân chủ đầy đủ. Vấn đề là, tất cả 150 quốc gia ấy, đều cơ bản có các định chế dân chủ, bao gồm hiến pháp dân chủ, cơ chế tam quyền phân lập, các quyền con người tự nhiên và dân sự…mà tại sao chỉ có chưa đến 30 quốc gia có tự do cho người dân. Điều này cũng có nghĩa là, phần lớn các quốc gia có đầy đủ các định chế dân chủ nhưng người dân chỉ có dân chủ trong tuyển cử, chứ không có dân chủ tự do thực sự. Tại sao và vì sao???

Đi sâu vào xem xét, trong số gần 30 quốc gia đạt được dân chủ tự do, hay chỉ số dân chủ đạt mức dân chủ đầy đủ, chúng ta thấy có ba trường phái để xem xét, nghiên cứu. Đầu tiên là Nhật, Đức, hai quốc gia xây dựng thể chế dân chủ sau khi chế độ độc tài đổ vỡ hoàn toàn, nhưng lại có bước tiến thần kỳ nhất. Tiếp theo là những quốc gia châu Âu, điển hình là các nước Tây-Bắc Âu. Cuối cùng là trường hợp của Hoa Kỳ.

Trường hợp của Nhật, Đức, chúng ta không thấy có một sự khác biệt nào về hiến pháp, về các định chế dân chủ so với các quốc gia khác. Đồng thời, chúng ta cũng không nghe ai nói, ca ngợi gì về nền dân chủ của hai nước này. Vậy sự thần kỳ có được là do đâu? Trước hết, cả hai quốc gia đều có truyền thống dân chủ trước khi các chế độ độc tài được lập ra và bị xóa sổ. Nhưng quan trọng hơn, người Nhật và người Đức đều có các yếu tố quý giá sau đây trong tính cách, văn hóa dân tộc: tự trọng, kỷ luật và tự tôn dân tộc rất cao. Điều này có nghĩa là, cùng thể chế dân chủ như nhau (mới chỉ là điều kiện cần), họ còn có các yếu tố văn hóa và tâm lý dân tộc giúp cho đất nước và nền dân chủ phát triển, đạt được các kết quả thần kỳ đó. Cũng không thể bỏ qua một yếu tố nhỏ khách quan, là sự hỗ trợ tuyệt đối của Mỹ sau thế chiến thứ hai cho hai quốc gia này.

Đối với các nước Tây - Bắc Âu, cũng có nét tương tự, tuy rằng biểu hiện có khác nhau. Chúng ta cũng chỉ nghe nói, các nước Bắc Âu, có cuộc sống và mức phúc lợi cao, chứ cũng chưa hề nghe nói về nền dân chủ có sự khác biệt nào về thể chế so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, các quốc gia Tây - Bắc Âu có truyền thống dân chủ lâu đời, lại nằm trong vòng ảnh hưởng của đạo Cơ Đốc, đạo Tin Lành, những tôn giáo có sự khoan dung, chấp nhận các khác biệt ở mức độ cao. Như vậy, tâm lý và văn hóa của các quốc gia châu Âu cũng vẫn là yếu tố quan trọng để góp phần xây dựng nền dân chủ tự do của họ.

Vậy có quốc gia nào, mà sự phát triển của đất nước họ, tự do của người dân chỉ đơn thuần dựa vào thiết chế dân chủ của họ không? Câu trả lời: Có! đó chính là Hoa Kỳ. Tại sao? Tại vì Hoa Kỳ là quốc gia đa sắc tộc, đa tính cách và đa văn hóa (Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ). Họ không có một dân tộc thuần nhất (đã hình thành) trước khi xây dựng thể chế dân chủ. Đồng thời, quá trình xây dựng thể chế dân chủ cũng chính là quá trình dung nạp các dân tộc, các nền văn hóa khác nhau. Chúng ta không thể nói, Hoa Kỳ là dân tộc có tâm lý và văn hóa phù hợp với sự phát triển được, mà chúng ta chỉ có thể nói, sự phát triển của nền dân chủ, của đất nước Hoa Kỳ là do chính từ thể chế dân chủ của nó. Đây là kết luận vô cùng quan trọng và giá trị, có nghĩa là các quốc gia có thể xây dựng thể chế dân chủ bảo đảm tự do của người dân và khả năng phát triển đất nước không phụ thuộc vào tâm lý và văn hóa dân tộc. Đây cũng chính là điều mà nền dân chủ Hoa Kỳ được ca ngợi và học theo trên toàn thế giới.

Một câu hỏi quan trọng tiếp theo, vậy tại sao, các quốc gia chuyển đổi thể chế, chế độ xã hội sau này (thậm chí hiện nay), có đầy đủ hiến pháp, cơ chế tam quyền phân lập, quyền tự do ứng cử và bầu cử, tự do lập hội và hội họp, tự do ngôn luận và báo chí,… có các cơ quan đại diện pháp luật không thiếu và không kém gì Hoa Kỳ lại không thể phát triển được như vậy?

Phải chăng các nền dân chủ sau này chưa tìm được các nguyên lý, yếu tố cốt lõi quyết định tự do cho người dân và sự phát triển của nền dân chủ và đất nước Hoa Kỳ để từ đó xây dựng thể chế dân chủ đặt trọng tâm và xoay quanh các nguyên lý và yếu tố đó?

(câu trả lời đầy đủ và rõ ràng có trong cuốn sách Dân Chủ - Nguyễn Vũ Bình)

Câu trả lời là đúng như vậy, tất cả các lý thuyết và sách báo về vấn đề dân chủ không chỉ ra được, đâu là những nguyên lý cốt lõi, đâu là yếu tố hạt nhân của nền dân chủ Hoa Kỳ và làm thế nào để xây dựng, thực hiện, thực thi được các nguyên lý, yếu tố đó. Khi tôi đi vào tìm hiểu, nghiên cứu lý thuyết, nguyên lý về tự do, về dân chủ, về việc xây dựng thể chế dân chủ, tôi đã vô cùng sửng sốt khi phát hiện ra rằng, không có một định nghĩa chung về dân chủ. Thật kỳ lạ! các sách báo còn chỉ ra rằng, tính đến những năm 60 của thế kỷ XX, có trên 500 định nghĩa, khái niệm về dân chủ!!! Chúng ta biết rằng, định nghĩa, khái niệm của một thuật ngữ chính là để chỉ ra yếu tố cốt lõi nhất của nội hàm khái niệm đó. Vậy mà chúng ta có, tính đến những năm 60 thế kỷ trước, trên 500 định nghĩa, có nghĩa là chưa chỉ ra được yếu tố cốt lõi, của khái niệm, của nền dân chủ. Như vậy, việc chưa tìm ra các yếu tố, nguyên lý cốt lõi và cách thức xây dựng, thực hiện và thực thi các yếu tố đó trong các thể chế dân chủ sau này chính là nguyên nhân dẫn tới các nền dân chủ chỉ dừng lại ở mức dân chủ tuyển cử, không có được nền dân chủ tự do mà người dân hằng mong đợi.

2/ Những yếu tố cốt lõi của thể chế dân chủ và thách thức trong việc xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai.

a/ Những yếu tố cốt lõi của thể chế dân chủ

Có hai yếu tố quan trọng nhất của thể chế dân chủ Hoa Kỳ, giúp cho thể chế này vượt qua mọi cam go, thử thách đưa nhân dân và đất nước Hoa kỳ tới vị thế ngày nay trên thế giới. Thứ nhất, đó là sự bình đẳng của các cá nhân, của mọi công dân trước pháp luật. Đây chính là tiền đề của dân chủ. Thứ hai, ý thức tự bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân, khi có các cơ chế thực hiện, sẽ trở thành khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân trong xã hội. Đối với xã hội Hoa Kỳ, sự bình đẳng ban đầu của những cá nhân tham gia xây dựng thể chế dân chủ là tự nhiên (quá trình xây dựng thể chế dân chủ Hoa Kỳ cũng chính là quá trình hình thành và xây dựng quốc gia Hoa Kỳ), còn đối với tất cả các quốc gia khác sau này, đó là quá trình xây dựng tiền đề của dân chủ: Là sự chấp nhận và thừa nhận sự khác nhau và khác biệt của mỗi cá nhân con người, mỗi một nhóm người, tập thể đại diện cho từng sắc tộc, tôn giáo, vùng và địa phương.

Ý thức tự bảo vệ quyền con người của người dân được bảo đảm bới các yếu tố: 1- nhận thức của người dân về tự do, dân chủ; 2- sự tham gia trực tiếp của người dân vào việc xây dựng thể chế dân chủ; 3- cơ chế bảo vệ quyền con người để người dân có thể tự bảo vệ quyền con người của mình.

b/ Thách thức lớn nhất trong việc xây xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai

Các nước chuyển đổi thể chế chính trị, từ các hình thức độc tài sang thể chế dân chủ phần lớn thực hiện các bước đi và hoạt động sau: Xây dựng hiến pháp (phần lớn thuê các chuyên gia hiến pháp nổi tiếng thế giới); định hình các đảng phái chính trị; ấn định lịch trình bầu cử, công bố và xin ý kiến nhân dân về hiến pháp mới…Điều đáng lưu ý là các hoạt động này được tiến hành trước hết và chủ yếu trên bình diện quốc gia. Các hoạt động xây dựng thể chế dân chủ vùng và địa phương được thực hiện sau và không phải là trọng tâm xây dựng thể chế dân chủ của các quốc gia. Nội dung xây dựng thể chế dân chủ của các quốc gia bao gồm: Xây dựng cơ chế tam quyền phân lập; xây dựng các thiết chế luật pháp bảo đảm các quyền tự do cá nhân của con người, ví dụ quyền sống, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do ngôn luận…; xây dựng các thiết chế, luật pháp bảo đảm quyền công dân (quyền tự do chính trị, dân sự), ví dụ quyền tự do ứng cử và bầu cử, tự do hội họp và lập hội, tự do báo chí…

Thông qua cách thức và nội dung xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới, chúng ta có nhận xét sau:

* Việc xây dựng thể chế dân chủ chủ yếu trên bình diện quốc gia. Vai trò của người dân là hết sức mờ nhạt.

* Không có sự nhấn mạnh, ưu tiên nào trong tất cả các định chế được đề cập

* Không có cơ chế để người dân tự bảo vệ quyền con người của mình

Có thể hình dung, toàn bộ quá trình xây dựng thể chế dân chủ trên thế giới hiện nay mới chỉ xây dựng phần “xác” của thể chế dân chủ. Phần “hồn” của thể chế dân chủ, chính là nhận thức của người dân về tự do, dân chủ, về cách thức xây dựng tự do dân chủ; sự tham gia của người dân trong xây dựng thể chế dân chủ; và cuối cùng, ý thức và khả năng tự bảo vệ quyền con người của người dân mới giúp cho thể chế dân chủ hoạt động hiệu quả, có cả xác và hồn.

(xem thêm bài viết: Tại sao Ai Cập? Tại sao Dân chủ? – Nguyễn Vũ Bình)

* * *
Chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn, xây dựng thể chế dân chủ từ con số không, giống như một ngôi nhà cũ được đập bỏ và xây mới hoàn toàn. Dù có rơi vào “lối mòn tai hại” trong cách thức xây dựng thể chế dân chủ hiện nay, thì nhân dân và đất nước cũng bước sang một trang sử mới. Sức bật của đất nước gần 100 triệu người dân vừa thoát khỏi chế độ độc tài là rất đáng kể. Tuy nhiên, nếu nhận thức được những hạn chế của phần lớn các nền dân chủ hiện nay, chúng ta có thể tránh được các giới hạn, tạo lập một thể chế dân chủ hiệu quả, tạo ra sự khác biệt và rút ngắn được thời gian tiến kịp các nước phát triển hiện nay. Chúng ta sẽ có cơ hội, chúng ta cần nhận thức và quyết tâm, để xây dựng thể chế dân chủ cả thế giới phải ngưỡng mộ và học tập, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng Giấc Mộng Việt Nam./.

(Xin mời quý vị đón đọc bài cuối cùng trong loạt bài này: Nắm tay nhau xây dựng nền Dân chủ: Giấc Mộng Việt Nam)

Hà Nội, ngày 14/4/2014
Nguyễn Vũ Bình
(Blog Nguyễn Vũ Bình)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét