Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Biểu tình nổ ra khắp nơi báo hiệu sự thay đổi đột biến trong năm 2014? - Thư du học sinh Nhật: Xấu hổ khi thấy cảnh sát Nhật học tiếng Việt

Biểu tình nổ ra khắp nơi báo hiệu sự thay đổi đột biến trong năm 2014?

Liên tục trong những ngày gần đây nhiều cuộc biểu tình phản đối của người dân đã diễn ra trên khắp các miền đất nước, thu hút sự chú ý của truyền thông lề trái và mạng xã hội.
Tại Ninh Thuận

Đầu tiên là cuộc biểu tình của người dân Ninh Thuận phản đối khai thác titan tại đây. Được biết UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép cho Công ty TNHH Quang Thuận khai thác Titan ở thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, với phê duyệt diện tích khai thác 87ha. Hậu quả của việc khai thác titan là gây ô nhiễm môi trường sống trầm trọng cho người dân nơi đây. Nghiêm trọng hơn nữa là việc khai thác quặng Titan đã khiến cho mạch nước ngầm ở đây bị sụt, người dân không có nước sạch để sinh hoạt.

Trước nguy cơ đó, người dân đã xuống đường biểu tình phản đối, trước đó dân cũng khiếu nại và phản đối nhưng không có kết quả [nguồn]. Bức xúc với việc nhà cầm quyền xem nhẹ mạng sống của người dân để trục lợi. Người dân tại đây đã đập phá nhà của chủ công ty TNHH Quang Thuận, một số người dẫn đầu bị bắt. 

hinh_1.jpg

Dân bị bắt, chính quyền tiếp tục cho công ty khai thác trở lại, mặc cho đời sống của người dân rơi vào tình trạng nghiêm trọng. Với những bức xúc đó, ngày 27, 28 tháng 3 người dân Ninh Thuận tiếp tục xuống đường biểu tình. Để đối phó với người dân, nhà cầm quyền Ninh Thuận đã đồng loạt điều động các lực lượng công an, cảnh sát cơ động để trấn áp. Với những bất bình đè nén bấy lâu, người dân đã quyết tâm không lùi bước và phản kháng cuộc trấn áp của lực lượng công an. Hậu quả của cuộc đụng độ là 2 thiếu úy cảnh sát bị thương, chưa kể trước đó hai ngày đã có 4 cảnh sát cũng phải nhập viện do trấn áp cuộc biểu tình.
 
Tại Hà Tĩnh

Tiếp nối cuộc biểu tình tại Ninh Thuận, ngày 29 tháng 3 Tại huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh hàng ngàn người dân cũng đồng loạt biểu tình chống cưỡng chế. Được biết, tại Vũng Áng, Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh là chốt điểm lâu nay người Trung Quốc vẫn ồ ạt đổ về đây kinh doanh, sinh sống. Có những lời bình luận rằng, bước vào vùng Vũng Áng, Hà Tĩnh như bước vào một thành phố của Trung Quốc. Bởi vì nơi đây rất đông người Trung Quốc và dày đặc các bảng hiệu kinh doanh của người Trung Quốc. Được biết đa số người Trung Quốc làm việc tại đây không có giấy phép lao động.
hinh_2_0.jpg

Theo một số thông tin cho hay, cuộc biểu tình tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh nổ ra từ việc nhà cầm quyền Hà Tĩnh có kế hoạch cưỡng chế 180 Kiốt của người dân ở Hải Phong, thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Tỉnh Hà Tĩnh. Vì cho rằng quyết định cưỡng chế này là trái phép, người dân đã không chấp nhận và đồng loạt phản đối dữ dội. Điều đáng nói ở đây là cuộc biểu tình này không chỉ là những người nằm trong diện cưỡng chế, mà cả những người không nằm trong diện cưỡng chế cũng tham gia, theo người dân nơi đây cho biết số người biểu tình trong ngày 29/3 lên tới hơn 3000 người. Còn về phía nhà cầm quyền đã tập trung đủ các thành phần công an, cảnh sát, xe cứu thương để sẵn sàng cho việc cưỡng chế, đàn áp.

Đã xảy ra xô xát giữa người dân với lực lượng công quyền khiến cho chủ tịch huyện, Nguyễn Văn Bổng, hai cảnh sát cơ động cùng với một nhân viên điện lực bị thương.
Tại Nghệ An

Cũng trong chuỗi ngày đó, một nguồn tin trên mạng xã hội Facebook cho hay, ngày 28 tháng 3 tại Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng nổ ra một cuộc biểu tình của hàng ngàn người dân phản đối cưỡng chế. Có 3 người bị bắt nhưng đã được thả ngay sau đó vì sự phản đối dữ dội của người dân nơi đây. 

hinh_3.jpg

Tại Dương Nội

Cũng trong ngày 28 tháng 3, thông tin trên đài RFA cho biết, bà con phường Dương Nội, quận Hà Đông nhận được tin hai người dân bị công an bắt đi từ ngày 26 tháng 3 đã cắn lưỡi tự tử trong đồn. Theo đó, bà con đã cùng nhau kéo đến đồn công an để tìm hiểu thực hư và hỏi lí do. Nhưng không được giải đáp, ngược lại còn bị công an lợi dụng đêm tối đàn áp dã man bà con Dương Nội.

Bản tin cho hay: “khoảng 9:30 thân nhân của ông Trần Văn Sang, một trong hai người bị bắt và được thông báo tự tử ở đồn công an cho biết như sau:

Chiều hôm nay nhận được thông tin chú của cháu cắn lưỡi gần chết nằm trong bệnh viện. Điều đó không biết đúng hay sai, còn nằm bệnh viện cũng không biết bệnh viện nào. Bà con mọi người ra đồn công an đòi người thì công ra ra đuổi. Khi mọi người vào đòi người thì công an bắt thêm bác cháu và bố cháu nữa. Bố cháu là Trần Văn Tú và bác cháu là Trần văn Tuấn.

Hôm bắt chú Trần Văn Sang, anh công an khu vực đưa giấy. Họ bắt từ chiều mà đến tối chín giờ kém 10 mới đưa giấy. Gia đình hoang mang không làm được gì, không đến công an hỏi vì có giấy thông báo bắt tạm giam rồi. Ngày hôm sau có đến đòi người họ nói không biết. Hôm nay họ thông tin chú cháu cắn lưỡi thì mọi người đến đòi người họ lại đánh một người ngất xỉu đưa đi viện.

Thông tin 2 người dân cắn lưỡi tự tử vẫn chưa được xác minh rõ ràng thì ngày 30 tháng 3, theo blog Phe Áo Đỏ cho biết, cũng tại Dương Nội, ngay trên mảnh đất đang tranh chấp của ông Dương Văn Dư, bà vợ của ông là Nguyễn Thị Giang đã bị đánh chảy máu đầu, hung thủ là con của Nguyễn Đình Thục (kẻ được giao đất trái phép).

Được biết bà Giang mang đồ lễ cúng đến thửa đất của bà để cúng và sau khi cúng xong thì bị con của Nguyễn Đình Thục chạy ra cầm gậy đánh mạnh vào đầu bà Giang. Điều đáng nói ở đây là tại hiện trường lúc đó có rất nhiều dân phòng đứng vây xung quanh nhưng không can ngăn tên thanh niên này hoặc chỉ giải vờ can ngăn. 

dscn0519.jpg
Với những cuộc đàn áp, những hành động hết phi nhân và phi pháp của nhà cầm quyền địa phương đối với người dân Dương Nội nhưng bà con vẫn một lòng kiên cường đấu tranh đòi quyền lợi cho mình.
* * *

Như vậy, trong mấy ngày liên tiếp, đã nổ ra ít nhất 4 cuộc biểu tình với quy mô lớn. Điều này cho thấy với chính sách “cai trị” nhân dân bằng thủ đoạn tàn độc của nhà cầm quyền, nhân dân khắp nơi luôn phải sống trong cảnh cùng cực, quyền làm người của người dân bị chà đạp… đã khiến cho người dân bị dồn tới bước đường cùng để rồi họ không thể cam chịu được mà phải vùng lên. Giờ đây sự mâu thuẫn của người dân đối với chính quyền trở nên đối kháng rõ rệt. Nỗi phẫn uất của người dân đã lên tới đỉnh điểm, sự sợ hãi của họ đã biến mất và họ sẵn sàng đổ máu để bảo vệ những quyền lợi của mình.

Chắc chắn nhà cầm quyền đã nhìn thấy rõ sự thay đổi này. Chắc chắn họ cũng đã tự đánh giá được những sai lầm của họ, những bất công mà họ đã gieo xuống cho người dân, để rồi giờ đây lòng dân căm phẫn. Vấn đề đặt ra cho nhà cầm quyền là họ sẽ chọn con đường nào: thay đổi hay tiếp tục dậm chân tại chỗ với những chính sách “hành dân” để rồi sẽ dẫn đến đổ vỡ đầy bạo lực? Con giun xéo mãi cũng quằn, những bức xúc không được giải tỏa sẽ ngày càng đầy lên và bộc phát mạnh hơn nữa, tất cả chỉ là vấn đề thời gian.

Về phía người dân, nhất là tầng lớp trí thức, điều cần thiết bây giờ là tất cả chúng ta đều phải đồng lòng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong phương thức và con đường đấu tranh để giúp những người dân vô tội đấu tranh sao cho hiệu quả và giảm thiểu hao tổn xương máu của cả đôi bên, điều mà chắc chắn không ai trong chúng ta mong muốn.

Rất nhiều thành phần đã chảy cùng dòng chảy đấu tranh, nhưng một lực lượng vẫn mong chờ nhất cho một sự thay đổi nhất định đó là các bạn trẻ, thanh niên, sinh viên. Tại sao những tiếng nói từ thành phần này vẫn còn quá ít ỏi và yếu ớt? Thanh niên là những người đón đầu thời đại, những thế hệ tương lai của đất nước, nhưng các bạn đang ở đâu? Phải chăng các bạn đang ẩn nấp sau những vỏ bọc của sự ích kỉ, của sự sợ hãi? Tại sao những người nông dân chất phác hiền lành làm được mà những người trẻ chúng ta không thể làm một ngọn gió đổi thay được. Giờ đây các bạn chỉ sống với hạnh phúc cho riêng mình, nhưng thử hỏi, nếu không nỗ lực để thay đổi hiện tình đất nước, rồi đây đất nước tan vỡ thì các bạn còn có thể yên ổn mà vui với hạnh phúc của riêng mình được chăng? Rất cần sự dấn thân và đoàn kết trong giới thanh niên, sinh viên Việt Nam để đóng góp vào sự thay đổi của Việt Nam.
Bút Tre
(Dân luận)

Thư du học sinh Nhật: Xấu hổ khi thấy cảnh sát Nhật học tiếng Việt

Ngô Quang Vinh (phải) cùng gia đình tại Nhật Bản
 Sáng nay, tôi lên trường gặp giáo sư, một người gắn bó và yêu Việt Nam từ những năm cuối thập niên 1970. Như thường lệ, trước khi bắt tay vào công việc, hai thầy trò chào hỏi và trao đổi với nhau vài câu đầu ngày bằng tiếng Việt.

“Từ bản tin tối hôm qua đến nay, đài NHK và các đài khác của Nhật cứ đưa đi đưa lại tin bắt cô tiếp viên của Vietnam Airlines liên quan vào đường dây ăn cắp đồ ở Nhật, tôi và bà nhà tôi xem mà đau.


Rồi báo chí rùm beng nghi án quan chức JTC hối lộ, nay lại đưa đậm tin này. Mà cũng tại mấy bữa nay truyền thông chúng tôi không có “big news” nên những tin như thế này lại được chú ý đưa đậm...”, giọng thầy nghèn nghẹn như trách móc các đơn vị truyền thông nước bạn.

Những người hiểu và yêu Việt Nam như thầy xem bản tin thời sự đều chung tâm trạng như vợ chồng thầy. Vì yêu nên họ muốn bảo vệ hình ảnh Việt Nam. Dù bằng chứng lúc này đều chống lại hình ảnh người phụ nữ với chiếc áo dài thướt tha của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam thì thầy vẫn một mực đổ lỗi tại... truyền thông Nhật Bản. Không bằng chứng nào thuyết phục được lý lẽ từ trái tim. “Thật tệ hại. Họ đang đánh đồng tất cả người Việt Nam”, thầy bảo.

Cũng cần nhắc lại, gần đây, ngoài “Phở”, chuyện “Việt Nam thắng Mỹ”, “cặp song sinh bị dính nhau Việt - Đức đã từng được điều trị tại Nhật Bản”..., người Nhật bắt đầu nói chuyện về Việt Nam, một đất nước xinh đẹp, văn hóa, ẩm thực ngon. Song những sự vụ gần đây khiến mọi thứ đảo chiều chóng mặt.

Số lượng người Việt ồ ạt vào Nhật Bản kéo theo vô vàn hệ lụy. Những hiện tượng như: Người Việt đi tàu trốn vé, ăn cắp vặt ở siêu thị, buôn tiền bất hợp pháp đã không còn là chuyện hiếm... Những vụ việc diễn ra nhiều đến mức thay vì chỉ nhờ người Việt hỗ trợ ngôn ngữ, cảnh sát Nhật đã phải tiến đến bước mở liên tục các lớp học tiếng Việt cho nhân viên của mình.

Trang Jiji Press vừa qua đưa thông tin rằng người Việt đứng đầu danh sách các vụ trộm cắp tại các cửa hàng, siêu thị, số vụ phạm tội của người Việt ở Nhật Bản tăng đến 60% trong 9 năm qua, lên đến 1.118 người trong năm 2013.

 Ở một quốc gia duy tình như Việt Nam, những sai lầm trong ứng xử hay kể cả phạm pháp kiểu “trộm gà trộm chó” nhỏ lẻ thường dễ giải quyết bằng… tình cảm (hoặc trao đổi vật chất được bao bọc trong mỹ từ “tình cảm”). Những mối quan hệ chồng chéo, tâm lý ngại kiện tụng đưa đến những lần tặc lưỡi cho qua trên bàn nhậu. Điều này làm chúng ta dễ vỗ ngực tự hào rằng chúng ta vị tha, chúng ta đoàn kết...

Nhưng nước Nhật không thế. Nước Nhật không tin vào nước mắt của người sau khi bị bắt. Họ càng không chấp nhận giải quyết tay đôi, bỏ qua luật pháp. Chúng ta nên hiểu, một đất nước mà với tất cả người dân sự trung thực và liêm chính được tạo dựng ý thức ngay từ tấm bé thì phạm pháp khó lòng được xuê xoa, thông cảm.

Thông cảm sao khi kẻ tiếp tay cho nạn trộm cắp núp danh nhân viên hãng hàng không trong tà áo dài thướt tha như hình ảnh đại diện của một quốc gia (?!)

Thông cảm sao khi những vụ trộm nhỏ lẽ lại diễn ra đều đặn và có dấu hiệu có hệ thống (?!)

Nói chung, khi luật pháp là tối thượng, thông cảm là thứ viễn vông.

Những vụ việc như trên trong thời gian qua, tạm thời hiện nay chưa có ảnh hưởng tiêu cực nào đáng kể đến cuộc sống của người Việt tại Nhật. Nhưng nếu vì một chút lợi nhỏ trước mắt mà chúng ta không ý thức giữ gìn thì có nghĩa chúng ta đang dần khép lại cánh cửa bước tiếp của mình.

Và đến lúc ấy, hẳn nhiên, những người Việt ở Nhật đành về nước chờ đồng bào... thông cảm!
Ngô Quang Vinh
Nghiên cứu sinh, ĐH Hitotsubashi, Tokyo, Nhật Bản
(TTVH)

Vụ vỡ đê kinh hoàng và hành trình 'giết' sông Lô

Trong ký ức của các lão nông ở xã Sầm Dương, thời khắc đê sông Lô bị vỡ mãi là một ám ảnh kinh hoàng. Con nước hung dữ năm ấy đã cuốn phăng tất cả tài sản, nhà cửa của người dân nơi đây. Nước mắt mặn chát của những người dân đã rơi theo con nước bạc.
Đó là câu chuyện của mấy chục năm về trước. Ấy vậy mà, giờ đây, mỗi khi nhắc lại, các bậc cao niên nơi triền đê sông Lô đều không khỏi giật mình.
Cũng đúng, với những người nông dân suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì mùa mưa bão những năm chưa đổi mới đó chắc khác nào một cơn ác mộng. Nhà cửa, ruộng vườn, tài sản bỗng chốc trôi theo dòng nước.
Ký ức kinh hoàng gần 30 năm
Đó là những ngày mưa gió dầm dề - tháng 7 năm 1986!
Người dân sinh sống cạnh cái doi đất này còn nhớ như in những ngày ấy. Trước ngày đê vỡ, mưa gió, sấm chớp đì đoằng, bầu trời xám xịt. Nước từ thượng nguồn đổ về ầm ầm.
Con sông Lô bình thường hiền lành là thế, bỗng trở nên hung dữ lạ thường, réo ùng ục như con thủy quái khổng lồ. Dòng sông đỏ quạch như màu máu.
Nước lên nhanh. Cả bãi soi Dù Dì ven sông Lô bị dòng nước nuốt chửng. Sáng, nước mới đến mép bãi bồi. Quá trưa, đã thấy nước tràn lên cả bãi soi.
Cả bãi bồi ngày thường toàn màu xanh của ngô, khoai bây giờ đùng đục màu trắng bạc. Con đê già nua dường như đang run lên theo con nước dữ. Từ xa, nó chẳng khác gì một sợi chỉ giữa biển nước mênh mông, sẵn sàng bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

sông Lô, Sơn Dương, Tuyên Quang, cát tặc, khai thác cát, hút cát, vỡ đê


Mưa như ném đá. Các vị bô lão trong làng chạy ra chân đê, nhìn về biển nước mà xót xa. Thế là một mùa nữa đói kém. Thế là lại đứt bữa trong những ngày giáp hạt. Phía dưới, nước bắt đầu mấp mé chân đê. Cứ mỗi đợt sóng táp vào, những tảng đất lại đổ ầm xuống.
“Từng nhiều năm sinh sống nơi đây nhưng chưa thấy năm nào mà sông Lô lại hung dữ như thế. Khả năng đê vỡ là rất cao. Hôm đó hình như là ngày 17 tháng 7 thì phải, đang đứng trên triền đê, tôi nghe tiếng kẻng báo động của Hợp tác xã.
Cả xã kéo nhau ra, bằng mọi cách bịt kín những tảng đất phía dưới thân đê. Ngày đó, không có bì tải nên chúng tôi dùng tre, đan thành rọ rồi xúc đất đổ vào.
Hàng trăm cọc tre được người dân nơi đây đóng chặt vào những điểm đê có khả năng bị vỡ, hàng ngàn rọ đất được chuyển đến để chống chọi với con sóng đang gầm gừ dưới lòng sông Lô. Đêm đó, một nhóm người được cắt cử, đội mưa để canh chừng đê vỡ”- ông Nguyễn Quang Minh, một người dân ở thôn Đồng Tâm nhớ lại.
Sáng hôm sau, lúc trời còn chưa rõ mặt người, ông Minh bị đánh thức bởi tiếng kẻng báo động. Nghĩ có chuyện chẳng lành, ông bảo vợ con di chuyển lên phía trên đồi, còn mình mang theo quốc xẻng ra phía triền đê.
Tới nơi, đã thấy hàng trăm người dân dầm mình dưới con nước. Nước sông Lô đen kịt, giống như con trâu mộng đang thở phì phò. Thi thoảng, nó lại chồm lên con đê già nua. Từng mảng đất lớn như những thớ thịt cứ thế bị cuốn trôi trước ánh mắt gần như tê dại của người dân.
Ông nhìn vào mấy cái vết nứt hôm qua, đã thấy nó hở toang hoác. Lúc này, dưới sông, nước dâng lên mỗi lúc một nhanh. Ông lao xuống dưới, cùng thanh niên trai tráng trong làng lập tức vác những khối đất để vá đê.
Hàng trăm, hàng ngàn rọ đất được huy động đến để cứu đê vỡ. Vừa lúc đó, lại một con sóng xô đến, cuốn phăng hàng chục m3 đất mà người dân vừa đắp. Một vết nứt chém ngang thân đê, nước từ ngoài bãi bắt đầu chảy qua thân đê.
Cứ như thế, hàng trăm con người vật lộn để cứu đê dưới cái rét và cơn mưa ngày càng nặng hạt. Hàng chục, hàng trăm m3 đất vừa được vận chuyển để vá những vết thương cho bờ đê thì ngay sau đó, một con sóng lớn lại ập đến, cuốn phăng tất cả. Mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ trong những cơn trêu đùa quái gở của thần sông.
Tầm 9 giờ sáng, lúc này, vết nứt trên thân đê ngày một lớn, bà con bèn tính đến việc phải chấp nhận một sự thật: đê vỡ .
Mọi người chạy thục mạng lên phía những khoảng đồi để tránh cơn đại hồng thủy. Tiếng la hét, tiếng gọi nhau í ới, tất cả tạo nên một khung cảnh hỗn loạn.
Khi những bước chân mệt mỏi cố nhoài đến quả đồi cao nhất trong làng thì một cảnh tượng hãi hùng xảy ra. Dòng nước hung dữ hất tung con đê tội nghiệp. Cả một cái lò gạch cũng bị dòng nước cuốn trôi. Những ngôi nhà phía gần đê ngay lập tức bị nuốt chửng.
Mấy ngày sau, nước rút. Người dân lại lục tục trở về bên những ngôi nhà toàn bùn với rác rưởi. Lúa gạo, thóc giống chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới trôi hết ra tận giữa bãi sông. Lại đói!
Đừng để dân “sống chết mặc bay”
Khi chúng tôi viết những dòng này, cũng là lúc những “binh đoàn” tàu quốc đang ầm ầm tiến đến dòng sông Lô để khai thác cát. Không những lòng sông, mà ngay cả cái bãi bồi phì nhiêu ngun ngút một màu xanh của ngô rồi đây sẽ trở thành một đại công trường.
Người dân tiếc đứt ruột cái bãi bồi phì nhiêu, chỉ cần vứt mất hạt ngô, chẳng cần chăm bón gì mà cuối mùa nào cũng lặc lè những bông ngô hạt chắc mây mẩy. Những bãi ngô xanh hun hút một màu từng làm cảm hứng cho cố nhạc sỹ Văn Cao rồi đây, chỉ còn là trong hoài niệm.
sông Lô, Sơn Dương, Tuyên Quang, cát tặc, khai thác cát, hút cát, vỡ đê
sông Lô, Sơn Dương, Tuyên Quang, cát tặc, khai thác cát, hút cát, vỡ đê
Bờ sông Lô bị sạt lở nghiêm trọng
Khi bài báo này chưa kịp lên trang, cũng là lúc tôi nhận được một tin buồn từ những người dân nơi đây. Họ bảo: có lẽ, chúng tôi sẽ nhận khoản tiền đền bù từ phía doanh nghiệp và chấp nhận mất đất! Xót lắm chú ạ, nhưng biết làm sao, phận người dân thấp cổ bé họng như chúng tôi biết kêu ai bây giờ.
Hỏi số tiền đền bù mà người dân nhận được là bao nhiêu, một ông lão buồn rầu trả lời: họ bảo là 20 triệu mỗi hộ. Ở đây, họ đền bù theo hộ chứ không phải theo diện tích đất. Mà kể cả là đền bù theo diện tích cũng có được đáng là bao đâu, chỉ tầm hơn 2.000 đ/m2.
Vậy là người dân sẽ nhận tiền đền bù, như chấp nhận thua cuộc! Vậy là một trong những thủ tục cuối cùng – hợp đồng thuê đất- sẽ sớm có trong tay các doanh nghiệp.
Một viễn cảnh sắp tới sẽ diễn ra: những bãi ngô xanh đang vào vụ sẽ bị xới tung để lấy cát; bãi bồi từng nuôi sống người dân hàng trăm năm nay sắp tới sẽ biến thành lòng sông. Nụ cười lại rạng ngời trên khuôn mặt của một nhóm người, còn nước mắt – nước mắt giống những ngày dân chạy nạn vì đê vỡ lại chảy trên khuôn mặt những người dân suốt đời lam lũ.
Và ai dám chắc, khi “lòng sông” này chỉ cách bờ đê một quãng rất ngắn, lại không xảy ra thêm một vụ vỡ đê như trong quá khứ?
Theo TTXVN, mới đây, đã xuất hiện vết lún nứt dài 70m dưới chân đê sông Lô.Vết lún nứt thứ nhất dài khoảng 70m, rộng 8 - 20 cm xảy ra tại địa phận thôn Lương Thiện (nơi đã xảy ra vỡ đê năm 1986). Vết lún nứt thứ 2 xảy ra ở địa phận thôn Thái Thịnh có chiều rộng 10 - 20 cm, dài khoảng 60 m. Và vết lún nứt thứ 3 xảy ra ở địa phận thôn Hưng Thịnh rộng 5 cm, dài khoảng 65 m.

Được biết, những vết nứt này bắt đầu xuất hiện từ tháng 5/2010 và gần đây càng nghiêm trọng hơn (vết lún nứt rộng và dài hơn).

Ngoài 3 điểm lún nứt trên, theo thống kê của UBND xã Sầm Dương, trên diện tích đất bãi soi ven sông Lô của 44 hộ dân còn xuất hiện tình trạng sạt lở, với tổng diện tích đất canh tác bị sạt lở 9.265 m2.

Tình hình lún, nứt ngày càng diễn biến hết sức. Đặc biệt, sau trận mưa to kéo dài từ 27-28/8/2010, cống Hưng Định (xã Sầm Dương) - cống tiêu nước qua đê sông Lô đã bị sạt lở vào sát chân đê và mép cống. Cụ thể, vết sạt lở có chiều dài là 60 m, rộng 4 đến 12 m, sâu 6 đến 7 m.

Trước những diễn biến phức tạp đó, ngày 19/5/2010, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản số 1024/UBND-NLN chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và đề ra phương án đảm bảo an toàn cho đê đoạn qua xã Sầm Dương.

Chính quyền xã Sầm Dương cũng từng có văn bản yêu cầu tạm dừng việc khai thác cát sỏi trên sông Lô để điều tra nguyên nhân lún, nứt đê.

Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì mà ngày27/1/2014, ông Phạm Minh Huấn –nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang (vừa được bổ nhiệm sang làm Phó bí thư tỉnh ủy) lại cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho công ty cổ phần khoáng sản Tân Hà
Hoàng Sang
(VNN)

'Không tin Việt Nam rút đăng cai Asiad'

Nhiều cơ sở thi đấu thể thao ở Việt Nam cần được nâng cấp

Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam nói với BBC rằng Việt Nam vẫn sẽ đăng cai Asiad 2019, trong lúc đang có tin tức mâu thuẫn về một phát ngôn của một phó thủ tướng.

Ông Hoàng Vĩnh Giang, người đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận động đưa Asiad 2019 về Việt Nam, được BBC hỏi về bản tin hôm 31/3 trên tờ Tuổi Trẻ, nói rằng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam "muốn rút đăng cai Asiad".

Trả lời BBC, ông Giang nói: “Tôi không nghĩ thế đâu, Việt Nam chắc là sẽ tổ chức chứ tại sao lại thôi. Tại sao lại rút là thế nào?"

Việt Nam chính thức giành quyền đăng cai Asiad 18 hồi tháng 11/2012, với dự toán kinh phí 150 triệu đôla Mỹ.

Tuy vậy đang có tranh luận về kinh phí thực có bị dội lên hay không, và liệu Việt Nam có nên đăng cai.

Bản tin của Tuổi Trẻ dẫn lời ông Vũ Đức Đam nói trong phiên giải trình lần hai của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Tôi đề nghị một mặt các bộ phải chốt lại xem cần bao nhiêu tiền để tổ chức Asiad 18, mặt khác nên tính phương án rút.”

Tuy nhiên, ông Giang phân tích, phương án rút là rất khó khi chỉ có hai lý do duy nhất là “nguy cơ chiến tranh và bị thiên tai rất nghiêm trọng thì mới có cớ để xin không đăng cai nữa”.

“Mà Việt Nam là thể chế chính trị ổn định thuộc loại nhất châu Á thì làm sao có thể lấy lý do gì.”



Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Hơn nữa, xét về mặt phân bổ địa lý, “toàn châu Á chẳng có quốc gia nào tham gia đăng cai được ngoài Việt Nam ở thời điểm này.”

Tin trên Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin riêng viết rằng ông Phó Thủ tướng sau khi nghe các ý kiến về việc khó rút đăng cai Asiad năm 2019, nói trường hợp không thể rút được thì “phải đề nghị OCA [Ủy ban Olympic châu Á] hỗ trợ tối đa cho Việt Nam, phải tính cách tổ chức thật sự tiết kiệm..."

Tuy nhiên, trang mạng của báo Văn hóa, tờ báo chính thức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng ngày 31/3 phủ nhận thông tin do Tuổi Trẻ đưa.

Báo Văn hóa chạy tít: "Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không nói như Báo Tuổi trẻ viết."

Tờ báo dẫn lời ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, thành viên dự buổi họp mà Tuổi trẻ đề cập đến, bác bỏ thông tin mà tờ Tuổi Trẻ đăng liên quan phó thủ tướng.

Nhưng trong một thảo luận trên trang Facebook, nhà báo Bùi Thanh của tời Tuổi Trẻ khẳng định: "Thông tin đó là chính xác và Phó thủ tướng không lỡ lời đâu."

‘Không khó với VN’

Trong cuộc nói chuyện với BBC, ông Hoàng Vĩnh Giang nhiều lần khẳng định ông không tin Việt Nam muốn rút đăng cai Asiad, sự kiện thể thao lớn nhất châu Á.
 
Ông Hoàng Vĩnh Giang cho rằng Việt Nam đã khá đầy đủ về cơ sở vật chất cho Asiad

Ông Hoàng Vĩnh Giang nói việc tổ chức chắc chắn sẽ không vượt quá con số 150 triệu đôla Mỹ.

“Sao nó lại rẻ như vậy, so với nước khác, là vì Việt Nam còn tới 80 đến 90% cơ sở vật chất còn tồn tại từ thời đăng cai SEA Games và Asian Indoor Games, giờ chỉ cần nâng cấp.”

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Khi được hỏi liệu kinh phí dự toán có bị đội lên do các cơ sở đã cũ kỹ và xuống cấp, ông Giang cho rằng “nếu như không có kinh phí nâng cấp để cho nhà cửa sập xệ thì nó lại là lãng phí, lãng phí hơn là tính chuyện đó vào trong Asiad.”

“Mà năm năm nữa mới đăng cai thì 150 triệu đôla không phải là to tát lắm với Việt Nam, nhất là sau một thời gian nữa Việt Nam lại tiến bộ hơn bây giờ rất nhiều,” ông Giang nói.
(BBC)

Nhìn Crimea, châu Á phải lo mối nguy Trung Quốc?

us-navy
Các nhà ngoại giao Trung Quốc có đủ mọi lý do để hài lòng về phương cách họ ứng xử với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Một mặt, Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, như ngụ ý thống trách Liên Bang Nga trong việc chiếm giữ Crimea. Nhưng cùng lúc, Bắc Kinh lại vắng mặt trong các cuộc biểu quyết chống Nga tại Liên Hiệp Quốc, để ai cũng biết là Trung Quốc không ủng hộ những việc trừng phạt, cấm vận Nga về kinh tế.

Chính sách nước đôi này, để cả hai phía phương Tây và Nga không ai bắt bẻ được, dựa trên nhận thức ước đoàn là Trung Quốc sẽ thủ lợi, cho dù cuộc khủng hoảng được giải quyết cách nào chăng nữa.

Nhận thức ấy sai từ căn bản. Màn kịch Ukraine là sự bất hạnh cho toàn thể châu Á. Trung Quốc có thể sớm nhìn ra rằng thay vì đem lại lợi ích gián tiếp, cuộc khủng hoảng ở xứ Ukraine xa xôi sẽ khiến Bắc Kinh phải đương đầu với những thách đố mới về an ninh, với chi phí tốn kém.

Thật dễ thấy vì sao Trung Quốc có thể thủ lợi qua những sự kiện diễn tiến ở Ukraine, ít nhất là trong ngắn hạn. Nước Nga bị cô lập và bị phương Tây trừng phạt, sẽ rất sẵn lòng bán cho Trung Quốc dầu khí và vũ khí với những điều kiện ưu đãi. Đó là điều đã được cố vấn thân cận của Tổng thống Putin, ông trùm dầu khí Nga Igor Sechin, nguyên phó Thủ tướng, chủ tịch công ty quốc doanh dầu khí Rosneft, nhìn nhận với giới truyền thông hồi tuần trước.
Trung Quốc sẽ sao chép kiểu mẫu Nga?

Nước Mỹ phải chú tâm đối phó với một cuộc khủng hoảng ở châu Âu sẽ không thể có đủ thời gian chăm lo chính sách chuyển trục chiến lược sang châu Á. Trong khi đó thì, tuy không ai nói đến việc Bắc Kinh sẽ theo gương nước Nga trong hành động lấn chiếm lãnh thổ, hành động của Moscow không gặp phản ứng mạnh mẽ của Hoa Kỳ hẳn phải kích thích các nhà chiến lược Trung Quốc rộn lên mối hy vọng xứ sở của họ một ngày nào đó sẽ giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ theo cùng đường lối với Liên Bang Nga.

Nếu Nga có thể chiếm giữ lãnh thổ Crimea rộng lớn với 2 triệu dân chỉ trong mấy ngày không cần một phát súng chiến tranh nào, thì tại sao Trung Quốc không thể làm như vậy với mấy dải đất đá không người cư ngụ?

pipeline-epa
Hệ thống đường ống dẫn dầu khí ở biên giới Nga-Kazakhstan do Trung Quốc đầu tư - Courtesy of EPA
Tất cả nghe đều rất thật, nhưng chỉ là một phần câu chuyện. Càng nhìn sâu vào cuộc phân rẽ của Ukraine, người ta càng lo sợ rằng mọi quốc gia châu Á, kể cả Trung Quốc, sẽ chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở châu Âu.

Việc dùng võ lực để thay đổi biên giới ở châu Âu có thể không làm Trung Quốc cảnh giác đúng lúc, nhưng những biện pháp được Nga sử dụng để chiếm lấy Crimea cùng với những điều biện minh của họ cho hành động này phải gợi nên mối quan ngại sâu xa cho mọi nước, ngay cả tại Bắc Kinh.

Người Nga tự cho quyền sử dụng võ lực với bất kỳ lân bang nào có người thuộc sắc tộc Nga cư ngụ mà có thể chịu nguy hiểm, và phân phát hộ chiếu Nga cho tất cả cộng đồng ấy để củng cố quyền tự nhận như vậy. Moscow cũng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý chớp nhoáng để biện minh cho sự sáp nhập một tỉnh thành của Ukraine vào nước Nga, nâng cao điều mà họ thích gọi là "tự quyết" thành một nguyên tắc biện minh cho sự đổi thay lãnh thổ.

Cả hai ý tưởng ấy, tự quyền dùng võ lực và tự quyết để tách ra, đều độc hại cho nền an ninh châu Á. Khuôn mẫu "bảo vệ cho đồng chủng" của Nga có thể hấp dẫn một số người Hoa có tinh thần "quốc gia" sẳn sàng biện luận rằng Bắc Kinh đã không hành động đủ để bảo vệ người Hoa ở các nước khác. Tuy nhiên khi Bắc Kinh càng bị lôi cuốn để sao chép khuôn mẫu Nga, càng thêm nhiều người sắc tộc Trung Hoa ở khắp châu Á bị các nước nơi họ cư trú đối xử với nhiều nghi ngại; mối quan hệ nhân quả giữa các cộng đồng sắc tộc thiểu số  với xứ sở gọi là "tổ quốc" của họ đã phải mang trách nhiệm cho hai cuộc chiến tranh thế giới phát khởi từ châu Âu.

Thêm vào đó, tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định biên giới là loại nguyên tắc mà Trung Quốc không muốn có. Có thể thấy trước kết quả chắc chắn nếu trưng cầu dân ý được tổ chức ở Tân Cương hay Tây Tạng. Và trong khi Bắc Kinh có đủ điều kiện cần thiết để bảo đảm những cuộc bỏ phiếu như vậy không bao giờ xảy ra, liệu họ có thể làm gì nếu kiểu cách "trưng cầu" như thế được Đài Loan và Hồng Kông  chọn lựa?
Thách đố chiến lược cho Bắc Kinh

Không phải những lợi ích chiến lược mà Trung Quốc cho là có thể chiếm được từ vụ khủng hoảng Ukraine đều là thật.

Thừ nhìn qua viễn ảnh Nga chuyển nhượng dầu khí nhiều hơn sang phía Trung Quốc làm ví dụ. Quả là khi châu Âu tìm cách chuyển hướng nguồn cung cấp ra khỏi nước Nga thù nghịch, thì người Nga sẽ buộc phải bán các sản phẩm năng lượng cho Trung Quốc, là thị trường lớn thứ nhì sau châu Âu. Và kế đó, cũng đúng là người Trung Quốc sẽ là phía định giá trong một thị trường của người mua. Đó là hai điều lợi lập tức cho xứ khát dầu này.

Song song với những điều lợi đó, chuyển mối cung cấp khỏi châu Âu sang châu Á là cả một trách vụ khổng lồ. Nga-Trung Quốc sẽ phải kiến tạo mạng lưới đường ống y như họ đã có với châu Âu. Phí tổn sẽ không dưới 50 tỉ đô la, thời gian hoàn tất đòi hỏi nhiều năm, nếu không phải là hằng chục năm.  

slave-population-in-kazakhstan
Tỉ lệ sắc dân Slavic tại miền Bắc Kazakhstan- Màu đỏ đậm là trên 50%, giảm dần đến màu trắng là 0% - Courtesy of Wikipedia
Cùng lúc, Trung Quốc có thể bị thôi thúc phải bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng họ đã bảo đảm cho mình ở Trung Á. Đến nay Bắc Kinh đang thắng thế trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở Trung Á với Nga, người chủ thực dân cũ của khu vực, bằng một đường lối kiên nhẫn, ôn hòa, với những cơ hội thương mại cho Trung Á mà nước Nga không thể nào sánh kịp.

Thế nhưng chiến thắng ở Ukraine có thể khuyến khích người Nga tiến tới xác định thêm nữa ảnh hưởng ở Trung Á, nơi có những người thuộc sắc tộc Nga sống quây quần trong những cộng đồng lớn rải rác ở nhiều nơi.

Lãnh thổ phía bắc Kazakhstan, xứ sở lớn nhất và giàu nhất Trung Á, là vùng hoàn toàn do người sắc tộc Nga chi phối, rất dễ bị sáp nhập vào Liên Bang Nga theo đúng cách thức như với Crimea. Người Nga có thể sử dụng những căn cứ quân sự họ đã có trên khắp khu vực này vào mục đích đó, hệt như sử dụng căn cứ hải quân ở Crimea. Nói vắn tắt, cuộc khủng hoảng Ukraine khiến biên giới giữa Trung Quốc với Trung Á bị mất an ninh hơn thay vì an ninh được bảo đảm hơn.
Tác động vào chính sách chuyển trục?

Thực ra sai lầm quan trọng nhất mà Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác ở châu Á có thể phạm phải là dự toán rằng cuộc khủng hoảng Ukraine khiến Hoa Kỳ phải giảm đi sự hiện diện ở châu Á, hay khiến tiếng tăm trên toàn cầu của người Mỹ bị suy kém.

Dù không để xảy ra chiến tranh với Nga như mọi người không ai trông đợi, Hoa Kỳ vãn có thể kiềm chế sức mạnh của Liên Bang Nga ở châu Âu mà không cần tuôn vào đó những tài nguyên quân sự mới. Người Mỹ chỉ cần khuyến khích đồng minh châu Âu trong khối NATO thay đổi một vài sách lược. Chuyển những căn cứ và binh đội của NATO đang ở Tây Âu sang lãnh thổ Trung Âu và Đông Âu sẽ là một kế hoạch nhanh chóng và không mấy tốn kém, mà vẫn đủ để ghìm chân lực lượng quân sự Nga trong nhiều năm sắp tới.

Rốt cuộc vụ Ukraine-Crimea chẳng tác động gì đến chiến lược tái cân bằng lực lượng Hoa Kỳ sang châu Á; người Mỹ vẫn có thể tiếp tục thực hiện nó. Trên thực tế, chiến lược này còn có thể được củng cố vững mạnh hơn. Thế đối đầu với Nga hiện nay có thể khiến Quốc hội Hoa Kỳ bác bỏ những khoản cắt giảm ngân sách quốc phòng mà Tổng thống Obama đã phác họa.
Khiến châu Á nhích lại gần Mỹ hơn

Một số nhà phân tích Trung Quốc kín đáo cho rằng quyết định của Hoa Kỳ không phản ứng quân sự với cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine đã làm giảm uy tín của Washington trong lời cam kết bảo đảm an ninh cho các nước khác.

Thực ra Ukraine không phải thành viên của NATO hay EU. Sự cam kết của Hoa Kỳ bảo đảm an ninh cho xứ ấy có tính cách yểm trợ về tinh thần nhiều hơn tính pháp lý.

Siêu cường Hoa Kỳ với sức mạnh hiện nay đã không cam kết đầy đủ cho nền an ninh của Ukraine bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự vô song để bảo vệ lãnh thổ toàn vẹn cho xứ ấy. Tuy nhiên, bài học mà các nước châu Á có thể rút ra từ sự kiện này là không phải sự bảo đảm an ninh của Mỹ nay trở thành vô giá trị.  Để đạt mục đích chắc chắn sự bảo đảm đó có hiệu lực, các quốc gia châu Á đối tác của người Mỹ phải làm sao củng cố mạnh mẽ lời cam kết của Washington đối với nền an  ninh của họ. Đó chính là điều mà Nhật Bản và Nam Hàn, trong số các nước châu Á, đang làm.

Người ta chỉ nên coi sự kiện Ukraine như một điều không may, và phản ứng có thể là siết chặt mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ song song với sự tìm tòi cho ra những kế hoạch an ninh chung cho toàn khu vực. Đó là kiến trúc an ninh duy nhất có thể ngăn ngừa Trung Quốc lặp lại kịch bản Ukraine ở châu Á.

Điều này đã trở nên sáng sủa rõ ràng thêm nhiều, khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tuần trước đã chấp thuận nghị quyết ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chỉ một nước duy nhất bỏ phiếu ủng hộ Nga: Bắc Hàn. Bạn bè như Bắc Hàn cũng đủ để Liên Bang Nga chẳng cần có một kẻ thù nào khác!
 
Việt-Long
Viết theo Jonathan Eyal, Singapore's The Straits Times 2014-03-31
(RFA)

McDonald’s, Ukraine và Việt Nam

mc

Công ty thức ăn nhanh McDonald’s mở nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 02-2014. McDonald’s vốn được xem như biểu tượng của nước Mỹ nên làm nảy sinh ra ba giai thoại thú vị liên quan đến trào lưu toàn cầu hoá, chính sách tiền tệ và đầu tư địa ốc (!) tuy hài hước nhưng lại trở thành đề tài tranh luận của không ít học giả quốc tế – nay xin được kể lại để đọc giả trong và ngoài nước nghe chơi.

Giai thoại thứ nhất do nhà bình luận nổi tiếng Thomas Friedman [1] của tờ New York Times đề xuất vào năm 1996 rằng không hề có chiến tranh giữa hai nước cùng có nhà hàng McDonald’s [2]. Giả thuyết tiếu lâm này dựa trên quan sát rằng công ty McDonald’s đầu tư thường vào giai đoạn nền kinh tế của một quốc gia tiến vào bước ngoặc toàn cầu hoá, mở cánh cửa thương mại với thế giới và xây dựng được tầng lớp trung lưu – nên nước này sẽ gánh chịu nhiều thiệt hại hơn là lợi ích khi sanh sự với các lân bang. Luận cứ Friedman đứng vững gần 10 năm cho đến 2008 khi Nga tấn công vào Georgia, rồi nay lại bị nước Nga phá hỏng lần nửa khi tiến chiếm vùng đất Crimea của Ukraine vào năm 2014 (cả ba quốc gia đều có nhà hàng McDonald’s). Thì ra toàn cầu hoá là mô hình do Hoa Kỳ dựng ra, các nước lớn như Nga nhờ vào đó phát triển đến mức độ hùng mạnh thì lại sanh thêm tham vọng bành trướng nên không ngần ngại vi phạm ra ngoài biên giới. Câu hỏi đặt ra là nay cả Trung Quốc lẩn Việt Nam đều có McDonald’s nhưng liệu Hoa Lục có sẽ tấn công biên giới và biển đảo khi nền kinh tế đã trưởng thành nên không còn sợ bị thế giới phong tỏa?

Giai thoại thứ nhì do tuần báo The Economist đưa ra vào năm 1986 khi dùng giá bán chiếc bánh Big Mac của nhà hàng McDonald’s trên nhiều quốc gia để định giá trị đồng tiền của nước này so với đô-la Mỹ [3]. Tiêu chuẩn đưa ra dựa trên giá thành của Big Mac gần như giống nhau trên khắp thế giới, nhưng giá bán chênh lệch là do nhà nước ép giá đồng bạc trong nước. Nghe có vẻ khôi hài nhưng kết quả số liệu lại không xa thực tế, và nếu dựa trên giá bán Big Mac thì tiền Việt Nam hiện bị hạ 38% (tức 1 USD đáng lẽ chỉ đổi 12975 VND thay vì 21090 VND như hiện nay) tức là dân chúng phải chịu thiệt hại cho nhà nước cứu vãn nền kinh tế, ngân hàng và các công ty quốc doanh.

Giai thoại cuối cùng – nhưng người viết chỉ nghe kể lại mà không có nguồn dẫn giải – khi nhà sáng lập McDonald’s thuyết trình tại đại học Harvard đã hỏi các sinh viên rằng đầu tư chính của công ty nhắm vào thị trường nào? Mọi người đều bở ngở trước câu hỏi lạ lùng này cho đến khi một sinh viên dè dặt trả lời rằng mục tiêu ắt hẳn bán thức ăn nhanh. Nhà sáng lập lắc đầu và cho biết thành công của công ty McDonald’s chính trong ngành ĐỊA ỐC! Thật vậy, nếu độc giả để ý quan sát thì các nhà hàng McDonald’s đều có mặt nơi những khu đất giá trị nhất trên khắp các thị tứ toàn cầu.

Nay nghe đồn công ty McDonald’s sẽ mở hàng trăm cửa tiệm tại Việt Nam thì việc chọn con rể của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Tổng Giám Đốc Điều Hành chắc hẳn sẽ tạo nhiều thuận lợi khi mua bán đất đai. Kính chúc gia đình Thủ Tướng ngày thêm giàu sang phú quý.

Nguyễn Hưng Quốc
—————————————————
Ghi chú:
[1] Ký giả Thomas Friedman được trao giải Pulitzer vào năm 1982, 1984 và 2002. Ông cũng là tác giả của hai quyển sách nổi tiếng là The World is Flat (Thế giới phẳng) và The Lexus and the Olive Tree (Xe Lexus và cây Ô-liu)
[2] http://www.nytimes.com/1996/12/08/opinion/foreign-affairs-big-mac-i.html
[3] http://www.economist.com/content/big-mac-index
(VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét