Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Hai dân oan Dương Nội cắn lưỡi « tự tử » trong trại tạm giam? - Việt Nam sa lầy vì vay nợ ODA

Việt Nam sa lầy vì vay nợ ODA

HÀ NỘI (NV) .- Các chuyên gia kinh tế Việt Nam tiếp tục lặp lại cảnh báo về những tác hại khi nhà cầm quyền CSVN để các dự án có tầm vóc quốc gia lệ thuộc gần như hoàn toàn vào ODA.

Phối cảnh đường xe điện trên cao ở Hà Nội, một dự án vận chuyển công cộng nội thị thực hiện từ vốn vay ODA của Nhật đang bị điều tra về tham nhũng. (Hình: kienthuc.net)
ODA là ba chữ viết tắt của Official Development Assistance (hỗ trợ phát triển chính thức). ODA có thể là các khoản cho vay không tính lãi hoặc tính lãi thấp với thời gian cho vay dài hạn, nói chung là theo các điều kiện ưu đãi. Đôi khi ODA là viện trợ. Mục tiêu của ODA là trợ giúp để phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi ở quốc gia nào đó còn kém phát triển.

Những cảnh báo về ODA được lặp lại sau khi scandal các viên chức ngành đường sắt nhận 80 triệu Yen (khoảng 800 ngàn USD, tương đương 16 tỷ đồng Việt Nam) của Công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (Japan Transport Consultants – JTC) để chọn công ty này làm nhà thầu, tư vấn cho các dự án được thực hiện bằng viện trợ của Nhật ở Việt Nam.
Nhật hiện là quốc gia dẫn đầu trong việc cấp ODA cho Việt Nam. Đến nay, đã xảy ra hai scandal về nhận hối lộ của các công ty Nhật để chọn họ là nhà thầu Nhật thực hiện những dự án bằng ODA do Nhật cung cấp. Scandal đầu tiên xảy ra vào năm 2010, liên quan tới PCI – một công ty tư vấn khác của Nhật về dự án đại lộ Đông Tây ở Sài Gòn.
Trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Lương Hải Khôi, một người chuyên nghiên cứu về Nhật cho biết, trong thập niên vừa qua, JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế của chính phủ Nhật Bản) xây dựng chiến lược giao thông toàn quốc cho Việt Nam. Sau đó, chính JICA đề nghị cho Việt Nam vay ODA để thực hiện chiến lược giao thông mà họ xây dựng. JICA kiểm soát từ A đến Z: vốn vay, tiền lãi, kỹ thuật, thị phần xây dựng, thậm chí kiểm soát cả hiểu biết về thực tiễn của Việt Nam. Việt Nam gần như chẳng phải làm gì. Chỉ cần ký vay nợ và cầu đường cứ thế mọc lên. JICA nếu có vạch ra một “hệ thống” thì “hệ thống” đó chỉ là bản đồ những dự án mà các công ty Nhật đã sẵn sàng giành hợp đồng xây dựng.
Trò chuyện với tờ Đất Việt, ông Trần Đình Bá, một chuyên gia kinh tế cho rằng, với phương thức vừa cho vay, vừa thực hiện dự án theo kiểu kiểm soát từ A tới Z: Đưa ra ra ý tưởng, tự lập dự án tiền khả thi, khả thi, thiết kế, tổ chức thi công, ép người vay làm theo ý mình như kiểu các dự án ODA của Nhật tại Việt Nam thì đấu thầu chỉ còn là hình thức.
Theo tờ Thời Báo Kinh tế Sài Gòn, sau khi kiểm tra những nôi dung liên quan đến scandal JTC, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam tiết lộ, gói thầu (Tư vấn Dự án Tuyến đường sắt số 1 đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên) liên quan đến JTC là một gói thầu bất thường vì chỉ có hai nhà thầu mua hồ sơ và sau đó chỉ còn một nhà thầu là JTC tham gia đấu thầu. Về nguyên tắc, nếu có dưới ba nhà thầu thì có thể hủy cuộc đấu thầu song vì gói thầu vừa kể sử dụng vốn ODA của Nhật nên phải chọn nhà thầu Nhật và JTC nghiễm nhiên trở thành nhà thầu.
Tờ Thời Báo Kinh tế Sài Gòn cho biết, trong 20 năm vừa qua, Nhật là quốc gia cấp ODA lớn nhất (hơn 20 tỉ Mỹ kim) và 41% khoản ODA này dành cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông. Do vậy, trong bối cảnh ngân sách èo uột, trái phiếu chính phủ yếu ớt, những dự án giao thông lớn thường nhắm vào ODA của Nhật và giá của vốn ODA không hề rẻ.
Khi tham dự Hội đồng Thẩm định quốc gia về Dự án phi trường Long Thành cả Bộ trưởng Giao thông Vận tải  lẫn Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư của Việt Nam đều cùng cảnh báo về sự “đắt đỏ” của vốn ODA bởi những ràng buộc từ nguồn vốn này. Bộ trưởng Giao thông Vận tải thú nhận, nếu chỉ nhắm vào vốn vay ODA mà không tính đến hiệu quả sử dụng vốn thì sẽ còn tạo ra nhiều kẽ hở cho tham nhũng.
Ông Trần Đình Bá thì cho rằng thực trạng lệ thuộc là giá phải trả cho cơ chế hiện hữu. Đổi mới đã ba thập niên nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn không xây dựng nổi “chiến lược giao thông” mà khoán trắng cho tư vấn Nhật. Các scandal PCI, JTC lột tả bản chất thực trạng lãng phí đầu tư công trong lĩnh vực giao thông – vận tải, khiến nợ công tăng vọt. Ông Bá khẳng định, nếu không cải cách thể chế thì không thể giải quyết các vấn nạn này. (G.Đ)

Hai dân oan Dương Nội cắn lưỡi « tự tử » trong trại tạm giam?


Các chòi canh giữ đất của người dân Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội. Facebook

Tối qua 29/03/2014, gia đình hai ông Trần Văn Miên và Trần Văn Sang, dân oan đấu tranh đòi đất ở phường Dương Nội quận Hà Đông, Hà Nội, bị bắt cách đây ba ngày lúc đang đi trên đường, đã được công an thông báo là hai người này đã cắn lưỡi tự tử trong trại tạm giam. Hàng trăm người dân Dương Nội đến công an quận Hà Đông yêu cầu cho biết sự việc thì lại có thêm ba người bị bắt đi.

Điều đáng chú ý là cả hai ông Trần Văn Miên (sinh 1959, ở tổ dân phố Trung Bình) và ông Trần Văn Sang (sinh 1975, tổ dân phố Quyết Tiến) hồi đầu năm khi bị triệu tập lên công an đã viết giấy ủy quyền cho thân nhân, ghi rõ là trước khi đi họ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và không có ý định tự tử.

Trả lời RFI Việt ngữ vào lúc 19 giờ tối qua, tức 1 giờ sáng Việt Nam ngày 30/03/2014, bà Cấn Thị Thêu, ở tổ dân phố Trung Bình phường Dương Nội kể lại sơ qua tình hình:

Chúng tôi là những người nông dân không chuyển được nghề nghiệp, họ thu hồi hết đất của chúng tôi. Họ ủi phá tất cả lúa má, mồ mả của nhân dân chúng tôi cách đây bốn năm, từ năm 2010. Trong thời gian này chúng tôi cứ đi gửi đơn để kêu cứu các nơi giải quyết trả lại quyền lợi cho chúng tôi.

Ngày 26/3 họ bắt hai người dân của chúng tôi là ông Trần Văn Miên và ông Trần Văn Sang. Họ không đọc lệnh mà họ lại bắt ở đâu ấy. Cả nhà cứ nháo nhác lên đi tìm, đi mò sông mò ao, đi đến các bệnh viện để tìm, sợ là bị tai nạn. Xong đến lúc 9, 10 giờ đêm thì họ thông báo là đã bắt hai người đấy, vu cho hai người tội gây rối trật tự công cộng.

Đến chập tối hôm nay, nghe người nhà nói lại thì công an điện về cho gia đình bảo là hai ông đấy đã cắn lưỡi tự tử ở trong trại rồi. Bà con rất là bức xúc, đi ra công an quận Hà Đông để hỏi thực hư ra sao. Khi bà con ra thì người ta lại bắt thêm ba người nữa, và đánh một người phải đi cấp cứu!

Bây giờ họ lại khủng bố bà con. Chẳng biết ai khủng bố, nhưng mà cứ ném những bọc nước mắm hay bọc phân vào bà con. Trời ở Hà Nội đang mưa, nhưng bà con vẫn trải bạt để nằm trước cổng đồn công an quận Hà Đông.

Hôm nay người dân Dương Nội lại tiếp tục đến công an yêu cầu cung cấp tình hình sức khỏe của hai người bị bắt. bà Cấn Thị Thêu cho biết thêm:

Bà con kéo nhau ra công an quận Hà Đông, yêu cầu cho gặp hai ông Trần Văn Sang và Trần Văn Miên, để xem thực hư thế nào, sống chết ra sao. Ông trưởng công an quận và phó công an quận cũng đã tiếp bà con. Nhưng họ lại bảo hôm nay Chủ nhật, các bộ phận nghỉ hết rồi, không thể cho gặp được.

Họ bảo hai ông ấy vẫn bình thường. Bà con nói nếu mà bình thường thì cho chúng tôi gặp, chúng tôi nhìn từ đằng xa thôi cũng được, nhưng họ lại bảo hôm nay là Chủ nhật.

Thế nên bà con rất là lo, nhất là gia đình rất lo lắng, không biết thân nhân của người ta sống hay chết. Họ nói là đến sáng mai sẽ cho gặp lại thân nhân, nhưng không biết sáng mai họ có cho gặp lại hay không. Mai họ mà không đưa người ra gặp thì có khả năng là hai ông ấy đã bị chết rồi!

Xin cảm ơn bà Cấn Thị Thêu.
 
Thụy My
 
(RFI)

* * *
Trần Quang Thành - Dân oan Trần Văn Sang và Trần Văn Miên cắn lưỡi tự tử hay bị công an Hà Nội dùng nhục hình tra tấn trong trại tạm giam?

Hồi 21 giờ đêm thứ Bảy 29/3/2014, gia đình nhận được tin báo qua điên thoại từ trai giam cho biết ông Trần Văn Sang và ông Trần Văn Miên đã căn lưỡi tự tử trong trại tạm giam. Lâp tức vợ con, người thân và ba con ở phường Dương Nội đã đên công an quận Hà Đôn, Hà Nội yêu cầu cho biết rỗ sự việc xảy ra như thế nào.

Thay vì, giải thích cho mọi người hiểu rõ thực hư ra sao, công an quận Hà Đông đã dùng thái độ thô bạo xô đẩy xua đuổi mọi người ra khỏỉ trụ sở. Ho trả lới mọi người bây giờ không phải là giờ làm việc, không tiếp, không trả lời ai cả. Xô xát giữa công an và người dân dã xảy ra. Công an đã đánh đạp dã man khiến cho môt sô người trong đó có phụ nữ và người già bị trong thương phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. 3 người đã bị bắt đưa đi mất tich.

Không chỉ đánh dập người dân, công an còn cho bọn côn đô đi xe máy hắt mắm tôm, nước mắm và các đồ dơ bẩn váo người dân đang có măt trước trụ sở công an quân Hà Đông để hỏi tin tức về hai dân oan Trần Văn Sang và Trấn Văn Miên.

Vào chiều 26/3 vừa qua 2 dân oan Trần Văn Sag và Trần Văn Miên, cư trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội bị băt cóc khi đang đi trên đường không có một lênh bắt giữ nào cả.

Cảm nhận mạng sống của mình đang bị đe dọa, trước khi bị bắt, hai ông đều có giấy ủy quyền lại cho 356 hộ dân mất đất. Giấy ủy quyền này viết sẵn từ trước Tết Giáp Ngọ, khi 2 ông bị công an Hà Nội triệu tập làm rõ về cái gọi là hành vi “gây rối trật tư nơi công cộng”. Nội dung giấy ủy quyền khẳng định trước khi bị bắt, các ông đều khỏe mạnh, không có thương tích gì, đầu óc tỉnh táo và không có ý định tự tử. Hai ông dặn lại những việc cần làm trong trường hợp bị tra tấn đến chết.

Một nhà nước tự coi là do dân, của dân và vì dân sao lại hành xử một cách mờ ám, theo kiểu xã hội đen: lén lút, bắt cóc dân, nay lại tung tin người bị bắt căn lưỡi tự tử trong trại giam.

Đâu là sự thật: Ông Trần Văn Sang và ông Trần Văn Miên cắn lưỡi tự tử hay họ đã bị công an Hà Nội dùng nhục hình tra tấn, đánh đập dã man trong trại tạm giam đên trọng thương phải đi bệnh viện cấp cứu?

Theo Dân Quyền

Hơn 100.000 người biểu tình tại Đài Bắc đòi hủy hiệp định với Bắc Kinh

Một trong nhiều khẩu hiệu của người biểu tình trước Phủ Tổng thống Đài Loan ngày 30/03/2014 : "Chúng tôi không có một Đài Loan khác để bán".
Một trong nhiều khẩu hiệu của người biểu tình trước Phủ Tổng thống Đài Loan ngày 30/03/2014 : “Chúng tôi không có một Đài Loan khác để bán”. REUTERS/Patrick Lin

Trọng Thành -RFI

Tại Đài Bắc, cả trăm nghìn người lại xuống đường vào hôm nay 30/03/2014 để gây áp lực buộc Tổng thống Mã Anh Cửu phải rút hiệp định thương mại với Trung Quốc. Biểu tình đã tiếp diễn gần hai tuần sau cuộc tấn công chiếm lĩnh nhà Quốc hội của sinh viên.
Những người biểu tình giương cao các biểu ngữ chính : « Bảo vệ nền dân chủ » và « Rút lại hiệp định thương mại về các dịch vụ ». Đoàn biểu tình hướng về Phủ Tổng thống, dưới sự canh chừng của 3.500 cảnh sát. Theo con số ước tính của cảnh sát, khoảng 116.000 người tham gia biểu tình. Ban tổ chức đưa ra con số 500.000 người xuống đường hôm nay.

Lực lượng biểu tình yêu cầu chính quyền đình lại hiệp định thương mại về các dịch vụ và mọi thỏa thuận khác hay các đàm phán với Trung Quốc đang diễn ra, cho đến khi thông qua được một luật riêng về vấn đề này.
Hiệp định thương mại dự kiến với Trung Quốc, đối tác thương mại số một của Đài Loan, nằm trong khuôn khổ của một thỏa thuận khung về hợp tác Đài Bắc – Bắc Kinh, được ký vào năm 2010. Hiệp định này dự kiến sẽ mở cửa 80 lĩnh vực dịch vụ tại Trung Quốc cho các doanh nghiệp Đài Loan, ngược lại, phía Đài Loan phải mở 64 lĩnh vực.
Theo phe đối lập, hiệp định này sẽ xâm hại đến nền kinh tế Đài Loan, khiến hòn đảo này dễ tổn thương hơn trước các áp lực chính trị của Bắc Kinh. Tổng thống Mã Anh Cửu phản đối quan điểm này và cảnh báo là một thất bại trong việc phê chuẩn hiệp định sẽ làm hỏng các nỗ lực của Đài Loan trong việc ký kết các thỏa thuận thương mại mới.
Tổng thống Mã Anh Cửu, kể từ khi lên cầm quyền năm 2008, hướng đến việc làm dịu căng thẳng với Bắc Kinh và tăng cường các quan hệ kinh tế với Hoa lục. Bác bỏ đòi hỏi rút lại hiệp định của đối lập, nhưng hôm qua 29/03, Tổng thống Đài Loan đã chấp nhận việc ra một luật mới nhằm kiểm tra, xem xét tất cả các thỏa thuận với Trung Quốc.

Những Thách Thức Kinh Tế Trung Quốc Phải Đối Mặt Năm 2014


In this file photo a worker stokes a giant burning cauldron at a steel mill in Hefei, in eastern China's Anhui province, on June 25, 2011. Overcapacity in steel and other industries is one of the major challenges facing China's economy in 2014. (STR/AFP/Getty Images)
Trong ảnh: một công nhân đang một đang đốt lò với một cái vạc đốt khổng lồ tại một nhà máy thép ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc, vào ngày 25 tháng Sáu, 2011. Dư thừa thép và các ngành công nghiệp khác là một trong những thách thức lớn phải đối mặt với nền kinh tế của Trung Quốc trong năm 2014. (STR / AFP / Getty Images)
Khi năm 2014 sắp đến, các công ty và ngân hàng tại Trung Quốc đều hối hả bận rộn thu hồi nợ và trả nợ tồn đọng. Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với vô vàn những vấn đề còn vướng mắc, gồm có thiếu hụt tiền tệ và tăng vọt các khoản nợ địa phương. Theo các chuyên gia, điều này có thể dẫn tới một làn sóng phá sản trong số các doanh nghiệp tư nhân.
Gần 98% các công ty tư nhân tại thành phố Ôn Châu, một trung tâm các doanh nghiệp tư phía đông Trung Quốc, đều có “hubao”, hay là các khoản đảm bảo. Cho vay tương hỗ – là một hình thức cho vay có trách nhiệm liên đới mà có thể giúp giảm hàng rào cho các doanh nghiệp tư vay tiền từ ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, khi nguồn cung tiền bị thắt chặt, thì một chiếc tàu chìm sẽ kéo theo nhiều cái khác nữa.
Chen Yixin, người đứng đầu chính quyền Đảng tại thành phố Ôn Châu bình luận rằng “hubao” là một vấn đề rất nan giải đối với phát triển kinh tế địa phương, và khả năng vận hành của khối tài chính địa phương trong tháng 12 cũng là một chỉ số trọng yếu.
Ông Chen nói thêm: “Nếu khối tài chính có thể cầm cự tiếp, thì kinh tế của Ôn Châu trong năm 2014 sẽ ổn định; ngược lại, nếu có vấn đề phát sinh, thì sẽ có một phản ứng dây chuyền”
Li Chengwen, chủ tịch tập đoàn Fato Trung Quốc, được trích dẫn trong báo cáo của tờ National Business Daily rằng sẽ không loại trừ khả năng một làn sóng phá sản như đã xảy ra tại Trung Quốc năm 2011.
5 Thách Thức Lớn:
Vào ngày 25 tháng Mười hai, trang Chinanews.com đã công bố bản đánh giá kinh tế với tiêu đề “Quan Sát Kinh Tế Cuối Năm: Nền Kinh Tế Trung Quốc Đối Mặt Với 5 Thách Thức”
Bản báo cáo đã trích dẫn lời ông Lu Zhengwei, nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Công Nghiệp Trung Quốc, cho rằng chướng ngại đầu tiên chính là suy giảm kinh tế, đó là rơi vào trạng thái “hơi lùi lại, có khả năng sẽ trượt trở lại vào tình trạng suy thoái”. Làm thế nào để duy trì sự ổn định và cải tổ kinh tế chính là một thách thức lớn của Trung Quốc trong năm 2014 này, ông Lu nói.
Thách thức thứ hai là sự xung đột giữa tăng trưởng dân số và nông nghiệp yếu kém. Theo dự báo, dân số Trung Quốc sẽ tăng lên 1,4 tỉ người vào năm 2020. Do đó, nhu cầu thực phẩm và nông sản sẽ tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, nền tảng để hỗ trợ cho phát triển sản xuất ổn định lại vô cùng yếu ớt. Hơn 50% phương tiện tưới tiêu quy mô vừa và nhỏ hoặc các dự án thủy lợi tại Trung Quốc lại rơi vào tình trạng hoặc là không phù hợp với nhu cầu, hoặc là cần thay thế, và hơn 1/3 máy móc nông nghiệp cần sửa chữa hay tái tạo lại.
Thách thức thứ ba là cung ứng tiền tệ M2 cao và thâm hụt tiền tệ lại xảy ra đồng thời. Mặc dù cung ứng M2 của Trung Quốc đã vượt qua 10 nghìn tỉ nhân dân tệ (1.65 nghìn tỉ đô la Mỹ), tình trạng thiếu tiền tệ vẫn thường xảy ra, và điều này có thể dẫn tới một đợt khủng hoảng tín dụng với lãi suất cho vay liên ngân hàng liên tục tăng cao.
Thách thức thứ tư là làm thế nào để quản lý rủi ro nợ xấu trong suốt tiến độ dự án xây dựng thành phố ở quy mô vừa và hỏ.
Thách thức thứ năm là xung đột giữa việc sản xuất thừa và nhu cầu việc làm. Vấn đề sản xuất thừa đối với thép chất lượng thấp, nhôm, xi măng, kính phẳng, và đóng tàu đang trở nên tệ hơn.
Cho đến khi các ngành công nghiệp lỗi thời này được loại bỏ, nó làm giảm triển vọng tăng trưởng việc làm. Đây là một vấn đề lớn vì năm 2014 có thể sẽ chứng kiến số lượng lớn nhất các sinh viên tốt nghiệp đại học đi tìm việc làm.

Hà Văn Thịnh - Có thể cười sau khi tra tấn đến chết người dân sao?

Một bị cáo cười tươi ngay tại phiên xử vụ án ông Ngô Thanh Kiều bị công an Phú Yên đánh chết

Nền “dân chủ” của ta hiện nay có không ít những phiên tòa diễn ra như những vở kịch rẻ hề! Trắng trợn và tàn nhẫn đến mức người dân chỉ còn biết cúi mặt khóc ròng trong đớn đau, nhục nhã.

Một trong những phiên tòa đó vừa được… diễn ở thành phố Tuy Hòa, Phú Yên. 5 bị cáo – là 5 sĩ quan công an, hành hạ, tra tấn người dân từ sáng đến tối, gây nên cái chết tức tưởi của nạn nhân Ngô Thanh Kiều, chỉ “bị” Viện KSND TP Tuy Hòa đề nghị “hình phạt” một án tù, còn lại là… án treo(!)?

Mạng người dân nhỏ hơn con sâu, cái kiến, thậm chí bị coi như cỏ rác đã là chuyện thường ngày. Nhìn bức ảnh (BBC, 19:27 GMT, 29.3.2014) một trong những bị cáo NHĂN NHỞ cười như trêu ngươi, thách thức dư luận, công lý, không một lương tri nào có thể chấp nhận được. Đó là kiểu cười của kẻ dám ngang nhiên ngồi xổm trên luật pháp. Kiểu cười đó như muốn thông báo cho cả xã hội hiểu rằng, chúng ông cứ thế, đã thế, thách chúng mày làm gì được(!) Dư luận không thể không đặt câu hỏi phải chăng kẻ có cái toét miệng ngạo nghễ đó đã được bảo kê dưới danh nghĩa bảo vệ cán bộ, bảo vệ sự… chưa đen kịt lắm(!) của bộ máy công quyền? Câu hỏi này càng có cơ sở hơn nữa khi ta biết rõ rằng chỉ một bị cáo có cấp bậc thấp nhất (thiếu úy) là bị tù giam, các bị cáo còn lại (một trung úy, một thượng úy, hai thiếu tá), đều được hưởng án treo. Rõ ràng, luật pháp đã bị bẻ cong một cách sỗ sàng bởi từ cổ chí kim, chưa ở đâu, ở bất kỳ khi nào, những kẻ có chức vụ cao nhất, am hiểu pháp luật nhiều nhất (về nguyên tắc) lại chỉ phải chịu hình phạt nhẹ nhất. Ai không biết trong thang bậc của bộ máy công quyền, thiếu úy chỉ là kẻ thừa hành ở chót cùng của quyền lực trong nhóm bị cáo. Ai dám tin là chỉ có tên thiếu úy này là dám phạm thượng khi phang vào đầu bị cáo trong khi các cấp chỉ huy chưa cho phép?

Dư luận cũng buộc phải suy ngẫm một cách cay đắng rằng, việc cùng một lúc, 5 sĩ quan công an hè nhau đánh đập một người dân đang bị còng, bị bỏ đói, là sự tận cùng của tội ác, sự trắng trợn của của cách “chơi” hội đồng – thường chỉ có trong giới giang hồ. Chẳng lẽ có thể “cho qua” sự thật hiển nhiên khủng khiếp ấy? Có một nhà bình luận nói rằng mấy ông quan to không biết đâu, chỉ tại cấp dưới thôi(!?) Xin thưa là đừng có bé cái nhầm: Bức ảnh trên BBC và hàng trăm bài viết khác của cả trong nước và quốc tế không thể có chuyện không biết. Đó là chưa nói chuyện không thể không biết khi mở một phiên tòa để xét xử một lúc 5 sĩ quan công an Nếu không biết thì chẳng hóa ra lãnh đạo cao cấp bị bịt mắt, bị lừa gạt sao? Làm sao có thể lãnh đạo, chỉ đạo khi lúc nào cũng bị lừa gạt đến đui mù?

Câu hỏi nữa được đặt ra (và buộc những người có trách nhiệm phải trả lời) là, nếu cứ bảo kê, bảo vệ tù mù, ù xọe như thế làm sao để dân tin vào sự công chính của luật pháp? Làm sao có thể dung túng cho cái kiểu cười quái đản, vô luân ấy? Chẳng lẽ người ta đang cố tình đẩy cho cỗ xe chở đầy phẫn uất, cay đắng của lòng người trượt nhanh hơn đến cái tầng nấc cuối cùng của sự chịu đựng? Ngày 3.4 Tòa sẽ tuyên án. Xin các vị đừng vòng vo, đừng hội ý, đừng xin ý kiến chỉ đạo… để lừa gạt nữa. Công lý đòi hỏi phải trừng phạt NẶNG đối với bất kỳ ai, nếu những kẻ đó phạm tội GIẾT NGƯỜI! Tội càng nặng hơn khi thừa hành luật pháp mà tra tấn dã man, giết người một cách dã man!
Huế, 30.3.2014
Hà Văn Thịnh
  (Quê choa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét