Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Hệ lụy ODA - Trật tự thế giới mới - ASEAN vô tích sự

The Economist - Trật tự thế giới mới

Trật tự thế giới hậu Xô-viết hẳn là không hoàn hảo, nhưng thứ trật tự Vladimir Putin đang muốn áp đặt rõ là tệ hơn nhiều.
Tuần rồi, Vladimir Putin bảo Quốc hội Nga rằng: “Trong tâm tư người dân, Krym mãi là một phần không thể tách rời Nga.” Và thế là Putin đã sáp nhập bán đảo Krym vào Nga với tốc độ và cách làm hiệu quả đến chóng mặt, với sự hậu thuẫn của đa số áp đảo qua trưng cầu dân ý. Putin gọi đó là thắng lợi của trật tự, của chính danh, và là một đòn đau đánh vào bàn tay thập thò can thiệp từ phương Tây.
Nhưng, coi vậy mà không phải vậy, Putin không đại diện cho trật tự mà đại diện cho bất ổn và đấu đá. Việc đầu tiên Putin làm để đặt nền móng cho trật tự mới là vẽ lại đường biên giới dựa trên những lý lẽ tuỳ tiện, những lý lẽ rất dễ bị lợi dụng để thổi bùng ngọn lửa tranh chấp lãnh thổ tại hàng chục nơi khác trên thế giới. Thêm nữa, dù hầu hết người Krym muốn theo Nga, cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi cũng chỉ là một trò hề. Hành xử của Nga gần đây thường được dư luận gán cho một cách phiến diện rằng đó là khởi đầu cho một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Nga và Mỹ. Thực ra, hành xử đó đặt ra một đe doạ rộng lớn hơn, và là đe doạ cho bất cứ quốc gia nào ở bất cứ đâu, vì Putin vừa ngang nhiên lái xe tăng, cán bừa rồi ngồi chồm hổm trên trật tự thế giới hiện có.
Đất mẹ xiết vào lòng
Chính sách đối ngoại thường đi theo chu kỳ. Chế độ Xô-viết sụp đổ mở đường cho một thập niên thống trị vô đối của Mỹ và sự khẳng định rình rang những giá trị Mỹ. Nhưng thế giới “duy ngã độc tôn” này, được thổi phồng lên bằng sự ngạo mạn vô lối của George Bush, đã phải hụt hơi ngạt thở trong khói bụi từ cuộc chiến Iraq. Từ đó, Barack Obama đã tìm cách đưa ra một đường lối đa phương hơn, có người có ta hơn, xây dựng trên niềm tin rằng Mỹ có thể đứng chung chiến tuyến với các nước khác để đương đầu với những vấn nạn chung và để cùng nhau cô lập kẻ ác. Đường lối này thất bại thảm hại tại Syria, nhưng vẫn có dấu hiệu cho thấy hiệu quả khi áp dụng tại Iran. Tuy ảnh hưởng đã giảm nhưng phải nói rằng chính uy thế của Mỹ đã giúp cho đường hàng hải thế giới vẫn còn thông thoáng, các biên giới còn được tôn trọng và luật pháp quốc tế hầu hết được tuân thủ. Xét ở mức độ đó thì trật tự hậu Xô-viết rõ là có ý nghĩa của nó.
Nhưng Putin đang phá huỷ trật tự này. Ông cố khoác cho việc sáp nhập Krym chiếc áo luật pháp quốc tế, chẳng hạn như lập luận rằng việc loại bỏ chính quyền ở Kiev vừa qua khiến ông không còn bị trói buộc bởi thoả ước đảm bảo sự vẹn toàn lãnh thổ Ukraine, một thoả ước Nga đã ký năm 1994 khi Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng luật pháp quốc tế chỉ có nghĩa khi chính quyền đến sau thực thi những quyền hạn và trách nhiệm được chính quyền trước trao lại. Chưa hết, Putin còn viện dẫn nguyên lý rằng phải bảo vệ “đồng bào” mình – tức tất cả những ai ông tự tiện gọi là người Nga – bất chấp họ đang ở đâu. Chưa hết, chứng cớ một đường miệng lưỡi một nẻo, Putin còn chối bay chối biến rằng binh lính mang quân phục không phù hiệu nắm quyền kiểm soát tại Krym không phải là lính Nga. Sự kết hợp quái gở của hai vế, một bảo vệ và một dối trá, quả là thứ công thức phù thủy dễ dùng để can thiệp vào bất cứ quốc gia nào có sắc dân thiểu số cư ngụ, không cứ là người Nga.
Khi rêu rao những chuyện ngụy tạo trắng trợn về bọn phát xít ở Ukraine đe doạ Krym, Putin đã xem thường nguyên tắc rằng: sự can thiệp ở nước ngoài chỉ nên dùng như biện pháp cuối cùng trong trường hợp có đại họa. Putin biện minh bằng cách viện dẫn vụ NATO đánh bom Kosovo năm 1999 như tiền lệ. Nhưng cần biết rằng vụ NATO can thiệp vào Kosovo chỉ diễn ra sau khi có bạo động dữ dội và Liên Hiệp Quốc đã phải bó tay sau bao nhiêu nỗ lực bất thành – và bất thành cũng vì Nga cản trở. Ngay cả trong trường hợp này, Kosovo cũng không như Krym bị sáp nhập lập tức, Kosovo chín năm sau đó mới ly khai.
Trật tự mới kiểu Putin, tóm lại, được xây dựng trên chính sách thôn tính phục thù, sự trắng trợn xem thường sự thật, và việc bẻ cong luật pháp cho vừa vặn với những gì kẻ nắm quyền lực mong muốn. Trật tự kiểu đó có cũng như không.
Buồn thay, quá ít người hiểu điều này. Rất nhiều quốc gia bực bội với vị thế kẻ cả của Mỹ và với Châu Âu thích lên lớp dạy đời. Nhưng rồi họ sẽ thấy trật tự mới kiểu Putin còn tệ hại hơn nhiều. Các quốc gia nhỏ chỉ có thể phát triển tốt trong hệ thống luật lệ công khai minh bạch dù chưa hoàn hảo. Nếu giờ đây nguyên lý mạnh được yếu thua lên ngôi thì họ sẽ có rất nhiều điều phải sợ, nhất là khi phải đối phó với một cường quốc khu vực hay gây hấn bắt nạt. Trong khi đó, các quốc gia lớn hơn, đặc biệt là các cường quốc đang lên trong thế giới mới, tuy có ít nguy cơ bị bắt nạt, nhưng không phải vì thế mà một thế giới vô chính phủ trong đó không ai tin ai sẽ không có tác động xấu với họ. Vì nếu ý nghĩa của các thỏa ước quốc tế bị chà đạp, thì Ấn Độ chẳng hạn sẽ rất dễ bị cuốn vào cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc vì vùng đất tranh chấp Arunachal Pradesh hoặc Ladakh. Cũng vậy, nếu việc đơn phương ly khai được chấp nhận dễ dàng, thì Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn sẽ rất khó thuyết phục sắc dân Kurds trong nước mình rằng tương lai của họ sẽ tốt hơn khi họ chung tay xây dựng hòa bình. Tương tự, Ai Cập và Ả Rập Saudi cũng muốn tham vọng khu vực của Iran bị kiềm chế, chứ không phải được thổi bùng lên nhờ nguyên lý cho rằng người ngoài có thể can thiệp để cứu giúp sắc dân thiểu số Hồi giáo Shia sống khắp vùng Trung Đông.
Ngay Trung Quốc cũng cần nghĩ lại. Về mặt chiến thuật, có thể nói Krym đã đưa Trung Quốc vào tình thế khó ăn khó nói. Vì một tiền lệ về ly khai sẽ là lời nguyền rủa đen đủi, trong khi Trung Quốc hiện có Tây Tạng đang muốn ly khai; ngược lại, nguyên lý thống nhất đất nước lại là bất khả xâm phạm, trong khi Trung Quốc hiện có Đài Loan chưa thể thống nhất. Tuy vậy, về mặt chiến lược, quyền lợi của Trung Quốc rất rõ ràng. Nhiều thập niên qua, Trung Quốc tìm cách trỗi dậy trong hòa bình và lặng lẽ, tránh né một cuộc xung đột như nước Đức hung hăng đã kích hoạt chống lại nước Anh vào thế kỷ 19 để cuối cùng kết thúc trong chiến tranh. Nhưng, hoà bình trong thế giới của Putin lại là điều khó thành, vì bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành cái cớ để động thủ, và bất cứ sự gây hấn tưởng tượng nào cũng có thể dẫn đến một màn phản công.
Hành động trước hay trả giá sau
Đối với Obama, đây là giờ phút quyết định: Obama phải thực sự lãnh đạo, thay vì chỉ hợp tác. Nhưng Krym không chỉ là việc của Mỹ, mà còn là của cả thế giới. Với những tai họa nhãn tiền, phản ứng của các nước đến nay nói chung đều yếu và manh mún. Trung Quốc và Ấn Độ hầu như chỉ đứng bên lề. Phương Tây thì áp đặt cấm vận visa và phong tỏa tài sản của một số phần tử Nga. Nhưng những phần tử bị nhắm tới thì lại coi đó là huy hiệu của danh dự.
Ít nhất, việc trừng phạt cũng cần bắt đầu cứng rắn hơn, vượt ngoài dự kiến hơn. Phong tỏa tài sản có thể tác động mạnh, vì như vụ cấm vận Iran trước đây cho thấy, giới tài chánh quốc tế rất sợ dính líu tới guồng máy luật lệ của Mỹ. Cũng vậy, các quan tham của Putin sẽ la lối ầm lên nếu nước Anh không cho London nhận đồng tiền có liên hệ với chế độ tại Nga. Pháp nên hoãn việc bán vũ khí cho Nga; và trong trường hợp phía đông Ukraine là nạn nhân kế tiếp của Nga, thì nước Đức nên sẵn sàng cấm vận xăng dầu và khí đốt Nga. Cần lên kế hoạch ngay bây giờ để giảm mức lệ thuộc của Châu Âu vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga và để NATO mạnh hơn.
Trong ngắn hạn, Ukraine cần nhiều tiền để cứu vãn kinh tế khỏi sụp đổ, và cần nhiều cải cách dài hạn với giúp đỡ của IMF, cùng những tư vấn từ nước ngoài mà Ukraine có thể chấp nhận được. Để đi bước đầu tiên theo hướng này, Mỹ cần lập tức thanh toán các khoản nợ cho IMF, khoản thanh toán đã bị Quốc hội ngăn chặn nhiều tháng nay.
Tuy nhiên, dù cho phương Tây có sẵn sàng dùng những biện pháp cứng rắn chống Putin chăng nữa thì những cường quốc đang trỗi dậy vẫn có thể không mấy hứng thú trong việc lên án Putin. Nhưng, thay vì im hơi lặng tiếng trước vụ sáp nhập phi pháp Krym, những cường quốc đang trỗi dậy kia rất nên suy nghĩ xem họ đang muốn sống trong một trật tự thế giới như thế nào. Họ muốn một trật tự trong đó hầu hết các quốc gia tôn trọng những thỏa ước quốc tế và biên giới đã vạch? Hay là họ thích một trật tự trong đó cam kết bị bẻ cong, biên giới bị xâm phạm và thỏa ước cứ thích là xé?
Phan Trinh dịch
Theo pro&contra

Nguồn: “The new world order”, The Economist, số ra ngày 22/3/2014

”Tàu cá Việt Nam kêu cứu, mất tích gần Trường Sa”

Đây không phải trường hợp đầu tiên tàu cá của ngư dân Việt Nam bị khống chế, đe dọa, uy hiếp trên vùng biển chủ quyền khi đang khai thác.
Gần đây nhất, tàu cá KH 90746 của ông Phan Quang (SN 1965, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã bị một tàu “lạ” khống chế trên vùng biển Hoàng Sa và phải kết thúc chuyển đánh bắt và cập bến gấp hôm 8/3/2014.
Được biết, khi tàu Việt Nam đang câu cá nhám thì tàu lạ đã áp sát và nhiều người đã nhảy lên tàu của Việt Nam khống chế, cướp nhiều tài sản. Bảo gồm: 2 máy bộ đàm, 1 máy định vị, 4 bộc câu cá nhám, 8 điện thoại di động, 7 bộ vi cá nhám cùng các giấy tờ quan trọng khác.

Đatviet

(Tin tức thời sự) – Theo phản ánh, tàu cá KH96365, hoạt động tại Trường Sa đã phát tin kêu cứu về việc bị hai người lạ cầm súng nhảy lên tàu khống chế.
Sáng 30/3/2014, ông Trần Quang Minh, Phó Giám đốc Đài Thông tin duyên hải Nha Trang cho biết hiện đã nhận được tin báo về vụ việc tàu cá của ngư dân bị khống chế, mất tích và bước đầu triển khai tìm kiếm.
Ông Trần Quang Minh khẳng định thông tin Đài nhận được là từ phòng phối hợp tìm kiếm cứu nạn của Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa.
Hiện tại, một mặt Đài tiếp tục theo dõi thông tin về tàu KH 96365 và hỗ trợ việc tìm kiếm.
Trao đổi với báo Đất Việt, lãnh đạo của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực IV cũng xác nhận:
“Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã phối hợp với nhiều cơ quan liên quan để phối hợp xử lý vụ việc. Nhưng hiện tại toàn bộ hệ thống thông tin của tàu KH 96365 không cách nào liên lạc được. Chúng tôi cũng chỉ nhận được chỉ đạo là tiếp tục liên lạc và theo dõi tình hình”
Tàu cá ngư dân Việt Nam đánh bắt ngoài khơi (Ảnh minh họa)
Tàu cá ngư dân Việt Nam đánh bắt ngoài khơi (Ảnh minh họa)
Trả lời về vấn đề vì sao không tổ chức tìm kiếm trên mặt biển, lãnh đạo này cho biết: “Tìm kiếm hiện tại không thể biết được chỗ nào để tìm kiếm, vì trên biển khác với trên bộ, ít nhất phải nắm được cái thông tin để nắm được vị trí của họ.
Dù có biết được thông tin ban đầu, trước khi bị mất tích nhưng con tàu này không bị sự cố, họ chỉ bị khống chế, tức là khả năng điều động, di chuyển vẫn bình thường. Vì thế nếu chúng tôi có chạy ra khu vực này cũng không có gì.”
“Chúng tôi chỉ là đơn vị trực thuộc, nếu muốn tìm kiếm thì phải báo cáo lên cấp trên và trung tâm tìm kiếm cứu nạn quốc gia để nhận chỉ đạo. Hiện tại chưa có chỉ đạo gì, chỉ biết tiếp tục cố gắng liên lạc và tìm kiếm thêm thông tin” – đại diện của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực IV cho biết.
Trước đó, theo phản ánh, tàu cá KH 94969 đang hoạt động tại vùng biển thuộc một bãi cạn nằm trong quần đảo Trường Sa, vị trí có tọa độ 10,50 độ vĩ bắc, 117 độ kinh đông. Đến khoảng 14h ngày 26/3/2014, thuyền trưởng của tàu cá này là ông Phan Hoan nhận được tin báo từ tàu cá KH 96365 qua máy Icom về việc tàu này bị tấn công.
Tàu cá KH 96365 đã báo bị hai người lạ nhảy lên tàu dùng súng khống chế. Ngay sau tin báo, ông Phan Hoan đã thử liên lạc lại với tàu cá 96365 nhưng hoàn toàn mất liên lạc.
Khi xảy ra vụ việc, tàu KH 96365 cách tàu KH 94969 của ông Phan Hoan khoảng 34 hải lý, tọa độ cuối cùng xác định được tàu cá KH 96365 trước khi mất liên lạc là 11 độ vĩ bắc, 118 độ kinh đông.
Được biết, tàu cá KH 96365 do ông Trần Canh làm thuyển trưởng, trên tàu có tất cả 11 người.
Hiện tại, tàu KH 94969 của ông Phan Hoan – tàu nhận được thông báo của tàu bị khống chế cũng đã kết thúc chuyến hải hành của mình sớm hơn dự kiến bởi trên thuyền có một thuyền viên bị ốm nặng. Hiện tại tàu đã cập đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa để chăm sóc sức khỏe cho ngư dân này.
Không phải trường hợp đầu tiên
Đây không phải trường hợp đầu tiên tàu cá của ngư dân Việt Nam bị khống chế, đe dọa, uy hiếp trên vùng biển chủ quyền khi đang khai thác.
Gần đây nhất, tàu cá KH 90746 của ông Phan Quang (SN 1965, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã bị một tàu “lạ” khống chế trên vùng biển Hoàng Sa và phải kết thúc chuyển đánh bắt và cập bến gấp hôm 8/3/2014.
Được biết, khi tàu Việt Nam đang câu cá nhám thì tàu lạ đã áp sát và nhiều người đã nhảy lên tàu của Việt Nam khống chế, cướp nhiều tài sản. Bảo gồm: 2 máy bộ đàm, 1 máy định vị, 4 bộc câu cá nhám, 8 điện thoại di động, 7 bộ vi cá nhám cùng các giấy tờ quan trọng khác.
Minh Tuệ

Facebook sẽ dùng vệ tinh, máy bay không người lái để phủ Internet toàn cầu

(TNO) Facebook sẽ sử dụng vệ tinh, máy bay không người lái và các công nghệ khác như một phần cho kế hoạch đầy tham vọng và tốn kém để đẩy mạnh việc kết nối tới người dùng tại các vùng kém phát triển trên thế giới. 
Tập đoàn cung cấp dịch vụ mạng xã hội hàng đầu thế giới vào hôm 28.3 thông báo đã thuê các chuyên gia hàng không và truyền thông từ NASA để phục vụ cho dự án “Phòng thí nghiệm kết nối”, theo Reuters.

Hôm nay, 28.3, chúng tôi sẽ chia sẻ một số chi tiết về Phòng thí nghiệm kết nối của Facebook. Dự án này có liên quan đến việc xây dựng máy bay không người lái, vệ tinh và tia laser để mang internet đến mọi người”, Tổng giám đốc kiêm nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg phát biểu trên Facebook.

Tuy nhiên, Mark Zuckerberg chỉ nói sơ lược và không cho biết thời gian cụ thể về dự án nói trên.

Dự án mới của Facebook được tiến hành với mục đích nhằm kết nối hàng tỉ người hiện không có internet để dùng tại những nơi như châu Phi và châu Á.

Facebook cũng đang làm việc với nhiều hãng cung cấp dịch vụ truyền thông trên thế giới để giúp việc truy cập internet trở nên dễ dàng và rẻ hơn, theo Reuters.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thiết lập các mối quan hệ (với các hãng cung cấp dịch vụ internet), nhưng để kết nối toàn cầu đòi hỏi cần phải phát minh ra công nghệ mới”, Zuckerberg phát biểu trong bình luận đăng trên tài khoản Facebook của mình.

Dự định của Facebook là sẽ triển khai một phi đội máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời, cùng các vệ tinh địa tĩnh bay ở quỹ đạo gần Trái đất, truyền internet cho các khu vực khác nhau trên toàn thế giới.

Các tia laser hồng ngoại vô hình có thể cho phép Facebook đẩy mạnh đáng kể tốc độ truy cập Internet do các máy bay không người lái truyền xuống, theo giải thích của Facebook về dự án Phòng thí nghiệm kết nối.

Giới quan sát nhận định dự án mới của Facebook thể hiện tham vọng ngày càng lớn về việc tăng ảnh hưởng vượt khỏi số người dùng 12 tỉ và tạo ra một công nghệ mới của tập đoàn này.   
Hoàng Uy
(Thanh niên)

Hệ lụy ODA

http://tuoitre.vn/Ban-doc/135096/he-luy-oda.html

Võ văn Tạo

TTCT – Đến 2005, nợ nước ngoài của VN lên đến khoảng 20 tỉ USD. Vừa trả nợ, vừa vay thêm, đến 2010 con số này sẽ vượt ngưỡng 30 tỉ USD. Hiện nay, mỗi năm phải trả nợ khoảng 2 tỉ USD, mức trả nợ mỗi năm lại tăng cao hơn.
Và nợ nước ngoài có xu hướng đạt tỉ trọng ngày càng cao so với GDP. Theo lý thuyết kinh tế, khi tỉ trọng này lên đến 50%, nguy cơ đổ vỡ tài chính xuất hiện. Trong khi đó tỉ lệ thất thoát trong đầu tư từ ngân sách là khoảng 30%. Một con số ở mức báo động đỏ!

Sau hàng loạt sai lầm, tiêu cực như phong trào ximăng lò đứng, các chương trình mía đường, đánh bắt xa bờ, trồng rừng 327 của Chính phủ, hiện tượng nở rộ cả trăm cảng biển đủ cỡ, nước sâu nước nông, chương trình vùng cà phê tập trung ở Tây nguyên, hàng loạt công trình nhà máy hạ tầng, tuyến đường, cây cầu giao thông chưa khánh thành đã trục trặc…, với gần 1.000 cái PMU trên cả nước, chúng ta không thể không có thái độ hết sức thận trọng và nghiêm túc trong huy động, quản lý và sử dụng ODA.
Vì vậy, những biện pháp như tăng cường thuê, nhờ các cơ quan chuyên môn, chuyên gia nước ngoài, huy động các cá nhân có chuyên môn cao (chú trọng Việt kiều tâm huyết), có đạo đức và uy tín trong các hiệp hội chuyên ngành, các cá nhân có trình độ, tâm huyết do cộng đồng dân cư chọn lựa một cách thật sự tự do, dân chủ tham gia hoạch định phương hướng, tư vấn, giám sát, quản lý, kiểm toán là những gợi mở để cải thiện tình hình. Nếu chỉ chú trọng thanh tra, điều tra xử lý sau khi việc đã rồi thì chẳng khác nào hốt lại chén nước đã lỡ làm đổ xuống đất.
Từ thực trạng quản lý, sử dụng ODA hiện nay, có thể điều chỉnh phương hướng sắp tới theo trật tự ưu tiên như sau:
1. Tiếp tục duy trì gia tốc dương trong vay ODA, với điều kiện quản lý, sử dụng thật tốt.
2. Tiếp tục vay thêm có chừng mực ODA, với điều kiện quản lý sử dụng khá tốt.
3. Không chủ trương vay thêm ODA, nếu việc quản lý, sử dụng nhìn chung như đã xảy ra ở PMU18.
VÕ VĂN TẠO (Khánh Hòa)

Hiệu Minh - Mái tóc Kim Jong-un và thời quần loe tóc dài

Mái tóc kiểu buôn lậu Trung Quốc. Ảnh: BBC VN
Du học Ba Lan về nước (1977), có công ăn việc làm, tôi bắt đầu để ý các em. Tìm mãi mới được một cô ưng ý trên phố vì người đẹp thích mái tóc dài hippie dài quá vai của tôi.

Dẫn về nhà giới thiệu, bà mẹ, một cán bộ tổ chức ở bộ, thở dài, thằng này hư hỏng, theo tư bản, đầu tóc thế kia không thể nên người được.

 Tôi nghiến răng cắt cho ngắn, cô người yêu lại chê, không có tóc dài trông anh quê lắm.

Ăn mặc tóc tai, mốt sành điệu hay không, luôn là đề tài tranh cãi của các thế hệ mọi thời đại. Nhưng qui định mái tóc ngắn dài ở tầm quốc gia thì thật kinh hoàng.

Mới đây, báo chí nhạo báng tin từ Bắc Triều Tiên, nam sinh viên trong các trường đại học Bắc Hàn phải cắt kiểu đầu giống như nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Đầu của Kim Jong-un là kiểu tóc dùng loại tông đơ có số 1-2-3-4. Dưới cùng cạo trắng hếu, lên một chút là số 1 hơi lơ thơ, và trên đỉnh đầu tóc dài hơn chút. Xem lại những tấm ảnh thời 1930-1940 sẽ thấy kiểu tóc tương tự.

BBC VN cho hay, một người Bắc Hàn nay sống tại Trung Quốc nói rằng kiểu đầu này thực ra rất không được ưa chuộng tại nước ông vì đó là “kiểu đầu buôn lậu Trung Quốc.”

Theo đồn đoán, người dân Bắc Triều Tiên được phép chọn trong 18 kiểu tóc cho phụ nữ và 10 cho nam giới. Truyền thông mở chiến dịch chống tóc dài và kêu gọi “Hãy để cho chúng tôi cắt cho bạn kiểu tóc phù hợp với lối sống xã hội chủ nghĩa.”

Nghe thật khôi hài. Nhưng thật ra, nước mình cũng qua thời kỳ như Kim Jong-un. Ai thuộc thế hệ U50-60, từng sống ở Hà Nội những năm 1975-1990, chứng kiến đảng và nhà nước can thiệp từng sợi tóc và vào từng ống quần của dân như thế nào.

Những năm 1960-1970, thế giới có phong trào hippie. Đó là những thanh niên tóc dài, râu không cạo, quần loe, ăn mặc bất cẩn, nghiện ngập ma túy, và bất cần đời. Lứa tuổi baby boomer (trẻ em sinh bùng nổ sau chiến tranh thế giới thứ 2 từ 1946-1964) tham gia vào phong trào này rất nhiều.

Phương châm của họ là đấu tranh bất bạo động, yêu hòa bình, sống cho tình yêu. Theo Timoty Leary “Hippie khởi đầu phong trào sinh thái học. Họ chiến đấu nạn kì thị chủng tộc. Họ giải phóng những thành kiến kì thị giới tính, khuyến khích sự thay đổi, tự tin vào bản thân. Họ chất vấn chủ nghĩa vật chất máy móc. Trong bốn năm, họ đã thành công trong việc chặn đứng cuộc chiến Việt Nam.”

Nhiều người không hiểu nên đã cho rằng hippie là loại bỏ đi. Họ không biết rằng, chính hippie đã đóng vai trò rất lớn trong việc phản đối Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Sinh viên VN (khóa 1971) ở Ba Lan. Ảnh: Khóa 1971
Những năm 1970-1975 sinh viên Việt Nam du học Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Nam Tư… thường bắc chước kiểu hippie trong trường hay ký túc xá. Sau này lây lan sang đám sinh viên Việt học ở Liên Xô, Rumani, CHDC Đức và cả Cuba. Ai để tóc ngắn sẽ bị chê là cổ hủ, nhà quê. Quần càng loe càng tốt, áo chim cò, tô vẽ càng ngố, càng sành điệu.

Mỗi lần có họp với sứ quán, bọn sinh viên chúng tôi ở Warsaw rủ nhau cắt tóc, để không bị khiển trách. Vì tiếc của, nhiều bạn cắt qua loa, thế là bị kiểm điểm, nhắc tên ngay trên hội trường.

Tuy nhiên có bạn hỏi, cắt ngắn như thế nào là vừa. Vị cán bộ già phụ trách lưu học sinh bí quá, chống chế “Cắt như tôi là tạm ổn.” Cả hội trường cười ồ, vì đầu ông ấy giống củ su hào, gáy trắng, mái xanh, đúng kiểu nông dân lúa nước sông Hồng.

Những năm 1973-1975, đoàn tầu chở sinh viên và công nhân về nước, người nhà ra đón choáng với kiểu tóc dài quá vai, quần loe nửa mét, áo hoa xanh đỏ, mặt mũi xanh rờn. Bố mẹ than trời, gửi con đi học, chúng theo lối sống tư bản đế quốc, ăn chơi trác tang, hư hỏng hết rồi.

Những năm 1960, mốt ở Hà Nội là quần côn, bó chẽn, ống tuýp và nhẩy đầm. Cờ đỏ được lệnh,  ai mặc quần bó sẽ bị rạch, dù thời đó vải simili rất đắt, mua theo phiếu vải, cả năm chỉ được hai mét theo tiêu chuẩn.

Đang đi xe đạp, bỗng còi toét, đám băng đỏ cùng công an lôi thanh niên mặc quần chật vào đồn. Họ lấy cái chai bia Hà Nội, đút từ dưới cổ chân lên, nếu chai không chui vào được, nghĩa là ống quần quá bé so với qui đinh. Cho bốn nhát kéo bốn góc, cái quần thành phấp phới, người mặc thành trò cười cho cả phố.

Mốt ống côn cũng chỉ được một thời gian, khi hippie bên Ba Lan và nước ngoài về, đã đổi thành ống loe, tóc dài.

Cờ đỏ phát động cắt quần loe, thấy ai đi xe đạp, ống quần bay phấp phới, liền bị gọi vào đồn. Vì cái chai, họ lấy thước đo, theo quy định, ống không thể rộng quá 20-22 cm, bất kể già trẻ, cao to, thấp lùn. Nếu quá qui định, lấy kéo cắt phăng ống quần, chẳng cần biết hậu quả ra sao.

Tóc dài không được che kín tai, trùm quá cổ áo. Ai vi phạm bị lôi vào đồn, một ông thợ cắt tóc đeo băng đỏ, với tông đơ, cho vài nhát nham nhở, thế là xong cái đầu mất cả năm nuôi tóc.

Những năm đó, dân chơi đợi tối nhá nhem, đi đường tránh né công an, đầu đội mũ che kín tóc, tới chỗ ăn chơi, dự sinh nhật mới bỏ ra khoe. Nhưng rồi cũng không thoát. Cờ đỏ, công an chặn ở cửa Nam, bờ Hồ, Nhà Hát lớn, những nơi thanh niên hay tụ tập.

Thỉnh thoảng một cu cậu bị cắt nham nhở cả tóc lẫn quần, xấu hổ không có đường chui. Ở văn phòng, thủ trưởng cũng phải nhắc thanh niên không được diện kiểu hippie.

Sau 1975, quần loe tóc dài ở Sài Gòn còn kinh hoàng hơn Hà Nội. Để đảm bảo HN có CNXH tươi đẹp, quần loe tóc dài vẫn bị cấm, nhưng ở Sài Gòn thì đỡ hơn vì cấm sao cho xuể.
Thời trang Sài Gòn xưa. Ảnh: Internet
Mãi tới năm giữa1980 trở đi, kinh tế đi xuống, nghèo quá, họ chẳng còn vải mà may quần loe nữa, tiền ít nên cắt tóc cũng bớt đi. Miền Nam chạy loạn ra biển. Dần dần, chẳng còn ai quan tâm đến cái mốt hippie.

Nhân chuyện anh Kim Jong-un bắt thanh niên cả nước theo kiểu đầu của anh ấy, tôi ghi lại vài chuyện. Mong các bạn đóng góp cho vui về một thời kỳ mà người câm cân nẩy mực chỉ đạo cả cái ống quần hay mái tóc, thay vì ngồi nghĩ chiến lược phát triển.

VN từng qua giai đoạn đó. Kết quả là dân đói rã họng, phải nhập bo bo cho gia súc từ nước ngoài về cho dân ăn thay gạo.

Một khi lãnh đạo quốc gia phải đo tóc, đo quần, nghĩa là sự độc tài đã tới hạn, báo hiệu sư suy vong của một thể chế.

Ở phương tây chẳng cấm đoán hippie thì đất nước vẫn phát triển, phong trào này sau tự tan rã. Bill Clinton, John Kerry, Tony Blair và nhiều chính khách quốc tế từng mặc quần loe tóc dài, hát nhạc rock, nằm vạ vật biểu tình, trốn lính, phản đối chiến tranh. Nay họ thành những người nổi tiếng, được trân trọng.
HM. 29-3-2014
Hiệu Minh
(Blog Hiệu Minh)

Chu Vĩnh Khang và người thân vơ vét 16 tỷ USD

TP - Khi khám xét nhà của Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính trị - Pháp luật trung ương (UBCP), người ta mới phát hiện ông ta và người thân sở hữu số tiền, vàng, cùng các tài khoản nội ngoại tệ, tổng cộng lên tới 16 tỷ USD.

Tịch thu vô số tiền, vàng và nhà

Tờ “Đông phương Nhật báo” và một số báo điện tử ngày 29/3 đã đăng tải thông tin cho biết: các phóng viên đã có được bản “Thông báo nội bộ” của “Tổ chuyên án Chu Vĩnh Khang và gia đình” thuộc Ủy ban Chính trị - Pháp luật trung ương về “Danh mục kiểm kê khám nhà” đối với Chu Vĩnh Khang.

Bản Thông báo nội bộ cho biết: Trong các ngày 2/12/2012, 10 và 22/1/2014, Viện Kiểm sát 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Bắc Kinh, Liêu Ninh, Giang Tô, Sơn Đông, Thượng Hải, Quảng Đông đã ra lệnh khám xét 3 đợt đối với 29 khu nhà ở của gia tộc Chu Vĩnh Khang tại đây.

Kết quả: Chu Vĩnh Khang và những người thân (vợ con, anh em) có tổng cộng 326 căn nhà với tổng trị giá 1 tỷ 760 triệu tệ ở 12 thành phố: Bắc Kinh, Thẩm Dương, Đại Liên, Tế Nam, Yên Đài, Thành Đô, Nam Kinh, Vô Tích, Tô Châu, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến.

Qua khám xét đã thu giữ 47,850 kg vàng, bạc; số lượng rất lớn tiền mặt gồm hơn 150 triệu tệ, hơn 2 triệu 700 ngàn USD, hơn 660 ngàn Euro, 110 ngàn Bảng Anh, 550 ngàn Fran Thụy Sĩ.

Ngoài số tiền, vàng, các nhân viên điều tra còn thu giữ số lượng lớn đồ cổ, 55 tranh, thư pháp quý tổng trị giá ước tính từ 800 triệu đến 1 tỷ tệ; 62 xe ô tô các loại trong đó có cả xe quân sự và nhiều siêu xe đắt tiền.

Nghiêm trọng hơn, đã phát hiện Chu Vĩnh Khang và người thân đã tàng trữ trái phép cả “kho vũ khí” 27 khẩu súng, gồm 15 khẩu súng ngắn K76, K96, K99 do Trung Quốc sản xuất, 12 khẩu súng ngắn của Đức, Nga, Anh, Bỉ và hơn 11 ngàn viên đạn các cỡ.
Chu Vĩnh Khang Các nhân viên điều tra còn phong tỏa 947 tài khoản nội tệ, 117 tài khoản ngoại tệ đặt tại 133 ngân hàng với tổng trị giá hơn 37,7 tỷ tệ. Người ta còn thu giữ số cổ phiếu các ngành dầu khí, hàng không, ngân hàng, sản xuất rượu trị giá 51,3 tỷ tệ và cổ phiếu nước ngoài trị giá 170 triệu tệ.

 Các nhân viên điều tra còn phong tỏa 947 tài khoản nội tệ, 117 tài khoản ngoại tệ đặt tại 133 ngân hàng với tổng trị giá hơn 37,7 tỷ tệ. Người ta còn thu giữ số cổ phiếu các ngành dầu khí, hàng không, ngân hàng, sản xuất rượu trị giá 51,3 tỷ tệ và cổ phiếu nước ngoài trị giá 170 triệu tệ.

Theo thống kê bước đầu, tổng số của cải mà Chu Vĩnh Khang và gia tộc vơ vét được đã lên tới 100 tỷ tệ (16 tỷ USD).

Kẻ cầm đầu tập đoàn thế lực đen lớn nhất Trung Quốc

Thông báo này cho rằng, Chu Vĩnh Khang là kẻ cầm đầu Tập đoàn thế lực đen lớn nhất kể từ khi thành lập nước CHND Trung Hoa (1949) đến nay. Vụ án Chu Vĩnh Khang đã được chuyển sang cơ quan tư pháp xử lý từ tháng 2/2014.

Tuy vụ án chưa được chính thức công bố, nhưng các nhà phân tích cho rằng với phạm vi ảnh hưởng, những tội gây nguy hại cho xã hội, Chu Vĩnh Khang sẽ phải đối mặt với án tử hình.

Tính đến nay, đã có tổng cộng 313 người có liên quan đến Chu Vĩnh Khang gồm người thân trong gia tộc, quan chức trong hệ thống Dầu khí, hệ thống Chính Pháp, quan chức ở Tứ Xuyên bị bắt.

Cụ thể: 11 quan chức cấp Thứ trưởng, 56 quan chức cấp Sở, Vụ, 14 người thân trong gia đình, 28 nhân viên công tác và cảnh vệ, ngoài ra còn 11 người đang bỏ trốn chưa bắt được (trong đó có em gái vợ là Giả Hiểu Hà, Thư ký Lương X. và một cô nhân tình họ Lâm).

Báo chí phân tích, Chu Vĩnh Khang đã cài cắm người thân vào cả 3 hệ thống trên, biến 3 hệ thống thành nơi để Chu gia trục lợi, thành nguồn cung của cải. Nhiều thư ký các thời kỳ của Chu trong thời gian ông ta công tác trong ngành Dầu khí, ở Tứ Xuyên và Bộ Công an sau khi được bố trí giữ các chức vụ quan trọng như Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí Lý Hoa Lâm, Phó Tỉnh trưởng Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường, Phó Tỉnh trưởng Hải Nam Ký Văn Lâm… đều lần lượt bị cách chức, bị điều tra.

Theo “Đông Phương nhật báo”, việc Trung Quốc trì hoãn công khai vụ án nghiêm trọng Chu Vĩnh Khang là có một số lý do: Thứ nhất, đang nghiên cứu xem có đưa từ “Tập đoàn” vào tên vụ án này hay không. Có ý kiến nên đặt tên là “Vụ án tập đoàn tham nhũng Chu Vĩnh Khang” và định tính là “Tập đoàn tham nhũng lớn nhất kể từ khi thành lập nước (1949) đến nay”. Thứ hai, Chu Vĩnh Khang kiên quyết chống lại công tác điều tra của Ủy ban KTKL trung ương.

Hiện Chu Vĩnh Khang đang bị giam ở Thiên Tân, trong thời gian bị điều tra đã kiên quyết không hợp tác, thậm chí đã uống thuốc độc định tự sát, may mà nhân viên quản lý phòng giam phát hiện được, kịp thời đưa đến bệnh viện rửa ruột nên mới thoát chết.
Riêng ở Tứ Xuyên, nơi Chu Vĩnh Khang làm Bí thư tỉnh ủy từ 1999 đến 2002 đã hình thành nên hệ thống thế lực rất mạnh. Theo trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương, chỉ riêng năm 2013, Ủy ban KTKL tỉnh ủy đã lập hơn 9.900 hồ sơ, điều tra gần 10 ngàn đảng viên, gây nên “trận động đất quan trường”, qua đó loại bỏ nhiều tay chân của Chu Vĩnh Khang ở đây, trong đó có một số quan chức cấp tỉnh.
(Tiền phong) 

Xuất hiện sách "cao thủ" hơn cả sát thủ mưng mủ

Những câu hỏi và trả lời gây sốc trong cuốn sách khiến không ít phụ huynh phải tá hỏa.
Chị Thanh (Thanh Xuân - HN)  mua cuốn sách "Hỏi đáp nhanh trí" để cho con đọc giải trí vừa rèn luyện kĩ năng hỏi đáp. Tuy nhiên khi chị Thanh đọc kiểm duyệt trước, nội dung trong cuốn sách này khiến chị phát sốc.
Mang đến cơ quan đọc to cho mọi người cùng nghe, nhiều người đã liên tưởng ngay đến cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ" vừa bị dừng xuất bản mới đây. Hầu như không một ai trong cơ quan chị Thanh có thể trả lời đúng các câu hỏi trong sách.
Thậm chí, có mẹ còn nhận xét, cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ" phải gọi cuốn "Hỏi đáp nhanh trí" này bằng "sư phụ".
Nội dung cuốn sách với những câu hỏi - đáp được đánh giá là trên tài cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ"
Cuốn "Hỏi đáp nhanh trí" được in làm 1.000 bản, dày khoảng 176 trang với 170 câu đố, đáp án, đi kèm cùng hình vẽ minh hoạ hoàn toàn màu đen trắng, giá bìa là 10.000 đồng. Tác giả cuốn sách này được ghi là Đức Trí (sưu tầm biên soạn).Dưới đây là một vài câu hỏi và đáp án gây "choáng váng" cho các bậc phụ huynh:
- Một người không may bị bệnh chó dại, nhưng anh ta không đến bệnh viện điều trị mà chỉ đi khắp nơi tìm giấy và bút. Vì sao?
Đáp án: Để liệt kê danh sách những người muốn cắn.
- Hoa gì không có cây, không có lá?
Đáp án: Hoa mắt chóng mặt
- Nước gì mà lấy không hết, dùng không cạn
Đáp án: Nước miếng (nước bọt).
Bên cạnh những câu trả lời được cho là rất "nhảm", lại có những câu hỏi/ tình huống vô vị, không có ý nghĩa gì. Chẳng hạn như:
- Trong tình huống nào thì 3+1=5?
Đáp án: Khi làm toán sai.
Nội dung trang sách.
- Ông Trung vừa qua đời, Thiên sứ thấy ông hiền lành tốt bụng, ăn ở biết điều liền mời lên thiên đàng, nhưng ông Trung kiên quyết không đi. Vì sao?
Đáp án: Vì ông Trung mắc bệnh sợ độ cao.
- Cây cau và cây dừa có điểm gì khác biệt?
Đáp án: Rung thử thì biết.
- Trung lái xe tắc-xi ra đường đón khách, nhưng trên đường không hề có khách vẫy xe. Vì sao?
Đáp án: Vì Trung đang lái xe trên đường cao tốc.
- Ai sợ nghe thấy quốc ca nhất?
Đáp án: Người hói đầu, vì anh ta sợ bỏ mũ.
....
Theo Đức Bảo
Vietnamnet 

ASEAN vô tích sự

http://www.phamdoantrang.com/2014/03/asean-vo-tich-su-vi-lanh-ao-kem.html

 Phạm đoan Trang

”Ông Lê Lương Minh, người đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký ASEAN từ năm ngoái, chẳng làm được gì hơn là gây thất vọng, bởi vì từ rất nhiều góc độ, ông đã bộc lộ rõ những bất cập của ASEAN hiện nay… Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar ít có quan chức nào có khả năng tham gia đầy đủ vào các cuộc hội nghị tổ chức bằng tiếng Anh. Nước khá nhất trong số này, Việt Nam, dùng tiền ngân sách để đào tạo ra một thế hệ các nhà ngoại giao như ông Minh” (trích bài viết trên một tờ báo trong khu vực).
Căn cứ vào quy mô dân số, ASEAN là một khu vực lớn và có khả năng gây ảnh hưởng trên thế giới. Chẳng hạn, Indonesia với 237 triệu người, đang đứng thứ tư thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Philippines khoảng 100 triệu, Việt Nam 92 triệu, cũng là hạng cao (12 và 14). Nhìn tổng thể, hơn 600 triệu dân ASEAN chiếm 8,8% dân số toàn cầu. Tỷ lệ này không cao, nhưng so với các khu vực khác là đáng kể. (Để bạn so sánh: Trung Quốc, với 1,3 tỷ người, chiếm khoảng 20-25% dân số cả hành tinh).
Nếu ASEAN ”nhất thể hóa” để trở thành một nền kinh tế thì đó sẽ là nền kinh tế lớn thứ 8.

Phần lớn các nước ASEAN nằm trong hoặc tiếp giáp với Biển Đông, một khu vực có tầm quan trọng đặc biệt về địa chính trị, địa chiến lược. Ví dụ, mỗi năm, một phần ba lượng dầu thô và hơn một nửa lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển qua nơi đây.
 
Dù vậy, khối ASEAN chưa bao giờ thể hiện được vai trò, sức mạnh nào đáng kể trong các vấn đề quốc tế, thậm chí kể cả vấn đề của chính khu vực. Dưới đây là bài viết của Maria A. Ressa, nhà báo, nhà phân tích người Philippines, nhận xét về Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh và sự yếu kém về lãnh đạo của tổ chức này. Bài viết được thực hiện tại Canberra, đăng ngày 24/3/2014 trên trang mạng Rappler.com (Philippines).
Lượng dầu thô chuyên chở qua Biển Đông mỗi năm.
Nguồn: U.S. Energy Information Administration
Lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển qua Biển Đông mỗi năm. 
Nguồn: U.S. Energy Administration 
ASEAN: LÃNH ĐẠO KÉM?
 
- Maria A. Ressa - 
Thủ đô Canberra của Úc. Một hội trường kín người – những cử tọa ham hiểu biết, dịu dàng một cách đáng ngạc nhiên, ở Đại học Quốc gia Australia. Họ đang tìm một lý do để có thể thấy phấn khởi về Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một tổ chức 10 thành viên với dân số hơn 630 triệu, là đối tác thương mại lớn thứ hai của Úc.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Việt Nam, ông Lê Lương Minh, người đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký ASEAN từ năm ngoái, chẳng làm được gì hơn là gây thất vọng, bởi vì từ rất nhiều góc độ, ông đã bộc lộ rõ những bất cập của ASEAN hiện nay.
Tổng Thư ký ASEAN mở đầu bằng một bài diễn văn hầu như không làm người đọc thấy hứng thú. Ông tập trung nói về 6 cột trụ của ASEAN kể từ khi Hiệp hội được thành lập (năm 1967) và dự án đầy tham vọng của nó – tạo ra một liên kết kinh tế khu vực, gọi là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến hình thành trước thời điểm tháng 12/2015.
Có ai đó hỏi ông Minh về căng thẳng giữa Úc và Indonesia – nước thành viên lớn nhất ASEAN – về vấn đề người tị nạn và về vụ Úc bị cáo buộc nghe lén điện thoại của Indonesia, theo như tài liệu rò rỉ từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
”Tôi hy vọng các vấn đề song phương này có thể được giải quyết một cách thân ái” – ông Lê Lương Minh cho biết. ”Chúng tôi chưa thấy mối quan hệ song phương đó có ảnh hưởng tiêu cực nào đối với quan hệ đối tác ASEAN-Australia”.
Về vấn đề gây tranh cãi nhất của ASEAN, là xung đột giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia ASEAN trên Biển Đông, ông Minh nói: ”ASEAN giữ quan điểm cho rằng việc này cần được giải quyết, nhưng chỉ có thể được giải quyết, và chỉ nên được giải quyết, giữa các bên có liên quan”.
(Bài phát biểu của) Ông Minh an toàn, chán ngắt và quan liêu. Những người trong cuộc nói rằng đó là chuyện may rủi, khi mà chiếc ghế lãnh đạo luân phiên của ASEAN chuyển từ một chính trị gia như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surin Pitsuwan – người có khả năng thu hút sự quan tâm của bên ngoài – sang một công chức sắp xếp ngôi nhà ASEAN cho trật tự như ông Minh – nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam. Từ năm 2004 đến năm 2011, ông Minh là Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.
Thật không may, ông lại cũng là nhà lãnh đạo ít có khả năng làm lợi cho ASEAN nhất.
Thời năng động
Thế mà bây giờ lại đang là một thời kỳ thú vị và năng động, khi một ASEAN tự do, nhất thể hóa có thể làm đầu tư gia tăng đáng kể. Cũng có cơ hội để cho ASEAN thể hiện năng lực lãnh đạo vốn rất cần thiết vào cái thời quyền lực địa chính trị đang thay đổi như thế này.
ASEAN đang ở thời điểm bước ngoặt. Nó được hình thành vào giai đoạn Mỹ đang thống trị toàn cầu, nhưng nay thời thế đã khác, với quyền lực kinh tế chuyển về Trung Quốc. Thay vì giữ một vai trò dẫn đạo, ASEAN có nguy cơ trở thành chiến trường cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. (1)
Các quốc gia như Philippines, Malaysia và Indonesia đều không chuẩn bị tinh thần cho xung đột trực diện với Trung Quốc, thậm chí không sẵn sàng cả cho việc đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Nhiều nước ASEAN quay qua Mỹ để tìm sự hỗ trợ về quốc phòng. Cùng lúc đó, các nước nghèo hơn ở ASEAN như Campuchia, Lào và Myanmar, đều đã trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức các nhà phân tích gọi họ là các ”nhà nước khách hàng của Bắc Kinh”.
Điều đó mở ra một cơ hội cho Úc – đối tác đàm phán đầu tiên của ASEAN.
”ASEAN có một vị trí đặc thù trong ngoại giao của Australia, và đó là một vị thế tích cực” – Thượng nghị sĩ Brett Mason, Quốc vụ khanh phụ trách ngoại giao Australia, nói. Ông thừa nhận, cấu trúc quyền lực của thế giới toàn cầu hóa đang thay đổi, và Australia đang chuyển hướng chú ý sang châu Á. ”Là một diễn đàn, ASEAN lẽ ra đã có thể được tận dụng một cách sáng tạo hơn và đầy đủ hơn. Nhưng tôi không nghĩ là nó (đến mức) chẳng có hiệu quả gì”.
Tôi đã viết về ASEAN từ năm 1987. Vào cuối những năm 1990, tôi đã có mặt khi Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar được gia nhập hiệp hội này, tạo ra một tổ chức ba thứ bậc, bởi vì mấy quốc gia đó tụt hậu rất xa so với các thành viên ban đầu của ASEAN gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, và hai quốc gia còn thịnh vượng hơn thế nữa, là Brunei và Singapore. 
 
Như nhiều người châu Á khác, tôi đã từng hy vọng đối thoại xây dựng sẽ là một cách khác để thúc đẩy cải cách, và nó hiệu quả hơn cách đối đầu của phương Tây. Nhưng nhiều thập kỷ trôi qua, đối thoại xây dựng vẫn cứ là cái lý lẽ biện hộ cho sự yếu kém của ASEAN.
 
Cải cách ở Myanmar – trọng tâm của đối thoại xây dựng – đã được thúc đẩy nhờ những nỗ lực từ bên trong chứ hầu như chẳng có sự giúp đỡ nào từ ASEAN. 
 
Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 – bắt đầu từ Thái Lan rồi lan sang Indonesia – các nước đã tìm đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chứ không phải ASEAN. 
 
Cũng năm đó, khi khói bụi do cháy rừng ở Indonesia tràn ngập các đô thị Malaysia và Singapore, ASEAN lại chứng tỏ là họ không có khả năng hợp tác cùng nhau để ngăn chặn sự cố xảy ra gần như thường niên đó, và sự cố ấy cho đến nay vẫn là nỗi ám ảnh đối với khu vực. 
 
Năm 1999, ASEAN bị chỉ trích vì đã không buộc được Indonesia phải chịu trách nhiệm về chính sách tàn phá Đông Timor. Khi đó, vai trò lãnh đạo rơi vào tay Australia, họ đã làm nhiệm vụ dẫn đầu INTERFET, lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế ngoài Liên Hợp Quốc. 
 
Cuối những năm 2000, dưới sức ép từ một số nước thành viên, ASEAN xây dựng một cơ chế nhân quyền (2). Cơ quan này đã gần như hoàn toàn im lặng trước tình hình vi phạm nhân quyền ngay trong ASEAN, chẳng hạn như tại Việt Nam hay tình cảnh người thiểu số Rohingyas ở Myanmar.
 
Nguồn ảnh: Sống Mới (songmoi.vn)
 
Rạn nứt về vấn đề Trung Quốc
Mối quan hệ với Trung Quốc càng cho thấy rõ ràng những rạn nứt bên trong ASEAN. Tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 7/2012 tại Campuchia, mâu thuẫn nổ ra công khai. Lần đầu tiên trong lịch sử, các vị bộ trưởng ngoại giao không thống nhất được với nhau về một tuyên bố chung. Quan chức Philippines rời hội nghị. Các nước ASEAN khác chỉ trích chủ nhà Campuchia chống lại lợi ích ASEAN mà bênh vực Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Hai tháng sau, Campuchia tuyên bố nhận thêm viện trợ 500 triệu USD từ Trung Quốc.
Quốc gia lớn nhất kiêm thành viên sáng lập ASEAN là Indonesia cố gắng dùng ngoại giao con thoi để vận động cho một thỏa thuận chấp nhận được. Trong khi đó, ASEAN một lần nữa thể hiện sự yếu kém về năng lực lãnh đạo.
Tuy thế, giới chức Australia có vẻ vẫn lạc quan.
Ngày 19/3, Ngoại trưởng Úc tiếp Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhân dịp kỷ niệm quan hệ đối tác 40 năm, mối quan hệ mà theo bà, hiện đang đặt ưu tiên vào thương mại, đầu tư, an ninh khu vực, giáo dục.
”Bang giao giữa các chính phủ trên phương diện kinh tế, tài chính thật sự thân thiết hơn nhiều so với cách đây một thập kỷ” – một quan chức ngoại giao cấp cao nói với tôi. ”10 năm qua, việc xây dựng quan hệ ở cấp độ thấp hơn chính trị, thấp hơn mức quan hệ chính thức cao cấp, đã giúp cho mối bang giao của chúng ta chín chắn hơn bất kỳ lúc nào trước đây”.
Vấn đề nằm ở hai lĩnh vực: Thứ nhất, ASEAN ra quyết định trên cơ sở đồng thuận, là điều rất khó đạt được trong thế giới biến đổi quá nhanh ngày nay và trong một tổ chức có chênh lệch rất lớn về phát triển, từ Singapore tới Lào; thứ hai, khoảng cách đó dẫn đến những khác biệt về kinh nghiệm và phong cách lãnh đạo.
Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar ít có quan chức nào có khả năng tham gia đầy đủ vào các cuộc hội nghị tổ chức bằng tiếng Anh. Nước khá nhất trong số này, Việt Nam, dùng tiền ngân sách để đào tạo ra một thế hệ các nhà ngoại giao như ông Minh.
Đồng thuận không đủ
Dù vậy, các kỹ năng cần thiết để đạt được sự đồng thuân cũng không đủ để tạo niềm tin theo cách của ASEAN, và các quan chức lãnh đạo cấp cao của ASEAN – trừ một số rất ít ngoại lệ – đều không có được sự thu hút hay vị thế để tổ chức những cuộc họp cần thiết với nguyên thủ các quốc gia khác.
Để xúc tiến có hiệu quả một nghị trình đầy tham vọng là thiết lập thị trường chung, ASEAN phải đi nhanh hơn, và lãnh đạo của nó phải nắm vai trò dẫn đầu – không chỉ trong ASEAN mà còn giữa các đối tác đối thoại và giới đầu tư tiềm năng.
”Mặc dù có rất nhiều lời chỉ trích về ASEAN, xét trên phương diện năng lực lãnh đạo, nhưng ASEAN là tất cả những gì chúng ta phải hợp tác cùng” – Tiến sĩ Sally Wood, Đại học Deakin – nhận định. ”Tôi không biết liệu ASEAN có bao giờ thật sự nghĩ rằng họ có thể đạt được mức độ tập trung hóa đó. Có quá nhiều lợi ích quốc gia mâu thuẫn trong khu vực, cho nên cực kỳ khó để ASEAN có chung một tiếng nói”.
Tổng Thư ký Lê Lương Minh đang cố gắng hoàn thành một đơn đặt hàng khó khăn, và những người trong cuộc cho rằng với kinh nghiệm của mình, ông Minh đang góp phần xây dựng tổ chức từ trong hậu trường. Tại Đại học Quốc gia Australia, ông Minh phát biểu, ông lạc quan nhận thấy hội nhập kinh tế ASEAN – hứa hẹn tạo ra một thị trường chung và một khu vực có tính cạnh tranh cao – sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch vào tháng 12/2015.
”ASEAN đã thực hiện khoảng 80% các giải pháp” – ông nói với cử tọa ở Đại học Quốc gia Australia.
Không phải ai cũng tán thành.
”Chúng ta phải thực tế. Tôi không thể nghĩ điều đó sẽ diễn ra” – Giáo sư Andrew Walker, quyền Hiệu trưởng Đại học Châu Á Thái Bình Dương, trực thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho biết.
”Ít có khả năng AEC 2015 sẽ thành hiện thực” – TS. Wood nói thêm. ”Có lẽ điều đó không quan trọng, mà quan trọng là ASEAN đang phấn đấu thực hiện mục tiêu ấy”.
—————
(1) Nguyên văn: low-intensity proxy battlefield, nghĩa là chiến trường cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với cường độ thấp, quy mô nhỏ hơn chiến tranh thông thường.
(2) Năm 2008, Hiến chương ASEAN có hiệu lực. Điều 14 Hiến chương xác định ASEAN sẽ thành lập một cơ quan nhân quyền. Năm 2009, ASEAN thành lập Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét