Chống diễn biến hòa bình : Hiểu đúng về xã hội dân sự ở Việt Nam
QĐND – Chủ nhật, 30/03/2014 | 22:32 GMT+7
QĐND – Gần đây vấn đề xã hội dân
sự (XHDS) được nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều hãng thông tấn, báo chí
nước ngoài quan tâm, bàn luận. XHDS được cộng đồng quốc tế xem như một
nhân tố của xã hội hiện đại và trên thực tế XHDS cũng không phải xa lạ
đối với xã hội ta.
Luật về quyền lập hội của người dân theo
Hiến pháp 2013 tuy đến nay chưa có, song quyền đó cũng đã được bảo vệ
bằng nhiều đạo luật và nhiều văn bản dưới luật. Theo thống kê chưa đầy
đủ, ở nước ta hiện có 380 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc, liên
tỉnh, thành phố (so với 115 hội vào năm 1990); 18 tổ chức công đoàn
ngành, 6.020 tổ chức ở cấp địa phương và hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ
hoạt động trong mọi lĩnh vực xã hội.
Ảnh minh họa. Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII. Nguồn: QĐND Online. |
Xã hội dân sự, nói chính xác là các tổ
chức XHDS đóng vai trò xây dựng cộng đồng, trợ giúp Nhà nước. Tổ chức
XHDS tồn tại không chỉ trong xã hội tư bản mà cả trong chủ nghĩa xã hội.
Ở Việt Nam XHDS thấm nhuần về mặt văn hóa cộng đồng, tính đoàn kết,
tương trợ và tính đồng thuận xã hội. Tổ chức XHDS có thể đóng vai trò
tích cực, là người phản biện đối với chủ trương, chính sách của Nhà nước
một cách ôn hòa và có trách nhiệm. Song, thực tế ở nhiều quốc gia trên
thế giới cũng cho thấy, tổ chức XHDS, bao gồm cả các đảng chính trị
(không nằm trong hệ thống chính trị Nhà nước) cũng có thể trở thành lực
lượng đối kháng với Nhà nước, là nòng cốt cho những cuộc bạo loạn, lật
đổ chế độ xã hội, thậm chí có thể kết nối với các thế lực thù địch bên
ngoài gây chiến tranh, làm tổn hại đến độc lập dân tộc, chủ quyền quốc
gia.
Gần đây, trong các cuộc chính biến ở
Trung Đông, Bắc Phi vào cuối năm 2010, mở đầu từ Tuy-ni-di, lan sang Ai
Cập, Y-ê-men, Li-bi đến Xi-ry đã thấy rõ vai trò đòn bẩy của các tổ chức
phi chính phủ (NGOs) Mỹ và phương Tây. Các đài phát thanh, các kênh
truyền hình, cùng với các tổ chức chính trị xã hội đối lập trong nước đã
kích động, dẫn dắt những cuộc biểu tình đường phố trở thành làn sóng
bạo động, lật đổ chính phủ. Gần đây những sự kiện diễn ra ở U-crai-na,
các đảng chính trị, thực chất là các tổ chức XHDS cũng giữ vai trò xung
kích. Theo thống kê chưa đầy đủ, ở U-crai-na có tới 180 đảng chính trị.
Khi những cuộc biểu tình dẫn đến bạo lực, ngay cả đối với những người
phát động nó cũng không thể kiểm soát được tình hình. Những tổ chức
phát-xít, tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, theo trào lưu này đã
ra đời, dẫn dắt phong trào quần chúng.
Tất nhiên, như người ta thường nói: “Mọi
sự so sánh đều khập khiễng”. Ở U-crai-na, có những điểm khác so với
Trung Đông, Bắc Phi, thay vì các tổ chức XHDS là các đảng chính trị;
thay vì đòi lật đổ chính phủ độc tài, tham nhũng, ở đây người ta đòi lật
đổ Tổng thống và Chính phủ vì muốn tăng cường quan hệ với phương Tây.
Tuy nhiên, ở các nước, tổ chức, thủ đoạn chính trị, khẩu hiệu và phương
thức đấu tranh của các tổ chức XHDS gần như giống nhau: Về tổ chức, các
tổ chức XHDS (về chính trị) thường được tạo dựng bởi những nhân vật có
quan điểm chính trị đối lập, những người “bất đồng chính kiến” được gọi
là “ngọn cờ”. Về thủ đoạn chính trị, các tổ chức XHDS thường dựa vào cơ
sở pháp lý quốc gia và quốc tế. Về khẩu hiệu và phương thức hoạt động,
các tổ chức XHDS thường tuyên bố mục tiêu của họ là vì quyền lợi của
người dân, vì sự tiến bộ của xã hội và chỉ hoạt động “ôn hòa”, “bất bạo
động”. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động của họ luôn hướng vào mục tiêu
làm xói mòn uy tín, công kích vào chế độ xã hội và Đảng cầm quyền. Đồng
thời họ tuyên truyền các quan điểm dân chủ nhân quyền của phương Tây,
bất chấp các đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa và hoàn cảnh chính
trị và pháp luật quốc gia.
Những năm gần đây, các thế lực thù địch
cũng tìm mọi cách thúc đẩy hình thành thể chế “đa nguyên chính trị, đa
đảng đối lập” ở Việt Nam, mà tiền đề là hình thành các tổ chức XHDS
chính trị.
Về tổ chức, phương thức hoạt động của họ
là lợi dụng không gian kỹ thuật số, dựa vào các tuyên bố, lấy chữ ký ủng
hộ, như là một sự cam kết về mặt tinh thần để hình thành tổ chức XHDS
ảo. Chẳng hạn tuyên bố về “Phong trào con đường Việt Nam”; “Tuyên bố
258” (tuyên bố của mạng lưới Blogger Việt Nam” nhằm phản đối để Việt Nam
ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đồng thời đòi Việt Nam
phải xóa bỏ Điều 258, Bộ luật Hình sự, 1999); “Tuyên bố về thực thi
quyền Dân sự, Chính trị”; Tuyên bố ra đời mạng “Diễn đàn xã hội dân sự”…
Đáng chú ý gần đây có người đã kêu gọi thúc đẩy nhanh chóng các tổ chức
phi chính phủ Việt Nam, kêu gọi móc nối giữa các tổ chức XHDS này với
các NGOs quốc tế… Thậm chí họ còn kêu gọi phong trào dân sự cần “nhích
thêm một bước”, không chỉ là diễn đàn trên mạng, mà phải hình thành các
nhóm công khai trong đời sống theo phương châm ôn hòa, bất bạo động.
Việc hình thành một số hội nhóm dân sự là bước đi đầu tiên. Đáng chú ý
họ còn tìm cách chia rẽ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Họ công khai công
kích sự lãnh đạo của Đảng, coi Đảng lãnh đạo là chế độ “độc tài toàn
trị”, tình trạng tham nhũng là do sự độc quyền lãnh đạo của Đảng… “chỉ
có đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có thể chống được tham
nhũng”… Thậm chí họ còn nói chỉ có thể chế đa nguyên mới có thể bảo vệ
được sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc! Cũng có khi họ trắng trợn tuyên bố,
mục tiêu của họ là “chuyển hóa hòa bình chế độ toàn trị sang chế độ dân
chủ”.
Phương thức hoạt động trước hết họ là lợi
dụng quy định của Hiến pháp, các công ước quốc tế về quyền con người
thu hút người tham gia, đăng tải bài viết, cổ vũ, thành lập nhóm sáng
lập hội, đoàn, đồng thời cổ vũ cho các hoạt động mạng tính “ôn hòa, bất
bạo động”. Hiện nay, trên các diễn đàn mạng, họ tập trung đòi quyền tự
do ngôn luận, báo chí, đặc biệt là tự do internet, nhằm phát triển tổ
chức và phổ cập quan điểm dân chủ, nhân quyền phương Tây. Họ đã cường
điệu những sai lầm, khuyết điểm của Đảng, Nhà nước; bôi nhọ, vu cáo
nhiều cán bộ lãnh đạo cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan bảo vệ pháp
luật, hòng làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng Cộng sản Việt
Nam và chế độ xã hội XHCN.
Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con
người, quyền công dân, trong đó có quyền lập hội, quyền tự do ngôn luận
báo chí… thuộc bản chất của Đảng và Nhà nước ta. Điều này đã được ghi
trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên CNXH, thông qua Đại hội XI, ghi: “Đảng tôn
trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và
chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể.
Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các
đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và
phản biện xã hội” (1). Kế thừa các Hiến pháp trước đây, Hiến pháp 2013
đã Hiến định quyền lập hội tại Điều 2, Chương II: “Công dân có quyền tự
do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu
tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Mặc dù luật về quyền lập hội theo Hiến
pháp 2013 đang trong quá trình xây dựng, song trên thực tế quyền này đã
được bảo đảm ở Việt Nam. Nhiều tổ chức XHDS tự nguyện, tự chủ về mọi mặt
đã ra đời và có đóng góp tích cực trên các lĩnh vực xã hội, nhất là về
nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội. Nhiều tổ chức phi chính phủ nước
ngoài cũng đã có mặt tại Việt Nam. Những tổ chức này không chỉ được thừa
nhận mà còn được Nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ. Theo thống kê, công bố
tại Hội nghị quốc tế về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính
phủ nước ngoài (trong 2 ngày 28 và 29-11-2013 tại Hà Nội) số lượng các
tổ chức phi chính phủ quốc tế có quan hệ với Việt Nam lên đến 990 tổ
chức vào năm 2013.
Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước ta đối với các tổ chức XHDS là minh bạch,
rõ ràng: Tôn trọng và trân trọng mọi tổ chức xã hội tự nguyện hướng vào
mục tiêu xây dựng xã hội ta trở thành một xã hội văn minh, trong đó các
quyền con người và quyền công dân được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Không
phủ nhận rằng, Nhà nước ta, xã hội ta còn những khiyếm khuyết, song thực
tế cũng cho thấy, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã nhận ra và quyết tâm
khắc phục những sai lầm khuyết điểm đó. Bởi vậy, chúng ta không chấp
nhận bất cứ ai-cá nhân hay nhóm xã hội nào, giai tầng nào mưu toan lợi
dụng quyền được thành lập và hoạt động của cái gọi là XHDS để nhằm mục
đích giành quyền lực hay vì quyền lực nhà nước, xóa bỏ chế độ chính trị,
tước đoạt thành quả cơ bản của cách mạng Việt Nam gần một thế kỷ qua.
ĐỨC THÀNH
(1) – Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI, NXB CTQG, HN, 2011, Tr 87
-Người già và Em bé
RFA
Nguyễn Xuân Lãm, sinh viên ở TP.HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét