Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Vụ Biểu tình của Sinh viên HONG KONG: Không có những cái nhỏ thì sẽ không bao giờ có cái lớn

FBNgoc Nhi Nguyen  *** Không có những cái nhỏ thì sẽ không bao giờ có cái lớn

Theo dõi những gì diễn ra ở HK suốt mấy ngày qua , hẳn mọi người đều đồng ý rằng chính những điều nhỏ nhặt nhất , bình thường nhất ai cũng làm được , đã khiến cho thế giới phải cảm động và kính phục sinh viên HK nói riêng , và người dân HK nói chung .
Chúng ta không hề thấy sinh viên HK ôm hình lãnh tụ hay nhân vật nổi tiếng nào để dựa hơi , cũng không thấy những khẩu hiệu kiêu ngạo hão huyền như Hong Kong number 1 , Hong Kong chiến thắng , Hong Kong quang vinh muôn năm gì hết !
Những sinh viên được phỏng vấn , từ người có vai trò lãnh đạo như Joshua Wong cho đến các cậu bé mới 12 ,13 t , đều không thấy ai tự hào rằng chúng tôi đã đánh thắng người này người nọ , họ tuyệt nhiên không khoe khoang thành tích mà chỉ nói về trách nhiệm của bản thân với tình hình ngay trước mắt .
Họ không có băng rôn màu mè hoành tráng , không có áo đồng phục in công phu , họ chỉ với sợi dây nơ vàng mộc mạc , 1 cái dù rẻ tiền , một khẩu hiệu viết bằng tay trên 1 tấm giấy cạc tông .. họ vẫn nói được hết những gì họ muốn nói cho cả thế giới hiểu .
Và chính những việc làm rất đỗi bình thường như lượm rác , ngồi học bài khi rảnh , che mưa giùm cho người không có dù , không lấy thứ gì mình không cần cho dù là free , biết xin lỗi khi làm ảnh hưởng đến người khác ...v...v.. là những hành động thực sự đi vào lòng người , thực sự có tác dụng thuyết phục rất mạnh mẽ , khiến cho mọi người quý trọng muốn bước lên chung vai sát cánh giúp đỡ họ .
Có 1 số người than phiền là Nhi quá khó khăn , hay bắt bẻ từng chi tiết nhỏ , hay quan trọng hóa vấn đề , nhưng đó chính là vì Nhi hiểu không có cái nhỏ thì không có cái lớn , không cẩn thận chú ý đến chi tiết thì không thể phát triển vững chắc .
Mọi việc phi thường đều bắt đầu từ những việc tầm thường nhất .
Ngoc Nhi Nguyen's photo.
Ngoc Nhi Nguyen's photo.
Ngoc Nhi Nguyen's photo.
Ngoc Nhi Nguyen's photo.
Ngoc Nhi Nguyen's photo.




 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hiệu Minh - Thiên An Môn phiên bản 2.0?

 Thế giới vừa tưởng niệm ¼ thế kỷ sự kiện Thiên An Môn (Tiananmen ) cách đây 6 tháng, thì nay tại Hong Kong đang có một sự kiện tương tự, cũng khởi đầu bằng đòi hỏi về dân chủ và đều do thanh niên tổ chức.

Ngày 15-4-1989, sau cái chết của Hồ Diệu Bang, có tới 400 thành phố và địa phương tại Trung Quốc đã tổ chức tang lễ, biết ơn người khởi xướng cải cách. Sau đó, các cuộc biểu tình biến thành phản đối chính phủ do lạm phát và tham nhũng tràn lan.
Khi đó khoảng 10 ngàn sinh viên biểu tình ngồi trên Thiên An Môn. Vài ngàn sinh viên còn đến trước Trung Nam Hải, trụ sở của chính phủ, đòi gặp mặt đại diện của chính phủ, nhưng đã bị an ninh giải tán. Dường như vụ xô xát  này đã kích động dân chúng quay sang ủng hộ giới trẻ nhiều hơn.
Vài ngày sau, có hàng triệu người đổ về quảng trường , phần đông là giới trẻ, sinh viên, trí thức, biểu tình trong nhiều tuần liền.
Khi cảm thấy đảng độc tôn bị thách thức bởi dân chủ, Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh “tắt đèn nổ súng” vào đêm 4-6-1989, xe tăng và lính tiến vào trung tâm, tàn sát người biểu tình. Khoảng 2600 người bị chết theo số liệu của báo chí quốc tế, hàng chục ngàn bị thương.
Xe tăng và họng súng của những nhà lãnh đạo cộng sản nửa văn minh, nửa phong kiến, tàn bạo, coi máu người như nước lã, đã chấm dứt giấc mộng dân chủ của một đất nước hơn một tỷ dân.
Sau ¼ thế kỷ, tại Hong Kong có một sự kiện khác chưa lôi kéo được hàng triệu người đổ ra đường như Thiên An Môn, nhưng cũng đủ làm Bắc Kinh đau đầu.
Ngày 22-9-2014, hàng ngàn sinh viên và học sinh tập trung trong công viên trước trụ sở chính quyền Hong Kong để phản đối chính quyền Bắc Kinh về việc bầu chọn lãnh đạo cho đặc khu hành chính được hưởng qui chế “một nhà nước hai chế độ”. Tin cho hay, cùng ngày có tới 13.000 sinh viên bãi khóa.
Thủ tục bầu lãnh đạo ở Hong Hong vào năm 2017 đã gây căng thẳng trong thời gian qua, có nhiều cuộc biểu tình của cả hai phía ủng hộ và phản đối.
Trước đó, Bắc Kinh từng hứa cho dân Hong Kong bầu lãnh đạo trực tiếp trưởng đặc khu vào năm 2017. Nhưng vào đầu tháng Tám, họ quyết định, cử tri Hong Kong chỉ có thể bầu chọn từ một danh sách do một ủy ban đề cử. Mà ủy ban này là con rối của Bắc Kinh.
Phía dân chủ cho rằng đây là mẹo giúp Bắc Kinh loại bỏ những ứng cử viên mà họ không thích. Tuy nhiên, phe ủng hộ lại lý luận, biểu tình chỉ làm rối loạn và phá hoại đặc khu Hong Kong.
Một người biểu tình trẻ nói với CNN “All the candidates will be pre-selected by Beijing … It’s more or less like North Korea – Nếu mọi ứng viên phải được Bắc Kinh lựa chọn trước, thì ít nhiều giống như Bắc Triều Tiên”.
Phong trào này sau một tuần biến thành Chiếm giữ trung tâm – Occupy Central. Ngày 30-9, chính quyền và biểu tình cương quyết không tỏ ra nhượng bộ. Lãnh đạo của Hong Kong CY Leung kêu gọi người biểu tình ngừng chiến dịch “ngay lập tức”. Cho đến tối 30-9, hàng ngàn người vẫn nằm lại trên đường cao tốc, nhất định không lui.
Theo dự kiến, ngày 1-10 kỷ niệm 65 năm Quốc khánh Trung quốc, sẽ có nhiều người đổ ra đường, bởi vào đêm Chủ nhật (28-10-2014), cảnh sát đã phun hơi cay vào người biểu tình ôn hòa, bùng lên sự giận dữ trong dân chúng. Giống như sự kiện Thiên An Môn 25 năm trước, nếu ủng hộ biểu tình, dân chúng sẽ ra đường.
Người thanh niên đứng chặn xe tăng. Ảnh: Internet
                     Tank Man – Người thanh niên đứng chặn xe tăng năm 1989. Ảnh: Internet
Hong Kong từng là nơi “đô hộ của thực dân” Anh 99 năm, được hưởng nền tự do dân chủ phương Tây. Nay về với đại lục, dù được biểu tình, báo chí đa chiều, có quyền phê phán Bắc Kinh, 7 triệu dân ở đây không dễ bảo như các tỉnh khác.
Sự phản ứng của phương tây và Mỹ khá chừng mực vì họ có quyền lợi rất lớn tại đây. Chuyện không hay xảy ra, cả thế giới bị rung chuyển.
Phía Bắc Kinh không dẹp được loạn Hong Kong, các tỉnh khác sẽ bắt chước. Đây mới là thách thức thực sự, vì suốt bao năm dưới triều đại cộng sản, quyền con người bị chà đạp, bị rẻ rúng, khi biến cố xảy ra, khó ai nói trước được điều gì. Sự kiện Thiên An Môn vẫn âm ỷ, bùng nổ bất kỳ lúc nào. Xa xa là Tân Cương đang đòi độc lập.
Cả hai sự kiện, đều do lớp trẻ khởi xướng. Năm 1986, một giáo sư tên là Fang Lizhi từ đại học Princeton (Hoa Kỳ) về Bắc Kinh và đi nói chuyện về tự do, nhân quyền và chia sẻ quyền lực. Sinh viên đến dự các cuộc nói chuyện của ông rất đông. Đặng Tiểu Bình từng dọa giáo sư là ông đang tuyên truyền cho lối sống phương tây trong khi coi thường các giá trị văn hóa Trung Hoa có từ hàng ngàn năm. Sau đó có những cuộc biểu tình xảy ra khắp nơi. Tiếp đến là Thiên An Môn.
Đối với dân Hong Kong, nhất là giới trẻ, họ đã thừa hưởng nền dân chủ hàng thế kỷ. Họ không cần một giáo sư Fang nào cả. Joshua Wong, 17 tuổi, đang là biểu tượng của biểu tình. Anh nói với CNN, “Tôi chưa đủ tuổi hợp pháp để lái xe nhưng đủ lớn để thay đổi cả thế hệ.” Hàng chục ngàn người đang đi theo chàng trai 17 tuổi này.
Quảng trường Thiên An Môn từng chứng kiến một thanh niên gầy gò đeo cái túi, tay không tấc sắt, đứng chặn trước mũi xe tăng. Anh không được thế giới biết tên vì sau đó chẳng ai tìm ra anh nữa. Nhưng người vô danh “tank man” ấy trở thành biểu tượng đấu tranh cho dân chủ trước họng súng.
Kẻ ra lệnh nghiền nát người biểu tình dưới xích xe tăng năm 1989 là Đặng Tiểu Bình đã dưới mồ, nhưng sự kiện Thiên An Môn còn sống mãi với thời gian và luôn gắn với bàn tay đẫm máu của ông ta, không trừng phạt nào xứng đáng hơn.
Trên báo chí thế giới đăng ảnh một chàng trai đeo ba lô, tay giương cao cái ô, miệng bịt khẩu trang, đi hiên ngang trong khí cay bay mù mịt do cảnh sát bắn ra.
Giường như hai hình ảnh đó cách nhau 25 năm chỉ thấy trong trường ca bất tử. Chỉ có tuổi trẻ mới làm nên lịch sử.
Hai thế hệ đều tay không chống bạo quyền, đòi hỏi dân chủ và công bằng. Thế hệ trước đã bị thất bại nhưng bài học để lại về dân chủ còn mãi. Thế hệ hôm nay với cái ô cũng truyền cảm hứng cho hàng tỷ người trên hành tinh. “Người dân không nên sợ chính phủ của mình. Chính phủ phải sợ người dân của mình” như thông điệp của Joshua gửi tới các bạn.
Biểu tượng của Hong Kong. Ảnh: Reuters.
                                              Biểu tượng của Hong Kong. Ảnh: Reuters.
Những thể chế dọa nạt dân chúng, bắt họ sống như loài cừu ngoan ngoãn, cuối cùng đã sụp đổ. Bất bình tăng lên, cừu dễ biến thành sói.
Nếu xử lý thông minh, có lý có tình, đúng với lời hứa “một quốc gia, hai chế độ”, thỏa mãn yêu cầu của người biểu tình, để cho họ quyền dân chủ lựa chọn qua lá phiếu bầu, thì mọi việc sẽ ổn, không có kịch bản Thiên An Môn. Hong Kong tiếp tục là viên ngọc tỏa sáng.
Nếu biểu tình ở Hong Kong dài ngày, Trung Nam Hải hết mọi kiên nhẫn, bỗng có một Đặng Tiểu Bình thứ hai ra lệnh “nghiền nát người biểu tình” như 25 năm trước, thế giới có thêm Thiên An Môn 2.0.
Liệu nhân loại còn tiếp tục chứng kiến hành xử của thể chế độc tài và tàn bạo như cách đây 1/4 thế kỷ?
HM. 1-10-2014

Kami - Thấy gì từ cuộc biểu tình của Sinh viên Hồng Kông?

Trong những ngày này, tin tức về cuộc biểu tình đòi Dân chủ ở Hồng Kông được truyền thông hầu hết các nước quan tâm hàng đầu. Tuy vậy ít ai biết cuộc xuống đường này của hàng vạn người dân Hồng công, mà lực lượng chủ lực là sinh viên và học sinh lại xuất phát từ nguyên nhân do chính quyền Trung quốc đã xâm phạm quyền tự do bầu cử của công dân. Điều mà đã và đang tồn tại một cách hết sức bình thường trong đời sống chính trị của người dân Việt nam hàng chục năm nay, dưới danh nghĩa "Đảng cử, Dân bầu".

Khu Admiralty ở Hong Kong kín người biểu tình
TQ không tôn trọng cam kết
Hồng Kông trên danh nghĩa là một Đặc khu Hành chính của Trung quốc. Trước đây Hồng Kông từng là thuộc địa của Anh từ năm 1842 sau khi nhà Thanh thất bại trong chiến tranh Thuốc phiện thì vùng lãnh thổ này được nhượng vĩnh viễn cho nước Anh. Tuy vậy, tới năm 1984, hai nước Anh và Trung quốc đã kí Tuyên bố chung, đồng ý chuyển chủ quyền Hồng Kông về lại cho Trung quốc vào ngày 1 tháng 7 năm 1997. Theo Thỏa thuận Trung-Anh và Luật Cơ bản của Hồng Kông có quy định rằng Hồng Kông được hưởng một quy chế tự trị 50 năm sau khi chuyển giao chủ quyền, dưới chính sách “Một quốc gia, hai chế độ”. Theo đó Hồng Kông sẽ duy trì phần lớn chế độ chính trị, hệ thống pháp luật, và các chính sách kinh tế xã hội riêng của mình, còn phía chính quyền Trung ương sẽ chịu trách nhiệm về mặt quốc phòng và ngoại giao của khu vực này. Khi đó người ta hy vọng rằng trong thời gian 50 năm đó, Trung quốc sẽ có các tiến bộ về dân chủ để có thể bắt kịp Hồng Kông trước khi chính thức hội nhập.
Tại thời điểm trước khi tiếp nhận Hồng Kông, phía Trung quốc cũng hứa hẹn sẽ từng bước chuyển đổi sang một chính quyền dân cử. Vào năm 1993, nghĩa là trước thời điểm Trung quốc tiếp nhận chủ quyền Hồng Kông bốn năm, Trung Quốc đã đưa ra lời hứa và nhấn mạnh rằng “Việc Hồng Kông xây dựng nền dân chủ thế nào trong tương lai hoàn toàn nằm trong quyền tự quyết của Hồng Kông. Chính quyền trung ương sẽ không can thiệp.” Cụ thể hơn, là phía Trung quốc đã cam kết sẽ tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ vào năm 2017, bằng hình thức phổ thông đầu phiếu để người Hồng Kông có thể tự lựa chọn nhà lãnh đạo cho riêng mình.
Đến năm 2010 chính quyền Trung ương đã đánh tiếng cho dân Hồng Kông biết rằng trong cuộc bỏ phiếu bầu Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông vào năm 2017 tới đây, quyền phổ thông đầu phiếu của người dân Hồng Kông có thể sẽ được áp dụng với các chi tiết cụ thể sẽ được làm rõ sau. Và đến cuối tháng 8.2014, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc của Trung Quốc đã thông qua một nghị quyết đưa ra những quy định để áp dụng cho cuộc bầu cử chức vụ Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được tổ chức vào năm 2017. Theo đó chính quyền Trung Quốc sẽ tiến hành sàng lọc ứng cử viên cho vị trí Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông và sẽ ấn định danh sách cuối cùng từ hai đến ba ứng cử viên để cho cử tri lựa chọn. Nghĩa là cử tri vẫn có quyền bỏ phiếu để lựa chọn người đảm nhiệm chức vụ Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông, nhưng họ chỉ có thể bỏ phiếu cho một trong vài chọn lựa đã đưọc sàng lọc sẵn bởi chính quyền Trung Quốc. Mà thực chất là bầu cử theo lối bầu cử giả hiệu mà dân chúng Hồng Kông gọi một cách mỉa mai là "Chúng tôi cử, các anh bầu"
Điều đó trái với lời hứa về một cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu tự do mà Trung Quốc đã từng đưa ra trước đây. Như lời của một chính khách kỳ cựu của Đảng Dân chủ Hồng Kông đã được The New York Times dẫn khi cho rằng “Trung Quốc về căn bản đã thật sự từ bỏ sự hứa hẹn cho phép Hồng Kông có quyền bầu cử phổ thông.” Và đến lúc này, người dân Hong Kong đang lo sợ rằng Trung Quốc sẽ nuốt lời hứa và không thực hiện lời hứa như họ đã từng đưa ra cách đây 17 năm. Nỗi sợ đó bắt đầu từ khi Trung Quốc tuyên bố họ có toàn quyền đối với Hong Kong và khi Bắc Kinh không dấu diếm ý định muốn có thể giám sát những ứng cử viên mà dân Hong Kong lựa chọn làm nhà lãnh đạo.
Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì do Bắc Kinh từ trước đến nay vẫn chủ trương ngăn chặn phổ thông đầu phiếu trong bầu cử, đồng thời muốn duy trì tính chất các cuojc bầu cử trên lãnh thổ Trung quốc ở tình trạng "Chúng tôi chọn, các anh bầu" như họ đã từng làm trong suốt mấy chục năm cầm quyền ở Trung quốc. Vì ban lãnh đạo Trung Quốc biết rằng việc bầu cử tự do dân chủ kiểu phương Tây nếu tiếp tục để diễn ra tại Hồng Kông là điều hết sức nguy hiểm. Nếu không nhanh chóng được loại bỏ thì nó sẽ trở thành tấm gương cho những người ủng hộ dân chủ tại Trung Quốc noi theo.
Thách thức chính quyền TQ
Làn sóng biểu tình của sinh viên Hong Kong bắt đầu từ ngày 22.9.2014 khi hàng nghìn sinh viên tiến hành bãi khóa để biểu tình đòi quyền bầu cử tự do vào năm 2017. Sau đó, cuộc biểu tình này lan rộng và đã kéo theo số đông học sinh trung học ở Hong Kong tham gia. Đây là một cuộc biểu tình bất bạo động với các hành động bất tuân dân sự của giới trẻ Hồng Kông với quy mô lớn và ngày một lan rộng. Gần đây khi tổ chức “Chiếm giữ Trung tâm” (Occupy Central) nhập cuộc và đã thúc đẩy phong trào biểu tình gia tăng về số lượng người tham gia và cường độ hoạt động. Người biểu tình đã trấn giữ các địa điểm công cộng trước trụ sở của cơ quan Chính phủ Hồng Kông, phong tỏa các tuyến đường trọng yếu... để phản đối quyết định sai trái của chính quyền Trung ương, đồng thời họ yêu cầu Bắc Kinh phải thành thật cải cách dân chủ và tự do bầu cử trên lãnh thổ Hồng Kông, kể cả việc đòi trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lương Chấn An, một nhân vật được cho là thân Bắc kinh phải từ chức.
Cuộc biểu tình dưới danh nghĩa của học sinh, sinh viên Hồng Kông tổ chức, lúc cao điểm đã có hàng vạn người tham gia, khi ấy sinh viên tham gia biểu tình đã vượt qua hàng rào của cảnh sát để tràn vào trụ sở chính quyền Hong Kong nhằm thực hiện một cuộc biểu tình ngồi. Tin cho hay cảnh sát Hồng Kông đã ra tay trấn áp và bắt giữ một số người biểu tình, tuy vậy chỉ sau thủ thục kiểm tra nhân thân tại các trụ sở cảnh sát thì các sinh viên này đã được nhanh chóng trả tự do. Nhưng chính quyền Hồng Kông vẫn không chịu nhượng bộ người biểu tình và tiếp tục khuyến cáo yêu cầu buộc người biểu tình phải giải tán.
Tất cả chỉ mới là màn dạo đầu cho một cuộc biểu tình rầm rộ hơn dự kiến sẽ diễn ra vào ngày thứ tư 1.10.2014, đồng thời cũng là ngày kỷ niệm 65 năm Quốc khánh Trung quốc do phong trào Occupy Central (Chiếm giữ Trung tâm) tổ chức. Nhóm này đã tuyên bố vào ngày 1.10 này sẽ bao vây và làm tê liệt khu trung tâm tài chính Hồng Kông. Cho đến nay cuộc biểu tình của sinh viên Hồng Kông đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ dân chúng Hồng Kông, không chỉ có Tổng nghiệp đoàn Giáo chức Hồng Kông đã ra tuyên bố tổng đình công để tham gia biểu tình ôn hòa, mà các Hãng xưởng, các doanh nghiệp và đặc biệt là giới lao động cũng tuyên bố ủng hộ và sẽ tham gia biểu tình phản đối quyết định sai trái của Bắc kinh. Và chưa có bất kỳ dấu hiệu gì cho thấy người biểu tình sẽ lùi bước hoặc nhượng bộ chính quyền.
Những diễn biến biểu tình của học sinh, sinh viên Hồng Kông trong những ngày này đã khiến cho chính quyền Trung ương ở Bắc kinh hết sức lo ngại, vì theo đánh giá của họ sự kiện này rất nguy hiểm, vì nó có khả năng tạo nên một hiệu ứng domino đe dọa sự ổn định chính trị ở Trung quốc. Do đó hầu hết các tin tức về cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã bị truyền thông Trung quốc dấu kín, nếu có chỉ là những bản tin bình luận cho rằng đó hành động biểu tình trái pháp luật. Và đã có nhiều thông tin cho biết Trung Quốc đã chặn dịch vụ Instagram tại nước mình để ngăn chặn người dân đại lục có thể biết được những gì đang diễn ra đối với Hong Kong.
Có lặp lại sự kiện Thiên An Môn?
Nhiều người đã cho rằng cuộc xuống đường của học sinh sinh viên Hồng Kông lần này mang dáng dấp của cuộc biểu tình của sinh viên Trung quốc tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Đây cũng là điều đã và đang khiến cho không ít người dân Hồng Kông lo ngại, trong lúc có tin đồn trong những người biểu tình cho rằng chính quyền Hồng Kông đang chủ trương tìm cách huy động lực lượng quân sự Trung Quốc đồn trú tại đây để dẹp biểu tình.
Diễn biến chính trị Hồng Kông trong những ngày qua cho thấy nhiều dấu hiệu căng thẳng có nguy cơ dẫn tới xung đột giữa người biểu tình và lực lượng của chính phủ. Thậm chí, cựu đại sứ Úc tại Hàn Quốc Richard Broinowski cảnh báo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn và thậm chí sẽ xảy ra đổ máu kinh hoàng nếu mọi việc liên quan đến cuộc biểu tình ở Hồng Kông không được kiểm soát.
Tuy nhiên, hiện tại chính sách của Bắc Kinh đối với hoạt động biểu tình tại Hồng Kông là tuân theo nguyên tắc “Không thỏa hiệp, không đổ máu”. Sở dĩ Bắc kinh sẽ dứt khoát không thỏa hiệp vì họ không muốn nhân nhượng cho phe biểu tình ở Hồng Kông, vì nó sẽ trở thành tấm gương xấu để tạo ra hiệu ứng bùng nổ trên phạm vi rộng, tạo cơ hội thúc đẩy cho dân chúng ở đại lục đứng lên đòi một nền chính trị dân chủ cho họ. Điều đó cho thấy Bắc kinh còn bỏ ngỏ cơ hội dùng quân đội có vũ trang ra tay trấn áp cuộc biểu tình, nếu một khi chính quyền Hồng Kông không còn có khả năng kiểm soát tình hình. Mặc dù họ vẫn nhấn mạnh sẽ kiên quyết tránh để không xảy ra việc đổ máu ở Hồng Kông tương tự như sự kiện Thiên An Môn cách đây 25 năm.
Điều này không có nghĩa là do chính quyền Trung quốc sợ hay ngại đổ máu, mà là vào thời điểm này, các yếu tố chính trị trong nước và quốc tế liên quan đến thế và lực của Đảng CS Trung quốc trong các vấn đề đối nội, đối ngoại... không ủng hộ để cho họ làm điều đó với một khu vực nhạy cảm như Hồng Kông. Nên nhớ dư luận thế giới và các nước phương Tây trong những ngày này luôn theo dõi chặt chẽ và ủng hộ cao độ đối với cuộc biểu tình của học sinh Sinh viên Hồng Kông. Đã có nhiều cuộc xuống đường ủng hộ sinh viên, học sinh ở Hồng Kông đã được tổ chức ở nhiều thành phố thuộc nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với Bắc kinh.
Việc Trung Quốc sẽ quyết tâm chấm dứt các cuộc biểu tình nhanh nhất có thể để không làm khơi dậy thêm làn sóng biểu tình bất đồng quan điểm, đòi ly khai và chống chính phủ bùng phát tại đại lục là điều chắc chắn. Như lời trợ lý cảnh sát trưởng Hong Kong Trương Đức Cường nói rằng: “Sẽ giành đủ thời gian cho người biểu tình tự giải tán. Nếu không tuân lệnh, sẽ dùng “lực lượng”. Tuy vậy vấn đề để tìm ra một giải pháp hòa bình đối với Bắc Kinh là hoàn toàn không hề đơn giản, nhất là trong lúc người dân Hồng Kông với các định chế hiện tại vẫn đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân vùng lãnh thổ này.
Tóm lại, đối với những người Cộng sản, bất kể họ là Cộng sản Trung quốc hay Việt nam thì một khi sự ổn định của chế độ bị đe dọa, thì việc họ sử dụng quân đội với vũ khi võ trang, thậm chí là võ trang hạng nặng như xe tăng, thiết giáp... hoặc dùng súng bắn thẳng vào đoàn biểu tình một cách không thương tiếc là một điều không phải bàn cãi. Trong lúc này, vấn đề là họ có đủ bản lĩnh để đối mặt với dư luận và sức ép của quốc tế khi ra lệnh đó hay không? Hơn nữa chính quyền Hồng Kông cũng cần hiểu về tác dụng ngược của biện pháp dùng vũ lực để đàn áp người biểu tình. Đó là rất có thể những hành động bạo lực đó không làm cho người biểu tình nhụt ý chí như chính quyền mong muốn, mà trái lại nó sẽ trở thành một tác nhân khiến đám đông biểu tình giận giữ hơn, nguy cơ cuộc biểu tình ngày càng lan rộng và nhận được sự ủng hộ nhiều hơn của dân chúng.
Bài học nào cho Việt nam?
Cuộc xuống đường đòi bầu cử tự do của người Hồng Kông những ngày vừa qua cũng ít nhiều tạo nên cảm hứng cho không ít người quan tâm đến tình hình chính trị và trở thành một chủ đề nóng trên các mạng xã hội, đặc biệt là đối với giới hoạt động tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam. Đa số họ đều so sánh và rút ra kết luận rằng ý thức chính trị của người Việt nam còn quá thấp so với người Hồng Kông nói chung và sinh viên học sinh của Hồng Kông nói riêng. Theo họ với một thời gian dài sống trong chế độ thực sự dân chủ khi còn là thuộc địa của Anh đã góp phần tạo nên một thế hệ dân chúng Hồng Kông có ý thức về Dân chủ cao như thế. Còn người Việt nam thì hoàn toàn thiếu các điều kiện cần phải có cho một cuộc sống mang màu sắc dân chủ. Song một điều có lẽ là khác biệt cơ bản nhất giữa người Hồng Kông và người Việt nam, đó là: người Hồng Kông không chấp nhận để cho sự dối trá mang tính hệ thống và có tổ chức ngự trị trong đời sống xã hội của họ, cho dù điều đó đang chỉ là một nguy cơ. Điều mà học sinh sinh viên Hồng Kông đã và đang làm trong những ngày này vì họ có chung một suy nghĩ như thế. 

Dân chủ được hiểu là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực và quyền lực nhà nước được thiết lập và xây dựng thông qua một hệ thống bầu cử tự do. Tuy vậy, trong các chế độ độc đoán hay chế độ chuyên chế độc tài thì người ta dùng các thủ đoạn trong việc tổ chức bầu cử để giả mạo một chế độ dân chủ, nhằm đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế. Cụ thể trong các cuộc bầu cử, họ đã đặt ra nhiều các quy định khác nhau để bóp nghẹt quyền bầu cử và ứng cử của người dân thông qua cái gọi là xét duyệt và lựa chọn của các cấp chính quyền. Đó chính là xuất xứ của các thành ngữ "Đảng cử sẵn, để Dân bầu lấy lệ" hay ngắn gọn là "Đảng cử, Dân bầu" mà ta thường nghe thấy ở Việt nam.
Ở Việt nam, sự dối trá một cách có hệ thống của Đảng CSVN và chính quyền của họ trong các cuộc bầu cử của các tổ chức dân cử trong suốt mấy chục năm qua ở Việt nam đã trở thành việc mặc nhiên và được đa số dân chúng coi là chuyện bình thường. Hầu như mọi người đều không cảm thấy bản thân mình bị xúc phạm trước việc quyền làm chủ của cá nhân mình bị người khác tước đoạt, cho dù việc làm đó đã gây hậu quả trực tiếp đến cuộc sống của chính họ và gia đình. Kể cả khi gần đây, các Đại biểu Quốc hội hay các quan chức của Đảng đã lên tiếng vạch trần việc "quân xanh, quân đỏ" hay vấn nạn "Đảng cử, Dân bầu" là những tiền lệ xấu trong việc lựa chọn các đại biểu dân cử. Vậy mà cả xã hội Việt nam cho đến lúc ấy, mọi người vẫn hoàn toàn thờ ơ và không mảy may có phản ứng trước hành động vi phạm Hiến pháp và pháp luật nghiêm trọng như thế của chính quyền.
Mong ước người dân Việt nam có ý thức dân chủ đủ để có thể đứng lên đòi hỏi chính quyền tôn trọng quyền bầu cử của công dân là một ước mơ chính đáng và phù hợp với pháp luật Việt nam. Song điều quan trọng là phải làm thế nào biến cái đó trở thành động lực để thúc đẩy và làm cho mỗi cá nhân trong xã hội đều phải hiểu và giác ngộ được quyền của mình để đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng.
Có như thế thì khẩu hiệu "Hông Kông hôm nay là Việt Nam ngày mai!" sẽ là điều hoàn toàn có thể.
Ngày 01 tháng 10 năm 2014
© Kami
(Blog Kami) 

CNN: Ý nghĩa các biểu tượng của phong trào dân chủ tại Hong Kong (Umbrella Revolution)

Biểu tượng chính của những người biểu tình ở Hong Kong chính là những chiếc ô nhỏ bé. Vì nó được dùng để bảo vệ mọi người tránh khỏi đạn và bình xịt hơi cay từ phía cảnh sát, nên chiếc ô đã trở thành hình ảnh phố biến cùng với những người biểu tình ở tuyến đầu cũng như được dùng để đặt tên cho phong trào luôn (umbrella movement hoặc umbrella revolution). 

Những người biểu tình mang theo rất nhiều ô để phân phát miễn phí, ngủ trong các căn lều và viết khẩu hiệu lên trên đó.

Bryan Druzin, trợ lý giáo sư luật ở trường Chinese University of Hong Kong, cho biết ô không chỉ có những chức năng đã kể trên mà còn là “biểu tượng mang tính cộng hưởng thế hiện sự phản kháng”. Anh cũng nói thêm “Hong Kong là thành phố mà người dân thường xuyên phải dùng ô để chống chọi với mùa mưa bão. Sự xáo trộn lần này cũng giống như mọi cơn bão khác mà Hong Kong đang cố gắng vượt qua.”

Nghệ sĩ Kacey Wong đã phát động một “cuộc thi” sáng tác logo trên mạng xã hội với hình ảnh là chiếc ô. Anh nói rằng cái cách mà chiếc ô được sử dụng trong cuộc cách mạng đã mang lại “một cảm xúc mãnh liệt của tình huynh đệ”.

“Tank Man – đó là người đã đứng trước xe tăng (trong vụ Thiên An Môn – người dịch) thì hình ảnh chiếc ô cũng đại diện cho những con người cùng chung sức với nhau để tạo thành lá chắn. Nếu bạn để ý bất cứ khi nào một mảnh của lá chắn bị cảnh sát xé đi thì ngay lập tức sẽ có mảnh khác thay thế.”

Đó chính là hình ảnh tương phản vốn có, Wong cho biết thêm. “Ô chỉ là đồ vật mỏng manh nhưng nó sẽ trở nên vô cùng cứng rắn khi thể hiện ý chí quyết tâm chiến thắng của chúng tôi trong trận chiến này.”

những dải ruy băng vàng

Một người dân ủng hộ dân chủ đang đứng tại trủ sở cảnh sát, nơi dải ruy băng vàng được cột trên khắp cánh cổng

Những dải ruy băng vàng được thắt lên hàng rào, đính lên áo và trở thành ảnh đại diện trên các trang mạng xã hội. Nó được coi là hình ảnh biểu trưng trong các phong trào quốc tế đòi quyền bầu cử - đặc biệt là quyền bầu cử cho phụ nữa – và đã được những người biểu tình ở Hong Kong công nhận như là biểu tượng thể hiện khát vọng dân chủ.

“Không phải tất cả mọi người đều có thể đứng ở hàng đầu tiên,” Kacey Wong nói. “Dải ruy băng là cách thể hiện sự ủng hộ phong trào của bạn.”

Áo T-shirt màu đen

Phần lớn những sinh viên đi biểu tình đều mặc áo màu đen.

Đó là trang phục truyền thống mà những người biểu tình mặc để tưởng nhớ vụ thảm sát Thiên An Môn hằng năm; Wong cho biết những chiếc áo đen cũng còn thể hiện “sự đau khổ và tăm tối” của mọi người khi chính quyền sử dụng vũ lực với người biểu tình ôn hòa.

Các mã số

Các số 689, 926, 8964 được dùng để đặt tên cho những khu tập trung người biểu tình, được viết lên các ghi chú và áp phích trên đường phố cũng như có thể tìm thấy dễ dàng trong các bài viết về cuộc biểu tình.

Những con số này là một dạng ký hiệu phố biến trong văn hóa chính trị ở Hong Kong và Trung Hoa đại lục, Wong giải thích. Ở đại lục, vì vướng phải sự kiểm duyệt, “bạn phải nói bóng nói gió. Có rất nhiều mật mã mà họ sử dụng bởi đơn giản họ không thể phát biểu trực tiếp.”

Những con số được người biểu tình sử dụng như là 1 kí hiệu chính trị

Mặc dù ở Hong Kong thì không có sự kiểm duyệt như thế nhưng những ký hiệu như thế vẫn tồn tại rất phổ biến, Druzin nói. Ngày tháng thường được viết là #926 để thể hiện ngày 26 tháng Chín là ngày cuộc biểu tình bắt đầu, #8964 là ngày diễn ra cuộc đàn áp ở Thiên An Môn.

Trưởng đặc khu Hong Kong Lương Chấn Anh, mục tiêu chính của những người biểu tình, cũng có mã số cho riêng mình: 689. Nó có nghĩa là số phiếu mà ông nhận được trong tổng số 1200 Ủy ban bầu cử để trở thành người đứng đầu đặc khu hành chính.

“Họ dùng con số ấy để bày tỏ sự hoài nghi về tính chính danh của ông Lương Chấn Anh vì ông chỉ nhận được 689 phiếu ủng hộ của người Hong Kong. Họ gọi như thế để nhắc nhở rằng ông Lương Chấn Anh không đại diện cho họ - nơi có đến 7 triệu dân cư.”

Những người biểu tình đã dành hẳn một chiếc xe bus trong khu vực bị phong tỏa cho ông Chấn Anh. Trên kính chắn gió, tuyến xe bus được đổi thành “689” và điểm dừng là “địa ngục”.

Sự tiếp tế

untitled_2.jpg

Các khu vực biểu tình đều ổn định trật tự, có tổ chức tốt và sạch sẽ. Tình nguyện viên thường phát miễn phí nước đóng chai, snack, khăn và thuốc. Chuối cũng được phân phát, giống như bánh mì và các loại bánh mặn. Người biểu tình thường đem theo xe chất đầy nhu yếu phẩm để dành cho bất cứ ai cần đến.

Thùng rác được chia thành ba loại để tái chế – túi nhựa nilon, giấy và rác thải – và các tình nguyện sẽ đi kiểm tra và thu gom rác lại.

Thiết bị bảo vệ tự chế

Sau khi những người biểu tình bị tấn công bằng hơi cay hôm Chủ nhật, rất nhiều mặt nạ tự chế đã được làm, theo tài liệu hướng dẫn được lưu hành bởi phong trào Chiến đóng khu trung tâm.

Giải pháp được đưa ra là che kín phần da bằng túi nhựa Saran, hoặc sử dụng kính bơi và nhựa ponchos.

Địa điểm sạc pin
untitled_3.jpg
Một số người sống gần các địa điểm biểu tình đã tình nguyện cho phép người biểu tình được sạc pin điện thoại ở chỗ họ. Những người này đăng số điện thoại liên lạc của họ lên nếu bất cứ ai cần dùng đến nguồn điện. 


Các tình nguyện viên đã mang đến rất nhiều acquy và bộ sạc thêm để mọi người luôn luôn có thể kết nối mạng. Điện thoại từ lâu đã đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với người biểu tình bởi thông tin luôn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

FireChat

Có tin đồn rằng mạng điện thoại sẽ bị cắt đã gây ra một con sốt lớn về việc tải ứng dụng nhắn tin FireChat ở Hong Kong. Ứng dụng này cho phép nhắn tin đến người khác mà không cần đến WiFi hay mạng điện thoại. 


Một bức ảnh chụp từ trên cao, những ánh sáng phát ra từ màn hình điện thoại bởi biển người biểu tình đã tạo ra một hình ảnh đoàn kết và bền vững

Vì nhu cầu sử dụng quá lớn nên Micha Benoliel, CEO của công ty Open Garden – công ty phát triển ứng dụng này, đã đến Hong Kong trong thời gian diễn ra cuộc biểu tình. Benoliel cho rằng người dân Hong Kong đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc biểu tình lần này.

Điện thoại cũng được dùng để thắp sáng giống như nến trong đêm tối. Ảnh chụp từ trên cao cho thấy ánh sáng từ màn hình điện thoại của biển người biểu tình thể hiện sự đoàn kết vững chắc của mọi người.

Hình nộm

Trưởng đặc khu Hong Kong Lương Chấn Anh là mục tiêu chính của sự giận dữ của người dân Hong Kong, với lời kêu gọi ông hãy từ chức.

Có một hình nộm rất to vẽ đầu của Lương Chấn Anh với chiếc răng nanh chính là hình ảnh đặc biệt trên phố trong các cuộc biểu tình. Người dân hét vang “Bước xuống! Bước xuống!” mỗi khi họ nhìn thấy hình nộm đó. 


CY Leung hiện đang là mục tiêu chính cho sự giận giữ của người biểu tình. Hình nộm của ông luôn được mang xuống đường cùng với đoàn biểu tình

Quốc ca

Bài quốc ca “Do you hear the people sing” trong phim “Những người khốn khổ” đã được những người biểu tình ở Hong Kong chấp nhận như ca khúc không chính thức.

Slogan được sơn lên các tấm poster, treo trên cây cầu nổi tiếng còn bài hát được chơi bởi đàn tứ tấu trên các con phố. Trong phim âm nhạc “Những người khốn khổ”, ca khúc này được trình bày bởi những người biểu tình ở Paris trong cuộc cách mạng chống chính phủ.

Nguồn:http://edition.cnn.com/2014/09/30/world/asia/objects-hong-kong-protest/

(Dân luận) 

Bé lớp 3 chết vì đói và 800 tỷ biên soạn SGK

Bé Nhung ra đi rồi, tìm trong nhà không có một manh áo tử tế cho cháu mặc, bát cơm cúng cũng phải nhờ hàng xóm mang gạo đến cho.
a 
Gia cảnh nghèo túng của gia đình bé Nhung trong đám tang của em. Ảnh: Báo Pháp luật.
Đến hôm nay thì bé Phạm Thị Nhung ở Đức Bồng (Hà Tĩnh) có lẽ đã mồ yên mả đẹp. Thôi thế cũng xong một kiếp con người. Bé gái mất đi vì một tai nạn thương tâm mà nguyên do là vì cái đói. Trong khi đó, những con số 34 ngàn tỷ và 800 tỷ để đổi mới sách giáo khoa (SGK) vẫn nhảy múa trên các trang báo.
Có lẽ nhiều người cũng đã biết về cái chết của bé Nhung- một học sinh lớp 3 ở Hà Tĩnh, sáng em phải nhịn đói đi học, đến 10 giờ thì mệt quá muốn xỉu đi, cô giáo cho em uống hộp sữa rồi gọi bố đến đưa về. Em đạp xe qua cầu, có lẽ vì choáng đã va vào thành cầu rồi rớt xuống sông chết đuối, bố nhảy xuống vớt con thì đã muộn.
Câu chuyện làm cho ai đọc đến cũng thấy sốc, cũng thấy đau như đứt ruột. Vì đến khi bé Nhung ra đi rồi, tìm trong nhà không có một manh áo tử tế cho cháu mặc, bát cơm cúng cũng phải nhờ hàng xóm mang gạo đến cho. Nhà em vẫn nghèo rớt mùng tơi nhưng đã được xã cho ra khỏi diện nghèo để lên hộ cận nghèo vì thu nhập cả nhà 6 miệng ăn này đã được 4 triệu đồng/tháng.
Thoát nghèo để lên “hộ cận nghèo”. Những khái niệm ấy xa lạ với hầu hết những ai đang sống ở thành phố. Chính quyền xã phân bua nói rằng họ không có lỗi. Cha mẹ em cũng không có lỗi. Bé Nhung chết chỉ vì tai nạn thôi. Nhưng cái đói là có thực, cái đói có lỗi, cái đói đã khiến một đứa trẻ không thể học nổi, phải bỏ dở buổi học giữa chừng.
Cái đói đã khiến một đứa bé nghèo rơi xuống sông chết thảm. Trong cả nước này, liệu còn bao nhiêu đứa học trò như thế, bụng rỗng đi học, đi chân đất đi học, mặc áo quần rách đi học, và bữa đói bữa no?
Tôi muốn kể cho bạn đọc nghe câu chuyện thương tâm về bé Nhung, chỉ để nói một điều rằng, trong khi xã hội vẫn còn những đứa học trò có thể chết vì đói như thế, thì người ta đang làm những dự án giáo dục ngàn tỷ như thế nào.
Vài tháng trước đây, Bộ GDĐT gây sốc khi công bố một đề án đổi mới SGK trị giá 34 ngàn tỷ, dư luận phản đối ầm ầm, ông Bộ trưởng liền đăng đàn nói là “tại anh em khớp quá”, đó chỉ là “lỗi kỹ thuật”.
Đến hôm 27/9 vừa qua, Bộ lại trình Ủy ban thường vụ Quốc hội một Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 với tổng kinh phí tròm trèm 800 tỷ đồng, khiến Chủ tịch Quốc hội phải thốt lên: “Từ 34.000 tỷ đồng xuống còn 800 tỷ đồng. Tôi sợ quá”.
Nhưng chưa hết, Bộ vẫn “thòng” thêm một câu: “có thể còn kinh phí phát sinh”. Và nhiều người chưa hết hoang mang liệu cái khoản phát sinh này có lên tới con số ngàn tỷ hay không. Ai mà lường được. Vì từ 34 ngàn tỷ, Bộ vẫn kéo xuống được 800 tỷ thì kéo lên vài ngàn tỷ cũng là chuyện dễ như bỡn mà thôi.
Những con số 34 ngàn tỷ và 800 tỷ ấy vẫn nhảy múa trên mặt báo, kéo dư luận vào một cuộc khiêu vũ chóng mặt và không ít hoang mang, không hiểu rồi đây, liệu con số chính xác nào sẽ được chốt lại.
Chuyện ngàn tỷ cho đổi mới SGK phục vụ học trò cả nước đương nhiên là chuyện lớn. Chuyện bé gái lớp 3 chết trên đường về nhà vì đói quá, theo quý bạn đọc, là chuyện lớn hay nhỏ? Chắc có người sẽ bảo: Xời, hai chuyện này có liên quan gì đến nhau?
Xin thưa, có liên quan cả đấy. Nếu các quan chức Bộ GDĐT nghĩ nhiều hơn đến những đứa học trò gia cảnh nghèo túng, đến những trường lớp liêu xiêu dột nát, những đứa bé mẫu giáo ngồi trong lớp mà chân vẫn dẫm trong bùn, những đứa bé phải nhờ dự án thiện nguyện cộng đồng “Cơm Có Thịt” mới khỏi bắt chuột để ăn, thì chắc chắn họ sẽ tính toán từng đồng dự án kỹ lưỡng hơn. Sẽ không có chuyện nay 34 ngàn tỷ, mai 800 tỷ và ngày kia là bao nhiêu tỷ tỷ không ai dự đoán nổi nữa.
Không chỉ là chuyện dự án của Bộ GDĐT mà thôi, mỗi ngày, bao nhiêu lĩnh vực, có hàng trăm hàng ngàn dự án được ký duyệt, được thông qua, được rót tiền. Nếu những người có địa vị và quyền lực nghĩ đến những người nghèo mỗi ngày một nghèo hơn, những đứa bé nhịn đói đi học, có đứa như bé Nhung- ngã xuống sông mà chết, thì họ có thay đổi chút gì không? Có tiêu tiền dự án trách nhiệm hơn không?
Tôi ước ao làm sao từ đây, trước khi đệ trình một dự án ngàn tỷ, ký duyệt một đề án ngàn tỷ trong ngành giáo dục, những người có trách nhiệm hãy nhớ đến bé Nhung trong một vài giây phút. Họ đang chi tiêu những đồng tiền thuế của dân, trong đó có cả những người dân nghèo và rất nghèo.
Tiền ngân sách vẫn lãng phí ở đâu đó hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng và ở đâu đó, những đứa bé nghèo như Nhung, vẫn chết vì đói, vì bệnh, ai biết đó là đâu.
Nếu còn có kiếp sau, tôi cầu xin Thượng đế cho bé Nhung được đầu thai vào một xứ sở khác.
Mi An 
(Đất Việt) 

Lương 36 triệu, khổ quá!

Các ông chủ tịch hay TGĐ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ta thán, với mức lương 36 triệu đồng hàng tháng như vậy, các ông… khổ quá. Khó sống quá.

 Theo quy định tại Nghị định 50 và 51 của Chính phủ, thì mức lương cao nhất cho chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV) một doanh nghiệp nhà nước là 36 triệu đồng/tháng, tức 432 triệu đồng/năm. Đó là một mức lương cao ngất ngưởng.

36 triệu đồng/tháng, là mỗi ngày có 1,2 triệu đồng. Với một gia đình công chức hay viên chức bình thường, thì mỗi ngày muốn… tiêu hết 1,2 triệu đồng, cũng là chuyện khó. Còn đối với đa số người dân trong xã hội, mức lương đó chỉ xuất hiện trong giấc mơ.

Thế nhưng, theo báo cáo của Bộ Công thương mới đây, thì hiện tại chủ tịch HĐTV các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều có mức lương cao hơn rất nhiều: Lương Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam 74,7 triệu đồng/tháng; lương Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 65,8 triệu/tháng; lương TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 64,3 triệu/tháng; lương Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam 61,3 triệu đồng/tháng…

Sở dĩ các ông chủ tịch hay TGĐ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải “tự cho phép” mình được hưởng mức lương trên sáu chục, bảy chục triệu đồng mỗi tháng (cao gấp đôi mức quy định của Chính phủ tại 2 nghị định trên), là vì theo các ông, với mức lương 36 triệu đồng hàng tháng như vậy, các ông… khổ quá. Khó sống quá.

Và đã không ít lần các ông ta thán rằng mức lương 36 triệu do Chính phủ quy định là “cứng nhắc”, “không phù hợp với tình hình thực tế”.

Mới đầu năm nay thôi, tại hội nghị toàn quốc về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ông Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam còn cho rằng lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chắc chắn trong số đó có ông) hiện rất “khó sống” với mức lương 36 triệu đồng, và đề xuất rằng “mức lương cũng phải theo cơ chế thị trường”.

Không biết nên hiểu cái câu “cơ chế thị trường” của ông như thế nào, khi mà phần lớn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều nợ đầm nợ đìa, và số nợ khó có khả năng chi trả, phải đề nghị nhà nước hết “khoanh”, hết “hoãn” đến “cứu” đã lên đến con số hàng trăm ngàn tỷ.

Ngân hàng thì nợ xấu chồng chất, xoay xở tứ tung hết “bán nợ” đến “đảo nợ” cũng không xong. Và nếu thị trường là lời ăn lỗ chịu, vay không trả được sẽ phá sản, thì mức lương của các ông nên như thế nào: Bằng không? Phải móc tiền túi ra mà đền theo quy định của Nghị định về chống lãng phí của Chính phủ? Hay càng lỗ, càng làm mất vốn nhà nước thì lương càng cao?

Như để đáp lại lời kêu ca của ông Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã lên tiếng rằng mức lương sáu, bảy chục triệu mà các ông đang hưởng hiện nay chỉ là “phần nổi của những tảng băng chìm”.

Bởi ngoài mức lương đó ra, các ông còn có những khoản thu khác, lên đến vài ba trăm triệu mỗi tháng. Những khoản thu này không được báo cáo và cũng không ai dám báo cáo.

Còn người dân thì chia sẻ cái “khổ”, cái “khó sống” do lương thấp của các ông bằng một lời khuyên: Đã khổ, đã khó sống được bằng lương, thì nên từ chức quách đi. Đẩy cái khổ, cái khó sống ấy sang cho người khác có sướng hơn không?
  Vũ Hữu Sự
(Nông Nghiệp)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét