Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

HOT - THỜI SỰ TRONG NGÀY

Thủ tướng Dũng đã làm tổn thương hình ảnh của đảng đối với dân chúng.

(IBT) - Chính trị gia tại Việt Nam kêu gọi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức vì cách xử lý yếu kém của ông đối với nền kinh tế của đất nước trong thời gian qua.
Mùa hè vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận rằng các khoản nợ xấu đã lên đến hơn 10% trong tổng số vốn cho vay của ngân hàng – một con số mà các nhà phân tích tin rằng thấp hơn nhiều so với thực tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện với Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bên hàng lang Quốc hội – Ảnh: VnEconomy/MĐ
Nền kinh tế tại đây gặp nhiều khó khăn vì lạm phát tăng cao, tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tiếp tục giảm sút và một số vụ bê bối liên quan đến các tổng công ty nhà nước. Ngoài ra, một số các doanh nhân hàng đầu đã lần lượt bị bắt vì tội gian lận và tham nhũng.
Với nhiều bí ẩn quây quanh cuộc khủng hoảng kinh tế tại đất nước bí hiểm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận trách nhiệm với lời xin lỗi hiếm thấy. Ông thừa nhận các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước chiếm một tỷ lệ khá lớn trong nền kinh tế Việt Nam.
Bất kể những lời xin lỗi, tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay không được cải thiện đáng kể và sự bất bình trong công chúng đang tăng lên rất cao. Người dân Việt Nam không hài lòng với cách quản lý yếu kém của các nhà lãnh đạo đối với nền kinh tế cũng như các quyết định quan trọng của Đảng Cộng sản đang cầm quyền.
Hôm thứ Tư vừa qua, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc – đại biểu không thuộc đảng chính trị nào – đã chất vấn Thủ tướng trong phiên họp trực tuyến trên truyền hình quốc gia.
Theo Đài Á châu Tự do, ông Quốc tái khẳng định rằng lời xin lỗi của Dũng không đủ để xoa dịu công chúng Việt Nam.
“Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện lòng quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu của chính phủ, hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi?” ông Quốc hỏi.
Ông Dũng, người hiện đang phục vụ nhiệm kỳ thứ hai năm năm trong vài trò Thủ tướng, đáp ứng lời chất vấn của ông Quốc bằng cách tuyên bố ông được đảng bổ nhiệm và sẽ tiếp tục ở lại chức vụ này.
“Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Trung ương phân công và Quốc hội đã bỏ phiếu”, ông Dũng nói.
“Tôi cũng không có chạy, tôi cũng không có xin và tôi cũng không có thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi”.
Cách trả lời của ông Dũng có thể buộc cơ chế cầm quyền tại Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản, phải suy nghĩ lại về cách quyết định lãnh đạo. Trong thực tế thì sự thay đổi lãnh đạo thậm chí có thể được hoan nghênh bởi chính ông Dũng.
“Tôi sẵn sàng chấp nhận và sẵn sàng thực hiện nghiêm túc bất kỳ quyết định nào của Đảng, Uỷ ban Trung ương và Quốc hội”, ông Dũng nói.
Một chính trị gia khác, ông Nguyễn Bá Thuyền, nói với Agence France Presse rằng sự thất bại của ông Dũng trong việc khởi động lại nền kinh tế đã làm tổn thương đến hình ảnh của đảng đối với công chúng.

15 Tháng 11 2012
Michelle FlorCruz, IBT
Bảo Anh chuyển ngữ, CTV Phía Trước
© Bản tiếng Việt TCPT

Ôi, đại biểu của dân!

 
Một năm nữa sắp trôi qua và bốn kỳ họp của Quốc hội khóa XIII sắp “kết thúc tốt đẹp”. Một ấn tượng khá rõ nét, là vị đại biểu có nước da nâu sậm, râu tóc trắng phơ tuổi tác Dương Trung Quốc, với nhân cách của một nhà sử học-dẫu có bị nhục hình như Tư Mã Thiên thời Hán vẫn nói và viết ra sự thật-thay mặt nhân dân chất vấn Thủ tướng Chính phủ những điều thiết thực.
Bên cạnh ông, một Đại biểu rất trẻ được ví như bông sen Vũ Thị Hương Sen, có những chất vấn khá sắc sảo, và đề nghị bổ sung vào luật những vấn đề cuộc sống đang đòi hỏi.
Trái chiều với ấn tượng trên, là những chất vấn, trả lời chất vấn, những đề nghị bổ sung luật, sửa đổi luật gây phảm cảm.
Đến hôm nay và có lẽ còn lâu, dư âm những lời tuyên bố hùng hồn của Bộ trưởng Đinh La Thăng về “Tướng ra trận toàn quyền quyết định”, về “đóng lệ phí là yêu nước”, về “Cấm xe máy và ô tô cá nhân”, về “ Cầm chơi golf”, về “Tiêu hủy xe máy tham gia đua xe”, về “ Tôi sẽ đi xe buýt” v.v …như còn văng vẳng bên tai, làm người ta dở khóc dở cười.
Vượt trội hơn Đinh bộ trưởng về sự hài hước, là Đại biểu Nguyễn Minh Hồng tại kỳ họp hồi đầu năm với đề nghị Quốc hội ban hành “Luật nhà thơ”.
Chấp cả hai ông về phản dân chủ là Đại biểu Hoàng Hữu Phước với “Tôi kính đề nghị Quốc hội lọai bỏ Luật biểu tình khỏi danh sách luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 này”.
Nguyễn Minh Hồng đề nghị phải có luật nhà thơ, có lẽ do ông là thi sỹ, tâm hồn luôn “treo ngược trên cành cây”, nên cái tư duy nó luễnh loãng, chả biết sinh ra cái luật ấy để làm gì?
Ông Hoàng Hữu Phước, người đã từng hiến kế liên hoành cho nhà độc tài bị treo cổ Saddam Hussein, thì có chính kiến rõ ràng. Ông ta nói, dân trí nước ta còn thấp, chưa đội mũ bảo hiểm 100%, nên không thể cho ra đời luật biểu tình làm ách tắc giao thông, cản trở người đến bệnh viện sinh con!? Hoàng Hữu Phước chửi thẳng vào mặt dân rằng: “Tôi đã nghe mọi người chửi bới, thóa mạ những người đi biểu tình”. Và ông ta khẳng định “phần lớn người dân không đồng tình cho ra đời luật biểu tình”.
Đại biểu Hoàng Hữu Phước đã nhổ toẹt vào cái quyền cơ bản của công dân, một trong những quyền mang tính đặc trưng của thể chế dân chủ, đã được Hiến pháp thừa nhận là quyến tối thượng phải được triển khai trong đời sống, mà trước đó không lâu, cũng tại nghị trường Quốc hội, Thủ tướng chính phủ tuyên bố cần phải có Luật biểu tình.
Lời phát biểu ngạo mạn, khinh dân, phản hiến pháp, của Đại biểu Hoàng Hữu Phước dấy lên một làn sóng phẫn nộ của đồng bào cử tri trong và ngoài nước. Hàng chục bài báo đã lên tiếng phản đối, hàng trăm tin nhắn dồn dập gửi vào máy điện thoại di động của ông ta. Nhẽ ra Hoàng Hữu Phước phải nhẫn nhục chịu đựng và ngẫm nghĩ, xem mình có sai thì xin lỗi những người cầm lá phiếu bỏ cho mình, nhưng ông ta lại lấy cái quyền bất khả xâm phạm của Đại biểu Quốc hội, làm mình làm mẩy, ký giấy gửi khắp nơi, buộc Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh phải vào cuộc, ra quyết định khởi tố vụ án “khủng bố!”
Không biết có phải Bộ trưởng Đinh La Thăng chán vì không thành công khi đề ra những chính sách lãng nhách, hay ngán cái tính từ “ thiểu năng trí tuệ” mà mấy tháng nay im lặng.
Đại biểu Nguyễn Minh Hồng có lẽ dành thời gian bàn bạc với Chủ tịch hội nhà văn Hữu Thỉnh, để tư duy lại cái luật nhà thơ !?
Còn Đại biểu Hoàng Hữu Phước chắc đang phải bận tâm xem có bắt được kẻ nào khủng bố ông không?
Mỗi ông có một lý do riêng, nhưng có một cái chung, là hai kỳ họp liên tiếp không đăng đàn phát biểu trước Quốc hội.
Các ông không đăng đàn, thì có người khác đang đàn, Quốc hội nước ta 493 Đại biểu, mới chỉ bị miễn nhiệm một người, còn những 492 Đại biểu cơ mà! Và đâu phải chỉ ông Hồng, ông Phước có tài hùng biện? Trong cái rừng đỉnh cao trí tuệ ấy, nhiều vị còn hùng biện sắc bén hơn các ông!
Thời buổi kinh tế khó khăn, một người cười đã khó, nhiểu người cười càng khó. Vậy mà có đại biểu làm cho cả nghị trường cười nghiêng ngả, thì chả xứng đáng làm cha Azit Nêxin sao? Trong nội dung trả lời chất vấn, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ xây dựng, nói rất tỉnh bơ về cái lối "luật rừng".
Khi trả lời chất vấn về những sai phạm của Tập đoàn Sông Đà và các tập đoàn, tổng công ty của bộ xây dựng, ông Dũng nói hồn nhiên và ngây ngô hơn một đứa trẻ học vỡ lòng, rằng: “Câu hỏi của đại biểu thì chúng tôi đã có đầy đủ, nhưng đang để ở nhà!?”. Rồi khi nói về số tiền thất thoát 10.676 tỷ đồng của cái Tập đoàn vừa bị hạ cấp xuống tổng công ty, mà Thanh tra chính phủ kết luận từ tháng 2, Thủ tướng chỉ đạo xử lý trách nhiệm từ tháng 3, ông Dũng thản nhiên tuyên bố sai phạm đó chưa đến mức phải xử lý kỷ luật!
Không hiểu ông Ủy viên Trung ương đảng Trịnh Đình Dũng có biết, chỉ có hơn một tỷ đồng bị coi là “ lập quỹ trái phép”, mà Anh hùng lao động, giám đốc Nông trường Sông Hậu, một người phụ nữ chôn vùi gần cả đời giữa đồng chua nước mặn, kế tục sự nghiệp người cha, một sỹ quan quân đội, và cũng là một Anh hùng lao động, để lo cuộc sống cho mấy ngàn con người; bà Ba Sương đã phải bầm dập, đau đớn đến hoảng loạn khi bị lôi ra trước vành móng ngựa mấy lần hay không?
Vậy mà 10.676 tỷ đồng lại chưa tới mức xử lý kỷ luật? Phải chăng bây giờ cứ lấy Vinashin, Vinaline, ra mà so sánh, đề cho rằng mười tỷ, vài chục tỷ chả thấm tháp vào đâu mà kỷ luật, kỷ luật hết lấy ai làm việc?
Còn nhà hùng biện liến thoắng Nguyễn Văn Bình, với cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nưóc, không gây cười như Đại biểu Trịnh Đình Dũng, mà làm mọi người ngạc nhiên, vì sao lại có người trâng tráo, lố bịch đến thế?
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch về sự điều hành kém cỏi của ngành ngân hàng trong mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng, ổn định tỷ giá và câu chuyện quản lý vàng, ông Bình cao ngạo dẫn giải lý thuyết bộ ba bất khả thi, khi bản thân ông không hiểu đến đầu đến đũa, rồi cười cợt nói mà rằng chỉ xin nhận một nửa giải Nobel!? Ông còn tự chấm điểm 8 cho mình khi Tạp chí Globai Finance đã công khai đưa tin ông là một trong mười thống đốc ngân hàng tồi tệ nhất thế giới.
Tưởng như những lố bịch, ngang phè như vậy là quá rồi, ngờ đâu lại xuất hiện bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế luôn cam đoan rằng giá thuốc ở Việt Nam thấp hơn ở Singapore, Thái Lan, mà không chịu hiểu thu nhập đầu người ở Singapore 45 lần Việt Nam, khiêm tốn như Thái Lan cũng gấp 14 lần. Hơn nữa, nếu thuốc ở Việt Nam rẻ hơn, sao người ta không buôn lậu mang sang Thái Lan, Singapore bán mà ngược lại?
Về câu chuyện y đức trong ngành y, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng cái phong trào “nói không với phong bì” là của công đoàn ngành phát động nhân lúc bà vắng nhà, nhưng rồi lại bảo “ai phát hiện bác sỹ, y tá nào nhận phong bì cứ chụp ảnh đưa tôi”. Nghe phó giáo sư, tiến sĩ Bộ trưởng đăng đàn trước Quốc hội, một người dân như tôi hiểu ý tứ bà ra sao? Và tôi nghĩ, bà Tiến cũng không hiểu bà muốn nói gì! Trước màn hình nhỏ theo dõi họp Quốc hội, nghe bà Tiến nói cái kiểu nhặng xì ngầu như vậy, nhiều người đã lắc đầu nhăn mặt bấm chuyển kênh khác.
Nhưng phải nói ấn tượng nhất trong kỳ họp thứ 4 vừa qua là câu chuyện Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc, tôi đã viết bài rồi. Bên cạnh đó là chuyện Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khuyên các đại biểu Quốc hội gương mẫu không nên ăn thịt gà nhập lậu để bảo vệ sức khỏe và ngăn chặn cuộc xâm nhập gà mang mầm dịch từ Trung Quốc làm cho mọi người phì cười. Nhưng tôi nghĩ, ông Nguyễn Thiện Nhân chả có gì để phải quan tâm nữa.
Bao nhiêu cặp mắt háo hức nhìn ông từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhận công tác ngày nào, đã chưng hửng từ cái chiến dịch “Hai không”, rồi "Bốn không" do ông phát động khi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo. Ông hô hoán lắm "không" như vậy rồi leo lên Phó Thủ tướng, nay đúng là không thấy được tích sự gì.
Đâu rồi cái thời ông Nguyễn Văn An điều khiển những phiên chất vấn mà những người được chất vấn vã mồ hôi? Đâu rồi những Nguyễn Minh Thuyết dám đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng? Những hình ảnh ấy mới đây thôi mà tưởng như đã xa mờ! Tôi cứ thấy tồi tội khi nhìn cái đầu bạc trắng và gương mặt suy tư của Đại biểu Dương Trung Quốc lẻ loi giữa một đám người béo tốt, rất…vô tư!
Minh Diện
(Blog Bùi Văn Bồng)

 Philippines quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông để đối phó với Trung Quốc

Tổng thống Philippines B. Aquino (phải) tại  ASEM 19, luôn tận dụng mọi cơ hội để tìm sự ủng hộ về chủ quyền biển đảo của Philippines (REUTERS)
Tổng thống Philippines B. Aquino (phải) tại ASEM 19, luôn tận dụng mọi cơ hội để tìm sự ủng hộ về chủ quyền biển đảo của Philippines (REUTERS)

Hồ sơ Biển Đông lại bắt đầu nóng lên trở lại ở Phnom Penh vào hôm nay 19/11/2012, với việc Philippines kiên quyết nêu bật tại các hội nghị ASEAN vấn đề Trung Quốc tiếp tục lấn lướt các láng giềng có tranh chấp chủ quyền biển đảo với họ.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Manila đánh động công luận quốc tế trên hồ sơ Biển Đông : Philippines đã đặc biệt mạnh dạn đi đầu trong việc nêu bật các hành động bị cho là quá đáng của Bắc Kinh, từ lúc nổ ra các sự cố tại bãi Scarborough ngoài Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền, thậm chí chăng giây để phong tỏa.

Động thái mới nhất của Philippines trong việc công khai lên tiếng về các hành vi thái quá của Trung Quốc diễn ra tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Nhật Bản tại Phnom Penh vào hôm nay.

Philippines tố cáo "chính sách ngoại giao cưỡng bức kinh tế"

Phát biểu với các lãnh đạo có mặt trong hội nghị, Tổng thống Benigno Aquino đã cho rằng « áp lực kinh tế » không nên được dùng làm biện pháp để « giải quyết tranh chấp lãnh thổ » ở Biển Tây Philippines (tên Manila đặt cho Biển Đông).

Dù ông Aquino không nêu đích danh nước nào, nhưng rõ ràng ông ám chỉ đến các hành động của Trung Quốc trong thời gian qua, đã thực hiện một loạt những biện pháp gây khó khăn kinh tế thương mại cho Philippines sau khi tranh chấp trên chủ quyền bãi Scarborough trở nên căng thẳng. Các biện pháp này từng được giới phân tích gọi là « nền ngoại giao cưỡng bức kinh tế » mà Bắc Kinh thường dùng đối với những nước yếu hơn dám tranh chấp chủ quyền với họ.

Theo Tổng thống Philippines, đàm phán để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong khu vực phải căn cứ vào luật quốc tế, chứ không phải là dựa trên các thủ đoạn cưỡng chế về kinh tế.

Việc ông Aquino nêu bật vấn đề Biển Đông trong cuộc họp ASEAN – Nhật Bản nằm trong chính sách xuyên suốt của Philippines trong thời gian gần đây, là tranh thủ mọi diễn đàn khu vực hay quốc tế để kêu gọi mọi người quan tâm đến một giải pháp hòa bình cho tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nơi mà một nước lớn đang dùng uy lực kẻ mạnh để chèn ép các quốc gia yếu thế hơn.

Philippines (và Việt Nam) phản bác tuyên bố là ASEAN nhất trí không quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông

Chính chủ trương trên đã thúc đẩy Philippines vào hôm nay bác bỏ tuyên bố của Cam Bốt cho rằng ASEAN đã nhất trí là sẽ không « quốc tế hóa » vấn đề Biển Đông, mà chỉ đề cập đến hồ sơ này trong Hội nghị Thượng đỉnh song phương ASEAN – Trung Quốc.

Phát biểu với nhà báo có mặt tại Phnom Penh, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đã trích dẫn tổng thống Aquino theo đó Philippines và một nước khác – được cho là Việt Nam – không đồng ý với lời khẳng định của Cam Bốt và lẽ ra là Thủ tướng Hun Sen không nên nói là ASEAN đã đồng thuận trên vấn đề « không quốc tế hóa » hồ sơ Biển Đông.

Ngay từ Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN vào tháng Bảy vừa qua, Cam Bốt đã công khai lộ mặt là một nước Đông Nam Á bảo vệ chặt chẽ cho quyền lợi của Trung Quốc khi không từ một thủ pháp nào để bác bỏ những yêu cầu của Philippines và Việt Nam muốn ghi vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc vào thông cáo chung của hội nghị.

Ngoại trưởng Philippines còn cho biết thêm là phái đoàn nước ông đã gửi công văn đến tất cả lãnh đạo các nước Đông Nam Á khác để nhấn mạnh rằng « không hề có đồng thuận » như Cam Bốt đã tuyên bố, và Tổng thống Aquino sẽ tiếp tục đề cập đến tranh chấp Biển Đông trên các diễn đàn quốc tế. Ngoại trưởng Philippines khẳng định là nước ông đương nhiên có quyền bảo vệ quyền lợi quốc gia của mình khi thấy cần thiết.

Theo các nhà phân tích, Tổng thống Philippines sẽ có dịp tiếp tục thực thi quyền chính đáng này nhân Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào ngày mai.

Như vậy là Philippines có một chủ trương nhất quán là nêu bật các vấn đề Biển Đông trên mọi diễn đàn quốc tế. Như tin chúng tôi đã loan, nhân Hội nghị Thượng đỉnh Âu – Á ASEM vào thượng tuần tháng 11 này tại Lào, Tổng thống Aquino cũng là người hiếm hoi kêu gọi các nước trong khối chú ý đến hồ sơ Biển Đông, không chỉ trong các cuộc họp song phương bên lề, mà cả trong cuộc họp toàn thể.

Để hiểu rõ thêm về lập trường của Chính quyền Manila trên vấn đề Biển Đông, về suy nghĩ và phản ứng của người dân Philippines trước tình hình căng thẳng với Trung Quốc, về thái độ của họ đối với Việt Nam, một nước cũng tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa với Philippines, RFI đã đặt câu hỏi với ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California (Hoa Kỳ).

Vào thượng tuần tháng 11 này, nhà báo Ngô Nhân Dụng đã ghé thăm Philippines và có dịp tiếp xúc với một số chính trị gia cũng như người dân tại chỗ để tìm hiểu về suy nghĩ của họ về tình hình căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh do tranh chấp Biển Đông.

Ba thành tố trong chính sách Biển Đông : Quốc tế hóa, UNCLOS, tự do hàng hải

Trả lời RFI, nhà báo Ngô Nhân Dụng trước hết ghi nhận ba điểm chủ chốt trong lập trường hiện nay của Philippines về Biển Đông : quốc tế hóa vấn đề, tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS, và bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực :

NND : Ở Manila tôi có vào Quốc hội Philippines, gặp được một dân biểu vùng Manila, cũng khá lớn tuổi và làm dân biểu lâu năm. Khí nói chuyện với ông, tôi có hỏi về chính sách của chính phủ Philippines… năm tháng sau biến cố Scarborough, thì ông… (ấy) nói rằng chính phủ ông luôn luôn đề cao 3 điều :

Thứ nhất là tranh chấp mang tính cách quốc tế, chứ Philippines không chấp nhận chuyện thảo luận song phương. Tôi nghĩ là Tổng thống Philippines (chẳng hạn) khi sang Lào nhân hội nghị ASEM và đề cập đến vấn đề tranh chấp với Trung Quốc, đó là một cách thể hiện chính sách ‘quốc tế hóa’, tức là ông ấy muốn chứng tỏ rằng Biển Đông không phải là việc giữa Philippines và Trung Quốc, không phải việc giữa Mỹ, Philippines và Trung Quốc, mà là việc chung của cả thế giới .

Điểm thứ hai trong lập trường Philippines là tất cả phải tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà cả Philippines, Việt Nam, Trung Quốc đều ký. Philippines muốn lấy cái đó làm căn bản.

Điểm thứ 3 mà ông dân biểu Philippines nói với tôi là nước ông muốn bảo đảm tự do lưu thông hàng hải ở trong vùng mà họ gọi là Biển Tây Philippines mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

Ba điểm đó là căn bản mà chính phủ Philippines dùng để nói chuyện với Trung Quốc cũng như là với tất cả các nước. Và trong chuyện giải quyết vấn đề Biển Đông, họ nhấn mạnh đến tính cách quốc tế chứ không để cho Trung Quốc, một nước lớn nói chuyện với một nước nhỏ để có thể áp lực trên họ.

Không đề cao vai trò của Mỹ để bảo vệ tính quốc tế của hồ sơ Biển Đông

Có một điều đặc biệt là khi tôi hỏi chuyện ông dân biểu Philippines, cũng như mấy nhân viên trong Quốc hội mà tôi được gặp, thì họ không đề cao vai trò của Mỹ trong cuộc tranh chấp này, mà nói rằng đây là cuộc tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc.

Nhưng lúc tôi hỏi về hiệp ước phòng thủ an ninh hỗ tương giữa hai nước thì họ công nhận, cho đấy là một yếu tố rất quan trọng, nhưng họ không muốn đề cao vai trò của Mỹ, có lẽ một phần vì họ tự ái, một phần vì có thể đấy là một chiến lược để chứng tỏ rằng họ nói chuyện quốc tế là quốc tế thật, chứ không phải là quốc tế nhưng chỉ có Mỹ mà thôi.

RFI : Đó là phần chính quyền. Còn người dân Philippines có quan tâm nhiều đến chủ quyền quốc gia hay không ?

NND : Tôi không dám nói là mình đã tiếp xúc với nhiều người Philippines về chuyện này, nhưng tôi được nghe một người Philippines sống ở Mỹ vừa về Philippines. Anh ấy đại diện một tổ chức người Philippines hải ngoại… ở Mỹ, nhưng liên lạc rất nhiều với trong nước.

Chính quyền Manila và báo giới rất cứng rắn với Trung Quốc, người dân lại ôn hòa hơn

Anh ấy có nói với tôi một điều làm tôi hơi ngạc nhiên : Người dân Philippines có vẻ không quan tâm lắm đến chuyện tranh chấp với Trung Quốc. Có lẽ bởi vì bao lâu nay người ta mới có một biến cố như ở Scarborough, cho nên họ không quan tâm lắm.

Nhưng ở Philippines, cũng có những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong thời gian xẩy ra vụ hai bên đối đầu ở Scarborough. Theo một người bạn khác của tôi, cuộc biểu tình ở Manila hồi tháng Bảy cũng khá lớn. Họ biểu tình trước toà đại sứ Trung Quốc ở Manila, và cũng làm rất mạnh.

Tuy nhiên, trong nước Philippines, cũng có những người chủ trương khác. Tôi đọc trên một tờ báo thấy bài của một bình luận gia cũng có tiếng. Bà ấy nói rằng chúng ta nên nhìn lại chính sách của ông Nixon năm 1972, bảo là không nên gây cuộc đối đầu với Trung Quốc, mà nên bắt tay để tìm con đường hòa bình với Trung Quốc.

Lúc này mà nhắc lại giai đoạn Nixon sang Tàu thì cũng là một cách để gợi cho người Philippines biết là có lúc cũng nên ôn hòa, không nên gây ra lộn xộn quá.
Và vị ký giả này còn nói rằng bà nói chuyện với những người đánh cá Philippines, họ cũng không khó chịu gì khi thấy tàu đánh cá Trung Quốc tới.

Thành ra, chính sách của chính quyền Philippines rất mạnh mẽ, trong khi đó người dân Philippines thì tương đối ôn hòa… Đối với họ Trung Quốc chưa bao giờ là một kẻ địch, thành ra họ coi biến cố ở Scarborough là chuyện có thể giải quyết được.

Theo một số người Việt Nam sống ở Manila, có lẽ dân Philippines không quan tâm nhiều đến chuyện chống Trung Quốc bởi vì họ yên tâm vì lúc nào cũng có nước Mỹ bên cạnh nhờ hiệp ước phòng thủ hỗ tương Mỹ- Philippines còn hiệu lực.

RFI : Đó là suy nghĩ của dân thường. Còn báo chí Philippines thì sao ?

NND : Lập trường của báo giới là chống Trung Quốc rất mạnh. Họ đi xa hơn người dân bình thường.


Trong thời gian xẩy ra tranh chấp với Trung Quốc, các tờ báo ở Philippines - tôi có đọc những tờ báo cũ - đăng toàn những tin như Mỹ tuyên bố sẽ đưa 60% lực lượng Hải quân sang Thái Bình Dương, chỉ còn giữ 40% ở Đại Tây Dương thôi, rồi lời tuyên bố của chỉ huy trưởng Hải quân Mỹ nói rằng sẽ đưa những vũ khí tối tân nhất sang vùng Biển Đông. Họ nêu cả những loại vũ khí tối tân nhất, chẳng hạn như là những tàu đổ bộ có thể cập vào những bãi biển nước rất là nông…

Điều đó chứng tỏ là báo giới Philippines có vẻ “diều hâu” hơn là dư luận bình thường của người dân. Có thể là đó cũng là lập trường chung với chính phủ Philippines.

Đến xứ Philippines này, mình thấy họ có rất nhiều điều giống Việt Nam, trừ một chuyện là trong việc chống Trung Quốc thì hai bên khác nhau. Xung đột với Trung Quốc khiến chính phủ Philippines rất cứng rắn, còn dân chúng thì ôn hòa. Ở Việt Nam thì ngược lại.

RFI : Dư luận Philippines nghĩ gì về Việt Nam nước cũng có tranh chấp quần đảo Trường Sa với Philippines ?

NND : Tôi hỏi mấy người thuộc giới chính trị, thì gần như là họ coi chuyện đó không có, nghiã là đối với họ, trong vùng Trường Sa, họ đang làm chủ chỗ nào, kiểm soát chỗ nào cứ để yên cho họ, thế là không có tranh chấp nữa.

Còn chuyện Việt Nam chiếm bao nhiêu đảo, chuyện đó họ cũng không cần biết. Trung Quốc, Đài Loan cũng có kiểm soát một số đảo, đối với họ chuyện đó cũng không thành vấn đề, ai có cái gì thì giữ cái đó.

Và họ luôn luôn nhắc nhở đến chuyện là phải họp nhau lại để bàn về việc : bây giờ thôi, ai chiếm được đâu thì ở đó, và làm sao cộng tác để cùng khai thác tài nguyên ở biển đó thôi, chứ họ không muốn đề cao chuyện tranh chấp.

Tôi nói chuyện với một nhân viên ở quốc hội, tôi hỏi tình hình hiện nay ra sao, thì anh ấy bảo bây giờ cứ giữ vấn đề ở trong tình trạng gọi là lịch sự nhã nhặn - tiếng Anh là civilities - làm sao cứ giữ tình trạng lịch sự nhã nhặn, đừng gấu ó thế là tốt rồi.

RFI : Ông kết luận sao về quan điểm về Trung Quốc của người Philippines so với người Việt Nam ?

NND : Trong tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc, người Philippines phản ứng khác cái lối của dân Việt Nam. Lý do rất đơn giản.

Bởi vì Việt Nam đã từng đối đầu với Đế quốc Trung Hoa, với chính quyền Trung Hoa trong 2000 năm lịch sử, còn người Philippines thì phải nói là vụ Scarborough vừa rồi là vụ đầu tiên họ đụng chạm với người Trung Hoa.

Hơn nữa, tại Việt Nam, chính quyền của mình cũng yếu ớt, có thể gọi là nhu nhược khi phải đối phó với những hành động có thể gọi là bắt nạt của Trung Quốc, thành ra điều đó gây phẫn uất trong dân chúng, khiến người dân, có thể là bình thường ra họ không chống Trung Quốc một cách mạnh mẽ như vậy, nhưng trước cái sự gọi là yếu đuối của chính quyền, thì người dân Việt Nam lại muốn tỏ ra mình phải cứng rắn hơn.

Ở bên Philippines thì ngược lại : Dân thấy là chính quyền rất cứng rắn - ngay trên báo chí cũng có người lên tiếng : “Thôi ! Đừng cứng rắn quá !” Vì yên tâm là chính quyền cứng rắn rồi, dân chúng Philippines thấy là chẳng cần đi biểu tình làm gì.

Và nói chung, người Philippines yên tâm là họ có hiệp ước an ninh hỗ tương với Mỹ, điều đó khiến cho thái độ người dân cũng khá ‘ôn hòa’. 
Ngô Nhân Dụng / Trọng Nghĩa (RFI)

Xe chính chủ nhìn từ nước Anh

Cảnh sát giao thông ở Hà Nội
Cảnh sát sẽ kiểm tra việc chuyển nhượng sở hữu xe trong khi luật sư nói điều này trái luật

Vấn đề xe chính chủ và khoản phạt khoảng một triệu đồng đối với xe máy và có thể tới 10 triệu đối với ô tô không chính chủ trở thành đề tài nóng bỏng ở Việt Nam trong hơn một tuần qua.

Cư dân mạng lồng tiếng vào video có nhân vật Hitler trên mạng YouTube trong đó "trùm phát xít" xỉ vả không tiếc lời "trùm giao thông" Đinh La Thăng.

Rồi có người lên Facebook nói "cái gì không chính chủ cũng sẽ bị phạt, chỉ có Hoàng Sa không chính chủ là không bị phạt".

Sau cơn thịnh nộ của nhiều người dân, các luật sư đã giải thích rằng hành vi bị xử phạt là đối với "hành vi không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định của pháp luật" chứ không chỉ đơn thuần là điều khiển xe không chính chủ.

Hơn nữa một luật sư cũng nói cảnh sát không có quyền bắt người điều khiển giao thông phải chứng minh xe của họ chính chủ.

Báo chí Việt Nam nói có tới 30-40% lượng xe đang lưu thông là xe không chính chủ.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo nói rằng Nghị định 71 trong đó có quy định về xử phạt xe không chính chủ có những điểm "mâu thuẫn với văn bản khác" và ông khuyên Chính phủ nên dừng phạt trong thời gian từ sáu tháng tới một năm để người dân chuyển đổi sở hữu.

Theo đăng tải của VnExpress, bản thân ông Thảo cũng thừa nhận gia đình ông cũng đi xe không chính chủ khi nói:

"Ôtô của gia đình tôi mua lại của người khác nhưng có hợp đồng công chứng theo quy định, có nộp tiền thuế.

"Tôi có quyền thay mặt chủ đó giao dịch dân sự như bán, vay ngân hàng...

"Nếu có quy định và gia hạn thời gian, tôi sẵn sàng đi chuyển chủ đúng tên mình để tránh phiền phức."

Như vậy có thể thấy các thủ tục hành chính trong vấn đề sang tên đổi chủ vẫn có những nét mà người dân thường nói rằng "hành là chính" dẫn tới tình trạng khoảng một phần ba chủ xe hiện nay không phải là chính chủ.

Các chủ phương tiện giao thông cũng phàn nàn về điều mà báo chí nói là mức lệ phí cao, trị giá 1% đối với xe máy và 12% đối với xe hơi, khi thay tên đổi chủ.

Chủ xe và trông xe

Khi còn ở Việt Nam, tôi mua xe máy mới nên tôi chính là chủ xe.

Khi tôi bán xe vào đầu năm 2010, tôi có viết giấy bán nhưng có nhiều khả năng người sở hữu xe hiện vẫn để tôi là chính chủ như một phần ba số người sở hữu xe khác và chính chủ hiện đã ở Anh.

Tới Anh, cả ba xe hơi mà tôi sở hữu từ năm 2002 tới nay đều là chính chủ cả (với giá của hai chiếc xe đầu tiên (Volkswagen Golf và Ford Mondeo) là 600 và 3000 đô la Mỹ, không đắt hơn là mấy so với chiếc Dream trước đây của tôi).
"Xe sang tên đổi chủ tại Anh không phải trả bất kỳ khoản lệ phí nào và thủ tục vô cùng đơn giản."
Xe sang tên đổi chủ tại Anh không phải trả bất kỳ khoản lệ phí nào và thủ tục vô cùng đơn giản.

Trong các giấy chứng nhận người đang giữ xe đều có một mục để người giữ xe mới điền tên vào và gửi đi bằng đường bưu điện tới cơ quan đăng kiểm.

Khoảng một tuần sau người giữ xe mới sẽ nhận được giấy tờ với tên mình.

Nước Anh dùng khái niệm người giữ xe thay vì chủ xe. Nếu người giữ xe cũng đồng thời là người có hóa đơn thanh toán trả tiền thì họ đồng thời là chủ sở hữu.

Nhưng cũng có thể một người trả tiền và giữ hóa đơn nhưng cho người khác đứng tên giữ xe.

Như vậy người giữ xe không nhất thiết là chủ sở hữu mặc dù họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về chiếc xe đó.

Vắng bóng cảnh sát

Những tranh cãi hiện nay ở Việt Nam không thể nào xảy ra tại Anh.

Đơn giản là chỉ có người giữ xe mới có thể hàng năm mua được bảo hiểm và đóng được thuế đường, hai điều kiện cần để xe lưu hành bên cạnh chứng nhận kiểm tra xe định kỳ.

Cảnh sát tại Anh sẽ chẳng bao giờ yêu cầu người giữ xe chứng minh là họ có phải là người giữ xe không.

Nếu họ muốn kiểm tra, họ có thể gọi về một số điện thoại và sẽ có mọi thông tin cập nhật nhất về xe đó.
"Người Việt Nam tới Anh có lẽ sẽ ngạc nhiên vì trên đường vắng bóng cảnh sát giao thông vì phần việc của họ do camera đảm nhiệm."
Mới đây nhất cơ quan đăng kiểm gửi giấy báo nhắc tôi thuế đường sắp hết hạn và cho một mã số để gia hạn qua mạng internet.

Khi tôi nhập mã số đó vào, máy tính sẽ kiểm tra xem xe có bảo hiểm và chứng nhận kiểm tra định kỳ chưa.

Vừa rồi tôi chưa kịp cho xe đi kiểm tra, vậy là ngay lập tức phải đưa xe đến garage để sau đó mua thuế đường.

Tại Anh, người bán xe cũng sẽ không bao giờ để người giữ xe mới cho xe lưu hành với giấy tờ có tên mình.

Đơn giản là họ sẽ phải nhận mọi loại giấy phạt cho các lỗi mà người đi xe gây ra, từ đi quá tốc độ tới đi vào làn đường của xe buýt, đỗ xe sai quy định hay đi vào khu trung tâm London mà không trả tiền trong các ngày trong tuần.

Họ cũng có thể bị trừ điểm bằng lái vì các lỗi đi quá tốc độ của người khác. Lỗi này và các lỗi như đi vào đường xe buýt hay vào London không trả tiền đều do camera tự động chụp lại và người ta sẽ in ra để gửi về cho người đăng ký giữ xe kèm theo hình ảnh chụp được.

Người Việt Nam tới Anh có lẽ sẽ ngạc nhiên vì trên đường vắng bóng cảnh sát giao thông vì phần việc của họ do camera đảm nhiệm.

Ý thức tham gia giao thông của người Anh cũng khá cao trong khi việc thi lấy bằng lái xe khá khó khăn và chặt chẽ.

Báo chí Anh nói chỉ có chưa tới 50% đỗ ngay trong lần thi đầu.

Pháp luật khắt khe

Những người lái xe ở Anh không nhất thiết phải mang theo bất cứ giấy tờ gì theo người vì thực tế chỉ cần từ biển số xe, cảnh sát sẽ có mọi thông tin cần thiết khi tra trên máy tính.

Nếu cảnh sát cần xem bằng lái xe mà người lái không xuất trình được ngay lập tức, họ có một tuần để mang bằng lái tới đồn công an địa phương.

Giấy tờ cần mang
  • Đăng ký xe
  • Bằng lái
  • Đăng kiểm (chỉ cho ôtô)
  • Bảo hiểm
Pháp luật Việt Nam khắt khe hơn và Luật sư Chu Mạnh Cường nói với báo Bấm Giáo dục Việt Nam rằng Luật giao thông đường bộ yêu cầu người lái xe phải mang theo đăng ký xe, giấy phép lái xe, chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cũng như giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe.

Nhưng ông cũng nói pháp luật không quy định người điểu khiển phương tiện phải là chính chủ và cảnh sát giao thông không có quyền bắt người điều khiển phương tiện phải chứng minh việc mượn hay thuê xe.

Những cách áp dụng pháp luật không hợp lý và trong nhiều trường hợp thiếu chặt chẽ ở Việt Nam đã tạo cơ hội để cảnh sát giao thông sách nhiễu người dân.
Mặc dù vậy một số cảnh sát sẽ ngại khi gặp phải những người tỏ ra hiểu biết luật và sẵn sàng đấu lý với họ như trong một clip có trên YouTube mà phần âm thanh có dưới đây.

Trong lần gần đây nhất tôi bị cảnh sát chặn lại khi đi vào đường cho xe buýt ở sân bay Heathrow, họ chỉ nhắc nhở vì vi phạm lần đầu.

Sau khi lịch sự giải thích rõ tôi vi phạm điều gì, họ cũng đưa kèm văn bản giải thích nếu tôi không hài lòng với cách ứng xử của họ thì tôi có thể khiếu nại như thế nào.

Điều này trái ngược với lần tôi bị cảnh sát dừng ở Việt Nam vì đi vào đường một chiều.

Nếu ở Anh có lẽ tôi sẽ chỉ việc tự động quay đầu và đi theo chiều ngược lại vì chắc chắn sẽ không có bóng cảnh sát nào trên đường.

Còn tại Hà Nội, sau một hồi tranh cãi vì tôi không chịu trả tiền hối lộ, xe tôi được cho lên ôtô đưa về nơi giữ gần cầu Chương Dương.

Kết quả là tôi phải trả một khoản tiền lớn để lấy xe ra và mất vài hôm lo lắng vì bạn bè nói về tình trạng xe bị lấy đồ trong lúc bị giữ.

Mấy lần về Việt Nam gần đây, tôi chỉ đi xe bạn lái hoặc đi taxi.

Cánh taxi kháo nhau cảnh sát giờ còn đòi kiểm tra ví họ và sẽ tự động lấy đủ số tiền mà họ thấy 'hợp lý' cho lỗi vi phạm.

Có vẻ văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân và cảnh sát giao thông trên đường bộ dường như không có nhiều thay đổi trong 12 năm tôi rời Việt Nam.

Nguyễn Hùng
bbcvietnamese.com

'Tự phê bình' vụ biệt thự Hải Dương

Cây sưa trăm tuổi và hòn đá quý trong khu nhà vườn (Ảnh: GDVN)
Khu nhà vườn ở Hải Dương gây xôn xao dư luận hồi tháng Năm

Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng yêu cầu Bí thư Hải Dương tự phê bình trong khi đề nghị cách chức Chủ tịch Bình Phước, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Bản tin được nhiều trang tin đăng lại nói con của Bí thư Bùi Thanh Quyến, ông Bùi Thanh Tùng đã đầu tư hơn bốn tỷ đồng để nhận quyền sở hữu hơn 4.000 m2 đất trong đó có 500 m2 đất nuôi trồng thủy sản được chuyển thành đất ở mà chưa được phê duyệt.

Ngoài ra Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vốn họp từ ngày 12-19/11 ở Hà Nội, cũng nói việc dùng 550 m2 đất làm hồ nước và non bộ "là không hoàn toàn đúng mục đích sử dụng".

Ủy ban kết luận: "Qua xem xét, không có căn cứ để kết luận đồng chí Bùi Thanh Quyến can thiệp hoặc có ý kiến chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giải quyết các thủ tục nhận chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho đồng chí Bùi Thanh Tùng..."

"Tuy nhiên, đồng chí Bùi Thanh Quyền cần rút kinh nghiệm và tự phê bình nghiêm túc việc chưa thường xuyên khuyên bảo, giáo dục con trai tự giác, gương mẫu chấp hành đầy đủ các quy định của Luật đất đai; chưa dứt khoát trong việc để con trai mua và sử dụng đất ở Ninh Thành, Ninh Giang, trong đó có một số khâu chưa đảm bảo đầy đủ các quy định, thủ tục gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và Đảng bộ."

Vụ ông Bùi Thanh Tùng xây biệt thự đã được công luận chú ý tới hồi tháng Năm năm nay và một Đại biểu Quốc hội đã gắn vấn đề này với việc "chống tham nhũng".

Khi vụ việc xuất hiện trên báo chí, ông Bùi Thanh Tùng đang giữ chức Trưởng phòng ở Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương.

Ông Tùng giải thích với báo trong nước rằng tiền xây nhà là "tiền mồ hôi, nước mắt, xuất phát từ trí tuệ, vận động cá nhân chứ không phải là dựa dẫm vào bất kỳ ai".

Đề nghị cách chức

Sau kỳ họp thứ 16 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã "đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thi hành kỷ luật cảnh cáo về chính quyền và cho thoi chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước" Trương Tấn Thiệu.

Ông Thiệu, người cũng là Phó Bí thư Tỉnh ủy và Bí thư Ban cán sự đảng của Bình Phước, bị tố cáo "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; làm trái các quy định của pháp luật trong việc giao đất đối với một số các dự án...cùng một số sai phạm khác gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thu nhiều tỷ đồng của ngân sách..."

Ủy ban cũng đề Nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư "giữ nguyên hình thức kỷ luật khiển trách với Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, cảnh cáo đối với đồng chí Lữ Ngọc Cư".

Theo Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đang có đoàn kiểm tra để xem xét Ban Thường vụ Đảng ủy và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam vì "có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải xử lý trách nhiệm".

Ủy ban nói sẽ nghe báo cáo của đoàn kiểm tra trong kỳ họp lần sau.
(BBC)

Bùi Tín - Trách nhiệm của người xét xử

Cô Nguyễn Phương Uyên, sinh viên đại học Công nghệ Thực phẩm, bị công an bắt đi từ nhà trọ hôm 14/10 với cáo buộc tham gia rải truyền đơn kêu gọi chống Trung Quốc và chống tham nhũng.

Sinh viên Nguyễn Phương Uyên đang lâm nạn. Cả trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm của em xao xuyến, lo lắng, gửi thư tập thể cho các nhà lãnh đạo cao nhất để cầu cứu. Một tập thể 144 trí thức trong và ngoài nước ký kiến nghị yêu cầu các nhà lãnh đạo có trách nhiệm can thiệp để trả lại tự do cho em tiếp tục về trường học tiếp. Mẹ em cuống cuồng đi tìm con gái yêu của mình khi em bị bí mật đưa từ Sài Gòn lên tỉnh Long An để giam giữ.

Sau một tuần lễ im lặng, nhà nước buộc phải lên tiếng, loan báo sinh viên Nguyễn Phương Uyên «phạm tội tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam», đã bị truy tố, vì đã tham gia tổ chức «Tuổi trẻ Yêu nước» với khẩu hiệu «Vì danh dự Tổ quốc, chống bành trướng - Vì tương lai Đất nước, chống tham nhũng». Báo chí nhà nước còn đưa tin Phương Uyên đã «nhận tội và xin khoan hồng».

Một phiên tòa sẽ được mở để xét xử Nguyễn Phương Uyên cùng với Đinh Nguyên Kha, một thanh niên được coi là đồng phạm với Nguyễn Phương Uyên. Báo chí nhà nước đưa tin Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha có thể bị truy tố và xét xử về tội tàng trữ thuốc nổ, với âm mưu khủng bố, một tội danh rất nghiêm trọng đối với an ninh đất nước.

Trong nước đã có một số blogger tự do, một số trí thức như Giáo sư Tương Lai, nhà giáo dục Phạm Toàn, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, và cựu Đại sứ Nguyễn Trung công khai lên tiếng, chỉ rõ những điều đáng chú ý ở sinh viên Phương Uyên là quan tâm đến vận nước, nghĩ đến quê hương, tổ quốc, ở tuổi 20, được thầy yêu, bạn mến, chưa có làm gì nguy hiểm, nên cần bảo vệ em, nhất là đề phòng việc em bị xét xử bất công, kiểu chụp mũ, trả thù do thái độ của nhà đương quyền là «hèn với giặc, ác với người yêu nước». Đã có nhiều tiếng nói đề phòng âm mưu thâm độc gắp lửa bỏ tay người, bắt người xong rồi mới tạo dựng ra vụ án để diệt mọi mầm mống bất đồng.

Mấy ngày qua tôi có dịp gặp một số nhà báo và luật sư Pháp, gặp các bạn trong tổ chức Reporteurs Sans Frontières (Phóng viên không biên giới) có trụ sở ở Paris, trao đổi về trường hợp em sinh viên Nguyễn Phương Uyên. Nhiều bạn Pháp theo dõi rất kỹ và nhắc đến các vụ án Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung…Sau đây xin ghi lại một vài nhận định chung của chúng tôi chung quanh vấn đề này.

Ở các nước dân chủ, các báo lớn thường có một vài phóng viên chuyên sâu về pháp luật, về phổ cập pháp luật, về giải thích pháp luật, về giải đáp và vận dụng pháp luật. Họ được đào tạo chuyên sâu về luật học, về tội phạm học, về quá trình phá một vụ án, chuyên theo dõi, tường trình, phán xét, nhận định sâu về mỗi vụ án. Ở Việt Nam đã có nhà báo nào chuyên như thế và được xã hội đánh giá tốt và tin cậy chưa?

Ở Việt Nam giới luật sư cũ bị triệt tiêu, không đào tạo, nay đã có những khoa luật tại một số trường đại học, nhưng vẫn còn quá ít. Các đại học luật ở các nước dân chủ bao giờ cũng là trường vào loại lớn nhất, có uy tín nhất trong xã hội, có những tạp chí riêng về luật pháp, có tiếng nói hoàn toàn độc lập của ngành tư pháp, tách hẳn khỏi ảnh hưởng của ngành lập pháp và hành pháp. Ở ta tạp chí Pháp luật lẽ ra phải rất sôi nổi, lý thú, có ích cho xã hội, thì ngược lại là tờ báo nhạt nhẽo, ế ẩm, có hại hơn là có ích cho việc xây dựng môi trường thượng tôn pháp luật trong xã hội.

Các công đoàn luật sư phải là công đoàn mạnh nhất, bảo vệ nghề luật sư, tuyên dương các luật sư có công tâm, theo dõi vạch mặt mọi hành vi phạm pháp của luật sư, của thẩm phán thiếu vô tư, tham nhũng, bao che kẻ tội phạm, kết án người lương thiện. Những bản bàn cãi, biện luận trước tòa của mỗi phiên xử án đều được lưu giữ và phổ biến công khai, minh bạch.

Ở Pháp, Ý, Đức và Hoa Kỳ, Canada  các thẩm phán cầm cân nảy mực chuẩn xác, dũng cảm, tự tin, được cả xã hội quý mến và tôn trọng không kém gì những bộ trưởng, thủ tướng, nghị sỹ có thực tài, được coi là vốn quý của xã hội, được truyền thông, đài, báo, truyền hình nêu gương. Trước và sau các vụ án lớn, vị chánh án mặc áo choàng đen được giới thiệu tiểu sử, thành tích xét xử, nguồn đào tạo, quá trình trưởng thành trên báo, đài; sau phiên xử chánh án và các luật sư, nhân chứng được phỏng vấn rất kỹ để lý giải về diễn biến và kết luận của phiên tòa.

Vị trí xã hội của các thẩm phán, các thành viên Hội đồng Xử án, nhất là chánh án ở các nước trên cũng rất nổi bật. Thẩm phán phải là những nhân vật tài giỏi có công tâm, mẫu mực trong giới luật học. Đạo đức trung tâm của thẩm phán, chánh án là chí công vô tư, chỉ tuân theo pháp luật mà thôi. Chánh án chủ tọa một phiên tòa là linh hồn của phiên toà đó. Báo chí, công luận luôn theo dõi chặt chẽ từng cử chỉ, từng lời nói của chánh án. Gánh nặng trách nhiệm trước xã hội, trước nhà nước, trước lời thề khi nhậm chức, trước công đoàn thẩm phán là rất lớn. Lời tuyên án phải hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng những yếu tố tăng nặng hay giảm nhẹ, lắng nghe cả 2 phía công tố và luật sư, đánh giá từng chứng cớ, từng nhân chứng, vì lời tuyên án quyết định số phận, có khi sống chết của bị cáo.

Tôi nhớ lại hồi 1965 – 1970, ở Hà Nội, tòa án xét xử một số vụ án về tham nhũng, được dư luận bàn tán rất sôi nổi, trong đó nổi lên vị chánh án tòa án Hà Nội Nguyễn Xuân Dương, trưởng thành từ lục sự ngành tòa án thời Pháp thuộc, đã tỏ rõ trình độ nắm luật vững, lương tâm nghề nghiệp cao, trực tiếp điều khiển cuộc biện luận công khai giữa tòa, thay đổi cả kết luận của cơ quan điều tra, sửa đổi cả ý kiến của công tố viên, không theo chỉ đạo của thành ủy Hà Nội, tự mình đảm nhận trách nhiệm cá nhân, tuyên án công khai tha bổng cho bị cáo, được nhân dân hoan nghênh ngay tại tòa và được dư luận khen ngợi.

Còn nhớ, năm 1979, ông Tạ Đình Đề, nguyên chỉ huy biệt động thành, phụ trách cơ sở làm vợt bóng bàn của Tổng cục đường sắt, bị truy tố về tội «tham nhũng, sử dụng lao động không lương thiện». Trước tòa, ông Tạ Đình Đề và luật sư của ông trình bày với những chứng cứ rõ ràng chi thu từng tháng của cơ sở. Ông Đề khẳng định việc ông mạnh dạn thuê mướn anh chị em từng bị tù, từng bị cải tạo ở trung tâm phục hồi nhân phẩm, đã hoàn lương, là phù hợp với chính sách nhân đạo, họ đều trở thành lao động tốt, tuy có một số nhược điểm về tay nghề, sức khỏe. Tạ Đình Đề được bà con tham dự phiên tòa vỗ tay hoan nghênh. Chánh án cuối cùng tuyên bố ông vô tội, loại bỏ nhận định mang tính vu cáo của công tố viên.

Mong rằng khi phiên tòa xử sinh viên Nguyễn Phương Uyên mở ra, các nhà báo trong và ngoài nước, các blogger tự do, anh chị em dân chủ sẽ chú ý ghi nhận cách làm việc, trình độ, công tâm của viên chánh án và các thẩm phán trong hội đồng xét xử, nêu bật trách nhiệm xã hội, lời tuyên thệ khi nhận nhiệm vụ của họ, theo dõi mọi cử chỉ và lời nói của từng người trong phiên tòa, đánh giá và phân tích đúng sai của họ. Hiện nay trong tường thuật các phiên toà trong nước, các bạn phóng viên thường bỏ qua nhân vật chánh án, thậm chí không nêu tên chánh án và hội đồng xét xử.

Sau phiên tòa xét xử 2 nhạc sỹ Việt Khang và Anh Bình vừa qua, một số bạn trẻ đã tìm hiểu về viên chánh án Vũ Phi Long, người đã chủ tọa phiên tòa và tuyên án xử phạt Việt Khang 4 năm tù giam và Anh Bình 6 năm tù giam. Chưa có nhà báo nào chất vấn viên chánh án này là ông suy nghĩ ra sao về những bản nhạc, lời ca bị coi là xấu, có hại, phạm pháp? Lời tuyên án của ông có phải ý kiến của ông hay do từ đâu? Ông có bị sức ép, bị chỉ đạo không ?

Và còn 2 ông chánh án từng xử sơ thẩm và phúc thẩm luật sư Cù Huy Hà Vũ, thẩm phán Nguyễn Hữu Phúc và thẩm phán Nguyễn Sơn đã tuyên án và y án 7 năm tù 3 năm quản chế cho luật sư yêu nước kiên cường Hà Vũ, 2 ông này sau khi xử xong đang tránh mặt ở đâu? Sao xã hội ta lại vô tâm, vô cảm, dễ dãi, xuê xoa đến vậy? Sao không tra hỏi họ nhân danh một xã hội dân chủ, công bằng do đảng CS hứa hẹn? Về hiểu luật, về lòng yêu nước, về chính khí làm người, họ kém xa người bị họ xét xử.

Xin nhớ một kinh nghiệm của Mùa Xuân Tunisia là các bạn trẻ trường Luật thủ đô Tunis đã theo dõi lập hồ sơ các thẩm phán, chánh án xử những người yêu nước trước đây, dưới chế độ độc đoán để cảnh báo họ và để hỏi tội họ theo đúng luật khi tình hình chuyển biến.

Sắp đến mong các bạn của Phương Uyên hãy tìm hiểu viên chánh án trong vụ xử sắp tới là ai. Hãy cảnh báo trước để ông ta hiểu rõ ông ta sẽ là nhân vật trung tâm trong vụ xử. Ông ta phải chịu trách nhiệm trước toàn bộ giới luật học Việt Nam, trước bộ Luật Tố tụng Hình sự, trước toàn xã hội, trước thế hệ trẻ, trước lịch sử về mọi diễn biến của phiên tòa được coi là công khai này.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nguyễn Hưng Quốc - Ai chống nhân dân và phá nhà nước?

Nhà cầm quyền Việt Nam, từ đảng đến chính phủ, thường chơi trò ăn gian. Hình thức ăn gian phổ biến, lộ liễu và trắng trợn nhất là ăn gian trong lãnh vực chữ nghĩa. Trong lãnh vực chữ nghĩa, hai chữ hay bị ăn gian nhiều nhất là: nhân dân và nhà nước.

Nhân dân, trên nguyên tắc, là toàn bộ những người mang quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, với nhà cầm quyền Việt Nam, chữ nhân dân vừa bị lạm dụng một cách bừa bãi lại vừa bị bóp méo một cách tùy tiện.

Lạm dụng ở chỗ: cái gì cũng nhân dân. Quân đội nhân dân. Công an nhân dân. Ủy ban nhân dân. Nhà sách nhân dân. Rồi chính quyền nhân dân. Ở điểm này, chúng ta thấy ngay sự khác biệt giữa Việt Nam (cũng như các nước theo chế độ cộng sản khác) và các quốc gia dân chủ ở phương Tây: Ở phương Tây, người ta rất hiếm khi dùng chữ “nhân dân”. Lý do là nó quá mơ hồ. Mơ hồ đến độ nó không có một nội dung cụ thể nào cả.

Nhớ, cách đây mười mấy năm, có một nữ giáo sư từ Việt Nam sang thăm một trường đại học Úc ở Melbourne. Buổi tối, một giáo sư Úc tại trường đại học ấy mời chị cùng một số bạn bè nữa, trong đó có tôi, đi ăn ở một tiệm Việt Nam. Giữa bữa ăn, chị giáo sư từ Việt Nam xin phát biểu. Chị cám ơn trường đại học đã mời chị sang thăm. Chị cám ơn các giáo sư trong trường đã tiếp đãi chị một cách nồng hậu. Và chị, một cách hết sức trang trọng, nhờ vị giáo sư Úc có mặt trên bàn tiệc, chuyển lời cám ơn của chị đến “nhân dân Úc” về việc chào đón chị, người khách từ một nước xa xôi như Việt Nam. Lúc ấy, người bạn của tôi, một giảng viên về thông ngôn và phiên dịch, đang giúp dịch lời phát biểu của chị sang tiếng Anh cho các vị khách Úc hiểu, bỗng đâm ra lúng túng thấy rõ. Nhưng rồi anh cũng dịch. Vị giáo sư người Úc nghe xong, không giấu được một nụ cười kín đáo và ý nhị. Đến lúc về, ở bãi đậu xe, vị giáo sự ấy đùa với chúng tôi, sau lưng chị giáo sư nọ: “Mấy ông bày tôi cách chuyển lời cám ơn đến ‘nhân dân Úc’ đi chứ!”

Vì khái niệm ‘nhân dân’ rất mơ hồ, nhà cầm quyền tha hồ bóp méo nó theo bất cứ hướng nào mà họ thích. Họ tuyên bố họ được nhân dân tín nhiệm và ủy thác cho trách nhiệm lãnh đạo nhân dân dù họ chưa bao giờ tổ chức bất cứ một cuộc bầu cử nào cho đàng hoàng, tự do và minh bạch. Họ cũng thường xuyên tuyên bố nhân dân ủng hộ các chính sách của họ dù họ không hề tổ chức bất cứ một cuộc trưng cầu dân ý, thậm chí, một cuộc thăm dò dư luận nào cả. Khi người dân, dù đông đảo, lên tiếng phê phán hay phản đối họ, họ đạp vào mặt, cho đó không phải là…nhân dân.

Nhân danh nhân dân, họ trấn áp ngay chính nhân dân. Mở miệng là phục vụ nhân dân, nhưng trên thực tế, họ sẵn sàng chà đạp lên nhân dân. Mọi quyết định của cái chính phủ được gọi là “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” ấy bao giờ cũng được thông qua từ một nhóm nhỏ của Bộ chính trị, gồm 14 người, hoặc rộng hơn một chút, Ban chấp hành trung ương, 175 người. Dường như, với họ, chỉ có những người ấy mới là nhân dân.

Chữ nhà nước cũng thế. Một trong những tội danh họ thường sử dụng để trấn áp những người đối lập, thậm chí, chỉ độc lập với họ là tội “chống phá nhà nước”.

Nhưng nhà nước là gì và là ai?

Chữ ‘nhà nước’ có thể dịch sang tiếng Anh bằng hai chữ: state và government. Nhưng trong tiếng Anh, hai khái niệm này khác nhau. Thứ nhất, khái niệm ‘state’ bao gồm bốn yếu tố chính: dân chúng, lãnh thổ, chủ quyền và chính phủ. Như vậy, government chỉ là một trong bốn thành tố tạo nên state. Thứ hai, state thì trường cửu trong khi government thì chỉ tạm thời, có thể thay đổi, hơn nữa, cần và nên thay đổi. Thứ ba, state bao gồm toàn bộ công dân, trong khi government thì chỉ bao gồm các cán bộ được ăn lương. Thứ tư, state là một khái niệm trừu tượng trong khi government rất cụ thể với những bộ máy và nhân sự cụ thể. Thứ năm, state gắn liền với yếu tố chủ quyền và quyền lực của nó được xem là tuyệt đối và vô giới hạn. Trong khi đó government không có chủ quyền: quyền lực của government là do hiến pháp quy định, giới hạn trong từng nhiệm kỳ. Thứ sáu, do tính phổ quát, tất cả state đều giống nhau trong khi government lại thay đổi trong cả thời gian lẫn không gian với những thể chế khác nhau.

Trong bản tiếng Anh của các bản án tại Việt, người ta dịch tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” lúc là “anti-government propaganda” lúc thì là “anti-state propaganda”. Nhưng dưới mắt người nói tiếng Anh trong các chế độ dân chủ, cả hai đều vô nghĩa.

Thứ nhất, nếu “tuyên truyền chống phá nhà nước” là anti-government thì tại sao lại buộc tội những người làm việc đó? Ở các nước dân chủ, do chủ trương government là cái nên và cần thay đổi nên không ai cấm việc tuyên truyền “anti-government” cả. Tổ chức lật đổ government bằng bạo động thì dĩ nhiên bị cấm và bị nghiêm trị. Nhưng tuyên truyền thì xin cứ tự nhiên. Đó là cái quyền của công dân. Tất cả các đảng đối lập được bảo vệ, thật ra, là để làm cái việc anti-government ấy. Ở Úc, đảng đối lập, do Tony Abbot lãnh đạo, suốt ngày cứ ra rả lên án Thủ tướng Julia Gillard là phản phúc (trong việc lật đổ cựu Thủ tướng Kevin Rudd), là nói láo (hứa rồi không làm), là bù nhìn của các thế lực đen tối trong đảng Lao Động. Không sao cả. Ở Mỹ, trước cuộc bầu cử ngày 6/11/2012, đảng Cộng Hòa, đại diện là Mitt Romney, lúc nào cũng lên án Tổng thống Barack Obama là dẫn đất nước theo một hướng hoàn toàn sai, là đã gây nên khủng hoảng kinh tế và nạn thất nghiệp trầm trọng, là bất lực trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, v.v. trong các diễn văn cũng như trong các quảng cáo trên radio và truyền hình. Không sao cả. Chả có ai bị bắt vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” cả.

Thứ hai, nếu “tuyên truyền chống nhà nước” là anti-state thì lại càng nghịch lý và phi thực.

Phi thực ở chỗ không ai có thể “anti-state” - hiểu theo nghĩa là chống lại một phức thể bao gồm cả dân chúng lẫn lãnh thổ, chính phủ và chủ quyền quốc gia bằng một vài bản nhạc như Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, bằng một số bài báo như Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, một lá truyền đơn như Nguyễn Phương Uyên...Càng phi thực và phi lý hơn nữa khi nội dung của các bản nhạc, bài báo và truyền đơn ấy là chống lại sự áp bức của công an, sự độc tài của Nguyễn Tấn Dũng hay sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam một cách ngang ngược của Trung Quốc. Nguyễn Tấn Dũng chỉ có thể buộc tội những người chống đối ông, kể cả tờ báo mạng Quan Làm Báo gần đây, nếu ông, cũng như vua Louis XIV của Pháp, người tương truyền từng tuyên bố: “Ta là Nhà nước” (L’État, c’est moi / I am the state).

Buộc tội “anti-state” cho những người dân như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, Nguyễn Phương Uyên, Cù Huy Hà Vũ, v.v…nghịch lý ở chỗ: Họ là người dân; họ không thể chống lại chính họ vì trong khái niệm “state” có cả khái niệm dân chúng.

Người ta chỉ có thể có hành động “anti-state” nếu người ta ở bên ngoài. Thuộc nước khác. Từ bên ngoài, người ta mới có thể chà đạp lên người dân, cướp đoạt lãnh thổ, xâm phạm chủ quyền của một nước được. Hành động “anti-state” thường bao gồm hai hình thức chính: xâm lược và khủng bố. Ở trong nước, người ta chỉ có thể có hành động “anti-state” khi người ta tiếp tay (ví dụ dưới hình thức làm gián điệp hay tay sai) với người nước ngoài để xâm lược hay để khủng bố đất nước của chính mình. Trong trường hợp đó, thứ nhất, họ tự động ly khai khỏi dân tộc, tự xem mình là người lạ với dân chúng; và thứ hai, phải dựa vào một thế lực từ bên ngoài.

Hiểu theo nghĩa đó, tất cả những người đã bị tòa án Việt Nam kết tội là “chống phá nhà nước”, anti-state, đều vô tội. Đó là điều họ không làm. Và không đủ sức để làm.

Những kẻ thực sự thỏa hiệp với nước ngoài để chia cắt lãnh thổ Việt Nam, dâng hiến chủ quyền của đất nước và chà đạp lên số phận của dân chúng mới là những kẻ “anti-state”.

Những kẻ ấy là ai, hẳn mọi người đã rõ.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Thủy điện Sông Tranh 2 là sai lầm lớn

Khu vực thủy điện Sông Tranh 2 ở Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục động đất khó lường. Người dân trong vùng phải gánh chịu tai ương động đất kích thích đầy hiểm nguy.

(dddn.com photo) Đập thủy điện Sông Tranh-2

Hàng trăm trận đống đất

Trong vòng gần 300 năm từ 1715 tới 2010 trước khi Thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu tích nước, khu vực Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam chỉ xảy ra vỏn vẹn 8 trận động đất.

Theo số liệu chính thức trận động đất cường độ lớn nhất đo được 4,8 độ richter xảy ra vào ngày 25/7/1957.

Từ lúc hồ chứa thủy điện Sông tranh với dung tích thiết kế 730 triệu mét khối bắt đầu tích nước từ cuối năm 2010 tới nay, thực tế đã có bao nhiêu trận động đất mà các nhà khoa học gọi là động đất kích thích. TS Lê huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết:

“Những trận động đất mà chúng tôi ghi nhận từ 2.0 độ richter trở lên tôi nghĩ rằng phải đến hàng trăm trận. Còn thực tế những trận nhỏ hơn 2.0 hoặc nhỏ nữa thì rất là nhiều.”

Trận động đất lớn nhất gần đây xảy ra vào chiều ngày 15/11 được công bố là mạnh 4,7 độ richter. Rung chấn làm nứt nhà điều hành được xây dựng chắc chắn trên đỉnh đập. Nhà ở, trường học, công trình công cộng khác ở Bắc Trà My vốn đã bị nứt tường, sụt móng, nay đã tiến tới chỗ rơi mái.

song-tranh-250.jpg
Đập Thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. File photo.

Đặc biệt trận động đất này còn làm rung chuyển tận hai thành phố Đà Nẵng và Quảng Ngãi cách xa tâm chấn cả trăm km.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là sự hoảng sợ thường xuyên của 48.000 người dân ở hạ du trong đó có Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức... Những khu vực ảnh hưởng trực tiếp nếu vỡ đập sông Tranh 2.

Một sai lầm lớn?

Trận động đất 4,7 độ richter đã làm nóng diễn đàn Quốc hội ngày 16/11, các đại diện của tỉnh Quảng Nam đã cắt ngang buổi thảo luận tu chính Hiến pháp, để dóng tiếng chuông cảnh báo với những lời lẽ hết sức gay gắt chưa từng có.
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quảng Nam Trần Xuân Vinh nói rằng lòng dân đã bất an, lại càng bất an hơn với tình trạng động đất liên tục và ngày một mạnh hơn ở Sông Tranh 2:
Không vì mục tiêu phát triển kinh tế mà quên đi tính mạng của hàng vạn người dân sẽ không còn quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc nếu sự cố vỡ đập Sông Tranh 2 xảy ra. - ĐB Trần Xuân Vinh
“Nhân dân tin tưởng rằng Đảng, Nhà nước và Đại biểu Quốc Hội sẽ không vì mục tiêu phát triển kinh tế với số vốn đã đầu tư cho thủy điện Sông Tranh 2 mà quên đi quyền được sống đã được Hiến pháp đề cập, đó là tính mạng của hàng vạn người dân sẽ không còn quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc nếu sự cố vỡ đập Sông Tranh 2 xảy ra.

Đây không chỉ là nỗi lo, là trách nhiệm, là trăn trở của  Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng như các tỉnh và thành phố khu vực miền Trung mà còn là trách nhiệm, là đạo đức của Đảng và cả Hệ thống Chính trị của chúng ta.”

Khu vực Bắc Trà My nằm trên các đới đứt gãy có thể xảy ra động đất. Nhưng có vẻ, những trận động đất hiếm hoi trong vòng 300 năm và dự báo động đất cực đại không quá 5,5 độ richter, làm cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định xây dựng công trình thủy điện Sông Tranh 2.

songtranh2-250.jpg
San lấp các hố sụt lún bên dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2 chiều 6/9/2012. Photo courtesy of docbao24h.

Thời điểm đó động đất kích thích còn là một điều khá mới mẻ với các nhà khoa học Việt Nam. Khi thấy Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La với dung tích hồ chứa lớn hơn ngàn lần Sông Tranh 2 mà động đất kích thích chỉ xảy ra rất ít và giảm dần đã làm cho chủ đầu tư Sông Tranh 2 yên lòng.

TS Lê Huy Minh nhìn nhận diễn biến động đất kích thích ở khu vực thủy điện Sông Tranh là hết sức phức tạp mà giới khoa học chưa có kinh nghiệm về vấn đề động đất kích thích. Ông nói:

“Động đất kích thích dồn dập lại có cường độ lớn như thế thì Thủy điện Sông Tranh 2 là nơi đầu tiên ở Việt Nam phải gánh chịu. Thực tế nếu như mà lường trước được động đất kích thích ở Sông Tranh như thế này thì tôi nghĩ rằng không nên xây dựng thủy điện ở khu vực này làm gì.

Vì cái lợi của thủy điện mang lại là có điện nhưng lại mang điều bất an tới cho nhân dân nếu mà lường trước được thì chả ai cho xây dựng đập thủy điện ở đây.”
Vì cái lợi của thủy điện mang lại là có điện nhưng lại mang điều bất an tới cho nhân dân nếu mà lường trước được thì chả ai cho xây dựng đập thủy điện ở đây.
 - TS Lê Huy Minh

Yếu tố an dân?

Một ngày sau trận động đất 15/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đến Thủy điện Sông Tranh 2 để xem xét thực tế. Ông Dũng đưa ra một phát biều mang tính trấn an khi nói rằng, có thể vĩnh viễn không cho tích nước thủy điện Sông Tranh 2.

Nhưng ông Bộ trưởng không đề cập tới sự kiện Sông Tranh 2 được thiết kế sai lầm, không có cửa xả đáy và dù ở mực nước chết cao trình 140 mét, trong lòng hồ chứa vẫn có tích nước tự nhiên khoảng 240 triệu mét khối.

Thực tế chứng minh động đất đã lên đến cao điểm về tần suất và cường độ từ hơn 1 năm qua, dù thủy điện Sông Tranh 2 ngừng tích nước để sửa chữa thân đập và mới hoàn thành hồi tháng 10.

Hơn nữa, ngừng tích nước vĩnh viễn công trình này vẫn không an toàn đặc biệt trong mùa mưa lũ sắp vào cao điểm tháng 12 cuối năm, nước trong hồ chứa có thể gia tăng đến mức độ nào là điều chưa thể biết trước.

GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam từ Hà nội nhận định rằng, khi mực nước ở cao trình 140 mét có đường ống nhà máy thủy điện, nhưng mà nó chỉ xả qua đường ống ấy thôi, nếu như lũ lớn quá mà không kịp qua đường ống thì nước tiếp tục dâng cao càng kích thích động đất. GS Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh:

“Theo tôi lúc này điều quan trọng là phải chuẩn bị phương án cho người dân nếu như đập có sự cố. Câu hỏi nếu lũ lớn về thì sao, thiên tai thì chúng ta khó thể lường trước được nó lớn nó nhanh như thế nào được, theo tôi biết nếu nó quá nhanh thì rất  nguy hiểm cho công trình.

Vì thế hiện nay có ý kiến là nên xem xét lại việc phải làm cống xả đáy, đó là điều các nhà khoa học đặt ra.”

Tình hình nguy hiểm ở Thủy điện Sông Tranh 2 đã lên đến đỉnh điểm sức chịu đựng của người dân và chính quyền địa phương. Lần đầu tiên vấn đề đập bỏ công trình nhức nhối này được đặt ra và được nhiều người tán đồng.

Đại biểu Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Quốc hội ngày 16/11 nói rằng, cần phải nghĩ tới phương án phá bỏ đập thủy điện Sông Tranh 2, chịu mất trắng 5.100 tỷ đồng hoặc phải di dời 48.000 người dân ở hạ lưu.

Nhưng theo vị đại biểu này việc di dời toàn bộ khu vực là không khả thi vì cần diện tích tái định cư lớn, kinh phí sẽ rất lớn.
Nam Nguyên, phóng viên RFA

Nặng trách nhiệm với đảng nhẹ trách nhiệm với dân?

Vừa qua đại biểu Dương Trung Quốc trình bày về lời xin lỗi của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà người dân không hài lòng, cùng “văn hoá từ chức” trước quốc hội đã gây khá nhiều lời bình luận và châm biếm trên các mạng xã hội tại Việt Nam

Đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. ngày 14/11/2012

Chỉ biết có Đảng

Tại nghị trường Quốc Hội VN hồi sáng 14 tháng 11 vừa rồi, sau khi Đại biểu Dương Trung Quốc trình bày về lời xin lỗi của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà người dân không hài lòng, cùng “văn hoá từ chức”, như sau:

Kính thưa Thủ tướng tóm lại xin có hai câu hỏi. Một: Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đã nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm với dân? Thứ hai: Thủ tướng có tán thành sự khởi đầu cho một sự tiến bộ của chính phủ hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với những lời xin lỗi hay không, xin cám ơn Thủ tướng.

Thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – nói theo blog Dân Làm Báo – “không trả lời trực tiếp đi vào câu hỏi mà bắt đầu vòng vo câu giờ”, nhưng rồi “cũng buộc phải quay trở lại với câu hỏi đã nêu” bằng câu trả lời “lạc đề” khiến blogger Trương Duy Nhất cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “không phân rạch được chỗ nào là trách nhiệm trước dân, chỗ nào là trách nhiệm trước đảng”. Ông Nguyễn Tấn Dũng quên hẳn trách nhiệm với dân, mà say sưa với trách nhiệm với đảng:

Đối với tôi thì hôm nay còn ba ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo Đảng hoạt động cách mạng. Chịu sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của Đảng. Trong 51 năm qua tôi không xin với Đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác và mặt khác thì tôi cũng không từ chối, không thối thoát bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, nhà nứơc giao phó cho tôi.

Biểu ngữ ngày Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam (minh hoạ)AFP
Biểu ngữ ngày Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam (minh hoạ) AFP

Vẫn theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì gần suốt cuộc đời “đi theo đảng” của ông và được đảng và nhà nước phân công như vậy, ông nguyện sẽ “tiếp tục thực hiện nghiêm túc như đã làm trong suốt 51 năm qua”. Qua bài “Dân-đảng”, blogger Trương Duy Nhất nhận xét:
Nghe Thủ tướng nói càng thấy đúng là ông chỉ nói về trách nhiệm trước đảng, về sự tận tụy, lòng trung thành với đảng mà không hề ý thức được trách nhiệm trước dân - blogger Trương Duy Nhất
Nghe Thủ tướng nói càng thấy đúng là ông chỉ nói về trách nhiệm trước đảng, về sự tận tụy, lòng trung thành với đảng mà không hề ý thức được trách nhiệm trước dân. Tôi có cảm giác dường như Thủ tướng nhầm lẫn quốc hội với đảng. Quốc hội là đại diện của dân, trả lời chất vấn trước quốc hội là trách nhiệm trước dân chứ không phải trách nhiệm trước đảng.Trách nhiệm trước dân luôn phải được đề cao và coi trọng hơn trách nhiệm trước đảng.

Khác với các đảng khác, thậm chí cả các đảng Cộng sản khác, không chỉ chính quyền, đoàn thể mà đảng Cộng sản Việt Nam cũng ăn từ đồng thuế dân nuôi. Người ngoài đảng cũng phải đóng thuế nuôi đảng. Vì thế, không quan chức đảng viên nào được quyền đặt trách nhiệm, lợi ích đảng lên trên trách nhiệm và lợi ích của dân, với dân. Chính khách hàng nguyên thủ càng phải ý thức, phân rạch rõ điều này…Xem ra bài học vỡ lòng dân-đảng còn quá nhiều người chưa thuộc.
Blogger Vũ Đông Hà đề nghị “Đừng chửi một mình thủ tướng! Ông đang nói giùm cho nhiều cha nội khác!”, nhưng tác giả không quên lưu ý rằng:

Người dân chất phát bán rong kiếm từng đồng. AFP
Người dân chất phát bán rong kiếm từng đồng. AFP

Thủ tướng tui 51 năm theo đảng chứ có đếch theo DÂN à nghe. Cái ghế đang ngồi, cái dinh đang ở, cái nhà họ đã xây, mớ ngân hàng con Phượng làm chủ... là nhờ ơn Bác và Đảng cả. Chẳng có thằng dân đen nào vào đây. Đừng có lộn xộn để rồi lạng quạng!
Không chỉ chính quyền, đoàn thể mà đảng Cộng sản Việt Nam cũng ăn từ đồng thuế dân nuôi. Người ngoài đảng cũng phải đóng thuế nuôi đảng. Vì thế, không quan chức đảng viên nào được quyền đặt trách nhiệm, lợi ích đảng lên trên trách nhiệm và lợi ích của dân, với dân - blogger Trương Duy Nhất
Blog Dân Làm Báo nhắc tới chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng “đi theo đảng” đã 51 năm khiến “khá nhiều lời bình luận và châm biếm trên các mạng xã hội tại Việt Nam”, như Facebook của Anh Chí phân tích rằng “đồng chí X sinh năm 1949, năm nay 2012. Như vậy ông Nguyễn Tấn Dũng từ năm 12 tuổi (năm 1961) đã đi theo Đảng”. Và

Facebook này kết luận: “Thảo nào đồng chí X tài thế. Tài thật, tài đến thế là cùng…!”. Một người khác nói tiếp, “ Đảng lừa thằng bé 12 tuổi đi theo, nay nó quay sang lừa lại Đảng”.

Blog Dân Làm Báo không quên trích dẫn độc giả Nặc Danh nhận xét rằng:
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đầy đủ tố chất để là một nhà chính trị giỏi và là một người lãnh đạo sáng suốt của đảng:

Trung thành, tuyệt đối trung thành: ông Dũng theo đảng gần 51 năm, chưa bao giờ ông làm trái ngược ý kiến của lảnh đạo đảng... cho dù ý kiến ấy sai (thí dụ đề cử một anh y tá miệt vườn lên làm lảnh đạo kinh tế, văn hóa, chính trị cho cả một đất nước gần 90 triệu dân).

Đảng, Nhà nước và Pháp luật?

Qua bài “51 năm ‘đi theo đảng’ ”, tác gia Lê Phục Văn “thành thật mà nói” rằng nếu LHQ hay Uỷ ban Nobel có giải thưởng “Chính khách Chai mặt” thì ứng viên sáng giá nhất trong năm phải là ông Nguyễn Tấn Dũng - còn được biết đến với biệt danh “đồng chí X” sau đại hội trung ương 6 vừa rồi. Tác giả Lê Phục Văn giải thích:

Nhiều công ty doanh nghiệp nhà nước sử dụng hàng trăm tỷ đồng mua sắm những tàu biển, ụ nổi phế thải với tiền của dân...RFA file
Nhiều công ty doanh nghiệp nhà nước sử dụng hàng trăm tỷ đồng mua những tàu biển, ụ nổi phế thải của nước ngoài với tiền của dân...rồi mang bỏ.RFA file

Lý do đoạt giải là ông Dũng đã trả lời một cách lưu loát mà không biến sắc mặt, tựa hồ như ông đã biết rõ câu hỏi của ông đại biểu Dương Trung Quốc và đã chuẩn bị sẵn câu trả lời. Xuất sắc hơn nữa là ông còn biết tận dụng con số 51 năm để nhắn nhủ là mình có quá trình đóng góp xương máu và mồ hôi nước mắt cho đảng cộng sản, vượt xa nhiều đối thủ đang rắp tâm muốn hạ gục ông.
Chỉ cần con số 51 năm "đi theo đảng" và câu nói "đảng đã chọn lựa và phó thác chiếc ghế thủ tướng", thì cả đảng (chứ đừng nói là cái quốc hội nghị gật) sẽ không dám truy hỏi thêm một câu nào khác. Với tội trạng ngập đầu cả nước đều biết mà đại đa số ban chấp hành trung ương đảng không dám đề nghị kỷ luật ông Dũng thì quốc hội là cái thá gì mà dạy dỗ cho ông biết về hành động từ chức để giữ tiết tháo và liêm sỉ của tiền nhân?
Chỉ cần con số 51 năm "đi theo đảng" và câu nói "đảng đã chọn lựa và phó thác chiếc ghế thủ tướng", thì cả đảng (chứ đừng nói là cái quốc hội nghị gật) sẽ không dám truy hỏi thêm một câu nào khác - Tác giả Lê Phục Văn
Nhân chuyện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “đi theo đảng” được 51 năm nay, blogger Hiệu Minh bỗng nhớ chuyện “Từ anh Ba (Duẩn) đến danh Ba (Dũng)”, rồi kể rằng “ Mình nhớ những năm 1980, Giáo sư Phan Đình Diệu, lúc đó là đại biểu QH trẻ nhất, có nói đại ý về TBT Lê Duẩn, anh Ba (Duẩn) rất vĩ đại vì đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi, nhưng anh sẽ vĩ đại hơn nếu từ chức. Lý do góp ý là bởi Giáo sư nhìn thấy, người lãnh đạo thành công trong chiến tranh nhưng thất bại trong hòa bình.

Bảo vệ đất nước cần một lãnh đạo khác và xây dựng đất nước đòi hỏi một lớp người khác”. Blogger Hiệu Minh đưa ra bằng chứng cụ thể về những gì đã xảy, từ chủ trương hợp tác xã, làm ăn, làm chủ tập thể, cải tạo công thương, ngăn sông cấm chợ.v.v…khiến “cả nước ăn bo bo, đói khát lầm than, đất nước đi vào ngõ cụt” sau 10 năm gọi là “hoà bình”. Tác giả cho biết tiếp:

Người dân chỉ mong Tổng Bí Thư Lê Duẩn ra đi. Ông mất đi rồi, đất nước mới có đổi mới năm 1986 và Việt Nam bước sang trang sử khác. Hôm nay, đại biểu Dương Trung Quốc nói trước VTV truyền hình trực tiếp cho cả nước nghe. History repeated. Lịch sử nhắc lại một lần nữa. Có lẽ chúng ta phải đợi thêm 10 năm nữa… Giả sử hôm nay Tổng Bí Thư Lê Duẩn sống lại thì ông sẽ khuyên gì cho Thủ tướng Dũng? Riêng tôi, có một câu cho Thủ tướng đây, liệu ông có thấy 51 năm, một nửa thế kỷ phục vụ Đảng, còn quá ít hay sao?

Sau chuyện 51 năm say sưa “đi theo đảng” như vừa nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,  Blogger Thuỳ Linh nhấn mạnh rằng “ trách nhiệm đầu tiên về tình trạng của đất nước hiện nay thuộc về đảng cầm quyền”. Qua bài “Exit” (Lối thoát), nhà văn Thuỳ Linh lưu ý rằng “ Chính ông thủ tướng cũng đã thừa nhận là vẫn đang được đảng tin dùng sau tất cả những gì ông thể hiện trong việc điều hành đất nước hết sức tồi tệ trong những năm qua.

Và với tư cách đảng viên, ông an lòng ngồi lại ghế thủ tướng vì được đảng phân công, vì ý thức trách nhiệm của người đảng viên. Nhận là quản lý yếu kém, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, nhưng ông thủ tướng vẫn ‘không thoái thác’ nhiệm vụ được đảng giao, theo lý lẽ, là đảng viên nên ông chịu sự phân công của đảng”. Blogger Thuỳ Linh nhận xét:
Đến đây câu chuyện đi hay ở của ông thủ tướng không còn liên quan đến hơn 80 triệu người dân. Đó là chuyện lãnh đạo của đảng. Khó mà nói đây là nhiệm vụ “nhân dân giao phó” cho thủ tướng nữa - Blogger Thuỳ Linh
Đến giờ phút này dân chúng có thể hiểu thông điệp của đảng rằng, lối thoát ra khỏi khủng hoảng trầm trọng của đất nước là những “bảo bối”: phê, tự phê, nhận lỗi, nhận trách nhiệm chính trị, sẽ xem xét, sửa chữa, nỗ lực phấn đấu, khắc phục hạn chế yếu kém…Đến đây câu chuyện đi hay ở của ông thủ tướng không còn liên quan đến hơn 80 triệu người dân. Đó là chuyện lãnh đạo của đảng. Khó mà nói đây là nhiệm vụ “nhân dân giao phó” cho thủ tướng nữa…

Qua bài “Văn hoá từ chức: bánh vẽ mới của thời đại”, blogger Vũ Đông Hà lưu ý rằng “Nếu Quốc Hội là cơ quan quyền lực tối cao, có quyền hạn bãi nhiệm Thủ tướng theo như Điều 84 Hiến pháp thì thay vì áp dụng một nền pháp trị công minh, ông ĐBQH Dương Trung Quốc đã mang ‘đức trị’ qua cái gọi là ‘văn hóa từ chức’ vào nghị trường. Và nhiều người vỗ tay, phụ họa ‘văn hóa từ chức phải khởi đầu từ Thủ tướng’. ” Nhà báo Vũ Đông Hà khẳng định:

Không! Từ chức, bãi nhiệm không bắt đầu từ cá nhân nào cả. Nó phải bắt đầu từ việc thi hành nghiêm chỉnh vai trò và trách nhiệm của mỗi bộ phận được quy định trong Hiến pháp quốc gia. Nó phải được áp dụng nghiêm khắc lên mọi thành viên - từ những đại biểu quốc hội cho đến Thủ tướng, Chủ tịch nước...Và không phải ai cũng không biết điều này. Biết nhưng lờ đi vì bất lực trước một xã hội rừng rú và quyền hạn nằm hết trong tay của một tập đoàn tha hóa, sâu bọ mà chính những kẻ đứng đầu tập đoàn cũng phải thú nhận - thú nhận về những điều mà xã hội đã quá tỏ tường.

Tác giả không quên lưu ý về sự sợ hãi lẫn nhau của chính những kẻ cầm quyền trong nước hiện nay, chứ không phải chỉ có người dân thấp cổ bé miệng mới ngày đêm lo sợ trước hành động đàn áp tuỳ tiện, vô cảm và vô nhân của phe cầm quyền. Tại sao ? Tại vì kẻ cầm quyền hiểu rằng “chính mình cũng đang là kẻ phạm tội ít nhiều như những tên đồng chí bên cạnh, như tên đồng chí đứng trên kia đang quanh co đạo đức và bề dày cách mạng 51 năm. Nếu đem đặt để con cá kia nằm trên thớt thì tự họ cũng đang cho mình lên thớt”.

Thanh Quang, phóng viên RFA

Đào Tuấn - Bần cùng hóa

Chưa bao giờ, cơ chế thu hồi, ít nhất là đối với những dự án khoác chiếc áo mĩ miều “phát triển kinh tế” lại bị nhân dân la ó, đại biểu ném gạch như trong kỳ họp này

Cơ chế bồi thường, hỗ trợ theo luật Đất đai đang khiến cho một bộ phận người dân mất đất rơi vào tình trạng “bần cùng hóa”- chữ dùng của Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng, Ủy viên Ủy ban tư pháp của QH Trần Ngọc Vinh.

Trước nghị trường sáng nay, ông Vinh kể về một trường hợp cụ thể. Đó là một gia đình 4 nhân khẩu chung sống với dưới một mái nhà và diện tích đất 50 m2. Họ cứ sống bình lặng và ổn định như thế, cho đến khi mảnh đất mồ hôi nước mắt bị thu hồi, để phục vụ “phát triển kinh tế xã hội” chẳng hạn. Gia đình khố khổ đó được bồi thường100m2 và phải nộp thêm 300 triệu. “Họ phải chọn hoặc vay tiền xây nhà, hoặc bán lúa non mảnh đất mới để có thể xây nhà”. Và lựa chọn thế nào thì điểm đến cuối cùng là “cái hố bần cùng hóa”.

Bần cùng hóa, có khi là hình ảnh mà bà Phó Chủ tịch MTTQ TP HCM từng nói tới “mất nghề, không sinh kế”. Bần cùng hóa còn là những món nợ, nếu muốn có nhà, hoặc từ có nhà, có đất, có tư liệu sản xuất, thành ra chằng còn gì. Dường như nông dân không còn đất thì không được gọi là nông dân nữa.

Đó có thể là một trường hợp ở Hải Phòng, ở Hưng Yên, ở Hà Nội hay ở bất cứ đâu đó có các dự án “phát triển kinh tế xã hội”.

Có thời, báo chí đưa ra những “nghịch cảnh nước mắt” khi những người bị thu hồi đất đó bây giờ đang “vỡ hoang” các khu đô thị mới, đang trồng lậu cây trái trong những khu công nghiệp. Bởi quá trình thu hồi đất ồ ạt vừa qua đã đẻ ra sự lãng phí trầm trọng với nhà máy bỏ hoang, khu công nghiệp đắp chiếu, sân golf phục vụ chỉ vài chục người có tiền, khu du lịch biến thái thành biệt thự…ĐBQH Nguyễn Hữu Đức nhắc lại con số có tới 5828 tổ chức vi phạm 730k ha. Trụ sở bị sử dụng lãng phí, cho thuê, bỏ trống. Các dự án bị bỏ hoang… Tất cả những sự hoang phí và tràn đầy bất công đó, được khoác dưới chiếc áo “phát triển kinh tế xã hội”. Liệu có một dự án lấy đất của dân nào lại không có ý nghĩa “phát triển kinh tế xã hội” không nhỉ?

Phát triển kinh tế xã hội là gì? Và sự phát triển đó mang lại lợi ích cho bao nhiêu người? cho ai? Trong một nghịch lý mà ĐBQH Thân Đức Nam nói tới: “Nhà nước không thể giao cho người khác thứ mà mình không có”?

Chưa bao giờ, cơ chế thu hồi, ít nhất là đối với những dự án khoác chiếc áo mĩ miều “phát triển kinh tế” lại bị nhân dân la ó, đại biểu ném gạch như trong kỳ họp này.

Sáng nay, có ĐBQH đã đòi hỏi về một sự công bằng : “Đất đổi đất, nhà đổi nhà, tương đương, người dân mất đất không phải bỏ thêm tiền”. Và quan trọng nhất, là đề xuất đối với những trường hợp phi “quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng”, thì cơ chế phải là trưng mua, trưng dụng, chứ không thể là thu hồi.

Khi phát biểu về vấn đề này, vị Ủy viên Ủy ban tư pháp của QH Trần Ngọc Vinh đã dẫn 2 quy định trong hiến pháp. Đó là nguyên tắc “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá”. Và “Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”.

Trả lại quyền (được) trưng mua, trưng dụng đơn giản chỉ là vấn đề “hợp hiến” chứ chẳng phải gì là mới lạ. Là sự sửa sai những gì luật Đất đai hiện thời đang vi hiến. Và thực thế, cũng chỉ là lẽ công bằng tối thiểu.

Đã đến lúc luật Đất đai sửa đổi phải stop sự vinh thân phì gia của một nhóm lợi ích với những dự án khoác áo “phát triển kinh tế xã hội” bằng cơ chế trung mua được hiến định. Bởi như thế cũng mới chấm dứt được tình trạng bần cùng hóa của người dân mất đất.
Theo Đào Tuấn

Quyết định khó cho TV nước ngoài

Quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không cấp phép cho kênh truyền hình nước ngoài phát tại Việt Nam nếu không được biên tập và biên dịch sang tiếng Việt đang gây ra các phản ứng khác nhau.

Hội thảo của Bộ Thông tin Thông tin và Truyền Thông (TT&TT) vào ngày 16/11/2012 tại Tp HCM cho hay hơn ba phần tư kênh truyền hình nước ngoài cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam chưa được cấp giấy phép biên tập.

“Tính đến ngày 9/11 vừa qua, mới chỉ có 16/75 kênh truyền hình nước ngoài được cấp giấy phép biên tập”, truyền thông Việt Nam cho hay.

Vào ngày 24/3/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng k‎ý một quyết định ban hành Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền.

Điều 13 trong Quyết định số Bấm 20/2011/QĐ-TTg nói “Tất cả các kênh chương trình nước ngoài trên truyền hình trả tiền tại Việt Nam phải được biên tập bảo đảm nội dung các kênh chương trình không trái với quy định của pháp luật Việt Nam về báo chí và quảng cáo.”

Điều này quy định biên dịch 100% nội dung kênh phim truyện, kênh tổng hợp, kênh giải trí, thể thao, ca nhạc và lược dịch 100% nội dung kênh tin tức.


"Thủ tướng Chính phủ đã cho phép hoãn thực hiện quyết định này tới 15/05/2013. Trong thời gian chờ đợi thì các bên tiếp tục chuẩn bị cho mọi phương án."
Thứ trưởng Bộ Thông tin Thông tin và Truyền Thông

Yêu cầu lược dịch 100% nội dung kênh thuần về tin tức đã gặp phải phản hồi từ các hãng tin lớn như NHK, CNN, BBC World…với quan ngại về tính độc lập về biên tập, độ chính xác cao của tin phát trực tiếp, chưa kể khả năng và chuyên môn có giới hạn của các đơn vị trong nước muốn đóng vai trò cung cấp dịch vụ biên dịch.

Được biết hiện các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam và một số đài truyền hình lớn… vẫn đang tiếp tục tiến hành các thủ tục xin cấp phép biên tập, biên dịch theo tinh thần quyết định này.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn được truyền thông trong nước dẫn lời nói rằng “trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ TT&TT nhận thấy phát sinh những vấn đề khó, chưa thể thống nhất để các đơn vị thực hiện theo đúng quy định”.

“Từ đó, Bộ TT&TT đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm lùi thời hạn thực hiện quy định về biên tập, biên dịch các kênh chương trình truyền hình nước ngoài lại một thời gian”.

Trả lời BBC tiếng Việt ngày 19/11/2012 về trường hợp các kênh tin tức nước ngoài trong đó có BBC World kể trên, ông Doãn nói rằng "Thủ tướng Chính phủ đã cho phép hoãn thực hiện quyết định này tới 15/05/2013.

“Trong thời gian chờ đợi thì các bên tiếp tục chuẩn bị cho mọi phương án…cốt để làm cho tốt hơn mà thôi", ông Doãn nói thêm.

Kênh đã được cấp phép

  1. Discovery
  2. Cartoon Network
  3. Animal Planet
  4. HBO
  5. ESPN
  6. Disney Channel
  7. Star Sports
  8. Kidsco
  9. Fashion TV
  10. Disney Junior
  11. Star Movies
  12. National Geographic Channel
  13. TV5 Monde Asie
  14. Autralia Network
  15. DW
  16. KBS World

Bà Alissa Rooney, Đại diện Ban Truyền thông Quốc tế của BBC cho hay "kênh tin BBC bằng tiếng Anh BBC World News cam kết cho hoạt động phát sóng tại Việt Nam và hiện đang thảo luận với nhà chức trách Việt Nam về việc này".

Được biết đây không chỉ là nỗ lực của BBC World News TV hay một số đài khác mà cả tổ chức Bấm CASBAA tập hợp 130 thành viên là các kênh truyền trình quốc tế đã từng cử một phái đoàn vào Hà Nội để bàn với chính phủ Việt Nam hồi tháng 8/2012 về chủ đề này.

Giới ngoại giao Âu Mỹ và Nhật Bản cũng lên tiếng vận động cho hoạt động thông tin của các kênh truyền hình nước họ hiện phát tại Việt Nam thông qua các dịch vụ truyền hình trả tiền.

Trước đó một số báo trong nước mô tả điều họ gọi là “các kênh chương trình truyền hình cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam phải được cấp phép biên tập trước ngày 15/11/2012, bằng không sau thời gian này, các kênh chương trình truyền hình nước ngoài không có giấy phép biên tập sẽ phải ngừng cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam”.

'Băn khoăn đối ngoại'

"Việc xem kênh nào, bằng thứ tiếng nào là sở thích và nhu cầu của người xem"
Độc giả
Báo Bấm Thanh Niên ngày 19/11/2012 dẫn lời đại diện của Đài truyền hình Việt Nam nói về điều được mô tả là “băn khoăn vấn đề đối ngoại”.

Đại diện này được dẫn lời nói "Hai kênh của hai quốc gia có quan hệ rất quan trọng với chúng ta là NHK của Nhật và OPT của Nga nói quy chế biên tập, biên dịch toàn bộ phần tin tức là không khả thi về nghiệp vụ, nếu làm thì lại tốn nhiều chi phí, từ đó dẫn đến suy nghĩ là chúng ta gây khó khăn cho họ”.

“Đài truyền hình Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin - Truyền thông xem xét điều chỉnh quy định này, yêu cầu các kênh thể loại này chỉ cần phải biên tập (đảm bảo việc kiểm soát, kiểm duyệt) mà không cần biên dịch, lược dịch phần tin tức”, người này nói thêm.

Trong khi đó ông Nguyễn Trung Nhân - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Thành phố Cần Thơ được báo này dẫn lời nói “nên chăng chúng ta cần tổ chức lại các kênh truyền hình nước ngoài đang phát cho tốt hơn, chứ nếu cắt - ngưng phát sóng sẽ gây khó khăn trong cung cấp dịch vụ”

Một hội nghị của CASBAA
Tổ chức CASBAA đang đối thoại với chính phủ Việt Nam về quyết định 20

“Chúng tôi sẽ trả lời thế nào trước chất vấn của người sử dụng trong kỳ họp Hội đồng nhân dân sắp tới, vì trước đây cho phát, bây giờ thì ngưng,” ông Nhân nói thêm.

Báo Bấm Tuổi Trẻ vào ngày 19/11/2012 bình luận thông tin một số kênh truyền hình nước ngoài có khả năng sẽ phải “vắng bóng” trên hệ thống truyền hình trả tiền ở Việt Nam do chưa có giấy phép biên tập, biên dịch sang tiếng Việt đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả, hầu hết thể hiện sự không đồng tình.

“Người xem các kênh nước ngoài phần lớn là những người có trình độ, họ không nhất thiết đòi hỏi phải có phụ đề hoặc phải được dịch ra tiếng Việt,” một độc giả góp ‎ý.

“Việc xem kênh nào, bằng thứ tiếng nào là sở thích và nhu cầu của người xem. Việc dịch ra tiếng Việt nên trao quyền tự quyết cho nhà cung cấp dịch vụ, họ sẽ phải cân nhắc lợi ích của khách hàng trên cơ sở phù hợp với lợi ích của nhà cung cấp.”

Một độc giả khác viết “Việt Nam đang hội nhập, hiện có rất nhiều công dân nước ngoài (Hàn, Nhật, Nga, Pháp, Trung Quốc...) nên cần nghiên cứu cơ chế hợp lý để đáp ứng cả nhu cầu của những công dân này mong muốn xem truyền hình của nước họ, giống như VTV4 của ta phát ở các nước có người Việt sinh sống”.
(BBC)

Thực hư chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc

Dàn đồng ca ở Công viên Cảnh Sơn
Mỗi tuần hai lần, nhiều người Bắc Kinh tới đây hát những bài ca cách mạng

Công viên Cảnh Sơn nằm ở phía Bắc Tử Cấm Thành, trung tâm Bắc Kinh.

Được dựng lên từ đời nhà Nguyên, thế kỷ thứ 13, cho hoàng gia vãn cảnh, nay công viên này trở thành nơi công cộng, người dân Bắc Kinh hàng ngày dạo chơi và sinh hoạt tập thể.

Cứ mỗi sáng thứ Ba và thứ Sáu, bà Vương Xuân, 58 tuổi, lại tới Công viên Cảnh Sơn để tham gia một dàn đồng ca tự phát. Vài chục người tầm độ tuổi của bà gặp nhau và hát vang các bài ca cách mạng mà họ yêu thích từ độ tuổi thanh xuân.

Một trong các bài họ hay hát là bài 'Trung Quốc, Trung Quốc. Mặt trời hồng không bao giờ lặn'.

Gần đây, không chỉ có các ông bà về hưu, ngày càng nhiều người trẻ tham gia hát đồng ca.

Cả trăm người như một, hào hứng cất cao tiếng hát: "Trung Quốc, Trung Quốc, mặt trời hồng không bao giờ lặn, sơn hà cuộn dâng vượt lên bão sóng, tiến mãi bao la"

"Trung Quốc, Trung Quốc ... Sơn hà bất khuất, khí thế xung thiên."

"Lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm vũ khí, [chúng ta] sẵn sàng tiêu diệt quân xâm lăng..."

Từ đám đông hát đồng ca của bà Vương Xuân, tới đám biểu tình hung hãn ném đá và chai lọ vào tòa đại sứ Nhật Bản, dường như khoảng cách không mấy xa.

Bài Nhật quyết liệt

"Tôi ghét người Nhật," Trương Khải, một hướng dẫn viên du lịch 25 tuổi, nói.
"Trung Quốc, Trung Quốc, sơn hà bất khuất, khí thế xung thiên... sẵn sàng tiêu diệt quân xâm lăng..." - Lời bài hát 'Mặt trời hồng không bao giờ lặn'
"Gia đình tôi ở Cáp Nhĩ Tân (thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc, từng bị quân Nhật chiếm đóng). Bố mẹ tôi kể nhiều về tội ác của Nhật Bản đối với đất nước chúng tôi. Điều mà tôi ghét nhất, là người Nhật chưa bao giờ thừa nhận và tỏ ra hối lỗi về tội ác của mình."

Tháng Chín năm nay, sau khi chính phủ Nhật Bản ngỏ ý muốn mua lại sở hữu đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, từ tay tư nhân, hàng nghìn người ở nhiều thành phố Trung Quốc đã xuống đường biểu tình phản đối.

Tại Bắc Kinh, Thượng Hải, người ta tấn công các cơ sở ngoại giao của Nhật Bản và hò hét kích động bên ngoài các cửa hàng, tiệm ăn Nhật Bản. Tại Thâm Quyến, cảnh sát đã phải dùng hơi cay và vòi rồng giải tán người biểu tình vây quanh trụ sở chính quyền địa phương còn tại Thanh Đảo, nhà máy sản xuất hàng Panasonic của Nhật bị đập phá.

Giới phân tích cho rằng nếu không có sự ngầm chuẩn thuận của chính quyền thì các cuộc biểu tình quy mô như vậy không thể xảy ra, vì Bắc Kinh luôn coi các hoạt động tụ tập đông người như mối đe dọa tiềm ẩn cho sự ổn định ở trong nước.

"Chính phủ và Đảng Cộng sản đang đánh tráo hai khái niệm: chủ nghĩa yêu nước và dân tộc chủ nghĩa hạn hẹp," - nhà hoạt động xã hội Bành Định Đỉnh bình luận.

"Những người tham gia biểu tình chống Nhật một cách hung hăng đó, họ nghĩ họ đang bày tỏ lòng yêu nước."

Những ngày này, hai chữ "ai-guo" (ái quốc), được nhắc đến nhiều ở Trung Quốc, nhất là khi đảng cầm quyền của nước này vừa tổ chức Đại hội để bầu ra ban lãnh đạo mới.
"Chủ nghĩa dân tộc nay đã trở thành một trong các điểm tựa quan trọng nhất cho tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc." - Willy Lam, chuyên gia chính trị học
Chuyên gia chính trị học Willy Lam từ Hong Kong nhận xét: "Chủ nghĩa dân tộc nay đã trở thành một trong các điểm tựa quan trọng nhất cho tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc".

Với việc ông Tập Cận Bình được lựa chọn nắm giữ ngay cả hai vị trí tổng bí thư và chủ tịch quân ủy trung ương, trong khi thành phần quân ủy cũng có thay đổi mạnh, đang có lo ngại rằng Đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc sẽ có các biện pháp mạnh tay và cứng rắn đối với bên ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực chủ quyền.

Theo nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, Trung Quốc nay không còn nhắc tới nhiều chủ nghĩa Mao hay vô sản quốc tế, mà tập trung vào những đường lối kích thích kinh tế phát triển nội lực như Học thuyết Ba đại diện của cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình.

Ông Dy nói: "Học thuyết Ba đại diện của Đặng Tiểu Bình thời kỳ này khi áp dụng sẽ chú trọng vào yếu tố dân tộc chủ nghĩa, tất cả là vì dân tộc của họ, chứ không có quốc tế vô sản gì nữa."

Biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc
Các cuộc biểu tình bài Nhật diễn ra ở nhiều thành phố Trung Quốc

Trung Quốc 'không vui'

Theo ông Willy Lam, "Đảng muốn thuyết phục người dân tin rằng Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, Trung Quốc là cường quốc đầy tiềm năng, các nước khác phải kính nể, nhất là trong khu vực".

Có thể nói các chủ đề như sức mạnh, sự vĩ đại, vị trí hàng đầu trên toàn thế giới ... của Trung Quốc đang chiếm lĩnh các phương tiện truyền thông. Đối chọi lại sự vươn dậy của Trung Quốc, là sức mạnh 'đen tối' của Hoa Kỳ và phương Tây.

Cách đây vài năm, một cuốn sách thuộc loại bán chạy nhất ở Trung Hoa lục địa có tựa đề 'Trung Quốc bất cao hứng' (Trung Quốc không vui) lên tiếng kêu gọi khơi nguồn cho chủ nghĩa dân tộc chống lại ảnh hưởng của nước ngoài.

Sau một thời gian, tinh thần ấy dường như đang ngấm dần vào tư duy giới trẻ.

Dương Chu Hiểu
Dương Chu Hiểu cho rằng cần đánh Việt Nam và Philippines

"Trung Quốc là số một thế giới," Trương Khải khẳng định.

Bạn của Trương, Tôn Hải Lâm, 22 tuổi, cũng hoàn toàn nhất trí: "Nước tôi còn nhiều vấn đề, tất nhiên rồi, nhưng Trung Quốc vẫn là nhất".

Hứa Đan Bân, 19 tuổi, sinh viên Đại học Công nghệ Hóa Bắc Kinh, thì nói một cách đầy triết lý: "Trung Quốc hiện giờ còn đang yếu, nhưng áp lực từ Mỹ sẽ làm chúng tôi lớn mạnh hơn. Chúng tôi học từ họ, chúng tôi vươn lên ngang tầm với họ và rồi vượt họ".

Suy nghĩ của giới lao động về cán cân quyền lực trên thế giới thì đơn giản hơn.
Dương Chu Hiểu, 39 tuổi, làm nghề bán hàng rong, nói về nước Mỹ: "Mỹ là khắc tinh của Trung Quốc, họ luôn luôn muốn điều xấu cho chúng tôi".

"Một quốc gia mà giàu có thì không gọi các nước khác cũng tới vây quanh. Còn nghèo đói thì chẳng ai tôn trọng cả."

Một trong các minh chứng cho tương quan này, theo ông Dương, là những gì đang diễn ra tại Nam Hải (Biển Đông), giữa Trung Quốc và các nước cùng tranh chấp chủ quyền.

"Các nước yếu như Việt Nam và Philippines không đời nào dám đối đầu Trung Quốc nếu không có giúp đỡ của Mỹ và những nước giàu như Nhật chẳng hạn."
"Để dạy cho chúng một bài học, thì không có cách nào khác là đánh. Phải đánh!"

Không sợ chiến tranh

Dương Chu Hiểu ví von: "Mấy nước nhỏ đó mà không đánh thì sẽ tiếp tục sủa bậy, đánh thì chúng sẽ chạy thôi".
"Chúng ta hãy làm như chính phủ dạy, chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng không sợ phải chiến đấu." - Trương Khải, 25 tuổi, hướng dẫn viên du lịch

Lớp thanh niên có học tỏ ra chừng mực hơn.

Tôn Hải Lâm nói: "Cái gì của Trung Quốc thì Trung Quốc phải lấy lại. Điếu Ngư Đài là của chúng tôi, chúng tôi phải giành lại nó. Các đảo ở Nam Hải mà Philippines và Việt Nam chiếm đóng cũng vậy".

"Đặng Tiểu Bình đã có cuộc chiến dạy cho Việt Nam một bài học, chúng ta cần một cuộc chiến nữa."

Người bạn là Trương Khải lại không đồng ý: "Không, chúng ta chỉ cần tập trận trước mặt các nước đó cho họ sợ thôi, không cần gây chiến trước."

"Chúng ta hãy làm như chính phủ dạy, chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng không sợ phải chiến đấu."

Tuy nhiên, một số người như Lưu Tô Lý, một trong các trí thức có tiếng ở Bắc Kinh, lại cho rằng những ngôn từ đao to búa lớn về ái quốc, dân tộc chủ nghĩa "hoàn toàn sáo rỗng".

Ông Lưu nhận định: "Người Trung Quốc có câu 'Chó sủa to thì ít cắn' - Trung Quốc làm gì có sức đâu mà đối chọi thiên hạ".

"Đối nội với bao nhiêu vấn đề nghiêm trọng đã đủ làm cho đảng cầm quyền kiệt sức."

"Cái gọi là làn sóng dân tộc chủ nghĩa hiện nay toàn là giả dối," - ông Lưu Tô Lý đánh giá.

"Mấy thanh niên đó, họ dùng điện thoại của Nhật, đi xe của Nhật, xài máy tính Nhật, mà nói chống Nhật thì chỉ là chuyện hoang đường."
Hồng Nga BBCVietnamese.com, Bắc Kinh

-QUAN ĐIỂM CỦA ÔNG NGÔ ĐÌNH NHU VỀ HIỂM HỌA CỦA TRUNG CỘNG

Thangngaydaqua blog

Wednesday, August 25, 2010
(VietCatholic News 01 Nov 2009 16:19). Khi hay tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị ám sát, Cố Tổng Thống Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc, đã nhận xét:
Người Mỹ có trách nhiệm nặng nề trong vụ ám sát xấu xa này. Trung Hoa Dân Quốc mất đi một đồng chí tâm đầu ý hợp… Tôi khâm phục ông Diệm, ông xứng đáng là một lãnh tụ lớn của Á Châu, Việt Nam có lẽ phải mất đến 100 năm nữa mới tìm được một lãnh tụ cao quí như vậy.[1].
Nhưng khi đọc xong tác phẩm Chính Đề Việt Nam của ông Ngô Đình Nhu[2], tôi nghĩ cần phải thêm vào lời nhận xét đó, Việt Nam có lẽ phải mất đến 100 năm hay nhiều hơn nữa mới tìm được một nhà lãnh đạo có viễn kiến chính trị sâu sắc như ông Nhu.. Thực vậy, đối với cá nhân người viết, sau hơn 30 năm giảng dạy và nghiên cứu về các vấn đề chính trị Việt Nam tại một số các viện đại học, các viện nghiên cứu, các bảo tàng viện và thư viện tại Việt Nam, Úc, Hoa Kỳ và Âu châu.. người viết được các đồng nghiệp và các chuyên gia quốc tế về Việt Nam đã dành cho một chút cảm tình và nễ trọng về kiến thức chuyên môn và sự khổ công đọc sách. Tuy nhiên, với tất cả sự thận trọng cần thiết của một người nghiên cứu lịch sử, người viết phải thành thật công nhận rằng, trong tất cả những sách nghiên cứu mà người viết đã có dịp đọc trong hơn 30 năm qua vì sở thích hay vì nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu đòi buộc phải đọc bằng Việt, Pháp và Anh ngữ, chưa có một tác phẩm nào, thể hiện một sự tổng hợp bao quát và rất giá trị về các vấn đề chính trị thế giới trong hơn 200 năm qua, để rồi sau đó đưa ra những viễn kiến chính trị vô cùng sâu sắc để làm Kim Chỉ Nam Phát Triển cho Việt Nam cũng như các Quốc Gia Chậm Tiến trên thế giới, như tác phẩm này của ông Nhu. Có lẽ phải nói đây là một đóng góp quí báu vào kho tàng tư tưởng chính trị thế giới. Và giả dụ rằng, nếu có thể sống thêm 100 năm nữa để đọc sách, người viết nghĩ rằng không thể nào có được một óc tổng hợp bao quát, đứng đắn và một viễn kiến chính trị sâu sắc thần kỳ như tác giả của quyển Chinh Đề Việt Nam.
Vì tác phẩm nguyên bản bằng Pháp ngữ, và người viết tin rằng dịch giả đã rất xuất sắc trong khi chuyễn ngữ, vì ấn bản Việt ngữ đã diễn tả một cách hết sức lưu loát những khía cạnh sâu sắc và phức tạp của các vấn đề. Tuy nhiên, những người đã quen tiếp cận với lối hành văn của ông Nhu qua các diễn văn mà Ông đã soạn thảo cho Tổng Thống Diệm trong suốt 9 năm của nền Đệ Nhất Cộng Hòa,[3] chắc chắn sẽ thấy rằng cách hành văn trau chuốt, chính xác, nghiêm túc, sắc bén và chặt chẻ của ông Nhu mà bản dịch không thể nào thể hiện được.
Tuy nhiên, người viết muốn độc giả trực tiếp tiếp cận, một phần nào, với cách luận giải và trình bày độc đáo của ông Nhu về các vấn đề chính trị Việt Nam và quốc tế, nên người viết đã quyết định trích nguyên văn những phần trong Chính Đề Việt Nam liên quan đến chủ đề của bài viết này. Và người viết sẽ hạn chế tối đa phần đưa ra những diễn giải và nhận xét riêng tư của mình.
Về nội dung tác phẩm, có lẽ phần cuốn hút được sự ngưỡng mộ nhất của người viết là, trước đây gần nữa thế kỷ, ông Nhu đã nhận xét Liên Sô sẽ tự giải thể để làm hòa với Tây Phương và Trung Cộng sẽ thất bại trong việc sử dụng chủ nghĩa Cộng Sản để phát triển kinh tế, cũng như Âu Châu sẽ tập hợp lại với nhau trong một khối thống nhất như Khối Liên Hiệp Âu Châu ngày nay. Nhưng điều hấp dẫn hơn nữa, ông Nhu đã không đưa ra những lời tiên đoán như một người thầy bói hay một chiêm tinh gia, trái lại, ông đã đưa ra những phán đoán của mình, sau khi đã phân tích và tổng hợp các dữ kiện lich sử và các biến cố chính trị thế giới, một cách khoa học, khách quan và vô tư. Chính vì vậy, người viết nghĩ rằng tập sách này sẽ có một mãnh lực vô cùng hấp dẫn đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam và các quốc gia chậm tiến Á Phi, nếu họ thực sự mong muốn xây dựng và phát triển đất nước, theo một đường lối khoa hoc, thực tiển và hợp lý nhất.
Ví tác phẩm bao quát nhiều vấn đề lớn lao liên quan đến kinh nghiệm phát triển kinh tế của Nhật Bản, Liên sô, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ.. và cả trường hợp của Trung Cộng nữa. Đó là những đề tài quá lớn cho bài viết này. Do đó, người viết nghĩ rằng, vấn đề thời sự nóng bỏng nhất hiện nay là vấn đề Trung Cộng xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải, các hải đảo Hoàng Sa & Trường Sa cùng vùng Cao Nguyên Trung Phần. Chúng ta thử tìm xem, gần 50 năm trước đây, ông Nhu đã tiên đoán hiểm họa này ra sao, đã kiểm điểm lại chính sách ngoại giao sai lầm của chúng ta như thế nào và phương sách nào phải theo đuổi để chống lại Trung Cộng, để chúng ta có thể thấy được kiến thức uyên bác của một chính trị gia và cũng là một học giả lỗi lạc của thời đại chúng ta.
Sự Thiển Cận Của Nhà Cầm quyền Hà Nội.
Sự xâm lăng của Trung Quốc đối với Việt Nam có tính cách trường kỳ, nhưng những nhà lãnh đạo Hà Nội vì thiển cận và vì quyền lợi hẹp hòi của Đảng Cộng Sản và cũng có thể vì quyền lợi cá nhân ích kỷ của những vị lãnh đạo, đã không ý thức hiểm họa xâm lăng khiếp hải đó của Trung Quốc, họ đã xem nhẹ quyền lợi của quốc gia, dân tộc, đã liên kết với Trung Cộng và Liên Sô, đánh mất đi cơ hội ngàn năm một thuở, là khai thác những mâu thuẫn giữa hai khối Tây Phương và Liên Sô sau Thế Chiến Thứ Hai, để khôi phục độc lập và nhận viện trợ của cả hai khối để phát triển dân tộc…như Ấn Độ. Trái lại, việc cam tâm làm chư hầu cho Trung Cộng và Liên Sô đã đưa Việt Nam vào cuộc chiến tranh với Tây Phương một cách vô nghĩa và phi lý, và đã đem lại một hậu quả vô cùng khủng khiếp cho cả dân tộc, đó là sự hủy diệt toàn bộ sinh lực của quốc gia, cả về phương diện tinh thần lẫn vật chất và sinh mạng của người Việt, trong suốt hơn 30 năm… Nhưng còn tệ hại hơn nữa, là sự nhận viện trợ đó từ Trung Cộng đã là tiền đề để rước họa xâm lăng từ phương Bắc vào Việt Nam ngày nay.
Từ những năm đầu của thập niên 1960, ông Nhu đã nhìn thấu suốt được hiểm họa xâm lăng truyền kiếp đó như sau:
Trong lịch sử bang giao, giữa chúng ta và Trung Hoa, các biến cố xảy ra đều do hai tâm lý đối chọi nhau. Từ năm 972, sau khi đã nhìn nhận độc lập của Việt Nam rồi, lúc nào Trung Hoa cũng nghĩ rằng đã mất một phần lãnh thổ quốc gia, và lúc nào cũng khai thác mọi cơ hội đưa đến, để thâu hồi phần đất mà Trung Hoa xem như là của họ. Bên kia, Việt Nam lúc nào cũng nỗ lực mang xương máu ra để bảo vệ nền độc lập của mình. Tất cả các sự kiện, xảy ra giữa hai quốc gia, đều do sự khác nhau của hai quan niệm trên.
Ngay năm 981, nghĩa là vừa ba năm sau khi đã nhìn nhận độc lập của Việt Nam, Tống triều thừa lúc nội chính Việt Nam có biến, vì Đinh Tiên Hoàng vừa mất, và sự kế vị không giải quyết được, gởi sang Việt Nam hai đạo quân, do đường thuỷ và đường bộ, để đặt lại nền thống trị của Trung Hoa.
Ý cố định của Trung Hoa là đặt lại nền thống trị và không lúc nào Trung Hoa thỏa mãn với sự thần phục và triều cống của chúng ta. Ngay những lúc mà quân đội chúng ta hùng cường nhất, và chiến thắng quân đội Trung Hoa, thì các nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng khôn ngoan, tìm cách thỏa thuận với Trung Hoa và tự đặt mình vào chế độ thuộc quốc. Nhưng, điều mà Trung Hoa muốn không phải là Việt Nam chỉ thần phục và triều cống. Trung Hoa, suốt gần một ngàn năm lịch sử, lúc nào cũng muốn lấy lại mảnh đất mà Trung Hoa coi như bị tạm mất.
Trong 900 năm, từ năm 939 đến năm 1840, khi Tây phương tấn công vào xã hội Đông Á làm cho những mâu thuẫn, nội bộ của xã hội này, tạm ngưng hoạt động, Trung Hoa đã bảy lần toan chiếm lại nước Việt Nam. Hai lần do nhà Tống chủ trương, ba lần nhà Nguyên, một lần nhà Minh và một lần nhà Thanh. Một hành động liên tục như vậy, nhất định có nghĩa là tất cả các triều đại Trung Hoa đều theo đuổi một chính sách, đặt lại nền thống trị trên lãnh thổ Việt Nam. Chính sách này do một điều kiện địa dư và kinh tế ấn định: lưu vực sông Hồng Hà là đướng thoát ra biển thiên nhiên của các tỉnh Tây Nam của Trung Hoa, và ngược lại cũng là con đường xâm nhập cho các đạo quân chinh phục vào nội địa Trung Hoa. Đã như vậy thì, ngay bây giờ, ý định của Trung Cộng vẫn là muốn thôn tính, nếu không phải hết nước Việt Nam, thì ít ra cũng Bắc phần. Cũng chỉ vì lý do này mà, năm 1883, Lý Hồng Chương, thừa lúc Tự Đức cầu viện để chống Pháp, đã, thay vì gởi quân sang giúp một nước cùng một văn hóa để chống ngoại xâm, và thay vì cứu viện một thuộc quốc mà Trung Hoa đáng lý ra có nhiệm vụ bảo vệ, lại thương thuyết một kế hoạch chia cắt Việt Nam với Pháp, Trung Hoa dành cho mình các phần đất gồm các vùng bao bọc lưu vực sông Hồng Hà để lấy đường ra biển. Và ngay Chính phủ Tưởng Giới Thạch năm 1945, dành phần giải giới quân đội Nhật Bản từ vĩ tuyến 16 trở lên phía Bắc[4], cũng vì lý do trên.
Xem thế đủ biết rằng, đối với dân tộc chúng ta họa xâm lăng là một mối đe dọa thường xuyên. (tr. 166)
Do đó, Trung Hoa của Mao Trạch Đông, cũng như Trung Hoa của các triều đại Nguyên, Tống, Minh, Thanh là một đe dọa truyền kiếp.
Sùng Bái Chủ Nghĩa Cộng Sản là một Sai Lầm Nghiêm Trọng
Trong khi Liên Sô và Trung Cộng xem chủ nghĩa Cộng Sản như là phương tiện tranh đấu để qui tụ các nước nhược tiểu Á Phi vào đồng minh với họ, chống lại sự bao vây của Tây Phương nhằm giúp họ phát triển kinh tế của đất nước họ, thì Cộng Sản Việt Nam sùng bái chủ nghĩa Cộng Sản như là một chân lý để cải tạo xã hội và xây dựng đất nước. Chính vì sự thiếu sáng suốt của nhà cầm quyền Hà Nội đã khiến Việt Nam phải bị chia cắt làm 2 miền vào năm 1954, mất đi cơ hội ngàn năm một thuở, để xây dựng đất nước và củng cố độc lập để chống ngoại xâm.
Ông Nhu đã luận giải nan đề đó như sau:
Nhưng chúng ta cũng còn nhớ rằng Nga Sô sở dĩ liên kết với các thuộc địa của Tây phương là bởi vì Nga Sô cần có đồng minh trong công cuộc chiến đấu trường kỳ và vĩ đại với Tây phương, mà mục đích trước hết và trên hết, là phát triển dân tộc Nga. Tính cách thiêng liêng giữa các đồng chí của lý tưởng cách mạng xã hội thế giới chỉ là một tín hiệu tập hợp qui tụ kẻ thù của Tây phương vào một mặt trận phục vụ một chiến lược tranh đấu của dân tộc Nga. Ngày nay, mục đích phát triển của Nga đã đạt. Sự thay thế các giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn của Nga Sô bằng những giá trị tiêu chuẩn, di sản của văn minh nhân loại, như chúng ta đã thấy trong một đoạn trên, là một bằng cớ hùng biện nhất, soi sáng lập trường của Nga. Trung Cộng tố cáo Nga phản bội chủ nghĩa Các-Mác Lê-Nin vì những sự kiện trên. Trung Cộng lại muốn thay thế Nga, nhân danh chủ nghĩa Các-Mác Lê Nin hô hào qui tụ các nước kém mở mang, để phục vụ công cuộc phát triển cho dân tộc Trung Hoa. Ngày nào mục đích phát triển đã đạt, thì cuộc đồng minh mới này do Trung Cộng đề xướng cũng không còn hiệu lực đối với Trung Cộng, cũng như cuộc đồng minh trước đây do Nga đề xướng, ngày nay, không còn hiệu lực đối với Nga. Và mục đích cuối cùng của cuộc tranh đấu vẫn là mục đích dân tộc.
Nhiều nhà lãnh đạo Á Đông mà quốc gia cũng đã bị Đế quốc thống trị, đã đủ sáng suốt để nhìn thấu thâm ý chiến lược của Nga Sô. Gandhi và Nehru, từ chối sự đồng minh với Cộng Sản vì lý do trên.(tr. 201)
Chúng ta chưa có một tài liệu hay một triệu chứng nào chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo miền Bắc hiện nay đã nhận thức các điều kiện trên. Ngược lại, các thư lại chính trị của miền Bắc còn đang ca tụng như là những chân lý những giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn mà Nga Sô đã bỏ. Như thế thì có lẽ dân tộc chúng ta còn phải bất hạnh mục kích các nhà lãnh đạo miền Bắc của chúng ta tôn thờ như một chân lý, một lý thuyết mà Nga Sô và Trung Cộng chỉ dùng làm một phương tiện tranh đấu và Nga Sô bắt đầu sa thải khi mục đích phát triển đã đạt.
Như thế thì, giả sử mà người Pháp có thật sự thi hành một chính sách trả thuộc địa, như người Anh, đối với Việt Nam, thì các nhà lãnh đạo miền Bắc cũng chưa chắc đã đưa chúng ta ra được ngoài vòng chi phối trực tiếp của hai khối để khai thác mâu thuẫn mà phát triển dân tộc.
Trong hoàn cảnh mà cuộc tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương chi phối nặng nề hành động chính trị của các quốc gia nhỏ, lập trường Cộng Sản, lệ thuộc Trung Cộng, của các nhà lãnh đạo miền Bắc, đương nhiên gây phản ứng của Tây phương và sự phân chia lãnh thổ cũng không tránh được.
Như vậy, tư cách Cộng Sản của các nhà lãnh đạo miền Bắc là một điều kiện thuận lợi giúp cho người Pháp thi hành những toan tính chính trị của họ ở Việt Nam. Và lập trường Cộng Sản lệ thuộc Nga Sô và Trung Cộng là một nguyên nhân của sự phân chia lãnh thổ Việt Nam, trong khung cảnh chính trị của thế giới, sau Đại chiến thứ hai, do sự tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương chi phối.
Tóm lại nguyên nhân sâu xa của sự phân chia lãnh thổ Việt Nam ngày nay là chính sách thuộc địa của Pháp và lập trường Cộng Sản lệ thuộc Nga Sô và Trung Cộng của các nhà lãnh đạo miền Bắc.
Trong thực tế, sự phân chia đã nảy mầm khi hai quốc gia Tây phương Anh và Mỹ, để dọn đường cho một giải pháp chấm dứt sự bế tắc của Pháp ở Việt Nam, nhìn nhận và bắt dầu viện trợ cho quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, viện trợ quân sự và kinh tế đều qua tay chính phủ Pháp. Và một phần lớn, đã được sử dụng trực tiếp hay gián tiếp trong công cuộc tái thiết nước Pháp đã bị chiến tranh tàn phá. Thời gian qua, xét kỹ thì thời kỳ này lại là thời kỳ mà những thủ đoạn chính trị của Pháp ở xứ này mang đến nhiều kết quả nhất.
Bên khối Cộng Sản, Nga và Trung Cộng cũng nhìn nhận Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam và cũng bắt đầu viện trợ.
Từ đây, chiến cuộc Việt Nam, biến thành một chiến trường quân sự và địa phương của cuộc tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương. Những mâu thuẫn giữa Nga Sô và Tây phương mà, đúng lý ra, phải được dùng để phát triển dân tộc, lại trở thành những khí giới gieo rắc sự chết cho toàn dân. Những yếu tố của một cơ hội phát triển đã biến thành những khí cụ của một tai họa.
Đồng thời, điều này vô cùng quan trọng cho chúng ta, sự chi phối của Trung Hoa, và sau lưng sự chi phối, sự đe dọa xâm lăng của Trung Hoa, mà chúng ta đã biết là vô cùng nặng nề, một cách liên tục, cho chúng ta trong hơn tám trăm năm, tạm thời đình chỉ trong gần một thế kỷ Pháp thuộc, đã bắt đầu hoạt động trở lại dưới các hình thức viện trợ và cố vấn quân sự cho quân đội của Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam.
Chúng ta thừa hiểu rằng sự phát triển của Tàu, là mục đích trước và trên hết trong mọi cuộc Đồng Minh hiện nay của các nhà lãnh đạo Trung Cộng, cũng như sự phát triển của Nga là mục đích trước và trên hết trong mọi cuộc Đồng Minh trước đây của các nhà lãnh đạo Nga. (tr. 202 -204).
Nhưng Hà Nội còn phạm những lỗi lầm nghiêm trọng hơn nữa, khi quyết định dùng võ lực để thôn tính miền Nam, đã dẫn tới việc trực tiếp đụng độ quân sự với Hoa Kỳ, khiến miền Bắc đã khánh tận và kệt quệ trong cuộc chiến tranh chống Pháp càng lún sâu trong cảnh tượng hoàn toàn đỗ nát và hoang tàn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, mà ngày nay, qua hành động gần như van nài của Hà Nội để xin lập lại bang giao với Hoa Kỳ vào năm 1996, ai còn chút lương tri bình thường cũng thấy rằng cuộc chiến đó là hoàn toàn vô lý và xuẫn động, mà nguy hiểm hơn nữa là trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Cộng tự do xâm lăng Việt Nam, vì Mỹ đã không còn hiện diện ở miền Nam, để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng.
Trong tác phẩm Chinh Đề Việt Nam, hiểm họa xâm lăng của Trung Cộng ngày nay cũng đã được báo động cách đây gần 50 năm:
Sự lệ thuộc nói trên và sự chia đôi lãnh thổ đã tạo hoàn cảnh cho sự chi phối và sự toan thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam tái hiện dũng mãnh, sau gần một thế kỷ vắng mặt. Ký ức của những thời kỳ thống trị tàn khốc của Tàu đối với chúng ta còn ghi trong mỗi trang lịch sử của dân tộc và trong mỗi tế bào của thân thể chúng ta.
Các nhà lãnh đạo miến Bắc, khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc.
Sở dĩ, tới ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.
Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng, thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô.
Vì vậy cho nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc. Do đó, tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách trống trị một lần nữa. (tr.212)
Chính Sách Ngoại Giao
Có lẽ, trong quá khứ, chúng ta quá sùng bái văn hóa Khổng Mạnh và quá lệ thuộc về chính trị đối với các Hoàng Đế Trung Quốc, nên chúng ta đã không xây dựng được một đường lối ngoại giao khoáng đạt như Nhật Bản để có thể cứu nguy cho đất nước, khi dân tộc bị nạn ngoại xâm. Ông Nhu đã kiểm điểm sự thất bại nặng nề của chính sách ngoại giao của các vua chúa ngày xưa qua những dòng dưới đây:
Họa xâm lăng đe dọa dân tộc chúng ta đến nỗi, trong suốt một ngàn năm lịch sử từ ngày lập quốc, trở thành một ám ảnh cho tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta. Và do đó mà lịch sử ngoại giao của chúng ta lúc nào cũng bị chi phối bởi một tâm lý thuộc quốc.
Hai lần Lý Thường Kiệt và Nguyễn Huệ tìm cách đả phá không khí lệ thuộc đó. Nhưng mặc dầu những chiến công lừng lẫy và tài ngoại giao rất khéo, hai nhà lãnh đạo trứ danh của dân tộc vẫn phải khuất phục trước thực tế.
Tâm lý thuộc quốc đè nặng, chẳng những trên sự bang giao, giữa chúng ta và Trung Hoa, lại còn lan tràn sang lĩnh vực bang giao giữa chúng ta và các nước láng giềng. Nếu, đối với Trung Hoa, chúng ta là thuộc quốc, thì đối với các nước chung quanh, chúng ta lại muốn họ là thuộc quốc. Tâm lý đó làm cho sự bang giao, giữa chúng ta và các nước láng giềng, lúc nào cũng gay go. Đã đành rằng công cuộc Nam tiến của chúng ta, là một công trình mà dân tộc đã thực hiện được. Nhưng chúng ta còn thiếu tài liệu để cho các sử gia có thể xét đoán xem, nếu chính sách ngoại giao của chúng ta khoáng đạt hơn, tựa trên những nguyên tắc phong phú hơn thì, có lẽ sự bành trướng của chúng ta sẽ không một chiều như vậy. Ví dụ, một câu hỏi mà chúng ta không thể tránh được: chúng ta là một dân tộc ở sát bờ biển, nhưng sao nghệ thuật vượt biển của chúng ta không phát triển? Nếu chính sách ngoại giao của chúng ta phong phú hơn, và không bó hẹp vào một đường lối duy nhất, có lẽ sự bành trướng của dân tộc chúng ta, đã sớm phát ra nhiều ngõ, và sinh lực của chúng ta không phải chỉ dồn vào mỗi một công cuộc Nam tiến. Nước chúng ta ở vào giữa hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ. Với một chính sách ngoại giao khoáng đạt hơn, sự liên lạc quốc tế của chúng ta có lẽ đã rộng rãi hơn, và do đó, vị trí của chúng ta sẽ, đương nhiên, được củng cố bằng những biện pháp dồi dào và hữu hiệu hơn.
Nhưng thực tế là vậy đó. Họa xâm lăng của Trung Hoa đè nặng vào đời sống của dân tộc chúng ta, đến nỗi, tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta đều bị ám ảnh bởi sự đe dọa đó. Và, để đối phó lại, họ chỉ có hai con đường, một là thần phục Trung Hoa, hai là mở rộng bờ cõi về phía Nam.
Sở dĩ, khi bị Tây phương tấn công, mà các nhà lãnh đạo Triều Nguyễn của chúng ta lúc bấy giờ, không có đủ khả năng quan niệm một cuộc ngoại giao rộng rãi, để khai thác mâu thuẫn giữa các cường quốc Tây phương, là vì các nhà lãnh đạo của chúng ta không lúc nào vùng vẫy, đả phá nỗi không khí tâm lý thuộc quốc đã đời đời đè nặng lên lịch sử ngoại giao của chúng ta. Hành động ngoại giao duy nhất lúc bấy giờ là gởi sứ bộ sang cầu cứu với Trung Hoa. Chúng ta đã biết Trung Hoa đã hưởng ứng như thế nào lời kêu gọi của nhà Nguyễn. Nhưng Trung Hoa cũng đang bị đe dọa như chúng ta, nếu không có lẽ Trung Hoa đã lại thừa cơ hội mà đặt lại nền thống trị ở Việt Nam.
Các sứ bộ của chúng ta gởi sang Pháp lại cũng với mục đích điều đình, thần phục với Pháp như chúng ta quen điều đình, thần phục với Trung Hoa, chớ không phải với mục đích đương nhiên phải có của một hành động ngoại giao, là khai thác các mâu thuẫn để mưu lợi cho mình.
Vì thế cho nên, nếu chúng ta có cho rằng, công cuộc Nam tiến thành công là một kết quả của chính sách ngoại giao một chiều như trên đã trình bày, thì cân nhắc kết quả đó với những sự thất bại mà cũng chính sách ngoại giao đó đã mang đến cho chúng ta trong một ngàn năm lịch sử, thì có lẽ những sự thất bại nặng hơn nhiều.
Sự bành trướng của chúng ta đã thâu hẹp lại và chỉ theo có một chiều, bỏ hẳn cửa biển bao la đáng lý ra phải là cái cửa sống cho chúng ta.
Nền ngoại giao của chúng ta ấu trĩ nên, lúc hữu sự, không đủ khả năng để bảo vệ chúng ta. Trong khi đó, đối với một quốc gia nhỏ lúc nào cũng bị họa xâm lăng đe dọa, thì ngoại giao là một trong các lợi khí sắc bén và hữu hiệu để bảo vệ độc lập và lãnh thổ.
Trong chín trăm năm, từ ngày lập quốc, chúng ta đã bị ngoại xâm tám lần, bảy lần do Trung Hoa và một lần do Tây phương. Chúng ta đẩy lui được sáu lần, chỉ có lần thứ sáu nhà Minh đặt lại nền thống trị, trong hai mươi năm, và lần thứ tám đế quốc Pháp xâm chiếm toàn lãnh thổ và thống trị chúng ta trong hơn tám mươi năm.
Vì vậy cho nên, chốngngoại xâm là một yếu tố quan trọng trong chính trị của Việt Nam. Chính trị cổ truyền, của các triều đại Việt Nam không được quan niệm rộng rãi nên, nếu có phân nửa kết quả đối với sự xâm lăng của Trung Hoa thì lại hướng chúng ta vào một chính sách chật hẹp về ngoại giao. Do đó tất cả sinh lực phát triển của dân tộc, thay vì mở cho chúng ta được nhiều đường sống, lại được dốc hết vào một cuộc chiến đấu tiêu hao chỉ để tranh giành đất dung thân. Một mặt khác, chính sách ngoại giao chật hẹp đã đưa chúng ta vào một thế cô lập cho nên lúc hữu sự, các nhà lãnh đạo của chúng ta không đương đầu nổi với sóng gió, và lưu lại nhiều hậu quả tai hại cho nhiều thế hệ.
Chính sách chống ngoại xâm.
Cái họa ngoại xâm đối với chúng ta hiển nhiên và liên tục như vậy. Vì sao những biện pháp cổ truyền, của các nhà lãnh đạo của chúng ta trước đây, thành công phân nửa, trong công cuộc chống ngoại xâm Trung Hoa, nhưng thất bại trong công cuộc chống ngoại xâm Tây phương?
Trước hết, các biện pháp cổ truyền đã đặt vấn đề ngoại xâm của Trung Hoa là một vấn đề chỉ liên quan đến hai nước: Trung Hoa và Việt Nam. So sánh hai khối Trung Hoa và Việt Nam, và như thế, đương đầu phải là mục đích đương nhiên, thì chúng ta đã thất bại rồi. Những sự thần phục và triều cống chỉ là những biện pháp hoãn binh. Và vấn đề chống ngoại xâm chưa bao giờ được các triều đại Việt Nam đặt thành một chính sách đương nhiên và nguyên tắc, đối với một nước nhỏ, như nước chúng ta. Vì thế cho nên, những biện pháp cần được áp dụng, như biện pháp ngoại giao, đã không hề được sử dụng khi Tây phương xâm chiếm nước ta.
Lý do thứ hai, là công cuộc chống ngoại xâm chỉ được chuẩn bị trên lĩnh vực quân sự. Nhưng, nếu chúng ta không thể phủ nhận tính cách cần thiết và thành quả của các biện pháp quân sự trong các chiến trận chống các triều đại Trung Hoa: nhà Tống, nhà Nguyên cũng như nhà Minh, nhà Thanh, chúng ta phải nhìn nhận rằng nỗ lực quân sự của chúng ta rất là giới hạn. Và ngày nay, độc lập rồi, thì nỗ lực quân sự của chúng ta chắc chắn cũng rất là giới hạn.
Như vậy, đối với một nước nhỏ, trong một công cuộc chống ngoại xâm, biện pháp quân sự không thể làm sao đủ được. Trên kia, chúng ta có đề cập đến những biện pháp ngoại giao, đặt trên căn bản khai thác mâu thuẫn giữa các cường quốc để bảo vệ độc lập cho chúng ta.
Tuy nhiên biện pháp cần thiết nhất, hữu hiệu nhất và hoàn toàn thuộc chủ động của chúng ta, là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, và phát huy ý thức quốc gia và dân tộc. Đồng thời, áp dụng một chính sách cai trị khoáng đạt, mở rộng khuôn khổ lãnh đạo, để cho vấn đề lãnh đạo quốc gia được nhiều người thấu triệt.
Nếu ý thức quốc gia và dân tộc được ăn sâu vào tâm não của toàn dân, và độc lập và tự do được mọi người mến chuộng, thì các cường quốc xâm lăng, dầu có đánh tan được tất cả các đạo quân của chúng ta và có thắng chúng ta trong các cuộc ngoại giao đi nữa, cũng không làm sao diệt được ý chí quật cường của cả một dân tộc.
Nhưng ý chí quật cường đó đến cao độ, mà không người lãnh đạo thì cũng không làm gì được đối với kẻ xâm lăng. Vì vậy cho nên, đồng thời với những biện pháp quần chúng nói trên, cần phải áp dụng những biện pháp giáo dục, làm cho mỗi người dân đều quen biết với vấn đề lãnh đạo, và, điều này còn chính yếu hơn nữa, làm cho số người thấu triệt vấn đề lãnh đạo quốc gia càng đông bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Bởi vì, có như thế, những người lãnh đạo mới không bao giờ bị tiêu diệt hết được. Tiêu diệt người lãnh đạo là mục đích đầu tiên và chính yếu của các cường quốc xâm lăng.
Nhân đề cập đến vấn đề chống xâm lăng trên đây, lý luận đã dẫn dắt chúng ta đến một vấn đề vô cùng quan trọng.
Trước tiên chúng ta nhận thức rằng đối với một nước nhỏ như chúng ta, họa xâm lăng là một đe dọa thường xuyên.
Để chống xâm lăng, chúng ta có những biện pháp quân sự và ngoại giao. Nhưng hơn cả các biện pháp quân sự và ngoại giao, về phương diện hữu hiệu và chủ động, là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, phát huy ý thức quốc gia và dân tộc, và mở rộng khuôn khổ giới lãnh đạo, để cho vấn đề lãnh đạo quốc gia được nhiều người thấu triệt.
Sự thể đã như vậy, thì đương nhiên một chính thể chuyên chế và độc tài không làm sao đủ điều kiện để bảo vệ quốc gia chống ngoại xâm được. Bởi vì bản chất của một chính thể chuyên chế và độc tài là tiêu diệt tận gốc rễ tinh thần tự do và độc lập trong tâm não của mọi người, để biến mỗi người thành một động cơ hoàn toàn không có ý chí, dễ điều khiển dễ đặt để, và dễ sử dụng như một khí cụ.
Bản chất của môt chính thể chuyên chế và độc tài là giữ độc quyền lãnh đạo quốc gia cho một người hay một số rất ít người, để cho sự thấu triệt các vấn đề căn băn của quốc gia trở thành, trong tay họ, những lợi khí sắc bén, để củng cố địa vị của người cầm quyền.
Hơn nữa, giả sử mà chính thể chuyên chế hay độc tài chưa tiêu diệt được hẳn tinh thần tự do và độc lập trong ý thức của mọi người, thì, tự nó, một chính thể chuyên chế hay độc tài cũng là một lợi khí cho kẻ ngoại xâm. Bởi vì, dưới một chế độ như vậy, nhân dân bị áp bức, sẽ đâm ra oán ghét người lãnh đạo họ, và hướng về, bất cứ ai đánh đổ người họ oán ghét, như là hướng về một người giải phóng, mặc dầu đó là một kẻ xâm lăng. Lịch sử xưa nay của các quốc gia trên thế giới đều xác nhận điều này: Chỉ có những dân tộc sống tự do mới chống được ngoại xâm.
Riêng về dân tộc chúng ta, chắc chắn rằng sự kháng cự của chúng ta đối với sự xâm lăng của Tây phương sẽ mãnh liệt hơn bội phần nếu trước đó, nhà Nguyễn, thay vì lên án tất cả những người bàn về quốc sự, đã nuôi dưỡng được tinh thần tự do và độc lập của mỗi người và phát huy ý thức quốc gia và dân tộc trong nhân dân.
Ngược lại, mấy lần dân tộc thắng được ngoại xâm, từ nhà Trần đánh đuổi Mông Cổ, đến nhà Lê đánh quân Minh và Quang Trung chiến thắng Mãn Thanh, đều nhờ ở chỗ các nhà lãnh đạo đã khêu gợi được ý chí tự do và độc lập của toàn dân.
Và vấn đề vô cùng quan trọng mà chúng ta đã nêu ra trên kia là vấn đề chính thể của nước Việt Nam. Vì những lý do trình bày trên đây, chính thể thích nghi cho dân tộc chúng ta, không phải định đoạt do một sự lựa chọn căn cứ trên những lý thuyết chính trị, hay là những nguyên nhân triết lý, mà sẽ được qui định một cách rõ rệt bởi hoàn cảnh địa dư và lịch sử của chúng ta, cùng với trình độ phát triển của dân tộc.
Nếu bây giờ chúng ta chưa có ý thức rõ rệt chính thể ấy phải như thế nào, thì ngay bây giờ chúng ta có thể quan niệm được rằng chính thể đó không thể là một chính thể chuyên chế hay độc tài được. Đó là một thái độ rất rõ rệt.
Tóm lại theo ông Nhu, muốn thoát khỏi hiểm họa xăm lăng của Trung Hoa, chúng ta phải theo đuổi 3 biện pháp sau đây:
Biện pháp ngoại giao.
Việt Nam cần phải có một sách lược ngoại khôn khéo, biết khai thác những mâu thuẩn giữa các cường quốc, các thế lực của các liên minh khu vực như khối ASEAN, khối Liện Hiêp Âu Châu…vì ngày nay theo khuynh hướng toàn cầu hóa của thế giới, thì ảnh hưởng kinh tế của các quốc gia trên thế giới còn có một tác động quyết định tới sự sồng còn đối với Trung Cộng, hơn là 30 hay 40 chục năm trước đây.
Ngày nay, sự mâu thuẩn và tranh chấp giữa các cường quốc không còn gay cấn như thời chiến tranh lạnh, nhưng một quốc gia như Trung Cộng với một dân số hơn 1.3 tỉ người, chiếm tỉ lệ 19.64% dân số thế giới, đang vươn vai đứng dậy với tham vọng làm một cường quốc bá chủ Á Châu. Đó không những là một đe dọa riêng rẽ cho khu vực Á Châu Thái Bình Dương mà còn là một hiểm họa chung cho cả thế giới nữa. Trước đây gần 50 năm, ông Nhu cũng đã đề cập đến vấn đề này,
Không phải tình cờ mà ông Paul Reynaud, cựu Thủ Tướng Pháp trong cuộc viếng thăm nước Nga đã long trọng tuyên bố với Thủ Tướng Krutchev. “ Nếu các ông tiếp tục viện trợ cho nước Tàu, trong vài mươi năm nữa, một tỷ dân Trung Hoa sẽ đè bẹp các ông và Âu Châu”. (Tr. 157)
Trong tháng 9. 2009 vừa qua, nhà cầm quyền Hà Nội, đã cử Tướng Phùng Quang Thanh, sang Tân Gia Ba để ký Hiệp Ước Hợp Tác Quốc Phòng, Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh đến Úc Châu, và Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm đến Hoa Kỳ, bí mật thảo luận về vấn đề an ninh lãnh thổ, phải chăng là thái độ nước đến chân mới nhảy, như hai phái đoàn của các vua chúa Triều Nguyễn ngày xưa, chúng ta thử nghe ông Nhu biện giải:
Sau khi Trung Hoa bị tấn công, thì lúc bấy giờ phản ứng của chúng ta là vội vã gửi hai phái bộ sang Pháp và Anh, mà không có một sự chuẩn bị ngoại giao nào cả. Lối gởi phái bộ như vậy là lối gởi phái bộ sang Tàu xưa nay. Và sự gởi hai phái bộ sang Pháp và Anh, theo lối gởi phái bộ sang Tàu xưa nay, lại càng làm cho chúng ta nhận thức, một cách rõ rệt hơn nữa, quan niệm ngoại giao của chúng ta lúc bấy giờ mang nặng ‘tâm lý thuộc quốc’ [đối với Tàu], đến mức độ nào.(tr. 181).
Lẽ ra, các nhà lãnh đạo Hà Nội phải tích cực hơn, phải khôn khéo hơn, nếu không dám công khai, thì ít ra cũng phải bí mật, vận động giới truyền thông thế giới, cảnh báo và vận động dư luận thế giới, trước hết là các quốc gia ở vùng Đông Nam Á Châu, rồi đến Nga Sô, Liên Hiệp Âu Châu và các quốc gia Á Phi biết về hiểm họa xâm lăng của Trung Cộng. Điều rõ ràng nhất hiện nay, là các quốc gia trong vùng như Úc, Tân Gia Ba, Thái Lan, Nam Duong9 và Mã Lai Á [5], đều gia tăng ngân sách cho tài niên 2009 về Không lực và Hải quận gấp bội, nhằm đối đầu với âm mưu bành trướng của Trung Cộng. Nghĩa là các quốc gia này đều bắt đầu lo sợ về sự lớn mạnh của Trung Cộng, nhưng chưa có một vận động quốc tế nào nhằm qui tụ những nỗ lực này thành cụ thể và tích cực để ngăn chặn sự bành trướng đó. Việt Nam là nạn nhân trước hết và trực tiếp của nguy cơ này, phải biết dồn hết nỗ lực về mặt trận ngoại giao, phải vận động, công khai hoặc bí mật, tất cả các quốc gia trên thế giới nhận thức sâu sắc được mối hiểm họa nghiêm trọng này và khi tạo được sự đồng thuận của đa số… Việt Nam vận động đưa vấn đề này ra Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, dù biết rằng hiện nay Trung Cộng là 1 trong 5 hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An có quyền phủ quyết, mọi nghị quyết của Đại Hội Đồng. Nhưng vấn đề chủ yếu của Việt Nam là chính thức công khai đưa ra trước Liên Hiệp quốc một hiểm họa thực sự nghiêm trọng của toàn thế giới, để kiếm tìm một hổ trợ quốc tế tích cực nhằm ngăn chặn âm mưu xâm lăng từ Trung Cộng. Hơn nữa, Việt Nam cũng phải biết vận động và nỗ lực đưa vấn đề này ra trước Tòa Án Quốc Tế ở The Hague (International Court of Justice at The Hague). Mục đích không phải là tìm kiếm một phán quyết của tòa án này cho vần đề tranh chấp, nhưng trọng điểm của nỗ lực này là tạo nên sự chú tâm theo dỏi của dư luận quốc tế về một hiểm họa chung của thế giới
Chúng ta còn nhớ, khi muốn lật đỗ chinh quyền Ngô Đình Diệm, Nhóm chống Tổng Thống Diệm trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã vận dộng các quốc gia Á Phi đưa vấn đề được báo chí Hoa Kỳ thời đó gọi là Đàn Áp Phật Giáo và Vi Phạm Nhân Quyền tại Việt Nam, ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, chuẩn bị dư luận trước ở các quốc gia Á Phi cho việc thay đổi chính phủ tại miền Nam, trước khi âm mưu tổ chức đảo chánh ở Sài Gòn, để khỏi gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tại các quốc gia đó đối với chính sách ngoại giao của Mỹ. Nhưng ông Nhu và Gs. Bửu Hội[6] đã phá vỡ âm mưu này bằng cách chính thức mời Liên Hiệp Quốc cử một phái đoàn đến Việt Nam điều tra tại chổ, trước khi đưa vấn đề này ra thảo luận tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Rồi khi phái đoàn này đến Việt Nam điều tra và hoàn thành một bản phúc trinh dày gần 300 trang, với kết luận là không có đàn áp Phật Giáo tại Việt Nam, thì Bộ Ngoai Giao Hoa trở nên lúng túng, sợ rằng nếu đưa vấn đề này ra thảo luận tại Liên Hiệp Quốc sẽ làm giảm uy tín của Hoa kỳ và tạo cơ hội cho Trung Cộng tấn công Hoa kỳ đã xen vào nội bộ của Việt Nam và đã tổ chức đảo chánh ở Saigon, nên cử Cabot Lodge vào đầu tháng 12. 1963, liên lạc với Sir Senerat Gunaewardene của Tích Lan, là trưởng phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc lúc đó, đừng đưa bản phúc trình này ra thảo luận tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc nữa, và Sir Senerat đã đồng ý làm điều đó như một ân huệ cá nhân của ông dành cho Lodge (Gunawardene agreed to do so as a personal favor to Lodge), vì trước đây khi làm Đại Sứ Hoa kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Lodge là bạn của ông.[7]
Như vậy, chúng ta thấy đối với một cường quốc như Hoa Kỳ, họ còn biết vận dụng Diễn Đàn Liên Hiệp Quốc hỗ trợ cho những mục tiêu chính trị của họ. Tại sao Việt Nam đứng trước một hiểm họa đe dọa sinh tử đến vận mạng của cả dân tộc, chúng ta lại không vận động để tìm hậu thuẩn của thế giới để bảo vệ nền độc lập của chúng ta ?
Nhưng thực tế, chúng ta rất đau lòng, khi thấy, các nhà lãnh đạo Hà Nội, về phương diện ngoại giao, đã đánh mất rất nhiều cơ hội lịch sử quí báu, để khôi phục độc lập cho dân tộc và phát triển quốc gia. Đó là cơ hội của những năm 1945, 1954, 1973 và 1975. Thực vậy, nếu ngày xưa các vua chúa Triều Nguyễn, vì quá tin tưởng vào văn hóa Trung Hoa đã trở nên tự tôn và thiển cận, thì ngày nay các nhà lãnh đạo Hà Nội cũng quá sùng bái chế độ Cộng Sản và quá tin tưởng vào lý luận giai cấp đấu tranh, đã trở nên mù quáng, xem mọi người đều là kẻ thù, nên chưa bao giờ họ có thể đề ra một chính sách ngoại giao khoáng đạt và lương hảo, còn về phương diện quốc nội họ cũng không có đủ cởi mở, để thực tâm mời những thành phần khác biệt chính kiến, thành lập một chính phủ đoàn kết để phất triển quốc gia. Trái lại, họ chỉ có những thủ đoạn chính trị gian trá và xão quyệt để lừa dối đối phương, để rồi cuối cùng là tiêu diệt đối phương. Điều này chứng tỏ hết sức rõ rệt khi nhìn về lịch sử Việt Nam Cận và Hiên Đại. Năm 1946, Cộng Sản dùng chiêu bài chính phủ Liên Hiệp, để tiêu diệt phe Quốc Gia, rồi năm 1954, ký hiệp định Genevea, chưa ráo mực, họ đã vi phạm hiệp định này, bằng cách gài lại hơn 70,000 cán bộ tại miền Nam với âm mưu khuynh đảo chính quyền Quốc Gia Việt Nam. Đến năm 1973, một lần nữa, họ đã lừa phỉnh để tiêu diệt phe quốc gia dưới chiêu bài mới là Hòa Hợp và Hòa Giải Dân tộc. Còn đối với quốc tế, khi ký hiệp định Paris, họ long trọng cam kết để nhân dân Miền Nam hoàn toàn tự do quyết định vận mạng của mình. Ngay sau đó, khi người Mỹ, theo đúng cam kết của hiệp định này, rút khỏi miền Nam, thì họ đem quân xóa sỗ chinh phủ Sài Gòn…Với một những phương cách gọi là liên hiệp, hợp tác và một lịch sử bang giao đầy phản trắc và gian trá như vậy, ai còn có thể tin tưởng vào Hà Nội để hợp tác hữu nghị. Do dó, từ ngày cướp chính quyến tại Hà Nội vào tháng 8 năm 1945 đến nay, các nhà lãnh đạo miền Bắc bị đuôi mù bởi lý thuyết Mác-Lênin và Mao Trach Đông, theo đuổi một chế độ độc tài phi nhân, tàn sát và thủ tiêu các thành phần bất đồng chính kiến, đầy đọa toàn dân trong cảnh nghèo đói, thất học, thù hận và bắn giết lẫn nhau. Còn về phương diện quốc tế, vì thiếu hiểu biết và chỉ biết quyền lợi của phe nhóm, nên họ đã liên kết với Trung Cộng và Liên Sô, để đưa toàn thể dân tộc vào một cuộc chiến tranh kéo dài hơn 30 năm. Đó là một cuộc chiến tranh lâu dài và khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại. Thực vậy, lâu dài nhất vì cuộc Thế Chiến I, chỉ có 4 năm, từ 1914-1918, Thế Chiền 2, chỉ có 6 năm, từ 1939-1945, và khốc liệt nhất, vì số bom đạn được sử dụng trong chiến trường Việt Nam gấp 2.5 số bom đạn dùng trong Thế Chiến 2. Nhưng điều tệ hại hơn nữa, khi nhận viện trợ từ Trung Cộng để đánh Mỹ cũng là lúc họ đã thực sự rước họa xâm lăng từ phương Bắc vào Việt Nam.
Đối với những nhà lãnh đạo có một não trạng bệnh hoạn như vậy làm sao có được một viễn kiến chính trị sâu sắc, một chính sách ngoại giao khoáng đạt và biết khai thác những mâu thuẩn quốc tế để kiếm tìm nhũng đồng minh hữu hiệu, để rồi cùng với sự hỗ trợ tích cực của toàn dân trong nước, nhằm tạo thành một sức mạnh dũng mãnh để chống lại hiểm họa xâm lăng của Trung Cộng
Biện Pháp Quân Sự
Hiện nay, Việt Nam có một đội quân khoảng 450,000 người. Đây là một lực lượng quân sự lớn nhất so với các quốc gia tại Đông Nam Á hiện nay. Nhưng vấn đề đặt ra liệu quân nhân dưới cờ còn có tinh thần để hy sinh và chấp nhận gian khổ để chiến đấu nữa hay không? Khi chính họ chứng kiến những thực trạng xã hội quá phũ phàng trước mắt, trong khi các lãnh tụ của họ tìm mọi cách để vơ vét tài sản quốc gia cho cá nhân, gia đình và phe nhóm, còn tuyệt đại đa số dân chúng, trong đó có cả các gia đinh bộ đội Cộng Sản, bị bóc lột, sống trong cảnh khốn cùng nhất, chưa từng thấy trong lịch sử cận đại Việt Nam, từ trước tới nay, nghĩa là còn cơ cực hơn thời Thực Dân Pháp đô hộ đất nước chúng ta. Nhưng sau hết và mấu chốt hơn hết, vẫn là vấn đề các nhà lãnh đạo Hà Nội có còn ý chí để chiến đấu nhằm bảo vệ tổ quốc chống lại họa ngoại xâm nữa hay không? Chúng ta hơi bi quan, khi nghe lời bình luận của Carl. Thayer, một chuyên gia về các vấn đề Việt Nam, tại Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Dantroon của Úc. có lẽ bây giờ các nhà lãnh đạo Hà Nội đã trở nên quá giàu có, họ muốn được yên thân để bảo vệ tài sản và gia đình của họ hơn.. cho nên việc mất thêm một vài hải đảo xa xôi như Hoàng Sa và Trường Sa, mất thêm một ít lãnh thổ và lãnh hải ở phía Bắc không còn là vấn đề quan trọng với họ nữa !
Biện Pháp Chính Trị
Đó là nuôi dưỡng tinh thần độc lập, tự cường, tự chủ cùng ý thức quốc gia và dân tộc. Ông Nhu đã biện giải vấn đề này như sau:
Tuy nhiên biện pháp cần thiết nhất, hữu hiệu nhất và hoàn toàn thuộc chủ động của chúng ta, là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, và phát huy ý thức quốc gia và dân tộc. Đồng thời, áp dụng một chính sách cai trị khoáng đạt, mở rộng khuôn khổ lãnh đạo, để cho vấn đề lãnh đạo quốc gia được nhiều người thấu triệt.
Và sau cùng ông Nhu đã đi đến kết luận, muốn thắng hiểm họa xâm lăng của Trung Cộng một chính thể chuyên chế hay độc tài như Hà Nội hiện nay, không thể nào thành công được.
Trong khi đó, chúng ta đều biết rằng hiện nay thế giới đang chứng kiến những thay đổi khốc liệt nhất, đặc biệt là trong lãnh vực tin học và khoa học kỹ thuật, còn trong lĩnh vực chính trị ngoại giao, như Tổng Thống Obama, cũng kêu gọi, một sự hợp tác và hòa giải giữa các quốc gia, để đẩy lùi bóng tối của chiến tranh và nghèo đói, nhằm kiến tạo một kỷ nguyên hữu nghị, hợp tác, hòa bình và thịnh vượng cho toàn thế giới, thì các nhà lãnh đạo của Hà Nội vẫn giữ nguyên bản chất của Cộng Sản là độc quyền lãnh đạo, độc tài toàn trị và để cũng cố chính quyền chuyên chế, họ thẳng tay đàn áp đối lập, các giáo hội tôn giáo chân chính, áp dụng chính sách đầy đọa người dân trong cảnh nghéo đói, chậm tiến và thất học… để trong nước không còn ai có thể chống đối lại họ được.
Với những kiểm điểm sơ lược trên đây, chúng ta đều thấy trước rằng, nếu dân tộc chúng ta không còn cơ may để thay đổi thành phần lãnh đạo tại Bắc Bộ Phủ, thi vấn đề Việt Nam nội thuộc nước Tàu chỉ còn là vấn đề thời gian.
TS PHAM VĂN LƯU
Melbourne, 1. 11. 2009

Hệ lụy thực từ "thế giới ảo"

Trong khoảng mười năm trở lại đây ở Việt Nam, internet đã có sự phát triển mang tính bùng nổ, tạo nên một "thế giới ảo", mà đối với không ít người, thế giới đó đã trở thành một nhu cầu thực. Nhưng, xét từ những hệ lụy mà internet đưa tới, liệu có nên coi đó chỉ là "thế giới ảo" hay không, nhất là với văn chương - nghệ thuật?
1. Cách đây khoảng 10 năm, nhiều người mới chỉ hình dung về internet như một môi trường để trao đổi thông tin bằng thư điện tử, trò chuyện trực tuyến, truy cập để đọc các website, tra cứu thông tin bằng các công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên trong những năm gần đây, với việc áp dụng các tiến bộ công nghệ, đã giúp internet phát triển không chỉ ở phạm vi ngày càng lan rộng, tạo điều kiện để mỗi người có thể chiếm lĩnh và tạo lập không gian cá nhân một cách dễ dàng, mà với những sản phẩm như blog, mạng xã hội, trang mạng cá nhân, internet còn tạo dựng nên một "không gian ảo" với sự hỗ trợ của các công cụ internet đã làm tăng tính giao tiếp giữa người chủ các website và "công chúng ảo". Ðặc biệt từ các blog, mạng xã hội đến website đều cung cấp khả năng nhận được phản hồi và bình luận (feedback, comment) từ người đọc. Tất nhiên, ở phương diện này, người làm chủ các blog, mạng xã hội, website có thể kiểm soát các phản hồi bằng cách kiểm duyệt hoặc xóa các phản hồi ngoài tầm kiểm soát, hoặc ngoài ý muốn...
  Có thể nói sự phát triển, phổ biến của internet tại Việt Nam đã đem lại một phương thức mới, tạo nên một không gian mới của văn chương - nghệ thuật. Nói cách khác, các thành tựu của công nghệ đã tạo điều kiện và tác động mạnh mẽ đến đời sống văn chương - nghệ thuật. Nếu chỉ giới hạn trong không gian phổ biến bằng tiếng Việt, trong khoảng mười năm vừa qua, đã có không ít website văn chương của một nhóm người hoặc một cá nhân đã được thực hiện tại Việt Nam và ở nước ngoài. Không chỉ là thú chơi nhất thời, một số website văn chương đã có quy mô, sự phong phú gần như là một sản phẩm báo chí, có thời gian tồn tại kéo dài trong nhiều năm (trước Cách mạng Tháng Tám 1945, một số tờ báo có giá trị văn học - văn hóa cũng chỉ tồn tại khoảng dưới 5 năm). Ðiều đó cho thấy, đến một thời điểm nào đó, những website này cũng sẽ có thể trở thành một loại hiện tượng cần đề cập trong văn học sử. Và trong khi ở một website chuyên về văn học đầu tiên đã phải đóng cửa do sự thay đổi chính sách của cơ quan chủ quản thì nhiều website của các nhà văn hoặc nhóm nhà văn khác vẫn tiếp tục tồn tại với bài vở được cập nhật hằng ngày. Ðấy là chưa kể đến các blog và trang mạng xã hội của một số người cầm bút, mà căn cứ vào tác phẩm đã công bố, có thể thấy có người đã hoặc sẽ trở thành nhà văn chuyên nghiệp.
  2. Với những biểu hiện mang tính hiện tượng đó, nhiều người đã nói về một "nền văn học ảo", một "nền văn học mạng". Nhưng liệu việc sự phổ biến của văn học trên mạng internet là một sự thay đổi mang tính bản chất hay chỉ là sự mở rộng phương thức phổ biến văn chương? Một điều dễ thấy là rất nhiều văn bản các loại lúc đầu chỉ xuất hiện và tồn tại dưới dạng "ảo", nhưng rốt cuộc lại chinh phục thế giới thực dưới dạng sách giấy. Ðó là con đường của không ít tác giả mới viết hoặc các bloger, lúc đầu tạo lập nên tên tuổi và công chúng trên internet, sau đó xuất bản tác phẩm dưới dạng sách giấy, để rồi cuối cùng chinh phục công chúng thực bằng doanh số thực. Ðó cũng là trường hợp của một số nhà văn mở rộng hoạt động sang "thế giới ảo", rồi sau đó thu thập các văn bản "ảo" xuất bản thành sách giấy, tạo nên những hiện tượng "best-seller" (sách có nhiều độc giả). Bản thân điều đó đã cho thấy cái đích cuối cùng của các "công dân mạng viết văn" vẫn là thế giới thực với công chúng và doanh số thực.
  Có thể nói "thế giới ảo" đã cung cấp một phương thức tồn tại mới cho văn chương. Nhìn từ bản chất, một trong các quy luật tồn tại mang tính phổ biến cho mọi cộng đồng người và mọi thời đại chính là sự xung đột giữa những nhu cầu cá nhân và những chế định mang tính xã hội (là xã hội nói chung chứ không riêng lĩnh vực văn chương). Những chế định xã hội là các chuẩn mực tồn tại dưới dạng quy ước, cao nhất là đã được luật hóa để áp dụng trong toàn xã hội nhằm bảo đảm khả năng chung sống và tính văn minh của xã hội. Ðơn cử như việc ở bất cứ xã hội nào, kể cả ở các quốc gia được cho là tự do nhất, đều có các điều luật liên quan đến việc hạn chế những sản phẩm mang tính khiêu dâm, trừng phạt những hành vi xâm hại tới an ninh quốc gia, cũng như an ninh và sự an toàn của mỗi cá nhân. Tất nhiên, xem xét một cách biện chứng, các chế định này thường "đi sau" nhu cầu cá nhân và nhu cầu cá nhân luôn có khuynh hướng phát triển theo hướng đa dạng hóa, vượt ra ngoài khuôn khổ của các chế định xã hội. Trong giới hạn nhất định, có thể nói sự phổ biến trên mạng là một lối thoát cho xung đột, hay đó là một cách thức giải tỏa một số "nút thắt" trong thế giới thực. Với thế giới thực, khả năng công bố tác phẩm và giới thiệu tác giả là có hạn, trong khi nhu cầu viết của người cầm bút lại vô cùng phong phú, internet cung cấp một không gian cho người viết, tự do và đơn giản hơn nếu xuất hiện trong môi trường thực. Họ có thêm không gian cho thể nghiệm mới và những cách tân cả về nội dung và nghệ thuật. Bên cạnh đó, internet còn giúp gia tăng khả năng giao tiếp giữa người viết và công chúng, giúp người viết có thể nhận được phản hồi tức thời từ phía độc giả để kịp thời điều chỉnh hoạt động sáng tác.
  3. Vậy là với ý nghĩa nhất định, "thế giới ảo" đã bù đắp được một số phương diện của thế giới thực; đặc biệt, nó đem tới cho người tham gia vào thế giới đó một cảm giác về sự tự do khi nó giúp người viết vượt ra khỏi một số chế định về xã hội. Trong thế giới thực, khi đề cập những vấn đề như quan hệ tình dục, đánh giá những hiện tượng xã hội hoặc một số vấn đề lịch sử,... cả người viết văn lẫn người biên tập và xuất bản đều phải có sự cân nhắc, trong khi đó, trong thế giới của internet, những rào cản đó dường như là không còn tồn tại. Chính vì vậy, sự tồn tại của "thế giới ảo" luôn đi kèm với những mặt trái, chạm đến những cái ngưỡng. Trước hết, đó là cái ngưỡng mang tính bản chất của sáng tạo. Nói gì thì nói, một sáng tạo nghệ thuật vẫn cần (phải) là một sáng tạo mang tính cá nhân trong một hình thức hoàn chỉnh. Cộng đồng văn chương mạng từng chứng kiến không ít "cái chết" của những dự án cách tân theo kiểu biến tất cả mọi thứ trao đổi trên internet thành một tiểu thuyết vô tận, không có hồi kết. Bên cạnh đó là cái ngưỡng của các chuẩn mực văn hóa. Công chúng đã chứng kiến không ít hành động "cách tân" của văn chương mạng (chính xác hơn của những thứ văn chương không thể công bố ở đâu khác ngoài mạng!) bằng cách đưa những lớp ngôn ngữ tục tĩu, thậm chí đưa cả tên tuổi của các nữ đồng nghiệp vào những sáng tạo thơ ca đầy tục tĩu đó.
  Như vậy, "văn chương ảo" đang chơi một trò chơi hai mặt. Một mặt, "thế giới ảo" tạo nên tâm thế ở người tham gia các mức độ khác nhau của sự vô trách nhiệm. Người ta có thể núp dưới một tên giả, một biệt hiệu. Người ta cũng có thể thực hiện một website về bản chất là một tờ báo nhưng lại không hề bị kiểm soát của luật báo chí như những sản phẩm báo chí khác. Nhiều người đã có ảo tưởng về tính dân chủ của không gian ảo nhưng quên rằng, thực chất mỗi nhận xét, mỗi phản hồi đều có thể được người chủ trang web hoặc bloger kiểm duyệt, định hướng giữ lại những gì có lợi cho mình và loại bỏ những gì khác biệt, từ đó tạo nên hiệu ứng đám đông và thực hiện các toan tính cá nhân. Cũng không khó để nhận ra rằng, những tranh luận trong môi trường văn học ảo đang bị biến thành một cái chợ, khi mà người ta có thể thoải mái moi móc đời tư với những câu chuyện vô bằng cớ và tận dụng hiệu ứng tâm lý đám đông để triệt hạ đối thủ. (Có thể coi trường hợp một hiện tượng sáng tác thơ mới được tổ chức hội thảo gần đây là một thí dụ. Ðành rằng, thơ của tác giả này có vấn đề về nội dung, nghệ thuật cũng như cách mà ông ta thần bí hóa công việc viết lách của mình. Dẫu vậy, cách mà các công dân mạng phê phán cũng hết sức có vấn đề, đậm mầu sắc "bỏ bóng đá người"). Quan trọng hơn nữa, một số công dân mạng lợi dụng hình thức "ảo" để vô trách nhiệm về mặt phát ngôn nhưng nạn nhân của họ lại là những con người thật và hệ lụy của những cuộc "tấn công" cũng lại là rất thật. Nguy hại hơn, không chỉ giới hạn trong phạm vi văn chương, những blog và website cá nhân này còn vươn cả sang những lĩnh vực khác như đời sống kinh tế, chính trị. Lợi dụng danh nghĩa những nhận xét, bình luận, cảm nhận cá nhân; đánh vào tâm lý "thích chuyện lạ" của con người, họ thậm chí còn đề cập thiếu trách nhiệm vào những quyết sách lớn của Nhà nước hoặc uy tín của những con người cụ thể trong bộ máy quyền lực. Khi đó, những hệ lụy của "thế giới ảo" sẽ là khôn lường. Ðiều đó cho thấy, đã đến lúc cần có một phương thức quản lý theo hướng "thực hóa thế giới ảo", buộc các chủ thể của "thế giới ảo" phải "giải ảo" và chịu trách nhiệm về các phát ngôn - thông tin của mình. Ðồng thời mỗi người khi tham gia vào "thế giới ảo" cũng cần phải trở thành những "người tiêu dùng thông tin thông thái".
Lê Anh
(Nhân dân) 

"Tôi ủng hộ phương án cấm Facebook của độc giả Phạm Quốc Dũng"

(dạo này có nhiều người nghĩ rằng đây là 1 cách để nổi tiếng ;)))

 
"Vẫn biết facebook là một mạng xã hội sẽ có cả điểm tốt và điểm xấu, nhưng nó "giống như nhập gia tùy tục", nếu vào hoạt động ở trong một quốc gia nào thì phải tuân thủ và hoạt động theo đúng luật pháp và phong tục tập quán, văn hóa... của nước sở tại. Tôi đề nghị nhà nước nên có cách kiểm soát chặt chẽ nếu không thì chắc chắn phải có biện pháp cấm ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam", độc giả Tuấn Trần chia sẻ ý kiến trong lá thư gửi đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam....
Ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết của độc giả Phạm Quốc Dũng với nội dung "Cần phải chấm dứt ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam", tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả. Trong hàng nghìn comment, email gửi đến tòa soạn thì trong đó hầu hết phản bác ý kiến mà anh Phạm Quốc Dũng đưa ra.
Nhưng trong số những ý kiến đó cũng có một số ý kiến trái chiều và thể hiện quan điểm là ủng hộ với ý kiến của độc giả Phạm Quốc Dũng là "Cần phải chấm dứt ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam". Để rộng đường dư luận, trong phạm vi bài này, Giáo dục Việt Nam xin đăng tải ý kiến của bạn đọc Tuấn Trần để mọi người cùng tham khảo...
Độc giả Phạm Quốc Dũng đang bị "ném đá" oan?
Tôi đã đọc rất kỹ các ý kiến được độc giả Phạm Quốc Dũng nêu trong bài "Cần phải chấm dứt ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam". Và là một người cũng đã có thời gian dài sử dụng facebook nên tôi thấy rằng, với những lập luận mà ông Dũng đã đưa ra trong bài thực sự là rất hợp lý, chỉ có điều độc giả Phạm Quốc Dũng chỉ chưa đưa ra cụ thể những dẫn chứng về các mặt xấu, những hệ lụy, những mặt trái mà facebook đem lại. Và tôi sẽ giúp độc giả Phạm Quốc Dũng cụ thể hóa những điều này trong ý kiến dưới đây.
"Tôi nghĩ rằng, ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của mình, và quan điểm đó có đúng hay không và sẽ phù hợp trong thời điểm nào thì việc đó hậu xét. Và Chúng ta không nên chỉ vì một phút chốc mà lại đi ném đá một quan điểm như vậy. Các vị có quyền đưa ra quan điểm của các vị thì tôi cũng có quyền đưa ra quan điểm của tôi chứ. Và trong việc này, việc có nên chấm dứt hoạt động của facebook tại Việt Nam hay không thì phải cần đến cơ quan chức năng của nhà nước căn cứ, quyết định. Bản thân tôi và ông Phạm Quốc Dũng làm sao quyết định được.?", Độc giả Tuấn trần nêu quan điểm.
Tôi đã dành rất nhiều thời gian để đọc hết bài viết của độc giả Phạm Quốc Dũng và hàng trăm ý kiến comment trái chiều về việc có nên chấm dứt hoạt động của facebook tại Việt Nam hay không. Và tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông Phạm Quốc Dũng là nên chấm dứt.
Năm nay tôi ngoài 40 tuổi, hiện đang công tác tại một cơ quan nhà nước tại Hà Nội, cho dù tôi chỉ mới biết facebook qua bạn bè và 2 đứa con giới thiệu cho mình và họ cũng lập cho tôi một tài khoản, nhưng tôi cũng chỉ xem qua một vài lần rồi cũng ít khi để ý đến.
Trước hết tôi không phủ nhận những mặt lợi, tích cực của facebook đem lại như ông Phạm Quốc Dũng đã nói: Đó là khi tham gia vào cộng đồng này, người dùng có thể thỏa sức kết nối, kết bạn với bạn bè ở khắp mọi nơi trong nước và thế giới, khoảng cách địa lý ở đây dường như bị thu hẹp, thậm chí là bỏ đi.
Mọi người có thể thỏa mái bày tỏ những lời chia sẻ, những tâm sự thậm chí là những quan điểm cá nhân trước một hay nhiều sự việc, sự kiện nhất định của bản thân hay xã hội mà không bị giới hạn.
Không chỉ thế, ở đây còn là một diễn đàn mở, khi không phải chỉ ý kiến một người mà nhiều khác cũng có thể tham gia cùng bình luận, chia sẻ các ý kiến, quan điểm của mình.
Nói cách khác, khi sử dụng facebook, các thành viên có thể cảm thấy được rõ nhất sự tự do, thoải mái, không bị gò bó, khuôn phép.
Những trò chơi, ứng dụng vui trên facebook cũng giúp cho người tham gia cảm thấy giảm sự căng thẳng, mệt mỏi, áp lực trong công việc.
Nhà nước cần có biện pháp quản lý và kiểm soát hoạt động của facebook?
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của facebook thì trong thời gian qua, đã xuất hiện không ít cá nhân, tổ chức đã lợi dụng facebook để bôi xấu, có những hành động vượt quá khuôn khổ của kỷ cương, các giá trị văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán và pháp luật cho phép.
Mới đây là vụ việc về một vị quan chức bị cư dân mạng hiểu nhầm và ông này bị "ném đá" cũng chỉ vì những thông tin không chính thống phát ra từ một số facebook của các cá nhân, tổ chức nào đó mà chưa qua thẩm định.
Vị quan chức này bị hiểu nhầm chỉ vì những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác minh, thậm chí không đầy đủ nội dung của sự việc, rồi người này lan truyền người kia trên facebook và cuối cùng đã tạo ra hiệu ứng lan truyền không thể kiểm soát trên facebook.
Sự việc đã trở nên không thể kiểm soát và đi quá xa, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi cộng đồng facebook đã chế ra những bức ảnh của vị quan chức cấp cao này với những lời lẽ mỉa mai, dung tục, vô văn hóa không thể chấp nhận được.
Điều này thể hiện một sự duy ý chí, suy nghĩ nóng vội, một chiều, khó kiểm soát và rất dễ dàng bị tác động của cư dân facebook.
Không chỉ vậy trước đó như tôi đã thấy qua báo chí, thì có rất nhiều các vụ việc đáng tiếc xảy ra mà nguyên do cũng là do sự mất kiểm soát từ người dùng facebook. Đó là những việc con cái lên facebook chử bố mẹ, cháu lên facebook chửi ông bà, học sinh lên facebook chửi thầy cô giáo, bạn bè lên facebook chửi bới nhau.... Rồi họ còn lập ra các hội nhóm để tung hấng, bôi xấu, bôi nhọ những điều trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thậm chí bộ xấu, xúc phạm các cá nhân tổ chức....
Đó là chưa kể đến việc hàng ngày bạn phải dành quá nhiều thời gian cho việc chơi facebook thay việc ngụy biện cho đó là giải trí. Tôi thấy 2 đứa con của tôi cứ đi học về là vồ lấy cái máy tính, cái điện thoại, hỏi ra mới biết là chúng nó và facebook. Đã nhiều lần vợ chồng tôi phải đau đầu để bắt con tập trung vào công việc học tập khi mà chúng nó "giải trí quá đà" vào trò vô bổ này.
Vậy bạn thử tưởng tượng đến một ngày nào đó không xa, các bạn trẻ lập ra các hội rủ nhau cùng có những ý nghĩ tiêu cực, rồi tẩy chay bạn bè, tẩy chay thầy cô (và hình như trên facebook đã có nhiều những hội này) thì hậu quả của nó là gì? Con cái bạn sẽ sống trong thế giới ảo và sẽ hành động theo những điều tiêu cực đó mà bạn không thể kiểm soát nổi....Điều gì sẽ xảy ra?
Quả thực tôi cũng không phải là những "con sâu facebook" nên không thể kể hết ra những tính năng hay hạn chế, cũng như những mặt xấu trong việc chơi facebook, nhưng trong một giới hạn nào đó thì tôi nghĩ nhà nước vẫn nên kiểm soát chặt chẽ hoạt động này, nếu không kiểm soát được thì nên cấm và xử lý những người dùng facebook với các ý đồ xấu, không lành mạnh....
Cư dân facebook chưa sòng phẳng?
Một điều nữa mà tôi thấy sau khi đọc xong ý kiến của độc giả Phạm Quốc Dũng đó là chính bản thân cộng đồng faceebook luôn kêu gọi quyền được tự do ngôn luận, tự do trao đổi ý kiến, nhưng chính các bạn đã mất bình tĩnh và không tuân thủ điều đó.
Tôi thấy trong vài trăm comment, ý kiến sau bài viết thì có đến gần như toàn bộ mọi người phản bác ý kiến của ông Phạm Quốc Dũng và trong số đó hầu như ý kiến nào cũng rất gay gắt và phiến diện một chiều theo ý chủ quan của quý vị. Thậm chí còn có nhiều người dùng những từ ngữ nặng nề có tính chất mỉa mai ý kiến của độc giả Phạm Quốc Dũng.
Như vậy điều đó có nghĩ là chính cộng đồng mạng đã không làm đúng theo những gì mà đã được coi như quy ước bất thành văn. Trái lại cộng đồng mạng lại quay lại ném đá một ý kiến, liệu như vậy có sòng phẳng với nhau không?
Tôi nghĩ rằng, ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của mình, và quan điểm đó có đúng hay không và sẽ phù hợp trong thời điểm nào thì việc đó hậu xét. Và Chúng ta không nên chỉ vì một phút chốc mà lại đi ném đá một quan điểm như vậy. Các vị có quyền đưa ra quan điểm của các vị thì tôi cũng có quyền đưa ra quan điểm của tôi chứ. Và trong việc này, việc có nên chấm dứt hoạt động của facebook tại Việt Nam hay không thì phải cần đến cơ quan chức năng của nhà nước căn cứ, quyết định chứ bản thân tôi và ông Phạm Quốc Dũng làm sao quyết định được.?
Việc tự do, thoải mái thông tin là tốt nhưng phải trong khuôn khổ, qui định của pháp luật cho phép, còn thực tế hiện nay, tôi thấy, việc không kiểm soát được facebook như vậy sẽ tiềm ẩn rất nhiều các nguy cơ xấu.
Từ thực tế đó, để tránh những nguy cơ xấu ở trên, tôi thấy rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình đưa các thông tin sai lệch thực tế, gây hoang mang cho dư luận.
Và một việc, theo tôi cũng cần thực hiện sớm đó là, cần phải đóng cửa ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam.
Độc giả Tuấn Trần (Hà Nội)
(GDVN). 

TỪ CUỘC CẢI CÁCH RUỘNG ÐẤT TẠI MIỀN BẮC TRƯỚC NĂM 1975 TỚI CƯỚP GIỰT VƯỜN RUỘNG CẢ NƯỚC NGÀY NAY CỦA CSVN

MƯỜNG GIANG (2008)
Trên cõi đời này đã không có cái gì đáng để gọi là tất yếu cả, giống như lịch sử được hoàn thành, chẳng qua cũng chỉ nhờ vào sự bất ngờ mà tạo nên những sự kiện. Bởi vậy nếu năm 1945 không có sự xuất hiện của Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng Sản, thì chắc chắn Dân Tộc Việt đã thoát được cảnh núi xương sông máu và sự chậm tiến suốt 75 năm qua, khi phải sống dưới ách thống trị của chủ thuyết Mác-Lênin, được đảng ngụy trang qua cái gọi là ‘ tư tưởng HCM ‘.Kể làm sao cho hết được những thảm kịch VN trong thiên đàng xã nghĩa ? sau khi Hồ và đảng đã cưởng đoạt được chính quyền.
Tóm lại VN ngày nay trong vòng tay nhân ái của đảng, đã trở thành một xã hội trộm cướp phi luân, từ trong cung đình ra tới hè phố mà thủ phạm không ai khác hơn là cán bộ, công an và bộ đội giải ngũ. Ðó chẳng phải là sự nghịch lý hay sao, vì cả nước ngày nay đâu có khác gì một nhà tù mà cai ngục là mạng lưới công an đen nghịt vây bũa. Do đó để sống còn, cả nước đã học theo guơng đảng nói láo và lừa bịp lẫn nhau kể cả người thân trong gia đình, đảng đoàn và ngoài xã hội. Trong hệ quả tất yếu của sinh mệnh, mọi tầng lớp đồng bào nghèo nhất là giới thanh niên chỉ còn biết buông xuôi tương lai, bê tha cuộc sống để tự giết mình quên đời. Tất cả mọi sự đổ vở của căn nhà văn hiến VN bao đời, cũng đều do chế độ và chủ nghĩa CS phá sập hay bôi lọ xuyên tạc những quan niệm, truyền thống nếp sống luân lý của dân tộc, để thay vào đó bằng mớ luận thuyết sặc mùi đấu tranh giai cấp Nga-Tàu, nhằm gây chia rẽ mọi người để đảng thao túng cai trị.
Ðó chính là những đóng góp và cái được gọi là tinh thần vô sản ưu việt của đảng CSVN trong dòng lịch sử dân tộc, mà Trần Bạch Ðằng trước khi chết đã to miệng bảo rằng thực thể VN đang thành tựu trong sự phồn vinh ? . Nhận xét trên thật đúng nhưng chỉ dành cho đảng mà thôi vì trong lúc dân nghèo mạt rệp thì chưa lúc nào đảng giàu bằng lúc này, qua nguồn tiền của tư bản đổ vào ào ào như nước chảy, giúp các giai cấp lãnh đạo chính quyền chỉ một sớm một chiều, từ bần cố nông trở nên địa chủ, phú nông và hàng thượng lưu trưởng giả nhất trong xã hội đương thời. VN từ ngày lập quốc tới nay vẫn dựa vào ‘ nông, công và thương nghiệp ‘ để mà sinh tồn mặc dù địa vị của người sĩ phu trí thức được đứng đầu và nông gia chiếm tới 85% dân số cả nước. Chính nhờ vào nền kinh tế tự túc có tính cách gia đình này, mà VN ngay thời kỳ chiến tranh hay bị Pháp đô hộ, vẫn nằm ngoài danh sách 20 quốc gia nghèo đói trên hoàn vũ, trong lúc đó dưới sự hỗn mang của chế độ ‘ công tư sản lẫn lộn ‘ , nước ta bị các cơ quan quốc tế tài trợ như IMF, WB.. xếp vào số 10 nước thiếu ăn, tệ mạt nhất thế giới.
Giữa lúc cả nước vẫn coi cái ăn là điều quan trong của kiếp người, thì đảng lại đốt giai đoạn một trăm năm lạc hậu, xóa bỏ cái nền kinh tế tự túc của dân tộc bao đời, để thay thế vào những bước nhảy vọt giống như Mao Trạch Ðông từng làm thuở nào, qua cái gọi ‘ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ‘ nhưng thực chất là thừa cơ làm thêm một vụ ‘ cải cách ruộng đất ‘ như đã làm trên đất Bắc, để thu gọn vào tay tất cả đất đai vườn ruộng của đồng bào miền Nam VN, một giấc mơ vĩ đại mà đảng đã đeo đẳng suốt 33 năm qua nhưng chưa đạt được vì vấp phải sự chống đối mãnh liệt của tầng lớp nông dân Nam VN, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nhìn lại lịch sử thế giới đặc biệt là tại Trung Hoa, ta thấy hầu hết các cuộc khởi nghĩa nổi dậy chống lại chính quyền, đều do nông dân khởi xướng và tham dự, vì họ chính là nạn nhân bị cường hào ác bá toa rập với bọn quan lại áp chế gây nên cảnh đói khổ lầm than. Ðó là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của Trần Thắng, Ngô Quảng rồi sau đó có Hạng Võ, Lưu Bang.. vào năm 209 trước Tây Lịch, chống lại Tần Nhị Thế và đã làm sụp đổ cơ nghiệp bá quyền của Tần Thỉ Hoàng đã xây dựng trên xương máu của Hán tộc. Nói chung tất cả các triều đại Hán, Tuy, Ðường, Tống, Nguyên Mông, Minh, Thanh đều có các cuộc khởi nghĩa của nông dân để đòi quyền sống, trong số này lừng lẫy nhất là cuộc khởi nghĩa của Hoàng Sào với hơn 600.000 ngàn người tham dự vào năm 878 sau TL, chống lại nhà Ðường. Lịch sử lại tái diễn vào cuối đời Bắc Tống có Tống Giang khởi nghĩa tại Lương Son Bạc, đời Nguyên Mông có Từ Thọ Huy, Trương Sĩ Thành, Chu Nguyên Chương .. cầm đầu những người nông dân nghèo khổ, đánh đuổi được giặc Mông ra khỏi Trường Thành vào năm 1368, khôi phục lại đất nước.
Ở nước ta cũng vậy, vào cuối các đời nhà Lý, Trần, Lê và đầu nhà Nguyễn, nông dân bị bọn quan lại địa phương cấu kết với đám địa chủ, cường hào bốc lột áp chế nên đã nổi dậy khắp nơi chống lại chính quyền. Năm 1945 quân phiệt Nhật cấu kết với thực dân Pháp chiếm gần như toàn bộ đất đai và lúa thóc của nông dân miền Bắc và các tỉnh Bắc Trung Phần, đã gây nên trận đói kinh khiếp nhất trong dòng sử Việt, làm hơn triệu người chết đói, tạo cơ hội để Hồ và đảng CS cướp được chính quyền. Tất cả những dẫn chứng trên, đều là những bài học đích thực của lịch sử chẳng lẽ đảng không biết hay cố tình tự lừa dối mình, để nhắm mắt lao vào một trận cuồng phong bảo táp, do nông dân các tỉnh Nam và Trung Phần tạo nên từ đầu tháng 6-2007 tới nay vẫn còn tiếp diễn, khi quyền sống và sinh mệnh của họ bị đảng cưởng bức, bốc lột và cướp giựt một cách tận tuyệt.
Ðầu tháng 6 năm 1989, cả thế giới bàng hoàng khựng điếng và phẩn nộ trước cuộc thảm sát tại Thiên An Môn, do Trung Cộng gây ra. Phải chăng nhờ có những hình ảnh thực tế của bạo lực được phơi bày ra trước mắt nhân loại, đã mở đường cho sự sụp đổ toàn diện sau đó của khối CS Ðông Âu, Ðông Ðức, Liên Bang Sô Viết và nhiều nước khác khắp thế giới, ngoại trừ Trung Cộng, Việt Cộng, Bắc Hàn và Cu Ba. Nhưng tình hình thế giới ngày nay đã thay đổi, nên dù bị đảng CS dấu kín những thông tin từ bên ngoài, người dân trong nước vẫn có đủ trăm phương ngàn kế để theo dõi ứng phó.
Nhờ vậy nhân loại mới có được tấm hình lịch sử , nhìn rõ tận mắt cảnh Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị công an VC bịt miệng bóp cổ ngay trước mặt quan tòa. Ðiều này cho thấy sau hàng rào kẽm gai và mạng lưới công an với súng đạn mã tấu dao găm, dân tộc VN suốt 33 năm qua đã trãi qua một cuộc sống nô lệ mới, dưới sự cai trị độc ác siêu phong kiến của những khuôn mặt già trẻ độc tài trong chính trị bộ. Thế giới bên ngoài ngày nay đã gần như từng phút một biết được một cách chính xác cuộc sống lầm than của đồng bào cả nước, đến nổi họ đã bất kể mạng sống liều chết đứng dậy tố cáo tội ác của đảng cầm quyền, đòi lại những gì đã bị Việt Cộng tước đoạt suốt 33 năm qua, trong đó có quyền được làm một kiếp người bình thường với những gì của mình được tạo dựng bằng mồ hội nước mắt. Tất cả sự thay đổi chỉ còn là thời gian rất ngắn, có điều chắc chắn là VN ngày nào còn bị đảng CS cai trị, ngày đó nạn ngoại xâm và họa thôn tính của Trung Cộng sẽ không còn bao xa như tin tức mới biết Hải quân Tàu Cộng lại bắn vào ngư dân VN khi họ hành nghề trên chính quê hương mình tại quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ tỉnh Bình Thuận.
1 -TỪ LUẬT NGƯỜI CẦY CÓ RUỘNG TẠI VNCH TỚI VIỆC CẢI CÁCH RUỘNG ÐẤT TRÊN ÐẤT BẮC DO HỒ CHÍ MINH KHỞI XƯỚNG :
Ngày 7 tháng 7 năm 1954 Quốc Trưởng Bảo Ðại cử ông Ngô Ðình Diệm làm Thủ Tướng Quốc Gia VN. Ngày 20-7-1954 đất nước bị chia đôi theo hiệp định Genève nhưng Thủ Tướng Diệm vẫn tiếp tục chức vụ trên phần đất thuộc VNCH từ bên này vĩ tuyến 17 vào tới mũi Cà Mâu. Sau khi định cư cho hơn một triệu dân Miền Bắc di cư và giãi quyết được tình hình chính trị nội bộ, vào tháng 1-1955 Thủ Tướng Diệm đã ký hai Dụ số 2 và 7 nhằm thiết lập một Quy Chế liên hệ tới các Tá Canh đang thuê mướn ruộng để canh tác, chấm dứt các hợp đồng thuê mướn ruộng bằng miệng giữa chủ đất và nông dân với giá thuê rất cao, được trả bằng nông sản đã thu hoạch. Nhờ đó giá thuê đất chỉ còn có phân nữa và điều kiện thuê mướn cũng được ấn định rõ ràng, hoàn toàn có lợi cho nông dân nghèo.
Ngày 26-10-1955 Thủ Tướng Diệm trở thành Tổng Thống đầu tiên của nền đệ nhất Cộng Hòa Miền Nam qua một cuộc phổ thông đầu phiếu. Ngày 22-10-1957 Tổng Thống Diệm ban hành Dụ số 57 nhằm cải cách điền địa khắp lãnh thổ Miền Nam VN, trong đó qui định mỗi điền chủ tối đa chỉ có 100 mẫu tây (Ha) ruộng, gồm 30 mẫu trực canh và 70 mẫu cho thuê. Riêng số đất bị truất hữu, chính phủ đã bồi thường thỏa đáng cho các địa chủ với 10% tiền mặt, 90% còn lại trả trong 12 năm với tiền lời hằng năm là 3%, qua dạng trái phiếu, có giá trị như tiền mặt để trả thuế, mua cổ phiếu trong các xí nghiệp của chính phủ. Tất cả ruộng đất bị truất hữu, chính phủ đều bán lại cho các tá điền, mỗi người 5 mẫu tây, theo giá đã mua của địa chủ và được trả góp trong 12 năm. Qua luật cải cách này, chính phủ đã mua lại được hơn 430.319 mẫu tây đất, để bán lại cho giới tá điền, giúp họ cũng được làm chủ ngay trên mãnh đất mình đang canh tác.
Tiếp tục sự nghiệp dang dở của cố Tổng Thống Diệm, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa Miền Nam VN đã ban hành Ðạo Luật số 003/70 ngày 26-3-1970 cũng nhằm việc cải cách ruộng đất gọi là ‘ Luật Người Cầy Có Ruộng ‘.Sự khác biệt của đạo luật mới là luật được áp dụng chung cho các chủ đất không trực canh, không áp dụng cho các loại ruộng hương hỏa và những nông dân có số ruộng dưới 15 mẫu. Cũng theo luật mới này, chính phủ sẽ thu mua hết số đất trên 15 mẫu ấn định, để cấp phát cho các tá điền nghèo được ấn định 3 mẫu tây (Nam Phần) và 1 mẫu tây cho Miền Trung và Cao Nguyên. Riêng những chủ đất bị truất hữu , chính phủ sẽ bồi thường 20% tiền mặt, số còn lại trả bằng trái phiếu trong 8 năm với lãi suất thường niên là 10%.
Hởi ôi đời là vậy, trong khi chính phủ VNCH đã làm hết trách nhiệm để giúp cho các tá điền nghèo cực thoát được cảnh bốc lột của chủ đất, thì một số lại chạy theo VC chống lại chính quyền, khiến cho Miền Nam phải sụp đổ vào ngày 30-4-1975, đất đai vườn ruộng của nông dân được chính phủ VNCH phân phát ngày trước đã bị đảng hợp tác hóa, rốt cục người nghèo tay trắng vẫn hoàn trắng tay, phải nai lưng cầy thuê cuốc mướn cho tầng lớp địa chủ mới không ai khác hơn là các giai cấp lãnh đạo của VC. Nhưng quan trọng hơn hết là qua hai lần cải cách điền địa tại VNCH, đều dựa vào sự bình đảng và tình người, cho nên đã không có cảnh đấu tố, giết người như đã xãy ra ở miền Bắc. Ðó là sự khác biệt giữa con người văn minh nhân bản được gọi là Người Việt Quốc Gia và Người Phát Xít không tim óc nhân tính quen sống với độc tài đảng trị mà nhân loại gọi là Cộng Sản.
+ Cuộc Cải Cách Ruộng Ðất của Hồ Chí Minh :
Ngày 5-6-1948 Cao Ủy Liên Bang Ðông Dương là Emile Bollaert qua Thỏa Ước Hạ Long đã thừa nhận Quốc Gia VN dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng Bảo Ðại là một nước Ðộc Lập trong Liên Hiệp Pháp. Ngày 8-3-1949 Quốc Trưởng Bảo Ðại lại ký với Tổng Thống Pháp Vincent Auriol Thỏa Ước Elysée tại Paris, theo đó Pháp công nhận VN là một Quốc Gia thống nhất gồm 3 miền, Bắc, Trung và Nam Phần. Chính vì vậy nên Trung Cộng và Liên Xô trước sau vào tháng 1-1950 đã vội vã công nhận chính phủ VN Dân Chủ Cộng Hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Kể từ đó, VN đã có hai chính phủ đối lập, một của người Việt Quốc Gia và một của Ðệ Tam Cộng Sản Quốc Tế. Năm 1950, Hồ sang Liên Xô cầu viện đồng thời nhận chỉ thị của Staline đem về nước thi hành, trong đó có việc công khai hóa hoạt động của đảng Cộng Sản và đẩy mạnh công tác cải cách ruộng đất theo đường hướng của Sô Viết. Công tác này được Hồ cho thi hành qua năm đợt, bắt đầu năm 1949 tới 1956 mới tạm kết thúc vì nhu cầu tuyên truyền ‘ sinh Bắc tử Nam ‘ qua cuộc chiến xâm lăng VNCH.
Nói chung cảnh đấu tố của VC chỉ xãy ra dữ dội tại lãnh thổ của VN dân Chủ Cộng Hòa gồm Bắc Phần và các tỉnh Thanh, Nghệ , Tỉnh, Quảng Bình và một phần Quảng Trị nằm bên kia vĩ tuyến 17. Ở miền Nam VN trước ngày chia đôi đất nưóc năm 1954, các tình Nam. Ngãi, Bình, Phú bị Việt Minh chiếm đóng được gọi là Liên Khu 5 cũng diễn ra cảnh đấu tố nhưng không sắt máu chết người như ở miền Bắc , nhất là giai đoạn từ 1955-1956 khi Hồ thi hành theo lệnh của Staline và Mao Trạch Ðông.
Khởi đầu cuộc cải cách ruộng đất, Hồ đã ký sắc lệnh số 78 ngày 14-7-1949 thành lập Hội Ðồng Giảm Tô bắt các đia chủ phải giảm tiền thuê đất cho tá điền từ 25-30% và thông tư số 33 ngày 21-8-1949 về nguyên tắc phân chia số ruộng đất cho nông dân nghèo, vừa được tịch thu của các điền chủ người Pháp và người Việt bị đảng gán tội là Việt Gian. Năm 1950 Hồ ký hai sắc lệnh số 89 ngày 22-5 xóa bỏ tất cả hợp đồng thuê mướn ruộng giữa điền chủ tá điền trước và sau năm 1945 và sắc lệnh số 90 ký cùng ngày , quốc hữu hóa tất cả những ruộng đất đã bỏ hoang trên 5 năm, nói là để cấp phát cho người nghèo tạm thời sử dụng trong 10 năm và miễn đóng thuế trong 3 năm đầu. Một đại hội đảng CS đã được triệu tập vào cuối tháng 11-1953 tại chiến khu Việt Bắc để bàn về việc ‘ cải cách ruộng đất ‘ và quyết định này lại được Quốc Hội VC vừa mới được thành lập vào năm 1946 hợp thức hóa trước khi đem thi hành. Lần cải cách này, Hồ không theo Liên Xô mà lại theo đường lối của Trung Cộng và Bắc Hàn không bỏ hẳn quyền sở hữu đất đai của nông dân dù thực tế chỉ là lý thuyết vì đảng đã quản lý tất cả. Cũng trong đợt cải cách này đảng công khai tịch thu đất đai của các địa chủ đã bỏ về Tề bị kết tội là Việt Gian, của người Pháp và những ngoại kiều khác. Nhiều tòa án nhân dân đặc biệt được thành lập để xét xử bất cứ ai chống lại đảng về việc cải cách ruộng đất.
Sau khi đất nước bị chia đôi vào năm 1954, tình hình ruộng đất ở miền Bắc thuộc Cộng Sản cai trị đã có sự thay đổi rất lớn vì đã có hơn 1 triệu người di cư vào Nam bỏ lại toàn bộ điền sản, nên vào ngày 14-6-1955 HCM lại ký một sắc lệnh về cải cách ruộng đất mới, ra lệnh tịch thu toàn bộ đất đai tài sản của bất cứ ai bị gán cho cái tội phản động, Việt Gian, địa chủ, cường hào ác bá. trong đó có cả các cơ sở tôn giáo, những người từng tham gia cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.. Sự trưng thu trên chẳng những không được bồi thường mà Hồ còn ra lệnh cho các tòa án nhân dân đặc biệt định tội những nạn nhân bị đảng qui kết tội mà không cần phải xét xử điều tra gì cả vì mọi vấn đề liên quan tới sự phân chia tài sản, ruộng đất và thành phần xã hội đã được các chóp bu trong chính tri bộ quyết định sẳn theo sự chỉ đạo của Liên Xô và Trung Cộng.
Ðể tiến hành cuộc cải cách ruộng đất, Hồ ban hành lệnh ‘ rèn cán chỉnh quân ‘ và ‘ rèn cán chỉnh cơ ‘ vào năm 1949. Trong lúc cả nước đều phải học tập về chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng Hồ vẫn chưa thấy đủ nên năm 1950 lại bắt ‘ chỉnh huấn ‘ vừa để thanh lọc hàng ngũ đảng, củng cố tư tưởng vô sản để hổ trợ công tác sắp tới. Tháng 3-1953 đảng ban hành một sắc lệnh qui định lại những thành phần xã hội gồm : Ðịa Chủ là những người có từ 3 mẫu ta ruộng đất trở lên, Phú Nông có 3 mẫu ruộng và 1 con trâu, Trung Nông có 1 tới 3 mẫu ruộng và 1 con trâu, Bần Nông có ít ruộng đất và Bần Cố Nông là những tá điền không đất ruộng.
Ðể lôi cuốn quần chúng nông thôn, đảng khích động sự căm thù giai cấp , đưa cán bộ về tận nông thôn để sống với dân cùng ăn, cùng ở, cùng làm để nạp bè kết đảng. Có như vậy cán bộ đảng mới nắm rõ tình hình của địa phương, tìm đúng những tên đầu trộm đuôi cướp hung hãn để khuyến khích chúng đứng ra tố khổ các nạn nhân theo danh sách đảng đã lập sẳn, qua cái gọi là tòa án nhân dân đặc biệt. Công tác được tiến hành ngay khi đất nước vừa chia đôi vào ngày 20-7-1954 do một Uỷ Ban Cải Cách Ruộng Ðất lãnh đạo tại trung ương có Trường Chinh (TBT) và ba phụ tá là Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Hồ Viết Thắng. Tại địa phương, đảng cho thành lập mỗi tỉnh 10 đoàn với nhân số mỗi đoan có 100 cán bộ, đoàn trưởng có chức vụ ngang hàng với bí thư tỉnh uỷ, chỉ làm việc thẳng với trung ương . Mỗi đoàn lại chia thành nhiều đội cải cách với nhân số từ 6-7 người mà đội trưởng lại là thành phần bần cố nông sinh sống tại địa phương. Tất cả những thành phần trên được Hồ ra lệnh cho bộ đội chính qui vừa từ mặt trận Ðiện Biên Phủ trở về bảo vệ. Do đó chúng đã phóng tay, khiến cho chẳng những người sống phải khiếp sợ mà cả đất trời cây cỏ và súc vật cũng phải điêu đứng vì ‘ Thà giết oan 10 người còn hơn bỏ sót một tên phản động ‘.
Hiện vẫn còn nhiều người được chứng kiến cảnh đấu tố năm nào trên đất Bắc, khi kể lại cảnh tượng trên, vẫn không ngăn nổi sự khiếp đãm rùng mình về sự tra tấn các nạn nhân như bỏ cho chết đói, mắng chữi hành hạ trước khi đào hố chôn sống hay đánh đập cho tới chết..
+ Hậu Quả Cuộc Cải Cách Ruộng Ðất ở Miền Bắc :
Theo các tài liệu còn lưu trử , thì cuộc cải cách ruộng đất trong năm 1955-1956, đã bức hại từ 120.000 – 200.000 người, trong số này có khoảng 40.000 – 60.000 cán bộ đảng viên. Ngoài số người bị tử hình trên, còn có rất nhiều người khác bị liên hệ, phải chịu cảnh tù đày trong các trại cải tạo. Sự tàn bạo có một không hai trên trong dòng sử Việt, khiến cho cả nước oán hận căm thù nên họ bất chấp súng đạn, nổi lên phản đối, dữ dội nhất là tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), khiến Hồ ngày 13-11-1956 phải điều động sư đoàn 325 tới đàn áp cuộc nổi dậy của nông dân trong tay chỉ có gậy gộc, cuốc xẻng.. kéo dài hơn 10 ngày, cuối cùng có thêm 1000 người vô tội bị bắn chết, nhiều người khác bị bỏ tù
Mặt khác để trấn an và trên hết là tiếp tục sử dụng máu xương của thanh thiếu niên nam nữ vào cuộc chiến xâm lăng Miền Nam đang bắt đầu, Hồ nhân danh đảng qua thư ngày 1-7-1956 và 18-8-1956 nhận lỗi sai lầm, đồng thời cách chức tổng bí thư của Trường Chinh cùng các chức vụ của Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương và Hồ Viết Thắng… Nhưng đó cũng chỉ là hành động mị dân, vì chẳng bao lâu Hồ lại phục chức cho Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương và Hồ Viết Thắng.
Hậu quả cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc do Hồ khởi xướng theo lệnh của Liên Xô và Trung Cộng, chẳng những đã không cải thiện được cuộc sống nghèo nàn của người dân nơi thôn dã mà còn gây nên sự tê liệt về nông nghiệp vì những người còn sống sót sau cuộc cải cách vẫn cứ lo sợ một sự trả thù. Ngoài ra qua lần cải cách trên, Hồ coi như đã đạt được mục tiêu chính trị mong muốn là xóa bỏ hẵn cấu trúc xã thôn cũ, để thay vào đó là hàng lãnh đao của đảng. Làm cuộc cải cách ruộng đất để đẩy nông dân vào thêm con đường khốn cùng để họ chỉ còn biết nghĩ tới miếng ăn và sự căng thẳng tinh thần vì màn lưới khủng bố của công an khu vực luôn rình rập.
Cuối cùng người dân miền Bắc bất cứ là ai cũng đều giống như cánh chim bị đạn, mất hết hồn vía sau trận đấu tố kinh hồn, nên đã ngoan ngoản chui vào những hợp tác xã nông nghiệp do đảng thành lập và sau rốt ruộng đất, trâu bò, nông cụ.. đều thuộc tài sản tập thể quản lý, bất kể là ruộng của mình hay vừa mới được chia trong cuộc cải cách.
Tóm lại Hồ Chí Minh tổ chức cuộc cải cách ruộng đất, vừa đạt được mục tiêu chính trị là bần cùng hóa mọi thành phần trong xã hội, vừa thanh lọc được hàng ngũ đảng sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, vừa cướp trọn điền sản đất đai của nông dân miền Bắc để tất cả trở thành vô sản chuyên chính, có vậy mới lùa họ một cuộc chiến mới, qua tem phiếu sổ hộ khẩu do đảng phân phối quản lý. Hởi ôi còn gì ngao ngán hơn khi đọc những lời thơ sắt máu của Tố Hữu
‘ giết, giết nữa bàn tay không phút nghĩ
cho ruộng đồng lúa tốt , thuế mau xong
cho đảng bều lâu, cùng rập bước chung lòng
thờ Mao chủ tịch, thờ Staline bất diệt ‘.
2- CUỘC CẢI CÁCH RUỘNG ÐẤT Ở MIỀN NAM VN,
QUA CHIÊU BÀI CÔNG NGHỆ HÓA NÔNG THÔN :
Ngày nay nhìn vào báo cáo xuất cảng nông phẩm của đảng CSVN, ai cũng tưởng VN là một nước lớn và giàu manh. Thật sự đấy chỉ là bề trái của huyền thoại mà Trần Bạch Ðằng nói tới ‘ đầu thế kỷ chưa lo nổi bát cơm cho 20 triệu người, cuối thế kỷ giải quyết xong cho hơn 70 triệu người và là nước xuất cảng gạo thứ 2 trên thế giới ‘.Ðó chỉ là tường trình vì thực tế ai cũng biết năng suất cũng như hoa lợi của nông dân VN rất thâp so với các nước trong khu vực ASEAN. Riêng việc hổ trọ giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền là vậy nhưng đảng chỉ hổ trợ cho các doanh nghệp ‘ phe ta’ mua lúa xuất khẩu trong lúc nông dân bị ép giá rất thấp khi bán lúa cho nhà nước theo chỉ tiêu đã ấn định, nên nhiều hộ phải thắt lưng buộc bụng thiếu ăn nhịn đói mới đủ số. Bởi vậy không ai ngạc nhiên, khi biết đồng bằng sông Cửu Long từ trước tới nay là vựa lúa của cả nước và chiếm 90% lượng gạo xuất cảng nhưng nông dân lại bị xếp vào hạng nghèo nhất cả nước, với lợi tức không quá 300 mỹ kim/1 năm ?
Một bi thãm nữa mà người ngoài không biết là ngày nay hầu hết đồng ruộng của Miền Nam VN trở thành tư hữu của giai cấp địa chủ mới. Chính thành phần này mới là chủ nhân ông thực sự còn nông dân chỉ là những người làm thuê như thời Pháp thuộc, giúp cho đảng vừa trưng dụng được sức lao động rẽ tiền, vừa thu được nguồn lợi nhuận to lớn qua các doanh nghiệp đỏ hay quốc doanh. Ðã thế cán bộ đảng còn cố vơ vét cho hết lúa gạo để chuyển lậu ra Bắc rồi vượt biên giới xuất cảng lậu bằng đường biển. Tất cả đều là những lý do để giải thích sự nghịch lý ‘ gạo thừa nhưng vẫn thiếu khiến cho dân đói ‘.
VN ngày nay vẫn còn được cơ quan lương nông thế giới (FAO) cùng các tổ chức nhân đạo viện trợ lương thực. Nhìn vào ai cũng tưởng các cơ quan trên cố tình bao che cho chế độ kể cả việc hũy tiền lời hàng năm càng lúc càng tích lũy không biết đâu mà mò. Ðây là mánh lới của bọn con buôn quốc tế một tay thì bỏ tiền ra cứu đói, còn tay kia cứ đổ vốn vào ào ào để nhà nước ta tha hồ lãng phí rồi bắt dân ỳ cổ đóng góp trả tiền lời. Vòng đời cứ quẩn quanh như thế thì bảo sao người nghèo cả nước càng lúc càng không tăng ?
Michael Chossudovsky, giáo sư kinh tế học tại Ðại Học Ottawa (Canada) đã nói không cần úp mở “ VN ngày nay là một trong những nước chậm tiến đang bị cột chặt vào nợ nần lút đầu với tiền lời phải trả. Do dó nền kinh tế nổi (hợp pháp) vì lo cho tiền trả nợ càng lúc càng suy sụp. Ðó cũng là lý do chựt giụp mọi thứ để xuất khẩu như một phương cách giải cứu, thậm chí phải bán cả ma tuý như Miến Ðiện để trang trải tiền lời. Nên phân biệt làm gì tiền sạch tiền dơ, miễn sao có tiền trả nợ là đủ “.Còn VN may mắn hơn vì đã có các cơ quan IMF, WB,ADB bao che sẳn sàng trả tiền lời, vì vậy đảng đâu có sợ mà không tiếp tục vay nợ.
Thông tin một chiều, kiến thức tạp nhạp đảng đã dẫn đường cho cả nước vào chổ bế tắc suốt mười mấy năm qua kể từ ngày mở cữa đổi mới, với các kế hoạch nuôi tôm cá, trồng cà phê cao su, lập vườn trồng cây ăn trái.. khiến cho nhu cầu thừa mứa dẫn tới tình trạng phá sản sạt nghiệp phải bán hết điền sản để trả nợ ngân hàng, còn không thì phải tự vẫn. Vì vậy nên ở nông thôn hiện nay, hầu hết ai cũng muốn bán hết ruộng đất để đi làm mướn vì thu nhập quá thấp lại bấp bênh đủ thứ. Tình trạng này cũng đã xảy ra tại Trung Cộng và Ðại Hàn hiện nay hay Âu Châu vào thế kỷ XIX , làm đảo lộn hết mọi nếp sống cũ, tạo cơ hội vàng ròng để đảng mua hết đất đai hoa màu tại nông thôn, rồi cải tạo thành các khu công nghiệp hóa bán lại cho tư bản với giá rất cao như bài diễn văn của Võ Văn Kiện lúc còn làm Thủ Tướng VC đọc trong ngày 30-4-1995 ‘ làm thế nào để sớm đưa nước ta từ nước nông nghiệp trở thành quốc gia công nghiệp hóa ‘ . Ðể đạt được mục đích trên, Kiệt đã ký quyết định ngày 16-8-1996 ra lệnh đuổi đồng bào tại nhiều tỉnh miền Trung nằm trong các vùng dự án . Tất cả đều ăn khớp với cái gọi là ‘ quốc sách hiện đại hóa công nghệ hóa ‘ với thực chất tạo điều kiện tối ưu cho tư bản làm giàu, đầy người dân nhất là nông gia vào con đường chết, mất hết đất đai vườn ruộng, cuối cùng chỉ còn con đường thế con đợ vợ và ngay bản thân mình cũng biến thành con vật hai chân để phục vụ cho chế độ hiện hữu. Thiên đàng xã hội chủ nghĩa là thế đó !
+ ÐẢNG HỒI SINH GIAI CẤP ÐỊA CHỦ CƯỜNG HÀO ÐỎ TẠI NÔNG THÔN :
Qua cái gọi là ‘ chính sách tạo điều kiện làm giàu cho nông dân ‘ đảng đã tạo điều kiện hồi sinh cho giai cấp địa chủ phú hào đỏ tại địa phương. Theo luật đất đai của xã nghĩa VN được công bố ngày 14-7-1993 với 3 điều căn bản tựu trung cũng vẫn nhắm tới việc tập thể hóa ruộng đất như thời còn bao cấp hay hợp tác xã kiểu cũ, nhằm biến nông dân thành công nhân lãnh lương bằng hoa lợi được thu hoạch do chính mình làm ra, không hơn không kém những tá điền được đảng khoán đất nộp thuế. Sự khác biệt trong bộ luật đất đai mới năm 1993, một mặt nới rộng cho phép nông dân được sử dụng đất đai của mình nhưng mặt khác tạo điều kiện cho bọn cường hào tại địa phương gồm đoàn trưởng, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, cán bộ các cấp.. tha hồ tác quái đầu cơ. Ðó mới chính là những địa chủ thực sự vì có toàn quyền thu hồi hay cấp phát ruộng cho dân nhất là khi đảng ban hành nghị quyết 10 trả lại đất cho nông dân. Chính cái thời điểm này mới xãy ra cơn sốt sang nhượng đất đai, được đảng gọi là ‘ cải tạo đất ‘ mà thực chất giúp bọn đầu cơ mua lại đất của nông dân bằng cái giá tượng trưng rẽ mạt 11.000 tiền Hồ /1m2.. Từ đó nông dân mất quyền tư hữu vĩnh viễn vì đã bán lại cho người khác. Cứ thế đất trồng lúa dần dần bị phá đi để cải tạo đất hay chuyển sang mục đích khác mà chủ yếu bán cho tư bản trong đó có cả con người như bản nghị quyết trong Ðại hội VIII của đảng đã nói ‘ con người cũng là một nguồn lực cần phải tận lực sử dụng, để tạo ưu thế thực hiện các chính sách của đảng ‘.
Tóm lại đảng CSVN từ khi ra đời tới nay đã nắm được ba cái bất ngờ, chứ không là ‘ tất yếu ‘ , đó là cướp được chính quyền vào tháng 8-1945, chiến thắng VNCH ngày 30-4-1975 và vì thời cuộc mà phải mở cửa đổi mới vào đầu thập niên 90 khi trào lưu quần chúng không thế nào đảo ngược lại được, nếu không muốn bị tiêu diệt như Ðông Âu hay Liên Xô. Do tình trạng đột xuất không dự liệu nên đảng phải chạy theo thời cuộc và cũng vì để làm vừa lòng tư bản, nên đã phải thi hành một chính sách cải tố kinh tế kiểu lươn lẹo báo cáo láo. Hậu quả đẩy đất nước nhất là giới nông ngư dân nghèo vào con đường bế tắc vì đây là cơ hội để bọn tư bản nhất giới thương buôn Á Châu trong đó có Tầu đỏ, Tàu trắng, Nam Hàn.. tha hồ săn quét moi móc cho tận tuyệt các tài nguyên trên mãnh đất trù phú VN, từ đất liền ra tới biển khơi hải đảo. Trước tình thế này, tập đoàn CSVN chỉ còn một cách để kéo dài quyền lực, là phải biến thành một Tập Ðoàn Tư Ban Ðỏ, để cùng hòa nhập vào các thế lực tư bản khác đang bỏ vốn đầu tư tại VN, tận lực khai thác cho hết mọi thứ sẳn có, trong đó có con người sống và cả nơi yên chốn nghĩ của những người khuất mặt, mà điển hình là Nghĩa Trang Quân Ðội VNCH tại Biên Hòa cũng không ngoại lệ.

Sự thật đã quá rõ ràng mà bất cứ ai cũng thấy được, đó là sự tồn vong của đảng CSVN ngày nay không còn dính líu gì tới chủ nghĩa hay tư tưởng nào khác ngoài Ðồng Tiền góp vốn của các thế lực tư bản tư nhân trong và ngoài nước. Nói một cách trắng trợn là đảng qua vai trò tư bản đỏ nay đã xác định vai trò lãnh đạo của mình dựa trên hai yếu tố : Tiền Ðầu Tư Ngoại Quốc và Bạo Lực Ðang Nắm Sẳn Trong Tay., mà hai thứ trên chẳng bao giờ đáp ứng được mục tiêu của đảng luôn đề cao tuyên truyền ‘ Dân Giàu Nước Mạnh, Xã Hội Tự Do Công Bằng ‘.

Vốn đầu tư nước ngoài nếu có đổ vào VN cũng chỉ nhắm vào nguồn lao động rẽ mat hay dùng để tạo nên những cơ sở vật chất cho tư bản khi tới địa phương thụ hưởng như hệ thống khách sạn, các trung tâm du lịch, nâng cấp các sản phẩm nội hóa để xuất cảng.. mọi thứ đều sinh lời đổ tiền vào túi đảng và tư bản, còn người dân có chấm mút được gì ngoài sự hưởng ké các phương tiện.

Tức nước thì vở bờ, người dân cả nước hiện nay đã bị đảng dồn vào chân tường, nên chỉ còn cách đối mặt với bạo lực để mà sinh tồn. Hai mươi năm tồn tại VNCH (1955-1975) vì là một đất nước pháp trị, nên đả xãy ra không biết bao nhiêu cuộc biểu tình chống chính quyền nhưng đặc biệt là trong tất cả các cuộc biểu tình, hoàn toàn là những thành phần cao quí, dư thừa và được ưu đãi nhất trong xã hội Miền Nam lúc đó. Tuyệt nhiên chẳng bao giờ có giới lao động nông dân tham dự vì họ đâu có nhiều thì giờ nhàn rỗi hay uất ức nào để mà đòi hỏi tra vấn chính phủ. Tất cả sự thật về những bức tranh vân cẩu trên đã lộ nguyên hình sau ngày VNCH sụp đổ, thì ra biểu tình giả và kẻ đề xướng tham dự phần lớn cũng là của đảng gài lại.
Nhưng nay thì khác, suốt tháng 6-2007 tới nay lần đầu tiên đã có hàng ngàn nông dân từ nhiều tỉnh thành lặn lội tới Sài Gòn hay ra tận Hà Nội để biểu tình bất baọ động. Họ không đòi hỏi những thứ vô lý như những người biểu tình giả trước tháng 4-1975 tại Nam VN, mà chỉ van xin đảng CSVN trả lại Ðất Ðai, Vườn Tược, Nhà Cửa, Sản Nghiệp để mọi người sống. Ðòi hỏi chỉ có vậy thôi, cho nên trong các cuộc biểu tình đâu thấy bóng trí thức sĩ phu tham dự, vì những thứ đòi hỏi trên, các nhà báo nhà văn tại thanh thị đâu có mất ?.
Tháng 5-1989 phong trào đòi dân chủ của giới trẻ Trung Hoa bùng nổ dữ dội cơ hồ làm rung chuyển nền móng của đảng cộng sản Tàu. Bất chấp nguyện vọng của toàn dân, Ðặng Tiểu Bình và đám chóp bu trong Trung Nam Hải đã sử dụng bạo lực để đè bẹp. Không thành công nhưng ít ra phong trào đòi dân chủ trên, cũng đã gây được một sự xúc động mãnh liệt tới thế giới, khi đưa những hình ảnh thật về sự bạo ngược, dã man của cộng sản ra ngoài anh sáng nhân loại. Chính những hình ảnh này mới là yếu tố giúp cho người dân Ðông Âu, Ðông Ðức và Liên Xô thức tỉnh, đứng đậy đạp đổ chũ nghĩa Mác Lê, xóa sạch thiên đường xã nghĩa đã cùm xích thân phận con người gần thế kỷ ô nhục.
Tại VN ngày nay, qua những hình ảnh về Linh Mục Nguyễn văn Lý bị bóp cổ, bịt miệng và các cuộc biểu tình đòi quyền sống của cả nước, đã đánh động lương tâm nhân loại, trong đó có Cộng Ðồng Chung Âu Châu và Cộng Ðồng Người Việt Tị Nạn CS khắp thế giới. Họ đã nhập cuộc với đám đông kể cả Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất tại quê nhà. Rồi giữa lúc tình hình đang loạn lạc vì dân chúng đã không còn ngồi chờ ‘ tự do có sẳn ‘ do đảng ban phát, nên rũ nhau liều chết đi đòi, thì Trung Cộng đổ thêm dầu vào kho xăng chờ phát lửa, khi ngang nhiên bắn vào thuyển của ngư dân đang hành nghề tại hải phận Trường Sa như ngầm bảo cho Mỹ biết là ‘ VC ngày nay đâu còn chủ quyền ? ‘
Hãy cùng nhau đứng dậy hởi người Việt trong và ngoài nước, đây là cơ hội của thế kỷ đã cho chúng ta tiêu diệt bọn lãnh chúa bạo quyền kể cả xác ướp sình thối của Hồ tặc đang nằm chình ình trong nhà tù Ba Ðình. Phải chôn ngay đi cái gọi là thiên đàng xã nghĩa, phải theo gương của đồng bào trong nước, mà vứt bỏ hết cái tội hèn và ích kỷ cá nhân, để hoàn thành công cuộc giải phóng và quang phuc đất nước như mặt trời đang hé dần.
Xóm Cồn Hạ Uy Di
Tháng 8-2008
MG

Náo loạn công trường dự án Splendora

19/11/2012 09:12:29 (GMT+7)
Hàng chục khách hàng đã tập trung trước trụ sở An Khánh JVC rồi kéo ra công trường với nhiều băng zôn, khẩu hiệu.

“TGĐ và PTGĐ đều có việc bận ở bên ngoài”
Tiếp tục chuỗi ngày kiến nghị, khiếu nại chủ đầu tư dự án Bắc An Khánh (Splendora), sáng ngày 16/11 hàng chục khách hàng đã tập trung tại trụ sở An Khánh JVC yêu cầu đại diện lãnh đạo trực tiếp trả lời những khiếu nại mà nhà đầu tư đã gửi đến trong suốt thời gian qua.
Tại cuộc gặp gỡ ông Lê Tuấn Anh cho biết: “Hôm nay là ngày làm khá đột xuất của các nhà đầu tư công ty An Khánh nên ông Tổng Giám đốc và Phó tổng giám đốc đều có việc bận ở bên ngoài không có tại công ty lúc này nên yêu cầu gặp các đồng chí đó không thể thực hiện được.
Về phía công ty đã cử tôi làm đại diện để gặp gỡ và ghi nhận tất cả những yêu cầu cụ thể, tiếp thu nhận văn bản”.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thái – Đại diện hội khách hàng khẳng định: “Ngày hôm kia, hôm qua tôi đã có trao đổi với ông Hoàng Thế Trung – PGĐ An Khánh JVC về buổi gặp gỡ này nên không thể gọi là đột xuất mà phía công ty đang có ý định lẩn tránh không có thiện chí làm việc với những khách hàng chúng tôi.

Khách hàng tập trung trước trụ sở An Khánh JVC khi yêu cầu gặp đại diện lãnh đạo không được chấp thuận

Nơi nhận đơn hàng ngày của chúng tôi thì khóa cửa không cho gặp. Cử đại diện ra gặp thì không nêu được chức vụ. Nếu đoàng hoàng thì sao phải làm như vậy?”.

Sau những yêu cầu gặp lãnh đạo có trách nhiệm tại công ty không được chấp thuận, hàng chục khách hàng đã tập trung ngay trước cửa trụ sở An Khánh JVC với nhiều băng zôn, khẩu hiệu với nội dung khá căng thẳng từ việc “Yêu cầu Splendora dừng ngay việc hoàn thiện nhà” đến “Yêu cầu tổ chức hội nghị khách hàng” để giải quyết những bất đồng xung quanh khiếu nại của khách hàng tại dự án.

Bầu không khí càng trở nên căng thẳng khi hàng chục khách hàng tiếp tục căng băng zôn, khẩu hiệu ngay tại công trường dự án Splendora.



Băng zôn, khẩu hiệu tiếp tục được khách hàng mang ra tận công trường dự án Splendora

Phía đại diện khách hàng cũng lên tiếng: “Chúng tôi không muốn mọi việc phải căng thẳng nhưng phía chủ đầu tư không có thiện chí giải quyết với chúng tôi”.
“Không đi xin quyền lợi”
Những kiến nghị, khiếu nại của khách hàng tại dự án Splendora đã kéo dài trong vài tháng trong đó điều khiến khách hàng lo lắng và bức xúc nhất là việc thu tiền sai trái khi chuyển từ HĐGV sang HĐMB biệt thự, liền kề Splendora giai đoạn từ 2009 – 2011, thu tiền thêm của khách hàng khi giao dịch qua một số sàn BĐS ngoài tiền thuế khi chuyển nhượng Hợp đồng, chất lượng công trình không ghi rõ vật liệu xây dựng,…

Trước đó, ngày 2/11 lãnh đạo An Khánh JVC cũng đã có buổi họp cả ngày với đại diện phía khách hàng nhưng không thống nhất được quan điểm. Ngày 6/11, khách hàng tiếp tục “rồng rắn” khi An Khánh JVC khất lần hỏi ý kiến của 2 công ty mẹ là Vinaconex và Posco E&C. Đến ngày 9/11, Tổng giám đốc An Khánh JVC khẳng định sẽ xem xét lại việc điều chỉnh giá bán nhưng sẽ phải trình Hội đồng thành viên quyết định xem xét và phê duyệt. Để hội đồng thành viên quyết định có điều chỉnh hay không các chuyên viên cần triển khai khỏa sát lại giá bất động sản ở Việt Nam và tính toán lại chi phí tài chính của dự án. Vì vậy, An Khánh JVC sẽ trả lời dứt điểm khách hàng vấn đề này sau 1 tháng.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng 1 tháng là chiêu bài “trốn tránh” của chủ đầu tư. Đại diện khách hàng bà Nguyễn Thị Thái nêu ý kiến: “Chúng tôi không đi xin quyền lợi từ phía chủ đầu tư mà đây đều là những quyền lợi chính đáng theo đúng quy định mà khách hàng được hưởng. 1 tháng là quá lâu trong khi đó nhà của chúng tôi vẫn tiếp tục được hoàn thiện với những vật liệu xây dựng không rõ ràng”. “Chủ đầu tư cần tổ chức hội nghị khách hàng giải quyết dứt điểm những vấn đề trên chứ không phải trốn tránh theo kiểu phớt lờ” – Bà Thái bày tỏ.

Và Splendora – “Nơi ước đến, chốn mong về” vẫn chưa yên sóng.

Hồng Khanh

Nghi ngờ chất lượng dự án Splendora
Chủ đầu tư Splendora không muốn “xuống nước”
Tiền chênh mua dự án Splendora vào túi ai?
Chuyện gì đang xảy ra ở Splendora?
Địa ốc Hà Nội: “Sóng” Splendora mắc cạn

http://batdongsan.vietnamnet.vn/fms/doanh-nghiep-du-an/52846/nao-loan-cong-truong-du-an-splendora.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét