Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Bài đáng chú ý

Hiến pháp sửa đổi: Nguy cơ nội chiến và tan nước

Sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam sẽ bị thách thức nghiêm trọng khi bản Hiến pháp sửa đổi được quốc hội chính thức thông qua. Bản Hiến pháp mới sẽ trói tay lực lượng vũ trang, kích hoạt những mầm mống nội chiến và tiếp tay cho kẻ thù thực hiện âm mưu xâm lược.

Vô hiệu hóa quân đội

Khi đảng sở hữu quân đội, lạm dụng quân đội trong các hoạt động đảm bảo an ninh, quân đội sẽ bị tê liệt dần chức năng chính là một đội quân chiến đấu.

Khi sử dụng Hiến pháp để công khai quyền sở hữu lực lượng vũ trang, hiến định lòng trung thành của quân đội và công an, dù với mục đích gia cố quyền lực hay tạo đối trọng quyền lực, đảng đã tạo ra hai đám kiêu binh khủng khiếp. Chính hai đám kiêu binh này sẽ là tác nhân chính đẩy đất nước tới những biến cố tai hại.

Lịch sử đã chứng minh, sau khi giành thắng lợi trong cuộc xung đột quân sự với thế lực của dòng họ Mạc, Chúa Trịnh đã trao nhiều quyền lợi và quyền lực cho các quân nhân gốc Thanh Nghệ, vừa để trả ơn, vừa để sử dụng khi cần trong cuộc chiến quyền lực vốn rất phức tạp trong thời điểm đó. Đội ưu binh của Chúa Trịnh trở thành kiêu binh, tác oai tác quái vùng kinh kì, gây nhiều tang thương cho cả hoàng tộc lẫn thường dân. Được o bế, nuông chiều, quân tam phủ bắt đầu can thiệp công việc sắp xếp ngôi thứ, nhiều lúc đối trọng, lấn át cả quyền lực của chúa Trịnh trong khi chức năng chiến đấu gần như biến mất do chỉ thích ăn chơi trác táng.

Bài học đó vẫn đúng cho đến hôm nay, khi đảng dùng Hiến pháp để ép quân đội thành một bộ phận của đảng, dùng quân đội làm trọng tài trong cuộc chiến quyền lực. Đảng buộc phải trao thêm quyền lợi và quyền lực cho quân đội, để quân đội tham gia sâu hơn vào chính trường, có thêm sức mạnh về kinh tế. Từ một công cụ bạo lực của đảng, quân đội lúc này manh nha thành một thực thể chính trị có khả năng làm đối trọng với đảng. Không những thế, đảng sẽ sớm thất bại trong trận chiến mới này, khi quân đội với tư cách một thực thể chính trị mới, là sự đồng nhất giữa một tổ chức chính trị và một đội quân thiện chiến được trang bị vũ trang hạng nặng.

Trong khi đó, chức năng chính của quân đội là chức năng chiến đấu bị vô hiệu hóa, vì những hoạt động tranh giành quyền lực trên chính trường cùng những hoạt động kinh tế và cả việc nhồi nhét con em vào quân đội “kiếm cơm”.

Ngoài ra, khi đảng sử dụng quân đội trong vai trò đảm bảo an ninh nội địa để can thiệp vào các hoạt động dân sự sẽ khiến vấn đề nhân quyền trầm trọng thêm. Điều này sẽ làm cho các lệnh cấm vận vũ khí từ phương Tây không được dỡ bỏ, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình hiện đại hóa quân đội, điều cấp thiết trong bối cảnh ngày nay.

Trước những nguy cơ tiềm tàng từ Trung Quốc, lực lượng vũ trang Việt Nam không thể trông chờ vào kho vũ khí cũ kĩ từ thời Xô Viết, mà phải được trang bị thêm nhiều khí tài hạng nặng, tinh vi của phương Tây để đối trọng. Hiện nay, do bị phương Tây cấm vận, Việt Nam đang lệ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ Nga, đối tác từ lâu được coi như một nhà cung cấp vũ khí chuyên nghiệp hơn là một đồng minh đáng tin cậy. Khi vì quyền lợi quốc gia và mối quan hệ giữa các nước lớn với nhau, Nga sớm muộn cũng cho Việt Nam nếm trái đắng.

Còn nhớ, lực lượng phòng không Việt Nam đã khốn đốn như thế nào khi các thông số kỹ thuật của tổ hợp phòng không SAM 2 lọt vào tay Hòa Kỳ từ chiến tranh sáu ngày ở Trung Đông. Thiệt hại sẽ càng nặng nề hơn khi các vũ khí hiện đại nhất có trong trang bị của Việt Nam, Trung Quốc đều có trước một thời gian dài làm chủ công nghệ.

Chưa dừng lại ở đó, khi lòng trung thành của lực lượng vũ trang được hiến định, lực lượng vũ trang Việt Nam sẽ lấy tư cách gì để tham gia giải quyết xung đột trên biển Đông? Làm sao có thể xưng danh là lực lượng vũ trang của quốc gia khi bản chất là một bộ phận của đảng cộng sản Việt Nam, theo quy định trong Hiến pháp. Khi mà, các hoạt động chấp pháp trên biển Đông trong điều kiện rất phức tạp hiện nay cần có tính chính danh, liệu có quốc gia nào chấp nhận lực lượng vũ trang của một đảng phái của quốc gia khác nhân danh luật pháp quốc tế can thiệp, bắt, phạt ngư dân của quốc gia mình.

Khi lực lượng vũ trang không phải quân đôi của quốc gia Việt Nam, những hành động đó của lực lượng vũ trang đều có thể bị coi là hành động cướp bóc. Chưa kể, khi xảy ra những tranh chấp, các quốc gia có xung đột với Việt Nam có thể trưng ra các bằng chứng về việc quân đội nhân dân Việt Nam đã phạm phải các tội ác chống lại nhân loại trong các dính líu tới nội chiến Việt Nam 1954-1975, và cuộc chiếm đóng Campuchia sau chiến tranh biên giới Tây Nam. Cộng với bản chất công cụ bạo lực của một đảng phái, quân đội nhân dân Việt Nam rất dễ bị liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, dẫn đến những cấm vận, kể cả truy nã toàn cầu. Điều này vừa làm yếu đi quân đội, đồng thời làm mất luôn tính chính danh của quân đội quốc gia.

Thêm vào đó, Hiến pháp sửa đổi vẫn giữ nguyên Điều 4, dẫn tới những tác động tiêu cực đến chiến lược quốc phòng của quốc gia, đẩy quân đội vào thế khủng hoảng lực lượng.

Về chiến lược quốc phòng, thế trận chiến tranh nhân dân sẽ là điều hoang tưởng khi không có thế trận lòng dân. Liệu có ai còn tin, đổ xương máu cho cuộc chiến đặt quyền lực của đảng lên trên quyền lợi quốc gia. Hơn bao giờ hết, lúc này nhân dân đã lãnh đủ hậu quả của nền chuyên chế độc tài đảng trị. Thế nên, đặt đảng ngồi lên đầu tất cả chỉ khiến mọi việc thêm tồi tệ.

Vấn đề khủng hoảng lực lượng, là một công cụ bạo lực của đảng, quân đội đang đối mặt với cả nguy cơ khủng hoảng thừa lẫn thiếu.

Quân đội hiện có một số lượng lớn quân nhân trong biên chế làm công tác đảng, công tác chính trị. Lực lượng này làm cho quân đội dư thừa nhân sự, làm tổn hao đáng kể về ngân sách.

Cần biết rằng, trong chiến tranh hiện đại, mức độ, cường độ của cuộc chiến nhanh chóng đẩy người lính tới ngưỡng chịu đựng về mặt tâm lý, điều cần kíp trên chiến trường lúc này chính là các bác sỹ tâm lý, lực lượng hiện đang rất thiếu, chứ không phải những thầy tu Mác Lê với lý lẽ giáo điều.

Ngoài ra, quân đội cũng bị hạn chế trong việc tiếp nhận các nguồn nhân lực khác do những khác biệt về khuynh hướng chính trị. Các nguồn nhân lực này có thể từ chối gia nhập quân đội vì quân đội không phải là quân đội quốc gia.

Rõ ràng, giữ nguyên điều 4, hiến định lòng trung thành của lực lượng vũ trang, đảng đã trói tay quân đội, khiến tình hình đất nước nguy ngập hơn.

Nguy cơ nội chiến và tan nước

Hiến pháp trong trò chơi quyền lực của đảng đang dần hiện nguyên hình là một cái bẫy, đem tới nhiều hệ lụy.

Khi quân đội nhân dân Việt Nam không còn là quân đội quốc gia, các đảng phái hoặc phong trào chính trị đối lập khác buộc phải thúc đẩy việc phải có công cụ bạo lực riêng. Nguy cơ nội chiến có thật, khi lòng tin tối thiểu vào lực lượng vũ trang quốc gia phải trung lập trên chính trường đổ vỡ. Có ai ngồi yên chờ đến lượt mình bị tiêu diệt?

Nếu so sánh một số nước xảy ra cách mạng màu trong thời gian vài thập niên gần đây, có thể thấy, những quốc gia có quân đội trung lập sẽ có nhiều lối thoát hơn cho cuộc khủng hoảng. Một kết thúc trong hòa bình như ở Ukraina, Ai Cập sẽ là điểm tựa vững vàng cho những cú chuyển mình tiếp theo của đất nước. Ngược lại, tại các quốc gia quân đội đứng về phía chính phủ, trung thành với đảng phái hoặc phong trào chính trị nhất định, bạo lực cách mạng là lựa chon duy nhất. Kết cục bi thảm đã và đang xảy ra ở Libya, Yemen và Syria. Đó là những bài học nhãn tiền.

Ngoài nguy cơ nội chiến giữa các đảng phái, nguy cơ nội chiến xuất phát từ li khai và xung đột sắc tộc cũng rất đáng ngại.

Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc, trong đó, nhiều sắc tộc trước đây đã từng có các vùng lãnh thổ tự trị hoặc các nhà nước riêng của mình. Như khu tự trị Nùng, Thái ở phía bắc hay các nhà nước của người Chăm, Khmer ở vùng lãnh thổ phía nam. Quá trình mở rộng bờ cõi quốc gia của người Kinh dẫn đến những cuộc chiến tranh tiêu diệt các nhà nước dân tộc thuần nhất khác. Từ đây, những vết hằn trong quá khứ mà người Kinh gây cho các sắc tộc này rất khó phai mờ, dù trải qua nhiều thế kỷ. Thêm vào đó là các sai lầm trong chính sách dân tộc gây nên thực trạng bất bình đẳng dân tộc sẽ góp phần gợi lại những thù hận trong quá khứ,châm ngòi cho các hoạt động li khai bằng vũ lực.

Càng nguy hiểm hơn khi chủ nghĩa thực dân nội địa núp sau các dự án di dân xây dựng vùng kinh tế mới làm đảo lộn nghiêm trọng đời sống của các cộng đồng sắc tộc thiểu số.
Cộng thêm các cố gắng đồng hóa, can thiệp thô bạo vào các vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo và nhân quyền từ chính quyền trung ương, sẽ là động cơ thôi thúc các cộng đồng sắc tộc sớm tiến hành các hoạt động vũ lực đòi li khai.

Kẻ thù của Việt Nam có thể khai thác triệt để vấn đề li khai đòi quyền tự trị của các cộng đồng sắc tộc thiểu số. Kích hoạt các hoạt động đấu tranh vũ trang sắc tộc, từng bước làm suy yếu, sụp đổ Việt Nam.

Trong khi, nhà nước Đề Ga tự trị vẫn còn gây nhức nhối ở Tây Nguyên. Xứ Thái, Xứ Nùng, Xứ Mường tự trị vẫn còn khắc sâu trong tâm thức của các cộng đồng sắc tộc thiểu số, khi họ đã từng có một vùng lãnh thổ như thế trong lịch sử. Và khi đảng cộng sản độc quyền sở hữu tất cả, kể cả quân đội, cùng với việc tổ chức chính trị này là sân khấu riêng của người Kinh, thì việc sử dụng bạo lực để li khai có lẽ là lối thoát duy nhất.

Nhìn lại quá trình tan rã của liên bang Nam Tư, có thể thấy, quân đội nhân dân Nam Tư được coi là công cụ bạo lực của những người cộng sản, đa phần trong số đó là người Serbia. Điều này đã khiến các cộng đồng sắc tộc, các vùng lãnh thổ có truyền thống lâu đời phát sinh nhu cầu thành lập các lực lượng vũ trang, nhằm tự vệ trước những thách thức có thể xảy ra từ người cộng sản đang sở hữu quân đội.

Thực tế, Nam Tư đã rơi vào cảnh hỗn loạn, tan vỡ khi các cuộc nội chiến triền miên dẫn tới việc can thiệp quân sự của NATO, chấm dứt sự tồn tại của một trong những quốc gia cộng sản hàng đầu.

Nhìn lại Nam Tư để thấy trước nguy cơ mà Việt Nam sẽ phải đối mặt khi hiến định lòng trung thành của lực lượng vũ trang, công khai khẳng định quyền sở hữu quân đội.

Trước nguy cơ mất nước, dưới sự chèo lái của đảng, chúng ta đang đứng trước đại họa tan nước.

Cái bẫy tan nước bắt đầu sập xuống khi các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số được “phương Bắc” huấn luyện trở về. Dù truyền thông lề đảng cố tình bưng bít thông tin , có một sự thật rằng, máu đã đổ và sẽ lan rộng hơn.

Quân nhân Trung Quốc trá hình đang có mặt trên hầu hết các khu vực tính chiến lược cao, đem đến những lo lắng về nguy cơ bị đánh bất ngờ khi xảy ra xung đột quân sự Trung – Việt. Có lẽ lo lắng đó hơi thừa.

Phát động chiến tranh quy mô lớn với Việt Nam có thể thổi bùng làn sóng phản đối khắp thế giới, đưa tới những hệ lụy không thể lường trước được. Thế nhưng, hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh li khai của cộng đồng sắc tộc thiểu số Việt Nam chống chính quyền trung ương sẽ đem đến kết quả tương tự, với chi phí cơ hội rẻ hơn rất nhiều.

Điều gì sẽ xảy ra khi các quân nhân trá hình kia làm nòng cốt trong các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số phát động đấu tranh bạo lực đòi quyền tự trị? Kịch bản nào xảy ra khi Trung Quốc tuyên bố can thiệp để bảo vệ công dân của họ? Và chúng ta sẽ ra sao nếu như mạnh tay trấn áp có thể dẫn tới sập tiếp vào cái bẫy nhân quyền, làm cộng đồng thế giới tiếp tục quay lưng.

Từng nhóm vũ trang sắc tộc được huấn luyện bài bản lần lượt quay trở về, những bộ quân phục bị phát hiện tuồn vào các khu vực khác nhau. Đã có những chiến dịch truy quét, những lời nhắc khéo lòng tin chiến lược với bạn vàng chỉ là những biện pháp đối phó của một tầm nhìn thiển cận.

Những nguy cơ trên chỉ được loại trừ khi xây dựng một xã hội phát triển, đảm bảo các yếu tố công bằng và dân chủ, giảm thiểu bất bình đẳng xã hội, bảo vệ nhân quyền và tôn trọng sự khác biệt. Tiếc rằng, Hiến pháp với tư cách con đê quyền lực của đảng không thể đem lại những điều trên.

Chỉ có một bản Hiến pháp được toàn dân thông qua, tạo nền móng xây dựng một nhà nước pháp quyền, một chế độ chính trị đa nguyên, lực lượng vũ trang tuyệt đối trung thành với tổ quốc nhân dân, đảm bảo hài hòa quyền lợi của tất cả các cộng đồng, các dân tộc, mới có thể là lối thoát trong điều kiện hiện nay.

Kiến Minh
(Dân Luận)

Khi nào Việt Nam có thay đổi?

Đó là câu hỏi mà tôi mang theo trong suốt chuyến đi về thăm Việt Nam tháng 07/2013 vừa qua. Là một người rất quan tâm đến tình hình ở quê hương, tôi cũng biết được Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn: khủng hoảng kinh tế, bất ổn xã hội, nguy cơ bị thôn tính đang đe dọa. Và để giải quyết được tận gốc rễ thì việc thay đổi thể chế chính trị theo hướng dân chủ chính là giải pháp cho các vấn đề. Nhưng khi nào thì sự thay đổi sẽ xảy ra?

Trước khi về Việt Nam tôi hình dung ra một bức tranh ảm đạm về kinh tế khi hàng chục ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người và đó là một động cơ tốt cho sự thay đổi sẽ sớm diễn ra. Nhưng thực tế ở Việt Nam thì không phải đơn giản như vậy. Tầng lớp trung lưu, thị dân ở những thành phố chính vẫn sống rất sung túc, cuộc sống ngày càng tiện nghi hơn. Điều đó không chỉ đúng với giới quan chức lắm tiền nhiều của, xài tiền như nước khi có thể đốt hàng chục triệu đồng cho một bữa ăn. Mà với giới kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân, nhân viên và cả giáo viên cũng vậy, việc sở hữu xe hơi, xe tay ga đắt tiền không còn là hiếm. Bạn bè tôi khoe về những chuyến đi du lịch xa xỉ trong và ngoài nước, xài hàng hiệu và các thiết bị điện tử đắt tiền. Điều đó làm tôi thật ngạc nhiên khi hỏi đến thì ai cũng than là tình hình khủng hoảng kinh tế nên làm ăn ngày càng khó khăn hơn và giá cả sinh hoạt thì ngày càng đắt đỏ. Thế nhưng nhiều người tiết lộ với tôi rằng vẫn có nhiều cách kiếm tiền trong thời buổi nhiễu nhương này, miễn là mình thích nghi với tình thế. Quả thật người Việt Nam rất giỏi thích nghi với hoàn cảnh. Nhìn vào tình trạng giao thông ở Sài Gòn cũng có thể thấy một điều tương tự. Giao thông chật chội, bát nháo, nguy hiểm nhưng mọi người vẫn đi lại thoải mái vì đã quen với tình cảnh này chứ một người đã quen đi theo luật như tôi thì sợ chết khiếp, không dám băng qua đường chứ đừng nói là tự lái xe. Khi xảy ra kẹt xe thì mọi người đều tìm mọi cách len lỏi, lấn tuyến, leo lên vỉa hè, chui vào hẻm chứ chẳng chịu đứng yên. Vì vậy mà kinh tế khó khăn làm nảy sinh ra nhiều kiểu làm ăn bất lương. Những người bán hàng rong bỏ hóa chất để bắp luộc nhanh mềm, quán cơm bình dân bỏ hóa chất vào gạo mốc để cơm trắng và nở,… Những người lao động có cuộc sống khó khăn hơn nhưng bên cạnh những người siêng năng xoay xở làm thêm nhiều việc thì tệ nạn đánh đề, cờ bạc lại có nhiều người tìm tới để kiếm thêm thu nhập. Nhiều người nói với tôi rằng tuy kinh tế khó khăn nhưng “vẫn sống được” và cho rằng tình hình kinh tế năm nay đã được cải thiện hơn năm ngoái. Thực tế là bộ mặt hạ tầng của Việt Nam vẫn thay đổi rất nhanh, các thành phố lớn ngày càng đẹp hơn, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp vẫn đang mọc lên. Nói chung vì là một nền kinh tế mở cửa, đang phát triển nên tình trạng tệ hại đến mức mất đi “nồi cơm” của đa số mọi người dẫn đến vùng lên thay đổi như kịch bản của nhiều cuộc cách mạng ở các nước nghèo trên thế giới là khó xảy ra ở Việt Nam.
Thay đổi là một tiến trình, không phải là một biến cố.
Nếu khủng hoảng kinh tế chưa thể hiện rõ nét để nhìn thấy được thì những bất ổn về xã hội lại cảm nhận được rất rõ ràng. Khó khăn kinh tế đã tạo điều kiện cho bất ổn của xã hội bộc lộ ra. Mọi người dù giàu hay nghèo đều cảm thấy bất an. Đồ ăn gì cũng lo bị bỏ hóa chất độc, ra đường lo bị cướp giật, đi đường sợ bị tai nạn giao thông. Tình trạng côn đồ tăng cao, chỉ vì những xô xát nhỏ cũng xảy ra giết người. Và mọi người rơi vào khủng hoảng niềm tin vì đạo đức suy đồi, tham nhũng, hối lộ hoành hành, công lý phụ thuộc vào tiền bạc và quan hệ. Nhiều người dù giàu có nhưng họ nói với tôi rằng họ không muốn con cái họ sống ở Việt Nam. Việc cho con cái du học nước ngoài trở thành mục tiêu phấn đấu của nhiều người. Nhiều doanh nhân nói với tôi rằng họ muốn đầu tư mở trường học khi thấy tình trạng giáo dục xuống cấp như hiện nay là rất nguy hiểm cho hiện trang xã hội cũng như tương lai của đất nước. Rõ ràng nhiều người đã nhận ra tiền bạc không thể giải quyết được tất cả, nếu không có những cải cách, thay đổi thì Việt Nam không còn là nơi tốt để sống.

Không cần ai tuyên truyền thì đa số mọi người ở Việt Nam đều chán ngán chế độ cộng sản, bất mãn với chính quyền, đều mong muốn thay đổi. Nhưng một thực tế đáng ngạc nhiên là đa số những người tôi hỏi về sự thay đổi ở Việt Nam đều có tâm trạng bi quan. Một số người thẳng thắn nói rằng nước Việt Nam chúng ta quá xui xẻo khi ở cạnh Trung Quốc và thừa nhận sự chi phối ngày càng lớn của Trung Quốc với Việt Nam. Họ cho rằng chỉ khi nào Trung Quốc có thay đổi thì Việt Nam mới có thay đổi. Một số người khác thì nói rằng đối lập ở Việt Nam quá yếu và chính quyền toàn trị thì quá mạnh, khó tạo ra sức ép thay đổi từ phía đối lập. Họ còn lo lắng rằng thực ra chưa có lực lượng nào để họ tin rằng sẽ có sự thay thế tốt hơn hay sẽ bất ổn hơn khi các phe phái đấu đá nhau. Một số người khác thì tin rằng sự thay đổi sẽ đến từ trong nội bộ của đảng Cộng sản nhưng họ nói rằng phe cấp tiến quá yếu khi không có hậu thuẫn trong khi phe bảo thủ thì có hậu thuẫn từ Trung Quốc nên cũng rất khó có thay đổi xảy ra. Tâm trạng bi quan của những người có quan tâm đến tình hình đất nước dẫn đến tình trạng họ cho rằng họ cũng chẳng thể làm gì cho sự thay đổi diễn ra cả. Nhưng những người quan tâm đến chính trị đa số là những người lớn tuổi, trong khi giới trẻ thì rất ít người quan tâm đến chính trị mà mải đuổi theo sự hưởng thụ vật chất và các câu chuyện phiếm trên mạng internet.

Sau một thời gian ở Việt Nam, tôi nhận ra rằng thay đổi chưa thể sớm xảy ra ở Việt Nam. Dù rằng những yếu tố thúc đẩy cho sự thay đổi là rất nhiều, kinh tế ngày càng khó khăn hơn, xã hội ngày càng bất ổn hơn, chính quyền ngày càng bệ rạc và mất uy tín hơn nhưng thế giằng co giữa những cái tốt và cái xấu là rất lớn dẫn đến không dễ để đạt được những tình trạng tệ hại đưa đến những điều kiện sống còn phải thay đổi. Trước sự ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc và thái độ ngày càng sắt máu đàn áp của chính quyền thì cũng khó để có sự thay đổi đột biến dạng cách mạng hay đảo chính. Cách còn lại duy nhất mà hiệu quả dù không đến tức thời nhưng chắc chắn và bền vững. Đó chính là cách “chấn dân khí” làm giảm sức ỳ của xã hội trước thay đổi, tăng cường tinh thần của người dân phản kháng với những điều xấu xa trong xã hội và phản đối lại những sai trái của chính quyền. Một nguyên nhân sâu xa mà thay đổi chưa xảy ra tại Việt Nam chính là do thái độ chấp nhận, hợp tác với cái sai, cái xấu hoặc khoanh tay đứng nhìn của người dân. Đó cũng là do họ chưa ý thức được quyền của mình vì những khái niệm về “quyền con người” còn rất xa lạ. Nhưng rõ ràng những phản kháng dân sự của cá nhân cũng rất ảnh hưởng đến chính quyền. Khi ra gặp công an phường nếu vâng dạ sợ sệt thì sẽ bị hoạch họe nhưng nếu dõng dạc phản đối thái độ tắc trách thì họ không dám gây khó dễ. Những qui định của chính quyền gần đây gặp phải sự phản đối của người dân đều phải bãi bỏ. Những sự bộc phát phản ứng lại với CSGT, với chính quyền cưỡng chế đất đang diễn ra ngày càng nhiều báo hiệu sự bất tuân dân sự sẽ diễn ra rộng khắp. Nhưng để người dân có thái độ bất tuân dân sự đúng đắn để đòi hỏi các quyền của mình để dẫn tới chính quyền mở rộng quyền của người dân, tiệm cận tiến đến mục tiêu thay đổi thể chế theo hướng dân chủ vẫn cần có sự đầu tư, dấn thân vào việc  “Khai dân trí, chấn dân khí” của nhiều người, nhiều tổ chức tiếp cận được với quần chúng khi chính quyền vẫn khống chế hệ thống truyền thông và báo mạng đối lập chỉ mới tiếp cận với một thiểu số dân chúng.

California, tháng 8/2013
© Mai Anh
© Đàn Chim Việt

Việt Hoàng - Không thể chần chừ, do dự được nữa!

“…Để đảng cộng sản ‘cấp phép” cho các đảng mới hoạt động là điều không tưởng. Ông và các bạn ông phải thành lập “đảng mới” vì chính quyền có muốn đàn áp các ông cũng không dễ như với những người dân bình thường khác…”


Câu nói này là của ông Lê Hiếu Đằng trong bài viết mới nhất “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…”. Trích đoạn “Tại sao tình hình đã chín mùi mà chúng ta không dám làm điều này vì chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này? Mà nguyên tắc pháp lý là điều gì luật pháp không cấm chúng ta đều có quyền làm. Đó là quyền công dân chính đáng của chúng ta. Không thể rụt rè, cân nhắc gì nữa. Đây là một yếu tố sẽ làm cho xã hội công dân, xã hội dân sự mạnh lên, không có thế lực nào ngăn cản được. Đây là cách chúng ta phá vỡ một mảng yếu nhất của một nhà nước độc tài toàn trị hiện nay. Chẳng lẽ nhà nước này bắt bỏ tù tất cả chúng ta sao? Chúng ta phải đấu tranh với phương châm công khai, minh bạch, ôn hòa, bất bạo động, phản đối tất cả mọi hành động manh động, bạo lực khiêu khích gây chiến tranh. Như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết, đại khái: trong bất cứ cuộc chiến tranh nào người thất bại đều là nhân dân. Giờ hành động đã đến. Không chần chừ, do dự được nữa”.

 Có lẽ với những người mong muốn dân chủ cho Việt Nam thì đều không xa lạ với tên tuổi của ông Lê Hiếu Đằng, nguyên là phó Tổng thư ký Ủy ban trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam trước đây và từng là phó Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố HCM. Trong thời gian gần đây ông là người thường xuyên tham gia các hoạt động đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam, ông từng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông. Ông cũng là một trong nhóm 72 vị trí thức tên tuổi hàng đầu tại Việt Nam đã ký bản Kiến nghị, kêu gọi thay đổi chính trị tại Việt Nam.

Những hành động của ông và bạn bè ông đã được dư luận đón nhận và cỗ vũ nồng nhiệt. Tuy nhiên với một số dư luận, trong đó có Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì những hành động (đưa kiến nghị…) vẫn chưa đủ, vì nó vẫn mang nặng tính xin-cho đối với chính quyền cộng sản Việt Nam. Mà xin thì có thể được cho hoặc không cho và rõ ràng là đảng cộng sản đã không cho. Quan điểm của chúng tôi là mọi người dân Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ tham gia vào việc quản lý xã hội, nếu người đó muốn và có khả năng. Chúng ta không Xin mà chúng ta Đòi những quyền chính trị căn bản đó. Thứ hai là khi đã đi đòi và đấu tranh cho dân chủ thì không thể quan niệm rằng: “Có thể thay đổi từ trong lòng chế độ bằng cách chấp nhận và hợp tác với chế độ”. Muốn hay không thì những người đấu tranh cho dân chủ cũng phải đứng tách hẳn khỏi chính quyền một cách độc lập và rõ ràng. Chấp nhận làm một nhóm nhỏ, bị cô đơn buổi ban đầu, rồi dần dần người dân nhận ra được quyết tâm và sự đúng đắn của nhóm người đó để rồi ủng hộ và lựa chọn con đường đi mới cho cả dân tộc. Chúng tôi cũng từng đưa ra đề nghị là nhóm Kiến nghị 72 cần nhanh chóng soạn thảo ra cương lĩnh chính trị và thống nhất đội ngũ để lập ra một đảng chính trị mới…

Sau một thời gian chờ đợi thì với bài viết này và nếu đó là quyết tâm thật sự của ông và bạn bè ông thì quả thật đó là một điều bất ngờ và may mắn cho dân tộc Việt Nam. Ông rất đúng khi cho rằng chúng ta không thể chần chừ, do dự được nữa. Chờ đến bao giờ và chờ ai? Chờ cái gì? Hy vọng là giới trí thức tinh hoa Việt Nam bừng tỉnh và đồng ý với ông rằng “Nhận thức lại và dấn thân hành động cho cuộc chiến đấu mới. Đừng loay hoay những chuyện đã qua mà làm suy yếu sức mạnh đoàn kết dân tộc. Hãy để con cháu chúng ta làm nhiệm vụ đánh giá lịch sử. Còn chúng ta trước mắt là hành động, hành động và hành động”. Muốn có thay đổi chính trị tại Việt Nam thì phải xuất hiện các đảng chính trị đối lập. Chúng tôi đồng ý với ông là phải “thành lập một đảng mới như đảng Dân Chủ Xã Hội…” chẳng hạn. Để đảng cộng sản ‘cấp phép” cho các đảng mới hoạt động là điều không tưởng. Ông và các bạn ông phải thành lập “đảng mới” vì chính quyền có muốn đàn áp các ông cũng không dễ như với những người dân bình thường khác. Và chỉ khi các “đảng mới” xuất hiện và hoạt động công khai thì khi đó đảng cộng sản Việt Nam mới có thể thay đổi. Nếu không thì mọi sự kêu gọi thay đổi trong một chế độ toàn trị chỉ là một “trò đùa” không hơn không kém.

Nếu “đảng mới” của ông và bạn bè ông ra đời với những tiêu chí như: dân chủ và đa nguyên, bao dung và đoàn kết, ôn hòa và thiện chí, hòa giải và hòa hợp dân tộc …thì nó sẽ nhanh chóng thu phục được lòng dân và sự hợp tác của các tổ chức chính trị khác của người Việt ở trong cũng như ngoài nước.

Việt Nam đang đứng trước nhu cầu thay đổi rất cấp bách. Tình hình kinh tế, xã hội đang ngày càng xấu đi. Nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện là có thật và nhãn tiền. Chiến lược chuyển trục an ninh thế giới sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là một cơ hội hiếm có để Việt Nam hội nhập với các nước dân chủ văn minh, Hiệp ước đối tác xuyên TBD (TPP) là một ví dụ. Ngay cả người hàng xóm của Việt Nam nổi tiếng là độc tài Myanma cũng đã thành tâm thay đổi về hướng dân chủ. Nếu để lỡ cơ hội lần này e rằng Việt Nam sẽ không còn cơ hội nào nữa. Đảng cộng sản Việt Nam đang rất lúng túng và giằng xé trong nội bộ. Gánh nặng trên vai họ quá lớn và tự họ không thể nhấc xuống được vì vậy giới trí thức tinh hoa Việt Nam phải “giúp” họ. Cách giúp họ hiệu quả nhất là tạo ra sức ép và sự bắt buộc họ phải thay đổi qua việc thành lập các “đảng mới” để tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa đảng cộng sản và các đảng mới này. Chúng tôi tin rằng rất nhiều thành phần trong bộ máy của đảng muốn thay đổi nhưng họ không thể vượt qua được sự chi phối của các nhóm lợi ích và bảo thủ trong đảng.

Chúng tôi hy vọng trí thức Việt Nam cùng chia sẻ với ông Nguyễn Gia Kiểng, người lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên rằng: “Nếu có một bài học mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc cách mạng Ả Rập, sau cuộc cách mạng Đông Âu năm 1989, thì đó là trước khi bắt đầu một cuộc cách mạng dân chủ phải có sẵn một tổ chức dân chủ và một dự án xây dựng dân chủ.Giai đoạn chuyển tiếp có thể rất dài và những thiệt hại rất lớn nếu một giải pháp thay thế - bao gồm một lực lượng chính trị và một dự án chính trị- không xuất hiện nhanh chóng”.
Việt Hoàng
(Thông luận)

Cơn bão giá và nhóm lợi ích

Cơn bão tăng giá với sang chấn đầy tai biến đang đẩy xã hội Việt Nam vào một vòng xoáy mới, tiếp nối chuỗi vòng xoáy mà nó đã kết dính suốt gần ba năm suy thoái kinh tế qua.

Chỉ ít lâu sau kỳ họp quốc hội vào tháng 5/2013, mặt hàng xăng dầu đã được Bộ công thương, Bộ tài chính và một trong những nhóm lợi ích độc quyền nhất Việt Nam là Tập đoàn xăng dầu Petrolimex kích động đến ba lần tăng giá.

Cũng song trùng với quy luật bài trùng, người anh em sinh đôi của Petrolimex là Tập đoàn điện lực Việt Nam – EVN – đã ngay lập tức đẩy giá điện lên 5%.

Hành động mang hàm ý bất chấp này càng làm nổi rõ một quy luật kinh tế - chính trị: giá giảm vào trước và trong các kỳ họp quốc hội, nhưng lại tăng vọt “lên một tầm cao mới” sau khi cánh cửa hội trường dân cử khép lại.

Mối lo thường trực của người dân đã có cơ sở để biến thành linh cảm thật tệ: không lúc này thì lúc khác, nhóm lợi ích sẽ không bỏ cuộc và vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi lộ trình tăng giá điện và xăng dầu.

Trong khi đó, không có gì giấu nhẹm mãi được, có vẻ cuối cùng Ban tuyên giáo trung ương cũng phải làm ngơ để báo chí đưa tin về hàng loạt vụ nhảy cầu quyên sinh vì nguyên do bức bách tài chính. Cái nghèo dân sinh chưa bao giờ quyện gắn với vô cảm quan chức đến mức này, vào buổi giao thời đầy tính định mệnh như thế này của dân tộc.

Nhưng bất chấp phản ứng của đại đa số các tầng lớp nhân dân, giai tầng lợi ích ở Việt Nam vẫn tiếp tục chiến dịch “bù lỗ vào dân”. Những tin tức mới nhất cho thấy với đợt tăng giá 5%, EVN đã có được thêm 3.000 – 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, một quan chức cao cấp ngành điện lực vẫn than thở là tập đoàn này còn “thiếu ít nhất 8.000 tỷ đồng nữa”, tương ứng với khả năng EVN phải tăng 15-20% giá điện trong năm nay.
Tập đoàn xăng dầu Petrolimex kích động đến ba lần tăng giá
So với con số lỗ còn treo đến 34.000 tỷ đồng do đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm bị phát hiện vào cuối năm 2011 và như một công bố chẳng đặng đừng vào đầu năm 2013, cho tới nay EVN đã “thanh lý” được một phần, nhờ vào thao tác dùng giá điện “thanh toán” lên đôi vai gày guộc của nhân dân.

Xăng dầu và điện tăng cũng ngay lập tức kích thích giá các mặt hàng khác cùng phi mã. Chỉ ít ngày sau khi tăng giá xăng dầu và điện, hàng loạt mặt hàng rau quả ở miền Tây Nam Bộ đã tăng từ 10-30%. Còn tại các đô thị, giá sữa đương nhiên là một thứ hàng không thể không tăng, làm khốn khó thêm cho đời sống người dân trong cơn bão suy thoái.

Chính phủ không vô can

Không thể nói Chính phủ vô can trong toàn bộ câu chuyện tăng giá điện và xăng dầu.

Bất chấp nạn suy thoái kinh tế kinh niên và phản ứng của người dân, các nhóm lợi ích xăng dầu và điện lực vẫn đang hứa hẹn sẽ còn tiếp tục tăng giá trong năm nay và cả cho năm sau - 2014, tăng đến khi nào toàn bộ số lỗ do đầu tư trái ngành những năm về trước được thanh toán trên đầu người dân.

Bất chấp “những cố gắng của toàn bộ Chính phủ” trong cuộc chiến chống lạm phát, những tác động được giới quan chức thống kê Việt Nam xem là “tăng giá điện và xăng dầu không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát” liệu còn có ý nghĩa gì khi giá nhiều mặt hàng đã tăng phi mã tại các chợ và cửa hang?

Thay thế cuộc chiến này bằng một cuộc chiến khác, phải chăng điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng diễn trình mong muốn - cuộc chiến chống các nhóm lợi ích - đang có nguy cơ bị chính các nhóm đặc quyền đặc lợi này diễn đạt theo một cách hoàn toàn trái ngược?

Nhưng cảnh sắc trái ngược như thế lại thường được lịch sử chứng thực ở những quốc gia không độc quyền. Vào tháng 2/2013, trước hành vi tăng mạnh giá điện của hai nhà phân phối điện lực là Công ty CEZ và Evergo-Pro và Công ty EVN, hàng chục ngàn người dân Bungaria đã đổ ra đường biểu tình, đẩy cao nguy cơ một cuộc bạo động đẫm máu.

“Tôi sẽ không tham gia vào một chính phủ mà ở đó cảnh sát có quyền được đánh đập người dân. Chúng tôi cũng có danh dự và lòng tự trọng riêng của mình. Nhân dân đưa chúng tôi lên nắm quyền và chúng tôi sẽ trao trả lại quyền lực cho họ” - Thủ tướng Boiko Borisov khẳng định trước Quốc hội nước này. Chỉ sau đó một tháng, chính phủ Bungaria đã quyết định từ chức.

Dân chúng?

Còn ở Việt Nam và ứng với một lịch sử độc quyền về nhiều phương diện, nhân dân sẽ biểu cảm ra sao?

Sức chịu đựng của người dân Việt Nam là rất cao, đặc biệt trong thời chiến tranh. Nhưng sau khi chiến tranh đã trôi qua gần bốn chục năm và thế đặc quyền cũng có chừng ấy thời gian để tác quái, không ai có thể nói trước được điều gì.

Vào kỳ họp quốc hội tháng 5/2013, lồng trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái thảm trạng cùng trào lưu thăng hoa của các nhóm lợi ích và nạn tham nhũng, thái độ im lặng của các đại biểu quốc hội đã khiến cho dư luận người dân thất vọng.

Tuy nhiên, một hiệu ứng tâm lý xã hội đã bất ngờ xảy ra vào cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên trong lịch sử quốc hội: đa số phiếu tín nhiệm thấp được các đại biểu quốc hội dồn cho giới quan chức chính phủ – những người phải chịu trách nhiệm trực tiếp về khả năng điều hành kém cỏi.

Không phát biểu không có nghĩa là không hành động. Và chỉ hành động nếu có cơ hội – đó là điều mà nhiều đại biểu quốc hội, dù phải rơi vào tình thế lắng tiếng vì một số lý do nào đó, nhưng đã bộc lộ qua một phản ứng có tính kết tủa bằng vào lá phiếu của mình.

Vậy còn thái độ người dân đối với Chính phủ thì sao?

E rằng, phản ứng của người dân sẽ khác và còn khác nhiều với khối quan chức quốc hội. Một quy luật tâm lý xã hội khác đang hình thành ngày càng sống động: giá độc quyền càng tăng, sức chịu đựng của người dân càng tiệm cận với giới hạn cuối cùng. Tâm lý chịu đựng đang dần chuyển sang tâm lý phản ứng và có thể cả phản kháng.

Ai cũng biết rằng, đến một thời điểm nào đó, khi tâm lý chịu đựng đã vượt qua tâm trạng sợ hãi, những người dân khốn khổ nhất sẽ bắt đầu tập hợp với nhau, tạo thành tiền đề phản ứng công khai đầu tiên như người dân Bungaria đã làm.

Những cuộc biểu tình công khai đối với chính phủ cũng từ đó mà sinh sôi, có thể kéo theo tình hình mất kiểm soát, để sau đó không ai có thể lường được hậu quả sẽ ra sao.

Lẽ nào Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn quá chủ quan với cận cảnh mất mát ấy?

Phạm Chí Dũng

Gửi cho BBC từ Sài Gòn
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một nhà báo tự do ở TP Hồ Chí Minh.
(BBC)

Luật pháp cần phải bảo vệ người bị tước đoạt quyền làm việc một cách vô lý

Theo giấy triệu tập đương sự của tòa án nhân dân thành phố Bạc Liêu do thẩm  phán Châu Minh Nguyệt đã ký ngày 8/8/2013. Tôi nhận được phong thư này treo trước của nhà tôi vào chiều tối ngày hôm nay, thứ 2, 12/8/2013.

Vào lúc 7: 30 ngày 16/8/2013 tòa án Bạc Liêu sẽ làm việc lien quan đến vụ kiện trong đó tôi là bị đơn (mặc dù Eximbank làm sai như: nợ tiền lương, bảo hiểm và tiền thưởng tôi do họ tự ý rút tiền trong tài khoản của tôi sai quy định).

Vì sợ họ có tiền và quyền thế xử ép tôi như họ đã làm thời gian qua nên tôi khẩn xin mọi người trong nước và quốc tế giúp đỡ, xem xét cho tôi 1 sự công bằng theo quyền được sống, được làm việc, được đối xử công bằng và bình đẳng theo pháp luật và Luật Nhân quyền.

Vì từ đầu đến cuối tôi đều làm đúng theo trình tự pháp luật. Tôi đã bị hại,  bị vu oan mất việc và tương lai sự nghiệp…Ông Nguyễn Mạnh Triều trước đây là quyền giám đốc Eximbank Bạc Liêu đã vu oan giá họa cho tôi (có ghi âm ông ta phân công Trang Ngọc Yến làm sai nhưng ép tôi chịu và ông ta đã giấu biên bản họp, nói dối, nói rồi chối, không giữ lời…)

 Pháp luật là phải có chứng cứ và nguồn căn.
Sự an toàn của người dân là đạo luật cao nhất.

 Khẩn xin mọi người giúp đỡ vì ông Nguyễn Mạnh Triều Quyền giám đốc Eximbank Bạc Liêu trước đây chẳng những làm sai pháp luật còn vu oan giá họa cho tôi. Ông ta đã giấu biên bản họp về việc phân công Trang Ngọc Yến làm sai nhưng lại đổ thừa cho tôi. Nhưng do tôi không đồng ý (có ghi âm) nên ông ta đã trừ lương cách chức tôi sai quy định, rút hết tiền lương và tiền thưởng trong tài khoản của tôi và ép tôi nghỉ việc.

Tôi có vay hổ trợ tiêu dùng cho cán bộ công nhân viên, thời hạn là 10 năm. Mỗi tháng chỉ được trích tiền trong tài khoản tôi khoảng 1.300.000VND (khoảng USD50). Nhưng Eximbank Bạc Liêu đã làm sai là rút toàn bộ tiền lương và tiền thưởng của tôi khiến cho tôi làm việc không có lương và phải trang trải chi phí ăn ở và đi lại rất tốn kém.

Tôi cố gắng chịu đựng suốt 1 thời gian dài như vậy mãi cho đến sau này họ ra quyết định tôi mới nghỉ.

Nhưng họ không bồi thường và trả tiền bảo hiểm, chế độ cho tôi. Tôi khảng định tôi làm đúng theo trình tự pháp luật nhưng họ cố tình ép tôi nghỉ việc và buộc tôi vô tội cố ý làm trái nên nghỉ việc!
Hồ Thị Thái Hiền.

Thao Thao - Phê phán ông Hồ thế nào cho thuyết phục?

Tôi từng viết bài chê ông Hồ nên đã đọc kỹ nội dung (và bằng chứng) nhiều bài khác cũng lên án ông. Từ phê phán lặt vặt đến lên án rất nặng nề.

Lớn nhất là kết tội ông Hồ theo cộng sản và đem chủ nghĩa này du nhập Việt nam. Từ đó, mà mọi tai hoạ xảy ra. Tuy vậy, hãy đếm xem trong toàn bộ các bài viết của ông Hồ (năm ngàn trang) có bao nhiêu lần ông nhắc tới các từ “chủ nghĩa Mác - Lê Nin” và XHCN. Té ra, chúng quá ít so với các vị Lenin, Stalin, Mao, Kim, Fidel, thậm chí ít hơn cả Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… (chỉ tính từ năm 1969 trở về trước).

Nhỏ nhất là phê phán ông Hồ có cuộc sống riêng tư không đạt mức như một… vị thánh. Nhưng chúng ta lấy quyền gì mà bắt ông phải là thánh? Nếu chúng ta định phê phán đảng CS (cứ tôn ông lên bậc thánh) thì can gì đến ông? Nếu lại cố tìm thêm vài chi tiết để phê phán chính ông Hồ, xét ra vẫn chỉ đáng xếp vào phần “lặt vặt” trong khuyết điểm của một chính khách lớn, một nhân vật lịch sử mà thôi.

Thú thật, hồi ấy tôi vẫn còn cảm tính khi phê phán. Ví dụ, khi thấy ông Hồ tự lăng-xê bản thân bằng viết sách đề cao mình, tôi kết luận là giả dối, thủ đoạn. Nhưng rồi tôi không phản biện nổi khi có người chỉ cho tôi thấy chán vạn chính khách có những cách rất sáng tạo để tự quảng cáo bản thân. Vấn đề là khi tự quảng cáo có bịa ưu điểm để tự tâng bốc không. Và có vu cáo, bôi nhọ đối thủ hay không. Thế thôi. Cách ta 600 năm, cụ Nguyễn Trãi đã từng tự quảng cáo, được lịch sử thán phục. Có sao đâu?

Tôi coi là “tép” những lời bênh vực ông Hồ của đám cộng sản độc tài đang đương quyền, thực chất là mượn “thần tượng Hồ” để cố duy trì quyền lực. Nhưng tôi không dám coi thường những người cộng sản (như tướng Nguyễn Trọng Vĩnh) và không cộng sản (như bác Hà Văn Thịnh). Họ đáng kính (đã đành) mà họ cũng có quyền giữ quan điểm riêng của mình: Họ mến phục ông Hồ, vì ông… yêu nước chứ không phải vì ông Hồ mặn mà với lý tưởng CS. Nếu họ bị thuyết phục, thì chắc chắn vị thần tượng này sẽ đổ kềnh. Liệu cách chửi bới thô thiển có đem lại kết quả mong đợi?

Những chuyện chưa thật là lớn?

Một số bằng chứng được nhiều người nhắc đi, nhắc lại, nhưng người nghe (nếu bình tĩnh suy nghĩ) thì chưa thể thật “thông suốt”. Các bằng chứng này, về cảm tính, có thể góp phần làm chao đảo một thần tượng (mà chúng ta rất muốn hạ bệ) nhưng về lý trí thì chưa thể làm sụp đổ thần tượng đó. Ngược lại, chỉ cần một-vài bằng chứng chưa thật thuyết phục, kèm với văn phong thô lỗ, bàn luận khiên cưỡng thì người đọc (về mặt cảm tính) có thể không còn tin tưởng mọi bằng chứng khác mà tác giả đưa ra nữa. Vài ví dụ:

- Ông Hồ xuất dương để… kiếm sống, đâu phải để tìm đường cứu nước (xin học trường Thuộc Địa - nhưng bị từ chối). Thế thì đã sao? Thiếu gì chuyện một người ban đầu tư cách không ra gì, hoặc chỉ có mục đích tầm thường, nhưng sau thành người tốt? Nếu sinh thời ông Hồ cứ bai bải chối chuyện này thì mới thành chuyện. Nhưng lại không có bằng chứng ông Hồ phủ nhận chuyện này. Còn việc đảng CS muốn che dấu (để thần thánh hoá) thì ta tha hồ phê phán đảng CS, mà không nên lên án ông Hồ.

- Để việc thần thánh hoá được trọn vẹn, các đảng CS ở các nước nông nghiệp (Nga, Tàu, Triều Tiên, Việt Nam) đều chơi trò ướp xác lãnh tụ để thờ phụng. Họ khôn lắm. Họ biết rằng trong đầu óc người tiểu nông phải có một vị thánh.

Nhưng chuyện có thật là Lênin và Hồ Chí Minh đều có di chúc muốn được chôn, hoặc hoả táng. Tôi chưa có bằng chứng Stalin, Mao, Kim có muốn ướp xác hay không, hay là bọn thủ hạ tự ý làm? Nếu vậy, thì đám thủ hạ mới là đối tượng cần phê phán, còn người chết thì vô tội trong chuyện này. Tôi đã từng có bài gọi di hài của ông Hồ là “cái xác thối tha”. Nay tự thấy xấu hổ.

Tôi được xem một cuốn phim dân chúng khóc lóc thảm thiết khi ông Hồ mất; một cuốn phim khác dân chúng vui mừng nồng nhiệt khi được tin đảng CS quyết định giữ lâu dài thi hài ông Hồ. Đến nay, tâm lý mê tín này đã hết chưa?

Khi ấy, có lẽ ai xúc phạm ông Hồ nửa câu, sẽ bị dân thù ghét đến xương tuỷ.

Tôi đã hỏi han nhiều người thuộc thế hệ trước, tất cả đều thừa nhận tình cảm của mình với ông Hồ là chân thật, tự đáy lòng.

Năm 1945-46, ông Hồ 55 tuổi, ông nội tôi 29 tuổi, cha tôi 8 tuổi. Khi thấy cha tôi gọi ông Hồ là “bác”, ông nội tôi đã mắng “không được hỗn”. Té ra, khi đó, ông Hồ chỉ xưng “bác” với thiếu nhi. Bài hát của thiếu nhi cũng gọi ông là “bác”. Với bác sĩ Tôn Thất Tùng 33 tuổi, ông Hồ gọi là “ngài”. Về sau, với các thành viên chính phủ, nếu ai kém ông Hồ trên 19 tuổi, ông coi như em, xưng hô là “bác” và “các chú”.

Vậy mà, có lần tôi đã nghe người ta mà… chửi ông Hồ là dám xưng “bác” với toàn dân. Viết bậy bạ như thế làm sao thuyết phục các vị cao tuổi?

Lại còn cái chuyện ông Hồ tự coi mình là “cha già dân tộc” nữa chứ. Cho đến khi có người ấn vào mặt tôi bài viết xa xưa của Phạm Văn Đồng: chính ông này mới là người có lỗi. Sau đó, nhiều người có lỗi là cứ thế gọi theo. Nhưng thập niên 50, bài hát của Đỗ Nhuận (mà tôi đã nghêu ngao, thuộc lòng, nhưng không hiểu hết ý), lại có câu: “Hồ Chí Minh – con yêu của dân”. Dẫu sao, chính ông Hồ khi viết sách về mình, do muốn giấu tên, đã dùng “cha già dân tộc”, khiến hồi ấy mọi người cho rằng tác giả là Phạm Văn Đồng. Việc này, ai muốn lên án, hay bênh vực đều có thể đưa ra lý lẽ. Cãi nhau đến… Tết không xong. Sa đà vào đây làm gì?

Tóm lại nhé: Tôi tự nhủ, mình đang sống trong nước, hãy hỏi han cho kỹ bối cảnh rồi hãy viết, tránh đưa ra những “bằng chứng” thuần tuý kiếm ở văn bản + tự suy luận. Có như vậy mới thuyết phục được người khác.

Còn ngày nay thì sao? Thì… tha hồ rủa ông Hồ, miễn là dùng nick (như tôi đây), hoặc đang sống ở nước ngoài. Chúng ta mong muốn dân chúng tỉnh ngộ, khỏi sùng bái ông Hồ (mà đảng CS đặt làm thần tượng để mê hoặc dân, thậm chí còn đặt tượng ông lên chùa). Khốn nỗi, vẫn còn tới 70% dân chúng (ít học) quý trọng ông Hồ. Mà đây chính là lực lượng chủ yếu sẽ làm thay đổi chế độ. Chính tôi chứng kiến dân oan nói rằng nếu còn cụ Hồ thì bọn cầm quyền hiện nay không thể làm bậy (!). Khổ thế!!! Hễ ai nói xấu ông Hồ, họ không thèm nghe.

- Ông Hồ có nhiều ngày sinh nhật, nhiều tên? Đó là sự gian dối, lắt léo, của một con người đầy thủ đoạn? Có thể lắm (99%). Nhưng cũng có thể (1%) thời đó chưa có giấy khai sinh, lúc mới sinh gọi bằng tên này, khi đi học gọi bằng tên khác..., ra đời lại tên khác nữa… Rồi, khi hoạt động bí mật, khi viết báo (có cả báo "chui")…

Liệu có thể dùng chuyện “lắm tên, lắm ngày sinh” để đánh đổ một nhân vật lịch sử (như tôi đã làm) hay không?

- Ông Hồ rành rành có vợ là bà Tăng Tuyết Minh mà không dám nhận? Ai không dám nhận? Bản thân ông Hồ, hay đa số trong bộ chính trị không cho ông nhận (theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số của chế độ Tập trung - Dân chủ)? Cãi nhau có mà đến Tết.

Tôi tin rằng sẽ tới ngày các tài liệu lưu trữ của đảng CSVN được giải mật để có bằng chứng kết tội hay xoá án cho ông. Tóm lại, phải đợi thì hơn là rỗi rãi cãi nhau.

- Một số chuyện khác về quan hệ tình ái (nếu có) cũng không lớn - chỉ ngang với chuyện tổng thống Clinton có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân - tôi đã được đọc khá đủ, xin không nhắc ở đây.

Ngay cả chuyện ông viết sách “tự ca ngợi”, suy cho cùng chẳng qua chỉ là chuyện tự giới thiệu mình của một chính khách… Giống như ngày xưa cụ Nguyễn Trãi đã làm: Cụ dùng mỡ viết lên lá cây 8 chữ, để sâu ăn, khiến mọi người tin rằng đó là do “Trời đã định” (Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần).

Tóm lại, trên đây là những chuyện chưa đủ lớn để làm đổ thần tượng.

Muốn hạ thần tượng của đảng CS, phải nhằm vào những chuyện lớn

- Ông Hồ tuyên bố (đại ý): Về lý luận thì cụ Stalin và cụ Mao đã viết hết cả rồi, tôi không còn gì để viết nữa. Hoàn toàn xác thực. Ông Hồ dẫu sống lại cũng không thể chối cãi câu này. Nhưng "lý luận" đây là lý luận gì? Câu trả lời duy nhất: Đó phải là "lý luận Mác-Lê" (vì chả lẽ một lãnh tụ Cộng Sản lại viết lý luận phi CS?).

Thế là, lên án hay bênh vực, đều được. Nếu thâm tâm ông Hồ không theo Mác - Lê Nin thì câu ông trả lời (ở trên) lại là cách nói cực kỳ thông minh. Vừa tỏ ra khiêm tốn, vừa nói sự thật (không ham lý luận Mác - Lê), mà vẫn an toàn trước các “đồng chí” trong nước và quốc tế. Không viết lý luận, nhưng ông có hàng ngàn bài để lại (tôi không đọc) thể hiện suy nghĩ của ông. Tư tưởng của ông Hồ (nếu có một hệ tư tưởng) nằm ngay trong những bài viết của ông, ngoại trừ những bài gượng gạo (bài Địa chủ ác ghê).

Tôi nghĩ, muốn chứng minh ông có “tư tưởng” hay không, cần khai thác các bài đó. Nhưng chưa thấy ai (ở phe ta) làm một cách tỉ mỉ, công phu và khoa học để chứng minh ông chẳng có tư tưởng quái gì hết.

- Ông Hồ bị kết tội “mang chủ nghĩa Mác - Lê Nin vào VN”. Đây là loại bằng chứng rất mạnh, nhất là từ khi EU chính thức có nghị quyết lên án tội ác của chế độ CS. Nhưng vẫn có nhiều dẫn chứng, nói lên rằng các vị trong đệ tứ quốc tế mới thật sự làm được việc này (Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm…). Còn cái “chủ nghĩa Mác Lê mà ông Hồ thể hiện trong Chính cương 1930 thì chỉ ít tháng sau đã bị đàn em (Trần Phú, Hà Huy Tập…) theo lệnh Stalin sổ toẹt, không thương tiếc. Trần Phú, Hà Huy Tập - những trí thức trẻ, cấp tiến, tín đồ của giáo lý Mác-Lê - đã phê phán nặng nề ông Hồ. Nay còn bằng chứng hẳn hoi, nhưng đảng CS vẫn nửa kín, nửa hở. Khi ông Hồ đã là chủ tịch nước, chủ tịch đảng, các vị cùng thế hệ Trần Phú vẫn vây quanh ông Hồ (ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ…).
Phe bênh vực ông Hồ nói gì?

Đánh đổ các luận điểm của phe bênh ông Hồ cũng là điều cần làm.
Nhiều điều “bênh vực ông Hồ” do phe đối lập đưa ra, tôi muốn bác bỏ, nhưng chưa đạt 100%, mà chỉ ở mức 51 tới 99% mà thôi. Xin quý vị “phe ta” giúp thêm vào.

- Khi chiến tranh thế giới 2 sắp kết thúc, ông rất nhiều lần liên lạc với tổng thống Mỹ để tìm kiếm sự ủng hộ. Đây là lãnh tụ CS duy nhất “điên” mà làm như vậy. Nhất là khi đảng CS Tàu và Nga nằm ngay sát nách? Các đảng khổng lồ này vừa là nguồn viện trợ rất quyết định (nếu đi theo họ), đồng thời cũng là mối đe doạ “chết người” (nếu ông Hồ tỏ ra xa dời lý tưởng CS). Sao ông dám liều vậy?

- Khi đã có độc lập (1945), đảng CS đã có chính quyền, liệu có lãnh tụ CS nào dại dột tuyên bố “giải thể đảng”? Sao… ngu đến mức tự mình nhổ vây, bẻ cánh của chính mình, trong khi các đảng đối lập ở Việt nam lại ra sức củng cố vây cánh?

Vậy thì, ông giải thể đảng của mình (dù là giả dối) nhằm để tranh thủ ai? Câu trả lời của phe bênh ông Hồ là: “Để tranh thủ ai khác, chứ nhất định không phải để tranh thủ Stalin và Mao Trạch Đông”. Chỉ biết rằng khi được phục hoạt, cái đảng CS này bỗng đổi tên là Lao Động, và chỉ hoạt động ở VN (thay vì Đông Dương).

- Ông Hồ có mặt ở Liên Xô lâu đến vậy, mà địa vị trong Quốc Tế CS lại thua xa mấy vị hậu sinh (Lê Hồng Phong, Trần Phú…). Rõ ràng Stalin đã nhìn ra chân tướng ông. Phải chăng, háo hức đem chủ nghĩa Mác-Lê vào VN chính là các vị trí thức trẻ tuổi và hăng tiết này? Nhưng họ cũng không thể nhận vinh dự là “đầu tiên” đưa chủ nghĩa Mác Lê vào VN đâu.

- Ai có dịp may được viết Tuyên Ngôn Độc Lập cũng muốn đưa hết tâm tư, hoài bão, chí hướng và hiểu biết của mình vào đấy. Và mong nó trường tồn.

Ông Hồ ở Liên Xô từng ấy năm, thạo tiếng Nga (đã học trường Đông Phương đào tạo cán bộ CS), còn lạ gì bản Tuyên Ngôn của nước Nga XHCN do đích thân Lênin thảo ra, với ý đồ muốn nó hơn hẳn Tuyên Ngôn tư bản?

Vậy sao ông Hồ không trích dẫn nửa câu Tuyên Ngôn của Liên Xô, mà lại trích dẫn đầy đủ câu cốt lõi nhất trong Tuyên Ngôn của Mỹ?

Tôi thật khó hiểu cho cái ông Cộng Sản “xuất chúng và lỗi lạc” này (lời ca ngợi của đảng CS VN). Tôi nghĩ mãi, chưa có cách nào làm cho cái “văn bản lịch sử” này hết trường tồn, để… theo đó, tên tuổi ông Hồ cũng mai một đi. Chỉ tiếc rằng sức mình không làm nổi, mà trông cậy vào các bằng chứng sẵn có thì vẫn thấy… thiêu thiếu thế nào ấy.

- Càng khó hiểu hơn, tuy ông được Đảng CS VN ca ngợi là học trò xuất sắc của Lênin; vậy mà lại soạn hiến pháp Hiến Pháp 1946 - rất phản Lê nin, phản đường lối đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Nội dung và tinh thần của nó khác quá xa bản hiến pháp Liên Xô 1924, nhưng lại rất gần các hiến pháp tiến bộ khác. Đây là công trình cả đời người, không phải chuyện giả vờ mà được. Hẳn là ông ý thức rằng hậu thế có thể khen chê khi ông không còn sống trên đời nữa.

Ghét ông, tôi chỉ muốn quên hoặc xoá cái câu “nước độc lập mà dân không tự do thì độc lập cũng không ý nghĩa”, hoặc câu “không gì quý hơn độc lập tự do”… mà tài sức không làm nổi. Người Macxit với lý tưởng “thế giới đại đồng” không nói những câu như thế.

Khá am hiểu đạo Khổng và Nho học, ông Hồ hay trích các câu danh ngôn của Tàu. Tôi đã lên án ông Hồ là… ăn cắp. Ông nội tôi mắng: Sao cháu ngu thế, cả nước ta có thói quen dùng danh ngôn mà không cần chú thích; ví dụ câu ông nội vẫn nói: Nhân bất học, bất tri lý; hoặc Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân… cần gì phải nói nguồn gốc? Nhưng trong văn bản quan trọng (Di Chúc) khi trích thơ, ông Hồ đã nói rõ nguồn.

Tôi nghiệm ra: mình “ngu” là do… ít tuổi. Đến bác Lữ Phương (lứa tuổi 70), khi tôi hỏi ý kiến ông nội, còn bị ông nhận xét là bác này đã “đặt sự kiện ra khỏi bối cảnh của nó”.

- Bài đầu tiên, tôi đã chê “sáu điều” ông Hồ dạy thiếu nhi, chủ yếu là Điều 1: Chỉ dạy “yêu nước, yêu dân” mà không nhắc gì tới cha mẹ, ông bà. Ông nội tôi hỏi lại: Nếu Điều 1 thay bằng “yêu đất nước, yêu cha mẹ” (chỉ 6 chữ thôi nhé) có ổn không?

Vả lại, dù có đáng phê phán gì gì đi nữa, thì chúng ta không thể phê phán 6 điều này là mang ý thức hệ cộng sản được.

- Di Chúc là tâm trạng và suy nghĩ thật của người sắp chết. Đã từng viết hàng ngàn bài báo, sao ông cứ loay hoay mấy năm trời với bản Di Chúc chỉ có vài trang? Liệu ông Hồ có nhu cầu viết ra suy nghĩ và tâm trạng thật của mình (nghĩa là viết cho hậu thế)? Nếu có, ông rất hiểu rằng phải có chữ ký của ông Lê Duẩn thì di chúc mới được công bố. Ông có quyền không viết di chúc, nhưng có lẽ ông muốn đời sau hiểu ông (tuỳ ý khen chê) nên ông đã viết. Vâng, cứ viết. Còn chuyện công bố thì phải có ý kiến của đảng. Có lẽ loay hoay là do vậy.

Ghét ông, tôi chỉ có thể phê phán ông là… đồ hèn. Nhưng phê như thế, liệu có làm đổ được một nhân vật lịch sử?

Thành thật mong chờ quý vị.
Thao Thao
(Dân luận)

Ngư dân Việt 'bị tàu lạ bắn chết'

Báo nói tàu cá Việt Nam bị tấn công khi đang ở vùng biển gần Campuchia
Báo trong nước đưa tin một ngư dân Việt Nam bị những người trên một tàu chưa xác định rõ danh tính bắn chết.

Trong tin đăng tải ngày thứ Ba 13/8, tờ Thanh Niên cho biết ngày 11/8, tàu cá số hiệu BKS CM 99488 TS với 20 ngư dân trên tàu đang hoạt động trên vùng biển giáp ranh giới với Campuchia, cách đảo Thổ Chu (thuộc Vịnh Thái Lan) khoảng trên 30 hải lý về hướng tây bắc thì bị những người đi trên một 'tàu lạ' dùng súng bắn.

Báo này nói thuyền viên Trần Văn Út, 38 tuổi, bị trúng đạn và chết trên tàu. Sự việc xảy ra vào lúc khoảng 7 giờ rưỡi tối 11/8.

Thuyền trưởng tàu Hoàng Đức Hữu được nói đã báo cáo sự việc với đồn biên phòng Sông Đốc, đồng thời điều khiển tàu cá chạy vào bờ.

'Đang điều tra'

BBC đã liên lạc với bộ phận tác chiến của đồn biên phòng nhưng bị từ chối trả lời với lý do là sự việc "đang trong quá trình điều tra".

Hồi tháng Bảy năm ngoái, đại diện của Biên phòng Cà Mau cũng cho BBC biết hai tàu cá khác của ngư dân địa phương đã bị một tàu nước ngoài không rõ danh tính "tiến gần và dùng súng bất ngờ tấn công" khi đang đánh bắt ở Vịnh Thái Lan.

Thời gian qua, liên tục xảy ra những vụ ngư dân Việt Nam bị tấn công khi đang hoạt động đánh bắt trên biển, nhưng chủ yếu ở vùng biển Hoàng Sa.

Ngày 9/7, hai tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn đã bị tàu hải giám Trung Quốc tấn công và thu giữ tài sản khi đang đánh bắt gần khu vực đảo Phú Lâm.

Trước đó, vào đầu tháng Sáu, một tàu cá của ngư dân tỉnh Thanh Hóa cũng bị một 'tàu lạ' khác đâm chìm, khiến một người thiệt mạng.

Vào cuối tháng Năm, một tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi bị một tàu hải giám của Trung Quốc mang số hiệu 246 đâm vỡ.

Hồi cuối tháng Ba, cũng một tàu của Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đuổi và nổ súng bắn cháy cabin gần đảo Hoàng Sa.
(BBC)

Manila muốn Mỹ đưa thêm nhiều phương tiện quân sự đến Philippines

Chiến hạm USS Chung Hoon tham gia cuộc tập trận Mỹ - Philippines gần Trường sa - AFP
Chiến hạm USS Chung Hoon tham gia cuộc tập trận Mỹ - Philippines gần Trường sa - AFP

Chính quyền Manila vào hôm nay, 12/08/2013, cho biết sẽ cố gắng đề nghị Washington cho phép Philippines tận dụng các loại trang thiết bị của Mỹ hầu bảo vệ lãnh thổ của mình. Trong các nội dung cuộc đàm phán về việc mở rộng một thỏa thuận quốc phòng Mỹ-Philippines bắt đầu trong tuần này, có đề nghị cho quân đội Mỹ bố trí các phương tiện tại các căn cứ trên lãnh thổ Philippines.

Theo hãng tin Pháp AFP, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho biết là Hoa Kỳ đã đồng ý trên nguyên tắc việc cho phép quân đội Mỹ hiện diện đông đảo hơn tại nước đồng minh châu Á này.

Cuộc họp tới đây sẽ tập trung trên việc thảo luận các quy tắc chi phối việc tăng cường hiện diện đó, và Philippines muốn đảm bảo sao cho thỏa thuận sắp tới sẽ giúp họ củng cố thêm năng lực quốc phòng của mình.

Ông nói : « Chúng tôi sẵn sàng tìm kiếm mọi nguồn lực, xây dựng mọi liên minh, làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ những gì thuộc về chúng tôi, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm an toàn cho dân chúng ».

Philippines đang muốn được Hoa Kỳ hỗ trợ mạnh mẽ hơn về mặt quân sự vào lúc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông ngày nghiêm trọng hơn.

Hoa Kỳ vẫn nói là không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp này, nhưng đang tìm cách tăng cường sự hiện diện quân sự tại Philippines, trong khuôn khổ chiến lược xoay trục qua châu Á của Tổng thống Obama.

Quân đội Mỹ rút khỏi các căn cứ của mình ở Philippines vào năm 1992, nhưng một thỏa thuận mới năm 1999 đã cho phép quân đội Mỹ trở lại đây, tham gia những cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp. Hàng ngàn lính Mỹ như thế đên đây trong các cuộc tập trận thường kỳ.

Quân đội Mỹ cũng luân phiên đến miền Nam Philippines từ 2002, giúp chính quyền Manila chống lại lực lượng hồi giáo thân Al Qaida. Philippines cho biết thỏa thuận mới sẽ mở đường cho nhiều cuộc tập trận chung khác.

Trả lời báo chí hôm nay, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Pio Lorenzo Batino, giải thích là trong các cuộc đàm phán mới, Manila cũng tìm cách đế cho Mỹ bố trí sẵn các loại thiết bị quân sự tại các căn cứ Philippines. Philipppines muốn sử dụng các phương tiện này để bảo vệ lãnh thổ trên biển của mình.

Cuộc đàm phán Mỹ - Philippines sẽ bắt đầu ngày 14/08/2013 tới đây tại Manila. Các quan chức Philippines từng cho biết là Manila muốn đúc kết thỏa thuận trong năm nay.
Mai Vân (RFI)

Hối lộ ngành dược 'chuyện thường ở TQ'


GSK nói đang hợp tác điều tra với công an Trung Quốc

Các công ty dược nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc thường xuyên hối lộ, theo điều tra của BBC.

Năm nhân viên bán dược phẩm cho các công ty nước ngoài nói với BBC rằng các công ty của họ đã hối lộ để tăng doanh thu.

Tất cả những người này muốn giấu tên vì lo ngại sẽ mất việc.

Tiết lộ này đưa ra trong lúc có bê bối hối lộ ở Trung Quốc liên quan tập đoàn GlaxoSmithKline.

Một người bán hàng nói với BBC công ty ông ta trả 1,000 đôla để hàng được bán tại một bệnh viện.

Trong trường hợp này, một sản phẩm ban đầu bị bệnh viện từ chối bán, gây “mất mặt” cho ông ta và công ty.

“Chúng tôi tìm kiếm một cách thức nhanh chóng,” người này nói.

Ông ta thừa nhận rằng nói một cách nghiêm khắc, khoản tiền này có lẽ là hối lộ và cấp trên ông ta đã ký duyệt.

“Có lẽ chúng tôi còn tốn hơn nếu không hối lộ,” ông nói.

Tháng trước, công an Trung Quốc cáo buộc tập đoàn Anh GlaxoSmithKline có “hành vi như mafia”.

GSK bị tố cáo chuyển đến 320 triệu bảng thông qua các dịch vụ lữ hành để giúp hối lộ bác sĩ và quan chức.

Một viên chức của GSK đang bị giam, người Trung Quốc, nói trên truyền hình nhà nước rằng tiền hối lộ khiến giá sản phẩm tăng một phần ba.

GSK nói họ đang hợp tác điều tra.
(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét