Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý: Nhóm lợi ích ăn hết phần lời của nông dân & Lợi ích nhóm trong y tế

Vụ Đinh Đức Lập: Luật sư Trần Đình Triển quyết tâm đưa ra ánh sáng

Sau khi Luật sư Trần Đình Triển (ảnh bên) có bài Vì sao báo chí chưa vào cuộc đểbảo vệ đồng đội trên FB của mình thì ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết thay mặt Ban biên tập đã có công văn gửi Đoàn luật sư Hà Nội xúc phạm đến uy tín, danh dự và vu khống Luật sư Trần Đình Triển. 
Vì vậy, Luật sư Trần Đình Triển đã có thư này gửi tới ông Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, Hội đồng thi đua khen thưởng Đoàn Luật sư Hà Nội. Trong thư, Luật sư Triển khẳng định rõ ông sẽ theo đuổi đến cùng để làm rõ những sai phạm của ông Đinh Đức Lập - Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết. Những nội dung sai phạm của ông Lập đã được luật sư Triển nêu rõ trong thư.
.








(Blog Tễu)

Cầu Nhật Tân: Bồi thường hay hỗ trợ?

Phối cảnh cầu Nhật Tân
Quá trình xây dựng cầu Nhật Tân đang gặp nhiều chậm trễ

Truyền thông Nhật Bản nói Bộ Giao thông Việt Nam chấp thuận 'bồi thường' cho nhà thầu Nhật trong dự án cầu Nhật Tân, nhưng phía Việt Nam nói đây là 'hỗ trợ chi phí phát sinh'.

Hôm thứ Hai 12/8, báo Japan Times đăng tin của hãng thông tấn Jiji nói Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam "về nguyên tắc đã đồng ý bồi thường Công ty Xây dựng Tokyu vì các chi phí phát sinh do chậm trễ trong quá trình thực hiện dự án".

Bản tin cũng nói Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý trả 155 tỷ đồng, tương đương 700 triệu yen, cho nhà thầu Nhật, ít hơn khoản 200 tỷ đồng mà Tokyu yêu cầu lúc ban đầu. Hiện chưa rõ bao giờ thỏa thuận này sẽ được thực thi.

Trong khi đó, các nguồn tin chính thống của Việt Nam đều bác bỏ điều gọi là "bồi thường vì chậm trễ trong dự án" tuy rằng trước đó nhiều báo trong nước cũng đã đưa tin về việc nhà thầu Tokyu yêu cầu bồi thường.

Dự án cầu Nhật Tân được gọi là dự án hữu nghị Nhật-Việt, với kinh phí đầu tư 7,530 tỷ đồng, hay 80 tỷ yen, gồm vốn vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Theo kế hoạch ban đầu, cầu này đáng ra phải được hoàn tất vào tháng 10/2010 nhưng tới bây giờ vẫn chưa xong, chủ yếu vì chậm trễ trong giải phóng mặt bằng. Thời hạn khánh thành mới được trông đợi là tháng 12/2014.

Họp với bộ trưởng

Báo chí đưa tin hôm 8/8 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có cuộc gặp với lãnh đạo nhà thầu Tokyu về dự án cầu Nhật Tân.

Sau cuộc gặp, hai bên tuyên bố "không có việc tranh chấp, đòi bồi thường".
BBC đã liên hệ với một số quan chức liên quan nhưng không được phản hồi.

Cầu Nhật Tân

  • Thiết kế theo công nghệ cầu dây văng
  • Bắt đầu tại phường Phú Thượng (Quận Tây Hồ)
  • Kết thúc tại điểm tiếp với quốc lộ số 3 (Huyện Đông Anh).
  • Chiều dài toàn tuyến là 8,4km, trong đó cầu dài 3,9km, đường dẫn 4,5km
  • Chiều rộng 8 làn xe, trong đó 6 làn xe cơ giới.
  • Dự kiến khánh thành tháng 12/2014

Ông Nguyễn Thanh Vân, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 85, phụ trách phía Việt Nam, từ chối trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên trước đó, ông được báo Giao thông Vận tải dẫn lời nói "chưa bao giờ nhà thầu đòi chủ đầu tư bồi thường do chậm giải phóng mặt bằng cả".

"Trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã tạo điều kiện tối đa để nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ. Những phát sinh kinh phí chỉ là thay đổi phạm vi công việc và khối lượng so với ban đầu chứ không phải là bồi thường," ông được cơ quan ngôn luận của Bộ Giao thông Vận tải dẫn lời giải thích.

Cũng báo này tường thuật rằng ông Hiroshi Asakami, Giám đốc dự án của Công ty Tokyu, khẳng định: "Công ty Tokyu chưa bao giờ tuyên bố đòi bồi thường hay phạt hợp đồng gì".

"Việc báo chí thông tin Tokyu đòi bồi thường là hoàn toàn trái với quan điểm của nhà thầu“.

Giới chức cũng cảnh báo vụ vịêc đã bị báo chí "phản ánh sai lệch, ảnh hưởng uy tín nhà thầu" và dọa kiểm điểm các phát ngôn 'sai lệch' trên truyền thông trước đó.

Rõ ràng đã có nỗ lực xua tan các thông tin tiêu cực về việc thực hiện dự án hạ tầng quan trọng này.

Kinh phí hỗ trợ phát sinh

Báo Đất Việt trong bài hôm 9/8 giải thích về khoản tiền 155 tỷ mà Việt Nam sẽ trả nhà thầu Nhật Bản: "Đây không phải là tiền bồi thường, đây được gọi bằng tên khác là tiền bổ sung do thời gian kéo dài, có công việc phát sinh nên Việt Nam phải trả bằng tiền vay của Nhật".

Báo này cũng cho hay: "Quá trình thực hiện gói thầu này đã làm kéo dài tiến độ thêm 27 tháng nên nhà thầu đề nghị được hỗ trợ chi phí phát sinh 200 tỷ đồng".

"Qua thương thảo, Bộ Giao thông Vận tải đã chốt con số hỗ trợ 155,9 tỷ đồng cho nhà thầu và lấy vốn dư gói thầu 3 (vốn vay ODA cũng của Nhật) để chi trả cho nhà thầu, sau đó sẽ lấy từ ngân sách thành phố Hà Nội năm 2014 để hoàn trả."

Cầu Nhật Tân là một trong bảy cầu bắc qua sông Hồng trên địa bàn Hà Nội. Đây là cầu dây văng, bắt đầu tại phường Phú Thượng (Quận Tây Hồ) đến điểm cuối tiếp với quốc lộ số 3 (Huyện Đông Anh).

Chiều dài toàn tuyến là 8,4km, trong đó cầu dài 3,9km, đường dẫn 4,5km, chiều rộng 8 làn xe, trong đó 6 làn xe cơ giới. Cầu Nhật Tân sẽ rút ngắn đáng kể đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội.

Cho tới nay, việc giải phóng mặt bằng cho công trình này diễn ra hết sức chậm chạp, phải gia hạn nhiều lần.
(BBC)

Đào Tuấn - Quốc hội cũng cần taxi vi hành

Thật thú vị trước mong muốn tuyệt vời của một chính khách: “Lắng nghe điều mọi người đang thực sự nghĩ”.

Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg, mắt đeo kính dâm, mình vận đồng phục của hãng taxi Oslo vừa cải trang thành một tài xế taxi trong một mong muốn “Tìm hiểu những băn khoăn của cử tri”.

“Đối với tôi, thật quan trọng để lắng nghe những điều mọi người thực sự đang nghĩ. Nếu có một nơi nào đó để mọi người nói lên suy nghĩ của mình, đó chính là trên taxi,” ông Stoltenberg viết chú thích bên dưới video được đăng trên Facebook, Twitter và YouTube.

Ngài Stoltenberg sai rồi. Đâu cần phải vi hành bằng taxi mới biết được dân chúng đang nghĩ gì, đang quan tâm đến điều gì, và đang bức xúc ra sao. Chỉ cần ông một lần lướt Facebook hay Twitter…những mạng xã hội lớn nhất thế giới, có lẽ cũng là đủ.

Nhưng thật thú vị trước mong muốn tuyệt vời của một chính khách: “Thật quan trọng để lắng nghe điều mọi người đang thực sự nghĩ”. Bởi dù việc “cải trang vi hành” có là gần dân hay mị dân trước cuộc bầu cử thì ngài Stoltenberg ít nhất cũng đã lắng nghe những băn khoăn bức xúc, những tâm tư nguyện vọng của người dân một cách trực tiếp, thay vì đọc trên báo cáo, và trong một bối cảnh thật nhất. Suy cho cùng, với tư cách một người ban hành chính sách công, ông cần biết những phản ứng của dân trước mỗi chính sách sẽ ban hành cũng như những phản hồi sau đó.

Ở Việt Nam, sau khi gửi văn bản yêu cầu các vị ĐBQH gửi chất vấn để “làm cơ sở lựa chọn người và nhóm vấn đề chất vấn” với yêu cầu “tập trung vào những vấn đề được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm”, hôm qua, Ủy ban TVQH cũng đã chính thức công bố danh sách 2 vị bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 20 của Ủy ban TVQH: Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nói một cách công bằng, việc thực hiện văn bản luật, vấn đề mà Bộ trưởng Hà Hùng Cường sẽ trả lời, cũng quan trọng, nhất là khi trong không ít trường hợp, những văn bản mang tiếng quy phạm pháp luật khiến người dân hoặc chỉ muốn cáu, hoặc phải cười đến đứt ruột. Lĩnh vực đất đai cũng vậy khi những vướng mắc trong lĩnh vực này từ hàng thập kỷ nay trở thành những nguyên nhân của khiếu tố, thậm chí, làm nảy sinh bức xúc xã hội, và nhất là trong phiên họp tháng 10 tới, QH phải “quyết” về luật đất đai.

Nhưng thật ra, thật khó để người dân có thể nêu ra một mối quan tâm cụ thể trong một lĩnh vực như tư pháp. Cũng như khó có thể nói rằng vấn đề mà người dân quan tâm nhất giữa hai kỳ họp lại là đất đai, khi thực tế nó đã tồn tại cả chục năm nay.

10 ngày trước, trả lời Lao Động, ĐBQH Nguyễn Thị Quốc Khánh đã nói đến “mối quan tâm” của bà là một “sự hoang mang” trong dân chúng trước những những ca tử vong liên quan đến vaccine. Nữ ĐBQH nhìn nhận: Đây là vấn đề cử tri và người dân đang quan tâm nhất, cũng là vấn đề đang gây bức xúc, thậm chí hoang mang trong dư luận xã hội. Và “Không thể để tồn tại một sự “hoang mang” trong đông đảo dư luận xã hội như vậy được”.

Trong 10 ngày qua, nỗi hoang mang đó chưa mất đi, nếu như không muốn nói là ngày càng dày thêm.

Trong 10 ngày qua, lại xảy ra câu chuyện kinh thiên động địa ở Hoài Đức.

Trong 10 ngày qua, lại có thêm những ca tử vong, những phát hiện động trời, những vụ bác sĩ “tung chưởng” hạ đo ván đồng nghiệp ngay trong hội nghị khoa học. Và “Thuốc lạ giá cao” tiếp tục ùn ùn vào viện làm rỗng túi dân nghèo.

Không cần phải “lái taxi vi hành” hay lập tài khoản Facebook cũng biết được điều mà cử tri và nhân dân quan tâm nhất hiện nay là gì.

Có thể việc lựa chọn lĩnh vực và vấn đề chất vấn căn cứ vào đa số ý kiến ĐBQH. Nhưng để mối quan tâm của ĐBQH cũng là sự bức xúc của cử tri, có lẽ, các vị ĐBQH phải cần những chuyến vi hành bằng taxi để trực tiếp lắng nghe “điều mọi người thực sự đang nghĩ” trước khi gửi câu hỏi chất vấn.

Đào Tuấn
  (Blog Đào Tuấn)

Kinh tế Trung Quốc hạ cánh nặng nề : Nhiều nước âu lo

Cảng container Doanh Khẩu, Liêu Ninh. Ảnh chụp  9/08/ 2013.
Cảng container Doanh Khẩu, Liêu Ninh. Ảnh chụp 9/08/ 2013. (REUTERS/Stringer)

Sau nhiều đợt báo động liên tiếp, gần đây nhất là của tập đoàn ngân hàng Pháp Société Générale, về khả năng suy trầm sắp tới của nền kinh tế Trung Quốc, ngày 08/08/2013 vừa qua, công ty thẩm định tài chánh quốc tế Standard & Poor's vừa loan tin : Nếu Trung Quốc "hạ cánh nặng nề" với tốc độ tăng trưởng chỉ còn là 5% một năm, thì sẽ khiến nền kinh tế của Úc bị suy trầm và thất nghiệp tăng vọt lên mức 10%. Theo giới phân tích, trong kịch bản đó, không chỉ có Úc, mà nhiều quốc gia khác cũng chịu tác động.

Phải nói là sau nhiều thập niên tăng trưởng vượt bậc, kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu co thắt, và lãnh đạo mới của nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới đã phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng là 7,5% trong năm nay (2013) và 7% trong mấy năm tới.

Thế nhưng giới quan sát kinh tế quốc tế cho rằng đà tăng trưởng ấy vẫn còn cao so với thực tế, và một kịch bản « hạ cánh nặng nề - hard landing » có thể xảy ra. Trong trường hợp đó, hiệu ứng suy trầm của Trung Quốc có thể lan rộng ra nhiều xứ khác, kể cả Úc hay Việt Nam.

Phân tích của Standard & Poor's chỉ tập trung vào trường hợp nước Úc vì lẽ Bắc Kinh là đối tác thương mại chủ chốt của Canberra, chuyên mua các loại khoáng sản, nguồn xuất khẩu chính của Úc. Trong nghiên cứu của mình, S&P đã dự trù ba kịch bản cho nền kinh tế Trung Quốc, và các tác động có thể có trên nền kinh tế Úc.

Kịch bản thứ nhất gọi là « trường hợp căn bản – base case », có nghĩa là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng theo tỷ lệ 7,3% trong tài khóa 2013, gần đúng với ước tính của chính quyền Bắc Kinh. Trong trường hợp này, kinh tế Úc sẽ chỉ đạt tăng trưởng 2,5% trong năm 2013, và 2,9% năm 2014, còn tỷ lệ thất nghiệp lần lượt ở mức 5,7% và 6%.

Kịch bản thứ hai là « hạ cánh trung bình – medium landing », tức là tăng trưởng Trung Quốc giảm manh hơn, chỉ đạt 6,8%. Hệ quả đối với Úc sẽ là một tỷ lệ tăng trưởng 2,1% cho năm 2014 và một mức thất nghiệp 6,5%.
Kịch bản tệ hại nhất gọi là « hạ cánh nặng nề - hard landing », với GDP của Trung Quốc bất ngờ chỉ tăng trưởng 5%. Trong trường hợp này, kinh tế Úc sẽ bị co thắt với tỷ lệ âm 1% trong năm 2014, còn tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên thành 10% . Không những thế, Úc sẽ còn bị mất điểm cực tốt ba chữ A, dùng để đánh giá các nền kinh tế phát triển lành mạnh.

Standard & Poor's cũng công nhận là kịch bản « hạ cánh nặng nề » là một khả năng « khó xẩy ra ». Cho dù vậy, hãng thẩm định tài chánh này cho rằng nhiều mối lo ngại về kịch bản đó đang xuất hiện vào lúc kinh tế Trung Quốc bộc lộ một số điểm yếu kém.

Trả lời phỏng vấn hôm nay của RFI, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ sẽ giải thích thêm về tình trạng hạ cánh không an toàn của một nền kinh tế, cũng như tác động có thể có của hiện tượng này đối với các nền kinh tế khác trên thế giới.

RFI: Xin thân ái chào anh Nghĩa. Là người nhiều lần dự báo rằng kinh tế Trung Quốc sẽ sa sút vì những vấn đề chồng chất ở bên trong, hiển nhiên là anh không mấy ngạc nhiên với kịch bản "hạ cánh nặng nề" của Trung Quốc mà công ty Standard & Poor's vừa nhắc tới. Kỳ này, xin đề nghị anh phân tích hậu quả quốc tế từ nạn suy trầm kinh tế của một quốc gia đang có nền kinh tế hạng nhì thế giới sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trước hết, thưa anh giới kinh tế cứ nói đến chuyện "hạ cánh nặng nề", thì đấy là cái gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau một giai đoạn tăng trưởng cao kéo dài khá lâu, nếu sản lượng kinh tế lại đột nhiên co cụm mạnh thì đấy là một vụ "hạ cánh nặng nề". Muốn tính ra một con số để định nghĩa về hạ cánh nhẹ nhàng, hạ cánh nặng nề, thậm chí hạ cánh tan tành thì còn tùy tốc độ tăng trưởng nguyên thủy, thí dụ như 9-10% của Trung Quốc trong 20 năm liền. Theo định nghĩa của S&P thì nếu kinh tế xứ này chỉ tăng 5% đã là hạ cánh nặng nề.

- Với Trung Quốc, ta khó xác định một con số chính xác vì nhiều lý do. Thứ nhất, số liệu kinh tế của họ thiếu sự chuẩn xác đáng tin mà chỉ phản ảnh một trào lưu. Thứ hai, xưa nay lãnh đạo xứ này vẫn coi 7% là đà gia tăng tối thiểu để tránh động loạn và nay đành chấp nhận một chỉ tiêu thấp hơn trong khi phải tiến hành cải cách để tìm lực đẩy khác hơn là đầu tư và xuất cảng. Thứ ba, dù phải chuyển hướng như vậy, họ vẫn sợ gây ra hốt hoảng nên có những lý luận hay dữ kiện tô hồng, và nhiều tổ hợp đầu tư quốc tế đang làm ăn tại Hoa lục cũng nói theo để trấn an thị trường, vì vậy định mức "hạ cánh nặng nề" trở thành cái gì đó khá co giãn.

- Tuy nhiên, sự thể khách quan là sau Nhật Bản năm 1991, Anh quốc năm 92, Nam Hàn năm 97 và Hoa Kỳ năm 2008, Trung Quốc khó tránh khỏi một vụ khủng hoảng tài chánh vì mắc nợ quá nhiều. Sau đó là giai đoạn co rút kéo dài. Nếu lãnh đạo xứ này thành công trong việc cải cách từ lượng sang phẩm và nâng sức tiêu thụ nội địa từ 35% hiện nay lên 50% thì kinh tế Trung Quốc chỉ có đà tăng trưởng khoảng 3-4% trong mươi năm tới. Sau giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục và mua vào nguyên nhiên vật liệu để sản xuất đến dư thừa, khi kinh tế Trung Quốc bị thoái trào thì quả thật là thế giới có thể bị ảnh hưởng. Nhưng thật ra thế giới không chỉ có Trung Quốc.

RFI: Anh nói thế giới không chỉ có Trung Quốc vì nghĩ đến các khối kinh tế khác hay sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng nếu muốn nhìn ra bối cảnh rộng lớn của một vụ suy trầm, thậm chí suy thoái, là dépression tại Trung Quốc, chúng ta cũng nên nhìn ra nhiều chuyển động lớn của các nền kinh tế khác sau năm năm khá đặc biệt vừa qua.

RFI: Anh nói về những chuyển động lớn sau năm năm vừa qua, đấy là gì và có ảnh hưởng thế nào đến tình trạng co thắt tại Trung Quốc?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau vụ khủng hoảng và Tổng suy trầm 2008-2009, người ta vội chôn sống khối kinh tế đã phát triển Âu-Mỹ-Nhật và đặt kỳ vọng vào các nước đang phát triển, đứng đầu là nhóm B.R.I.C, gồm có Brazil, Liên bang Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Vì sự hồ hởi sảng đó, tiền đầu tư đã từ Tây phương trút về Đông và tìm lực đẩy của các nền kinh tế đang lên.

- Bây giờ tình hình lại đảo ngược. Khối công nghiệp hoá Tây phương là Âu, Mỹ, Nhật, đã chấn chỉnh lại thất quân bình và tạm hồi phục. Dù chưa mạnh thì cũng đóng góp đến 60% vào sản lượng phụ trội của kinh tế thế giới. Ngược lại, các nền kinh tế đang lên đều có triệu chứng hụt hơi và hết là đầu máy tăng trưởng toàn cầu, kể cả nhóm BRIC này.

- Vụ Trung Quốc hạ cánh cần đặt trong bối cảnh rộng hơn vì liên hệ đến chiều hướng tái cân bằng chung. Tất nhiên là một xứ chuyên bán quặng sắt cho tiến trình công nghiệp hoá và đô thị hóa của Trung Quốc như nước Úc phải hụt hẫng và sợ nạn suy trầm cùng thất nghiệp. Nhưng vấn đề không chỉ có vậy. Về không gian, các nước sống nhờ bán nguyên liệu hay thương phẩm đệ nhất đẳng đều bị thiệt hại. Về thời gian thì sự thoái lui của Trung Quốc không chỉ là một chu kỳ co cụm đột ngột và nhất thời mà có thể kéo dài cả chục năm.

RFI: Thưa anh, trong bối cảnh rộng lớn và lâu dài như anh vừa có ý nhấn mạnh thì người ta vẫn tự hỏi vì sao riêng Trung Quốc có thể bị suy sụp nặng như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Một cách ngắn gọn thì Trung Quốc có ưu thế số một là dân số rất đông và họ khai thác thành lợi thế lương rẻ để sản xuất các mặt hàng chế biến rẻ hơn thiên hạ, nhất là các nước công nghiệp hoá. Vì thế họ tổ chức hệ thống sản xuất quanh lợi thế này và vì cả nước còn nghèo nên chẳng mua nổi sản lượng quá lớn đó thì họ phải xuất cảng. Mặt kia, họ còn phải tiếp tục đầu tư và sản xuất cực rẻ với mức lời thật thấp để tạo ra việc làm và tránh động loạn. Hai yêu cầu trái ngược đó dẫn tới sự thể là họ dựng lên một hệ thống sản xuất kém hiệu năng, đầy lãng phí mà cứ tính vào số tăng trưởng làm thế giới khâm phục.

- Thế rồi, khi kinh tế toàn cầu bị suy trầm làm xuất cảng sa sút, Trung Quốc phải bơm tiền kích thích, mà lại kích thích nạn sản xuất thừa và trợ cấp cho sự bất tài rồi chất lên núi nợ thối. Vì vậy, khủng hoảng tài chánh dễ bùng nổ. Sau đó là nạn suy trầm, cho đến ngày nào đó mà họ có thể kích thích tiêu thụ thay vì kích thích sản xuất loại hàng kém phẩm chất và gây ô nhiễm và lỗ lã. Chuyện hạ cánh nặng nề là kịch bản có xác suất cao của tình trạng quái đản này.

RFI: Câu hỏi cuối, thưa anh, nếu sự thể xảy ra như vậy thì tình hình các nước sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có thể nhìn từ hai vế khác nhau.

- Trung Quốc bán ra hàng chế biến với giá rẻ nên cạnh tranh với các nước đang phát triển cùng trình độ kỹ thuật hay kém hơn khi thu hút đầu tư và tăng gia sản xuất. Nhưng khốn nỗi xứ này "chưa giàu đã già" và lợi thế nhân công rẻ của họ đã hết. Khi kinh tế suy trầm thì cả triệu doanh nghiệp phá sản, ngân hàng vỡ nợ và cả chục quốc gia sẽ có cơ hội trám vào khoảng trống của Trung Quốc nếu có nhân công tương đối rẻ và có tay nghề. Cơ hội đó cũng khiến các nước ấy có thể tiếp nhận thêm đầu tư của nước ngoài. Đó là trong trung hạn vài ba năm, chứ trước mắt thì vẫn là nhiều biến động đột ngột thất thường. Nhưng đột ngột hơn cả lại thuộc về vế kia.

- Để duy trì đà tăng trưởng ảo và sản xuất đến dư thừa, Trung Quốc ào ạt mua vào nguyên nhiên vật liệu, như năng lượng, nguyên liệu gốc kim loại cho công nghiệp, làm giá thương phẩm tăng vọt và đem lại mối lợi cho các nước xuất cảng. Khi kinh tế sa sút thì giá thương phẩm sụt mạnh, các nước xuất cảng đều vừa mất thị trường vừa mất mối lợi là bán ra loại hàng cao giá. Các nước như Brazil, Nga, Nam Phi hay Venezuela, chứ không chỉ có Úc Đại Lợi mới bị điêu đứng nặng vì bán nguyên liệu. Và mấy dự án bauxite tại Việt Nam lại càng sớm vỡ nợ! Giá dầu thô cũng có thể giảm vì Trung Quốc là nước ngốn dầu nhiều nhất nên gây họa cho các nước bán dầu từ Đông Nam Á qua Trung Đông.

- Song song, Trung Quốc lại mắc cái tật là "chưa hùng đã hung" nên mua vào rất nhiều võ khí và quân cụ. Khi kinh tế suy trầm thì khoản nhập cảng quân sự ấy cũng giảm. Liên bang Nga sẽ bị thiệt hai lần vì hết là nơi tiếp liệu võ khí và lại thất thế vì năng lượng sụt giá. Dầu thô mà rớt dưới 90 đô la một thùng là ngân sách của ông Putin bị lủng.

- Trong khi đó, nhà nước Trung Quốc vẫn có tiền. Khi có biến thì họ càng tẩu tán tài sản ra ngoài để khỏi sợ lỗ, nhưng không qua ngả đầu tư vào các nguồn tiếp vận thương phẩm hay năng lượng ở các nước Á Phi hay Nam Mỹ, mà chạy vào Mỹ và các nước công nghiệp hoá vì an toàn hơn.

- Nói chung, tôi nghĩ rằng người ta mới chỉ chớm thấy một sự xoay chuyển mấy chục năm mới có một lần nên sẽ còn thời giờ quan sát và điều chỉnh những dự đoán sau này.

RFI: Đài RFI xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa đã trả lời từ Hoa Kỳ.
Mai Vân (RFI)

Lưu Hiểu Ba - Phong cảnh tinh thần thời hậu toàn trị (1&2)

Đặc điểm quan trọng nhất của thời hậu toàn trị là: một mặt, trong sự khủng hoảng tính chính danh của mình, giới thống trị tìm mọi cách bám chặt lấy nền chuyên chế, nhưng hiệu quả của sự cai trị ấy suy giảm từng ngày; mặt khác, dân chúng không còn tự đồng nhất với các hệ thống chuyên chế nữa, một xã hội dân sự bột phát lan rộng, tuy trước mắt chưa đủ sức thay đổi những guồng máy hiện tồn tại, nhưng với sự đa nguyên hóa xã hội mỗi ngày một mạnh trong kinh tế và trong các quan niệm về giá trị đang như những giọt nước không ngừng xói ruỗng sự trơ cứng vôi đá của hệ đồng phục chính trị.

Cụ thể về tinh thần, Trung Quốc hậu toàn trị đã bước vào “thời đại vô liêm sỉ”: không còn một đức tin nào nữa, lời nói một đằng hành động một ngả, trái tim và cửa miệng không cùng một ngôn ngữ. Mọi người (kể cả cán bộ cao cấp và đảng viên) không còn tin vào những văn bản quy định chính thức, người ta hết mình cho lợi nhuận thay vì cho sự trung thành và lí tưởng; nguyền rủa, phê phán và nhạo báng “Đảng vĩ đại, quang vinh và tốt đẹp“ từ lâu đã trở thành mốt trong những buổi tiệc tùng và giải trí của xã hội dân sự, để rồi trước cám dỗ và áp lực của lợi nhuận đại đa số lại đồng thanh ca ngợi theo đúng giọng Nhân dân Nhật báo khi chính thức xuất hiện trước công luận. Dường như hết lời tụng ca trước mặt và hùng hồn chửi bới sau lưng từ lâu đã biến thành một phản ứng theo tập quán của người Trung Quốc.

Giới tinh hoa trong hệ thống thì phân liệt. Họ là lớp người thế hệ trung niên, thành công trong hệ thống và bề ngoài gây ấn tượng là những kẻ hoạt động trong “hậu trường”. Trước công luận họ trả bài như vẹt, họ không bỏ qua dịp nào để tiến thân, nhưng ở chốn tiệc tùng riêng tư thì họ lại dùng một ngôn ngữ hoàn toàn khác, đại loại: “Mình trong guồng, cậu ngoài guồng, nhưng đều nghĩ như nhau cả thôi, chỉ hình thức là khác. Ở ngoài thì cậu hô hoán, còn mình thì xắn tay giải quyết việc bên trong…” Họ có thể rỉ tai ta vài ba tin tức, gọi là tin nội bộ, và phân tích tình hình chính trị cũng như các hậu quả; họ có thể miêu tả cá tính của từng vị trên thượng tầng quyền lực và tiết lộ ai là người nhiều triển vọng nhất để trở thành một Tưởng Kinh Quốc [1] ở Đại lục; đúng thế, họ thậm chí có thể giải thích về diễn biến hòa bình khiến ta phải ngỡ ngàng. Họ tin rằng động lực mạnh nhất cho thắng lợi của diễn biến hòa bình bắt nguồn từ phe cấp tiến của họ trong guồng máy, gồm những người “tuy ở trong hệ thống nhưng trái tim đặt ra ngoài”; hơn nữa càng lên cao thì mặt nạ càng tinh xảo, những động thái trong bóng tối càng gây tác dụng và tỉ suất thành công của đòn tấn công kép, từ trong ra và từ ngoài vào, càng cao. Câu mà tất cả bọn họ hay nói nhất là: Có rất nhiều người tốt trong hệ thống đang tìm cách thay đổi và đang làm những điều quan trọng cho cải cách chính trị hơn hẳn những mũi tấn công từ bên ngoài. Mỗi lần trò chuyện với họ ta đều có ấn tượng rằng người nào cũng kiên định theo đuổi những lí tưởng cao đẹp, cũng đầy khả năng kháng cự, cũng bền bỉ và cũng đủ khôn ngoan chính trị như Gorbachev. Có lẽ thuở bé tôi đã xem hơi quá nhiều phim về các lãnh tụ cách mạng, có lẽ tôi đã quá bị đầu độc để thỉnh thoảng có thể thực sự hình dung họ như những nhà hoạt động hậu trường khôn ngoan và sành sỏi đang lặn sâu vào hang ổ kẻ thù.

Không chỉ trong giới công chức nhà nước, ở mọi lĩnh vực khác: trong giới truyền thông, giáo dục, văn hóa, kinh tế… ở đâu ta cũng gặp những hiện tượng như trên. Một người quen của tôi, sau sự kiện Thiên An Môn xoay sang làm kinh tế và phất mạnh, thỉnh thoảng thể nào cũng mời bạn đến ăn uống linh đình, lần nào anh ta cũng hăng say luận tình hình thế giới và lấy cả lương tâm lẫn danh dự ra mà thề rằng mình làm kinh tế và kiếm tiền hoàn toàn không phải vì đồng tiền, mà vì những dự định lớn lao sẽ thực hiện một ngày nào đó trong tương lai.

Họ liệt kê những ý nghĩa của bước đi này: Thứ nhất, rằng việc tham dự trực tiếp vào tiến trình định hướng thị trường và tư hữu hóa sẽ cung cấp những nền tảng kinh tế quan trọng nhất cho tiến trình dân chủ hóa chính trị. Thứ hai, rằng trong tương lai, những người bạn có thể lâm nạn vì rời bỏ guồng máy để quay về với giới đối lập chính trị bên ngoài hệ thống sẽ được dựa vào nguồn kinh tế mà họ thâu tóm được. Câu mà họ ưa nói nhất là: Không có tiền thì không thể làm cách mạng, càng muốn thắng lợi nhiều trong tương lai thì hiện tại càng phải làm ra nhiều tiền để đảm bảo một nền tảng kinh tế vững chắc. Thứ ba và quan trọng hơn, họ tin rằng một cuộc cách mạng do những người có tiền thực hiện sẽ là một cuộc cách mạng ít tốn kém nhất, vì thị trường đã dạy họ rằng với một dự toán chính xác về chi phí và lợi ích thì sẽ không thể xảy ra một cuộc cách mạng giá thành quá cao mà chẳng mang lại điều gì. Nếu những người có tiền có chân trong chính phủ thì xác suất xảy ra một cuộc cách mạng bạo lực sẽ nhỏ nhất và ngược lại, cơ hội cho một cuộc cách mạng hòa bình, từng bước, sẽ rất lớn.

Vì thế họ không ủng hộ mà cũng không phê phán Học thuyết Ba Đại diện [2] và Chủ nghĩa Tam dân Mới [3]. Họ cho rằng tuy những thứ đó luôn mạnh hơn thuyết cách mạng của Mao Trạch Đông và cũng mạnh hơn thuyết bốn nguyên tắc của Đặng Tiểu Bình [4], thậm chí một số người còn tin rằng chúng là bước mở đầu, đánh dấu sự chuyển biến trong thái độ thù địch nhân tính của chính quyền cộng sản, giống như việc dùng bông xốp của văn hóa đại chúng bọc giai điệu rực lửa cách mạng, nhưng so với lưỡi dao lạnh lùng của khẩu hiệu thì như thế vẫn tốt hơn.

Điều đáng tiếc nhất trong tình trạng bỏ bễ cả một thế hệ những người trẻ tuổi là họ cũng bị sự vô liêm sỉ hóa cuộc sống này nuốt chửng.

Hậu quả của những cuộc thanh trừng sau Sự kiện Lục Tứ là hàng loạt vụ khai trừ Đảng, nhưng những người tự động ra khỏi Đảng còn nhiều hơn, và mỗi năm số lượng đảng viên mới kết nạp cứ giảm dần. Tuy nhiên, sau một thập niên theo lệnh chôn vùi kí ức cùng những cám dỗ của đặc quyền đặc lợi, ngày nay số người trẻ làm đơn xin gia nhập Đảng lại tăng dần. Những năm gần đây, để minh họa sự hấp dẫn của Đảng Cộng sản đối với giới trẻ, cứ đến dịp kỉ niệm ngày thành lập Đảng mồng 1 tháng Bảy chính quyền lại công khai nhấn mạnh số đơn xin gia nhập Đảng của giới trẻ, đặc biệt là trong giới sinh viên. Theo Truyền hình Trung ương Trung Quốc, số sinh viên xin gia nhập Đảng tăng lên đến 60 %. Thông tin này cũng khớp với một số liệu khác mà truyền thông nhà nước loan báo: 65 % giới trẻ đánh giá cao Đảng Cộng sản Trung Quốc. Về động cơ xin gia nhập Đảng và thái độ ủng hộ Đảng thì những bản tin này chuyển trọng tâm từ lí tưởng sang thực dụng: Không ai nhắc đến cương lĩnh, mục tiêu của Đảng hay những lí tưởng cộng sản cao đẹp, tinh thần chiến đấu của Đảng lại càng không. Người ta tránh xa những thứ ấy và chỉ nhấn mạnh những thành tích vinh quang của những người cộng sản Trung Quốc, từ tuyên ngôn “nhân dân Trung Quốc đã vùng lên” của Mao Trạch Đông đến khẩu hiệu “nhân dân Trung Quốc đã giàu lên” dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, để rốt cuộc là áp dụng Ba Đại diện và Tam dân Mới. Phương thức tuyên truyền ấy nhằm truyền đi thông điệp: Từ khi có chính sách mở cửa và cải cách, những người cộng sản Trung Quốc đã đạt được những thành công đập ngay vào mắt: một quốc gia hùng cường với uy tín lớn mạnh và phồn vinh cho tất cả mọi người – và vì thế Đảng Cộng sản sẽ ngày càng hấp dẫn trong mắt giới trẻ.

Người đứng ngoài quan sát có thể ngờ vực những con số chính thức nêu trên, nhưng chỉ cần hiểu chút ít về giới trẻ ngày nay là có lẽ không ai còn hoài nghi nữa. Thế hệ sau 1989, bạc nhược bởi phồn vinh và thực dụng, quan tâm chủ yếu đến những điều chẳng liên quan gì đến dấn thân xã hội, nhân văn cao cả, suy tư sâu lắng, chính trị tỉnh táo và những giá trị siêu hình. Đối diện với cuộc sống, thái độ của họ là thực dụng và cơ hội; những mục tiêu quan trọng trong cuộc đời họ là một biên chế công chức, tiền bạc hay xuất ngoại; những sở thích chính của họ là thời trang, tiêu thụ, phong cách sành điệu của các ngôi sao điện ảnh, trò chơi điện tử và những cuộc tình chớp nhoáng. Bởi lẽ trước khi một thế hệ thanh niên kịp trưởng thành thì nó đã bị môi trường nhỏ là gia đình và môi trường lớn là xã hội nhấn vào cái vạc nhuộm của ranh mãnh và ý thức đặc quyền.

Về môi trường xã hội, hệ tư tưởng của những người cộng sản Trung Quốc bị cắt rời khỏi lịch sử, và kí ức của nhiều thế hệ thì hoàn toàn trống rỗng. Từ khi Đảng Cộng sản giành được chính quyền, dân chúng ở Đại lục Trung Hoa đã trải qua đủ kiểu thảm họa khó lòng hình dung, nhưng thế hệ sau 1989 là thế hệ tuyệt đối không phải mang nặng một kí ức nào về một thời cơ cực, không nếm trải sự đàn áp có hệ thống và nhà nước công an trị, chỉ thỉnh thoảng có chút kinh nghiệm trực tiếp của bản thân rằng “có tiền là xong hết” và “có quyền là có tiền”; còn để có được “ảnh hưởng xã hội” thì “không từ một phương tiện nào”, trong mắt họ người thành đạt là người trở thành tỉ phú qua đêm và tung tẩy như minh tinh trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Vì thế, hiển nhiên họ không có lấy một gram kiên nhẫn khi nghe kể về những thảm họa trong lịch sử và những bóng đen trong hiện tại. Họ cho rằng cứ lải nhải mãi về những kẻ hữu khuynh, về Đại nhảy vọt, về Cách mạng Văn hóa, về Sự kiện Lục Tứ, cứ suốt ngày phê phán chính phủ và triền miên vạch trần những mặt tối của xã hội thì nào có ích gì. Chẳng phải là chính họ, với đời sống đầy đủ tiện nghi và thông tin chính thống đủ loại do nhà nước cung cấp, đang là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã tiến bộ vượt bậc đó sao.

Ngoài mặt thì anh hùng, bên trong thì thỏ đế, đạo đức và lương tri thì hoàn toàn trống vắng.

Về môi trường gia đình, giới trẻ ngày nay phần lớn đều là con một, vì thế ở nhà họ là những ông “vua con”. Từ nhỏ đến lớn họ hưởng thụ một lối sống ích kỉ, chẳng bao giờ phải lo chuyện cơm áo. Họ không đích thân nếm trải sự cực nhọc mà thế hệ cha mẹ họ phải kinh qua để vươn lên. Họ được giáo dục thuần túy trong ý thức lấy mình làm trung tâm, tất cả đều phải chiều theo ý họ, họ thiếu hẳn cảm giác về những vấn đề của người khác. Nếu thi đỗ đại học, họ trở thành những chú chó cưng trong gia đình và những đứa trẻ được thường xuyên xoa đầu trong xã hội. Cho nên họ được gia đình nuông thành những kẻ tuyệt đối vị kỉ và được xã hội đẩy đến chỗ lấy tính toán thiệt hơn về thành công và tiêu thụ làm niềm vui sống. Cũng như vậy, bận tâm lớn nhất của đại đa số học sinh nông thôn thi đỗ vào các trường lớn không phải là làm cách nào giúp nông dân thoát nghèo và kì thị, mà là làm cách nào sau khi tốt nghiệp trở thành một siêu nhân thành thị thành đạt, để rũ bỏ hẳn kiếp lầm than của cha mẹ. Sinh viên ở những vùng nông thôn coi quan điểm đó là đương nhiên.

Biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc 2012. Nguồn: New York Times

Những năm gần đây, cơn cuồng loạn của chủ nghĩa dân tộc trong xã hội dân sự ở Đại lục còn vượt xa thái độ chính thức của nhà nước; giới trẻ là những người hân hoan nhất với chủ nghĩa dân tộc; đặc biệt chủ nghĩa bài Mỹ, bài Nhật và phản đối sự độc lập của Đài Loan từ lâu đã trở thành những chủ đề quan trọng để thế hệ trẻ ở Đại lục bày tỏ ý thức dấn thân cho Tổ quốc và xả hận thù quốc gia. Vụ máy bay Mỹ đụng máy bay Trung Quốc [i], vụ thác loạn tập thể của người Nhật trong một khách sạn ở Châu Hải [ii], vụ sinh viên Nhật “nhục mạ Trung Quốc” tại Đại học Tây Bắc [iii], vụ Thủ tướng Nhật Koizumi viếng thăm Đền Yasukuni, vụ một phụ nữ người Hoa, bà Zhao Yan, bị cảnh sát Mỹ hành hung [iv], trận chung kết Cúp bóng đá châu Á giữa Trung Quốc và Nhật Bản [v] – tất cả những sự kiện đó đều là dịp để các nhà yêu nước trẻ tuổi hun nóng cảm xúc và phẫn nộ tập thể, và biến một con muỗi thành một con voi. Trong cái ngôn ngữ côn đồ ngày càng dữ dằn của chủ nghĩa dân tộc trên mạng, lòng ái quốc lẫn vào những lời chửi rủa văng mạng và tiếng la hét đòi nợ máu. Nhưng cái chủ nghĩa yêu nước đang trỗi dậy này không đủ sức để ngăn cản lối sống cơ hội, chưa nói đến sự im lặng phổ biến trước bạo lực từ phía chính quyền, còn bản thân chính quyền lại làm ngơ trước bạo lực xã hội. Bào mòn năng lực cảm thông và triệt tiêu ý thức về công lí đã trở thành một thứ bệnh thời thượng của xã hội; chẳng ai buồn đoái hoài tới người già gục ngã ven đường, chẳng ai cứu cô bé nhà quê trượt chân rơi xuống nước; cướp đường xông lên tàu, hành hung và hãm hiếp phụ nữ ngay tại chỗ mà không một ai trong số trai tráng tuổi từ 20 đến 40 ngồi chật toa đứng lên chống cự; du đãng bắt cóc và kéo lê hai thiếu nữ cả trăm mét cho thiên hạ thấy mà tất cả đều trố mắt đứng nhìn, không một ai giơ tay ra giúp… Những tin tức về hiện trạng xã hội khiến ta phải rùng mình như thế không phải là hiếm trên truyền thông ở Đại lục, ngay cả trong một số chương trình trên Truyền hình Trung ương.

Chủ nghĩa dân tộc của thế hệ những người Trung Quốc trẻ tuổi là thế: bề ngoài khua võ miệng, bề trong đớn hèn. Cô sinh viên đứng dậy hỏi ông Clinton một câu không mấy thân thiện và đầy tinh thần ái quốc khi ông đến Đại học Bắc Kinh diễn thuyết nhân chuyến thăm Trung Quốc năm nào, bây giờ đã kết hôn với một người Mỹ. Những câu chuyện kịch tính như vậy tất nhiên là đề tài cho truyền thông khai thác và cũng khuấy động dư luận một thời gian. Nhưng đáng buồn hơn nhiều là đối diện cái mâu thuẫn giữa lời nói và hành động ấy, giới trẻ không hề thấy rối trí hay phải tự hoài nghi gì hết; họ chửi Mỹ cũng thản nhiên như việc họ sang Mỹ du học. Khi chửi Mỹ, họ đầy lòng phẫn nộ thành thực. Khi ngồi trên máy bay thẳng hướng Boston họ vui như Tết, và niềm vui ấy cũng lại thành thực nốt.

Cách đây vài ngày tôi đọc trên mạng một lời mời kí tên leonphoenix, mở đầu như sau: “Tôi thích sản phẩm Mỹ, tôi thích phim bom tấn của Mỹ. Tôi thích tinh thần tự do của Mỹ. Tôi ngưỡng mộ sự vĩ đại và phồn vinh của Mỹ, nhưng suốt ngày tôi cùng bạn bè hô ‘Đả đảo bọn Yankee!!!’, vì đó là phản ứng bản năng tất yếu của đám đông nhu nhược.” Đó là sự thật về cái chủ nghĩa yêu nước vô liêm sỉ mà những con người này truyền bá nặc danh trên Internet.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi một số giáo sư có khuynh hướng cởi mở phải than rằng: sinh viên là những người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của nền giáo dục theo hệ tư tưởng chính thống suốt thập niên 90.

Trong những vấn đề liên quan đến Đảng Cộng sản, thái độ của thế hệ trẻ cũng vô liêm sỉ chẳng kém. Tuy gần đây số sinh viên làm đơn xin vào Đảng tăng mạnh, nhưng số người thực sự tin ở chủ nghĩa cộng sản cũng hiếm như những người trong giới trẻ dám nói “Không” với tiến trình dã man hóa xã hội một cách hệ thống và đi liền với nó là bạo lực.

Cô sinh viên năm xưa ở Đại học Bắc Kinh, nay đã kết hôn với một người Mỹ, có từng là hay vẫn đang là đảng viên cộng sản hay không, tôi không biết. Nếu không thì thái độ của cô không hoàn toàn khớp với lối sống điển hình của giới trẻ ở Đại lục. Nếu có thì những phát ngôn của cô khi còn ở trong trường và lựa chọn sau khi tốt nghiệp là ví dụ hết sức điển hình cho giới trẻ ở Đại lục: một sự chú trọng những tính toán vật chất quá mức bình thường, một lối sống đặt tiêu điểm vào nỗ lực tìm kiếm lợi nhuận cao nhất cho bản thân. Nói cho có phần nhẹ nhàng thì đó là sự bừng tỉnh của ý thức lợi nhuận ở các cá nhân, còn không thì có thể đơn giản gọi đó là bon chen cơ hội. Họ không tin ở chủ nghĩa cộng sản nhưng lại muốn vào Đảng, họ ngây ngất trong tinh thần ái quốc đả đảo Mỹ nhưng lại chạy theo mọi thứ mốt từ Mỹ tràn sang. Song điều đáng kinh ngạc nhất là: họ không hề thấy thái độ của mình có gì là mâu thuẫn và lại càng không hề thấy có gì phải băn khoăn. Trái lại, họ tự thấy mình rất ổn. Chừng nào còn kiếm chác được, họ còn thấy mình đã khôn ngoan chọn đúng đường.

(Còn tiếp)

Lưu Hiểu Ba
Phạm Thị Hoài dịch
Nguồn: Dịch từ bản tiếng Đức, tiểu luận “Die geistige Landschaft in posttotalitärer Zeit”, trong tuyển tập tác phẩm của Lưu Hiểu Ba Ich habe keine Feinde, ich kenne keinen Hass, tr. 34-45. Fischer Taschenbuch. Frankfurt am Main, 2013. Các chú thích đều của người dịch.

__________________

[1] Tưởng Kinh Quốc (1910-1988), con trai Tưởng Giới Thạch, Tổng thống Đài Loan 1978-1988, mở đường cho tiến trình dân chủ hóa Đài Loan.

[2] Học thuyết Ba Đại diện do Giang Trạch Dân đề xướng năm 2002 (Đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc) được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc năm 2004.

[3] Chủ nghĩa Tam dân Mới do Mao Trạch Đông đề xướng năm 1940 (Dựa vào Liên Xô, dựa vào chủ nghĩa cộng sản, dựa vào nông dân) thay thế Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn (dân tộc, dân quyền, dân sinh).

[4] Bốn nguyên tắc do Đặng Tiểu Bình đề xướng sau Cách mạng Văn hóa: Trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin, trung thành với Đảng, trung thành với lãnh đạo, trung thành với tư tưởng Mao Trạch Đông.

[i] Ngày 1-4-2001, một máy bay do thám của hải quân Mỹ đụng độ một máy bay tiêm kích Trung Quốc ở không phận gần đảo Hải Nam.

[ii] Tháng 9-2003, một công ti xây dựng Nhật Bản tổ chức 15 năm ngày thành lập trong một khách sạn 5 sao tại Châu Hải, với 400 đàn ông Nhật và 500 gái điếm Trung Quốc ba ngày liên tục, đúng dịp 72 năm ngày Nhật chiếm đóng Mãn Châu.

[iii] Tháng 10-2003, một nhóm sinh viên Nhật tại Đại học Tây Bắc đeo dương vật giả và vú giả đến một buổi khiêu vũ, rồi thóa mạ rằng đó chính là hình ảnh của người Hoa.

[iv] Tháng 7-2004, bà Zhao Yan, một doanh nhân Trung Quốc bị nghi oan là tòng phạm trong một vụ buôn lậu cần sa và bị cảnh sát Hoa Kỳ hành hung thô bạo.

[v] Năm 2004, kết quả: Nhật chiếm giải vô địch châu Á
Bản tiếng Việt © 2013 pro&contra

Tân chính quyền Ai Cập : Tứ bề thọ địch !

Người ủng hộ cựu Tổng thống Ai Cập Morsi vẫn biểu tình ngồi ở Cairo. Ảnh chụp ngày 11/08/ 2013.
Người ủng hộ cựu Tổng thống Ai Cập Morsi vẫn biểu tình ngồi ở Cairo. Ảnh chụp ngày 11/08/ 2013. (REUTERS/Asmaa Waguih)

Nên hay không nên dùng vũ lực giải tán những cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống bị hạ bệ Morsi, với nguy cơ trở thành biển máu? Chính quyền mới được quân đội lập ra ở Ai Cập đã nhiều lần đe dọa nhưng chưa bao giờ dám mạnh tay, đang bị giằng co giữa phe diều hâu, và những người chủ trương đối thoại với phe Hồi giáo.

Hôm nay 13/08/2013 phe ủng hộ Morsi lại kêu gọi “hàng triệu người hãy xuống đường”. Từ khi tối hậu thư của cảnh sát hết hạn vào hôm Chủ nhật, những người Hồi giáo vẫn tiếp tục kêu gọi biểu tình trên toàn quốc, quyết tâm gây áp lực lên tân chính quyền Ai Cập.

Tại hai quảng trường Rabaa Al Adawiya và Nahda, hai điểm tập trung quan trọng nhất, hàng ngàn người Hồi giáo trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đã dựng lều “tử thủ” từ hơn một tháng qua với phòng tuyến làm bằng gạch và bao cát.

Chính quyền và báo chí đồng thanh lên án “những kẻ khủng bố” trữ súng ống và dùng đàn bà con nít làm bia đỡ đạn. Còn Huynh đệ Hồi giáo lặp đi lặp lại là chỉ tập hợp hòa bình, trong khi các vụ đụng độ giữa hai phe chống và ủng hộ ông Morsi đã làm cho hơn 250 người chết từ cuối tháng Sáu đến nay.

Đã từ nhiều tuần qua, chính phủ lâm thời được thành lập sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị quân đội truất phế ngày 3/7, liên tục đe dọa sẽ giải tán những cuộc biểu tình ngồi của những người ủng hộ Morsi. Các vụ biểu tình này đã làm tê liệt nhiều khu phố ở Cairo, cũng như việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử dự kiến vào đầu năm 2014.

Bà Rabad Al Mahdi, giáo sư môn khoa học chính trị trường đại học Mỹ tại Cairo giải thích: “Có hai khuynh hướng trái ngược nhau trong chính phủ”. Bộ Nội vụ và quân đội chủ trương can thiệp bằng vũ lực. Còn Phó tổng thống Mohamed ElBaradei và Phó thủ tướng Ziad Bahaa Eldin đại diện cho khuynh hướng thứ hai, muốn giải quyết một cách nhẹ nhàng hơn. Ông ElBaradei nhiều lần đòi hỏi phải có sự tham gia của phe Huynh đệ Hồi giáo trong quá trình chuyển tiếp.

Tân chính quyền Ai Cập hiện đang bị kẹp giữa hai gọng kềm. Một bên là áp lực của dân chúng cổ vũ cho việc trấn áp phe Hồi giáo chống đối, bên kia là cộng đồng quốc tế liên tiếp kêu gọi kìm chế.

Phía ủng hộ Morsi thì luôn khẳng định sẽ không rời điểm cắm trại nếu cựu Tổng thống không được nắm quyền trở lại.
Trong một đất nước mà những vụ phản kháng đều bị dập tắt bằng bàn tay sắt, sự thận trọng của tân chính quyền là một điều mới mẻ, cho thấy mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng đang làm rung chuyển Ai Cập.

Nhà nghiên cứu H.A.Hellyer của Brookings Institute phân tích, khi liên tục đưa ra những cảnh báo, và loan báo qua báo chí là sắp can thiệp nhưng rốt cuộc không hành động, “chính phủ tìm mọi cách để giảm bớt những rủi ro”. Chính quyền hy vọng đa số những người biểu tình đang cố thủ hai quảng trường ở thủ đô Cairo sẽ tự ra đi.

Những người bảo vệ nhân quyền cũng cho biết khi tham gia một hội nghị bất thường cách đây vài ngày với Bộ Nội vụ, về hậu quả của việc giải tán bằng vũ lực, chính phủ đã hứa sẽ để cho các tổ chức nhân quyền và báo chí giám sát.
Bà Madhi nhấn mạnh: “Những cuộc biểu tình ngồi này không giống như các cuộc khác mà cảnh sát phải đối phó. Hồi giáo là lực lượng chính trị có tổ chức tốt nhất, và cảnh sát biết rằng cái giá phải trả sẽ cao hơn nhiều so với những vụ biểu tình trước đây”.

Vì lý do này cũng như do sự chia rẽ trong nội bộ chính phủ, bên cạnh đó là áp lực quốc tế nhằm tránh đổ máu, “chính quyền không thể tùy nghi xử lý các vụ biểu tình”. Tuy vậy cũng theo bà Mahdi, thì sự tăng vọt những vụ tấn công của các chiến binh Hồi giáo tại Ai Cập cũng như ở nước ngoài có thể làm cán cân nghiêng về phía một giải pháp an ninh.

Nhà chính trị học nhận định: “Nếu mối đe dọa tại bán đảo Sinai tăng lên, cùng với các sự kiện tại Yemen hay Pakistan, chính quyền có thể cho đây là bằng chứng của việc phe Hồi giáo đã chuyển sang phương sách khủng bố, và áp lực lên chính phủ sẽ giảm bớt”.

Đối với Karim Ennarah, thuộc tổ chức phi chính phủ có nhiều ảnh hưởng “Sáng kiến Ai Cập cho quyền cá nhân”, chính quyền đang đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Theo ông, “Bộ Nội vụ không biết cách giải quyết biểu tình mà không gây chết người. Ngay cả khi họ không cố ý, thì vẫn gây ra căng thẳng vì cảnh sát không được huấn luyện hoặc không có kinh nghiệm đối đầu với những cuộc biểu tình như thế, với việc sử dụng sức mạnh một cách chừng mực”.

Nhưng cho dù lực lượng an ninh có thận trọng như thế nào đi nữa, theo các nhà phân tích, thì thái độ của những người biểu tình mang tính quyết định. Chính quyền cũng như báo chí đều lên án họ tàng trữ vũ khí, và Amnesty International tố cáo các trường hợp người biểu tình ủng hộ Morsi tra tấn những người chống đối họ.

Bà Mahdi nhận xét: “Nếu phe Hồi giáo tiếp tục biểu tình và phong tỏa đường giao thông, chính quyền có thể không còn ngần ngại nữa. Nhưng nếu ngược lại, họ có thái độ đúng mực hơn và không sử dụng bạo lực, thì chính phủ sẽ rẩt khó đưa ra quyết định”.
Thụy My (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét