Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Bài viết đáng chú ý

Bùi Văn Phú -Việt Nam dân chủ sẽ không sợ Trung Quốc

Sau chuyến đi Hoa Kỳ của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang vào cuối tháng Bảy vừa qua, với quan tâm về nhân quyền tại Việt Nam đã được lãnh đạo hai nước bàn thảo, tuy còn những khác biệt như Chủ tịch Sang phát biểu với báo chí trong cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama.

Những diễn biến sau cuộc hội kiến tại Bạch Ốc cho thấy Hà Nội có tỏ thiện chí, đáp ứng lại việc Hoa Kỳ kêu gọi lãnh đạo Việt Nam tôn trọng các quyền căn bản của dân.

Đầu tháng 8, toà án Long An giảm án tù thành án treo cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha cũng được giảm án từ 8 xuống còn 4 năm tù.

Sau đến luật gia Lê Hiếu Đằng phổ biến một bài viết kêu gọi thành lập Đảng Dân chủ Xã hội để làm đối trọng với Đảng Cộng sản đang độc quyền cai trị.

buivanphu_20130906_lehieudang_blog_h02_bieutinhsf

Đầu tháng 9 nhà báo Phan Thanh Hải tức AnhBaSaigon được thả về sớm hơn hạn định sau ba năm tù vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước”.

Ông Đằng viết bài kêu gọi thành lập đảng đối lập khi lâm bệnh lúc tuổi đã xế chiều, coi như những suy nghiệm cuối đời của một người đã dấn thân theo Đảng Cộng sản 45 năm.

Ông không phải là người đầu tiên kêu gọi dân chủ hoá Việt Nam. Từ hai thập niên trước các ông Trần Xuân Bách, Phan Đình Diệu, Trần Độ, Hoàng Minh Chính đã lên tiếng đòi dân chủ và bị chính quyền quy chụp hay bao vây, trấn áp bằng nhiều cách.

Một số người khác từng sống ở miền nam, khi lên tiếng đòi tự do, nhân quyền đã bị Hà Nội kết án tù nhiều năm như luật sư Đoàn Thanh Liêm, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, bác sĩ Nguyễn Đan Quế.

Sau khi ông Đằng phổ biến bài viết, truyền thông chính thống cực lực chỉ trích lời kêu gọi của ông. Nhà nước vẫn kiên quyết không chấp nhận có đảng đối lập trong chính trường Việt Nam.

Ông Đằng không bị an ninh quấy nhiễu, bắt giam mà còn có thể lên tiếng phản bác lại những luận điệu của nhà nước, tuy những gì ông viết ra chỉ được phổ biến trên truyền thông lề trái. Bài viết của ông Đằng làm dấy lên hy vọng trong lòng nhiều người, tưởng như tự do, dân chủ sắp có. Nhưng tiến trình dân chủ hoá đất nước còn dài và nhiều khó khăn.

Đề nghị lập đảng là để có thể cầm chân, kiểm soát không cho Đảng Cộng sản chà đạp lên luật pháp. Nếu chỉ với mục đích như thế thì dù được thành lập, Đảng Dân chủ Xã hội cũng khó kiềm chế được Đảng Cộng sản, vì đảng đối lập không được tranh đua trong chính trường để lên nắm quyền cai trị đất nước theo tinh thần của Hiến pháp hiện hành với Điều 4 dành quyền lãnh đạo cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Không sợ bị một đảng khác lên thay thế, liệu Đảng Cộng sản có thấy bị áp lực để thay đổi không?

Dựa vào pháp luật không cấm thành lập đảng chính trị, ông Lê Hiếu Đằng đưa ra lời kêu gọi những ai không còn ủng hộ Đảng Cộng sản cùng nhau tập họp lại thành lập một đảng mới. Tuy nhiên việc lập đảng là một nan đề luật pháp, vì Việt Nam hiện nay chưa có luật về sinh hoạt đảng phái chính trị. Theo giáo sư Hoàng Xuân Phú, ngay cả sự thành hình và sinh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không có đăng ký, không theo luật nào.

Trong tình hình như hiện nay, mọi quyền chính trị đều do Đảng Cộng sản nắm giữ, từ ban hành luật, thi hành luật đến giải thích luật. Không có cải cách chính trị sâu rộng để có định chế tam quyền phân lập, tiến đến một nền dân chủ pháp trị thì đề nghị thành lập một đảng chính trị sẽ không thay đổi được gì cơ chế hiện nay.

Nếu nhà nước Việt Nam thực sự muốn dân chủ hoá đất nước như các nước lân bang Nam Hàn, Đài Loan đã thực hiện trong thập niên 1990 và gần đây là Myanmar thì trước hết cần trả tự do cho những tù nhân chính trị, những người bị kết án tù vì vi phạm các điều 79, 88 và 258 của luật hình sự hiện hành.

Đề nghị Quốc hội khi nhóm họp vào tháng 10 tới đây sẽ sửa đổi và ban hành những bộ luật cải cách chính trị cần thiết cho một nền dân chủ.

1/ Sửa đổi những điều 79, 88 và 258 của luật hình sự. Định nghĩa rõ những hành vi nào là xâm phạm an ninh quốc gia, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, tuyên truyền chống lại nhà nước hay lạm dụng tự do dân chủ.

2/ Luật tự do báo chí. Một nền dân chủ không thể thiếu tự do thông tin, báo chí.

3/ Luật tổ chức các đảng chính trị. Chế độ tự do dân chủ không thể thiếu đảng đối lập.

4/ Luật mới về bầu cử quốc hội với sự tham gia của các đảng chính trị.

5/ Tu chính Hiến pháp. Bỏ Điều 4, thêm cơ quan giải thích Hiến pháp.

Hiện nay, với sự độc tôn chính trị nên tính chính danh của Đảng Cộng sản cũng đang bị nhiều người đặt dấu hỏi.

Với cải cách đưa tới sinh hoạt chính trị đa đảng, Đảng Cộng sản sẽ tiếp tục hoạt động, trong sự cạnh tranh với các đảng khác. Khi đó tính chính danh và hiệu năng của đảng sẽ lên cao vì các đảng tranh đua làm tốt, đưa ra những chính sách, dự án tốt nhất để phục vụ nhân dân.

Quanh vùng Đông Á, Nhật Bản có nền dân chủ vững vàng. Nam Hàn, Malaysia và Đài Loan đã trở thành những quốc gia dân chủ trong vài thập niên qua. Campuchia mới đây cũng có bầu cử đa đảng.

Tại Đài Loan, Quốc dân Đảng nắm quyền cai trị gần nửa thế kỷ. Sau cải cách dân chủ, nhiều đảng đã tham gia sinh hoạt chính trị quốc gia, dù Quốc dân Đảng vẫn nắm ưu thế. Đến năm 2000 Dân tiến Đảng mới có cơ hội lên nắm quyền. Sau hai nhiệm kỳ, Quốc dân Đảng lại giành lại quyền cai trị. Với một chính thể tự do dân chủ và tuy không được các quốc gia thừa nhận ngoại giao, nhưng Đài Loan không lo sợ bị Trung Quốc xâm lăng hay sát nhập.

Ở bán đảo Triều Tiên, nếu bị Bắc Hàn tấn công, Nam Hàn cũng sẽ được các nước tự do dân chủ hỗ trợ.

Còn với Việt Nam hiện nay, nếu bị Trung Quốc vả cho một cái, không biết có nước nào đứng ra bênh Việt Nam không?

Bùi Văn Bồng - Ai thanh tra... ai kiểm tra ai?


Phát hiện, xác minh, điều tra các vụ tiêu cực, tham nhũng là căn cứ đầu tiên để giải quyết, xử lý vi phạm pháp luật, là nguồn cơ sở cứ liệu quan trong đẻ đưa các vụ việc ra ánh sáng pháp luật. Xã hội có được inh bạch hóa, có lành mạnh hay không một phần lớn ử khâu thực thi nghiêm pháp luật, thể hiện uy thế của nhà nước pháp quyền.Trong hệ thống lãnh đạo, quản lý, điều hành của đảng, nhà nước hiện nay, bộ máy thanh tra, kiểm tra, giám sát khá dày đặc, có thể gọi là ‘khép kín’, một lực lượng đông đảo từ Trung ương đến Bộ, ngành, địa phương, đơn vị cơ sở. Thế nhưng, chất lượng hiệu quả thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát rất thấp. Có khi chính bộ máy, lực lượng này còn là nguyên nhân gấy ra tác hại, phức tạp ngược lại.

Thực tế, có rất nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng đã quá rõ ràng, nhưng kiểm tra đi, kiểm tra lại, thanh tra nhiều cấp nhiều lần, rồi cả giám sát,…nhưng vẫn bị lờ tịt đi, bị ‘chìm xuồng’. Như vụ tham nhũng qua sự tùy ý lợi dụng chức vụ quyền hạn tự  trả ‘lương khủng‘ ở Tp HCM mới đây cũng thể hiện mặt yếu kém ‘trầm kha’ của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Mãi đến khi dư luận quần chúng gay gắt, đơn tố cáo nhiều, thì mới kiểm tra. Sự việc đã xảy ra nhiêu fnăm, mãi gàn đây 8 vị Giám đốc và Bí thư Đảng ủy của 4 đơn vị dịch vụ công của TP.Hồ Chí Minh mới bị đưa ra ‘công khai hóa’ về những hành vi ngang nhiên bớt xén quyền lợi hợp pháp của người lao động và tự thưởng cho mình mức lương khủng trên 2 tỷ đồng/năm. Hành vi gian lận, lạm dụng chức quyền bị giấu kín như bưng. Cấp trên lãnh đạo trực tiếp khó nhìn thấy. Thế mà nay đã bị phơi bày ra ánh sáng với đầy đủ chứng cứ.

Ngày 9/8, Thanh tra Chính phủ đã họp giao ban kết quả công tác tháng 08/2013, nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng 09/2013; đồng thời  triển khai Quy chế quản lý hoạt động tại trụ sở làm việc của cơ quan TTCP. Kết quả công tác chủ yếu trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2013, tính đến ngày 30/8/2013, tổng số cuộc thanh tra đã và đang thực hiện là 38 cuộc, trong đó, đã kết luận 11 cuộc, đang hoàn thiện kết luận thanh tra 16 cuộc, xây dựng báo cáo kết quả thanh tra 4 cuộc, đang tiến hành thanh tra 7 cuộc. Trong tháng 8, nhìn chung các cục, vụ đang tập trung hoàn thiện các kết luận thanh tra trình lãnh đạo TTCP ký ban hành. Có thể thấy tiến độ công tác còn chậm, chưa theo đúng chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ tại các kỳ giao ban trước. Đến nay vẫn còn 13 cuộc thanh tra thuộc kế hoạch năm 2011, 2012 chưa ban hành kết luận thanh tra, trong đó có 7 cuộc chậm ban hành kết luận thanh tra trên 5 tháng.
          
Số vụ việc được thống kê đã và chưa thanh tra quá thấp so với thực tế. Bởi chỉ nhìn con số các vụ tiếp dân đã thấy vụ việc rất nhiều, và nhiều vụ lớn, nghiêm trọng, phức tạp  nhưng kéo dài nhiều năm lình sình chưa giải quyết. 

Chỉ riêng trong tháng 8/2013, trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tiếp 2.148 lượt người. Số lượng vụ việc và số đoàn đông người tăng so với tháng 7/2013. Số lượng đơn thư nhận được trong tháng là 1.262 đơn.
            
Tình trạng cố tình bao che, ém nhẹm, làm sai hồ sơ với ý định ‘chạy tội’ thấy có nhưng xvụ lớn, phức tạp nhưng không báo áo hoặc bá áo sai để “ăn chia’ với những đối tượng có dấu hiệu  phạn tội không phai rlà ít. Nhưng ai sẽ thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ quan, các cán bộ chuyên trách, chuyên ngành trên đây?

Có những vụ đã phát hiện sai phạm của cán bộ thanh tra, nhưng xử lý chậm, cố tình kéo dài vụ việc. Ví dụ: Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa đưa vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” ra xét xử. Hai bị cáo Trần Anh Hùng (56 tuổi, trú TP.Nha Trang, Khánh Hòa, Giám đốc Công ty DVTM hàng hải Tam Đảo) và Nguyễn Mạnh Hà (37 tuổi, ngụ quận Ba Đình - Hà Nội, nguyên thanh tra viên Thanh tra Chính phủ) bị Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh này truy tố về tội danh trên.

Trong vụ này, các bị cáo biết sai mà vẫn làm, cố tình để vụ  lợi. Theo báo Công an Tp HCM: Cáo trạng, ngày 18-6-2010 Thanh tra Chính phủ lập đoàn thanh tra, tiến hành xác minh nội dung tố cáo, khiếu nại của công dân đối với dự án khu đô thị mới Phước Long (DAPL, thuộc P.Phước Long, TP. Nha Trang). Lợi dụng mối quan hệ quen biết, Trần Anh Hùng điện thoại nhờ Nguyễn Mạnh Hà lấy bản dự thảo báo cáo kết luận thanh tra (BCKLTT) của dự án. Đây là tài liệu mật trong ngành. Sau đó, Hùng phát tán cho nhiều đối tượng lấy nội dung của bản dự thảo làm đơn tố cáo, vu khống nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và TP.Nha Trang, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Với chứng cứ đã nêu, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa cho rằng truy tố Hùng với tội danh trên là đúng người đúng tội, trong vụ án này Hùng là chủ mưu vì đã yêu cầu Hà cung cấp tài liệu. Trong phiên xét xử, Hùng quanh co chối tội nên phải xem xét tình tiết tăng nặng hình phạt. Cụ thể, đề nghị tuyên phạt Hùng từ 5 - 6 năm tù, bị cáo Hà từ 4 - 5 năm. Luật sư bào chữa cho hai bị cáo đề nghị tòa nên trả hồ sơ để điều tra lại. Ngoài ra, theo các luật sư, vụ án này đang xét xử những đối tượng làm lộ bí mật sau cùng; còn những người làm mất tài liệu là cán bộ Thanh tra Chính phủ lại không đả động đến... Được biết, DAPL là dự án có nhiều sai phạm tại Khánh Hòa, Chính phủ đã chỉ đạo, giao Bộ Công an xem xét các nội dung tố cáo liên quan, vì thế theo các luật sư, đợi sau khi có kết luận chính thức, đưa vụ án ra xét xử mới khách quan.

Vụ lình sình này kéo dài tới hơn 3 năm mà xử lý hưa dứt điểm: Sáng 19-8-2013, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên trả hồ sơ vụ án để bổ sung. Dư luận cho rằng đây là ‘sự khai thông’ mở ra cửa thoát để xử nhẹ, giảm hình phạt cho các bị cáo.

Theo cơ quan điều tra, bản dự thảo BCKLTT thuộc quyền quản lý của ông Phạm Hùng - cán bộ Thanh tra Chính phủ, cũng là thành viên đoàn Thanh tra Chính phủ tại DAPL. Cáo trạng kết luận ông Phạm Hùng có dấu hiệu phạm pháp hình sự do làm mất tài liệu mật, nhưng do ông này hợp tác tốt với cơ quan điều tra, thân nhân tốt, đã bị Thanh tra Chính phủ xử lý về mặt Đảng và chính quyền nên không xem xét hình sự. Đối với những người từng được ông Trần Anh Hùng cho xem tài liệu và phôtô cũng như phát tán, cơ quan điều tra cho rằng chỉ xử lý kỷ luật là đủ nên không cần truy tố hình sự…

Chừng nào mà chất lượng đội ngũ bộ máy thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chưa được coi trọng, chính họ lại ‘mượn danh nghề nghiệp’, kéo bè kết ánh, coi các vụ tiêu cực tham nhũng như những “cái ao để cất vó” thì  công tác phối hợp trong triển khai nhiệm vụ của bộ máy chuyên ngành, cơ quan chức năng này còn rời rạc, chậm trễ, vùi lấp, bao che…. dẫn tới chưa đồng bộ, tiến độ chậm và hiệu quả còn thấp. Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy chế, quy định tại một số bộ phận còn chưa thực sự bảo đảm đúng chức năng nhiệm vụ và quy định của pháp luật.

Vậy, có thơ rằng:

Sinh ra bộ máy to phình
Mà sao vụ việc lình sình dây dưa
Hết bàn giao lại đẩy đưa
Làm đi làm lại cò cưa đủ điều
Vụ nào tiêu được cho tiêu
Vụ nào thỉnh thị cho nhiều thời gian...
Quanh co hết luận đến bàn
Chẳng qua đều nép sau màn …ăn chia .
Bùi Văn Bồng
(Blog Bùi Văn Bồng)

Vị ĐBQH bị nhắn tin: ‘Ông đừng dây vào địa hạt của tôi’

"Có những lúc tôi nhận được hơn 500 tin nhắn, trong đó đồng cảm, chia lửa, lo lắng cho mình không ít, nhưng tin nhắn hăm dọa, cảnh cáo không kém phần...".

Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH Lê Như Tiến trao đổi với VietNamNet về tố cáo tiêu cực, tham nhũng nổi lên gần đây.
Ông Lê Như Tiến: Có những tin nhắn còn cảnh cáo "ông đừng có dây vào địa hạt của tôi". Ảnh: Minh Thăng

Ông đừng dây vào địa hạt của tôi’
Những vụ tố cáo tiêu cực, tham nhũng gần đây như nhân bản xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức (Hà Tây), trạm y tế Hà Lam (Quảng Nam) được xã hội cảm kích, nhưng không phải là phổ biến. Mọi người nhìn tố cáo tiêu cực như việc đặc biệt, khác thường, thậm chí bất thường. Nếu tố cáo không thành công, người tố cáo còn bị xem có vấn đề, bất mãn… Ông nghĩ sao?
Trong xã hội phổ biến tâm lý "makeno" (mặc kệ nó), vô cảm, hoặc "ngậm miệng ăn tiền", tức không động đến mình thì mình cũng không động đến. Cho nên phát hiện, tố cáo tham nhũng có khi người chịu thua thiệt nhất lại là chính người tố cáo.
Lâu nay, dư luận luôn hiểu những người tham nhũng thường là những người có vị trí, có chức có quyền, lắm tiền, lắm tài sản. Người muốn tố cáo tham nhũng thường yếu thế, không thể chống lại một thế lực, nhóm thế lực, lợi ích có những quyền lực phong tỏa mọi tố cáo. Nên tâm lý không muốn tố cáo tham nhũng phổ biến trong xã hội.
Chỉ khi ‘cực chẳng đã’, dường như ở cuối đường cùng sự chịu đựng, người ta mới dũng cảm đứng lên tố cáo tham nhũng, như vụ nhân bản xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức, và gần đây là trạm y tế ở Quảng Nam...
Không chỉ ngành y tế, có những ngành khác có tiêu cực, tham nhũng, nhưng số người dũng cảm âm thầm tìm kiếm bằng chứng để tố cáo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi họ phải lo giữ nồi cơm, manh áo của chính họ và gia đình.
Họ chả dại làm vì gương tày liếp của những người dũng cảm tố tham nhũng nhưng kết quả nhận được là sự trù dập, chuyển công tác, bị trả thù, bị uy hiếp tính mạng không chỉ bản thân mà cả gia đình, người thân bị liên lụy. Tôi được biết có những trường hợp còn bị ném chai xăng phóng hỏa vào nhà, bị xã hội đen dằn mặt, thậm chí bắt cóc con cái, người thân để trả thù….
Tôi đại diện cho cử tri, hay phát biểu ở nghị trường về chuyện chống tham nhũng, tiêu cực cũng đón nhận kết quả không dễ chịu đâu. Đã có lúc tôi nhận được khoảng hơn 500 tin nhắn, trong đó tin nhắn đồng cảm, chia lửa, thậm chí lo lắng cho mình không ít, nhưng tin nhắn hăm dọa, cảnh cáo cũng không kém phần. Có những tin nhắn còn cảnh cáo "ông đừng có dây vào địa hạt của tôi".
Bảo vệ người tố cáo
Phải chăng xã hội đã dường như mặc định cái xấu như một sự tồn tại hiển nhiên? Trong khi, lẽ thường, ngay từ khi nhỏ, mỗi người phải luôn được dạy dỗ từ gia đình, nhà trường về việc không thỏa hiệp với cái xấu.
Đó là cốt lõi vấn đề. Đơn giản nhất, khi từ nhỏ, mỗi đứa bé phải được dạy dỗ, cái này, cái kia không phải của mình, mình tuyệt nhiên không được phép lấy. Từ mỗi cấp độ tuổi tác, bậc học, trẻ em sẽ được giáo dục sâu hơn về những giá trị giữa cái xấu và cái tốt, giữa tiêu cực và tích cực.
Quá trình giáo dục thẩm thấu cho đến khi con người trưởng thành tự điều chỉnh được mọi hành vi, đều cấu thành trên cái nền đó. Chống tiêu cực, tham nhũng theo đó sẽ là bình thường, ai nhìn thấy điều xấu đều thấy trách nhiệm phải đấu tranh loại bỏ, chứ không phải bất thường như bây giờ. Nhưng để đạt được điều đó, cần sự phối hợp của cả 3 môi trường, trong đó quan trọng nhất là gia đình, rồi đến nhà trường, xã hội. Khi 3 môi trường vênh nhau sẽ không có hiệu quả tương tác.
Hậu tố cáo tiêu cực, tham nhũng phần lớn thường có kết quả nghiệt ngã như ông đề cập. Báo chí chưa từng tìm thấy những nhân tố chống tiêu cực có hiệu quả được cất nhắc, lên chức, khen thưởng đình đám, mà đáng buồn nhất là không ít người trở nên cực đoan, bất mãn dù vốn dĩ họ không như thế. Vấn đề xử lý hậu tố cáo tiêu cực, tham nhũng đang có vấn đề ở khâu nào, thưa ông?
Luật, văn bản quy phạm pháp luật cho phòng, chống tham nhũng không thiếu. Điều dở nhất là tính nghiêm minh khi thực thi các quy định của pháp luật, trong đó có việc bảo vệ người tố cáo tiêu cực, tham nhũng.
Không ít người tố cáo tiêu cực, tham nhũng ban đầu rất hăng hái, rất quả cảm nhưng dần dà họ nhìn quanh nhìn quẩn chỉ thấy có mình, càng ngày càng cảm thấy đơn thương độc mã.
Trong khi đó, những người đứng trong bóng tối thôn tính lợi ích một khi thấy nguy cơ bị ảnh hưởng đến thanh danh, quyền lợi, hay nhìn thấy trước nguy cơ đối mặt với cơ quan pháp luật, phải chịu trách nhiệm hình sự, người ta sẽ không thiếu gì cách đẩy lùi nguy cơ, thậm chí thực hiện những âm mưu rất đê hèn, nhỏ mọn.
Đối với người tố cáo, ngoài sự công bằng, thưởng phạt không phải thứ họ đeo đuổi. Bằng mọi giá, phải bảo vệ lấy họ, nếu những tố cáo, tiêu cực của họ chính nghĩa, đúng đắn. Song song, phải đảm bảo sự nghiêm trị của luật pháp để ý chí của những người tố cáo tiêu cực không bị bào mòn.
Linh Thư - Hồng Nhì
  (Vietnamnet.vn)

Hệ lụy của cuộc xung đột Syria ở Châu Á – Thái Bình Dương

Các nhà lãnh đạo Châu Á – Thái Bình Dương có thể không nghĩ ngợi gì nhiều về cuộc xung đột ở Syria; tuy nhiên, cuộc nội chiến này còn lâu mới không can hệ gì tới họ. Việc Hoa Kỳ phản ứng trước Syria như thế nào sẽ không khác nhiều so với cách thức mà Washington sẽ phản ứng một khi chiến sự nổ ra trên Biển Đông.

Syria cũng là Châu Á – Thái Bình Dương
Syria

Các nhà lãnh đạo của các nước Châu Á – Thái Bình Dương có thể không suy nghĩ gì nhiều và không nhìn thấy gì ở cuộc nội chiến Syria; tuy nhiên, xin đừng mắc sai lầm, cuộc xung đột này và kết cục của nó sẽ tác động trực tiếp đến những ai đang sống ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Không còn nghi ngờ gì nữa, bất kỳ sự can thiệp nào của Hoa Kỳ vào Syria cũng sẽ trì hoãn chính sách “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương của họ, trước sự hài lòng của Trung Quốc và sự lo ngại của các đồng minh Hoa Kỳ trong khu vực.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán, đặc biệt là trên Biển Đông, có những người tin rằng bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ vào Syria cũng là một sự đánh lạc hướng chú ý không cần thiết, và sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Những người chỉ trích nào vẫn ủng hộ sự “không can thiệp”, với niềm tin rằng Hoa Kỳ nên dứt khoát từ bỏ Trung Đông và thay vì thế, hướng sự chú ý vào Châu Á – Thái Bình Dương, hãy nên nhìn vào bức tranh toàn cảnh. Syria cũng là Châu Á – Thái Bình Dương.

Khi xem xét sự can thiệp quân sự tiềm tàng của Hoa Kỳ ở Syria, người ta có thể suy diễn từ những hành động và phản ứng của Washington để hình dung ra một cuộc can thiệp khả dĩ của Hoa Kỳ ở Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là nhằm ứng phó với những tranh chấp biển đảo trên Biển Đông.

Như ở Syria, một khi chiến sự nổ ra trên Biển Đông, Hoa Kỳ cũng không khỏi thấy mình bị cuốn vào. Mặc dù những điểm đặc thù có thể khác nhau, song bầu không khí chính trị ở Washington thì vẫn vậy.

Câu chuyện chính trị của cuộc can thiệp

Hoa Kỳ và đồng minh của họ đang đứng trước một sự thúc bách đạo đức bất khả nghi là can thiệp và lật đổ Tổng thống Al-Assad ra khỏi quyền lực. Sử dụng vũ khí hoá học chống lại nhân dân là một hành động tàn ác và không thể dung thứ ở bất kỳ hoàn cảnh nào; và trong phần lớn trường hợp, nếu không có sự phản đối của Nga và Trung Quốc trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), quyền lực pháp lý lẽ ra đã phải được trao cho Hoa Kỳ và đồng minh để họ tiến hành hành động can thiệp.

Như vậy, cơ sở pháp lý không phải là điều khiến Tổng thống Obama phải bận tâm. Hoa Kỳ vẫn sẽ hành động, bất kể có được phép của LHQ hay không. Không hành động, nhắm mắt trước những tội ác mà những kẻ thủ ác đang gây ra ở Syria cũng đồng nghĩa với tội ác. Hoa Kỳ có thể không nhận được sự ủy thác pháp lý từ LHQ để can thiệp; tuy nhiên, họ có trách nhiệm đạo đức để làm điều đó. Ở đây đã có một liên minh quốc tế sẵn sàng và sẵn lòng, và đã có sự đòi hỏi từ nhân dân Syria. Tất cả những gì cần thiết hiện nay là một ai đó đứng ra lãnh đạo.

Câu hỏi cho đến nay là quy mô hành động quân sự của Mỹ. Tổng thống Obama sẽ sẵn lòng đi xa đến đâu trong việc hỗ trợ lực lượng đối lập ở Syria? Oanh kích, tấn công bằng máy bay không người lái và tấn công bằng tên lửa có thể làm suy yếu lực lượng chính phủ, nhưng chừng đó là chưa đủ để giành chiến thắng trong cuộc chiến. Máy bay và tàu chiến, rốt cuộc, không thể giữ được địa bàn; và chắc chắn cuộc chiến kéo dài này đã làm suy yếu sức mạnh của lực lượng mặt đất của phe đối lập ở Syria.

Không còn nghi ngờ gì, ý nghĩ gửi quân Mỹ tham gia cuộc chiến đã thoáng qua đầu Tổng thống Obma; tuy nhiên, chắc chắn rằng bất kỳ một chiếc quan tài phủ cờ Mỹ nào cũng là cảnh tượng sẽ khiến một Hạ Nghị sỹ hay Thượng Nghị sỹ nào đó phải trả giá bằng chiếc ghế của mình trong kỳ bầu cử tới. Vì thế, sự ủng hộ và chuẩn thuận của Quốc hội là điều khó khăn, ấy là còn chưa nói tới thái độ dè dặt của Tổng thống. Mọi quan chức dân cử ở Washington vẫn còn bị ám ảnh bởi Iraq và Afghanistan, cũng như cái giá tài chính và sinh mạng mà nước Mỹ đã phải gánh chịu.

Dù vậy, chừng nào cuộc nội chiến ở Syria còn tiếp diễn, chừng nào Al-Assad vẫn còn nắm quyền lực, chừng đó Hoa Kỳ vẫn không thể chú tâm vào những cam kết ở nơi khác của họ. Ở đây có một sự lo ngại rất thực là kho vũ khí của Syria sẽ rơi vào tay những đối tượng bất hảo, chẳng hạn như Al-Qaeda và Hezbollah. Hơn thế, Washington vẫn còn nghi ngại về thành phần của các lực lượng đối lập ở Syria, và liệu những lực lượng này, một khi tiếp quản quyền lực, có chuyển hướng chống lại Hoa Kỳ hay không?

Chỉ các cuộc không kích không thôi thì sẽ không đánh bại được Al-Assad; tuy nhiên, chúng có thể san phẳng chiến trường và đem lại cơ hội mà phe đối lập Syria cần để đánh bại các lực lượng của Al-Assad. Ngược lại, ở đây không có gì đảm bảo rằng lực lượng đối lập Syria, nếu thành công, sẽ không bán bất kỳ thứ vũ khí hoá học hay vũ khí huỷ diệt hàng loạt nào cho kẻ thù của Mỹ. Đây là vấn đề kiểm soát, và nếu thiếu sự kiểm soát trực tiếp – chắc chắn là lựa chọn cuối cùng cho Tổng thống Obama – Syria sẽ còn tiếp tục quấy rầy Mỹ dài dài sau khi chiến cuộc kết thúc.

Nếu Al-Assad không từ bỏ quyền lực thì dường như không có giải pháp ngoại giao nào cho cuộc nội chiến Syria ở thời điểm này cả. Thay vì thế, điều mà người ta có thể hy vọng là một cuộc tấn công quân sự quyết định và áp đảo của Mỹ và đồng minh nhằm vào chính phủ Syria sẽ khuyến khích Nga ngồi vào bàn để đàm phán về một thoả thuận nhằm khôi phục trật tự ở đất nước này. Nga chắc chắn là sẽ đồng ý với bất kỳ một tân chính phủ nào mà họ có thể làm ăn chung được thay vì một chính phủ mà họ không thể.

Sự can thiệp của Mỹ ở Biển Đông

Vậy Syria đại diện cho Châu Á – Thái Bình Dương tới mức độ nào?

Trên nhiều phương diện, một cuộc xung đột trên Biển Đông sẽ đặt ra cho Hoa Kỳ một loạt vấn đề tương tự như cuộc nội chiến ở Syria. Lúc đó, Tổng thống Obama sẽ khó mà nhận được nhiều sự ủng hộ của công chúng để can thiệp vào một cuộc xung đột ở nước ngoài và cách xa biên giới của họ.

Tuy nhiên, bất chấp thái độ chán ngán của công chúng Mỹ đối với chiến tranh và sự do dự của giới lãnh đạo khi gửi quân ra nước ngoài, Hoa Kỳ sẽ và phải can thiệp, nếu chỉ để bảo vệ những lợi ích trong khu vực của họ. Một lần nữa, vấn đề nằm ở chỗ là người Mỹ sẽ sẵn sàng tới đâu và sẽ đi xa đến đâu? Trong khi cuộc nội chiến ở Syria bị giới hạn trong biên giới của nó thì bất kỳ cuộc chiến nào trên Biển Đông cũng sẽ lan ra khắp Đông Nam Á và có lẽ là toàn bộ Châu Á – Thái Bình Dương. Mức độ thương vong có thể sẽ khiến người ta nhụt chí.

Khắc ghi thực tế trên trong tâm trí, các nhà lãnh đạo Châu Á – Thái Bình Dương tốt hơn hết là nên ve vãn Hoa Kỳ, nên củng cố vai trò quan trọng của họ trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Đây đơn giản chỉ là chuyện đổi chác. Như một số quốc gia Đông Nam Á, Hoa Kỳ cũng tỏ ra quan ngại trước thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc. Dù vậy, tại sao Hoa Kỳ lại nên cân nhắc quan ngại của những nước đó nếu chính họ lại không sẵn lòng hỗ trợ Hoa Kỳ bên ngoài biên giới nước này? Đối với người Mỹ, họ sẽ chỉ cảm thấy quá dễ dàng khi làm những gì mình muốn và theo cách mình muốn nếu không có sự đóng góp của các nước trong khu vực, trừ phi Washington có lý do để không làm thế.

Thay vì hối thúc Hoa Kỳ rút lui khỏi cuộc xung đột ở Syria, các nước Châu Á – Thái Bình Dương nên sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ hoạt động nào của Mỹ/NATO nhằm chống lại chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad, bởi lẽ nếu người Syria không quan trọng với Hoa Kỳ thì liệu người Châu Á – Thái Bình Dương quan trọng đến đâu với họ?

LS Vũ Đức Khanh, Asia Sentinel Nguyễn Việt Nam dịch
________
Nguyên bản Anh ngữ của bài đã được đăng trên trang Asia Sentinel. Phiên bản Việt ngữ do dịch giả Nguyễn Việt Nam ở Hà Nội thực hiện. 
  (TC Phía Trước)
 

Những cái gì bền vững thì sẽ bị lạc mốt

Đầu tuần trước, công ty Mai-cờ-rô-sốp (tên Việt tạm dịch: Nhỏ Mềm) đã mua lại bộ phận sản xuất điện thoại của Nô-ki-a với giá $7.2 tỉ đô la Mỹ, đặt dấu chấm hết cho thương hiệu điện thoại Nô-ki-a. Thất bại của Nô-ki-a là điều khó tưởng tượng với nhiều người khi mà chỉ mới 6 năm trước đây, Nô-ki-a còn là nhà sản xuất điện thoại số 1 thế giới. Nhiều chuyên viên cho rằng Nô-ki-a đã quá chậm chạp trong việc cải tổ sản phẩm và phải thất bại cay đắng trước sự lên ngôi của xì-mát phôn gắn mác Quả Táo, SamSung, vv. Khuyết điểm lớn nhất của điện thoại Nô-ki-a là quá bền.

“Ở Át-gát quê tôi điện thoại Nô-ki-a quá bền thường được dùng để làm lưỡi búa, rìu, v.v” – Nhận xét của anh Tho, chuyên nghề đập đá

“Con điện thoại 1280 có mấy trăm bạc mà bền quá anh ạ” – anh Hậu Hôn Nhân chia sẻ. “Hồi trước tôi đang nhắn tin cho bồ thì vợ vào phòng, tôi giật mình đánh rơi điện thoại từ ban công tầng 3 xuống đất, điện thoại vỡ làm mấy mảnh. Thế mà vợ tôi chỉ nhặt lên, phủi bụi, lắp lại là nó lại chạy tốt, cô ấy lại đọc được tất cả tin nhắn.” Anh Nhân hiện không có vợ và dùng ai-phôn để nhắn tin cho nhiều cô bồ.

“Sai lầm của Nô-ki-a là cho rằng điện thoại là công cụ, cần bền, trong khi điện thoại là phụ kiện, tiêu chuẩn quan trọng nhất là phải đẹp và đắt, như thế mới sành điệu.” Chị Thẩm Thị Mỹ, chuyên viên mác-kịt-tinh, đánh giá. Sau một hồi đọc Kênh 14 , chị cho biết thêm : “Không chỉ phụ kiện mà bây giờ cái gì cũng cần phải đẹp và đắt.”
“Siêu xe mà bền thì việc gì tôi phải mua hàng chục cái” – ông Cường đô-la bực dọc trả lời phỏng vấn của Pé Tin Cute
“Em hông biết túi hàng hiệu có bền hông nên em cứ mua vài chục cái cho chắc ăn” – Ngọc Trinh cho biết

“Em không biết tắm trắng, phẫu thuật thẩm mĩ, vv. có bền hay không nhưng em vẫn làm vì nó đẹp” – tâm sự của Phương Trinh

“Tôi có phải Bác Hồ đâu mà phải đi mãi một đôi dép đến khi hỏng mới thôi?” – Nhiều người phụ nữ đồng tình với quan điểm này

“Đến cầu xây còn chả bền nữa là điện với chả thoại” -Cầu Chư Pảh ngúng nguẩy (http://tinkhotin.com/?p=1776)

Trong bối cảnh đó thì hiển nhiên Nô-ki-a thất bại là điều dễ hiểu.

Tin Khó Tin đã cố tìm ví dụ về các sản phẩm bền vững mà thành công nhưng đã thất bại. Đề nghị độc giả giúp các phóng viên của Tin Khó Tin trau dồi nghiệp vụ bằng cách chia sẻ thông tin về những sản phẩm hay cá nhân thành công vì tập trung vào độ bền. Xin cảm ơn và sẽ cố gắng hậu tạ.
(Tin Khó Tin

Võ Tôm - Trang thông tin cá nhân

TIN LẺ (TẺ)- Lạy thánh Ala, lạy chúa Jesu, lạy đấng cứu thế! Xin cảm ơn Người đã cho chúng con lòng dũng cảm, sự can đảm để cầm gạch đá ném vào mặt kẻ ác, ném vào bọn đầu trâu mặt ngựa.

TIN CŨ (KĨ)- Kẻ đặt cái đít ngồi trên đầu Tổ Quốc, đầu Nhân Dân có vẻ rất hoang mang về vị trí của mình, cho nên mới thể chế lòng tin bằng điều luật. Nên nhớ rằng, chỉ ép buộc được người khác tuân thủ, chứ không ép buộc được lòng trung thành bởi lòng trung thành có nguồn gốc (điểm xuất phát) từ lòng tin.


TIN VỊT 1- Đà Nẵng là nơi đáng sống cho cả hàng triệu người nhưng không đáng sống cho một người, bởi ở đó ông ta có quyền lực, còn ở chỗ khác thì không!

TIN VỊT 2- Có học hàm, học vị cao chưa chắc đã có tài làm chính trị. Thôi thì về vị trí “ngồi chơi xơi nước” để chờ hết nhiệm kì, chờ đến tuổi nghỉ hưu là vừa.

TIN VẶT (VÃNH)- Ai ngu gì lại đem vứt sổ lương của mình đi. Nếu không biết bảo vệ chế độ thì chí ít cũng ngậm miệng ăn tiền. Người đang hưởng lương từ ngân sách không muốn chế độ sụp đổ mới lên tiếng phê phán, phản biện…Nên hiểu là họ đang cứu chế độ. Phải biết lắng nghe họ nói, tranh biện với họ có lợi hơn là bỏ tù họ. Theo nhà bác học Lê Quý Đôn, có 5 nguy cơ mất nước:

1-    Trẻ không kính già
2-    Trò không kính thầy
3-    Binh kiêu tướng thoái
4-    Tham nhũng tràn lan
5-    Kẻ sĩ ngoảnh mặt

Còn may là kẻ sĩ (trí thức) chưa ngoảnh mặt. Đừng làm cho họ phải ngoảnh mặt.! Xã hội dân sự là qui luật của sự phát triển, của nền văn minh nhân loại.

TIN GIỜ CHÓT(TRÓT) - Dẫu biết ông anh 16 chữ vàng chẳng tử tế gì, nhưng cũng phải cố gắng kiềm chế. Nếu chiến tranh, mình chắc thua. Bao nhiêu năm trời đổ máu hi sinh đã giành lại được cái gì thì chắc mọi người đã biết. Bây giờ không thể huy động sức người sức của cho tiền tuyến như những năm xưa, không ai chịu  hi sinh đâu, bởi vì Tổ Quốc đã bị gắn liền với thể chế chính trị rồi. Không nên có hành động gì làm cho nhân dân phải đổ máu vô ích thêm một lần nữa. 
-------------------
Bài viết không có “tin tổng hợp”
  Võ Tôm
  (Quê Choa)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét