Con voi trong phòng
Đọc trên danluan thấy có đăng lại những thông tin thú vị về đất nước và con người Việt Nam (1). Ở phần cuối bày, tác giả (Kỳ Duyên) đặt câu hỏi "Việt nam có đầy đủ tiềm năng nhưng tại sao tụt hậu ngày càng xa sau các nước khác?" Người phương Tây có thành ngữ "an elephant in the room" (một con voi nó đang ở trong phòng), có nghĩa là có một vấn đề / tình huống / giải pháp / nguyên nhân rất hiển nhiên mà không ai muốn nói về nó. Tôi nghĩ câu "một con voi nó đang ở trong phòng" chính là trả lời cho câu hỏi của nhà báo Kỳ Duyên. Thôi thì cứ nói thẳng ra: "Con voi" đó chính là cái chủ nghĩa làm nền tảng thế chế mà VN đang theo đuổi.Xin trích ra đây những con số chính về dân số và tài nguyên thiên nhiên:
(a) Dân số: 93 triệu, đứng hạng 13/243.
(b) Diện tích: 331,210 km^2, hạng 61/189.
(c) Bờ biển: 3444 km, hạng 33/154.
(d) Rừng: 123,000 km^2, hạng 45/192.
(e) Đất canh tác: 30,000 km^2, hạng 32/236.
Còn về thành quả kinh tế - xã hội – khoa học thì sao?
(a) Giáo dục: chỉ số phát triển con người đứng hạng 121/187.
(b) Bằng sáng chế: không đáng kể, gần như 0.
(c) Ô nhiễm môi trường: đứng hạng 102/124.
(d) Thu nhập bình quân đầu người: đứng hạng 123/182.
(e) Tham nhũng: hạng 116/177.
(f) Phát triển xã hội: hạng 72/76.
(g) Tự do ngôn luận: 174/180.
(h) Y tế: hạng 160/190.
Với những con số về tài nguyên thiên nhiên và dân số chúng ta nghĩ rằng VN đáng lẽ phải là nước giàu có. Chả thế mà ông Lý Quang Diệu chẳng từng nói rằng VN đáng lẽ phải là một "ngôi sao" ở Á châu. Nhưng trong thực tế thì các số liệu trên cho thấy VN là một trong những nước nghèo nhất thế giới, ô nhiễm nặng nề, thiếu tính sáng tạo, tham nhũng vào hàng cao trên thế giới, và thiếu tự do ngôn luận. Có thể nói không ngoa rằng VN là một nước thất bại.
Nhưng tại sao thất bại? Tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng có một vài câu trả lời. Trước đây, tôi thường hay nghĩ rằng sự thành bại của một quốc gia là do thời cơ, điều kiện tự nhiên, và con người. Những nước như Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore thành công vì hội đủ 3 điều kiện đó. Nhưng mới đọc cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại” của Daron Acemoglu và James Robinson (2), trong đó tác giả chứng minh rằng thể chế có ảnh hưởng rất lớn đến thành bại của một quốc gia. Họ lí giải rằng sở dĩ các nước nghèo và lạc hậu là do thể chế chiếm đoạt về chính trị và kinh tế. Tôi nghĩ minh hoạ cho ý này sinh động nhất là trường hợp Bắc Hàn và Nam Hàn. Cũng có thể so sánh Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam trước 1975 thì rất dễ thấy "con voi trong phòng".
Đối chiếu lại ở Việt Nam, chúng ta thấy đại đa số người Việt cũng bị tước đoạt như thế. Ngay cả đất đai tưởng là của dân, nhưng thật ra là thuộc "sở hữu của toàn dân"! Các tập đoàn kinh tế chỉ tập trung vào một thiểu số có quyền thế gọi một cách mĩ miều là “nhóm lợi ích”. Đại đa số người Việt không có quyền quyết định chính trị. Do đó, theo lí giải của Acemoglu & Robinson, chúng ta có thể giải thích tại sao Việt Nam cho đến nay vẫn còn nghèo: vấn đề thể chế. Đó chính là "an elephant in the room" mà không ai -- kể cả nhà báo Kỳ Duyên -- muốn nói đến nó .
=====
(1) http://www.danluan.org/…/nhung-thong-ke-the-gioi-ve-viet-nam
(2) http://nxbtre.com.vn/tai-sao-cac-quoc-gia-that-bai.12340.49…. Ai chưa đọc cuốn này, nên tìm đọc vì rất hay. Nó giải thích tại sao những nước như VN vẫn còn nghèo và lạc hậu.
FB NguyenTuan
Sách về mô hình hồi qui logistic và Bayes
Một em viết thư hỏi tôi về sách liên quan đến mô hình hồi qui logistic và phương pháp Bayes. Dĩ nhiên, các bạn đang theo dõi loạt bài giảng trên youtube biết rằng tôi đang bàn về mô hình hồi qui logistic. Thôi thì sẵn đây tôi chia sẻ cùng các bạn những cuốn sách mà tôi đã đọc và học (1).Analysis of Binary Data của D. R. Cox và E. J. Snell. Đây là cuốn sách tôi được thầy trước dùng để giảng dạy trong chương trình cao học. Sách này chỉ khoảng 200 trang, khổ nhỏ, nhưng thời đó (thập niên 1980) giá lên đến 30 USD. Lí do là vì đây là cuốn sách rất quan trọng, cung cấp các lí thuyết cơ bản về mô hình hồi qui logistic. Tác giả của nó, GS David Cox, là một nhà khoa học thống kê quan trọng nhất còn sống (còn Elizabeth Snell là học trò ông ấy), nên giá trị của cuốn sách càng cao. Những công trình của ông toàn được trích dẫn cả ngàn, thậm chí vạn lần! Hồi còn đi học, tôi có lần nghe GS Cox giảng trong seminar rất lôi cuốn. Ông cực kì nổi tiếng nhưng cũng cực kì dễ mến, hiền lành, ai ông cũng lắng nghe cẩn thận và trả lời đâu ra đó.
Applied Logistic Regression của David Hosmer. Cuốn này, như tựa đề đã nói, là sách ứng dụng, nhưng là sách rất nổi tiếng. Cuốn tôi có là xuất bản lần thứ nhất, nhưng nay thì có lẽ đã tái bản 2-3 lần rồi. Nếu các bạn không quan tâm đến lí thuyết thì cuốn này thuộc vào loại "must have" (tức phải có trong tủ sách). Tôi có quen biết với David Hosmer, một người rất dễ mến. Sách có các mã R online để người đọc áp dụng.
Regression Modeling Strategies của Frank Harrell. Bất cứ ai làm hay học về phân tích dữ liệu cần phải có cuốn này! Sách có 3 phần chính là GLM, logistic regression và survival analysis. Sách do GS Frank Harrell viết. Frank là một trong những guru về thống kê. Ông viết rất dễ hiểu, với rất nhiều ví dụ và R codes. Thật ra, ông phát triển cả một software có tên là "rms" (một phần của R) để người đọc có thể triển khai các ý tưởng trong sách.
Bayesian Data Analysis của Andrew Gelman, John Carlin, và Hal Stern. Đây là cuốn sách thuộc loại "gối đầu giường" cho những ai quan tâm đến trường phái Bayes. Tuy sách được giới thiệu là dành cho sinh viên bậc cao học, nhưng tôi nghĩ ngay cả sinh viên tiến sĩ cũng cảm thấy khó đọc! Người đọc đòi hỏi phải có kiến thức tốt về lí thuyết thống kê, am hiểu về trường phái cổ điển, thì mới thấy cái "đẹp" của cuốn này, còn nếu chưa có căn bản thống kê thì chắc như "vịt nghe sấm" hay "nước đổ lá môn".
Bayesian Statistics -- An Introduction của Peter Lee. Đây là một trong những cuốn sách cổ điển về Bayes, và được tái bản nhiều lần. Sách không thuộc thể loại ứng dụng, nhưng đọc rất dễ hiểu. Ngày xưa, khi tự học về Bayes, tôi đọc cuốn này đầu tiên. Bây giờ thì cuốn này đã được bổ sung với các mã R.
Statistics – A Bayesian Perspective của Donald Berry. Thật ra, cuốn này nghiêng về biostatistics hơn là statistics! Đây cũng là một trong những cuốn sách quan trọng về phương pháp Bayes. Sách không dùng nhiều lí thuyết mà chỉ dùng ví dụ thực tế để dìu dắt người đọc vào thế giới của Bayes và tính logic của phương pháp Bayes. Tác giả là GS Berry, một nhà khoa học rất nổi tiếng và người quảng bá không mệt mỏi cho trường phái Bayes. Ông còn là một nhà khoa học về ung thư học, ông dùng sở trường ung thư học để phê bình nặng nề các phương pháp cổ điển bằng những ví dụ sinh động và dễ thuyết phục. Tôi cũng quen biết ông và rất thích phong cách viết cũng như nói của ông.
Bayesian Ideas and Data Analysis của Ron Christensen và Wesley Johnson, theo tôi, cũng là cuốn sách loại "gối đầu giường". Cuốn này được viết rất dễ hiểu, dù có chút cái air lí thuyết. Cuốn này cũng có nhiều ví dụ về dịch tễ học và cách diễn giải kết quả nghiên cứu. Có thể nói tôi chịu ảnh hưởng khá nhiều từ cuốn này. Sách còn được bổ sung online bằng các mã WinBUGS và R nên người đọc có thể áp dụng rất nhanh.
Bayesian Approaches to Clinical Trials and Health Care Evaluation của David Spielgelhalter, Keith Abrams, và Jon Myles. Theo tôi, đây là cuốn sách quan trọng nhất về Bayesian Biostatistics (chỉ sau cuốn của Don Berry). Tôi học về phương pháp Bayes từ những bài báo của Spielgelhalter (trước khi thành sách), nên khi sách in ra là tôi mua ngay. Đối với dân y khoa, cuốn này còn hay hơn cuốn của Berry vì tác giả nghiêng về các nghiên cứu RCT và nghiên cứu y khoa. David Spielgelhalter là một giáo sư lừng danh, có thể xem là genius, trong lĩnh vực thống kê học. Ông chính là kiến trúc sư của WinBUGS, software dùng cho phân tích Bayes. Mấy năm sau này ông được phong chức danh "Winton Professor for the Public Understanding of Risk" vì ông dành khá nhiều thời gian cho việc truyền đạt thông tin về nguy cơ. Mỗi khi tôi "bí", tôi đều liên lạc ông để được có lời tư vấn rất tốt.
Tôi "quảng cáo" như thế chắc cũng đủ rồi. Bây giờ các bạn quan tâm có thể tìm mua sách đọc xem có như tôi nói không .
===
(1) Nhớ ngày xưa lúc còn ở VN, tôi thấy các thầy cô (tôi không nói trong lĩnh vực thống kê vì lúc đó chưa có môn học này) thường giấu giếm không nói cho tôi biết họ dùng sách gì trong giảng dạy. Sau này ra ngoài, tôi phát hiện những gì họ dạy là sách … cổ điển, nên rất khó hiểu. Tôi không muốn các bạn đau khổ như tôi ngày xưa, nên tôi nói hết (chứ chẳng giấu giếm gì cả), với hi vọng các bạn tốt hơn tôi trong tương lai.
Một gam kinh nghiệm hơn một tấn lý thuyết
- Bùi Văn Nam Sơn
Trong tác phẩm nổi tiếng "Dân chủ và giáo dục" (bản tiếng Việt
của Phạm Anh Tuấn, NXB Tri Thức, 2008, 2010, 2012), John Dewey có câu
viết nổi tiếng không kém: "Một gam kinh nghiệm tốt hơn một tấn lý
thuyết, đơn giản chỉ vì lý thuyết chỉ có ý nghĩa sống động và kiểm tra
được ở trong kinh nghiệm. Kinh nghiệm, dù khiêm tốn nhất, cũng có thể
sản sinh và chống đỡ cho lý thuyết, còn lý thuyết mà không liên hệ với
kinh nghiệm thì không thể xác định và nắm bắt như là lý thuyết. Nó dễ
trở thành công thức, thành khẩu hiệu đầu môi, khiến tư duy và "lý
thuyết" đích thực trở nên không cần thiết và không thể có được".
Việc nhấn mạnh đến "kinh nghiệm", và cùng với nó, là "hành động" không
phải là điều mới mẻ. Đông hay Tây đều thấy mối quan hệ giữa "tri" và
"hành". Từ thời cổ đại, triết học Tây phương chẳng từng quan tâm đến
"hành động" (vita activa) đó sao? Vậy, quan niệm của Dewey, nhà
triết học giáo dục hàng đầu của nước Mỹ, có gì thật sự mới mẻ để ta
không hiểu nhầm "triết thuyết dụng hành" (pragmatism) của ông là một
thuyết "thực dụng" thô thiển, nông cạn? Trong khuôn khổ giới hạn vốn có,
ta sẽ thử tìm hiểu triết thuyết giáo dục của Dewey qua một số câu hỏi:
Dewey là ai? Giáo dục là gì? Trường học là gì? Nội dung của giáo dục là
gì? Đâu là bản chất của phương pháp giáo dục? và sau cùng, nhà trường
đóng góp gì cho sự tiến bộ xã hội?DEWEY: MỘT CUỘC ĐỜI RẤT DÀI...
Với tuổi thọ đến 93, Dewey (1859-1952) quả thật có một cuộc đời đầy kinh lịch. Và còn đầy sinh lực nữa: vợ mất sớm (từ năm 1927), ông lấy bà vợ thứ hai khi mới... 87 xuân xanh! Sức viết còn khủng khiếp hơn nữa: toàn tập gồm 37 tập! Đời ông trải qua hầu như toàn bộ lịch sử đầy biến cố của Hoa kỳ và thế giới hiện đại: cuộc nội chiến Nam Bắc (1861-64), cuộc đại suy thoái những năm 20 của thế kỷ 20, hai cuộc thế chiến, sự bùng nổ của kinh tế sau 1945, đưa nước Mỹ lên hàng cường quốc thế giới, chứng kiến những tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ: xe hơi, máy bay, bom hạt nhân, sản xuất hàng loạt trên băng chuyền... Tất cả củng cố lòng tin vào kho kinh nghiệm phong phú và đa dạng của thế giới, nhất là về khả năng kiểm soát và thao túng thế giới và xã hội.
Từ năm 1844, sau khi tốt nghiệp đại học Johns Hopkins với luận văn về triết học Kant, ông bắt đầu giảng dạy tại đại học Michigan, rồi 10 năm sau, về đại học Chicago. Chính thời kỳ ở Chicago, ông thay đổi nhiều về nhận thức triết học, thiên về phái duy nghiệm, từ đó phát triển lý thuyết dụng hành và công cụ luận về việc truy tìm nhận thức và chân lý. Ông có cơ hội biến lý thuyết giáo dục thành thực hành: lãnh đạo "Viện Giáo dục" và "Trường thực nghiệm giáo dục" nổi tiếng thuộc đại học Chicago trong thời gian dài. Năm 1904, ông chuyển về đại học Columbia ở New York, tiếp tục giảng dạy triết học cho đến khi về hưu vào năm 1931.
Là một trong những nhà triết học giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20, ông còn là người đại diện chính danh nhất cho trào lưu khai phóng và dân chủ hóa nền giáo dục trường ốc. Có lẽ chính cuộc đời giàu trải nghiệm về những sự đổi thay nhanh chóng, sôi động, không chút trì trệ của thế giới chung quanh, nhất là ở nước Mỹ quê hương ông, đã giúp ông hoài nghi và phê phán những cao vọng đi tìm "những chân lý vĩnh cửu và bất biến" của triết học truyền thống. Nhan đề vài tác phẩm của ông: "Đi tìm sự xác tín (1919)", "Đổi mới triết học (1920)" phần nào nói lên điều ấy. Theo ông, nhiệm vụ của triết học là phải mang lại phương pháp để suy nghĩ và giải quyết những "vấn đề" (thực sự) của con người. Tức phải làm rõ, phê phán và xác định lại những giá trị và niềm tin của xã hội, nhằm giải quyết những vấn đề và xung đột nảy sinh trong những thời kỳ có sự biến động văn hóa. Ông triệt để đề cao "thực học", chống lại "hư học"! Từ triết học giáo dục sang triết học chính trị một cách nhất quán: đi tìm những "giải pháp" cho những vấn đề nội tại của nền dân chủ-tự do đương đại, cũng như tái tạo lý thuyết dân chủ cho phù hợp với những biến chuyển của thời đại.
GIÁO DỤC LÀ GÌ ?
Giáo dục - độc lập với mọi ý định - là "một sự không ngừng mở rộng kinh nghiệm". Nơi để thực hành và mở rộng kinh nghiệm, theo Dewey, là:
- thực tiễn hàng ngày trong từng hoàn cảnh,
- thực tiễn nghiên cứu khoa học, và
- thực tiễn giáo dục (sư phạm-văn hóa-chính trị...).
Theo nghĩa đó, "giáo dục" không khác với "văn hóa", vì "văn hóa là khả
thể thay đổi ý nghĩa, là mở rộng và cải thiện phạm vi của việc nắm bắt ý
nghĩa". Ở đây, không hề có điểm kết thúc hay mục đích sau cùng, mà chỉ
có sự không ngừng mở rộng, dị biệt hóa, rồi tiếp tục mở rộng và dị biệt
hóa, nói khác đi, chỉ có sự "tăng trưởng". "Vì trong thực tế không có
cái gì để sự tăng trưởng bấu víu cả, ngoại trừ việc tiếp tục tăng trưởng, nên khái niệm giáo dục cũng không phục tùng một khái niệm nào khác, ngoại trừ việc tiếp tục
giáo duc". Tại sao thế? Ông trả lời giản dị: vì đó là "sự kiện nhân học
hiển nhiên của việc tiếp nối và đan xen các thế hệ: "người này mất đi,
người kia sinh ra, tạo nên sự đổi mới liên tục những tế bào xã hội, với
sự trao truyền tập quán và ý tưởng".Từ đó, dễ dàng nhận thấy trẻ em là một sinh thể năng động, thu thập kiến thức, kỹ năng, cách ứng xử để sử dụng trong tương lai, nhờ sự tương tác với môi trường sống chung quanh. Vậy, trẻ em và môi trường sống là hai cực mà giáo dục phải tìm cách nối liền. Ông gọi đó là "cực tâm lý" và "cực xã hội". Cực tâm lý là "bản năng" (nhu cầu, lợi ích, năng lực do bản tính tự nhiên mang lại), là nền tảng của giáo dục; cực kia là trình độ "văn hóa" đương thời (thành tựu và di sản văn minh, cung cách ứng xử tích lũy từ bao đời) như là thành trì ngăn ngừa việc "rơi trở lại sự dã man".
Hai cực ấy quan hệ với nhau như thế nào? Đóng góp nổi bật của Dewey ở đây là tránh cả hai lập trường cực đoan. Theo ông, giáo dục "truyền thống" đặt văn hóa lên trên đứa trẻ, xem đứa trẻ là kẻ thụ nhận, chứ không phải người cùng tham dự. Cực kia cũng "sai lầm" không kém. Nhân danh giáo dục "mới", "tiến bộ", đặt đứa trẻ lên trên văn hóa, chú tâm vào những kinh nghiệm giới hạn của đứa bé, thay vì hướng vào hậu cảnh và chân trời rông rãi của văn hóa, vốn cần thiết để hiểu thế giới và hoạt động hiệu quả. Sau khi phê bình cả hai chủ trương cực đoan, Dewey đề xướng giải pháp tổng hợp: hãy từ bỏ việc "đặt trên" và "đặt dưới", thay vào bằng hình ảnh của sự "liên tục", trong đó đứa bé là khởi điểm và văn hóa là đích đến của giáo dục. Việc "diễn giải" các nhu cầu của trẻ em và hoán chuyển chúng thành những yêu cầu xã hội là nhiệm vụ cao quý nhất, đồng thời cũng là khó khăn nhất mà thầy cô giáo và phụ huynh phải thực hiện.
Dewey không bao giờ tự nhận mình là "tiến bộ" theo nghĩa "lấy trẻ em làm trung tâm", vì ông có quan niệm khác về nhà trường! Ông muốn vượt qua sự "nhị nguyên" giữa "cũ" và "mới", giữa "truyền thống" và "tiến bộ", như ta sẽ thấy./.
Bài đã đăng Người Đô Thị, Bộ mới, số 31, 27.11.2014. Bản tác giả gửi VHNA
Hãy nói chuyện “phải trái” với người trên lưng ngựa
Nhiều người lên tiếng "Phải tìm cho ra những ông Truyền khác". Ý muốn
nói rằng, không phải chỉ một mình ông TrầnVăn Truyền, nguyên Tổng Thanh
tra Chính phủ có nhiều tài sản và vi phạm như vừa được Uỷ ban Kiểm tra
Trung ương công bố.
Trả lời báo chí, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương nói: "Phải kiên quyết
làm những người khác nữa. Bởi vì những quan chức mà giàu quá thì dân
không chịu được đâu".
Ở đây, phải nói rõ hơn, dân chịu không được không phải vì "ghen tị" với
người giàu, mà chịu không được vì quan chức làm giàu bằng con đường
không chính đáng. Từ vụ của ông Trần Văn Truyền cho thấy, ngay cả những
đồng chí, đồng hương của ông ở Bến Tre cũng không chịu được...
Có điều, ông Truyền là ngườiđã “ngã ngựa”, không nên nặng lời đến mức
như thế, hãy nói chuyện phải trái với người trên lưng ngựa thì hay hơn.
Không ai muốn bênh vực cho những vi phạm của ông Trần Văn Truyền, nhưng
nhiều người hiểu rằng có thể tài sản của ông Truyền "không nhiều nhặn"
gì so với nhiều quan chức khác. Biệt thự của ông Truyền quá to ở Bến
Tre, nhưng thực ra giá trị không quá lớn vì đất ở vùng quê giá rẻ, nên
không thể sánh dù chỉ với những biệt thự tầm tầm ở đô thị.
(Minh họa: Ngọc Diệp) |
Ngài Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, sáng nay 26/11,
trong buổi đối thoại do Thanh tra Chính phủ cùng Bộ Tư pháp, phối hợp
với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo về phòng chống tham
nhũng lần thứ 13 với chủ đề “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu
hồi tài sản tham nhũng” đã phát biểu: “ Đánh chuột đừng để vỡ bình. Tôi
tin là Việt Nam tìm được cách để đánh chuột mà không vỡ bình. Bởi ở
nhiều nơi trên thế giới đã cho tôi thấy, nếu cứ để chuột có cơ hội lớn
lên, nó sẽ làm vỡ bình. Cho nên, Việt Nam cũng cần có những con mèo để
diệt chuột, hoặc ít ra phải có thuốc chuột, có bẫy chuột… Và dù cách
nào, mục đích chính là phải diệt được chuột, nếu không, sẽ đến lúc chuột
đuổi chủ ra khỏi nhà”.
Trở lại chuyện ông Trần Văn Truyền, tại vì sao chúng ta lại mất thì giờ
vì một vụ việc đã được kết luận, nói nhiều, kết án nhiều về ông Truyền
phỏng có ích chi. Trong lúc, có những “con chuột” khác đang nằm ngủ ngon
trong những “chiếc “bình quý”.
Tìm ra những ông “Truyền” khác không phải là bằng cảm xúc, bằng bức xúc,
mà bằng những biện pháp thiết thực. Để làm sao, chuột vẫn bị bắt mà
bình quý vẫn được giữ. Xin đưa ra mấy đề xuất sau đây:
- Thực hiện quy trình kê khai tài sản lại, bằng khoa học, không phải hình thức và cảm tính.
- Không chỉ kê khai tài sản của quan chức, mà của vợ, con, cha mẹ, anh chị em.
- Nếu không giải trình được nguồn gốc tài sản của cá nhân và những người thân từ đâu mà có, tất nhiên là do tham nhũng.
Đơn giản thế thôi…
Lê Chân Nhân
(Dân trí)
“Văn hóa” đổ lỗi
(TBKTSG) - Công thì vơ vào mình; tội lỗi thì đổ cho người khác, cho
tập thể, cho nguyên nhân khách quan, cho việc chấp hành sự phân công của
tổ chức - đó chẳng phải là điều gì mới mẻ mà là thói quen thường thấy ở
một số người, đặc biệt là người trong giới quan chức nhà nước.
Nhưng có vẻ như từ hồi có câu chuyện về “lỗi của cậu đánh máy” khi đưa
tin sai về hoạt động của quân đội Trung Quốc ở biển Đông của một trang
web nọ thì căn bệnh (hay như nhiều người nói là “văn hóa”) đổ lỗi tỏ ra
ngày càng phổ biến hơn trong giới quan chức nước ta. Từ những sự cố liên
tục gây chết người trong tiêm chủng cho đến vỡ đập thủy điện, ngập lụt ở
đô thị..., người ta luôn tìm ra “thủ phạm” - trừ chính mình ra - để đổ
thừa: lỗi là ở vaccin, lỗi là ở quy trình (vì đã làm “đúng quy trình”),
lỗi là ở thời tiết, do trời mưa nhiều...
Mới
nhất là sự cố nghiêm trọng lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam và chưa từng
có trong ngành hàng không thế giới: sân bay Tân Sơn Nhất hôm 20-11 mất
điện khiến hoạt động tê liệt trong khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, FIR Hồ
Chí Minh mất quyền điều hành bay, hàng chục máy bay lơ lửng trên không
mà không liên lạc được với đài không lưu. Tính chất nghiêm trọng như thế
nào, chắc ai cũng hình dung được. Và thế là, để chạy tội trước công
luận, bắt đầu một màn đổ lỗi: ông Đoàn Hữu Gia, Phó tổng giám đốc Tổng
công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), nói “con người còn có lúc ốm đau,
thiết bị có lúc thế này thế khác”; ông Cục trưởng Cục Hàng không Lại
Xuân Thanh thì cho rằng đó là chuyện “bất khả kháng”. Cho mãi đến hôm
24-11, sau khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng họp với các cơ
quan liên quan thì mới chính thức xác định lỗi là do con người và một
tổ điều tra đã được thành lập, mặc dù trước đó hai nhân viên kíp trực
điện nguồn đã bị đình chỉ công tác để điều tra. Ông bộ trưởng cũng yêu
cầu phải rà soát, đánh giá lại cả chất lượng nguồn nhân lực của VATM từ
lãnh đạo đến nhân viên, những nhân viên năng lực yếu kém phải chấm dứt
hợp đồng, và lãnh đạo của VATM phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm về sự
cố.
Thực ra chối tội, đổ lỗi là một phần của bản chất yếu đuối của con
người. Đến như Phêrô, môn đồ của Chúa, biết rõ thầy của mình là Chúa mà
còn sợ hãi chối mình là môn đồ nữa là! Nhưng mặt khác, tính trung thực,
dám làm dám chịu trách nhiệm, biết dũng cảm nhận lỗi khi làm sai, cũng
là một phẩm chất cao quý luôn được đề cao. Vả chăng, có dũng cảm nhận
lỗi thì mới có đủ dũng cảm và quyết tâm để sửa sai, để trong tương lai
không lặp lại sai lầm cũ. Biết vậy, nhưng với không ít người, điều đó
xem ra quá khó, nhất là với giới quan chức, khi mà sự thăng tiến, cái
ghế phụ thuộc vào thành tích (thật và giả) của họ.
Mặt khác, xu hướng đổ lỗi luôn đi cùng xu hướng vơ vào mình thành tích
của người khác, không phải của mình, như hai mặt của cùng một căn bệnh.
Như một công trình mà nhiều địa phương, hội đoàn cùng đưa vào báo cáo
thành tích của mình. Như khai báo gian dối để được phong danh hiệu này,
cấp phát chế độ sinh hoạt kia. Đó là căn bệnh thiếu trung thực.
Chỉ có thể hạn chế căn bệnh, hạn chế cái “văn hóa” đổ lỗi này khi ngay
từ nhỏ, từ trong gia đình cho đến trong nhà trường, mỗi đứa trẻ được
giáo dục về lòng tự trọng và tính trung thực, không bao giờ lấy của
người khác làm của mình, mặt khác làm sai thì biết dũng cảm nhận lỗi. Có
như vậy, khi ra đời, những con người trưởng thành mới biết hành xử đúng
và có đủ sức mạnh tinh thần để nhận lỗi mà không đổ thừa cho ai, cho
cái gì khác. Và bộ máy công quyền, bộ máy công chức cũng phải biết kiên
quyết không chấp nhận thói quen đổ thừa, dám mổ xẻ những yếu kém, khuyết
tật của bộ máy và chỉ rõ trách nhiệm cá nhân của những con người cụ thể
trước mỗi vụ việc.
Chỉ khi làm được điều đó, bộ máy công quyền mới được người dân tín nhiệm, tin tưởng.
Đoàn Khắc Xuyên
(Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)
Nỗi buồn ở kỳ họp Quốc hội lần này!
Đã nói đến họp Quốc hội thì bất cứ ai cũng nghĩ đến đó là một nơi tôn
nghiêm, mọi hoạt động diễn ra trong đó phải rất nghiêm túc. Là nơi
“quan trên trông xuống người ta trông vào”; là nơi mà cử tri gửi gắm sự
tin cậy, trông mong. Còn người dự họp thì từ y phục, từ lời ăn tiếng
nói, từ dáng ngồi, đến dáng đi… đều phải thể hiện là người “đại biểu của
nhân dân”. Nói tóm lại, người ta phải nhìn thấy ở đây là nơi mẫu mực về
phong cách làm việc, về ứng xử văn hóa, về trí tuệ của từng người.
Đại biểu Quốc hội xài cả máy tính và iPad trong hội trường |
Sự đòi hỏi này không có gì là quá đáng, bởi lẽ, Quốc hội là cơ quan
quyền lực của quốc gia. Những quyết sách ở đây liên quan đến sự phát
triển của cả một dân tộc, một đất nước .
Đại biểu Quốc hội do dân bầu nên và cử tri thì bao giờ cũng mong mỏi
người đại diện cho mình phải là những người không những có trí tuệ, có
trách nhiệm với dân, với nước mà còn phải là những người có chuẩn mực về
văn hóa. Rồi nữa, đại biểu Quốc hội còn phải là người phản ánh được
mong muốn, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân đối với các vấn
đề lớn của đất nước; và cả những vấn đề nhỏ liên quan đến miếng cơm manh
áo.
Ấy vậy mà từ vài năm trở lại đây, những việc không hay xảy ra ở Quốc hội xem ra ngày một nhiều.
Và ngay tại kỳ họp Quốc hội lần này, cũng thấy có không ít chuyện buồn, việc buồn.
Nào là chuyện có đại biểu Quốc hội dùng mạng xã hội để nói xấu, xỉ vả
đại biểu Quốc hội khác, sự thiếu văn hóa của đại biểu Quốc hội này đến
mức dư luận phải đặt ra câu hỏi rằng, ông này liệu có bị “thần kinh”?
Quả thật, nếu ông ta bị “thần kinh” thì đây là điều may cho Quốc hội và
cũng làm cho những cử tri đã trót bầu cho ông ta thấy đỡ ngượng, bởi vì
mình đã chọn nhầm một người bị “điên”. Nhưng nếu như ông này không bị
“điên” thật mà lại có cách ứng xử như vậy, thì rõ ràng tầm văn hóa của
ông ta ở mức không chấp nhận được. Và như vậy, cử tri đã bị “lừa”, thế
cho nên mới bỏ phiếu cho ông ấy.
Rồi lại có những đại biểu đã chất vấn các bộ trưởng những câu hỏi quả thật nghe rất buồn cười.
Người thì hỏi về độ an toàn của xăng E5 ra làm sao?
Người thì hỏi về đường sắt trên cao có an toàn không?...
Trời ạ! Việc sử dụng xăng E5 là một chủ trương lớn đang được triển khai
quyết liệt và cả thế giới đều công nhận xăng E5 có lợi cho môi trường;
có lợi cho việc kéo dài tuổi thọ động cơ. Vậy mà riêng đại biểu này lại
không biết điều đó.
Rồi như đại biểu hỏi về độ an toàn đường sắt trên cao thì hình như vị
đại biểu này không nghĩ rằng, làm cái gì người ta cũng nghĩ đến độ an
toàn và phải phấn đấu đạt an toàn đến mức tối đa.
Nhưng trong quá trình vận hành, nếu có xảy ra rủi ro thì có mà giời
biết. Vậy thì làm sao có thể đòi hỏi một sự cam kết của người đứng đầu
ngành giao thông. Ai dám đảm bảo rằng, máy bay bay trên trời kia là an
toàn 100%?! Ai dám khẳng định tàu vũ trụ phóng lên là an toàn 100%?!
Những việc đó thì bàn dân thiên hạ đều biết cả, bởi những phát ngôn đó
đã được truyền đi trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng
ở kỳ họp Quốc hội lần này có một điều thực sự đáng buồn. Ấy là ý thức
của không ít đại biểu quá thấp.
Vậy sự thể hiện chữ “thấp” đó là gì?
Đó là vắng mặt không có lý do; đó là nhờ người bấm nút biểu quyết hộ. Có
những phiên họp biểu quyết thông qua một đạo luật mà vắng đến gần 100
người. Đến mức Chủ tịch Quốc hội phải kêu lên khi con số biểu quyết trên
bảng điện tử cứ nhảy nhót lung tung. Và ông khẳng định rằng, đó là do
bấm nút biểu quyết hộ.
Tình trạng đại biểu Quốc hội vắng mặt tại các buổi thảo luận tổ hoặc cả
những phiên họp tại hội trường đã được nói nhiều từ những kỳ họp trước
nhưng căn bệnh này xem ra không giảm.
Rồi trên tivi lại thấy hình ảnh, có những vị đại biểu Quốc hội ngủ vô tư trong hội trường, thậm chí ngay ở phiên khai mạc.
Rồi những hình ảnh đại biểu Quốc hội điềm nhiên đọc báo trong khi Chủ tịch Quốc hội đang kết luận.
Thậm chí có đại biểu ngang nhiên chơi cờ bằng iPad khi Thủ tướng đang trả lời chất vấn.
Thật không thể hiểu nổi cho những vị đại biểu Quốc hội này.
Trong khi đồng bào cả nước chăm chú theo dõi qua màn hình phát biểu của
Thủ tướng về những vấn đề quốc kế dân sinh, về những chủ trương có tính
chiến lược của Chính phủ để xây dựng phát triển kinh tế đất nước và bảo
vệ tổ quốc thì vị đại biểu này điềm nhiên ngồi đánh cờ. Vậy thử hỏi,
chúng ta cần những vị đại biểu này ngồi ở Hội trường Diên Hồng làm gì?
Rồi lại có đại biểu mang vào hội trường cả máy tính xách tay và một chiếc iPad và bày ra trước mặt để làm việc.
Có thể nói, những cảnh “chướng tai gai mắt” ở Quốc hội đã và đang làm
cho cử tri nghi ngờ về tính nghiêm túc và ý thức trách nhiệm, kỷ cương
của đại biểu Quốc hội.
Cũng vẫn biết rằng, không có điều luật nào bắt các đại biểu Quốc hội
phải dự 100% thời gian họp nhưng việc vắng mặt quá nhiều, việc các đại
biểu thiếu ý thức trong lúc ngồi họp là điều rất mong Quốc hội phải nghĩ
đến, làm thế nào để chấm dứt chuyện đó.
Đã đến lúc chúng ta phải xem lại rằng, có cần kéo dài thời gian một kỳ
họp Quốc hội như vậy không? Để rút ngắn đi thì bắt đầu như thế nào và
làm từ đâu? Rồi với những đại biểu mà họ đang phải chịu trách nhiệm là
tư lệnh một lĩnh vực, hoặc người đứng đầu chính quyền ở một địa phương
thì rõ ràng áp lực công việc đang đè nặng lên đôi vai của họ. Vậy mà bây
giờ phải ngồi họp từ ngày này qua ngày khác như vậy cũng hoàn toàn
không đơn giản. Không ít vị đại biểu Quốc hội, ngày phải họp ở hội
trường, rồi hết giờ họp lại sấp ngửa chạy về cơ quan giải quyết công
việc… Và không hiếm hôm gần nửa đêm mới về nhà. Ở Hà Nội thì còn đỡ, chứ
nếu ở tỉnh xa thì thật rắc rối đủ đường.
Năm trước (vào tháng 11-2013), tại phiên họp Quốc hội về Dự thảo Luật
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có đại biểu đã “phê” các kỳ họp
Quốc hội còn kéo dài, gây lãng phí thời gian và ngân sách. Phó chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng từng nêu ý kiến “đề nghị của đại biểu
về rút ngắn thời gian họp của Quốc hội rất đúng”.
Cũng đã có những ý kiến rất nghiêm túc là cần phải có cách điểm danh đại
biểu, bằng cách phát thẻ từ ra vào… Cách làm này kể ra cũng có lý,
nhưng cũng thấy “hơi buồn”. Bởi lẽ, đã là đại biểu Quốc hội, mà phải
“điểm danh” kiểu này xem ra cũng thấy… thế nào ấy?
Họp Quốc hội kéo dài, tốn kém tiền bạc đã đành, nhưng quan trọng là có
hiệu quả hay không? Có rất nhiều đạo luật, rất nhiều lĩnh vực mà các đại
biểu không am hiểu, không có chuyên môn về ngành nghề, lĩnh vực đó… Vậy
mà bắt đại biểu phải tham gia thảo luận, rồi bấm nút biểu quyết thì
“xem ra ngậm đắng nuốt cay thế nào?”. Cho nên, nếu đại biểu có vắng mặt
thì cũng là điều nên thông cảm.
Nhưng có một điều không thể thông cảm, thậm chí, nếu nói không thể tha
thứ cũng chẳng quá đáng, ấy là khi các vị điềm nhiên đọc báo, chơi cờ
trong hội trường. Rõ ràng, các vị đã coi thường người khác, mà cụ thể là
các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ. Đại biểu Quốc hội mà ý thức
kém như vậy thì thật đáng buồn.
Như Thổ
(PetroTimes)
Bữa cơm gây oán của thị trưởng Đà Nẵng đãi “người hùng” Honolulu
Đầu tháng 2.1966, Tổng thống Johnson triệu tập “hội nghị thượng đỉnh”
Việt – Mỹ tại Honolulu. Phía Sài Gòn chỉ được báo trước có …2 ngày! Gấp
gáp quá, diễn văn của “thủ tướng” Kỳ không soạn kịp và phải phác thảo
trên máy bay.
Thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ và tổng thống Mỹ Johnson ở "hội nghị thượng đỉnh" Honolulu, tháng 2.1966 |
Trước khi lên đường, theo yêu cầu phía Mỹ cần có mặt một tư lệnh Quân
đoàn (đại diện cho 4 quân đoàn thuộc 4 vùng chiến thuật miền Nam) và Sài
Gòn chọn Nguyễn Chánh Thi. Tướng Nguyễn Cao Kỳ điện khẩn ra Đà Nẵng bảo
Thi chuẩn bị đi họp “thượng đỉnh”, nhưng Thi nổi đóa, phang: “Dù chỉ
hai thường dân mời nhau ăn bữa cơm, thì cũng không thể mời một cách
khiếm nhã như thế được”, thành ra giờ cuối đoàn Sài Gòn vắng Nguyễn
Chánh Thi.
Đến nơi, phía Mỹ hiện diện khá “hùng hậu”: ngoài Tổng thống Johnson , có
Bộ trưởng ngoại giao Dean Rusk, Bộ trưởng quốc phòng Mac Namara, Trợ lý
quốc phòng Mc Naughton, cố vấn trưởng đối ngoại Mc George Bundy, Bộ
trưởng Nông nghiệp Orville Freeman, Bộ trưởng Y tế Giáo dục và Phúc lợi
John Gardner, các tướng Earle Wheelr, W.Westmoreland, Maxell Taylor, Đô
đốc Grant Sharp và các đại sứ: Henry Cabot Lodge, Averell Hamman và
Leonard Unger.
Nguyễn Chánh Thi nhận định Thiệu, Kỳ qua họp chỉ để nhận “chỉ thị” về
“Mỹ hóa” cuộc chiến Việt Nam. Còn Nguyễn Cao Kỳ viết trong hồi ký là tại
hội nghị, Johnson đã “chấm dứt lắng tai nghe” diễn văn của Kỳ. Khi Kỳ
dứt lời “Johnson đã vươn mình về phía tôi” và khen “Thật hay, thủ tướng
đã nói giống như một người Hoa Kỳ” (!!!). Kỳ viết: “Tôi thích Johnson và
ngay từ lúc đầu chúng tôi đã ý hợp tâm đầu”. Phần Nguyễn Văn Thiệu và
Nguyễn Hữu Có ngồi hai bên Kỳ, đối diện với Johnson, họ chủ yếu gật,
hoặc lắc, đôi lúc tỏ đồng tình bằng cách…nhoẻn cười!
Báo chí Sài Gòn thời đó “điểm tin Honolulu” viết là “Johnson cưng chiều
Kỳ quá” đến nỗi trong bữa cơm trưa, Johnson dành phần lớn thời giờ đàm
đạo với Kỳ, còn quốc trưởng Nguyễn Văn Thiệu phải chịu cảnh ngồi rờ râu
cằm ngó trần nhà! Vào đêm cuối cùng của hội nghị, Johnson mời Kỳ- Thiệu
với Westmoreland uống vài ly. Sau đó, theo Kỳ, Johnson nói nhỏ: “Mời Thủ
tướng đến phòng ngủ của tôi độ vài phút…” Đóng cửa lại, Johnson nói nếu
Kỳ không thấy trở ngại thì Phó Tổng thống Hubert Humphrey cùng đi với
Kỳ về Việt Nam. Đây là điều khiến Kỳ ngạc nhiên vì không có mặt Humphrey
tại đó. Johnson điện về Hoa Thịnh Đốn bảo Humphrey đến Honolulu ngay.
- Humphrey sẽ có mặt ở đây trước khi máy bay của thủ tướng cất cánh.
Humphrey và Nguyễn Cao Kỳ xuất hiện bên nhau tại cầu thang máy bay trước
mắt công chúng. Đó là hình ảnh đầy “tính hợp tác Việt – Mỹ” có công
năng thông báo nhanh chóng đến dư luận sự ủng hộ của chính phủ Johnson
đối với “nội các chiến tranh” của Kỳ. Về Sài Gòn, Kỳ cấp tiền cho 4 vùng
chiến thuật biểu tình hoan hô thành quả Honolulu. Đến 19.2 Kỳ gửi công
điện cho biết sẽ ra thăm các “chiến lợi phẩm”. Thi trả lời: “Vùng 1
không có gì để triển lãm” và cũng không tổ chức hoan hô “Lulu”.
Từ Sài Gòn, Nguyễn Cao Kỳ điện đàm với tư lệnh sư đoàn 1 bộ binh là
Nguyễn Văn Chuân tìm người thay thế Nguyễn Chánh Thi. Nguyễn Văn Chuân
đâm thọc sao đó để đại tá Nguyễn Văn Thiện bị cách chức thị trưởng Đà
Nẵng trước. Thi tính sau. Đại tá Thiện cho biết như vậy tại lễ bàn giao;
người nhậm chức tân thị trưởng là bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn. Ông thị trưởng
này rất bực mình với danh xưng “chính phủ của dân nghèo” do Nguyễn Cao
Kỳ làm “thủ tướng”.
Buổi ra mắt chính phủ này, các “bộ trưởng” tổng ủy viên ăn mặc áo ngắn
tay, tỏ rõ quyết tâm làm “cách mạng”. Họ kéo lên Đà Lạt họp tại Dinh số
1, bàn bạc chương trình hành động biện minh cho sự có mặt của quân Mỹ và
“đồng minh” ngày càng đông tại miền Nam. Cuối buổi họp, ăn cơm xong,
bàn ghế được dọn dẹp để các thành viên “chính phủ của dân nghèo” nhảy
đầm.
Nguyễn Chánh Thi thuật lại: buổi đó một số “gái gọi” được đưa đến “để
hầu các tướng lãnh” (chữ Thi dùng). Thị trưởng Mẫn muốn chơi “thủ
tướng” của cái chính phủ “nghèo” đó, nên hôm Kỳ ra thăm Đà Nẵng vào
1.3.1966, đã mời Kỳ một bữa cơm đạm bạc đúng nghĩa tại Tòa Thị chánh,
Nguyễn Chánh Thi viết:
“Ông thị trưởng là bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn dường như cố ý cho Kỳ một
bài học, nhất định đãi một bữa cơm đơn sơ, nhất định không đem rượu cho
Kỳ uống (mặc dù Kỳ đòi phải có rượu uống trước khi ăn cơm). Đã thế, ông
còn buông một câu làm Kỳ tím mặt: “Chúng tôi theo gương “chính phủ của
dân nghèo” xin thủ tướng hiểu cho! Đợi cho Kỳ thấm thía, bác sĩ Mẫn hỏi
tiếp: -Thiếu tướng ra kỳ này chắc phải có tin mừng cho chúng tôi? Cao Kỳ
nói: “-Hôm nay, Hoa Kỳ vừa chấp thuận 4,8 tỷ Mỹ kim cho chiến tranh
Việt Nam, và họ hứa sẽ ủng hộ tôi hết mình”.
Nghe vậy, ông Thi “kê tủ đứng” vào miệng Kỳ mấy câu, như: “Tiền của ấy
chỉ tăng thêm chết chóc, tăng thêm đĩ điếm, tham nhũng, rác rưởi…”. Ngồi
lặng một lúc, Kỳ đốp lại: “Nếu anh (Nguyễn Chánh Thi) có ý nghĩ như
thế, tôi đề nghị anh cầm đầu một phái đoàn đi ngoại quốc xem sao”.
“Đi ngoại quốc” trong tình huống đó là tín hiệu bị thất sủng, sắp mất
quyền: Ông Thi biết Kỳ không dọa chơi. Bữa ăn tiếp tục lạnh nhạt, buồn
nản. Kỳ ngó lảng đi nơi khác, nhưng tâm ý chắc hẳn vẫn chăm chăm đến
chuyện trả đũa thị trưởng Mẫn và bãi chức Thi. Chả thế mà vài tháng sau,
khi cuộc đấu tranh miền Trung nổ lớn, báo chí hỏi Kỳ:
- Nghe nói ông thị trưởng Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn là
người Công giáo, nhưng lại giúp đỡ đồng bào Phật giáo miền Trung biểu
tình chống Chính phủ Sài Gòn. Có thật thế không?
Nguyễn Cao Kỳ trả lời đầy hằn học: “- Không cần biết. Chỉ biết rằng, một là chính phủ này sụp đổ, hai là tên thị trưởng Mẫn bị bắn chết!”. (còn nữa)
Mai Nguyễn
(Một Thế Giới)
Quốc hội chính thức “bác” đề xuất thêm một Đại tướng công an
Luật Sĩ quan Công an nhân dân sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sáng
nay, ngày 27/11, đã không có quy định về việc thêm một Đại tướng cho vị
trí Thứ trưởng thường trực – Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương.
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa
đổi) về cấp bậc hàm cao nhất đối với các chức vụ của Sĩ quan Công an
nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đa số đại biểu nhất trí
với quy định về cấp bậc hàm cao nhất của các chức vụ trong công an nhân
dân. Tuy vậy, vẫn còn một số ý kiến tham gia về cấp bậc hàm cao nhất là
cấp Tướng của các chức vụ cụ thể.
Ngành Công an sẽ vẫn chỉ có 1 Đại tướng là Bộ trưởng Bộ Công an nhưng
Giám đốc Công an 2 thành phố Hà Nội, TPHCM được thăng hàm Trung tướng
Đối với ý kiến đề nghị Thứ trưởng là Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung
ương có trần cấp bậc hàm là Đại tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho
rằng, chức vụ Thứ trưởng – Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là cấp
phó của Bộ trưởng Bộ Công an, giúp Bộ trưởng (đồng thời là Bí thư Đảng
ủy Công an Trung ương) thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có
nhiệm vụ về công tác Đảng; Theo quy định thì tổ chức Đảng trong công an
nhân dân không tổ chức theo hệ thống từ Đảng ủy Công an Trung ương đến
các địa phương, do vậy Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương chỉ lãnh
đạo trực tiếp đối với các tổ chức Đảng bộ của các Tổng cục và các đơn vị
trực thuộc Bộ Công an.
Để thống nhất trong bộ máy Đảng và Nhà nước; căn cứ Thông báo số 147
ngày 21/10/2013 và căn cứ theo Thông báo 185 ngày 28/10/2014 của Bộ
Chính trị chỉ đạo: Thứ trưởng – Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương có
trần quân hàm là Thượng tướng như hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
xin Quốc hội cho giữ như dự thảo trình Quốc hội.
Báo cáo giải trình còn cho biết, một số ký kiến đồng ý với cấp hàm Trung
tướng đối với đối Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí
Minh, nhưng đề nghị cân nhắc cấp hàm cao nhất của chức vụ Trưởng công
an quận thuộc hai thành phố này phải đảm bảo tương quan với chức vụ
khác. Cũng có ý kiến khác đề nghị cấp hàm cao nhất của Giám đốc Công an
Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là Trung tướng, còn Giám đốc
công an các tỉnh thành khác có trần cấp hàm là Thiếu tướng để chênh nhau
một bậc cho phù hợp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh dự
thảo luật theo hướng cấp hàm cao nhất của Trưởng công an quận Thành phố
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là Thượng tá như các quận, huyện khác.
Còn quy định Giám đốc Công an cấp tỉnh có trần cấp bậc hàm Đại tá là để
bảo đảm tương quan với Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự cấp
tỉnh. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như quy định của dự thảo
Luật trình Quốc hội.
Sau khi nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý trên, đa số đại biểu
đã biểu quyết thông qua Luật Sĩ quan Công an nhân dân sửa đổi.
Quang Phong
(Dân Trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét