Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

'Xã hội dân sự VN sẽ tiến triển mạnh'

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN DIỄN ĐÀN

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

Quan chức tham nhũng tẩu tán tài sản, Việt Nam khó thu hồi

(Ảnh minh họa) Theo thanh tra chính phủ Việt Nam, năm 2014, dù giá trị tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng đã tăng lên so với năm 2013 nhưng mới đạt 22,3% so với giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng.
(Ảnh minh họa) Theo thanh tra chính phủ Việt Nam, năm 2014, dù giá trị tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng đã tăng lên so với năm 2013 nhưng mới đạt 22,3% so với giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng.
Một quan chức chính phủ vừa lên tiếng thừa nhận tình trạng khó thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng ở Việt Nam.
Tại cuộc đối thoại với các nhà tài trợ quốc tế với chủ đề “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng”, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi làm rõ thực trạng khó tịch thu các tài sản đó.
Ông Phúc nói: “Thu hồi tài sản do tham nhũng gây ra còn thấp. Theo báo cáo có nêu là trên 22% năm 2014, và những giải pháp của diễn đàn hôm nay đưa ra sẽ là những giải pháp tốt, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến từ diễn đàn này”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận rằng việc phòng chống và ngăn ngừa tham nhũng và tài sản tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.
Chính quyền Việt Nam nhận định, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản được đánh giá tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn.
Tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho báo giới biết lý do vì sao khó lấy lại các tài sản tham ô.
Ông nói: “Do kéo dài thời gian xử lý vụ án nên bị tẩu tán tài sản. Cái thứ hai là khâu giám định mất thời gian cho nên tài sản bị hư hao, mất mát khá nhiều. Cái thứ ba là cái chế tài chưa được mạnh, cho nên từ đó việc thu hồi tài sản chưa mang lại hiệu quả”.
Cuộc đối thoại về tham nhũng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam mới ra quyết định thu hồi nhà đất của một giới chức từng làm tổng tranh tra của chính phủ, sau khi công chúng đặt nghi vấn về tài sản được báo chí trong nước nói rằng lên tới nhiều triệu đôla của ông này.
Giới hữu trách Việt Nam cho rằng ông Trần Văn Truyền đã “thiếu trung thực, vi phạm những điều đảng viên không được làm, gây phản cảm, tạo dư luận xấu”.
Ông Tranh cho biết việc thu hồi tài sản của ông Truyền “đã được các cơ quan chức năng tiến hành một cách kịp thời”.
Có mặt tại cuộc đối thoại là các đại diện của các nhà tài trợ cho Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ. Họ đã nêu ra các gợi ý cho Việt Nam nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng một cách hiệu quả hơn.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever cho rằng nền báo chí tự do và xã hội dân sự là các thành tố quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam.
Ông Lever nói: “Chúng ta không thể tách phòng chống tham nhũng ra khỏi vấn đề đạo đức kinh doanh và môi trường kinh doanh hấp dẫn. Chúng ta cũng không thể tách phòng chống tham nhũng ra khỏi vấn đề quản trị nhà nước, bao gồm vai trò của một Quốc hội hoạt động có hiệu quả, một nền báo chí tự do và xã hội dân sự được trao quyền để thúc đẩy trách nhiệm giải trình”.
Theo thanh tra chính phủ Việt Nam, năm 2014, dù giá trị tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng đã tăng lên so với năm 2013 nhưng mới đạt 22,3% so với giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng.
Năm nay xảy ra 415 vụ án tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6 nghìn tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi, nộp ngân sách trên 1.500 tỉ đồng.
Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam đứng vị trí thứ 116 trong bảng xếp hạng tham nhũng của 177 quốc gia trên thế giới.
(VOA)

Minh Phước - Quan chức và chuyện nói hay làm dở

Nói hay mà không làm, nói hay mà làm không hay, nói một đằng mà làm một nẻo, thì trước sau gì "danh ngôn" đó cũng bị người đời, bị xã hội... "thanh lý".
Để làm "người khôn"...
Người xưa có câu rất hay về cái sự nói: "Chim khôn hót tiếng rảnh rang /Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe".
Để làm được "người khôn" tức là hiểu được cái tâm lý chung, là bắt được cái cảm giác ban đầu của người đời. Ai có tài ăn nói thường dễ lấy lòng được đám đông, ai có tài hùng biện thường thu hút được công chúng quan tâm, hâm mộ, tán thưởng.
Các vĩ nhân xưa và nay, cùng với những phát ngôn bất hủ của họ đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của dân gian, của nhân loại. Họ được ca ngợi, bình phẩm, truyền tụng, ghi chép, lưu lại cho các thế hệ mai sau.
Người làm quan, làm lãnh đạo thời nay hầu như đều biết rõ tầm quan trọng của việc giao tiếp, nên nhiều vị đã cố gắng rèn luyện cho mình có được những kỹ năng, chuẩn bị cho mình "sẵn" những lời nói đẹp, những phát ngôn hay trước các nhân viên, trước các cộng sự cấp dưới và trong tất cả các mối quan hệ nhân sự đối tác, xã giao bên ngoài.
Nhưng lãnh đạo, quan chức phát biểu hay, phát ngôn hay cũng chỉ mới là điều kiện cần... Còn phải hội tụ điều kiện đủ.
Thanh tra Chính phủ, Trần Văn Truyền, Hồ Xuân Mãn, quan chức về hưu, biệt thự, tham nhũng
Căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền tại Bến Tre - Ảnh: Ngọc Tài/TTO
Cách đây không lâu, một vị nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Hồ Xuân Mãn - đã bị Chủ tịch nước ký quyết định hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu AHLLVTND, vì đã có hành vi gian dối trong việc kê khai thành tích.
Ông Mãn từng là lãnh đạo đứng đầu một tỉnh, cũng đã từng là Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động lớn và tất nhiên trong các cương vị đó, hẳn ông đã từng có những bài phát biểu hay, rất hay. Hơn thế nữa, ông cũng đã từng được tuyên dương là cá nhân điển hình, là một trong 03 bí thư tỉnh ủy được nêu gương trong cuộc vận động này.
Thế nhưng đối diện với thực tế bây giờ, xem ra "những bài phát biểu hay" ấy của ông đã... trở thành trớ trêu. Bởi những việc làm đó thật đối nghịch với những phát biểu trước người dân, trước đồng chí của ông.
Mong chỉ là chuyện cá biệt?
Và mới đây, ngày 21/11, một vị cựu quan chức khác- ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông cáo báo chí Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất. Một bản thông cáo rất dài với năm cụm từ kết luận như vậy khiến dư luận xã hội, dù đã theo dõi lâu nay, không khỏi bất ngờ, bức xúc... Bởi ông từng được coi là người đứng đầu trong việc bảo vệ các quy định của pháp luật, các quy định của nhà nước, nay lại là người vi phạm nghiêm trọng chúng.
Không phải là ngoại lệ, ông Trần Văn Truyền đã từng có những phát ngôn, phát biểu rất hay mà trang báo mạng Một Thế Giới vừa mới lục tìm đăng trích lại. Tỷ như: "phải theo dõi cả hồ sơ kê khai tài sản của cán bộ nghỉ hưu; đấu tranh chống tham nhũng là phải biết hy sinh; khai là phải trung thực...".
Ông bà xưa thường dặn rằng "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói". Đây là câu thành ngữ ví von nhằm khuyên nhân tình thế thái nên thận trọng, thấy được "cái họa" của việc không kiểm soát được lời nói là vô cùng nguy hiểm cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Quan trọng hơn ông bà ta xưa kia, bằng câu nhắn nhủ đó còn khéo nhắc nhở rằng, lời nói phải đi đôi với việc làm. Đây cũng là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh thời thường căn dặn các cán bộ, đảng viên của mình.
Các vĩ nhân trong lịch sử thường có các danh ngôn. Danh ngôn của họ trường tồn với thời gian là do họ đạt được một điều rất "đơn giản" nhưng vô cùng khó khi thực hiện, đó là "lời nói phải đi đôi với việc làm". Nói hay mà không làm, nói hay mà làm không hay, nói một đằng mà làm một nẻo, thì trước sau gì "danh ngôn" đó cũng bị người đời, bị xã hội... "thanh lý". Đó là một bài học đau đớn, nhất là trong thời thế giới phẳng.
Người lãnh đạo nói chung và người lãnh đạo hiện đại hôm nay nói riêng phải hội tụ đủ hai điều kiện cần và đủ, tức là nói và làm phải nhất quán.
Người viết bài vẫn chỉ mong rằng chuyện ông Mãn, ông Truyền có thể chỉ là cá biệt. Dù vậy, đó vẫn là những bài học trực quan thực tiễn mà đau đớn trong đời sống này. Cho những ai có chức trách, bổn phận, cho mỗi người chúng ta, dù chỉ là cương vị công chức, công dân thường tình về cả văn hóa sống với cộng đồng, với tập thể- lời nói đi đôi với việc làm.
Minh Phước
(Tuần Việt Nam)

'Xã hội dân sự VN sẽ tiến triển mạnh'

Tiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn
Tiến sỹ Trần Tuấn lạc quan về triển vọng của xã hội dân sự ở Việt Nam.
Mặc dù có khó khăn, xã hội dân sự ở Việt Nam đang tìm được chỗ đứng, phát huy vai trò của mình, theo ý kiến các nhà quan sát và hoạt động từ Việt Nam.
Xã hội dân sự đang khẳng định vai trò không những trong 'thực tiễn' mà còn trong 'tác động' tới sửa đổi, hình thành chính sách của nhà nước, vẫn theo ý kiến phát biểu tại cuộc Tọa đàm Trực tuyến trên Google Hangout của BBC hôm 27/11/2014.
Tiến sỹ Trần Tuấn, một nhà nghiên cứu về chính sách và phát triển cộng đồng thuộc Vusta (Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), nói với Tọa đàm:
"Chúng tôi thấy rằng trong những năm vừa qua đã có sự phát triển, chúng tôi gọi là gia tốc tăng lên ngày càng nhanh, đặc biệt trong 5 năm qua.
"Vào khoảng hai năm gần đây, thấy rằng có sự phát triển, tiếng nói của xã hội dân sự bắt đầu dần đi vào, ngoài những vấn đề thực tiễn, nhưng đồng thời trong cả vấn đề chính sách, hoặc những tác động để thay đổi chính sách đã bắt đầu có được.
"Cho nên, trong trung hạn và dài hạn, chúng tôi nghĩ, trong thời điểm khoảng 3-5 năm tới sẽ thấy một sự thay đổi một cách mạnh mẽ hơn nữa của xã hội dân sự.
"Đặc biệt tiếng nói của xã hội dân sự trong vấn đề nghiên cứu, tác động chính sách và những vấn đề đi dần vào các lợi ích của người dân được đặt lên trên bàn để thảo luận trong vấn đề cân bằng lợi ích với các bên doanh nghiệp, cũng như bên về các lợi ích của nhà nước."
Triển vọng lâu dài
Về triển vọng lâu dài của xã hội dân sự, nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam sẽ theo kịp bước của thế giới văn minh để có chỗ đứng cho định chế này.
Tiến sỹ Trần Tuấn nói: "Còn về mặt lâu dài, chúng tôi nghĩ rằng chắc chắn Việt Nam sẽ phải chung bước với sự tiến bộ của thế giới văn minh này, có nghĩa là phát triển xã hội phải đứng trên trụ cột có nhà nước, có thị trường và có xã hội dân sự.
"Trong đó tôi nghĩ vai trò hiện nay, lúc này đang cần là cần có sự đi đầu của những các nhà hoạt động dân sự, chúng tôi gọi là thực tiễn, để lấy thực tiễn buộc thay đổi chính sách và điểm thứ hai nữa là phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học.
Tôi nghĩ vai trò hiện nay, lúc này đang cần là cần có sự đi đầu của những các nhà hoạt động dân sự, chúng tôi gọi là thực tiễn, để lấy thực tiễn buộc thay đổi chính sách và điểm thứ hai nữa là phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học
TS. Trần Tuấn
"Tôi nghĩ rằng đã đến lúc các nhà khoa học phải thể hiện mình, hay nói khác đi phải 'lột xác' so với trước. Bởi vì chúng ta thấy rằng trước đây so với bây giờ, thực tiễn bây giờ đòi hỏi các nhà khoa học phải gắn với thực tiễn hơn rất nhiều.
"Và nếu làm được việc đấy, cứ trước hết nhắm vào các vấn đề mà tôi cho rằng, chưa nói gì đến các vấn đề chính trị, thì ít nhất là vấn đề về an sinh xã hội, về vấn đề y tế, giáo dục v.v..., cũng đủ để mà xã hội dân sự, các tổ chức xã hội dân sự thể hiện được tiếng nói của mình."
'Không thể đảo ngược'
Nhà xã hội học, Tiến sỹ Lê Bạch Dương, chuyên gia trong lĩnh vực phát triển xã hội, cho hay ông lạc quan về triển vọng của xã hội dân sự ở Việt Nam.
Ông nói với Tọa đàm của BBC: "Tôi khá là lạc quan, tôi nghĩ là xã hội dân sự đương nhiên sẽ tiếp tục phát triển, và điều kiện khách quan ở Việt Nam hiện nay cũng đang mở ra những cơ hội.
"Chẳng hạn Việt Nam hiện nay, đang hội nhập rất mạnh mẽ, tham gia rất nhiều những diễn đàn quốc tế song phương, đa phương, ký kết rất nhiều những công ước v.v...
Có những mối liên kết vượt ra ngoài biên giới quốc gia, cho nên tôi nghĩ triển vọng đấy là không thể đảo ngược được
TS. Lê Bạch Dương
"Rồi những nguồn thông tin toàn cầu thông qua hệ thống Internet, thông qua những tài liệu thông tin, những giòng di cư dịch chuyển, rồi người dân Việt Nam bây giờ cũng đi du lịch, rồi người nước ngoài vào Việt Nam và sự tham gia của những nhà tài trợ, những tổ chức quốc tế vào Việt Nam.
"Bên cạnh giúp cho Việt Nam phát triển về mặt kinh tế, về mặt thể chế, cũng có rất nhiều những chương trình khuyến khích, thậm chí đặt vấn đề bắt buộc phải có sự tham gia của người dân, tham gia của những tổ chức cộng đồng.
"Và bằng sự tham gia như vậy thì các tổ chức cộng đồng hay những tổ chức phi chính phủ, không những chỉ tiếp cận được với những nguồn thông tin kiến thức mà còn có được những kỹ năng phát triển xã hội dân sự rất tốt.
"Có những mối liên kết vượt ra ngoài biên giới quốc gia, cho nên tôi nghĩ triển vọng đấy là không thể đảo ngược được và xã hội dân sự đang từng bước trưởng thành, tôi nghĩ như vậy. Nói chung là tôi rất lạc quan và đó là quan điểm chung của tôi về triển vọng của xã hội dân sự."
'Xu thế tất yếu'
Tôi nghĩ dù có khó khăn thì nhất định nó sẽ phải phát triển vì đó là xu thế tất yếu không thể nào thay đổi trong thời điểm hiện tại
Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Mặc dù vai trò và triển vọng của xã hội dân sự Việt Nam là như vậy, nhưng theo ông Lê Bạch Dương, định chế này đang gặp một số khó khăn, thách thức nhất định.
Nhà xã hội học nói với Tọa đàm: "Tất nhiên là nó cũng có những khó khăn, chẳng hạn như vấn đề khung pháp lý ở Việt Nam như các anh chị biết chưa có được khung pháp lý tạo điều kiện cho xã hội dân sự phát triển tốt.
"Rồi nhận thức xã hội còn có những hạn chế, rồi những vấn đề nguồn lực, nhân lực vẫn còn có những giới hạn, tuy nhiên tôi tin rằng xu thế đó đang ngày càng tích cực hơn."
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, nói với Tọa đàm từ Nha Trang:
"Tôi cũng đồng ý và thấy lạc quan về tình hình phát triển của xã hội dân sự, bởi vì xã hội dân sự là một trong những điều kiện tiên quyết, tiến trình phát triển của đất nước cần xã hội dân sự.
"Vì vậy, là một trong những người đi đầu, tôi nghĩ dù có khó khăn thì nhất định nó sẽ phải phát triển vì đó là xu thế tất yếu không thể nào thay đổi trong thời điểm hiện tại."
'Bảo vệ nhân quyền'
Trước hết là nó không hề nằm ngoài một chút nào cả. Bằng chứng là chủ trương của buổi tọa đàm này là mời tất cả các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam tham gia và đã có nhiều tổ chức tham gia
Blogger Nguyễn Tường Thụy
Mới đây tại Hà Nội diễn ra một cuộc Tọa đàm về bảo vệ "người bảo vệ nhân quyền" ở Việt Nam với sự tham gia của đại diện nhiều đoàn ngoại giao, sứ quán nước ngoài.
Được hỏi vì sao vấn đề này được đặt ra và 'bảo vệ nhân quyền' có quan hệ gì với xã hội dân sự hay không, hay là nằm ngoài thiết chế này, blogger Nguyễn Tường Thụy, một nhà báo độc lập từ Hà Nội tham dự sự kiện, nói với Tọa đàm của BBC:
"Trước hết là nó không hề nằm ngoài một chút nào cả.
"Bằng chứng là chủ trương của buổi tọa đàm này là mời tất cả các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam tham gia và đã có nhiều tổ chức tham gia.
"Như là ngày hôm qua (26/11), trong buổi tọa đàm ấy có Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị, Hội Nhà báo Độc lập, Hội Anh em Dân chủ, Hội Bầu bí Tương thân, Mạng lưới Bloggers, No-U Sài Gòn, No-U Hà Nội, hay là Hội Phụ nữ Nhân quyền.
"Cho nên điều này, các tổ chức này không có gì độc lập và khác biệt với các tổ chức dân sự của xã hội dân sự Việt Nam hiện nay," ông Thụy nói.
'Đương nhiên liên hệ'
Cũng về vấn đề này, nhà xã hội học Lê Bạch Dương bình luận:
"Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh Tường Thụy là không có gì mà có thể nói là nằm ngoài sự quan tâm của xã hội dân sự cả.
Cho nên khi đã trở thành một vấn đề quan tâm chung, thì sự bảo vệ 'những người đứng ra bảo vệ' những vấn đề quyền của người dân thì đương nhiên tôi nghĩ nó có mối liên hệ
TS. Lê Bạch Dương
"Vấn đề bảo vệ những người 'bảo vệ nhân quyền', tôi thấy rằng cái này đương nhiên là một vấn đề mà xã hội dân sự phải quan tâm, và cái nhận thức của xã hội dân sự, của những tổ chức xã hội dân sự, cũng trong thời gian khoảng hơn mười năm nay, đã được nâng lên hơn rất nhiều.
"Rất nhiều tổ chức xã hội dân sự cũng đang làm những vấn đề liên quan đến quyền. Và tôi có thể nói hầu hết các tổ chức cộng đồng hay những tổ chức phi chính phủ hiện nay, không ít thì nhiều, đều đề cập những vấn đề liên quan đến nhân quyền.
"Hoặc là bình đẳng giới, hoặc những vấn đề quyền kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau, cho nên việc bảo vệ những người 'bảo vệ nhân quyền' thì tôi hình dung, tôi có thể khẳng định luôn nó chính là một trong những cái là mối quan tâm của các tổ chức xã hội dân sự và tất nhiên sự tham gia là ở các quy mô khác nhau.
"Và tôi cũng đồng ý với các ý kiến của các anh chị trước là chúng ta đừng giới hạn xã hội dân sự chỉ ở những tổ chức có đăng ký, mà đây có thể là những mạng Internet hay là những nhóm người dân cùng chia sẻ những mối quan tâm khác nhau.
"Cho nên khi đã trở thành một vấn đề quan tâm chung, thì sự bảo vệ 'những người đứng ra bảo vệ' những vấn đề quyền của người dân thì đương nhiên tôi nghĩ nó có mối liên hệ," Tiến sỹ Lê Bạch Dương nói với Tọa đàm.
'Một sự dũng cảm'
Blogger Nguyễn Tường Thụy nói với Tọa đàm rằng nhiều tổ chức trong xã hội dân sự ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong có 'phép thành lập', và ông nói thêm ngay chỉ việc lập ra tổ chức 'đã là một sự dũng cảm'.
Nói xã hội dân sự là họ cho rằng là cái gì đấy đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, là hoạt động lật đổ, là hoạt động chống phá, chính vì vậy, những tổ chức hoạt động dân sự thành lập ra đã là một sự dũng cảm rồi
Blogger Nguyễn Tường Thụy
Ông giải thích: "Sở dĩ tại sao các tổ chức trong tình trạng xã hội dân sự mới thành lập, hình thành trong vài năm trở lại đây, hiện tới nay khoảng 30 tổ chức, thì tất cả các tổ chức này, không một tổ chức nào được cấp phép thành lập.
"Và họ cho rằng những tổ chức này thành lập là trái với Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, bởi vì (với) các tổ chức này, họ rất sợ danh từ 'xã hội dân sự'.
"Nói xã hội dân sự là họ cho rằng là cái gì đấy đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, là hoạt động lật đổ, là hoạt động chống phá, chính vì vậy, những tổ chức hoạt động dân sự thành lập ra đã là một sự dũng cảm rồi.
"Và khi thành lập ra phải đối mặt với tất cả những sự nguy hiểm, sự sách nhiễu, phiền toái và họ không được nhà nước, chính quyền và các cơ quan Đảng ủng hộ họ."
Bình luận về ý kiến tại sao có một số tổ chức được đưa vào trong luật, còn một số khác lại không được, Tiến sỹ Trần Tuấn nói:
"Đất nước Việt Nam hiện nay của chúng ta được xuất phát trên mô hình xã hội chủ nghĩa, và trong mô hình xã hội chủ nghĩa thì Đảng lãnh đạo và các đoàn thể xã hội phục vụ cho triển khai các đường lối của Đảng. Chó nên đó là lý do tại sao được đưa vào.
"Còn chúng ta đang bàn đến vấn đề của Việt Nam hiện nay, trong giai đoạn bước vào để hòa nhập với thế giới, trong toàn cầu hóa, thì chắc chắn sẽ có sự hình thành tổ chức xã hội dân sự. Và quá trình này muốn đưa được vào luật, hoặc để có sự cho chúng ta hiểu được, chắc chắn đòi hỏi chính các tổ chức xã hội dân sự phải thể hiện được mình.
"Để chứng minh được rằng đấy là những hoạt động thiết thực cho sự phát triển của xã hội và bên cạnh đó phải có những bài viết về mặt lý thuyết, những cơ sở để đưa ra".
'Đi đầu khó khăn'
Bởi vì chỉ có thể bằng các bài viết, bài phân tích để gợi mở, đi song song với các hoạt động thực tế mới có thể giúp cho người ta, tôi tạm gọi là 'ngộ ra' vấn đề này. Và thời gian ngộ ra lâu hay chóng là nó phụ thuộc vào sự quyết tâm của chúng ta đến đâu
TS. Trần Tuấn
Theo ông Tuấn, trong thời gian qua ở Việt Nam đã xuất hiện một số tổ chức thuộc khối xã hội dân sự đem lại những 'lợi ích cho dân, vì dân và bởi dân', nhưng theo ông những người đi đầu 'chắc chắn sẽ gặp những khó khăn'.
Nhà nghiên cứu chính sách phát triển cộng đồng giải thích:
"Bởi chính sự hình thành mà chúng tôi gọi là sự ổn định và kiểu tư duy 'nhà nước quản lý và Đảng lãnh đạo' và mô hình cấu trúc xã hội chủ nghĩa trước kia, nó sẽ còn nằm dài trong xã hội một thời gian dài nữa.
"Cho nên sự dị ứng đối với các tổ chức do dân, bởi dân, vì dân lập ra phục vụ cho các hoạt động của dân nó sẽ tồn tại một thời gian.
"Và những người đi tiên phong chắc chắn gặp những trở ngại.
"Tôi nghĩ rằng, bên cạnh đó, các nhà khoa học phải đóng một vai trò trong quá trình này, bởi vì chỉ có thể bằng các bài viết, bài phân tích để gợi mở, đi song song với các hoạt động thực tế mới có thể giúp cho người ta, tôi tạm gọi là 'ngộ ra' vấn đề này.
"Và thời gian ngộ ra lâu hay chóng là nó phụ thuộc vào sự quyết tâm của chúng ta đến đâu."
'Tiến bộ số lượng'
Khi nhìn lại hai năm gần đây ở Việt Nam, tôi thấy rằng sự phát triển như vậy rất là đáng mừng về mặt số lượng. Còn về mặt chất lượng, tôi không cảm thấy có quá nhiều bi quan, mặc dù nó chưa được như chúng tôi mong đợi
Luật sư Lê Thị Công Nhân
Từ Hà Nội, Luật sư Lê Thị Công Nhân bình luận với Tọa đàm về sự tiến bộ trong phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam hiện nay.
Nữ luật sư nói: "Thứ nhất có một sự tiến bộ về mặt số lượng, khoảng hai năm gần đây chúng ta thấy nở rộ lên các tổ chức tự do người dân thành lập về những mục đích khác nhau, ví dụ như mục đích giúp đỡ trẻ em nghèo về vấn đề học hành ở miền núi, hoặc là giúp đỡ về vấn đề từ thiện trong các bệnh viện, hoặc giúp đỡ thăm nuôi những tù nhân lương tâm như là Hội Bầu bí Tương thân mà tôi tham gia đồng sáng lập v.v...
"Thì rất nhiều những tổ chức chúng ta thấy là họ tự công bố thành lập, và khi tôi đọc luật quốc tế, tôi thấy rằng việc tự công bố cũng là một yếu tố thể hiện ý chí của những cá nhân thành lập đó, một cách rõ ràng và mạnh mẽ nhất và tạo nên giá trị của hội, nhóm đó.
"Ở những nước văn minh phát triển như ở bên Úc, bên Mỹ chẳng hạn, các hôi nhóm này có thể đăng ký ở những ủy ban dân chính tùy vào từng đất nước, giống như ở Việt Nam là cơ quan nội vụ, sở nội vụ, có thể không cần phải đăng ký, nhưng trong quá trình hoạt động của họ, họ phải tuân thủ những gì mà họ thỏa thuận với nhau trước đó và họ không được vi phạm các quy định của pháp luật.
"Và không làm tổn hại đến những giá trị mà ngay cả quy định pháp luật chưa quy định, tức là tính tự giác của họ cực kỳ cao. Và khi nhìn lại hai năm gần đây ở Việt Nam, tôi thấy rằng sự phát triển như vậy rất là đáng mừng về mặt số lượng.
"Còn về mặt chất lượng, tôi không cảm thấy có quá nhiều bi quan, mặc dù nó chưa được như chúng tôi mong đợi," Luật sư nêu nhận xét với BBC.
(BBC)

Hàng chục ngàn giáo sư, tiến sĩ Việt... đang làm gì?

Cái quan trọng nhất không phải chúng ta không muốn sử dụng nhân tài mà là chúng ta không có khả năng sử dụng họ.
Tôi có một người bạn lấy bằng Tiến Sĩ tại một trường ĐH có tên tuổi ở xứ Cờ Hoa. Khi về nước anh chỉ có một ước mơ rất đơn giản - làm việc và sống được bằng nghiên cứu khoa học! Khi đó anh rất tự tin vào những gì mình đã học được có thể đóng góp và tạo ra những thay đổi tích cực cho khoa học nước nhà.
Sau hơn một năm bắt tay vào thực hiện các đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước, bên tách cafe đắng, anh chia sẻ: "Tôi thấy người nước mình thực sự không trọng dân trí thức.".
Dù đã có ít nhiều trải nghiệm thực tế, nhưng câu nói của một người bạn có bằng TS lúc đó làm tôi có phần cảm thấy chua xót. Đồng ý rằng các ngành khoa học của chúng ta sinh sau, đẻ muộn và không nhất thiết phải bắt đầu từ con số 0. Thế nhưng, kể cả muốn đi trước đón đầu, chúng ta cũng cần phải học để biết cần đón ở đâu và đi đến đâu. Một khi nền tảng khoa học không có thì mọi thứ chúng ta tiếp thu và ứng dụng được chỉ đều là phần nổi, phần ngọn và cũng chính vì vậy mà đất nước luôn tụt lại phía sau và mãi mãi chạy theo người khác.
Khoa học, chuyên môn, nghiên cứu, tiến sĩ, giáo sư, nhân tài, nguyên khí quốc gia, chạy dự án, Trần Quốc Hải, Đại tướng quân Hai lúa
Con số khoảng 9.000 GS, PGS tại nước ta đang làm gì và được dùng vào việc gì?
Khi nhìn lại các sự kiện gần đây, tôi mới thấm thía những điều mà anh bạn tôi bộc bạch. Ngân sách hàng năm dành cho nghiên cứu khoa học vốn đã rất khiêm tốn (chỉ chiếm 0,5% GDP) nhưng luôn bị cắt xén và thất thoát tại mỗi cấp. Nếu muốn được duyệt một đề tài nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước thì chi phí lobby đôi lúc lên đến vài chục phần trăm ngân sách đề tài. Công sức bỏ ra để hợp thức hóa số tiền bị cắt xén này hầu như chiếm gần hết thời gian của đơn vị nghiên cứu, khiến cho các sản phẩm đầu ra đều không đáng tin cậy hoặc ở dạng nửa vời.
Thật đáng buồn khi nhiều nhà nghiên cứu bỗng nhiên trở thành những nhà "chạy dự án" chuyên nghiệp. Việc xem các đề tại Nhà nước như là một chiếc bánh cho nhiều cá nhân và đơn vị để cải thiện thu nhập khiến cho đất nước ta luôn vắng bóng những công trình tầm cỡ. Sự thiếu hụt các cơ chế giám sát, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong nghiên cứu khoa học được xem như nguyên nhân chính khiến cho phần lớn các kết quả đề tài không có tính ứng dụng trong thực tiễn nhưng vẫn được phê duyệt và nằm yên, bám bụi trên các giá sách vốn đã rất bụi tại các cơ quan nhà nước. Dù có thế nào thì cũng không ai phải chịu trách nhiệm.
Những người làm khoa học không chuyên thì sao? Sự cứng nhắc, rập khuôn và giáo điều của các cơ quan chức năng cộng với tính sính ngoại và tự coi thường khả năng, trí tuệ của chính người nhà mình đã khiến cho bao nhiêu nông dân và kể cả doanh nhân phải ngửa mặt kêu Trời.
Sự kiện hai cha con ông Hải phải tìm đường sang Campuchia để thỏa mãn khát vọng được cống hiến cho khoa học liệu có khiến cho những người có trách nhiệm thấy chua xót ít nhiều? Hay phải chăng sức ép dư luận trong những ngày qua cũng chỉ là một vài hòn đá ném xuống cái ao bèo, để rồi nhanh chóng bị những cánh bèo dày đặc kia khỏa lấp?
Theo số liệu thống kê, trên tổng số hơn 90 triệu dân hiện thời, VN có tới hơn 100 nghìn người có bằng Thạc sĩ (trình độ được xem là nghiên cứu viên) và hơn 25 nghìn người có bằng Tiến sĩ. Những con số ấn tượng này khiến tôi nghi ngờ nhận định của anh bạn mình khi cho rằng "Trí thức Việt không được trọng dụng và chỉ dùng để trang trí mà thôi!" Nếu thực sự chỉ dùng để trang trí thì quả thực đất nước ta có thể xếp vào loại xa xỉ nhất thế giới khi sử dụng một nguồn lực khổng lồ như vậy chỉ để mà chơi và trang hoàng cho đẹp mắt.
Vậy nếu không chỉ để mà chơi hay cho vui mắt thì tại sao trung bình hàng năm Việt Nam có số lượng ấn phẩm khoa học được duyệt và đăng trên các tạp chí khoa học Quốc tế chỉ bằng 1/5 của Thái Lan và 1/10 của Singapore. Riêng trên tạp chí Nature, thì trong mười năm qua chúng ta chỉ có 5 ấn phẩm khoa học trong nước được đăng trên tạp chí hàng đầu thế giới này. Đồng ý rằng, dân ta có nhiều người học TS chỉ để cho oai, vậy con số khoảng 9.000 GS, PGS với phân nửa số lượng TS đang là giảng viên ĐH hay nghiên cứu viên tại nước ta đang làm gì và được dùng vào việc gì? Hay lại là để cho đẹp đội hình?
Thời Hoàng Đế Lê Thánh Tông, nước Đại Việt của chúng ta có thể được xem là hùng cường bậc nhất trong lịch sử Phong kiến. Có lẽ ý thức được nguyên tắc "hiền tài là nguyên khí Quốc gia" nên nhà Vua đã tạo dựng được một triều đại huy hoàng đến vậy. Tuy đời sau ít nhiều thấm nhuần tư tưởng này nhưng chưa ai làm được những gì mà "Vị Hoàng Đế mở cõi" này đã làm. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi cũng giống như ngày nay, cái quan trọng nhất không phải chúng ta không muốn sử dụng nhân tài mà là chúng ta không có khả năng sử dụng họ.
Chúng ta hiện vẫn còn thiếu rất nhiều thứ để có được một nền khoa học tiên tiến. Cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, thiết bị và kể cả ngân sách rồi cũng có thể có được. Cái quan trong hơn, cấp thiết hơn lúc này chính là cần phải xác định được mình thực sự mong đợi gì? Muốn làm gì và cần ưu tiên cái gì? Chỉ đến khi những người có trách nhiệm thấu hiểu được khoa học chính là con đường then chốt để thay đổi vị thế đất nước, rằng đất nước ta không thiếu vắng nhân tài và rằng phải có tinh thần cầu thị, dám chịu trách nhiệm, đức tính bao dung, không đố kị cùng một tấm lòng vì đại cục, thì ngày đó đất nước ta sẽ có thể cất cánh bay cao.
Hơn hết, dụng nhân như dụng mộc, hãy trả mọi người về đúng vai trò của họ, nơi họ có thể sống, làm việc và cống hiến theo đúng khả năng của mình. Hãy tạo dựng một môi trường phù hợp, khơi dậy sức sáng tạo của mỗi công dân và sẵn sàng lắng nghe cũng như hành động, nhằm khích lệ kịp thời, giúp tập hợp nguồn "nguyên khí Quốc gia" cho phát triển đất nước. Khi đó nhiều cái tử tế sẽ theo về và tách cafe mỗi lần tôi uống với anh bạn Tiến sĩ kia cũng sẽ đậm, ngọt hơn.
Trần Văn Tuấn
(Tuần Việt Nam)

Năm 2015, Việt kiều được sở hữu nhà tại Việt Nam

HÀ NỘI (NV) - Sau nhiều lần đưa lên bàn hội nghị và bị nhiều chuyên gia kinh tế lên tiếng, nhà cầm quyền CSVN đã thông qua luật người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam.
Quảng cáo của một công ty địa ốc ở Sài Gòn. Bắt đầu từ năm 2015,
Việt kiều được sở hữu nhà, đất ở Việt Nam. (Hình: nhahocmon.net)
Theo truyền thông Việt Nam, ngày 25 tháng 11, 2014, Quốc Hội CSVN đã biểu quyết thông qua Luật Nhà Ở (sửa đổi), Luật Kinh Doanh Bất Động Sản (sửa đổi). Cả 2 luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7, 2015.
Nội dung quan trọng của Luật Nhà Ở (sửa đổi) được xem là một trong những lối ra của thị trường bất động sản là quy định “cho phép người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà ở thương mại tại Việt Nam trong vòng 50 năm.”
Cụ thể, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư.
Nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.
Các cá nhân nước ngoài, Việt kiều được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của chính phủ CSVN nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong giấy chứng nhận.
Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam. (Tr.N)
(Người Việt)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét