Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Chất lượng thể chế đang ở đâu? - Tổ quốc cần những con người mới - Chưa rõ ai “tiết lộ bí mật”, làm sao đình chỉ vụ án vì “người tiết lộ đã chết”?! - Về công trạng của ông Phạm Quý Ngọ

Nguyễn Đắc Kiên - Tổ quốc cần những con người mới

Tác giả Nguyễn Đắc Kiên
Tác giả Nguyễn Đắc Kiên
Lời dẫn
Ba tháng qua tôi đã có thời gian để suy xét lại về những điều tôi đã cho là đúng và cả những điều tôi đã cho là sai trước đó. Cũng trong ba tháng qua tôi có điều kiện quan sát gần hơn, tiếp cận gần hơn, có điều kiện để biết nhiều hơn, hiểu rõ hơn về các xu hướng vận động của nền kinh tế – chính trị nước nhà. Đó là khoảng thời gian quý báu với riêng tôi. Có thể coi đề xuất, chương trình, ý kiến… gọi là gì cũng được mang tên “MỘT CON ĐƯỜNG CẢI TỔ” ở dưới là kết quả của 3 tháng vừa rồi. Bài viết này xuất phát từ ý thức dân tộc, ý thức về trách nhiệm của một cá nhân, một công dân với vận mệnh dân tộc.

Tôi đã cố gắng giữ cho mình nguyên tắc, đứng ngoài mọi phe nhóm, mọi tổ chức chính trị, trong hay ngoài nước, trong hay ngoài Đảng Cộng sản để giữ cho mình một sự độc lập nhất định về tư tưởng. Hay nói cách khác, tôi chọn cho mình một con đường tri thức độc lập. Đó là tôn chỉ tôi đã theo và sẽ theo. Bài viết này, vì thế tôi mong mọi người được đọc với một tinh thần khách quan như vậy.

Về riêng bản thân tôi, tôi đã hoạch định cho mình một kế hoạch cá nhân và đã bắt đầu thực hiện kế hoạch này. Tôi đang theo học tiếng Đức với hy vọng có thể theo học và nghiên cứu triết học một cách bài bản tại Đức. Triết học là đam mê của cá nhân tôi, mặt khác, cá nhân tôi cho rằng, không một quốc gia nào có thể phát triển bền vững nếu không có nền Triết học, Toán học vững chắc. Tôi hy vọng rằng, mình có thể đóng góp một phần nhỏ bé vào việc phục dựng lại, đặt lại những nền móng Triết học cho nước nhà, công việc mà theo tôi biết, đã có nhiều con người đáng kính đã làm và đang làm.

Trong quá khứ không xa, miền Nam Việt Nam trước năm 1975, đã có một thế hệ những người nghiên cứu và làm Triết học một cách bài bản, tạo ra một trào lưu mà bất cứ ai đọc lại những tác phẩm của họ tôi vẫn thấy một niềm kỳ vọng, một sự khích lệ lớn lao, đó là những tên tuổi như: Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung… và miền Bắc là Trần Đức Thảo, Trường Chinh, Hồ Chí Minh… Thời qian qua, tôi cũng có tìm đọc lại các tác phẩm của Trường Chính, nếu bỏ qua các định kiến ý thức hệ, thì ta có thể tìm thấy ở Trường Chinh, Hồ Chí Minh nhiều nhân tố triết học thực hành có giá trị. Tôi cũng có điều kiện tiếp cận với ý tưởng triết học rất thú vị của Lê Quý Đôn. Riêng Lê Quý Đôn tôi nghĩ mình cần thêm nhiều thời gian để nghiên cứu ông và có thể từ ông sẽ khơi gợi, phục dựng được nhiều giá trị văn hóa, triết lý mang bản sắc Việt.

Người ta vẫn thường hô hào “Giữ gìn bản sắc dân tộc”, lĩnh hội “Tinh hoa văn hóa nhân loại”… nhưng tôi chưa thấy họ thực sự đã làm gì để đạt được những mục tiêu này. Cá nhân tôi cho rằng, việc học tập những phương pháp nghiên cứu, tinh thần dân chủ, khoa học phương tây, đặc biệt với giới trẻ là điều kiện tiên quyết. Chúng ta không thể cứ ngồi một chỗ, giữ khư khư những thứ mà ta cho là hay, là tốt mà lại không biết nó thực sự có vị trí như thế nào trong thế giới tư tưởng nhân loại. Tôi thấy rằng, mỗi khi chúng ta quên mình đi nhiều nhất, mở rộng lòng mình ra nhiều nhất, gỡ bỏ những định kiến, những thói quen xưa cũ nhiều nhất, là mỗi khi mình nhìn thấy mình rõ nhất, ta mình tự nâng mình lên nhiều nhất.

Tôi cũng sáng lập ra một nhóm gọi là Nhóm Thứ-Ba. Đây không phải là một nhóm chính trị. Mọi người có thể thấy rõ điều đó khi đọc nguyên tắc nhóm. Mục tiêu của tôi khi lập ra nhóm này là muốn khơi gợi tinh thần trung thực, ý chí tự cường, tinh thần dám phiêu lưu khám phá những chân trời mới, dù là trong cuộc sống hay trên con đường truy tầm chân lý. Tôi cho rằng, đó sẽ là những tinh thần mà người Việt chúng ta cần trên con đường chấn hưng đất nước.

Những giá trị này tôi đã tìm thấy khi tiếp cận triết học F.Nietzsche. Tôi đã từng đặt những câu hỏi, tại sao phương Tây phát triển như ngày nay, tại sao họ có được nền khoa học, tinh thần dân chủ, khoa học như ngày nay? Tại sao phương Đông lại đứng lại lâu thế? Những động lực nào thúc đẩy xã hội con người tiến lên? Tôi nghĩ rằng, mình có thể tìm được những câu trả lời căn bản khi đọc F.Nietzsche.

Thời gian qua, được tiếp cận nhiều hơn với những con người dân chủ, tiến bộ (quan facebook, blog…), tôi cũng có dịp tiếp cận nhiều hơn với các luồng thông tin, tri thức mới, nhận thấy rõ hơn những con người tri thức cao quý, tiến bộ… những con người này mang lại cho tôi kỳ vọng lớn lao nếu có thể tập hợp lại được dưới ngọn cờ dân tộc thống nhất.

Do công việc học tập và nghiên cứu của mình, tôi cũng hy vọng mọi người có thể ưu ái cho tôi một thời gian yên tĩnh cần thiết không phỏng vấn, không mời gọi ra nhập nhóm này, nhóm kia. Tôi xin nhắc lại tôi chọn con đường tri thức độc lập.

Trân trọng

Nguyễn Đắc Kiên
MỘT CON ĐƯỜNG CẢI TỔ
Chương 1
Tình thế hiện nay
  1. 1.     Nhận diện nhóm cấp tiến

Hội nghị Trung ương 6 và 7 của Đảng cho thấy phe bảo thủ, muốn kiên trì định hướng XHCN theo học thuyết Marx-Lenin đang ở thế yếu.

Cuộc vận động tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong quần chúng cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân đã ý thức mạnh mẽ về quyền lực chính trị của mình. Họ sẵn sàng là lực lượng đi đầu thúc đẩy tiến trình dân chủ, tự do cho đất nước.

Nhưng sẽ là quá lạc quan nếu ai đó, đưa ra một dự đoán nhất quyết về một cuộc cải tổ trong tương lai ngắn hạn ở VN.

Tình thế hiện nay, trong nội bộ ĐCS, nhóm lợi ích đang tỏ ra chiếm ưu thế hơn nhóm bảo thủ. Nhưng cả hai nhóm này đều sẽ là trở lực cho tiến trình dân chủ. Nhóm lợi ích đôi khi tỏ ra cấp tiến, tuy nhiên những người theo dõi chính trường VN đã quá quen với những thủ đoạn, những trò lật lọng của nhóm này. Sẽ chẳng ai ngạc nhiên nếu khi nhóm này đã đạt được mục đích thâu tóm quyền lực sẽ quay mũi giáo, chống lại nhân dân, đàn áp lực lượng dân chủ.

Lực lượng bảo thủ trong đảng, nhóm lợi ích cùng với thế lực bành trướng Bắc Kinh rõ ràng sẽ là những trở lực lớn nhất cho dân chủ, cũng là hiểm hoạ lớn nhất đẩy VN vào đêm dài lạc hậu, suy thoái, thậm chí hỗn loạn.

Sự đối đầu giữa phe bảo thủ và phe nhóm lợi ích, đặc biệt trong hai Hội nghị Trung ương vừa qua làm người ta nhầm tưởng rằng trong chóp bu ĐCS hiện chỉ có hai lực lượng này. Tuy nhiên, ngày càng có những chỉ dấu rõ ràng cho thấy, trong thượng tầng nội bộ đảng còn có nhóm thứ ba – nhóm cấp tiến. Việc Hội nghị Trung ương 6 không kỷ luật “đồng chí X”, Hội nghị Trung ương 7 không bầu hai ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ, hai ứng cử viên do Bộ Chính Trị giới thiệu có thể coi là một chỉ dấu cho thấy sự tiến bộ về ý thức dân chủ của các uỷ viên trung ương. Việc hai ông Thanh và Huệ không trúng ghế ủy viên BCT chưa chắc đã là do nhóm lợi ích mạnh. Nhóm lũng đoạn có thể chỉ làm một động tác phá quấy là đưa thật nhiều ứng viên ra tranh cử, sau đó các Ủy viên Trung ương, với ý thức đã tiến bộ về quyền lực của mình làm nốt phần việc còn lại là loại ông Thanh và ông Huệ. Việc các Ủy viên TƯ không bỏ phiếu cho hai ông này, cũng không thể quy kết ngay cho họ là ủng hộ nhóm lợi ích. Họ chọn ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân có thể đơn giản chỉ là do họ thấy những vị này thích đáng hơn.

Những đảng viên cấp tiến, có thể ngay ở trong Bộ Chính Trị, ngay trong các vị Ủy viên TƯ có thể tạo ra những diễn tiến bất ngờ khi họ bỏ tấm mạng che bước ra ánh sáng chính trường.

2.     Phe dân chủ ngoài Đảng thiếu một lực lượng vật chất

Việc nhận diện ra lực lượng thứ ba, lực lượng tiến bộ trong nội bộ nhóm lãnh đạo của ĐCS hiện nay là rất quan trọng. Nếu có thể vận động được lực lượng này gắn kết lại với nhau, cùng với lực lượng tiến bộ ngoài đảng tiến hành cải tổ đất nước thì đây có lẽ sẽ là phương án ít mạo hiểm có thể thu được các bước tiến vững chắc nhất.

Không khó để nhận thấy lực lượng dân chủ ngoài đảng cả trong và ngoài nước hiện nay phân tán. Nếu có thể quy tụ lại cũng dễ tan vỡ. Lực lượng trong nước thì gặp cản trở từ phía chính quyền, định kiến xã hội. Lực lượng ngoài nước có môi trường thuận lợi hơn nhưng lại dễ bị chia rẽ, thậm chí xung đột.

Sự phân tán này sẽ hiển hiện khi ta đặt câu hỏi: Lực lượng vật chất nào? Khối quần chúng nào có đủ sức mạnh đối kháng thách thức quyền lãnh đạo ĐCS hiện nay?

Tìm kiếm sự hỗ trợ vật chất từ các nước phương Tây cũng là một sự lựa chọn mạo hiểm và khó khả thi trong các mối quan hệ quốc tế hiện nay. Hơn nữa, một mang một lực lượng đối kháng đủ mạnh để đương đầu với chính quyền hiện hành luôn mang theo nguy cơ bạo loạn, tốn xương máu mà chính quyền mới được dựng lên nếu có thể cũng không có gì đảm bảo là sẽ ít độc tài hơn chính quyền cộng sản hiện nay.

Vận động để nhóm cấp tiến trong nội bộ ĐCS lên nằm quyền và tiến hành cải tổ có thể là lựa chọn sáng suốt nhất trong tình hình hiện nay. Nhận định này nhiều khả năng sẽ ngay lập tức bị phản đối với những người có nhiều ân oán với cộng sản cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nếu điềm tĩnh lại để suy nghĩ thì họ sẽ thấy lựa chọn này thật sự không tồi. Và bản thân những định kiến của họ cũng không phải là không thể vượt qua. Rào cản lớn nhất, lâu dài nhất, ám ảnh dai dẳng nhất có lẽ là rào cản ý thức hệ. Rào cản do cả hai phe Quốc gia và Cộng sản đã cố công dựng lên đến giờ vẫn như bóng đen bao trùm, cản trở mọi nỗ lực cải tổ, hoà hợp.

3.     Ngọn cờ dân tộc thống nhất

Có thể còn một số ít người trong phe bảo thủ vẫn thực lòng muốn bảo vệ học thuyết cũ. Với phe nhóm lợi ích học thuyết cũ cũng có giá trị khi nó còn giúp họ núp bóng, trục lợi, vì thế họ cũng có lí do để lớn tiếng bảo vệ ĐCS khi cần phải chống lại nhóm cấp tiến.

Nhóm cấp tiến, cách gọi có thể khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn trong thời điểm hiện nay khi hình thù của nó vẫn mờ mịt, những đại diện của nó vẫn lặng câm trong bóng tối. Điều này cũng dễ hiểu. Ngoài uy thế lấn lướt của nhóm bảo thủ và nhóm lợi ích, những người cấp tiến trong ĐCS hiện nay, tự bản thân họ cũng phải vượt qua rào cản ý thức hệ. Cũng như những người Quốc gia không dễ gì xoá bỏ định kiến ý thức hệ Cộng sản, những người cấp tiến trong đảng hiện nay cũng không dễ gì tuyên bố thẳng thừng việc rời bỏ con đường Marx – Lenin, dù họ có biết chắc chắn con đường đó chỉ dẫn dân tộc đến lạc hậu, tăm tối, bại vong. Cũng như những người chống cộng cực đoan, họ cần sự trợ giúp.

Đây có thể chính là thời điểm để khối quần chúng tiến bộ trong và ngoài đảng thể hiện vai trò vận động của mình. Đây có thể là thời điểm thích hợp nhất để ngọn cờ dân tộc thống nhất một lần nữa lại cần phất lên. Lực lượng tiến bộ trong hay ngoài đảng, quần chúng hay lãnh đạo, đương chức hay đã nghỉ hưu, trong hay ngoài nước… cần đứng lại với nhau, cùng một chiến tuyến, không phân biệt người Quốc gia, người Cộng sản, bỏ hết mọi định kiến ý thức hệ, chỉ hướng đến một ngọn cờ duy nhất, ngọn cờ dân tộc thống nhất, vì một nước Việt Nam thống nhất phát triển.

Sự vững vàng về mặt an ninh quốc gia hiện nay cần được xem như một lợi thế để tiến hành cải tổ. Tình hình có thể sẽ xấu đi khi nhóm lợi ích ra tay hành động, gây hỗn loạn để thừa nước đục thả câu, sẽ đặc biệt nguy hiểm nếu có thêm bàn tay can thiệp của nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. (ĐCV) 

Chất lượng thể chế đang ở đâu?

Việc thừa nhận và bảo vệ sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh của người dân ... chính là nền móng quan trọng cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong gần 30 năm qua. Trong ảnh: tìm mua đồ trang sức tại một cửa hàng thời trang. Ảnh: Uyên Viễn.

(TBKTSG) - Sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2008-2013 có phần đóng góp quan trọng của sự chững lại trong quá trình nâng cấp và đổi mới thể chế ở Việt Nam.
Quá trình phát triển kinh tế của nước ta trong gần 30 năm đổi mới vừa qua về bản chất chính là quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, thay dần các thể chế cũ bằng thể chế kinh tế thị trường. Không thể phủ nhận những thay đổi cơ bản về thể chế như thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh, các thể chế mới trong tài chính, ngân hàng, kinh doanh... chính là nền móng quan trọng cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong gần 30 năm qua.

Khi nền kinh tế thị trường càng phát triển, các hoạt động kinh tế, xã hội càng tinh vi, nếu năng lực thể chế không theo kịp sẽ dẫn đến sự suy thoái của nền kinh tế. Sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2008-2013 có phần đóng góp quan trọng của sự chững lại trong quá trình nâng cấp và đổi mới thể chế ở Việt Nam.

Theo các số liệu về chất lượng thể chế của các nước trên thế giới do Ngân hàng Thế giới công bố, chất lượng thể chế Việt Nam trong giai đoạn 2007-2012 hầu như không có cải thiện, nếu không muốn nói là xấu đi (bảng 1, bên trái).


Trong giai đoạn này chỉ có chỉ số về ổn định chính trị luôn trên mức trung bình của thế giới và có cải thiện chút ít trong thời gian qua. Việt Nam hầu như không cải thiện được chất lượng thể chế các trụ cột khác.

Chỉ số tính hữu hiệu của Chính phủ luôn nằm dưới điểm trung bình và trong xu hướng giảm dần. Chỉ số này cho thấy chất lượng dịch vụ công, chất lượng hoạt động của cơ quan chính phủ, chất lượng chính sách và thực thi chính sách, độ tin cậy của các cam kết của Chính phủ trong giai đoạn 2007-2012 đang ngày càng kém dần và nằm dưới mức trung bình.

Tương tự chỉ số chất lượng điều tiết (regulatory quality) cũng giảm đều trong cùng thời gian. Chỉ số này cho thấy năng lực xây dựng và thực thi chính sách hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân ngày càng kém

Có hai chỉ số thể hiện sự cải thiện khá rõ đó là chỉ số kiểm soát tham nhũng và chỉ số tiếng nói của người dân và mức độ giải trình. Tuy nhiên hai chỉ số này lại đang nằm ở nhóm thấp nhất của thế giới.

Trong bài này chúng tôi cũng thử xem xét tình hình thể chế Trung Quốc là nước có hệ thống thể chế khá tương đồng với Việt Nam và cũng đang trong quá trình chuyển đổi sang thể chế thị trường. Nhìn chung trong giai đoạn 2007-2013 tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc mặc dù có suy giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao hơn rất nhiều so với Việt Nam. Các chỉ số phản ánh năng lực của Chính phủ Trung Quốc cũng trong chiều hướng đi xuống và đây cũng là thời kỳ nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Tuy nhiên điểm nổi bật trong chất lượng thể chế của Trung Quốc là các chỉ số tác động trực tiếp vào các hoạt động kinh tế như “tính hữu hiệu của chính quyền”, “chất lượng điều tiết” luôn cao hơn rất nhiều so với Việt Nam, trong khi các chỉ số “ổn định chính trị” và “tiếng nói và tính giải trình” lại kém khá xa so với Việt Nam. Điều này có thể ngụ ý rằng, chính tính hữu hiệu của chính quyền và chất lượng điều tiết của Việt Nam đang kìm nén tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Cải thiện các chỉ số này mà không làm xấu đi các chỉ số khác có khả năng góp phần đẩy mạnh tăng trưởng tại Việt Nam.

Nhận thức được những yếu kém và rào cản thể chế đó, Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định ba đột phá chiến lược cho thời kỳ 2011-2020, trong đó đầu tiên và quyết định nhất là đột phá về thể chế. Tuy vậy, thực tế ba năm qua cho thấy rõ những vướng mắc cả trong nhận thức, quan điểm, luật pháp và kỹ thuật tiếp tục triển khai các chính sách đổi mới. Những cải cách thể chế chưa đủ mạnh, chưa có tính đột phá để tạo ra được những thay đổi thực chất tạo động lực mới cho nền kinh tế.

Chính những yếu kém này trong thể chế kinh tế Việt Nam đang cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và hệ thống các doanh nghiệp nói riêng. Những vấn đề kỹ thuật chúng ta đang bàn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp, ngân hàng, trong tái cơ cấu đầu tư công sẽ không thể có tác dụng nếu không có những cải cách mạnh mẽ về thể chế kinh tế trong thời gian tới.
Nguyễn Tú Anh

Nhận diện các thế lực thù địch của dân oan

Trong những năm gần đây, người ta thường nhắc đến từ “dân oan”. Dường như từ này chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Vì vậy, nhiều tự điển xuất bản trước đó, không thấy có từ dân oan. Theo nghĩa thường dùng hiện nay, dân oan là những người dân bị oan ức; là nạn nhân của sự bất công, mà tại Việt nam thành phần dân oan đông đảo nhất là những người dân đang sống bình thường bỗng nhiên bị mất đất, mất nhà, trở thành không có chỗ ở, không có việc làm, không có thu nhập để sống. Có người đang sống ổn định, thậm chí có cuộc sống tương đối khá giả, đột nhiên phải trở thành kẻ đầu đường xó chợ, lang thang giữa trời mưa nắng, ăn bờ ngủ bụi, hoặc phải chui rúc trong khu tạm cư… rất khốn khổ.

Phép mầu đã “đổi đời” họ, là chính sách thu hồi đất của các cấp chính quyền, là chế độ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” đã được khai thác triệt để nhằm tước đoạt sạch trơn tài sản đất đai của người nông dân. Đối với tuyệt đại bộ phận dân oan, thì đó là tài sản đáng giá nhất của cả gia đình họ được tạo lập hợp pháp bằng mồ hôi nước mắt và cả xương máu của ông cha họ tích góp từ nhiều đời để lại. Số tài sản nầy hoàn toàn hợp pháp, vì đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng theo quy định của pháp luật hiện hành. Và đa số là thời hạn sử dụng đất còn rất lâu khi họ bị thu hồi, vì trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi rõ thời hạn sử dụng là lâu dài, 50 năm hoặc ít nhất là 20 năm, tùy theo từng loại đất.

Nhưng trước khi phân tích những thủ đoạn biến người dân đang sống ổn định bình thường thành người dân oan, có lẽ cần thấy rõ ai là người đã thực hiện sự biến hóa đó. Hay theo cách nói hiện nay của những nhà lãnh đạo chính trị VN, thử “nhận diện các thế lực thù địch” của dân oan.

Để làm một con đường, một công viên, một khu công nghiệp, một thành phố mới… bao giờ cũng phải có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải có chủ đầu tư. Nhưng để phê duyệt dự án, ký quyết định thu hồi đất, ký quyết định phê duyệt giá bồi thường đất và tài sản trên đất khi thu hồi, ký quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế để giải tỏa mặt bằng thì nhất thiết phải có chính quyền. Chính quyền Việt Nam hiện nay có 4 cấp, từ Phường, Xã đến Chính phủ. Tùy theo quy mô dự án mà cấp nào có thẩm quyền ra quyết định. Dù ở cấp nào thì mọi hoạt động của chính quyền cũng phải đặt dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong quá trình triển khai thực hiện một dự án, việc thu hồi và bồi thường cho người dân đang có quyền sử dụng đất là quan trọng nhất. Sai phạm lớn nhất, tham nhũng nhiều nhất, oan ức to nhất, khiếu kiện đông nhất, tranh chấp gay gắt nhất… đều phát xuất từ vấn đề thu hồi, bồi thường đất. Trong các năm qua, từ Bắc chí Nam, gần như mỗi một “dự án” đã trở thành một “vụ án”. Mà khi đã có tranh chấp, khiếu kiện thì không phải chỉ có cơ quan chính quyền với các ngành tham mưu như kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, tài chính… Lúc đó, các cơ quan dân cử, các ngành tư pháp, thanh tra, công an, quân đội, viện kiểm sát, tòa án, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, đài báo… đều phải vào cuộc.

Trong thời buổi ngày nay, ai cũng biết kinh doanh đất đai là một loại hình kinh doanh siêu lợi nhuận. Nhưng thương lượng theo kiểu thuận mua vừa bán từng căn nhà, từng nền nhà cũng chỉ là làm ăn nhỏ lẻ. Muốn nhanh chóng trở thành đại gia, tỷ phú đô la thì phải làm dự án, kinh doanh một lần vài trăm đến vài ngàn hecta đất. Muốn làm giàu nhanh, làm ít mà thu lợi nhiều thì phải làm ăn bất chính, làm ăn tráo trở, chụp giựt, phi pháp, trái đạo lý. Phải thu hồi đất ngay từ khi chưa có quy hoạch sử dụng đất, chưa có dự án được phê duyệt; nói không quy hoạch treo nhưng cứ thu hồi đất để đó, bỏ hoang năm mười năm cũng được, dân không có đất sản xuất cũng không sao; quy hoạch hoặc lập dự án 100 hecta thì phải mở rộng lấy của dân năm bảy trăm hecta; nói thu hồi đất để làm khu công nghiệp, phát triển kinh tế nhằm mục tiêu ích nước lợi dân… nhưng lấy đất rồi thì phải biết phân lô bán nền; nói bồi thường sát giá thị trường, nhưng chỉ bồi thường bằng một vài phần trăm giá đất trên thực tế thôi; nói phải có tái định cư trước rồi mới được thu hồi giải tỏa, nhưng ngay từ khi chưa có gì, phải lấy cho được đất để bán cho người khác; nếu cần thì phải cưỡng chế, đập phá tan nát nhà cửa, vườn tược… bắt người dân phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất năm này sang năm khác cũng không sao… Dân có khiếu kiện thì tới đâu cũng phải được trả lời rằng khiếu kiện không có cơ sở, chính quyền giải quyết như thế là đã thấu tình đạt lý, làm như thế là hoàn toàn đúng với các quy định của pháp luật hiện hành… Dân có quyết liệt phản đối thì cứ chụp cho họ cái mũ là thành phần chống đối, không chấp hành chủ trương, chính sách nhà nước, bị kẻ xấu giật dây; rồi tìm đủ cách đày đọa, kể cả đánh đập, trấn áp, bắt bỏ tù vì tội gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ hay lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước…

Muốn làm dự án có “hiệu quả”, phải có người đủ khả năng và quyền lực làm được những việc như thế.

Trong một đất nước như Việt Nam ta hiện nay, tìm được người như thế không phải là chuyện khó, thậm chí ngược lại. Ở mỗi tỉnh, thành phố, đã có sẵn ít nhất là một ông ủy viên trung ương đảng Cộng sản, thường là nắm chức bí thư tỉnh ủy, thành ủy. Nếu là thành phố lớn, như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… thì Ông này phải là Ủy viên Bộ chính trị. Theo cơ chế hiện nay, tổ chức đảng, mà Bí thư là người đứng đầu, có “trách nhiệm” lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối tất cả mọi mặt hoạt động của địa phương. Công an, quân đội, Sở tư pháp, Viện kiểm sát, Tòa án, Đoàn luật sư đều đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy. Sở Văn hóa thông tin, báo đài,… đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Tư tưởng văn hóa tỉnh ủy, thành ủy. Hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu quốc hội, MTTQ và các đoàn thể là do Ban Dân vận tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo. Người đứng đầu các ngành chính như giám đốc sở, chánh thanh tra, chánh án tòa án, viện trưởng viện kiểm sát, tổng biên tập báo… hầu hết là ủy viên ban chấp hành tỉnh ủy, thành ủy mà đứng đầu là Bí thư tỉnh ủy, thành ủy.

Số phận chính trị của những người đứng đầu các sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, thành là do Ban thường vụ tỉnh, thành ủy định đoạt. Mọi việc bổ nhiệm, bãi nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, tăng lương… đối với số cán bộ chủ chốt nầy đều do Ban thường vụ - mà đứng đầu là Bí thư - tỉnh ủy, thành ủy xem xét quyết định trước khi có quyết định về mặt hành chánh của chính quyền, đoàn thể đang quản lý họ. Các chủ trương chính sách quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng… cũng phải thông qua sự lãnh đạo của cơ quan đảng này.

Ngược lại, theo phân cấp quản lý cán bộ hiện nay thì mọi quyết định liên quan đến bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật … đối với chức danh Bí thư tỉnh ủy, thành ủy đều phải do Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương đảng xem xét.

Như vậy ở địa phương, Bí thư tỉnh, thành phố có quyền quyết định mọi việc, nhưng ngược lại, không ai có quyền gì đối với ông ta cả. Bí thư đảng cộng sản đã thực sự trở thành một vị “thiên tử”, một thứ “sứ quân” ở địa phương. Quyền lực của chức danh Bí thư tỉnh, thành ủy càng to lớn và vững chắc hơn nếu như đây là người của Tổng bí thư, của Chủ tịch nước, của Thủ tướng chính phủ. (“Người của” được hiểu như là tay chân, bộ hạ hoặc là người cùng phe nhóm). Lúc nầy thì cái thế “dưới chống đỡ cho trên, trên che chở cho dưới” đã làm cho cái ghế của bí thư vững như bàn thạch, quyền uy của bí thư to như trời. Trong nội bộ, các ủy viên ban thường vụ tỉnh, thành ủy còn chẳng dám hó hé tiếng nào, còn các ban ngành trong tỉnh, thành phố, ai dám không tuân lệnh của bí thư.

Những kẻ có đầu óc muốn làm ăn lớn, muốn trở thành đại gia, đều thuộc làu bài học “buôn vua” của Lã Bất Vi ngày trước. Họ còn biết biến hóa tinh vi trong khi vận dụng bài học này cho phù hợp với cơ chế quản lý đất nước hiện nay. Nhưng dù sao thì vai trò của “người làm vua một cõi” cũng không thể thiếu vắng khi họ kinh doanh một dự án lớn. Khi đã là chủ trương của tỉnh ủy, thành ủy, thì mọi thủ tục sẽ trở thành đơn giản, thậm chí có thể bỏ qua, mọi ý kiến khác biệt phải gác lại, mọi sự phản kháng, khiếu kiện đều phải dẹp bỏ; thậm chí việc tranh thủ sự đồng tình, hỗ trợ của các ngành có liên quan ở trung ương cũng sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn. Nhưng bài học buôn vua không chỉ áp dụng trong phạm vi địa phương, ngay ở trung ương, bài học này cũng hết sức đắc dụng. Nếu có được một văn bản nào đó, hoặc sự có mặt trong lễ động thổ, khai trương dự án, kèm theo vài ba câu phát biểu khen ngợi, nhắc nhở để chứng minh là “anh Ba”, “anh Sáu” nào đó ở trung ương hết sức quan tâm chỉ đạo và đề cao ý nghĩa của việc thực hiện dự án… thì lo gì bộ nọ, bộ kia không ủng hộ. Đã có một sự đồng tình của đông đảo các ngành, các cấp trong việc cố ý làm trái để hưởng lợi và dồn dân vào chỗ chết, nên ông Trương Tấn Sang đã phải dùng hình tượng “cả một bầy sâu”. Từ trên tới dưới, làm đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với nhau, nên ông Nguyễn Phú Trọng đã phải kêu lên là lực lượng tham nhũng đã có tổ chức, có đường dây.

Ngay cả khi cần tổ chức cưỡng chế, hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhờ có “sự lãnh đạo của đảng” thì cả hệ thống chính trị phối hợp rất tốt. Lúc này thì người dân chỉ còn là một quả bóng di chuyển dưới những bàn chân của một đội bóng điệu nghệ.

Tình trạng chủ đầu tư dự án núp bóng cán bộ lãnh đạo để làm ăn diễn ra phổ biến từ những năm Việt Nam bắt đầu đi theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cho tới những năm cuối của thế kỷ 20. Nhưng sau đó, khi đảng CSVN chính thức cho phép đảng viên được làm kinh tế thì cán bộ đảng viên đua nhau làm dự án. Ở nhiều nơi, chính tổ chức đảng chủ trương, chính quyền đứng tên làm dự án, thu hồi đất xong thì giao cho doanh nghiệp triển khai thực hiện. Vì vậy, về danh nghĩa đây là dự án của nhà nước, hoàn toàn vì mục tiêu phát triển kinh tế, quy hoạch là nhằm làm cho dân giàu nước mạnh. Bây giờ thì không đơn thuần làm dự án xây dựng khu công nghiệp, hoặc dịch vụ văn hóa mà từ Nam chí Bắc, các tỉnh thi nhau làm dự án xây dựng khu liên hợp, khu đô thị. Nhiều giám đốc, tổng giám đốc doanh nghiệp đã có chân trong Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. Trong giai đoạn này, rất khó mà phân biệt doanh nhân làm lãnh đạo hay cán bộ lãnh đạo hoạt động kinh doanh.Tình trạng chạy chức chạy quyền phổ biến cũng đã đẻ ra hiện tượng một số cán bộ ngồi trên những chiếc ghế do nhà doanh nghiệp sắm cho, sẵn sàng làm con rối múa may theo sự điều khiển của doanh nghiệp. Đã có những đại gia sắm được máy bay, xây được núi, đào được biển ở giữa đồng bằng, thì việc mua một vài cái ghế lãnh đạo trong bộ máy đảng, chính quyền để phục vụ cho mục tiêu kinh doanh không phải là việc khó. Ngược lại, với quyền hành trong tay, cần dựng lên một vài doanh nghiệp rồi đưa người của mình lên làm tổng giám đốc, để phục vụ cho mục tiêu làm giàu cho bản thân và gia đình mình, thì đối với những người lãnh đạo cấp trung cao của đảng và nhà nước, chỉ là chuyện nhỏ.

Tóm lại, thế lực thù địch của dân oan là những kẻ tham nhũng đang nắm độc quyền làm và phê duyệt các quy hoạch sử dụng đất, các dự án đầu tư có sử dụng đất, nắm độc quyền trong việc quyết định giá đất để bồi thường khi lấy đất của dân. Đó là những kẻ có chức, có quyền trong bộ máy đảng và nhà nước đang giương cao khẩu hiệu lo cho dân giàu nước mạnh nhưng lại thực hiện các thủ đoạn làm giàu bất chính cho gia đình và cá nhân mình, đẩy người dân vào cảnh mất hết tài sản đất đai, nhà cửa, công ăn việc làm. Thậm chí, khi bị đưa đến đường cùng, nhiều người dân đã sẵn sàng hy sinh mạng sống hoặc dùng các hình thức manh động để tố cáo tội ác của chúng. Đó là bọn tham nhũng đất đai.

Thế lực thù địch nầy cũng bao gồm toàn bộ bọn tay sai của những kẻ nói trên, từ bọn tề xã đến những cán bộ nhân viên làm việc ở các cơ quan chức năng ở trung ương, tích cực thực hiện mọi âm mưu ý đồ của quan thầy để được chia chát chút ít quyền lợi, mặc dù hằng tháng họ vẫn lãnh lương từ tiền đóng thuế của nhân dân.

Để đẩy người dân vào hố sâu cùng cực của thân phận dân oan, còn có cả một lũ lừa đảo chuyên nghiệp, ra bộ thông cảm, hào hiệp giúp đỡ, bày vẽ, chỉ đường để gạ gẫm người dân nhằm tiếp tục lường gạt, móc túi lấy sạch những đồng tiền còn sót lại của dân oan. Đây là thứ kên kên, quà quạ, dòi bọ đã đánh hơi tìm đến để tiếp tục nhấm nháp, đục khoét những gì còn sót lại sau khi lũ sói lang đã ăn tươi nuốt sống cả bầy thỏ con. Trong bọn nầy có cả một số luật sư, nhà báo vô lương tâm.

Sau cùng, có lẽ cũng nên xếp chung trong hàng ngũ các thế lực thù địch của dân oan: đó là những yếu tố về nhận thức, tâm lý và lối sống của chính dân oan và của các thành viên trong gia đình họ, đã góp phần đẩy họ vào thân phận của dân oan.

Đa số dân oan về đất đai là nông dân và người lao động tay chân. Trình độ văn hóa của họ rất thấp. Một bộ phận không nhỏ thậm chí không biết chữ. Do đó nhận thức của họ về quyền làm người, quyền công dân và về kinh tế, xã hội, pháp luật… rất hạn chế. Nhiều người gần như không biết gì cả. Quanh năm suốt tháng họ chỉ quần quật làm việc để kiếm cái sống cho bản thân và gia đình.

Quan hệ đoàn kết gắn bó trong dòng tộc, xóm làng cũng nhạt phai. Xu hướng đèn nhà ai nấy sáng ngày càng phát triển. Đó là chưa nói giữa một bộ phận dân cư, đang có tâm lý nghi kỵ, dè chừng nhau và không sẵn sàng giúp đỡ nhau, dù là những kẻ đang cùng chung số phận.

Hiểu biết của họ về mối quan hệ giữa nhân dân với chính quyền cũng rất sai lầm, lạc hậu. Cái thời ông cả, ông chủ làm mưa làm gió ở nông thôn vẫn như còn in dấu sâu đậm trong đầu óc họ. Cái thời người có súng trong tay muốn bắn, muốn giết ai tùy thích, không cần tòa án, không cần pháp luật như vẫn còn đâu đây. Nên khi chính quyền công bố quy hoạch, quyết định thu hồi đất, dù cho đó là tài sản của ông cha từ nhiều đời trước để lại, dù cho trong lòng họ vô cùng uất ức, nhiều người vẫn riu ríu “chấp hành”. Làm sao có thể bẻ nạng chống trời. Ngày xưa, cả nước chỉ có một ông vua, tự xưng là con trời. Ngày nay, mỗi cấp chính quyền ở địa phương có một người đứng đầu, được coi là ông trời. Chính những người làm chính quyền khuyên họ như thế: “Đừng chống lại nhà nước! Đừng bẻ nạng chống trời!”. Khi tổ chức cưỡng chế, chính quyền đã huy động đủ thứ lực lượng từ công an, quân đội, cảnh sát cơ động tới dân quân, các ban ngành đoàn thể, trang bị đủ thứ vũ khí, dùi cui, roi điện, xe cơ giới, xe chuyên dùng để áp tải tù nhân… Đó là sức mạnh của trời! Ai dám kháng cự, lập tức được tặng một bản án chống người thi hành công vụ! Đi xe máy không đội mũ bảo hiểm còn bị cảnh sát giao thông bắn nữa là! Nghi can trong một vụ trộm cướp, bị bắt về đồn công an, khi được trả về với gia đình thì chỉ còn là một xác chết; bảo sao người dân không sợ. Cứ thế, chính quyền càng ngang ngược, người dân càng sợ sệt; người dân càng sợ sệt, chính quyền càng ngang ngược.

Chính sự thiếu hiểu biết của một bộ phận rất lớn nông dân làm cho họ trở thành những dân oan ngoan ngoãn, chấp nhận sự mất mát, đau thương của gia đình mình như nạn nhân của của một trận thiên tai, sóng thần, núi lửa chẳng hạn. Họ cam chịu số phận, không trách móc, không than vãn, không phản kháng. Và vô tình họ trở thành đồng minh và hậu thuẫn cho thế lực thù địch của dân oan. Chúng có cớ để rêu rao: “dự án nầy đã được 90% người dân đồng tình chấp nhận. Do đó, thiểu số còn lại, nếu không chấp hành nhận tiền, giao đất thì phải bị cưỡng chế.”

Cho đến khi nào người dân oan chưa nhận ra đích thị thế lực thù địch của mình là ai, và không đoàn kết lại với nhau thành một khối trong cả nước để gắn với các tổ chức xã hội dân sự khác để đấu tranh chống tham nhũng, đòi dân chủ, nhân quyền mà chỉ từng nhóm lẻ tẻ kéo nhau đi đòi công lý, thì lúc đó, công lý chưa thể đến với họ.
Nông dân Bình Dương
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Tại sao Ukraine bị khủng hoảng?

Một người biểu tình trong cuộc xung đột đẫm máu với cảnh sát ở công trường Độc Lập,
thủ đô Kiev, Ukraine. (Hình: AP/Sergei Chuzavkov)
Vì sao bạo động đẫm máu đang xảy ra tại nước cộng hòa Ukraine ở Đông Âu? Câu trả lời tóm tắt là do hai yếu tố chính: Rủi ro không thể tránh trong sinh hoạt dân chủ và vai trò của các cường quốc.



Thể chế dân chủ chỉ ổn định với trình độ dân trí cao, người dân có mức sinh hoạt khá, hệ thống pháp luật đầy đủ, và phải trải qua một quá trình thực thi lâu dài. Có nhiều tình huống để cho những thế lực hay cá nhân lạm dụng giành được chính quyền chẳng hạn như bằng gian lận bầu cử và chiếm giữ đặc quyền đặc lợi. Đồng thời sự bất đồng ý kiến lúc nào cũng có và phía đối nghịch sẽ tìm mọi cách chống đối từ hợp pháp đến bất hợp pháp như tổ chức đảo chính. Người ta nhận thấy chưa một quốc gia nào mới bước vào sinh hoạt dân chủ có thể bình ổn ngay sau một thời gian ngắn, mà phải tiến triển qua nhiều chuyển hóa trong hàng chục hay trăm năm.


Ukraine là đất nước có lịch sử lâu dài nhiều ngàn năm với những thời kỳ phát triển tốt dẹp nhưng chưa thành một quốc gia thống nhất và luôn luôn bị xâm lăng, chia cắt bởi các nước hay đế quốc lân bang. Bao gồm nhiều sắc dân và đa ngôn ngữ, Ukraine chỉ thật sự là thực thể chính trị qua danh nghĩa một nước Cộng Hòa Xô Viết trong Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết. Sau khi Liên Xô sụp đổ, năm 1991 Ukraine chính thức trở thành một quốc gia có đầy đủ chủ quyền, độc lập và theo chế độ dân chủ.

Thoạt đầu Ukraine được xem là là nước có nhiều điều kiện thuận lợi về chính trị và kinh tế hơn tất cả các nước cộng hòa Xô Viết cũ nhưng tiếp theo đó trong thời Tổng Thống đầu tiên Leonid Kravchuk nền kinh tế sa sút trầm trọng. Cuộc bầu cử năm 1996 đưa Leonid Kuchma lên làm Tổng Thống, tuy nhiên ông bị phía đối lập phê phán về tham nhũng, dành đặc lợi cho phe cánh mình, gian lận bầu cử, tập trung trong tay nhiều quyền hành và hạn chế tự do dân chủ.

Năm 2004, Thủ Tướng Viktor Yanukovich đắc cử Tổng Thống qua một cuộc bầu cử được xem là có nhiều sắp xếp trước. Quần chúng quay sang ủng hộ ứng cử viên đối lập Viktor Yushchenko và cuộc cách mạng ôn hòa được gọi là Cách Mạng màu Da Cam diễn ra, Yushchenko trở thành Tổng Thống và bà Yulia Tymoshenko là Thủ Tướng. Năm 2006, Yanukovich trở lại quyền lực ở vị trí Thủ Tướng trong Liên Minh Đoàn Kết Quốc Gia và đắc cử Tổng Thống năm 2010 với 48% phiếu cử tri.

Vì sao Yanukovich được bầu trở lại? Đó là sự phức tạp của tình hình chính trị Ukraine. Đất nước này có hai vùng dân tộc khác nhau và xu hướng chính trị khác nhau. Vùng phía Tây, dân chúng nói tiếng Ukraine, Ba Lan, Đức trong khi vùng phía Đông và Đông Nam dân chúng nói tiếng Nga. Yanukovich được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân Ukraine nói tiếng Nga và có khuynh hướng thân thiện với Nga trong khi dân chúng vùng phía Tây thiên về phía Âu Châu.

Kể từ khi Ukraine độc lập, ý định của Âu Châu và Hoa Kỳ muốn đưa quốc gia này vào quỹ đạo Tây Phương trong khi Nga muốn duy trì ảnh hưởng cũ của mình, là nguyên nhân tác động đến nội tình chính trị Ukraine.

Nước Cộng Hòa Xô Viết Ukraine là một thành viên Liên Hiệp Quốc từ 1945 khi Tây Phương thỏa thuận với Liên Xô để cho một trong 15 nước cộng hòa Xô Viết là một thành viên độc lập cùng lúc với Liên Xô. Ukraine cũng đã là hội viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An và tích cực tham gia vào công tác quốc tế trong Lực Lượng Bảo Vệ Hòa Bình Liên Hiệp Quốc, chiến dịch Iraq và chống hải tặc Somalia. Dù coi việc hội nhập với phương Tây là một mục tiêu chiến lược, Ukraine vẫn muốn duy trì bang giao thân hữu với Nga và quân bình quan hệ kinh tế, mậu dịch, đặc biệt là nhu cầu dầu khí mua của Nga.

Năm 1998. Ukraine ký hiệp định hình thành quan hệ đối tác với Liên Âu, và có thể trở thành một thành viên của Liên Âu trong tương lai, nhưng không xác định hạn kỳ. Cũng như vậy, Ukraine lập quan hệ mật thiết với NATO và có ý định gia nhập NATO. Sự kiện này bị Nga chỉ trích và chống đối vì cho rằng phương hại đến nền an ninh của Nga. Năm 2010 khi đắc cử Tổng Thống, Viktor Yanukovych đã loại bỏ lộ trình này trong chính sách ngoại giao của ông.

Những diễn biến phức tạp ấy đi tới chỗ trầm trọng và khủng hoảng xảy ra từ tháng 11 năm ngoái khi Tổng Thống Yanukovych đột ngột khước từ gia nhập Liên Âu và ký kết thỏa hiệp mậu dịch tự do như các chính quyền trước đã thỏa thuận từ lâu. Thay vào đó ông quan hệ chặt chẽ hơn với Nga và chấp nhận sự tài trợ.

Những phe phái thân Tây Phương coi động thái của Yanukovych là sự phản bội lợi ích quốc gia Ukraine để củng cố quyền lực cá nhân, duy trì hành động tham nhũng và dành đặc quyền cho những đồng minh chính trị thân tín của mình. Các cuộc biểu tình chống đối xảy ra liền sau đó, thoạt đầu còn ôn hòa nhưng dần dần thêm căng thẳng và bạo động bùng phát.

Ngày 30 tháng 11, cảnh sát đàn áp một cuộc biểu tình, bắt giữ 35 người. Hình ảnh của sự đán áp khích động phe phái đối lập và tới ngày 1 tháng 12 gần 300,ooo dân chúng xuống đường ở thủ đô Kiev, chiếm giữ tòa thị sảnh.

Sau chuyến công du của Tổng Thống Yanukovych qua Moscow, Tổng Thống Vladimir Putin loan báo hôm 17 tháng 12 là Nga sẽ mua lại $15 tỷ trái hiếu ngân khố Ukraine và hạ giá khí đốt bán cho Ukraine. Cả hai Tổng Thống Putin và Yakunovich đều khẳng định là không có điều kiện gì ràng buộc trong những biện pháp này.

Ngày 22 tháng 1, hai người biểu tình tử thương vì trúng đạn của cảnh sát và là thương vong đầu tiên trong phong trào biều tình.

Một tuần sau đó, Thủ Tướng Ukraine từ chức và Quốc Hội thân Yanukovych rút lại đạo luật chống biểu tình, nhưng hai biện pháp nhượng bộ này của chính quyền tỏ ra không có hiệu quả.

Ngày 31 tháng 1, Dmytro Bulatov, một lãnh tụ đối lập mất tích từ 10 ngày trước, tái xuất hiện với nhiều vết bầm trên thân thể và tai bị cắt đứt một mảnh. Ông cho biết đã bị một nhóm lạ mặt bắt cóc tra tấn và tin rằng đây là một nhóm thân Nga hành động với mục đích răn đe cảnh cáo.


Ngày 16 tháng 1 phe đối lập chấm dứt sự chiếm giữ tòa thị sảnh để đổi lấy việc phóng thích toàn thể 234 người biểu tình đã bị bắt giữ. Nhưng tiếp theo chuyển hướng có triển vọng hòa hoãn này, tối 18 tháng 2, cảnh sát mở chiến dịch dồn người biểu tình chiếm đóng trên nhều đường phố về công trường Độc Lập là cứ điểm hoạt dộng của họ và bạo loạn xảy ra với ít nhất 26 người thiệt mạng trong đó có 10 cảnh sát. Bạo loạn tiếp diễn trong hai ngày tiếp theo, hỏa lực được cả hai phía sử dụng làm cho số thương vong lên tới hàng trăm.


Đòi hỏi từ phía biểu tình là không gì có thể khác hơn sự từ chức của Tổng Thống Yanukovych. Ngược lại ông cũng tỏ ra sẽ kiên quyết chiến đấu tới cùng.

Tổng Thống Obama đang công du Mexico lên án sự đổ máu ở Ukraine và kêu gọi cả hai phía kiềm chế. Ông yêu cầu Tổng Thống Yanukovych không đưa quân đội can thiệp vào vụ xung đột và đồng thời nhắc nhở phía biểu tình “đừng vượt quá ranh giới quyền hạn của họ”. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ phủ nhận sự dính dáng vào nội tình Ukraine.

Các nước Liên Âu họp khẩn cấp ở Brussels ngày Thứ Năm để tìm kiếm khả năng can thiệp bằng ngoại giao và đồng thời xem xét việc thi hành những biện pháp trừng phạt. Liên Âu hy vọng rằng biện pháp cấm các giới chức cùng những 'đại gia” kinh tế chính trị xuất ngoại và phong tỏa tài sản ở Âu Châu của họ sẽ khiến các người này phải áp lực Tổng Thống Yanukovych thay đổi đường lối. Tuy nhiên các quan sát viên không tin rằng Hoa Kỳ và Liên Âu có chính sách nào hiệu quả tại Ukraine.

Trong khi đó Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov lên án Tây Phương “khuyến khích phe đối lập hành động ngoài pháp luật”. Lên tiếng trên đài truyền hình Kuwait ông nói: “Chúng tôi không muốn áp đặt điều gì như các đối tác Tây Phương của chúng tôi đã làm”. Bộ Ngoại Giao Nga cho rằng những kẻ đối nghịch dùng bạo lực theo kiểu Quốc Xã Đức cướp chính quyền năm 1933.

Ukraine với 48 triệu dân sống trên đất nước 600,000 km2, gấp hai lần Việt Nam, là nước có diện tích lớn nhất hoàn toàn trong lãnh thổ Âu Châu (phần lớn Liên Bang Nga nằm trên lãnh thổ Á Châu). Ukraine đất đai phì nhiêu từng được coi là vựa lúa mì ở Âu Châu, đứng hàng thứ ba trên thế giới về xuất cảng bột mì. Trong thời kỳ Xô Viết, Ukraine tập trung nhiều công xưởng kỹ nghệ và sản xuất vũ khí cho khối Liên Xô. Xưởng chế tạo máy bay Antonov ở Ukraine sản xuất nhiều loại máy bay vận tải có danh tiếng. Sergei Korolev, kỹ sư hỏa tiễn là người cầm đầu chương trình vũ trụ của Liên Xô trong thời kỳ chạy đua không gian với Hoa Kỳ từ thập niên 1950 và 1960.

Nga hiện nay còn thuê căn cứ Sevastopol của Ukraine, làm bản doanh của hạm đội Hắc Hải.

Và giới hâm mộ môn bóng đá đều đã từng quen thuộc với các tên câu lạc bộ Dynamo Kiev và Oleh Blokhin thủ môn được xem là xuất sắc nhất thế giới. Cùng với Ba Lan, Ukraine đã đứng tổ chức giải Euro 2010. 
Hà Tường Cát
(Người Việt)

Công an Đồng Tháp "dàn dựng" vụ án để khởi tố bà Bùi Hằng và 2 người khác

Bà Bùi Thị Minh Hằng trong một cuộc biểu tình (DR)
Hôm qua, 21/02/2014, sau 10 ngày bị tạm giữ, có tin bà Bùi Thị Minh Hằng, cùng hai người có mặt trong chuyến thăm gia đình cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, bị công an tỉnh Đồng Tháp, ra quyết định khởi tố. Trả lời RFI hôm nay, ông Nguyễn Bắc Truyển (Sài Gòn) cho biết cụ thể sự việc.

Ngày 11/02/2014, bà Bùi Thị Minh Hằng (còn được gọi là "Bùi Hằng") cùng 20 người khác tới thăm gia đình bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ ông Nguyễn Bắc Truyển tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Trên đường đi, theo lời kể của ông Nguyễn Bắc Truyển và đơn khiếu nại của gia đình bà Bùi Thị Minh Hằng, hàng trăm công an, trong đó có nhiều người mặc thường phục bất ngờ hành hung thô bạo và bắt giữ toàn bộ 21 người trong đoàn.

Bấm vào để nghe bài tường thuật
24 giờ sau, 18 người được trả tự do, còn lại ba người, bà Bùi Thị Minh Hằng, bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Minh bị giam giữ cho đến nay. Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển cũng cho biết bà Bùi Thị Minh Hằng và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh tuyệt thực kể từ khi bị bắt. Hiện tại, theo ông Nguyễn Bắc Truyển, gia đình ba người bị công an Đồng Tháp câu lưu đã liên lạc với các luật sự để được hỗ trợ.

Theo một lá đơn khiếu nại của gia đình vừa được công bố trên mạng, cơ quan cảnh sát điều tra huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) khởi tố bà Bùi Thị Minh Hằng theo điều 254 Bộ luật hình sự, vì tội « tụ tập đông người trên đường gây cản trở giao thông ». Chúng tôi đã liên lạc với anh Trần Bùi Trung, con trai bà Bùi Thị Minh Hằng, nhưng không gặp được.

RFI : Thưa ông, hiện tại ở tỉnh Đồng Tháp, có vụ bà Bùi Thị Thu Hằng cùng hai người khác bị công an câu lưu và có tin là họ sắp bị khởi tố. Xin ông cho công chúng biết đầu đuôi câu chuyện này.

Ông Nguyễn Bắc Truyển : Ngày 09/02, tôi bị một lực lượng hàng trăm công an xông vào nhà của vợ tôi ở ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Họ đập phá hai cánh cửa và tràn vào nhà bắt tôi. Và tôi cũng đã bị 10 công an đánh ở sân trước nhà mình. Khi họ chuyển giải tôi tới Sài Gòn, thì tôi mới biết được là họ bắt tôi vì có người kiện tôi là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đúng 24 giờ sau, thì họ thả ra. Sau đó, tôi đi tìm hiểu, thì tôi thấy sự việc này đã được dàn dựng.

Sau đó, ngày 10/02, khi nghe tôi bị bắt thì mấy anh em ở Sài Gòn và một số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tập trung về Quang Minh Tự, ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, để chuẩn bị xuống nhà thăm vợ tôi, vì trải qua một sự cố như vậy, vợ tôi và người chị ở nhà rất lo lắng. Khi họ nghe tôi được thả, thì họ quyết định sẽ xuống Đồng Tháp, lúc ấy tôi đang ở Sài Gòn.

Trên đường đi, họ lọt vào ổ phục kích của công an Lấp Vò, đã giăng sẵn, với hàng trăm công an, với gậy gộc dùi cui. Và khi 21 người đó tới cầu Nông Trại thuộc xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, thì đã bị đoàn của công an chặn lại. Sau đó, (công an) bắt đầu đánh ngay tức khắc, không có một khuyến cáo gì hết. Khi những người trong đoàn bị công an dừng lại, thì những người ở hai bên đường, là công an mặc thường phục cầm gậy gộc lao ra đánh thẳng vào đoàn người như vậy. Rất nhiều người đã bị ngất ngay tại chỗ. Có những hình ảnh minh họa.

Họ bắt 21 người lên xe, áp giải về trụ sở công an huyện Lấp Vò, thẩm vấn 24 tiếng. Sau 24 tiếng, họ thả 18 người và giữ lại ba người : chị Bùi Thị Minh Hằng, cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và anh Nguyễn Văn Minh. Chúng ta ai cũng biết chị Bùi Thị Minh Hằng, còn cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh cũng là một nhà hoạt động dân chủ nhân quyền trong quốc nội. Còn anh Nguyễn Văn Minh là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, con rể của tù nhân lương tâm Bùi Văn Trung, cũng là anh rể của tù nhân lương tâm Bùi Văn Thâm, ở dưới An Phú, tỉnh An Giang.

Sau đó họ tạm giữ ba người tới ngày hôm qua. Khi Trung (anh Trần Bùi Trung), con trai chị Bùi Hằng, tới công an huyện Lấp Vò để hỏi về tình trạng giam giữ mẹ mình đã quá thời hạn tạm giữ, thì họ thông báo vụ án đã được khởi tố, và các văn bản liên quan đến việc khởi tố sẽ được gởi về cho gia đình tại địa phương.

RFI : Thưa ông, về việc khởi tố vụ án liên quan đến ba vị nói trên, ông có thêm chi tiết gì nữa không ạ ? 

Ông Nguyễn Bắc Truyển : Vụ việc này, chúng ta thấy rõ ràng những người này đang đi lại bình thường trên đường, bị chặn lại, sau đó bị đánh, bị tước đoạt tài sản của mình, bị áp giải về công an để thẩm vấn. Còn bây giờ công an lại lật ngược lại là những người này bị khởi tố, vì gây rối trật tự công cộng, mà hành vi là cản trở giao thông, theo điều 245 bộ luật Hình sự, ở điểm C, khoản 2. Thì chúng tôi thực sự thấy rất là vô lý. Mười tám người được thả ra đã sẵn sàng làm nhân chứng cho phiên tòa này.

Hiện nay thì các luật sư cũng đã tham gia vào vụ việc này. Chúng tôi mời một số luật sư ở Hà Nội và ở tại Sài Gòn để bảo vệ quyền lợi pháp lý cho ba người bị bắt.

RFI : Xin ông cho biết thêm về việc khởi tố, vì có chỗ nói là có văn bản chính thức, có chỗ thì thấy là chưa.

Ông Nguyễn Bắc Truyển : Ngày hôm qua, công an nói không có văn bản, nói miệng với cháu Trung, cũng như vợ của anh Minh, là cô Thúy. Là vụ án sẽ được khởi tố, và các văn bản như lệnh tạm giam, rồi quyết định khởi tố sẽ được chuyển về địa phương, nơi người bị bắt cư ngụ. Cháu Trung đã về nhà ở tại Vũng Tàu để chờ giấy tờ gởi về, tôi vẫn chưa nghe cháu Trung nói đã nhận được văn bản đó.

Tuy nhiên, có chi tiết mà chúng ta cần lưu ý, là gia đình cô Thúy Quỳnh đã vào trong thăm được cô Thúy Quỳnh và biết được cô đã tuyệt thực 10 ngày nay, và thông tin còn cho biết là nếu cô Thúy Quỳnh đồng ý buộc tội chị Hằng, theo hướng chị Hằng là người cầm đầu của việc tổ chức gây rối, thì cô Thúy Quỳnh có thể được thả ngay vào ngày hôm qua. Nhưng cô Thúy Quỳnh đã từ chối, và vẫn giữ thái độ bất hợp tác với công an và từ chối khai bất lợi cho chị Hằng. Đó là thông tin tôi vừa nhận được.

Còn đối với anh Nguyễn Văn Minh thì cũng giống như chị Bùi Thị Minh Hằng là gia đình cũng chưa được gặp mặt và công an cũng chỉ nói miệng là sẽ khởi tố và sẽ chuyển lệnh tạm giam cũng như quyết định khởi tố về cho địa phương.

RFI : Còn về phía luật sư, xin ông cho biết thêm.

Ông Nguyễn Bắc Truyển : Cháu Quỳnh Anh (chị Đặng Thị Quỳnh Anh), con của chị Bùi Thị Minh Hằng đã làm đơn yêu cầu luật sư tham gia vụ án bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mẹ của mình. Ngoài ra còn ba luật sư trong Sài Gòn. Chúng tôi đang làm việc, để có được sự trả lời chính thức.

RFI : Xin ông cho biết thêm về bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh.

Ông Nguyễn Bắc Truyển : Cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh vào năm 2010 có tham gia phong trào biểu tình ở Sài Gòn để chống hành động xâm lấn, gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Cô cũng là người hoạt động dân chủ, nhân quyền ở quốc nội. Thực tế mà nói, tôi không được biết cô Thúy Quỳnh nhiều, nhưng một số bạn bè của cô nói lại với tôi như vậy. Vì tôi cũng đang lập hồ sơ về ba người bị bắt để gửi cho các tổ chức nhân quyền.

Gia đình cô Thúy Quỳnh hôm qua có đi xuống trại giam An Bình, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, để thăm cô Thúy Quỳnh, thì được trại giam cho phép gặp mặt. Trong khi Trung, con chị Hằng, Thúy, vợ anh Minh không được gặp mặt. Và gia đình cho biết cô Thúy Quỳnh đang tuyệt thực đến ngày thứ 11, cùng lúc với chị Bùi Thị Minh Hằng. Chúng tôi cũng nhờ những người bạn tiếp cận với gia đình, thì gia đình cũng đồng ý mời luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho cô Thúy Quỳnh.

RFI : Thưa ông, còn về ông Nguyễn Văn Minh, thì phản ứng của cộng đồng tại địa phương thế nào ?

Ông Nguyễn Bắc Truyển : Đối với tín đồ Phật giáo Hòa Hảo nói riêng và người dân làng xóm ở xung quanh nhà ông Minh hết sức bất ngờ, vì anh Minh là người rất hiền, một người tu theo Phật giáo Hòa Hảo, gia đình bên vợ của anh Minh có một đạo tràng tại huyện An Phú, tỉnh An Giang. Gia đình tu hiền. Thành ra việc công an nói anh ấy gây cản trở, rồi đánh công an. Có một chi tiết rất thú vị. Khi họ mời chị vợ của anh Minh, chị Bùi Thị Kim Anh, lên đồn công an xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, thì Thượng tá Huỳnh Văn Thạnh, phó trưởng Công an huyện nói rằng : cái đoàn người đó đánh công an trước, tấn công công an trước, công an không thể đánh lại, thì người dân ở hai bên đường mới nhảy vào đánh phụ công an.

Chúng ta thấy rất là vô lý. Đoàn người có 7 người phụ nữ, 14 người nam giới, thì làm sao tấn công được cả vài trăm công an như vậy. Khi thông tin đó được chuyển tới tôi, thì tôi phân tích, đó là sự bịa đặt, vu khống mà thôi. Họ muốn xây dựng một vụ án để bắt các nhà đấu tranh, như chị Bùi Thị Minh Hằng, cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, hay đàn áp anh Nguyễn Văn Minh, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở miền Tây, bằng một vụ án mà họ cho là gây rối trật tự công cộng. Trong số những người theo Phật giáo Hòa Hảo, có rất nhiều người, có thể nói là đa số bị quy kết vào tội gây rối trật tự công cộng.

Mười tám người bị bắt rồi được thả trong vụ việc này, đã có lời tuyên bố trên cộng đồng mạng là họ phản đối việc công an huyện Lấp Vò đánh người đang lưu thông trên đường, rồi thẩm vấn, bắt giam người. Đã có một kháng thư như vậy trên mạng. Và một số anh chị em đã được các luật sư tiếp cận để lấy lời khai ban đầu. Họ nói là sẵn sàng ra trước tòa làm chứng cho ba người bị bắt là không có hành vi nào gây rối, như tấn công công an, hay cản trở giao thông hết…

Tôi mong rằng, đồng bào chúng ta hãy quan tâm đến vụ án này, vì đây không phải là một vụ án hình sự, mà nó đã được chính trị hóa, nó có liên quan đến động cơ chính trị, khi khởi tố bắt giam những người hoạt động dân chủ, nhân quyền.

Mong rằng bà con chúng ta ở Pháp, ở khắp nơi trên thế giới hãy quan tâm đến vụ án này và ủng hộ những nhà đấu tranh trong nước chống lại sự đàn áp của nhà cầm quyền.
RFI xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Bắc Truyển.
Trọng Thành
(RFI)

Chưa rõ ai “tiết lộ bí mật”, làm sao đình chỉ vụ án vì “người tiết lộ đã chết”?!

Theo Chép sử Việt: Trong lúc thiên hạ, kể cả các luật sư, luật gia, nhà báo sôi nổi bàn luận chuyện tướng Ngọ chết rồi thì vụ án vừa được khởi tố có thể sẽ phải đình chỉ, vì ông là đối tượng chính, thì cựu Chánh tòa Hình Sự Đinh Văn Quế đã làm không ít người bật ngửa

Như trong bài Tướng Ngọ trút hơi thở cuối, trút gánh nặng lên vai/khỏi vai bao người đã nêu, vụ án được khởi tố nhưng lại không khởi tố bị can. Có nghĩa lời khai của Dương Chí Dũng về tướng Ngọ và bản thân tướng Ngọ chỉ là một trong những yếu tố, đối tượng của quyết định khởi tố vụ án. Giờ “nó” không còn thì không có nghĩa vụ án tất nhiên phải được đình chỉ, vì còn những yếu tố, đối tượng nghi vấn khác nữa (biết đâu còn “khủng” hơn thì sao?)

Và ông Đinh Văn Quế đã mách nước, làm sao để đình chỉ vụ án (nếu như muốn).

Nhưng khôi hài là dù luật có thế nào, thì mọi quyết định lại đang/đã nằm ở … Ban Nội chính Trung ương, hoặc Bộ Chính trị. Viện luật ra chỉ giúp cho quyết định của đảng đỡ khôi hài mà thôi.

Pháp luật TPHCM

Chủ Nhật, ngày 23/2/2014 – 04:00
Khởi tố vụ án rồi đình chỉ cách nào?

Trong những ngày qua, dư luận không còn quan tâm nhiều đến quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” của HĐXX tại phiên tòa Dương Tự Trọng nhưng lại “râm ran” về số phận của quyết định khởi tố đó:

Có đình chỉ không và nếu phải đình chỉ thì căn cứ vào quy định nào của Bộ luật Tố tụng hình sự (Bộ luật TTHS)?

Nhiều chuyên gia pháp luật băn khoăn: Nếu có đình chỉ thì đình chỉ vụ án hay đình chỉ điều tra? Cơ quan nào ra quyết định đình chỉ?

Các quy định của Bộ luật TTHS về khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án cho thấy: Quyết định khởi tố vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” là của HĐXX nên sau khi khởi tố phải được gửi tới VKS để xem xét, quyết định việc điều tra. Thế nhưng luật không quy định trong thời hạn bao lâu thì phải gửi cho VKS trong khi Bộ luật TTHS lại quy định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, VKS phải gửi quyết định đó đến cơ quan điều tra để tiến hành điều tra. Tính đến nay, quyết định khởi tố vụ án của HĐXX đã hơn một tháng nhưng vẫn chưa có thông tin về việc VKS có ra quyết định điều tra và gửi quyết định khởi tố vụ án cho cơ quan điều tra hay không.

Theo quy định của Bộ luật TTHS, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra nếu có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật TTHS hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật Hình sự; đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. Đến nay chưa có quyết định khởi tố bị can, cũng chưa biết ai là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nên cũng không thể đình chỉ điều tra vì lý do “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết” (khoản 7 Điều 107 Bộ luật TTHS) được.

Trường hợp quyết định khởi tố vụ án vẫn đang ở VKS thì VKS phải xử lý. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật TTHS thì VKS chỉ ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật Hình sự. Trong các căn cứ để VKS đình chỉ vụ án đều không thể áp dụng đối với trường hợp này, chưa biết ai là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nên cũng không thể áp dụng khoản 7 Điều 107 Bộ luật TTHS để đình chỉ vụ án.

Đình chỉ điều tra không được, đình chỉ vụ án cũng không xong, vậy nếu muốn đình chỉ thì phải làm thế nào?

Theo Bộ luật TTHS, nếu đã khởi tố vụ án mà quyết định khởi tố đó thuộc một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 của bộ luật này thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoặc báo tin về tội phạm biết rõ lý do. Tuy nhiên, nếu hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, cũng tức là thừa nhận khi khởi tố HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã khởi tố vụ án không có căn cứ. Điều này, chắc TAND TP Hà Nội không đồng ý.

Muốn “khép lại” vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” thì chỉ còn một cách là VKS không ra quyết định điều tra và trả lời cho TAND TP Hà Nội biết lý do vì sao không tiến hành điều tra.

Giải pháp này chỉ có tính khả thi khi quyết định khởi tố vẫn nằm ở VKS và VKS chưa ra quyết định về việc điều tra, chưa chuyển quyết định khởi tố vụ án cho cơ quan điều tra. Nếu đã ra quyết định về việc điều tra, đã chuyển quyết định khởi tố vụ án cho cơ quan điều tra thì lấy lại rồi hủy quyết định về việc điều tra.

Qua sự việc này, một mặt cần rút kinh nghiệm về việc khởi tố tại phiên tòa, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về khởi tố vụ án để áp dụng cho những trường hợp tương tự.
ĐINH VĂN QUẾ

Vũ Dậu - Về công trạng của ông Phạm Quý Ngọ


Hôm nay, ngày 23 tháng 2 năm 2014 là ngày đại tang của gia tộc ông Phạm Quý Ngọ và bản tộc họ Phạm xã Đông Cường, Đông Hưng, Thái Bình. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến ông Ngọ về sự mất mát có thể lẽ ra chưa đến này.
Tôi nghĩ, ngay bây giờ mà nói ra những điều mắt thấy tai nghe về công trạng của ông Ngọ là không đáng kể thì thật là có lỗi khiếm nhã với người đã khuất. Nhưng suy cho cùng, vào thời buổi các chính khách đối xử với dân chả ra gì, người sống còn chẳng tử tế với nhau thì người chết cũng chả có nghĩa lí gì.
Về công trạng của ông Ngọ trung ương không biết chứ dân thì biết rõ. Ông về làm đội trưởng cảnh sát điều tra ở Quỳnh Phụ, có công trấn áp được một số tên cộm cán trong giới tội phạm. Ông là một cán bộ “cộm cán” tiêu biểu xuất sắc nhất trong những người cán bộ cộm cán. Tôi xin phép bạn đọc dùng từ “cộm cán” vì tra từ điển tiếng Việt không có từ này. Cứ tạm ngầm hiểu nghĩa là đứng đầu một cách tuyệt đối.
Có việc dính líu đến công trạng của ông Ngọ được truyền thông tung hô mà trên thực tế thì không phải công của ông Ngọ. Phải nói ra điều này để mọi người khỏi nhầm lẫm.
Năm 1997 xảy ra vụ nổi loạn của nông ân Thái Bình mà tâm điểm là huyện Quỳnh Phụ bởi vì những chủ trương chính sách phi lí, áp bức bóc lột dân lành, thu phí, huy động sức dân vượt quá sức chịu đựng của họ. Đó chính là hậu quả của cái bệnh thành tích, đồng thời tiếp tay cho cán bộ tham nhũng. Vì thế tháng 11-1994 có 139 hộ trong 156 hộ nông dân thôn Ô Cách, xã Quỳnh Xá xin ra khỏi Họp tác xã.Từ cuối năm 1996 đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ nông dân đi khiếu kiện đông người, lên UB nhân dân huyện, rồi kiện vượt cấp lên tỉnh.
Ngày 15-4-1997 gần 3000 người xã Quỳnh Hồng lên huyện gửi kiến nghị không được chấp nhận, họ đã rồng rắn đi bộ 25 cây số lên UB ND tỉnh để gửi đơn kiện. Sự việc trở nên nghiêm trọng và bùng nổ vì ngày 8- 5-1997 viện kiểm sát huyện kí lệnh bắt giam hai công dân xã Quỳnh Mĩ một cách vô cớ. Ngày 9-5 hàng nghìn người kéo nhau bao vây viện kiểm sát huyện, chửi bới xỉ vả dùng cả nhục hình đối với viện trưởng kiểm sát, yêu cầu phải thả ngay hai người của họ. Chiều 10-5-1997 công an tỉnh (lúc này anh Ngọ là giám đốc) đã đưa lực lượng khá hùng hậu với các phương tiện như xe vòi rồng, chó nghiệp vụ, lựu đạn cay…về để trấn áp biểu tình khiến cho tình hình càng trở nên nghiêm trọng.
Ngay đêm hôm đó, tất cả các xã trong huyện dùng xe “công nông” chở người dân ình ịch đổ xuống chật ních khu vực ngã tư có trụ sở công an và viện kiểm sát, ước tính có tới 4, 5 ngàn người đứng chật cứng đoạn đường dài 2 km. Khi quả lựu đạn cay đầu tiên được cảnh sát ném ra thì đoàn người dồn lên, cuồn cuộn như sóng cồn, bão nổi. Gạch nung xếp một đống mấy vạn viên để chuẩn bị xây nhà tại cổng trường đảng gần đó bị người dân ném tới tấp như mưa rào vào trụ sở công an huyện. Họ hò nhau đẩy đổ tường bao, cứ nhìn thấy những cảnh sát quen mặt là xúm vào đánh cho nhừ tử. Cuộc lộn xộn đến trưa ngày hôm sau (11-5) mới ngưng, khi hai công dân bị bắt oan được thả. Có thể nói lòng dân phẫn nộ đến cực độ.
Liên tiếp những ngày sau đó, điểm nóng khiếu kiện đông người tập trung tại xã Quỳnh Hoa. Trong lúc trời mưa rào như trút nước, đoàn người đầu trần chân đất có nhiều phụ nữ và trẻ em tham gia đã “áp giải” chủ tịch xã lên huyện, yêu cầu phải giải trình những vấn đề họ quan tâm. Công an huyện về xã bị bắt hàng loạt, trói dặt cánh khuỷu, khóa traí tay, đánh đập thành thương tích. Trong trận chiến đêm ngày 10-5, ba xe cứu hỏa của công an bị đập nát, 8 chiến sĩ bị thương. Anh Ngọ thua trận.
Thời gian này, ông Phạm Thế Duyệt là trưởng ban dân vận trung ương nhận định rằng không có thế lực thù địch nào đứng đằng sau nhân dân Quỳnh Phụ, mà chỉ do huy động sức dân quá mức khiến họ không chịu nổi. Việc thu phí từ hơn 20 khoản xuống còn vài ba khoản, tự nhiên phong trào khiếu kiện im bặt. Lúc này anh Ngọ mới ra tay. Anh cho rà soát những phần tử quá khích, đánh công an, tóm cổ bỏ tù. Nông thôn Quỳnh Phụ đã bình yên rồi, lại càng bình yên hơn. Công của anh Ngọ là chỗ đó. Thắng lợi của anh nằm trong thắng lợi của cả hệ thống chính trị.
Xin thắp nén nhang cầu cho chân linh anh Phạm Quý Ngọ về cõi vĩnh hằng siêu sinh tịnh độ. Chết là hết, khen chê nào có nghĩa lí gì, anh nhỉ? Xin cúi đầu vĩnh biệt!
Vũ Dậu
(Quê choa)

Tướng Phạm Quý Ngọ không phải chết vì bệnh ung thư gan?

Thẳng thắng, cởi mở, công tâm với trọng trách được giao; suốt bao năm giữ chức vụ trong ngành, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ đã làm được biết bao việc cho đời khi xử lý thành công biến động ở Thái Bình năm 1997, giám sát vụ Tiên Lãng, Hải Phòng,… Ấy vậy mà, chỉ vì một lời khai bịa đặt của kẻ tội phạm đầy gian xảo Dương Chí Dũng, một số thế lực thù địch đã lợi dụng cơ hội tấn công lực lượng phòng chống tội phạm, “chĩa mũi nhọn” về phía Tướng Ngọ khiến cho ông chết phải mang theo nỗi uất hận…
Ít ai biết rằng, Tướng Ngọ – Người ngược xuôi khắp mọi miền đất nước kiểm tra, chỉ đạo công an chống tội phạm, điều tra nhiều vụ án kinh thiên, động địa lại mang trong mình căn bệnh quái ác. Người dân cứ ngỡ, do Tướng Ngọ đi nhiều, làm việc cật lực nên ngày càng gầy yếu. Người dân thương Tướng Ngọ về những điều đơn giản như thế. Nhưng khi Tướng Ngọ qua đời, người dân càng thương Tướng Ngọ hơn vì biết được, thời gian qua ông đã khó nhọc biết bao khi vừa chiến đấu với căn bệnh ung thư gan thời kỳ cuối; vừa chiến đấu với lũ bất lương để làm rõ trắng, đen.
Trong thời gian nằm viện, ông hết sức phẫn nộ về lời khai gian dối của Dương Chí Dũng. Ông lo lắng trong vụ đại án Vinalines, có quá nhiều “con cáo” đội lốt cừu; có quá nhiều người không đủ nghiệp vụ điều tra để dẫn dắt dư luận và làm sáng tỏ vụ đại án; rồi ông lo, khi có quá nhiều thành phần xấu, ngụy trang kỹ như thế này thì người dân sẽ sống trong cơ cực. Chính vì vậy mà, tại giường bệnh, trong những ngày cuối cùng, ông đã bày tỏ mong muốn rằng Đảng và Nhà nước cần gấp rút làm rõ trắng đen sự việc trước khi ông chết. Tướng Ngọ cũng bày tỏ có nhiều nơi đã đăng tin ác ý, thay vì tập trung xử lý tội phạm thì quay ngược lại nghi ngờ người chấp pháp nghiêm minh; làm cho một số kẻ cơ hội đã lợi dụng lời khai của tội phạm để tấn công lực lượng chống tội phạm. Rất đáng tiếc là nhiều người đã sập bẫy thâm độc này của bọn tội phạm đục khoét, phá hoại đất nước.
Thượng tướng Phạm Quý Ngọ bị ung thư gan từ năm 2008. Ông đã được đưa sang Singapore để ghép gan. Tuy nhiên suốt năm 2013, ông phải âm thầm vật lộn với triệu chứng thải ghép của căn bệnh quái...
Mặc cho Tướng Ngọ phủ nhận: “Lời khai đó không đúng phần trăm nào, toàn là bịa đặt” nhưng một số cá nhân “thiếu sáng suốt” đã đề xuất ban Nội chính T.W đình chỉ công tác đối với Tướng Ngọ. Chính Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, ông Phạm Anh Tuấn đã nêu rõ: “Về nguyên tắc thì phải tạm đình chỉ nhưng ông Ngọ đang bệnh nặng nên việc này nhạy cảm. Nếu “sốc mạnh” thì cũng không lợi lắm, còn thực hư đúng sai thì vẫn phải chờ”. Và cuối cùng thì điều mà mọi người lo cũng đã đến.
Sự ra đi của Tướng Ngọ đã để lại nhiều thương tiếc và cả hụt hẫng cho biết bao nhiêu người. Thật đắng lòng khi ông không có cơ hội tự mình chứng minh sự trong sạch trước thông tin bị vu khống. Nhưng giờ đây, điều mà người dân bàng hoàng, đặt câu hỏi nhiều nhất là: việc tổ chức tang lễ của Tướng Ngọ sẽ diễn ra như thế nào? – Mặc dù theo quy tắc thì: nếu xác định Tướng Ngọ không liên quan đến vụ việc “làm lộ bí mật nhà nước” hoặc không và chưa đủ chứng cứ kết luận, thì phải ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, thông báo rõ ràng việc này, minh oan cho ông, trả lại danh dự cho Tướng Ngọ; phải tổ chức đám tang theo thể thức đám tang cấp Nhà nước! và đưa về an táng ở quê như tâm nguyện của ông.
Cuộc đời của Tướng Ngọ đã khép lại, nhưng những người dân yêu mến Tướng Ngọ, đặc biệt là những người dân Tiên Lãng không bao giờ quên câu nói của Thứ trưởng Bộ Công an: “nhân dân hãy yên tâm, không có chuyện vụ Tiên Lãng chìm xuồng, không bao giờ. Một khi dấu hiệu ở Hải Phòng không khách quan, Bộ Công an vào cuộc ngay, và chỉ có cách đó mới lấy lại niềm tin của nhân dân“.
Bạn đọc Thanh Thủy
(nguyentandung.org)
 

Thư trả lời ông Trần Nhật Quang

…Thoạt đầu khi nghe ông Quang nói, tôi cứ tưởng là ông nói đùa, nhưng nhìn rõ sắc diện, và giọng nói hùng hồn của ông, tôi mới định thần lại, té ra ông nói thiệt. Chứ lẽ ra, gần như 4 điểm này tôi không cần thiết để trả lời cho ông, vì nó đã đầy rẫy trên mạng rồi, vấn đề chính yếu là tại ông thiếu kiến thức thôi, hoặc ông đã hấp thụ những kiến thức sai lệch…


"..Cùng năm 79, liệt sĩ đã hy sinh ở biên giới Tây Nam, để bảo vệ đất nước, bảo vệ 6 tỉnh Tây Nam, bảo vệ cuộc sống của nhân dân 6 tỉnh Tây Nam, thì tại sao ngày mùng 7 tháng 1, các ngươi không tổ chức kỷ niệm? Các ngươi không bao giờ đòi kỷ niệm? Mà các ngươi cứ chăm chăm đòi kỷ niệm ngày 17/2 là ngày TQ tấn công VN, hả? Các ngươi thương xót các liệt sĩ đã hy sinh ở biên giới ở phía Bắc chăng? Các ngươi thương xót nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc chăng? Trong khi các ngươi có đoái hoài gì đến các liệt sĩ biên giới Tây Nam không, được chưa? Mục đích của các người là gì? Các ngươi muốn thúc đẩy VN đối đầu với Trung Quốc để TQ thù địch VN, để TQ cấm vận VN, được chưa? Đấy, TQ cấm vận VN thì nền kinh tế sẽ có phần bị suy giảm, thì đời sống nhân dân có phần bị sụt xuống, để nhân dân bất mãn, để nhân dân theo các ngươi để đưa các ngươi lên cầm quyền, đúng chưa? Thế là cái dã tâm của các ngươi cực kỳ là nham hiểm và độc ác, được chưa, nhá? Đấy là ngày 19/1, nhá, các ngươi lại đi tổ chức cái ngày mà bọn bán nước ngụy Sài Gòn đánh nhau với bọn cướp TQ. Cái ngày mà 2 bọn cướp nó đánh nhau để tranh ăn thì các ngươi lại kỷ niệm, nhục nhã chưa? Trong khi ngày mùng 7 tháng 1, ngày các liệt sĩ hy sinh thì các ngươi không có đoái hoài.

Đừng có mà quậy phá đất nước, để cho đất nước này được yên lành, nhá, đất nước cần phải được bình yên để mà xây dựng, phát triển, dừng có mà quậy phá.}}


Trên là nguyên văn phần nói chuyện của ông Trần Nhật Quang với một số giới trẻ vào ngày Lễ Tưởng Niệm chiến sĩ và đồng bào hy sinh trong cuộc chiến xâm lược của giặc Tàu ngày 17/2, được nhóm No-U tổ chức vào ngày 16/1/2014. Để trả lời ông Quang, tôi xin tóm gọn ý của ông nằm trong 4 điểm sau:

1) Tại sao nhóm No-U không đòi tưởng niệm ngày 7/1/1979, khi quân đội Việt Nam đánh chiếm thủ đô Phnom Penh của Campuchia, vì ông cho rằng quân Khmer Đỏ đánh phá 6 tỉnh Tây Nam? Đại khái, nhóm No-U có thương xót liệt sĩ ở biên giới phía Bắc chăng, trong khi nhóm No-U không đoái hoài đến liệt sĩ ở biên giới Tây Nam?

2) Mục đích của nhóm No-U là thúc đẩy VN đối đầu với TQ để TQ thù địch với VN, rồi TQ cấm vận VN, rồi nền kinh tế sẽ bị suy giảm, rồi đời sống nhân dân cũng suy giảm theo, rồi nhân dân sẽ bất mãn, nhân dân sẽ chạy theo nhóm No-U, rồi đưa nhóm No-U lên cầm quyền. Và đây là dã tâm của nhóm No-U, cực kỳ nham hiểm, và độc ác.

3) Ngày 19/1/2014 là ngày 2 bọn cướp Ngụy Sài Gòn và TQ đánh nhau để tranh ăn thì nhóm No-U lại đòi kỷ niệm, nhục nhã chưa?

4) Đừng có mà quậy phá đất nước, để cho đất nước này được yên lành, nhá, đất nước cần phải được bình yên để mà xây dựng, phát triển.

Thoạt đầu khi nghe ông Quang nói, tôi cứ tưởng là ông nói đùa, nhưng nhìn rõ sắc diện, và giọng nói hùng hồn của ông, tôi mới định thần lại, té ra ông nói thiệt. Chứ lẽ ra, gần như 4 điểm này tôi không cần thiết để trả lời cho ông, vì nó đã đầy rẫy trên mạng rồi, vấn đề chính yếu là tại ông thiếu kiến thức thôi, hoặc ông đã hấp thụ những kiến thức sai lệch. Ông Quang hãy để ý cho rõ nha, tôi nói ông "thiếu" chứ không phải kém. Chữ "kém", nhiều khi dùng để nhục mạ người đối thoại, nhưng tôi hoàn toàn không có ý đó. Kiến thức là một kho tàng vô tận, một người có giỏi đến đâu, tài đến đâu, có là thần đồng đi nữa, bộ não của người đó cũng không thể chứa hết kiến thức của nhân loại. Mỗi ngày chúng ta đọc tin, đọc sách, tiếp xúc, xem tv, video, xem youtube... là để làm giàu thêm, làm nhiều thêm, làm đúng thêm những kiến thức mà chúng ta đang có sẵn.

Nhà nước CHXHCNVN thường tự hào rằng có hơn 700 cơ sở truyền thông là đất nước VN ta có quyền tự do ngôn luận. Đây là kiến thức sai lệch mà ông Quang cần phải chú ý. Quyền tự do ngôn luận không nằm ở con số báo chí đang phát hành. Quyền tự do ngôn luận được Liên Hiệp Quốc (trong đó có nước CHXHCNVN) định nghĩa một cách phổ quát như sau, ở Điều 19 trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền: "Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới." Ông Quang hãy nhìn xem, biết bao nhiêu người đã bày tỏ quyền tự do ngôn luận, đang bị tù, như anh Điếu Cày, anh Lê Quốc Quân, chị Tạ Phong Tần, anh Việt Khang, chị Bùi Thị Minh Hằng... Tất cả những người này, họ bày tỏ quan điểm của họ qua tiếng nói, bài viết, bài ca, và vì những quan điểm đó nghịch chiều với Nhà nước, thế là họ bị bỏ tù. Một đất nước không có 1 tờ báo tư nhân, không có quyền tự do ngôn luận, vậy thử hỏi, ông và nhân dân học được những gì ngoài những kiến thức với những nhận định chủ quan, sai lệch, trong suốt bao nhiêu năm dài. Tuy vậy, nhờ vào internet, nhiều người đã bồi đắp kiến thức của mình để bớt chủ quan, bớt sai lệch hơn. Thành ra, đối với tôi, tôi xem ông là một nạn nhân của chế độ CS, ông rất đáng thương hơn là đáng ghét.

Bây giờ, tới phần tôi sẽ trả lời ông Quang từng điểm một:

1) Ngay trong Hiến pháp 1992 của nước CHXHCNVN, trang 12, ở phần lời nói đầu, tôi xin trích 1 đoạn: "Quốc Hội nước VN thống nhất đã quyết định đổi tên nước là CHXHCNVN; cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH, ra sức xây dựng đất nước, kiên cường bảo vệ Tổ quốc đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế." Nghĩa vụ quốc tế ở đây là "ta đánh là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc", chính ông Lê Duẩn đã nói thế. Thành ra Quân Đội Nhân Dân chiếm thủ đô Khnom Penh của Campuchia là hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, chứ chẳng phải vì Campuchia đánh chiếm 6 tỉnh miền Tây Nam gì hết. Campuchia là quốc gia có 6 triệu dân, có ăn gan hùm cũng chẳng dám làm thế. Nếu ông chịu khó tra Google.com ông sẽ tìm ra vài nạn nhân của làng Ba Chúc (tỉnh An Giang) còn sống sót, ông sẽ biết sự thật. Chính QĐND đã giết 3.157 dân vô tội rồi đổ thừa cho Campuchia. Làng Ba Chúc gồm đa số dân theo Phật Giáo Hòa Hảo, mà CS không ưa PGHH. Cuộc xâm lược Campuchia như 1 mũi tên bắn 3 con nhạn, giết dân Hòa Hảo, giết con em VNCH trong bộ đội, và thi hành nghĩa vụ quốc tế. Tại xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, cũng có thể bị trường hợp tương tự như thế. Tại đây, một Bia Căm Thù đã được dựng lên, mà chính tay tôi chụp hình:


Theo tôi nghĩ, mục đích dựng Bia Căm Thù để có cái cớ mà đánh chiếm Campuchia để thi hành nghĩa vụ quốc tế. Liên Hiệp Quốc, đại diện cho cả thế giới lên án hành động xâm lược của QĐND, và đòi hỏi phải rút ra khỏi Campuchia, vậy mà ông Quang bảo phải "tưởng niệm" các chiến sĩ hy sinh trong mặt trận Tây Nam, làm vậy coi sao được. Việt Nam ta không thể chơi "ngang" như Trung Cộng được. Trung Cộng nghĩ mình mạnh hơn, đông quân, đông dân hơn, xâm chiếm 6 tỉnh miền Bắc của VN, rồi cho đây là "cuộc chiến tranh tự vệ", nghe thật mắc cở. Trên 60 ngàn chiến sĩ và đồng bào mình đã hy sinh để bảo vệ biên giới phía Bắc mới xứng đáng được tưởng niệm. Đây hoàn toàn là chuyện nội bộ của chúng ta. Tưởng niệm để hun đúc và khơi dậy tinh thần yêu nước, tại sao không? Tưởng niệm để ghi ơn công đức những chiến sĩ đồng bào giữ gìn bờ cõi, tại sao không? Và tưởng niệm để có thể huy động được sức mạnh toàn dân, chống ngoại xâm trong tương lai, tại sao không? Tôi không tìm thấy bất kỳ lý do nào để có thể ngăn trở việc tưởng niệm.

2) Trung Cộng cũng từng tưởng niệm những binh sĩ của họ, họ còn nặn tượng để quỳ bái, dù đó là một cuộc chiến xâm lược, họ hoàn toàn không có chính nghĩa. Dân Việt ta không ai muốn chiến tranh, nhưng giữ gìn hòa bình bằng những hành động hèn nhát không phải là cách hay. "tàu lạ", đạp mặt, cấm cản dân biểu tình chống TC đang xâm lược HS, TS, Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, Bãi Tục Lãm, Núi Đất... chứng tỏ sự hèn nhát của nhà cầm quyền và cách hèn nhát như thế này rất dễ gây ra chiến tranh. Một câu ngạn ngữ tiếng Latin: “si vis bellum, para pacem”, nghĩa là “muốn hòa bình, phải chuẩn bị chiến tranh", và gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đều áp dụng. Hãy lấy thí dụ giữa chó và mèo. Rõ ràng mèo yếu sức hơn chó, nhỏ con hơn chó, nhưng mèo lúc nào cũng chuẩn bị móng vuốt để gào vào mặt chó. Chó chỉ biết sủa đổng rồi bỏ đi, và hòa bình đã xảy ra. Chẳng ai muốn đối đầu với một nước lớn hơn mình hàng chục lần về dân số và vũ khí, mình không điên dại làm chuyện đó. Chuyện tưởng niệm là chuyện nội bộ của tôi, còn anh muốn lấy đó làm thù nghịch thì kệ cha anh. Nó liên hệ đến danh dự của một quốc gia, chứ đâu phải chuyện nhỏ. Một nhà cầm quyền hèn nhát, mất danh dự, mất lòng tin đối với dân, sẽ dẫn đến mất nước, và lịch sử đã chứng minh điều đó. "Từ đối đầu với TQ để TQ thù địch với VN, rồi TQ cấm vận VN, rồi nền kinh tế sẽ bị suy giảm, rồi đời sống nhân dân cũng suy giảm theo, rồi nhân dân sẽ bất mãn, nhân dân sẽ chạy theo nhóm No-U, rồi đưa nhóm No-U lên cầm quyền". Đọc câu này mình tưởng tượng ngay đến một cặp heo, và người ta suy luận như thế này: Hai con heo này sẽ đẻ một chục con heo con, chục con heo con này sẽ đẻ 100 con, rồi 1000 con, ..., rồi 1 tỉ con, thành ra 2 con heo này mà bị giết làm thịt sẽ mất đi 1 tỉ con. Người ta suy luận như thế cũng đúng chớ không sai, nhưng mang tính cách chủ quan, không tính tới thời gian, tai nạn, bệnh tật, trong khi cái chết cận kề vì đói, vì không có thịt heo ăn. Nếu quả thật, Trung Cộng cấm vận ta, có lẽ ta được lợi nhiều lắm vì TC xuất cảng sang ta là 36.8 tỉ USD năm 2013, trong khi đó ta xuất cảng qua TC chỉ có khoảng 11.7 tỉ USD thôi, ta tiết kiệm được 25.1 tỉ USD. Đấy là chưa kể đến ta ngăn chận được những hàng hóa độc hại, thường đến từ TC. Dứt khỏi chế độ CS, bảo đảm kinh tế sẽ khá hơn, khá hơn nhiều lắm. Muốn chứng mình điều này, hãy nhìn qua Nam Hàn (Hàn Quốc), nhìn qua Đài Loan, 2 quốc gia này na ná giống tình trạng nước ta. Chỉ số lợi tức mỗi người dân một năm đều khoảng trên 30.000 USD, trong khi dân ta chỉ đạt khoảng 2.000 USD. Dân Bắc Hàn (Bắc Triều Tiên) và dân Trung Quốc ($9.300 USD) không sao sánh kịp, cùng một dân tộc tính, chỉ khác thể chế thôi. Thành ra chúng ta có thể khẳng định, thể chế CS làm nghèo dân. Nhóm No-U và nhiều nhóm khác đang nổi dậy, người ta đứng lên để đòi hỏi nhân quyền, đòi hỏi thể chế dân chủ. Trong thể chế dân chủ, dân bầu ra người đại diện cho mình để nắm quyền hành quản trị đất nước, không có vụ tự nhiên nhóm No-U lên cầm quyền ở đây, ngoại trừ được dân bầu. Nếu muốn nói đến dã tâm, cực kỳ nham hiểm, và độc ác, phải nói đến nhóm người đang có quyền hành, nắm công an, quân đội trong tay, muốn gì chẳng được. Trong khi đó No-U chỉ là một nhóm dân đen, thấy chuyện bất bình, nguy hại cho đất nước, nên lên tiếng "tưởng niệm", thế thôi.


3) Quần đảo Hoàng Sa là của dân mình, dân "ngụy" mình đang ở trên đó từ bao đời nay rồi, giặc Tàu lại cướp, rồi ông Quang nói:  "2 bọn cướp Ngụy Sài Gòn và TQ đánh nhau để tranh ăn". Nói thế nghe sao được, mình đều là người VN mà ông Quang. Việt Nam ta, bị giặc Tàu và gián điệp Tàu là Hồ Chí Minh chia đôi đất nước qua Hiệp Định Geneve, thành 2 quốc gia riêng biệt, với 2 tên gọi là VNCH và VNDCCH. Hai anh em Việt mình đang đánh nhau, tự nhiên có thằng Tàu ở ngoài nhào vô cướp đất của em mình làm của riêng. Phải thằng Tàu mà cướp rồi giao lại cho thằng anh, mình không nói làm gì. Đúng lý lẽ của trời đất là 2 anh em phải hè nhau, gom sức lại, để đuổi thằng cướp Tàu đó đi, rồi mới tính gì tính. Đằng này, thằng anh nói: "Tàu mày cứ chiếm đi, tao công nhận của mày rồi", theo công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại ý là như thế. Bởi thế, người ta nói Công Hàm Bán Nước là quá đúng rồi. Thằng em liều mình, biết đánh không lại cũng đánh, đánh giặc Tàu cướp đất, hy sinh 74 nhân mạng cũng đánh. Thằng em rõ ràng đã thể hiện lòng yêu nước, bảo vệ tổ quốc, cố giành lại mảnh đất của cha ông, còn thằng anh thể hiện một tên bán nước, phản bội tổ quốc, phản bội huấn chỉ của vua Trần Nhân Tông, vậy giữa 2 thằng, ai là "Ngụy" đây? Ai nhục nhã đây?

4) Ai cũng hiểu, đất nước cần được an bình để mà xây dựng, phát triển. Cho tôi hỏi anh Quang: "Gần 39 năm qua, đất nước mình có được an bình không?" Chưa bao giờ, bởi lẽ bọn cầm quyền nhìn đâu cũng thấy "thế lực thù địch". Cá nhân tôi, cho đến bây giờ tôi cũng chẳng biết "thế lực thù địch" là ai nữa, ông Quang trả lời tôi câu hỏi này được không? Tôi không thích kiểu nói vu vơ này, "thế lực thù địch" là thằng nào, nói thẳng ra đi: Mỹ, Pháp, Anh, Tàu, hay thằng Việt Nam mình? Cũng như "tàu gì?", nói thẳng ra: tàu Mỹ, tàu Pháp, tàu Anh, tàu Tàu..., nghe "tàu lạ" hoài tôi nhức đầu lắm. Với công an, bộ đội, súng ống, dùi cui, nhà tù trong tay, mà trong suốt 39 năm qua, vẫn còn hiện diện "thế lực thù địch", thì ông Quang nên đặt câu hỏi với nhà cầm quyền, hay chế dộ CS này. Vì còn "thế lực thù địch" là đất nước không bao giờ được an bình để mà xây dựng, phát triển. Theo thiển ý của tôi, nhóm No-U, họ đang làm công việc mà ông muốn nói đó, họ hoàn toàn giống ông ở điểm - đất nước cần được an bình - đề xây dựng và phát triển, nghĩa là đất nước không còn "thế lực thù địch" nữa. Lẽ ra ông nên thương mến họ, thay vì căm ghét họ. Họ chỉ có 2 bàn tay và khối óc. Họ đánh cá cả cuộc đời của họ. Họ đánh cá sinh mạng của họ, gia đình họ, sự nghiệp đang có của họ, để sẵn sàng hy sinh, nhà tù đang chờ sẵn họ, những dùi cui quất lên mình họ, những roi điện, những chén cơm thiu, những biệt giam, những tra tấn, những bịnh hoạn đang chờ đón họ, không biết lúc nào. Lý do nào, hả ông Quang, ngoài lòng yêu tổ quốc, yêu dân tộc Việt Nam này, đất nước này.

Tôi rất vui khi đọc bài viết "Mực Hay Máu" (*1) của anh lãnh sự Thụy Sĩ Đặng Xương Hùng, người vừa từ bỏ chức vụ, và cũng từ bỏ ĐCSVN. Tôi học được bài học "Tốn máu rất là phi lý", còn tốnmực bao nhiêu cũng được, chúng ta chẳng mất gì, ngoài một ít thời gian gõ bàn phiếm, hoặc chỉ tốn lời nói, biểu ngữ, truyền đơn... Tôi cũng có ý này từ lâu. Mỗi người VN là một viên gạch xây dựng nên một căn nhà VN, tôi không muốn phải thiếu đi bất kỳ một viên gạch nào. Dù viên gạch đó là Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, hay Nguyễn Phú Trọng. Tôi nói điều này ra, tôi có thể bị ném đá, nhưng tôi vẫn nói, tự do ngôn luận mà. Người bạn đồng ý nghĩ với tôi là anh Nguyễn Doãn Kiên, người xách búa tạ ra để đập lăng Hồ Chí Minh và đang bị bắt giam. Anh Kiên không thù hằn gì đến những người đã bắt anh trong quá khứ. Họ đánh đập anh tàn nhẫn lắm, mặt mũi sưng to, nhưng anh vẫn vui cười, tha thứ. Kể cả những tên đang cầm quyền như Dũng, Sang, Trọng Hùng, anh đều cho là nạn nhân của chủ nghĩa CS. Tôi thấy trong anh Kiên đầy đủ 3 đức tính Chân-Thiện-Nhẫn.

Có một điều tôi thấy buồn trong buổi Lễ Tưởng Niệm là cần sự im lặng, thì có một số thanh niên chiếm trọn khu vực tưởng niệm rồi trổi lên nhạc lớn, và nhảy múa tưng bừng, rõ ràng với mục đích để phá buổi lễ. Thôi thì phá cũng được đi, vì chúng ta có 2 phe, 2 tư tưởng chính kiến khác biệt, nhưng cố tình đem bản nhạc "Trung Quốc Chính Nghĩa" của giặc Tàu, rồi lồng tiếng Việt vào, tôi thấy rất khó chịu. Tôi có cảm tưởng như các bạn thanh niên Việt đó, đang ủng hộ việc xâm lược của giặc Tàu vào ngày 17/2, và cho đó là việc làm "Chính Nghĩa". Tôi buồn thôi, chứ không trách, vì nhiều khi các bạn thanh niên không biết chuyện các bạn đã làm.

Tôi rất mong muốn, một ngày nào đó, trực tiếp trên các kênh truyền hình, hoặc những hội trường trước công chúng, có những cuộc hội luận, thảo luận, tranh luận những vấn đề chính trị, những vấn nạn kinh tế, những sai lầm lịch sử, ... Có như vậy, từ từ, chúng ta sẽ tìm được sự thật, cái đúng, cái hay, cái đẹp để cùng học hỏi và cùng phát triển. Năm ngoái cũng có một số người muốn tưởng niệm ngày 17/2, tôi thấy trong số đó có giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, gọi là Ông Già Ô-Zôn, lên tiếng rất hùng hồn lý do phải tưởng niệm. Năm nay, tôi biết đến ông Trần Nhật Quang. Nếu chúng ta có được một cuộc tranh luận giữa hai ông Khải và Quang, một cách công khai, thẳng thắn về ngày tưởng niệm 17/2 thì hay biết mấy. Những cuộc tranh luận như thế này sẽ giúp chúng ta thông hiểu nhau nhiều hơn, thông cảm nhau hơn, và có thể tạo được sự đoàn kết nữa, chan hòa những dị biệt, bất đồng.

Thư cũng đã dài, những gì muốn nói, có lẽ cũng đã đủ, tôi xin dừng lại. Nếu ông Quang có dịp đọc qua và muốn phản biện, tôi vui lòng hồi đáp, chúc ông một ngày vui.

Ngày 17/2/2014
Nguyễn Thị Mỹ Linh
Nguồn: freevietnamnow.blogspot.com
Xin phổ biến tự do, cám ơn.
https://www.youtube.com/watch?v=q-s8mkV050M

Đính kèm:
(*1)
Mực Hay Máu (Đặng Xương Hùng)

Khi tiếp một vị lãnh đạo cấp cao Việt Nam, ông Chủ tịch Hạ viện Bỉ có nói: « Nước Bỉ chúng tôi cũng có một lịch sử phức tạp. Chúng tôi chống đối nhau gay gắt. Chúng tôi tốn rất nhiều giấy, mực, nhưng chúng tôi không tốn máu ». Thâm ý hay thiện ý. Có lẽ thiện ý nhiều hơn thâm ý. Tốn máu là phi lý, tốn giấy mực là chưa mất gì. Nhất là giữa anh em trong một nhà. Bài học tốn mực của nước Bỉ nơi các cộng đồng có ngôn ngữ khác nhau chung sống hòa bình trong một quốc gia thịnh vượng.

Câu nói trên của nhà lãnh đạo nước Bỉ có ba từ quan trọng đó là Tốn, Máu và Mực. Tốn là trả giá cho một điều gì đó thừa, vô lý.

Máu là giải pháp cho một cuộc thắng thua đau đớn.

Mực là hướng tới một kết quả cùng thắng win-win.

Kêu gọi « Thà hy sinh tất cả » của ông Hồ Chí Minh là sự tốn máu vô nghĩa, vì lợi ích của kẻ thù phương Bắc.

« Nếu bệ hạ muốn hàng, hãy chém đầu tôi đi đã » hoặc « Nên hàng hay nên đánh » của Hội nghị Diên hồng là những sự lựa chọn tốn máu đúng nghĩa. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa ngã xuống ngày 19/1/1974 để bảo vệ Hoàng Sa trước sự xâm chiếm của Trung quốc là những giọt máu anh hùng vì dân tộc, vì đất nước.

Còn lựa chọn chủ nghĩa Mác-Lê nin, còn tư tưởng Hồ Chí Minh, còn theo đuôi Trung quốc, đảng cộng sản Việt Nam còn đẩy dân tộc mình vào những cuộc tốn máu vô ích.

Đảng cộng sản Việt Nam đang đối đầu trực tiếp với nhân dân, tiếp tục chọn giải pháp cho một cuộc tỉ thí thắng thua với chính nhân dân và dân tộc mình.

Rủi ro cho dân tộc Việt Nam là khả năng đảng tiếp tục là bên thắng cuộc còn lớn. Họ có bộ máy trấn áp, bung bít đủ mạnh để bên ngoài không biết bên trong, bên trong không thấu được ra bên ngoài. Họ lại có đủ thủ đoạn ngăn chặn « rút ra » từ những bài học Thiên an môn, cách mạng màu, mùa xuân Ả rập. Hơn nữa, họ đã biết thế nào là sự trả giá như Saddam Hussein, Mouammar Kadhafi, Nicolae Ceausescu nên họ lại càng lo sợ, co vào để chống trả quyết liệt hơn.

Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt nam chống lại đảng cộng sản hiện nay còn khó khăn hơn nhiều so với cuộc đấu tranh giành chính quyền mà họ đã làm. Vì rằng cách đô hộ của thực dân còn văn minh hơn nhiều so với cách cai quản đất nước của họ hiện nay. Họ càng chú ý an ninh cho sự tồn tại của đảng thì lại tạo kẻ hở cho một xã hội lưu manh hóa đang tràn lan trước mắt. Đó là những rủi ro, đau thương của dân tộc Việt Nam.

Vừa rồi, họ tuyên bố là tiếp tục lấy nhân dân ra làm thử nghiệm thêm một thế kỷ nữa. Cái sự tốn mà đảng lựa chọn nó không còn nằm ở sự tốn máu mà còn hơn thế nữa.

Đất nước thì bền vững hơn chế độ, nhưng chế độ lại dài hơn một đời người. Thêm một thế kỷ nữa là thái độ mặc kệ tương lai.

Trong lãnh đạo đảng và nhà nước hiện nay, không thiếu những người đang tiến thoái lưỡng nan. Hãy lắng nghe lời khuyên của nhà lãnh đạo người Bỉ để có thể viết tiếp lịch sử nước nhà bằng giấy và mực. Quá khứ không thể thay đổi được, nhưng chúng ta có thể thay đổi tương lai.

Viết tiếp lịch sử bằng mực là tiến hành một cuộc hòa hợp dân tộc, hòa vào với thế giới văn minh, thực thi dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Đó là từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê nin, từ bỏ tư tưởng Hồ Chí Minh, chấp nhận sự tồn tại các đảng phải chính trị trong và ngoài nước, tiến tới một cuộc bầu cử tự do, nhân dân được lựa chọn người lãnh đạo của mình.

Lịch sử ghi danh cả người có công và cả người có tội. Ở bên nào đây đó là quyết định của từng con người.

Đặng Xương Hùng
từ Thụy sĩ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét