Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Soạn luật như trên trời rơi xuống - Liên Bang Vina

Soạn luật như trên trời rơi xuống

Chủ tịch QH kêu trời trước những quy định của dự thảo luật Nhà ở sửa đổi mà cơ quan soạn luật như từ “trên trời rơi xuống”. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp chiều 21/2 của UBTVQH về dự luật trên. Nhấn hai nội dung : điều kiện cấp phép xây dựng và thủ tục hành chính trong cấp phép xây dựng nhà ở, ông tỏ ra bức xúc.
‘Bắt người dân chạy 15, 20 cái giấy nộp mới đủ. Luật này có cải cách hành chính không?”, Chủ tịch QH hỏi đại diện cơ quan soạn thảo luật.
Dẫn một loạt quy định của dự thảo luật, ông ‘điểm’ ra để được cấp phép xây dựng nhà ở, người dân phải đảm bảo 6-7 điều kiện mà không phải điều kiện nào cũng khả thi.
“Quy định thế này thì không biết dân phải đưa bao nhiêu tiền cho đủ để lấy được cái giấy phép? Chẳng có cái giá nào, thà nói béng đi là đưa tôi 5 hào tôi cho cái giấy phép. Thế này chỉ chết dân thôi”.
Quá bức xúc, Chủ tịch QH cho rằng những người soạn luật đẻ ra các quy định như vậy chả khác nào ‘người trên trời rơi xuống’, lẽ ra phải đưa cuộc sống vào luật để quản lý, đằng này đưa vào luật những thứ trên trời thì ‘ai mà làm được?” – ông hỏi.
Nhấn mạnh quan điểm “quản lý nhưng phải nghĩ đến lợi cho dân”, ông đề nghị các loại giấy phép tính toán cần thiết, rà soát thủ tục bỏ đi những cái không cần thiết.
Ngay cả những giấy phép đi kèm giấy phép xây dựng của các thể loại nhà như giấy phép đảm bảo an toàn phòng hỏa, văn hóa thì ngành xây dựng phải đảm bảo chịu trách nhiệm chứ không thể bắt bắt dân chạy đến từng nơi để xin, không thể để dân phải chịu cảnh ‘mỗi cửa phải xin phép là mỗi cửa cơ hàn’.
Xử lý người quyết đầu tư công sai
Chiều cùng ngày, thảo luận về dự án Luật đầu tư công, các ý kiến nhấn mạnh thẩm quyền và trách nhiệm trong đầu tư công.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng kiên quyết ai ký quyết định đầu tư người đó phải chịu trách nhiệm. Nếu sai phải đền bù và bị xử lý.
Ông phân tích: cơ quan dân cử quyết định chủ trương chứ không quyết định dự án vì phải thảo luận nhiều chiều, nhiều mặt. Cơ quan tập thể chỉ quyết định chủ trương còn người quyết định dự án là cá nhân.
Các dự án quan trọng quốc gia QH quyết định chủ trương, đi liền đó người quyết định dự án là Thủ tướng Chính phủ. Người Người quyết định dự án mới là người phải chịu trách nhiệm. Tương tự, dự án nhóm B, C Bộ trưởng quyết định thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm.
Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, cơ quan nào quyết định nguồn lực cơ quan đó quyết định đầu tư để chấm dứt tình trạng ”một anh” quyết định đầu tư nhưng ”một anh khác” lại quyết định tiền lấy ở đâu. Nếu QH quyết chủ trương đầu tư thì QH cũng quyết luôn nguồn lực.
Ông Hiển cũng cho rằng, đầu tư công không chỉ gồm đầu tư làm cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế XH mà bao gồm cả đầu tư của Nhà nước để làm kinh tế, tạo ra lợi nhuận. Ý kiến của ông được chia sẻ tại phiên họp băn khoăn khi chưa nhìn thấy ”địa chỉ” có thể ”đặt” đầu tư của DNNN vào điều chỉnh.
THEO VIETNAMNET

Truy trách nhiệm Bộ Xây dựng

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chính các quy định, hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã thổi bùng tình trạng tranh chấp liên quan đến diện tích căn hộ ở các khu chung cư cao cấp thời gian qua
Nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa hoàn tất báo cáo đánh giá tính pháp lý của 3 văn bản hướng dẫn cách tính diện tích căn hộ chung cư do Bộ Xây dựng ban hành (Báo Người Lao Động đã phản ánh).
Riêng – chung lẫn lộn
Trong văn bản trả lời Ủy ban Pháp luật, Bộ Xây dựng cho rằng tính diện tích theo cách nào (kích thước thông thủy hoặc từ tim tường bao, tường ngăn chia căn hộ) cũng không ảnh hưởng đến phần thuộc sở hữu chung.
Theo Bộ Xây dựng, phần sở hữu chung đã được Luật Nhà ở và Nghị định 71/2010 (hướng dẫn thực hiện luật này) quy định, đồng thời xác định trong hợp đồng mua bán. Điều 70 Luật Nhà ở và điều 49 Nghị định 71 nêu rõ phần diện tích thuộc sở hữu chung trong chung cư gồm: cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân căn hộ…
“Như vậy, Bộ Xây dựng đã biết rõ tường bao và tường phân chia căn hộ thuộc sở hữu chung. Song, Thông tư 16/2010 vẫn hướng dẫn cách tính diện tích xác định từ tim tường bao, tường phân chia căn hộ; biến sở hữu chung thành sở hữu riêng của các chủ chung cư đối với toàn bộ phần tường chia căn hộ và diện tích tường bao” – nhóm nghiên cứu nhìn nhận.
Không chỉ vậy, Công văn 124/QLN ngày 21-12-2010 của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng về cách tính diện tích chung cư lại hướng dẫn cụ thể: Đối với phương thức xác định kích thước diện tích sàn căn hộ từ tim tường thì diện tích sàn (phần sở hữu riêng) không phải trừ diện tích sở hữu chung như cột, tường chịu lực! Tiếp đó, Công văn 397 ngày 7-11-2013 của Thanh tra Bộ Xây dựng tiếp tục cho rằng với phương thức xác định kích thước từ tim tường bao, tường phân chia căn hộ thì diện tích sàn không phải trừ diện tích chung…
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật khẳng định việc hướng dẫn cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư trong hợp đồng mua bán theo Thông tư 16 và Công văn 124, 397 là trái quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 71. Chính những quy định, hướng dẫn này đã thổi bùng lên tình trạng tranh chấp liên quan đến diện tích căn hộ thời gian qua ở các khu chung cư cao cấp, mà thiệt thòi đều do người dân gánh chịu.
Làm rõ thiệt hại
Theo nhóm nghiên cứu, với trách nhiệm quản lý ngành, Bộ Xây dựng đã quy định mẫu hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, trong đó bắt buộc phải ghi phần diện tích thuộc sở hữu riêng và chung. Tuy nhiên, trên thực tế, các chủ đầu tư khi soạn thảo hợp đồng đều không ghi rõ nội dung này, chỉ ghi diện tích sàn căn hộ mua bán và xác định luôn phần diện tích vốn thuộc sở hữu chung nằm bên trong phạm vi căn hộ thuộc sở hữu riêng; trong phần diện tích chung cũng ghi cả tường, cột chịu lực…
“Như vậy, phần sở hữu chung được tính diện tích 2 lần. Vấn đề đặt ra là Bộ Xây dựng đã kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở như thế nào. Tại sao việc vi phạm này xảy ra thường xuyên khiến dư luận bức xúc nhưng vẫn không xử lý ?” – nhóm nghiên cứu đặt nghi vấn.
“Căn cứ vào Luật Nhà ở thì Bộ Xây dựng không có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết và cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư” – nhóm nghiên cứu khẳng định. Một vị trong nhóm cho biết theo Nghị định 71 thì Chính phủ cũng không hề giao Bộ Xây dựng quy định cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư. Điều này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc ban hành 3 văn bản trái luật kể trên.
Theo nhóm nghiên cứu, nếu tại phiên giải trình sắp tới (dự kiến tổ chức giữa tháng 3-2014), Bộ Xây dựng vẫn một mực bảo vệ quan điểm của mình và không nhận sai thì trong phạm vi, quyền hạn cho phép, Ủy ban Pháp luật có thể yêu cầu bộ xem xét sửa đổi, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ Thông tư 16. Nếu sau 30 ngày mà bộ vẫn không thực hiện thì ủy ban có quyền kiến nghị Thủ tướng bãi bỏ hoặc đình chỉ thông tư này. “Hơn 3 năm qua, Thông tư 16 đã gây ra những thiệt hại như thế nào cho người dân cũng cần phải được xem xét, làm rõ” – nhóm nhấn mạnh.
TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp, đặt vấn đề: “Phiên giải trình phải làm rõ có hay không lợi ích nhóm trong việc ban hành các văn bản kể trên, gây thiệt hại cho người dân. Nếu sau này bãi bỏ các văn bản đó thì thiệt hại mà người dân đang phải gánh chịu sẽ được giải quyết như thế nào?”.
Làm trái chỉ đạo của Chính phủ
Tháng 11-2011, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, sửa đổi nội dung tại Thông tư 16 bảo đảm đúng quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 71. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể về trình tự, cách thức thực hiện và hồ sơ trong trường hợp diện tích căn hộ thực tế khi bàn giao khác với hợp đồng ký kết. Tuy nhiên, từ đó tới nay Bộ Xây dựng không thực hiện theo chỉ đạo này.
Trong cuộc họp tại Bộ Tư pháp mới đây, đại diện Cục Đăng ký thống kê – Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng quy định của Thông tư 16 đã gây ra khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư.
Ngỡ ngàng khi nhận nhà
Nhiều người đang sinh sống tại khu chung cư cao cấp Keangnam (Hà Nội) vừa có thư cảm ơn gửi lãnh đạo Bộ Tư pháp vì đã vào cuộc quyết liệt trong việc vạch rõ cung cách quản lý của Bộ Xây dựng khi ban hành văn bản trái luật, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
“Khi đặt bút ký vào hợp đồng với Công ty Keangnam Vina, chúng tôi kỳ vọng một môi trường sống văn minh, hiện đại, tiện nghi cho gia đình. Tuy nhiên, khi nhận nhà, chúng tôi mới ngỡ ngàng phát hiện căn hộ mình đã bỏ tiền mua từng mét vuông (3.000 USD/m2) có cả những phần diện tích thuộc sở hữu chung mà chúng tôi không hề được sử dụng cũng bị chủ đầu tư tính tiền. Thuế nhà, phí dịch vụ hằng tháng cũng phải trả cho cả phần diện tích thuộc sở hữu chung này. Điều đáng thất vọng là chủ đầu tư đã viện dẫn cách tính diện tích này của Bộ Xây dựng” – một người dân cho biết.
Theo cư dân Keangnam, việc “tuýt còi” các văn bản của Bộ Xây dựng đã tạo niềm tin cho nhiều người đang sinh sống tại các khu chung cư khác – vốn bị chủ đầu tư “ăn bớt” diện tích – trong việc đòi lại quyền lợi.
Bài và ảnh: Thế Kha
THEO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Liên Bang Vina

Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân làm cho nước ta nghèo, yếu, sức cạnh tranh kém, tiềm lực vươn lên đuối, chính là vì nước ta có khác biệt vùng miền quá lớn.
Khác biệt không chỉ ở tiếng địa phương, văn hóa vùng miền, tính cách con người, mà còn khác ở khí hậu, địa lý, địa chất, thổ nhưỡng. Khác biệt cả ở các tập quán làm nông, làm sản xuất nhỏ, kinh doanh, sử dụng vốn.
Một chính sách nhất quán cho cả nước, chắc chắn là không thể hiệu quả. Chính sách công nghiệp hoặc dịch vụ công nghiệp, nếu hiệu quả ở Tp Hồ Chí Minh, chắc chắn sẽ thất bại ở Lào Cai. Chính sách khuyến khích nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản ở Miền Tây, đương nhiên là vô nghĩa ở Hà Giang.
Trẻ em tp Hồ Chí Minh đã khác trẻ con Hà Nội. Trẻ thành phố khác hẳn trẻ nông thôn. Trẻ nông thôn thì không giống gì trẻ miền núi. Việc bắt hàng triệu đứa trẻ về cơ bản là khác xa nhau ấy, phải học bằng sách giống nhau từ lớp 1 đến lớp 12 là một điều không chỉ không khoa học mà còn hơi ác.
Các chính sách thuế khóa cũng vậy.
Thậm chí cả các chính sách liên quan đến lao động như hộ khẩu, lương cơ bản, bảo hiểm, giáo dục cơ sở, thậm chí an ninh cộng đồng,  cũng không thể hiệu quả ở các vùng miền khác nhau nếu chỉ có một chính sách chung để áp dụng.
Nên tôi nghĩ nước mình nên chăng đi theo mô hình liên bang. Cả nước có độ 8 đến 10 tiểu bang. Cách chia tiểu bang có thể tham khảo hành chính thời Minh Mạng, thời Pháp thuộc (1945-1954), tham khảo mô hình chia vùng từ thời TBT LD và tham khảo các cách chia quân khu. Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh có thể là hai bang mà không cần gắn thêm với tỉnh khác.
Các tiểu bang, tùy vào dân số và vai trò kinh tế chính trị, sẽ có một số lượng cán bộ chủ chốt được vào Trung Ương Đảng. Sẽ có một tỷ lệ phân chia thế nào đấy. Ví dụ Trung Ương Đảng có 125 Trung Ương Ủy Viên, thì mỗi tiểu bang có từ 6 đến 10 ông, tùy theo bang lớn nhỏ, và do các đảng viên địa phương bầu lên như là đại diện của họ.
Các ông Trung Ương Ủy Viên vào TW Đảng sẽ hoạt động như các thượng nghị sỹ. Các ông ấy sẽ phải đấu tranh quyền lợi (chính sách) cho tiểu bang của mình. Thỏa hiệp với ông ở tiểu bang khác để ra chính sách chung cho Liên Bang. TWĐảng cũng sẽ bầu ra Bộ Chính Trị. Bộ Chính Trị sẽ quyết hết các vấn đề lớn của đất nước. Tất nhiên khi hoạt động kiểu thượng nghị viện thế này, chính nhân dân sẽ giám sát các debate chính sách của họp hội nghị TW. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, sẽ tự động được luật hóa. Cực kỳ minh bạch. Động tác này, nói ngắn gọn, chính là thể chế hóa vai trò Đảng (cầm quyền) và luật hóa các nghị quyết TW.
Trung ương Ủy viên cũng không chỉ đến từ các tiểu bang, mà còn đến từ Nội Các chính phủ, tức là các Bộ trưởng. Bộ Trưởng cũng đương nhiên là TW ủy viên. Bộ trưởng sẽ do Thủ tướng chọn và Bộ Chính Trị thông qua. Các bộ trưởng – thượng nghị sỹ aka TW ủy viên này được vào TW mà không cần lá phiếu của địa phương nên sau này địa phương không thể gây sức ép lên họ. Khác với các nghị sỹ đi lên từ tiểu bang, sức ép phải phục vụ lợi ích đia phương khiến cho họ không đầu hàng các nghị sỹ ngồi trong nội các.
Tuy nhiên, bộ trưởng sẽ hoạt động chính trị chuyên nghiệp, đấu tranh cho bộ mình và thỏa hiệp với các bộ khác (chính là chính quyền Liên Bang). Còn chính sách của Bộ, khi được TWD hoặc BCT thông qua, sẽ không do Bộ trưởng triển khai mà Thứ trưởng sẽ toàn quyền triển khai. Thứ trưởng không phải là chính trị gia mà là một chuyên gia-công chức cao cấp.
Các tiểu bang sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với nhau. Ví dụ cạnh tranh thu hút đầu tư. Cạnh tranh về dịch vụ. Ví dụ có bang mạnh về giáo dục, sẽ hút sinh viên giỏi và giàu của cả nước. Hay có bang mạnh về y tế, sẽ chữa bệnh cho người có tiền chi trả của cả nước.
Căn bệnh thành tích địa phương kiểu tỉnh nào cũng phải có sân bay, có cảng, có khu chế xuất lớn, có trường đại học…, tự nhiên hết bệnh.
Các tiểu bang, nếu có đề xuất tốt, các TW ủy viên chiến đấu tốt, sẽ xin được cơ chế đặc khu riêng cho mình. Ví dụ Tiểu Bang Miền Đông Nam Bộ sẽ xin cho Vũng Tàu thành đặc khu, chuyên làm dịch vụ tài chính và casino. Hay Đồ Sơn làm đặc khu giải trí hehehe.
Các tiểu bang, do đặc thù địa lý kinh tế riêng, sẽ sản xuất được các sản phẩm mà họ giỏi nhất. Dẫn đến “ngoại thương” xảy ra giữa các tiểu bang, kích thích phát triển mạnh mẽ.
Chính sách thuế má, từ đó cũng nên khác biệt.
Các doanh nghiệp tư nhân sẽ thực sự phải lao động, cạnh tranh từ tiểu bang đến liên bang, qua đó tích lũy vốn tư bản, vốn công nghệ, vốn lao động và vốn tên tuổi; thay vì chỉ tích lũy vốn quan hệ và cơ hội rít nhanh vơ vội không thèm tích lũy kinh nghiệm, kiến thức và công nghệ như hiện nay. Chỉ khi thành phần kinh tế tư nhân mạnh và hiệu quả, có chiều sâu vốn, công nghệ, quản trị, thì nền kinh tế của đất nước mới có tiềm năng phát triển được. Suốt từ năm 86 đến giờ, kinh tế tư nhân giàu thì giàu thật, nhưng toàn giàu từ cơ hội mua đi bán lại, không đất đai chứng khoán thì cũng mua đi bán lại hết điện thoại lại đến nồi cơm điện mà chả sản xuất ra nổi một cái gì, dù là cái ấm đun nước.
Chính quyền liên bang sẽ dung tiền ngân sách chính phủ để làm hạ tầng lớn hoặc dịch vụ công: đường cao tốc liên tỉnh, xuyên việt, tàu cao tốc, nhà máy điện hạt nhân, mua tàu ngầm, máy bay chiến đấu, chống ma túy, chống buôn phụ nữ… Người đứng đầu chính phủ liên bang sẽ là Thủ tướng. Thủ tướng có ghế trong thượng viện (TWĐ) và BCT. .
Về cơ bản, chính phủ sẽ “bé” lại rất nhiều, nhưng chuyên sâu hơn. Như Bộ Giáo Dục, không còn phải ngồi làm sách giáo khoa cho cả nước, mà chỉ đơn giản là làm chuyên môn, đặt ra các tiêu chuẩn đào tạo, đi kiểm định chất lượng đào tạo ở các tiểu bang, cầm ngân sách chính phủ đi xây trường công ở những bang cần hỗ trơ.
Chính quyền địa phương làm đường nội bang, các công trình cỡ nhỏ phục vụ tiểu bang.
Bộ Chính Trị và TWĐ sẽ bổ nhiệm nhân sự cho hệ thống tư pháp và Ngân hàng quốc gia. Hệ thống tư pháp sẽ có hai cấp chính, tòa án tiểu bang và tòa tối cao.
Việc bổ nhiệm này cứ 4 năm làm một lần, nhưng lệch 3 năm so với bầu cử vào TWĐảng. Ví dụ Trung Ương Đảng bầu (từ các tiểu bang lên) năm 0 thì đến năm 3 sẽ bổ nhiệm.
Quốc hội như hiện nay, vốn chỉ là hình thức, không hiệu quả, sẽ chuyển thành Hạ viện, hạ nghị sỹ đến từ các tiểu bang, nhiệm kỳ chỉ hai năm một lần. Các kiểu nghị đương nghị cảnh tha hồ vào đây mà phát biểu.
Đại khái mô hình là như thế. Thay vì viết một bản nghiêm túc góp ý sửa đổi Hiến Pháp, thì viết lảm nhảm lên blog chơi.
Tình hình khó khăn lắm rồi, chả thay đổi, thì nước mình còn nghèo đói mãi. Suy thoái thế này, có khi đi xuống luôn, chả bao giờ đi lên nữa.
(Một số ý quan trọng của bài này, lấy từ các thảo luận tay đôi với A và B cách đây nhiều năm hehehehehe).
Xem thêm: Giáo Dục và Sản Lượng
Và bài về việc hình thành HN.

Giáo dục và Sản lượng

Nếu các bạn chăm đọc báo, tôi hy vọng là hầu hết các bạn đọc báo, bởi càng ngày càng ít người đọc sách, các bạn sẽ thấy các trí thức, lãnh đạo, học giả hàng đầu xứ sở Vina suốt ngày bàn bạc tâm huyết về tương lai đất nước. Họ viết về mô hình nhà nước này, ví dụ phát triển kia. Họ nói về dân chủ, họ phê phán gốc rễ tiêu cực. Vân vân và vân vân. Toàn những chuyện quốc gia đại sự, toàn những chuyện vĩ mô, thể chế … đau đầu ù tai.
Thế nhưng rất hiếm, hoặc có lẽ không có, dù chỉ một bài viết về sản lượng của nền kinh tế trong 5, 10 và 20 năm nữa.
Càng ngày tôi chỉ càng quan tâm đến sản lượng. Sản lượng không thể nào tăng do kế hoạch, đường hướng, à cả vision của lãnh đạo nữa (cho dù vision ấy dài vật). Sản lượng của cả nền kinh tế là cái mà phải tự tăng từ mỗi cá nhân. Hoặc cùng lắm là từ các nhóm cá nhân tự cộng tác. (Cái này xin hiểu theo ý nghĩa triết học, hehehe, của trường phái tự do cổ điển Áo).
Sản Lượng của cả nền kinh tế đến từ đâu. Vẫn là từ Vốn, Lao Động và Công Nghệ.
Xứ sở Vina chắc hẳn không có tí tẹo công nghệ nào rồi. Bằng chứng là khi thế kỷ 21 đã đi qua hẳn 10 năm chúng ta vẫn chưa tự sản xuất được một cái xe đạp hoàn chỉnh và pháo hoa bắn cho đại lễ vẫn phải nhập khẩu từ một làng Bình Đà Ngoại.
Vốn lại càng không có, ngoại trừ đào mỏ để bán kèm với nông thủy hải sản, chả có vốn ở chỗ nào khác. Mỏ đào mãi sẽ hết, nông thủy hải sản thì phập phù. Và bản chất lúa gạo thủy hải sản để có sản lượng cao (và giá trị gia tăng cao) vẫn cần đến công nghệ.
Vậy tất cả những gì chúng ta có trong tay, để duy trì và (ước muốn) là tăng sản lượng, chỉ là lực lượng Lao Động.
Tôi cũng tin là “sản phẩm xuất khẩu” mang lại nhiều dollar nhất cho chúng ta, vào những giai đoạn khó khăn nhất, từ xưa đến nay chính là xuất khẩu lao động.
Thế nhưng tháp dân số, cũng có nghĩa là lực lượng lao động trong độ tuổi chín muồi, đang đổ dần về phía già nua. Hai hoặc ba mươi năm nữa, chắc chắn người đi làm sẽ ít hơn người nghỉ hưu.
Theo tôi, các duy nhất để tăng chất lượng và số lượng lao động là cải cách lại hế thống giáo dục. Nếu không cải cách giáo dục triệt để, tôi tin chắc là 20 năm nữa tất cả những gì nền kinh tế của chúng ta làm ra cũng không đủ để bỏ vào mồm cả trăm triệu con người chứ đừng nói là giàu mạnh, vượt lên trên bẫy thu nhập trung bình hay là đánh nhau với TQ để đòi lại Hoàng Sa. Hay nói cách khác, cải cách giáo dục hay là chết (cho có vẻ khẩu hiệu).
Cải cách giáo dục là cực khó, tất nhiên rồi, vì hô hào mãi, thực hiện mãi có ra cái gì đâu, càng ngày càng tệ đi. Đấy là vì làm cái mới mà không dựa vào cái cũ, mô hình cũ, giáo trình cũ…
Cách của tôi đại thể như sau. Tôi sẽ nói rất ngắn, bởi các suy nghĩ điên rồ chẳng có cái nào dài.

I. Cắt hệ giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12 ra làm 3 khúc.
Khúc 1:
Đưa lớp 1 hiện nay quay trở lại lớp Vỡ Lòng như ngày xưa. Các lớp vỡ lòng sẽ do phòng giáo dục (cấp quận, thị, huyện) quản lý. Không nằm trong các trường phổ thông, mà nằm rải rác khắp nơi. Mỗi địa điểm chỉ cần 1 hoặc 2 phòng học (tương đương với 2 hoặc 4 lớp sáng-chiều). Giáo viên cố định theo phòng học. Mỗi cô tự quản phòng học và 2 lớp học (sáng-chiều) của mình.
Sách giáo khoa sẽ là bắt buộc và thống nhất trên toàn quốc.
Các em học vỡ lòng sẽ chỉ tập đọc, tập viết, tập làm tính… Môi trường học tập cũng bé tí, các em hằng ngày đến trường chỉ biết các bạn cùng lớp mình và lớp bên cạnh.
Các lớp học phân tán nên cự li đi học sẽ rất gần. Bố mẹ không phải đau đầu đưa đón con, nhất là khi mẹ đi cấy bố vào nhà máy, đường tắc suốt ngày.
Trong trường hợp mà không có cả khả năng đi học như các vùng sâu vùng xa hoặc các hộ nghèo thì các lớp vỡ lòng cũng làm được một việc là xóa mù chữ và mù con số cho trẻ em.
Khúc 2 và Khúc 3:
Cắt các lớp từ 2 đến 8 hiện nay thành Cấp Phổ Thông (tức là sẽ thành lớp 1 đến lớp 7). Nôm na là sau khi học lớp Vỡ Lòng ở làng, ta sẽ lên xã học cấp phổ thông. Bắt đầu từ lớp 1. Đến lớp 7 thì tốt nghiệp.
Dồn các lớp 9,10,11,12 thành Cấp Trung Học và chỉ có ba lớp 8,9 và 10.
Các trường Cấp Phổ Thông sẽ bắt buộc có 7 khối từ lớp 1 đến lớp 7. Không cho làm trường cấp 1,2,3 như hiện nay. Cũng cấm luôn các trường cấp 2, 3 như hiện nay. Tóm lại, trên hệ thống chỉ còn hai loại trường. Trường Cấp Phổ Thông (1 đến 7) và Trung Học (8,9,10).
Do cấp Phổ Thông có tới 7 lớp, mà lớp 1 bước vào đã biết chữ, nên tha hồ cắt giảm các nội dung nặng về học thuật trong sách giáo khoa. Sách giáo khoa lúc này chỉ tập trung vào dạy những gì thực sự thực dụng và những môn xã hội (văn, họa, nhạc, giá trị sống) sẽ đi theo hướng gợi mở để mỗi đứa trẻ có ham muốn trở thành người tốt, chăm chỉ lao động và tôn trọng cá nhân thay vì đi theo tập thể một cách mù quáng. Sách giáo khoa có thể bắt buộc giống nhau, nhưng chỉ cỡ 80%, còn lại là theo vùng miền. Ví dụ những học sinh miền nam, cả đời không biết mùa đông, thì chỉ cần cho các em biết rằng ở miền bắc có mùa đông, chứ không nhất thiết phải yêu thích và hiểu mùa đông rồi mùa xuân hoa đào nở. Lại càng không cần biết có ông đồ già bày giấy đỏ (thực ra cũng thành dĩ vãng rồi).
Sách giáo khoa cấp Trung học sẽ không bắt buộc sử dụng của Bộ như hiện nay (100%) mà có thể chỉ cần theo khung bắt buộc (70%) còn 30% sẽ tự do nhà trường quyết định. Cái này rất quan trọng vì việc học ở Tây Nguyên hay Tây Bắc đương nhiên là khác Hà Nội và Sài Gòn. Học cấp Trung học mà được học thêm về cafe, cao su (với học sinh Dak Lak) đương nhiên là quý hơn học Văn học Pháp hay Lịch Sử Thế Giới. Việc này còn kéo theo thay đổi phương pháp giảng dạy và qua đó tạo sự cạnh tranh giữa các trường cấp Trung học, đặc biệt là giữa các trường elite.
II. Phân khúc lao động
Tốt nghiệp Phổ Thông
+ Nếu học khá (điểm tốt nghiệp hoặc điểm GPA) và có nguyện vọng học tiếp sẽ được học lên lớp 8 (cấp Trung học).
+ Nếu học kém hoặc không có nguyện vọng. Tốt nghiệp luôn sự nghiệp học chữ ở đây và chuyển qua học nghề. Ở đây sẽ xuất hiện các trường sơ cấp và trung cấp nghề. Học 2 năm xong (tốt nghiệp là 16.5 tuổi) có thể tham gia lao động được. Sự thực thì hầu hết các nghề nghiệp mà chúng ta gặp hằng ngày (sửa xe máy, cắt tóc, massage, chữa điện nước …) không cần phải đi học hết lớp 12 rồi mới đi học nghề để làm. Sẽ là một sự lãng phí nguồn lực xã hội không lồ để đào tạo một người (học 12 năm) rồi đi làm nghề photocopy.
+ Trong trường hợp đi nghĩa vụ quân sự thì việc học nghề xong rồi nhập ngũ cũng có lợi cho toàn bộ ngành quốc phòng nói chung.
+ Còn để xuất khẩu lao động thì còn gì bằng nữa.
Tốt nghiệp Trung học
+ Tốt nghiệp trung học xong, nôm na là cầm cái bằng Tú Tài như ngày xưa, là có thể đi làm công chức (cấp thấp) ở công sở. Chả có lý do gì một cô receptiont nghe điện thoại và nhận công văn ở cơ quan cấp Bộ mà phải học đại học hoặc cao đẳng cả. Hay là các cô cán bộ ở Phường suốt ngày làm việc với giấy tờ lẩm cẩm của công dân mà phải có bằng đại học.
+ Nếu cần làm một nghề gì có chuyên môn, ví dụ kế toán hay y tá, thì tiếp tục đi học hệ cao đẳng nghề (2 hoặc 3 năm)
+ Nếu có khả năng và nguyện vọng học cao hơn nữa thì vào đại học như xưa nay vẫn thế.
Liên thông
Nếu những người vì lí do nào đó phải rẽ nhánh từ cấp Phổ Thông đi học nghề, nếu sau này có nhu cầu và khả năng học tiếp, thì sẽ có các hệ liên thông từ trung cấp nghề lên cao đẳng nghề. Nếu muốn đi học đại học thì sẽ thiết kế một chương trình học chuyển đổi kéo dài một năm để chuyển từ cao đẳng thành hết Đại học đại cương.
III. Kiểm định vùng và sách giáo khoa
Sách giáo khoa chỉ do Bộ soạn thảo như hiện nay, lại thống nhất giống nhau trên toàn quốc, đương nhiên là phản khoa học. Khỏi phải bàn nhiều.
Nhưng cho tư nhân làm giáo trình giáo án thì cũng sẽ là tự sát nếu không quản chặt. Vả lại nếu mỗi trường (tư) dạy một kiểu (giả sử sách giáo khoa, giáo trình, giáo án của tư nhân là tốt) thì làm sao học sinh có thể chuyển từ trường này qua trường khác. Thậm chí giáo viên cũng không chuyển trường được.
Giải pháp ở đây là Vỡ Lòng phải giống nhau 100% trên cả nước. Học lên cao dần thì bớt dần sự giống nhau đi. Nhưng sự khác nhau chỉ khác giữa các vùng/miền là chính. Các trường cùng vùng thì nên dạy giống nhau.
Vina có thể chia thành 6 vùng giáo dục: Tây Bắc, Miền Bắc, Miền Trung, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Mỗi vùng có Hội đồng kiểm định giáo dục vùng. Do hiểu đặc trưng địa lý, kinh tế và văn hoá vùng của mình, hội đồng kiểm định giáo dục vùng sẽ là nơi hiểu nhất nhu cầu học và khả năng dạy của địa phương. Cũng sẽ là nơi giám định khắt khe nhất do ở rất gần địa phương.
Hội đồng kiểm định giáo dục cấp vùng sẽ quyết định, thẩm định và xét duyệt nội dung sách giáo khoa dùng trong vùng. Kiểm định phương pháp và chất lượng giảng dạy (bao gồm cả hạ tầng cơ sở). Đánh giá và phân loại trường.
Tức là tách phần Sgk và thanh tra giáo dục ra khỏi Bộ. Bộ lúc này chỉ quản phần core của sách giáo khoa, cấp kinh phí và quản lý khối trường công lập.
IV. Những suy nghĩ dở
Về nguyên tắc, mô hình giáo dục như trên là một thụt lùi về so với tiến hóa của nhân loại. Nhưng của đáng tội, nó rất phù hợp với sự tiến hóa nửa mùa chất chứa vô cùng nhiều sai sót và khiếm khuyết không thể khắc phục được của nền giáo dục Vina.
Tôi suy nghĩ nhiều: rằng mô hình đào tạo kia có vô nhân đạo hay không? Nhưng có vẻ như nó lại rất nhân đạo hehe. Nó mở ra cơ hội cho tất cả những ai không muốn học (hoặc không có khả năng đi học, ví dụ như nhà nghèo hoặc không có năng khiếu học tập) sớm có cơ hội bước chân vào đời thay vì mài đũng quần trên ghế nhà trường tốn không biết bao nhiêu tài nguyên xã hội. Hơn thế nữa, giới trẻ bây giờ đã chán không muốn học mà vẫn phải đi học. Trong lúc nhà trường lại quá tải. Tất yếu sẽ dẫn đến các việc kiểu như đánh nhau, lột áo nhau rồi quay phim tung lên mạng. Hay đua xe nghiện hút.
Mô hình này cũng giảm bớt sức ép lên các trường cấp III như hiện nay. Trường cấp III quá tải dẫn đến việc dạy dỗ như dở hơi, tác động xấu đến tương lai gần và xa của xã hội là không thể nào kể hết được. Các bạn có tin rằng cứ như thế này mãi thì sẽ đến một ngày nào đó mở TV ra toàn thấy Lậm Văn Sai không?
Mô hình này nó sẽ tự động phân loại cá nhân theo khả năng và ý muốn cá nhân của mỗi công dân trong xã hội ngay từ khi họ bắt đầu có nhận thức thực sự về sự tồn tại của mình và vai trò của mình. Họ gần như được tự do lựa chọn dựa trên điểm số và sở thích làm gì. Ở giai đoạn này thực ra gia đình gần như không gây sức ép gì được, nhà trường lại càng không. Cái khó của mô hình này ở chỗ các trường nghề phải đủ lớn để hứng tới, có lẽ, 2/3 số học sinh, đặc biệt là ở các vùng xa đô thị. Nhưng điều này thị trường tự nó điều tiết được. Đơn giản là vì vùng nào thường gắn với nghề nấy. Ở Hà Nội đương nhiên sẽ không có trường dạy nghề liên quan đến cafe, còn Daklak đương nhiên sẽ không có trường dạy nghề thủy hải sản.
Mô hình này cũng làm giảm sức ép đầu vào cho Đại Học. Chắc chắn lúc đó người ta chỉ học đại học khi đủ điều kiện và thực sự cần học. Các đại học lởm như hiện nay đương nhiên là biến mất. Đại học sẽ dễ chuyển qua làm nghiên cứu nhiều hơn, thay vì chỉ giảng dạy (và giảng dạy cũng như dở hơi) như hiện nay.
Mô hình này cho phép lao động phổ thông tham gia vào thị trường lao động sớm hơn. Thực ra hiện nay ở những miền lạc hậu như miền tây, người ta cũng bỏ học từ lớp 7 lớp 8 để hành nghề tự do, hoặc lên thành phố làm những nghề dễ kiếm tiền mà không cần rèn luyện nhiều như … massage. Vậy nên khi quy việc phổ cập giáo dục bắt buộc xuống hệ phổ thông 7 (cộng vỡ lòng) thì bản chất sẽ công bằng về mặt giáo dục hơn đối với hầu hết người Việt. (Tức là không còn phân biệt đối xử vì bỏ học đi làm nữa).
Với việc địa phương hóa sách giáo khoa và phương pháp dạy học ở trường Trung học, học sinh tốt nghiệp có thể đi làm được ngay, thậm chí sau khi học thêm một khóa huấn luyện ngắn theo kiểu cấp chứng chỉ hành nghề là có thể làm được một vài chuyên môn nhất định.
Vai trò của Bộ Giáo Dục giảm thiểu đi nhiều. Nó sẽ chỉ tập trung vào quản lý chất lượng dạy học của các trường, thay vì ngồi nghĩ hộ hàng chục triệu con người là học cái gì thì tốt cho chúng mày, và chúng mày nên được dạy dỗ ra sao thì tốt cho chúng tao.
Vai trò của hệ thống vỡ lòng sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên là xóa mù, haizz, thế kỷ 21 mà nói chuyện xóa mù thì quả là kỳ cục, nhưng quả thực là như vậy. Thứ nhì là đứa trẻ khi thực sự đến trường (lớp 1) nó và gia đình sẽ biết là chặng đường tối thiểu cần phải đi chỉ chỉ còn … 7 năm nữa. Sau đó chỉ cần học nghề sơ cấp (hơn 1 năm) hoặc trung cấp (2 năm) là có thể kiếm tiền giúp gia đình được rồi. Đồng thời nếu muốn học lên nữa, khi có điều kiện, thì vẫn còn cửa liên thông lên cao đẳng hoặc đại học. Trong trường hợp học khá hoặc muốn làm công chức, thì con đường 3 năm nữa (trung học) cũng là cái có thể …cố được vì học trung học nói chung vẫn là gần nhà, ăn cơm nhà.
Với mô hình lớp Vỡ Lòng, tuổi đến trường có lẽ không cần bắt buộc là 6 tuổi như hiện nay mà có thể sớm hoặc muộn hơn tùy theo gia cảnh. Nếu bố mẹ muốn con học sớm, hoặc vì phải cho con học sớm thì 5 tuổi đi học cũng được. Hoặc ngược lại. Đồng thời cho phép đúp (học lại) vỡ lòng 2 lần. Kiểu nhồi chữ cho chắc. Tuổi đến trường sớm hơn sẽ giúp tuổi tốt nghiệp trung học và vào đại học sớm hơn, tuổi tốt nghiệp sẽ sớm hơn, thời gian cống hiến cho xã hội dài hơn. Với trường hợp rẽ nhánh sau Phổ thông thì khả năng đi làm trước 16 tuổi là cao (giả sử 4.5 tuổi đã vào Vỡ Lòng), cái này hơi vô nhân đạo theo quan điểm xã hội bình thường, nhưng ở nước nghèo như nước ta, bán vé số từ bé tí, thì 16 tuổi đi làm cũng chả là vấn đề qué gì ghê gớm.
Về việc để tư nhân tham gia làm sách giáo khoa. Cái này tôi đương nhiên là ủng hộ. Các bạn có thể xem thêm mục III ở trên bài viết. Chỉ xin lưu ý thêm ở đây là không thể khoán trắng cho tư nhân làm vì sẽ tai nạn ngay. Tư nhân trình độ không đều, có một số rất giỏi, đa phần là xoàng. Chưa kể rất ít doanh nhân cân bằng được đạo đức và lợi nhuận. Tuy nhiên in the long run, hehehe, thì nên để tư nhân tham gia rộng và sâu vào giáo dục.
Quay lại ý chính của bài viết. Mục đích cải tổ giáo dục (của cá nhân tôi) là để tăng sản lượng của nền kinh tế trong 5, 10 và 20 năm tới. Nếu không cải tổ, chắc chắn chúng ta sẽ gặp vấn đề về chất lượng và số lượng lao động trong 20 năm tới. Có khả năng lúc đó cái làm ra sẽ không đủ để ăn vì người già về hưu nhiều hơn người đang đi làm.
Về tuổi lao động. Theo mô hình hiện nay, ví dụ tính theo lao động có trình độ trung cấp nghề, thì 20 tuổi mới bắt đầu đi làm. Còn theo mô hình của tôi thì khoảng 18 tuổi. Con số này tôi nghĩ là hợp lý. Còn nếu thấp hơn, ví dụ sơ cấp hoặc hành nghề tự do thì hơi khó tính tuổi. Tuy nhiên hiện nay nếu về quê, vùng sâu vùng xa, hoặc thậm chí ngay vỉa hè ở thành phố, sẽ thấy trẻ em đi làm sớm lắm (đánh giày, bán vé số, rửa bát, trông xe).
Nếu các bác đọc báo thì sẽ thấy hiện nay mỗi năm có khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp cấp III (con số hơi choáng đấy). Trong đó có 100 ngàn là vào được các trường đại học có chất lượng tàm tạm.
Theo mô hình của tôi thì con số 1 triệu học sinh tốt nghiệp cấp III kia sẽ chỉ còn lại tầm 600 ngàn là cùng. Sẽ giảm tải rất nhiều cho hệ thống cấp III hiện nay, tức là hệ Trung học (8,9,10) như trong mô hình của tôi. Giảm tải, tự thân nó, đã làm việc học và dạy học trở nên tốt đẹp hơn. Việc giảm tải này cũng sẽ thúc đẩy sự ra đời của các trường elite kiểu như một số trường boarding đỉnh cao ở Mỹ, ví dụ Phillips Exeter Academy, nơi mà việc dạy và học cực kỳ khoáng đạt và trí tuệ, không giống bất cứ chỗ nào khác trên thế giới.
Về việc dồn 4 lớp 9-10-11-12 thành 8-9-10 thì các bạn đừng lo là nặng. Vì chương trình bây giờ học nặng dã man, phần toán chẳng hạn, phải bằng năm thứ 2 đại học ở Tây. Riêng cắt bớt những cái nặng về Toán Lý Hóa, rồi các phần thừa trong văn học, lịch sử … đi là vừa.
Một điểm nữa, là sau khi áp dụng mô hình này khoảng 20 năm, ta sẽ sửa đổi nó để tái tiếp cận lại với tiêu chuẩn đào tạo văn minh của thế giới. Vì lúc đó nền kinh tế của ta chắc cũng qua được cái bẫy thu nhập trung bình rồi.
Và còn nhiều suy nghĩ nữa …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét