Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Tại sao chính quyền CSVN vẫn tồn tại và họ còn tồn tại bao lâu? - Có hay không “quyền lực của nhân dân”? - Yanukovych – kẻ trộm cắp tầm quốc gia

Tại sao chính quyền CSVN vẫn tồn tại và họ còn tồn tại bao lâu?


Nam Phương phỏng vấn TS Nguyễn Mạnh Hùng
Hỏi: Dù có rất nhiều áp lực của quần chúng hơn bao giờ hết và ngay cả trong nội bộ đảng, tại sao chính quyền CSVN vẫn tồn tại? Và họ còn tồn tại bao lâu? Hay các áp lực quá yếu nên sẽ không có gì thay đổi?
Đáp: Quả thật chính quyền CSVN đang chịu áp lực thay đổi ngày càng gia tăng; áp lực ấy còn lớn hơn các áp lực đã làm xụp đổ các chế độ cộng sản Đông Âu cuối thập niên 1980. Ở Đông Âu, đó là kết hợp của đòi hỏi tự do dân chủ với chủ nghĩa dân tộc bởi vì người dân cho rằng chính quyền của họ quá lệ thuộc vào Nga Xô. Hai yếu tố ấy đều có ở Việt Nam ngày nay, cộng thêm với bất mãn của quần chúng đối với nạn tham nhũng lan tràn, tình trạng bất công xã hội, khoảng cách giàu-nghèo quá lớn, và bất mãn của nông dân trước hành động chiếm đất mà không có bồi thường thỏa đáng của chính quyền đôi khi đẩy người ta vào tình trạng tuyệt vọng. Với những áp lực ấy, chính quyền cộng sản như đang ngồi trên một thùng thuôc súng, nó có thể nổ tung bất cứ lúc nào. Hiện tượng ”tức nước vỡ bờ” chỉ trong vòng 2 tháng đã làm xụp đổ chính quyển độc tài ở Tunisia đầu năm 2011 là một đe dọa thường trực đối với chế độ hiên hữu ở Việt Nam.
Lý do chính khiến chế độ CSVN tồn tại vì họ kiểm soát được phương tiện đàn áp và dám xử dụng phương tiện ấy. Đó là lý do khiến cho cuộc tranh đấu của sinh viên Trung Quốc ở Thiên An Môn năm 1989 và cuộc “cách mạng áo cà sa” (saffron revolution) ở Miến Điện năm 2007 bị rập tắt, trong khi các đòi hỏi lật đổ độc tài lai thành công ở Đông Âu.
Nếu không phải là nhà tướng số và tin tướng số thì khó ai dám đoán chắc chính quyến CSVN còn tồn tại được bao lâu, chỉ biết với những áp lực kể trên, nó không thể tồn tại mãi mãi dưới hình thức này.
Áp lực thay đổi ở Việt Nam hiện này chưa đủ mạnh để chính quyền trùn tay trong việc xử dụng phương tiên đàn áp, nhưng không đủ mạnh không có nghĩa là nó cứ yếu mãi. Tương quan giữa cố gắng duy trì nguyên trạng và áp lực thay đổi có ảnh hưởng hỗ tương. Quần chúng càng bất mãn thì áp lực đàn áp hoặc thay đổi càng gia tăng, đến một lúc nào đó khả năng kiểm soát phương tiện đàn áp và ý chí sư dụng phương tiện ấy sẽ kém đi. Lúc ấy thay đổi sẽ đến, hoặc bằng thương thuyết và tương nhương như trường hợp Đông Âu, hoăc bạo loạn như trong “Mùa Xuân Á Rập.”
Hỏi: Làm sao để có dân chủ thực sự ờ Việt Nam?
Đáp: Đây là một câu hỏi chính đáng nhưng khó có câu trả lời khiến mọi người thỏa mãn. Vả chăng, nói thì dễ mà làm thì khó. Tôi xin trả lời câu hỏi của ông trong tinh thần ấy và trong giới hạn sự hiểu biết của tôi.
Hiện nay, Việt Nam đang sống trong một chế độ độc tài, độc đảng; nghĩa là không có dân chủ. Muốn có dân chủ thì trước hết phải gỡ bỏ chế độ ấy đi. Có 4 phương cách chính để thay đổi chế độ. Cách thứ nhất là cải tổ từ bên trên, như ở Nga dưới thời Gorbachev, Đài Loan dưới thời Tưởng Kinh Quốc. Cách thứ hai là bẳng điều đình, tương nhượng (đôi khi xảy ra sau các cuộc biểu tình, xuông đường, và đàn áp), như ở Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đại Hàn. Cách thứ ba là bẳng bạo loạn bộc phát, lật đổ như ở Tunisia, Lybia, và Ai Cập. Cách thứ tư có thể, có thể thôi, là bằng một cuộc nội chiến như đang xảy ra ở Syria.
Kinh nghiệm chuyển đổi thể chế độc tài từ Đông Âu, qua Bắc Á dến Trung Đông cho thấy chuyển đổi qua phương thức hòa bình dễ dẫn đến dân chủ hơn là qua bạo loạn vì bạo loạn, nếu kéo dài, thường tạo điều kiên cho sự phát triển của những phong trào quá khích với những lãnh tụ quá khích. Vì thế, tầm nhìn, khả năng, và sư chọn lựa của nhà lãnh đạo chính quyền đương nhiệm cũng là yếu tố rất quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa.
Lật đổ hay thay thế được chế độ độc tài không nhất thiết dẫn đến chế độ dân chủ. Dân chủ không phải là hậu quả tự nhiên hay tất yếu của sự xụp đổ một chính quyền độc tài. Dân chủ cũng không nhất thiết là kết quả của một cuộc bàu cử tự do. Đôi khi cuộc bàu cử tự do sau cách mạng có thể dẫn đến một chính phủ do đại đa số bàu lên, nhưng lại không phải là một chính quyền dân chủ, như trường hợp Iran dưới các ayatollahs, và Ai Cập dưới sự lãnh đạo của Muslim Brotherhood . Người ta gọi hiện tượng này là dân chủ phi tự do (illiberal democracy). Hơn nữa, dân chủ cũng không nhất thiết đưa đến một chính quyền hữu hiệu, một điều kiện rất cần thiết của một quốc gia chậm tiến. Những gì xảy ra ở Ai Cập và sự tê liệt của chính quyên Mỹ trong thời gian gần đây bắt nguồn từ đòi hỏi của các chính trị gia quá khích là những trường hợp điển hình.
Việc xây dựng dân chủ sau thời cộng sản là một công tác quan trọng và khó khăn chẳng kém gì việc lật đổ chế độ. Vậy, thế nào là dân chủ, và dân chủ đòi hỏi những điều kiện gì?
Các học giả không đồng ý với nhau về số điều kiện cần có của nền dân chủ. Có người đề nghị 8 điều kiện (như Robert A. Dahl), có người đúc kết thành 3 điều kiện (như Georg Sorensen). Nói chung, dân chủ đòi hỏi những yếu tố cốt lõi tối thiểu sau đây:
1. Dân chủ, nói nôm na, là người dân phải làm chủ mình. Điều này có nghĩa là người dân có quyền tham dự vào việc làm chính sách công (public policy) có ảnh hưởng đến họ. Nhưng, trừ trường hợp trưng cầu dân ý, không phải lúc nào người dân cũng có thể trực tiếp tham dự vào việc làm chính sách chung, cho nên họ phải có quyền bàu người đại diện cho họ làm chuyện ấy. Việc này được thực hiện qua thể thức bàu cử tự do.
2. Trong cuộc bàu cử này, người dân phải có sự lựa chọn thực sự. Điều này có nghĩa là phải có sự cạnh tranh giữa những người và tổ chức muốn đại diện cho dân. Chế độ độc đảng không thể là một chế độ dân chủ.
3. Dân chủ có nghĩa là chính sách công phải phản ánh sự lưa chọn của đa số, nhưng quyền bất đồng chính kiến của thiểu số phải được bảo vệ, vì khi hoàn cảnh hay nhu cầu thay đổi, phe thiểu số hôm nay có thể trở thành đa số ngày mai. Điều này có nghĩa là các quyền căn bản của người dân phải được luật pháp và thủ tục chính trị bảo vệ.
Để tránh lạc đường vào một nền dân chủ phi tự do, ba điều kiện tối thiểu của một nền dân chủ đích thực là: bàu cự tự do, cạnh tranh chính trị, và tôn trọng các quyền căn bản và bất khả xâm phạm của người dân.
Lý thuyết là như vậy, nhưng làm thế nào để áp dụng lý thuyệt ấy vào thực tế?
Đối với những quốc gia chậm tiến về phương diên chính trị, thì trong lúc ban đầu, yếu tố quan trọng nhất là tầm nhìn, bản lãnh, khả năng của các nhà lãnh đạo chính trị. Đó là lý do tại sao cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ 1776, dù các nhà lập quốc không hoàn toàn đồng ý với nhau về bản chất và quyền hạn của chính quyền liên bang, vẫn đem đến ngay một nền dân chủ vững vàng, trong khi cuộc Cách Mạng Pháp 1789 phải trải qua một thời kỳ cực quyền mới đi đến dân chủ. Gần đây hơn, cái nhìn sáng suốt và cải tổ chính trị ngay trong nội bộ Quốc Dân Đảng của Tưởng Kinh Quốc đã giúp cho Đài Loan chuyển đổi tương đối ôn hòa từ một chế độ độc tài sang chế độ dân chủ. Ở Đại Hàn, cạnh tranh và tương nhượng giữa Roh Tae Woo, Kim Young Sam, và Kim Dae Jung sau những cuộc biểu tình và đàn áp đẫm máu cũng giúp cho nước này đi từ một chế độ độc tài sang dân chủ. Tiến trình này có thể đang xảy ra ở Miến Điện.
Cuộc tranh đấu lật đổ chế đô độc tài có nhiều triển vọng thành công hơn nếu phong trào chống đối được lãnh đạo bởi một nhân vật có tầm vóc và trí tuệ, trung thành với quy luật dân chủ, và được sự ủng hộ của quần chúng cũng như sự kính nể, dù miễn cưỡng, của một số người lãnh đạo chính quyền độc tài, như Vaclav Havel ở Tiệp Khắc. Càng tốt hơn khi nhân vật này được hậu thuẫn bởi một lực lượng có tổ chức và đoàn kết, như Lech Walesa ở Ba Lan, Nelson Mandela ở Nam Phi, Kim Dae Jung ở Đại Hàn. Sức mạnh của tổ chức không những chỉ quan trọng trong khi tranh đấu mà còn ngay sau khi chính quyền độc tài bị lật đổ. Nếu những người hay tổ chức tranh đấu cho dân chủ không đoàn kết , chia rẽ nhau, và không thu phục được sự ủng hộ của quần chúng thì cuộc tranh đấu của họ dễ bị “cướp tay trên” bởi những thành phần phản dân chủ.
Vì vai trò của nhà lãnh đạo lúc đầu quan trọng như thế, họ thường được dân chúng thán phục và ủng hộ, và họ dễ biến thể từ một nhà dân chủ thành một nhà đôc tài, nếu họ không tư chế và không có lực lượng kìm hãm họ. Nước Mỹ có thể không có những cuộc bàu cử Tổng Thống đều đặn như ngày nay nếu George Washington không cương quyết từ chối mọi đề nghị ông tiếp tục ứng cử Tổng Thống khi nhiệm kỳ chấm dứt. Người ta cho rằng sau khi đánh thắng quận Anh giành độc lập cho nước Mỹ, tướng George Washington được toàn dân biết ơn và ngưỡng mộ đến nỗi họ có thể bằng lòng cho ông làm vua nước này, nếu ông muốn.
Tuy yếu tố cá nhân lãnh đạo quan trọng như thế, một nền dân chủ bền vững còn đòi hỏi nhà lãnh đạo phải xây dựng định chế mạnh để nó có thể tồn tại sau khi mình rời chính quyền và có khả năng duy trì ổn định chính trị dù dưới một nhà lãnh đạo không xuất chúng. Đó là lý do tại sao Mustafa Kemal được ghi công là người không những đã đem lại độc lập và canh tân cho Thổ Nhĩ Kỳ mà còn lập ra mỗt đảng chính trị, Đảng Cộng Hòa Nhân Dân (Republican People’s Party) và cho phép sự thành lập một đảng đối lập, Đảng Cộng Hòa Cấp Tiến (Progressive Republican Party) làm nền móng cho chế độ đa đảng tiếp tục sứ mệnh canh tân đất nước sau khi ông qua đời.
Đó là những bài học lịch sử, nó có thể giúp cho người ta tránh được những lỗi lầm. Đó là lý thuyết. Áp dụng lý thuyết như thề nào để đem đến dân chủ đích thực và bền vững cho Việt Nam tùy thuộc vào khả năng, tầm nhìn, và sự chọn lựa của các nhà tranh đấu cũng như của các nhà lãnh đạo chính quyền đượng nhiệm. 
Người Việt
Xuân Giáp Ngọ 2014 (trang 184-185)

Cánh Cò - Có hay không “quyền lực của nhân dân”?

Cư dân mạng Việt Nam hào hứng theo dõi diễn tiến tại Ukraine không khác gì theo dõi giải bóng đá thế giới. Chỉ khác một điều các cầu thủ đổ mồ hôi cho chiến thắng với chiếc cúp vô tri còn đằng này thì người dân Ukraine lại đổ máu cho nguyện vọng chính đáng của họ mà phần thưởng là: thoát ra khỏi gọng kềm ác nghiệt của nước Nga.
Chiều ngày hôm qua 22 tháng 2, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu bãi nhiệm Tổng thống Viktor Yanukovych bằng số phiếu 387/450 với lý do ông này đã không thi hành đúng theo như hiến pháp quy định, lạm dụng quyến lực đe dọa đến sự toàn vẹn chủ quyền của quốc gia.

Nói một cách khác Quốc hội đã truất phế Tổng thống Viktor Yanukovych vì đã coi thường hiến pháp và lạm dụng quyền hành của một tổng thống để tiến tới bắt tay với Nga, từ chối tham gia liên minh EU bất kể quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân Ukraine .
Giống như trận chung kết của giải bóng đá thế giới, tiền đạo Viktor Yanukovych đã bị việt vị, rời bỏ đồng đội chạy trước trái banh khi nghĩ rằng 15 tỷ mà Nga hứa sẽ giải quyết vấn đề sinh tử của Ukraine . Người dân đã thổi còi và đuổi ông ta ra khỏi sân, trận đấu tiếp tục với một cầu thủ khác vào thay: Yulia Tymoshenko.
Trong khi Tổng thống Viktor Yanukovych cố gắng tìm đường trốn khỏi đất nước thì từ nhà tù người nữ chính trị gia xinh đẹp, nguyên Thủ tướng của Ukraine, nạn nhân của Viktor Yakukovych với bản án 7 năm tù giam trước đây được người dân chào đón như một ngôi sao của Ukraine . Yulia
Tymoshenko đang tỏa sáng trở lại trên bầu khí quyển chính trị của đất nước này mặc dù không phải ai cũng ủng hộ bà vì trong khi giữ chức thủ tướng bà cũng bị cáo buộc nhiều vấn đề có liên quan đến khả năng điều hành đất nước. Nhưng dù sao trong lúc Ukraine bùng vỡ niềm tin cách mạng thì bà là gương mặt duy nhất có thể hướng dẫn quần chúng trong một giai đoạn nhất định.
Tượng Lenin lại tiếp tục bị kéo sập tại Khmelnitsky như thường thấy sau khi một đất nước theo Nga sụp đổ. Biệt cung, tài sản của Viktor Yanukovych bị người dân kiểm soát, số phận ông ta không khác gì các nhà độc tài của thế giới trong cuộc cách mạng hoa nhài trước đây.
Trong khi nhân dân Ukraine nhảy múa reo mừng thì nhân viên nội vụ dưới thời Yanukovych lôi hàng đống tài liệu mật ra đốt để phi tang tránh những cáo buộc sau này khi bị dẫn ra trước tòa, nhất là tội đồng lõa bắn vào người biểu tình hay bắt bớ trái phép những người bất đồng chính kiến của đảng đối lập.
Trong khi tiếng còi trọng tài báo cho khán giả biết Ukraine là nhà vô địch thì người xem Việt Nam lại có thái độ rất khác: buồn lòng khi nhìn lại đất nước của mình.
Nhiều người hỏi nhau: bao giờ mới tới Việt Nam? Rồi cũng có người trả lời: đừng hỏi bao giờ khi chính anh hay chị không đưa lên một ngón tay nào cho đất nước từ nhiều chục năm qua thì làm sao có thể kích hoạt được một cuộc cách mạng nào cho dù nhỏ nhất?
Hỏi và trả lời đều có nỗi đau của nó.
Công bằng mà nói cả hai phía đều ấp ủ sự mong mỏi mong thấy một cuộc cách mạng tương tự như Ukraine tại Hà Nội hay Sài Gòn. Cuộc cách mạng ấy đã có sẵn lý do, tuy nhiên con người và tình thế chưa thể nảy sinh một đốm lửa làm mổi cho nó bùng nổ.
Nếu nước Nga của Putin là nguyên nhân chính làm cho nhân dân Ukraine nổi dậy chống Tổng thống Viktor Yanukovych thì Trung Quốc cũng là nguyên nhân không thể chối cãi khiến nhân dân Việt Nam rồi cũng sẽ nổi lên chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cuộc đàn áp đẫm máu của Stalin đã giết chết hàng triệu người dân Ukraine nổi dậy vì đói khi cộng sản Nga đưa ra chính sách tịch thu lúa mì và khoai tây của người Ukraine đã làm cho dân tộc này chìm trong đói khát. Bắt đầu từ đó, nỗi căm phẫn đã khiến dân chúng phía Tây nước này vốn theo chủ nghĩa dân tộc đã có thâm thù suốt ba mươi năm đối với Nga mặc dù về phía Đông nhóm người gốc Nga đã trở thành người Ukraine sau nhiều chục năm sống và nghiễm nhiên thành công dân Ukrain một cách bất đắc dĩ.
Phía Đông âm thầm ủng hộ tổng thống Viktor Yanukovych tiến gần với Putin bao nhiêu thì càng kích thích lòng căm phẫn của người phía Tây bấy nhiêu.
Giống như Việt Nam. Nếu 90 triệu đồng bào có ký ức sâu đậm về những cuộc xâm lăng của Trung Quốc liên tục trong hàng ngàn năm qua và được tô đậm thêm sau những cuộc chiến như Hoàng
Sa-Trường Sa và nhất là Biên giới phía Bắc thì không ai chấp nhận một cuộc hôn nhân gượng ép, tẻ nhạt để đất nước luôn lâm vào cảnh trên đe dưới búa mà nguồn lợi thực sự không phải đến với quốc gia dân tộc nhưng chỉ chảy vào túi của một thiểu số cầm quyền.
Cái thiểu số cầm quyền Việt Nam ấy giống y khuôn đúc trường hợp của Viktor Yanukovych hiện nay.
Với lý do ổn định để phát triển, Việt Nam tiến tới sát với Trung Quốc qua những hợp đồng ưu tiên khai thác khoáng sản, nhập siêu khổng lồ, du nhập hàng hóa vô tội vạ bất kể sự phá sản của doanh nghiệp nội địa vì không thể canh tranh với hàng giá rẻ của Trung Quốc...tất cả đổi lại sự ổn định chính trị, tức cái ghế của đảng.
Nhưng Biển Đông mới chính là điểm nóng có thể làm thành ngòi nổ cho Việt Nam. Và Biển Đông là nỗi thèm muốn không gì có thể thay thế của Bắc Kinh, kể cả sự trung thành của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hơn ai hết Trung Quốc nắm rất rõ tử huyệt này vì lịch sử đã nhiều lần chứng minh như thế. Trung Quốc chần chừ chưa dứt điểm là do không muốn khuấy động dân chúng Việt Nam vốn không phải là những cái đầu dễ nắn trong hoàn cảnh hiện nay. Mặc dù Bắc Kinh không hề đánh giá cao năng lực lãnh đạo Việt Nam có thể đè nén người dân một cách hiệu quả nhưng hướng dẫn quần chúng vào quỹ đạo Trung Quốc như hiện nay thì họ tỏ ra rất tốt cho Trung Quốc rảnh tay đối phó với các sắc dân khác như Tây Tạng hay Tân Cương.
Cái hay của nhân dân Việt Nam là rất giỏi đối phó với ngoại xâm bằng tầm vông vạt nhọn, bằng du kích nắm lưng quần của giặc mà đánh hay tiêu thổ, kháng chiến trường kỳ tiêu hao sức giặc. Tuy nhiên làm sao lấy thuyền thúng bơi ra Trường Sa đánh giặc mới là chuyện đáng nói.
Từ câu hỏi này có lẽ sẽ nảy sinh ra việc phải tự bảo vệ đất nước ngay từ bây giờ trước khi quá muộn. Yêu cầu đảng cộng sản “step down” như người dân Venezuela quá chán chê với học trò của Hugo Chavez đang dẫn dắt đất nước này vào chốn mê cung của Chủ nghĩa xã hội không tưởng.
Đòi hỏi ấy có lẽ khó thực hiện đối với đảng Cộng sản hiện nay nhưng mấy ai tin một đất nước được Nga đỡ đầu như Ukraine mà Tổng thống lại phải bỏ chạy trước người dân không tấc sắt trong tay, chỉ lấy chính vũ khí của nhà cầm quyền để chống lại họ?
Cánh Cò
(RFA Blog's)

Lãnh đạo VN có thể thấy gì từ Ukraine?

Lãnh đạo Việt Nam có thể có sự lựa chọn từ một nhìn nhận tích cực, hoặc trái lại là tiêu cực từ biến động đang diễn ra hiện nay ở Ukraine để áp dụng vào tình hình trong nước, theo một cựu quan chức thuộc ngành ngoại giao của Việt Nam.
Góc nhìn tích cực là chiêm nghiệm quy luật nhân quả trong ứng xử đối với các nguyện vọng của nhân dân và nhân dân, tránh các sai lầm bạo lực, trong khi cách nhìn tiêu cực có thể là việc tiếp tục thiên về hướng học hỏi cách thức đàn áp, năng chặn dân chủ và các phong trào của nhân dân một cách tham vọng hơn, theo ông Đặng Xương Hùng, nguyên Phó Vụ trưởng, Bộ Ngoại giao, nguyên Lãnh sự Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ.
Người biểu tình đốt ảnh của ông Yanukovych trong lúc Quốc hội Ukraine chỉ định quyền Tổng thống.
Trao đổi với BBC hôm 23/2/2014 trên tư cách một nhà quan sát, một cựu quan chức từng có nhiều năm làm việc trong ngành ngoại giao và ở châu Âu, ông Xương Hùng nói:
"Ukraine cũng là bài học để mà họ có thể nhìn, nếu học tích cực hơn, thì họ nhìn theo một quan điểm tích cực, tức là quan hệ nhân - quả,
"Tôi muốn nói tới quan hệ ai bắn vào nhân dân... chính người đó sẽ là những người có tội với nhân dân với đất nước,
"Còn nếu họ không nhìn theo hướng tích cực, họ sẽ rút ra ở đấy những bài học về đàn áp, bài họ về làm sao ngăn chặn tất cả những sự bùng lên của nhân dân, rồi bài học về sự gọi là có những thay đổi nhất định để có thể mị dân, để có thể làm dịu đi tình hình của nhân dân."
'Đảng đang cân nhắc gì?'
"Còn nếu họ không nhìn theo hướng tích cực, họ sẽ rút ra ở đấy những bài học về đàn áp, bài họ về làm sao ngăn chặn tất cả những sự bùng lên của nhân dân, rồi bài học về sự gọi là có những thay đổi nhất định để có thể mị dân, để có thể làm dịu đi tình hình của nhân dân"
Theo ông Xương Hùng, nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam có những phân hóa trong cách nhìn và xử trí các vấn đề về khủng hoảng, biến động chính trị, hoặc các làn sóng dân chủ đòi cải tổ, dân chủ, nhân quyền trong nước.
Ông nói: "Bất cứ một thời điểm nào ở trong lực lượng lãnh đạo Việt Nam cũng có những xu hướng nhìn nhận khác nhau, tuy nhiên, họ thống nhất ở cái là bộc lộ ra phía ngoài... thì thống nhất, nhưng phía trong không hẳn trong giới lãnh đạo Việt Nam có thể thống nhất được làm sao để khỏi xảy ra những binh biến, làm sao tiếp tục duy trì chế độ hiện nay,
"Nhưng mà rồi sau đó tìm ra những biện pháp, những cách đối phó hữu hiệu nào đó để không cho tình hình Việt Nam giống như ở Campuchia, giống như ở Thái Lan, giống như ở Ukraine," ông nói.
Mở đầu cuộc trao đổi với BBC hôm Chủ Nhật, sau khi Quốc hội Ukraine chỉ định quyền Tổng thống thay thế ông Viktor Yanukovych và đang chuẩn bị thành lập nội các lâm thời, ông Xương Hùng đề cập và phân tích 4 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến việc Tổng thống Yanukovych 'bị lật đổ', nội các bị giải thế và bản thân nhà lãnh đạo rơi vào tình thế phải "trốn chạy."
Ông Đặng Xương Hùng gần đây đã xin cư trú chính trị tại Thụy Sỹ, sau khi công bố quyết định ly khai Đảng Cộng sản Việt Nam trên tư cách một đảng viên và một quan chức của chính phủ.
(BBC)
 

Căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Biển Đông

Chỉ trong vòng một tháng rưỡi vừa qua, có bảy diễn biến mới xuất hiện làm gia tăng căng thẳng về cả ngắn và dài hạn ở khu vực.

Năm diễn biến ngắn hạn bao gồm: Phản ứng của Philippines với lệnh cấm bắt cá của Bắc Kinh, sự bị động của ASEAN, hành động khiêu khích của hải quân Trung Quốc trên vùng bãi ngầm James Shoal (cách Malaysia 80km), khả năng thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, và sự phản đối mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ đối với các hành vi của Bắc Kinh.

Vào tháng Một vừa qua, chính quyền Philippines đứng ra phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Lực lượng vũ trang của nước này còn để ngỏ khả năng hỗ trợ an ninh cho các ngư dân đi đánh bắt cá ở vùng biển tranh chấp.

Sang tháng Hai, Tổng thống Benigno Aquino kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ để chống lại những đòi hỏi chủ quyền vô l‎ý của Bắc Kinh.

Diễn biến thứ hai xuất hiện ở hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Bagan, Myanmar trong hai ngày 16-17 tháng Một. Trong khi Philippines kêu gọi ASEAN đoàn kết để phản ứng với ADIZ và lệnh cấm bắt cá, thì phần đông các nước còn lại chỉ “bày tỏ quan ngại sâu sắc” và mong các nước giải quyết vấn đề “bằng biện pháp hòa bình,” chứ không đưa ra các bình luận chính thức hay hành động cụ thể nào.

Chỉ vài hôm sau đó, một đội tàu của Hải quân Trung Quốc (PLAN), gồm tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn (Changbaisan), và hai tàu khu trục (Vũ Hán và Hải Khẩu), nhổ neo từ căn cứ Hải Nam và đi tuần tra khắp Biển Đông. Đội tàu này sau đó cập bến bãi James Shoal, cách bờ biển Malaysia có 80km và Hải Nam khoảng 1.800km, và thề bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, báo chí nước này cho biết.

Ngày hôm sau, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” với James Shoal.

Đây là lần thứ hai trong vòng hai năm Hải quân Trung Quốc xuất hiện ở bãi này để thể hiện chủ quyền. Cả hai lần chính quyền Malaysia đều cho rằng không hề biết sự hiện diện của quân Trung Quốc.

Điều này khiến người ta nghi ngờ: hoặc là Kuala Lumpur đã thiếu thành thực, hoặc khả năng cảnh báo của hải quân Malaysia quá kém, hoặc do chính quyền nước này yêu cầu lực lượng hải quân không đến khu vực trên để tránh va chạm.

Diễn biến thứ tư là việc một bản dự thảo ADIZ trên Biển Đông đã được gửi lên chính quyền Trung Quốc vào tháng 5/2013, tờ Asahi Shimbun đưa tin. Tuy ngay sau đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận, cần phải lưu ý ‎ rằng Bộ Quốc phòng nước này đã từng tuyên bố vào năm ngoái rằng sẽ thành lập các khu vực ADIZ khác khi đã có sự “chuẩn bị sẵn sàng.”

Diễn biến thứ năm là ở thái độ ngày càng quyết liệt của Mỹ với ADIZ và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Evan Medeiros, giám đốc châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cảnh báo vào ngày 1/2 rằng sự khiêu khích của Trung Quốc sẽ có thể làm gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực.

Vào ngày 5/2, trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại thượng viện Mỹ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trợ l‎ý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói Trung Quốc nên thu lại các tuyên bố về ADIZ.

Ông này cũng phản đối “đường chín đoạn” và cho biết Mỹ sẽ ủng hộ việc Philippines đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyền của các bên liên quan trong việc giải quyết tranh chấp bằng các cơ chế hòa bình.”

ASEAN không đồng lòng trong giải quyết tranh chấp
 
Xung khắc trong dài hạn

Việc Mỹ đang xem xét lại cán cân quyền lực tại Châu Á-Thái Bình Dương và quá trình hiện đại hóa không ngừng của Hải quân Trung Quốc là hai xu hướng dài hạn rất đáng lưu tâm.

Trong hai tháng vừa qua, một số quan chức cấp cao của Mỹ đã đưa ra những nhận xét khá bi quan về sự thay đổi trong cán cân quyền lực ở phía Tây Đại Tây Dương.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, sự thống trị tuyệt đối của người Mỹ đang giảm dần,” Đô đốc Samuel Locklear, Tổng chỉ huy tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết trên tờ Defense News. ”Đó không phải là điều gì đáng lo ngại, mà là thực tế cần phải nhìn nhận.”

Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Frank Kendall cho rằng sự vượt trội về công nghệ của quân đội Hoa Kỳ đang bị thách thức nghiêm trọng từ quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc, và bởi sự cắt giảm ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ.

Theo biên bản điều trần của Văn phòng Tình Báo Hải quân Hoa Kỳ (ONI), thì Trung Quốc đang có tham vọng tăng nhanh chóng các số lượng các đội tàu trên biển, tàu ngầm, và vũ khí.

Quốc gia này cũng vừa bắt đầu chế tạo tàu sân bay thứ hai, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào năm 2018. Nhiều chuyên gia còn cho rằng Trung Quốc sẽ vận hành đội tàu sân bay có khả năng chiến đấu ở các vùng biển xa vào năm 2020.

Những kế hoạch hiện đại hóa của Trung Quốc được hỗ trợ bởi ngân sách quốc phòng đạt tới 160 tỷ đô la trong năm 2015. Theo thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kendall, ngân sách cho quân đội của Trung Quốc tăng khoảng 10% mỗi năm.

Với các lực lượng bán quân sự địa phương, Trung Quốc cũng đầu tư khá nặng tay. Vào ngày 10/1, một chiếc tàu 5.000 tấn đã được giao cho Hạm đội Phòng vệ bờ biển phía Nam, đặt tại thành phố Tam Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Truyền thông Trung Quốc cũng cho biết một chiếc tàu tuần tra nặng 10 nghìn tấn, loại lớn nhất thế giới, cũng đang được lắp ráp.
‘Rủi ro xung đột an ninh’

Những xu hướng an ninh ngắn và dài hạn sẽ càng làm gia tăng căng thẳng về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Philippines sẽ tiếp tục đấu khẩu với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh sẽ có thể cho tàu chiến đóng quân tại bãi ngầm Second Thomas Shoal, khu vực tranh chấp với Manila. Sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề giữa Philippines và Malaysia sẽ khiến cho bốn nước tranh chấp với Trung Quốc ở khu vực khó đạt được thỏa thuận chung.

ASEAN cũng đã không đạt được đồng thuận trong việc tuyên bố lệnh cấm bắt cá của Trung Quốc, cũng như khả năng thiết lập ADIZ, là rủi ro an ninh cho toàn Đông Nam Á, chứ không riêng gì các nước tranh chấp.

Về phía Trung Quốc, họ sẽ tiếp tục đẩy nhanh hiện đại hóa cả hải quân lẫn lực lượng bán quân sự tuần tra bờ biển.

Hải quân Trung Quốc sẽ tập trận ở trong vùng chín đoạn, vốn sẽ xâm phạm vào các khu đặc quyền kinh tế của các quốc gia tranh chấp. Trong khi đội tàu bán quân sự sẽ tăng cường tuần tra hoặc đóng quân trên Biển Đông với thời gian dài hơn.

Chính sách chủ động hơn của Mỹ ở khu vực sẽ dễ dẫn tới những phản ứng về mặt chính trị, ngoại giao, và thậm chí là quân sự, của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp. Điều này cũng dễ hiểu: quá trình hiện đại hóa hải quân và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ tất yếu dẫn tới sự suy giảm quyền lực của hải quân Mỹ tại phía Tây Thái Bình Dương.

Bài lược dịch từ bản gốc tiếng Anh phân tích của Giáo sư Carl Thayer đã đăng trên trang The Diplomat.
(BBC)

Yanukovych – kẻ trộm cắp tầm quốc gia


Biệt thự của Yanukovich trong khuôn viên 140 hecta. Ảnh: Internet
Yanukovych đã rời thủ đô Kiev cùng với tùy tùng, đi về Kharkov, gần biên giới Nga. Ông để lại phía sau tòa biệt thự trong khuôn viên 140 hecta. Người biểu tình vào xem và họ đã thấy mình đúng khi nổi dậy ở Maidan trong mấy tháng qua.
Những kẻ độc tài, tham nhũng nổi tiếng trên thế giới đều có một điểm chung: tàn bạo, tham lam, giữ ghế đến cùng, không phải vì bảo vệ chế độ, mà vì đống tiền ăn cắp được của nhân dân. Vì tiền và quyền lợi, chúng sẵn sàng xả súng giết chết ai dám ngăn cản chúng. Cho đến một hôm người ta phải lôi xác chúng ra từ ống cống.
Hiện Yanukovych đang chạy trốn. Putin nhìn thấy tòa nhà với cả ZOO bên trong, nhà vệ sinh dát vàng, những đồ quí hiếm khắp trên thế giới, ông sẽ tự hỏi, ủng hộ một thằng ăn cắp để làm gì. Trừ phi Putin cùng hội cùng thuyền.


Sưu tập xe hơi và xe máy


Thuyền buồm cổ


Lợn Yanukovych


Vườn bách thú mini


Biệt thự


Người biểu tình tranh thủ chụp ảnh
Xem thêm

Nội thất biệt thự
Viktor Yanukovych cả cuộc đời làm việc cho chính phủ, vợ đã về hưu. Trước khi là Tổng thống, ông nhận lương 2000$/tháng nghị viên quốc hội. Không có một thu nhập nào khác để có thể giải thích tài sản riêng của Yanukovych. Một cái cửa trong biệt thự giá 64.000$, tương đương với 3 năm liền, Yanukovych làm và không ăn.
Xem xong ta sẽ hiểu tại sao Yanukovych ra lệnh cho an ninh bắn vào người biểu tình. Bảo vệ chế độ hay bảo vệ của ăn cắp. Người biểu tình cũng sẽ không ra đường nếu họ có một biệt thự tương tự.

Hiệu Minh
(Blog Hiệu Minh) 

Nghĩ từ những biệt thự của quan chức về hưu

(Nhân dân chúng em xin được đến "học tập" cách làm giàu của các quan á!!!)

Giữa lúc cả nước sục sôi với các “đại án kinh tế”, những hình ảnh hoành tráng về khu “biệt thự gia đình” dễ đưa tới phản ứng bất bình trong công chúng mà quên đi khía cạnh pháp lý của vấn đề.
Có điều gì chung giữa việc người tù trưởng miền Tây Nguyên tiến hành một cuộc chiến tranh chiếm người, chiếm đất hàng ngàn năm trước, cho đến việc tỷ phú Bill Gates muốn mua một hòn đảo của Hy Lạp với giá 200 triệu USD vào năm 2011?
Câu trả lời là nhu cầu chiếm hữu, tư hữu một tài sản, điều mà trải suốt lịch sử phát triển của nhân loại, từ đông sang tây, từ triết học đến thực tiễn, đã chứng kiến và thừa nhận rộng rãi như là một phần tối quan trọng trong đời sống của con người.
Trong rất nhiều thứ mà con người muốn chiếm hữu, thì một hang đá ấm áp thời tiền sử cho đến một lâu đài lắp bồn tắm Mikazuki 1,1 triệu USD mỗi chiếc, luôn là một trong những lựa chọn quan trọng nhất. Mái ấm, suy cho cùng, vẫn là một nhu cầu cần được trân trọng.
biệt thự, dinh thự, quan chức, tài sản, ân xá kinh tế
Hình ảnh được cho là dinh thự của ông Trần Văn Truyền (Ảnh: báo Người cao tuổi)
Tài sản quan chức và công luận
Mấy ngày qua, công luận có dịp ồn ào với việc, một tờ báo đưa tin ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thanh tra nhà nước, tiến hành xây dựng một “biệt thự gia đình” ở quê nhà, trên một diện tích được chính ông Truyền xác nhận là hơn 1 ha.
Câu chuyện khiến nhiều người liên tưởng đến các khu “biệt thự quan chức” khác từng được đề cập đến, nhưng trường hợp biệt thự nhà vườn một quan chức Hải Dương mới đây, hay chuyện một quan chức cấp quận từng mua… 5 căn biệt thự tại Hà Nội.
Giữa lúc cả nước sục sôi với các “đại án kinh tế”, những hình ảnh hoành tráng về khu “biệt thự gia đình” dễ đưa tới những phản ứng bất bình trong công chúng mà quên đi khía cạnh pháp lý của vấn đề.
Câu hỏi đặt ra là, nếu một quan chức cấp cao như ông Truyền, người có nhiều năm nắm giữ các chức danh cấp cao, có con làm “đại lý bán bia Sài Gòn”, sở hữu một tòa biệt thự được xây trên lô đất “từng bị hoang hóa và được mua với giá rẻ”, thì có gì là bất thường không?
Câu trả lời là không! Trên phương diện pháp lý, nếu không chứng minh được căn biệt thự được xây dựng bằng những nguồn tiền/tài sản bất hợp pháp, mọi chỉ trích sẽ trở nên vô duyên và cách đặt vấn đề của báo giới, theo đó cũng là vô nghĩa.
Thật tiếc, lối suy nghĩ rằng một quan chức thì không nên và không thể giàu có, không được phép thụ hưởng những giá trị vật chất cao cấp, vẫn ngự trị trong một bộ phận công chúng.
Nếu những thành phần tinh hoa trong xã hội, từ doanh nhân, nhà khoa học, vận động viên giỏi và cả các quan chức, vẫn chỉ có thể thụ hưởng những điều kiện bình thường nhất theo hướng “bình quân chủ nghĩa”, chúng ta lấy đâu động lực phấn đấu cho mỗi cá nhân?
Và nếu xã hội vẫn nhìn những ngôi biệt thự bằng ánh nhìn nghi ngờ và soi mói, động lực nào để chúng ta phát triển, hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh? Thật bất công khi một cựu quan chức một đời gom góp để cất được một căn biệt thự ở quê nhà, tự dưng lại phải đứng trước một tòa án công luận với một bản án tai tiếng treo lơ lửng.
Ân xá kinh tế và làm giàu
Năm 2009, các chuyên gia của Đại học Harvard, trong loạt khuyến nghị gửi lên Chính phủ Việt Nam, cảnh báo rằng những doanh nghiệp tư nhân giành được những “lô đất vàng” ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh chắc chắn phải có mối quan hệ mật thiết với một số quan chức nhà nước.
Về bản chất, quá trình này không khác nhiều lắm so với quá trình bòn rút tài sản công thông qua tư nhân hóa đại trà ở Nga vào đầu những năm 1990, mặc dù theo các chuyên gia Harvard, ở Việt Nam, “quá trình này xảy ra với tốc độ chậm hơn và mức tập trung của cải vào trong tay một thiểu số thấp hơn”.
Không ai lên tiếng thừa nhận, không một thống kê nào được công bố, nhưng một quá trình “tích lũy tư bản”, như khuyến cáo của nhóm chuyên gia, đã âm thầm diễn ra trong thời gian qua, đặc biệt đậm nét qua những cơn bão mang tên chứng khoán, bất động sản và đầu tư công.
Những ngày gần đây, liên tiếp có những đề xuất về việc cần thiết phải tiến hành “ân xá kinh tế”, giải phóng các tài sản đang nằm ở đâu đó để khơi lại dòng vốn đầu tư cho nền kinh tế. Bằng cả lý thuyết và thực tiễn, các chuyên gia như ông Nguyễn Trần Bạt tin rằng trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp để đưa các nguồn lực ngầm ra ánh sáng bằng cách ân xá và công nhận, thay vì truy tìm và trừng phạt.
Điều gì là có lợi hơn giữa việc các quan chức về hưu, hoặc đem số vốn tích cóp được, cả nguồn vốn sạch hoặc không sạch, đầu tư vào nền kinh tế theo nhiều hình thức khác nhau, hoặc mua một hũ vàng chôn giấu để chờ đợi một cơ hội khác?
Người viết bài này đã có dịp rong ruổi từ Nam chí Bắc, chiêm ngưỡng những dinh thự hoành tráng gấp nhiều lần căn biệt thự của ông Truyền, ngắm những chiếc siêu xe vài triệu USD mà đôi khi chủ nhân chỉ là một chủ đầm tôm hay một “trùm nuôi vịt” xuất sắc.
Nhưng ngoài xã hội, không chỉ là các quan chức, các doanh nhân trần thân trên thương trường, khi xây một khu biệt thự hay sắm một siêu xe cũng bị chỉ trích, bị coi là đi ngược lại lợi ích của công chúng.
Một xã hội mà về mặt lý luận đang hướng tới “nền kinh tế thị trường”, về thực tiễn thì nhà nhà, người người đang động viên nhau “làm giàu không khó”, có nên lúc nào cũng nhìn những biệt thự hay siêu xe bằng con mắt ngờ vực?
Câu trả lời nằm trong thái độ ứng xử của mỗi chúng ta, trong cách thức mà truyền thông đã và đang định hướng công luận, trong mỗi bài viết mà các nhà báo đang thực hiện mỗi ngày. Một nền truyền thông có trách nhiệm sẽ phải tự nhìn thấy điều ấy, để không biến mình thành một lực cản vô hình đối với sự phát triển.
Hoàng Anh Minh
(Tuần VN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét