Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Mỹ bị Trung Quốc hóa?


Mỗi năm có hàng chục nghìn người Trung Quốc sang Mỹ làm ăn, học tập... Rất nhiều người ở lại và Trung Quốc hóa nước Mỹ. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người không về lại TQ.



Đến Australia, đến Na Uy, đến Mỹ...ở đâu tôi cũng mang cảm giác bị "thập diện mai phục" bởi hàng hóa và những người Trung Quốc. Trong chuyến đi Mỹ tháng 6 vừa qua, tôi như lục tung một số siêu thị khổng lồ ở Mỹ để tìm mua mấy món quà cho bạn bè mà không có dòng chữ "made in China" nhưng tôi thất bại...
Khoảng 10 năm trở lại đây, nỗi ám ảnh về hàng hóa "made in China" làm tôi ngạt thở. Nỗi ám ảnh này gây nên bởi những cuộc "xâm lược" của hàng hóa độc hại và rẻ tiền Trung Quốc qua biên giới Việt - Trung. Đấy không phải là cơn hoảng sợ vô căn cứ của tôi. Đấy là sự thật mà chính không ít những người Trung Quốc cũng phải thừa nhận.
Những cuộc tấn công của hàng nghìn tấn thực phẩm tươi sống ướp hóa chất mà báo chí mấy năm gần đây nói đến như những đợt sóng thần khổng lồ vượt qua những dãy núi cao ngất ở phía Bắc đổ vào các thành phố Việt Nam.
Những người buôn bán tham lam và ngốc nghếch Việt Nam tiếp sức đẩy những con sóng thần ấy lan rộng. Nhiều lúc, tôi nghĩ rằng, hàng trăm nghìn tấn thực phẩm "chết người" đó chẳng khác gì những quả bom sinh học ném xuống mảnh đất của chúng ta. Và hậu quả của nó như thế nào trong tương lai gần thì ai cũng hiểu.
Lou - một sinh viên Trung Quốc theo học nhạc ở Mỹ.
Chiến lược của Trung Quốc thật ghê gớm. Năm 1992, tôi đến Australia. Tôi tìm mua một con búp bê cho con gái mình. Và tôi nhận ra rằng, ẩn sâu trong con búp bê có gương mặt xinh đẹp và cái môi đỏ chót là một dòng chữ nhỏ xíu “Made in China”. Tôi có nói chuyện với một giáo sư Australia về chuyện đó. Nghe xong, ông mỉm cười bí hiểm và kể cho tôi nghe câu chuyện về các China Town ở Australia.

Sau vài chục năm theo dõi, ông nhận thấy rằng, 10 năm đầu khi một China Town nào đó được thành lập, những người Australia đến thăm với cảm giác họ đi thăm một hội chợ hàng Trung Quốc ở Australia. Nhưng sau 10 năm, họ đến China Town và nhận ra đó là đất Trung Quốc nằm trong lãnh thổ Australia. Cái giật mình về một điều gì đó bắt đầu từ đấy.
15 năm trước, tôi có đọc một cuốn sách xuất bản tại Mỹ viết về những dòng người Trung Quốc đến Mỹ học tập và nghiên cứu. Tác giả cuốn sách cho biết: mỗi năm (vào những năm đầu 1990) có khoảng 70.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc đến Mỹ học tập và nghiên cứu.
Rồi những người này tìm cách vào làm việc trong các công sở, viện nghiên cứu, ĐH... của Mỹ và tìm cách ở lại và bắt đầu cuộc hành trình vào sâu trong nước Mỹ. Tác giả cuốn sách dự báo rồi đến một ngày nào đó, những người Mỹ tỉnh dậy và nhận thấy Mỹ bị Trung Quốc hóa hay nói cách khác là bị Trung Quốc ăn rỗng bên trong.
Tôi từng viết về một thanh niên Trung Quốc bán trứng ở Australia. Anh ta kiên nhẫn ngày ngày xách một khay trứng đi bán. Sự kiên nhẫn của anh làm cho tôi nghĩ rằng sẽ không có gì có thể làm cho sự kiên nhẫn của anh ta gục ngã.

Dù anh ta không nói nhưng tôi biết bên trong đôi mắt một mí kia là một tham vọng ghê gớm và một sự kiên nhẫn kinh hoàng. Có những người Trung Quốc nhẫn nại bán từng gói lạc rang húng lìu, từng chiếc bánh bao nhân thịt...trở thành những tỷ phú. Và người thanh niên bán trứng kia cũng mang tham vọng ấy.
Và lúc này, tôi bắt đầu muốn nói về Lou, một sinh viên Trung Quốc theo học nhạc ở Mỹ. Tôi gặp Lou ở nhà một giáo sư Mỹ. Lou được một giáo sư Mỹ dạy nhạc xin cho học bổng một phần sang Mỹ học. Người giáo sư bạn tôi thấy gia đình Lou khó khăn giúp đỡ cậu bằng cách đưa cậu về ở nhà mình. Lou ở trong một căn phòng nhỏ dưới tầng hầm.
Cậu nói bố mẹ cậu làm công nhân và thật khó để kiếm được 5.000 USD cho cậu đóng tiền học trong một năm. Nhưng sau một năm, cậu tìm cách xin được học bổng toàn phần. Cậu cứ lặng lẽ gặp từng giáo sư Mỹ dạy cậu và những người có liên quan ở trường và cuối cùng cậu đã "thắng" từng giáo sư dẫn đến "thắng" tất Hội đồng giáo sư và họ đồng ý trao học bổng toàn phần cho cậu. Và hàng ngày, cậu vẫn lặng lẽ lên xe của con cái chúng ta để đi nhờ đến trường trong tuyết lạnh.
Một buổi sáng tôi nhìn thấy cậu ăn mỳ tôm với sườn nướng mà chúng tôi nướng từ chiều hôm trước chưa ăn hết. Cậu ngồi ăn kiên nhẫn không để lại một chút thịt nào trên dẻ sườn đó. Đó là mỳ tôm Hảo Hảo mà chúng tôi mang từ Việt Nam sang và sườn nướng ướp theo kiểu Mỹ mà vị giáo đã nướng.
Có thể, mỳ tôm và sườn nướng kia không hợp với khẩu vị của cậu như há cảo, vằn thắn, màn thầu... Nhưng mỳ tôm của ai, sườn nướng ướp gia vị gì không quan trọng với cậu lúc này. Cậu cần phải ăn và cần phải đi tiếp con đường đã vạch trong đầu cậu và có thể cả những tham vọng phía sau đôi mắt một mí ấy.
Trong mấy ngày ở trong ngôi nhà người bạn giáo sư, tôi thấy cậu mang dáng vẻ của một cậu bé con nhà ngèo và yếu thế qua cách ăn nói, đi đứng. Nhưng có thể đến một ngày nào đó, cậu bỗng hiện ra là một người khác và mua một biệt thự sang trọng, giành lấy một trang trại... chứ không phải ở trong một phòng dưới tầng hầm mà người ta dành cho cậu với sự chia sẻ và biến những người khác thành kẻ cầu xin mình. Nhưng bây giờ, cậu chỉ là một sinh viên như con cái chúng ta. Cậu đang cầu xin người khác hãy thương cậu, hãy giúp cậu. Và với lòng nhân ái, những người tốt đưa bàn tay về phía cậu.
Khi viết về cậu sinh viên Lou, tôi lại nhớ về một người Trung Quốc mà tôi gặp ở Đài Bắc năm 2007 khi tôi đến đó dự Liên hoan thơ quốc tế. Người đàn ông đó là Lưu Kiến Sinh. Ông từ Chợ Lớn, Sài Gòn sang định cư ở Pháp rồi về Đài Bắc. Với tôi, ông là một Trung Quốc khác. Sau chuyến đi ấy, tôi viết về ông. Bây giờ, tôi xin trích một số đoạn trong bài viết về người đàn ông Trung Quốc này 5 năm về trước:
Lưu Kiến Sinh đọc báo thấy có một nhà thơ Việt Nam đến Đài Bắc dự Liên hoan thơ Đài Bắc 2007. Ông đến để gặp một người từ mảnh đất ông sinh ra và lớn lên. Buổi tối ấy, Lưu Kiến Sinh chọn một chỗ ngồi gần cuối hội trường. Ông lặng lẽ nghe các nhà thơ đọc thơ. Khi tôi kết thúc phần đọc thơ, ông không đến bắt tay chúc mừng tôi như những người Đài Loan khác có mặt ở đó. Ông vẫn ngồi im lặng và nhìn về phía tôi.
Chỉ khi đêm thơ kết thúc và những người bạn Đài Loan đến dự đêm thơ đó chia tay tôi, ông mới đến trước tôi và nói rằng ông đã im lặng để nghe tiếng Việt qua giọng đọc thơ của tôi. Tôi cố tìm kiếm một sự xúc động trên gương mặt ông. Nhưng tôi vẫn chỉ thấy ánh buồn từ đôi mắt ông. Lúc đó, tôi cảm giác như ông là một cái gì đó xa xôi và khuất một nửa trong bóng tối.
Sau đêm thơ, mấy người bạn nghệ sĩ Đài Bắc rủ tôi đi chợ đêm. Chợ đêm ở Đài Bắc là một "đặc sản" không chỉ dành cho những người du lịch mà cả những người Đài Bắc. Chúng tôi đi lang thang và trò chuyện về mọi thứ.
Thi thoảng tôi chợt nhớ đến Lưu Kiến Sinh đi cùng, tôi quay lại kiếm tìm ông và vẫn thấy ông lặng lẽ đi sau chúng tôi. Hình như ông chẳng tham gia vào bất cứ câu chuyện nào của chúng tôi. Nhưng ông không rời bỏ chúng tôi nửa bước. Trong chuyến đi chơi chợ đêm đó, Lưu Kiến Sinh chỉ hỏi tôi một câu là Hà Nội bây giờ ra sao và có chợ đêm như ở Đài Bắc không.
Lưu Kiến Sinh đến thăm Hà Nội hai lần sau năm 1975. Trước năm 1975, ông chỉ biết qua những trang viết của Nhất Linh. Ông nói với tôi cho đến bây giờ ông vẫn giữ mãi hình ảnh của Hà Nội qua văn của Nhất Linh. Gần 30 năm sống ở nước ngoài, ông chưa một lần trở về Trung Quốc cho dù đó chính là nơi cụ kị ông sinh ra và lớn lên. Nhưng cứ vài năm ông lại trở về Việt Nam và tìm cách đi Hà Nội khi nào có thể.
Sau khi phải rời Việt Nam, Lưu Kiến Sinh định cư ở Đài Loan một thời gian. Nhưng ông vẫn cảm thấy trống vắng và hoang mang. Một cái gì đó làm cho ông cảm thấy ông không thể nào yên lòng. Cái gì? Ông cũng không biết một cách rành mạch và đầy đủ. Thế rồi ông quyết định sang Pháp làm ăn và sinh sống. Ông yêu một cô gái Trung Quốc sống ở Bắc Kinh sang Pháp du học. Rồi họ lấy nhau và sinh một cậu con trai. Nhưng ông vẫn không một lần trở về Trung Quốc. Ông nói ông sợ với một nỗi sợ vừa rành rọt vừa mơ hồ.
Sau gần 10 năm sống ở Paris, ông vẫn thấy ông chưa ở đâu cả mà vẫn lang thang trên con đường nào đó trên mặt đất này. Ông nói với tôi rằng mỗi tối trở về ngôi nhà ở Paris ông vẫn thấy gió lạnh thổi vào lưng. Có lẽ đó là cách nói của ông để nói về sự trống vắng nào đó chăng? Và gần mười năm ở Paris, theo ông, công việc có ý nghĩa nhất của ông là dịch tác phẩm của Nhất Linh sang tiếng Hoa và in trên một tờ Trung Hoa Báo xuất bản ở Pháp.
Khi còn ở Chợ Lớn, ông dịch Nhớ rừng của Thế Lữ sang tiếng Hoa và xuất bản trên tờ báo tiếng Hoa ở Sài Gòn năm 1972. Tôi tự đoán lý do vì sao ông lại yêu bài thơ Nhớ rừng như thế. Có một khoảng u tối và một khát vọng mạnh mẽ trong thân xác mong manh và gương mặt yếu đuối của người đàn ông là Lưu Kiến Sinh. Thế là sau nhiều năm ở Paris, ông lại trở về Đài Bắc. Ông vẫn đi tìm một nơi trú ngụ. Một nơi mà mỗi tối để ông trở về không còn thấy gió lạnh thổi vào lưng nữa.
Trong những ngày ở Đài Bắc, buổi nào có tôi đọc thơ là ông lại đến. Vẫn như lần đầu tôi nhìn thấy, ông lặng lẽ tìm một chỗ ngồi hơi khuất ánh sáng và nghe thơ. Tôi không biết ông đến để nghe thơ hay nghe giọng nói tiếng Việt. Ông cũng sáng tác thơ nhưng không nhiều và sáng tác bằng tiếng Trung Quốc. Mấy năm nay ông viết ca khúc. Ông có ý định xuất bản một đĩa nhạc gồm những ca khúc của ông ở Việt Nam. Ông hỏi tôi ông có thể thu âm những ca khúc của ông ở Việt Nam không? Ông vẫn ao ước lời những ca khúc của ông được dịch ra tiếng Việt và được hát ở Việt Nam.
Một chiều được nghỉ, tôi và ông lang thang dọc một số đường phố ở Đài Bắc. Trời có gió và bắt đầu se lạnh. Khi chúng tôi ngồi nghỉ trên một chiếc ghế ở khu phố đi bộ, tôi đề nghị ông hát một bài hát của ông cho tôi nghe. Ông cúi đầu một lát rồi cất giọng hát. Có một người đi vào trong rừng và không bao giờ trở lại...Đấy là lời bài hát mà ông dịch ra tiếng Việt cho tôi nghe. Trong gió lạnh ở một chốn xa lạ và với đôi mắt lúc nào cũng buồn và xa xôi.
Cho đến lúc này, lòng tôi mỗi lúc một vang lên câu hỏi: Lưu Kiến Sinh, ông là một người Trung Hoa. Cố hương của ông là ở chốn đó sao ông lại sợ trở về?
Theo Tuanvietnam
Giải mã việc Trung Quốc 'rải tiền' khắp thế giới

Trung Quốc không ngừng tăng cường viện trợ nước ngoài trong những năm gần đây với toan tính nới rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trên thế giới.

Người Trung Quốc xuất hiện khắp mọi nơi. Hay nói chính xác, tiền Trung Quốc xuất hiện khắp mọi nơi, nhờ công lớn của ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Viện trợ nước ngoài của Trung Quốc tăng mạnh thể hiện rõ nét khắp hang cùng ngõ hẻm trong thế giới đang phát triển như đường bộ, đường sắt tại châu Phi, các nhà máy dệt tại Syria, nhà máy xi măng tại Peru hay cầu cống ở Bangladesh.
Tính đến cuối năm 2009, Trung Quốc cung cấp viện trợ cho 161 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế và khu vực với tổng số tiền 256,29 tỷ nhân dân tệ (39,2 tỷ USD) bao gồm 106,2 tỷ viện trợ không hoàn lại, 76,54 tỷ vay không lấy lãi và 73,55 tỷ cho vay lãi suất ưu đãi. Các nước nhận viện trợ chủ yếu là quốc gia thu nhập thấp trên khắp thế giới, trong đó châu Á và châu Phi chiếm khoảng 80%.
Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư, viện trợ nước ngoài.
Theo tờ Financial Times, mức độ cho vay của Trung Quốc trong giai đoạn 2008 - 2010 vượt quá con số trợ giúp của Ngân hàng thế giới tới xấp xỉ 10 tỷ USD. Tới cuối năm 2010, ngân hàng CDB vươn rộng tới hơn 90 quốc gia với tổng số công nợ đạt 141,3 tỷ USD.
Ràng buộc kinh tế
Giới chuyên gia cho rằng, không phải vô cớ Trung Quốc lại trở thành “người bảo trợ chính về kinh tế” cho nhiều quốc gia. Thông qua các chương trình viện trợ và đầu tư, Bắc Kinh có thể gia tăng sự lệ thuộc của thế giới đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Sự bành trướng của các công ty Trung Quốc với những hạng mục đầu tư có tầm cỡ toàn cầu đang thôi thúc Bắc kinh tìm cách gây ảnh hưởng lên chính sách kinh tế của các quốc gia sở tại nhằm bảo vệ các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc cũng như để đảm bảo rằng, những khoản tín dụng được gia hạn của các ngân hàng Trung Quốc sẽ được hoàn trả.
Tín dụng của ngân hàng Phát triển Trung Quốc dành cho Venezuela là một ví dụ điển hình. Năm 2010 ngân hàng này thỏa thuận cho Chính phủ Venezuela vay hai khoản tổng cộng là 20,6 tỷ USD. Với mục đích đảm bảo sự hoàn trả của các khoản vay, ngân hàng CDB tác động tới việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế của Venezuela.
Cụ thể, vào tháng 5/2010 một phái đoàn Trung Quốc gồm hơn 30 thành viên các cơ quan khác nhau của Chính phủ, các xí nghiệp nhà nước lưu lại Venezuela 18 ngày nhằm mục đích soạn thảo kế hoạch hỗ trợ Caracas cải thiện nền kinh tế của mình. Kế hoạch này bao gồm các lĩnh vực như ổn định giá cả, hoàn thiện môi trường đầu tư, cải cách tỷ giá hối đoái và phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lựa.
Bên cạnh đó, đằng sau việc cấp nguồn tín dụng rẻ và các khoản cho vay nhân nhượng là thực tế rằng Trung Quốc đang phổ biến lối kinh doanh của mình trên toàn cầu.
Hàng hóa Trung Quốc cũng theo các khoản viện trợ len lỏi tới khắp nơi trên thế giới.
Qua quan hệ đầu tư kinh tế, dựa vào thế mạnh về vốn, Bắc Kinh bành trướng các công ty cũng như hàng hóa của mình ra nước ngoài một cách dễ dàng và đại thành công. Điển hình là khi kinh tế Trung Quốc tràn vào Campuchia thì giao dịch thương mại song phương đạt mức 2 tỷ USD nhưng hàng hoá của Campuchia vào Trung Quốc chỉ đạt 200 triệu USD mỗi năm. 
Ngoài ra, thâu tóm các doanh nghiệp lớn của các nước sở tại cũng là động lực thôi thúc Bắc Kinh “rải” tiền khắp nơi. Điều này có thể thấy rõ trong kế hoạch tung tiền cứu liên minh châu Âu trong cuộc khủng hoảng nợ công.
Hiện có vô số bằng chứng cho thấy mưu tính thâu tóm này, như vụ Trung Quốc muốn biến cảng lớn nhất Hy Lạp là Piraeus thành cửa ngõ để họ trung chuyển hàng hóa giá rẻ vào châu Âu; hay như gần đây công ty Xinmao mon men thôn tính công ty dây cáp viễn thông Hà Lan Draka, Geely nhắm Volvo Thụy Điển…
Chưa hết, việc đẩy mạnh “vung tiền” cũng nhằm thúc đẩy mục tiêu cốt lõi của kinh tế Trung Quốc là đẩy mạnh xuất khẩu. Trung Quốc nhiều năm qua phải cho Mỹ “vay” hàng trăm tỷ USD để Washington tiếp tục mua hàng từ Bắc Kinh, qua đó nuôi sống hàng loạt nhà máy ở Quảng Đông, Thượng Hải... Tương tự, động cơ chính cho sự gia tăng viện trợ cho châu Âu cũng chính là bởi EU là điểm đến hấp dẫn nhất của hàng hóa Trung Quốc.
“Trung Quốc bắt đầu sử dụng nhiều hơn khối tiền khổng lổ mà họ đang có trong tay để phục vụ cho các quyền lợi của mình, đặc biệt là gia tăng xuất khẩu”, ông Huang, chuyên gia tại Quỹ Hỗ trợ Hòa bình Quốc tế Carnegie ở Washington nhận định.
Phụ thuộc chính trị
Khi các mối quan hệ kinh tế đi sâu hơn thì các mối bang giao văn hóa và chính trị cũng theo đó mà phát triển. Vì vậy, dưới “vỏ bọc” là “cứu giúp thiên hạ”, Trung Quốc còn thu lợi về mặt chính trị và ngoại giao.
Trung Quốc có khả năng tác động ngày càng lớn đối với các quốc gia khác xuất phát từ vai trò là nguồn hỗ trợ chính cho viện trợ, thương mại và đầu tư quốc tế. Đơn cử như với việc biến EU thành “con nợ”, chắc chắn là Brussels sẽ không thể tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ như trước, hoặc chí ít là bớt cao giọng với Bắc Kinh trong việc gây sức ép nhằm tăng giá đồng nhân dân tệ.
Các khoản viện trợ của Trung Quốc vào Venezuela và Turkmenistan cũng ẩn chứa những toan tính chính trị tương tự. Theo đó, ngân hàng CDB  dùng công cụ đòn bẩy tài chính để đạt các mục tiêu của chính sách đối ngoại, bao gồm việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch quốc tế và cải thiện an ninh nguồn cung ứng năng lượng.
Viện trợ kinh tế ràng buộc chính trị giữa Trung Quốc và Venezuela.
Trong khi đó, một kinh tế gia trưởng của công ty đầu tư chứng khoán Mizuho nhấn mạnh rằng, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã gia tăng và nước này đang tiến tới “một giai đoạn mới” trong đó Bắc Kinh có thể bành trướng sự hiện diện của mình ở nước ngoài một cách tự nhiên.
“Kế hoạch mà Trung Quốc nhắm đến chính là tung các khoản đầu tư kinh tế mạnh hay viện trợ để vừa chiếm thị trường các nước lân bang vừa tước đi ảnh hưởng của Mỹ hay các quốc gia khác đối với nước nào mà họ nhắm đến”, chuyên gia này khẳng định.
Ông nói thêm, con đường tàu hoả và xa lộ từ Thượng Hải, Thẩm Quyến xuyên qua Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore chứng minh hùng hồn cho khát vọng “chặt bớt tay chân” của Mỹ, quốc gia vốn có ảnh hưởng với những nước trên.
Chưa hết, Bắc Kinh một mực bác bỏ khả năng nước này muốn “xuất khẩu” mô hình của mình như Liên Xô ngày trước để tạo ra đối cực với mô hình Mỹ và thanh minh rằng nước này không có ý đồ ảnh hưởng địa chính trị tới các quốc gia đang phát triển khác bằng mô hình của mình.
Tuy nhiên, nhìn những bước chân rầm rập của người Trung Quốc ra khắp thế giới trong khoảng thời gian gần đây, người ta thấy điều ngược lại. Trung Quốc đã và đang phát huy ảnh hưởng mạnh mẽ của mình bằng nhiều phương cách từ viện trợ tới đầu tư.
Chuyên gia của Mizuho quả quyết, báo chí phương Tây thậm chí đang mường tượng đến một thời điểm mà thế giới sẽ đi theo “đồng thuận Bắc Kinh” thay vì “đồng thuận Washington” như trước nay. Tinh thần đồng thuận ấy chắc sẽ là tăng tập quyền và điều tiết mạnh hơn, ngược với đồng thuận cũ
“Đồng thuận Bắc Kinh có thể là chuyện đùa phi hiện thực nhưng những động thái viện trợ, cho vay, tài trợ như kể trên của Trung Quốc với các nước nghèo hơn lại hiện hữu. Mà đâu chỉ nước nghèo, đừng quên Trung Quốc chính là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Gia tăng tiềm lực quân sự
Không đơn thuần chỉ là lợi ích chính trị và kinh tế, thông qua các khoản cho vay viện trợ, Bắc Kinh còn tranh thủ tìm kiếm ở các nước một thứ hàng hóa giá trị hơn kinh tế đơn thuần rất nhiều, đó là vũ khí, một nhân tố quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
Mưu cầu này của Trung Quốc có thể thấy rõ trong hoạt động “phát chẩn” cho châu Âu. Trung Quốc muốn biến tiền thành áp lực, buộc EU bãi bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí vốn bị cấm xuất sang Trung Quốc từ sau vụ Thiên An Môn năm 1989 để đi tắt đón đầu, tiếp nhận công nghệ cao, giảm thời gian nghiên cứu hàng chục năm.
Mục tiêu này bắt nguồn từ việc Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh cho quân đội để họ đủ sức bảo vệ an ninh quốc gia cũng như đạt nhiều mục tiêu khác. Hiện tiền với Bắc Kinh không phải vấn đề lớn, thậm chí là họ có nhiều; nhưng tiền không phải lúc nào cũng đi đôi với nhân lực, khoa học kỹ thuật cao.

Trung Quốc muốn đẩy mạnh tiến trình mua, trao đổi, tiếp nhận công nghệ cao ngoài lĩnh vực quốc phòng từ châu Âu. Đây hiện là chủ trương lớn của Trung Quốc bởi dù là nước giàu thứ 2 thế giới nhưng trình độ khoa học, công nghệ của Bắc Kinh còn nhiều hạn chế, trong khi "kho tri thức" Mỹ từ lâu gần như ngừng chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc vì lo sợ Bắc Kinh làm nhái, học tập rồi vượt mình và đồng minh.
Viện trợ kinh tế sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận được nguồn vũ khí của châu Âu?
Thêm vào đó, cũng vì mục đích gia tăng tiềm lực quân sự, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Ấn Độ Dương. Trung Quốc đang xây dựng mối quan hệ cung ứng quân sự mang tính chiến lược với Pakistan, Sri Lanka, Burma và cũng bắt đầu mối quan hệ đó với cả Bangladesh. Nhiều nguồn tin cho rằng, những mối quan hệ này nằm trong một chiến lược được chuẩn bị kỹ càng nhằm tìm kiếm một căn cứ quân sự lâu dài ở Ấn Độ Dương.
Tóm lại, tăng cường đầu tư, viện trợ nước ngoài hiện là bước đi chiến lược để Trung Quốc tự tăng cường sức mạnh trong nước, mở rộng ảnh hưởng hơn nữa ra toàn thế giới, mà mục tiêu cuối cùng là tạo nền móng cho vị thế của một siêu cường đang trỗi dậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét