Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Bi hài chuyện (một) Đại biểu Quốc hội bàn về lạm phát

Trần Vinh Dự
-
Báo Vneconomy vừa đăng bài nói về chuyện Quốc hội khóa 13 bàn về lạm phát. Ngoài các phát biểu “nghiêm túc” được Vneconomy trích dẫn như của các ông Trần Hoàng Ngân, Huỳnh Ngọc Đáng, Đồng Hữu Mạo, báo này còn trích dẫn phát biểu của ông Đỗ Văn Đương – đại biểu quốc hội của Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Vneconomy, ông Đương phát biểu như thế này:
Tôi không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực…Theo tôi phải xem lại chỗ này. Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn.
Tôi thấy gần đây giá cả giảm, giá sắt thép giảm hơn, nhà thu nhập thấp ít người mua hơn, đề ra nhà thu nhập cho người trung bình, tới đây có lẽ là nhà thu nhập cao. Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất
Nếu Vneconomy trích dẫn đúng lời phát biểu của ông nghị này, thì đây có thể được coi là phát biểu thiếu hiểu biết nhất trong từ trước tới nay mà tôi từng biết của quan chức về kinh tế.
Ông Đương đã chứng tỏ không hiểu biết chút gì về lạm phát khi so sánh giá tuyệt đối của Việt Nam và Thượng Hải để nói về lạm phát. Ông cũng chứng tỏ bản thân ông xa rời thực tế một cách kinh ngạc khi cho rằng mặt bằng giá cả ở Việt Nam gần đây giảm.
Theo trang web của Sở Nội Vụ thành phố Hồ Chí Minh, ông Đương có bằng tiến sỹ Luật, từng đảm nhiệm vị trí Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Trang web này cũng đăng Chương Trình Hành Động của ông khi tranh cử (dài tổng cộng 407 chữ), trong đó ghi:
Nếu cử tri tín nhiệm, ủy quyền làm đại biểu Quốc hội và theo dự kiến nếu trúng cử tôi sẽ được phân công làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, tôi… thường xuyên gần gũi với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, trước hết là cử tri nơi ứng cử để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, kịp thời có ý kiến với Quốc hội, với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết…dành 100% thời gian cho hoạt động đại biểu Quốc hội; tập trung trí tuệ, phát huy sở trường nghiên cứu, xây dựng chính sách pháp luật, góp phần để các đạo luật thấm sâu tư tưởng dân chủ, công bằng, văn minh; tạo động lực thúc đẩy các quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội vận động, phát triển lành mạnh; bảo đảm quyền của người dân, hợp lòng dân, vì dân”. Và
Cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện … chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; loại bỏ thủ tục hành chính; kiến nghị xây dựng chính quyền đô thị, luật đô thị; trợ cấp đối với người có thu nhập thấp, người nghèo.
Có vẻ như theo Chương Trình Hành Động này, ông hứa với cử tri sẽ gần gũi với dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân, và đưa các tâm nguyện của dân vào các chính sách pháp luật, kinh tế, và xã hội.
Thế nhưng ngay từ phiên họp đầu tiên của Quốc hội Khóa 13, ông lại có một phát biểu thể hiện rất rõ là bản thân ông chẳng hiểu chút nào về vấn đề bức xúc nhất, nóng nhất của Việt Nam trong năm nay, cả trên khía cạnh kinh tế và xã hội.
Điều kỳ lạ hơn là một người thiếu hiểu biết như vậy lại được thành phố Hồ Chí Minh bầu làm đại biểu Quốc hội đại diện cho mình.
Trang web Sở Nội Vụ đăng tải Chương Trình Hành Động của ông có tổng cộng 324 người xem tính đến ngày 07 tháng 8, 2011, tức là sau gần 3 tháng kể từ ngày hồ sơ của ông được đăng lên (ngày 10 tháng 05 năm 2011). Không rõ trong số vài trăm người quan tâm đọc Chương Trình Hành Động này của ông trên website của Sở Nội Vụ, có bao nhiêu người đến từ thành phố Hồ Chí Minh.
__________________________
Nguyễn Quang Lập – Những phát ngôn ấn tượng
+ Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc: Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân thì không cần đến sự tế nhị mà cần sự tin cậy, thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng trong “nội giao”, đừng tạo ra những khoảng cách, những xung đột không đáng có giữa CP và nhân dân, cho dù sự cảnh giác là cần thiết.
+ Đại biểu quốc hội Nguyễn Bá Thuyền: Các bộ trưởng cần phải có trái tim nóng, có một cái đầu lạnh và có đôi bàn tay sạch. Có như vậy mới có thể điều hành tốt, tránh cách điều hành sáng đúng chiều sai ngày mai lại đúng.
+ ĐBQH Nguyễn Đình Quyền: khi bàn về vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước, Hiến pháp sửa đổi lần này phải giải mã được rạch ròi tư tưởng “tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân”.
+ ĐBQH Trần Du Lịch: Người dân phải có quyền phúc quyết Hiến pháp.
+ ĐBQH Đỗ Văn Đương: Tôi không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực…Theo tôi phải xem lại chỗ này. Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn…Tôi thấy gần đây giá cả giảm, giá sắt thép giảm hơn, nhà thu nhập thấp ít người mua hơn, đề ra nhà thu nhập cho người trung bình, tới đây có lẽ là nhà thu nhập cao. Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất.
+ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Ta và Trung Quốc cần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết để hai dân tộc cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét