Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Chỉ số sáng tạo: Việt Nam cao hơn Nga ? In Email
Nhóm NSEAD vừa công bố kết quả về chỉ số sáng tạo toàn cầu (global innovation idex (1), hay viết tắt là GII). Trong bản phân tích này, họ xếp hạng Việt Nam cao hơn Nga và Ukraina. Có báo nói Việt Nam đứng hạng “trên trung bình”. Tuy nhiên, có hai vấn đề: chỉ số GII không hẳn phản ảnh khả năng sáng tạo, và thứ hạng của Việt Nam cũng không phải trên trung bình, mà có lẽ chỉ trung bình. Bài này sẽ giải thích tại sao …

Một trong những khái niệm kinh tế được nhắc đến nhiều lần trong thời gian gần đây là kinh tế tri thức. Theo định nghĩ phổ biến, một nền kinh tế tri thức là nền kinh tế mà trong đó tri thức là một động lực quan trọng (so với nền kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên). Sản xuất một con chip có thể có giá trị hơn hàng trăm công ruộng. Phát triển một phần mềm máy tính có thể đem lại cho quốc gia hàng triệu USD. Trong nền kinh tế tri thức, sự phát triển kinh tế có liên quan tới mức độ cạnh tranh về công nghệ, và cạnh tranh công nghệ phụ thuộc vào khoa học và nghiên cứu khoa học. Do vậy, trong nền kinh tế tri thức, thể chế, năng suất sáng tạo, nghiên cứu khoa học đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế.
Trên thế giới có nhiều nhóm chuyên đánh giá trình độ sáng tạo và khoa học. Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) có chương trình phát triển các chỉ số và đánh giá kinh tế tri thức mà tôi đã điểm qua trong một bài trước đây. Nhóm Thomson ISI có chương trình kiểm tra và đánh giá năng suất khoa học toàn cầu, và chúng tôi cũng từng có bài phân tích trước đây. Nhóm NSEAD cùng WIPO (một tổ chức quản lí bằng sáng chế quốc tế) và vài công ti kĩ nghệ phát triển chỉ số sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index – GII). Nhóm này vừa mới công bố một báo cáo dài xếp hạng GII cho các nước trên thế giới. Báo cáo này có dữ liệu của Việt Nam, và so sánh với các nước trên thế giới. Do đó, cũng cần nhìn qua kết quả phân tích để biết chúng ta đang đứng nơi nào trên bản đồ sáng tạo toàn cầu.
Chỉ số sáng tạo toàn cầu – GII
Chỉ số sáng tạo toàn cầu là một thước đo về khả năng sáng tạo bao gồm 7 tiêu chuẩn cụ thể. Bảy tiêu chuẩn này bao gồm thể chế (institution), nhân lực và nghiên cứu (human capital & research), cơ sở vật chất, độ tinh vi của thị trường (market sophistication), độ tinh vi trong kinh doanh (business sophistication), hiệu suất khoa học (scientific outputs), và hiệu suất sáng tạo (creative outputs). Mỗi tiêu chuẩn bao gồm nhiều chỉ tiêu cụ thể.
Tiêu chuẩn thể chế bao gồm sự ổn định chính trị, hiệu quả của chính phủ, tự do báo chí, hệ thống giám sát, qui chế luật pháp, chế độ sử dụng nhân lực. Thể chế còn bao gồm môi trường kinh doanh, như thời gian khởi đầu một cơ sở kinh doanh, chi phí khởi đầu một cơ sở kinh doanh, và tỉ lệ thuế tính trên thu nhập cá nhân.
Tiêu chuẩn nhân lực và nghiên cứu ở đây thật ra là giáo dục và phát triển. Các chỉ tiêu trong tiêu chuẩn này bao gồm chi tiêu cho giáo dục, trình độ học vấn trung bình của dân số, tỉ số học trò trên thầy giáo, số sinh viên đại học, số sinh viên đại học ghi danh trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Chỉ tiêu về nghiên cứu bao gồm số nhà nghiên cứu khoa học, ngân sách Nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học, số lượng và chất lượng các trung tâm nghiên cứu.
Tiêu chuẩn cơ sở vật chất là những chỉ tiêu về công nghệ thông tin và năng lượng. Chỉ tiêu về công nghệ thông tin và truyền thông bao gồm hệ thống điện thoại, hệ thống internet và người sử dụng internet, cũng như mức độ điện tử hóa hoạt động của chính phủ. Chỉ tiêu năng lượng là lượng năng lượng tiêu thụ và GDP cho năng lượng và năng lượng tái sinh.
Tiêu chuẩn về sự tinh vi của thị trường bao gồm giá trị hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu và xuất khẩu. Tiêu chuẩn về sự tinh vi trong kinh doanh đo lường nhân lực tri thức, liên kết với sáng tạo, và hấp thu tri thức. Các chỉ số này bao gồm số “công nhân tri thức” (knowledge workers), tức những chuyên gia; chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển; thu nhập từ những bằng sáng chế. Chỉ tiêu tinh vi trong kinh doanh còn bao gồm các chỉ số về xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao, nhập máy tính và phần mềm, đầu tư của nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao.
Tiêu chuẩn về hiệu suất khoa học đo lường mức độ sáng tạo và tác động của tri thức. Sáng tạo tri thức (knowledge creation) bao gồm các chỉ số như số bằng sáng chế đăng kí trong các tổ chức quốc tế, số bài báo khoa học công bố hàng năm. Tác động tri thức (knowledge impact) bao gồm các chỉ số như chi tiêu cho phần mềm máy tính, và tỉ lệ tăng trưởng về GDP trên mỗi cá nhân. Ngoài ra, còn có các chỉ số về sự phổ biến tri thức như tiền thu được từ bằng phát minh, xuất cảng hàng hóa và dịch vụ công nghệ cao. Sau cùng là tiêu chuẩn về hiệu suất sáng tạo. Tiêu chuẩn này bao gồm các chỉ số về số thương hiệu đăng kí, dịch vụ giải trí và văn hóa, số phim sản xuất hàng năm, số lượng nhật báo lưu hành, và xuất khẩu hàng hóa mang tính sáng tạo.
Kết quả phân tích
Qua phân tích thống kê, nhóm NSEAD tóm lược 7 tiêu chuẩn trên trong một chỉ số GII – chỉ số sáng tạo toàn cầu. Chỉ số này có giá trị từ 0 đến 100, với giá trị càng cao tương đương với mức độ sáng tạo càng cao. Có 125 nước cung cấp dữ liệu cho phân tích. Giá trị GII dao động từ 18 (thấp nhất) đến khoảng 64 (cao nhất). Dựa vào GII, có 10 nước được xếp hạng “Top 10” trong năm 2011. Mười nước đó là: Thụy Sĩ (điểm ~64), Thụy Điển (62), Singapore (60), Hồng Kông (59), Phần Lan (57.5), Đan Mạch (57), Mĩ (56.6), Canada (56.3), Hà Lan (56.3), và Anh (56). Như vậy, có 3 nước Á châu trong danh sách “Top 10”.
Việt Nam đứng ở vị trí nào trong bản đồ sáng tạo quốc tế? Theo kết quả phân tích của NSEAD thì Việt Nam đứng hạng 51 (trong số 125). Tuy nhiên, thứ hạng 51 đó không có nghĩa là chỉ số sáng tạo của Việt Nam trên trung bình (như báo Tia Sáng viết), mà chỉ là trung bình mà thôi. Thật vậy, chỉ số GII của Việt Nam là 36.71, và chỉ số này bằng với chỉ số GII trung bình của 125 nước là 36.70 (độ lệch chuẩn 10.76).
Tuy nhiên, xem xét chi tiết từng chỉ số cũng cung cấp thêm vài thông tin thú vị. Nói chung, các chỉ số về thể chế của Việt Nam đều thấp hơn trung bình. Chẳng hạn như chỉ số về môi trường ổn định chính trị của Việt Nam (39.17), thấp hơn trung bình khoảng 0.8 độ lệch chuẩn (Bảng 1). Riêng về chỉ số sáng tạo tri thức, Việt Nam chỉ có điểm 2.9, chỉ bằng 15% so với trung bình toàn cầu là 18.27! Tuy nhiên, hiệu suất sáng tạo của Việt Nam cao hơn thế giới khoảng 0.8 độ lệch chuẩn. Cần nhắc lại rằng chỉ số hiệu số sáng tạo ở đây không phải là số bằng sáng chế mà là số thương hiệu đăng kí và sản phẩm văn hóa (như số nhật báo).

Bảng 1. So sánh một số chỉ số sáng tạo của Việt Nam và trung bình toàn cầu

Chỉ tiêu
Việt Nam
Số liệu của 125 nước
Điểm
Chỉ số Z
Trung bình
Độ lệch chuẩn
Môi trường ổn định chính trị
39.17
-0.81
57.75
22.81
Môi trường giám sát
50.49
-0.54
61.15
19.74
Môi trường kinh doanh
75.13
-0.08
76.29
14.38
Giáo dục
45.15
-0.79
56.07
13.79
Giáo dục đại học
32.08
0.07
31.09
14.16
Nghiên cứu và Phát triển
17.80
-0.67
30.00
18.24
Cơ sở vật chất
29.33
-0.09
30.20
9.64
Sự tinh vi của thị trường
46.99
0.35
42.31
13.24
Sự tinh vi trong kinh doanh
37.51
-0.08
38.59
13.15
Sáng tạo tri thức
2.90
-0.75
18.27
20.45
Ảnh hưởng của tri thức
40.16
0.51
32.92
14.08
Phổ biến tri thức
32.92
0.04
32.22
16.57
Hiệu suất sáng tạo
41.35
0.76
33.04
11.00
Chỉ số sáng tạo toàn cầu
36.71
0.00
36.69
10.76


Việt Nam hơn Nga ?
Một điều thú vị là Hàn Quốc (điểm 53.7) đứng hạng 16, cao hơn Úc (điểm 50, hạng 21) và Nhật (50, hạng 20). Một điểm đáng chú ý và có lẽ gây ngạc nhiên là chỉ số GII của Việt Nam (36.7, hạng 51) đứng trên cả Nga (35.85, hạng 56), Ukraina (35, hạng 60), Philippines (28.98, hạng 91), Iran (28.4, hạng 95).
Thứ hạng của Việt Nam so sánh với Nga và Ukraina làm chúng ta phải xem xét kĩ các chỉ số này. Tôi thử làm một so sánh (xem Bảng 2) một số chỉ số tiêu biểu giữa Việt Nam và Nga thì thấy trong số 13 chỉ số, VN cao hơn Nga 7 chỉ số, nhưng thấp hơn Nga 6 chỉ số. Có một số chỉ số VN thấp hơn Nga mà chúng ta cảm thấy có thể chấp nhận được như thấp hơn về nghiên cứu và phát triển (R&D), giáo dục (kể cả giáo dục đại học). Nhưng có chỉ số VN cao hơn Nga mà chúng ta thấy khó tin: phổ biến tri thức, ảnh hưởng của tri thức, hiệu suất sáng tạo, cơ sở vật chất.

Bảng 2. So sánh một số chỉ số sáng tạo giữa Việt Nam và Nga
Chỉ tiêu
Việt Nam
Nga
VN – Nga
Môi trường ổn định chính trị
39.17
35.85
+
Môi trường giám sát
50.49
40.27
+
Môi trường kinh doanh
75.13
77.3
Giáo dục
45.15
62.03
Giáo dục đại học
32.08
43.33
Nghiên cứu và Phát triển
17.80
29.96
Cơ sở vật chất
29.33
25.8
+
Sự tinh vi của thị trường
46.99
36.37
+
Sự tinh vi trong kinh doanh
37.51
44.87
Sáng tạo tri thức
2.90
33.39
Ảnh hưởng của tri thức
40.16
34.48
+
Phổ biến tri thức
32.92
30.73
+
Hiệu suất sáng tạo
41.35
28.95
+
Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII)
36.71
35.85
+


Tuy chỉ số GII của Việt Nam không khác nhiều so với Thái Lan (37.63), nhưng Thái Lan đứng hạn 48, trên Việt Nam chỉ 3 bậc! Bảng 3 dưới đây so sánh chi tiết giữa Việt Nam và Thái Lan. Trong số 13 chỉ số, VN thấp hơn Thái Lan trong 8 chỉ số. Một điều làm chúng ta ngạc nhiên là giáo dục đại học Việt Nam được đánh giá cao hơn Thái Lan (và điều này rõ ràng là không phù hợp với thực tế).

Bảng 3. So sánh một số chỉ số sáng tạo giữa Việt Nam và Thái Lan
Chỉ tiêu
Việt Nam
Thái Lan
VN – Thái Lan
Môi trường ổn định chính trị
39.17
38.02
+
Môi trường giám sát
50.49
67.28
Môi trường kinh doanh
75.13
79.21
Giáo dục
45.15
48.21
Giáo dục đại học
32.08
26.19
+
Nghiên cứu và Phát triển
17.80
18.51
Cơ sở vật chất
29.33
25.02
+
Sự tinh vi của thị trường
46.99
48.98
Sự tinh vi trong kinh doanh
37.51
50.2
Sáng tạo tri thức
2.90
8.59
Ảnh hưởng của tri thức
40.16
26.96
+
Phổ biến tri thức
32.92
36.25
Hiệu suất sáng tạo
41.35
39.93
+
Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII)
36.71
37.63


Những so sánh trên đây (giữa VN và Thái Lan và Nga) cho thấy chỉ số sáng tạo toàn cầu có vấn đề. Để kiểm tra cách phân tích của NSEAD, chúng ta thử xem xét mối tương quan giữa GII và 13 chỉ tiêu phổ biến trên. Mô hình đơn giản nhất để mô tả mối tương quan này là mô hình hồi qui tuyến tính đa biến (multiple linear regression model). Có thể phát biểu mô hình này là:
GII = b0 + b1X1 + b2X2 + b3X3 + . . . + b13X13
Trong đó, X1 , X2 , X3 … X13 là các chỉ số về sáng tạo tri thức. Ước số b0, b1, b2, b3, . . . b13 được trình bày trong Bảng 4.

Bảng 4. Ước số của mô hình hồi qui tuyến tính
Chỉ tiêu
Kí hiệu
Hệ số
Hằng số (b0)

0.05936
Môi trường ổn định chính trị (b1)
X1
0.03501
Môi trường giám sát (b2)
X2
0.03253
Môi trường kinh doanh (b3)
X3
0.03310
Giáo dục (b4)
X4
0.02994
Giáo dục đại học (b5)
X5
0.03349
Nghiên cứu và Phát triển (b6)
X6
0.03180
Cơ sở vật chất (b7)
X7
0.09566
Sự tinh vi của thị trường (b8)
X8
0.10190
Sự tinh vi trong kinh doanh (b9)
X9
0.10168
Sáng tạo tri thức (b10)
X10
0.08646
Ảnh hưởng của tri thức (b11)
X11
0.08439
Phổ biến tri thức (b12)
X12
0.08288
Hiệu suất sáng tạo (b13)
X13
0.25189


Mô hình này tiên lượng rất chính xác, với hệ số xác định (coefficient of determination) bằng 0.99! Nói cách khác, 13 chỉ số này “giải thích” 99% dao động về GII giữa các quốc gia.
Dựa vào mô hình trên, có thể nói rằng yếu tố hiệu suất sáng tạo (creative outputs) có ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số sáng tạo tri thức toàn cầu (hệ số hồi qui 0.25). Kế đến là các chỉ số như tinh vi của thị trường và tinh vi trong kinh doanh, và cơ sở vật chất. Do đó, tuy nói là “sáng tạo”, nhưng những chỉ số cấu thành nó lại có ít liên quan đến sáng tạo.
Biểu đồ trên đây phản ảnh độ tương quan giữa hiệu suất sáng tạo tri thức và chỉ số sáng tạo toàn cầu. Chúng ta dễ dàng thấy hai chỉ số này có độ tương quan thấp. Chỉ số về sáng tạo tri thức của Việt Nam chỉ 2.9, tức nằm trong nhóm các nước phần lớn là … Phi châu. Thật vậy, số bằng sáng chế từ Việt Nam cực kì thấp. Theo báo cáo của UNESCO, trong thời gian 2000-2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng kí được 19 bằng sáng chế, tức mỗi năm trung bình chỉ 2 bằng sáng chế.  Có năm (như 2002) chẳng có bằng sáng chế nào.  Trong cùng thời gian, Thái Lan đăng kí được 310 bằng sáng chế, Singapore 3644, cao hơn Việt Nam đến 192 lần!  Thật ra, số bằng sáng chế từ Việt Nam cũng thấp hơn Indonesia (85), Philippines (256), và Malaysia (901).
Từ những kết quả phân tích trên, có thể nói rằng chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII) không phải đúng như tên gọi. Thật vậy, có thể nói rằng chỉ số này phản ảnh một phần lớn những đại lượng liên quan đến lượng lưu hành báo chí, giá trị nhập khẩu và xuất khẩu các hàng hóa công nghệ cao. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy “chỉ số sáng tạo toàn cầu” của Việt Nam cao hơn Nga và Ukraina. Nếu phản ảnh đúng nghĩa của sáng tạo – innovation thì Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong vùng, chứ chưa thể so sánh được với một cường quốc khoa học như Nga.
Ghi chú: (1) Có thể xem toán văn báo cáo (trên 300 trang, pdf) ở đây:
http://www.globalinnovationindex.org/gii

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét