Trung Quốc nói đây chỉ là hoạt động thường niên
Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên tiếng giải thích việc tập trận gần biên giới với Việt Nam chỉ là ‘hoạt động thường niên’.
Giải phóng quân Trung Quốc vừa tổ chức tập
trận ở Khu Tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, dọc đường biên
với một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam.
Tuy thời điểm của hoạt động này không được
thông báo rõ, nhưng nó cũng làm dấy lên đồn đoán trên các trang
mạng của Trung Quốc về một sự “huy động lực lượng” quy mô lớn
trong bối cảnh đang có căng thẳng Trung-Việt quanh vấn đề chủ
quyền tại Biển Đông.
Phản ứng trước các tin đồn này, hôm thứ Ba
9/8, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra thông cáo nói cuộc tập trận do
Quân khu Quảng Châu thực hiện mới rồi chỉ là hoạt động định
kỳ thường niên và báo chí không nên đưa tin đồn quanh sự việc
này.
Các kênh thông tin chính thống của Việt Nam chưa thấy có bình luận gì về cuộc tập trận.
Trong quá khứ, Hà Nội đã một vài lần phản
đối hoạt động tập trận của Trung Quốc tại các khu vực mà
Việt Nam tuyên bố chủ quyền, như các quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa tại Biển Đông.
Ngược lại, Bắc Kinh cũng chỉ trích hoạt động
tương tự của quân đội Việt Nam, nhất là các hoạt động có sự
tham gia của một nước thứ ba.
‘Trả giá đắt’
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc lại một
lần nữa cảnh báo “một số nước” liên quan tranh chấp chủ quyền
với Trung Quốc tại Biển Đông.
Tờ Nhân dân Nhật Báo của Đảng Cộng
sản nước này mới đây có bài nghiêm khắc chỉ trích việc quân
đội Philippines xây cất cơ sở trên đảo Flat (tiếng Việt là đảo
Bình Nguyên) tại quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam
Sa.
Bài trên Nhân dân Nhật báo gọi việc
này là sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và vi phạm Tuyên
bố chung của các bên liên quan về Biển Đông (DOC).
Bắc Kinh nói đây là lãnh thổ truyền thống của mình.
Bài báo viết: “Giải quyết vấn đề chủ quyền Biển Đông là một quá trình lâu dài và phức tạp”.
Theo đó, các bên cần gây dựng tin tưởng lẫn nhau để đặt nền tảng cho đàm phán song phương trong tương lai.
“Trung Quốc không phản đối việc thương lượng đưa
ra các tiêu chuẩn ràng buộc khi nào có thể được nhưng cho rằng
quan trọng nhất lúc này là hợp tác trên thực tiễn.”
Nhân dân Nhật báo nhắc lại rằng Trung Quốc vẫn
đề cao chủ trương “gác tranh chấp để cùng khai thác” nhưng các
quốc gia liên quan cần hiểu rõ rằng điều này không có nghĩa
“một số nước nào đó có thể xâm phạm lãnh thổ của Trung
Quốc”.
“Bất cứ quốc gia nào có sự nhìn nhận chiến lược sai lầm về chủ đề này chắc chắn sẽ phải trả giá đắt.”
Nguồn: bbc.co.uk
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét