Nhiều tờ báo lớn trong nước mới đồng loạt đưa tin về việc có đến hơn 1.000 lao động Trung Quốc không phép đang làm việc tại dự án khí-điện-đạm Cà Mau.
Số công nhân Trung Quốc bất hợp pháp này bị phát hiện trong một đợt kiểm tra về lao động nước ngoài của Sở lao động thương binh xã hội tỉnh Cà Mau vào đầu tháng Tám.
Công ty cổ phần khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàn của Trung Quốc đang là nhà thầu chính hiện đang thi công dự án nhà máy đạm trong tổ hợp dự án kể từ năm 2008.
Theo báo Tuổi Trẻ, nhà thầu này đã trực tiếp đưa số lao động này từ Trung Quốc sang làm việc.
Các công nhân này làm việc, ăn, ngủ và sinh hoạt trực tiếp trong các khu nhà tập thể tại công trường.
Cũng theo Tuổi Trẻ, phần lớn lao động Trung Quốc này là công nhân lành nghề và lao động phổ thông, có nghĩa là họ làm những công việc mà công nhân Việt Nam có thể thay thế được.
‘Không báo cáo’
Báo Thanh Niên còn mô tả cụ thể hơn là những công nhân này làm những “công việc thủ công” như “khiêng gạch, bẻ sắt”.Báo Thanh Niên cũng dẫn lời ông Văn Tiến Thanh, phó trưởng ban quản lý dự án khí-điện-đạm Cà Mau, giải thích rằng nhà thầu Trung Quốc không tuyển được người Việt Nam nên phải thuê lao động Trung Quốc.
Do nhà thầu Ngũ Hoàn trả lương theo mặt bằng Trung Quốc, tức là chỉ 100.000 đồng cho một ngày lao động đơn giản nên nhiều lao động Việt Nam không muốn làm, ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng nói thêm là lao động Việt Nam cũng không đáp ứng đủ số lượng cũng như chất lượng như công nhân Trung Quốc.
Tuy nhiên, báo Thanh Niên cũng dẫn lời ông Lê Thanh Tòng, phó Giám đốc Sở Lao động–Thương binh–Xã hội tỉnh Cà Mau, nói rằng phía nhà thầu Trung Quốc chưa từng có động thái gì để nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ tìm công nhân địa phương để đắp vào chỗ lao động bị thiếu hụt.
Báo Tiền Phong tường thuật số lao động ‘chui’ người Trung Quốc tại công trường nhà máy đạm Cà Mau là 1.360 người, trong khi con số này theo báo Tuổi Trẻ là 1.051 người.
Báo Tiền Phong dẫn lời ông Dữ Minh Huân từ Sở Lao động-Thương binh-Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết nhà thầu Trung Quốc đã từng bị phạt về sử dụng lao động nước ngoài không phép và họ đều nộp phạt đầy đủ.
Còn Giám đốc Sở là bà Chung Ngọc Nhẫn đã nói với Tiền Phong rằng việc nhà thầu Trung Quốc sử dụng lao động nước ngoài ‘không phép’, ‘không có hồ sơ’ và ‘không báo cáo’ đã gây khó khăn cho việc quản lý lao động người nước ngoài.
Ông Tòng cho biết ông đã gửi văn bản báo cáo về vụ việc lên Ủy ban nhân dân tỉnh nhưng từ chối nói rõ chi tiết với BBC.
Cả ông Tòng và bà Nhẫn đều nói với BBC rằng hướng giải quyết các lao động Trung Quốc không phép này phải chờ ý kiến chỉ đạo của Ủy ban tỉnh Cà Mau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét