Quan Hệ Giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc Trong Vụ Hoa Kỳ Bị Hạ Điểm Tín Dụng
Trung Quốc nắm 1.160 tỷ đô la Công khố phiếu của Mỹ (Reuters)
Trung Quốc có phản ứng ra sao về việc Hoa Kỳ quyết định nâng mức trần nợ công và sự kiện Standard and Poor's hạ điểm tín nhiệm về quốc trái của Hoa Kỳ? Sau đây là phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, từ California, về mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới hay cụ thể hơn là quan hệ giữa con nợ Hoa Kỳ và chủ nợ Trung Quốc.
Sau
nhiều tuần lễ tranh cãi, ngày 02/08/2011, Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ
đã đạt được đồng thuận nâng mức trần nợ công. Sự kiện này đã phần nào
ảnh hưởng đến uy tín của nền kinh tế số một thế giới, với hậu quả là
ngày 05/08, công ty thẩm định tài chính Standard and Poor's của Mỹ đã
hạ điểm tín nhiệm về quốc trái của Hoa Kỳ từ hạng cao nhất là AAA xuống
hạng AA+.
Biến
cố này đã và đang gây chấn động trong dư luận và các thị trường tài
chính toàn cầu. Vốn là chủ nợ số một của Hoa Kỳ, lãnh đạo Trung Quốc đã
để các phương tiện truyền thông của Nhà nước liên tục đả kích việc Mỹ
gây bội chi ngân sách và đi vay quá nhiều.
Vậy
có thể nhận định thái độ của Trung Quốc ra sao? Mặc dù chỉ trích Mỹ,
nhưng liệu Trung Quốc có thể tìm ra được một đối tác kinh tế tài chính
khác đủ khả năng thay thế Hoa Kỳ hay không, nhất là trong bối cảnh Nhật
Bản và châu Âu đều gặp khó khăn? Tình trạng tài chính của Trung Quốc
hiện nay thực hư như thế nào?
Trên
đây là những vấn đề sẽ được đề cập đến trong cuộc trao đổi với chuyên
gia Nguyễn Xuân Nghĩa, tại California, về quan hệ kinh tế giữa hai nước
dẫn đầu kinh tế thế giới, một bên là con nợ Hoa Kỳ và bên kia là Trung
Quốc chủ nợ số một.
***
RFI: Xin
chào chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa anh, ngay sau khi tạm giải
quyết xong việc nâng định mức đi vay vào ngày 02/08, hôm Thứ Sáu, 05/08
vừa qua Hoa Kỳ đã bị công ty Standard & Poor's hạ điểm tín dụng từ
hạng AAA xuống hạng AA+. Có lẽ các thị trường tài chính ít nhiều dự
đoán vụ hạ điểm tín dụng ấy vì các công ty thẩm định giá trị trái phiếu
đã nhiều lần cảnh cáo trước, kể từ Tháng Ba vừa qua, và giải pháp về
ngân sách của Mỹ cũng chỉ là một bước tạm thời của chính trường Hoa Kỳ
trong viễn ảnh tranh cử tại Mỹ vào năm tới.
Riêng
có trường hợp một chủ nợ hàng đầu của Hoa Kỳ lại khiến dư luận đặc
biết chú ý, đó là Trung Quốc, hiện đang nắm trong tay khoảng 1.160 tỷ
Mỹ kim Công khố phiếu của Mỹ trong khối dự trữ ngoại tệ tương đương với
3.200 tỷ đô la. Theo anh nhận xét thì Bắc Kinh nghĩ sao, có phản ứng
gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng Bắc Kinh lâm vào thế kẹt vì rất nhiều lý do.
-
Thứ nhất, khi vụ tranh luận chính trị xảy ra tại Hoa Kỳ, Bắc Kinh cho
thông tấn xã quốc doanh là Tân Hoa Xã nhiều lần đả kích việc chi tiêu
của Mỹ, từ hôm 28/07 đến hôm 06/08 vừa rồi. Nhưng các viên chức hữu
trách về kinh tế, tài chính hay ngân hàng thì lại tương đối kín tiếng.
Và trong khi hầu hết các quốc gia chủ nợ của Mỹ, từ Úc qua Âu qua Á hay
Mỹ châu La tinh đều nói rằng họ tiếp tục tín nhiệm thị trường trái
phiếu Hoa Kỳ, nghĩa là tiếp tục cho vay sau khi Mỹ đã bị hạ điểm, thì
chưa thấy Bắc Kinh lên tiếng.
-
Trong khi ấy, và đây là điều thứ hai, trong suốt tháng Bảy đầy sóng
gió tại thủ đô Washington do trận đánh về ngân sách, các nhà đầu tư lại
mua vào rất nhiều trái phiếu của Mỹ. Thực tế là còn cho Mỹ vay nhiều
nhất trong năm vì dù sao thị trường này vẫn có lời cao hơn các thị
trường tín dụng còn lại, và vẫn có mức an toàn nhất.
-
Vì vậy, tôi nghĩ rằng Bắc Kinh phải ồn ào đả kích Hoa Kỳ cho dư luận
dân chúng ở bên trong vì hai lý do. Thứ nhất là cho thấy tư thế của lãnh
đạo khi kêu gọi thế giới giám sát việc chi tiêu của Mỹ; thứ hai là để
chuẩn bị dư luận về những biện pháp nhạy cảm, mà họ sẽ quy trách nhiệm
cho Hoa Kỳ. Chứ sau cùng thì vẫn chưa thể tìm ra một khách nợ nào khá
hơn nước Mỹ.
RFI: Anh vừa nói một chi tiết rất lạ là trong tháng Bảy vừa qua, các nước đã mua trái phiếu Mỹ còn nhiều hơn và có lời lớn.
Nguyễn Xuân Nghĩa:
- Thưa đúng như vậy và lãi suất cho tháng Bảy tại Mỹ còn cao gấp ba
lãi suất của các thị trường công khố phiếu khác trên thế giới. Tất cả
chỉ là sự so sánh thôi vì với mọi sự bất toàn đã được phơi bầy thì thị
trường tín dụng Hoa Kỳ vẫn là nơi an toàn hơn cả và nay có bị sụt từ
hạng AAA xuống AA+ thì vẫn là loại "có giá trị" và thực tế vẫn đứng
hạng cao hơn Trung Quốc và Nhật Bản, vốn chỉ được hạng AA mà thôi.
RFI: Trở
lại chuyện Trung Quốc, anh cho rằng lãnh đạo Bắc Kinh lâm vào thế kẹt
nên phải làm bộ phê phán Mỹ chứ cũng khó tìm ra nơi nào khác khá hơn.
Vì sao như vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
- Không nói về Âu châu đang hoạn nạn và Nhật Bản mắc nợ quá nhiều, thị
trường Hoa Kỳ đủ rộng và sâu với khối lượng công trái lên tới 9.340 tỷ
Mỹ kim tính cho đến Tháng Bảy. Nghĩa là có thể chịu đựng được nhiều
đợt chuyển dịch cả trăm tỷ đô la trong ngày và với mức an toàn cao vì
có thể dễ dàng chuyển ngay sang tiền mặt. Hãy nghĩ đến thị trường của
đồng Bảng Anh hay đồng Franc Thụy Sĩ thì mình hiểu.
- Trong khi ấy, và đây là một
mặt trái của Trung Quốc, dù xứ này có 3.200 tỷ Mỹ kim dự trữ, thế giới
không biết là họ mắc nợ bao nhiêu và chính họ cũng không biết, do những
khoản nợ khổng lồ của các chính quyền địa phương. Chính thức thì mức
công trái của Trung Quốc chỉ bằng 17% tổng sản lượng nội địa, thực tế
thì lên tới gần 90%, là xấp xỉ bằng nước Mỹ. Và nếu kể thêm mối nợ của
các công ty đầu tư địa phương do chính quyền địa phương lập ra để đi
vay thì khoản nợ của công quyền có thể lên tới từ 125 đến 160% như
nhiều công ty bên ngoài đã ước tính.
- Khác biệt ở đây là cả thế giới
nói đến chuyện nợ nần của Hoa Kỳ nhưng Bắc Kinh lại giấu nhẹm số công
trái của mình. Vì vậy, chúng ta có một hiện tượng quái đản là chủ nợ và
khách nợ đều cần nhau. Và cùng có một vấn đề chung là không kiểm soát
được việc nợ nần của mình.
RFI: Nếu mình lùi lại
để nhìn xa hơn toàn cảnh của quan hệ giữa hai nước, và cũng để nói về
những quyết định mà anh gọi là "nhạy cảm" của lãnh đạo Bắc Kinh, thì
đâu là những vấn đề của Trung Quốc?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Quốc gia này đang đi vào một khúc quanh nguy ngập khả dĩ ảnh hưởng đến sự ổn định của họ, nôm na là có thể bị khủng hoảng.
- Trung Quốc theo chiến lược
xuất khẩu của các nước Đông Á thời xưa và ép dân lẫn duy trì hối suất
rẻ để xuất khẩu bằng mọi giá và không ngừng vi phạm những quy định của
Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm độc quyền thu về ngoại tệ và cho dân
chúng hưởng rất ít công lao sản xuất. Nhờ tung ra hàng rẻ không ai
bằng, kể cả hàng kém phẩm chất và an toàn, và vào một thị trường tiêu
thụ lớn nhất thế giới, trị giá tới 10 ngàn tỷ, Trung Quốc đạt xuất siêu
rất lớn với Mỹ.
- Thế rồi họ làm gì với khối
ngoại tệ đó? Họ lại phải đầu tư vào tài sản Mỹ đến hơn hai phần ba khối
dự trữ này, thành chủ nợ lớn nhất với hơn 2000 tỷ Công khố phiếu trong
đó có 1.169 tỷ là Công khố phiếu. Nhưng vì vậy cũng đẩy lãi suất tại Mỹ
xuống mức thấp hầu khuyến khích dân Mỹ tiếp tục tiêu thụ hàng hóa của
mình. Đây là một quan hệ thiếu lành mạnh, nó gần với trường hợp bệnh lý
hơn là kinh tế!
- Tại Hoa Kỳ, dù Quốc hội có
liên tục nêu vấn đề từ nhiều năm nay, chính quyền Obama tránh nêu trách
nhiệm và tội lũng đoạn ngoại hối hay cạnh tranh bất chính của Bắc
Kinh, nhưng dân Mỹ đã bắt đầu nhận thấy và thấy khó chịu. Và vì lý do
khách quan tại Hoa Kỳ, họ đang thắt lưng buộc bụng khi kinh tế đình trệ
thất nghiệp cao và đấy mới là một vấn đề cho lãnh đạo Trung Quốc. Họ
phải tìm ra một lực đẩy khác cho kinh tế vì xuất khẩu sẽ giảm sút và
còn giảm sút nữa, đó là quyết định của Hội nghị Ban chấp hành Trung
ương hồi tháng 10 năm ngoái và là chiều hướng của Kế hoạch 5 năm lần
thứ 12 đã ban hành từ đầu năm nay.
- Song song, và đây là một khía
cạnh khác, Hoa Kỳ sẽ phải gia tăng xuất khẩu và từ 17 tháng qua đã ráo
riết tìm cách mở cửa thị trường Trung Quốc. Trong hoàn cảnh hiện nay,
quan hệ giữa hai nước sẽ càng thêm căng thẳng khi Trung Quốc lại gặp
quá nhiều khó khăn ở bên trong.
RFI: Trước khi nói qua
những khó khăn ấy, xin hỏi anh thêm một câu là Tân Hoa Xã của Bắc Kinh
cũng nói thẳng rằng coi chừng nước Mỹ sẽ phá sản. Điều ấy có đúng
không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi phải rất thận trọng khi trả lời câu hỏi này vì nhiều người mình rất thích những thuyết âm mưu linh tinh của Hoa Kỳ.
- Thực tế thì mọi khoản nợ của
Hoa Kỳ đều là nợ bằng Mỹ kim và khi cần thiết thì Ngân hàng Trung ương
có thể in bạc ra cho Ngân khố Mỹ. Thứ hai, chính là nạn bội chi vô trách
nhiệm đã gây phản ứng trong dân Mỹ nên mới có vụ khủng hoảng vừa qua
về ngân sách. Dân Mỹ đang muốn giới hạn lại việc tăng chi bừa phứa để
tiến tới quân bình ngân sách và cũng vì vậy mà S&P mới hạ điểm tín
dụng của Hoa Kỳ.
- Thứ ba, từ năm 1917 luật lệ Mỹ
có quy định về mức nợ tối đa mà chính quyền có thể đi vay và đã có 81
lần mà chính quyền phải xin Quốc hội cho nâng định mức ấy, lần cuối là
ngày 02/08 vừa qua. Vì vậy, tôi tin rằng sau khi đã bị vỡ mặt về uy tín
của kẻ đi vay, Hoa Kỳ sẽ có thay đổi, chuyện "phá sản" như Bắc Kinh
dọa là điều khó xảy ra.
- Ngược lại, Trung Quốc không có
định mức đi vay như vậy nên chẳng bao giờ lãnh đạo phải lo nâng trần
nợ cho cao hơn. Đấy là lý do họ đi vay tứ tung và giấu biến các khoản
nợ này, và rơi vào quy luật có vay có trả. Chuyện này mới là một tiết
mục nhạy cảm khác.
RFI: - Câu hỏi cuối
thưa anh chính là về các tiết mục nhạy cảm ấy. Trung Quốc đang bị những
mối nguy gì mà không muốn cho dân chúng biết nên xoay ra đổ lỗi cho
Hoa Kỳ như anh nói?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Cả
ba khối kinh tế hậu công nghiệp là Hoa Kỳ, Âu châu và Nhật Bản đều đang
bị đình trệ, thậm chí bị suy trầm nữa. Vì vậy, đà tăng trưởng kinh tế
toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng vì một lực đẩy bị suy yếu là xuất cảng. Nếu đà
tăng trưởng của Trung Quốc mà giảm tới mức 7-8% là xứ này có thể bị
loạn vì dân chúng thất nghiệp và hàng triệu doanh nghiệp phá sản.
- Thứ hai, xứ này đang bị lạm
phát – là mối ám ảnh chính trị cho lãnh đạo – khi dân chúng lại phẫn nộ
về mọi chuyện bất công ở từng địa phương. Lạm phát là yếu tố kết hợp
những bất mãn cục bộ thành phong trào. Vụ Mỹ bị hạ điểm tín dụng còn có
thể đẩy lạm phát lên cao hơn tại Trung Quốc bì dân chúng sợ Mỹ kim mất
giá nên chuyển sang đầu tư vào thương phẩm, nguyên nhiên vật liệu.
- Thứ ba, để khỏi bị suy trầm
nên Trung Quốc tăng chi và ào ạt bơm tín dụng từ cuối năm 2008 nên đã
thổi lên đủ loại bong bóng, nguy ngập nhất là bong bóng đầu cơ địa ốc.
Khi cần kiểm soát lạm phát, Bắc Kinh càng có thể làm trái bóng này dễ
bể hơn nữa.
- Thứ tư, lãnh đạo Bắc Kinh biết
là phải chuyển từ lượng sang phẩm, từ mức tăng trưởng cao sang lợi tức
của người dân hầu mở rộng khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa để
thay thế xuất cảng đã và sẽ giảm. Nhưng họ lại đang ở trong giai đoạn
chuyển tiếp trước Đại hội đảng khóa 18 vào mùa Thu năm tới, nên những
tranh giành nội bộ sẽ khiến việc chuyển hướng thêm khó khăn và càng trì
hoạn thì càng gây sức ép sẽ tạo sức bật rất mạnh sau này. Đấy mới là
mối lo của Bắc Kinh, còn đáng sợ hơn là chuyện tài sản Mỹ của họ bị mất
giá.
RFI: Xin cám ơn anh Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi lý thú này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét