Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Căn cứ Trung Quốc ở Seychelles sẽ là mối đe dọa cho hải quân Ấn Độ?

The Diplomat
16-12-2011 Mandip Singh
Nguyễn Tâm dịch

Tin tức cho hay, Trung Quốc đang xem xét một đề nghị của Seychelles cho phép thiết lập một căn cứ tại đảo quốc này để phục vụ cho các tàu Trung Quốc, điều này tạo ra vấn đề chiến lược mới, hóc búa đối với các nhà hoạch định quân sự của Ấn Độ.
Có nhiều cuộc thảo luận trên truyền thông bàn về đề nghị rõ ràng của Seychelles, liên quan đến việc lập một căn cứ cho các tàu Trung Quốc được triển khai đến vịnh Aden và Tây Ấn Độ Dương, giúp chống nạn cướp biển. Trong khi chưa rõ liệu đề nghị này có được chấp thuận hay không, thì các bản tin của truyền thông Trung Quốc ngụ ý rằng Trung Quốc đang tích cực cân nhắc, xem đây như một căn cứ “tiếp tế” [cho các tàu Trung Quốc].
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng tuyên bố Bắc Kinh không dự tính lập căn cứ quân sự tại Seychelles, và cho biết thêm Trung Quốc sẽ không “đi ngược lại” chính sách truyền thống của mình là “không đóng quân ở nước ngoài”. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tìm kiếm chỗ đứng trong vùng Ấn Độ Dương là một hành động không chỉ có gần đây – và đó là điều Ấn Độ cần theo dõi một cách thận trọng.
Trung Quốc đã bắt đầu theo đuổi cái gọi là chiến lược “Chuỗi ngọc trai” tại Ấn Độ Dương từ năm 2001, thông qua các tuyến hàng hải thương mại, giúp xây dựng cảng Gwadar [tại Pakistan]. Sau đó,  Trung Quốc trúng thầu xây các cảng tại Hambantota,  nằm phía mũi cực nam của Sri Lanka, Chittagong tại Bangladesh và Kyaukpyu thuộc bờ biển phía đông Miến Điện, trong vùng biển Ả-rập.
Seychelles là một đảo quốc nhỏ ở Ấn Độ Dương, gồm một nhóm 115 đảo nhỏ, bao phủ một diện tích khoảng 450 km vuông.  Dân số chỉ 87.000 người, nhưng Seychelles lại có một Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) rộng lớn, với diện tích 1,4 triệu km vuông. Tầm quan trọng chiến lược của đảo quốc này có thể nhận thấy khi ngược dòng thời gian trở về thời Napoleon, lúc đó Anh Quốc nắm quyền kiểm soát hòn đảo này. Gần đây hơn, Mỹ lúc đầu dự định triển khai một căn cứ trên đảo Aldabra của Seychelles, nhưng trước sức ép lớn và áp đảo từ phe bảo thủ, Mỹ phải tiến hành lập căn cứ trên đảo Diego Garcia để thay thế.
Dù có quan hệ ngoại giao với Seychelles từ năm 1976, nhưng Trung Quốc tỏ ra không quan tâm mấy đến hòn đảo này cho đến khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có chuyến thăm Seychelles vào năm 2007. Trong suốt chuyến công du này, đã có không dưới năm hiệp định song phương được hai bên ký kết về hợp tác kinh tế, kỹ thuật, giáo dục và xúc tiến đầu tư. Chuyến thăm của Hồ Cẩm Đào lần đầu tiên đã phát đi tín hiệu rõ ràng về lợi ích chiến lược của Trung Quốc trong khu vực [Ấn Độ Dương].
Tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Lương Quang Liệt dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự gồm 40 thanh viên đến thăm Seychelles – một phái đoàn đủ lớn để hàm ý rằng Bắc Kinh rất mong tạo dựng kế hoạch phục vụ cho sự hiện diện tích cực của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong tương lai gần. Một phần trong kế hoạch phát triển quan hệ quân sự, Trung Quốc đã trao tặng Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Seychelles (SPDF) máy bay Y-12, với chức năng trinh sát và chống cướp biển. Tin cho hay, Trung Quốc cũng đang huấn luyện 50 lính SPDF tại Trung Quốc theo thỏa thuận hợp tác quân sự ký năm 2004.
Các hành động nói trên sẽ là mối quan tâm đặc biệt cho Ấn Độ. Phía Ấn Độ đã tích cực giúp Seychelles huấn luyện lực lượng SPDF, cung cấp một máy bay Dornier, hai trực thăng Chetek (loại cũ, sản xuất năm 1981) và một tàu tấn công nhanh. Các tàu Ấn Độ thường xuyên ghé thăm Victoria (thủ đô Seychelles), và tích cực chống cướp biển ở các vùng biển quanh Seychelles. Trong lúc đó, bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Ấn Độ, trong chuyến thăm Seychelles năm 2010, đã nhấn mạnh tầm quan trọng mà New Delhi đặt vào mối quan hệ thân thiện với quốc gia này.
Với mối quan tâm như vậy, rõ ràng là sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở khu vực này của Ấn Độ Dương là không có lợi cho Ấn Độ. Nhưng lợi ích của Trung Quốc là gì khi lập căn cứ  tại Seychelles?
Bước đầu, căn cứ này sẽ giúp Trung Quốc thỏa mãn cơn thèm muốn có được chỗ đứng vững chắc tại Ấn Độ Dương. Như vậy, Seychelles cung cấp cho hải quân Trung Quốc một trạm dừng chân lý tưởng, có thể chống lại bất cứ mối đe dọa nào bởi hoạt động của hải quân Mỹ bên ngoài căn cứ Diego Garcia trong vùng Ấn Độ Dương, ảnh hưởng đến các tuyến giao thương trên biển của Trung Quốc từ Châu Phi. Thêm vào đó, để hỗ trợ việc tiếp tế, nghỉ ngơi và sửa chữa của các tàu hải quân của Trung Quốc đang làm nhiệm vụ chống cướp biển trong khu vực, Trung Quốc cần một trạm hậu cần lớn, có thể tiếp vận được bằng đường không, bằng tàu buôn/ tàu hải quân. Do đó, căn cứ [của Trung Quốc] tại Seychelles sau cùng có thể phát triển thành một căn cứ hải quân trú đóng lâu dài.
Và có thể còn những động cơ khác. Đầu tiên, phải kể đến việc Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào ngành khai thác mỏ, khoáng sản và cơ sở hạ tầng ở châu Phi, và Seychelles trở thành nơi lý tưởng để bảo vệ các lợi ích này của Trung Quốc, cũng như để di tản nhanh số dân Trung Quốc đang sống và làm việc xa xứ tại lục địa châu Phi khi cần thiết. Về mặt quân sự, Seychelles cung cấp một địa điểm lý tưởng để xây dựng những trạm ra-đa theo dõi tín hiệu, nhằm giám sát các hoạt động hải quân của Mỹ, Ấn Độ và các nước khác trong khu vực. Có lẽ, điều quan trọng nhất là Seychelles có khoảng cách địa lý bằng nhau đối với các tuyến kiểm soát đường biển, vận chuyển dầu từ Trung Đông và Châu Phi về Trung Quốc, cho phép hải quân Trung Quốc yểm trợ hiệu quả các tàu buôn của mình khi xảy ra khủng hoảng.
Sự hiện diện của hải quân Trung Quốc tại Seychelles ảnh hưởng thế nào đến Ấn Độ? Thứ nhất, điều này cho phép Trung Quốc đương đầu trực tiếp với hải quân Ấn Độ, lực lượng lớn mạnh nhất vùng. Thứ hai, sự hiện diện lâu dài của hải quân Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp đối với vùng ven biển phía tây Ấn Độ, và các tuyến kiểm soát hàng hải dẫn đến bán đảo Ấn Độ. Thứ ba, quan hệ gần gũi giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Pakistan làm tăng độ tin cậy lẫn nhau, có thể tạo nguy cơ phối hợp hải quân giữa Trung Quốc và Pakistan trên biển. Cho đến nay, mối đe dọa do sự phối hợp Trung Quốc-Pakistan đa phần giới hạn ở khu vực biên giới trên bộ. Giờ đây, các nhà hoạch định Ấn Độ có thêm yếu tố phải đối phó từ hướng biển. Thứ tư, như đã từng xảy ra trong quá khứ, hải quân Trung Quốc có thể lập các trạm ra-đa do thám tín hiệu nhằm chủ động theo dõi hải quân Ấn Độ trong vùng. Sau cùng, sự hiện diện của hải quân Trung Quốc, tuy nhỏ, nhưng tất yếu sẽ làm chuyển hướng, điều động đáng kể nguồn lực hải quân Ấn Độ từ Hạm đội phía Tây trong trường hợp xảy ra xung đột. Nguy cơ này sẽ trầm trọng thêm nếu hải quân Trung Quốc được quyền tiếp cận một sân bay [tại Seychelles], lúc đó năng lực trinh sát đường biển Trung Quốc sẽ được gia tăng rất nhiều trong vùng Ấn Độ Dương.
Vậy Ấn Độ nên ứng phó như thế nào? Trước tiên, Ấn Độ cần tích cực gắn kết với các đảo quốc trong khu vực Tây Ấn Độ Dương, gồm: Mauritius, Maldives, Seychelles và Madagascar – về ngoại giao, kinh tế và quân sự, nhằm ngăn chặn sự lan rộng các cứ điểm dừng chân của Trung Quốc. Riêng Maldives, đây là nơi có tầm quan trọng thật sự, đóng vai trò như một tiền đồn chiến lược, chống lại bất cứ cuộc triển khai quân sự nào đe dọa bờ biển phía đông của Ấn Độ.
Trong trường hợp Seychelles, Ấn Độ phải vô hiệu hóa những lợi thế kinh tế-thương mại mà Trung Quốc dành cho đảo quốc này, bằng cách đó sẽ hạn chế Seychelles cho Trung Quốc sử dụng nơi làm căn cứ “tiếp tế”. Ngoài ra, Ấn Độ có thể xem xét trợ giúp quân sự nhiều hơn cho Seychelles dưới hình thức cung cấp các trang thiết bị hải quân, huấn luyện lực lượng SPDF chống cướp biển và chống đánh bắt trộm hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Seychelles.
Dù New Delhi có quyết định bất cứ điều gì đi nữa, thì một điều rõ  ràng – phạm vi và quá trình triển khai của hải quân, không quân Ấn Độ nên được gia tăng đáng kể trong vùng Tây Ấn Độ Dương.
Mandip Singh là thành viên cao cấp của Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng tại New Delhi.
Nguồn: The Diplomat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét