Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Tấn công cựu Tổng Thanh tra CP Trần Văn Truyền nhằm mưu đồ gì?

Tấn công cựu Tổng Thanh tra CP Trần Văn Truyền nhằm mưu đồ gì?

Trong tuần qua, khi tin tức về sự ra đi đột ngột của ông Phạm Qúy Ngọ, Thượng tướng UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chưa chấm dứt, thì trên các báo chính thống và mạng xã hội ở Việt Nam đang nổ ra tranh luận về tài sản của ông Trần Văn Truyền, cựu Ủy viên Trung ương Đảng CSVN, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ (giai đoạn 2007-2011) đã nghỉ hưu.
Điều đáng chú ý là hai vụ việc trên đều liên quan đến lĩnh vực bảo vệ pháp luật và thanh tra, đặc biệt hai nhân vật được nêu tên đều là cán bộ cao cấp trong chính phủ của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Điều này cho thấy đây là một sự việc khá bất thường, đã khiến nhiều người nghi vấn: "Tự nhiên Báo Người Cao tuổi cho đăng tin ấy để làm gì?". Có lẽ Báo Người Cao tuổi chắc chắn là không phải đăng tin động trời như thế để chơi, trong lúc sự mất lòng tin của dân chúng vào chính quyền đang tăng cao. Và cho đến thời điểm này Tổng biên tập Báo Người Cao tuổi, ông Kim Quốc Hoa vẫn khẳng định, báo Người Cao Tuổi có đủ cơ sở về những vấn đề đã nêu liên quan đến khối tài sản của ông Trần Văn Truyền.
Ông Trần Văn Truyền và tòa biệt thự gây sóng gió
Tiết lộ chết người
Bắt đầu từ bài báo "Ông Trần Văn Truyền, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ có bao nhiêu biệt thự?" đăng trong mục "Thư giãn cuối tuần" trên Báo Người Cao tuổi ngày 21.02.2014. Theo nội dung bài báo cho biết, ngoài một số biệt thự, lô đất sở hữu trước đây, ông Trần Văn Truyền đang triển khai một “dự án gia đình” trên lô đất khoảng 30.000m2 (3 héc-ta) tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Trong khuôn viên đó, ông Truyền đã và đang xây dựng một biệt dinh hoành tráng và 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ, gỗ thuộc nhóm gỗ đặc biệt không dùng đến một cái đinh sắt và cũng xuất hiện tin đồn rằng cái giường “đặc biệt” của vợ chồng ông Truyền có giá trị khoảng nhiều tỉ đồng… Đồng thời bài báo này cũng cho hay, theo nguồn tin từ một số cán bộ Thanh tra Chính phủ và cán bộ ở Bến Tre, ngoài số tài sản trên ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP Hồ Chí Minh. Đó là phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lý, sử dụng…
Chắc chắn không ít người sẽ tự hỏi vậy tổng số tài sản hiện có của ông Trần Văn Truyền là bao nhiêu khi mà số tài sản nổi của ông  kể trên chắc chắn chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Và một điều khẳng định nếu đó không phải là phần thu nhập bất minh thì rất khó mà ông Truyền có thể giải trình được. Cho dù ông Truyền là một viên chức chính phủ cao cấp thì các khoản thu nhập cũng khó có thể chứng minh. Vì "Theo tính toán của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, với mức lương Bộ trưởng, phải dành dụm 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp. Nếu lên chức Bộ trưởng lúc 50 tuổi, thì đến lúc mừng Đại thọ 90 tuổi, ông Bộ trưởng ấy mới mua được căn hộ chung cư thu nhập thấp. Lương của một Tổng thanh tra Chính phủ trên dưới 10 triệu đồng có lẽ phải tằn tiện lắm mới đủ sống trong thời đại mọi thứ đều tăng giá . Hoặc nếu có bỏ dư ra chút đỉnh, thì chắc phải…1.000 năm sau, ông mới có thể xây dựng được một dinh thự như vậy." (Báo Đất Việt)
Điều đó sẽ là một câu hỏi khiến ông Trần Văn Truyền rất khó có thể tìm ra một câu trả lời hợp lý để giải trình nguồn gốc tài sản hiện có của mình. Tuy nhiên việc chứng minh được rằng tài sản của ông Trần Văn Truyền được xây dựng bằng những nguồn tiền bất hợp pháp thì những nghi vấn mới có giá trị, còn nếu không cách đặt vấn đề của Báo Người Cao tuổi là vô nghĩa và không những thế nó còn là sự xâm hại quyền riêng tư của ông Trần Văn Truyền.
Tiền từ đâu ra?
Một điều ai cũng phải thừa nhận là ở cương vị Tổng thanh tra Chính phủ, một chức vụ đứng đầu công tác phòng chống tham nhũng, người có quyền sinh, quyền sát. Từng được ví như Bao Thanh thiên thì chuyện ông Truyền nhận hối lộ để trục lợi và làm sai lệch các vụ việc là một chuyện hết sức bình thường một khi ông không giữ được phẩm chất. Nhưng trong quá khứ công tác chính bản thân ông Trần Văn Truyền không có tì vết, mà đã từng chứng minh bằng hành động đuổi thẳng một người mang một cặp chứa đầy USD có nhã ý biếu ông. Và ông Truyền đã từng khẳng định, riêng đối với những người đang là đối tượng thanh tra của mình thì dứt khoát một xu quà cũng không được nhận và phải xử lý đúng quy định.
Lý giải về khối tài sản của mình đang khiến dư luận xôn xao, ông Trần Văn Truyền thừa nhận với báo chí rằng đúng là có xây nhưng đó là căn nhà được dựng trên thửa đất 16.000 m2 của con trai đã mua từ lâu và bản thân ông đã trực tiếp cải tạo từ những thửa ruộng nhiễm phèn. Cũng theo ông Truyền, đồ đạc trong nhà là do ông tích cóp rất nhiều năm nay, cộng thêm các anh chị em mỗi người cho một chút, giờ làm nhà rồi thì ông mang đồ đạc đến. Và ông Truyền khẳng định không có chuyện ông có cái giường ngủ của vợ chồng có giá vài tỉ đồng.
Điều đáng chú ý là khi giải thích về tiền để xây ngôi biệt thự trên mảnh đất này, chị Trần Thị Ngọc Huệ, con gái ông Truyền cho báo chí biết: “Ba tôi có người em kết nghĩa ở quận 9, người này có xây cho ba một ngôi nhà nhưng ba không ở sau đó cô xuống dưới này thấy cuộc sống vất vả nên biếu ba một số tiền để ba làm nhà đó”.
Hiện tượng hầu hết các quan chức nhà nước có cuộc sống xa hoa với những tài sản nổi là các dinh thự có giá trị từ vài chục đến vài trăm tỷ là hiện tượng phổ biến. Và hầu như đã trở thành thời trang thời thượng để chứng tỏ đẳng cấp của các cán bộ lãnh đạo. Các hình ảnh thông tin trên mạng về đám cưới của con trai Thượng tướng Phạm Qúy Ngọ gần đây hay  thông tin về biệt thự, nhà vườn của gia đình ông Bùi Thanh Quyến, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương và ông Trần Văn Truyền đã phần nào cho thấy. Song điều nguy hiểm là những vụ việc này không được quan tâm đúng mức và có biểu hiện tránh né và bao che. Cho dù việc xã minh những người em kết nghĩa tốt bụng kia là điều hoàn toàn không khó. Nhưng cuối cùng các vụ việc đó cũng bị chìm xuồng, những người liên quan thì vô can, điều đó đã và đang trở thành những tiền lệ xấu.
Cần phải làm rõ 
Trong thời gian qua nếu để ý sẽ thấy có nhiều tờ báo tham gia đưa tin về nội dung điều tra nguồn gốc các tài sản khổng lồ của ông Trần Văn Truyền, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ, bên cạnh đó là một vài tin tức có ý kiến mang tính bênh vực và bảo vệ cho ông. Ngay sau khi có ý kiến của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đề nghị Ban Nội chính TW vào cuộc để làm rõ vấn đề này, thì lập tức có ý kiến phản bác cho rằng đây là việc của Ủy ban Kiểm tra TW chứ không phải việc của Ban Nội chính. Đáng chú ý là chiều ngày 28/2, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng .2014, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trước câu hỏi về việc xử lý thông tin liên quan đến ông Trần Văn Truyền cho rằng: "Chuyện này khó mà trả lời được vì theo quy định, Chính phủ cũng không có nhiệm vụ như vậy. Chúng tôi chưa có thông tin nào ngoài thông tin báo chí".
Tuy nhiên, nói về vụ việc này, theo Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết có không ít vụ án hình sự về hành vi tham nhũng bị phát hiện truy tố và xét xử về hành vi đưa, nhận hối lộ dưới hình thức “quà biếu” với giá trị rất lớn, đặc biệt lớn. Trường hợp của ông Trần Văn Truyền là một người có chức vụ cao trong bộ máy thanh tra Chính phủ được quà tặng có giá trị đặc biệt lớn từ "em kết nghĩa" là điều bất bình thường, có thể xem điều đó có dấu hiệu vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự theo điều 4 Luật Phòng, chống tham nhũng vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự dù đã về hưu. Và theo quy định của pháp luật, cán bộ về hưu vẫn phải có nghĩa vụ báo cáo về việc nhận quà tặng có giá trị rất lớn như thế theo quy định của Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg. Mặt khác nếu việc cho tặng tài sản thuộc trường hợp mà pháp luật không cấm nhưng chưa được ông Truyền kê khai và nộp thuế thì ông Truyền vẫn phải bị truy thu thuế.
Hiện nay cho dù Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lí nhà nước cao nhất về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và chống tham nhũng, là công cụ có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm cho bộ máy quản lí Nhà nước trong sạch, minh bạch. Song trong giai đoạn lãnh đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Thanh tra Chính phủ đã có nhiều sai sót trong việc thanh tra các tập đoàn, tổng công ty thuộc sở hữu của nhà nước. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất thoát và đổ vỡ của Vinashin, Vinalines... Qua đó cho thấy, có thể đây là việc châm ngòi tiếp trong cuộc chiến đấu đá nội bộ lãnh đạo cao cấp đang ở hồi gay cấn. Có thể cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền là một hướng đột phá mới trong một lời khai (có thể) của tử tù Dương Chí Dũng trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới. Một cách lấp chỗ trống ở phút thứ 89 của Trưởng Ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh, để đối phó khi đầu mối Phạm Qúy Ngọ đã "vô tình" bị loại bỏ một cách hợp lý theo kiểu "chết một người cứu muôn người" để tiếp tục tìm bằng được ai là kẻ đóng vai trò ông trùm.
Từ lời giải thích cho rằng tiền làm nhà do một người em kết nghĩa biếu cũng đã làm cho người ta không thể không nghĩ đến "ông anh" Phạm Qúy Ngọ của tử tù Dương Chí Dũng, cựu TGĐ Vinalines. Người đã bị chính Dương Chí Dũng tố cáo trước Tòa đã từng nhận từ y khoản tiền hối lộ 20 tỷ VNĐ và 510.000 USD. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao các quan chức cao cấp lại có những em út tốt bụng như thế? Và không biết các em út của họ làm gì mà giàu thế để có thể có tiền để "biếu" cho các ông anh kết nghĩa những khoản tiền từ hàng trăm ngàn đến cả triệu đô la Mỹ? Có lẽ nào cô em kết nghĩa của ông Trần Văn Truyền ở Quận 9 lại có thể là một trong những đồng chí chưa bị lộ của Dương Chí Dũng?
Diễn biến khá nhanh
Hiện nay trong đảng, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã và đang muốn khẳng định mình thông qua nỗ lực thúc đẩy chống tham nhũng bằng các biện pháp khác nhau, trong đó việc sử dụng Ban Nội chính để giải quyết các đại án tham nhũng. Khi tiếp xúc với cử tri quận Tây Hồ Hà nội ngày 06.12.2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Nhưng tham nhũng nguy hiểm và khó chịu vì đã thành khá phổ biến. Nó thành đường dây có tổ chức rồi, chứ không còn từng người một người ăn mảnh nữa. Chúng tôi hay nói đó là lợi ích nhóm, cấu kết với nhau nên phải có cơ chế trị tận gốc, việc này rất khó chứ không phải dễ”.
Đó cũng có thể là lời giải thích vì sao sau một hồi im tiếng, ngày 28.02.2014 Báo Người Cao tuổi lại tung ra bài viết "Liên quan đến thực hiện Nghị quyết Trung ương IV, Khóa XI: Trước khi nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền kí bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở Thanh tra Chính phủ". Theo đó bài báo cho biết "Trong lịch sử 68 năm (23/11/1945 – 23/11/2013) ngành Thanh tra Chính phủ có lẽ ông Tổng TTCP Trần Văn Truyền (nhiệm kì 2007 – 2011) là vị “Tư lệnh ngành” chiếm kỉ lục, giành ngôi “quán quân” về làm công tác cán bộ trước khi về hưu. Chỉ trong một thời gian ngắn ông kí ồ ạt quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp Vụ (và tương tương), nhiều người không có quy hoạch…". Và cũng theo Báo Người Cao tuổi đặc biệt sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ông Trần Văn Truyền khi không còn được tái ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương, biết mình sau kì họp thứ I Quốc hội Khóa XII sẽ rời khỏi chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Truyền đã chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ (do ông Ngô Văn Cao là Vụ trưởng) cấp tập, dồn dập làm nhân sự một cách ồ ạt. Từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011 ông Trần Văn Truyền kí quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ (và tương đương) tại cơ quan TTCP, chỉ trong 2 ngày (1/8 và 3/8) kí bổ nhiệm 26 người, riêng ngày 3/8/2011 kí bổ nhiệm 22 người. Đáng chú ý trong số các cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm đó đã mắc sai lầm, khuyết điểm, bị kỉ luật thậm chí bị đi tù như ở Cục I, Trung tâm Thông tin hay ở Vụ III, v.v…
Đáng chú ý là thông tin mới về cựu Tổng Thanh tra Chính phủ được đưa ra cùng ngày với việc Tỉnh ủy Bến Tre vừa có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo tình hình xung quanh dư luận tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng Thanh tra Chính phủ, được đăng trên một số tờ báo. Điều này khiến cho người ta nhớ tới việc gần đây trả lời phỏng vấn của TTXVN, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh cần phải làm mọi cách cho người ta không dám tham nhũng: "Tốt nhất là đừng để nó xảy ra; phải tìm cách ngăn chặn, răn đe trước, làm cho người ta không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng... Còn khi đã xảy ra rồi thì phải kiên quyết xử lý; xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp. Xử lý nghiêm cũng là biện pháp phòng tích cực."
Kết:
Vấn đề các tài sản nổi của Ông Trần Văn Truyền, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ đã và đang làm nóng dư luận, cũng vì ông là người đứng đầu cơ quan điều tra và xử lý tham nhũng của Chính phủ. Song trái lại, ông Truyền cũng cho thấy có dấu hiệu nhận quà biếu “khủng” một cách không bình thường, thì việc cần có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng để sự việc được minh bạch hơn là vấn đề cần thiết. Nếu ông Truyền đủ cơ sở để chứng minh và giải thích nguồn gốc của khối tài sản hiện có của mình là hợp pháp thì coi như ông được minh oan. Ngược lại, nếu không đủ cơ sở chứng minh thì có lẽ không thể để lọt lưới pháp luật nhằm răn đe và phòng ngừa chung, nhất là đại nạn tham nhũng bùng phát như bệnh dịch hiện nay, không thể để tham nhũng có chốn dung thân đối với bất cứ ai, bất kỳ cương vị nào thì xã hội sẽ an tâm hơn.
Tuy nhiên do sự tồn tại của thể chế chính trị hiện tại, cùng với sự lãnh đạo toàn diện của đảng CSVN trong tất cả mọi lĩnh vực xã hội dẫn đến tình trạng cha chung không ai khóc. Các quan chức ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương thi nhau tham nhũng xà xẻo của công. Đây cũng chính là cơ hội cho những người làm công tác chống tham nhũng như cựu Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền thả sức tiếp tay cho các đối tượng chạy án để làm giàu. Điều đó cho thấy cần phải phát huy vai trò phòng chống tham nhũng của báo chí, được coi là cơ quan quyền lực thứ tư. Nhưng vấn đề cần thiết nhất vẫn là phải có một tỏ chức chống tham nhũng độc lập không chịu sự chi phối của cơ quan đảng.
Cho dù dư luận xã hội đòi hỏi cần phải khẩn trương làm rõ nguồn gốc các dinh thự nổi của cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền  để trả lời công luận cộng, với sự nỗ lực của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Nội chính TW. Song người ta cũng ít có hy vọng, bởi một thực tế ở Việt nam, đã là quan chức thì tay ai cũng đã dính chàm vì có cán bộ nào mà không tham nhũng?
Rồi vụ việc này cũng đi theo vết xe đổ: Chìm xuồng và hòa cả làng.
Ngày 01 tháng 03 năm 2014
© Kami
(Blogg's Kami)

Mở cửa để dân tham gia điều trần ở Quốc hội

TT - Đã có cách làm mới tại phiên giải trình về thông tư 16 (hướng dẫn cách tính diện tích căn hộ) do Bộ Xây dựng ban hành được tổ chức tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ngày 26-2 vừa qua: đại diện những người dân có liên quan đã được mời tham gia cuộc đối thoại.

Ông Nguyễn Sĩ Cương  - Ảnh: Việt Dũng
Ông NGUYỄN SĨ CƯƠNG (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho biết:
"Tính công khai, minh bạch qua việc trình bày quan điểm của các bên khác nhau là một ưu điểm thấy rõ. Báo chí cũng là một bên tham dự cần thiết trong các phiên giải trình này để tăng tính công khai, minh bạch"
Ông Nguyễn Sĩ Cương

- Bước đầu chúng tôi đã nhận được những phản hồi tích cực khi mở rộng diện đối tượng tham gia một phiên giải trình như vậy. Cá nhân tôi không nghĩ đó là một sáng kiến, bởi vì đây là việc bình thường trong sinh hoạt nghị viện nhiều nước trên thế giới.

Trong dự kiến chương trình công tác hằng năm của Ủy ban Pháp luật, chúng tôi đều lên kế hoạch cho hoạt động giám sát, tuy nhiên cũng có những hoạt động phát sinh theo yêu cầu công việc. Phiên giải trình về thông tư 16 là một trong số đó. Thời gian qua chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều phản ảnh qua đơn thư của người dân về vấn đề này, kết hợp với tìm hiểu nhiều kênh thông tin chính thống khác, chúng tôi đã quyết định tổ chức phiên giải trình và mời đại diện người dân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia.

* Việc mở rộng thành phần tham gia một phiên điều trần như vậy có trở nên thường xuyên hơn?

- Các nước gọi là điều trần, ở ta gọi là phiên giải trình. Các chuyên gia nghiên cứu nhận xét tuy cách gọi khác nhau nhưng tính chất thì “hao hao”, nghĩa là không giống nhau hoàn toàn nhưng cũng có những nét tương tự.

Các nước khi tiến hành điều trần cùng với việc mời quan chức thì sự có mặt của giới chuyên gia, các tổ chức xã hội, đại diện người dân, đại diện doanh nghiệp... là chuyện bình thường. Chúng ta không thể bê nguyên xi cách làm của các nước, tuy nhiên điểm nào tiến bộ của họ và phù hợp với ta thì nên nghiên cứu áp dụng. Câu chuyện mời người dân tham gia có trở thành thường xuyên hay không và ủy ban khác áp dụng hay không sẽ do các cấp có thẩm quyền quyết định. Về phía Ủy ban Pháp luật trong điều kiện cho phép chắc chắn sẽ tiếp tục cách làm này. Riêng tôi hoàn toàn ủng hộ.

* Lâu nay nhiều người nghĩ rằng phiên giải trình đơn thuần là chất vấn ở một ủy ban về vấn đề nào đó, thành phần tham dự chỉ giới hạn trong các cơ quan của Chính phủ và đại biểu Quốc hội. Như vậy là đang có những cách hiểu khác nhau?

- Nghị quyết về hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014 nêu rõ: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội xây dựng, triển khai thực hiện chương trình hoạt động giám sát của mình và tổ chức hoạt động giải trình tại hội đồng, ủy ban”.

Hành lang pháp luật hiện nay, trong đó có Luật tổ chức Quốc hội và quy chế hoạt động của hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cho phép các cơ quan này mời lãnh đạo các bộ ngành hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, đến trình bày những vấn đề mình đang xem xét, thẩm tra. Rõ ràng về mặt thành phần không giới hạn phải là đại diện các bộ ngành, mà các tổ chức, cá nhân liên quan cũng có thể tham gia. Ví dụ vừa qua Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình về nội dung “vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ”. Đây đâu chỉ là câu chuyện quản lý nhà nước của các bộ ngành và địa phương, đại diện của các hiệp hội và người dân cũng có thể tham gia. Tuy nhiên lúc bấy giờ chúng tôi chưa có điều kiện để mời quá rộng.

* Nghĩa là người dân có thể tham gia nếu được mời, nhưng vì sao lâu nay chưa thực hiện?

- Có thể là chúng ta chưa quen, ngay với phiên giải trình ở các ủy ban cũng chỉ mới thực hiện trong những năm gần đây. Theo các nghiên cứu về hoạt động điều trần trên thế giới, đây là một trong những cơ chế để ủy ban thu thập thông tin, qua đó tăng cường chất lượng của quá trình ra quyết định chính sách. Nôm na là ủy ban nghe thông tin của các bên liên quan về vấn đề mà ủy ban quan tâm. Đó không chỉ là những thông tin chỉ ra các điểm bất cập của một chính sách nào đó, mà có thể là thông tin cho thấy điểm mạnh của chính sách cần được ủng hộ.

Chính vì vậy, tính chất “mở” của một phiên điều trần hay giải trình với nhiều bên tham gia có ý nghĩa quan trọng trong việc cọ xát quan điểm, cung cấp thông tin để có cái nhìn toàn diện hơn về một chính sách cụ thể. Chính sách càng liên quan sát sườn đến quyền lợi hợp pháp của một nhóm công dân nào đó, càng nên mời họ tham gia.

* Theo ông, cần những điều kiện nào để cải tiến hoạt động giải trình hiện nay theo hướng mở và thiết thực, góp phần giải quyết được những vấn đề nóng trong cuộc sống?

- Chúng ta nên nghiên cứu tổng kết hoạt động giám sát của Quốc hội, của hội đồng dân tộc và các ủy ban đã tiến hành lâu nay, trong đó có hoạt động chất vấn, giải trình tại ủy ban. Đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, qua đó xây dựng cơ sở pháp lý cụ thể cho hoạt động giải trình (hay điều trần tùy theo cách gọi) phù hợp với thực tiễn VN. Điều quan trọng là phải có quy trình thủ tục rõ ràng, ví dụ về thành phần tham gia, nếu mời đại diện người dân thì như thế nào. Trước mắt, theo quy định pháp luật hiện hành, các hoạt động giải trình nói chung nên mời người dân có liên quan và báo chí tham dự.
VÕ VĂN THÀNH thực hiện
(Tuổi trẻ)

Đặng Huy Văn - Xuân đang về trên Ukraine, Yulia ơi!

Đặng Huy Văn: Ngày 21/2/3014, trong hộp thư điện tử của tôi bỗng xuất hiện một video clip mang tên “Ukraine: chúng tôi muốn tự do!” của một ai đó đã gửi tới. Người trong video clip là một nữ sinh viên Kiev, Ukraine, một biểu tình viên xinh đẹp tên là Yulia đang kêu cứu khi những người biểu tình như cô tại quảng trường Maidan đang bị cảnh sát xả súng đàn áp dã man làm nhiều người chết và bị thương. Nhưng ngạc nhiên hơn khi chỉ 2 ngày sau đó, vào 23/2/2014 các báo đã loan tin tên bạo chúa Yanukovych đã trốn chạy khỏi Kiev và Quốc Hội Ukraine đã quyết định phế truất chức vụ tổng thống của ông ta.

Một tên bạo chúa độc tài vừa bị nhân dân lật đổ đã để lại cho nhân dân Ukraine một ngân khố rỗng không với món nợ đã đến hạn phải trả lên tới hàng chục tỷ đô la! Nhưng do đã trải qua gần một thế kỷ dưới ách thống trị của Nga Xô, nên điều nhân dân Ukraine cần trước tiên là TỰ DO, bất chấp cả đói, rét, đổ máu…miễn là những tên bạo chúa này phải đứng trước vành móng ngựa của Toà Án Nhân Dân!

Nhân ngày thắng lợi dầu xuân của nhân dân Ukraine, tôi xin được gửi tới cô sinh viên Yulia xinh đẹp của thủ đô Kiev lòng ngưỡng mộ và lời chúc mừng nhiệt liệt nhất!

XUÂN ĐANG VỀ TRÊN UKRAINE, YULIA ƠI!
(Viết tặng Yulia, một nữ sinh viên Kiev)

Xuân đang về trên Ukraine, Yulia ơi!(1)
Qua 90 ngày đêm của một mùa đông tuyết phủ(2)
Trên quảng trường giữa trung tâm thành phố
Hàng vạn biểu tình viên đòi dân chủ tự do

Như vẫn còn đây vang động tiếng reo hò
Đòi quyền sống bằng xuống đường phi bạo lực
Đòi tự do cho hơi thở và nhịp tim trong ngực
Một thế kỷ đã đủ rồi! Hỡi đế chế Nga Xô!

Hãy để cho dân Ukraine định số phận của mình
Mặc dù ngay trước mắt thiếu thức ăn, chất đốt
Không có tiền trả nợ chỉ trong ngày mai mốt
Cũng còn dễ thở hơn thoi thóp đợi tự do!

Hãy trả tự do cho Ukraine hỡi những tên bạo chúa!
Lấy tiền Nga, xe tăng Nga về giày xéo nhân dân
Bắn vào người biểu tình theo lệnh tên đầu sỏ
Rồi bỏ tư dinh hèn nhát chạy thoát thân!

Đây quảng trường Maidan đã ngập đầy máu chảy!(3)
Những biểu tình viên thây người xếp chất chồng
Cuồng nộ trào dâng những anh hùng nổi dậy
Vụt bừng lên như một trận cuồng phong!

Yulia ơi! Những lời tự trái tim em từng kêu cứu
Đã bay khỏi Ukraine, bay tới bốn phương trời
Đã bay tới Việt Nam trong các email gửi vội
Nhưng Ukraine của em không hề bị lẻ loi!

Bởi Việt Nam cũng đang bị quân tham nhũng
Ôm chân cộng Tàu đè đầu và giày xéo nhân dân
(Cũng như Yanukovych dựa vào Nga làm bạo chúa)
Khiến nhân dân Việt Nam đang khốn quẫn muôn phần!

Nhưng dân Việt Nam hôm nay chưa đủ lòng can đảm
Bởi vừa mới trải qua 20 năm cuộc nội chiến dã man
Xác hàng triệu thanh niên còn vương nơi biên ải
Làm biết bao mẹ già đầu còn trắng khăn tang!

Nên dù muốn cũng chưa thể xuống đường như các bạn
Nhưng tấm gương kiên cường của Ukraine đã rọi soi
Để những tên bạo chúa Việt biết sức mình là có hạn
Chúng cũng sẽ bị phanh thây khi bão nổi lên rồi!

Cám ơn Yulia, cô sinh viên Ukraine can đảm
Đã dấn thân cùng bạn bè vì nền dân chủ và tự do
Cám ơn các biểu tình viên trên Maidam dũng cảm
Đã vùng đứng lên đuổi bầy bạo chúa của Nga Xô!

Vinh quang này thuộc về người Ukraine nhiều thế hệ
Đã nối đời hi sinh thân mình để giành độc lập tự do
Vinh quang thay Yulia, những sinh viên tuổi trẻ!
Đang đoàn kết xiết tay nhau để dựng lại cơ đồ!

Yulia em ơi, mùa xuân đã về trên xứ sở!
Dẫu cuộc đấu tranh còn dang dở, trường kỳ
Nhưng nền độc lập của Ukraine từ ngàn thuở
Sẽ rọi sáng con đường phía trước bước em đi!

Tuổi trẻ Việt Nam nhìn Yulia với tấm lòng ngưỡng mộ
Bởi Ukraine hôm nay là đất nước Việt một ngày mai!
Bên cạnh Tàu, Nga chúng ta chỉ là hai dân tộc nhỏ
Nhưng nếu vùng lên sẽ sáng rực bốn phương trời!

Hà Nội, 1/3/2014
Đặng Huy Văn


LTS: Đặng Huy Văn - Một Tiến sỹ Toán học, một nhà giáo đã về hưu đang sinh sống tại Hà Nội "Ông là một giảng viên đại học tại Hà Nội, thích làm thơ yêu nước" Thơ của ông dù viết về đề tài nào cũng đau đáu trong lòng một tình yêu nước, yêu đời, đều hướng đến giá trị Chân - Thiện - Mỹ vĩnh hằng mà nhân loại cần hướng đến.

Michael Kacewicz - Sẽ không có cuộc chiến tranh Crimea


Sự cuồng loạn phát triển trở nên bất hợp lý. Không thể chịu nổi. Rất nghiêm trọng, nhưng khá ngớ ngẩn. Cứ tưởng tượng một cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Đá chọi đá sẽ không còn lại gì nữa ở phần châu Âu của chúng ta. Crimea là có khả năng là điểm nóng nhất trên bản đồ của Ukraine. Nhưng vẫn là của Ukraine, và chắc chắn sẽ còn lâu hơn nữa, của Ukraine.
Những người lính mặc đồng phục không bảng hiệu kiểm soát sân bay tại Simferopol và Sevastopol. Họ có súng AK đời mới nhất. Đồng phục của thủy quân lục chiến Nga. Thiết bị của Nga. Nhưng họ có phải là người Nga? Không ai biết. Họ giữ im lặng, đơn giản là họ tới những nơi mà sự có mặt của họ không đúng. Trong bất kỳ quốc gia bình thường nào cũng sẽ xem họ là những kẻ khủng bố. Nhưng ở Ukraine hiện nay không có một lực lượng nào có thể được gửi đến Crimea, để vãn hồi trật tự. Bởi vì một phần của lực lượng đặc biệt đã bị giải thế, một phần không vội vàng để tuân theo lệnh chính phủ mới, và phần còn lại thì kém cỏi. Và Thủ tướng Chính phủ mới vừa được bầu Aresnij Yatsenyuk không quá sốt sắng để bắt đầu một cuộc chiến ở Crimea. Vì vậy, những người lập đã kế hoạch và bây giờ tiến hành các hoạt động tại Crimea phủi tay.

Đây không phải là các hoạt động chiến tranh. Cũng chẳng phải là khởi đầu một cuộc chiến. Nuớc Nga không xác định chiến tranh với láng giềng mạnh nhất về quân sự đứng thứ hai sau Trung Quốc. Những gì xảy ra ở Crimea đơn giản là một hoạt động được lên kế hoạch tốt của các lực lượng đặc biệt. Với việc sử dụng một số yếu tố của lực lượng vũ trang, nhưng chỉ với mục đích gây áp lực.

Mục tiêu của Nga là buộc Ukraine thay đổi hiến pháp. Liên bang hoá đất nước. Làm sao để chính quyền trung ương giảm thiểu quyền lực nhất và đất nước được đặt trong tình trạng tan rã. Sau đó, Nga, với nhận thức không thể giành được toàn bộ Ukraine, cũng như dân chúng ở phía tây của đất nước, ít nhất có thể duy trì ảnh hưởng chính trị và kinh tế ở phía đông và phía nam. Và ngăn chặn Ukraina hội nhập Liên minh châu Âu, chưa nói đến NATO. Nga đang có cơ hội tuyệt vời. Năm tháng qua các phương tiện truyền thông tuyên truyền bài xích Ukraina đã tạo ra một cơ sở tuyệt vời.

Dân của Crimea sợ những người theo chủ nghĩa quốc gia và chọn hướng đi dưới sự bảo vệ của Nga. Cũng giống như các doanh nghiệp và chính trị gia ưu tú, tin rằng, chỉ có trong "pháo đài" với quyền tự chủ mạnh mẽ của Crimea họ mới duy trì được quyền lực. Nhưng để buộc Kiev nhượng bộ thích ứng thì phải đe doạ. Giữ trong sự hoang mang.

Tất nhiên, lo ngại hậu quả quốc tế Moscow sẽ từ bỏ bất kỳ hành động nào, chỉ đặt cược trên tay những người Ukraine trung thành thân Nga. Những kẻ vẫn còn lại trong trò chơi, nhưng như một con bù nhìn, là cựu tổng thống. Chưa rời bỏ ngai vàng, như John Lackland (vua Anh không đất), Viktor Yanukovich sau khi lang thang tại Nga. Người ta vẫn coi ông ta là tổng thống hợp pháp. Và một lần nữa, Moscow im lặng cười.

Tất nhiên, đôi khi lịch sử không chịu tăng tốc. Vì vậy, ma quỷ vẫn lấy tất cả các phân tích được viết trong nhiều năm, dựa trên sự hợp lý. Quá nhanh để các chuyên gia khôn ngoan nhất biết những gì đang xảy ra. Bây giờ chính là như thế. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải ra khỏi những nhận định hợp lý. Tình hình ở Ukraina và xung quanh Ukraina vẫn chưa đến mức không kiểm soát được, còn các chính trị gia - đông và tây, đã đánh mất lý trí và hành động theo cảm tính.

Chắc chắn với sự tỉnh táo Vladimir Putin không nhảy vào. Ông ta với dòng máu lạnh thực hiện các mục tiêu của mình. Nhờ sử dụng phương pháp tàn bạo, cổ xưa, sản sinh từ nửa đầu của chính trị thế kỷ XX. Chính sách này cho đến nay thất bại. Đã không duy trì được quyền lực của Viktor Yanukovich. Cũng khó với Crimea và áp lực lên việc liên bang hoá của Ukraine. Mặc dù vẫn còn nhiều tháng sợ hãi chờ đợi chúng ta.

Bản Việt ngữ © Lê Diễn Đức
 Bài được dịch từ tiếng Ba Lan theo tuần báo Newsweek, ngày 28/02/2014, phiên bản tiếng Ba Lan, tại link:http://swiat.newsweek.pl/rosjanie-na-krymie-interwencja-rosji-krym-newsweek-pl,artykuly,281333,1.html
(RFA Blog's)

Tường thuật buổi Cafe Nhân Quyền của Mạng Lưới Blogger Việt Nam


Đúng 9h sáng thứ bảy, 1/3/2014, như đã thông báo trước, một số thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam bắt đầu buổi Cafe Nhân Quyền với chủ đề ''Quyền tự do đi lại của công dân''.

Tham dự có gần 30 blogger, trong đó nhiều người là nhà hoạt động bảo vệ quyền con người, như: Nguyễn Hồ Nhật Thành (blogger Paulo Thành Nguyễn), Lưu Trọng Kiệt, Huỳnh Công Thuận, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Nguyễn Hoàng Vi (An Đổ Nguyễn), Nguyễn Thảo Chi, Nguyễn Thị Yến Trang (Mí Rưỡi), Hoàng Văn Dũng (Hoàng Dũng CĐVN), Bùi Tuấn Lâm (Peter Lam Bui), Huỳnh Ngọc Chênh... Ngoài ra, thành phần khách mời có hai nhà báo nước ngoài là Aija Salovara (Phần Lan) và Lina Johansson (Thụy Điển).

Đặc biệt, có hơn 10 nhân viên an ninh ngồi bàn kế bên hoặc lượn quanh chụp ảnh, quay phim mọi người. Tuy nhiên chiếc ghế dành cho hai đơn vị PA 67 (An ninh TP.HCM) và PA 72 (Cục Quản lý Xuất Nhập Cảnh) thì lại... vắng chủ. Hai cơ quan đại diện cho phía nhà nước - những người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc cấm công dân Việt Nam xuất cảnh và thu giữ hộ chiếu của họ một cách tùy tiện - đã không nhận lời mời tới tham dự.

Trước đó, các blogger bị cấm xuất cảnh gần đây (trong đó có Paulo Thành Nguyễn, Mẹ Nấm Gấu, Hoàng Dũng CĐVN) đã gửi thư mời trực tiếp PA 67 và PA 72. Không đơn vị nào hồi đáp, tuy thế lại có rất nhiều an ninh thường phục đến ''theo dõi, nắm bắt tình hình''. Blogger An Đổ Nguyễn tường thuật, khi một trong hai phóng viên nước ngoài xin chụp ảnh mọi người, một nhân viên an ninh mặc thường phục vội rút điện thoại ra gọi ai đó, rồi quay ra ghi hình các blogger. Phóng viên cũng giơ máy ảnh lên chụp lại, vậy là anh ta ''vội vàng dùng hai tay che kín mặt lại''.



Ảnh: Facebooker An Đổ Nguyễn

Nhà báo - Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, người bị cấm xuất cảnh khi lên đường sang Geneva tham dự phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam tháng 2 vừa qua, cũng có mặt. Ông là một trong những người được đề cập đến trong bản Báo cáo Nhân quyền Việt Nam 2013 của Bộ Ngoại giao Mỹ, như một trường hợp điển hình bị vi phạm nhân quyền - ở đây là quyền tự do đi lại của công dân.

Ảnh: TS. Phạm Chí Dũng chia sẻ câu chuyện của mình với hai phóng viên nước ngoài và MLBVN

Bắt đầu buổi thảo luận, các blogger Paulo Thành Nguyễn, Mẹ Nấm, Peter Lâm Bùi, Huỳnh Công Thuận, Nguyễn Hoàng Vi, Huỳnh Ngọc Chênh, Hoàng Dũng.. đã chia sẻ về việc bị cấm xuất cảnh một cách tùy tiện mà không được thông báo trước.
 
Những bạn trẻ khác cũng lần lượt chia sẻ các thắc mắc và quan ngại về những thiệt hại sẽ xảy ra về vật chất và thời gian cũng như công việc bị ảnh hưởng nếu không được biết trước vì sao bị cấm và bị ai cấm.




Tất cả các thông báo được đưa ra với các cá nhân bị cấm xuất cảnh hầu như đều chung một lý do "vì lý do an ninh quốc gia, và trật tự an toàn xã hội" theo nghị định 136/NĐ-CP mà không có thời hạn cụ thể, cũng như không có cá nhân nào chịu trách nhiệm cụ thể về quyết định cấm xuất cảnh đã ký.

Trong phần thảo luận và đưa giải pháp tiếp theo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh, Paulo Thành Nguyễn có đề nghị trước hết công an hãy tuân thủ pháp luật bằng cách thông báo rõ và đưa ra quyết định cụ thể thay vì thông báo chung chung và hướng dẫn người dân đi lòng vòng như trước đây.

Tham gia thảo luận cùng MLBVN, TS. Phạm Chí Dũng đề nghị mọi người cân nhắc chuyện khởi kiện các cá nhân làm sai thẩm quyền sau khi có đầy đủ bằng chứng và cùng nhau đưa vấn đề vi phạm nhân quyền này ra trước toà án quốc tế.

Buổi thảo luận kết thúc với việc thống nhất sẽ ra tuyên bố chung của những người đã bị cấm xuất cảnh trái pháp luật. MLBVN sẽ tiếp tục thúc đẩy các buổi tiếp xúc gặp gỡ cũng như có những hành động thích hợp tiếp theo để bảo vệ quyền con người.

Các nhân viên an ninh tuy không chịu ngồi chung bàn với MLBVN, nhưng vẫn chăm chú theo dõi mọi hoạt động, cử chỉ, lời nói của các blogger. Thái độ của họ khá ôn hòa, lịch sự. Tuy nhiên, họ theo sát hai phóng viên nước ngoài để ghi hình (chĩa ống kính thẳng mặt, chụp trực diện) với vẻ gầm ghè khó chịu. Hai nhà báo chẳng biết phải làm sao ngoài việc nhún vai, lẩm bẩm: ''So weird, so weird!'' (Thật kỳ quặc!). Đỉnh điểm của sự bất lịch sự là họ tác động để nhân viên cửa hàng cafe Starbucks yêu cầu các blogger không chụp ảnh quay phim, và không trả lời phỏng vấn người nước ngoài (?); nhưng riêng an ninh thì cứ thoải mái tác nghiệp.

Dưới đây là video tường thuật buổi Cafe Nhân Quyền, do blogger Huỳnh Công Thuận thực hiện:




Một số hình ảnh do các blogger ghi lại:

An Đổ Nguyễn, Mí Rưỡi, Mẹ Nấm Gấu (người đứng dẫn chương trình)


Hai nhân viên an ninh (thường phục) chăm chú ''nắm bắt tình hình''.


Theo Mạng Lưới Blogger Việt Nam 

Hoàng Đức Doanh - Cái Gai

Những ai yêu quý hoa, thường dùng hoa cho những ngày rằm, mồng một thì hoa Hồng vẫn được xếp đầu bảng vì nó đẹp lại có mùi thơm và nhất là khó trồng nên giá bán thường làm các vị khách đắn đo, bởi vì nó quý và hiếm. Mua xong rồi về nhà rửa để cắm vào bình, trong khi cắt tỉa phần cuống cho vừa ý chắc nhiều người cũng khó chịu với những cái gai, tuy nhẹ nhàng “ bưng trứng, bứng hoa” cũng không ít lần tay bị chảy máu vì những cái gai. Một chàng trai kén vợ đang giai đoạn tán tỉnh nhiều khi bị đối tượng phải công, anh ta than thở với bạn bè: Cô ta là một bông hồng, muốn chiếm đoạt lắm nhưng vướng những cái gai. Đúng là ý muốn con người luôn gặp những cái gai.

Cuộc sống loài người có nhiều thứ, nhiều vấn đề, có lẽ thứ được quý trọng và ưu ái nhất là Dân Chủ, được ví là Hoa , trò chơi hái Hoa Dân Chủ thì người Việt Nam chẳng mấy ai xa lạ.

Cả dân tộc mấy chục năm nay phải đổ ra biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt, kể cả xương máu để bảo vệ quyền Dân chủ, chính vì bông hoa Dân chủ luôn bị tổn thương. Nền Dân chủ Việt Nam luôn bị tổn thương, rõ ràng có một thế lực luôn tấn công làm phương hại đến đóa Hoa Dân Chủ mà người dân rất yêu quý. Hẳn đó là chế độ độc tài.

Bông hoa Dân chủ Việt Nam biết bao lần bị bão táp vùi dập, mỗi lần gượng dậy chưa kịp tươi tốt thì lại gặp những trận cuồng phong khác: Đấy là Cải cách ruộng đất, đấy là Nhân văn giai phẩm, đấy là Cải tạo công thương, đấy là Kinh tế bao cấp, đấy là đinh hướng Xã hội chủ nghĩa......

Ngần ấy thứ cuồng phong chẳng nhẽ tạo hóa không sinh ra những chiếc gai để bảo vệ bông hoa yếu ớt? Có đấy! và nhiều là đằng khác, nếu tính cả người đang viết bài này là một chiếc gai thì con số có lẽ phải lên đến hàng vạn, hàng triệu. Những chiếc gai tạo lên sự bảo vệ quyết liệt như Bùi Thị Minh Hằng, Trần Thị Nga, Lê Anh Hùng, Nguyễn Văn Thạnh ...... cũng nhiều lắm, nên chế độ độc tài kiên quyết phải nhổ. Hầu hết những chiếc gai bị nhổ bật gốc bằng các điều luật 79, 88,258 rất mơ hồ trong bộ luật hình sự. Đánh bật gốc bằng những bản án phi lý, xét xử công khai không cho ai được dự. Nhưng rồi những chiếc gai ấy vẫn tồn tại và đang hồi sinh.

Tạo hóa hay là luật công bằng, hay là Công ước Nhân quyền của Liên hiệp quốc đã sinh ra những chiếc gai để bảo vệ Đóa hoa Dân chủ. Cách thức bảo vệ của những chiếc gai thật đơn giản, chỉ có mỗi một việc là họ nói lên sự thật. Họ ghi âm, chụp hình để công khai trên công luận, họ lên án các hành vi độc tài của cá nhân, tổ chức vi phạm Công ước Nhân quyền, họ lên án hành động tra tấn gây lên những cái chết bi thảm ở đồn công an. Họ lên tiếng bảo vệ Dân oan, họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lược của Trung Quốc bằng hình thức nham hiểm là dùng vũ lực đe dọa và mua chuộc giới lãnh đạo Việt Nam nhằm đạt được cái đích bám sâu vào nền kinh tế, bám sâu vào nội địa Việt Nam bằng nhiều hình thức..... Nói cho rõ những cái gai không tấn công ai nhưng những kẻ làm phương hại đến bông hoa Dân chủ, làm phương hại đến an ninh Quốc gia phải tóe máu.

Bởi vậy chế độ độc quyền, độc tài vô cùng căm ghét, coi họ như những cái gai lúc nào cũng muốn nhổ?

Mỗi lần nhổ một chiếc gai là cần nhiều bộ não độc tài xây dựng chương trình, tính toán kế hoạch như vụ nhổ chiếc gai Phương Uyên, Nguyên Kha, Lê Quốc Quân. Mỗi lần nhổ là một lần tóe máu. Hậu quả của những hành vi độc tài là vậy nhưng không thể để những chiếc gai lù lù trước mặt.

Với chiếc gai mang tên Trần Thị Nga cũng muốn nhổ lắm, nhưng còn vướng những chiếc gai xung quanh.

Kế hoạch nhổ chiếc gai mang tên Bùi Thị Minh Hằng đang triển khai liệu có an toàn hay lại tóe máu như vụ Phương Uyên, Lê Quốc Quân ?

Bông Hoa và những chiếc gai luôn song hành và cùng tồn tại. Bông hoa càng bị dập vùi thì những chiếc gai phát triển càng mạnh ví như hoa Xương Rồng nở trên sa mạc, nếu không tua tủa cả chuổi gai tạo thành khóm thì làm sao loài Xương Rồng tồn tại để hiến tặng cuộc sống những vẻ đẹp đa dạng và phong phú của những bông hoa yếu ớt tô thắm cuộc đời.
29/02/2014
Hoàng Đức Doanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét