Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Ngày 01/3/2014 - Ném đá và ân xá

Gạc Ma, Những Năm Sau Đó (Bài 2)

"Cuộc chiến chỉ xảy ra 20 phút nhưng cuộc đời kéo dài hàng chục năm. Để có hành động anh hùng trong một trận chiến không khó. Để thành công trong cuộc đời khó thay" - Lê Hữu Thảo đốt thuốc liên tục trong suốt buổi nói chuyện với chúng tôi, tối 17-2-2014, rồi thốt lên câu đó.
Quê Nhà
"Ngay trong ngày" 14-3-1988, Bộ Ngoại giao ra tuyên bố "lên án hành động khiêu khích quân sự của nhà cầm quyền Trung Quốc". Nhưng, phải vài hôm sau Đài tiếng nói Việt Nam và báo Nhân Dân mới cho hay: "Sáng 14-3, các tàu chiến Trung Quốc đã ngang nhiên nổ súng vào 3 tàu vận tải của Việt Nam đang hoạt động bình thường ở bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc đảo Sinh Tồn. Tàu của ta đã phải nổ súng để tự vệ. Trong khi đó họ lại đổi trắng thay đen vu cáo tàu của Việt Nam khiêu khích vũ trang tàu Trung Quốc"[1].
Ngày 25-3-1988, đài tiếng nói Việt Nam và báo Nhân Dân cho biết chi tiết: "Họ (Trung Quốc-HĐ) đã dùng súng bắn chết thiếu úy Trần Văn Phương, dùng súng và dao găm đâm bị thương nặng chiến sỹ Nguyễn Văn Lanh, bắn chết một số chiến sỹ khác. Từ trên các tàu chiến, họ tập trung hỏa lực bắn xả vào các chiến sỹ ta ở trên các đảo và trên những tàu bị cháy đang nhảy xuống nước, bắn vào các chiến sỹ đang bơi trên thuyền cao su, dùng cả câu liêm, bắn mạnh vào các chiến sỹ ta đang bơi trên biển. Cho đến nay, chúng ta vẫn còn 74 anh em mất tích".
Sáng 25-3-1988, ông Nguyễn Văn Mạo dậy sớm đi đôn đốc các gia đình trong xã lên xe đi "kinh tế mới". Khoảng 8 giờ, khi trở về, ông thấy nhà mình đông nghẹt người. "Tôi rụng rời", ông Mạo nhớ lại. Nguyễn Văn Phương, con trai ông, có tên trong danh sách 74 người mất tích. Ông Mạo vốn là một chuẩn úy pháo phòng không phục viên, lúc ấy đang là Chủ tịch xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, Thái Bình. "Tôi buồn đến mức xin thôi làm chủ tịch ngay sau đó"- ông nói.
Tâm Điểm của Báo Chí
Thảo và Chúc ở lại Sinh Tồn Lớn 10 ngày, "ngày nào cũng nhìn thấy tàu Trung Quốc chạy qua chĩa súng vào đảo". Ngày thứ 11, có tàu ra, đưa Thảo và Chúc vào bờ. Hàng tháng sau đó, những "người hùng Gạc Ma" sống sót trở thành tâm điểm của báo chí và các sinh hoạt chính trị. Đoàn Thanh niên Cộng sản phát động phong trào "Hướng về quần đảo Trường Sa thân yêu".
Lê Hữu Thảo kể: "Liên tục, báo chí, lãnh đạo, các đại biểu tới thăm. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh cũng bay vào Cam Ranh. Tôi và Chúc 'thay mặt bộ đội Trường Sa' nhận rất nhiều quà 'của đồng bào cả nước'. Tôi được mời đóng một đoạn phim tài liệu; được mời vô Sài Gòn; được mời lên truyền hình, nói: Sẵn sàng quay lại Trường Sa". Khi đó, trong số những người thực sự tham chiến còn sống sót chỉ có Thảo và Chúc là không bị thương. Lanh nằm viện nhiều tháng liền.
Lê Hữu Thảo nhớ lại: "Chúng tôi được thông báo, cả hai sẽ được cử đi dự festival Thanh niên Sinh viên Thế giới diễn ra vào giữa năm sau tại Bình Nhưỡng. Hai thằng được tập huấn cách phát biểu và trả lời báo chí. Sau đó lại được thông báo, tên tôi được ghi vào bảng vàng danh dự của Hải quân. Cuối cùng, một sỹ quan quân lực gọi chúng tôi lên nói: Có đợt học tập ở Đức, Thảo và Chúc nên đi, chờ dự Festival thì chậm mất. Chúng tôi đi, té ra là 'xuất khẩu lao động' chứ không phải đi học".
Những Tấm Huân Chương
Tháng 12-1988, hàng chục cán bộ chiến sĩ được phong tặng, truy tặng huân chương, phong hoặc truy phong danh hiệu anh hùng. Năm "suất" anh hùng được phân bổ: Thiếu úy Trần Văn Phương (sinh 1965-Quảng Bình), Lữ 146 (hy sinh); Trung tá Trần Đức Thông (sinh 1944-Thái Bình), Phó lữ đoàn trưởng 146 (hy sinh); Đại úy Vũ Phi Trừ (sinh 1957-Thanh Hóa), Thuyền trưởng HQ-604 (hy sinh); Thiếu tá Vũ Huy Lễ (sinh1946-Thái Bình), Thuyền trưởng HQ-505; Nguyễn Văn Lanh (sinh 1966-Quảng Bình), chiến sỹ công binh E83.
Thảo và Chúc không nghe nhắc gì tới tên mình. Khi đó, cả hai đang lao động ở Đông Đức, không còn màng tới bằng khen, giấy khen. Trong nước, sự kiện Gạc Ma nhạt dần và biến mất trên báo cũng như trong đời sống chính trị kể từ sau "Hội nghị Thành Đô" (9-1990).
Ở Thái Bình, ông Nguyễn Văn Mạo cũng không biết con trai mình, liệt sỹ Nguyễn Văn Phương được truy tặng Huân chương chiến công hạng 3. Ông nói: "Họ đút huân chương đâu đó trên Huyện đội. Một thời gian sau, cậu xã đội trưởng lên huyện họp, nhìn thấy, cầm về". Bố của liệt sỹ Phạm Gia Thiều, ông Phạm Gia My - người từng ở trong Quân đội từ 1953-1975 - thì không ứng xử như vậy.
Thượng úy Phạm Gia Thiều không thuộc biên chế của tàu HQ-604 nhưng khi 604 được lệnh ra đảo, một thuyền phó vắng mặt, Thiều đã đi thay. Ông My nói: "Khi được mời lên xã làm lễ truy điệu, tôi không đi vì chưa được làm rõ: Anh Trừ, thuyền trưởng, được phong anh hùng; con tôi, thuyền phó cùng chiến đấu trong giờ đó có công, có tội gì mà không nghe nói đến? Một thời gian sau, họ cử một cán bộ mang về nhà tôi tấm huân chương chiến công hạng nhất. Bà nhà tôi nói: không nhận. Đơn vị bảo gia đình yêu sách. Tôi nói: Huân chương là tặng thưởng của 'nhà vua' đâu có trao như thế được. Sau, đơn vị cho người mang về, mời tôi ra xã trao".
Những người đã có mặt trên đảo Gạc Ma sáng 14-3 như Thảo thì không câu nệ ai được huân chương, ai không. Trong khoảng gần 20 phút nổ súng đó, không ai có thể quan sát bao quát, để biết, ai đã chiến đấu như thế nào để về báo công. Về sau, báo chí nói khi bị bắn, thiếu úy TrầnVăn Phương hô: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Đấy có thể là ý chí của Phương. Trước đó, khi giao nhiệm vụ, Phương dặn, "Bằng mọi giá, phải giữ cờ", nhưng khi bị bắn, Thảo biết, Phương không có đủ thời gian để hô khẩu hiệu.
Với Thảo, những đồng đội sẵn sàng ra đảo hôm 11-3-1988 đều là những anh hùng. Họ đã nhận nhiệm vụ với tinh thần cảm tử. Một vài bạn của Thảo xin đi đã không được chấp nhận. Một vài người sợ hãiđã đào ngũ trước đó. Vấn đề không chỉ là những tấm huân chương mà là cuộc sống của những ông bố, bà mẹ, của những người vợ, của những đứa trẻ.
Các Góa Phụ Gạc Ma
Y sỹ Phạm Huy Sơn (Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An) tưởng có thể được ăn Tết cùng vợ con sau hai năm ở đảo Trường Sa. Nhưng, 15 ngày trước khi hết phép, anh được lệnh quay lại đơn vị, nhận nhiệm vụ mới ở "nhà giàn" Gạc Ma. Phạm Huy Sơn hy sinh khi vợ anh - chị Trần Thị Ninh - đang có thai ở tháng thứ hai (con gái anh Sơn, Phạm Thị Trang, sinh ngày 27-10-1988), đứa con trai sinh năm 1984 bị bại não bẩm sinh.
Chồng mất năm 27 tuổi, chị Ninh ở vậy nuôi con trong đau thương và cả những tủi hổ không nói được. Ba năm sau, mấy mẹ con phải ra khỏi nhà chồng. Các cậu, các dì góp chút gạch, chút ngói, cất cho một căn nhà nhỏ. Ông ngoại cho một con bò. Cậu con trai, đến nay đã 31 tuổi, nhưng đến bữa vẫn phải nằm ngửa ra, đợi mẹ xay thức ăn bón vào miệng. Trí não không phát triển nhưng chân tay khỏe mạnh. Nhiều hôm cậu lang thang hết làng trên, xóm dưới. Làm đồng về không thấy con, chị vừa chạy tìm, vừa khóc.
Năm 2006, Quân chủng Hải quân cho 15 triệu, chị Ninh nói: "Các anh ấy xét hoàn cảnh, linh động gửi tiền trước thay vì xây xong nhà mới 'giải ngân'. Đó cũng là cơ hội, tôi vay thêm các cậu, 'cắm' sổ liệt sỹ trong hai năm vay thêm 15 triệu của ngân hàng. Xây được căn nhà này rồi trả dần, giờ vẫn còn nợ các cậu 15 triệu". Căn nhà ngói 3 gian, có gắn bảng "nhà tình nghĩa" của chị Ninh, tuy không to đẹp như các nhà trong xóm, nhưng trông khang trang hơn hẳn so với căn nhà cất hồi năm 1991.
Chị Cao Thị Bình - vợ liệt sỹ, bác sĩ quân y Hồ Công Đệ (Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) - vốn là một người lính ở vùng Biên phía Bắc. Năm 1981, họ cưới nhau khi chị ra quân. Từ năm 2012, "các đoàn" về thăm thấy chị có một căn nhà khá khang trang, ít ai biết, cho đến năm 2011, chị vẫn phải làm "osin" ở Vũng Tàu. Tám năm giúp việc cho một gia đình, nhà chủ thông cảm hoàn cảnh, để chị mang 3 đứa con vào cùng ăn học.
Chồng chết năm 31 tuổi, khi mới mang thai 6 tháng đứa con thứ 3, chị Bình kể: "Bốn năm sau khi anh mất, một người bạn mới mang đồ đạc của anh về. Khi đó, 4 mẹ con đang sống trong một căn nhà tranh, vách đất. Đêm đêm, tôi lặn ngụp, mò cua, bắt ốc, bệnh sưng khớp đeo đẳng tới bây giờ. Hai đứa con gái đã lấy chồng, rất thương mẹ. Cháu trai, Hồ Công Được, cũng đã có bằng trung cấp cơ điện. Chỉ mong cháu xin được một chỗ làm trong công trường xây dựng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, rồi tôi có chết cũng mãn nguyện".
Trung úy hải đồ Lê Đình Thơ (Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) hy sinh khi con gái, Lê Thị Thủy, mới vừa tròn một tuổi. Chín tháng sau, mẹ anh, bà Lê Thị Lương, kể: "Ngày 20-12-1988, đơn vị cho xe về đón tôi ra, đến lượt vợ thằng Thơ mất". Mất con, rồi mất dâu, bà thay mẹ nuôi đứa cháu nội mới gần 2 tuổi. Bà Lương nói trong nước mắt: "Tôi khổ cả đường tình, cả đường con. Tôi sinh đứa thứ 4 thì chồng bỏ đi lấy vợ khác. Nhiều năm trời không biết giấc ngủ là gì bác ạ". Cô dâu út thấy bà kể lể, nắm áo: "Thôi, bà ơi!" .Bà Lương quay sang con dâu, quyệt mắt: "Mi có biết khổ là chi mô".
Được bà nội và các cô chú chăm sóc, Thủy lớn khôn, học giỏi. Sau khi tốt nghiệp trường đại học Mỏ Địa Chất, cô được đơn vị cũ của cha - Đoàn do đạc biên vẻ bản đồ và nghiên cứu biển, Hải quân -nhận về làm. Bà Lương cho biết, đơn vị cha cháu vẫn giữ liên lạc suốt bao nhiêu năm và luôn quan tâm đến cháu. Bà khoe, mỗi khi ra thăm cháu, cứ hết người này đến người kia mời. Bà nói: "Gần đây, tôi nằm mơ thấy thằng Thơ về, nó mặc quân phục, đeo quân hàm rất đẹp, nói với tôi: Mẹ chăm cháu thế là được rồi, mẹ không phải ra nữa, vậy là tôi ở nhà". Bà Lương bảo: "5 triệu các anh (Nhịp Cầu Hoàng Sa) đưa hôm Tết, tôi dùng để mua một cỗ hòm".
Các ông bố, bà mẹ, những người vợ liệt sỹ hết tuổi lao động được cấp tiền tử tuất, trước đây là 370 nghìn/ tháng; sau đó tăng lên 670 nghìn; năm 2013 là 1 triệu 100 nghìn; năm 2014 là 1 triệu 220 nghìn/ tháng. Từ năm 2008, nhiều đơn vị phối hợp với địa phương, cấp cho một số gia đình liệt sỹ Gạc Ma từ 15, 20 triệu đến 30, 50 triệu/ gia đình để xây "nhà tình nghĩa", nhiều gia đình cố vay mượn thêm để xây được căn nhà.
Ngày 19-2-2014, khi chúng tôi đến xã Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An, thăm gia đình liệt sỹ Đậu Xuân Tư, hai cha con người em của Tư, Đậu Xuân Chương, vẫn đang "đi Lào làm phụ hồ". Chị Phan Thị Lương, vợ anh Chương, nói: "Anh ấy rất muốn mua cái máy cày hoặc máy tuốt lúa (khoảng 35 triệu) để khỏi phải đi làm thuê xa nhưng ngân hàng không cho vay vốn vì vẫn còn nợ 6 triệu chưa trả hết".
Năm 2010, bà Nguyễn Thị Nhơn (83 tuổi), mẹ của Đậu Xuân Tư, được một đơn vị tặng 50 triệu. Thay vì tu sửa căn nhà cũ của gia đình Chương, người em đang chăm sóc bà Nhơn, theo chị Lương: "Họ yêu cầu phải xây riêng cho bà, chúng tôi phải vay mượn thêm 45 triệu".
Cuộc Chiến, Cuộc Đời
Phần lớn các cựu binh Gạc Ma khi trở về đều sống rất chật vật. Trừ một số người nhận danh hiệu anh hùng, nhận huân chương, thăng tiến trong quân đội, số còn lại "hết nghĩa vụ ra quân" không có chế độ gì. Phạm Xuân Trường, Trương Văn Hiền... tuy đã ổn định gia đình nhưng kinh tế chỉ đắp đổi qua ngày. Ngôi nhà Phạm Xuân Trường xây đã mấy năm vẫn chưa kiếm đủ tiền mua cửa. Còn Lê Hữu Thảo thì vẫn lông bông, chưa vợ, chưa nhà.
Trong một lần về quê đầu năm 1991, Thảo yêu một "cô gái đẹp có tiếng ở Hà Tĩnh". Suốt mấy năm sau đó, cô nhất mực chờ anh. Năm 1995, sốt ruột vì tuổi con gái lớn dần, bố cô điện thoại sang Đức cho Thảo nói: "Nếu con yêu và quyết tâm lấy nó thì đêm nay suy nghĩ kỹ, ngày mai điện về. Khi đó, nó muốn đợi bao lâu cũng được". Đêm ấy,Thảo bị bắt trong một chiến dịch truy quét thuốc lá lậu của cảnh sát Đức.
Mối tình sau đó, cho Thảo một đứa contrai, cũng chỉ kéo dài được mấy năm. Đã từng hào hiệp với bạn bè. Để rồi, nay trở về quê, Thảo nói: "Thật xấu hổ khi gần như chỉ còn hai bàn tay trắng".

[1] TuổiTrẻ thứ Năm, 17-3-1988.
Có những ngôi nhà thực sự tình nghĩa, như nhà của ông Phạm Gia My. Bạn bè liệt sỹ Phạm Gia Thiều, thời anh học ở đại học Hàng hải đã góp 500 triệu xây nhà tặng ông.
Có những ngôi nhà thực sự tình nghĩa, như nhà của ông Phạm Gia My. Bạn bè liệt sỹ Phạm Gia Thiều, thời anh học ở đại học Hàng hải đã góp 500 triệu xây nhà tặng ông.
Chị Cao Thị Bình và cháu ngoại.
Chị Cao Thị Bình và cháu ngoại.

1 Tháng 3 2014
Huy Đức
(FB. Osin HuyDuc)

Xin ý kiến trung ương về dư luận tài sản ông Truyền

TT - Tỉnh ủy Bến Tre vừa có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo tình hình xung quanh dư luận tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng Thanh tra Chính phủ, được đăng trên một số tờ báo.
 
Căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền tại Bến Tre

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-2, ông Nguyễn Quốc Bảo - phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - xác nhận Tỉnh ủy vừa có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo tình hình xung quanh dư luận tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng Thanh tra Chính phủ, được đăng trên một số tờ báo thời gian gần đây.

Đồng thời xin ý kiến chỉ đạo từ trung ương để ổn định dư luận ở địa phương.

Theo ông Bảo, nội dung văn bản đề cập những bài viết tập trung khai thác về khối tài sản của ông Trần Văn Truyền đã gây xôn xao dư luận không chỉ đối với người dân mà trong cán bộ đảng viên.

“Đồng chí Truyền sinh hoạt Đảng tại địa phương nhưng là đối tượng thuộc trung ương quản lý nên Ban thường vụ Tỉnh ủy có văn bản đề nghị Ban Bí thư và Ban Tuyên giáo trung ương sớm cho ý kiến chính thức để chấm dứt dư luận” - ông Bảo cho biết.
NGỌC TÀI
  (Tuổi trẻ)

Biệt thự quan chức: Vòng vo khó tránh nghi ngờ

Đã đến lúc cán bộ, công chức nên sẵn sàng cho việc minh bạch tài sản, thu nhập, để nếu những tài sản lớn phát lộ, công luận không phải nghi ngờ.

Thế nào là giàu “chính đáng”?
Thông tin nguyên Tổng thanh tra Chính phủ có tài sản “khủng” đang tạo ra rất nhiều ý kiến trái chiều. Suy cho cùng, đó cũng là một phản ứng khá tự nhiên, khi một người đột nhiên giàu có vượt bậc so với mức thu nhập bình thường của đại đa số, bao giờ cũng sẽ bị đặt câu hỏi: Họ làm gì mà giàu thế nhỉ?
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đó là tài sản được tạo dựng một cách chính đáng, nghĩa là phải hợp pháp và hợp lý. Vậy cán bộ, công chức giàu trước hết phải hợp pháp.
Hiện nay, nhà nước đã có chính sách cởi mở hơn để phát huy nguồn lực trong đội ngũ của Đảng khi cho phép đảng viên được làm kinh tế không hạn chế quy mô, mức độ, ngành nghề mà pháp luật không cấm (Hội nghị TW 12 Khóa X).
Nhưng cán bộ, công chức không phải là đối tượng được phép kinh doanh. Luật Doanh nghiệp quy định cán bộ, công chức không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam (điều 13). Quy định này cũng phù hợp với Luật Cán bộ, công chức, nhằm hạn chế việc lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi (điều 18). Đó là quy định phù hợp trong điều kiện của VN hiện nay.
Không được kinh doanh, vậy tài sản, thu nhập được xem là chính đáng của cán bộ, công chức có thể hình thành từ đâu?
- Tài sản, thu nhập thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng của bản thân.
- Tài sản, thu nhập thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng của của vợ/chồng và con chưa thành niên.
- Tài sản được tặng cho, thừa kế…
Tất cả những tài sản, thu nhập trên đều có thể chứng minh bằng bảng lương tại cơ quan, đơn vị công tác, bằng các văn bản tặng cho, thừa kế có giá trị pháp lý, bằng quá trình kê khai và nộp thuế tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Những việc này hoàn toàn nằm trong khả năng.
Suy nghĩ “một người làm quan cả họ được nhờ” đã hình thành từ rất lâu đời và vẫn đúng với hiện tại là có lý do, khi mà vấn nạn con ông cháu cha, chạy chức chạy quyền vẫn diễn ra âm ỉ. Khi mà tài sản kếch xù chỉ là phần nổi của tảng băng tham những, hối lộ mà ai có chức có quyền mới có cơ hội để thực hiện.
Thế nhưng, những ngờ vực này chưa bao giờ được làm sáng tỏ. Việc Tổng cục trưởng nọ có mấy chục lô đất vàng ở Đồng Nai, dinh thự trăm tỷ của Bí thư tỉnh ủy kia,… Tất cả những nghi án đó đều chưa có câu trả lời rõ ràng và thỏa đáng trước công luận.
Không thể đòi hỏi công luận phải tin hoặc không nên nghi ngờ khi mà đương sự hoặc những bên có liên quan dường như không có một động thái nào đủ thuyết phục để chứng minh điều đó.
Nếu vẫn tiếp tục vòng vo hoặc im lặng thì sự nghi ngờ sẽ còn là con dao hai lưỡi ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cán bộ, công chức cũng như lòng tin của nhân dân.
Công khai, minh bạch: thuốc “đặc trị”
Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đã quy định:
Kê khai tài sản, thu nhập là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc tài sản tăng.
Nếu có tài sản tăng thêm thì người có nghĩa vụ kê khai tự tự giải thích, chứng minh về việc hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm so với lần kê khai trước đó.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền có quyền xem xét, đánh giá, kết luận về tính trung thực, chính xác của việc kê khai tài sản, thu nhập theo trình tự, thủ tục.
Bản kê khai được sử dụng trong một số trường hợp, trong đó có phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền trong việc công khai, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xác minh, kết luận, xử lý về hành vi tham nhũng;
Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và đây là thời điểm cần thiết để công khai và đối chiếu những thông tin đã tự kê khai và những thông tin do công luận cung cấp. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn, khác biệt, nghĩa vụ chứng minh thuộc về người có nghĩa vụ kê khai.
Công luận có lúc “vơ đũa cả nắm”, nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận không có lửa làm sao có khói. Nếu không xử lý đến nơi đến chốn, làn khói đó có thể lan xa và phủ một màu xám xịt lên tất cả các cán bộ, công chức, kể cả các cán bộ, công chức giàu một cách rất chính đáng.
Đã đến lúc cán bộ, công chức nên sẵn sàng cho việc minh bạch tài sản, thu nhập, để nếu những tài sản có giá trị lớn bị phát lộ, cũng sẽ được công luận đồng tình ủng hộ hơn là nghi ngờ. Vì cây ngay thì không sợ chết đứng.
Cán bộ, công chức giàu không xấu, con cái của cán bộ, công chức giàu càng không xấu. Nhưng sự giàu có mà cần phải che đậy thì dễ làm nảy sinh nghi ngờ về tính chính đáng lắm!
THEO VIETNAMNET

Ném đá và ân xá

Ném đá là điều rất mọi rợ, rất đáng ghét, rất bullshit. Đặc biệt là ném đá người giầu. Nó gợi lại một chương rùng rợn trong lịch sử dân tộc. Người nghèo đã được cách mạng giải phóng trước, bây giờ – chậm còn hơn không – cách mạng quay sang giải phóng nốt người giầu. Trước hết là giải phóng họ khỏi những chê bai, ghen ghét, đố kị, cào bằng, dèm pha, soi mói, ngờ vực của người nghèo, những thói xấu dã man của đám bần cố nông phản tiến hóa có thể kéo lùi xã hội trở về thời cộng sản hang động. Điểm đến của chúng ta phải là chỗ khác, một thiên đường cộng sản “ăn theo quyền lực, hưởng theo nhu cầu”. Người giầu cũng có nhu cầu, tối thiểu là nhu cầu ở nhà cao rộng. Họ cũng có nhân quyền và nhân phẩm. Họ cũng phải được bình đẳng trước pháp luật như mọi người. Thậm chí bình đẳng hơn mọi người. Rốt cuộc thì Việt Nam khải hoàn với tỉ phú dollar duy nhất lọt vào danh sách Forbes hay với mấy chục triệu người sống bằng 1 dollar một ngày? Nghèo là hèn, nghèo là nhục. Nghèo là có tội, phải không em

Một lâu đài ở Phủ Lý, Hà Nam
Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý rằng quan lớn ở nhà to không có gì là sai trái. Một đời cống hiến cho nhân dân mà có cái biệt thự hưởng tuổi già ở quê nhà cũng không được nhân dân đồng ý, thế thì cống hiến để làm gì? Một đời phấn đấu cho lí tưởng quét sạch sở hữu tư nhân, chẳng lẽ sự nghiệp ấy không đáng vinh danh bằng chút bất động sản? Ông Trần Văn Truyền xứng đáng ở một biệt thự trên diện tích hơn 16.000 mét vuông. (Nói khẽ, kẻo đánh thức cái chương lịch sử rùng rợn vừa nhắc: Thời ấy trung bình chưa đầy 7.000 mét vuông là đủ để địa chủ bỏ mạng. Con cháu cụ Phan Bội Châu, nhà ba người với ba sào đất – 3 x 360 = 1.080 mét vuông – cũng suýt thành kẻ thù của nhân dân.) Cơ ngơi của ông tổng thanh tra quốc gia về hưu chẳng qua chỉ bằng diện tích của Công viên Lenin ở Hà Nội, tức “rộng rãi hơn chút” so với xung quanh, như ông thanh thản so sánh. Hơi nhỉnh hơn căn nhà 51 mét vuông của đương kim Chủ tịch nước, nhưng chưa chắc ăn đứt nơi cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về vui thú điền viên và nuôi chim yến lấy thu nhập mỗi tháng hai mươi triệu cho gia đình. So với khu nhà vườn của gia đình Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, khu dinh thự sinh thái của cựu Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô, khu dinh thự của Chủ tịch tỉnh Bình Dương hay với cái biệt thự La Mã của một chức quan nhỏ xíu là tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ý đã thấy ngượng, đừng nói so với những lâu đài hùng vĩ tráng lệ, những tòa nhà dát vàng của các nhà buôn sắt, buôn bạc, buôn lụa… đang cấp tốc dạy đẳng cấp sống cho đất nước rất ham học này.
Bạn có thể bẻ rằng cả đời khâu miệng thì lương ông Truyền tích cóp lại may ra mới xây được nửa cái cổng và nửa vòng tường bao quanh khu dinh thự ấy. Vâng, nhưng bạn cũng biết rằng xây nhà ở Việt Nam, người ta đặt tất cả tâm huyết vào cái tường, cái cổng, cái nóc và những thứ lô nhô đập ngay vào mắt. Rất nhiều mái lệch, ở rất nhiều độ cao khác nhau. Mưa móc ở xứ nhiệt đới này rơi mỗi tầng một trọng lượng. Rất nhiều tháp. Rất nhiều cột. Rất nhiều vòm và những thứ lỉnh kỉnh khác. Trông rắc rối hoành tráng thế thôi nhưng bên trong cũng “bình thường chứ chẳng có vấn đề gì“, như ông Truyền cho biết. Chân tường chắc cũng lở loét, dây điện cũng nhằng nhịt, toa lét cũng khai mù, có gì mà xa hoa.
Hơn nữa, sao bạn không đơn giản ghi nhận sự may mắn của những người thành đạt? Nước bao giờ cũng chảy chỗ trũng, bạn không thể lôi ông Truyền ra tòa chỉ vì con trai ông ấy có viễn kiến, biết mua kha khá đất từ thuở bạn còn dồn tiền mua xe máy bãi rác; chỉ vì em nuôi ông ấy hảo tâm hào phóng, trong khi ở những gia đình khác con giết mẹ lấy 2,8 triệu đồng đi chơi game, cậu ruột chích điện mưu sát cả nhà cháu ruột do tranh chấp 200 mét đất, con đòi bán nhà chia tài sản không được bèn giết bố; chỉ vì xung quanh ông ấy biết bao người vô tư xúm lại biến đầm lầy đất hoang thành dinh thự khang trang, trong khi bạn cứ một thân một mình chống chọi với hoàn cảnh… Tạo hóa bất công, tiếc rằng chúng ta vẫn phải chấp nhận luật fairplay với cả những người quá nhiều may mắn. Không, bạn tuyệt đối không nên ném đá.
Còn khi tất cả những sự may mắn đã thi nhau chọn ông Truyền chứ không chọn bạn nhưng vẫn không đủ để giải trình cái dinh thự của ông thì như một nhà báo trong vụ này đã đặt vấn đề, chúng ta có thể cân nhắc áp dụng một công cụ hữu ích: ân xá kinh tế, nhằm “giải phóng các tài sản đang nằm ở đâu đó để khơi lại dòng vốn đầu tư cho nền kinh tế“. Nói cách khác, hợp pháp hóa những tích lũy có thể bất hợp pháp, khơi trong những dòng vốn có thể không sạch, rửa những đồng tiền có thể bẩn. Đen trắng không quan trọng, miễn là đầu tư vào kinh tế quốc gia, và xây “biệt thự gia đình” tất nhiên là kích cầu, là đầu tư, là đóng góp cho đất nước. Đúng quá. Sâu trong những góc tối nhất của lương tâm, ai chẳng có vài cái xác chưa chôn. Bây giờ đem chúng ra ánh sáng, làm một lễ truy điệu tế nhị, rồi “ân xá và công nhận” thủ phạm “thay vì truy tìm và trừng phạt“, thế là xua tan bao nhiêu tử khí độc hại, giải quyết bao nhiêu tồn đọng âm ỉ, mở nắp van cho bao nhiêu áp lực ngầm, chắp cánh cho bao nhiêu lương tâm khỏi bị đè nặng. Quả là một giải pháp kì diệu. Điều gì có lợi cho đất nước hơn: khuyến khích cho phần chìm của tảng băng nổi lên và tan vào những lâu đài, biệt thự hay ủ vàng vào hũ đem chôn? (Nói khẽ, vàng chôn lâu đến đâu cũng không hết đát, trong khi băng tan rồi, đông cứng lại và chìm xuống một lần nữa khó hơn.)
Nội thất trong một biệt thự ở Cần Thơ
Tôi đồng ý hết, với điều kiện: không ân xá thẩm mĩ. Tối thiểu ba năm tù cho các kiểu biệt thự cổ điển rởm tân trang. Từ ngoài vào trong: mỗi chiếc mái lệch phạt thêm hai trăm triệu. Mỗi chiếc vòm bốn trăm triệu. Mỗi chiếc tháp năm trăm triệu. Cổng chạm rồng phạt sáu tháng quản thúc, chạm rồng phun nước tăng gấp rưỡi, chạm trống đồng tăng gấp đôi. Mỗi đôi sư tử đá phạt ba tháng lao động công ích, tượng Vệ Nữ sáu tháng, hòn non bộ chín tháng. Mỗi bộ sừng voi một năm tù cho hưởng án treo cộng năm trăm triệu tiền phạt, sừng tê giác phạt thêm năm mươi tỉ đồng. Mỗi bể cá vàng phạt chín roi vào mông, năm mươi roi cho mỗi bộ bàn ghế gỗ đỏ, một trăm roi cho mỗi nhà sàn Tây Nguyên tái chế, năm trăm roi cho mỗi bức tranh ngựa trên mực Tầu giấy dó, một nghìn roi cho mỗi bức tranh tám con ngựa phi trên biển sơn mài…
Sofa Nàng tiên cá bằng vàng trong lâu đài của Gaddafi
Vì sao? Vì tài sản địa chủ có thể biến hóa, nhưng gu phú nông mãi mãi là gu phú nông, dù không cái gu nào trên đời không hợp pháp. Bạn cũng thấy đấy, lâu đài của cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych có thể chuyển về tay nhân dân, nhưng cái gu thẩm mĩ của các nhà độc tài thì không thể thanh lí.
Tháng 3 1, 2014
Phạm Thị Hoài
© 2014 pro&contra

Chữ “chui” của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

“Thực tế những người có bằng giả hay bằng thật, nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân!”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nói một câu trúng phóc. Sự thật này ai cũng biết, nhưng phát biểu chính thức tại phiên họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực là một điều không phải dễ. Ngày càng có nhiều câu nói đắt giá được các bộ trưởng hoặc cán bộ cao cấp phát ngôn tại các cuộc họp. Đắt giá là vì nói đúng thực tế, không né tránh, không tô hồng hiện thực.


“Lẻn”, “lòn”, “chui” là những từ chỉ một hành vi mờ ám, xấu xa, đê tiện. Nguyễn Du đã từng sử dụng duy nhất một chữ “lẻn” mà “đóng đinh” tính cách nhân vật Sở Khanh (Tường đông lay động bóng cành/ Rẽ song, đã thấy Sở Khanh lẻn vào). Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dùng chữ “chui” dành cho loại cán bộ công chức năng lực kém trong cơ quan nhà nước cũng “đắt” không thua chữ “lẻn” mà thi hào Nguyễn Du dành cho Sở Khanh.

“Chui” bằng cách nào để vào hệ thống công chức cũng từng được chỉ ra. “Con cháu các cụ cả” thì “chui” thoải mái. Nếu không thì “chuồi” tiền để mà “chui”. Ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội - từng công bố thông tin “chạy công chức không dưới 100 triệu đồng”. Đó là mới công chức quèn, còn có ghế ngồi lại là chuyện khác. Chui sâu, leo cao thì giá khác xa khi mới bước vào cửa.

Ngoài chuyện chui lòn, câu nói trên còn mang thông điệp khác.

Đó là, mặc dù không cố tình, nhưng phát ngôn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là một phản biện về chất lượng cán bộ công chức, viên chức mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình từng đưa ra. Ông Bình công bố 99% số công chức hoàn thành nhiệm vụ, một con số khiến cho dư luận xem ông Bình là người thích đùa, là chính khách rất có khiếu hài hước.

Và đây, Bộ trưởng Luận chỉ cho thấy rõ rành rành, “chất lượng giả chỉ có chui vào hệ thống công chức nhà nước”. Có nghĩa là, chỉ có cán bộ, công chức mới sử dụng bằng giả, mua bằng giả. Hoặc, người có năng lực kém bằng cách này hay cách khác, sẽ “chui” vào được các cơ quan nhà nước. Như vậy thì làm sao có con số 1% số công chức không hoàn thành nhiệm vụ, thưa Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình? Một phản biện rất thuyết phục.

Còn một thông điệp nữa, nhưng từ phía dư luận gửi tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Ông là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại sao lại để cho bằng giả, chất lượng giả tràn lan trong xã hội, và để nó “chui” vào hệ thống cơ quan nhà nước? Trách nhiệm của ông cũng không hề nhỏ trước cái sự “chui” này. 
  Lê Thanh Phong
  (Lao động)

Công An Đồng Tháp: làm sai luật thì giỏi, ngụy tạo thì dở

Ngày 27/2/2014 chương trình “Vì An ninh Tổ quốc” của Đài truyền hình Đồng Tháp thực hiện phóng sự về việc bắt giữ ông Nguyễn Bắc Truyển và khoảng 20 người liên quan trong vụ án này.

Bấm vào để xem video

Cảnh quay đã được chuẩn bị một cách chu đáo công phu ngay từ lúc vụ việc xảy ra, nhằm mục đích miêu tả lại toàn bộ diễn biến của vụ việc, cho dư luận thấy những người bị bắt giữ trong vụ án này đã vi phạm pháp luật, và Công An Đồng Tháp đã thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

Ai sai?

Mở đầu phóng sự nêu: Ngày 9/2/2014 CA Đồng Tháp nhận được yêu cầu phối hợp của Cơ quan CSĐT CA TP. HCM về việc hỗ trợ áp giải, bắt giữ đối tượng Nguyễn Bắc Truyển, sinh năm 1968, thường trú tại Bến Vân Đồn, Quận 4 TP. HCM, tạm trú bất hợp pháp tại xã Long Hưng B, Huyện Lấp Vò-Đồng Tháp, có liên quan trong vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo Quyết Định khởi tố hình sự số 488-01 ngày 14/11/2013 của CQ CSĐT CA TP.HCM. Tuy nhiên khi lực lượng làm nhiệm vụ đến trao giấy mời về cơ quan làm việc, thì đối tượng Nguyễn Bắc Truyển và những người trong nhà không hợp tác, khóa cửa nhà, cố thủ bên trong và có những lời nói hành động chống đối xúc phạm đến lực lượng thi hành công vụ...

Thứ nhất, thông tin đầu tiên được nêu ra là việc CA Đồng Tháp hỗ trợ áp giải, bắt giữ đối tượng Nguyễn Bắc Truyển theo yêu cầu của CA TP.HCM. Thế nhưng CA Đồng Tháp lại không tiến hành tiến hành việc bắt giữ, mà lại đi “trao giấy mời” về cơ quan làm việc???
http://www.queme.net/images/2014-0226b.jpg
Ông Nguyễn Bắc Truyển

Vậy thì việc “trao giấy mời” này được thực hiện như thế nào? Qua đoạn video có rất nhiều người đàn ông không mặc sắc phục theo quy định của công an khi làm nhiệm vụ, đã xông vào sân, bao vây trước cửa nhà của vợ chồng ông Nguyễn Bắc Truyển. Trong đó thấy rõ có một người đàn ông không mặc sắc phục công an, một tay cầm một tờ “giấy mời” đưa lên, tay kia đập vào tấm cửa kính nhà vợ chồng ông Truyển.

Với hành vi "trao giấy mời" như thế này, ông Truyển không buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Bỡi lẽ về nguyên tắc nếu công an cấp tỉnh, huyện vào nhà người dân làm nhiệm vụ, cho dù có được phép hóa trang trong trường hợp này đi chăng nữa, thì cũng phải có sự hỗ trợ của công an khu vực mặc trang phục đúng quy định của ngành, đề người dân biết phân biệt đâu là thật và đâu là giả.

Căn cứ vào Điều 5 Quyết định số 2818 /QĐ-BCA quy đinh về Văn hóa giao tiếp và ứng xử của Côn an khu vực thì trang phục của Công an khu vực khi làm nhiệm vụ phải mặc đúng trang phục công an theo Điều lệnh Công an nhân dân.

Nhưng xem video những người bao vây nhà vợ chồng ông Truyển đều không thấy trang phục của công an khu vực, mà chỉ là hình ảnh của những người ăn mặc bình thường, xông vào và bao vây và đập cửa như những côn đồ, thì ông Truyển khóa trái cửa, cố thủ bên trong đó là hành vi hợp lý. Vì ở Việt Nam, công đồ bao vây nhà của một người dân trước sự chứng kiến của Công an không phải là chuyện hiếm.

Một khi cơ quan thi hành công vụ làm sai quy định ngay từ đầu cho hành vi đầu tiên là “đưa giấy mời”, thì dừng đòi hỏi một công dân phải chấp hành và tuân thủ cho các yêu cầu tiếp theo của công an.

Thứ hai, theo như phóng sự này cáo buộc thì ông Truyển và gia đình có những lời nói hành động chống đối xúc phạm đến lực lượng thi hành công vụ.

Nhưng xem qua video thì chúng ta không thấy bất kỳ hành động nào có thể coi là “chống đối lực lượng thi hành công vụ” của ông Truyển. Hành động của ông Truyển trong video là dùng điện thoại để quay lại cảnh công an đang bao vây nhà mình. Đây là việc làm phù hợp nhằm giám sát những người thi hành pháp luật. Nó không được xem là hành động chống đối.

Và trong video, chúng ta thấy ông Truyển từ trong nhà nói vọng ra, nhưng không thể xác định rằng ông Truyển đã nói những gì vì phóng sự đã cắt đi phần âm thanh tiếng nói của ông Truyển.

Tại sao chương trình truyền hình An ninh Đồng Tháp không đưa lên đoạn âm thanh mà ông Truyển đã nói, để làm bằng chứng cho cáo buộc “xúc phạm đến lực lượng thi hành công vụ”. Truyền hình An ninh Đồng Tháp đã “dám” đăng tải tới lời nói “Đả đảo cộng sản” từ miệng của một của một quần chúng nhân dân đã chứng kiến, thì tại sao không dám đưa âm thanh lời nói của ông Truyển “xúc phạm đến lực lượng thi hành công vụ” như thế nào, để lấy đó làm bằng chứng buộc tội ông Truyển?

Như vậy có thể nói rằng, chương trình truyền hình An ninh Đồng Tháp cáo buộc ông Truyển có những lời nói, hành động chống đối xúc phạm đến lực lượng thi hành công vụ mà không thể đưa ra được bất kỳ một bằng chứng nào, thì đủ cơ sở để nói rằng cáo buộc này vô căn cứ, vu khống ông Nguyễn Bắc Truyển và gia đình ông.

Bắt người trái luật

Sau khi quay cảnh công an Đồng Tháp xông vào nhà, trấn áp và bắt giữ thành công, áp tải ông Truyển lên một chiếc xe thùng chuyên dụng, thì phóng sự tiếp tục có đoạn:

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của giám đốc CA Đồng Tháp, các lực lượng CA Đồng Tháp đã hỗ trợ thành công CA TP. HCM thi hành việc áp giải đối tượng Nguyễn Bắc Truyển về CQCS Điều tra CA TP.HCM để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong thời gian chờ đợi Viện Kiểm Sát Nhân Dân TP.HCM phê chuẩn lệnh tạm giam, ngày 10/2/2014 Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. HCM tạm thời trả tự do cho ông Triển. Sau đó một số trang mạng cho rằng lực lượng CA ĐT vô cớ bắt giữ đối tượng Nguyễn Bắc Truyển.”

Qua tình tiết này cho thấy, lúc CA Đồng Tháp bắt giữ ông Truyển đã không có sự phê chuẩn của Viện Kiểm Sát Nhân dân TP. HCM. Đến khi bắt về rồi cũng không được chấp thuận của Viện Kiểm Sát. Ông Truyển không thuộc trường hợp "bắt khẩn cấp" nhưng CA vẫn xông vào nhà trấn áp và áp tải ông Truyển về đến CA TP. HCM. Nhưng khi đến nơi thì CA. TP HCM phải trả tự do cho ông Truyển.

Như vậy, đây là hành vi bắt giữ người tùy tiện của CA Đồng Tháp, không tuân theo trình tự, quy định pháp luật về việc bắt giữ người. Nếu có sự phối hợp của CA. TP HCM trong việc bắt giữ này thì cả hai cơ quan này đã làm sai luật. Bắt giữ không chứng cứ, dùng cáo buộc mơ hồ là “liên quan đến vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Hơn hết, phóng sự đã áp đặt vào trong suy nghĩ của người xem rằng, ông Truyển như là một tội phạm, và không sớm thì muộn cũng là một tội phạm, bằng cách sử ngôn từ theo kiểu suy diễn vô căn cứ như “tạm thời trả tự do”, “chờ đợi Viện kiểm Sát phê chuẩn”.

Đứng từ góc độ của một người làm truyền hình, cũng như một chương trình đại diện cho tiếng nói của ngành CA Đồng Tháp, thì phóng sự này đã vi phạm nghiêm trọng đến nghiệp vụ báo chí, cũng như vi phạm đến nguyên tắc “suy đoán vô tôi” khi Hiến pháp đã viết rõ không ai bị xem là tội phạm cho đến khi có một bản án xét xử của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Giám đốc công an ngụy biện

Đoạn phóng sự được tiếp tục với lời giải trình của Giám đốc CA Đồng Tháp, Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn: “Chúng tôi quán triệt và thông suốt những quy định của Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam. Do vậy vào ngày 9/2/2014 lực lượng CA Đồng Tháp không có bắt giữ Nguyễn Bắc Truyển mà chúng tôi thực hiện về việc phối hợp đối với Cơ quan CSĐT CA TP. HCM để áp giải Nguyễn Bắc Truyển đang tạm trú bất hợp pháp tại Lấp Vò- Đồng Tháp về CQCSĐT Công an TP.HCM để làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,, cơ quan Điều tra CA TP. HCM đã khởi tố vụ án”.

Qua lời ông Thuấn, chúng ta có thể thấy ông đang né tránh trách nhiệm cho vụ bắt giữ tùy tiện ông Truyển bằng cách lập luận “không có bắt giữ” mà chỉ... “phối hợp để áp giải” ông Truyển về Cơ quan CSĐT TP.HCM.

Sự ngụy biện cho việc bắt giữ trái pháp luật này, được ông Thuấn dùng một mệnh đề lấp liếm để áp đặt cho người nghe bằng câu nói mở đầu: “Chúng tôi quán triệt và thông suốt những quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam”. Đúng là tài thât! Giữa một rừng luật ở Việt Nam, cho tới giờ này chưa từng có một nhà nghiên cứu là Giáo sư, Tiến sỹ Luật dám cho rằng mình là người “thông suốt những quy định của Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam”. Thế mà ông Giám đốc CA Đồng Tháp, Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn lại tuyên bố “mạnh miệng” như vây?

Tìm kiếm thông tin trên google thì được biết ông Thuấn có bằng Thạc sỹ luật. Nhưng đối với những người đã học qua luật, hay cho tới một người dân chưa tiếp cận các khái niệm về luật, khi nói về Hiến pháp và pháp luật thì ai cũng đều nhắc đến việc “tôn trọng, tuân thủ, chấp hành” đối với Hiến pháp và pháp luật, chứ chẳng có ai khi nhắc đến Hiến pháp và pháp luật lại đi dùng cái sự “quán triệt và thông suốt” như ông.

Bên cạnh đó, phát ngôn của ông mang tính hằn học và không đúng đúng chuẩn của một người đang thi hành pháp luật, đặc biệt là đang ở cương vị là Giám đốc CA tỉnh, khi ông nói “Nguyễn Bắc Truyển đang tạm trú bất hợp pháp tại xã Long Hưng B, Huyện Lấp Vò- Đồng Tháp”.

Không có một văn bản pháp luật nào đề cập đến khái niệm hay mô tả cho việc “tạm trú bất hợp pháp” là như thế nào. Trong Luật Cư trú và các Thông tư hướng dẫn liên quan đến việc tạm trú, chỉ quy định cho việc có hoặc không Đăng ký tạm trú. Giả sử ông Truyển không đăng ký tạm trú thì cơ quan chức năng cần nhắc nhở cho ông Truyển đăng ký tạm trú. Nếu sau khi nhắc nhở mà không chấp hành thì có quyền kiểm tra và tiến hành xử phạt. Nếu giả sử ông Truyển đã từng bị xử phạt vì không đăng ký tạm trú khi ở đây, thì đó cũng chỉ được xem là hành vi vi phạm quy định về việc đăng ký tạm trú, chứ không thể gọi là “tạm trú bất hợp pháp” như ông Thuấn nói.

Qua việc ông Thuấn xua quân xông vào nơi ở hợp pháp của công dân, bất chấp pháp luật để tiến hành bắt ông Truyển, và việc sử dụng những phát ngôn hằn học,chỉ thể hiện rằng ông Thuấn đang dùng quyền uy của mình để "tống khứ" một công dân Việt Nam là ông Truyển ra khỏi khu vực địa lý mà ông đang quản lý.

Giấu đầu lòi đuôi”

Đoạn tiếp theo phóng sự này đã vô tình lột tả được bản chất của vụ việc này bằng đoạn: “Vào khoảng tháng 5/2013 đối tượng Nguyễn Bắc Truyển đã lén lút về xã Long Hưng B, Huyện Lấp Vò- ĐT móc nối với các phần tử xấu, lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền để chống đối Đảng và Nhà nước ta. Hành vi trên của Nguyễn Bắc Truyển đã vi phạm pháp luật.”

Phóng sự gán ghép cho sự xuất hiện của ông Truyển tại xã Long Hưng B, Huyện Lấp Vò- ĐT là “lén lút”. Khi nói đến một hành vi “lén lút” nào đó thì chúng ta nghĩ ngay đến các hành động, việc làm xấu xa, cần phải dấu giếm. Tuy nhiên việc ông Truyển đến cư ngụ tại địa bàn nêu trên không phải là hành vi “lén lút” như phóng sự đã nêu. Bỡi lẽ, cộng đồng sử dụng facebook đều biết ông Truyển đang cư ngụ tại đây cùng với một người vợ sắp cưới của mình. Thông tin này được ông loan tải rộng rãi trên facebook cá nhân ngay từ khi ông Truyển đến xã Long Hưng B, và mới đây nhất ông còn sử dụng nó để mời bạn bè, người thân đến tham dự lễ cưới của ông tại đây.

Như vậy phóng sự này sử dụng đến thuật ngữ “lén lút” nhằm cho người xem diễn dịch rằng ông Truyển đến đây để làm một việc xấu xa, đáng lên án và lồng ghép việc "lén lút" này nhằm mục đích "chống Đảng và nhà nước". Nhưng người xem phóng sự dễ dàng nhận ra, và ý đồ này đã thất bại, khi phóng sự không thể đưa ra được bất kỳ một bằng chứng nào, thông tin cụ thể để chứng minh. Cũng là lối quen thuộc để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, bằng cách quy kết là "phần tử xấu, lợi dụng tôn giáo để chống Đảng và Nhà nước", như vậy là "vi phạm pháp luật".

Điều quan trọng hơn, từ chỗ Công an Đồng Tháp bắt giữ ông Nguyễn Bắc Truyển với lý do liên quan đến vụ án lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản, thì nay bỗng dưng lại nhảy qua tội danh “móc nối với các phần tử xấu, lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền để chống đối Đảng và Nhà nước ta”.

Điều này cho thấy, sau khi ông Truyển không bị bắt giam ở TP. HCM, Công An Đồng Tháp như “bị hố” cho việc bắt giữ tùy tiện vừa qua, bị công luận và quốc tế lên án, nên cố gắng dựng nên phóng sự này để biện minh cho hành vi bắt giữ người trái luật này.

Thay vì sử dụng đến các bằng chứng và các lập luận thuyết phục để cáo buộc cho một hành vi phạm tội, thì CA Đồng tháp chỉ có thể dùng đến các biện pháp trấn áp, rồi vu khống, rồi quy chụp cho ông Truyển từ tội danh này sang tội danh khác một cách hồ đồ.

Thủ thuật này dù được sự tiếp sức của chương trình truyền hình An ninh tỉnh Đồng tháp, bằng cách chuẩn bị trước máy quay, tường thuật chi tiết diễn biến của vụ việc, cũng như được dàn dựng công phu, nhưng nó lại bộc lộ sự thiếu logic trong lập luận, cũng như không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh là ông Truyển vi phạm pháp luật.

Về phần ông Nguyễn Bắc Truyển, ông là người được biết đến với các hoạt đông cho dân chủ và nhân quyền. Sử dụng đến các tội danh hình sự để gán ghép và quy chụp cho các hoạt động dân chủ và nhân quyền là cách thức thường được các Cơ quan Công an điều tra sử dụng trong thời gian qua.
-------------
(Còn tiếp phần 2, phân tích về những cáo buộc tiếp theo từ phóng sự, và quyết định khởi tố 3 trong số 20 người từ vụ việc này.)
  Phạm Lê Vương Các
(Blog Cùi Các)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét