Nguồn:-Kiến nghị đình chỉ vụ án đối với bị can Trần Ngọc Sương
Kính gởi: Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
Tôi
là luật sư Trịnh Minh Tân, là người bào chữa cho bị can Trần Ngọc
Sương, nguyên giám đốc Nông trường Sông Hậu (bào chữa miễn phí).
Năm
hết tết đến rồi mà số phận pháp lý của chị Ba Sương vẫn chưa được định
đoạt. Vì vậy tôi đã viết thư kiến nghị gởi đến cấp có thẩm quyền yêu cầu
đình chỉ vụ án và đình chỉ vụ án đối với bị can Trần Ngọc Sương bị truy
cứu trách nhiệm hình sự về tội danh: “tội lập quỹ trái phép” theo Khoản
4 Điều 166 BLHS.
Về vụ án này, tháng 11/2009 tôi đã có văn bản THÔNG BÁO gửi cho cấp có thẩm quyền đề nghị kháng nhị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Xin
gởi đến giáo sư và Ban biên tập trang mạng Bauxite Việt Nam toàn văn
thư kiến nghị của tôi để Ban Biên tập tham khảo. Nếu Ban biên tập cho
đăng trên trang mạng thì tôi cũng đồng ý.
Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn sắp tới, kính chúc giáo sư và Ban Biên tập nhiều sức khỏe, hạnh phúc và bình an.
Kính thư,
Luật sư Trịnh Minh Tân
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Tp Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 01 năm 2012
THƯ KIẾN NGHỊ
Yêu cầu đình chỉ vụ án đối với bị can Trần Ngọc Sương bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh: “tội lập quỹ trái phép”
Kính gởi:
- Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tp. Cần Thơ
- Chánh án Tòa án nhân dân Tp. Cần Thơ
Đồng kính gởi:
- Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
- Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao
- Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao
- Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ
- Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tp Cần Thơ
Tôi là luật sư Trịnh Minh Tân, Trưởng Văn phòng luật sư Trịnh Minh Tân thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh,
Địa chỉ : 09 đường 44, phường 10, quận 6, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08) 66781699 ĐTDĐ: 0903 709 078
Là
người bào chữa cho bị can Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc nông trường
Sông Hậu (Giấy chứng nhận người bào chữa số 01/KSĐT ngày 10/03/2011 do
VKSND TP Cần Thơ cấp) bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Cờ Đỏ truy tố về
“tội lập quỹ trái phép” theo Khoản 4, Điều 166 Bộ luật hình sự (Cáo
trạng 28/KSĐT-KSXXSTHS-KT-CV ngày 28/7/2011).
Tôi
được biết Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gởi
lên các cấp cao nhất yêu cầu chỉ đạo đình chỉ “vụ án Nông trường Sông
Hậu”. Tôi nhận thấy những nội dung cơ bản của kiến nghị trùng hợp với
quan điểm của các luật sư nhận bào chữa cho bà Trần Ngọc Sương, nguyên
Giám đốc Nông Trường Sông Hậu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội
“lập quỹ trái phép”. Tôi tin là những kiến nghị này sẽ được xem xét.
Là
một trong số các luật sư nhận bào chữa cho bà Trần Ngọc Sương, tôi tin
tưởng các cơ quan tiến hành tố tụng cấp Trung ương, với trách nhiệm của
mình sẽ chỉ đạo xem xét lại vụ án một cách khách quan để đi đến một kết
cục đúng đắn là đình chỉ vụ án, đình chỉ vụ án đối với bị can Trần Ngọc
Sương và những bị can khác trong vụ án với lý do: họ không phạm tội
danh: “tội lập quỹ trái phép”.
Thế nhưng, đã
hơn 5 tháng kể từ ngày Viện kiểm sát nhân dân huyện Cờ Đỏ, Tp Cần Thơ
ban hành bản Cáo trạng số 28/KSĐT-KSXXSTHS-KT-CV ngày 28/7/2011;
Đã
gần 5 tháng kể từ ngày Ủy ban Trung ương MTTQVN gởi văn bản đến Viện
trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao kiến nghị “đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bà Trần Ngọc Sương về tội danh lập quỹ trái phép”
Đến
nay các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Cần Thơ vẫn chưa có một
quyết định nào đối với số phận pháp lý của công dân Trần Ngọc Sương và
những người có liên quan.
Ngày 06/01/2012, tôi
đến thăm bà Trần Ngọc Sương, hiện đang ở đậu nhà người em dâu. Bà đang
bệnh, sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng vẫn phải lao động chân tay (làm các
loại dưa chua) để mưu sinh và đang mòn mỏi chờ đợi công lý.
Bức
xúc trước số phận một con người, một phụ nữ đã có nhiều đóng góp cho
quê hương, xứ sở của mình, đã xây dựng một hình mẫu làm ăn hiệu quả, đầy
tính nhân văn mà giờ này bà vẫn phải đau đáu chờ đợi một sự giải oan.
Vì thế, tôi mạnh dạn viết lá thư kiến nghị này, trước hết với tư cách
một công dân, cũng như bao nhiêu người dân khác ngưỡng mộ bà Ba Sương,
sau đó là với trách nhiệm của một luật sư nhận bào chữa cho bị can Trần
Ngọc Sương, tiếp đến là trách nhiệm của một đảng viên Đảng cộng sản Việt
Nam gửi tới các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cơ quan tiến hành tố
tụng để bày tỏ quan điểm của mình, trên cơ sở đó kiến nghị phải xem xét
ngay không chậm trễ số phận pháp lý của công dân Trần Ngọc Sương – Anh
hùng lao động.
Tôi đồng tình với quan điểm của
Ủy ban Trung ương MTTQVN, với ý kiến kiến nghị của hai đồng nghiệp
(cũng là người bào chữa cho bị can Trần Ngọc Sương) đã gởi đến các cấp
có thẩm quyền. Do đó tôi không lặp lại những vấn đề mà tôi có chung quan
điểm. Tôi xin bổ sung một số ý kiến thuộc về nhận thức cá nhân để quý
cấp xem xét.
Quan điểm của tôi về vụ án:
Sau
khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, bản kết luận điều tra của CQCSĐT công an TP
Cần Thơ và bản cáo trạng của VKSND huyện Cờ Đỏ cho thấy, vấn đề đặt ra
là đã có đủ các căn cứ để xác định hành vi của bà Trần Ngọc Sương cấu
thành tội danh “tội lập quỹ trái phép” hay chưa? Theo tôi, để kết luận
hành vi của bà Trần Ngọc Sương có phạm tội “lập quỹ trái phép” hay không
thì phải:
- Định hình và định tính mô hình
Nông trường Sông Hậu cho đúng với bản chất của nó, có đúng Nông trường
Sông Hậu là “nông trường quốc doanh” thuần túy như các văn bản quy phạm
pháp luật qui định không? Có nên lấy mô hình hình thức cứng nhắc để quy
kết cho nội dung vận hành của một mô thức kinh tế có hiệu quả lần đầu
tiên xuất hiện ở Việt Nam?
- Xác định quỹ bị gọi là “quỹ trái phép” đó được hình thành như thế nào và hình thành nhằm mục đích gì?
-
Hành vi của bà Trần Ngọc Sương (như mô tả trong cáo trạng) đã hội đủ
các yếu tố cấu thành của tội danh này, có nghĩa là phải chứng minh được
đầy đủ các yếu tồ về mặt khách thể, mặt khách quan và chủ quan của tội
phạm có tên là “tội lập quỹ trái phép” hay chưa?
Để
trả lời được các câu hỏi trên cần phải có một cái nhìn tổng quát, dựa
trên quan điểm lịch sử cụ thể về mô hình nông trường quốc doanh nói
chung qua từng thời kỳ, để từ đó làm rõ tính đặc thù của tổ chức kinh tế
mang tên gọi “Nông trường Sông Hậu” được coi là NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH.
Vậy “nông trường quốc doanh” được hiểu như thế nào và quá trình hình
thành của loại tổ chức kinh tế này ra sao? Nông trường Sông Hậu có cùng
chung khái niệm “nông trường quốc doanh” về mặt bản chất như các văn bản
quy phạm pháp luật qui định không?
1. Khái niệm nông trường quốc doanh
Sau
chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp, các nông trường quốc doanh (NTQD) được hình thành xuất
phát từ yêu cầu phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, lực lượng lao
động lúc đầu chủ yếu là các quân nhân giải ngũ sau chiến tranh, sau này
mới dần thu hút lực lượng lao động trẻ ở các vùng nông thôn đồng bằng
đến làm nông trường viên, được trả lương từ ngân sách; địa bàn sản xuất
của các NTQD chủ yếu là các vùng trung du, miền núi; hoạt động sản xuất
chủ yếu là trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi bò sữa. NTQD
hoạt động như một xí nghiệp nông nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, hoạt động
theo nguyên tắc hạch toán kinh tế. Hàng năm, NTQD sản xuất theo chỉ
tiêu pháp lệnh do nhà nước phân bổ, sản phẩm tiêu thụ do Nhà nước chỉ
định và bán theo giá qui định của nhà nước.
a) Định nghĩa
Có thể định nghĩa Nông trường quốc doanh theo qui định tại Thông tư số 348-TTg ngày 30/08/1961 của Thủ tướng Chính phủ như sau:
“Các
nông trường quốc doanh là những đơn vị xí nghiệp của Nhà nước, quản lý
theo chế độ kinh tế hạch toán, được Nhà nước cấp vốn để sản xuất theo kế
hoạch của Nhà nước”.
Thông tư nói trên
cũng qui định rõ: “Toàn bộ sản phẩm của nông trường làm ra (không kể
phần do nông trường viên có thể tự sản xuất riêng) thuộc quyền sở hữu
của Nhà nước do Nhà nước phân phối theo kế hoạch. Nông trường có trách
nhiệm giao nộp sản phẩm cho Nhà nước theo số lượng đã quy định, và cho
các cơ quan, đơn vị được phân phối, theo giá cả điều động nội bộ và Ủy
ban kế hoạch Nhà nước đã công bố. Quan hệ giữa các nông trường và các cơ
quan tiêu thụ giải quyết theo chế độ hợp đồng kinh tế Chính phủ đã quy
định.”
Phải nói rằng NTQD là một điển hình của
nền kinh tế quản lý theo chế độ kinh tế hạch toán bao cấp, tổ chức kinh
tế không được chủ động trong họat động sản xuất kinh doanh. Đó là một
đặc điểm mang tính lịch sử mà ngày nay gọi đó là “thời kỳ bao cấp”.
b) Sự phá sản của mô hình Nông trường quốc doanh.
Từ
sau năm 1954 đến trước năm 1975, nhiều nông trường quốc doanh đã được
thành lập ở miền Bắc, thu hút hàng chục vạn lao động từ nông thôn vào
nông trường. Nông trường quốc doanh hoạt động theo phương thức: sản xuất
theo chỉ tiêu pháp lệnh, giao nộp sản phẩm cho Nhà nước hoặc bán sản
phẩm theo chỉ định của nhà nước, giá cả do Nhà nước qui định. Điều này
có nghĩa là nông trường không được tự chủ trong hoạt động sản xuất, sản
xuất không theo nhu cầu của thị trường, do đó đã triệt tiêu tính chất kinh doanh của
doanh nghiệp. Thực ra ở nước ta thời kỳ đó chưa có khái niệm “doanh
nghiệp” (nên cũng chưa có khái niệm “doanh nhân”), sản phẩm làm ra mang
nội hàm của mệnh lệnh, không mang nội hàm của thị trường và lẽ đương
nhiên là nó chẳng phải cạnh tranh với đối thủ nào cả. Sản xuất và phân
phối sản phẩm mang tính áp đặt đã tạo nên hội chứng thừa hoặc thiếu sản
phẩm cung cấp cho xã hội.
Sau năm 1975, sau
khi thống nhất đất nước về mặt nhà nước, tiến trình cải tạo nền kinh tế
được tiến hành ở miền Nam, trong đó có cải tạo nông nghiệp với các phong
trào đưa nông dân vào làm ăn tập thể với các mô hình HTX và tập đoàn
sản sản xuất nông nghiệp. Mô hình nông trường quốc doanh cũng được áp
dụng trong nông nghiệp, vì thế mà nhiều nông trường quốc doanh ở miền
Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đã được thành lập dập
khuôn theo loại hình nông trường quốc doanh ở miền Bắc vốn đã hoạt động
không hiệu quả và đi vào bế tắc, chỉ khác một điều là đối tượng cây
trồng không phải chủ yếu là cây công nghiệp, cây ăn quả, mà ở đồng bằng
sông Cửu Long, đối tượng sản xuất là cây lúa.
Việc
sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long mang những nét riêng có do
đặc điểm thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng và phụ thuộc vào thiên nhiên nên
người nông dân khi sản xuất mang tính thụ động nhiều hơn. Các nông
trường quốc doanh được thành lập về mặt tổ chức bước đầu cũng như ở miền
Bắc những năm 60, 70 của thế ký 20, lúc đầu cũng do các đơn vị quân đội
quản lý hoặc được thành lập bởi lực lượng thanh niên xung phong, và lẽ
tất nhiên là các nông trường này đều được cấp vốn từ ngân sách nhà nước.
Thời kỳ đầu, được Nhà nước cấp vốn 100%. Tuy nhiên, nền kinh tế kế
hoạch (bao cấp) đã ngày càng bộc lộ những yếu kém, ngân sách không thể
chu cấp để bù lỗ. Do đó cùng với sự tan rã của các HTX và tập đoàn sản
xuất nông nghiệp, các nông trường quốc doanh cũng lâm vào tình trạng khó
khăn và nhiều nơi đã giải thể. Các mô thức kinh tế như HTX nông nghiệp,
nông trường quốc doanh hoạt động bởi chính sách “bao cấp” bị tan rã là
tất yếu vì nó trái với quy luật của nền kinh tế khi được vận hành theo
cơ chế thị trường.
Vậy tại sao Nông trường Sông Hậu vẫn tồn tại và phát triển? Đây
là một thực tiễn mà các nhà khoa học cần nghiên cứu. Với vai trò là một
luật sư, tôi có thể đưa ra những ý kiến trong môi trường pháp lý cho
phép.
Chính sự phát triển không theo “khuôn
mẫu” sẵn có đã giúp cho người nông dân NTSH làm ra nhiều lúa gạo, bắt
tiềm năng thành hiện thực, từ nghèo khổ thành khá giả, biến cả một vùng
đất hoang hóa, chua phèn thành một vùng đất trù phú với ngút ngàn màu
xanh của lúa và cây. Đây là một thực tế không thể chối bỏ. Nhưng thực tế
này đã đẩy bà Ba Sương vào những hệ lụy đau lòng, những oan khiên đến
nay chưa được giải.
Vì vậy, phải phân tích mô
thức kinh tế Nông trường Sông Hậu trên nền tảng tư duy đổi mới nhằm xác
định bản chất pháp lý của sự việc, từ đó quy chiếu hành vi của lãnh đạo
nông trường Sông Hậu với quy định của pháp luật hình sự về “tội lập quỹ
trái phép” để xác định có hay không có tội phạm và người phạm tội “lập
quỹ trái phép” ở tổ chức kinh tế này.
2. Sự hình thành và phát triển của Nông trường Sông Hậu – một mô thức kinh tế không giống mô thức nông trường quốc doanh vốn có.
Theo
nghiên cứu của tiến sĩ Triều Hải Quỳnh (biên tập viên Tạp chí Cộng sản
tại miền Nam), Nông trường Sông Hậu đã trải qua 3 giai đoạn xây dựng và
phát triển. Đó là:
- Giai đoạn 1: từ 1979 – 1989
- Giai đoạn 2: từ 1990 – 1995
- Giai đoạn 3: từ năm 1996 trở đi
Những
số liệu thông kê, phân tích và đánh giá của tiến sĩ Triều Hải Quỳnh đã
mô tả bức tranh toàn cảnh rất sát thực quá trình xây dựng và phát triển
của NTSH. Tuy nhiên, tôi xin được chia giai đoạn 3 là từ năm 1996 đến
năm 2004 và thêm giai đoạn 4 là từ 01/01/2004 đến nay. Vì từ ngày
01/01/2004 trở về trước, NTSH gắn liền với đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Đó là:
- Tỉnh Hậu Giang: được sáp nhập từ hai tỉnh: Cần Thơ và Sóc Trăng theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24/3/1976
- Tỉnh Cần Thơ: tháng 12/1991, tại kỳ họp thứ 10, Quốc Hội khóa 8 đã ra Nghị quyết tách tỉnh Hậu Giang thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng
- Thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương: từ 01/01/2004 tỉnh Cần Thơ được tách ra thành hai là thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang
Nêu
ra các mốc thời gian sáp nhập và tách tỉnh để trong phần trình bày của
mình, tôi sẽ đề cập đến những hệ lụy mà bà Trần Ngọc Sương phải chịu
đựng trong suốt mấy năm qua có nguyên nhân từ lãnh đạo thành phố Cần
Thơ, sau khi được tách ra từ tỉnh Hậu Giang.
Giai đoạn 1:
Dưới
sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Trần Ngọc Hoằng, Ban giám đốc NTSH đề
ra quyết tâm phải xây dựng NTSH với tinh thần “ba tự”: tự lực, tự
cường, tự làm.
Mặc dù đang ở thời kỳ mà nền
kinh tế được vận hành bởi chính sách bao cấp, nhưng NTSH không được Nhà
nước cấp vốn từ ngân sách, người lao động của nông trường không được
hưởng lương “biên chế”. Giám đốc Trần Ngọc Hoằng đã đưa ra “phương cách
tự cân đối, tự trang trải”, gắn kết ba lợi ích: Nhà nước, tập thể và
nông dân, mà hạt nhân của nó là phương thức giao khoán sản phẩm cuối
cùng đến người lao động. Chính phương thức này đã tạo ra một lượng lương
thực và sản phẩm nông nghiệp gấp nhiều lần thu nhập của người nông dân
trước đó, giúp nông dân thoát nghèo, có tích lũy và làm nền tảng vật
chất cho sự phát triển của nông trường.
Ở thời
điểm năm 1979 – 1980, về hình thức tổ chức, NTSH là một nông trường
quốc doanh nhưng lại chủ yếu là chuyên canh cây lúa, nên tổ chức kinh tế
này không giống như hợp tác xã nông nghiệp, lại càng không giống các
NTQD đã được thành lập bởi vốn ngân sách Nhà nước cấp. Sự trì trệ trong
các HTX nông nghiệp đã được một số nơi “phá rào” bằng cách khoán sản
phẩm cho nông dân. Thực tế đó đã dẫn tới việc Ban Bí thư Trung ương Đảng
ra chỉ thị 100-CT/TW ngày 13/01/1981 về cải tiến công tác khoán, mở
rộng “khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động” trong hợp tác xã nông
nghiệp, còn được gọi là “khoán sản phẩm”.
NTSH
được coi là nông trường quốc doanh, việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm,
các chế độ hạch toán, kế toán – tài chính không thoát ra được cơ chế
“bao cấp”, trong khi hoạt động của nông trường là “tự cấp” – tự lo vốn,
vật tư, thu nhập của nông dân … nhưng lại không thể vận hành như một HTX
nông nghiệp. Cái khó đó đã buộc NTSH phải có những bước chuyển động tự
thân với mục tiêu là xây dựng một tổ chức kinh tế vững mạnh bằng chính
“đôi chân trần” của mình. Ảnh hưởng của Chỉ thị 100 cũng có tác động
tích cực đến sự phát triển của nông trường. Không phải là HTX nông
nghiệp về mặt tổ chức, nhưng từ năm 1981, NTSH cũng đã có cơ sở để yên
tâm với chế độ KHOÁN quy định trong Chỉ thị 100 mà NTSH đã thực hiện trước khi có nội dung khoán trong chỉ thị này.
Việc
xây dựng và phát triển thành công của NTSH ở giai đoạn đầu không tách
rời sự lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, ủng hộ, khuyến khích của Tỉnh ủy và
UBND tỉnh Hậu Giang.
Giai đoạn 2:
Ngày
05/04/1988, Bộ chính trị Khóa VI ra Nghị quyết 10 về cải tiến chế độ
khoán trong sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết có nội dung mang tính đột
phá, tạo bước phát triển mới rất quan trọng cho nông nghiệp và nông thôn
trong thời kỳ đổi mới. Đối với NTSH thì tính đột phá đó thực sự
đã được Ban giám đốc Nông trường thực hiện từ khi chưa có Nghị quyết 10
(mặc dù đặc điểm về cơ cấu tổ chức, về qui mô không giống như các HTX
nông nghiệp được tổ chức và hoạt động theo các văn bản quy phạm pháp
luật về HTX nông nghiệp). Cho nên ở giai đoạn này, NTSH đã tạo ra lượng
của cải vật chất dồi dào, có tích lũy để tái sản xuất mở rộng, từng bước
xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, chuẩn bị cho những bước phát triển
chiều sâu, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Giai đoạn 3:
Đây
là giai đoạn NTSH tiến hành đầu tư chiều sâu, mở rộng ngành nghề sản
xuất kinh doanh, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp,
tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng nông sản chế biến có chất
lượng cao. Sản phẩm của nông trường đã có uy tín trên thị trường nội địa
và quốc tế. Qui mô sản xuất, kinh doanh của NTSH đã mang dáng dấp của
môt tập đoàn kinh tế nông nghiệp
Giai đoạn 4:
Ngày 01/01/2004, tỉnh Cần Thơ được tách làm hai: thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.
NTSH nằm trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ.
Những
năm đầu của giai đoạn này NTSH vẫn trên đà phát triển. Do mở rộng sản
xuất, phát triển nhiều ngành nghề nhưng những quy định về tổ chức bộ
máy, chế độ kinh tế - tài chính theo mô hình nông trường quốc doanh
không thích hợp với qui mô và nội dung của các hoạt động sản xuất kinh
doanh mà nông trường đã và đang tiến hành.
Ngày 21/03/2006, UBND Tp Cần Thơ ra quyết định thanh tra NTSH, mốc thời gian thanh tra là từ năm 1993 đến năm 2005.
Giai
đoạn này nông trường gặp phải những khó khăn khách quan do thành phố
tiến hành thanh tra nông trường. Cuộc thanh tra kéo dài, không đúng với
mục đích của thanh tra đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh
của nông trường. Mục đích thanh tra được qui định tại Điều 3, Luật
Thanh tra năm 2004 như sau:
“Hoạt động
thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp
luật; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật
để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục;
phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của
hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi
ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
Đây cũng là thời điểm phải thực hiện Nghị định của Chính phủ số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/09/2004 về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh,
Nghị định được đăng trên Công báo số 38 – 28 – 9 – 2004. Như vậy Nghị
định có hiệu lực từ ngày 13/10/2004. Tất nhiên là các địa phương chưa
thể triển khai thực hiện được ngay khi Nghị định có hiệu lực, mà phải
đợi hàng loạt các văn bản khác có liên quan được ban hành mới triển khai
thực hiện được. Đó là:
- Công số 3256/VPCP-NN ngày 13/6/2005 v/v triển khai Nghị định 170/2004/NĐ-CP;
- Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 09/11/2005 v/v giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản;
- Thông tư số 102/2006/TT-BNN ngày 13/11/2006 của Bộ NN & PTNT hướng dẫn Nghị định 135/2005/NĐ-CP;
-
Thông tư số 46/TT-BTC ngày 08/6/2005 của Bộ Tài chính hướng dãn về tài
chính khi sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh
- Thông tư số 16/2005/TT-BLĐTBXH ngày 19/4/2005 của Bộ LĐ TB XH hướng dẫn về chính sách lao động theo Nghị định 170/2004/NĐ-CP
v. v.
Việc
tiến hành thanh tra kéo dài để cuối cùng lãnh đạo Tp Cần Thơ chỉ đạo cơ
quan điều tra khởi tố vụ án “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.”
(công văn số 91-TP/VPTU ngày 20/3/2008, do ông Đinh Công Út là Phó chánh
Văn phòng ký thay Chánh văn phòng).
Chủ
trương trên được chính thức hóa bằng Công văn số 1575/UBND-NC ngày
25/3/2008 của UBND TP Cần Thơ do Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn ký: “Giao
Công an thành phố, sau khi Thanh tra thành phố chuyển một số nội dung
sai phạm của Nông trường Sông Hậu sang Cảnh sát điều tra thì tổ chức họp
báo, để công khai vớibáo chí (...) Trước mắt khởi tố vụ án về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thay
vì phải tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị định 170/2004/NĐ-CP thì lãnh
đạo thành phố lại “tập trung” chỉ đạo thanh tra NTSH kéo dài, gây nên
nhưng thiệt hại cho NTSH chưa thể tính toán được.
Điểm b, Khoản 1, Điều 38 Luật Thanh tra năm 2004 quy định: “Cuộc
thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ tiến hành không quá bốn mươi
lăm ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá bảy
mươi ngày”.
Cuộc thanh tra NTSH đã kéo dài 02 (hai) năm.
Mặc
dù kết quả thanh tra không chỉ ra được những vi phạm pháp luật rõ ràng,
nhưng lãnh đạo thành phố vẫn chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng khởi
tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm
trọng”. Thế nhưng quá trình tố tụng kéo dài đến nay vẫn chưa đến hồi
kết, gây thiệt hại cho nông trường và cá nhân Giám đốc Trần Ngọc Sương
và những người có liên quan cả về vật chất lẫn tinh thần.
3, Quy chiếu hành vi của bà Trần Ngọc Sương với các yếu tố cấu thành “tội lập quỹ trái phép”.
Theo Quy định tại Điều 166 BLHS, để cấu thành tội danh “Tội lập quỹ trái phép” phải thỏa mãn đủ 2 dấu hiệu, đó là :
- Có hành vi lập quỹ trái phép
- Đã sử dụng quỹ trái phép đó gây hậu quả nghiêm trọng
Nếu không thỏa mãn một trong 2 dấu hiệu trên thì không thể cấu thành tội Lập quỹ trái phép.
Như vậy, trong vụ án này xác định:
+ Quỹ Công đoàn có phải là quỹ trái phép hay không?
+ Xác định hậu quả từ hành vi sử dụng quỹ này gây ra?
Thứ I: Quỹ này có phải là quỹ trái phép không?
Quỹ
trái phép là quỹ được lập “nhằm rút tiền của Nhà nước ra khỏi sự giám
sát tài chính của Nhà nước”. Theo quan điểm cá nhân, quỹ này không phải
là quỹ trái phép, bởi lẽ:
Một là, xét
về quá trình thành lập và hoạt động của NTSH, Ngân sách Nhà nước đầu tư
rất ít, gần 100% vốn ban đầu và trong suốt 30 năm hoạt động là tự vay
ngân hàng. Đây là thực tế ai cũng biết và thừa nhận. Do cơ chế chính
sách kinh tế của những năm sau giải phóng là đề cao mô hình kinh tế quốc
doanh, tập thể, không thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, nên dù là
doanh nghiệp tự lực về mặt tài chính, nguồn vốn nhưng NTSH vẫn hoạt
động dưới danh nghĩa là Nông trường quốc doanh (doanh nghiệp nhà nước).
Hai là, về
nguồn thu hình thành quỹ Công đoàn không phải có được từ việc thực hiện
các chức năng hoạt động sản xuất kinh doanh theo giấy đăng ký kinh
doanh chính thức của NTSH, cho nên nó không có cơ sở hoạch toán trong
tài sản của NTSH. Quỹ này được lập từ năm 1979, nguồn hình thành từ hoạt
động sản xuất của Công đoàn. Cụ thể:
- Thu từ
bán cây bạch đàn, keo, tràm (do công đoàn nông trường trồng trên các
tuyến đê bao dài 200km và những diện tích đất không trồng lúa được) là
trên 14 tỷ, nộp vào nguồn vốn ngân sách nông trường trên 12 tỷ, còn lại
2,066 tỷ đưa vào quỹ công đoàn.
- Thu từ tiền
thuê đìa cá, quản lý công trình điện, quản lý, thu khác: 2,247 tỷ đồng
là những khoản phụ thu không có cơ sở hoạch toán vào tài sản của NTSH,
nên được đưa vào quỹ Công đoàn nhằm mục đích cải thiện đời sống của
CB-CNV của nông trường.
- Khoản vay từ các cá
nhân bên ngoài 3,188 tỷ đồng cũng nhằm phục vụ các hoạt động của NTSH.
Các khoản vay cá nhân này thuộc lĩnh vực dân sự, nên việc dùng số tiền
trên để truy cứu trách nhiệm hình sự trong tội danh Lập quỹ trái phép là
không có căn cứ.
- Khoảng thu từ tiền bán 5
lô đất, trong đó 3 lô được mua từ tiền công đoàn nên trả vào quỹ công
đoàn là hợp lý và được mua trước khi bà Sương về giữ chức giám đốc NTSH.
2 lô còn lại ( lô 6.500 m2 và lô 1058 m2 đều do sai xót của cán bộ
nghiệp vụ và bà Nhung xử lý) Bà Sương không biết và không hề chỉ đạo,
cũng như không được đối chất với 10 người có liên quan đến việc mua bán 2
lô đất này.
Thứ II: Xác định có hay không hậu quả nghiêm trọng từ hành vi sử dụng quỹ Công đoàn?
Từ
năm 2001 đến 2006 vào dịp tết, sinh nhật của bà Trần Ngọc Sương, Công
đoàn chủ trương chi tiền mua quà tặng cho bà Sương với tổng số tiền là
129.325.000đ00. Khoản chi này do công đoàn đề xuất và bà
Nhung duyệt chi, bà Sương không yêu cầu cũng như không chỉ đạo trong
việc chi khoản tiền này, do đó không có căn cứ pháp lý buộc bà Sương
chịu trách nhiệm về khoản tiền trên. Việc tặng quà sinh nhật không chỉ
tặng riêng cho giám đốc Trần Ngọc Sương, mà hàng năm công đoàn tặng quà
cho cả hơn 200 CBNV nông trường.
Một số khoản
chi khác như: chi bồi dưỡng, lương kiêm nhiệm cho Ban giám đốc, trong đó
chi cho bà Sương là 77,4 triệu đồng/7 năm, như vậy chưa đến 01 triệu/
tháng là khoản tiền quá nhỏ so với công sức bà Sương bỏ ra, làm việc
không có ngày nghỉ. Việc xuất chi cho một số cá nhân nguyên trong Ban
giám đốc đã mất (trên 381 triệu), các khoản chi này mang tính chất hỗ
trợ cho gia đình họ, Giám đốc Trần Ngọc Sương không vụ lợi cá nhân trong
khoản chi này (câu chữ của người lập phiếu có sai sót, bà Nhung ký). Do
đó, cáo trạng quy buộc bà Sương sử dụng cá nhân là không có căn cứ.
Chi
biếu tặng các cá nhân, ngành TW, địa phương, các đoàn kiểm tra (khoảng
911 triệu đồng). Tuy nhiên, trong khoản chi đó, bà Sương chỉ thừa nhận
đã chi 10 triệu đồng để tiếp đoàn kiểm toán, và 131 triệu đồng chi lì xì
tết 2005 và 2006 cho cán bộ, nhân viên nông trường mà danh sách được
tặng do các phòng ban, đoàn thể lập đề nghị. Đây là khoản chi mang tính
chất thông lệ hàng năm, bà Sương cũng không dùng nó vào mục đích vụ lợi
cá nhân. Số tiền còn lại, CQ ĐT cũng không chứng minh được có sự chỉ đạo
chi, mà chỉ căn cứ vào lời khai của Nhung, Hưng, Hoan… là những người
trực tiếp nhận và chi các khoản trên.
Khoản chi đi công tác 2.277.713.000đ00
cũng không đủ cơ sở chứng minh là chi cho bà Sương đi công tác, vì
không có chữ kí nhận của bà Sương, cũng như nội dung chi cho ai cũng
không được thể hiện đầy đủ trong tài liệu.
Chi lấp âm quỹ số tiền 729.690.000đ00
là khoản tiền trả nợ thay cho một số cá nhân đã vay của nông trường. Đó
là những khoản nợ khó đòi do một số cá nhân đã chết, một số không xác
định nơi cư trú… Nếu hoạch toán vào nợ khó đòi sẽ làm tăng chi phí quản
lý, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Nông trường. Quỷ Công đoàn hình
thành trên nguồn vốn nông trường, việc dùng tiền trong quỹ này chi lấp
âm quỹ, xét cho cùng là nhằm bảo toàn vốn, có lợi cho Nông trường, nên
không thể xem đây là khoản chi gây thiệt hại tài sản cho Nông trường.
Một số khoản chi khác như chi hoàn tiền tạm ứng, thanh toán 2 lần cho
công trình nạo vét kênh khu vực IV, tuy có sai về chế độ tài chính kế
toàn nhưng có thể điều chỉnh và xác định trách nhiệm dân sự.
Khoản chi cho bà Sương mang tính cá nhân như: mua nhà số 22 đường Định Tiên Hoàng, Tp Cần Thơ (246.460.000đ00).
Theo bản cáo trạng thì chi mua ngôi nhà này là do Trương Hồng Nhung chỉ
đạo thủ quỹ Nguyễn Văn Sơn chi mua nhà hóa giá cho bà Sương, dựa trên
chính sách hỗ trợ nhà ở cho cán bộ của Nông trường. Không phải do bà
Sương trực tiếp chỉ đạo việc này.
Tóm lại, Quỹ
này không có cơ sở để quy kết là “quỹ trái phép”, bởi nó được hình
thành từ hoạt động của công đoàn, không có nguồn gốc từ vốn của Nhà
nước. Mặt khác, quỹ này được lập từ những năm 1979 khi Nông trường đi
vào hoạt động (phù hợp với Quyết định 25/CP ngày 21- 01-1981 của Chính
phủ được ban hành sau đó), bà Sương không phải là người sáng lập quỹ này
và cũng không trực tiếp quản lý, sử dụng quỹ (bà Sương học xong đại học
và về NTSH công tác năm 1981). Nhìn chung, mục đích sử dụng của Quỹ
công đoàn là nhằm cải thiện và nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân
viên của Nông trường và phục vụ, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh
doanh của Nông trường Sông Hậu. Dù rằng trong hoạt động tài chính kế
toán của nông trường còn có những bất cập do cơ chế trói buộc, nhưng đó
không phải là dấu hiệu của “tội lập quỹ trái phép”.
Những
lập luận mà kết luận điều tra và cáo trạng đưa ra đều dựa trên lời khai
của các bị can, không đưa ra được những chứng cứ có giá trị chứng minh
để buộc tội bà Trần Ngọc Sương. Lập luận của VKS mang tính chủ quan, áp
đặt, không xem xét sự việc trên quan điểm lịch sử và thực tiễn về quá
trình xây dựng và phát triển của NTSH cũng như những thành quả, đóng góp
của bà Trần Ngọc Sương cho Nông trường, cho xã hội. Không những vậy,
CQĐT và VKS còn đưa ra những tình tiết không liên quan đến hành vi của
bà Sương bị quy kết là “lập quỹ trái phép” như: tình hình kinh doanh
không hiệu quả, dân làm đơn khiếu nại gây mất trật tự xã hội, v.v. nhằm
làm xấu đi hình ảnh của cá nhân giám đốc Trần Ngọc Sương nói riêng và
NTSH nói chung.
Các nội dung trên cho thấy
không hội đủ các yếu tố về khách thể, mặt khách quan và chủ quan của
“tội lập quỹ trái phép” ở hành vi của bà Trần Ngọc Sương.
Khách thể của “tội lập quỹ trái phép” là hành vi xâm phạm đến chế độ quản lý tài chính, kế toán ở cơ quan, đơn vị nhà nước được cấp phát vốn, kinh phí hoạt động[1]
Các
tài liệu điều tra cho thấy NTSH không phải là đơn vị kinh tế được cấp
phát vốn, kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước nên yếu tố về mặt
khách thể của “tội lập quỹ trái phép” là không có.
Mặt khách quan của
tội phạm. “Tôi lập quỹ trái phép” được thực hiện bởi hành vi lén lút,
không công khai; nguồn thu của loại “quỹ đen” này phải là nguồn thu
không hợp pháp[2]. Các
cơ quan tiến hành tố tụng đã không thu thập được các chứng cứ để chứng
minh yếu tố này. Thực chất đây là quỹ công đoàn, được lập ra từ năm
1979.
Mặt chủ quan của tội phạm: tội
lập quỹ trái phép “được thực hiện do lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành
vi lập quỹ trái phép của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố tình
thực hiện tội phạm”[3]
Quỹ công đoàn này đã được hình thành và duy trì từ năm 1979, trước khi có Quyết định của hội đồng chính phủ số 25 - CP ngày 21-1-1981 về
một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất
kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh. Tại phần 4 của Quyết định quy định:
“b) Đối với phần kế hoạch tự làm của xí nghiệp:
Phần
lợi nhuận xí nghiệp được phân phối như sau: nộp vào ngân sách Nhà nước
20%; phần còn lại được sử dụng cho ba quỹ theo tỷ lệ sau đây: 20% cho
quỹ phát triển sản xuất; 60% cho quỹ khen thưởng; 20% cho quỹ phúc lợi
tập thể.
c) Đối với sản xuất phụ:
Phần lợi nhuận còn lại sau khi nộp các loại thuế và thu quốc doanh theo chế độ hiện hành, được phân phối như sau:
- Nộp vào ngân sách Nhà nước 15%;
-
Xí nghiệp được sử dụng 85%, trong đó sử dụng cho quỹ phát triển sản
xuất, cho quỹ khen thưởng và cho quỹ phúc lợi tập thể theo tỷ lệ do giám
đốc xí nghiệp bàn bạc thoả thuận với công đoàn để quyết định.”
Như
vậy, ở thời điểm đó, mặc dù chế độ bao cấp còn nặng nề, các xí nghiệp
nhà nước hoạt động từ vốn ngân sách cũng đã được phần nào “cởi trói” để
đảm bảo quyền lợi của người lao động, kích thích người lao động hăng hái
sản xuất.
Xin nhắc lại là “Các nông trường
quốc doanh là những đơn vị xí nghiệp của Nhà nước, quản lý theo chế độ
kinh tế hạch toán, được Nhà nước cấp vốn để sản xuất theo kế hoạch của
Nhà nước” (Thông tư số 348-TTg ngày 30/08/1961 của Thủ tướng Chính
phủ). NTSH hoạt động theo cơ chế một nông trường quốc doanh nhưng không
được “Nhà nước cấp vốn”. Cứ cho rằng NTSH là đơn vị được cấp vốn từ ngân
sách nhà nước thì việc lập quỹ như trên cũng không thể là “hành vi nguy
hiểm cho xã hội được”.
Khi đã không xác định
được một trong 4 yếu tố về: mặt khách quan, khách thể, mặt chủ quan và
chủ thể của tội phạm thì không thể kết luận một người phạm một tội nào
đó. Đối với vụ án “Nông trường Sông Hậu”, chúng tôi phân tích là không
hội đủ 3 yếu tố: mặt khách quan, khách thể và mặt chủ quan của tội phạm
có tội danh là “tội lập quỹ trái phép”. Do đó không có tội phạm này xảy
ra tại NTSH.
Việc “cắt khúc” giai đoạn để quy
kết bà Trần Ngọc Sương phạm tội là không khách quan. Vì quỹ bị gọi là
“quỹ trái phép” đã hình thành trong suốt 30 năm xây dựng và trưởng thành
của NTSH. Quỹ đó đã góp phần làm nên kỳ tích mà chưa có một đơn vị kinh
tế nông nghiệp quốc doanh cũng như tập thể nào đạt được.
4. Kiến nghị:
Kính thưa các cấp lãnh đạo,
Nghĩ
về ông Nguyễn Kim Ngọc, người được truy tặng danh hiệu Anh hùng lao
động sau khi qua đời, tôi chạnh lòng nghĩ về cố Anh hùng lao động Trần
Ngọc Hoằng và người con của ông, Anh hùng lao động Trần Ngọc Sương. Mỗi
người một số phận, nhưng họ có điểm chung là đã suy tư, trăn trở, quên
mình vì cơm ăn, áo mặc, vì hạnh phúc của người nông dân chân lấm tay
bùn, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Người
dân tỉnh Hậu Giang, tỉnh Cần Thơ trước đây và Tp Cần Thơ ngày nay tự
hào về Nông trường Sông Hậu, nhân dân Việt Nam nói chung và giai cấp
nông dân Việt Nam nói riêng cũng tự hào về điểm sáng của một phương thức
làm ăn mới ở Nông trường Sông Hậu, về những con người có tâm và có tài,
“chí công vô tư” như cố giám đốc Trần Ngọc Hoằng và nguyên giám đốc
Trần Ngọc Sương.
Hệ lụy đã đến với NTSH từ sau
khi tách tỉnh năm 2004, và năm 2005 có lãnh đạo mới ở địa phương khác
được điều về Tp Cần Thơ. Những ý kiến trung thực, tâm huyết của các vị
lãnh đạo tiền nhiệm đã không được lắng nghe nên đã có một “vụ án Nông
trường Sông Hậu” làm triệt tiêu những ấp ủ, những dự án dựa trên nền
tảng sẵn có của một mô hình kinh tế có qui mô sản xuất lớn, đã được
khẳng định về tính hiệu quả, đang chuẩn bị có những bước điều chỉnh cho
phù hợp với sự phát triển chung của đất nước và hội nhập quốc tế theo
tinh thần và nội dung của Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/09/2004 của Chính phủ.
Đã
bắt đầu năm 2012, chuẩn bị đón tết nguyên đán Nhâm Thìn, trên tinh thần
thượng tôn pháp luật, tôi viết thư kiến nghị này kính đề nghị các cấp
có thẩm quyền, mà trực tiếp là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ xem
xét, áp dụng Khoản 2 Điều 107, Khoản 1 Điều 169 Bộ luật Tố tụng hình sự
để ra quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ vụ án đối với bị can Trần
Ngọc Sương (và những bị can khác) về “tội lập quỹ trái phép”.
Nhân
dịp năm mới 2012 và tết nguyên đán Nhâm Thìn, kính chúc các Cấp lãnh
đạo nhiều sức khỏe và bình an để cùng toàn dân xây dựng đất nước Việt
Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”
Trân trọng cảm ơn!
Người viết thư kiến nghị
|
Luật sư Trịnh Minh Tân
[1] Bình luận Bộ luật Hình sự, tr. 214 – NXB Tư pháp, Hà Nội, năm 2008
[2] Bình luận Bộ luật Hình sự, tr. 214 – NXB Tư pháp, Hà Nội, năm 2008
[3] Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999, tr. 290 – NXB Công an nhân dân, Hà Nội, năm 2001-UBMTTQVN kiến nghị đình chỉ điều tra bà Trần Ngọc Sương(Tamnhin.net) - Ủy ban Trung ương MTTQVN vừa có công văn số 1594 kính gửi Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC, kiến nghị về vụ án tại Nông trường Sông Hậu “đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bà Trần Ngọc Sương về tội danh lập quỹ trái phép” để “xử lý hành chính và dân sự”.
Công văn do Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vũ Trọng Kim ký ngày 12-8, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án, tham vấn ý kiến các chuyên gia pháp luật của Mặt trận và “thảo luận tập thể ý kiến của VKSNDTC”. Nội dung chính như sau:
“Một là, vụ án “lập quỹ trái
phép” ở Nông trường Sông Hậu, việc quy buộc bà Trần Ngọc Sương “lập quỹ
trái phép” gây thiệt hại nghiêm trọng là một vụ án phức tạp, có những
tình tiết chưa rõ ràng, làm nảy sinh những vấn đề pháp lý còn có những ý
kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Các sự việc đề cập trong vụ
án xảy ra trong một thời gian dài, ít nhất từ năm 1994 đến năm 2007,
với nhiều thay đổi trong lĩnh vực pháp luật, kinh tế-kinh doanh, quản
lý nhà nước về kinh tế-kinh doanh.
Điều đó đòi hỏi phải có quan
điểm lịch sử để xem xét, xử lý vấn đề, đồng thời vận dụng đúng đắn pháp
luật, các quy định của pháp luật trong từng giai đoạn đổi mới nền kinh
tế và cơ chế kinh tế tài chính ở nước ta.
Cần làm rõ, xác định đúng trách nhiệm của bà Trần Ngọc Sương đối với quỹ tại Nông trường Sông Hậu.
Hai là, việc quy buộc bà Trần Ngọc Sương “lập quỹ trái phép” không có cơ sở pháp lý và thực tiễn:
1/ Căn cứ vào hồ sơ vụ án, cái
gọi là “quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu đã có từ năm 1994, 6
năm trước khi bà Trần Ngọc Sương được cử làm GĐ Nông trường. Như vậy,
rõ ràng bà Sương không đưa ra chủ trương thành lập quỹ, không đứng ra
thành lập quỹ và cũng không được giao trách nhiệm quản lý, điều hành
quỹ tại Nông trường Sông Hậu từ năm 1994 đến năm 2000.
2/ Quỹ tại Nông trường Sông Hậu
đã hình thành từ hoạt động của Ban đời sống Công đoàn của Nông trường
ngay từ ngày thành lập Nông trường năm 1979, do Ban chấp hành Công đoàn
Nông trường quản lý và chịu trách nhiệm trước các khoản thu, chi của
quỹ trong thực tiễn. Các nguồn thu của quỹ đều không có nguồn gốc từ
ngân sách nhà nước mà bắt nguồn từ hoạt động sản xuất kinh doanh của
Công đoàn. Các nguồn chi chủ yếu là hỗ trợ cho hoạt động của Nông
trường. Chúng tôi chưa tìm được bất kỳ quy định nào vào thời điểm đó
cấm, quy định việc thành lập một quỹ tương tự.
Trong điều kiện đối với một
hành vi mà pháp luật không cấm và không có quy định thì không được coi
hành vi đó là trái phép. Theo các chuyên gia pháp luật, có một nguyên
tắc pháp lý được công nhận là “công dân được quyền làm những gì mà pháp
luật không cấm”.
Từ lập luận nói trên, chúng tôi
cho rằng hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và thực tế nào để quy buộc
bà Trần Ngọc Sương “lập quỹ trái phép” theo Điều 166 Bộ luật hình sự.
3/ Bà Trần Ngọc Sương tất nhiên
chịu trách nhiệm về các khoản chi mà quỹ giao cho để bà thực hiện các
công việc, nhiệm vụ mà Nông trường giao cho bà. Các sai phạm và các
khoản chi này không mang tính hình sự, không thể coi là gây thiệt hại
phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ mang tính hành chính, dân sự.
Bà Trần Ngọc Sương có trách
nhiệm rà soát lại từng khoản chi quỹ đã giao cho bà, nộp lại cho quỹ
những phần tiền chi vượt các quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận hợp
pháp với quỹ.
Do chưa có đủ cơ sở pháp lý và
thực tiễn để xác định quỹ đã hình thành và hoạt động liên tục nhiều năm
tại Nông trường Sông Hậu là trái pháp luật; do chưa có đủ cơ sở pháp
lý và thực tiễn nào để quy buộc bà Trần Ngọc Sương có dấu hiệu phạm tội
“lập quỹ trái phép”, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN cho rằng
không có cơ sở để truy tố, đưa ra xét xử tại tòa án bà Trần Ngọc Sương
với tội danh “lập quỹ trái phép”.
Vì vậy, theo chúng tôi, biện pháp tối ưu xử lý trong vụ này là:
a, Đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bà Trần Ngọc Sương về tội danh “lập quỹ trái phép”.
b, Xử lý các sai sót của bà Trần Ngọc sương trong lĩnh vực tài chính bằng các biện pháp hành chính và dân sự.
Cách xử lý này vừa phù hợp với
các quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự; vừa có
tình và có tính tới cống hiến to lớn của bà Trần Ngọc Sương và gia đình
đối với Nông trường Sông Hậu, vừa giữ được trọn vẹn đạo lý trước sau ở
đời theo truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, vừa giải tỏa được
những bức xúc của đông đảo nhân dân, các vị lão thành cách mạng lâu nay
luôn dành tình cảm tốt đẹp cho Nông trường Sông Hậu-Một biểu tượng
tiêu biểu nhất của mô hình nông trường XHCN còn lại và phát triển vững
chắc trong thời kỳ đổi mới”.
Sáu Nghệ
Nguồn: -UBMTTQVN kiến nghị đình chỉ điều tra bà Trần Ngọc Sương
-
TLQ:
-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét