Phạm Đình Trọng *
Trong vụ nổ súng làm bị thương sáu công an, bộ đội ở Tiên Lãng, Hải Phòng, Đoàn Văn Vươn không cầm súng bắn nhưng Đoàn Văn Vươn là thủ lĩnh, là linh hồn, là người tiêu biểu cho ý chí lấn biển, mở cõi, mở mang đất sống cho gia đình, cho quê hương và cho đất nước, Đoàn Văn Vươn cũng tiêu biếu cho ý chí phản kháng việc thu hồi đất như cướp trắng thành quả hàng chục năm trời lao động bằng mồ hồi và bằng máu của cả gia đình, cướp trắng toàn bộ của cải tiền bạc đầu tư vào việc lấn biển mở đất. Vì thế tiếng súng phản kháng đó chính là tiếng súng Đoàn Văn Vươn.
Tiếng súng Đoàn Văn Vươn là sự bùng nổ của mâu thuẫn đang chứa chất ở nhiều nơi trong xã hội ta hôm nay, mâu thuẫn giữa người nông dân lao động sáng tạo trên mảnh đất mồ hôi xương máu của họ với hệ thống quyền lực nhân danh Nhà nước quản lí mảnh đất đó.
Luật đất đai, điều 5: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Và điều 6: Nhà nước thống nhất quản lí về đất đai. Luật đất đai như vậy đã tạo ra những đoàn nông dân hình hài gầy guộc, xiêu vẹo, gương mặt rầu rĩ, tiều tụy cầm đơn đi khiếu kiện đất đai nối dài từ Nam ra Bắc, dòng dã năm này qua năm khác suốt mấy chục năm nay. Tấc đất tấc vàng, những tấc vàng đó lại thuộc sở hữu toàn dân, tức là của chùa! Những tấc vàng của chùa dễ xơ múi quá đã làm hỏng những người được Nhà nước giao cho quyền quản lí, quyền định đoạt những tấc vàng của chùa. Mảnh đất người nông dân đổ mồ hôi, đổ máu, đổ của cải ra khai khẩn lại không thuộc quyền sở hữu của người khai khẩn mà thuộc quyền quản lí của quan lại hàng huyện thì sự quản lí sẽ vô cùng tùy tiện và việc thu hồi, cưỡng chế mảnh đất người kĩ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn khai khẩn là sự tùy tiện đó.
Từ trước đến nay lệnh thu hồi đất của quan ban ra, người dân chỉ biết cay đắng nhận đồng tiền đền bù rẻ mạt rồi đau khổ giao mảnh đất của tổ tiên ngàn đời để lại, giao mảnh đất mồ hôi xương máu, mồ mả ông cha, giao mảnh đất là núm ruột chôn rau cắt rốn, là quê cha đất tổ, là gốc tích cội nguồn dòng dõi, là nguồn sống của muôn đời con cháu cho các quan để các quan tư túi kiếm lợi trên mảnh đất đó. Đây là lần đầu tiên lệnh thu hồi đất ngang trái gặp sự phản kháng bằng tiếng súng.
Mảnh đất lấn biển của người kĩ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn không phải chỉ là mảnh đất mồ hôi, xương máu mà còn là mảnh đất của sự nghiệp cuộc đời, của ý chí nam nhi. Mảnh đất của sự nghiệp cuộc đời bị mất trắng là ý chí nam nhi bị đánh bại. Ý chí nam nhi đã thắng cả trời, thắng cả sức mạnh hoang dã của bão biển mà phải thua cái lệnh hành chính ngang trái của hai anh em ruột nhà quan, phía sau ông anh quan đầu huyện kí quyết định thu hồi đất thấp thoáng bóng ông em quan đầu xã, nơi có bãi đất lấn biển của kĩ sư Đoàn Văn Vươn bị thu hồi.
Đã là nông dân thì ai cũng khát đất như quan khát chức quyền. Quan xuất thân từ nông dân thì khát cả hai! Người nông dân thỏa mãn nỗi khát đất bằng đổ mồ hôi, đổ máu ra mở đất, bỏ cả chiếc ghế công chức, bỏ cả cuộc đời vào mở đất. Quan thỏa mãn nỗi khát đất bằng quyền lực.
Dời núi lấp biển, thay đổi cả cảnh quan thiên nhiên, vẽ lại bản đồ cả vùng đất là công việc của những anh hùng cái thế. Đoàn Văn Vươn là người anh hùng đó. Lấn biển, thách thức sức mạnh hoang dã của biển cả, chỉ người có chí lớn mới làm được và Đoàn Văn Vươn đã làm được. Bãi biển xã Vinh Quang, Tiên Lãng đã có từ bao đời và từ bao đời nay chỉ có sóng cuồng, bão dữ. Bão từ biển đổ bộ vào, người dân Vinh Quang phải bỏ nhà cửa ruộng vườn chạy sâu vào đất liền tránh bão thì Đoàn Văn Vươn lại tiến ra biển đắp đê ngăn sóng, trồng cây chắn bão. Nhà cửa có thứ gì bán ra tiền đều bán hết để có đồng tiền cùng với tâm trí, sức lực, cùng với mồ hội và máu đổ ra, cùng với năm tháng cuộc đời làm nên con đê ngăn sóng, làm nên rừng cây chắn bão.
Lấn biển là sự nghiệp của cả cuộc đời, của nhiều thế hệ. Nhưng mảnh đất Đoàn Văn Vươn lấn biển vừa thành bãi chuối, vừa thành đầm tôm, chuối chưa kịp ra buồng, tôm vừa quen nước thì quyết định thu hồi đất của quan huyện tùy tiện ban ra. Luật đất đai qui định thời hạn giao đất là 20 năm, quan tùy tiện chỉ giao 14 năm. Quan kí quyết định giao đất ngày 9. 4. 1997 nhưng ngày tính thời hạn sử dụng đất lại là ngày 4.10.1993, tùy tiện kéo lùi ngày sử dụng đất trước ngày kí giao đất đến ba năm rưỡi. Quyết định thu hồi đất tùy tiện trái luật đất đai bị dân kiện, quan lại tùy tiện hứa: Dân rút đơn kiện thì quan sẽ cho dân tiếp tục sử dụng đất có được từ mồ hôi, xương máu của dân. Nhưng dân rút đơn kiện năm trước thì năm sau liền có quyết định thu hồi đất cùng với lệnh cưỡng chế quyết liệt, ầm ầm kéo công an, bộ đội về đập tan ngôi nhà nơi đầu sóng của gia đình người mở đất. Người đại diện Nhà nước thực hiện lời hứa với dân như vậy không thể dùng từ nào khác ngoài từ lật lọng. Tiếng súng Đoàn Văn Vươn là tiếng súng nổ vào sự lật lọng đó!
Kí giấy giao đất, tùy tiện định thời hạn sử dụng đất gây thiệt hại cho người nông dân chân chính Đoàn Văn Vươn khai phá lên mảnh đất đó, lại vội vã, nôn nóng, quyết liệt cưỡng chế, thu hồi mảnh đất lấn biển là toàn bộ cuộc đời, cơ ngơi, sự nghiệp của người nông dân chân chính Đoàn Văn Vươn, người đại diện Nhà nước quản lí đất đai đã thiếu cái đức lo cho dân của quan cai trị dân, lại thiếu tầm nhìn ra xã hội của người quản lí xã hội. Bãi biển nơi phô trương sức mạnh của thiên nhiên hoang dã nay đã thành bãi chuối, đầm tôm có sức hấp dẫn quá lớn làm cho ông quan đại diện Nhà nước quản lí đất đai trở nên nhỏ nhen, hẹp hòi, đối lập với dân.
Nhà nước đổ tiền ngân sách, huy động sức dân đắp được con đê quai biển nhưng động mưa bão là đê vỡ, sóng biển tràn vào tàn phá xóm làng, cuốn cả người, cả tài sản ra vùi dưới đáy biển. Động mưa bão là người dân phải bỏ nhà cửa, dắt díu con cái chạy trốn sức mạnh của biển. Đoàn Văn Vươn không xin một đồng tiền ngân sách Nhà nước, chỉ đổ của cải, công sức của gia đình ra đã đắp lên con đê vững chãi, trồng lên rừng cây bền bỉ, tạo ra khoảng cách an toàn giữa sóng dữ và làng xóm hiền hòa. Dân không còn phải chạy bão, bãi lấn biển của người nông dân mở đất Đoàn Văn Vươn còn tạo thêm việc làm cho những người dân quê tham công tiếc việc, tạo thêm của cải cho xã hội, mở thêm đất sống cho quê hương, mở mang bờ cõi cho đất nước. Những lợi ích to lớn đó do người nông dân mở đất Đoàn Văn Vươn tạo ra, người dân cả xã Vinh Quang, cả huyện Tiên Lãng đều thấy, người dân Việt Nam cả nước đều thấy, chỉ riêng những người đại diện Nhà nước quản lí đất đai ở huyện Tiên Lãng không thấy.
Anh Vươn không phải người tốt. Nói đúng ra anh Vươn chẳng có công lao gì cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục hecta (đất) và thu lời nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay anh hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội. Câu nói của ông chánh văn phòng ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, người phát ngôn của chủ tịch huyện Lê Văn Hiền đã bộc lộ rõ sự chật chội, hẹp hòi, đối lập với dân, bộc lộ sự tha hóa của những người đại diện Nhà nước quản lí đất, quản lí dân. Tiếng súng Đoàn Văn Vươn là tiếng súng nổ vào sự tha hóa đó.
Những người nổ súng vào quyền lực Nhà nước sẽ bị pháp luật Nhà nước xét xử. Nhưng tiếng súng phản kháng quyền lực Nhà nước chỉ là cái ngọn. Cái gốc là luật đất đai đã tước đoạt quyền làm chủ của người nông dân trên mảnh đất của chính họ. Cái gốc là sự tha hóa, sự xa dân đến mức đối lập lợi ích với dân, sự lợi dụng quyền đại diện Nhà nước quản lí đất đai nhưng ứng xử với đất đai không vì lợi ích Nhà nước, không vì lợi ích toàn dân mà chỉ vì lợi ích của cá nhân và phe nhóm. Sự tha hóa của quan chức đại diện Nhà nước quản lí đất đai đã xuất hiện ở mọi miền đất nước tạo nên dòng người dân mất đất cầm đơn đi khiếu kiện nối dài trong thời gian. Nhưng sự tha hóa của quan chức trong quản lí đất đai như được dung túng. Chưa có nỗi oan khuất mất đất đai của dân nào được giải quyết thỏa đáng, chưa có sự tha hóa nào của quan chức trong quản lí đất đai được nghiêm trị và sự tha hóa cứ lan rộng, kéo dài. Trong xử lí đất đai ở bãi biển xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng có yếu tố của sự tha hóa đó.
Cuộc vận động học tập đạo đức Hồ Chí Minh kéo dài rầm rộ suốt nhiều năm, tốn kém không ít tiền thuế của dân nhưng chỉ ồn ào hình thức, kết quả không thấy đâu, tiêu cực tham nhũng không suy giảm mà ngày càng trầm trọng đang đe dọa sinh mệnh của đảng cầm quyền và đe dọa sự sống còn của chế độ. Vào những ngày tận cùng của năm 2011 đầy biến động, ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam vừa gấp gáp họp và thống thiết phát động cuộc chỉnh đốn đảng cứu đảng, cứu chế độ thì bùng nổ tiếng súng Đoàn Văn Vươn.
Người dân phập phồng lo lắng cho số phận người hùng mở đất Đoàn Văn Vươn trước sự xét xử của pháp luật nhưng người dân cũng chờ đợi sự phán quyết của pháp luật, của cơ quan tổ chức cán bộ, của cơ quan kiểm tra đảng đối với những ông quan cai trị dân nhưng ngày càng xa dân, ngày càng đối lập với dân. Người dân chờ đợi sự phán quyết đó để xem cuộc chỉnh đốn đảng lần này có khác với cuộc vận động học tập đạo đức Hồ Chí Minh chỉ ồn ào hình thức rầm rộ suốt mấy năm qua không.
P.Đ.T.
11. 01. 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét