Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

'Nhu cầu lập hội là một thực tế ở VN' - Có nên phá dỡ cầu Long Biên?

'Nhu cầu lập hội là một thực tế ở VN'

Xã hội Việt Nam
Chính quyền Việt Nam hiện nay vẫn chưa có luật về lập hội hoặc luật biểu tình.

Nhu cầu thành lập các hội, đoàn là một thực tế ở Việt Nam mà chính quyền cần có sự đổi mới về nhận thức để đi tới đáp ứng, hướng dẫn người dân thực hiện quyền của họ, theo cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết.

Trao đổi với BBC hôm 16/3/2014, Giáo sư Thuyết cho rằng nhu cầu lập hội đoàn là một nhu cầu chính đáng đã được Hiến pháp Việt Nam thừa nhận, do đó mặc dù Việt Nam chưa có luật được ban hành về lập hội, các cơ quan hành pháp, trong lúc đợi luật được xây dựng, công bố, vẫn có thể căn cứ vào những văn bản pháp quy đã có để hướng dẫn người dân thực hiện quyền của họ.
Cựu đại biểu cho hay hiện vẫn chưa biết khi nào một đạo luật về quyền lập hội sẽ được trình lên Quốc hội Việt Nam, tuy theo kế hoạch được dự kiến mà ông biết, tới năm 2015-2016, Việt Nam có thể sẽ có luật biểu tình được trình ra Quốc hội.

Giáo sư Thuyết nói với BBC:

"Dù là chưa có luật, nhưng cũng đã có nghị định của Chính phủ về tổ chức hội rồi, và chính phủ cũng đã giao cho những cơ quan cụ thể phụ trách về vấn đề này.

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

"Theo tôi, trong trường hợp này, các cơ quan phụ trách cần phải căn cứ vào nghị định của Chính phủ và có hướng dẫn đối với ý kiến đề xuất thành lập hội của người dân.

"Để làm sao mình vừa bảo đảm được việc thực thi pháp luật, nhưng cũng vừa đảm bảo được nguyện vọng của người dân."

Theo Giáo sư Thuyết, với hội nào mà chính quyền cảm thấy chưa thích hợp lắm, chính quyền cũng có thể trao đổi với người dân để người dân nghiên cứu có 'tôn chỉ, mục đích' thích hợp hơn.
'Không thể máy móc'

Giáo sư Thuyết cho rằng nhà nước phải có sự thay đổi trong cách nhìn về xã hội dân sự và ứng xử với nhu cầu hội đoàn của người dân.

Ông nói:

"Tôi nghĩ rằng việc này là một việc phải giải quyết ở trong một xã hội thực sự dân chủ, mình không thể quan niệm một cách rất là máy móc như trước đây được nữa.
"Tôi nghĩ rằng việc này là một việc phải giải quyết ở trong một xã hội thực sự dân chủ, mình không thể quan niệm một cách rất là máy móc như trước đây được nữa. Mình phải nhìn nhận đây là một thực tế, và có một sự hướng dẫn cho người dân" - GS Nguyễn Minh Thuyết
"Mình phải nhìn nhận đây là một thực tế, và có một sự hướng dẫn cho người dân.
"Để làm sao người dân thực hiện được quyền của người ta về việc thành lập hội đoàn theo quy định của Hiến pháp, phù hợp với pháp luật của Việt Nam."

Giáo sư Thuyết cho rằng trong việc soạn thảo luật liên quan tới lập hội, nhà nước cần phải có bước đi cải cách.

Ông nói:

"Tôi nghĩ phải có một tư tưởng cải cách thật là mạnh, ví dụ, đã gọi là các hội đoàn, đã gọi là các tổ chức xã hội dân sự thì phải do người dân tự nguyện lập nên và kinh phí ấy là kinh phí đóng góp của các thành viên,"Chứ không thể nào mà mình sử dụng kinh phí nhà nước để làm những việc như vậy, bởi vì nếu thế thì bộ máy hành chính quá cồng kềnh, không có một ngân sách nào chịu nổi cả."

Đến nay nhiều hội, đoàn của Việt Nam, trong đó các tổ chức như Liên hiệp các Hội khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Hội Liên hiệp Văn học & Nghệ thuật, Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, cho tới một số thiết chế khác như Tổng Liên đoàn Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng nhiều Đoàn, Đội, hội khác đều ít nhiều, trực tiếp hay gián tiếp nhận kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước để hoạt động và nhân sự do chính quyền xét duyệt, cơ cấu, bổ nhiệm hoặc thông qua v.v...

'Phải có luật sớm'
"Nguyện vọng của người dân muốn thành lập các hội của họ cũng là một nguyện vọng chính đáng. Vấn đề chính là nhà nước phải đưa ra những cơ chế để hình thành được, nhất là điều này đã được đưa vào Hiến pháp rồi" - Bà Phạm Chi Lan
Cũng liên quan tới quyền thành lập hội của người dân và việc xã hội dân sự cần được chính quyền nhìn nhận ra sao, hôm thứ Sáu, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng chính phủ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nêu quan điểm:

"Nguyện vọng của người dân muốn thành lập các hội của họ cũng là một nguyện vọng chính đáng. Vấn đề chính là nhà nước phải đưa ra những cơ chế để hình thành được, nhất là điều này đã được đưa vào Hiến pháp rồi.

"Về quyền lập hội của người dân, cần sớm có những quy định bằng luật để cho có thể thực hiện được điều đó."

Gần đây, một loạt các tổ chức trong xã hội dân sự Việt Nam đã được người dân 'tự phát' thành lập.

Trong lĩnh vực xã hội, nghề nghiệp, mới nhất là đầu tháng Ba này, đã xuất hiện một tuyên bố vận động một tổ chức được gọi là "Văn đoàn Việt Nam Độc lập" do một nhóm các văn nghệ sỹ và các nhà chuyên môn trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật v.v... đứng ra đồng chủ xướng vận động.

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Một trong những thành viên của nhóm vận động hội đoàn này, ông Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Thành phố Hà Nội, giải thích với BBC, tổ chức này không hề có ý định đối lập với Hội nhà văn Việt Nam được chính quyền thừa nhận và cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên có thể sẽ có một cấp độ mà ông gọi là 'cạnh tranh chuyên môn' với Hội nhà văn hiện hữu, như ông Nguyên nói với BBC hôm 03/3/2014:

"Sự cạnh tranh đó sẽ trên hoạt động, rồi thì sẽ thấy cái chuyện cạnh tranh hay không.

"Chứ không phải mục đích là lập ra hội này để đối lập với hội kia, để cạnh tranh, thì điều đó, bản thân sự thành lập cũng đã có cái khác rồi.

Trước đó, trong một số lĩnh vực chính trị, xã hội và cộng đồng, một số hội dân sự đã ra đời, trong đó có các nhóm mang tên gọi như Diễn đàn Xã hội Dân sự, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Tổ chức Cựu tù nhân Lương tâm, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, Hội Dân oan Việt Nam v.v...
  (BBC) 

Về cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu”

… cần lưu ý càng bênh vực các ông Ngô Ðình Diệm hay ông Nguyễn Văn Thiệu mà không dẫn chứng được bằng dữ kiện thì càng làm cho các cuộc tranh luận thêm gay gắt và người chết cũng chẳng được yên ổn.

Tỉnh lộ 7B kinh hoàng (tháng 3, 1975). Nguồn: Phi Loan

Ngày 30 tháng 4 vừa rồi, có khá nhiều sinh hoạt để đánh dấu một thảm kịch chính trị và quân sự lớn diễn ra trong đời của những người thuộc lớp tuổi chúng tôi hiện nay, 70, ngoài 70 hay ít hơn tuổi 70. Nhưng tôi và một số bạn bè của tôi là những người không đi hành hương ở trên hàng không mẫu hạm USS Midway, hay căn cứ Camp Pendleton hoặc tham dự một cuộc hội ngộ của những trẻ mồ côi được những người Mỹ tốt bụng như bà Betty Tisdale mang ra khỏi những cơn lốc dẫn tới sụp đổ của miền Nam Việt Nam mà nay họ đã trở thành những người thành công ở xã hội Mỹ muốn trở về Little Saigon như một lời xác nhận nguồn gốc của mình.

Ðằng sau phòng làm việc của tôi tại nhật báo Việt Herald là một hội trường, nơi một đồng nghiệp của tôi cách đây 35 năm, ông Trần Khiêm một phóng viên mặt trận, từng làm việc cho hai công ty truyền hình Mỹ ABC và CBS trưng bày một số hình ảnh ông đã chụp được lúc bỏ Huế, bỏ Ðà Nẵng và cuộc di tản đầy máu, nước mắt và sự tủi nhục của lính, của dân tại miền Trung Việt Nam. Ðằng trước cửa tòa báo, một chiếc xe sơn mầu cờ VNCH với cái biểu ngữ chụp hình tướng Nguyễn Văn Thiệu mặc lễ phục trắng với đầy đủ huy chương và trên chiếc nón của ông chắc chắn có một tín niệm: Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm. Bên cạnh bức hình là hàng chữ đòi tờ Việt Herald phải trả lại danh dự cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và quân, dân, cán, chính VNCH.

Chờ cho đến lúc phòng trưng bày vắng khách, tôi lặng lẽ hàng giờ trước những bức ảnh là nhân chứng thực sự cho một giai đoạn không tránh được cái thế thua của miền Nam Việt Nam dù những người lính trong những bức hình này một thời chiến đấu dũng mãnh. Họ còn rất trẻ, đứng ngồi dồn cục trên những bãi biển, chờ đợi trong tuyệt vọng những chiếc tầu hải quân đến để đưa họ xuống một tuyến phòng vệ nào đó ở phương Nam.

Những bức hình khác mô tả những đoàn dân chúng bỏ làng mạc đồng ruộng mang theo cả những con trâu, chân phải bó bằng những tấm mền được xé ra vì đã sứt móng do kéo lê quá lâu trên mặt đường nhựa quốc lộ 1, một thiếu phụ bế đứa con nhỏ và một người lính trên một bãi biển vắng đầy những vỏ xe mà dân chúng và lính dùng để bơi ra các tầu hải quân. Rõ ràng người lính, thiếu phụ với đứa con nhỏ đã ở trong tuyệt lộ.

Chắc chắn trong làn sóng người cả quân lẫn dân di tản về phương Nam ít có người hiểu được hay được nói cho biết những gì mà 35 năm sau được trình bày trong những tác phẩm bán rất chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, một người cũng nằm trong số những nhà lãnh đạo của họ.

Lần đầu khi vị tiến sĩ trẻ tuổi từng lãnh đạo một bộ trong chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khai sinh cuốn “Hồ sơ mật Dinh Ðộc Lập” chúng tôi còn nằm trong những trại tù Cộng Sản. Cuốn thứ hai “Khi Ðồng Minh tháo chạy” được in ra, chúng tôi đang mưu sinh ở một quê hương mới sau khi phải trả cái giá của gần 14 năm tù trong các trại tù Cộng Sản, nơi mà nhiều người bạn, nhiều đồng đội của chúng tôi, trong đó có cả người sĩ quan phi công thân tín, lái trực thăng riêng cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã phải bỏ mình trong một trại tù khổ sai mà Cộng Sản thiết lập ở miền Bắc Việt Nam.

Ðọc “Khi Ðồng Minh tháo chạy” lòng bùng lên sự giận dữ, nhớ lại nụ cười sởi lởi, những lời nói vỗ về đãi bôi của Richard Nixon và Henry Kissinger với ông Thiệu tại Tòa Bạch Ốc Miền Tây ở San Clemente, nhưng rồi khi cơn giận qua đi, tôi lại tự hỏi: “VNCH mà ông Thiệu là đại diện phải trách chính mình hay trách người?” Ðã có một thời gian khá dài sau Hội Nghị San Clemente, chúng tôi hy vọng ông Thiệu sẽ xuất hiện khắp nơi trên đất nước để nói với quân, với dân rằng chúng ta sẽ phải đánh trận theo kiểu nhà nghèo, sẽ phải thắt lưng buộc bụng, sẽ phải bớt dùng trực thăng, phi pháo, sẽ phải cơm nắm muối mèợ hành quân, sẽ phải tiết kiệm từng viên đạn, hậu phương phải bớt xa hoa lãng phí, sẽ phải đem những sâu dân mọt nước ra bắn vài tên làm gương. Nhưng rất tiếc đó vẫn chỉ là giấc mơ hoang đường của lớp trẻ chúng tôi thời ấy.

Nhớ lại khi về tới Sài Gòn sau một chuyến đi đầy căng thẳng và thất vọng, người dân miền Nam không hề được Tổng Thống Thiệu cho biết gì về những thử thách mất, còn của họ từng được định đoạt tại Hội Nghị Paris và Hội Nghị San Clemente. Những người lính, những người dân qua ống kính của Trần Khiêm lại càng không biết gì về nguyên nhân đẩy đưa họ vào tuyệt lộ. Những người này bây giờ ra sao? Số phận của họ như thế nào? Họ có cần một lời xin lỗi của những nhà lãnh đạo VNCH không?

Còn nữa, những người vượt biển may mắn đến được bến bờ tự do, những gia đình có người nằm lại trên các đảo tị nạn ở Ðông Nam Á, hay làm mồi cho cá ở Biển Ðông trên đường vượt biển, những người HO, những người tới được ngưỡng cửa của tự do rồi lại bị trả lại chốn cũ, và nhất là những người dân còn đang số dưới chế độ khắc nghiệt ở Việt Nam hiện nay có cần một lời xin lỗi của những người mà trước đó chỉ một chữ ký của họ, cuộc đời của quân, dân, cán, chính, có thể có những thay đổi nghiêm trọng không?

Những cái chết lẫm liệt của các tướng lãnh Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú và đại tá Hồ Ngọc Cẩn, TNS Trần Chánh Thành là những di sản sáng ngời của VNCH.


Trung tá Nguyễn Văn Long tuẫn tiết trước trụ sở Quốc hội VNCH, trưa ngày 30 tháng 4, 1975

Nhưng cái di sản về trách nhiệm còn cần phải được xét lại. Sự sụp đổ của căn nhà VNCH cần phải được qui trách chứ không lẽ tự nhiên căn nhà ấy đổ sập xuống?

Việc làm hời hợt và dễ dàng nhất là đổ cho Tổng Thống Dương Văn Minh, người ra lệnh đầu hàng. Nhưng việc làm này không giải thích được lịch sử miền Nam Việt Nam sau Hiệp Ðịnh Geneva 1954 mà còn bóp méo sự thật.

Trong suốt thời kỳ cầm quyền ở miền Nam hai chế độ được nói tới nhiều nhất, đó là Ðệ Nhất Cộng Hòa mà Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là đại diện và Ðệ Nhị Cộng Hòa mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là đại diện. Biến cố 30 tháng 4 liên hệ trực tiếp với thời kỳ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cầm quyền nhiều hơn. Những quyết định liên hệ đến số phận của miền Nam Việt Nam phần lớn đến từ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Ấy vậy mà khi ra đi khỏi nước ngày 25 tháng 4, 1975 giữa lúc đất nước ngả nghiêng, Tổng Thống Thiệu đã không hề để lại một hồi ký nào, điều mà lẽ ra ông phải làm cho dù ông là một tổng thống bại trận. Trong bài viết tưởng niệm niên trưởng là trung tướng Nguyễn Văn Thiệu đã ra đi, cựu đại tá Vũ Văn Lộc (nhà bình luận Giao Chỉ) đã viết:

“Ông Thiệu ra đi không để lại hồi ký. Suốt 30 năm lưu vong, trừ một thời gian xuất hiện ngắn tại San Jose, ngoài ra ông hoàn toàn kín tiếng và sống ẩn dật. Không tiếp xúc với báo chí, không để lại các di sản cho lịch sử. Ðặc biệt là vấn nạn [vấn đề - DCVOnline] số 1 của quốc gia là câu chuyện bang giao với Hoa Kỳ trong các năm cuối cùng không hề được ghi lại. Niên trưởng Nguyễn Văn Thiệu ôm lấy chuyện đau lòng của đất nước như chuyện riêng của ông.”

Dĩ nhiên, không ai có thể xác nhận có thật Tổng Thống Thiệu ôm lấy chuyện đau lòng của đất nước như chuyện riêng của ông hay không. Bởi không ai có thể nhìn mối liên hệ với Mỹ của ông là chuyện riêng. Ông giao thiệp với Mỹ không phải với tư cách là công dân Nguyễn Văn Thiệu mà là Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Mối liên hệ ấy ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh của vùng đất và người dân VNCH. Làm một tổng thống mà ngay cả chuyện tâm tư cũng là do một cộng sự viên cũ của mình mà lại không phải là người thân tín nhất viết giùm, Tổng Thống Thiệu quả là bí mật thật.

Khi cầm trong tay cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” tôi cũng tất ngạc nhiên, bởi vì nghĩ rằng lần này chắc ông Hưng tìm ra được những trang hồi ký của ông Thiệu cất giấu ở đâu đó. Nhưng khi đọc hết 673 trang trong tác phẩm tổng hợp này, kể cả phần tài liệu dẫn chứng, mới vỡ lẽ ra đây là một tác phẩm “xào lại” những tài liệu đã được nói tới trong các kho tài liệu về chiến tranh Việt Nam được Mỹ giải mật, một số bút phê và thư riêng của ông Thiệu gởi cho tác giả, và những chuyện riêng tư chỉ có hai người biết với nhau trong những chuyến tác giả gặp lại nhà lãnh đạo của mình sau khi chiến tranh Việt Nam chỉ còn trên sách báo.

Nhưng có một điều kẹt cho tác giả Nguyễn Tiến Hưng là những tiết lộ của ông Thiệu về một số nhân vật, tướng lãnh VNCH mà tác giả viết ra trong “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” chẳng hạn như Big Minh trong vụ đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Ðình Diệm và việc rút khỏi Cao Nguyên Trung Phần của tướng Phạm Văn Phú thì các nhân chứng đều đã qua đời vào những thời gian trước cuốn sách rất lâu. Một giáo sư tiến sĩ đã vùi đầu vào những kho sử liệu để viết ra tác phẩm như giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, ông nghĩ sao về câu nói: “Người chết không biện minh được”, nhất là những người chết bị cáo buộc. Liệu những điều mà tác giả Nguyễn Tiến Hưng viết ra điều này có giá trị sử liệu không?

Tôi chỉ là một anh phóng viên phụ trách tường thuật tin tức hoạt động liên quan đến Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho hệ thống truyền thanh quốc gia, nhưng những năm làm công việc này, tôi hiểu nhân vật nào chung quanh ông Thiệu có thể nói rõ tâm tư của ông trong cơn bão lịch sử ấy. Tôi nhấn mạnh “tâm tư” chứ không phải “hành động” của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vào những giờ phút căng thẳng nhất trong đời ông.

Chuyện này khiến tôi nhớ lại khoảng thời gian làm việc với tờ Sóng Thần, họa sĩ biếm họa Chóe thường hay tham khảo với tôi về đề tài cho tranh biếm họa ở trang nhất. Có một lần tôi thách Chóe: “Tôi đố cậu vẽ ông Thiệu sao cho thật giống ổng.” Chóe hẹn đến hôm sau. Năm giờ sáng hôm sau khi tôi còn đang ngồi uống cà phê trong tòa soạn, Chóe mang bức biếm họa tới. Lúc đó vụ gián điệp Vũ Ngọc Nhạ đang nổ tung, Chóe nói: “Bức này mà đăng lên có thể bị tịch thu báo.” Tôi nhìn bức biếm họa và nói: “Giống quá, lát đi ăn phở.” Chóe nói: “Nguyễn Cao Kỳ, Nixon, Lê Ðức Thọ vẽ dễ vài nét là xong. Nhưng ông Thiệu rất khó vẽ vì nét đặc biệt ẩn giấu, không hiện lên khuôn mặt. Thùng giấy nhà em đầy cứng những tờ giấy em vẽ rồi lại vứt đi. Cả đêm cứ loay hoay mãi về ông.” Tôi cười: “Tao phải để ông Uyên Thao và bà Trùng Dương quyết định có đăng hay không. Nghe cậu nói báo đăng bức hình này báo bị tịch thu sợ bỏ mẹ.”

Chuyện cũ xảy ra đã lâu lắm rồi, đến nay khuôn mặt của ông Thiệu một lần nữa lại được tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng vẽ lại. Tôi sẽ tiếp tục điểm lại từng tảng mầu trên bức chân dung này, cứ gọi là di sản đi cho nó êm ái, qua cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” vào những kỳ tới.

Cuốn sách của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng dĩ nhiên là vẫn bán được bởi nó có một giá trị nhất định, bởi những độc giả ủng hộ ông Thiệu cần biết thực sự về nỗi lòng của vị cựu nguyên thủ VNCH nghĩ gì về biến cố ngày 30 tháng 4, 1975, bởi những người có ý muốn phục hồi danh dự của một nhà lãnh đạo đào thoát giữa lúc đất nước trên bờ vực thẳm hy vọng có thể rút ra được một chi tiết nào có thể củng cố được cho những lời biện minh cho lãnh tụ, bởi những người nào muốn nhìn xem những dữ kiện lịch sử có bị sửa chữa hay không để có thể rút ra được bài học cho chính mình và cuối cùng những ai chạy theo chính sách đổ lỗi cho nhà lãnh đạo này có thể thể yên trí về những lời cáo buộc. Nói tóm lại, tác giả Nguyễn Tiến Hưng với “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” vẫn là một bậc thầy về cách khai thác thương mại từ một đống những kho tài liệu mật đã hết “mật”, hay những chuyện riêng tư chỉ có hai người biết với nhau mà người ta tưởng là sử liệu. Tôi nói “tưởng là sử liệu” bởi vì câu chuyện riêng tư đó chỉ là chuyện riêng tư và nếu không chứng minh được đó là sự thật thì chắc chắn chúng không phải là sử liệu. Nó chỉ là sử liệu khi người ta nêu được nhân chứng khả tín hay phù hợp với những liệu khác.

Chẳng hạn như việc Tổng Thống Thiệu viết thư nhờ ông Hưng làm cách nào để đính chính một lời tuyên bố của ông về phong trào thuyền nhân bị báo “Now,” mà theo lời Tổng Thống Thiệu, đã bóp béo lời ông thay vì “for” thì họ viết thành “with” thực ra không phải là tâm tư của ông Thiệu mà chỉ là chuyện “đính chính,” “nói lại cho đúng.” Nhưng một câu hỏi được đặt ra: Liệu phóng viên báo “Now” đã không cải chính theo lời Tổng Thống Thiệu yêu cầu vì họ đã có băng thu thanh hay không?

Theo nghĩa thông thường mà nhiều người hiểu thì chữ “tâm tư” dùng để mô tả những ý nghĩ phát xuất từ cõi lòng của mình về một tình trạng, một sự việc, một biến cố, hay về những con người trong quá khứ hoặc hiện tại. Trong gần suốt tác phẩm, người đọc chỉ thấy “những điều ông suy nghĩ, tính toán và thổ lộ sự chua xót, kèm theo những điều chúng tôi (tác giả) đã tìm hiểu thêm được về tâm tư Tổng Thống Thiệu đối với đồng minh.” Tướng Nguyễn Văn Thiệu là Tổng Thống hai nhiệm kỳ, là Tổng Tư Lệnh Quân Ðội VNCH. Cho nên, khi bỏ đất nước để ra đi giữa lúc vận nước đã như chỉ mành treo chuông, ông có tâm tư gì không sau khi đã định cư yên ổn tại nước Anh?

Không ai có thể tin là ông Thiệu không có. Cũng không ai có thể tin rằng Tổng Thống Thiệu không nghĩ đến hàng chục tướng lãnh dưới quyền ông, nhưng ông nghĩ thế nào về các tướng đã tuẫn tiết, các tướng đã lưu vong ở Mỹ, các tướng đã bị bắt làm tù binh và bị đẩy vào các trại tù Cộng Sản thì hoàn toàn kín như bưng. Hơn nữa, không thấy ông Thiệu nghĩ gì về công hay tội của chính ông trong nhiều năm cầm quyền nhưng cuối cùng đã không làm trọn được tín niệm: Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm.

Trong cuốn sách, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng có minh định rằng ông không phải là sử gia nên không viết sử. Ông chỉ chú trọng đến chính Tổng Thống Thiệu và nói đến tâm tư của người lãnh đạo miền Nam đặc biệt là về đồng minh. À ra thế! Nhưng nếu ông Nguyễn Văn Thiệu chỉ là một ông Nguyễn Văn Thiệu bình thường thì không nói làm gì, thì không ai buộc ông phải có những suy nghĩ về chính mình đối với biến cố 30 tháng 4, thay vì chỉ nghĩ đến chuyện đồng minh Hoa Kỳ phản bội không những đối với ông mà còn đối với hàng chục triệu dân dưới quyền lãnh đạo của ông.

Hành động, suy nghĩ, và tâm tư của ông là dữ kiện lịch sử. Cho nên những dữ kiện chỉ có riêng tác giả và Tổng Thống Thiệu biết không thể giúp cho độc giả suy nghĩ gì được bởi nó không được chứng minh rõ ràng, không thể “clear” được như chữ nghĩa ông Thiệu dùng trong thư gởi cho tác giả từ London. Một điều rất khó hiểu là trong “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” mà lẽ ra tác giả phải thêm vào hàng chữ “với đồng minh Hoa Kỳ”, có nhiều nhân chứng rất quan trọng phải để cho họ phản bác vì liên quan đến cá nhân họ. Nhưng tiếc thay những nhân chứng ấy đã chết. Người chết thì làm sao mà biện minh, đồng ý hay phủ nhận?

Thí dụ ở Chương 2, nhan đề “Ai cố vấn cho Tổng Thống Thiệu rút quân?” là một chương tôi cho rằng rất quan trọng, bởi vấn đề này gây tranh luận và kéo dài cho đến bây giờ trong giới HO chúng tôi nói riêng và đồng hương nói chung. Nhưng khi đọc từ trang 40 cho đến trang 63, tôi hơi thất vọng vì tất cả những dữ kiện liên hệ rất nhiều đến các tướng lãnh VNCH cũng như Hoa Kỳ, từ tướng Ðồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, tướng John Murray, tùy viên quân sự Mỹ, người kế vị tướng Creighton Abrams, đại sứ Graham Martin, tướng Ted Sarong, ông Ngô Khắc Tỉnh bộ trưởng và là người thân của ông Thiệu, tướng Westmoreland, đại tướng Cao Văn Viên, tướng Ngô Quang Trưởng, tướng Phạm Văn Phú. Nhưng thử hỏi còn bao nhiêu người trong số những nhân chứng này còn sống để có thể giúp làm sáng tỏ thêm vấn đề?

Tướng Trưởng là người chịu trách nhiệm về kế hoạch rút Quân Ðoàn I và tướng Phạm Văn Phú là người chịu trách nhiệm về việc rút Quân Ðoàn II sau cuộc họp ở Cam Ranh. Nhưng đâu phải cứ làm tướng muốn rút là rút. Phải có lệnh của thượng cấp. Thượng cấp ấy là Tổng Thống Thiệu, Tổng Tư Lệnh Quân Ðội. Trong “Tâm tư Tổng Thống Thiệu”, tác giả Nguyễn Tiến Hưng cho thấy vấn đề phải bỏ đất nước rất phức tạp và ông Thiệu phải chọn lọc nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng cuối cùng cuộc rút quân tại Quân Ðoàn I cũng như Quân Ðoàn II đã trở thành một thảm họa. Lỗi tại ai?

Theo tác giả Nguyễn Tiến Hưng, về cuộc họp tại Cam Ranh, một cuộc họp quyết định số phận của vùng cao nguyên Trung Phần Việt Nam, Tổng Thống Thiệu “cứ nhắc đi nhắc lại” rằng ông ra “2 lệnh chứ không phải một lệnh: Ðó là thứ nhất rút quân khỏi Pleiku để tái chiếm Ban Mê Thuột và thứ hai Bộ Tổng Tham Mưu theo dõi, giám sát cuộc triệt thoái này. Như vậy là có sự sai biệt giữa tường thuật của đại tướng Cao Văn Viên và những gì Tổng Thống Thiệu kể lại, theo tác giả Nguyễn Tiến Hưng. Trong khi tướng Viên chỉ viết: “Nhiệm vụ của Quân Ðoàn II là phối trí lại các đơn vị cơ hữu của quân đoàn để chiếm lại Ban Mê Thuột theo lệnh của tổng thống.” Tổng Tư Lệnh Quân Ðội Nguyễn Văn Thiệu thì nói là ra 2 lệnh trong khi Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên thì nói chỉ có một lệnh, vậy ai đúng, ai sai? Tổng Thống Thiệu, đại tướng Viên, thiếu tướng Phú, nghĩa là 3 trong số 5 nhân vật chính trong buổi họp ở Cam Ranh ngày 14 tháng 3, 1975, quyết định rút bỏ Quân Ðoàn II, chỉ còn đại tướng Trần Thiện Khiêm và trung tướng Ðặng Văn Quang là còn sống.

Cuộc chiến đã kết thúc hơn 35 năm qua, tất cả những bí mật của việc rút lui Vùng I và Vùng II Chiến Thuật là điều đã được bàn cãi rất nhiều với đủ thứ tài liệu phần lớn là nằm trong khối tài liệu mật đã hết mật của Mỹ. Trong khi người phải chịu trách nhiệm cho việc này là Tổng Thống Thiệu thì ông lại không chịu chính thức nói ra mà lại chỉ nói riêng với tác giả Nguyễn Tiến Hưng. Nếu tác phẩm này được in ấn trước khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hay những tướng lãnh liên quan thành người thiên cổ thì tốt biết bao. Nhưng ngược lại, nó lại được in ra sau khi họ qua đời rất lâu. Thành thử vấn đề được nêu ra vẫn còn đó.

Ở trang 58, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng viết:

“Tôi hỏi ông là bây giờ mọi chuyện đã rồi, Tổng Thống nghĩ thế nào về việc rút quân này. TT Thiệu đã nhắc lại cho tôi câu ông nói ngày 26 tháng 3 tại Dinh Ðộc Lập khi tôi hỏi về Pleiku:

‘Tôi ra lệnh đúng mà thi hành sai, cũng như làm sao TT Nixon có thể sang đây để kiểm soát được tướng Creighton Abrams.’”

Câu tuyên bố của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu rất quan trọng bởi vì có thể hiểu đây như một lời cáo buộc tướng Phạm Văn Phú (Tư Lệnh Quân Ðoàn II) đã không thi hành đúng lệnh ông. Nhưng tướng Phú đã tuẫn tiết để bảo toàn danh dự trong biến cố 30 tháng 4, 1975 khác với vị Tổng Tư Lệnh của ông dã không bảo toàn được danh dự của một tổng tư lệnh quân đội. Bây giờ làm cách nào để tướng Phú có thể lên tiếng để xác nhận rằng ông nhận được 2 lệnh hay chỉ nhận được 1 lệnh và làm sao Tổng Thống Thiệu có thể tái xác nhận rằng ông có nói với tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đúng như đã được ghi lại?

Ngoài ra, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng còn viết ở trang 59:

“Khi tôi hỏi ông Thiệu là tại sao ông không ghi lại cho lịch sử về việc này? Ông nói: ‘Tôi hy vọng một ngày nào một trong những người có mặt hôm ấy (buổi họp ở Cam Ranh ngày 14 tháng 3 năm 1975) sẽ nói ra điểm này.’ Ý ông muốn nói là nếu tự mình nói ra thì bị coi là bào chữa.”

Ðọc tới đoạn này, tôi tự nghĩ, một nhà lãnh đạo như Tổng Thống Thiệu thì thừa hiểu ông không thể bào chữa gì được. Ông là người đứng đầu hành pháp trên cả Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm. Ông lãnh đạo thì ông phải chịu trách nhiệm trước dân chúng là những người đã bầu ông lên, cho dù cấp dưới có làm sai lệnh của ông về việc rút khỏi Pleiku. Tổng Thống Thiệu không để lại bút tích hay ghi lại sự việc quan trọng như vậy đã là một điều sai. Dư luận có thể nghi ngờ ông muốn xóa dấu vết để dễ qui trách cho người dưới quyền vì thực ra, tình hình cuối tháng 3 đã tuyệt vọng rồi.

Dù có nói gì đi nữa, dù tướng Phú, tướng Trưởng hay tướng Viên không làm theo đúng lệnh rút của ông thì Tổng Thống Thiệu vẫn phải nhận trách nhiệm không đổ cho ai được. Khi viên chức dưới quyền của một bộ làm sai lệnh gây ra hậu quả lớn, vị bộ trưởng phải xin lỗi và có khi phải từ chức để tỏ thiện chí nhận hết trách nhiệm, huống chi một tổng tư lệnh quân đội đối với một tư lệnh quân đoàn. Vì thế, qua những trang sách mà tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng gởi độc giả về vụ rút lui khỏi Pleiku, dù ông không nói ra nhưng rõ ràng việc sắp xếp những sự kiện cho thấy tác giả muốn giúp Tổng Thống Thiệu biện minh mà không cần viết hồi ký.

Nhưng cá nhân, tôi cho rằng ý định của tiến sĩ Hưng thất bại. Ở đây có nhiều người muốn biện minh cho việc ra đi của Tổng Thống Thiệu vào ngày 25 tháng 4, 1975 với chứng cớ nào là Mỹ ép ông phải ra đi, nào là nếu không bị Mỹ thì vẫn có thể bị những kẻ thù ám sát v.v.

https://www.youtube.com/watch?v=p4-TJjGaDCU
Trích đoạn diễn văn từ chức của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (Trưa thứ hai, 21/04/1975)

Thế nhưng một nhà lãnh đạo yêu nước, yêu quân đội, yêu dân thì sẽ không kể số gì đối với những đe dọa hay áp lực kể cả cái chết, bởi vì chính ngay trong bài diễn văn từ chức ngày 21 tháng 4, 1975, Tổng Thống Thiệu đã hứa ở lại và chiến đấu với quân đội đến giây phút cuối cùng và sau đó ông đã phản lại lời hứa.

Nhìn vào tên của tác phẩm thứ ba của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, tôi vẫn nghĩ khi đọc, nó sẽ làm cho tôi dễ chịu hơn, sẽ có những dữ kiện trong sáng hơn về ông Thiệu thay vì chỉ là một đống dữ kiện nói lên cái bẽ bàng về cuộc sống chung của VNCH với một đồng minh không chung thủy. Cũng như nhiều người khác, tôi cũng hy vọng là ít ra thì ông Thiệu cũng có những tâm tư có thể thay cho một phần cuốn hồi ký của ông để làm dịu đi sự bực dọc của nhiều người khi sang định cư ở Mỹ mà không thấy nhà lãnh đạo nào của VNCH tỏ ra ân hận chứ chưa nói là nhận lỗi về những diễn biến đầy máu, nước mắt, những cái chết, những sự hy sinh vô ích và cả một miền đất rộng lớn như miền Nam Việt Nam phải sống dưới sự cai trị khắc nghiệt và tàn bạo của người Cộng Sản.

Nhưng rất tiếc, cho tới nay, vẫn chỉ thấy chuyện đổ lỗi cho nhau về biến cố 30 tháng 4, 1975 chứ chưa hề có nhà lãnh đạo nào nhận lỗi. Tất cả đổ cho “Big Minh” là gọn ghẽ nhất!

Những chương kế tiếp trong “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cũng không có gì lạ. Vẫn chỉ là phần tổng hợp những chi tiết từ những kho tài liệu giải mật. Trong phần Tổng Thống Thiệu chọn giờ để từ chức thì có một chi tiết sai nho nhỏ của tác giả, đó là ông Thiệu đọc diễn văn từ chức vào buổi trưa [thứ hai] ngày 21 tháng 4, 1975 tại Dinh Ðộc Lập chứ không phải tối Chủ Nhật [20/04/1975].

Buổi trưa hôm đó, bài diễn văn từ chức của Tổng Thống Thiệu được Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia trực tiếp truyền thanh và tôi là người bị chỉ định điều khiển buổi trực tiếp. Người phóng viên nói trước máy vào buổi trưa hôm đó là ông Nguyễn Mạnh Tiến và đây là buổi trực tiếp hay nhất trong đời làm phóng viên của anh ở Việt Nam, trong lúc ngoài trời có một cơn mưa nhỏ.

Tôi bỏ qua những chi tiết nói về những diễn biến tại Dinh Ðộc Lập sau diễn văn từ chức vì đây không phải là mục tiêu của bài này. Tôi muốn đề cập tới chương 11 nhan đề “Chớ có trao quyền cho tướng Minh” trong cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu”. Chương này cũng rất quan trọng vì liên hệ đến việc chuyển giao quyền hành cho tướng Dương Văn Minh.

Từ lâu, những người không ưa tướng Dương Văn Minh có khuynh hướng không công nhận ông là một tổng thống hợp pháp cũng như không coi ông là một tổng thống cuối cùng của chế độ. Tôi không quan tâm lắm về chuyện này, bởi tôi nghĩ rằng lúc nào đó sự thật cũng vẫn là sự thật. Dư luận chính trị ở đây không thể bóp méo được sự thật. Tôi và nhiều người khác trong ngành truyền thanh đã chứng kiến những giây phút căng thẳng khi Quốc Hội VNCH cố gắng làm sao cho sự chuyển quyền phải hợp hiến. Cuối cùng thì nó đã hợp hiến(*) và được loan báo trên hệ thống truyền thanh quốc gia VNCH. Hàng triệu người đã có dịp theo dõi tiến trình này qua báo chí và hệ thống truyền thông của nhà nước.

Thế rồi, những năm tháng trong các trại tù Cộng Sản sau khi VNCH “sập tiệm”, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về điều này. Nhưng cũng kể từ đó, chúng tôi chẳng buồn nói tới việc hợp hiến hay không hợp hiến trong việc chuyển quyền cho đại tướng Dương Văn Minh, người hùng của chiến dịch Rừng Sát thời Tổng Thống Diệm. Ðiều quan trọng là ông Minh tuy phải mang cái nhục của một tổng thống đầu hàng, nhưng rõ ràng đã tránh được cho Sài Gòn thành biển máu, tránh cho những người lính phải hy sinh thêm nữa một cách vô ích khi tình hình chẳng còn cách gì cứu vãn được.

Ngồi ở những buồng giam trong rừng xanh núi đỏ, đám tù nhân chúng tôi đôi lúc nhớ lại và nói với nhau những chuyện cũ. Có đứa vẫn lý tưởng bàn chuyện hợp hiến hay không hợp hiến khi ông Minh lên nắm quyền. Nhưng nhiều bạn tù với tôi có khi bực dọc: “Hợp hiến với lại chẳng hợp pháp, chúng mày cứ bới bèo ra bọ, mẹ kiếp lúc đó được người ta tiếp nhận đống xà bần cho là may rồi, bỏ chạy hết mà còn cứ nói mẽ mãi.”

Tôi cũng chẳng còn lạ gì khi nghe nói tới giải pháp này nọ trước khi ông Minh lên cầm quyền 1 ngày rưỡi. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là trong cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng lại dùng một tác phẩm “ma” là cuốn “Saigon et Moi”(**). Càng ngạc nhiên hơn khi ông Hưng viết về đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Marie Merillon, xin trích:

“Dù sao chúng tôi cứ tưởng là một công chức chuyên nghiệp, làm việc theo thủ tục hành chánh, đầy đủ bổn phận là được rồi. Có ngờ đâu cái tên của ông đã dính chặt vào những diễn biến tại Saigon vào giờ thứ hai mươi tư. Chính ông đã kể lại rất rõ ràng những cố gắng của ông trong cuốn hồi ký ‘Saigon et Moi’ nhưng vì một lý do nào đó, cuốn sách này đã bị thu hồi ngay sau khi xuất bản (1983) nên ít ai được đọc” (trang 218-Tâm tư Tổng Thống Thiệu).

Thế rồi những đoạn sau đó, độc giả không hiểu tác giả dùng tài liệu nào khác hay là vẫn dùng tài liệu “Saigon et Moi”, một cuốn hồi ký chỉ nghe nói và không hề có bằng chứng nào là của ông Mérillon, tại sao lại bị thu hồi và khi đọc tiểu sử của vị đại sứ cuối cùng của nước Pháp tại VNCH, cũng không thấy ghi tác phẩm “Saigon et Moi” được nói là của ông và cũng chẳng có tài liệu nào ghi lý do thu hồi cuốn sách và ai có quyền thu hồi. Cá nhân ông tự ý thu hồi, Bộ Ngoại Giao Pháp hay Tổng Thống Pháp? Hơn nữa không một tiệm sách nào ở thủ đô Paris có ghi đầu sách mang tên “Saigon et Moi”.

Ai cũng biết, tác giả Nguyễn Tiến Hưng là người có học vị cao và quảng giao. Ông còn có thể “quậy” được đống tài liệu mật được giải mật của Hoa Kỳ, còn liên lạc được nhiều chính khách Hoa Kỳ và thế giới, bạn bè Mỹ Việt của ông trong giới trí thức còn rất đông. Sao ông không chịu khó đưa ra bằng chứng cho thấy quyển sách ấy có thật, lý do nó bị thu hồi, chính ông Mérillon hay là ai ra lệnh thu hồi và nếu bị thu hồi thì tất nhiên gia đình Jean Marie-Mérillon vẫn còn bản thảo và bản in chính để lưu trữ? Ai là người trong gia đình ông cựu đại sứ này còn lưu trữ những tài liệu. Tác giả lại là người có mối thân tình–theo như mô tả của chính ông trong “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” (trang 218)–cho nên tôi nghĩ tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng có thừa điều kiện để chứng minh cuốn “Saigon et Moi” có thật.

Ðiều này khá quan trọng vì ở Little Saigon này đã có một cựu sĩ quan cao cấp VNCH không biết lôi ở đâu ra một bản tóm tắt được nói là của cuốn “Saigon et Moi” do một tác giả khác tóm lược chứ không phải của Jean Marie Mérillon, dịch ra đăng báo, đọc trên đài loạn cả lên. Cái “láu” của người được gọi là tóm tắt cuốn “Saigon et Moi” cho tới giờ này vẫn là cuốn sách “ma” là dùng một vài sự kiện có thật mà ai cũng biết để thêm vào những chi tiết không thể phối kiểm được. Nội dung chỉ là đổ vấy tướng Dương Văn Minh tội “trên trời” chỉ có Thượng Ðế mới biết.

Không những thế, cuốn sách lại còn dựng chuyện tướng Nguyễn Khoa Nam đòi tử thủ nhưng Tổng Thống Dương Văn Minh không chịu. Cũng giống như tướng Phạm Văn Phú, tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Ðoàn IV và Vùng IV Chiến Thuật, đã tuẫn tiết. Tổng Thống Dương Văn Minh cũng đã mang những u uẩn xuống tuyền đài, báo chí ngoại quốc lúc đó còn đầy ra ở các văn phòng đường Tự Do cũng không nói gì nhiều đến vai trò của Jean Marie Mérillon như được mô tả trong bản tóm lược của “Saigon et Moi”.

Vậy thì những nhân chứng đã chết có thể nào biện minh được không? Khi các nhân chứng đã chết, không còn biện minh được trong khi những chuyện họ nói ra là chuyện “tầy trời” thì phải chăng những tác giả đã “ép cung” họ ở dưới âm phủ để viết lại những chuyện này không?

Vì thế, những đoạn sau trong Chương 11 như “Giải pháp Bảo Ðại,” “Tướng Minh không phải De Gaulle”, “Ông Thiệu cố vấn: chớ có trao quyền cho tướng Minh”, “Pháp muốn tướng Minh lên ngôi ngoài khuôn khổ Hiến Pháp…” trong đó có một số chi tiết như chuyện tại sao ông Thiệu không ưa tướng Dương Văn Minh và tướng Dương Văn Minh định tổ chức ám sát ông Diệm khi ông Diệm từ Dinh Ðộc Lập ra phi trường Tân Sơn Nhất, việc dẹp Ấp Chiến Lược v.v. Mức độ tin cậy đối với những chứng cớ tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đưa ra rất thấp.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng có cái may mắn ra nước ngoài cùng vợ con trước cả Tổng Thống Thiệu, Thủ Tướng Khiêm cùng nhiều tướng lãnh VNCH khác, nhưng lại không có cái may mắn chứng kiến cái gia tài mà các quí vị để lại cho những người dân, người lính, và hàng triệu công chức cán bộ VNCH chỉ còn là “tương bần”, thì lúc đó có đến 10 ông đại sứ như Jean-Marie Mérillon, có đến trăm ông đại sứ như ông Graham Martin, có đến ngàn ông tướng như tướng Vanuxem cũng không cứu nổi miền Nam Việt Nam.

Chỉ tội cho những người ở lại. Họ đã tiêu tuổi thanh xuân trong chiến trận, rồi trong những năm dài tù đầy, ra khỏi trại tù thì lại phải sống trong cái nhà tù lớn Việt Nam và khi được lòng nhân đạo của người Mỹ ngó ngàng tới đưa sang được đất nước tự do này thì tóc đã bạc trắng, da đã đồi mồi.

Cái may mắn còn lại của họ là giờ đây họ còn cơ hội đọc lại, suy gẫm lại những gì được phơi ra trước ánh sáng ban ngày: Xấu, tốt, ngay thẳng, khuất lấp, chính, tà rất phân minh. Nhất là, sau cả một giai đoạn dài sống và chiến đấu trong chiến tranh, thăng trầm, qua nhiều biến cố chính trị, quân sự, người miền Nam Việt Nam ở hải ngoại cũng như ở trong nước không dễ gì để cho bị, hay tự đeo vào mắt mình những cặp ba trá (miếng da che hai bên mắt để chỉ nhìn thấy một đường) đối với tất cả các vấn đề thiết thân với họ.

Tổng thống ĐT Dương Văn Minh chuẩn bị tuyên bố đầu hàng Việt Cộng tại đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. Nguồn: Nhà báo Kỳ Nhân, phóng viên ảnh hãng thông tấn AP.

Vì thế, đừng có ai hy vọng gì khi đổ tội một cách bất công cho người phu đổ rác mà nên đổ tội cho những ai xả rác trong căn nhà Việt Nam. Tướng Dương Văn Minh chỉ là một người phu đổ rác và theo tôi ông là một tổng thống đầu hàng, nhưng không phải là người dâng miền Nam cho Cộng Sản. Dù là ông Minh hay bất cứ một ông nào khác tiếp nhận cái gia tài “tương bần” do ông Thiệu để lại, cũng sẽ phải hành động như ông Minh mà thôi, nghĩa là với mục đích tránh đổ thêm máu một cách vô ích.

Tổng Thống Dương Văn Minh, nhà lãnh đạo cuối cùng của VNCH, đã bị Cộng Sản quản thúc một thời gian sau khi đầu hàng. Sau đó ông bị tống xuất sang Pháp rồi từ Pháp ông xin sang tái định cư tại Pasadena. Ông giữ im lặng cho đến khi nhắm mắt và được chôn cất tại đây.

Như vậy, điều quan trọng nhất trong biến cố 30 tháng 4, 1975 là không ai dâng miền Nam cho Cộng Sản mà là VNCH đã thua trận. Ðầu hàng là một biện pháp mà tổng thống cuối cùng của VNCH dùng để giải quyết cuộc chiến vì không thể nào khác hơn được và do muốn tránh đổ máu vào giờ thứ 25 khi những người lẽ ra phải gánh trách nhiệm đã bỏ đi. Ðiều quan trọng là cho tới phút cuối cùng, VNCH vẫn duy trì trật tự và không hỗn loạn. Cho nên, với tư cách là một nhà báo đã đọc cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” tôi có thể nói rằng tác phẩm không phải là tâm tư của một nhà lãnh đạo mà chỉ là một lời biện minh giùm Tổng Thống Thiệu sau khi ông đã mất được khá lâu. Ðiều rõ ràng là ông Thiệu không hề muốn để lại một bút tích nào nói đến tư tưởng và hành động của ông khi cầm quyền. Vả lại, ông Thiệu cũng thừa hiểu rằng ông không thể nào biện minh cho hành động bỏ ra đi từ ngày 25 tháng 4, 1975 dù là bỏ đi với bất cứ lý do nào. Ðiều quan trọng là trên đất nước tự do này, bất cứ ai cũng có thể biện minh cho người mình thích, nhưng nó đòi hỏi lời biện minh phải có chứng cớ khả tín và không nên đổ tội cho người khác để biện minh cho mình.

Ðiều thắc mắc cuối cùng của tôi là cái kho tài liệu mật không còn mật nữa về chiến tranh Việt Nam còn nhiều, và càng đọc người ta lại càng thấy một số chính quyền và chính khách Hoa Kỳ rất tàn độc đối với đồng minh và thật tử tế với kẻ thù. Nhưng tôi nghĩ có lẽ công bằng hơn thì chúng ta cũng tự trách mình trước đã. Chúng ta thấy chính quyền VNCH từ Ngô Ðình Diệm cho tới Nguyễn Văn Thiệu, có chính quyền nào mà không do Mỹ dựng lên. Ðó là điểm yếu mà chúng tôi, khi còn hoạt động trong ngành tuyên truyền của VNCH, rất khó đối phó khi kẻ địch nêu lên vấn đề này.

Lẽ ra cuốn “Tâm thư Tổng Thống Thiệu” của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nên có thêm phần phân tích này và đòi những nhà lãnh đạo nào từng cầm quyền bính tại VNCH nên có một lời xin lỗi dân chúng miền Nam Việt Nam về việc đã không bảo vệ được họ mà ngược lại đã không chịu nhận những lỗi lầm dẫn đến sự sụp đổ của VNCH. Và một điều nữa cũng cần lưu ý càng bênh vực các ông Ngô Ðình Diệm hay ông Nguyễn Văn Thiệu mà không dẫn chứng được bằng dữ kiện thì càng làm cho các cuộc tranh luận thêm gay gắt và người chết cũng chẳng được yên ổn

Vũ Ánh

Nguồn: Về cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu”, Vũ Ánh, NguoiVietParis.

Đọc thêm

1. Buổi ra mắt sách “Tâm tư Tổng Thống Thiệu’ của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, Nguyên Huy / Người Việt, Người Việt’s Gallery
2. 12 câu hỏi gởi tác giả cuốn Tâm Tư Tổng Thống Thiệu, Ngy Thanh, nguoivietatlanta.com

DCVOnline

Về tác giả: Vũ Ánh là tên thật, bút hiệu khác của ông là Vũ Huy Thục. Trước năm 1975, ông làm việc 11 năm tại Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia đến sáng ngày 30-4-1975. Ngoài ra, tác giả còn cộng tác với các nhật báo Dân Ý, Báo Đen và Sóng Thần.

Sau 30/04/1975, bị tù Cộng sản 14 năm và làm báo chui [tờ Hợp Đoàn]. Ra tù ông bị 5 năm quản chế, cho đến khi được định cư ở Mỹ theo diện HO năm 1992.

Tại Mỹ, tác giả trở lại làng truyền thông, làm việc với nhiều nhật báo, đài truyền hình, mở đài phát thanh; tác giả hiện là Cố vấn Biên tập của Tuần báo Sống.

DCVOnline chú thích

(*) Tổng thống Dương Văn Minh, hợp hiến hay không hợp hiến?

Điều 39 Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa (1967) ghi rõ Quốc hội không có thẩm quyền bầu một tổng thống.

Điều 56 của Hiến pháp 1967:

Nhiệm kỳ của Tổng Thống và Phó Tổng Thống có thể chấm dứt trước hạn kỳ trong những trường hợp: a- Mệnh chung.
b- Từ chức.
c- Bị truất quyền.
d- Bị bệnh tật trầm trọng và kéo dài không còn năng lực để làm tròn nhiệm vụ. Sự mất năng lực này phải được Quốc Hội xác nhận với đa số ba phần tư (3/4) tổng số Dân Biểu và Nghị Sĩ sau các cuộc giám định và phản giám định y khoa.

Tất cả những trường hợp a, b, c và d đều không áp dụng được với Tổng thống Trần Văn Hương. Truất phế Tổng thống là thẩm quyền của Tòa án đặc biệt được quyết định bởi các Điều 85 và 87. Như vậy, hành động của Quốc hội cử Tướng Dương Văn Minh thay thế Tổng Thống Trần Văn Hương vào ngày 26 tháng tư năm 1975 có thể được coi là không hợp hiến.

[Tài liệu tham khảo: Text of the New Constitution, Vietnam Perspectives. Vol. 3, No. 1 (Aug., 1967), pp 24-40. Một phiên bản tiếng Việt của “Hiến Pháp Việt Nam Cộng hòa 1967” có thể xem được ở đây: http://snipurl.com/24o4sn5]

(**) Về cuốn “Saigon et moi” cho là của Jean-Marie Mérillon.

Thư của cựu Đại sứ Pháp tại Saigon, Jean-Marie Mérillon viết cho Dr, Hoàng Ngọc Thành.

République Française
Ambassade De France
En Moscou, 12th November 1990
U.R.S.S
L’Ambassadeur

Dear Dr. Thanh,

Your letter of the 22nd October has just reached me. I was most touched by it and very pleased to hear from you.

As fas as the book “Saigon et Moi” is concerned, I must make a point particularly clear. I did not write this book nor have I written any other about Vietnam; therefore the work that you are enquiring about is not mine. However, I am intrigued by this publication and should be glad to have any information relating to it.

Should I visit California, I shall not fait to take advantage of your kind invitation to a Vietnamese dinner.

Wishing your new book every success, I remain.Yours sincerely,
Jean-Marie Mérillon

Dr. Hoang Ngọc THANH
4926 Rice Drive
San Jose, CA 95111

[Nguồn: Hoàng Ngọc Thành, Từ thực chất đến huyền thoại. Văn Hóa xuất bản, Văn Nghệ phát hành năm 1996 tại Hoa Kỳ, trang 237]

Lược dịch


Cộng Hòa Pháp Quốc, Mát Cơ Va, ngày 12 tháng 11 năm 1990.

Đại Sứ Quán Pháp tại Nga Xô

Tiến sĩ Thành thân mến,

Tôi vừa nhận được thơ ông đề ngày 22-10. Tôi xúc động nhiều và rất vui mừng nhận được tin ông.

Hiện nay, về quyển sách “Saigon et Moi”, tôi cần phải đặc biệt xác định rõ vấn đề là tôi đã không viết quyển ấy và cũng không viết bất cứ cuốn nào khác về Việt Nam. Do đó, điều ông nói ấy không phải chuyện của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng tò mò về chuyện xuất bản sách này và cảm thấy thú vị được biết tin tức liên quan đến chuyện ấy.

Nếu tôi đến thăm California, tôi sẽ không quên lời mời thân ái đến dùng bữa cơm Việt Nam của ông. Mong ước quyển sách mới của ông thành công mọi mặt. Tôi vẫn luôn là người bạn chân thành của ông.

Jean-Marie Mérillon

(ký tên)

Không tặc ép MH370 hạ cánh gần Trung Quốc

(VTC News) -Báo Anh loan tin nhóm không tặc ẩn danh đã ép chiếc MH370 hạ cánh 'tại khu vực chưa xác định tọa độ' giữa biên giới Trung Quốc và Kyrgyzstan.
Báo Anh The Guardian dẫn nguồn tin từ giới chức Malaysia nói chiếc MH370 đã bị ép hạ cánh xuống khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Kyrgyzstan, nhưng tọa độ chính xác chưa được tiết lộ.
Việc Malaysia che giấu thông tin khiến các nước tốn công tìm kiếm nhiều ngày qua 

Trong khi đó, hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã phát đi bản tin nói Bắc Kinh vẫn đang thúc giục Malaysia cung cấp thông tin "toàn diện và chính xác" về số phận MH370.

Ấn Độ, một trong những nước tham gia tìm kiếm MH370 hôm nay bị cho là đã không bật radar quân sự thường xuyên, điều này góp phần lý giải vì sao MH370 'tàng hình' bí ẩn, theo tờ Indian Express.

Báo chí Trung Quốc hôm nay nói thân nhân của hơn 150 hành khách nước này trên MH370 tỏ ý lo sợ sau khi Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Razak thừa nhận vụ không tặc bắt cóc máy bay.

Sau nhiều lần đưa tin mập mờ trong những ngày qua, ông Datuk Seri Najib Razak thừa nhận MH370 bị ép bay chệch đường bay dự kiến và hệ thống thông tin liên lạc bị tắt. 
MH370 được cho là đã hạ cánh gần biên giới Trung Quốc 

Ông này cũng thừa nhận thông tin về việc các tín hiệu vệ tinh của MH370 vẫn hoạt động 7 tiếng rưỡi sau khi bị không tặc. Điều này từng bị chính quan chức Bộ Giao thông Malaysia phủ nhận hôm qua.

Sự hoài nghi xuất hiện từ phía thân nhân Trung Quốc sau khi Thủ tướng Malaysia công bố thời điểm MH370 chính thức mất tích là 8h11 ngày 8/3 thay vì 01h21 như trước đó.

"Tôi cho rằng Malaysia Airlines và chính quyền của họ có trách nhiệm trong vụ này. Rõ ràng có gì đó bất thường ở đây", Wan Wencheng, một người có con trai trên MH370 nói.

Cho dù Thủ tướng Malaysia đã thừa nhận việc MH370 bị không tặc, nhưng động cơ của nhóm khủng bố hoặc cá nhân nào đó thực hiện vụ việc vẫn còn là điều bí ẩn.

Tờ Beijing Times đưa tin, một phụ nữ giấu tên nói cô nhận được cuộc gọi lỡ của cha mình từ máy bay nhưng sau đó đã không thể liên lạc lại.

Trước khi Thủ tướng Malaysia thừa nhận vụ không tặc, gần một tuần qua, các lực lượng cứu hộ của nhiều nước như Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ đã phải huy động tàu thuyền, máy bay, radar dò tìm khắp nơi trên Biển Đông và thậm chí cả Ấn Độ Dương theo các thông tin mập mờ do Malaysia cung cấp.
 
Phương Mai

Lê Phú Khải - Có nên phá dỡ cầu Long Biên?


Cầu Long Biên là ký ức tập thể, ăn sâu vào tâm thức, theo tác giả.

Với những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như tôi thì cầu Long Biên là một bản đàn trong yên lặng nhưng luôn réo rắt trong tâm hồn.

Nó là ký ức tập thể của cộng đồng người Hà Nội. Không có gì khắc sâu trong tâm trí người Hà Nội suốt 100 năm qua bằng hình ảnh cây cầu dài nhấp nhô như con rồng thép khổng lồ bay qua sông Hồng suốt bốn mùa xuân hạ thu đông.

Hỏi một người Hà Nội đi xa xem anh ta nhớ nhất cái gì ở Hà Nội, câu trả lời là hình 'ảnh cây cầu Long Biên'. Hỏi một nhà nghiên cứu lịch sử xem vật chứng của các biến cố của Hà Nội suốt trăm năm qua là gì, câu trả lời sẽ là 'cây cầu Long Biên'.

Hỏi một anh cán bộ Miền Nam, nói đúng hơn là cậu học sinh Miền Nam theo cha mẹ đi tập kết ra Bắc sau năm 1954, bây giờ đã là một ông già ngoài 70 tuổi sống ở Sài Gòn: "Ông nhớ nhất cái gì ở Hà Nội?", câu trả lời sẽ là: "Cầu Long Biên".

Ông già này kể: tháng ngày đi học cuốc bộ từ Gia Lâm qua cầu Long Biên sang Hà Nội rồi lại về, ông đã đếm được mấy vạn cái đinh bù –loong trên cây cầu sắt này. Đếm để quên quãng cầu dài, quên bụng đói… Và con số mấy vạn cái đinh bù-loong ấy đã theo ông suốt cả đời

Chỉ sau hai tháng nhận chức (tháng 02/1897) toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã đặt bút phê chuẩn dự án cầu Doumer tức cầu Long Biên ngày nay.

Ngày 13-09-1898 hãng thiết kế thi công Daydé – Pillé khởi công xây cầu. Theo thiết kế, cầu có chiều dài 3500m, trừ hai trụ cầu bờ Bắc và Nam, cầu có 17 trụ cầu chôn sâu dưới lòng sông 30 mét, móng nổi từ mặt nước đến mặt cầu là 44m, đảm bảo tàu bè qua lại khi nước sông lên đến 13,5m.

Cây cầu Long Biên là vật chứng lịch sử của Hà Nội thời Pháp thuộc, theo tác giả.

Chín khung dầm sắt khổng lồ nối 19 nhịp lớn với nhau, mỗi khung dài 61m. Cầu rộng 30,6m có một đường tàu hỏa ở giữa và hai đường bộ hai bên. Đến năm 1921 cầu được mở rộng thêm 2,6m cho các loại ô tô và 0,8m cho người đi bộ hai bên.

Sau 4 năm thi công, 8 giờ 35 phút ngày 28/2/1902, cầu được khánh thành.

Sáng hôm đó, chuyến tàu hỏa khởi hành từ ga Hàng Cỏ có 8 toa, có hai toa dành riêng cho vua Thành Thái và toàn quyền Doumer, 6 toa còn lại trở các quan khách trong đó có cả vua Malaixia, đại diện triều đình Mãn Thanh… từ từ vượt sông Hồng.

Thời điểm đó, Long Biên được cho là một trong những cây cầu đẹp nhất thế giới.
'Vật chứng lịch sử'

Từ thời khắc đó cầu Long Biên trở thành ‘’vật chứng’’ lịch sử của Hà Nội.

Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 ở chân cầu Long Biên tự vệ bãi Phúc Xá đã cho nổ bom chặn đường tiếp tế của địch từ phía Gia Lâm.

Dưới chân cầu, trong đêm tối những đoàn quân cuối cùng đã rút khỏi Hà Nội để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Người Hà Nội không bao giờ quên câu chuyện đau thương về một người mẹ trẻ, để bảo vệ Trung đoàn Thủ đô vượt song trong đêm

đã phải bịt mồm đứa con của mình. Em bé đã hy sinh để đoàn quân trong đêm vượt sông an toàn ngay dưới chân cầu trước mũi súng của giặc…

Ngày 9/10/1954 cầu Long Biên chứng kiến những người lính Pháp bại trận cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Nó còn chứng kiến những phi công tù binh Mỹ qua cầu năm 1973 để sang sân bay Gia Lâm trao trả về Mỹ.

Cả một thời gian dài cầu Long Biên là mục tiêu quan trọng trong chiến tranh phá hoại của Mỹ với Hà Nội với 14 lần cầu bị ném bom.

Ngày 11/08/1967 cầu bị phá hỏng nặng ở 5 nhịp, riêng nhịp 15 rơi hẳn xuống sông. Sau hai tháng sửa chữa cầu được khôi phục. Ngày 25/10/1967 cầu lại bị "chém’’ ngang thân tại nhịp số 10, một nửa nhịp rơi xuống sông, nửa còn lại ghếch lên trời. Phải đánh mìn định hướng mới cắt bỏ được phần hỏng.

Sau hai lần chỉ trong bốn ngày vào tháng 12/1967 máy bay Mỹ lại đã dội bom trúng cầu và lần này cầu bị thiệt hại nặng nề, 6 trụ bị tiện đút, bẩy nhịp bị phá hủy. Nửa năm sau cầu mới được phục hồi.

Chưa có cây cầu nào trên trái đất này mang nhiều thương tích trên mình nó như thế. Và cũng chưa có cây cầu nào chuyên trở trên mình nó nhiều trọng trách, mang vác trên mình nó nhiều hàng hóa, vật tư hữu dụng cho con người như thế.

Nó đã mang vác lịch sử đau thương và anh dũng của người Hà Nội trên lưng mình cả 100 năm từ lúc nó chào đời.

Người dân lao động dưới bóng cây cầu ghi dấu ấn lịch sử ở Hà Nội.

Những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ với Hà Nội, những người lính trực chiến trên nóc cầu Long Biên đã biên thư, gọi điện đề nghị với Đài tiếng nói Việt Nam phải sửa lại nội dung, sửa lại trật tự các cụm từ trong thông báo: "Báo động có máy bay xâm phạm bầu trời Hà Nội’’.
Số là, khi nhận được lệnh báo động, đài phát: "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Có một tốp máy bay địch xuất hiện ở phía (Tây Nam hoặc Đông Nam) thành phố’’, các chiến sỹ cao xạ pháo trực chiến trên các ụ súng bố trí trên các nóc cầu Long Biên đã rất sốt ruột khi phải nghe các âm thanh "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Có một tốp…".

Mà họ nóng lòng chỉ muốn nghe từ hướng nào tốp máy bay xâm phạm vùng trời Hà Nội… để kịp quay mũi súng về hướng đó, đón chờ chúng đến.

Một giây với người lính canh gác trên nóc cầu lúc đó là sinh mệnh của chính mình và sinh mệnh của cây cầu. Vì thế các chiến sỹ trực chiến đã đề nghị đài sẽ phát "Từ hướng (Tây Nam hay Đông Nam) có một tốp máy bay… đang xâm phạm bầu trời Hà Nội… Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý…’’
'Sống những giờ sinh tử'

Cầu Long Biên đã sống những giây phút sinh tử với Hà Nội như thế. Người viết bài này có lần đã sang bãi. Giữa tức bãi Phúc xá ngay sau khi khói bom đánh cầu Long Biên vừa tan để thămmột người trong dòng tộc và chứng kiến tận mắt một thanh đường ray xe lửa dài đến hai mét đã bay hơn một cây số vì sức ép của đạn rốc – két lao cắm xuống sân một gia đình nông dân trên bãi Phúc xá.

Những hình ảnh như thế không bao giờ phai lạt trong lòng một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như tôi. Một cô gái quê Hà Nội nay là một phụ nữ đã ngoài 50 tuổi đang sống ở Sài Gòn đã nói với tôi:

"Cây cầu là kỉ niệm tuổi thơ của chúng em. Thời gian 12 ngày đêm Mỹ dội bom Hà Nội cầu bị đánh phá tơi bời sập nhiều loại, chúng em từ nơi sơ tán đi về phải qua cầu phao trong mưa phùn giá rét cả nữa ngày mới qua được song Hồng,

"Lúc đó mới thấy khát khao được đi trên cầu Long Biên sau mỗi lần bom dãi thảm Hà Nội cả nhà em ở nơi sơ tán lại ngóng về trời Thủ Đô, mẹ em kêu lên thảng thốt: Khói bốc lên phía cầu Long Biên rồi cả nhà ơi!. Bao nhiêu bom đạn Mỹ mà không phá được,

"Vậy mà bây giờ người ta không cần vũ khí vẫn phải phá cây cầu như chơi. Dễ dàng vậy sao? Vũ khí gì mà ghê gớm thế?

Cầu Long Biên ở Bắc Bộ Việt Nam, trên bưu thiếp của người Pháp đầu thế kỷ 20.

Cầu Long Biên được làm cùng thời với Tháp Eiffel ở Pari, Eiffel được khánh thành năm 1889 để kỷ niệm 100 năm cách mạng Pháp (1789–1889). Eiffel nặng 9.700 tấn, trong đó có 7.000 tấn kim khí, nhiều hơn 1.000 tấn so với cầu Long Biên 6.000 tấn. 225 công nhân làm việc cật lực trong 3 năm thì tháp được hoàn thành, cao 300m, đó là cái tháp cao nhất thế giới thời đó.

Nhưng không một công nhân nào chết trong khi dựng tháp.

'Tính hai mặt của khai hóa'


Còn cầu Long Biên thì hầu như ngày nào cũng có người Việt Nam chết vì tai nạn lao động, do chết ngạt khi phải làm việc dưới hố móng sâu, do tế ngã từ trên cao v.v…

Chỉ riêng sự việc này cũng cho thấy tính chất hai mặt của công cuộc "khai hóa’’ của thực dân Pháp ở nước ta.

Doumer làm cầu Long Biên nhằm khai thác, vận chuyển hàng hóa cướp bóc bóc của dân ta, nhưng khách quan nó lại tạo ra nền tảng cơ sở hạ tầng cho Hà Nội và vào thời đó, chỉ có một cường quốc như Pháp mới làm nổi. Hơn nữa Long Biên còn là một cây cầu đẹp trong những cây cầu trên thế gian này.

Nó hùng tráng mà thanh tú, đến bây giờ nó vẫn đẹp, không hề tàn phai sắc đẹp với thời gian. Nhân nói về vẻ đẹp của cây cầu, tôi lại nhớ đến cầu Hàm Rồng, cũng do Pháp xây dựng ở Thanh Hóa.

Sau khi cầu bị bom Mĩ đánh sập ta xây lại. Ngày khánh thành cầu mới, các nhà văn, nhà báo được mời đi dự. Nghe có giai thoại nói trong đoàn còn có nhà văn Nguyễn Tuân cùng đi nên ai cũng phấn khởi. Nhưng khi đến đón cụ Nguyễn thì cụ lắc đầu không đi. Gặng hỏi mãi cụ nói: "Cái cầu Hàm Rồng xưa có nhịp trông nó đẹp lắm. Nay cầu mới thẳng đuỗn như cái con... chán lắm, không đi..!!!"

Những nhịp cầu lên xuông nhấp nhô của Long Biên như con rồng đang bay qua sông Hồng đã in bóng vào chân trời Hà Nội những chiều hè, những đêm sao, những bình minh… bất tận.

Vì lẽ đó mà người Pháp muốn "giữ gìn những ký ức của mình’’ ở Việt Nam trong đó có cây cầu Long Biên đã hơn 100 tuổi, như họ đã tuyên bố. Còn người Hà Nội thì xem Long Biên là một "mảng’’ tâm hồn mình, một "vật chứng’’của lịch sử, văn hóa.

Vậy có nên gỡ bỏ cầu Long Biên đi như mấy ông quan ở Hà Nội đã bàn?

Và nếu xây một cây cầu mới qua sông Hồng chỉ cách Long Biên có 30m thì khác nào xếp một hoa hậu đứng cạnh một anh lính dù Lê Dương để chụp hình lưu niệm!
Nhà báo Lê Phú Khải 
 
(BBC)

Hoàng Đức Doanh - Án mị dân



Án mị dân

Có luật Khiếu nại đây
Quyền Tố cáo tham nhũng.
Có Àn hành chính đây
Càng làm Dân lúng túng

Có riêng Luật xử quan
Đương nhiên là cán bộ
Đảng viên không tuyên bố
Ai thắng được Án này ?

Đi vào cuộc mới hay
Bị đơn, cho thay thế
Một điều luật đáng nể
Hỏi Công lý nơi đâu ?

Án xử người đứng đầu
Đã ban hành Quyết định
Biết sai không cải chính
Dân phải kiện ra tòa !

Tuy hai mà một nhà
Sinh hoạt trong đảng bộ
Án nào dám tuyên bố

Lần một rồi lần hai
Sơ thẩm lại Phúc thẩm
Hết thời gian lẩm cẩm
Án bỏ túi đưa ra !

Luật ra mấy năm qua
Xét xử dăm, bẩy vụ
Vẫn một bài xưa cũ
Lại thêm trò Mị Dân.

Ngày 17/3/2014
Hoàng Đức Doanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét