Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Thị trường và đức hạnh - Tội ác của Trung Quốc trong trận chiến Gạc Ma

Tội ác của Trung Quốc trong trận chiến Gạc Ma

gac-ma-305.jpg
Tàu HQ 604 của Việt Nam trước trận chiến Gạc Ma.
File photo
Mỗi năm vào ngày 14 tháng 3 các chiến sĩ trong trận hải chiến Gạc Ma lại ngậm ngùi nhớ về những phút giây bị tàu Trung Quốc tấn công và cách hành xử vô nhân đạo của họ đối với bộ đội Việt Nam. Hai mươi sáu năm sau, những giờ phút kinh hoàng đó vẫn đọng lại trong nhiều người tuy với suy nghĩ khác nhau nhưng cái chung vẫn là sự dã man của lính Trung Quốc.
Cuộc chiến không cân sức

Ngày 14 tháng 3 năm 1988 hải quân Trung Quốc đã đưa quân đánh chiến đảo Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lúc đó những đảo này còn rất hoang sơ mặc dù Việt Nam đã tổ chức tuần tra theo dõi nhưng vẫn chưa xây dựng kịp những căn cứ tạm thời chứng minh chủ quyền trên đó.

Trong lần đem bộ đội công binh hải quân ra đảo để xây dựng căn cứ, ba tàu vận tải của Việt Nam không được trang bị như tàu chiến mà chỉ có vũ khí cá nhân để tự vệ đã bị 6 tàu chiến Trung Quốc tấn công. Kết quả là ba tàu Việt Nam bị chìm, 64 bộ đội công binh hải quân hy sinh, 11 người khác bị thương trong khi đó Trung Quốc cũng báo cáo là có 24 binh sĩ bị giết.
Trung Quốc bất chấp luật lệ quốc tế nó không cần gì cả, đấy là trận chiến đấu không cân sức mà. Một bên là vũ trang còn một bên là xây dựng.  -Đại tá Phạm Xuân Phương
Cuộc chiến không cân sức này đã để lại không những dấu ấn lịch sử đối với người dân Việt Nam về sự mất mát đất đai của ông cha mà nó còn hằn sâu nỗi đau của những anh bộ đội công binh hải quân, những người may mắn sống sót nhưng trong ký ức họ vẫn đọng lại những hình ảnh dã man của giặc.

Anh Lê Hữu Thảo, một trong vài nhân chứng còn sống sót kể lại giây phút chính anh chứng kiến lính Trung Quốc bắn vào đồng đội đang ngụp lặn dưới biển khi tàu của họ đã bị chìm. Mặc dù họ không còn khả năng tự vệ hay không thể sống sót nếu không được vớt lên nhưng lính Trung Quốc vẫn điềm nhiên nhìn họ chết dần dưới biển. Anh Thảo kể:

“Hành động của Trung Quốc quá là dã man, nó dã man như thế này: nó sử dụng vũ khí, dùng lê nó đâm và nó bắn luôn bộ đội mình. Bộ đội mình thì chủ yếu là tay không trên tay chỉ có mấy cái xẻng, xà beng để làm việc xây dựng thôi chứ không phải chiến đấu. Nó dã man nhiều chỗ lắm, khi bộ đội mình bị tàu chìm rồi thì nó vẫn bắn giết. Nó bắn chết người đang trôi trên biển. Nó không làm đúng như trong nghĩa vụ quốc tế là khi đối phương bị rơi xuống biển không còn vũ khí nữa thì phải có trách nhiệm cứu vớt. Nó không hề cứu vớt, nó không làm gì cả. Nó rất dã man đề cho mình tự chết hoặc nó bắn cho mình chết để cho cá mập ăn."

Đại tá Phạm Xuân Phương, một cán bộ cao cấp của Cục Chính trị xác nhận những chiếc tàu này là tàu vận tải, hoàn toàn không trang bị vũ khí như các tàu chiến nhưng vẫn bị Trung Quốc tấn công:

edu.vn-250.jpg
Một buổi thắp hương tưởng niệm 64 chiến sĩ tử trận trong trận chiến Gạc Ma 1988. Photo courtesy of edu.vn

“Cái trận đó không phải là trận chiến đấu giữa hai lực lượng hải quân với nhau mà bộ đội Việt Nam là bộ đội đi xây dựng, không vũ khí mà tàu là tàu xây dựng chở nguyên vật liệu xây dựng. Trung Quốc bất chấp luật lệ quốc tế nó không cần gì cả, đấy là trận chiến đấu không cân sức mà. Một bên là vũ trang còn một bên là xây dựng hai chuyện rất khác nhau. Chúng tôi cho rằng giữ được lá cờ và cố cho tàu đổ bộ lên trên đảo là hành động đáng khen ngợi trong hoàn cảnh như thế.”

Quy luật của chiến tranh là giết chóc và dành chiến thắng trên máu của quân thù, thế nhưng sự giết chóc nào cũng bị lên án nếu vượt quá phạm vi đạo đức con người cho phép. Ngay trong chiến tranh, sự đau thương mất mát và các hành vi tàn sát đối phương hàng loạt trong các trận chiến vẫn là nỗi ám ảnh nhân loại dẫn đến việc khai sinh Luật Nhân đạo quốc tế, một phần chủ yếu trong Công Pháp quốc tế bao gồm các quy tắc nhằm bảo vệ những người đã bị loại khỏi vòng chiến, hay không còn khả năng chiến đấu. Luật Nhân đạo quốc tế được bốn nước Liên xô, Mỹ, Anh và Pháp ký ngày 8 tháng 8 năm 1945.
Trái công ước quốc tế

Bên cạnh đó Công ước Geneve ra đời tiếp theo sau đã quy định cụ thể từng hành vi được định nghĩa là tội phạm chiến tranh nhằm hạn chế việc giết người của kẻ chiến thắng hay của một đạo quân, một nhóm, thậm chí một cá nhân đi ngược lại với những quy định trong công ước này.

Công ước Geneva năm 1949, còn gọi là Công ước Geneve thứ hai, và các Nghị định thư bổ sung I và II năm 1977 ghi thêm điều khoản bảo vệ cho các người bị ốm, bị thương trên chiến trường hay trong các trận hải chiến. Điều này cũng bao gồm việc bảo vệ cho các quân nhân bị đắm tàu​.
Những hành vi nào đi nữa trong chiến tranh mà đối xử tàn ác dã man đối với đồng loại đều đáng lên án, lên án một cách nghiêm khắc thậm chí còn phải lưu lại để người đời sau biết. -GS Vũ Minh Giang
Trung Quốc tỏ ra không cần hiểu về nguyên tắc này nên quân đội của họ vô tư bắn vào kẻ thất trận, hơn nữa bỏ mặt nạn nhân giữa biển khơi cho cá mập ăn thịt là hành động của thời ăn lông ở lổ chứ không thể nói là của một quân đội nhất nhì thế giới. Những tuyên truyền về sự gìn giữ hòa bình của họ chỉ làm xấu thêm bộ mặt thật qua hai cuộc chiến với Việt Nam là cuộc chiến Biên giới 1979 và Gạc Ma năm 1988.

GS-TSKH Vũ Minh Giang Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết bất cứ ai cũng có thể lên án hành động sát nhân này, và cảm xúc ấy cần truyền lại cho người trẻ hơn để họ thấy và hiểu được lịch sử Việt Nam qua những cuộc chiến tranh giữ nước đối với giặc phương Bắc, ông nói:

“Cái cảm xúc của một con người, cảm xúc của một người bình thường thôi trước những hành vi vô nhân tính, dã man thì sẽ như thế nào? Đối với tôi những hành vi nào đi nữa trong chiến tranh mà đối xử tàn ác dã man đối với đồng loại đều đáng lên án, lên án một cách nghiêm khắc thậm chí còn phải lưu lại để người đời sau biết được cái đó. Với ý nghĩa đó sự kiện Gạc Ma thì như thế này: thứ nhất đây là câu chuyện có thể nói nó nằm trong cái mà chúng ta xác định đó là cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trước sự xâm lấn của Trung Quốc.

Với ý nghĩa đó rồi đây lịch sự thậm chí trong sách giáo khoa tức là phần phổ biến lịch sử phải ghi vào vì là đây là sự việc thiêng liêng của Việt Nam đã chuyển rất nhiều đời mà vẫn còn chuyển đến mai sau, chắc chắn là như thế và chúng tôi kiên quyết làm việc này bằng được.”

Nhìn Gạc Ma dưới lăng kính tội phạm chiến tranh không phải để mang Trung Quốc ra tòa hay cổ vũ cuộc chiến đã lùi vào quá khứ, nhưng không thể không nhắc nhở sự tàn ác này của quân đội Trung Quốc nhất là mỗi ngày nó mỗi lớn mạnh và tỏ ra nguy hiểm hơn đối với Việt Nam.

Và lại càng phải nhắc tới khi từng phần chủ quyền đất nước đang mòn dần nếu cứ tiếp tục im lặng trên cái nền của lý thuyết phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước cộng sản anh em.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-03-13

Báo Tuổi Trẻ và “Anh Tư” làm nhục Quốc thể!

Ngược dòng thời gian, quay trở lại thời điểm tháng 5/2009, lúc này Phạm Đức Hải vừa “bỗng nhiên trở thành Tổng Biên tập” báo Tuổi Trẻ theo sự chỉ đạo (ngầm) của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang. Ngày 11/5/2009, báo Tuổi Trẻ “bỗng nhiên” xuất hiện bài viết nấp dưới danh nghĩa “độc giả của Tuổi Trẻ hơn 20 năm qua”(?!) giật một tít rất kêu “Chuyện không bình thường” (đăng trên trang 7 của báo ngày và hiện vẫn còn tồn tại trên báo Tuổi trẻ online) với nội dung vu khống trắng trợn ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael W. Michalak.

Để tạo “dấu ấn” cho ngài Thường trực Ban Bí thư, Phạm Đức Hải đã nhập vai “anh Tư” để sáng tạo ra bài báo vu khống đầy dụng ý. Khiến người đọc có cảm giác ngài Đại sứ Michael W. Michalak là một kẻ xấu xa đang làm điều gì đó có hại cho đất nước Việt nam dù chẳng có bằng chứng xác thực nào, nhưng qua đó anh Tư ngầm “khuyến khích” bất cứ người dân nào cũng có thể dùng bạo lực đối với ngài Đại sứ khi ông ra khỏi phạm vi Sứ quán (nhằm mục đích gây rối an ninh, qua đó để đổ thừa, gây rối rắm cho Chính phủ?!).


Báo báo của “anh Tư” vu khống trắng trợn ngài Đại sứ

Bài viết nôn nóng ghi điểm của Phạm Đức Hải với ngài Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã gây ra một làn sóng dư luận bất mãn với Chính phủ Việt Nam, dư luận (RFA, BBC, Facebook,…) còn cho rằng do “an ninh văn hóa chấp bút” để “ép” đăng trên báo Tuổi Trẻ.

Bức xúc đến nỗi ngài Đại sứ phải gửi thư riêng cho Phạm Đức Hải và hàng loạt quan chức cấp cao Việt Nam như Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ TTTT Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh và cả Phó Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh Huỳnh Hữu Chiến. Thế mà Phạm Đức Hải và báo Tuổi Trẻ vẫn nhắm mắt bịt tai làm ngơ, lúc đó do được sự bao che của ngài Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang nên chẳng ai làm gì được.

Thư của ngài Đại sứ Michael W. Michalak phản đối báo Tuổi Trẻ

Ngài Đại sứ đành phải đăng đàn, trả lời phỏng vấn nhiều báo đài để giải tỏa bức xúc và để dư luận thấy rõ bản chất sự việc. Báo BBC mở diễn đàn để giải tỏa cho ngài Đại sứ Mỹ, đài RFA đã làm cả một thiên phóng sự về vụ việc, trong đó, qua xác minh Ban Công tác bạn đọc, được biết bài báo trên hoàn toàn không qua bước thẩm định của ban này như “quy trình” mà trực tiếp đăng tải theo chỉ đạo của TBT Phạm Đức Hải. Phóng viên RFA cũng gọi điện trực tiếp thì Hải ậm ờ cho qua chuyện: “Dạ, tôi... tôi... tôi không biết anh ạ! Có gì anh... anh... anh... anh... anh... anh... anh... anh gọi lại nghe. Anh gọi lại sau nghe”, “Dạ không ạ! Không ạ! Anh... Anh... Anh... Có gì anh cứ tới báo với tôi nghe! Anh tới báo nói chuyện với tôi... nghe! Dạ vâng..”.

Bấm vào để nghe bài tường thuật
Thấy chưa yên tâm, ngài Đại sứ Mỹ còn cho lập ra một blog lấy đúng kiểu đặt tên vu khống của báo tuổi trẻ để lên tiếng kêu oan là “Một bài báo không bình thường” để trình bày minh bạch sự việc.

Hiện nay bài báo của “Anh Tư” vẫn còn tồn tại trên phiên bản online của báo Tuổi Trẻ, ngông nghênh thách thức dư luận trong và ngoài nước bấy lâu.

Nguyên văn bài báo ký tên “anh Tư” trên phiên bản Tuổi trẻ online
Ngài Đại sứ từng tâm sự với giới nhà báo khi kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam: “Báo Tuổi trẻ và TBT Phạm Đức Hải đã làm nhục quốc thể Việt Nam!”, đánh giá này của ngài Đại sứ quả không sai chút nào.
Ngay cả cơ quan đại diện cho Chính phủ Mỹ mà báo Tuổi Trẻ còn dám vu khống trắng trợn thì không lạ gì báo Tuổi Trẻ dưới thời Đức Hải, hằng hà sa số những doanh nghiệp, cá nhân, thậm chí là rất nhiều chính trị gia đều đã trở thành nạn nhân của tờ báo này để phục vụ cho mưu đồ của ai đó. Chính phủ Mỹ còn không làm gì được Phạm Đức Hải thì đừng nói đến người dân thấp cổ bé họng, ngay cả chính quyền Việt Nam cũng đừng hòng đụng đến mắt cá chân của báo tuổi trẻ và TBT Phạm Đức Hải nếu “Anh Tư” còn tại vị!

Người Trong Cuộc
Theo nhungthangnhamhiem

Thị trường và đức hạnh

Phiatruoc

Peter J. Hill, FEE
Phạm Nguyên Trường dịch
Nếu chỉ nói về khả năng cung cấp hàng hóa và dịch vụ thì đa số người đều đồng ý rằng chủ nghĩa tư bản đã hoàn toàn thắng lợi khi so sánh với những hệ thống kinh tế khác, thí dụ như chủ nghĩa xã hội. Ngay cả như thế thì nhiều người phê phán sở hữu tư nhân và thị trường cũng muốn có nhiều chủ nghĩa xã hội hơn hay ít nhất cũng là giao vào tay chính phủ nhiều quyền lực hơn. Họ biện luận rằng mặc dù chủ nghĩa tư bản hoàn thành sứ mệnh theo nghĩa vật chất, nhưng không hoàn thành sứ mệnh theo nghĩa đạo đức. Điều đó có nghĩa là chủ nghĩa tư bản không đáp ứng được một số tiêu chuẩn về sự công bằng.
marketexchange
Tiểu luận này thách thức quan điểm như thế bằng cách khảo sát một số lĩnh vực, nơi mà đức hạnh nghiêng về phía thị trường. Điều đó không có nghĩa là xã hội dựa trên thị trường tự do là xã hội đức hạnh, trong thị trường tự do người ta có thể hành động phù hợp với đạo đức hoặc phi đạo đức, như trong các hệ thống khác mà thôi. Nhưng chủ nghĩa tư bản có một số sức mạnh đạo đức mà những hệ thống kinh tế khác không có.
Mặc dù “thị trường” thường được coi là đối chọi với kế hoạch hóa tập trung hay quyền sở hữu của nhà nước đối với tư liệu sản xuất nhưng nó không phải là trật tự mang tính định chế như là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta gọi xã hội dựa trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất là chủ nghĩa tư bản hay thị trường tự do. Các cá nhân có thể sở hữu, mua hoặc bán sở hữu (kể cả sức lao động của họ), đấy là nói nếu họ không gian lận và họ có thể làm với tài sản của mình tất cả những gì họ muốn miễn là không phương hại tới những người khác. Các cá nhân có thể trao đổi tài sản của mình với người khác, và bằng cách đó tạo ra thị trường. Quá trình trao đổi không phụ thuộc vào ai và chỉ cần một hệ thống sở hữu tư nhân rõ ràng và được tôn trọng là nó có thể tồn tại được rồi.
Đặc trưng cố hữu trong chủ nghĩa tư bản là khả năng: bảo đảm cho người ta quyền tự do lựa chọn, thúc đẩy sự hợp tác, bảo đảm trách nhiệm, tạo ra tài sản cho số đông dân chúng và hạn chế việc sử dụng bạo lực một cách quá đáng.
Quyền tự do lựa chọn
Hệ thống thị trường quan tâm rất ít tới biện pháp lí tưởng trong việc tổ chức đời sống kinh tế. Các xã hội khác có thể ra lệnh cho người ta thành lập hợp tác xã hay công xã hoặc nghề thủ công hay có thể cấm đoán những việc như thế. Nhưng hệ thống tài sản tư nhân đưa ra một loạt hình thức tổ chức khả dĩ; nếu người ta muốn hợp tác xã thì họ có thể sử dụng hình thức này; nhưng người ta cũng có thể áp dụng những hình thức tổ chức sản xuất khác, nếu muốn. Và trên thực tế, những người không muốn thị trường hoặc muốn thiết kế những định chế khác cũng hoàn toàn được tự do làm như thế.
Trong suốt chiều dài của lịch sử đã từng có những nhóm người lựa chọn cách thức hợp tác bên ngoài thị trường. Một trong những nhóm như thế là người Hutterite, họ sống trong khu vực Bình Nguyên Lớn phía Bắc của Mĩ và Canada. Họ không phải là những người theo chủ nghĩa tư bản. Trừ những vật dụng tối cần thiết đối với cá nhân, tất cả tài sản trong khu vực của người Hutterite đều là tài sản chung. Tất cả thu nhập đều được đem chia đều cho những người sống trong khu vực, lao động không được trả lương.
Người Hutterite có thể thành lập các khu vực định cư của mình mà không cần bất cứ người nào trong xã hội cho phép. Không có ủy ban, không có các cơ quan nào của chính phủ hay một nhóm những công dân có thiện ý nào phải họp lại và quyết định xem cách sống của người Hutterite có phù hợp hay không. Tự do lựa chọn phương án như thế là đặc trưng của xã hội thị trường tự do.
Ngược lại, xã hội kế hoạch hóa tập trung không bảo đảm quyền tự do cho những người muốn tham gia buôn bán trên thương trường. Xã hội này ngăn chặn buôn bán để phục vụ cho những mục tiêu khác và không nghi ngờ gì rằng nó sẽ ngăn chặn những nhóm người tương tự như người Hutterite, nếu những nhà cầm quyền không thích hình thức tổ chức của người Hutterite.
Hợp tác thay vì xung đột
Hệ thống thị trường tự do, tài sản tư nhân thường được gán cho là hệ thống cạnh tranh. Nhưng một trong những ưu điểm chủ yếu của hệ thống thị trường là nó thúc đẩy hợp tác chứ không chỉ là cạnh tranh. Cạnh tranh quả thật có tồn tại trong xã hội dựa vào thị trường, nhưng khi có sự khan hiềm thì cạnh tranh sẽ thịnh hành, xã hội nào cũng vậy cả.  
Trên thương trường, người giành được chiến thắng là người hợp tác với những người khác trong xã hội hay là làm cho những người khác được thỏa mãn. Muốn thành công trong hệ thống sở hữu tư nhân thì các cá nhân phải đưa ra “thương vụ tốt hơn” những người cạnh tranh với họ. Họ không thể ép người khác mua sản phẩm hay dịch vụ của mình. Họ phải hướng sức sáng tạo và năng lực của mình nhằm tìm ra cách thức nhằm làm cho những người khác được thỏa mãn.  Người thành công trên thương trường là người làm điều đó một cách tốt nhất. Như vậy là, những người tham gia vào nền kinh tế thị trường – cả người mua lẫn người bán – đều liên tục tìm lĩnh vực mà họ có thể thỏa thuận, có thể làm ăn với nhau chứ không phải là tập trung chú ý vào những lĩnh vực có thể gây bất hòa, chẳng mang lại lợi ích gì cho ai.
Ngược lại, trong chế độ tập thể, càng hung hăng và càng không khoan nhượng thì càng dễ được tưởng thưởng. Với cách ra quyết định tập thể, những người có vị thế chính trị vững chắc sẽ chẳng cần phải tìm sự đồng thuận; nói chung, họ có nhiều cơ hội giành chiến thắng hơn bằng cách làm mất thể diện phe đối lập khi những người này tìm cách biện hộ cho quan điểm của mình, thỏa hiệp chỉ có thể xảy ra khi đối phương cũng mạnh mà thôi.
Thí dụ điển hình của sự bất hòa do quyết định tập thể gây ra là cuộc tranh luận về việc giảng dạy về nguồn gốc của loài người. Ban giám hiệu nhà trường – đấy là nói những ban giám hiệu phải đưa ra quyết định tập thể – nói chung phải quyết định dạy hoặc là con người là do Chúa sáng tạo ra hoặc là do tiến hóa mà thành. Những quyết định như thế bao giờ cũng chứa đầy xung đột. Những người không đồng ý với quyết định của ban giám hiệu thường viết thư đến báo chí, vận động hành lang, thuê luật sư, và nói chung là rất phiền phức. Đấy là điều hầu như không thể tránh được khi dính dáng đến những vấn đề nhạy cảm như thế vì mọi quyết định mang tính tập thể, kể cả những vấn đề được đa số quyết định bằng cách bỏ phiếu, cũng có vẻ như đi ngược lại ước muốn của thiểu số. Như vậy là, những người ra quyết định đã rơi vào tình trạng không thể thắng được. Nếu ban giám hiệu cho phép dạy theo thuyết sáng tạo luận thì những người theo thuyết tiến hóa sẽ nổi giận. Nếu họ dạy theo thuyết tiến hóa thì những người theo thuyết sáng tạo luận cũng sẽ giận dữ y như thế.
Ngược lại, xin xem xét quyết định trở thành người ăn chay hay ăn mặn. Ở đây cũng có những người cảm thấy giận dữ khi bị cản trở trong vấn đề này y hệt những người bị cuốn hút vào cuộc tranh luận về nguồn gốc loài người vậy. Tuy nhiên, khó có khả năng là quyết định về khẩu phần ăn có thể tạo ra một cuộc tranh cãi công khai. Khẩu phần ăn không được quyết định bởi quá trình ra quyết định tập thể cho nên người ta có thể giải quyết với nhau một cách hòa bình hơn. Người tin rằng không ăn thịt thì có lợi hơn về mặt sức khỏe hoặc đúng hơn về mặt đạo đức có thể ăn như thế mà không cần tranh luận với những người ăn mặn. Còn những người ủng hộ cho việc ăn mặn cũng có thể tìm được các nhà sản xuất hay cửa hàng sẵn sàng đáp ứng mong muốn của họ. Trên thực tế, người ăn chay và ăn mặn có thể mua ở cùng một cửa hàng, có thể đẩy xe hàng của mình đi ngang qua nhau mà không hề có xung đột nào. Chính vì không cần quyết định tập thể cho nên sự gần gũi hòa bình như thế mới có thể xảy ra được.
Sự hài hòa xã hội do thị trường đem lại phải là mối bận tâm của những người lo lắng đến những vấn đề đạo đức. Những người thuộc các nền văn hóa khác nhau, giá trị khác nhau và thế giới quan khác nhau có thể sống cùng nhau mà không hề thù oán nhau trong hệ thống thị trường và sở hữu tư nhân. Hệ thống thị trường chỉ đòi hỏi một sự đồng thuận tối thiểu về mục đích của cá nhân hay nhà-nước-xã-hội mà thôi.
Ngược lại, các chế độ khác có xu hướng ngả về những mục tiêu được quyết định từ bên trên. Mỗi chế độ như thế đều đòi hỏi phải có nhiều sự đồng thuận hơn về những điều được coi là “tốt” đối với xã hội. Hệ thống kế hoạch hóa tập trung, không dựa vào sự trao đổi tự nguyện lao động để lấy tiền lương, phải bắt các cá nhân làm việc hoặc thực hiện những mục tiêu cụ thể nào đó, những mục tiêu này có thể không phải là mục tiêu mà người lao động hay người tiêu dùng lựa chọn nếu họ được tự do. Thí dụ, ở Liên Xô người dân hầu như không có quyền tự do lựa chọn nơi làm việc và một khi đã được phân công một công việc nào đó thì rất khó chuyển đến vị trí làm việc khác.
Một nguyên nhân nữa làm cho hệ thống dựa trên quyền sở hữu tư nhân thúc đẩy sự hài hòa xã hội là nó buộc người ta phải có trách nhiệm với những gì mình làm cho người khác. Trong chế độ sở hữu tư nhân, làm người khác bị thương hoặc làm hỏng tài sản của người khác thì phải bồi thường, tòa án buộc người ta phải thực hiện trách nhiệm của mình. Nhận thức rằng làm hỏng thì phải bồi thường làm cho người ta phải thận trọng và có trách nhiệm. Khi người ta đã nhận thức được trách nhiệm của mình thì con người có quyền tự do.
Ngược lại, hệ thống kế hoạch hóa tập trung làm cho người ta thiếu trách nhiệm hơn rất nhiều. Mặc dù về mặt lí thuyết thì chính phủ có trách nhiệm bảo đảm quyền của nhân dân, nhưng quyền trong hệ thống như thế được xác định một cách mù mờ và chính phủ có thể và quả thật đã đáp ứng nguyện vọng của những kẻ có quyền lực, nhưng lại ít quan tâm tới quyền và ước muốn của những người không có quyền lực. Ngay cả trong các chế độ dân chủ, nếu chính phủ có quyền giành ưu tiên cho những nhóm người nào đó thì những nhóm có nhiều quyền lực sẽ lợi dụng chính phủ để giành lấy những thứ họ muốn. Mà những thứ họ giành được có thể rất có giá trị đối với những người bị tước đoạt.
Thế giới quan tổng bằng không và thế giới quan tổng là một số dương
Những lời chỉ trích sở hữu tư nhân thường xoay quanh việc phân phối thu nhập. Những người có thiện chí thường nghĩ rằng thật là không công bằng khi một số người sống xa hoa trong khi một số khác lại sống trong cảnh bần hàn. Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng về mặt đạo đức, những người sống sung túc phải chia sẻ với những người nghèo túng hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là chính phủ là tổ chức phù hợp với công việc tái phân phối như thế.  
Nhiều người bất bình với địa vị của người giàu vì họ đã hiểu lầm về nguồn gốc của tài sản. Họ tin rằng những người sống xa hoa là những kẻ bóc lột những người sống trong cảnh bần hàn. Nói chung đấy là quan niệm sai lầm.
Thế giới không phải là tổng bằng không. Nghĩa là tài sản trên thế giới là không giới hạn cho nên nó phải được chia cho mọi người, một số người được nhiều hơn còn một số khác thì được ít hơn.  Có thể kiếm được tài sản bằng cách lấy của người khác, nhưng người ta cũng có thể tạo được tài sản bằng hành động với động cơ đúng đắn của mình. Khi làm như thế thì tài sản chính là sự gia tăng phúc lợi cho xã hội. Sự gia tăng đáng kể tài sản tính trên đầu người kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp trước hết là do tài sản được tạo ra chứ không phải là lấy của người khác.
Khi các quyền sở hữu được xác định một cách rạch ròi và được bảo hộ thì chỉ các giao dịch mà người dân tham gia vào mới có “tổng dương” hay có thể gọi là những giao dịch tạo-ra-tài-sản, điều đó xảy ra là vì tất cả các bên tham gia giao dịch đều tin rằng kết quả là họ đã cải thiện được hoàn cảnh sống của mình. Trong xã hội, nơi mà người dân được bảo đảm quyền sở hữu tài sản của mình thì họ sẽ chỉ trao đổi tài sản trên cơ sở tự nguyện và họ sẽ chỉ làm như thế khi nhìn thấy khả năng cải thiện được hoàn cảnh của mình mà thôi. Những người giao dịch với họ cũng làm đúng như thế – họ cũng chỉ tham gia giao dịch khi nghĩ rằng kết quả là họ sẽ cải thiện được hoàn cảnh sống của mình.
Thế giới có tổng bằng không, nơi người chỉ có thể tích tụ được tài sản bằng cách lấy bớt tài sản của người khác, chỉ có thể xảy ra khi không có quyền sở hữu. Trong thế giới như thế người dân – hoặc là trở thành kẻ cắp và kẻ cướp hoặc là lợi dụng quyền lực của chính phủ – mới có thể nắm được quyền quản lí các nguồn lực mà không có quyền của người chủ các nguồn lực đó.
Một số nhà phê bình biện luận rằng nhiều vụ giao dịch trên thương trường không phải là tự nguyện, một số người, do hoàn cảnh bắt buộc mà phải tham gia vào những giao dịch mà họ không muốn. Thí dụ, họ biện luận rằng người sử dụng lao động bóc lột người lao động bằng cách trả cho họ mức lương thấp nhất có thể được. Nhưng trong xã hội mà người dân hành động một cách tự nguyện, không bị ai ép buộc, thì việc chấp nhận mức lương như thế có nghĩa là không còn ai trả cao hơn nữa. Trên thực tế, người sử dụng lao động là người mở rộng cơ hội cho những người kém may mắn. Thí dụ, luật qui định mức lương tối thiểu là 4 USD, trên thực tế đã làm giảm cơ hội của những người với sức lao động chỉ đáng 2 USD mà thôi.
Chính phủ chỉ có một cách – ngược lại với khu vực tư nhân, tức là khu vục hành động thông qua đóng góp một cách tự nguyện – giúp đỡ những người này bằng cách cho họ tài sản đã tước đoạt của những người khác. Nhưng sự kiện là tài sản thường được chính những chủ sở hữu tạo ra đã làm giảm đáng kể giá trị đạo đức của việc tái phân phối như thế. Một người mà bằng những cố gắng mang tính sáng tạo của mình đã làm gia tăng số tài sản của mình mà không làm suy giảm hạnh phúc của người khác dường như có đủ lí do về mặt đạo đức trong việc sở hữu số tài sản đó.
Hơn nữa, trong hệ thống sở hữu tư nhân dựa trên thị trường, tài sản của một người tăng lên chứng tỏ rằng người đó đã làm cho tài sản của những người khác tăng lên. Trong hệ thống thị trường cách duy nhất để trở thành giàu là làm cho người khác hài lòng, muốn trở thành rất giàu thì phải làm cho đám đông hài lòng. Henry Ford đã cung cấp cho quần chúng những chiếc ô tô do ông sản xuất, đáp ứng yêu cầu đi lại với giá tương đối rẻ và ông trở thành một người cực kì giàu có. Ngược lại, Henry Royce chỉ phục vụ những người có thu nhập cao bằng cách sản xuất những chiếc ô tô đắt tiền và ông không giàu bằng Henry Ford. Trừng phạt những người có hành động tương tự như Henry Ford bằng cách tước đoạt phần lớn thu nhập của người ta là vô lí.
Đáng tiếc là quan niệm sai lầm cho rằng thế giới có tổng bằng không lại là quan niệm rất thịnh hành. Nhiều người tham gia vào những cuộc thảo luận về tình trạng nghèo đói trong Thế giới thứ III tin rằng nếu các nước giàu không giàu đến như thế thì các nước nghèo sẽ giàu hơn. Mặc dù chắc chắn là một số người có tài sản là do đã cướp đoạt của một số người khác, nhưng đây không phải là hiện tượng thường gặp.  Còn nếu có những trường hợp cướp đoạt như thế thì giải pháp phải là chuyển sang chế độ thực thi việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người dân.
Nực cười là quan niệm cho rằng thế giới có tổng bằng không lại thường làm cho điều kiện sống ngày càng xấu đi.  Những người đề xướng quan niệm tổng bằng không thường ủng hộ việc tái phân bố các quyền trên diện rộng. Việc tái phân bố như thế thường khuyến khích, thực ra là đòi hỏi, tất cả mọi người cùng tham gia vào cuộc xung đột. Chiến tranh là tốn kém, dù nó có xảy ra trên chiến trường hay trong phòng họp quốc hội thì cũng vậy mà thôi. Khi chính phủ có thể phân phát đặc quyền đặc lợi thì nhiều công dân sẽ cạnh tranh với nhau để giành những đặc quyền đặc lợi đó, trong khi những người khác lại kiên trì vận động nhằm giữ cho bằng được tài sản của mình. Thường thì kết quả chung cuộc là sau khi tái phân phối, tài sản sẽ còn ít hơn là trước khi tái phân phối.
Quyền lực
Những điều bất công nghiêm trọng nhất trong lịch sử loài người đã xảy ra khi một số người có quá nhiều quyền lực đối với những người khác. Đôi khi đấy là quyền lực kinh tế, lúc khác có thể là quyền lực chính trị, nhưng dù thế nào thì khả năng kiểm soát sự lựa chọn của người khác cũng gây ra nhiều đau khổ. Những định chế nào có thể phân chia quyền lực một cách hữu hiệu nhất và ngăn chặn được một số người, không để họ có quyền lực một cách quá đáng đối với cuộc sống của những người khác?
Chỉ có thể trả lời được câu hỏi này sau khi hiểu cách thức hoạt động của thế giới. Dù các định chế có như thế nào đi nữa thì một số ngưới cũng có nhiều quyền lực hơn một số người khác. Vấn đề không phải là bộ luật nào có thể giữ không cho một số người có bất kì sự kiểm soát nào đối với những người khác mà là những định chế nào có thể ngăn chăn một cách hữu hiệu nhất việc tích tụ quyền lực.
Lịch sử đầy những thí dụ về việc lạm dụng sức mạnh cưỡng chế nằm trong tay nhà nước. Vì vậy mà ta phải thận trọng trước những định chế tạo ra sự tập trung quá nhiều quyền lực vào tay nhà nước, ngay cả khi mục tiêu rõ ràng là uốn nắn lại những sự bất công trong nền kinh tế tư nhân. Những xã hội không có quyền tư hữu thường tập trung quá nhiều quyền lực vào tay một ít người và quyền lực này thường bị lạm dụng một cách quá đáng.
Đấy là lí do để ta phải tạo ra trật tự pháp lí trong đó nhà nước buộc người ta phải tôn trọng những điều luật được xác định một cách rõ ràng nhằm nhằm ngăn chặn không chỉ một số người, không cho họ ép buộc người khác phải hi sinh mà không có sự chấp thuận của họ, nhưng đấy còn là trật tự mà nhà nước cũng bị giới hạn, theo nghĩa là những hi sinh mà nó có thể áp đặt lên các cá nhân. Xã hội, trong đó chính phủ không chỉ có trách nhiệm xác định và thực thi quyền sở hữu mà vai trò của nó còn bị giới hạn bởi chính hiến pháp, là sự kết hợp có thể tồn tại một cách lâu dài. Hệ thống như thế sẽ phân chia quyền lực và ngăn chặn, không để một số người buộc người khác phải hi sinh mà không có sự chấp thuận của họ.
Kết luận
Có nhiều lí do để lựa chọn hệ thống sở hữu tư nhân và thị trường. Hệ thống có nhiều đức hạnh hơn là hệ thống có thể buộc người ta phải chịu trách nhiệm trước các hành vi của mình và khuyến khích người ta giúp đỡ kẻ khác chứ không phải là cho phép người ta buộc người khác hi sinh mà không có sự chấp thuận của họ.
Đây không phải là khẳng định rằng hệ thống thị trường có thể thay thế cho xã hội trong đó người dân hành động trên cơ sở đức hạnh. Đức hạnh của cá nhân chắc chắn sẽ góp phần củng cố chủ nghĩa tư bản cũng như củng cố bất cứ hệ thống nào khác. Dù với thể chế nào thì tính trung thực, từ tâm và sự đồng cảm giữa người với người cũng làm cho thế giới của chúng ta trở thành dễ sống hơn. Chủ nghĩa tư bản không thù địch với những đức tính đó. Khi những hệ thống kinh tế khác được mang ra đánh giá trong khuôn khổ đức hạnh thì sẽ xuất hiện những lí lẽ vững chắc ủng hộ cho quyền tư hữu và thị trường. Thương trường và đức hạnh có thể được coi là những tác nhân bổ xung cho nhau trong việc giữ gìn xã hội công bằng.
________
Peter J. Hill là giáo sư kinh tế tại Wheaton College (Illinois) và cộng tác viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế chính trị học (PERC) ở Bozeman, Montana.

Phương Tây sẵn sàng trừng phạt Nga sau cuộc bỏ phiếu ở Crimea

Phiatruoc

Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Cassandra Vinograd & Lara Jakes, AP/Huffington Post
LONDON (Associated Press) – Hiện nay có rất ít hy vọng rằng cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Crimea sẽ được dừng lại và phương tây đã sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga bắt đầu vào thứ Hai tới đây. Nhiều quan chức Hoa Kỳ mô tả rằng Moscow đang tiếp tục phá hoại chính phủ mới thành lập ở Kiev và góp sức gây thêm nhiều thẳng giữa những người phản đối tại Ukraina.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry gặp người đồng nhiệm Nga Sergey Lavrov tại London ngày 14 tháng Ba, 2014 trong nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng Đông-Tây liên quan đến Ukraina. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry gặp người đồng nhiệm Nga Sergey Lavrov tại London ngày 14 tháng Ba, 2014 trong nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng Đông-Tây liên quan đến Ukraina. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã bay đến London vào hôm thứ Sáu để gặp người đồng nghiệm Nga Sergey Lavrov trong một nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng Đông–Tây liên quan đến Ukraina. Vào ngày Chủ nhật tới đây, bán đảo Crimea thân Nga sẽ bỏ phiếu trưng cầu dân ý nhằm tách bản đảo này ra khỏi Ukraina, và có lẽ sẽ sát nhập vào nước Nga vì nhiều người tại đây không muốn các lãnh đạo mới ở Kiev tìm kiếm mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với châu Âu.
Một nhóm nhỏ người biểu tình Ukraina đã tụ tập tại khu vực gần đường Downing ở London với khẩu hiệu “NATO cứu Ukraina” trong lúc chờ đợi ông Kerry ông đến họp với Thủ tướng Anh David Cameron và Ngoại trưởng William Hague trước cuộc hội đàm với ông Lavrov.
Ông Cameron nhấn mạnh lại việc trừng phạt Nga khi trao đổi với Ngoại trưởng Kerry, và nói rằng “chúng tôi [Anh Quốc] muốn thấy nhiều bước tiến bộ cũng như Hoa Kỳ vậy”.
“Chúng tôi muốn thấy Ukraina và Nga trao đổi với nhau. Và nếu họ không làm được thì tất nhiên sẽ có những hậu quả”, ông Cameron nói thêm.
Ông Kerry cảm ơn nước Anh đã đứng cùng Hoa Kỳ và nói “tất cả chúng ta hy vọng sẽ không bị buộc phải làm những điều này. Nhưng chúng ta tiếp tục xem xét những gì sẽ xảy ra trong những ngày tới”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu và Hoa Kỳ đã nhiều lần kêu gọi Moscow rút các toán quân của mình ở Crimea về nước và ngừng khuyến khích lực lượng dân quân địa phương thổi phồng việc bỏ phiếu như một sự lựa chọn để trở lại Nga hoặc quay trở lại thời chủ nghĩa phát xít đen tối của Ukraina trong Thế chiến thứ II, khi một số cư dân tại đây đã hợp tác với những kẻ chiếm đóng thuộc Đức Quốc xã.
Các quan chức phương Tây đã nhiều lần yêu cầu Nga bắt đầu các cuộc đàm phán ngoại giao với Kiev như một cách nhằm giảm căng thẳng tại Ukraina.
Nhưng cuộc bỏ phiếu sắp tới tại Crimea dường đã được sẵn sàng, và các chuyên gia theo dõi tình hình cho biết kết quả gần như chắc chắn sẽ dẫn đến việc ly khai khỏi Ukraina.
Ông Kerry nói trước một ủy ban Thượng viện hôm thứ Năm rằng ông có kế hoạch sẽ nói rõ ràng với người đồng nhiệm Lavrov rằng các bên liên quan đều bị ảnh hưởng nếu diễn biến này không giảm bớt cường độ căng thẳng. Ông đề nghị sẽ áp lực Nga chấp nhận “một cái gì đó ngắn hạn trong chính sách thôn tính đầy đủ” tại Crimea – nhưng ông không nói rõ thêm chi tiết.
“Tất nhiên sẽ có một loại số phản ứng sau cuộc trưng cầu [tại Crimea]. Ngoài ra, nếu không có dấu hiệu giảm bớt cường độ căng thẳng trong cách giải quyết vấn đề này thì cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ sẽ đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt rất nghiêm ngặt vào ngày thứ Hai tới đây”, ông Kerry nói với các thượng nghị sĩ.
“Tôi hy vọng rằng họ [Nga] sẽ nhận thức được rằng cộng đồng quốc tế thực sự rất mạnh mẽ và thống nhất về vấn đề này”, ông nói.
Ý kiến ​​của ông cũng tương tự như lời của Thủ tướng Đức Angela Merkel, người trước đó vài giờ trước cho biết Nga có nguy cơ đối mặt với những hậu quả chính trị và kinh tế “rất lớn” nếu như không xoa dịu lập trường của mình đối với chính phủ mới tại Kiev.
Tình hình tại bán đảo Crimea. Ảnh: AFP
Tình hình quân sự tại bán đảo Crimea. Ảnh: AFP
Ukraina – một quốc gia với quy mô dân số tương tự như Pháp – hiện đang trong một giai đoạn khó khăn giữa mối quan hệ lâu dài, truyền thống với Nga và mối quan hệ kinh tế với phương Tây. Trong nhiều tháng qua, Nga đã hai lần di chuyển hàng ngàn quân đến biên giới Ukraina – điều mà các quan chức Mỹ mô tả là một chiến thuật nhằm đe dọa Kiev trong kịch bản tập dược quân sự.
Hiện nay vẫn chưa rõ rằng liệu Nga có chú ý đến những lời cảnh báo của phương Tây hay không. Moscow đã từ chối rút các toán quân ra khỏi Crimea và tiếp tục không tôn trọng biên giới lãnh thổ của Ukraina. Theo một thỏa thuận an ninh lâu dài với phía Ukraina, Nga được phép triển khai lên đến 25,000 quân tới bán đảo Crimea và được phép đóng lực lượng hải quân ở đó.
“Nói thẳng ra rằng hiện có những giới hạn về các biện pháp trừng phạt và cô lập, đặc biệt khi chúng ta đang nói về một nhân vật vốn không có tính đáp ứng nồng nhiệt trong cả sự nghiệp chính trị trước nhiều vấn đề của phương Tây”, John Norris – chuyên gia an ninh tại Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ ở Washington cho biết. Nhân vật mà ông đang đề cập đến là Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Kerry và Lavrov đã nói chuyện hầu như mỗi ngày từ khi cuộc khủng hoảng Ukraina xảy ra nhưng cho tới nay hai bên vẫn chưa tìm được bất kỳ một điểm chung nào.
Tại buổi điều trần ở Thượng viện, ông Kerry nói rằng Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu sẽ có các biện pháp chống lại Moscow vào ngày thứ Hai tới đây nếu Nga chấp nhận và tiếp tục tác động lên quyết định của Crimea trong việc đòi ly khai khỏi Ukraina. Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu nói rằng cuộc trưng cầu tại Crimea vào ngày Chủ nhật tới đây là vi phạm hiến pháp của Ukraina cũng như luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Nga cho biết họ sẽ tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu tại Crimea.
Trong một chương trình khác nhằm hỗ trợ chủ quyền của Ukraina, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gặp Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatsenyuk hôm thứ Năm, một ngày sau khi ông Yatsenyuk được Tổng thống Barack Obama tiếp đón tại Washington. Nhà Trắng cho biết ông Biden nói với Yatsenyuk rằng Hoa Kỳ “tiếp tục đứng phía sau Ukraina và người dân Ukraina trong việc đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này”.
Chính quyền của ông Obama đã áp đặt một số lệnh trừng phạt đối với các quan chức Nga vì những bất ổn mà các nhân vật này đã gây ra tại Ukraina.
Tuy nhiên, Quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ Năm đã không đưa ra quyết định bỏ phiếu mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga cũng như chưa phê duyệt số tiền tài trợ 1 tỷ USD dành cho Ukraina và kế hoạch của Quỹ Tiền tệ Quốc nhằm giúp Kiev tái cấu trúc nền kinh tế nước này. Thượng viện sẽ không bỏ phiếu về những vấn đề trên cho đến ngày 24 tháng Ba. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa đang mạnh mẽ thúc đẩy một dự luật khác nhằm viện trợ Ukraina do họ tự soạn thảo mà không bao gồm các biện pháp trừng phạt Nga hoặc sửa đổi các quy định của IMF.
Thượng nghị sĩ John McCain đã chỉ trích mạnh mẽ những người trong Đảng Cộng hòa vì không hành động “khi người dân Ukraina than khóc xin sự giúp đỡ của chúng ta”. Ông nói rằng ông chưa bao giờ thấy xấu hổ như hôm nay bởi những hành động của các đảng viên trong đảng của ông.
“Đừng bao giờ tự gọi mình là Đảng Cộng hòa của Reagan”, ông McCain nói. “Ronald Reagan sẽ không bao giờ để những cuộc loại xâm lược loại này xảy ra mà không lên tiếng và chúng tôi không chỉ đề cấp đến các toán quân đội có mặt [ở Crimea]. Chúng tôi đang nói về phản ứng cũng như các biện pháp trừng phạt đối với Vladimir Putin”.
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Những người dân chủ Ukraina có tội lớn (Tổ Quốc) (TQ 177)

Thongluan

“…Những người dân chủ Việt Nam rất cần suy ngẫm bài học Ukraina. Dân tộc nào cũng cần được một tầng lớp trí thức chính trị dẫn đường. Trí thức Ukraina đã có tội lớn nhưng họ vẫn còn hơn hẳn trí thức Việt Nam. Ít ra họ cũng đã hai lần dắt tay nhau đứng dậy lãnh đạo quần chúng đánh gục bạo quyền…”

Điều mà người ta lo lắng cho Ukraina đã xảy ra. Chỉ hai tuần sau khi Yanukovych bỏ chạy nghị viện Crimea, dưới sự điều động lộ liễu của Nga, đã biểu quyết tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 1633 này để nhân dân Crimea chọn lựa tiếp tục thuộc Ukraina, độc lập, hay thuộc Nga.

Trong không khí hiện nay không ai nghi ngờ rằng kết quả sẽ là Crimea tách khỏi Ukraina để hoặc trở thành một nước độc lập hoặc sáp nhập vào Nga. Độc lập vả lại cũng chỉ là một chặng đường trong tiến trình sáp nhập vào Nga. Mặc dù Hoa Kỳ và Châu Âu phản đối kịch liệt Putin vẫn lì lợm làm tới và đã chiếm đóng Crimea trên thực tế. Nga chắc chắn sẽ phải chịu những biện pháp trừng phạt rất đau đớn, nhưng Ukraina sẽ mất bán đảo Crimea trong một thời gian dài, có thể mất vĩnh viễn.

Crimea thuộc Ukraina, hay độc lập, hay thuộc Nga không ảnh hưởng bao nhiêu đến tình hình thế giới. Trong một chừng mực nào đó sự ngang ngược vi phạm lãnh thổ và chủ quyền Ukraina của Putin còn có tác dụng tạo ra những phản ứng trừng phạt góp phần làm sụp đổ nhanh hơn chế độ độc tài tại Nga. Tuy nhiên đối với Ukraina mất bán đảo Crimea là một thiệt hại vô cùng lớn bởi vì bán đảo này là phần lãnh thổ có giá trị vượt trội về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế và chiến lược.

Vì đâu đến nông nỗi này? Dĩ nhiên là tội của Yanukovych. Hắn đã lợi dụng chức vụ tổng thống để cướp bóc thẳng tay đưa Ukraina vào cảnh khánh tận, rồi khi bị nhân dân phản đối và đàn áp không được lại cầu cứu quân Nga. Nhưng có gì đáng ngạc nhiên ở một con người vô học và côn đồ lưu manh như Yanukovych? Những người đáng bị buộc tội là chính những người dân chủ Ukraina.

Ukraina đã có thể xây dựng thành công dân chủ trong hòa bình và ổn vững sau cuộc Cách Mạng Mầu Cam năm 2005. Phe dân chủ đã nắm được chính quyền, đã được cả thế giới hoan hô và đã thực sự cầm quyền, nhưng ngay sau đó đã làm mọi người thất vọng và nhân dân Ukraina phẫn nộ. Cả tổng thống Yushchenko lẫn thủ tướng Tymoshenko đều không có một viễn tượng và một dự án nào cho Ukraina cả. Cả hai đều tồi dở như nhau và đều nghĩ rằng công việc chính của họ là chống phá lẫn nhau. Họ đã làm tan nát đất nước Ukraina đến độ mà sau nhiệm kỳ của họ cử tri Ukraina bầu cho Yanukovych, một tên lưu manh trộm cắp mà thành tích đã rõ ràng, thay vì bầu cho họ. Yanukovych đã được bầu một cách hợp pháp. Chính những người cầm đầu cuộc Cách mạng Mầu Cam, do sự bê bối của họ, đã đưa Yanukovych lên cầm quyền. Tội của họ rất lớn.

Những người dân chủ Ukraina năm 2014 cũng đã rất thô vụng. Thay vì chấp nhận nhượng bộ bầu lại quốc hội và tổng thống của Yanukovych họ đã khăng khăng đòi lật đổ chính quyền ngay tức khắc và tự đặt vào thế bất hợp pháp, tạo điều kiện cho Putin can thiệp. Họ không hiểu rằng Yanukovych và Putin không từ một thủ đoạn nào trong khi họ không thể tự vệ và Châu Âu và Hoa Kỳ không thể có những biện pháp mạnh. Cũng như các đàn anh của cuộc Cách Mạng Mầu Cam trước đây họ không có một dự án chính trị nào cả ngoài lập trường thân Phương Tây. Thảm kịch thực sự của Ukraina ngày trước và bây giờ vẫn thế, đó là một thảm kịch trí thức.

Những người dân chủ Việt Nam rất cần suy ngẫm bài học Ukraina. Dân tộc nào cũng cần được một tầng lớp trí thức chính trị dẫn đường. Trí thức Ukraina đã có tội lớn nhưng họ vẫn còn hơn hẳn trí thức Việt Nam. Ít ra họ cũng đã hai lần dắt tay nhau đứng dậy lãnh đạo quần chúng đánh gục bạo quyền.

Ban biên tập Tổ Quốc

Trách nhiệm đối với tù nhân lương tâm: Đúng việc, đúng cách (Nguyễn Đình Thắng)

Thongluan

“…Tù nhân lương tâm đã và đang hy sinh cho quyền lợi chung của cả dân tộc và tương lai của đất nước. Chúng ta phải trân quý họ, có trách nhiệm bảo vệ họ khi còn trong tù và giải thoát họ khỏi cảnh tù đày. Chúng ta không thể chỉ làm những việc tiện cho mình, mà phải làm đúng việc. Chúng ta không thể hành động hời hợt…”
Tù nhân lương tâm là những người đã và đang hy sinh rất nhiều cho dân tộc và đất nước. Khi họ lâm nạn thì chúng ta có trách nhiệm bảo vệ và giải cứu họ. Và phải đạt kết quả.
Kết quả phải đạt là tù nhân lương tâm không những được trả tự do mà còn phục hồi được khả năng tranh đấu. Điều này đòi hỏi sự chú tâm dài hạn cho từng tù nhân lương tâm một và phải bao gồm cả 5 lĩnh vực nhu cầu.
Thứ nhất là đời sống, như thăm nuôi, thuốc men, chăm lo cho thân nhân phụ thuộc.
Thứ hai là bảo vệ pháp lý, gồm cả đại diện trước toà án Việt Nam và lập hồ sơ nộp với cơ quan Liên Hiệp Quốc để đòi công lý.
Thứ ba là an toàn bản thân để không bị ngược đãi, cưỡng bức lao động, tra tấn, hay khước từ dịch vụ y tế.
Thứ tư là vận động quốc tế để đòi tự do.
Thứ năm là, sau khi có tự do, hồi phục đời sống và khả năng tranh đấu.
Và chúng ta phải làm vậy đồng đều cho mọi tù nhân lương tâm, không bỏ sót một ai.
Tóm lại, muốn đạt kết quả thì công việc chúng ta làm cho tù nhân lương tâm phải vừa rộng, vừa dài, vừa sâu. Như vậy, chúng ta phải có đông người hành động, và hành động phải có phối hợp và trong sự phân nhiệm rõ ràng.
Trong chiều hướng đó, BPSOS phát động Chiến Dịch Đòi Tự Do Cho Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam vào tháng 7 năm ngoái.
Một mặt chúng tôi kêu gọi đồng hương mỗi người (hay nhóm người) kết nghĩa với một tù nhân lương tâm: hỗ trợ tinh thần cho gia đình, giúp đỡ vật thể theo khả năng và theo dõi tình trạng an nguy của tù nhân lương tâm. Người kết nghĩa sẽ đồng hành với người tù lương tâm cho đến khi người ấy được tự do và phục hồi lại cuộc sống và khả năng tranh đấu.
BPSOS phối hợp việc kết nghĩa để bảo đảm rằng sự quan tâm được phân bổ đồng đều, tránh tình trạng người thì nhận nhiều giúp đỡ người thì bị lãng quên. 
Đồng thời BPSOS lập quỹ dự phòng và huấn luyện nhân sự chuyên môn để sẵn sàng can thiệp trong những trường hợp đặc biệt vượt quá khả năng của người kết nghĩa. Đây là sự phân nhiệm cần thiết để vừa trải rộng lại vừa đi sâu.
Với sự phân nhiệm này, từ nay chúng tôi sẽ không còn nhận chuyển tài trợ cho tù nhân lương tâm theo chỉ định của đồng hương nữa. Chúng tôi muốn tập trung can thiệp trong những trường hợp đòi hỏi chuyên môn. Ai muốn trợ giúp cho cá nhân nào thì xin kết nghĩa với tù nhân lương tâm ấy.
Tóm lại, nếu đồng hương:
(1)muốn giúp riêng một tù nhân lương tâm, thì xin kết nghĩa với người ấy dài hạn. Chúng tôi sẽ giới thiệu Quý Vị với tù nhân lương tâm chưa ai kết nghĩa và sẽ hướng dẫn cách theo dõi tình trạng của tù nhân lương tâm. Danh sách tù nhân lương tâm được cài đăt tại: democraticvoicevn.files.wordpress.com/2013/11/danh-sach-tu-nhan-luong-tam-viet-nam-de-ket-nghia-03-13-14.pdf. Chữ mầu xanh là những người đã được kết nghĩa. Danh sách này sẽ được bổ sung.
(2) muốn giúp chung cho mọi tù nhân lương tâm, thì xin đóng góp vào Quỹ Tù Nhân Lương Tâm của BPSOS hay giúp chúng tôi gây quỹ.
Tù nhân lương tâm đã và đang hy sinh cho quyền lợi chung của cả dân tộc và tương lai của đất nước. Chúng ta phải trân quý họ, có trách nhiệm bảo vệ họ khi còn trong tù và giải thoát họ khỏi cảnh tù đày. Chúng ta không thể chỉ làm những việc tiện cho mình, mà phải làm đúng việc. Chúng ta không thể hành động hời hợt, ngắn hạn, khập khiễng. Họ xứng đáng để chúng ta giúp hết lòng, dấn thân dài hạn, và đạt kết quả.
Đó là điều tôi thiết tha kêu gọi.
Mọi thông tin và trao đổi ý kiến, xin liên lạc: bpsos@bpsos.org
Ngày 13 tháng 3, 2014
Nguyễn Đình Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét