Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Ba ngày lịch sử đáng để được tưởng niệm -Mất Gạc Ma, ai có lỗi? - Họp mặt các tổ chức Xã hội dân sự tại Sài Gòn

Ba ngày lịch sử đáng để được tưởng niệm

Trong ký ức, ngày 14-3 của 26 năm về trước, tại bãi đá ngầm Gạc-Ma, Cô-Lin và Len-Đao thuộc quần đảo Trường Sa, đã xảy một trận chiến lịch sử đau thương. Một bên là hải quân Trung Quốc với tàu chiến và hỏa lực mạnh, và một bên là lính hải quân Việt Nam trong tay không có vũ khí nào ngoài ngọn cờ thể hiện chủ quyền. Kết quả cuộc chiến không cân sức đó diễn ra trong chớp nhoáng, và làn mưa đạn kẻ thù xâm lược đã cướp đi 64 sinh mạng của chiến sĩ hải quân Việt Nam. Trước sức mạnh không thể đối chọi của quân thù, những chiến sĩ Việt Nam vẫn nắm chắc ngọn cờ, giành giữ chủ quyền, chấp nhận hy sinh cho tổ quốc, nhất định không khuất phục. Máu của các anh đã đổ xuống biển Đông, và các anh vĩnh viễn nằm lại trong lòng mẹ đất Việt ở vùng đảo đó.

Sự hy sinh của 64 chiến sĩ này dù là sự kiện lịch sử đau thương trong quá khứ. Vì vậy, hôm nay, ngày này chúng ta không thể nào quên và phải có những hành động Tri Ân thiết thực. Sự tri ân đó không những chỉ là sự bù đắp về tiền bạc, vật chất cho người thân của họ, vì sự bù đắp đó không thể nào tương xứng. Những người lính hy sinh cho tổ quốc, dù ở thời đại, chế độ nào cũng không bao giờ nghĩ đến sự đền đáp. Sự tri ân phải có một giá trị vĩnh cửu là được chính thức đưa vào kỷ niệm hằng năm theo cấp độ nhà nước, có tính qui mô rộng rãi trong phạm vi toàn quốc như kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng thời, sự kiện này phải đưa vào chương trình giáo khoa môn lịch sử giảng dạy trong học đường để các thế hệ đi sau biết đến mà ghi nhớ và trân trọng.

Sự kiện Hải chiến Trường Sa (14-3-1988), chiến tranh biên giới Việt–Trung (17-2-1979) và sự Hải chiến Hoàng Sa (19-1-1974) đều hoàn toàn giống nhau về bản chất, đều thể hiện truyền thống chống xâm lăng của dân tộc Việt -- dù có khác nhau về thời gian và không gian. Cả ba cuộc chiến này đều nhằm bảo vệ cho sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam. Những chiến sĩ hy sinh đều là những người con dân dòng giống Lạc Hồng, và đã anh dũng chiến đấu chỉ vì “một Việt Nam“ thân yêu, chứ không vì một đảng phái hay chế độ chính trị nào.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn “ và trên tinh thần hòa hợp dân tộc, đúng ra nhà nước Việt Nam phải có thái độ đúng đắn, khách quan và công bằng: Không vì "lý do đối ngoại" với Trung Quốc hay định kiến chính trị mà đối xử phân biệt đối với những chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm và hy sinh cho chủ quyền của đất nước.

Tiếc là nhà nước VN đã hành xử ngược lại:

- Ngày 18-01-2014, thành phần lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN buộc chính quyền thành phố Đà Nẳng phải hủy “ chương trình ca nhạc, hát về biển đảo quê hương và thắp nến tri ân hướng về Hoàng Sa “ mà thành phố đã hoạch định chương trình từ trước.

- Ngày 19-01-2014, nhà nước VN cho công an trá hình công nhân giả làm công trình cưa đá gây bụi và dùng loa phóng thanh ngăn trở buổi lễ tưởng niệm 74 chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa đã xả thân anh dũng hy sinh vì tổ quốc nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc đem quân cưỡng chiếm Hoàng Sa.

- Ngày Chủ nhật 16-2-2014, nhà nước VN lại tổ chức cho người vào công viên Lý Thái Tổ - Hà Nội múa hát, nhảy nhót quay cuồng nhố nhăng, để ngăn phá lễ tưởng niệm chiến tranh biên giới Việt-Trung của các nhân sĩ trí thức yêu nước

- Ngày 14-3-2014, nhà nước VN cũng không phát động lễ tưởng niệm một cách qui mô toàn quốc, mà chỉ để người phát ngôn nhà lãnh đạo Việt Nam lên tiếng đại diện tri ân lấy lệ. Lễ tưởng niệm chỉ được thực hiện âm thầm bởi các nhóm người yêu nước.

Trong khi đó, suốt trong ba tháng đầu năm 2014, những vụ tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam luôn bị tàu hải quân Trung Quốc liên tục tấn công trong khu vực biển Hoàng Sa – Trường Sa như là hải tặc (mà báo chí VN cư gọi là"tàu lạ") lại không được đem ra bàn thảo trước Quốc Hội, hay được nhà phát ngôn của Bộ Ngoại giao VN lên tiếng can thiệp. Hải quân VN cũng không đi tuần tra bảo vệ lãnh hải, khiến ngư dân ta phải luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi ra khơi.

Tất cả những hành xử trên cho thấy rằng Đảng CS, nhà nước VN, vì muốn duy trì sự bảo hộ quyền lực lãnh đạo từ phương Bắc, đã khiếp nhược gần như tê liệt ý chí phản kháng. Lịch sử ta ghi nhận truyền thống đối đầu khôn ngoan, hiếu hòa của Ông Cha trong hơn ngàn năm Bắc thuộc song chưa có triều đại nào lại chấp nhận lệ thuộc một cách bị động, yếu hèn như hiện nay.

Ngày 19-1-1974, ngày 17-2-1979 và ngày 14-3-1988 là ba ngày lịch sử cần được chính phủ Việt Nam công khai tuyên dương và tưởng niệm để khẳng định chủ quyền nước nhà và ý chí chống xâm lăng bất khuất theo truyền thống của dân tộc ta. Đi ngược lại tinh thần đó là mâu thuẫn với mục đích cuộc chiến "chống Pháp" và "chống Mỹ" mà đảng CSVN luôn hô hào và đã hy sinh hằng triệu sinh mệnh người yêu nước ở cả hai miền.

Viết tại Gia Lai (VN) ngày 14-3 -2014

(nhân ngày tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh tại Trường Sa)
Mục sư Hồng Trung
(Thành viên ĐVDVN)
www.dangvidan.net

Ls Trần Hồng Phong - Mất Gạc Ma, ai có lỗi?

Mỗi năm cứ đến tháng 2, tháng 3, mỗi người Việt Nam không thể không nhớ về hai trận chiến với quân Trung Quốc xâm lược: chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979 và trận đánh ở Trường Sa, tại 3 đảo Len Đao, Cô Lin và Gạc Ma. Mà kết quả là chúng ta đã mất Gạc Ma vào tay Trung Quốc, dù các chiến sỹ hải quân Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh vô cùng dũng cảm.

Lịch sử Việt Nam từ khi Đảng cộng sản nắm quyền lãnh đạo đất nước, sự kiện mất lãnh thổ (đảo Gạc Ma) là điều chưa từng xảy ra trước đó (không kể sự kiện Trung Quốc bất ngờ đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, trong thời kỳ chính quyền Miền Nam quản lý). Trong suốt khoảng 1.000 năm sau khi thoát khỏi ách đô hộ của giặc phương Bắc, Việt Nam chỉ có mở mang bờ cõi. Chứ chưa bao giờ bị mất lãnh thổ.


Tôi đã đọc nhiều bài viết, xem nhiều hình ảnh về trận đánh ở đảo Gạc Ma sáng ngày 14-3-1988. Như mọi người VN, tôi tự hào và hết sức xúc động, nhưng cũng luôn cảm thấy xôn xang khi thấy hình ảnh các chiến sỹ của chúng ta trên đảo Gạc Ma, tay nắm chặt tay nhau thành một hàng dài, nước biển ngập ngang bụng, quyết giữ lá cờ Tổ quốc và lần lượt gục ngã trước những loạt đạn đại liên tàn bạo của bọn Trung Quốc từ tàu chiến bắn vào.

Một câu hỏi không thể không đặt ra và cũng không phải của riêng tôi: tại sao các chiến sỹ của ta không bắn trả vào kẻ thù, nhất là khi chúng đã nã đạn vào ta trước và đang tấn công lên bờ, chiếm đảo Gạc Ma?

Tôi tin chắc rằng bộ đội ta không bắn trả hoàn toàn không phải vì không có vũ khí trong tay, hay sợ hãi. Mà nhiều người nói rằng sở dĩ bộ đội ta không bắn trả vì các anh được lệnh không được nổ súng (!?). Thực hư của việc này chưa bao giờ được làm sáng tỏ.

Theo một nguyên tắc thông thường, dù không hiếu chiến, nhưng chúng ta không thể sợ hãi và đặc biệt không thể không đánh trả, không nổ súng khi kẻ thù tấn công xâm lược lãnh thổ nước ta. Trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc, việc đấu tranh trên bàn ngoại giao thì không có tiếng súng, nhưng trên chiến trường không thể không đánh trả, không nổ súng. Nếu không, thì chẳng nước nào cần có quân đội, cần sản xuất hay trang bị vũ khí làm gì.

Từ xưa người Việt đã có câu “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Năm 1946, trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi “Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.”

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979, quân và dân ta nếu không đánh trả, không bắn vào lũ xâm lược thì liệu có đuổi chúng ra khỏi biên giới hay không?

Tôi không nói nếu bộ đội ta nổ súng thì sẽ bảo vệ được đảo Gạc Ma. Nhưng nếu quả thực có người nào đó đã chỉ đạo bộ đội không được nổ súng kể cả khi giặc đã bắn và tiến công chiếm đảo, thì cần phải xem xét, làm sáng tỏ tính hợp lý hay bất hợp lý của mệnh lệnh này.

Thời điểm đó, đại tướng Lê Đức Anh đang là Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Vậy, ông có biết hay có liên quan gì đến việc chỉ đạo bộ đội không bắn trả quân Trung Quốc xâm lược tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 hay không?

Theo quan điểm của tôi, bất luận thế nào, thì việc mất đảo Gạc Ma vào tay Trung Quốc rõ ràng là một thất bại, ít nhất về mặt quân sự. Việc mất Gạc Ma trên thực tế đã làm thay đổi, tạo ra một cục diện hoàn toàn mới về bố trí lực lượng, ảnh hưởng đến chiến thuật, chiến lược bảo vệ lãnh thổ tại biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa nói riêng.

Trung Quốc từ chỗ không có gì đã có được một “chiến hạm nổi” cắm ngay giữa và chen vào khu vực lãnh thổ của Việt Nam. Từ đó, dẫn đến việc Trung Quốc có thể dễ dàng hơn rất nhiều trong việc đưa tàu chiến vào khu vực hoặc mở rộng quy mô quân sự tại khu vực này. Lấy ngay Hoàng Sa làm ví dụ. Nay từ chỗ là của Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn Trung Quốc đã thành lập thành phố Tam Sa, xây dựng sân bay, hải cảng ở đây – trực tiếp đe dọa đến an ninh, quyền lợi kinh tế biển của dân tộc ta.

Việc mất đảo Gạc Ma có thể xem là một thất bại về mặt quân sự hay không? Nếu vậy, sử sách đã ghi nhận gì về thất bại này? Bài học kinh nghiệm nào được rút ra?

Sở dĩ tôi đặt vấn đề như vậy, là vì trong sách giáo khoa lịch sử của Việt Nam hiện nay, hầu hết các trận đánh thắng của quân đội ta, dù quy mô và mức độ ác liệt, hay thậm chí là ý nghĩa lịch sử không bằng trận Gạc Ma, nhưng đều được phân tích, chỉ ra nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm (do tài lãnh đạo của Đảng, tinh thần chiến đấu dũng cảm, khối đoàn kết quân dân …vv). Vậy trận Gạc Ma thì sao?

Suốt 26 năm qua, chưa bao giờ thấy Đảng và Nhà nước nói một lời xin lỗi hay nhận trách nhiệm về việc mất Gạc Ma. Theo tôi, ít nhất là Bộ trưởng quốc phòng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc mất đảo Gạc Ma.

Mới đây đầu tháng 3-2014, tôi có đọc bài báo “Lời hứa của tướng Lê Đức Anh ở Trường Sa lớn” đăng trên báo điện tử Vietnamnet. Theo đó, được biết năm 1988, đại tướng Lê Đức Anh có chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa, dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam tại đảo Trường Sa lớn. Tại đó, đại tướng Lê Đức Anh đã có bài phát biểu khá đặc biệt. Nói đặc biệt là bởi vì ngoài việc động viên và kêu gọi bộ đội kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ - điều hiển nhiên tất yếu, thì tướng Lê Đức Anh đã dành rất nhiều câu chữ (hơn ¼ bài phát biểu) để ca ngợi Trung Quốc! Cụ thể đại tướng Lê Đức Anh đã phát biểu như dưới đây:

“Trong những năm 50 và những năm 60 quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trong những năm từ 1965 đến 1970 là rất to lớn và hiệu quả. Nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân Trung Quốc đã dành cho mình.

Mặt khác, thắng lợi của chúng ta cũng đã góp phần đáng kể phá vỡ sự bao vây của đế quốc Mỹ đối với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Năm 1976, Đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đi thăm và cảm ơn các nước và bầu bạn trên thế giới đã ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ. Tới Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc đối với sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, thì người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ đã nói: Trung Quốc cảm ơn Việt Nam, chính nhờ Việt Nam chống Mỹ mà Tổng thống Mỹ đã phải thân hành đến Trung Quốc để cầu thân với Trung Quốc".

“Nói tóm lại cả hai nước đã giúp đỡ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, với tinh thần anh em sâu đậm. Chúng ta đinh ninh rằng tình sâu nghĩa nặng đó sẽ kéo dài mãi mãi và nhất định nó sẽ xóa nhòa, đi đến xóa hẳn trong ký ức của dân tộc Việt Nam những tội lỗi mà các triều đại phong kiến Trung Quốc đã gây đau khổ cho dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đô hộ”.

“Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước”.

Nếu như bài phát biểu đó vào thời điểm sau những năm 1990, sau khi Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, thì không có gì để nói.

Nhưng tại thời điểm năm 1988 đó, quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc vẫn còn khá căng thẳng, dư âm của cuộc chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979 vẫn còn rất lớn. Khi đó, tôi đang học ở một trường đại học tại TP.HCM, tôi còn nhớ rất rõ nội dung bài học chính trị quân sự cho sinh viên xác định rõ “Trung Quốc là kẻ thù trước mắt” của Việt Nam. (Điều này hoàn toàn có thể kiểm chứng qua báo chí giai đoạn này).

Chính vì vậy, theo tôi việc Bộ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam hết lời khen ngợi Trung Quốc tại thời điểm đầu năm 1988 là bất thường. Hay ít nhất là không phù hợp, một cái nhìn chủ quan và phiến diện về Trung Quốc. Thực tế cho thấy ngay sau đó Trung Quốc đã tấn công và chiếm đảo Gạc Ma của chúng ta. (Nếu so sánh với lời của đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ quốc phòng năm 1979, kêu gọi và phản đối quân Trung Quốc xâm lược thì thật là khác nhau một trời một vực).

Thiết nghĩ lịch sử cần được ghi nhận một cách chính xác và khách quan. Chính nhờ sự chính xác của lịch sử, mà ngày nay chúng ta biết đời nhà Trần có chuyện đại thần Trần Ích Tắc phản bội theo giặc, có chuyện vua Trần triệu tập Hội nghị Bình Than mời bô lão cả nước tham nghị việc hòa hay chiến với giặc Nguyên. Hay chuyện vua Lê Chiêu Thống vì muốn giữ ngai vàng đã rước giặc Thanh vào Thăng Long…

Lịch sử và sự phát triển của bất kỳ dân tộc nào, hiển nhiên sẽ luôn có những sự việc mà hậu thế sẽ đánh giá là “đúng”, hay “sai”, đối với cá nhân thì là “công” hay “tội”.

Hiện nay, Trung Quốc đã và đang gây ra những ảnh hưởng có thể nói là rất mạnh và toàn diện vào đất nước Việt Nam. Người “lao động” Trung Quốc ngày càng nhiều và có mặt khắp nơi trên đất nước ta, kể cả ở những nơi có vị trí nhạy cảm, xung yếu về quân sự, gây nên mối lo ngại về việc hình thành những làng, những khu phố Trung Quốc trong tương lai. Hãy hình dung như trường hợp bán đảo Crimea ở Ukraine những ngày qua, khi người dân nơi đây với số đông là người gốc Nga bỗng dưng đòi tách ra khỏi Ukraine, sáp nhập vào Nga. Và Nga thì đem quân tới chiếm đóng, nhiệt liệt ủng hộ những người ly khai. Nhiều người Việt Nam đã công khai bày tỏ sự lo ngại.

Thực tế, ngay tại Việt Nam từ sau năm 1975 cũng đã từng có ít nhất 2 cuộc “đấu tranh” hay “bạo động” của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đòi thành lập nhà nước độc lập. Về lý thuyết, pháp luật cho phép người dân bầu ra người lãnh đạo tại địa phương, ngược lại lãnh đạo có nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho những người bầu ra mình. Gần đây, chúng ta thấy có chuyện “tranh cãi” giữa Quảng Nam và Đà Nẵng về chuyện thủy điện, giữa Đồng Nai với Bộ TNMT về chuyện đường vận chuyển bô xít. Đó là những minh họa rất rõ ràng về sự tiềm ẩn xung đột quyền lợi mang tính sắc tộc, địa phương.

Trong khi chúng ta cần nhớ rằng Trung Quốc luôn là nước gây căng thẳng và có chiến tranh biên giới với rất nhiều nước láng giềng như với Liên Xô (những năm 1960), Ấn Độ, hay Việt Nam (năm 1979)… Và tới nay chưa bao giờ ngưng căng thẳng biên giới với Nga, Ấn Độ.

Trong sự kiện mất đảo Gạc Ma, liệu có bao giờ những người có trách nhiệm cao nhất của đất nước tự hỏi vì sao? ai có lỗi gì?
Trần Hồng Phong
 
(Quê choa)

Đàn ông Việt còn phải học nhiều để... 'bằng' phụ nữ

Chúng ta không chỉ cố gắng làm cho phụ nữ "bằng" được như đàn ông, mà có rất nhiều thứ đàn ông cần phải học và thay đổi để "bằng" được phụ nữ.
>> Người Việt thật vui tính!
Quá trình "đóng khung" Phụ nữ Việt
Trong suốt hai nghìn năm qua, Nho giáo liên tục được truyền bá và gây ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa người Việt. Hệ tư tưởng này đã dần dần tạo ra các thiết chế nhà nước và các khuôn mẫu xã hội để nhốt người Phụ nữ Việt lại, và gắn nhãn cho họ thông qua các giá trị được gọi là "Tam tòng, Tứ đức". Những giá trị ấy đến tận ngày nay vẫn còn được sử dụng thường xuyên trong các cuộc thi Hoa hậu hay người đẹp.
Nho giáo, đi liền với cái được gọi là "phụ quyền" hay "gia trưởng" đã góp phần triệt tiêu các kháng cự của người phụ nữ trong quá khứ, khiến họ dần dần chấp nhận nó như một điều hiển nhiên. Từ đó, rất nhiều Phụ nữ Việt trở thành vừa là "nạn nhân" lại vừa là "thủ phạm" của quá trình tạm gọi là "đóng khung" phụ nữ này.
Có thể thấy rõ điều này vẫn còn hiện hữu trong xã hội của chúng ta ngày nay. Chẳng hạn, khi một người Phụ nữ vốn từng bị mẹ chồng hành hạ, bắt phải sinh được trai, về sau lại bê nguyên mô hình đó áp dụng cho con dâu mình và lấy làm tự hào vì đã làm tròn bổn phận với gia đình nhà chồng.
Nói như vậy không có nghĩa là chỉ có Nho giáo mới khiến cho Phụ nữ giảm hay mất đi các Quyền của mình trong xã hội ngày trước. Nếu xét rộng ra trên bình diện thế giới, có thể thấy là bất cứ ở nơi đâu một khi quá trình tư hữu về tài sản xảy ra, nơi nam giới sở hữu được nhiều tài sản hơn thì ở đó chế độ gia trưởng bắt đầu bén rễ và khẳng định vị thế của người đàn ông trong xã hội.
Dần dần, nhiều người mặc nhiên chấp nhận rằng nam giới nên làm những việc được cho là lớn lao, còn phụ nữ thì nên ở nhà và làm tốt nữ công gia chánh? Đặc biệt nó đã tạo ra một cách hiểu rất đơn giản là do thiên chức của chúng ta khác nhau, nên người nào cũng nên làm tốt thiên chức của người đó. Nhưng bản chất của vấn đề đó chính là "mất cân bằng về Quyền và Quyền lực" giữa Nữ và Nam trong rất nhiều lĩnh vực đời sống mà cụ thể là tạo thu nhập, phân công lao động và sở hữu tài sản.
đàn ông, phụ nữ, bình đẳng giới, Nho giáo
Ảnh minh họa
Những định kiến về bình đẳng giới
Trên thế giới hiện này, người ta vẫn chủ yếu dựa vào 4 tiêu chí chính để đánh giá mức độ Bình đẳng giới, đó là (1) Tham gia vào các hoạt động và cơ hội kinh tếi; (2) Giáo dục tại các cấp học; (3) Sức khỏe và tuổi thọ; và (4) Phụ nữ tham chính. Dựa trên các tiêu chí này, Việt Nam chúng ta trong mấy năm qua luôn nằm trong nhóm giữa về chỉ số Bình đẳng giới  trên thế giới (năm 2013, xếp hạng thứ 73 trên tổng số 136 nước được khảo sát).
Xét trên tổng thể thì đây không phải là vị trí quá quan ngại. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, bên cạnh một số thành quả tích cực, chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc một số vấn đề mà tôi tạm gọi là "định kiến" trong nghiên cứu về giới tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất, quan điểm cho rằng bàn về giới là nói về Phụ nữ, trong khi đây là vấn đề của cả hai giới Nam và Nữ. Đặc biệt rất nhiều người làm về giới có suy nghĩ rằng các bất cập liên quan đến giới chỉ có thể được giải quyết khi người Phụ nữ được tạo quyền và giành được nhiều lợi thế hơn trong "cuộc chiến" đòi hỏi các Quyền từ Nam giới.
Tuy nhiên, thực tế, giải quyết vấn đề này chỉ là tìm ra các nguyên nhân gây nên "khoảng cách" giữa Nam và Nữ trong mỗi cộng đồng nhất định và tìm cách loại bỏ nó bằng các phương pháp khác nhau mà thôi.
Thứ hai, khi nói về giới, người ta thường nghĩ ngay đến lỗi là của Đàn ông. Và để chứng minh cho luận điểm này, người ta thường xây dựng hình ảnh người đàn ông Việt theo mô-típ gia trưởng, bảo thủ, hung hãn, nghiện ngập, bạo lực, v.v... Trong thực tế, ở đâu đó có thể có những vấn đề này xảy ra, nhưng nó thực sự không đại diện cho hình ảnh đàn ông Việt.
Thứ ba, nhiều người vẫn quan niệm bình đẳng giới nghĩa là phải đạt được sự "bằng nhau" trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, và trong cuộc chiến này, Phụ nữ luôn bị yếu thế nên họ cần được bảo vệ và tăng cường nhận thức về giới.
Trong thực tế, nếu so với các đặc tính gắn với đàn ông như cơ bắp, mạnh mẽ, hung hãn, gây gổ hay áp đặt, v.v... thì  các đặc điểm chung gắn liền với nữ giới như: hiền hậu, quan tâm, nhẹ nhàng, mềm mại hay trung hậu, đảm đang, v.v... mang nhiều nhân tố tính tích cực hơn và đây là những đức tính cần cho một xã hội văn minh mà chúng ta đang hướng tới. Như vậy, chúng ta không chỉ cố gắng làm cho phụ nữ "bằng" được như đàn ông, mà có rất nhiều thứ đàn ông cần phải học và thay đổi để "bằng" được phụ nữ.
Thứ tư, chúng ta luôn nói về bình đẳng giới trong khi trong cách nghĩ của rất nhiều người làm về giới, trong đó có các Quan chức vẫn còn tồn tại khái niệm "chỉ tiêu" và "cơ cấu" cho phụ nữ tham chính. Chỉ khi chúng ta cho rằng Phụ nữ kém hơn Nam giới trong lĩnh vực chính trị thì chúng ta mới phải "tạo cơ hội" hoặc "ưu tiên" họ như vậy.
Khi mà trường học vẫn còn dạy con trẻ những đức tính cao cả của phụ nữ, cổ xúy cho đức sự hy sinh vì chồng con, đồng thời định vị đàn ông với trách nhiệm mà anh ta phải gánh vác cho gia đình và xã hội, thì khi ấy chúng ta vẫn ở trong khối bùng nhùng của cuộc đấu tranh vì Quyền Phụ nữ.
Trên tất cả, có một tiêu chí vô cùng quan trọng mà các nhà nghiên cứu thế giới có vẻ đã quên hoặc lờ đi khi phân tích về bình quyền Nam Nữ. Đó chính là Tình yêu, bởi vì nếu không có tình yêu thì cuộc sống gia đình cũng chẳng thể tốt đẹp được, cho dù bạn có đạt được sự bình đẳng đến đâu đi nữa.
Trần Văn Tuấn

Đa chấn thương, tử vong,…sau khi bị công an hỏi cung

http://www.baodatviet.vn/doi-song/te-nan-xa-hoi/da-chan-thuong-tu-vongsau-khi-bi-cong-an-hoi-cung-3003723/
http://118.69.168.115/staticfile/Subject/2014/03/15/battinh_b3d72_ntvl_1589474.jpg
ột người dân bị thương khi làm việc với công an.
(Tệ nạn xã hội) – Hàng loạt vụ công an hành hung, đánh đập người dân dẫn đến chấn thương, tử vong trong phòng hỏi cung thời gian qua đang khiến dư luận phẫn nộ.
Liên tục trong thời gian gần đây nhiều vụ người dân bị sưng mắt, tím bầm, thậm chí chết bất thường sau khi làm việc với công an đã khiến dư luận nghi vấn về cách làm việc lạ ở đồn công an.
Mới đây, ngày 9/3, công an huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã ra quyết định xử phạt đối với Trưởng công an xã Hạ Trạch, Nguyễn Văn Huân vì đã cố ý đánh người gây thương tích cho ông Lê Chiểu Hạnh (trú tại xóm 9, xã Hạ Trạch). Ông Hạnh được mời về trụ sở công an xã để làm việc sau khi có hành vi tát vào mặt ông Ngọc do mâu thuẫn về việc đàn bò nhà ông Ngọc phá hàng rào nhà ông Hạnh. Tại trụ sở công an xã, bất ngờ vị Trưởng công an xã Hạ Trạch đã khóa trái cửa rồi dùng tay, chân đấm đá liên tục vào người đến khi ông Hạnh ngã quỵ xuống nền nhà.
Trước đó, sáng 12/2, nạn nhân Nguyễn Hồng Khởi (21 tuổi quê Nghệ An) sau khi làm việc với công an phường Linh Xuân (quận Thủ Đức, TP.HCM) đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Sau đó, anh Khởi đã tố bị công an đánh đến nhập viện. “Họ dùng dùi cui, dép đánh vào mặt, đầu và lên gối vào mặt em”, anh Khởi kể lại.
Một người dân bị thương khi làm việc với công an.
Một người dân bị thương khi làm việc với công an.
Sắp tới, 5 cựu cảnh sát điều tra Công an TP Tuy Hòa sẽ phải hầu tòa khi bị tố dùng nhục hình hỏi cung khiến nghi can tử vong. Các cựu công an như Nguyễn Tấn Quang (Nguyên thiếu tá – Đội phó điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Tuy Hòa) và các cựu cán bộ điều tra Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Thân Thảo Thành, Đỗ Như Huy. Những người này bị cho là đã dùng nhục hình với anh Ngô Thanh Kiều (32 tuổi, huyện Tây Hòa, Phú Yên) khiến nạn nhân tử vong.
Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Đoàn luật sư Hà Nội, Chủ tịch hội đồng khen thưởng, nếu người thi hành công vụ dùng nhục hình đối với nghi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 298 BLHS về tội dùng nhục hình, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 299 BLHS về tội bức cung. Còn nếu người thi hành công vụ đánh người đẫn đến tử vong thì phạm tội Làm chết người trong khi thi hành công vụ qui định tại điều 97 BLHS.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến.
Nói về việc nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tình trạng người dân bị đánh khi làm việc tại đồn công an thì nên lắp camera ở phòng hỏi cung từ cấp xã trở lên. Luật sư Tiến nhận định, nếu có điều kiện để lắp được camera ở tất cả các phòng hỏi cung từ cấp xã trở lên thì sẽ giúp làm sáng tỏ sự minh bạch trong phòng hỏi cung nhưng ở nước ta với điều kiện như hiện nay thì khó có thể làm được điều này. Hơn nữa, camera chỉ có thể hạn chế phần nào thôi chứ không thể tránh được việc làm sai trái của người thi hành công vụ, bởi camera không thể ghi được suy nghĩ của con người.
“Sai phạm là do con người đang thực thi công vụ gây ra do vậy phải đào tạo bồi dưỡng pháp luật cũng như giáo dục đạo đức nghề nghiệp thường xuyên cho họ. Đây mới là công việc bền vững, cần thiết và cơ bản để trách sai phạm pháp luật của người thi hành công vụ”, Luật sư Tiến phân tích.
Theo Kiến thức

Họp mặt các tổ chức Xã hội dân sự tại Sài Gòn

Lúc 14h ngày 14/03/2014, các tổ chức xã hội dân sự đã tổ chức họp mặt tại chùa Liên Trì, quận 2, thành phố Sài Gòn. Tham dự buổi họp mặt có đại diện các tổ chức: Cựu tù nhân lương tâm, Phụ nữ nhân quyền Việt Nam, Hội Dân oan Việt Nam. 
1 
Các tổ chức xã hội dân sự gặp mặt tại Sài Gòn.
Đến tham gia có các cựu tù nhân lương tâm, blogger, nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền như: ký giả Trương Minh Đức, nhà báo Phạm Chí Dũng, Đại đức Thích Không Tánh, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Phạm Bá Hải, Châu Văn Thi, Huỳnh Trọng Hiếu, Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Thanh Phong, Trần Thị Hài, Nguyễn Xuân Ngữ… Nhân dịp này đại diện Hội cựu tù nhân lương tâm và Hội phụ nữ nhân quyền cũng trao 2 phần quà trị giá 10 triệu đồng/phần cho 2 người chồng của tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Thị Tuyền (Cờ Đỏ, Cần Thơ) là Phạm Văn Cờ và Trương Văn Thạnh. Hai tù nhân lương tâm này bị kết án lần lượt là 3 năm và 2 năm 6 tháng cho tội “gây rối trật tự công cộng”; nguyên do là từ ngày 20-22/8/2013 họ đã biểu tình ở UBND Cần Thơ để đòi lại phần đất bị thu hồi, đền bù không thỏa đáng. Hòa thượng Thích Không Tánh cũng đại diện Hội CTNLT trao phần quà trị giá 5 triệu đồng cho cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Hà.
2 
Đại diện hội CTNLT, PNNQ trao quà.
Phát biểu tại cuộc họp mặt, tiến sĩ Phạm Chí Dũng phát biểu:
Hôm nay là buổi gặp mặt mang tính lịch sử vì đây là lần đầu tiên các tổ chức xã hội dân sự ngồi lại với nhau, để hướng tới một mục tiêu chung: làm cho xã hội Việt Nam tốt hơn!
Tiến sĩ Dũng cũng cho rằng:
Lúc này là thời điểm thích hợp để xây dựng một phong trào xã hội dân sự và liên kết các tổ chức lại với nhau cùng phát triển. 
3
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng phát biểu.
*
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nói với Hội Phụ Nữ Nhân Quyền:
Phụ nữ là vốn quý và chiếm một vị trí không hề nhỏ trong một xã hội văn minh, tự do; vì vậy việc các phụ nữ đứng lên đòi hỏi nhân quyền, quyền bình đẳng cho chính mình và cho xã hội là một việc làm đáng hoan nghênh, cần phải tiếp tục phát huy.
Ông cũng đặc biệt tỏ lời khen ngợi với các cựu tù nhân lương tâm đã và đang kết nối những thành viên lại với nhau đấu tranh cho một xã hội Việt Nam không còn tù nhân lương tâm…
4
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và tiến sĩ Phạm Chí Dũng trao đổi cùng nhau.
Dân Oan Huỳnh Kim Lương đại diện các dân oan nói lên nỗi bức xúc của mình:
Hồi xưa, các ông ấy có gì ngoài cái nón cối và đôi dép râu đi từ trong rừng ra? Người dân miền Nam có nhà, có đất đã che chở cho các ông ấy để vào Sài Gòn. Bây giờ “giải phóng” 38 năm rồi mà người dân chúng tôi không có gì, còn các ông ấy lại có tất cả. Các ông ấy đã phản bội lại lời của ông Hồ Chí Minh:”Không có gì quý hơn độc lập tự do”, độc lập tự do để rồi nông dân mất nhà mất đất sống vỉa hè vậy sao? Chúng tôi đã lớn tuổi, sức cùng, lực kiệt nhưng sẽ chiến đấu hết mình cho đất nước có dân chủ, nhân quyền!
Một số hình ảnh từ buổi họp mặt:
5
Dân oan chụp ảnh lưu niệm cùng bác sĩ Nguyễn Đan Quế và tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
6
Thầy Thích Không Tánh trao đổi cùng bác sĩ Nguyễn Đan Quế.
 7
8
9
10 
Châu Văn Thi-Tường trình từ Sài Gòn
Châu Văn Thi)- Cựu tù nhân lương tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét