Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Ngày 08/3/2014 - Tù nhân lương tâm - Xác minh tài sản không phân biệt đương chức hay nghỉ hưu

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

SouthernBank: Tình hình tài chính đang như thế nào?

Gần 26,000 tỷ đồng chôn ở Tài sản “có” khác là các khoản phải thu. Đây là những khoản phải thu gì, ai là con nợ mà ngân hàng hào phóng không thu hồi trong một thời gian dài như vậy?
Trên thị trường đang rộ lên thông tin liên quan đến “kịch bản” Ngân hàng TMCP Phương Nam – SouthernBank ( PNB ) sẽ được sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (HOSE: STB ).
Phát biểu với báo chí, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho rằng việc nhận sáp nhập SouthernBank là thuận lợi vì tương đồng vốn và chủ sở hữu. Đồng thời, SouthernBank cũng nhận thấy việc tự tái cấu trúc là không khả thi nên đã đề nghị được sáp nhập vào Sacombank.
Sẽ cần một thời gian nữa mới có câu trả lời chính thức liệu việc sáp nhập này có diễn ra hay không. Tuy nhiên, giới đầu tư đang hoài nghi về lợi ích thực sự của việc nhận sáp nhập này, hay đây chỉ là một cuộc “giải cứu”, khi mà tình hình tài chính của PNB vẫn đang rất khó khăn? Phân tích báo cáo tài chính 9T/2013 sẽ cho chúng ta thấy điều này.
Không tăng trưởng dư nợ nhưng nợ xấu tiếp tục tăng mạnh. Tính đến cuối tháng 9/2013, tổng giá trị khoản mục cho vay khách hàng của PNB là gần 43,539 tỷ đồng giảm nhẹ 0.2% so với đầu năm.
Dự phòng rủi ro cho vay và cho thuê tài chính khách hàng ở mức 896 tỷ đồng giảm nhẹ 1.4% so với cuối năm 2012 và chiếm 2.1% tổng dư nợ.
Mặc dù dư nợ cho vay giảm nhẹ, nhưng tỷ lệ nợ xấu của PNB lại tăng khá mạnh 25% so với năm trước, từ 3% lên mức 3.8% – cao hơn mức định hướng của NHNN.
PNB 1
Huy động khách hàng gia tăng nhưng hiệu quả không cao. Số dư huy động vốn khách hàng của PNB đến cuối tháng 9/2013 đạt 66,528 tỷ đồng, tăng đáng kể ở mức 17% so với đầu năm.
Tuy nhiên, tỷ lệ Cho vay khách hàng/Huy động (LDR) hiện khá thấp chỉ ở mức 65%. Tỷ lệ LDR có khuynh hướng giảm dần qua các năm cho thấy PNB thu hẹp quy mô cho vay khách hàng và không ngạc nhiên khi hiệu quả tài chính đạt được là không cao.
PNB 2
Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên rất thấp trong nhiều năm. Mặc dù cải thiện về thu nhập lãi thuần, nhưng tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của PNB vẫn khá thấp, chỉ đạt mức 0.33% trong 9T/2013, tương ứng với mức 0.44% cho cả năm. Đây là tỷ lệ khá thấp nếu so với các ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Đáng lưu ý, năm 2012, PNB còn bị thua lỗ từ hoạt động cho vay khi thu nhập lãi thuần âm 286 tỷ đồng.
PNB 3
Gần 26,000 tỷ đồng chôn ở Tài sản “có” khác là các khoản phải thu. Một điểm rất đáng lưu ý trong BCTC là tổng giá trị tài sản “có” khác của PNB cuối tháng 9/2013 là 25,770 tỷ đồng, chiếm đến 34.5% tổng tài sản. Trong đó, chiếm phần lớn là các khoản phải thu với 15,042 tỷ đồng và các khoản lãi và phí phải thu lên đến 10,015 tỷ đồng.
Cần chú ý thêm là các khoản phải thu này đã gia tăng mạnh và được “treo” trong suốt nhiều năm qua (xem thêm ở bảng dưới). Câu hỏi đặt ra là: đây là những khoản phải thu gì, ai là con nợ mà PNB hào phóng không thu hồi trong một thời gian dài như vậy?
PNB 4
Thông tin chi tiết về các khoản phải thu này không hề được công bố trong BCTC 9T/2013. Tuy nhiên, theo BCTC kiểm toán năm 2012 thì các khoản phải thu của ngân hàng chủ yếu đến từ: các khoản phải thu nội bộ 321 tỷ đồng như tạm ứng mua nhà, phải thu nội bộ khác…, các khoản phải thu bên ngoài 16,100 tỷ đồng và chi phí xây dựng dở dang 183 tỷ đồng.
Khoản phải thu bên ngoài trị giá 16,100 tỷ đồng chủ yếu bao gồm các khoản phải thu do cấn trừ nợ vay, phải thu nhà ở, quyền sử dụng đất, phải thu các công ty, phải thu do TCKT, TCTD phát hành chứng khoán, phải thu từ hợp đồng hợp tác đầu tư, phải thu do cấn trừ nợ vay bằng vàng, USD…
Một khi tài sản bị ứ đọng vào các khoản mục như thế này thì không có gì khó hiểu khi PNB gặp khó khăn thanh khoản và hiệu quả kinh doanh rất khiêm tốn, thể hiện qua tỷ lệ thu nhập lãi thuần và ROE, ROA rất thấp. ROEA và ROAA của năm 2011 là 5.92% và 0.35%, năm 2012 tương ứng chỉ vỏn vẹn có 2.88%, 0.17%.
Như vậy, có thể thấy: PNB đang gặp nhiều khó khăn khi: (1) hoạt động cho vay gặp khó và chất lượng nợ vay vẫn đang xấu đi, (2) tồn tại khoản phải thu rất lớn không thu hồi được, và (3) hiệu quả hoạt động suy giảm liên tục qua nhiều năm.
THEO VIETSTOCK

Những vụ án ‘đầu voi đuôi chuột’ – Cho vay hàng trăm tỉ đồng sai quy định



Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đang tạm đình chỉ điều tra vụ án “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Công thương Long Thành để chờ kết quả xác định thiệt hại. Vụ án được khởi tố từ năm 2010, đến nay vẫn chưa kết thúc và có nhiều dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Cho vay “ẩu”
Theo hồ sơ vụ án, thông qua mối quan hệ quen biết với cán bộ lãnh đạo Ngân hàng Công thương (NHCT) Long Thành, Hồ Thị Yến Vy, Lê Thanh Mão và Vũ Thị Hoa cùng một số người thân đã làm hồ sơ vay tiền của ngân hàng (NH). Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Trần Thị Thanh Nga (nguyên Giám đốc) và Nguyễn Đức Dũng (nguyên Phó giám đốc) chỉ đạo Phòng Khách hàng lập hồ sơ cho vay. Ba cán bộ tín dụng gồm Chu Thăng Long, Phạm Minh Hải và Phạm Hồng Thanh đã thực hiện việc lập khống các dự án, phương án kinh doanh, tờ trình thẩm định khách hàng, thẩm định khống giá trị tài sản để đề xuất với Phạm Văn Thọ và Nguyễn Thị Nhân (Trưởng và Phó phòng Khách hàng) trình giám đốc, phó giám đốc NH ký duyệt.
Tính từ tháng 6.2006 đến 6.2008, NHCT Long Thành đã giải quyết cho Vy và người thân vay hơn 85,5 tỉ đồng (gồm 22 hợp đồng tín dụng), đến nay còn nợ gần 55 tỉ đồng; ông Lê Thanh Mão và người thân vay hơn 26,2 tỉ đồng (10 hợp đồng tín dụng), đến nay còn nợ gần 18 tỉ đồng; Vũ Thị Hoa và người thân vay 9,3 tỉ đồng (7 hợp đồng tín dụng), đến nay còn nợ 3,8 tỉ đồng.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố 7 cán bộ NHCT Long Thành gồm Trần Thị Thanh Nga, Nguyễn Đức Dũng, Phạm Văn Thọ, Nguyễn Thị Nhân, Chu Thăng Long, Phạm Minh Hải và Phạm Hồng Thanh để điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; khởi tố Hồ Thị Yến Vy, Lê Thanh Mão và Vũ Thị Hoa để điều tra làm rõ một hoặc các hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; khởi tố Trần Đình Khương (công chứng viên Phòng Công chứng số 4) để điều tra làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
NH tố bỏ lọt tội phạm
Tại bản cáo trạng do Viện KSND tỉnh Đồng Nai ban hành ngày 8.5.2013 đã đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự đối với Hồ Thị Yến Vy, Lê Thanh Mão, Vũ Thị Hoa và Trần Đình Khương. Theo nhận định của Viện KSND, “Vy, Mão và Hoa có hành vi thiếu trung thực trong việc lập hồ sơ vay tiền của NH. Tuy nhiên có thế chấp tài sản, không có ý thức chiếm đoạt. Riêng Vy có hành vi sử dụng giấy CNQSDĐ của ông Nguyễn Văn Vinh để vay tiền, trong hồ sơ vay không phải do Vy ký giả nên không xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với Trần Đình Khương có hành vi cố ý làm trái các quy định về công chứng. Tuy nhiên, các hợp đồng đến nay đã trả lại cho NH đầy đủ (?). Xét tính chất, mức độ và nhân thân bị can… nên miễn trách nhiệm hình sự, yêu cầu cơ quan chủ quản xử lý thật nghiêm khắc”.
Trong văn bản gửi Cơ quan tiến hành tố tụng T.Ư cũng như Đồng Nai, NHCT VN đã phản ứng việc đình chỉ điều tra 4 bị can nói trên. “NHCT VN nhận thấy nội dung cáo trạng của Viện KSND tỉnh chưa phản ánh đúng bản chất của vụ án và chưa phù hợp với quy định của pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội, đã dân sự hóa hành vi phạm tội”. Theo NHCT VN, các bị can Vy, Mão, Hoa đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai kết luận phạm tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản do có hành vi gian dối cùng một số cán bộ chi nhánh NHCT Long Thành và Trần Đình Khương tạo lập hồ sơ giả mạo, cung cấp các thông tin sai sự thật để vay tiền của NH. Khi đến hạn, không trả được nợ đã bỏ trốn khỏi địa phương. Cơ quan CSĐT truy nã, bắt tạm giam… đã đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Riêng việc đình chỉ điều tra đối với Trần Đình Khương, NHCT VN phân tích: “Khương đã giúp Vy, Mão và Hoa tạo lập các hồ sơ, thông tin giả mạo với sự xác thực của cơ quan công chứng để vay tiền NH, thể hiện ý thức lạm quyền, gây thiệt hại cho NH”. Qua đó, NHCT VN đề nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét các quyết định đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự đối với 4 bị can trên; đề nghị TAND tỉnh Đồng Nai trả hồ sơ cho Viện KSND tỉnh để điều tra bổ sung các hành vi vi phạm, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm.
Tạm đình chỉ vụ án
Ngày 18.9.2013, TAND tỉnh Đồng Nai trả hồ sơ vụ án cho Viện KSND cùng cấp để điều tra bổ sung, tránh bỏ lọt tội phạm. Cụ thể, tòa yêu cầu xác định thiệt hại do từng bị can gây ra qua các hợp đồng tín dụng, định giá lại tài sản thế chấp mà NH còn giữ, xem xét trách nhiệm của Hồ Thị Yến Vy, Lê Thanh Mão, Vũ Thị Hoa và Trần Đình Khương.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên ngày 24.2, đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Hiện vụ án đã được trả hồ sơ cho Cơ quan CSĐT để giám định lại tài sản theo Nghị định 26 (trước đây có định giá theo Nghị định 26, nhưng Sở Tài chính từ chối tham gia nên không hợp lệ -PV). Do quá 2 tháng, hết thời hạn điều tra bổ sung nên Cơ quan CSĐT đã tạm đình chỉ điều tra vụ án chờ kết quả giám định. Khi nào có sẽ phục hồi điều tra”.
Về quyết định đình chỉ điều tra 4 bị can gây phản ứng từ phía NH, vị đại diện này nói: “Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản trả lời cho NHCT VN về khiếu nại đình chỉ 4 bị can, nhưng họ không có ý kiến phản hồi. Viện KSND tối cao cũng đã đồng ý về việc đình chỉ này”. Khi được đề nghị cung cấp văn bản trả lời khiếu nại, vị này hứa sẽ báo cáo lãnh đạo Viện KSND tỉnh xin ý kiến, nhưng sau đó nhiều ngày liền chúng tôi gọi điện thoại thì lại không nghe máy.
Cho vay sai quy định 424 tỉ đồng
Theo NHCT VN, quá trình thanh tra tại NHCT Long Thành thì số tiền mà Hồ Thị Yến Vy, Lê Thanh Mão và Vũ Thị Hoa cùng người thân 3 cá nhân này vay tổng cộng 424 tỉ đồng (151 hợp đồng tín dụng). Đến thời điểm khởi tố vụ án (31.8.2010) còn nợ trên 232 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi khởi tố, Cơ quan CSĐT chỉ tập trung vào hành vi phạm tội của các cán bộ NH đối với 39 hợp đồng tín dụng với số tiền còn nợ trên 76,8 tỉ đồng.
THEO THANH NIÊN

Nóng ruột tiền thừa, nhà băng lại cho vay liều

Hầu hết ngân hàng thương mại (NHTM) đang dư thừa cả trăm nghìn tỷ đồng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy vốn rẻ đã được nhiều ngân hàng chi thoáng hơn trong những tháng đầu năm.
Thừa tiền nên thoáng chi
Lý giải tình trạng tiền thừa nhiều tại các ngân hàng, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí hiếu nói: “Hiện tại chẳng ai có đủ niềm tin để rót vốn vào vàng, bất động sản, trong khi kênh chứng khoán rõ ràng là đang phục hồi nhưng không phải ai cũng có thể tham gia. Như vậy bảo toàn vốn hay đầu tư an toàn vẫn là ghim tiền vào ngân hàng. Đó cũng là nguyên nhân vì sao hiện nay các nhà băng không phải chạy đôn chạy đáo đi huy động tiền gửi mà thanh khoản vẫn rất dồi dào”.
Lãi suất cho vay của các ngân hàng phụ thuộc vào giá vốn đầu vào, chiến lược lợi nhuận cũng như chiến lược kinh doanh của từng ngân hàng. Vì vậy trong bối cảnh nguồn vốn dư dả, các ngân hàng có thể điều chỉnh lãi suất cho phù hợp. Thậm chí nhiều ngân hàng còn cho vay thấp hơn cả huy động.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% năm 2014 của ngành ngân hàng có thêm điều kiện “cần” để đạt được khi lãi suất có xu hướng giảm thêm 1-2%. Dòng vốn tín dụng vẫn tiếp tục ưu tiên cho sản xuất kinh doanh những mặt hàng chủ lực và có thế mạnh. Vốn rẻ đã được nhiều ngân hàng chi thoáng hơn trong những tháng đầu năm 2014.
Cụ thể, trong hội nghị sơ kết chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng 2013 diễn ra tại TP.HCM mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình kêu gọi các ngân hàng trong hệ thống xem xét giảm tiếp lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, lãnh đạo một số ngân hàng khẳng định lãi suất cho vay đã giảm so với trước Tết và lãi suất huy động cũng đã giảm nhẹ.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, vào thời điểm đầu năm, khi doanh nghiệp bắt đầu vay để phục vụ nhu cầu sản xuất cả năm thì ngân hàng hạ lãi suất là để đón đầu nhu cầu này. Thêm vào đó, hiện vốn huy động của các ngân hàng khá dồi dào nên cho vay vẫn có lợi hơn, không bị ứ vốn ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, lãi suất cho vay từ sau Tết đã giảm thêm 0,5 điểm phần trăm. Hiện tại ở OCB, lãi suất vay ngắn hạn ở mức 9,5-11%/năm, trong khi trung, dài hạn từ 11-12%/năm, áp dụng tùy theo loại hình và tình hình tài chính của doanh nghiệp.
nganhang
Những DN có phương án kinh doanh tốt, có khả năng trả nợ thì ngân hàng nên cho vay với lãi suất thấp để họ có thể phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo khả năng trả nợ cũ.
Trong khi đó, lãnh đạo Sacombank cũng tiết lộ lãi suất cho vay trung dài hạn của ngân hàng này chỉ còn khoảng 11-12%/năm và ngắn hạn khoảng 9-10%, giảm nhẹ so với trước Tết.
Trầy trật cho vay
Câu chuyện doanh nghiệp thờ ơ với vốn rẻ không còn mới nhưng lần đầu tiên các ngân hàng lại bối rối với lượng tiền dư. Những doanh nghiệp đạt điều kiện để vay vốn lãi suất 6% lại không có nhu cầu vay vì khả năng hấp thụ vốn đang kém. Các doanh nghiệp cần vốn thì lại chưa qua được vòng “sơ tuyển”. Vì thế đợt chào hàng vốn rẻ đầu năm của các tổ chức tín dụng có nguy cơ ế.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM: “Một nghịch lý là doanh nghiệp cần vốn thì không đủ điều kiện vay, còn doanh nghiệp đủ điều kiện thì lại không muốn vay. Hiện doanh nghiệp đang tập trung vào phát triển về chiều sâu, phương thức kinh doanh hơn là mở rộng quy mô đầu tư. Rõ ràng không phải là không thấy vốn rẻ mà thị trường hiện tại, nhiều doanh nghiệp cũng chưa cần thiết vay vốn để đầu tư mở rộng”.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cho hay: “Để tiếp cận được vốn sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện, như phải để ngân hàng ‘quản’ mọi nguồn tiền ra vào của doanh nghiệp. Đó là lý do hợp lý để đảm bảo nguồn vốn vay được trả đúng hạn. Từ đây, sẽ “phát sinh” thêm nhu cầu sử dụng nhiều dịch vụ của ngân hàng như dịch vụ thẻ, quản lý ngoại tệ, mở L/C, dịch vụ thanh toán… Như vậy thật nhiều phiền toái.”
Thực tế, nhiều DN cũng thừa nhận lãi suất không phải là vấn đề chính trong việc vay vốn mà là tổng cầu, khả năng hấp thụ vốn và nợ xấu mới là những rào cản tín dụng. Một số NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về mức 5-8,5%/năm, áp dụng đối với các đối tượng khách hàng có hồ sơ tài chính và tình hình hoạt động lành mạnh với triển vọng tốt.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay chỉ tập trung ở một số đối tượng khách hàng đặc thù và tiềm năng, có điều kiện tốt. Như vậy động thái giảm lãi suất này có thể sẽ không tạo ra chuyển biến tức thì trong việc đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế.
CTCK Vietcombank nhận định, mặt bằng lãi suất như hiện tại đã khá hợp lý và không phải là yếu tố cản trở đầu ra. Ngân hàng gặp khó trong việc mở rộng tín dụng chủ yếu là do các vấn đề liên quan đến nợ xấu cũng như khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp còn yếu trong bối cảnh sức cầu phục hồi chưa mạnh
Quan trọng hơn, để giải ngân một hồ sơ vay vốn, các nhân viên tín dụng phải thẩm tra rất kỹ nhằm giảm thiểu tối đa nợ xấu mới phát sinh. Đây chính là rào cản lớn đối với khả năng tiếp cận vốn của DN, đặc biệt là những DN đang có nợ xấu tại các ngân hàng và không có tài sản thế chấp.
Để giải quyết tình trạng này, theo nhiều chuyên gia, các ngân hàng không nên nặng nề về vấn đề tài sản thế chấp. Với những DN có phương án kinh doanh tốt, có khả năng trả nợ thì cũng nên cho vay với lãi suất thấp để họ có thể phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo khả năng trả nợ cũ. Thêm vào đó, cơ quan quản lý nên đứng ra bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp để giúp họ vượt qua khó khăn, các ngân hàng nhờ đó cũng khơi thông được dòng vốn.
THEO VEF

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Thu Hằng bị dân tố cáo những gì?


Trong đơn tố cáo bà Đỗ Thị Thu Hằng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sonadezi, đại biểu Quốc hội- người dân nêu rõ: là cán bộ Đảng viên cố ý làm trái pháp luật, gian dối xả thải bẩn gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại nặng nề cây trồng, làm kiệt quệ đời sống người dân…
Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai ngày 7.3 đã nhận đơn tố cáo lần hai của người người dân bị thiệt hại do ô nhiễm của Sonadezi Long Thành, đối với bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Sonadezi, đại biểu Quốc hội, và Tổng giám đốc, Phó tổng Giám đốc Sonadezi Long Thành.
Nội dung tố cáo nêu rõ: là cán bộ Đảng viên cố ý làm trái pháp luật, gian dối xả thải bẩn gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại nặng nề cây trồng, vật nuôi làm kiệt quệ đời sống người dân.
Theo đơn tố cáo, từ năm 2005 – 2011, Sonadezi Long Thành đã xả một khối lượng rất lớn nước thải chưa qua xử lý ra rạch Bà Chèo, khiến cây trồng, con nuôi của dân chết hàng loạt nhiều năm liền.
Tuy nhiên, trong những năm này, dù người dân đã rất nhiều lần làm đơn khiếu nại các cấp nhưng không được xem xét giải quyết.
Đến tháng 8.2011, việc xả thải bẩn của Sonadezi Long Thành bị Cục Cảnh sát môi trường bắt quả tang, thì người dân mới bắt đầu có cơ sở yêu cầu công ty này bồi thường thiệt hại. Nhưng theo người dân tố cáo, việc bồi thường cũng chỉ chiếu lệ, không đầy đủ, thỏa đáng, và vẫn kéo dài đến nay.
Hơn 100 hộ dân bị thiệt hại trên thực tế, nhưng vẫn bị cho là nằm ngoài vùng ô nhiễm (do Viện Môi trường tài nguyên tính toán – sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai thuê).
Trước việc Viện Tài nguyên môi trường không thể trả lời được những lập luận của dân ở những thiệt hại thực tế trong tính toán, và có thừa nhận “phạm vi ô nhiễm trên bản đồ tính toán với thực tế có khác nhau”, theo những người dân tố cáo, việc UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản “kết quả tính toán phù hợp” là tình tiết có “dấu hiệu ngụy biện bao che cho việc làm sai trái của Sonadezi”.
Cũng theo đơn tố cáo của người dân, Công ty cổ phần Sonadezi, Sonadezi Long Thành là công ty làm kinh tế của UBND tỉnh Đồng Nai, một phần vốn nhà nước, một phần vốn cổ đông; cán bộ lãnh đạo công ty là đại biểu Quốc hội, là Đảng viên, vậy tại sao lại cố ý làm trái pháp luật trong suốt một thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay vẫn cố tình tránh nè tránh né bồi thường đúng cho người dân bị thiệt hại.
“Chúng tôi làm đơn tố cáo này khẩn thiết yêu cầu quý cơ cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét xử lý cán bộ cố ý làm trái pháp luật nêu trên một cách công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật và kỹ cương của Đảng. Đồng thời yêu cầu Sonadezi Long Thành sớm bồi thường thiệt hại cho người dân đầy đủ, thỏa đáng”, ông Lê Văn Hoàng, ấp 1, đại diện người dân bị thiệt hại nhưng bị cho là nằm ngoài vùng ô nhiễm, nói.
Được biết, trước đó, đơn tố cáo bà Hằng và lãnh đạo Sonadezi Long Thành đã được gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được hồi âm.
dontocao
Đơn tố cáo của người dân đối với bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Sonadezi, đại biểu Quốc hội.
THEO MỘT THẾ GIỚI

Xác minh tài sản không phân biệt đương chức hay nghỉ hưu

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt trao đổi với Tiền Phong về biện pháp kê khai và công khai tài sản. Ông Đạt cho rằng, việc xác minh tài sản cũng không phân biệt giữa người đương chức và người đã nghỉ hưu.
Công khai tại cơ quan, đơn vị
Dư luận băn khoăn việc kê khai và công khai tài sản còn hình thức, ý kiến của ông ra sao?
Kê khai minh bạch, công khai tài sản đó là một trong các giải pháp để phòng chống tham nhũng. Một số ý kiến cho rằng việc này còn hình thức, nhưng tôi nghĩ đây là một trong các biện pháp rất cụ thể, giúp phòng ngừa tham nhũng dần tốt hơn. Trong Nghị định 78 và Thông tư 08 đã quy định rõ các hình thức công khai bản kê khai tài sản. Đó là công khai tại cuộc họp hoặc niêm yết tại cơ quan, đơn vị người có nghĩa vụ kê khai.
Như vậy là chỉ công khai đối với những người cần công khai, đó là những người có điều kiện giám sát được, bởi vì họ làm việc cùng nhau. Việc công khai bản kê khai tài sản đối với toàn xã hội là không thực tế.
Ví như tôi làm việc ở Thanh tra Chính phủ thì công khai tại cơ quan mình. Trường hợp công khai trên báo chí, xã hội thì những người tận phía Nam làm sao biết được tôi, tài sản của tôi ra sao mà giám sát.
Thực tế chỉ có những cán bộ, công chức, đồng nghiệp làm cùng tôi thì họ có điều kiện giám sát và phát hiện được việc kê khai của tôi có đúng hay không. Còn đưa bản kê khai ra toàn xã hội thì mục đích giám sát là không thực tế, không thể hiện đúng bản chất của giải pháp này. Tôi cho rằng đây là giải pháp rất tốt, nhưng phải làm đúng pháp luật.
Thưa ông, Nghị quyết Trung ương đã đặt ra yêu cầu công khai tài sản, thu nhập cả ở nơi cư trú, phải chăng hiện nay điều kiện chưa chín muồi để thể chế hóa quy định này?
Bây giờ cho rằng chín muồi hay chưa chín muồi là việc chúng ta nên tính. Nghị quyết Trung ương yêu cầu công khai, minh bạch về nơi cư trú là rất đúng, vì không có gì là trong phạm vi bí mật cả. Đây là chủ trương phải cương quyết thực hiện, nhưng phải tính toán lộ trình, bước đi phù hợp và đảm bảo tính khả thi. Mục đích của chúng ta khi công khai là trong sáng và tốt nhưng nếu không phù hợp thực tiễn, không khả thi thì có thể trở thành hình thức.
Sử dụng tài sản của con cũng phải kê khai
Một số ý kiến cũng đề xuất buộc kê khai tài sản của con đã thành niên của quan chức, ông nghĩ sao?
Thực tế là không có vùng cấm. Quan điểm của tôi rõ ràng rằng, muốn chống tham nhũng thì cũng phải chống trong đội ngũ làm công tác này.
Cục trưởng cục Chống tham nhũng (TTCP) Phạm Trọng Đạt
Đúng là có ý kiến băn khoăn tại sao không buộc kê khai tài sản, thu nhập của người thân, con thành viên của người thuộc diện kê khai. Tuy nhiên, điều này còn liên quan đến quyền sở hữu tài sản, bí mật đời tư của cá nhân người đủ tuổi trưởng thành. Điểm mới của Nghị định 78 là nếu cán bộ sử dụng tài sản của con đã thành niên trong thời gian 6 tháng trở lên thì cũng phải kê khai. Ví dụ, cái nhà, ô tô của con trên 18 tuổi, nhưng cán bộ đó đang sử dụng thì tài sản đó mặc dù không thuộc sở hữu nhưng cũng trong diện phải kê khai. Nghị định 78 đã mở thêm diện tài sản phải kê khai.
Đối với việc xác minh tài sản hiện nay có phân biệt cán bộ đương chức hay về hưu hay không?
Quy định hiện hành là không phân biệt việc này. Pháp luật đã quy định rất rõ thẩm quyền và những trường hợp phải yêu cầu xác minh tài sản.
Thanh tra Chính phủ được giao xây dựng Đề án “Cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”, lộ trình triển khai ra sao, thưa ông?
Hiện nay mới dừng ở đề án xin ý kiến Chính phủ. Muốn trở thành quy định thì phải tiến tới luật hóa những quy định khả thi trong đề án. Đúng là việc kiểm soát thu nhập là không dễ. Đã có nhiều trường hợp hỏi tôi nếu cán bộ chuyển tiền cho con cái đi du học, mua đất, tài sản lớn bằng tiền mặt thì quản lí thế nào.
Thực tế nếu cả xã hội đều tiêu tiền mặt thì không thể quản lí được. Bây giờ đồng tiền trôi nổi, việc tặng, nhận quà là rất khó kiểm soát. Do vậy, muốn thực hiện tốt quy định kiểm soát tài sản thì phải tính toán việc chi tiêu qua tài khoản ngân hàng. Vậy trong điều kiện Việt Nam hiện nay đã thực hiện đồng bộ được chưa? Cái này cần nghiên cứu để có giải pháp mang tính khả thi, thực tiễn.
Phải tạo ra “3 không”
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng từng đặt câu hỏi “Có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng không?”, ông nghĩ sao về câu hỏi này?
Chủ tịch QH đã phát biểu về chống tham nhũng rất đúng và rất thực tế. Tôi cho rằng chống tham nhũng trước hết anh hãy chống trong chính mình. Cán bộ chống tham nhũng phải là người có bản lĩnh, mình phải không tham nhũng, giáo dục người thân của mình không tham nhũng thì mới thực thi được nhiệm vụ.
Chống tham nhũng không phải dễ dàng bởi đối tượng tham nhũng là những người có chức, có quyền, rất tinh vi. Ngoài ra cơ chế phải tạo ra 3 không: Không thể tham nhũng, không phải tham nhũng và không dám tham nhũng. Thực tế là không có vùng cấm. Quan điểm của tôi rõ ràng rằng, muốn chống tham nhũng thì cũng phải chống trong đội ngũ làm công tác này. Cán bộ làm công tác chống tham nhũng phải là những người vừa hồng vừa chuyên, không phải anh có đặc quyền riêng là muốn làm gì thì làm.
Vừa qua có dư luận về kê khai tài sản của nguyên lãnh đạo và lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, ý kiến của ông ra sao?
Thẩm quyền xem xét vấn đề này đã được quy định trong các văn bản pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập. Vừa rồi báo chí có những phản ánh thì với chức năng là cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng chúng tôi lắng nghe, ghi nhận dư luận để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền. Ngược lại, tôi cũng mong rằng thông tin phải hết sức khách quan, chân thật và xây dựng giúp cho công tác phòng chống tham nhũng tốt hơn.
Sắp về hưu, hai tuần bổ nhiệm 19 cán bộ
Hai tuần trước khi về hưu ngày 1/3, ông Nguyễn Thành Rum, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL TPHCM đã bổ nhiệm 19 cán bộ vào các phòng ban và các đơn vị trực thuộc sở. Các quyết định bổ nhiệm này đã bị lãnh đạo TPHCM yêu cầu dừng triển khai.
Trước những bất thường về việc ký quyết định bổ nhiệm hàng loạt cán bộ này, hôm qua 7/3 Tiền Phong đã liên hệ với ông Lê Tôn Thanh- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TPHCM, tuy nhiên ông Thanh từ chối bình luận. Người này cho biết đã báo cáo sự việc lên lãnh đạo TPHCM và từ chối thông tin thêm về sự việc vì đang bận tiếp khách.
Một đại biểu của Hội đồng nhân dân TPHCM xin giấu tên, nói rằng quyết định bổ nhiệm này của ông Rum là không sai nhưng cho biết “có dấu hiệu bất thường” vì bổ nhiệm cận kề ngày về hưu với số lượng lên 19 người thì có gì đó không ổn.
THEO TIỀN PHONG

Hoàng Đức Doanh - Tù nhân lương tâm


Tù nhân lương tâm

Bạn là biểu tình viên
Phản đối giặc Trung quốc
Đã đem quân xâm lược
Hoàng sa của Việt nam.

Bạn ghét bọn quan tham
Viết thành đơn tố cáo,
Trò cửa quyền bát nháo
Làm suy kiệt quốc gia.

Bạn không thích ngợi ca,
Trò mị dân, xu nịnh.
Một lũ người bất chính
Đang phơi mặt giữa đời.

Các bạn đáng làm người,
Nặng tình yêu đất nước,
Quyết giữ gìn Tổ quốc
Việt nam mãi còn tên.

Cớ sao bọn công quyền
Bắt bỏ tù các bạn ?
Tuy trong cơn hoạn nạn
Yêu nước càng quý nhau.

Chắc rồi đây, mai sau
Nhân dân ta đều biết
Có một điều xác quyết
Tổ quốc mãi tôn vinh !

Những đứa con hiền lành
Thương dân nên mắc vạ
Quê hương đây, yêu quá
Tù nhân lương tâm ơi !
Ngày 07 /3/2014
Hoàng Đức Doanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét