Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Tìm người hiền tài ở đâu bây giờ ? - Nước Nga và cuộc khủng hoảng tại Ukraina

Đào Dục Tú - Tìm người hiền tài ở đâu bây giờ ?

Ông cha ta ngày xưa định danh người có học,có tài ,có đức lấy quốc gia dân tộc làm thượng tôn-người hiền tài, là nguyên khí quốc gia. Thời nay gọi là tầng lớp tinh hoa. Nếu tính số người Việt Nam có học vị tiến sĩ,thạc sĩ ,giáo sư,phó giáo sư ở các chuyên ngành khoa học,khoa học công nghệ và khoa học nhân văn thì chỉ tính riêng học vị tiến sĩ đã là “con số khủng long tiền sử” ở khu vực Đông Nam Á : 24 ngàn 300 người. Cũng đã có người đưa ra con số ngầm  so sánh thực chất tiến sĩ giữa ta và Nhật Bản: tính từ hàm thứ trưởng trở lên,số tiến sĩ người Việt Nam cao hơn Nhật Bản những 5 lần !. Quả là về số lượng, không chê vào đâu được,cao ngất nghểu.
 
Nhưng nếu có ai hỏi một câu cắc cớ: tiến sĩ đông như thế,cán bộ  trọng trách nhà nước có học vị tiến sĩ  đáng nể như thế ở các ngành khoa học lẫn kinh tế xã hội, mà sao mọi mặt củaVN lại có vẻ dẫm chân tại chỗ nếu không muốn nói thụt lùi trước đà tiến tăng tốc chung của khu vực và thế giới văn minh phát triển?
4

Tiến sĩ haycao hơn tiến sĩ , là học vị khoa học. Đã là học vị khoa học thì lẽ đương nhiên học vị đó phải tương ứng với quá trình học tập,nghiên cứu và ứng dụng khoa học ở một  trình độ,một chuẩn mực không chỉ ở ta mà được các trung tâm khoa học thế giới thừa nhận,công nhận. Ta không thể nói chỗ này “ta có cách làm “Việt Nam hóa” sáng tạo của riêng ta”, không cần cái thước đo khoa học “sùng ngoại” “sính ngoại”. Mỗi năm có bao nhiêu luận án tiến sĩ được “cỗ máy nội” sản xuất? Ấy thế là hội đống khoa học,ấy thế là trình bầy luận  án, ấy thế là phản biện,ấy thế là thông qua với số phiếu tuyệt đối. . .Nghe nói không hiếm trường hợp các thí sinh láu cá láu tôm rất khôn khéo rất chu đáo trong việc chuẩn bị sẵn phong bao hậu hĩnh và bữa nhậu đặc sản tưng bừng  sau khi ” biết chắc từ trước” thoát hiểm trên đoạn đầu đài khoa học. . .

Cũng đã có người trích thống kê con số  8519 vị tiến sĩ đang giảng dậy ở các trường đại học và đưa ra câu hỏi hoài nghi tại sao nước Việt mình có đội ngũ học vị tiến sĩ trên bục giảng đại học rất đáng tự hào như vậy mà không một trường đại học nào  mác Việt được đứng trong tốp 500 trường đại học đầu bảng thế giới. Nếu mượn câu ngạn ngữ phương Tây cái áo chúng thâm không làm nên ông thầy tu, có thể nói chăng học vị tiến sĩ mác Việt chưa hẳn đã làm nên ông tiến sĩ thật sự, nghĩa là bên cạnh không ít những vị tiến sĩ xứng tầm quốc gia,khu vực, hữu ích cho quốc kế dân sinh thì cũng phải kể đến không ít ông tiến sĩ ma giáo, tiến sĩ giấy mà ngày xưa cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến  đã chế diễu ” Cũng tàn cũng lọng cũng cân đai-Cũng gọi ông nghè có kém ai”. Đấy là những ông nghè kiểu  bí thư tỉnh ủy một tỉnh khi đương quyền muốn tăng thêm uy tín học thuật mác mỏ bằng cách  chịu tốn phí 17 ngàn đô la để sáu tháng theo học “kiểu gì không biết” Đại học Nam Thái Bình Dương chưa được quốc tế chính thức công nhận. Đấy là những ông tiến sĩ khởi điểm “một chữ tiếng Anh không biết”song cũng có bằng đại học chính quy vân vân và vân vân. Nạn bằng cấp giả, tiến sĩ rởm  là hệ lụy tất yếu của một nền giáo dục quá nhiều mặt yếu kém.lạc hậu, mấy thập niên chắp vá cho đến giờ vẫn không sao hoạch định được một chiến lược giáo dục phù  hợp với thời đại hội nhập toàn cầu và kinh tế tri thức cộng với lộ trình thực hiện nó. Chỉ thấy loay hoay bàn về chuyện để thi,bỏ thi, nên thêm hay bớt đại học,đại học thế nào là đủ chuẩn quốc tế, sách giáo khoa cải cách thế nào vân vân và vân vân. Cái đáng có và phải có ngay từ đầu như một điều kiện tiên quyết thì chả thấy đâu,chỉ thấy cải cách nối tiếp cải cách; cứ sự vụ chậy vuốt đuôi mãi thế này thì lấy đâu ra một nền giáo dục ” tiên tiến đậm đà bản sắc” bền vững !. Vị thế của các vị tiến sĩ giáo dục trong bộ máy công quyền ngành chủ quản  thể hiện ở đâu. Vị  thế của các vị tiến sĩ  nông nghiệp và phát triển nông thôn ở chỗ nào mà không ít địa phương dân ” bỏ đất chậy lấy người” chạy chợ,làm thuê kiếm sống tứ tán ; nhiều vùng phì nhiêu mầu mỡ tự nhiên có được mùa thì dân vẫn không yên vì mất giá sản phẩm; còn dân ngư nghiệp đánh bắt xa bờ  mũi nhọn của ngành thủy sản thì chưa đủ sức mạnh để đối phó với thương trường lỗ lãi và “đường lưỡi bò”. Vị thế của các vị tiến sĩ ở nơi mô mà ngành y tế cùng hệ thống hoạt động  của nó khiến nhiều nơi dân chỉ còn biết dơ tay lên trời kêu. . . trời sợ. Cứ lan man đặt những câu hỏi  đại loại như thế  biết đến bao giờ cho hết. Không ai còn tư duy bình thường và có một trình độ học thức chung, bình thường lại đi quy kết hồ đồ,đổ mọi sự gọi là ” bất cập” cho  đội ngũ gần 25 ngàn tiến sĩ !.Đóng góp chất xám của họ là  đáng quý chứ !

Người ta chỉ muốn âm thầm tự hỏi một nước đông người bằng cấp,một nước nhiều người thông thái như thế mà sao vẫn nghèo, vẫn tiếm ẩn nguy cơ tụt hậu “thua chị kém em” so với các nước xung quanh. Và người ta không thể không nén tiếng thở dài: biết bao giờ giới trí thức tinh hoa mới có vị thế,mới tìm được chỗ đứng vững chắc trong tiến trình hiện đại hóa công nghiệp hóa để chỉ sau 6 năm ngắn ngủi nữa, Việt Nam trở thành nước công nghiệp-như tiêu chí đã hoạch định trịnh trọng giấy trắng mực đen. Và người dân nước Việt cũng muốn  phiếm đàm thêm một câu hỏi: biết tìm các vị tân khoa rồi đại khoa nguyên khí quốc gia chỗ nào trong cái rừng tiến sĩ khoa học mênh mông Việt Nam, để có thêm niềm tin chắc  chắn  nước mình rồi cũng sẽ  có ngày (cuối thế kỷ 21 chăng?) “sánh vai với các cường quốc năm châu” như hoài bão  của người khai sinh ra nước Việt Nam Mới  ./.
  Đào Dục Tú
  (Bà Đầm xòe) 

Sài Gòn thời “Khoai tây ngồi ghế bành”

(Sài Gòn Tiếp Thị) - Nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên - một cây bút chuyên mảng văn hóa nhiều năm nay của Sài Gòn Tiếp Thị - liên tục trong những ngày qua đã lê la khắp các quán fast food, ăn hamburger, khoai tây chiên thay... cơm. Anh muốn hiểu vì sao người ta phải kiên nhẫn xếp hàng chờ bữa ăn kiểu lối sống nhanh vội này. Liệu có hay không một văn hóa “fast food” đang hình thành?
Tháng 12-1997, KFC mở cửa hàng đầu tiên của mình tại Sài Gòn, thêm một dấu mốc cho cuộc“đổ bộ” từ rỉ rả đến ồ ạt của những thương hiệu thức ăn nhanh (fast food) nước ngoài hướng vào đô thị năng động nhất Việt Nam.
Mười mấy năm sau, ở Sài Gòn xuất hiện những trung tâm mua sắm hiện đại có nhiều khu vực dành riêng cho fast food, những con đường rực bảng hiệu fast food và các quán xá ăn uống theo mô hình chuỗi, nhượng quyền...
Biết đòi hỏi hơn
Củ khoai tây đã ngồi vào chiếc ghế bành (theo cách nói ẩn dụ của Erich Schlosser trong cuốn sách Củ khoai tây ngồi ghế bành, viết về sự thống trị của thức ăn nhanh trong thế giới hiện đại). Văn hóa fastfood đang chinh phục giới trẻ vốn nhạy cảm với nhịp sống của xã hội công nghiệp, trong một thành phố mà tỷ lệ người trẻ cao trên cơ cấu dân số chung.
“Chinh phục được người trẻ có nghĩa là lôi kéo được người lớn tuổi. Vì người lớn tuổi ở Việt Nam sống tình cảm, thời bây giờ họ bớt áp đặt, mà rất biết cách chiều theo sở thích của con cháu, đặc biệt trong chuyện ăn uống”, chuyên gia đầu bếp Bùi Thị Sương nói.
Có dịp vào các trung tâm mua sắm giải trí hay đến các con đường nhiều hàng quán fast food vào mỗi tối cuối tuần, có thể nhận ra, người Sài Gòn ngày nay thích dời những buổi họp mặt gia đình cuối tuần đến nhà hàng fast food thay vì tổ chức ở nhà, nấu nướng lỉnh kỉnh hoặc ra những hàng quán bình dân quen thuộc với nỗi hoài nghi về an toàn thực phẩm. Đơn giản, ngoài chuyện có không gian thoáng mát, lịch sự, được phục vụ chu đáo, thì ở đó, những người lớn cảm thấy cởi mở hơn, gần gũi hơn với thế giới của con cháu họ.
Bà Ngọc Thu, 60 tuổi, ở Tam Bình, Thủ Đức, một trong những khách hàng đầu tiên của nhà hàng Mc Donald’s tại Sài Gòn, kể: “Ban đầu tui dị ứng với các món ăn ở cửa hàng thức ăn nhanh, nhưng cứ thứ bảy, chủ nhật đi ăn với lũ nhỏ, riết thành quen. Văn minh, lịch sự, an tâm về vệ sinh và nhất là tui thấy vui vẻ, hướng ngoại và gần với con cháu hơn trong những không gian như vầy”. Và bà nhận ra bản thân mình có sự thay đổi: “Quen ăn ở những cửa hàng thức ăn nhanh, thấy người ta phục vụ chu đáo, chuyên nghiệp, thì mình cũng biết đòi hỏi nhiều hơn về cung cách phục vụ, chất lượng ăn uống ở các hàng quán của Việt Nam. Ra ngoài thấy nhiều nhà hàng, quán ăn Việt Nam bây giờ cũng biết cách chiều khách hơn, phục vụ nhiệt tình hơn. Bà nội trợ như tui xưa mua đồ chỉ quan tâm tới chất lượng, giờ ngoài chất lượng còn đòi hỏi sự tiện ích”.
Với một thành phố đa số là cư dân trẻ, nhưng những tụ điểm sinh hoạt văn hóa dành cho người trẻ còn tương đối nghèo nàn, thì tiệm fast food ngoài việc cung cấp những thực đơn lạ miệng, còn là chốn để người trẻ cảm thấy phù hợp. Hữu Trường, học sinh trường Ngô Quyền, quận 7, kể mỗi tháng em cùng bạn bè đến các tiệm fast food hai, ba lần. Khi được hỏi, cha mẹ có ủng hộ hay không, thì cậu học trò lớp 11 gãi đầu: “Cha mẹ thường nghĩ giá cả đắt đỏ, không ngon như cơm nhà... Nhưng em thì suy nghĩ khác, ăn uống chỉ là một phần. Cái quan trọng là tụi em được thỏa mãn nhu cầu giải trí, đây mới là không gian “teen”, năng động sau giờ học căng thẳng. Tụi em cần nhiều chỗ chơi, giao lưu bạn bè thực sự trẻ trung như vậy”.


Giấc mơ fast food

Sự năng động, hướng ngoại, tư duy tiện ích được truyền đi từ triết lý dịch vụ thức ăn nhanh đang lan tỏa trong tâm lý người đô thị ở Sài Gòn.

Nhưng điều thú vị là trong khi các cửa hàng fast food đang cố tình có những thay đổi để tiếp cận tập quán của người tiêu dùng, thì chính người tiêu dùng cũng cảm thấy bản thân mình đã bị văn hóa fast food làm cho thay đổi. Có thể nhận ra điều này trong nhận thức về kinh doanh.

Chị Kim Thanh, một người bán bánh mì ở gần góc đường Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng, kể rằng ngày trước, qua vài lần đi ăn fast food với đứa con trai học lớp bảy, chị đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý cho công việc kinh doanh tủ bánh mì của mình. Cụ thể trước đây thì chỉ xé miếng giấy báo gói bánh hay cho vào túi nylon, bây giờ thì phải tự xếp, làm túi giấy trắng gói sạch sẽ, nhìn bắt mắt hơn, khách cũng yên tâm hơn và lần sau còn ghé lại. Bên cạnh đó, chị Thanh còn thuê thợ cắt decal dán cho cái tủ bánh đẹp hơn, hấp dẫn hơn để dễ gây chú ý với khách qua đường.

Mẫu mã đẹp, biết cách đóng gói sản phẩm và nghĩ tới tâm lý khách hàng nhiều hơn là bài học mà người bán hamburger xe đẩy ở lề đường rút ra được khi ăn những chiếc hamburger theo công thức fast food kiểu Mỹ, kiểu Hàn.

Xa hơn, một trong những điều tích cực mà fast food đem lại cho không gian kinh doanh, đó chính là văn hóa dịch vụ. Đi dạo ở những tuyến đường trung tâm như Hai Bà Trưng (quận 1), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) hay Nguyễn Đức Cảnh (quận 7)... có thể nhận ra ngoài các cửa hiệu fast food gốc ngoại mở cửa 24/24, còn có các hiệu ăn uống, nhà hàng theo mô hình nhượng quyền của người Việt, từ Phở 24, Món Huế, Bánh xèo Mười Xiềm, Cô Ba Vũng Tàu... cho đến những quán ăn nhỏ được bài trí chuyên nghiệp, trẻ trung, hiện đại, việc phục vụ mang đậm phong cách fast food. Phần nhiều các cửa hiệu bắt đầu quan tâm đến việc đóng gói để khách hàng “take away” (mang đi) hay giao hàng tận nơi.

Trở thành một chuỗi cửa hàng ăn uống theo mô hình fast food là giấc mơ lớn của nhiều người kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Sài Gòn hiện nay. Câu chuyện của chuỗi cửa hàng Phở 24 - một Mc Donald’s của món phở bò Việt Nam - là một minh chứng về việc hiện thực hóa một ước mơ đẹp của những người biết đón bắt điểm rơi văn hóa fast food.



Sau cùng, fast food đem lại một vài thay đổi nhỏ từ cái lưỡi đến sự thích ứng hướng ra thế giới toàn cầu. Ông Văn Liễu (đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 1) năm nay ngoài 70 tuổi nhưng có khi tuần một hai lần theo con cháu đến các tiệm fast food. Ông quan sát thấy ngoài gu ăn của gia đình mình có thay đổi, thì điều quan trọng nhất là bọn trẻ tới đó thực tập tiếng Anh, nói tiếng Anh nhiều hơn. Và ông nghiệm ra, hình ảnh, văn hóa fast food đã âm thầm đi vào gia đình ông từ màn ảnh nhỏ, qua những bộ phim hoạt hình Mỹ đến những bữa tối cuối tuần không còn sinh hoạt gia đình ở nhà. Ông cho rằng, rất có thể nhờ vậy mà một đứa cháu của ông đã thích ứng rất nhanh khi sang Mỹ du học.

“Văn hóa fast food là văn hóa của sự chủ động. Nó mang thế giới hiện đại đến gần hơn với gia đình tôi, đặc biệt là thế hệ các con cháu của chúng tôi”, ông nói.
 Nguyễn Vĩnh Nguyên
 

Đại sứ Anh: Minh bạch, giải trình là thách thức với VN

Theo Đại sứ Anh Anthony Stokes, minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là một thách thức trong điều kiện của Việt Nam.
Đại sứ Anh chia sẻ:
Khi mới nhận nhiệm vụ ở Việt Nam cách đây 3 năm, ngay trong tuần đầu tiên tôi đã đại diện nước Anh tham gia hội nghị các nhà tư vấn tài trợ (CG), trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Vinashin đang là chủ đề nóng nhất trên các trang báo. Tôi nhớ đã đứng lên và nói rằng chắc chắn còn những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khác đang che giấu sự thiếu hiệu quả của mình và làm tổn hại đến cả nền kinh tế Việt Nam.
Nước nào trên thế giới cũng có những DNNN lớn gặp khủng hoảng tới mức phá sản. Ở Việt Nam các khủng hoảng của DNNN chưa đến mức đó vì vốn đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp này không nhiều. Nhưng nếu ở các nước, khủng hoảng là một cơ hội để xốc lại và loại bỏ những yếu tố không hiệu quả, thì ở Việt Nam, phải tìm những cách khác để tái cơ cấu.
tham nhũng, minh bạch, đại sứ Anh, Anthony Stokes, giải trình 
Đại sứ Anh Anthony Stokes. Ảnh: ĐSQ Anh
Các bản án là thông điệp mạnh mẽ về phòng chống tham nhũng, cho thấy Chính phủ muốn làm rõ quyết tâm loại bỏ tham nhũng của mình. Nhưng tôi rất đồng ý với câu thành ngữ của Việt Nam - "phòng bệnh hơn chữa bệnh", cần dốc càng nhiều nỗ lực càng tốt vào việc phòng tham nhũng hơn là chỉ trông vào những "thông điệp mạnh mẽ" sau khi những sự việc nghiêm trọng đã xảy ra rồi.
Việc quá tập trung vào trừng phạt những con người cụ thể có thể là một sai lầm khi tạo ra những "con tốt thí", một người nhận hết mọi trách nhiệm và hình phạt với bản án cao nhất. Chính phủ Anh cũng muốn bày tỏ quan điểm về việc không ủng hộ án tử hình.
- Đối với việc phòng tham nhũng, trong các lần đối thoại chống tham nhũng, các nhà tài trợ quốc tế đều nhấn mạnh vai trò của minh bạch và trách nhiệm giải trình. Ông có thấy tiến bộ nào trong lĩnh vực này chưa?
Tôi có thấy những tiến bộ dù còn hạn chế vì đây là một quãng đường dài. Nhưng từ góc độ của một người nước ngoài, theo tôi để có một hệ thống trong sạch, sẽ rất khó nếu không có một cơ chế độc lập.
Tôi biết có nhiều quan chức, chính trị gia luôn cố gắng để trong sạch, nhưng nếu không có những áp lực, thì là con người, họ cũng khó giữ được mình, nhất là khi nắm quyền lực lớn.
Minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là một thách thức trong điều kiện của Việt Nam. Việc Mặt trận Tổ quốc VN được trao thêm chức năng giám sát và phản biện xã hội, cũng như việc tái lập Ban Nội chính, chuyển Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương về Đảng, đều phải trả lời câu hỏi về tính độc lập.
Nhưng không phải là không làm được, có nhiều cách để cải thiện tình hình mà không nhất thiết phải theo mô hình phương Tây. Người Việt Nam rất thông minh, các bạn hiểu hơn ai hết điều kiện, hoàn cảnh của đất nước mình, các bạn cũng rất quyết tâm, năng động, lạc quan, nếu thành công các bạn sẽ xây dựng được một mô hình của riêng mình.
Và rõ ràng là đã có những cải thiện. Trong khoảng 10-15 năm gần đây, việc thảo luận về tham nhũng đã có những thay đổi đáng kể. Thông tin về tham nhũng nhiều hơn, người dân nói về các vụ án gây tranh cãi, phức tạp và nhạy cảm một cách cởi mở và nhiều chiều hơn. Đó là một dấu hiệu tích cực, lành mạnh đối với văn hóa tranh luận cũng như việc đấu tranh với tham nhũng ở VN.
Chung Hoàng
(VNN) 

Nước Nga và cuộc khủng hoảng tại Ukraina

Gửi các bạn của tôi!

Thực sự thì tôi không có ý định viết bài này, nhưng sau khi đọc những thông tin từ Việt Nam tôi quyết định phải viết, viết để ít nhất là những người bạn của tôi, những người đã có một thời gắn bó với nước Nga có một cái nhìn khác với cái nhìn của truyền thông Nga đưa lại.
 

1.Nước Nga và Putin trong mắt tôi.

Putin có lượng cử tri ủng hộ trong nước rất lớn. Ở Việt Nam cũng vậy, rất nhiều người cho Putin là nhà lãnh đạo toàn tài, người phục hưng nước Đại Nga trên thế giới.

Đối với tôi Putin sinh ra gặp thời . Thời kỳ của Putin là thời kỳ giá dầu và giá gas cao kỷ lục . Ngân sách của nước Nga được xây dựng trên 80% là dựa vào nguồn thu từ bán dầu và gas . Chỉ cần giá dầu tụt xuống dưới 100$/ thùng thì ngân sách Nga đã có vấn đề. Dựa vào nguồn thu này Nga có thể chi rất nhiều tiền vào quân đội và trả lương cho các công chức nhà nước (cũng nói thêm rằng bộ máy hành chính vô cùng cồng kềnh, quan liêu, tham nhũng, phần lớn là những nguời làm việc không hiệu quả kiểu "uống nước chè"  nhưng Putin không cải cách để tạo ra tầng lớp ủng hộ mình). Lượng cử tri  ủng hộ Putin lớn chính vì vậy. Nếu giá dầu như năm 1998(giá dầu vào  năm 1998 đã xuống 11$/thùng) thì vị thế của Putin cũng không khác mấy với Elsin đâu. Hình ảnh Putin lúc đó sẽ giống như độc tài Lukasenko của Bạch Nga. Không có gì mạnh mẽ bằng vị thế của những kẻ gặp thời. Những kẻ gặp thời thừng hay phát biểu kiểu đao to búa lớn.Xưa kia, thời Xô Viết sau khi Liên Xô có vũ khí hạt nhân, Tổng Bí Thư đảng cộng sản Liên Xô giữa cuộc họp Liên Hiệp Quốc đã rút giầy ra để gõ lên bàn. Có thể ở đâu đó người ta khâm phục hành động của ông ta, còn thế giới văn minh người ta cho đó là hành động không xứng đáng. Thái độ của thế giới văn minh truớc những phát biểu của Putin cũng như vậy thôi. Thiên thời  không thể ủng hộ Putin mãi nếu ông ta làm những việc trái với ĐẠO NGUỜI.

Từ khi Putin lên nắm quyền,ông ta đã tìm mọi cách để đưa tất cả hệ thống truyền thông Nga vào tay mình. Mọi thủ đoạn đã được dùng đến (bắt bớ, doạ nạt để đuổi các chủ sở hữu những kênh truyền hình ra nước ngoài, mua chuộc, đe dọa các nhà báo...). Kết quả là gần như 100 % phương tiện thông tin đại chúng (có lẽ trừ kênh Dozd) nằm trong sự kiểm soát của Putin. Ở một đất nước mà internet còn chưa thông dụng như ở Nga thì điều đó có nghĩa là Putin hầu như đã nắm được tư tưởng của người Nga. Khoảng 80 % thông tin liên quan đến chính trị trên phương tiện thông tin đại chúng của Nga là không đúng, có lợi cho chính quyền. Phương tiện thông tin này biến Putin thành 1 siêu nhân: Putin lái tầu ngầm, Putin cởi trần thuần hoá hổ, Putin lái máy bay tiêm kích, Putin lặn xuống hồ Baical...Các bạn có thấy giống những thông tin trước đây của truyền thông Irak về độc tài Sadam mỗi đầu năm bơi qua sông trong nước lạnh không? Có liên tưởng nào đến chuyện khi nhà lãnh đạo Triều Tiên chết làm chim cũng khóc và núi thì lở không? Trong quan niệm của tôi chỉ những chế độ độc tài mới cần những lãnh tụ siêu nhân. Trong một nhà nước hiện đại, các nguyên thủ Quốc gia họ phải như những CEO của các công ty văn minh: dân bầu lên làm việc,làm đúng trách nhiệm, đúng pháp luật, hưởng đúng như hợp đồng, và không làm tốt thì từ chức. Họ làm việc cần mẫn, không ồn ào,không khoa trương nhưng hiệu quả và quan trọng là vì dân tộc, đất nước. Dân Nga có cần 1 Tổng thống thuần hoá hổ, giỏi võ...khi đại bộ phận dân chúng sống nghèo khổ, đất nước lạc hậu còn ông ta là người giàu nhất thế giới với tài sản 120 tỷ $ và đeo những đồng hồ giá 500000 $ khi lương chính thức là hơn 100000 $/năm không?


Nước Nga bây giờ tư tưởng bị bóp nghẹt. Đúng, có thể dân Nga sống không tồi về vật chất do những nguồn lợi do bán tài nguyên. Nhưng ở thế kỷ này cuộc sống đâu chỉ có cơm ăn, áo mặc, nghỉ ngơi...Cuộc đời còn những giá trị con người, quyền tự do tư tưởng mà nước Nga không có cho những công dân của mình. Con đường của nước Nga phải là cải cách kinh tế, phát triển những nghành khác để không phụ thuộc vào bán tài nguyên, phải thay đổi hoàn toàn hệ tư tưởng và những quan niệm trước đây. Rất nhiều người Nga (trong đó có cả Putin) vẫn có sự nuối tiếc với một đất nước rộng lớn như Liên Xô ngày xưa. Họ không thể sống được với ý nghĩ một Đại Nga không còn, chỉ có nước Nga lạc hậu về công nghệ, tư duy....vì vậy đôi khi họ muốn chứng tỏ sự vĩ đại của nước Nga bằng việc tổ chức 1 Olimpic đắt đỏ nhất trong lịch sử (chi hết 51 tỷ $ trong khi đó Olimpic Vancouver lần trước chỉ hết có 8 tỷ $. Các chuyên gia tính rằng những công trình đó xây nên sẽ khó khai thác sau này, và sẽ cần 7 tỷ $ để bảo dưỡng trong 3 năm tới). Những người dân bình thường đâu biết 35 % số tiền 51 tỷ$ đó đã bị các quan chức ăn cắp. Họ muốn chứng tỏ sự vĩ đại của nước Nga bằng việc xâm lược 2 vùng đất (Abkhazia và Nam Osetia) của Gruzia (1 nước anh em thuộc Liên Xô cũ), đưa quân vào 1 nước anh em như Ukraine hay bảo vệ chế độ độc tài cha truyền con nối của Sirya, mặc dù chế độ này đã dùng vũ khí hoá học giết hàng nghìn người trong đó có cả trẻ em.

Muốn trở thành một nước lớn anh phải sử xự như MỘT CƯỜNG QUỐC chứ không phải như một kẻ cướp dùng vũ lực. Bản thân anh phải là nước mạnh về kinh tế, công nghệ, tư tưởng , cấu trúc, con người...Lúc đó tự khắc các nước sẽ tự coi anh là thủ lĩnh. Chúng ta coi Mỹ là cường quốc không phải bởi chỉ vì Mỹ có tầu sân bay...mà bởi cơ cấu chính trị, tư tưởng, bởi công nghệ, bởi những Bill Gates hay Warent Buffett , Steven Jobs... bởi Facebook và Google..., có thể bởi Coca- cola , M'acdonalds  hay quần bò...Cách hành xử như Nga cũng giống  Trung quốc thôi và theo tôi họ sẽ mãi mãi không là cường quốc thực sự.

Nước Nga rộng lớn mêng mông, con người cũng rất khác nhau. Nước Nga có một tầng lớp nhỏ là trí thức có kiến thức sâu rộng, hiểu biết siêu phàm...Chính từ đây sinh ra những nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học vĩ đại. Nhưng cũng rất nhiều người trong dân chúng Nga  hiểu biết kém, ý thức chính trị lệch lạc, có những giá trị tinh thần không cao nhưng lại mang tư tuởng nuớc lớn. Nếu đọc kỹ những tác phẩm nghệ thuật của Nga chúng ta thấy rõ điều này, nhiều tác giả  như bị ngập vào cái vũng bùn tăm tối của xã hội Nga, họ rất muốn tìm một giải pháp, 1 con đường ra. Không phải bỗng dưng 1 nhà văn vĩ đại của nước Nga đã nói: Nước Nga nổi tiếng bởi hai thứ: những thằng ngu và những con đường! Và vì vậy không có gì lạ là uy tín của Putin cao nhất sau khi đánh Gruia và  khi đưa quân vào Ukraine mới đây. Hoàng đế của Nga không phải là Hoàng đế mà là Sa Hoàng. Mỗi dân tộc có lẽ xứng đáng với người thủ lĩnh của mình. Tôi thì nghĩ rằng Putin muốn đi vào lịch sử. Khi mọi thứ đã đủ rồi ông ta muốn lưu danh muôn thủa. Lịch sử Nga thường nhớ đến Ivan hung bạo, Piot đệ nhất, Ekaterina 2, Stalin...Có lẽ tổ chức Olimpic đắt giá nhất trong lịch sử cũng vì điều đó, có lẽ xâm lược Ucraine cũng vì điều đó. Trong suy nghĩ của Putin, sẽ tuyệt vời làm sao khi sách lịch sử Nga sau này viết rằng: Putin là  Tổng thống đã trả lai Crime cho Đại Nga! Nhưng điều này cũng thật thảm hại chăng? Thế giới (nhất là những người hiểu biết) yêu và kính trọng nước Nga không phải vì Ivan hung bạo hay Stalin...mà vì Lep Tolstoi và Puskin, Esenhin, Blok, Dostoevski, Mendeleep,...

2. Xâm lược Ukraine

Cuộc xâm lược Ukraine là một chiến dịch được chuẩn bị chu đáo nhiều năm nay. Từ khi cuộc biểu tình hoà bình ở Kiev bắt đầu diễn ra truyền thông Nga tiến hành một chiến dịch tuyên truyền nhằm bóp méo mọi thứ (80 % thông tin sai sự thực trắng trợn). Các vùng miền Đông và miền nam Ukraine người ta thường xem các kênh truyền hình bằng tiếng Nga nên thông tin cũng sai lệch. Nga muốn dùng những nguời dân Ukraina ở miền Đông và miền Nam để chống lại chính những nguời đồng bào mình.
Truyền thông Nga gọi những người biểu tình ở Kiev là những kẻ khủng bố, những kẻ quá khích cực hữu, những kẻ phát xít. Tôi đã đến Maidan (nơi nguời biểu tình tập trung) rất nhiều lần và vô cùng khâm phục sự tổ chức và ý thức chính trị của họ. Họ là những sinh viên, cựu binh, những doanh nhân, hoạ sĩ...đến từ khắp mọi miền của Ukraine (phần nhiều hơn là miền Tây). Đây là  bác sĩ nổi Olga Bogomoles, cháu của bác sĩ Aleksandr Bogomoles (nguyên phó chủ tịch viện hàn lâm khoa học Liên Xô), bà phụ trách trạm y tế ở Maidan. Đây là những cô sinh viên đến từ miền Tây. Đây là một người bà hơn 50 tuổi làm y tá, trên áo có ghi số điện thoại của người thân để nhờ thông báo nếu bà hi sinh, 2 bố con ông viện sĩ Hàn Lâm Ukraine Kuzneshov đến từ Kiev, Những cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở Afganistan...Không phải chỉ vì chính quyền không ký hiệp ước với châu Âu mà họ họ phản đối. Họ đứng dậy đấu tranh vì một cuộc sống và tương lai tươi sáng hơn, khi không có tham nhũng trắng trợn ở mọi tầng lớp quan chức, khi quan toà hay công an không bị mua bán, khi chính quyền không coi nhân dân như cỏ rác, một xã hội mà phẩm giá con người được tôn trọng, những giá trị tinh thần cao cả được đánh giá, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, thế hệ trẻ được đánh giá theo tài năng thực sự của mình chứ không phải vì con ông cháu cha. Maidan tổ chức như 1 công xã, có bếp ăn, toilet, chỗ tắm gội...cho hàng trăm nghìn người, wifi miễn phí...Họ biểu tình như vậy tháng trời mùa đông, có lúc nhiệt độ ban đêm - 25, -26 độ C. Hàng đêm, cứ vào lúc nửa đêm họ đồng thanh hát Quốc ca Ukraine, mỗi chủ nhật họ tập trung "Đại hội nhân dân" có lúc lên đến hàng triệu người, và cái cảnh trong bóng đêm tất cả mọi người đều bật đèn điện thoại và hát Quốc ca thật bi tráng. Qua rồi cái thời kỳ người ta làm cách mạng vì miếng cơm, manh áo. Có lẽ bây giờ là thời kỳ những cuộc cách mạng vì phẩm giá con người.Có rất nhiều ý kiến cho rằng đằng sau Maidanlà các thế lực nuớc ngoài. Điều đó cũng có thể,ở vị trí như Ukraine đôi khi phải lựa chọn: thế lực nuớc ngoài văn minh tiên tiến hay nuớc Nga lạc hậu và chuyên chế.

Có biết bao những cảnh cảm động trong 3 tháng đó: những người cựu binh tóc bạc nói với các cô gái" các con lui xuống đi, việc của các con là sinh con, để việc đánh nhau này cho các chú!", một người phụ nữ Kiev lấy thân mình che cho 1 bà già ở Donhesk, bị lựu đạn nổ mất cả mảng lưng, những người bảo vệ Maidan cầm mộc bằng gỗ xông lên, 1 người bị lính bắn tỉa bắn gục, 3 người cầm mộc che để cấp cứu, còn người khác vẫn xông lên , ông cha đạo cầm thánh giá đứng giữa hai làn đạn...khi cảnh sát tấn công, tiếng chuông báo động nhà thờ vang lên lúc 4h sáng y như hồi trung cổ, và dân chúng người đi xe, người chạy bộ...vài tiếng sau đã tập trung mấy chục nghìn người...Và đến hôm nay 100 người đã hy sinh. Người ta gọi họ là 100 chiến binh thần thánh. Trên con phố trung tâm ở mỗi gốc cây có ảnh của họ. Họ là những người rất bình thường: một sinh viên 17 tuổi đến từ Ternopol, một hoạ sĩ nổi tiếng, một nhà báo, một công nhân bình thuờng. Máu đổ bao giờ cũng là điều đáng sợ, nhưng NHỮNG NGƯỜI ANH HÙNG không bao giờ chết, bởi vì rất đơn giản họ đã đoàn kết được dân tộc, dân tộc Ukraine như đuợc tái sinh (các bạn xem video cảnh người ta tiễn đưa những anh hùng về với đất mẹ Ukraine dưới đây). Con phố này hôm nay ngày nào cũng có hàng đoàn người đi viếng những người anh hùng, cả phố ngập trong hoa. Giữa mùa đông, hoa đắt đỏ như vậy, những người dân bình thường giành những đồng tiền cuối cùng của mình mua hoa đi viếng họ. Hôm qua chế độ của Yanukovich còn vững chắc đến mức tưởng không thể sụp đổ, mọi thứ đã sụp đổ trong một ngày nhờ sự dũng cảm và ý thức người dân Ukraine. Dân tộc Ukraine  chứng tỏ họ là một DÂN TỘC đáng được kính trọng. Mọi thứ bắt đầu xây mới. Cuộc sống phía trước còn vô vàn khó khăn, nhưng có một điều rõ ràng rằng với 1 dân tộc như vậy các chính trị gia cũng phải thay đổi.

Đúng lúc con đường Tự Do và Dân Chủ hình thành thì xuất hiện Putin cùng quân đội của mình. Aleksandr 3 (một Sa hoàng của đế quốc Nga) đã từng nói "đồng minh của chúng ta chỉ là quân đội và hạm đội", Putin thật xứng đáng là hậu duệ của các vị Sa Hoàng hiếu chiến. Nga không làm bạn với ai cả mà chỉ muốn dùng vũ lực. Truyền thông Nga đưa tin rằng khắp nơi trên Ucraine, đặc biệt là Kiev đầy bọn phát xít, khắp nơi là bạo lực, trấn lột, vi phạm quyền của những người nói tiếng Nga. Tôi tự hỏi rằng  những người tham gia vào hệ thống truyền thông Nga, chả lẽ họ cam tâm bán linh hồn cho quỉ dữ chăng? (Thực sự thì họ cũng khó vì một số nhà báo Nga đã bị khởi tố vì dám nói sự thật về Ukraine). Chính truyền thông "bán mình" của Nga đã làm cho dân Nga và những vùng miền Đông và miền Nam Ukraina tin vào những điều bịa đặt để chính quyền Putin có thể đạt được mục đích của mình tại Ukraine.

12000 quân đặc biệt tinh nhuệ của Nga đổ bộ vào Crime với lý do bảo vệ người nói tiếng Nga, bao vây các sân bay, doanh trại quân đội, các vị trí trọng yếu với yêu cầu quân đội Ukraine phải đầu hàng và giao nộp vũ khí (trên mảnh đất của Tổ Quốc mình!). Quân đội Nga bao vây quốc hội để lập nên Quốc Hội và Chính Phủ mới do người của Nga lãnh đạo. Không có gì lạ khi Quốc hội này quyết định sát nhập lãnh thổ vào Nga và quyết định trưng cầu dân ý về việc này. 12000 quân lính Nga mặc quân phục Nga không có các ký hiệu, nhưng dùng vũ khí tối tân của Nga, đi xe biển số Nga..., các quân nhân không ngại trả lời phỏng vấn nói mình từ Nga tới và tung ảnh lên các mạng xã hội. Trong khi đó truyền thông Nga và Putin khi trả lời phỏng vấn gọi họ (12000 lính Nga) là những đội "Tự vệ Crime", ông ta còn nói thêm rằng "còn quân phục thì mua trong cửa hàng bán đầy!" (khi giải thích về việc các tự vệ binh này sử dụng quân trang của Nga)  Xin nhắc các bạn là đây là câu trả lời cho thế giới của một nguyên thủ quốc gia một đất nước muốn thế giới coi mình là cường quốc!!!! Nếu lấy lý do bảo vệ dân nói tiếng quốc gia mình để đưa quân vào lãnh thổ nuớc khác thì Trung Quốc có thể chiếm nhiều nước châu Á, Tây ban nha có thể chiếm nửa châu Mỹ , còn nước Anh thì chiếm nửa thế giới luôn.

Truyền thông Nga và Việt Nam đưa tin quân đội Ukraine chống đỡ yếu ớt hoặc đã đầu hàng. Không có đơn vị nào đầu hàng cả trừ 1 chuẩn đô đốc thực ra là người của Nga. Binh sĩ Ukraine rất anh hùng. Họ không được quyền nổ súng trên đất mình để phiá Nga không tạo cớ, vì vậy đôi khi họ dùng tay không và những lá cờ để chống lại quân Nga. Khắp nơi trên Ukraine các điểm tòng quân đều xếp hàng dài, những ông già hết tuổi, những chàng thanh niên không đủ điều kiện sức khoẻ nài nỉ để được tòng quân bảo vệ Tổ Quốc.

3. Tương lai

Tôi chỉ muốn nói với các bạn 1 điều này thôi: có lẽ chúng ta đang sống ở một thời khắc lịch sử. Thời bây giờ thế giới nhỏ bé lắm, thế giới phải chung tay để dẹp bỏ những điều ác, tránh tình trạng 1 kẻ độc tài, lãnh đạo nước lớn gật đầu một cái làm biết bao gia đình có thể ly tán, bao triệu người đau khổ!

Quân Nga vẫn không rút khỏi Crime, các vùng miền Đông Ukraina cũng đang căng thẳng. Có lẽ Ukraine sẽ mất Crime. Nhưng có lẽ người Ukraine và thế giới cần một cú sốc như thế này để hiểu nước Nga (ít nhất là thời Putin):

Người Ukraine sẽ phải chọn con đường của mình là châu Âu, càng tách khỏi Nga càng tốt. Con đường vào châu Âu đã rõ ràng, phải phấn đấu và làm ngay. Nếu trước đây 1 bộ phận dân chúng Ukraine còn không muốn vào NATO thì bây giờ không còn con đường nào khác. Putin luôn muốn thấy Ukraine lục đục nhưng bây giờ Ukraine đoàn kết hơn bao giờ hết. Ukraine sẽ không bao giờ còn làm một nước trung lập.

Trước năm 1994 Ucraine là cường quốc hạt nhân thứ 3 thế giới sau Nga, Mỹ. Năm 1994 đã có Hiệp uớc Budapes được ký, trong đó nói rõ Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân với điều kiện Nga, Anh, Mỹ sẽ là những nước bảo đảm cho an ninh, chủ quyền lãnh thổ...của Ukraine. Năm 1997 Ucraine còn có hiệp ước không xâm phạm lãnh thổ với Nga.  Nga hôm nay với tư cách là nước bảo đảm lại đem quân chiếm đất của Ukraine. Thời xưa thủ lĩnh của nước Đức Otto Bismark (người thống nhất nước Đức) đã nói rằng: "Bất kỳ thoả thuận nào với người Nga đều không có giá trị bằng tờ giấy mà trên đó ghi thoả thuận". Thật đáng buồn nhưng thế giới phải nhớ đến lời của Bismark khi có việc với nước Nga thời Putin. Nếu thế giới để yên cho Nga xâm chiếm đất Ukraine thì sẽ có sự thay đổi lớn trên toàn thế giới. Bất kỳ một nước lớn nào cũng cho mình quyền được vi phạm các hiệp định quốc tế mà thế giới đã bỏ bao năm nay để đạt được. Những năm 30 của thế kỷ trước, Hitle lấy cớ bảo vệ người nói tiếng Đức đã đem quân xâm chiếm Áo và Tiệp Khắc. Cộng đồng thế giới đã nhắm mắt làm ngơ. Những gì xảy ra sau đó ai cũng biết. Thế giới hôm nay với vũ khí hạt nhân nếu xảy ra chiến tranh có thể là một thảm hoạ khủng khiếp.

Sự việc này nếu không giải quyết thỏa đáng các nước trên thế giới sẽ thấy rằng: con đường duy nhất để tự bảo vệ mình là phải có vũ khí hạt nhân. Thế giới cứ thử đi thuyết phục Iran, Triều Tiên...từ bỏ con đường chế tạo vũ khí hạt nhân đi. Thế giới sẽ đứng trước một cuộc chạy đua hạt nhân mới, đáng sợ hơn là có cả những nước Hồi giáo tham gia.

Nuớc Nga muốn gửi thông điệp gì cho các nước trên thế giới, đặc biệt vùng Liên Xô cũ? -Nếu anh muốn hướng tới xã hội dân chủ thì anh hãy nhìn gương Gruzia và Ukraine!

Các bạn của tôi, những người đã gắn bó với tiếng Nga, văn hoá Nga, tôi rất hiểu các bạn. Các bạn coi nước Nga thân thuộc như bạn bè, và điều đương nhiên các bạn có cảm tình với những gì liên quan đến nước Nga, trong đó có Putin. Rất nhiều tầng lớp trí thức Nga đang phản đối chiến tranh với Ukraine. Chúng ta biết nước Nga thời chúng ta rất trẻ, sau khi chúng ta sống ở Việt Nam thời rất khó khăn, tình cảm như mối tình đầu. Nhưng khi các bạn đã đi khắp nơi trên thế giới thì hãy đến Nga sống một thời gian thôi, các bạn sẽ thấy đầy  thất vọng. Tôi thì tôi yêu nước Nga của Puskin và Tolstoi, của Levitan và Chaikovski,...của những người Nga bình dị với tâm hồn hiếu khách, của những cô gái Nga xinh đẹp...chứ không phải nước Nga của Stalin hay Putin...

Còn một vấn đề nữa: chúng ta là một nước nhỏ nằm ở vị trí nhạy cảm, biết bao cuộc chiến tranh đã trải qua, bao máu đã đổ. Tôi thường nói rằng: nếu máu đổ để cuộc sống tốt hơn thì chúng ta đã ở Thiên Đường từ lâu rồi! Chúng ta muốn xây dựng một cuộc sống để con em chúng ta không bao giờ còn phải nhìn thấy cảnh chiến tranh, chia lìa, máu đổ. Nhưng nếu thế giới này còn cảnh nước to hơn, mạnh hơn có thể dễ dàng xâm chiếm nước khác thì chiến tranh, xung đột là không tránh khỏi. Hôm nay nếu chúng ta thờ ơ để trộm cuớp vào nhà hàng xóm thì ngày mai sẽ đến lượt nhà ta thôi. Cách đây mấy hôm Trung Quốc phát biểu rằng: quyền độc lập, nguyên vẹn lãnh thổ của Ucraine cần được tôn trọng. Hôm qua Trung Quốc đã có những lập trường khác, chả lẽ lại có những trò chơi: anh nợ tôi và ngày mai anh phải ủng hộ tôi chăng? Nếu thế giới để Nga xâm lược Ucraine thì ngày mai có thể thế giới tỉnh dậy với các tin tức như sau: Trung Quốc cho lực lượng gìn giữ hoà bình vào quần đảo Trường Sa, Việt Nam tuyên bố tổng động viên...hoặc Trung Quốc và Philipin giao tranh dữ dội ở biển Đông...

Các bạn hãy hiểu vấn đề như nó có, hãy truyền thông điệp cho những người bạn hiểu biết khác. Biết đâu những cố gắng của chúng ta sẽ làm cho những kẻ thích gây chiến phải chùn tay , và thế giới mà chúng ta đang sống khỏi phải trải qua một cuộc chiến hoang tàn nữa.

Trong đuờng link chia sẻ duới đây,các bạn có thể nhìn thấy guơng mặt của những nguời đã hi sinh, trong đó có hai video clip rất cảm động:
http://news.bigmir.net/ukraine/795271-Nebesnaja-sotnja-Majdana--v-Kieve-poprocshalis--s-pogibshimi
Nguyễn Việt Trung
(FB. Nguyễn Việt Trung) 

Đào Tuấn - Cái cột mỡ, ra không phải chỉ dành cho dân

Trong một phiên thẩm tra về Luật Nhà ở. ĐBQH Ngô Văn Minh sau đó cho rằng tỷ lệ giải ngân gói nhà ở xã hội này quá thấp, hiện mới được gần 9%. Và: Nếu Bộ Xây dựng không sử dụng được gói hỗ trợ trên để lo nhà ở cho người thu nhập thấp thì nên trả lại.
Nếu báo chí chép đúng, câu hỏi của ĐBQH Ngô Văn Minh như sau: “Xin hỏi Bộ trưởng (Bộ Xây dựng) gói 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà đang ở đâu, đề nghị trả lại cho Chính phủ, cho Quốc hội để bố trí làm việc khác”. Đây là một câu hỏi nghị trường.
Những diễn giải cho thấy vị ĐBQH đang không bằng lòng với tỷ lệ giải ngân quá thấp. Và chữ trả lại, thực ra, không cần phải dùng bất cứ một cái ngoặc kép nào hết. Ông muốn đòi thật chứ chẳng phải là ẩn ý hay nói dỗi.
Ông Minh sốt ruột là phải khi mà rất rất nhiều những người có nguyện vọng “ngôi nhà và những đứa trẻ” đã, đang, và không biết sẽ còn phải chờ đợi bao nhiêu lâu nữa.
Một doanh nhân, không hề đùa, đã so tốc độ giải ngân, đạt khoảng 2,8% tính đến 15.1.2014 với…thang điểm học sinh “Học sinh đi thi thì 2,8% tương đương với 0,28 điểm, không thể xếp vào loại nào, dù chỉ ở mức trung bình, yếu kém”.
Và với mức “không thể xếp hạng” này, có lẽ phải cần đến 32 năm để giải ngân hết, hay hình ảnh hơn, 32 năm để “leo cột mỡ”, thì đó là lạc quan chứ không phải bi quan.
Nhưng người sốt suột nhất phải là Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng. Trong một chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ông sốt suột, rằng: Gói 30.000 tỷ đồng là chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân thu nhập thấp cải thiện nhà ở.
Và muốn giải ngân nhanh gói này, phải có nhiều nhà ở dưới 15 triệu/m2, dưới 70m2, trong khi nhu cầu của người dân rất lớn. Cả nước hiện nay cần hơn một triệu căn hộ nhà ở xã hội nhưng hiện nay cung nhà ở xã hội không thể nhanh được.
Trở lại với phiên giải trình, trả lời báo chí sau đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định 3 điểm then chốt:
Lớn, là chuyện Luật Nhà ở sẽ sửa đổi theo hướng tạo mọi điều kiện cho người dân có nhà ở.
Gần hơn thì là cam kết “sẽ sử dụng hiệu quả gói 30.000 tỷ đồng”, và có thể nới lỏng các điều kiện cho vay để người dân có thể dễ tiếp cận hơn (Chẳng hạn từ 2 con dấu thủ tục bớt xuống còn một “con”).
Và quan trọng nhất là câu này: Gói 30.000 tỷ không tiêu vẫn còn đó. Mục đích là phục vụ cho người có khó khăn về nhà ở, chứ không phải gói để cứu bất động sản.
Thật tế nhị, Bộ trưởng đã không trả lời thẳng vào câu hỏi chất vấn “30 ngàn tỷ đang ở đâu”. Vì thật ra, theo đúng nghĩa đen, làm gì có đống tiền đó trong két Bộ Xây dựng, cũng chẳng có xu cắc nào trong nhà băng mà nói “ở đâu”, mà bảo “trả lại”.
30 ngàn tỷ thực ra là số tiền mà Chính phủ cam kết qua Ngân hàng Nhà nước, khi người dân đảm bảo các thủ tục mua nhà thì thì được giải ngân bằng cách Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các Ngân hàng thương mại để cho vay.
Hoàn toàn không có chuyện để sẵn đó một đống 30 ngàn tỷ, có lẽ phải cao như núi, để nói là lãng phí hay bảo phải trả lại.
Vì thế, mới có chuyện phía ngân hàng từng giải thích lý do mới chỉ lác đác vài trường hợp được vay, rằng: “Hầu như khách hàng vẫn chưa thể hoàn thiện hồ sơ vì vướng mắc ở những xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện ở và mức thu nhập thấp”.
Tiền ở đâu, có lẽ cũng chính là một trong những cái ổ khóa chưa mở mà kể cả Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng không thể trả lời được.
Cái cột mỡ, vì thế, không phải là chỉ dành cho dân đâu.
Huống chi, chẳng hạn đến giờ gói 30 ngàn tỷ đã giải ngân “hết veo” thì có khi chính những đại biểu của dân sẽ lại phải hỏi rằng cái gói đó, thực ra là để dành cho dân mua nhà hay giải cứu BĐS.
Đào Tuấn
(Lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét