Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Hỗn loạn trong khai thác khoáng sản

Thủ tướng Dũng chỉ 'hoàn thành nhiệm vụ'

Ông Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp thường kỳ của Chính phủ hôm 1/4
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói tại phiên họp Chính phủ rằng dù được chi bộ cho là xuất sắc, ông cũng chỉ "tự nhận ở mức hoàn thành nhiệm vụ".

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Dũng nói tại phiên họp thường kỳ tháng Ba của Chính phủ ngày 1/4 rằng để đánh giá cán bộ "Tóm lại có bốn mức là xuất sắc, tốt, hoàn thành, không hoàn thành".

“Tôi thì nhận ở mức hoàn thành, chi bộ thì cho là xuất sắc, tôi cũng kiên định tự nhận ở mức hoàn thành," người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

Theo bậc thang mà ông thủ tướng đưa ra, 'hoàn thành nhiệm vụ' là mức trung bình.

Ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói như vậy khi nhận xét về các cán bộ công chức, mà theo báo cáo của các địa phương đa phần thuộc diện hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

Ông nói "vừa qua các tỉnh, các bộ báo cáo lên tỷ lệ cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ vào khoảng 0,5-0,6%".

"Nhìn chung dư luận không đồng tình với kết quả đó, một số ý kiến nói là tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ phải lên đến 20-30%. Bộ Nội vụ cần thanh tra, kiểm tra và khảo sát để đưa ra đánh giá."

Cũng trong cuộc họp Chính phủ, T̀hủ tướng Dũng phát biểu về đề xuất rút đăng cai Asiad năm 2019 tại Hà Nội.

Ông nói chưa được nghe Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch báo cáo về phương án đăng cai Asiad 18 nên yêu cầu bộ này giải trình cụ thể vào tuần tới. Theo ông Dũng, việc này cần làm chặt chẽ và thông tin rộng rãi.

"Mình đồng ý về chủ trương song phải có kế hoạch khả thi thì mới làm, còn không thì không làm."
Thành lập đoàn kiểm tra

Liên quan tới vấn đề cán bộ, nhưng trong lĩnh vực Đảng, ông Lê Hồng Anh - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - vừa ký quyết định thành lập chín đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm kiểm tra việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
"Một số ý kiến nói là tỷ lệ [cán bộ công chức] không hoàn thành nhiệm vụ phải lên đến 20-30%." - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Theo quyết định trên, 5 đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị sẽ do các ông Ngô Văn Dụ, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Xuân Phúc, các bà Tòng Thị Phóng và Nguyễn Thị Kim Ngân làm trưởng đoàn.

Trọng tâm làm việc của 5 đoàn này là công tác tổ chức cán bộ và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ tại các cơ quan sẽ đến kiểm tra.

Các đoàn này chịu trách nhiệm kiểm tra Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ, Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin-Truyền thông, Đảng ủy khối các cơ quan trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục-Đào tạo; Ban thường vụ các tỉnh ủy Nam Định, Thanh Hóa, Đồng Nai, Đồng Tháp, Đắk Lắk và Thái Nguyên.

Bốn đoàn kiểm tra của Ban Bí thư, do các ông Ngô Xuân Lịch, Trương Hòa Bình, Trần Quốc Vượng và bà Hà Thị Khiết làm trưởng đoàn, sẽ làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, Ban cán sự Đảng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao, Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy Cần Thơ, Ninh Bình, Nghệ An, Lào Cai và Lâm Đồng.

Đại hội 12 Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được tổ chức vào năm 2016, thế nhưng giới quan sát cho rằng cuộc chạy đua vào các chức vụ chủ chốt đã bắt đầu ngay từ bây giờ.
(BBC)

Bi kịch một tướng cướp

Vụ án Hồ Duy Trúc đã gây chấn động người dân thành phố Hồ Chí Minh

Khán giả miền Nam cách đây một, hai thế hệ không ai là không biết tuồng cải lương ‘Tướng cướp Bạch Hải Đường’ – một câu chuyện dựa trên hiện thực xã hội thời bấy giờ đã làm không ít người đã rơi lệ trước thảm cảnh một gia đình.

Cách mấy chục năm và qua một lần thay đổi chế độ, ai ngờ xã hội ngày nay lại xảy ra bi kịch của một tướng cướp còn thảm thương hơn nhiều câu chuyện trong vở cải lương kia.

Không có gì biện minh cho hành động giết người cướp của của Bạch Hải Đường, dù là để nuôi vợ nuôi con. Soạn giả bỏ qua hành động mà xoáy sâu vào thảm cảnh để lấy nước mắt khán giả.

Nhưng câu chuyện của Hồ Duy Trúc thì lại khác. Hành vi của 'tướng cướp' 21 tuổi này gần như lấn át bi kịch gia đình mà anh ta phải gánh chịu.
Đau và Khổ

Bi kịch đó trước hết là nỗi đau tận cùng của gia đình Trúc.

Đứa con đầu lòng là cả bầu trời đối với người cha, nhưng một đứa bé sẽ lớn lên sẽ không biết thế nào là tình thương yêu của cha.

Một người vợ trẻ mặn nồng chưa được bao lâu đã phải chịu cảnh cút côi không chồng bên cạnh vào lúc khó khăn nhất của cuộc đời.

Một đôi vợ chồng sức cùng lực kiệt tan nát tâm hồn khi sắp mất con và mất luôn cả chỗ dựa cuối cùng trong cảnh tuổi già bóng xế.
Đứa trẻ này sẽ mãi mãi không có tình thương của cha?

Rõ ràng, án tử hình của Trúc không chỉ một mình anh ta mà cả gia đình phải lãnh.

Gây ra nỗi đau cho mười mấy gia đình nhưng có lẽ Hồ Duy Trúc không ngờ nỗi đau lớn nhất mà anh ta gây ra lại là cho chính cha mẹ, vợ con mình.

Đó là cái Quả oan nghiệt mà Trúc phải gặt từ những gì mà Trúc đã gieo: 6 tháng, 17 vụ cướp, 12 nạn nhân và một cánh tay phải nối lại.

Tàn ác, dã man, phi nhân – đó là điều không ai có thể cãi về hành vi ‘chém trước cướp sau’ mà bất cứ người dân lương thiện nào cũng kinh hoàng và phẫn nộ.

Hành vi của Trúc đã chồng chất đau thương lên sự nghèo khổ cùng cực của gia đình và bồi thêm một cú chí mạng vào một người mẹ đã chịu quá nhiều bất hạnh.

Thân già như xác ve đội nắng phơi sương nơi đầu đường xó chợ kiếm từng đồng từng cắc nuôi đàn cháu lẫm chẫm hơn chục đứa.

Bà Nguyễn Thị Út thất học từ nhỏ, lớn lên đi ở đợ. Mười hai người con đứa chết yểu, đứa mất tích, đứa lê lết ăn xin. Trúc thì sắp bị tử hình. Con gái thì đứa này đến đứa khác bị ruồng bỏ rồi đem con về giao cho bà nuôi. Một người con rể qua Trung Quốc bán thận rồi chết trong oan khuất.

Chưa kể từ ngày Trúc bị bắt, bà phải đi hỏi tiền vay bạc góp với tiền lời cắt cổ, rồi nợ nần chồng chất, rồi phải rao bán nhà để trả nợ.
Tình người

Xã hội tồn tại một cuộc sống nơi tận cùng dưới đáy mà vụ án Hồ Duy Trúc đã bóc tách lên cho mọi người nhìn thấy.

Tuy nhiên, giữa cái u ám đó vẫn có những đốm sáng của tình người.
Mẹ Trúc nói lòng bà 'đau như cắt' khi nghe con bị tuyên án tử hình (Ảnh trên Facebook của nhà báo Viễn Sự)

Bà Út dẫu nghèo khổ cơ cực mấy cũng không bỏ cháu và dù phải bán đến tài sản cuối cùng cũng phải cứu con.

Đồng đảng của Trúc, dẫu dã man tàn bạo thế nào, khi nói lời cuối cùng trước Tòa đã xin cho Trúc trước tiên.

Hai vị luật sư không những bào chữa mà còn hỗ trợ tiền bạc cho mẹ của Trúc và ngỏ ý giúp đỡ gia đình bà.

Cô Thúy, nạn nhân bị chặt tay, dù đau và hận Trúc cũng viết thư xin giảm án cho Trúc.

Người vợ chưa bao giờ cưới của Trúc khi biết Trúc là tướng cướp vẫn không ngại miệng đời gièm pha nhận Trúc làm chồng, không bỏ giọt máu của Trúc dù chỉ mới tượng hình, rồi lặn lội vào thăm để cho con gặp cha và vẫn mong được làm hôn thú với Trúc dù anh ta giờ đây là tử tội.

Không rõ đối với cô, Trúc là người chồng tốt đến đâu nhưng dưới cái nhìn của dư luận, anh ta là kẻ tội đồ không thể thứ tha.

Ai cũng thấy hình ảnh các nạn nhân bị ‘chặt tay cướp xe’ của Trúc có thể là chính mình.

Từ đó, dư luận, trong đó có tôi, đặc biệt cảm thông cho các nạn nhân và đương nhiên Trúc trở thành đối tượng bị căm thù.

Hàng trăm bài báo đưa tin về vụ án với hàng ngàn lượt bình luận mà đại đa số đều hoan hô án tử hình.

Không những thế, trên các diễn đàn mạng, bị cáo Trúc cùng mẹ và chị bị nhục mạ, sỉ vả hết lời.

Gia đình Trúc bị gọi là ‘bọn’, ‘lũ’, ‘đám’. Có người đòi tống cả gia đình Trúc vào tù. Có ý kiến còn yêu cầu phải chặt tay Trúc. Ngay cả những người lên tiếng xin giảm tội cho Trúc cũng bị mạt sát không thương tiếc.
Ba lần ác cảm 
 
Người phụ nữ này đã bất chấp tất cả để làm vợ Trúc

Theo dõi báo chí về vụ việc, tôi thấy ít nhất ba lần Trúc và người thân chịu ác cảm của dư luận, và cả ba lần ác cảm này đều không hợp lý.

Ác cảm thứ nhất là việc Trúc bị chết tên ‘chặt tay cướp xe’. Rõ ràng ‘chặt tay’ gợi lên hình ảnh man rợ khiến ai cũng phẫn nộ.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ, trong 17 vụ cướp của Trúc thì chỉ có duy nhất một vụ ở cầu Phú Mỹ là bị chặt thẳng vào cổ tay. Còn tất cả các vụ cướp khác đều là chém trước cướp sau.

Có thể thấy băng cướp này không có chủ đích chặt tay. Mặc dù chém loạn xạ hay chặt tay đều dã man như nhau nhưng hình ảnh ‘chém lìa cổ tay’ đặc biệt gây ác cảm cho dư luận.

Ác cảm thứ hai là câu chuyện người thân của Trúc ‘náo loạn pháp đình’.

Mẹ và chị của Trúc được tường thuật có những lời khó nghe như: ‘tao mà biết con tao bị tử hình tao đem theo dao đâm con Thúy’ hay ‘ai biểu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém’. Mẹ của Trúc còn được cho là đã ‘tuột quần trước Tòa’ để phản đối bản án.

Đây chỉ là phản ứng bộc phát không kiềm chế được của người mẹ khi nghe con bị án tử hình. Nhìn cảnh bà Út vật vã khóc than đập vào xe tù thì biết bà đau lòng đến mức nào.

Bà Út bị lên án là ‘ích kỷ, chỉ biết con mình mà không nghĩ đến nỗi đau của nạn nhân’. Nhưng trong hoàn cảnh nghĩ rằng con mình sắp chết thì một người mẹ có còn nghĩ được điều gì khác nữa không?

Hơn nữa, những lời nói bất chấp đạo lý trên, xét kỹ ra, được nói ra khi mẹ và chị của Trúc bất bình với án tử hình vị họ nghĩ ‘thằng Trúc có làm chết ai đâu mà bị tử hình’, chứ không phải bầt bình với nạn nhân.
Có phải Trúc đang 'cười hãnh diện vì tội ác của mình'?

Do đó, họ trút giận vào nạn nhân vì cho rằng hành động con em mình đối với nạn nhân không đáng bị tử hình.

Cũng có người cho rằng bà Út và con gái là phường ‘vô học’ và ‘chợ búa’.

Điều này không sai, nhưng đó là cái khổ, là hoàn cảnh sống của họ chứ không phải là cái tội.

Chúng ta càng không thể đòi hỏi một người ít học như bà Út ứng xử thế này thế nọ chốn pháp đình.

Khi được giảng giải thì bà Út đã không còn cư xử như vậy nữa trong phiên phúc thẩm và trước tấm lòng của luật sư, bà đã ‘hôn tay và quỳ xuống lạy ông giữa sân tòa’ – một cách thể hiện tình cảm chân thành của người ít học nhưng biết lẽ phải.

Một ác cảm nữa là hình ảnh Trúc cười tươi vẫy tay khi vừa xuống xe tù trong phiên phúc thẩm. Nhiều người cho rằng đây là thái độ trơ tráo của một kẻ không biết ăn năn hối hận.

Thật ra đây chỉ là một trong nhiều trạng thái cảm xúc của Trúc khi đến Tòa. Mọi người chỉ thấy khi Trúc cười mà quên lúc anh ta bật khóc trước vành móng ngựa.

Với lại bao ngày trong nhà giam Trúc còn mong gì hơn là nhìn thấy người thân, và khi nhìn thấy thì đương nhiên anh ta phải vẫy tay với họ. Cho nên không thể cho rằng Trúc cười tươi vẫy tay ‘như chào fan hâm mộ’.

Các ác cảm này tạo thành dư luận hết sức bức xúc, và không rõ phán quyết của Tòa có bị tác động bởi sức ép dư luận hay không?
Cho con đường sống? 
 
Bà Út không còn 'quậy phá' trong phiên phúc thẩm

Tôi hiểu là trong tình hình cướp giật tràn lan như hiện nay thì Tòa cần một bản án nghiêm khắc để răn đe.

Nhưng dẫu sao cũng một mạng người. Sau lưng anh ta còn nhiều thân phận khác.

Lấy một mạng người để răn đe khi anh ta không đáng tội chết thì liệu có công bằng?

Hành vi coi thường sinh mạng của người khác của Trúc là đáng lên án nhưng vì thế cũng cần hết sức cẩn trọng khi đưa ra quyết định về sinh mạng của anh ta.

Quan tòa lập luận rằng hành vi của Trúc côn đồ và Trúc phạm tội chuyên nghiệp nên không còn khả năng cải tạo. Tôi không tin như thế.

Thứ nhất, mục đích của Trúc là chỉ đi cướp chứ không muốn đoạt mạng nạn nhân. Nếu Trúc cố tình giết người thì trong 17 vụ thì ít nhất cũng đã có người chết.

Thứ hai, tôi tin rằng Trúc đã thật lòng ăn năn hối hận, thể hiện qua việc anh ta thành khẩn khai báo, thú nhận hết tội trạng và bật khóc khi nói ‘bị cáo thật lòng rất hối hận’.

Dĩ nhiên, lời nói của tội phạm thì không đáng tin, nhưng một kẻ máu lạnh xuống tay không ghê tay thì không dễ gì rơi nước mắt. Hơn nữa, đó là giọt nước mắt lúc hối hận chứ không phải lúc nghe tuyên án tử hình.

Thứ ba, theo lời kể của mẹ và vợ Trúc thì những lần vào thăm Trúc đều khuyên mẹ và vợ ‘không nên quá buồn phiền’ và ‘giữ gìn sức khỏe’ để đợi ngày về. Bà Út còn cho biết hai mẹ con còn ‘ôm nhau khóc nức nở’.

Một con người còn tình cảm, biết thương mẹ thương vợ như thế thì ắt hẳn anh ta vẫn còn chút lương tâm. Như thế thì sự động viên và tình cảm của người thân sẽ giúp Trúc phục thiện.

Đồng đảng của Trúc đều xin giảm tội cho Trúc

Nếu được miễn án tử, qua một lần chết đi sống lại thì những ngày tháng trong tù Trúc sẽ càng biết quý sinh mạng mình, biết quý những gì mình đang có để từ đó biết quý trọng mạng sống của người khác và không cướp những gì người khác có.

Cũng cần lưu ý là Trúc chỉ mới 21 tuổi, độ tuổi ít nhiều vẫn còn bồng bột nông nỗi và vẫn chưa hiểu hết về ý nghĩa cuộc đời.

Hơn nữa, khi vào tù thì Trúc mới biết mình đã làm cha. Một đứa con sẽ giúp người cha sống có trách nhiệm hơn với bản thân mình và với cuộc đời.
Tại sao đi cướp?

Trong vụ án này, dường như chúng ta chỉ quan tâm đến việc trừng phạt Trúc như thế nào mà không tìm hiểu cội nguồn vụ việc để tránh điều tương tự xảy ra.

Cổ nhân có câu ‘Nhân chi sơ tính bản thiện’ còn ông bà ta dạy ‘Cha mẹ sinh con Trời sinh tính’.

Có người như Hồ Duy Trúc có sẵn tính hung hăng ngang tàng trong máu, nhưng có người bẩm sinh đã hiền lành không biết hại ai.

Một người từ nhỏ đã hoang đàng chi địa nhưng ở trong một gia đình mà hàng ngày chứng kiến cha mẹ anh chị em đều sống hiền lương thì ít nhiều cũng phải sống cho đàng hoàng, còn người bẩm sinh thuần hậu nhưng nếu lớn lên trước những hành vi hung ác thì thiên lương cũng mai một phần nào.

Trong trường hợp của Trúc, cha mẹ đầu tắt mặt tối kiếm miếng ăn thì thời gian đâu mà uốn nắn con?

Hung hăng hay hiền lành có thể là bản tính Trời ban, nhưng lòng tự trọng để biết sống bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt mình làm ra thì cần phải được nuôi dưỡng và giáo dục.

Những đứa trẻ này rồi sẽ về đâu?

Gia đình Trúc sống gần đáy xã hội thì liệu môi trường xung quanh Trúc có chỉn chu nề nếp? Giả sử hàng ngày Trúc đều chứng kiến cảnh đánh lộn đâm chém, cờ bạc đề đóm, rượu chè hút xách và nghe toàn những lời chửi bới mà không được bảo ban thì thử hỏi Trúc có bị ảnh hưởng?

Dĩ nhiên không phải cứ nghèo hèn thì sẽ phạm tội, nhưng rõ ràng rằng đây là những yếu tố khiến người ta dễ phạm pháp. Hơn nữa, trường hợp của Trúc, trong cái nghèo còn có cái éo le.

Chứng kiến những bất hạnh liên tiếp xảy đến với mẹ, anh, chị, anh rể của mình thì một tâm hồn còn non nớt liệu có chịu nổi? Đứa trẻ có thể sẽ cảm thấy bức bối luôn muốn thoát ra và tìm cách bù đắp.

Hoàn cảnh của Trúc, bần cùng, ít học, thì gần như không có cơ hội thoát khỏi vũng lầy của sự nghèo hèn. Khi thấy đi cướp một lần bằng lao động cả năm thì Trúc sẽ lóa mắt. Có lần thứ nhất rồi sẽ có lần thứ hai cho đến ngày bị bắt.

Đạo lý truyền thống của người Việt là ‘Đói cho sạch, rách cho thơm’ tức là sống bằng chính sức lao động của mình. Nhưng ở Việt Nam thời buổi ngày nay đầy dẫy những người có được của cải không phải bằng bàn tay khối óc của mình. Lòng tự trọng ít nhiều nhường chỗ cho lòng tham.

Một xã hội nhiễu nhương như thế liệu những người như Trúc có còn tin vào sự lương thiện?
Nguyễn Lễ  
BBCVietnamese.com 
  (BBC)

Hỗn loạn trong khai thác khoáng sản

Kính Hòa, phóng viên RFA
000_Hkg3665029-600.jpg
Du khách tham quan mô hình lò phản ứng hạt nhân của công ty điện Đông Phương, Trung Quốc tại một cuộc triển lãm về điện hạt nhân tổ chức tại Hà Nội hôm 28/5/2010.  – AFP photo
Dự án khai thác bauxite do chính phủ Việt nam thực hiện với sự hợp tác của Trung quốc đã và đang bị các nhà khoa học, cũng như kinh tế trong nước phê phán lâu nay và dường như vẫn chưa có lối thoát. Trong những ngày cuối tháng ba năm 2014, một vụ xô xát lại diễn ra tại tỉnh Ninh Thuận giữa dân địa phương và công ty khai thác sa khoáng titan tại đó. Kính Hòa phỏng vấn Tiến sĩ Địa Vật lý Nguyễn Thanh Giang về hiện trạng khai thác khoáng sản tại Việt Nam hiện nay.

Có khoáng sản lại nghèo đi!?


Kính Hòa: Tại một cuộc Hội nghị đóng góp ý kiến cho Luật Khoáng sản sửa đổi, người ta nghe thấy một vị lãnh đạo tỉnh Cao Bằng nói, ông rất tâm đắc với câu “tỉnh nào có khoáng sản tỉnh đó nghèo đi” bởi câu đó đúng.
Trong khi cha ông ta thường nói “Tiền rừng, bạc bể” thì câu nói đó là một nghịch lý dường như không tin được. Là một người đã từng công tác lâu năm ở Tổng cục Địa chất ông có suy nghĩ gì về nghịch lý đó?
TS Nguyễn Thanh Giang: Xã hội này nhiều nghịch lý lắm ông ạ! Nghịch lý nhỡn tiền nhất ai cũng thấy được là trong khi người ta dát vàng vào câu khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nạm trước lăng cụ Hồ thì người ta vẫn bắt dân tộc phải làm lính lệ vác cờ đi theo cái “Tầm cao chiến lược” của “anh bạn vàng” Trung Quốc, và để cho Trung Quốc hết xà xẻo lãnh thổ biên giới phia Bắc lại lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa. Độc lập thì như thế, còn tự do thì, công an của Đảng đàn áp biểu tình chống Trung Quốc và đánh đập các bloggers chưa đủ, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bản tuyên bố chung ký kết với Hồ Cẩm Đào nhân chuyến thăm Trung Quốc năm 2012 còn mở đường cho cả công an Trung Quốc vào Việt Nam “phối hợp giữ gìn ổn định trong nước của mình”.
Kính Hòa: Vâng, thưa ông, nhưng ở đây ta đang nói về kinh tế, về tài nguyên khoáng sản.
TS Nguyễn Thanh Giang: Kinh tế cũng nghịch lý! Nghịch lý ngay từ cái chủ trương lớn của Đảng: “Kinh tế thị trường, định hướng XHCN”. Cua không ra cua, cá không ra cá, cho nên cái nọ cắp kẹp cái kia, cái kia quẫy đạp cái nọ, luật không giữ nổi lệ, lệ chống phá luật …
Không phải chỉ ông Cao Bằng kêu “khoáng sản làm tỉnh nghèo đi” mà Yên Bái có cái mỏ đá quý ở Lục Yên, Yên Bình khá lớn nhưng việc khai thác chẳng ra cái quy mô, cung cách gì nên cảnh quan núi đá đẹp ở khu vực huyện Lục Yên và hồ Thác Bà bị tàn phá tan hoang mà ngân sách thì đóng góp chẳng được bao nhiêu, cho nên, so với mặt bằng chung của cả nước thì Yên Bái vẫn còn là một tỉnh nghèo…
Bắc Cạn cũng là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản rất dồi dào, giai đoạn 2001 – 2005, nhờ đóng góp đáng kể của ngành khai thác khoáng sản mà GDP của Bắc Cạn tăng 11,85% nhưng sau đó do thất thu về khoáng sản nên từ năm 2006 GDP của Bắc Cạn chỉ còn 9,5%.
Yên Bái có mỏ đá quý nhưng việc khai thác chẳng ra gì nên cảnh quan núi đá đẹp bị tàn phá tan hoang mà ngân sách thì đóng góp chẳng được bao nhiêu …
- TS Nguyễn Thanh Giang
Khai thác titan ven biển mới thật thảm họa. Ông Nguyễn Văn Phùng – Trưởng hội Người cao tuổi ở thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái, Quảng Trị phàn nàn, cả rừng dương chắn cát trồng hơn nửa thế kỷ nay bị người ta cho xe cẩu nhổ sạch, đê chắn sóng cũng bị phá, nước thải từ giếng khoan đổ thẳng ra biển đen ngòm trong khi nước dưới cát bị hút cạn kiệt, không trồng trọt trên bãi được nữa mà nước ăn trong làng cũng trở nên hiếm. Vậy mà Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan giai đoạn 2007 – 2015, định hướng đến 2025 khu vực quặng sa khoáng titan ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị còn dự định mở rộng đến trên 140 ha.
Không thể chịu được cảnh tàn phá tan hoang, mười hai giờ trưa hôm 27 tháng 3 vừa rồi bà con Sơn Hải ào ạt kéo nhau vây hãm công ty khai thác titan Quang Thuận. Công ty này là của một chủ người Trung Quốc liên kết với một số quan chức Ninh Thuận, khai thác quặng titan ở Sơn Hải, làm sụt mất mạch nước ngầm, ô nhiễm và ảnh hưởng trầm trọng cuộc sống của dân địa phương. Họ phản đối mấy năm nay nhưng công ty này vẫn lén lút khai thác ban đêm. Kiện lên xã không được giải quyết, người dân quyết định tự xử, đốt nhà bà chủ người Trung Quốc. Chiều 28 tháng 3, tức là mới cách đây mấy hôm hàng ngàn người đã kéo lên Ủy ban Ninh Thuận đòi Tỉnh phải đứng ra giải quyết. Cảnh xung đột lớn đã xẩy ra làm tắc nghẽn Quốc lộ Một suốt nhiều giờ.

000_Hkg2293952-250.jpg
Người lao động làm việc tại mỏ Bauxite Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng hôm 13/7/2009. AFP photo

Kính Hòa: Theo ông, vì sao lại có cảnh hỗn loạn như vây?
TS Nguyễn Thanh Giang: Hỗn loạn bên dưới là phản ánh “hỗn loạn từ bên trên”. Trước đây, từ khâu vẽ bản đồ địa chất đến, tìm kiếm, thăm dò, khai thác khoáng sản là lĩnh vực của Tổng cục địa chất cùng với các Liên đoàn, các xí nghiệp của mình. Nay khoáng sản có đến ba Bộ tham gia quản lý: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng.
Bộ TN&MT chỉ làm quy hoạch, còn xuất khẩu thì giao Bộ Công Thương. Bộ Tài nguyên – Môi trường giám sát việc khai thác khoáng sản, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng chia nhau việc lập qui hoạch khoáng sản và  quản lý việc xuất cảng khoảng sản. Còn cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản thì thuộc thẩm quyền của chính quyền các tỉnh, thành phố. Giám sát việc vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản thì do công an, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng đảm trách.
Việc cấp phép khai thác cũng thật là “hỗn loạn”. Đến nay cấp Trung ương đã cấp trên 350 giấy phép khai thác mỏ, cấp địa phương cấp tới gần 4 000 giấy phép khai thác mỏ. Các tỉnh cấp giấy phép khai thác mỏ nhiều nhất là Bình Thuận (200), Vĩnh Long (155), Yên Bái (152), Cao Bằng (142), Lâm Đồng (136), Nghệ An (126), Lai Châu (124), Lào Cai (121)…
Hơn 50% số giấy phép này vi phạm hàng loạt qui định hiện hành: Cấp giấy phép sai thẩm quyền, cấp giấy phép khi chưa có quy hoạch khoáng sản, cấp giấy phép khi chưa có quyết định phê duyệt trữ lượng khoảng sản, cấp giấy phép khi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc có cam kết bảo vệ môi trường …
Vụ “cấp phép” tội lỗi nhất là do TBT ĐCSVN Nông Đức Mạnh tự tung tự tác. Chưa tham khảo ý kiến các nhà khoa học địa chất, luyện kim, kinh tế, quân sự …, ông ta đã tự tiện ký kết với Trung Quốc. Ngay từ năm 2008, trong chuyến thăm Trung Quốc của Nông Đức Mạnh, bản tuyên bố chung VN – TQ đã ghi như sau: “ … Hai bên tăng cuờng hợp tác trong các dự án như: Bôxit Đắc Nông, các dự án trong khuôn khổ “ Hai hành lang, một vành đai kinh tế” và các dự án lớn khác….”. Đấy là chỉ thị mà sau đó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải triển khai rồi bị luật gia Cù Huy Hà Vũ kiện.

Lợi nhuận chảy vào túi ai?

Kính Hòa: Là một người đã từng công tác lâu năm ở ngành địa chất nhưng từ đầu buổi đến giờ dường như chỉ thấy ông nói đến mảng tối của bức tranh tài nguyên khoáng sản. Có những mảng sáng nào không, thưa ông?
TS Nguyễn Thanh Giang: Việt Nam là một trong những nước giầu tài nguyên khoáng sản. Hiện có hơn 5,000 mỏ đang khai thác với khoảng 60 loại khoáng sản thuộc nhiều nhóm khác nhau: Nhóm khoáng sản nhiên liệu như dầu khí, than, nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt như sắt, chromite, titan, manganese, nhóm khoáng sản kim loại màu như bauxite, thiếc, đồng, chì-kẽm, antimony, molypden, nhóm khoáng sản quý như vàng, đá quý, nhóm khoáng sản hóa chất công nghiệp như apatite, cao lanh, cát thủy tinh, nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng như đá vôi xi măng, đá xây dựng, đá ốp lát….
Trữ lượng đáng kể nhất là dầu khí, bauxite, than, sắt … Than có nhiều loại: than bùn, than nâu lửa dài, than mỡ, than gầy – bán antraxit và than antraxit, chủ yếu là than antraxit.
Đã phát hiện và khoanh định được trên 216 vị trí có quặng sắt, có 13 mỏ trữ lượng trên 2 triệu tấn. Trong tất cả các mỏ quặng sắt của Việt Nam, đáng chú ý nhất là hai mỏ lớn: mỏ sắt Quý Xa ở Lào Cai và mỏ sắt Thạch Khê ở Hà Tĩnh. Mỏ sắt Thạch Khê là chiến tích vang dội của nghề Địa Vật lý Máy bay của chúng tôi trong thập kỷ 60, thế kỷ trước. Khi đo đạc bằng máy đặt trên máy bay, thông qua tính toán, đồng nghiệp của tôi đã xác định được một mỏ sắt chìm sâu 60 mét dưới cát ven biển Hà Tĩnh mà không hề có biểu hiện gì trên mặt đất.
Để vận hành các nhà máy điện nguyên tử, chúng ta cần có uranium. Các mỏ uran đã phát hiện ở phía bắc nói chung manh mún. May chăng có thể trông chờ vào uran Nông Sơn mà tôi là người đầu tiên có công tích khẳng định khả năng chứa uran trong tầng than Nông Sơn từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Điều này, nhà địa chất Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước biết rất rõ.
Ngành công nghiệp khai khoáng đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, đóng góp khoảng 11% GDP và 25% thu ngân sách nhà nước. Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại của Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm 2013, Việt Nam xuất cảng khoảng 1.4 triệu tấn quặng và khoáng, trị giá 140 triệu USD.

000_Hkg3626163-200.jpg
Khách tham quan mô hình trạm điện hạt nhân của Tập đoàn Rosenergoatom, Nga tại một cuộc triển lãm về điện hạt nhân được tổ chức tại Hà Nội hôm 28/5/2010. AFP photo

Kính Hòa: Bàn về vấn đề thủy điện ông đã đưa ra 6 khuyến nghị. Đối với tài nguyên khoáng sản ông có khuyến nghị gì không, thưa ông?
TS Nguyễn Thanh Giang: Nghỉ hưu đã lâu, không còn sâu sát nữa, chắc anh chị em đương chức có nhiều tâm tư, nguyện vọng lắm, riêng tôi, chỉ xin có mấy ý kiến nho nhỏ:
- Khoáng sản là tài nguyên quốc gia, được xem như tài sản của toàn dân nhưng thực tế phần lớn lợi ích lại đang chảy vào túi các nhóm lợi ích đủ loại: nhóm lợi ích Đảng, nhóm lợi ích chính quyền, nhóm lợi ích trung ương, nhóm lợi ích địa phương, nhóm lợi ích băng đảng cá nhân …
Cần kiểm tra thu hồi những giấy phép cấp sai. Truy thu những khoản lợi nhuận bất chính. Kỷ luật và sa thải những cán bộ do tư lợi hay trình độ non kém đã gây nên thất thoát và lãng phí về khoáng sản.
Nên chăng, tập trung trở lại mọi đầu mối liên quan đến tìm kiếm, thăm dò, khai thác khoáng sản vào Tổng cục Địa chất.
- Một mặt hạn chế đến mức tối đa tình trạng xuất khẩu quặng thô, một mặt phải hiện đại hóa việc khai thác,chế biến quặng; vừa để dành tài nguyên cho con cháu, vừa chống tình trạng lãng phí đến mức như đang xúc của đổ đi.
Dẫn chứng như titan. Nếu chỉ sơ chế thành xỉ titan thì giá trị sản phẩm cũng chỉ tăng 2,5 lần so với quặng. Sản xuất được pigment thì giá trị tăng khoảng 10 lần, còn nếu sản xuất được titan kim loại thì giá trị tăng tới 80 lần.
Bên cạnh đó, các khoáng vật phụ của quặng titan như zircon, rutil, monazit… nếu sản xuất thành zircon siêu mịn, rutil nhân tạo thì giá trị sản phẩm cũng tăng được 1,6 lần.
Khoáng sản là tài nguyên quốc gia, được xem như tài sản của toàn dân nhưng thực tế phần lớn lợi ích lại đang chảy vào túi các nhóm lợi ích…
- TS Nguyễn Thanh Giang
Ở mỏ cromit Cổ Định (Thanh Hóa), một lượng lớn khoáng sét với thành phần khoáng vật chủ yếu là nontronit đang bị thải bỏ trong khi chính nó có có giá trị sử dụng làm dung dịch khoan rất tốt.
Độ thu hồi quặng vàng trong chế biến (tổng thu hồi) hiện chỉ đạt khoảng 30-40%, nghĩa là khoảng một nửa thải ra ngoài môi trường.
Tổn thất trong khai thác khoảng sản nói chung còn lớn: đối với apatit là 26-43%; quặng kim loại là 15-30%; vật liệu xây dựng từ 15-20%.. ..
- Một việc không thể xem không hệ trọng là phải kịp thời ngăn chặn tình trạng cướp bóc tài nguyên khoáng sản Việt Nam dưới nhiều hình thức của Trung Quốc. Ngoài việc khoanh lưỡi bò liếm Biển Đông và xâm chiếm Hoàng Sa để chiếm đoạt dầu khí, Trung Quốc còn xui dại TBT Nông Đức Mạnh cho khai thác bauxite Tây Nguyên trong khi họ không khai thác bauxite trên lãnh thổ họ.
Nên biết rằng một số nước đang sẵn sàng bỏ tiền ra mua quặng của nước khác về chôn lấp thành các mỏ nhân tạo để để dành cho tương lai.
Các lực lượng biên phòng cho biết, suốt thời gian dài, cho đến nay, mỗi đêm có chừng hai ngàn tấn than được nhập lậu sang Trung Quốc theo hình thức mua bán chui. Trong khi đã có dự kiến phải nhập khẩu than đá trong nay mai thì một số doanh nghiệp nhà nước vừa chính thức xuất khẩu hàng chục triệu tấn vừa vô tình hay hữu ý để than đêm ngày rót sang Trung Quốc như thế!
Không chỉ than đá, trong khi nhiều xí nghiệp tại Việt Nam thiếu nguyên liệu để sản xuất nên chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa thì nhiều khoáng sản thô khác cũng ùn ùn chảy sang Trung Quốc.
Không biết họ cần thật hay mua khoáng sản cũng theo cái âm mưu như mua móng trâu, rễ hồi, đỉa, ốc bươu vàng …
- Cần tích cực chuẩn bị để sớm tham gia “Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai khoáng” mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện để nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên khoáng sản. Việc thực hiện “Sáng kiến minh bạch hóa ngành công nghiệp khai khoáng” không chỉ giúp Chính phủ quản lý tài nguyên khoáng sản tốt hơn mà còn giảm tham nhũng và mang lại nguồn thu cao hơn cho ngân sách Nhà nước.
Kính Hòa: Xin Cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã dành cho đài Á châu tự do thời gian để thực hiện bài phỏng vấn hôm nay.

Nợ xấu đột ngột “vọt” lên 7% ?

Infonet

Tỷ lệ nợ xấu do các ngân hàng công bố hiện là 3,6 – 3,9%, nhưng theo đánh giá của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì con số này phải là 7%.
Thông tin về tỷ lệ nợ xấu được Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra tại cuộc họp Chính phủ sáng 1/4  khiến dư luận không ít băn khoăn về con số xác thực của nợ xấu.
Trước thông tin về chuyện tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang tăng “vọt” lên 7% so với báo cáo công bố trước đó là 3,96%, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, “chúng ta nên tin lời Thống đốc NHNN nói, tôi cũng tin lời Thống đốc nói là chuẩn xác”.
Nợ xấu trong ngân hàng thực tế là 3,9% hay 7%?
Theo người phát ngôn của Chính phủ, sở dĩ có nhiều con số nợ xấu khác nhau được công bố là bởi cách tính khác nhau. Đưa ra sự so sánh với con số về nợ quốc gia vừa được báo chí đăng tải, bộ trưởng Nên nhận định, ngay kể cả nợ quốc gia bao gồm nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, nợ doanh nghiệp… dựa vào những cách tính khác nhau, thời điểm tính khác nhau nên kết quả cho ra cũng khác.
Tại phiên họp Chính phủ diễn ra sáng 1/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng đã giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 3,6 – 3,9%, nhưng theo đánh giá của NHNN thì tỷ lệ này vẫn ở khoảng 7%.
“Con số này có giảm do chúng ta dùng các công cụ tài chính nhưng cũng có phần do tồn kho trong nền kinh tế đã cải thiện, đặc biệt là bất động sản”, Thống đốc cho hay.
Về câu chuyện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thống đốc Bình cũng cho biết, sắp tới sẽ có thêm 6-7 ngân hàng nữa sáp nhập.
Đây không phải lần đầu tiên có nhiều con số về nợ xấu được công bố cùng lúc. Cách đây gần 2 tháng, khi Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s công bố nếu tính đúng tính đủ thì tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng phải là 15%, NHNN đã ngay lập tức bác bỏ và khẳng định tỷ lệ này chỉ là 9%…
Cũng xoay quanh chuyện xử lý nợ xấu tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam ông Dominic Miller đánh giá, chỉ một mình Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) khó xử lý hết nợ xấu. Muốn quá trình này rốt ráo hơn, ông Dominic nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam phải đặt ra các mục tiêu cụ thể, chắc chắn cũng như lộ trình rõ ràng để thu hẹp khoảng cách giữa các chuẩn mực trong nước và quốc tế.
Trường Giang

Nợ xấu gấp đôi báo cáo, sáp nhập thêm 6 -7 ngân hàng

Posted by ttxcc6 on 02/04/2014
 
 
 
 
 
 
Rate This

- Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra ngày 1/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng đã giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 3,6 – 3,9%, nhưng theo đánh giá của NHNN thì tỷ lệ này vẫn ở khoảng 7%.
Trước đó, hồi tháng 2, khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s công bố báo cáo triển vọng về hệ thống ngân hàng 2014 trong đó đánh giá tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng ít nhất phải chiếm 15%.
Ngay sau báo cáo của Moody’s, NHNN đã có ý kiến cho rằng, diễn biến nợ xấu đã có những tín hiệu khả quan. Đến cuối tháng 12/2013, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh về mức 3,63% tổng dư nợ tín dụng. Còn nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780 thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%.

dư-nợ-tín-dụng, nợ-xấu, họp chính phủ, NHNN, nợ xấu 7%, số liệu , thống đốc, sáp-nhập, ngan-hàng
Nhiều ngân hàng vẫn giấu nợ xấu
Theo NHNN, do không có chuẩn mực thống nhất về phân loại nợ nên các cơ quan, tổ chức khác nhau đưa ra số liệu nợ xấu không giống nhau về cùng một đối tượng là bình thường.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, hiện cơ quan này đang tập chủ chỉ đạo đến vấn đề xử lý nợ xấu, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện văn bản, quy định để có thể bán được các khoản nợ xấu đã mua cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài vì họ đang rất quan tâm đến các khoản nợ xấu này. Thống đốc Bình cho hay, trong năm 2014 này, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu mua thêm từ 70 -100 nghìn tỷ đồng nợ xấu và điều này hoàn toàn nằm trong khả năng.
Liên quan đến việc tái cơ cấu các NH, sắp tới NHNN sẽ tiếp tục tái cơ cấu một số TCTD, trong đó sẽ xử lý từ 6-7 ngân hàng thông qua sáp nhập, đưa số ngân hàng bị giải thể, rút giấy phép từ trước đến nay lên từ 7-10 ngân hàng.
Đặc biệt, NHNN đang lên kế hoạch tiếp tục tái cấu trúc lại các tổ chức tín dụng. Trong số 9 tổ chức tín dụng tái cơ cấu đợt 1 thì chỉ còn mỗi Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) đang trong quá trình hoàn tất với đối tác nước ngoài vì họ sẽ mua lại 100% cổ phần của ngân hàng này. Còn các ngân hàng khác cơ bản đã được khắc phục, tình hình tín dụng đã được cải thiện, thoát khỏi đổ vỡ.
“Tới đây, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ trực tiếp thanh tra hoặc thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán chất lượng tín dụng nhằm tiếp tục tái cấu trúc một số tổ chức tín dụng mới, trong đó sẽ xử lý từ 6 -7 ngân hàng qua hình thức sáp nhập, đưa số ngân hàng giải thể, rút giấy phép từ trước đến nay lên từ 7 -10 ngân hàng”, Thống đốc cho biết.
PV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét