Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Tính minh bạch trong nền kinh tế Việt Nam - Bộ công an không cho hỏi về hai người dân chết trong đồn công an

Tính minh bạch trong nền kinh tế Việt Nam

000_Hkg4868352-600.jpg
Công nhân nghỉ ngơi bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia hôm 06/5/2011
AFP photo
Mới đây khi trả lời truyền thông trong nước, đại sứ Anh Anthony Stokes nhấn mạnh minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là một thách thức với Việt Nam, vì sao các chuyên gia hay các nhà tài trợ nước ngoài vẫn rất đề cao những thuộc tính này khi đánh giá kinh tế Việt Nam? 
 
Chuyện phải làm, nhưng ... 
 
Khi trả lời câu hỏi liệu có thấy tiến bộ nào trong lĩnh vực minh bạch và trách nhiệm giải trình tại Việt Nam, ông Anthony Stokes thừa nhận sẽ thật khó để có một hệ thống trong sạch nếu không có một cơ chế độc lập tại Việt Nam, ông cho rằng là con người, những chính trị gia hay các quan chức khó giữ được mình khi họ nắm quyền lực lớn trong tay.

Lời nhận xét của đại sứ Anh cũng khá tương đồng với chia sẻ của bà Helen Clark, tổng giám đốc UNDP (chương trình phát triển LHQ) tại Việt Nam hôm 23/3 khi góp ý cho hội thảo mang tên “Cải cách kinh tế cho tăng trưởng bền vững và bao trùm”, tại đây, bà Helen Clark nhấn mạnh đến việc bảo đảm cho sự tham gia của người dân vào tiến trình trên: “đấu tranh chống tham nhũng và bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển là hai trong số những tập quán quốc tế tốt được ghi nhận trong nỗ lực thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững.”

Theo một số học giả quốc tế, công thức để tính toán tham nhũng được đo bằng: tham nhũng = độc quyền + bưng bít thông tin – trách nhiệm giải trình, nghĩa rằng, trong một xã hội độc quyền càng lớn, bưng bít thông tin càng nhiều và trách nhiệm giải trình càng ít, thì xã hội đó càng diễn ra tham nhũng nhiều.

Với cách hiểu trên, rõ ràng “trách nhiệm giải trình” và “tính minh bạch” là 2 yếu tố cơ bản để giảm trừ tham nhũng, đặc biệt khi nó đi cùng với “cơ chế độc lập” như lời ông Anthony Stokes phân tích.
Độ minh bạch và khả năng minh bạch của xã hội đối với nên kinh tế là khá khác nhau, vì thế chúng ta cố gắng đấu tranh hoặc đòi hỏi một sự minh bạch lý thuyết trong điều kiện xã hội hiện nay là rất khó. - Ông Nguyễn Trần Bạt
Nhận xét về tính minh bạch tại Việt Nam, ông Nguyễn Trần Bạt, giám đốc công ty tư vấn đầu tư InvestConsult từng nhận xét với chúng tôi như sau:

Minh bạch là một khái niệm khá tương đối trong điều kiện xã hội, chính trị khác nhau. Độ minh bạch và khả năng minh bạch của xã hội đối với nên kinh tế là khá khác nhau, vì thế chúng ta cực đoan hóa, chúng ta cố gắng đấu tranh hoặc đòi hỏi một sự minh bạch lý thuyết trong điều kiện xã hội hiện nay là rất khó.
Về vấn đề minh bạch tôi nghĩ rằng chính phủ cần có một chương trình phấn đấu, có lộ trình minh bạch cái đã. Tức là xây dựng một lộ trình minh bạch, phấn đấu tạo ra một xã hội có nền kinh tế minh bạch là việc phải làm ngay. Nhưng phấn đấu đến những ngưỡng khác nhau, mức độ khác nhau của sự minh bạch cụ thể thì hoàn toàn có thể làm một cách từ tốn không bắt buộc và không nên làm mọi giá để cho minh bạch. 
 
... rút dây động rừng 
 
Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, trong năm 2013, Việt Nam đứng thứ 116 trên 177 trong bảng xếp hạng, được 31 trên tổng số 100 điểm và trên website của tổ chức này có phần nhận xét tổng quan về tình hình tham nhũng tại Việt Nam như sau: “Mặc dù Việt Nam đã có nhiều cải tiến trong những năm qua, nhưng tham nhũng vẫn được coi là phổ biến và Việt Nam vẫn đứng sau nhiều quốc gia châu Á khác đứng trên góc độ kiểm soát tham nhũng và các chỉ số quản trị. Tham nhũng ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục, xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên và các ngành công nghiệp khai khoáng.”
 
017_195429-200.jpg
Một người thu lượm rác ngủ trong công viên 30/4 tại Sài Gòn hôm 30/11/2013. AFP photo
Cũng bởi tính minh bạch và trách nhiệm giải trình quan trọng, mà mới đây, chính bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từng so sánh sự sinh tử của quốc gia nếu thiếu tính minh bạch tại hội nghị của UBTW Mặt trận Tổ quốc, ông nói: “đất nước này cần minh bạch và không được tham nhũng vì đấy là những thứ làm đất nước này chết nhanh chóng nhất, để làm được việc ấy sẽ đụng chạm rất nhiều người, mất rất nhiều quyền hạn. Nhưng dù vậy cũng phải làm, tôi không có gì để mất và không sợ mất gì, chỉ sợ mất đất nước này thôi.”

Có thể nhận thấy một số vụ việc nổi cộm mà truyền thông trong nước thời gian gần đây liên tục đưa tin từ việc các quan lớn xây nhà như lâu đài, bớt xén bòn rút khiến các công trình hư hỏng xuống cấp gây tai nạn tử vong, cho đến những quyết định đầu tư công sai lầm làm thất thoát nhiều tỉ vốn ngân sách… đều liên quan đến tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tham nhũng vốn tồn tại dai dẳng ở Việt Nam. Trong một bài viết gần đây đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế trung ương phân tích: tại Việt Nam nạn tham nhũng, tiêu cực lớn nhỏ đều khắp, lãng phí chia chác rất phổ biến, bộ máy hành chính cồng kềnh, tốn kém mà không hiệu quả, việc bổ nhiệm nhân sự hoàn toàn không minh bạch, không qua giám sát.

Liên quan đến trách nhiệm giải trình, T.S Lê Đăng Doanh cho chúng tôi biết quan điểm của ông về vấn đề này như sau:

Người ta hỏi rằng trong tất cả các vụ việc này thì đảng ủy ở đâu? Ban kiểm tra ở đâu? Ban giám sát ở đâu? Thí dụ như trong thời gian bổ nhiệm anh thì anh có nâng cao lợi nhuận bao nhiêu, giảm chi phí bao nhiêu, hiện đại hóa công nghệ bao nhiêu… Tất cả cái đó phải có cam kết và bổ nhiệm người vào vị trí đó là để nhằm thực hiện cam kết đó chứ không phải bổ nhiệm rồi ông ta muốn làm gì thì làm. Người ta cần phải đặt câu hỏi là trách nhiệm giải trình của những người chủ sở hữu này như thế nào và trách nhiệm giám sát của các cơ quan có liên quan như uỷ ban kiểm tra, hoặc vai trò của hội đồng quản trị.
Đất nước này cần minh bạch và không được tham nhũng vì đấy là những thứ làm đất nước này chết nhanh chóng nhất, để làm được việc ấy sẽ đụng chạm rất nhiều người, mất rất nhiều quyền hạn. - Ông Bùi Quang Vinh
Vậy để cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, giới chức Việt Nam cần phải làm gì? ông Trần Bạt cho biết:

Chính phủ cần phải phấn đấu để có một xã hội kinh tế minh bạch và giúp cho người làm ăn người ta có thể tin được, đánh giá được và có thể chuẩn hóa, hiện thực hóa các lộ trình kinh doanh đầu tư của người ta. Lúc ấy thì tâm lý tin tưởng mới có thể trở lại và khi tin tưởng trở lại thì mới có được đầu tư tích cực

Trong khi đó, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế từ Hà Nội thì khẳng định việc rà soát và chỉnh sửa hệ thống chính sách là việc nên làm:

Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm công khai minh bạch theo cách là thiết chế lại xem lại rà soát lại tất cả luật pháp, hệ thống chính sách. Những chỗ nào không hợp lý, chỗ nào chưa đảm bảo được độ minh bạch thì phải sửa lại cho nó minh bạch hơn. Thành ra có những điều cần phải minh bạch ngay từ đầu, từ trong Hiến pháp trở đi. Trên cơ sở đó thì các Luật cũng phải qui định theo cách đó. Chúng tôi mong muốn không phải chỉ minh bạch mà còn phải nhấn mạnh trách nhiệm giải trình nữa, bởi vì ở Việt Nam với cơ chế lãnh đạo tập thể thì trong vô vàn trường hợp, rốt cục không biết ai là người chịu trách nhiệm trước việc này việc khác xảy ra cho xã hội.

Có thể nhận thấy, thông tin minh bạch, trách nhiệm giải trình không còn là điều quá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng để Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng bền vững và bao trùmvới tương lai xán lạn thông qua những chính sách khôn ngoan như Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh mới đề cập thì 2 vấn đề đó vẫn sẽ đóng vai trò chủ chốt trong đường lối chủ trương vĩ mô của Việt Nam dù là ngắn hạn hay dài hạn.

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2014-04-01  

Bộ công an không cho hỏi về hai người dân chết trong đồn công an

RFA


Dân Dương Nội giăng biểu ngữ trước trụ sở nhà tiếp dân hồi tháng 1, 2013, đòi giải quyết đơn nạp từ năm 2012. -Courtesy of danlambao.com
Những người dân tại Dương Nội vẫn tiếp tục dựng lán giữ đất, trong khi bộ công an vẫn không cho dân được hỏi về hai người bị công an bắt và đã chết một cách mờ ám.

Hai người dân phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội là ông Trần Văn Sang và Trần Văn Miên bị bắt từ ngày 26 tháng 3 vừa qua; đến ngày 29 tháng 3 cơ quan chức năng thông tin cho biết hai người cắn lưỡi tự tự tại nơi giam giữ.
Bà Cấn Thị Thêu, một người tích cực trong hoạt động khiếu kiện và giữ đất tại phường Dương Nội sau khi bị dự án bỏ hoang hóa trong 6 năm qua, vào chiều ngày 1 tháng 4 cho biết thông tin mới nhất sau khi đến tận các cơ quan trung ương để hỏi thăm vụ việc:
Hôm nay chúng tôi đi đến Bộ Công An và Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam gửi đơn yêu cầu trong ngày hôm nay, tức 1 tháng tư, phải cho chúng tôi được gặp ông Trần Văn Miên và ông Trần Văn Sang; nhưng họ không cho. Chúng tôi nghi rằng tính mạng hai ông ấy bị nghiêm trọng, có thể bị công an đánh ở trong tù. Người ta nói người ta sẽ xem xét để xác minh vụ việc đó như thế nào.
Khi bắt thì nọ nói giam tại trại giam số 1, Hà Nội. Bây giờ chúng tôi chỉ biết công an quận Hà Đông bắt người, chúng tôi ra đó hỏi yêu cầu xác minh thông tin hai người đó cắn lưỡi tự tử trong tù. Trong ba, bốn ngày qua họ vẫn chưa xác minh cho chúng tôi. Bây giờ chúng tôi rất lo lắng không biết sức khỏe của hai ông tại nơi giam giữ như thế nào.
Tối 29 tháng 3 công an ở đồn lại bắt ba người trong số những người dân Dương Nội đến đồn công an đòi người. Hai giờ sáng mới được thả ra, ba người này cho biết họ bị công an trong đồn đánh đập.
Người dân giữ đất nhưng cũng như những nơi khác, biện pháp cưỡng chế vẫn được làm theo cách ‘tằm ăn dâu’. Những người công khai đòi hỏi quyền lợi ra mặt đấu tranh với lực lượng cưỡng chế thường bị ghép vào tội ‘gây rối trật tự’, ‘chống người thi hành công vụ.

Thủ tướng sẽ có quyết định về Asiad 18 vào tuần sau

VOV.VN - Hiện chưa quyết định Việt Nam có đăng cai Asiad 18 hay không nên chưa có nhà đầu tư cụ thể nào.
Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV.VN tại họp báo Chính phủ chiều nay (1/4) về nhà đầu tư, nguồn tiền cho Asiad 18 dự kiến tổ chức tại Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Trong 150 triệu USD để đầu tư cho Asiad 18 đã có phần xã hội hóa chứ không phải chỉ Nhà nước. Ngành thể thao đã tính được cả phần đầu tư ngoài nhà nước.

“Chúng ta chưa quyết định có tổ chức Asiad 18 hay không nên chưa biết nhà đầu tư cụ thể nào. Tuy nhiên, đã có 1 số nhà đầu tư ngành thể thao cũng sẵn sàng làm. Chỉ khi nào quyết định có hay không tổ chức Asiad thì nước chủ nhà mới dám nhận nhà đầu tư” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết.



Cũng theo ông Nguyễn Văn Nên: Asiad 18 là một sự kiện thể thao lớn. Thông thường đăng cai sự kiện này là do: được phân công; do quốc gia đó thấy có thể đăng cai để đạt những mục đích khác như nâng tầm thể thao, phát triển du lịch…

Với Asiad 18, từ năm 2010, Bộ VH-TT và DL đã trình kế hoạch, lúc đó Chính phủ đã bàn bạc, có chủ trương để đăng cai sự kiện vào năm 2019. Sau khi được đồng ý chủ trương này, Bộ đã phối hợp với các địa phương rà soát các điều kiện để chuẩn bị cho việc đăng cai.

Sau khi Ủy ban thể thao châu Á đồng ý cho Việt Nam đăng cai, Chính phủ giao Bộ VH-TT và DL cùng các bộ ngành, địa phương đã ráo riết chuẩn bị, rà soát các mặt để báo cáo Chính phủ xem Việt Nam có đủ năng lực để đăng cai hay không. Với quy trình đó, Bộ VH-TT và DL đã chuẩn bị, liên tục có những báo cáo. Sau phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, những ngày qua, có nhiều ý kiến của toàn thể xã hội, từ các chuyên gia, người dân rất quan tâm, có những ý kiến đóng góp, phân tích rất sâu sắc, góp phần để Chính phủ đưa ra quyết định về vấn đề này.

Tại phiên họp hôm nay, Thủ tướng đã chỉ đạo tuần sau Bộ trưởng Bộ VH-TT và DL báo cáo về vấn đề này, để Thủ tướng nghe và quyết định. “Chúng ta tin tưởng từ những thông tin, những luận cứ, lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, Thủ tướng sẽ có quyết định phù hợp”, ông Nên nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về việc Việt Nam phải đặt cọc một số tiền nhất định mới có quyền đăng cai sự kiện này, ông Nguyễn Văn Nên khẳng định: “Đến thời điểm này, tôi được biết là chưa đặt cọc đồng nào cả. Chỉ là đăng ký số tiền bỏ ra cho sự kiện này là 150 triệu USD. Có ý kiến nói chúng ta đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, nhưng tôi cho là không có vấn đề gì ở đây, vì tiền lệ đã có 2 nước vì điều kiện khách quan đã trả lại quyền đăng cai. Dĩ nhiên trả lại thì phải có điều kiện, tôi chưa nghiên cứu kỹ nhưng được biết là chưa có chế tài xử phạt”.

Về câu chuyện còn nhiều luồng ý kiến khác nhau liên quan đến việc có tổ chức Asiad 18 hay không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng: Chúng ta không trách Bộ VH-TT và DL vì đây là cơ hội để họ có thể nâng tầm thể thao, du lịch. Vì vậy họ bảo vệ ý kiến của họ, không phải là không có lý. “Khi Thủ tướng nghe báo cáo thì sẽ nghe rất kỹ ý kiến thẩm định từ các bộ ngành, địa phương để đưa ra quyết định cuối cùng” – người Phát ngôn của Chính phủ khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng: “Nếu tính về kinh tế, chưa ai tổ chức đại hội thể thao mà có lãi, nhưng còn nhiều vấn đề khác không thể đong đếm được. Khả thi hay không thì cuộc họp tới đây Chính phủ sẽ cân nhắc tất cả các mặt để quyết định”./.
Vũ Hạnh
(VOV online)

Ukraina và khí đốt Nga : Một bài học cho sự ỷ lại

Các đường ống dẫn khí đốt và xú-páp tại một kho trữ dưới lòng đất ở làng Mryn, cách Kiev 120 km.
Các đường ống dẫn khí đốt và xú-páp tại một kho trữ dưới lòng đất ở làng Mryn, cách Kiev 120 km.  -REUTERS/Gleb Garanich/Files

Thụy My -RFI

« Cuộc khủng hoảng năng lượng Ukraina », đó là tựa đề bài phân tích công phu của giáo sư Pierre Terzian, giám đốc công ty tư vấn năng lượng Pétrostratégies đăng trên báo Le Monde. Ukraina lệ thuộc vào Nga về nguồn khí đốt, và căng thẳng với Matxcơva có thể gây nên những xung đột mới trong khi Kiev lâu nay quá ỷ lại vào vị trí địa chính trị của mình.
Theo tác giả, vụ chính biến hôm 22/2 tại Kiev xảy ra vào lúc Ukraina mất đi tầm quan trọng của một hành lang năng lượng chủ yếu đối với châu Âu và Nga. Trong suốt hai thập kỷ, đất nước này là nơi mà 80% lượng khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu bắt buộc phải đi qua. Nhưng ngày nay, những đường ống dẫn khí đi vòng tránh Ukraina đã được thiết lập. Ngược lại, Kiev luôn bị lệ thuộc vào dầu khí từ Nga, và luôn gặp khó khăn trong việc thanh toán chi phí năng lượng khoảng 14,58 tỉ đô la một năm.

Ukraina là nguyên nhân hai cuộc khủng hoảng khí đốt vào tháng Giêng năm 2006 và tháng Giêng 2009, khiến châu Âu bị cắt mất nguồn khí đốt ngay trong mùa đông. Do Kiev chưa thanh toán được, tập đoàn Gazprom đã ngưng giao hàng, và Ukraina bèn chuyển sang dùng gaz dành cho châu Âu, khiến Gazprom cúp toàn bộ nguồn khí đốt chuyển vận qua lãnh thổ Ukraina.
Đã nhiều lần các tập đoàn khí đốt châu Âu và Gazprom đề nghị Kiev tách biệt các đường ống dẫn khí cho châu Âu và cho tiêu dùng nội địa, nhưng Ukraina từ chối. Rốt cuộc bốn tập đoàn châu Ấu (hai của Đức, một của Hà Lan và một của Pháp) đã liên kết với Gazprom để thiết lập hai đường ống của hệ thống Nord Stream. Hệ thống dài 1.224 km dẫn thẳng khí đốt từ Nga đến miền bắc nước Đức đi qua vùng Ban-tích, cung ứng 33Gm3/năm, cộng với 16Gm3/năm của đường ống Blue Stream đi qua Hắc Hải.
Thật ra các mạng lưới trên chưa hoàn chỉnh, và một phần ba số điểm kết nối hiện bị tắc nghẽn vì một số lý do. Nhưng các công ty Nga và châu Âu cũng đang nỗ lực thành lập South Stream, một đường ống dẫn khí dài 2.380 km đi vòng tránh Ukraina về phía nam, nối vùng Novorossiisk của Nga với Bulgari thông qua Hắc Hải. Nếu hệ thống này đạt được năng lực hoàn chỉnh 63Gm3/năm vào năm 2019, việc dẫn khí đốt Nga qua Ukraina có thể trở thành quá khứ.
Nhưng Kiev thì không thể bỏ qua Matxcơva, hiện là nước cung cấp 55% đến 65% nhu cầu khí đốt và hai phần ba nhu cầu dầu lửa cho Ukraina. Cũng khó thể hình dung việc các công ty châu Âu bán khí đốt cho Ukraina với giá rẻ hơn Gazprom, hơn nữa phải mất nhiều năm để xây dựng được các cơ sở hạ tầng tốn kém.
Thực tế phũ phàng này Ukraina phải đối phó, cho dù lãnh đạo là ai. Liên hiệp châu Âu hứa cho vay thêm 10,9 tỉ euro, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho vay thêm số tiền tương đương, và Hoa Kỳ 1 tỉ đô la. Nhưng về lâu về dài, không một ai trả thay cho Kiev hóa đơn 8,7 tỉ euro/năm tiền khí đốt và 5,8 tỉ euro/năm tiền dầu lửa. Gazprom đã thông báo cho Ukraina tăng giá khí đốt từ 1/4, tính ra phải trả thêm 2,18 tỉ euro. Matxcơva đã buộc Ukraina và những người ủng hộ ở châu Âu phải trả giá !
Ukraina đã giảm lượng tiêu thụ khí đốt xuống phân nửa kể từ năm 1990, nhờ giảm được nạn ăn cắp và một số biện pháp, bên cạnh đó là suy thoái kinh tế. Kiev hy vọng phát hiện được các nguồn dầu khí mới, nhờ đó giảm lệ thuộc vào Nga, nhưng trữ lượng tiềm năng đa số lại nằm ở Crimée. Thế nên Kiev đành phải dùng đến phương cách mất lòng dân là tăng giá khí đốt, một trong những đòi hỏi của IMF.
Theo tác giả bài viết, tình trạng hiện nay là do Ukraina đã quá dựa vào vị trí địa chiến lược của mình, trông cậy vào việc là địa điểm chuyển vận nguồn khí đốt, việc cho thuê căn cứ Sébastopol, viện trợ phương Tây…Nga đã để cho tình huống ngày càng tồi tệ để lợi dụng một khi chín muồi, nhưng châu Âu cũng chịu một phần trách nhiệm khi làm ngơ trước những tiêu cực. Và nhất là áp đặt cho đất nước này, cũng như những quốc gia Liên Xô cũ khác sự chọn lựa, hoặc châu Âu, hoặc Nga, trong khi không một nước nào có thể cắt đứt quan hệ với Nga. Lẽ ra cần phải đưa ra các dạng thức hợp tác linh hoạt hơn, và tác giả đặt câu hỏi, liệu có quá muộn hay không ?
Đường đến « đất hứa » Nga còn gian khổ đối với dân Crimée
Cũng liên quan đến Ukraina, đặc phái viên Le Monde trong bài phóng sự « Người dân Crimée trước giai đoạn chuyển đổi khó khăn » cho biết, ông Vladimir Putin đã hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho Crimée, nhưng trong khi chờ đợi, các tài khoản ngân hàng bị phong tỏa và các doanh nhân đầy lo lắng.
Đối với nhiều người dân Crimée, ý muốn quay lại với đất mẹ rất mạnh mẽ. Từ khi đưa quân sang Crimée hồi cuối tháng Hai, Vladimir Putin đã hứa hẹn nhiều thứ với họ : việc làm, thu nhập cao hơn, chưa kể sức mạnh Nga và an ninh trước « bọn phát-xít Ukraina ». Đồng rúp được đưa vào sử dụng, còn đồng hryvnia của Ukraina chỉ còn giá trị trong tháng Tư. Một số cửa hàng hiện đã từ chối nhận tiền Ukraina.
Cuối tháng Ba tại Simferopol, những người về hưu xếp hàng chờ lãnh lương hưu đã xúc động khi lần đầu tiên nhận được những đồng rúp mới tinh, và nhiều hơn dự tính với tỉ giá 1 hryvnia đổi được 3,8 rúp. Nhưng họ quên rằng lương tăng thì vật giá cũng tăng, thậm chí còn tăng nhanh hơn ; hàng từ Ukraina đến ngày càng hiếm còn hàng hóa từ Nga thì giá đắt.
Trước khi vào được miền đất hứa, trở thành công dân Nga là một quá trình gian khổ. Hàng người luôn dài vô tận trước các địa điểm nhận hồ sơ xin hộ chiếu Nga. Tình hình còn tệ hại hơn đối với những người Ukraina sống tại Crimée nhưng đăng ký hộ tịch ở Ukraina, nhân viên các công ty quốc doanh bỗng nhiên trở thành công ty của Nga.
Thiếu tiền mặt, các máy ATM không còn sử dụng được, các tài khoản bị phong tỏa. Ngân hàng lớn nhất Crimée là Privat Bank phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ chờ việc. Các giao dịch nhà đất đóng băng. Những ai muốn đi khỏi Crimée không thể rút tiền cũng không bán nhà được, những người ở lại phải trông cậy vào số tiền mặt hiện có hoặc phải đi rút tiền từ Nga hay Ukraina.
Nhật Bản : Tử tội được minh oan sau 48 năm chờ bị hành quyết
Nhìn sang châu Á, Le Monde chú ý đến số phận của Iwao Hakamada, một tử tội Nhật đã sống trong « hành lang tử thần » suốt 48 năm qua, nay vừa được trả tự do nhờ kết quả xét nghiệm ADN và nhận xét, cuộc đấu tranh đòi bãi bỏ án tử hình ở Nhật Bản hãy còn rất lâu dài.
Hôm 28/3, Tòa án tối cao Tokyo đã thông qua quyết định trước đó của tòa án Shizuoka. Thẩm phán Hiroaki Murayama nhận định : « Có thể là những chứng cứ quan trọng đã được dàn dựng. Khả năng vô tội tương đối cao, và sẽ vô cùng bất công nếu kéo dài thời gian giam giữ bị cáo ».
Loan báo trả tự do cho tử tù – cựu võ sĩ quyền Anh bị cáo buộc sát hại một gia đình bốn người ở Shizuoka – làm dấy lên lại những chỉ trích đối với hệ thống tư pháp Nhật Bản, mà việc quy tội chủ yếu dựa vào lời khai trong thời gian bị câu lưu có thể kéo dài ba tuần lễ, mà không được kiểm tra kỹ càng. Tỉ lệ bị kết án lên đến 99%.
Iwao Hakamada đã nhận tội rồi sau đó phản cung, cho biết đã bị cảnh sát đối xử tệ hại. Ông bị thẩm vấn 240 tiếng đồng hồ trong 20 ngày. Các bằng chứng là bộ quần áo dính máu, được cho là của nghi can, nhưng lại quá nhỏ đối với vóc người ông. Một thẩm phán trong phiên tòa là Norimichi Kumamoto thú nhận đã nghi là Iwao vô tội, và sau đó thẩm phán này đã từ chức vì hối hận, thậm chí có lúc muốn tự sát.
Phải đợi đến gần 50 năm sau, với kết quả phân tích ADN khẳng định vết máu không phải là của Iwao Hakamada, tử tù này mới được minh oan. Đó là nhờ người chị của ông là Hideko, 81 tuổi, cùng với hiệp hội các võ sĩ quyền Anh nhà nghề Nhật và Amnesty International quyết tâm chứng minh ông vô tội. Bà Hidedo Hakamada nói rằng, cứ như là một giấc mơ.
Cho dù vụ này gây xôn xao dư luận, theo thông tín viên của Le Monde tại Tokyo, cuộc chiến đấu chống án tử hình tại Nhật còn rất gian khổ, cho dù tội phạm đã giảm xuống từ năm 2002. Tư pháp Nhật Bản có cải tiến, nhưng rất chậm chạp.
Tân Thủ tướng Pháp Manuel Valls và « nhiệm vụ bất khả thi » ?
Đảng Xã hội Pháp thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử địa phương, Tổng thống François Hollande không còn cách nào khác là thay đổi nội các. Việc Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls, nhân vật cánh tả được yêu thích nhất được chọn lựa làm Thủ tướng thay cho ông Jean-Marc Ayrault, là sự kiện được các báo Pháp chú ý nhất hôm nay.
Tờ báo cánh hữu Le Figaro nhận định : « Valls ở điện Matignon : Hollande chơi ván bài được ăn cả ngã về không ». Nhật báo cộng sản L’Humanité cho rằng đây là một « Hình phạt nhân đôi ». Theo tờ báo, mặc dù bị cử trị cánh tả trừng phạt nặng nề nhưng ông François Hollande vẫn tiếp tục hữu khuynh khi đề cử ông Valls làm Thủ tướng, và khẳng định duy trì « hiệp ước trách nhiệm ».
Đối với tờ báo công giáo La Croix, thì « Hollande thay đổi Thủ tướng, nhưng không thay đổi mục tiêu ». Còn nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến « Thử thách Manuel Valls ». Nhật báo thiên tả Libération chơi chữ : « Ayrault valse » (Ông Ayrault bị quẳng sang một bên), với nhận xét « Hollande đã bổ nhiệm Manuel Valls đứng đầu một chính phủ ‘chiến đấu’, với nguy cơ gây bất mãn cho một bộ phận cánh tả ».
Theo Libération, khi chọn lựa Manuel Valls, ông Hollande không chỉ khẳng định khuynh hướng tự do, mà còn chọn một Thủ tướng phù hợp với lịch trình chính trị : trước Ủy ban châu Âu, rồi trước Quốc hội nhân cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cuối tháng Tư. Đồng thời là ý hướng tái lập trật tự, sau hai năm nhiều chệch choạc trong chính phủ.
Tuy nhiên tân Thủ tướng sẽ phải thuyết phục cho được đảng Xanh, các nghiệp đoàn và một bộ phận trong đảng Xã hội rằng ông có khả năng tiến hành chính sách cánh tả trong khi vẫn đáp ứng được đòi hỏi của giới chủ và Liên hiệp châu Âu.
Thuốc mới trị viêm gan siêu vi C : Hiệu quả nhưng ngoài tầm với vì quá đắt
Trên lãnh vực y tế, nhật báo Libération trong bài viết mang tựa đề « Viêm gan siêu vi C : Không thể chữa trị cho tất cả mọi người » cho biết loại thuốc kháng virus mới là sofosbuvir mang lại những kết quả ngoạn mục. Tuy nhiên do giá quá đắt, có thể thuốc này chỉ được sử dụng trong những trường hợp bệnh nặng.
Sự xuất hiện cách đây vài tháng của loại thuốc trị viêm gan siêu vi C mới có tác động trực tiếp mang tên sofosbuvir được xem là một cuộc cách mạng. Một số người gọi là cơn địa chấn, số khác nói đến khả năng diệt trừ bệnh viêm gan siêu vi C mà 170 triệu người trên thế giới đang mắc phải. Victor de Lédinghen, thư ký Hiệp hội nghiên cứu về gan của Pháp không ngần ngại cho rằng, với kết quả ngoạn mục của loại thuốc này, có thể chữa trị được trên 90% bệnh nhân viêm gan siêu vi C.
Tuy nhiên, thuốc sofosbuvir quá đắt tiền. Mỗi viên thuốc có giá đến 660 euro ! Ngay cả tại các nước phát triển, câu hỏi có nên phổ quát hóa cách chữa trị bằng thuốc này không đã được đặt ra. Theo nghiên cứu của giáo sư Yazdan Yazdanpanah, trưởng khoa Nhiễm của bệnh viện Bichat-Claude-Bernard ở Paris, thì tại Pháp, chi phí lên đến khoảng 60.000 euro cho 12 tuần chữa trị đối với một bệnh nhân. Nếu điều trị cho những người bị nhiễm nhưng chưa có dấu hiệu phát bệnh, phải tốn đến 100.000 euro cho mỗi năm giành lại được sự sống cho bệnh nhân.

Không cởi đồ là… tốt rồi!

TP - “Vừa lướt cái tin về những cuốn sách bán chạy nhất trong hội sách vừa qua mà…nổi da gà. Ly cà phê chợt đắng như thuốc độc” - một nhà văn trẻ vốn kiệm lời đã nổi giận trên facebook, và kết thúc cái status bằng mấy từ nặng nề không tiện dẫn tiếp.
Trong một diễn biến liên quan, báo chí hào hứng chạy tin “Noo Phước Thịnh phải truyền nước biển để đi hội sách”. Tưởng một tình yêu sách vừa bùng phát, té ra doping chỉ để hát hò, nhảy nhót cho sung hơn nơi hội sách. Giữa rừng người đọc, chàng ta cũng chẳng cần giấu giếm mà rằng mình chỉ đọc mỗi… Doraemon!
http://sinhvienspace.com/wp-content/uploads/2014/03/truong-quynh-anh-vao-showbiz-cu-coi-do-la-noi-tieng-2.jpg

Sách đang là show diễn và sàn diễn mới đắt khách của giới showbiz Việt. Chàng ca sĩ tác giả cuốn “Buồn làm sao buông” đứng đầu sách bán chạy tại hội sách TPHCM vừa xong, tiết lộ “tôi in sách để dằn mặt người yêu cũ”! “Dằn mặt” bằng gần 4 vạn bản trong một lần in, kể cũng kinh (fan đông mà).
Hai ca sĩ lạ hoắc khác có nghệ danh nửa tây nửa ta cũng nằm trong top 10 bán chạy tại hội sách, với “Nếu như không thể nói nếu như”, “Thương nhau để đó”. Best seller còn một cuốn nữa “Người yêu cũ có người yêu mới” cũng dưới bút danh kiêm nghệ danh “trọ trẹ”. Đó đều là tập hợp những đoạn văn ngắn, tâm sự với fan…
Có thể liệt ra hàng vài chục tên sách nữa được viết (hay là thuê viết?) bởi những diễn viên, ca sĩ, siêu mẫu, MC, hotboy, hotgirl chuyển giới… xuất bản mấy năm gần đây. Mỗi cuốn sách ra đời như một show diễn ồn ào. Các fan xúm lại mua sách xin chữ ký cũng chỉ như mua vé cho một trò diễn.
Gắn với sách thường khiến con người ta “sang” hẳn ra. Nên vài năm trước, có mấy cô ca sĩ thay nhau thượng cả giầy cao gót trên chồng sách để tạo dáng chụp ảnh.
Trở lại với chàng ca sĩ best seller “dằn mặt người yêu cũ”, có báo phong ngay rằng đây là một “hiện tượng trong giới văn chương Việt Nam”. Tội nghiệp văn chương!
Kỳ thực, văn chương chả của riêng ai. Thời bây giờ, cha mẹ thích nhạc đỏ thì hãy để con cái mê nhạc Hàn, nhạc trẻ. Nhưng xin đừng nhầm lẫn những mẩu văn, tâm sự đời tôi… sang địa hạt văn chương. Dù sao không cởi đồ, lộ hàng, chửi thề, gây scandal, mà viết sách để tự PR, cũng là tốt rồi.
(Tiền phong)

Nhật tự cho phép xuất khẩu vũ khí

Thủ tướng Abe luôn chủ trương sửa đổi điều 9 của Hiến pháp chủ hòa của Nhật.
Thủ tướng Abe luôn chủ trương sửa đổi điều 9 của Hiến pháp chủ hòa của Nhật. Reuters
Sau nửa thế kỷ tự ra lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản vừa chính thức bãi bỏ lệnh cấm này, trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng, đặc biệt là do tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở biển Hoa Đông.

Theo thông báo của Tổng Thư ký chính phủ Nhật Yoshihide Suga, ngày 01/04/2014, nội các cánh hữu của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua một học thuyết mới, thay thế cho lệnh cấm có từ năm 1967.

Như vậy là kể từ nay, Nhật Bản có thể xuất khẩu thiết bị quân sự, hay nói cho bớt tính hiếu chiến hơn là « thiết bị quốc phòng », sang những nước nằm dọc theo những con đường hàng hải vận chuyển dầu khí nhập khẩu rất thiết yếu cho Nhật.

Đó có thể là những nước như Indonesia, Việt Nam hay Philippines, những quốc gia trên vùng Biển Đông, mà cũng giống như Nhật, đang ngày càng lo ngại trước những tham vọng chủ quyền biển đảo của Trung Quốc. Tokyo cũng muốn bán cho những nước này các chiến hạm cũ.

Tuy nhiên, theo những quy định mới mà chính phủ Tokyo vừa thông qua, Nhật Bản sẽ vẫn không được phép xuất khẩu những vũ khí « có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh thế giới ». Ngoài ra, trước khi bán vũ khí cho một nước nào, chính phủ Nhật cũng sẽ phải bảo đảm không có nguy cơ tái xuất các vũ khí này sang một nước thứ ba.

Tổng Thư ký chính phủ Yoshihide Suga hôm nay nhấn mạnh rằng họ đã thi hành các biện pháp để bảo đảm cho việc chuyển giao các thiết bị quốc phòng của Nhật diễn ra một cách minh bạch. Ông Suga nói thêm là kể từ nay Nhật Bản cũng sẽ tham gia vào các chương trình phát triển và sản xuất thiết bị quốc phòng.

Với những quy định mới, Nhật sẽ có thể hợp tác phát triển và sản xuất vũ khí với Hoa Kỳ (như oanh tạc cơ tàng hình F-35) và với các nước Châu Âu, đồng thời xuất khẩu các thiết bị quân sự vì mục đích hòa bình và nhân đạo, trong khuôn khổ các chiến dịch duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Hiện giờ, Nhật Bản sản xuất chủ yếu là đạn dược, súng trường tấn công, xe tăng, chiến hạm, máy bay tiêm kích-oanh tạc F2, thủy phi cơ bốn động cơ US-2 (mà Nhật muốn bán cho những nước như Ấn Độ).

Vào năm 1967, ngay giữa thời kỳ chiến tranh lạnh, Nhật Bản đã quyết định tự cấm xuất khẩu vũ khí sang các nước cộng sản, những nước đang bị Liên Hiệp Quốc cấm vận vũ khí, và những nước có liên hệ hoặc có thể sẽ có liên hệ với những xung đột quốc tế. Đến năm 1976, Nhật Bản tự cấm hoàn toàn xuất khẩu vũ khí.

Khi ra quyết định năm 1967 tự cấm xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản đã theo đúng tinh thần bản Hiến pháp hòa bình năm 1947 do Hoa Kỳ áp đặt, với nội dung chính là Nhật Bản từ bỏ « vĩnh viễn » chiến tranh. Điều 9 của Hiến pháp hiện hành quy định là Lực lượng Phòng Vệ Nhật Bản (quân đội) không được làm gì khác ngoài việc bảo vệ lãnh thổ quốc gia.

Là một chính khách theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, Thủ tướng Shinzo Abe muốn cải tổ Hiến pháp hiện hành và nhất là sửa đổi điều 9 nói trên. Ông Abe chủ trương là, nhân danh nguyên tắc « tự phòng thủ tập thể », Nhật sẽ có thể ứng cứu các đồng minh đang gặp khó khăn, mà đầu tiên là đồng minh Hoa Kỳ.

Có điều, hiện giờ tính chất « hòa bình » của bản Hiến pháp, cũng như xuất khẩu vũ khí vẫn còn là những vấn đề rất nhạy cảm ở Nhật. Kết quả một cuộc thăm dò do hãng tin Kyodo thực hiện gần đây cho thấy là gần 67% dân Nhật chống việc xuất khẩu vũ khí, chỉ có 26% tán đồng. Nói chung, đa số dân Nhật vẫn muốn duy trì bản Hiến pháp hòa bình hiện nay.
Thụy My
(RFI)

Internet không tạo ra "nhà báo tự do"!

Từ khi internet ra đời, báo chí và truyền thông trên thế giới cũng như ở Việt Nam có thêm một phương tiện cực kỳ quan trọng. Ban đầu chỉ là một dạng phụ lục của báo in, đăng tải các tin tức không đầy đủ và chưa cập nhật, dần dà internet trở thành môi trường tồn tại chủ yếu của nhiều tờ báo, tạp chí. Nhưng cũng từ đây, với báo chí, internet cũng trở thành nơi xuất hiện một số hiện tượng thiếu lành mạnh...
Có thể nói vai trò của internet, các kỹ năng của công nghệ số đã ảnh hưởng lớn tới nhận thức và tác nghiệp của nhà báo; đồng thời cho thấy thông tin ở thời đại công nghệ số không chỉ cần cái nhìn chính xác, đầy đủ, sâu sắc, khách quan mà còn phải "chạy đua" với thời gian để cập nhật thông tin, nên buộc mọi tố chất của nhà báo phải phát huy một cách cao nhất. Không chỉ thế, internet còn tạo cơ hội cho sự phát triển của tự do ngôn luận, vì tiếp cận một cách nghiêm túc, thì sự bùng nổ của website cá nhân, mạng xã hội bên các website chính thống đã góp phần không nhỏ tạo nên viễn cảnh một nền báo chí dân chủ, hiện đại. Tuy nhiên, để viễn cảnh đó trở thành hiện thực lành mạnh, mỗi nhà báo còn phải nỗ lực rất nhiều. Bởi dù sao, từ vai trò của báo chí, nếu chỉ nhiệt tình để đưa "thông tin nóng" đến với công chúng là chưa đủ. Như mọi nghề nghiệp xã hội khác, nghề báo có nguyên tắc nghề nghiệp riêng, yêu cầu mỗi người làm nghề phải được trang bị hệ thống tri thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp,... nhất định. Việc tuân thủ những nguyên tắc, yêu cầu này trở thành tiêu chí xác định vị trí, vai trò của nhà báo, trực tiếp khẳng định không phải bất kỳ người nào viết một điều gì đó rồi công bố trên internet cũng được coi là nhà báo.
Do đó cái gọi là "nhà báo tự do" chỉ là sự ngụy biện để bao che một số người sử dụng internet để vi phạm trái pháp luật. Cũng với ý nghĩa đó, internet không tạo ra "nhà báo tự do", cũng không thể coi "tự do ngôn luận" là cơ sở để mọi người có thể trở thành nhà báo! Trước một vấn đề, sự kiện nào đó, trên báo chí và internet, thường xuất hiện ý kiến đóng góp của nhân dân với danh tính, địa chỉ cụ thể, và không thể phủ nhận trong số đó một số bài viết, ý kiến có nội dung phong phú, sâu sắc. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nhà báo chỉ nên xem đó là tài liệu tham khảo, dù người đó có thể là chuyên gia trong một lĩnh vực xã hội, một ngành nghề... Vì trước một vấn đề, sự kiện, không phải ai cũng có cái nhìn đầy đủ, sâu sắc, giữ được trí óc tỉnh táo, dù họ mong muốn đóng góp ý kiến thiện chí. Thí dụ, trong bài viết trao đổi ý kiến chung quanh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không coi Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông, có tác giả không chỉ nhầm lẫn giữa nội dung chương trình học tập, cách giảng dạy của giáo viên trong trường học, tâm lý học sinh mà còn tỏ ra chưa tìm hiểu kỹ những bài học trong sách giáo khoa, phân bố giờ dạy của giáo viên. Vậy mà từ đó lại kết luận rằng nguyên nhân của thực trạng giáo dục là từ chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn! Trong bài viết khác, một tiến sĩ kinh tế gốc Việt ở nước ngoài sau khi "tản mạn" về các nơi ông đi qua, đã kết luận "Việt Nam sẽ mất thêm vài thế hệ"! Ông làm người đọc "giật mình" không phải do tính chính xác mà ở sự chủ quan, bi quan được đẩy lên cao độ. Dẫu sao, ý kiến này cũng miêu tả một số góc khuất của đời sống, nhất là về khoảng cách giàu nghèo; nhưng tác giả chỉ phản ánh hiện tượng mà chưa có cái nhìn bản chất, giúp nhận thức vấn đề. Đặc biệt, thông tin ông dẫn lại chủ yếu lượm lặt trên internet, thiếu chuẩn xác từ con số đến ngôn từ. Đây chỉ là hai trong nhiều ý kiến mà người quan tâm tới các vấn đề thời sự của đất nước đã đưa ra nhưng còn thiếu cái nhìn bao quát, đa chiều, có tính bản chất, để từ đó có nhận định chính xác, khách quan, hữu ích.
Trường hợp nhà báo sử dụng tin tức lượm lặt từ website, blog cá nhân hay mạng xã hội để viết báo còn phức tạp hơn. Với quan niệm nghề nghiệp nghiêm túc, thì thông tin đa dạng, đa chiều trên internet chưa hẳn có lợi cho sản phẩm báo chí, ngược lại nếu sử dụng thiếu thận trọng, còn có thể gây ra tình trạng "nhiễu" thông tin. Những thông tin chưa được kiểm chứng, không được tùy tiện khai thác, cũng như phải chịu trách nhiệm khi công bố.
Ngược lại, tiếp xúc với thông tin và muốn khai thác, cần phải tìm hiểu, điều tra, phân tích trước khi đưa ra nhận định. Thao tác nào bị bỏ qua cũng có thể dẫn đến sai lầm, nhất là trên internet, vì thông tin đưa ra sẽ được tiếp nhận, phản hồi rất nhanh, bất kể vị trí, khoảng cách trên toàn cầu. Vì vậy, công việc làm báo mạng nhìn qua có vẻ nhanh chóng, đơn giản, nhất là nhà báo có các phương tiện hiện đại như: máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh, máy tính xách tay, USB 3G... Nhưng sự vội vã, chủ quan, cẩu thả trong khi khai thác, sử dụng thông tin để sớm có bài vở cập nhật (nhất là thông tin giật gân, gây tò mò) đã khiến một số nhà báo rơi vào tình thế dở khóc, dở cười, nhiều sự cố trong đăng tải thông tin khiến người đọc giảm niềm tin đối với báo chí trực tuyến. Nhưng dẫu sao sai sót loại này không bắt nguồn từ động cơ trục lợi, hoặc phục vụ cho ý đồ xấu nên vẫn có thể coi là "căn bệnh dễ chữa" và từ sai sót của chính mình, từ sai sót của đồng nghiệp mà nhà báo sẽ rút kinh nghiệm để cẩn trọng hơn.
Nhưng có căn bệnh khác xuất hiện từ một số bài báo mang tính "lá cải" trên internet. Ở Việt Nam hiện không có "báo lá cải", nhưng không thể phủ nhận khuynh hướng "lá cải" từ một số bài báo, trang báo và theo ý nghĩa nào đó có thể nói đã làm méo mó diện mạo của báo chí trực tuyến ở nước ta. Đó là sự bùng nổ của những website chỉ ăn cắp, xào xáo tin từ báo khác, dựng ra câu chuyện nhảm nhí, rẻ tiền nhằm lôi kéo bộ phận độc giả hiếu kỳ. Bằng tựa đề dung tục, giật gân, hình ảnh phản cảm, hoặc bài viết bịa đặt, cắt gọt, chỉnh sửa, thêm bớt từ bài báo khác, các website này sống "tầm gửi" vào hình thức chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Tiếp đó là một số người tận dụng lợi thế của internet làm phương tiện trở thành người nổi tiếng, họ tự "lăng xê" bằng cách khoe khoang mọi thứ từ nhan sắc đến tiền bạc, của cải, và lối sống xa hoa... Họ hăng hái "khoe thân" bất chấp phản ứng của dư luận; rồi phối hợp với nhà báo, họ vẽ vời thông tin nhằm có chút danh tiếng trước khi tham gia làng giải trí với tư cách "sao mới nổi"! Kết quả là có người, dù có một vài tố chất trở thành diễn viên, ca sĩ nhưng do hám danh, ý thức đạo đức kém nên đánh mất cơ hội để đến với nghệ thuật. Đáng tiếc là một số tờ báo đang có xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo thông tin giật gân, câu khách, dung tục, rẻ tiền... Bên cạnh đó, một số người nuôi dưỡng ngòi bút bằng cách đeo bám vào thông tin "nóng" đăng trên các website. Họ phỏng vấn, đăng tải video, họ bình luận về sự kiện, hiện tượng theo các cách thức không giống ai để lôi kéo sự chú ý. Trường hợp một số website, trang mạng tạo điều kiện để một số người tự nhận "nhà ngoại cảm", hay luật sư nọ nổi lên từ "vụ án thẩm mỹ viện" là minh chứng rõ ràng, cụ thể cho hiện tượng này.
"Căn bệnh nan y" trên internet hiện nay là sự xuất hiện một số người hăng hái chỉ trích đất nước nhằm thực hiện các toan tính xấu xa. Lợi dụng, xuyên tạc quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, những người như Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày),... được hệ thống truyền thông của các thế lực thù địch gọi là "nhà báo tự do", cho dù họ chưa bao giờ được bảo đảm tư cách nghề nghiệp. Với sự đồng lõa, phối hợp và ủng hộ của BBC, VOA, RFI, RFA, rồi International Pen (Văn bút quốc tế), RFS và các tổ chức phản động của người Việt lưu vong ở nước ngoài, số người này xuất hiện trên internet qua các văn bản sử dụng thủ đoạn dựng chuyện, bịa đặt, xuyên tạc để vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Như gần đây, RFI đăng bài trả lời phỏng vấn một người trong nước có nhan đề "Văn hóa Việt Nam trong vận khí suy vong". Xuyên suốt bài phỏng vấn, người này sử dụng nguồn tài liệu nghèo nàn, có tính bịa đặt, lấy hiện tượng nhỏ, chưa đẹp trong xã hội để bình luận theo hướng tiêu cực mà chỉ người như ông ta mới nghĩ ra, và kết luận thô thiển của bài phỏng vấn đã lộ rõ bản chất của người trả lời. Trong khi đó, dù chưa bao giờ tỏ ra thiện chí với Việt Nam, BBC Tiếng Việtcũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt khi đăng bài thừa nhận mấy kẻ đang lớn tiếng "đấu tranh cho dân chủ" ở Việt Nam rốt cuộc chỉ là "bên thua cuộc", vì thực chất họ "chiến đấu cho lá cờ" của một chính quyền phi nghĩa đã diệt vong. Nếu trước đó internet là phương tiện giúp họ triển khai chiến dịch vu cáo Việt Nam, thì sau buổi báo cáo UPR của Việt Nam kết thúc, sự thật đã chiến thắng, các tổ chức phản động ở nước ngoài và một số người trong nước hoặc tức tối vì thất bại ê chề, hoặc dùng "phép thắng lợi tinh thần" để an ủi lẫn nhau, hoặc quay sang phê phán Liên hợp quốc. Qua diễn biến của sự kiện này, có thể thấy một số tổ chức quốc tế và một số chính phủ đang có mưu đồ biến môi trường "ảo" internet thành môi trường "thật" cuộc sống để hợp thức hóa hành vi vi phạm pháp luật của một số người ở Việt Nam.
Tốc độ phát triển của báo chí điện tử ở Việt Nam trong các năm qua cho thấy sự quan tâm của Nhà nước trong việc bảo đảm, phát triển quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; đồng thời cho thấy nỗ lực của các nhà báo chân chính cũng như của toàn dân nhằm xây dựng nền báo chí dân chủ và hiện đại, với thông tin chính xác, phong phú, đa dạng, sinh động, mang tính tích cực xã hội. Tuy nhiên từ những mặt trái của nó, nếu các cơ quan báo chí và mọi người làm báo lơ là trách nhiệm xã hội -nghề nghiệp, các cơ quan quản lý thiếu nghiêm khắc trong tổ chức, quản lý và chế tài, thì báo chí điện tử có thể làm nhiễu loạn thông tin, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, những người thiếu thiện chí truyền bá luận điệu sai trái, lũng đoạn thông tin. Do đó hơn lúc nào hết, các nhà báo Việt Nam càng phải không ngừng rèn luyện, tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, khẳng định năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp,... góp phần xây dựng báo chí điện tử trở thành phương tiện tinh thần quan trọng cùng Đảng, Nhà nước và toàn dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
NAM CƯỜNG
(Nhân dân)

Hà Nội: Trưởng thôn "truy sát" phóng viên truyền hình

Dân Việt - Khi nhóm PV truyền hình tới nhà trưởng thôn thôn Nghĩa, xã Xuy Xá, Mỹ Đức, Hà Nội đề tìm hiểu về những bức xúc trong dồn điền đổi thửa, đã bị một nhóm người dùng dao hăm dọa, rượt đuổi, hành hung...
Khoảng hơn 9h sáng nay, ngày 1.4, nhóm phóng viên kênh VTC16 tác nghiệp tại thôn Nghĩa, xã Xuy Xá, Mỹ Đức, Hà Nội đã bị một nhóm người hành hung gây thương tích.
Vụ việc xảy ra khi nhóm phóng viên, bao gồm 5 người của kênh VTC16, đến liên hệ công tác tại thôn Nghĩa. 2 phóng viên là Nguyễn Duy Long và Trần Văn Dương đã đến nhà trưởng thôn Nghĩa là ông Nguyễn Minh Đức để liên hệ gặp nhằm trao đổi việc ghi hình.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được lời hỏi thăm và xin được trò chuyện, trao đổi công việc, thì nhóm phóng viên này đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của ông Đức. Không chỉ vậy, ông Đức còn chửi bới nhóm phóng viên, xông đến trấn áp anh Nguyễn Duy Long, lấy tay che ống kính máy quay, gạt máy quay từ tay anh Long.
Ngay sau đó một vài phút, một nhóm người ở cạnh nhà ông Đức- gồm 2 người thanh niên khác, cùng với ông Đức đã xua đuổi, dùng gậy và dao bầu hăm dọa, trấn áp anh Long và anh Dương. Hệ quả là anh Nguyễn Duy Long bị nhóm người này cùng ông Đức xô đẩy, bị trầy xước tay.

Anh Nguyễn Duy Long kể lại sự việc với những vết trầy xước ở cánh tay

Nhóm phóng viên đã buộc phải chạy khỏi nơi tiếp xúc với ông Đức nhưng vẫn tiếp tục bị nhóm đối tượng này rượt đuổi chừng 100m, ném gạch. Rất may không ai bị thương thêm. Không dừng lại ở đó, nhóm đối tượng khoảng 3 – 4 người này còn tiếp tục đuổi nhóm phóng viên tới tận nhà một người dân khác.
Một trong các đối tượng của nhóm người trên còn nói với phóng viên: “Nếu chúng mày cho phát phóng sự thì chúng tao sẽ không tha đâu…”.
Lúc này trên tay các đối tượng còn có thêm các hung khí như gậy sắt có đầu nhọn, gậy gộc… Rất may, nhóm phóng viên đã được một gia đình mở cửa cho vào lánh nạn.
Các đối tượng trong quá trình truy đuổi và hành hung nhóm phóng viên đã dùng nhiều lời lẽ thô tục, chửi rủa.
Được biết, nhóm phóng viên kênh VTC16 về thôn Nghĩa để tìm hiểu và phản ánh ý kiến của người dân về kết quả bầu trưởng thôn thời điểm tháng 3.2014 và những vấn đề trong dồn điền đổi thửa tại thôn này (vụ việc đã được báo Dân Việt – NTNN và Kênh VTC16 đã phản ánh trước đó).
Sau quá trình lập biên bản sự việc, Công an xã Xuy Xá đang xác minh các đối tượng hành hung nhóm phóng viên nói trên.
Dân Việt sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét