Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Việt Nam lại phải che mặt vì... quá ngượng - Nhân sự trong vỏ hạt dẻ

Việt Nam lại phải che mặt vì... quá ngượng

Một nhóm CĐV thiếu văn hóa đã khiến cho các VĐV quốc tế dự giải cầu lông Ciputra Hà Nội sửng sốt.
Ở lượt trận chung kết diễn ra vào chiều 30/3, giải đã chứng kiến những hình ảnh xấu xí từ một bộ phận khán giả có mặt tại nhà thi đấu Cầu Giấy.  
Do số lượng khán giả quá đông, các dãy ghế trên khán đài đều chật kín, người ngồi lên cả lối đi nên BTC giải đã không thể kiểm soát nổi và một nhóm khán giả đã tràn xuống cả sân nhà thi đấu.
Tranh cướp nhau một cây vợt cầu lông được VĐV tặng
Tranh cướp nhau một cây vợt cầu lông được VĐV tặng

Trong quá trình diễn ra các trận chung kết, BTC đã nhiều lần phải dùng loa nhắc nhở khán giả không được trèo trên tường, ngồi chênh vênh lên thành lan can vì sợ sự cố đáng tiếc có thể xảy ra; đồng thời yêu cầu khán giả không được bật đèn flash khi quay phim, chụp ảnh để không làm ảnh hưởng tới chất lượng, tính công bằng ở các trận chung kết. Song do thiếu ý thức mà nhiều người vẫn lặp lại những hành động thiếu chuyên nghiệp như trên.

Đáng nói hơn cả, nhiều khán giả quá vô ý thức, làm xấu hình ảnh người hâm mộ Việt Nam cũng như hình ảnh giải đấu trong mắt các VĐV quốc tế dự giải, bởi những màn "cướp vợt" phản cảm.

Điển hình nhất là tình huống cặp VĐV của Nhật Bản sau khi vô địch đôi nữ đã ném vợt lên khán đài tặng khán giả - một hành động thay lời tri ân những khán giả trung lập đã cổ vũ cho mình suốt giải - nhưng khi vợt vừa ném lên, nhiều khán giả đã lao vào giành giật, thậm chí suýt xảy ra ẩu đả để đoạt vợt. Xấu xí hơn là hình ảnh một khán giả đã lao vào sân, cướp chiếc vợt trên tay Yano Chiemi trong sự ngỡ ngàng của nữ VĐV Nhật Bản này.
CĐV lao xuống cướp vợt.
CĐV lao xuống cướp vợt.
Sau khi giải kết thúc, tay vợt trẻ Phạm Cao Cường viết trên facebook: “Mình cảm thấy thật sự buồn vì người Việt Nam mình có những hành động đó, nhất là với người nước ngoài. Các bạn làm gì thì làm đừng nên làm mất đi cái đẹp, cái tốt của người Việt Nam, đừng để họ nhìn một hai người mà đánh giá cả Việt Nam chúng ta....”.
Cần phải nói thêm, theo tìm hiểu của phóng viên có mặt tại nhà thi đấu chiều 30/3, bên cạnh những người hâm mộ cầu lông là người Hà Nội, có rất đông khán giả là người các tỉnh khác, hiện đang học tập, lao động tại Thủ đô.
Đây không phải là lần đầu tiên hình ảnh người Việt Nam xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế. Trước đó, chị Phạm Thu Giang làm công tác báo chí văn hóa tại Đại sứ quán Hà Lan, cũng là người tổ chức chương trình hát áo mưa miễn phí cho người qua đường đã cảm thấy hoảng sợ trước ứng xử lạ của người dân.
Bắt đầu vào lúc 2h00 chiều 12/9/2013, chương trình “Đừng để bị ướt mưa!" được tổ chức ở một sân khấu ngoài trời, tại cửa của UBND quận Ba Đình. Nội dung của sự kiện ngày hôm đó bao gồm hoạt động trao tặng 3.000 chiếc áo mưa miễn phí cho người qua đường.
Mở đầu sự kiện, đại diện người Hà Lan có những lời chúc tốt đẹp tới người dân xung quanh đang có mặt tại đó.
Tuy nhiên, chỉ vài phút sau đó, không khí thay đổi nhanh chóng và trở nên hỗn loạn, mọi người tranh giành nhau, ai cũng cố gắng lấy nhiều nhất những món quà thiện chí về tay mình. Có người còn trèo lên cả sân khấu để cướp từ tay các tình nguyện viên và nhân viên đại sứ quán.
Nhiều người hò hét xung quanh khu vực phát áo mưa khiến quang cảnh trước UBND quận Ba Đình trở nên lộn xộn và khó hiểu. Chỉ 35 phút sau khi chương trình bắt đầu, 3.000 chiếc áo mưa đã được lấy sạch.
Sau sự kiện này đã để lại những hình ảnh rất xấu của người dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Không những thế, ngày 10/2 vừa qua, công nhân công ty cây xanh Hà Nội có mặt thu gom các chậu hoa trang trí quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, song nhiều người dân vẫn thản nhiên bê các chậu hoa trang trí về trong sự “bất lực” của các công nhân này.
Bà Nguyễn Hòa Hợp - Phó Giám đốc Công ty Cây xanh Hà Nội cho biết, hằng năm, sau khi trang trí các điểm công cộng vào dịp lễ, Tết, phía công ty đều cắt cử nhân viên trực bảo vệ.
Cũng theo bà Hợp, sau khi kết thúc các dịp lễ, Tết, công ty đều khẩn trương thu hồi hoa và cây cảnh về, không để người dân lấy, gây mất mỹ quan đô thị, mất hình ảnh đẹp của thủ đô trong mắt du khách. Tuy nhiên người dân vẫn có những hành động làm xấu hình ảnh của thủ đô.
Thùy Vân
(VNN)

Đừng để VN mang tiếng "quốc gia nhiều tiến sĩ"

Đừng để Việt Nam “mang tiếng” dài lâu là một quốc gia nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng lại quá hiếm những công trình, sáng kiến tầm cỡ, chỉ giỏi “kiếm quyền, kiếm tiền”.

Thực tế, số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường đại học Việt Nam nào được đứng trong bản xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới đã được PGS-TS Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) thừa nhận.

Những rào cản không đáng có

Số 24.300 tiến sỹ mà báo chí vừa nêu có thể làm quan, làm chủ doanh nghiệp hoặc đang giảng dạy ở các trường cao đẳng, đại học nhưng hình như, công việc nghiên cứu khoa học đối với họ vẫn bị “xem nhẹ”, không phải là mục tiêu đáng được quan tâm, đáng được ưu tiên nhất. Vì thế, các công trình khoa học, các bằng sáng chế tầm cỡ khu vực và thế giới thật khan hiếm, hầu như không có.



Ảnh minh họa

Nói đến nguyên nhân vì sao như vậy thì rất nhiều, chủ quan có, khách quan có. Nhưng cái nguyên nhân chủ yếu vẫn chính là cái cơ chế “sính” học vị, “nặng” bằng cấp khiến cho cả guồng máy xã hội, nhà nhà, người người mệt mỏi điên cuồng chạy theo cái “danh ảo”… bằng mọi giá, bằng mọi cách có thể. Để rồi từ đó, lại tiếp tục lao vào công cuộc “kiếm quyền, kiếm tiền” mà bỏ quên mất điều cốt lõi cần có của khoa học là niềm đam mê được duy trì liên tục trong công việc tìm tòi nghiên cứu chuyên môn.

Và những học vị “vinh quang” kia cùng thói quen “kiếm tiền, kiếm quyền” lâu ngày thành quán tính, từ đó mà đánh mất đi sự nhạy cảm vốn có của mình đối với các “hiện tượng” khoa học, con người khoa học cụ thể. Người làm khoa học, làm quản lý khoa học, song song với trách nhiệm chuyên môn cần phải có thái độ quan tâm, phát hiện, hướng dẫn, tạo điều kiện cho những “mầm đam mê” sáng chế, khoa học phát triển, ra hoa kết quả.

Hoặc vì những lý do nào đấy không thể giúp ích, tạo điều kiện cho “người ta” thì cũng không nên ngăn cấm, cản trở “người ta” làm khoa học với niềm đam mê nhiệt huyết thật sự của mình. Cho dù “người ta” chỉ là thợ cơ khí, thợ thủ công, hay là những nông dân chân lấm tay bùn…

Đất nước ta không thiếu những “hiện tượng” khoa học, không thiếu những con người đam mê sáng chế, đam mê khoa học thật thụ. Báo chí hàng ngày vẫn cần mẫn phát hiện ra những “hạt nhân” đầy khát khao ấy, nào là người sáng chế ra máy tuốt lúa, máy gặt, máy xay xát, sáng chế ra tàu ngầm, ra máy bay, ô tô, mô tô… Họ âm thầm hăng say làm điều mình yêu thích, vui buồn cùng với những lần thất bại hay thành công của chính bản thân mình.

Nhưng, sự lao động trong sáng đầy ý nghĩa ấy lại gặp những “rào cản” không đáng có từ những người, đáng lẽ ra chỉ phải khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà sáng chế ấy. Mới đây, câu chuyện anh thợ máy Nguyễn Văn Thắng, người đang tự nghiên cứu chế tạo máy bay trực thăng, đã có một cuộc làm việc với… công an.

Kết quả là anh Thắng phải ký vào một biên bản buộc anh phải dừng toàn bộ việc nghiên cứu, chế tạo máy bay trực thăng. Những cán bộ này còn yêu cầu anh Thắng dỡ bỏ động cơ khỏi máy bay, như vậy, ước mong sản xuất ra trực thăng “made in Việt Nam” của anh Thắng có thể đã tan tành mây khói?!

Ở Việt Nam không thể có thiên tài?

Cũng câu chuyện mới đây tương tự như vậy, tại nước Anh xa xôi, họ “ứng xử” hoàn toàn khác. Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, cậu bé Jamie Edwards luôn thử làm những bài tập về nhà của anh trai mình. Một ngày, khi đang tìm kiếm trên internet về bức xạ và năng lượng hạt nhân, cậu bé đã nhìn thấy lò phản ứng hạt nhân của nhà khoa học Taylor Wilson tạo ra khi mới 14 tuổi, và từ đó cậu bé nuôi mơ ước chế tạo một sản phẩm tương tự.

Báo chí kể lại rằng, ban đầu, Jamie tìm đến sự giúp đỡ từ nhiều phòng thí nghiệm hạt nhân và các khoa ở trường đại học nhưng thấy họ không nhiệt tình lắm, Jamie quyết định thuyết phục Hiệu trưởng Jim Hourigan của Học viện Penwortham. Và trường đã đồng ý cấp cho Jamie ngân sách 3.350 USD để cậu bé thực hiện dự án.

Từ tháng 10/2013, cậu bé Jamie đã bắt tay xây dựng các lò phản ứng hạt nhân trong một môi trường đã kiểm soát, và đến ngày 5/3/2014, em đã thành công khi khiến 02 nguyên tử hidro kết hợp với nhau để tạo thành Helium. Jamie Edwards trở thành người trẻ nhất trên thế giới chế tạo thành công lò phản ứng hạt nhận khi mới 13 tuổi. Nhà khoa học nhí cho biết: “Đây thực sự là một kỳ tích. Chính em cũng không thể tin được, thậm chí bạn bè nghĩ rằng em bị điên”.

Từ hai sự kiện trên, các nhà quản lý nước ta nói chung và những nhà quản lý khoa học nói riêng cũng cần phản xem xét thật nghiêm túc thái độ của mình trước những “hạt mầm” đam mê khoa học cụ thể và có những phương pháp ứng xử thích hợp tiến bộ hơn, thuận cả tình lẫn lý. Đừng để Việt Nam “mang tiếng” dài lâu là một quốc gia nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng lại quá hiếm những công trình, sáng kiến tầm cỡ, chỉ giỏi “kiếm quyền, kiếm tiền”.

Có ai đó từng nhận định “ở Việt Nam không thể có thiên tài”, hơi cực đoan nhưng không hẳn là không có lý. Hàng năm, sinh viên học sinh Việt Nam mang về không biết bao nhiêu là các loại huy chương quốc tế. Thế nhưng càng lớn thì những “ngôi sao sáng”đó càng “tối” hoặc “tắt hẳn” hoặc “rơi rụng” ở chân trời xa xôi nào đó.

Lịch sử khoa học cho thấy rằng các vĩ nhân, các nhà sáng chế thiên tài chưa hẳn đã là phải là giáo sư, tiến sĩ, nhưng 100% những người xuất chúng ấy đều có một niềm đam mê thật thụ và liên tục với lĩnh vực mà họ quan tâm.

Hãy khoan nói đến những điều to tát, điều cần làm ngay bây giờ đối với những nhà quản lý khoa học nước nhà là biết quan tâm đúng mực và có trách nhiệm đối với những “hiện tượng” cụ thể, những đối tượng đam mê sáng tạo cụ thể ở trong nước. Thậm chí, cần thiết cũng phải tạo điều kiện, lên tiếng bênh vực bảo vệ những suy tư trong sáng và đáng quý của những người được “đám đông” cho là “điên rồ” đó.

Nhà nước ta coi việc phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, khoa học và công nghệ đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN. Nhưng, nếu như những nhà quản lý không thay đổi nhận thức, vẫn cái kiểu “cấm cản” quen thuộc thường thấy và tư duy “mộc mạc, đơn sơ” về quan niệm bằng cấp thì rồi cái mục tiêu vĩ đại ấy cũng sẽ tiếp tục trở thành những “lời nói suông” không hơn không kém.
Phước Minh
(VNN)

Nhân sự trong vỏ hạt dẻ

Trong cuốn sách Freakonomics của nhà kinh tế Steven Levitt có một trường hợp nghiên cứu khá thú vị. Có một năm tự nhiên tỷ lệ tội phạm dùng súng ở Hoa Kỳ giảm toẹt xuống. Bất ngờ quá, người ta đi tìm nguyên nhân. Các nguyên nhân được tính đến, từ nâng chất lượng lực lượng cảnh sát đến các đạo luật kiểm soát vũ khí cá nhân, đều được xem xét. Mà hóa ra đều không phải. Tỷ lệ tội phạm giảm đột ngột, là do cách đấy mấy chục năm Mỹ cho phép phụ nữ phá thai. Nhờ phá thai mà các đứa trẻ lẽ ra phải sinh ra trong hoàn cảnh ngặt nghèo khó nuôi dạy nên người, đã không phải ra đời nữa. Từ lúc đạo luật được thực thi đến lúc nó có tác dụng xã hội, mất mấy chục năm, và khi nó có tác dụng thì rất bất ngờ, cả ở thời điểm lẫn kết quả.


Trong những năm 1945-1953, Việt Minh tiễu trữ tảo thanh các phần tử đối lập nổi bật rất mạnh tay. Nên đến năm 1956 chính quyền Việt Nam Cộng Hòa gặp các vấn đề thiếu hụt nhân sự lãnh đạo cao cấp để lắp vào chính quyền mới. Ngô Đình Nhu buộc phải dùng những người giỏi hiếm hoi mà chính phủ tuyển dụng được vào cùng lúc nhiều chức vụ khác nhau trong nội các. Ở chính quyền địa phương, cả Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu buộc phải sử dụng lại công chức cũ thời thực dân, thậm chí có dính đến tận phong kiến. Mà hồi đó “đả thực phản phong” rất mạnh. Đến năm 1960 thì vấn đề nhân sự yếu kém của chế độ đệ nhất VNCH bộc lộ nhược điểm nặng nề. Nay nhìn lại, thấy cả tình báo miền bắc len vào (chưa kể tình báo các nước khác mà ta không biết). Chính quyền đệ nhất VNCH có những bộ óc rất tốt ở cấp cao, nhưng bộ sậu nội các, chính quyền địa phương và đặc biệt là quân sự rất yếu kém. Và nó sụp đổ rất nhanh chỉ trong vòng khoảng ba năm dưới các loại sức ép.

Chưa hết, nhân sự của phe đảo chính lại còn yếu kém hơn nữa. Chính các trí thức am hiểu thời sự miền nam, sau này còn than là các nhà lãnh đạo quốc gia (VNCH) sau 1963 toàn là chính trị gia tép riu. Sau đảo chính, chính trường miền nam phải mất tới mấy năm để bình ổn bộ máy (1963-1966), phải sử dụng lại cả các chính trị gia đã hết thời. Nhưng rồi sau đó, sự yếu kém, tham lam của hệ thống lãnh đạo nhanh chóng gây ra các vấn đề trầm trọng và làm sụp đổ toàn bộ hệ thống chỉ trong vòng chưa đến mười năm (1975).

Bây giờ nhìn vào phía Mỹ. Ta thấy Mỹ hoặc là hứa lèo với các nước để dụ dỗ, còn không thì họ hứa thật. Và khi họ đã hứa thật thì các nước bạn của họ đều trở nên khấm khá (Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, gần đây là Ba lan). Và họ hiếm khi bỏ rơi đồng minh. Vậy mà họ đã bỏ rơi VNCH. Có nhiều lý do, nhưng lý do sâu xa chính là chính quyền và quốc hội Hoa Kỳ không còn lòng tin vào chất lượng nhân sự của lãnh đạo chính quyền và và lãnh đạo quân đội của VNCH. Không tin nữa thì họ quốc hội Mỹ bỏ phiếu bỏ rơi luôn (1972-1973). Nhìn vào những người đứng đầu nhà nước VNCH, trước đảo chính 1963 là Diệm Nhu, chưa biết tài thế nào, nhưng làm việc quần quật, chăm chỉ phụng sự tổ quốc. Còn sau đảo chính thì toàn các vị thích lên media chém gió, ăn chơi, gái mú nhảy đầm. Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, các vị, dù đang là lãnh đạo quốc gia, đều cùng gia quyến lượn ra nước ngoài cả, không một ai ở lại với người dân của mình. Chất lượng nhân sự lãnh đạo quốc gia như vậy đấy, không thể trách móc nước Mỹ được.

Nói vắn tắt, chính sách loại trừ triệt để các nhân vật có tiềm năng lãnh đạo đối lập ở miền nam (1945-1953), đã có tác dụng bất ngờ sau chưa đến hai mươi năm (1955-1973). Trồng cây là lợi ích trăm năm. Nhưng đốn cây thì chỉ hai mươi năm là hậu quả kinh hoàng, kính thưa các bác.

Bồi dưỡng con người nói chung là khó, xây dựng các thế hệ lãnh đạo tương lai còn khó hơn. Việc “dạy” cho họ học “các lý thuyết cai trị” không khó. Các trường Đảng, trường cao cấp chính trị gì đó, có thể làm được hết. Tuy rằng tôi không tin lắm là họ dạy những kiến thức lãnh đạo cập nhật, hiện đại và có nhiều lợi ích cho tương lai đất nước. Cái khó là phát hiện và trui rèn những nhân sự tiềm năng để rồi một ngày nào đó dùng cho tương lai. Cái khó là làm sao để thế hệ lãnh đạo sau phải tài giỏi hơn các thế hệ trước.

Cách phát hiện, trui rèn ấy hiện nay là gì? Là bỏ phiếu bình chọn với nhau rồi luân chuyển cán bộ.

Bây giờ nói chuyện cổ một chút. Thời Pháp thuộc, rồi Nhật chiếm, bị đè đầu, nên dân ta cần kích thích tinh thần dân tộc, để mà tự hào. Vì quá cần nên kích động lên hơi quá. Rằng nước ta mấy ngàn năm văn hiến. Lúc đánh Tây đánh Nhật thì cái doping này là cần. Nhưng lúc kiến thiết đất nước thì nó lại phản tác dụng.

Sự thực, nước ta lập quốc rất muộn, vào thế kỷ thứ 10. Bắt đầu từ Khúc Thừa Dụ ly khai, rồi đến Ngô Quyền đánh quân Nam Hán và Đinh Bộ Lĩnh xưng Đế.

Muộn và lãnh thổ bé tí, chỉ loanh quanh lưu vực sông Hồng sông Mã.

Phía trên là nước Tàu lúc đấy là đại đế quốc. Xung quanh một bên sát sườn là các dân tộc thiểu số tự trị, một bên là biển.

Phía dưới là Chiêm Thành, lúc bấy giờ đã có lịch sử vài trăm năm và đã là cường quốc. Lập quốc từ thế kỷ thứ II, đến thế kỷ thứ VII thì Chiêm Thành (Lâm Ấp) đã thành cường quốc. Nó đứng giữa hai nền văn hóa Ấn – Hán và giữa hai nước Việt – Phù Nam. Nó rất thiện chiến và giỏi đi biển.

Bắt đầu từ Lê Hoàn, một chính trị gia cầm gươm cưỡi ngựa, ta mới mở rộng về phía nam. Qua Lý qua Trần. Đến Lê Thánh Tông, khoảng 1471, tức là khoảng năm thế kỷ sau khi nước Việt lập quốc, về cơ bản mới thôn tính được Chiêm Thành để có thêm vùng Trung và Nam Trung Bộ của Việt Nam ngày nay.

Nhưng đến tận giữa thế kỷ 19, đến thời Minh Mạng, vị vua thứ hai của nhà Nguyễn, nước ta lúc đó tên là Đại Nam, mới chính thức thống nhất lãnh thổ, bao gồm cả vùng đất rộng lớn thuộc vương quốc cổ Phù Nam (thế kỷ II) và sau này là Thủy Chân Lạp. Khoảng năm 1840 tức là cách ngay nay chưa đến 180 năm, lãnh thổ nước ta mới định hình gần như bây giờ, và lúc đó lần đầu tiên có một chính quyền trung ương đủ mạnh và có công cụ cai trị đủ tốt để cai quản đất nước. Để thấy 180 năm lịch sử là ngắn thế nào, xin so sánh với tuổi đời thápEffel tới nay là 125 năm, và bản hiến pháp của Hoa Kỳ ra đời (1787) tới nay là 227 năm.

Thời Minh Mạng, nay nhìn lại, thì ông vua tài năng này đã gặp vô số các vấn đề mà ngay ở thời hiện đại cũng rất đau đầu: sắc tộc, cát cứ, ly khai, đòi tự trị. Minh Mạng tất nhiên là chính quyền phong kiến tập trung không thích điều ấy. Với công cụ hành chính và quân đội trong tay, Minh Mạng bình định tất cả. Cải cách hành chính của Minh Mạng bao gồm các biện pháp chính sau đây: chia địa lý hành chính rất hợp lý theo năng lực quản lý hành chính để tiện cho việc cai trị (đến nay vẫn còn giá trị), sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt thống nhất, và cải tổ chính sách nhân sự.

Chính sách nhân sự “hồi tỵ” không phải là mới mẻ, mà nó đã có từ thời Lê Thánh Tông (1486) khi ông vua huyền thoại này gặp các vấn đề về cai trị lãnh thổ mở rộng, đối diện với các bộ tộc thượng và đặc biệt là phe phái cát cứ mà ngày nay ta vẫn quen dùng từ “thân hữu” (crony, cánh hẩu, bè cánh).

Chính sách “hồi tỵ” của Minh Mạng (1831, cách đây 183 năm) chính là chính sách luân chuyển cán bộ giống Việt Nam đang thực hiện bây giờ, nhưng quy định chặt chẽ và khắt khe hơn nhiều. Trừng phạt nếu vi phạm cũng tàn nhẫn hơn. Chính sách luân chuyển cán bộ của Minh Mạng đã chấm dứt sự cai trị lâu đời của các dòng họ người dân tộc vùng cao và các lãnh chúa địa phương nhất là các lãnh chúa phía nam hoặc thượng du vốn có quân đội riêng. Ngay lập tức loạn lạc nổi ra, các thủ lãnh bất mãn nổi dậy, mà sử Việt Nam ngày nay gọi là khởi nghĩa nông dân chống phong kiến (thực ra là nổi dậy vì quyền lợi bị chính quyền trung ương can thiệp). Ở mặt bằng xã hội lúc bấy giờ, hệ thống cai trị bằng hành chính của Minh Mạng quá ưu việt, người tài do vua cha Gia Long để lại cũng còn nhiều, nên chính quyền trung ương dẹp yên cả. Nhà Nguyễn đi vào ổn định.

Chính sách luân chuyển của Minh Mạng so với chính sách của Việt Nnam hiện nay ở thì có nhiều điểm tốt hơn. Ví dụ quan chức luân chuyển về địa phương là phải thay mặt triều đình mà vận hành công việc cai trị thực sự, làm ăn bố láo là triều đình xử lý ngay. So với ngày nay, luân chuyển về ngồi chơi hai năm cho có. Hoặc ở nơi chỗ các ngành cần nghề chuyên môn sâu, thì không áp dụng chính sách luân chuyển (ví dụ y tế, lịch pháp). So với ngày nay có thể chuyển ngang thị trưởng vớ vẩn về đứng đầu y tế. Thế nhưng chính sách hành chính hồi tỵ của Minh Mạng chỉ có tác dụng cai trị, đã không làm được việc bồi dưỡng và phát hiện tài năng lãnh đạo cho tương lai.

Thời nhà Nguyễn xuất hiện rất nhiều bộ óc sáng láng, rất nhiều ý tưởng cách tân xã hội, nhưng đều bị chính quyền phủi tay. Chính là do hệ thống lãnh đạo của nhà Nguyễn chỉ bồi dưỡng và thu nạp vào hệ thống những người cốt phục tùng chính quyền. Dẫn đến lãnh đạo chính quyền các cấp: thiếu năng lực trách nhiệm và thiếu chính trực và nhất mực thần phục hoàng gia. Họ không tự nguyện xông ra gánh vác bất cứ trách nhiệm nặng nề nào, lại không dám nhận trách nhiệm với các thất bại. Trường hợp tuẫn tiết như Phan Thanh Giản không nhiều. Từ phía chính quyền, họ tạo ra hệ thống nhân sự cốt bảo vệ triều đình và ổn định xã hội theo cách triều đình muốn, chứ không cần bộ máy lãnh đạo để phát triển đất nước. Nên thời nhà Nguyễn, nước lớn mà năng lực cạnh tranh và sức mạnh quân sự tụt hậu dần.

Kết quả là, chính sách luân chuyển cán bộ của Minh Mạng khiến đất nước suy yếu, quân đội bạc nhược. Và chỉ ba mươi tư năm sau khi thực hiện cải cách hành chính (thành công) và cải cách nhân sự (thất bại một nửa) thì 3 tỉnh miền đông mất vào tay Pháp (1862) và chẳng mấy sau đó mà mất cả nước. Tất nhiên đây là cái chuyện trong cái rủi luôn có cái may và ngược lại. Nhưng phải nhìn nhận rằng, nếu chính sách đốn cây làm chế độ tèo rất nhanh trong hai mươi năm, thì chính sách trồng cây lăng nhăng cũng đưa đất nước vào thảm họa chỉ trong vòng chưa đến bốn mươi năm.

Chính sách luân chuyển cán bộ, nhìn vào lịch sử sẽ thấy: chưa từng tạo ra đội ngũ lãnh đạo mới tốt hơn đội ngũ lãnh đạo cũ, tức là nó làm ra đội ngũ lãnh đạo kế cận yếu hơn các bậc tiền bối. Vả lại, thời toàn cầu hóa, tài chính và thông tin lưu thông trong nháy mắt, dù có lưu chuyển cán bộ đi xa đến đâu thì nếu muốn làm chuyện tham tàn, họ vẫn cứ làm được ngay thôi. Ngay cả ở Trung Quốc hiện nay, cũng áp dụng luân chuyển cán bộ, cho nên dù nền kinh tế vọt lên thứ hai thế giới và đầu tư quân sự mỗi năm hơn một trăm tỷ dollar Mỹ, thì các học giả Trung Quốc vẫn cho rằng quân đội Trung Quốc dù có vẻ rất lắm tiền và hiện đại, nhưng so sánh tương đối (với các đối thủ phương tây) thì trình độ lãnh đạo quân sự đã lùi về trình độ nhà Thanh.

Thế làm thế nào để có các lãnh đạo kế cận không chỉ trẻ hơn, giỏi hơn, nhìn xa hơn mà còn được quyền dẫn dắt đất nước thành rồng?

Ta bắt đầu từ câu nói của tổng thống John Kennedy nói với tân bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara khi tổng thống mới đắc cử này chiêu mộ McNamara đang là xếp sòng của hãng ô tô Ford về nội các mới của mình. Câu này đại ý như sau: “Tôi không biết là có trường lớp nào đào tạo ra được tổng thống với bộ trưởng quốc phòng”. Câu này đúng ở chỗ “thủ lĩnh” là một hiện tượng tự nhiên. Không ai nhào nặn ra được thủ lĩnh, lãnh đạo. Chỉ có thể tạo ra môi trường tốt để những người có tố chất lãnh đạo được đào tạo, được rèn luyện, và phát triển để trở thành lãnh đạo theo cách tự nhiên nhất.

Hãy nhìn vào các lãnh đạo đã dẫn dân tộc ta đi qua hai cuộc kháng chiến, và nhìn vào các lãnh đạo xây dựng nền cộng hòa ở phía nam. Họ ở đâu ra?

Họ xuất hiện, trưởng thành, và trở thành lãnh đạo chính trị, lãnh đạo quốc gia từ các phong trào xã hội. Họ là các nhà hoạt động xã hội non và trẻ, dần dần được tôi luyện thành chính trị gia. Cũng phải mở ngoặc luôn, là hoạt động xã hội đang nói ở đây là xã hội thật sự, từ báo chí đến hội đoàn, chứ không phải hoạt động xã hội kiểu đoàn đội đánh trống múa rối xơ cứng từ hình thức đến nội dung hiện nay. Thế nhưng dù muốn hay không, thì môi trường để phát sinh ra các nhà hoạt động xã hội, vẫn phải được bật đèn xanh từ tầng lớp cai trị.

Sau thời kỳ cai trị khắc nghiệt của toàn quyền Paul Doumer (1897-1902), qua toàn quyền Paul Beau (1902-1907) bớt khắc nghiệt hơn một chút, thì đến toàn quyền Albert Sarraut nền cai trị thuộc địa mới thực sự bắt đầu cởi mở. Chính sách của Sarraut thiên về bảo vệ lợi ích dân bản xứ và bảo tồn văn hóa xã hội của họ. Trong hai nhiệm kỳ của Sarraut (1911-1914, 1917-1919) một xã hội dân sự (civil society) hiện đại kiểu phương tây tuy nhỏ bé và nhiều hạn chế, đã thực sự hiện hữu ở Đông Dương thuộc Pháp, nhất là ở Cochinchina (Nam Kỳ). Chỉ trong một thời gian rất ngắn ươm mầm, chưa đầy một thập kỷ, và thời gian để các nhà hoạt động bén rễ và trưởng thành, cũng chỉ khoảng vài năm, xã hội Việt Nam đã có Tự Lực Văn Đoàn rất hoành tráng và vô số các nhà hoạt động xã hội nổi bật, sau đó trở thành hoạt động chính trị hàng đầu, và sau này là những nhà lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo kháng chiến. Có thể tìm hiểu họ là ai và làm gì ở bài viết này.

Tức là nếu lợi ích của việc trồng cây có thể cả trăm năm như tục ngữ, thì việc tạo ra vườn ươm xã hội để từ đó các nhà hoạt động xã hội có chỗ để hoạt động, để được phát hiện và trui rèn, thì chỉ khoảng hai mươi năm là có tác dụng. Và tác dụng vô cùng lâu dài.

Một ví dụ khác. Sau đệ nhị hiến pháp năm 1967, Việt Nam Cộng Hòa có một xã hội dân sự thực sự được pháp luật bảo vệ. Chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, các tổ chức và hoạt động xã hội của họ đã sinh ra khá nhiều tay hoạt động xã hội nổi bật. Những tay hoạt động xã hội nồng nhiệt này đã góp phần vào sự sụp đổ hoàn toàn của miền năm (1973-1975). Sau 1975, không tính những người vượt biên, thì nhiều người trong số họ ở lại và thành nòng cốt lãnh đạo báo chí, thanh niên, kinh tế, doanh nghiệp sau 1975 và trong thời kỳ mở cửa. Tức là quá trình phát hiện, bồi dưỡng, trui rèn cho thế hệ lãnh đạo này, thậm chí chỉ mất chưa đến mười năm.

Tất nhiên, nhà nước hiện nay biết, nhìn thấy và hiểu tất cả những việc này. Họ đã từng thủ lợi cực nhiều từ hai ví dụ về xã hội dân sự ở trên với vô vàn lãnh đạo có năng lực gia nhập hệ thống của họ. Ví dụ như bác sỹ Phạm Ngọc Thạch là thủ lãnh Thanh Niên Tiền Phong (xem thêm ở đây) trưởng thành từ các hội đoàn do nhà cầm quyền bảo trợ, sau thành thủ lĩnh kháng chiến khét tiếng. Thử tưởng tượng ngày nay có một tay bác sĩ như vậy mà ngược lại xem sao. Vậy thật là dễ hiểu khi nhà nước chỉ nhìn và hiểu cái sự tiêu cực và nguy hại (cho họ trong ngắn hạn) thay vì nhìn thấy cái lợi trong dài hạn cho đất nước. Tất nhiên, cái thế lưỡng nan ở đây, là các biện pháp ngăn chặn các rủi ro ngắn hạn, tránh vết xe đổ như đã xảy ra với chính quyền Nhật (1945), chính VNCH (1975), thì cũng sẽ là nguyên nhân dẫn đến các rủi ro trung hạn như đã xảy ra với nhà Nguyễn (1858 -1884: mất nước vào tay Pháp).

Nước ta tuy già trên nhận thức tuyên truyền với tận 4000 năm lịch sử. Nhưng sự thực, tuổi sinh học của Việt Nam trẻ hơn nhiều, chưa đến 1000 năm. Thậm trí tuổi nhận thức, tuổi trí thức của một “dân tộc – quốc gia” thậm chí còn trẻ hơn nữa, đến mức “trẻ con”, chưa đến hai thế kỷ, trẻ hơn Hiến pháp thành văn của Hoa Kỳ và già hơn tháp Effel một tý. Còn trẻ tức là còn phát triển. Thế nhưng nước Việt Nam có đi vào con đường của rồng hay không, hihi, không tùy thuộc vào dân tộc nhiều, mà tùy thuộc nhiều hơn vào cách mà các lãnh đạo trẻ của đất nước được bồi dưỡng và nâng cấp.
  5 Xu
  (Blog 5 xu)

Nguy cơ TP. Hà Nội thua cả… ‘đàn em’

Đã đến lúc HN “vội vàng lên với chứ” nếu không muốn sẽ bị tụt hậu trên nhiều bảng xếp hạng, ngay cả với các địa phương “đàn em”.
.
Mới đây, VCCI đã tổ chức lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013, trong khuôn khổ Dự án PCI do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ. Đây là bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và mức độ tạo thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh dành cho các doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố ở nước ta.

Đáng chú ý, trong 5 thành phố trực thuộc TW, Đà Nẵng đã trở lại chiếm ngôi đầu, Cần Thơ xếp thứ 9, kế tiếp ngay sau đó là Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng xếp thứ 15 và Hà Nội chỉ xếp  thứ 33.

Trong bộ chỉ số được dự án PCI điều tra, Hà Nội có tới 4 chỉ số dưới mức trung bình, nếu không muốn nói là tương đối thấp.

Cụ thể, chi phí không chính thức: 4,67 (trong khi TP HCM: 6,01; Đà Nẵng: 7,5; Hải Phòng: 5,44; Cần Thơ: 7,84), tính năng động: 3,69 (trong khi TP HCM: 4,65; Đà Nẵng: 7,72; Hải Phòng: 5,48; Cần Thơ: 6,46 ), thiết chế pháp lý: 3,92 (trong khi TP HCM: 4,95; Đà Nẵng: 6,6; Hải Phòng: 5,78; Cần Thơ: 5) cạnh tranh bình đẳng: 4,35 (trong khi: TP HCM: 5,4; Đà Nẵng: 5,82; Hải Phòng: 6,21; Cần Thơ: 7,64).

Nếu so với năm 2012, rõ ràng Hà Nội đã tiến gần 20 bậc trong bảng xếp hạng PCI, từ 51 lên 33, nhưng nếu so với tiềm năng và sứ mệnh của một thủ đô, thì chỉ số của Hà Nội rất đáng để suy ngẫm.

PCI, chỉ số cạnh tranh, thủ đô, Hà Nội, bôi trơn, hoa hồng, nạn phong bì, doanh nghiệp, phá sản, khủng hoảng
HN xếp thứ 33 trong bảng xếp hạng PCI 2013. Ảnh: vcci.com.vn
Chi phí không chính thức…

Một trong những yếu tố được nhóm nghiên cứu PCI đánh giá tương đối nhạy cảm và gây ảnh hưởng lớn tới thứ hạng chung của Hà Nội là chi phí không chính thức. “Chi phí không chính thức” đo lường các khoản phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả để thực hiện các thủ tục hành chính hoặc có được hợp đồng kinh doanh

Năm nay, chỉ số này tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, đặc biệt là các thành phố trực thuộc TW đều có những chuyển biến tích cực nhưng Hà Nội thì ngược lại, giảm 5 bậc, xếp thứ 61/63.

Kết quả điều tra cho thấy, 66,39% doanh nghiệp cho rằng “nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”; 8,99% doanh nghiệp cho rằng họ phải chi hơn 10% doanh thu cho các chi phí không chính thức; 66,91% các doanh nghiệp cùng ngành phải trả chi phí không chính thức. (Số liệu dẫn theo báo Thanh tra).

Từ lâu, như một luật bất thành văn, doanh nghiệp và người dân cứ vào cơ quan công quyền thì phải có “phong bì” mọi việc mới hanh thông được. Từ những việc nhỏ như đăng ký thành lập, thủ tục in hóa đơn, tham gia bảo hiểm xã hội đến các việc lớn như tiếp cận đất đai, đầu tư dự án…, đôi khi chỉ là nộp hồ sơ, công văn, đơn thư… thôi nhưng muốn được tiếp nhận (vì có tiếp nhận thì mới có giải quyết) vẫn phải làm thủ tục “đầu tiên”. Hoặc ngay cả doanh nghiệp “xin chết” (giải thể) cũng phải có khoản chi phí này thì mới được “chôn”.

Thực tế bây giờ, nếu gặp bất cứ khó khăn gì khi làm việc với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân thường liên tưởng ngay đến “phong bì”. Có thể những người có trách nhiệm đang làm rất đúng bổn phận của mình, nhưng suy nghĩ “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” đã hằn sâu trong nếp nghĩ của người dân, khiến họ tìm đến chi phí “bôi trơn” như là một phương án tối ưu.

Những suy nghĩ, thói quen này có lẽ là tiền lệ cho chi phí không chính thức của Hà Nội nói riêng và nhiều nơi khác đang ngày càng tăng cao, khi đã được cả đôi bên ngầm hiểu rằng điều đó là “thủ tục” không thể thiếu.

PCI, chỉ số cạnh tranh, thủ đô, Hà Nội, bôi trơn, hoa hồng, nạn phong bì, doanh nghiệp, phá sản, khủng hoảng
So với tiềm năng của một thủ đô, chỉ số của HN rất đáng suy ngẫm
...Và năng lục cạnh tranh

Lương công chức thường bị cho là không đủ sống, nhưng nhiều người vẫn muốn “chạy chọt” vào nhà nước, có lẽ là vì một phần thu nhập “gia tăng” có nguồn gốc từ chi phí không chính thức như thế này. Còn doanh nghiệp, người dân, với tâm lý “đấu tranh thì tránh đâu”, nên thường chấp nhận “phong bì” cho được việc, chỉ khi nào quá ngưỡng chịu đựng, họ mới la làng lên. Những người có trách nhiệm thì luôn đòi hỏi chứng cứ, nhưng thử hỏi có ai đưa/nhận loại chi phí này mà dám đòi biên nhận hoặc dám ký tá gì không.

Ở Hà Nội hiện nay đang có khoảng 90.000 doanh nghiệp và 10.000 đơn vị hành chính sự nghiệp (số liệu năm 2013). Với rất nhiều thủ tục hành chính và giả sử kèm mỗi thủ tục là một chi phí không chính thức, con số “đi đêm”, nếu có thể thống kê được, chắc chắn sẽ không hề nhỏ chút nào.

Trong hoàn cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp giải thể tại Hà Nội 6 tháng đầu năm 2013 tăng gần 30%, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm 9,5%, hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động và bỏ địa điểm kinh doanh. Liệu các chi phí không chính thức có góp một phần nào vào những con số khô khan kia không?

Dù chỉ là một trong 10 chỉ số để đánh giá PCI, nhưng có lẽ chi phí không chính thức là một chỉ số tương đối quan trọng, có liên quan mật thiết đến các chỉ số khác do tính nhạy cảm và chi phối của chỉ số này. Hiểu một cách đơn giản và phổ biến, doanh nghiệp hoàn toàn có thể dùng chi phí không chính thức để tác động đến quá trình gia nhâp thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, sự cạnh tranh bình đẳng…

Tham chiếu PCI của 5 thành phố trực thuộc TW thì thấy về cơ bản thành phố nào có chỉ số chi phí không chính thức cao thì xếp hạng năng lực cạnh tranh cũng cao (Đà Nẵng: 7,5, xếp thứ nhất, Cần Thơ: 7,84 xếp thứ 9, TP Hồ Chí Minh: 6,01 xếp thứ 10, Hải Phòng: 5,44 xếp thứ 15 và Hà Nội 4,67 xếp thứ 33).

Nhận thức được tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mới đây Chính phủ đã ban hành nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014.

Năm xưa Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long vì thành Đại La “ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi… là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời“. Ngày nay, là đô thị loại đặc biệt được QH ban hành riêng Luật thủ đô để điều chỉnh, với diện tích hơn 3,3 ngàn km2, dân số gần 6,5 triệu người, tập trung hơn 70 trường đại học và học viện, hơn 20 trường cao đẳng, có 17 khu công nghiệp và khu công nghệ cao, là nơi đặt nhà máy của nhiều tập đoàn lớn, Hà Nội có đầy đủ cơ hội, tiềm năng để thu hút đầu tư, phát triển.

Để xứng đáng với tầm vóc và kỳ vọng, Hà Nội cần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có việc mạnh mẽ thay đổi diện mạo hành chính bằng những quyết sách mang tính chiến lược và vì lợi ích lâu dài.

Những cuộc đại phẫu bao giờ cũng kèm theo mất mát, đau đớn, thậm chí là phải trả giá. Nhưng nếu không thực hiện thì khối u sẽ ngày càng phình to và ung nhọt có nguy cơ lây lan sang những phần đang khỏe mạnh khác của cơ thể.

Nhiều người thường đùa khi nói về các vấn đề của Hà Nội, rằng muốn nhanh phải từ từ, rằng Hà Nội không vội được đâu. Nhưng có lẽ đã đến lúc Hà Nội “nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ” nếu không muốn sẽ còn bị tụt hậu trên nhiều bảng xếp hạng không chỉ với các thành phố “ngang cơ” mà còn đối với các địa phương “đàn em” khác và với chính mình.
  Nga Lê
  (Tuần VN) 

Thông tin về dân oan Dương Nội tự tử trong trại giam


Trần Thị Cẩm Thanh (Danlambao) - Chúng tôi đã tìm về Dương Nội chiều ngày 30/3/2014 sau khi nghe tin tin anh Trần Văn Sang và anh Trần Văn Miên đã cắn lưỡi để tự tử trong trại giam, làng vắng tang, bà con đang ngồi tập trung ở lều canh đồng ngay sát đường Bảo Sơn.
Qua tìm hiểu được biết hai người nông dân Dương Nội bị bắt cóc không có lý do, sau đó công an chuyển đến cho hai gia đình thông báo về việc bắt bị can để tam giam theo điều 245 của Bộ luật hình sự về tội gây rối trật tự nơi công cộng (xem thông báo kèm theo), nhưng không ghi rõ là gây mất trật tự công cộng ở đâu, vào ngày tháng năm nào, không có gì để chứng minh hai ông gây rối trật tự công cộng, không có ai tố cáo hai ông gây mất trật tự công cộng.

Dân oan Trần Văn Sanh (trái) và dân oan Trần Văn Miên (phải)
Công an đã sai khi bắt người oan trái, rồi báo tin cho 2 gia đình là người thân của họ đã tự tử, với người dân Dương Nội đấu tranh, bây giờ họ chỉ biết công an bắt người đấu tranh của họ đi và giết.
Anh Trần Văn Tuấn là anh trai của anh Trần Văn Sang cho biết “Chúng tôi quyết tâm đòi người, lúc nào người ta xác minh cụ thể là em tôi phải có tội thì tôi mới không đòi, còn không có tội thì tôi phải đòi bằng được người thôi, sống thì đòi người mà chết thì đòi xác” (xem video)
Chị Thêu, một nông dân ở Dương Nội chia sẻ “Chúng tôi chỉ mong muốn là hai ông đấy bình yên… trở về nguyên vẹn với bà con… nếu không… thực sự chúng tôi có giữ được đất thì chiến thắng cũng không được trọn vẹn… người ta là người từ đầu trong cuộc đấu tranh gian khó trong 6 năm qua, bà con đang cầu nguyện, đang cầu mong cho hai ông ấy trở về với chúng tôi” (xem video)
Công an là người có lỗi, vậy tại sao lại tiếp tục đánh đập những người thân của hai dân oan bị công an bắt đi và thông báo với gia đình là tự tử, không rõ hai dân oan của Dương Nội đang được cứu chữa hay là đang ở đâu mà công an chưa công bố
Sau đây là hình ảnh của hai anh nông dân Dương Nội tự tử trong trại giam, đó là Trần Văn Sang sinh năm 1975 và anh Trần Văn Miên sinh năm 1959.
Thông báo bắt giam anh Trần Văn Miên và Trần Văn Sanh của côn an Tp. Hà Nội:

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét