Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Vì sao xung đột với dân trong các dự án “kinh tế-xã hội”? - Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM Vũ Phi Long: Công an đánh chết nghi can là giết người

Trung Quốc bất ổn kinh tế: trục Bắc Kinh-Hà Nội sẽ ra sao?

10 ngành công nghiệp sắp vỡ nợ!

Tết nguyên đán 2014 mới trôi qua được một tháng, những tin tức về một đợt suy thoái kinh tế ở Trung Quốc bất chợt dồn dập. Từ sâu thẳm của những tháng năm chật chợi, những nguồn tin bắt đầu lộ diện. Nhưng rõ ràng nhất là việc hãng nghiên cứu có uy tín Business Wisdom đưa ra dự báo sắp có làn sóng vỡ nợ ở 10 ngành công nghiệp Trung Quốc, bao gồm: (1) đóng tàu; (2) sắt thép; (3) đèn LED; (4) nội thất; (5) bất động sản; (6) vận tải biển; (7) tín chấp và các định chế tài chính; (8) quản lý tài chính; (9) vốn tư nhân và (10) mua theo nhóm.

Dự báo của Business Wisdom có lẽ chỉ mới xuất hiện hầu như lần đầu tiên nhưng lại mang tính chi tiết nhất, trong khi trước đó ngay cả những tổ chức xếp hạng tín nhiệm nổi bật của phương Tây như S&P, Fitch Ratings, Credit Suisse, Moody’s cũng ngần ngại khi phải xoáy tia mắt vào chốn thâm cung bí sử trong lòng Nội Hán.

Cách nào đó, dự báo của Business Wisdom lại có nét tương đồng với một dự báo khác - thuộc về một hãng nghiên cứu có tiếng của Anh quốc vào năm 2013 - phác ra 3 kịch bản về sự tồn vong của chế độ chính trị đương thời ở Trung quốc. Trong đó kịch bản về tuổi thọ lâu nhất kéo dài được 10 năm. Hai kịch bản kia thiên về tương lai đoản thọ hơn - chỉ khoảng từ 5-7 năm nữa.

“Việt Nam tận dụng gì từ cơ hội Trung Quốc suy thoái kinh tế?” - một số tờ báo “lề phải” ở Việt Nam cũng không che giấu sự phấn chấn khi thẳng thừng rút tít như vậy. Nhưng hàm ý cần ngầm hiểu còn lớn hơn thế: bất chấp tia cấm cản và soi mói truyền thống cùng tính mặc định “mười sáu chữ vàng” được phát từ trong cái chăn dán nhãn “Ban Tuyên giáo trung ương”, những tờ báo này vẫn như khá hả hê trước một viễn tượng sụp đổ của quốc gia láng giềng phương Bắc.

Quả thực, Việt Nam đã phải chịu đè nén quá lâu, quá bức bối và cả quá nhục nhã từ người bạn có tên “Bốn Tốt”.

Ngủ trưa trên đường phố ở Bắc Kinh.
Ngủ trưa trên đường phố ở Bắc Kinh.
Nợ đến 265% GDP?

Sự chao đảo của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian gần đây cũng phác ra một viễn cảnh không mấy xa xôi: nồng độ can thiệp của Bắc Kinh đối với Hà Nội sẽ khó mà giữ nguyên trong những lời hứa hẹn về “làm mọi cách để bảo vệ nền chuyên chính vô sản”. Ngược lại, đó là một cơ hội để biểu tả cho trường phái “Thoát Trung luận” đang ngày càng mở rộng và ăn sâu trong dân chúng Việt Nam.

Tất nhiên Trung Quốc không thể đảo ngược định đề kinh tế - chinh trị luôn song hành và quyết định lẫn nhau. Hơn cả thế, quy luật này ứng biến thiết thực với những chế độ còn cố trì nại thể chế độc đảng và luôn tìm cách che giấu sự thật về thực trạng kinh tế. Đơn giản là sự thật càng bị giấu kín càng dễ bùng nổ.

Vốn đã giấu nhẹm những con số thực về tình trạng nợ công và nợ của chính quyền địa phương, nhưng từ năm 2011 Trung Quốc đã bị giới quan sát quốc tế chiếu rọi vào quá nhiều bất cập trong hệ thống ngân hàng và tài chính. Nếu Fitch Ratings đã nêu con số nợ của chính quyền địa phương lên đến 2.250 tỷ USD thay cho con số báo cáo của Ngân hàng trung ương Trung Quốc chỉ vào khoảng 1.500 tỷ USD vào năm 2011, thì đến cuối năm 2013, lần đầu tiên giai tầng “thái tử đỏ” ở Bắc Kinh phải thừa nhận mức nợ này đã lên đến 3.000 tỷ USD, tức gấp đôi so với con số mà họ công bố trước đó vài năm.

Nợ công lại càng biến thành một vấn nạn không thể chối từ. Không khác mấy Việt Nam, con số báo cáo của Trung Quốc cho thấy loại nợ này chỉ chiếm khoảng 45% GDP.

Nhưng theo cách tính toán khách quan và thành thực hơn rất nhiều của các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế, tỷ lệ nợ công quốc gia thực tế của Trung Quốc phải lên đến 150% GDP. Thậm chí, một phân tích của Business Wisdom còn cho rằng Bắc Kinh chịu trách nhiệm đối với khoản nợ tương đương 265% GDP, vượt hơn nhiều so với tỷ lệ nợ công quốc gia 200% GDP của Nhật Bản khi đất nước này lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ bắt đầu từ năm 1997, để sau đó phải chấp nhận một “thập kỷ mất mát” không thể khác hơn.

“Đầu tư nhiều nhất trong một thời gian ngắn nhất” là những gì mà đám đông bầy đàn tài phiệt ở Trung Quốc đã biến đất nước này thành con nợ của chính nó. Từ khi Ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ bị phá sản năm 2008, tín dụng cá nhân của Trung Quốc tăng đã từ 9.000 tỷ USD lên 23.000 tỷ USD, tương đương toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại của Hoa Kỳ chỉ trong 5 năm. Tỷ lệ tín dụng trên GDP cũng đã tăng từ 75% lên 200%, so với Hoa Kỳ chỉ 40% vào 5 năm trước khi vỡ bong bóng thế chấp, hoặc ở Nhật Bản trước khi Nikkei tan vỡ vào năm 1990. Một vấn đề đáng quan ngại là cả nợ tư nhân và cung tiền đều tăng quá nhanh ở Trung Quốc. Theo Forbes, lượng cung tiền M2 nước này tăng 13,6% trong năm ngoái, tăng tới 1.000% so với năm 1999.

Từ năm 2009, Lou Jiwei, Chủ tịch Quỹ đầu tư toàn quyền Trung Quốc đã ngụ ý: “Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đang xử lý các bong bóng bằng cách tạo ra thêm nhiều bong bóng”.

Quả vậy, chỉ trong vòng 12 tháng từ tháng 9/2009, tài sản các ngân hàng Trung Quốc đã tăng thêm 3.600 tỷ USD, thêm vào 140% GDP bình quân, hay 12.500 tỷ USD vào sổ sách. Để so sánh, trong cùng kỳ các ngân hàng Hoa Kỳ thêm chưa tới 700 tỷ USD, 4,4% GDP bình quân, thấp hơn 18 lần so với các ngân hàng Trung Quốc. Sự gia tăng tài sản ngân hàng của Trung Quốc trong 4 năm qua tương đương 7/8 tổng số tài sản tồn đọng của tất cả tổ chức bảo hiểm của FDIC (Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Hoa Kỳ), tương đương 30% tổng tài sản ngân hàng khu vực đồng EUR.

Người ta có thể dễ dàng hình dung sự sụp đổ ở Trung Quốc sẽ ồn ã như thế nào một khi quả bong bóng tài chính bị vỡ. Năm 2013, tờ International Business Times lưu ý rằng ngành công nghiệp thép nặng nợ của Trung Quốc đang trên bờ vực phá sản. Vào cuối năm đó, một công ty than lớn của Trung Quốc là Tập đoàn Liansheng Resources đã phải tuyên bố phá sản với 5 tỷ USD nợ…

Hà Nội đơn độc?

Giờ đây, thế giới đang nhận ra bóng ma ngân hàng Lehman Brothers ở Mỹ vào cuối năm 2007 như đang ám ảnh thị trường tài chính Trung Quốc.

Cuộc chiến đấu “diệt cả hổ lẫn ruồi” của Tập Cận Bình vẫn đang tiếp diễn, nhưng dù thành công bằng việc lôi ra ánh sáng viên cựu bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang cùng gia tộc của ông ta với con số kinh ngạc đến 16 tỷ USD tài sản đen, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc lại hầu như không khả vọng trong việc thực hiện cải cách nền kinh tế và đặc biệt là hệ thống tài chính của quốc gia này. Nguồn gốc cho tham nhũng và nạn chuyên quyền, độc quyền bởi thế vẫn còn y nguyên.

Tất cả những câu chuyện đau thương và trái khoáy giữa ý thức hệ và “thực tiễn cách mạng” như thế cũng là bản sao y ở Việt Nam. Tháng 5/2013, cuộc gặp của người đứng đầu nhà nước Việt Nam với Tập Cận Bình ở Trung Quốc với hình thể chào cờ quá thấp mà gây ra không ít lời đàm tiếu nguy hại về quốc thể, đã chưa mang lại kết quả đáng kể nào từ những “gói hỗ trợ” của Bắc Kinh cho Hà Nội. Thậm chí ngược lại, các thương lái Trung Hoa còn có cơ hội tung hoành hơn ở khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long khi họ tìm cách vơ vét đến cả lá điều khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim, rễ hồi, lá khoai mì, lá khoai lang và cả…đỉa.

Cũng hàng chục năm qua, lớp nông dân Việt Nam nhẹ dạ luôn lao từ nỗi bấn loạn này sang cơn điêu đứng khác khi phải chặt bỏ những cây nông nghiệp chính và lâm vào cảnh bị ngân hàng siết nợ.

Ở vào thế cùng kiệt và còn bị phản bội bởi chính một số quan chức bị xem là “ăn lương của người Hán”, những di họa của nền kinh tế Việt chỉ có thể được ngăn chặn phần nào một khi chính tự thân hệ thống ngân hàng Trung Quốc “tự diễn biến”. Khi đó, những cái vòi bạch tuộc cũng bởi thế có thể co rút trong cơn bạo bệnh đa chấn thương.

Vậy sẽ ra sao đối với Việt Nam nếu nền kinh tế Trung Quốc thực sự sa chân vào cung đường suy thoái trong những năm tới? Với tư cách một đất nước duy trì sự lệ thuộc đến 80% vào các nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, chắc chắn nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị “hẫng hụt” bởi tình trạng sụt giảm lợi nhuận qua con đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Nhưng đối với giới chính khách mang quan điểm “thân Tàu”, có lẽ sự thất vọng còn vĩ đại hơn. Không chỉ khó có hy vọng nhận được những gói hỗ trợ về kinh tế, có thể họ còn phải tức tối nhận ra thái độ nhăng cuội của Trung Nam Hải về những gói “kích cầu chính trị” - nhân tố đặc biệt cần kíp trong trường hợp lớp chính khách Việt “lâm nạn”.

Nhưng xét cho cùng, trong cái rủi có cái may. Sự thất thiệt của giới chính trị gia hưởng lợi ích từ Trung Hoa đại lục lại mang đến chút hy vọng “thoát Trung” cho đại đa số tầng lớp dân chúng còn lòng liêm sỉ và tinh thần bám đất bám làng ở Việt Nam.

Phạm Chí Dũng
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  (VOA)  

Bị cấm cửa, mới giật mình!

Một nữ doanh nhân vừa trở về từ hội chợ quốc tế tổ chức ở Hồng Kông, điều chị ấy chia sẻ là cảm giác xấu hổ.

Đã bỏ ra 500 đô la Hồng Kông mua vé vào tham quan, với cái phù hiệu ghi rõ người Việt Nam trên ngực, bỗng nhiên chị bị chặn lại ở cửa vào gian hàng của một công ty kỹ thuật của Đức, trong khi thành viên của đoàn là người Nhật thì vào tham quan thoải mái. Nhân viên của công ty này thẳng thừng thông báo không tiếp đón người Việt.

Sau trao đổi, một bạn Nhật cùng đoàn đưa cho chị cái phù hiệu ghi là người Nhật để chị có thể vào xem các sản phẩm quan tâm. Tuy nhiên, sự trục trặc đó đã lấy hết sự hưng phấn nhiệt tình nơi nữ doanh nhân này.

Chị định gặp ban tổ chức hội chợ để làm cho ra lẽ chuyện phân biệt, nhưng đã phải ngừng ý định khi người của gian hàng nói rằng, họ không hoan nghênh người Việt bởi vì đã xảy ra nhiều chuyện phức tạp, trong đó có chuyện "ăn cắp". Hai từ ấy làm cho một người Việt đang ở nước ngoài giật mình. Nỗi xấu hổ đã ngăn chị phản kháng!

Đã từng có rất nhiều người nói rằng, khi ra nước ngoài, họ đều từng chịu nỗi xấu hổ đó. Sau này, để tâm tìm hiểu về cái nhìn thiếu thiện chí với người Việt, nữ doanh nhân biết thêm nhiều câu chuyện về hành vi xấu của người Việt ở nước ngoài đã làm hoen ố hình ảnh của dân tộc mình.

Tại nhiều ga tàu điện của Nhật, cơ quan quản lý đã để hẳn biển ghi bằng tiếng Việt cảnh báo không nên trốn vé đi tàu, không được ăn cắp, ở đây có lắp đặt camera theo dõi! Ngay trong các resort 5 sao tại miền Trung, thỉnh thoảng vẫn thấy một thông báo bằng tiếng Việt (không có bản thông báo tiếng Anh), rằng nếu khách lấy đi vật dụng trong phòng, sẽ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn gấp ba giá trị!

Nhiều công ty không muốn hợp tác với người Việt vì đã có kinh nghiệm về chuyện bị ăn cắp công nghệ, kỹ thuật, mà luật pháp tại Việt Nam chưa quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền sáng chế.

Đặc biệt trong lĩnh vực viết phần mềm, không thiếu những kỹ sư công nghệ thông tin chẳng mấy chốc đã mua nhà, đi xe tiền tỷ nhờ ăn cắp bản quyền phần mềm, thêm thắt và ngang nhiên đem bán cho khách hàng khác.

Một người Nhật từng nói: "Các anh cho rằng ăn cắp mấy đồng tiền trong ví ở ga tàu điện là rất xấu, nhưng lại rất bàng quan với chuyện đồng nghiệp mình ăn cắp bản quyền sáng tạo trị giá hàng trăm triệu đồng. Chính suy nghĩ đó làm hại hình ảnh dân tộc các anh đó. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận cộng tác với những người như vậy".

Mỗi người Việt đi ra nước ngoài tìm cơ hội đã bao giờ tự hỏi, mình phải làm gì để hình ảnh đất mình không hoen ố, như để lại một gia tài về uy tín cho thế hệ tương lai?

Và bỗng nhớ lại câu chuyện của một học sinh lớp 8. Cô bé ấy là lớp trưởng, nhiều năm đạt học sinh giỏi. Nhưng các bạn trong lớp đều biết rằng gần đây cô bé học sút đi, trong giờ làm bài kiểm tra thỉnh thoảng vẫn chép bài của bạn. Cuối năm học, cô bé ấy đạt học sinh giỏi, không quên chụp hình bảng điểm khoe trên Facebook.

Điều kinh khủng là hàng trăm bạn học của cô bé vào "like" dù biết rõ sự thật. Những biểu hiện thỏa hiệp với gian dối, bình thường hóa tất cả những mầm mống của cái xấu đã không gặp phản kháng ngay từ lứa tuổi mà tính cách đang dần định hình sẽ trở thành một đặc tính của thế hệ hôm nay.

Thỏa hiệp với sự dối trá là điều nhiều người đang làm, để chứng tỏ mình rộng lượng, nhân hậu, biết yêu thương. Sự nhầm lẫn lung tung các khái niệm không chỉ xảy ra ở những học sinh trung học, mà nó còn quẩn quanh biểu hiện trong lối sống của người trưởng thành.

Các mạng xã hội còn cổ vũ thêm sự thỏa hiệp đó, cho con người thỏa mãn với cái màu mè giả tạo, tiếp tay cho sự thành công nhanh chóng nhờ bất cần giữ đạo đức!

Không giật mình với hiện tượng xấu, cái xấu sẽ bám vào và trở thành đặc tính đại diện cho dân tộc mình. Sự cố nữ doanh nhân nói trên gặp phải ở hội chợ Hồng Kông mới là hồi chuông cảnh báo, thức tỉnh một nền giáo dục mang nặng lý thuyết!
BÍCH HỒNG
  (Doanh nhân SG)
 

Vì sao xung đột với dân trong các dự án “kinh tế-xã hội”?

Kính Hòa, phóng viên RFA

Khu nhà ở và khu văn phòng của Công ty Quang Thuận bị dân đốt cháy -Courtesy of citinews.net
Vụ việc xảy ra tại Ninh thuận trong những ngày vừa qua lại kéo dài thêm danh sách các dự án kinh tế xã hội tại Việt nam bị cư dân địa phương phản đối, và phản đối một cách bạo lực! Tại sao lại như thế?

Giọt nước tràn ly

Ngày 20/3/2014, tại thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận xảy ra một vụ lộn xộn, mà theo giới chức trách thì có đến hơn 500 người đã biểu tình phản đối công ty Quang Thuận đang khai thác sa khoáng titan tại địa phương. Theo báo mạng Đời sống và Pháp luật, thì những người dân này đã đập phá ống dẫn nước đãi titan của công ty này. Cuộc biểu tình đã dẫn đến bạo động trong những ngày sau đó khi dân địa phương đập phá máy móc, đốt văn phòng, đuổi đánh công nhân khu vực khai thác, và có đến bốn cảnh sát của lực lượng chức năng bị thương. Vẫn theo tờ báo mạng này thì có đến 6 người dân bị cầm giữ, trong đó có hai người phải chịu lệnh tạm giam 3 tháng, những người còn lại bị cấm đi khỏi nơi cư trú chờ điều tra.

Theo thông tin đài chúng tôi thu nhận được thì cho đến ngày1/4/2014, khu vực này vẫn còn được lực lượng công an canh gác, không cho người lạ mặt lui tới.
Một trong hai người bị tạm giữ trong ba tháng với tội danh sách động biểu tình có ông Đỗ Văn Đức. Ông Đức đã từng được báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Việt nam trích lời hồi cuối năm 2012, tức là cách đây gần một năm rưỡi, khi ông lên tiếng cùng dân làng phản đối công ty Quang Thuận khai thác cát titan làm sụt lở đất đai, làm các giếng nước sinh hoạt bị khô cạn. Và điều đáng nói là người dân ở thôn Sơn hải không hề được thông báo về việc khai thác này, mặc dầu giấy phép khai thác của công ty đã được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp hồi tháng tám năm 2012, tức là trước khi xảy ra vụ lên tiếng phản đối một cách ôn hòa của dân làng Sơn Hải đến tám tháng.
Nay, cuộc phản đối đã không còn ôn hòa, sau một thời gian dài đằng đẵng những người dân nghèo vùng đất cát trắng này chịu cảnh đời sống sinh hoạt bị đảo lộn, lo ngại cát lở, không có nước ngọt để uống.
Tiến sĩ địa vật lý Nguyễn Thanh Giang từ Hà nội cho chúng tôi biết về việc khai thác cát titan và tác động của nó lên môi trường sống của người dân miền duyên hải Trung bộ Việt nam:
Chính vì việc khai thác dễ dàng như vậy nên nó dễ trở thành vô tổ chức, làm ảnh hưởng cảnh quan sinh thái, tổn hại các rừng cây chắn sóng, làm sụt mực nước ngầm, ô nhiễm trầm trọng cuộc sống của người dân địa phương.
- TS. Nguyễn Thanh Giang
“Sa khoáng titan là một loại khoáng sản có nhiều ở ven biển Việt nam, đặc biệt là phía Trung bộ và Nam Trung bộ. Thường thì nó gần như là lộ thiên, ai cũng có thể xúc đi mà bán. Chính vì việc khai thác dễ dàng như vậy nên nó dễ trở thành vô tổ chức, làm ảnh hưởng cảnh quan sinh thái, tổn hại các rừng cây chắn sóng, làm sụt mực nước ngầm, ô nhiễm trầm trọng cuộc sống của người dân địa phương.”
Việc làm tổn hại môi trường này đã xảy ra trên diện rộng tại tỉnh Quảng Trị. Và nay tiếp tục diễn ra trên đất Ninh Thuận. Một người dân ở Sơn Hải, nơi công ty Quang Thuận khai thác sa khoáng nói với chúng tôi:
“Nói chung là cái đất đó là cái đất tổ tiên ông bà. Người ta về khai thác quặng titan cũng mấy năm rồi. Hồi trước Tết bị đình chỉ, sau Tết thì làm lại. Cái nguồn nước ở đó bị ảnh hưởng, đó là nguồn nước để mình sinh hoạt mà, đâu có nước máy đâu. Họ khoan xuống đó mấy chục mét để lấy quặng titan, sau rồi cái lòng đất nó bị sụt dần dần, sau này dân lên đó cất nhà ở thì bị sụt làm sao! Rồi ảnh hưởng nguồn nước nữa. Nói chung là ảnh hưởng nhiều mặt lắm, rồi khi lọc quặng titan người ta có bỏ hóa chất gì đó vô nữa.”

Đừng bịt mắt dân

Trong các qui trình để cấp giấy phép thực hiện các dự án kinh tế xã hội tại Việt nam, cũng như nhiều quốc gia khác đều có qui định thực hiện đánh giá tác động mội trường của dự án, mà trong đó phần quan trọng là những tác động tiêu cực đến đời sống cư dân địa phương. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang thì việc đánh giá tác động môi trường này rất không được tuân thủ. Nhiều chuyên gia làm việc trong các lĩnh vực có liên quan đến môi trường tại Việt nam đều có cùng một nhật xét như vậy. Câu chuyện ở Ninh Thuận thì còn tệ hơn vì những người dân ở đây không được biết trước khi dự án bắt đầu triển khai. Người dân Sơn Hải mà chúng tôi tiếp xúc nói tiếp:
“Nói chung là không đâu. Họ làm là họ cứ làm chứ không có thông báo dân là khai thác cái gì. Nếu mà khai thác cái đó thì phải bắc nước máy cho dân nó dùng đúng không anh? Mà nói chung khi bắc nước máy người dân cũng không có chịu nữa tại vì nó ảnh hưởng cái lòng đất. Họ không nói họp dân họp gì cả, chỉ thấy công ty khai thác cát đen về rồi vô ký giấy tờ với xã.”
Một lý lẽ hay được giới chức cầm quyền đưa ra để biện minh cho các dự án làm tổn hại môi trường địa phương của họ là các dự án này đem đến lợi ích kinh tế xã hội cho địa phương. Hồi năm ngoái tại làng Trịnh Nguyễn, tỉnh Bắc Ninh, một dự án với danh nghĩa phúc lợi xã hội cao là nhà máy nước thải đã bị dân chúng phản đối dữ dội vì họ cho là nó làm ảnh hưởng đến đời sống của họ. Một viện dẫn khác cũng hay được các nhà kinh doanh lẫn cơ quan công quyền sử dụng là các dự án kinh tế tại địa phương tạo ra việc làm. Người dân làng Sơn hải nói với chúng tôi rằng chẳng có người dân địa phương nào được thuê mướn để làm công việc xúc cát cả mà chỉ có công nhân của công ty từ nơi khác đến.
Kỹ sư Phạm Phan Long, người hoạt động nhiều năm trong việc giải quyết các xung đột giữa các dự án kinh tế và cộng đồng dân cư tại California nói với chúng tôi rằng dự án cần giới thiệu từ rất sớm đến ngừoi dân, để họ góp ý vào đó, từ đó tránh những xung khắc giữa nhà kinh doanh với cộng đồng dân cư. Ông nói thêm rằng, trong một xã hội dân chủ và văn minh thì nên thuyết phục chứ không nên cưỡng ép.
Họ làm là họ cứ làm chứ không có thông báo dân là khai thác cái gì … Họ không nói họp dân họp gì cả, chỉ thấy công ty khai thác cát đen về rồi vô ký giấy tờ với xã.
- Người dân Sơn Hải
Những quyết định từ trên ban xuống không qua ý kiến của dân chúng vẫn còn mạnh nơi những người có quyền quyết định và tiền bạc tại Việt nam. Ngay trong cả giới có học thức. Một giáo viên giảng dạy về môi trường nói với chúng tôi:
“Đánh giá tác động môi trường thì có những điều thấy được nhưng có những điều người ta dự đoán trong tương lai. Thành ra về ý kiến của người dân thì người ta chỉ nhìn thấy cái trước mắt thôi. Người dân không có kinh nghiệm nên cũng không thấy được, nên ý kiến của người dân cũng chỉ dùng để tham khảo.”
Điều người giáo viên nói là đúng vì một nông dân ở Ninh Thuận hay Trịnh Nguyễn không thể hiểu hết được những tác động môi trường của nhà máy điện hạt nhân được dự tính xây dựng tại Ninh Thuận trong tương lai. Nhưng việc họ không có nước uống và không thể cất nhà thì chẳng lẽ lại là điều khó thấy ? Và sự hy sinh của họ không được đền bù bằng cái gì cả.
Trong ngôn ngữ tuyên truyền gần đây của đảng cộng sản Việt nam thường có câu: Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Ngay từ bước đầu tiên là Dân biết dường như cũng đã khó khăn rồi. Vậy cũng sẽ khó tránh khỏi những xung đột dẫn đến bạo lực sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM Vũ Phi Long: Công an đánh chết nghi can là giết người

Trong quá trình điều tra, điều tra viên hoặc cán bộ điều tra có hành vi trực tiếp xâm hại, gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng người khác thì sẽ bị xử tội giết người hoặc cố ý gây thương tích chứ không phải tội dùng nhục hình.
LTS: Theo dự kiến, ngày mai (3-4), TAND TP Tuy Hòa (Phú Yên) sẽ tuyên án vụ năm công an đánh chết nghi can. Dư luận cho rằng năm bị cáo công an này đánh chết người nhưng chỉ bị xử tội dùng nhục hình là không thỏa đáng. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, nhằm soi rọi thêm vụ án đang gây bức xúc dư luận này. 
Phóng viên: Thưa ông, có phải nếu bắt giữ người đúng quy định pháp luật thì hành vi đánh người đến chết sau đó sẽ bị khép vào tội dùng nhục hình; còn bắt giữ người không đúng quy định thì việc đánh người đến chết sẽ bị xử loại tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người?
+ Thẩm phán
+ Thẩm phán Vũ Phi Long (ảnh): Cả hai ý trên đều không chính xác. Việc dùng nhục hình khi bắt giữ người (bắt người dù đúng hay không đúng trình tự, thủ tục luật định) đều bị cấm.
Trong hoạt động điều tra, việc đánh người mà không có hành vi cố ý gây ra thương tích cho nghi can thì sẽ bị xử tội dùng nhục hình. Còn việc đánh người với hành vi cố ý sẽ bị xem xét xử lý về hành vi tương ứng, không phải tội dùng nhục hình nữa. Ví dụ như điều tra viên hoặc cán bộ điều tra trong quá trình điều tra có hành vi trực tiếp xâm hại, gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng người khác sẽ bị xử tội giết người hoặc cố ý gây thương tích chứ không phải tội dùng nhục hình.
Đánh chết người với lỗi cố ý gián tiếp là giết người
. Trường hợp nghi can bị bắt giữ không đúng quy định pháp luật (bị bắt vào ban đêm, không có lệnh bắt, chưa bị khởi tố, không phải trường hợp bị bắt theo lệnh truy nã hay phạm tội quả tang), sau đó bị đánh đến chết tại trụ sở công an thì người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu thế nào?
+ Trường hợp này đương nhiên sẽ bị xử lý hai trong ba tội: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích.
. Có thể viện dẫn vì phục vụ cho hoạt động điều tra nên nếu đánh chết người thì đó chỉ là xâm phạm các hoạt động tư pháp và bị xử lý về tội dùng nhục hình không?
+ Với tội dùng nhục hình, mục đích phải nhằm vào việc phục vụ cho hoạt động tư pháp. Ví dụ bịt miệng, nhốt vào phòng tối hoặc dùng khăn bịt miệng cho người đó sợ mà khai ra nhưng vì không may người bị nhốt không thở được rồi chết thì xem xét xử lý ở tội dùng nhục hình. Trong các loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp, hậu quả là vô ý.
+ Thẩm phán
Hiến pháp 2013 quy định: Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Trong ảnh: Người thân anh Ngô Thanh Kiều, người bị công an tỉnh Phú Yên đánh chết, tại phiên tòa xét xử năm công an tỉnh Phú Yên dùng nhục hình. Ảnh: TẤN LỘC
 
Nếu có hành vi như bóp cổ dẫn đến chết hoặc cầm cây, cầm dùi cui đập vào đầu dẫn đến chết người thì người có hành vi ấy phải bị xử về tội giết người (dù việc làm này với mục đích, động cơ là cho bị can khai ra, phục vụ việc điều tra, phá án nhanh chóng). Lỗi này luật gọi là lỗi cố ý gián tiếp (khoản 2 Điều 9 BLHS) - tức người thực hiện hành vi nhận thức được hậu quả có thể xảy ra tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Hành vi cố ý này không bị xử lý về mặt động cơ mà bị xử lý về hậu quả. Nói cách khác, hễ có chết người xảy ra thì người có hành vi phải bị xử về tội giết người, dù với động cơ, mục đích nào.
Quyền bất khả xâm phạm về tính mạng của công dân
. Thực tế có nhiều trường hợp bắt người trước, hợp thức hóa giấy tờ sau, thưa ông?
+ Việc hợp thức hóa việc bắt giữ bằng cách sửa tài liệu là vi phạm tố tụng không thể chấp nhận được. Việc hợp thức hóa về sau cũng không đảm bảo phản ánh đúng sự thật, đúng vấn đề, bởi khi ghi biên bản thì địa điểm và thời gian đã đổi khác.
. Có ý kiến cho rằng thấy nghi can có dấu hiệu phạm tội nên bắt, còn lệnh bắt chỉ là thủ tục, không quan trọng?
+ Không thể chấp nhận dùng lời khai của người khác để xem nghi can này đương nhiên là tội phạm được. Hoạt động điều tra chỉ được tính từ sau khi khởi tố. Khi chưa bị khởi tố thì nghi can nằm ngoài vòng tố tụng, phải được đảm bảo đầy đủ quyền của một con người tự do. Xin nhắc lại, không một công dân nào bị truy nã nếu họ không bị khởi tố về một tội nào đó. Có nghĩa là cơ quan tố tụng có thể tình nghi ai đó có hành vi vi phạm pháp luật chứ không có quyền quy kết họ đã phạm tội để rồi tùy tiện bắt bớ.
. Nếu có hai người khai rằng người nào đó có hành vi phạm pháp cùng với họ thì cơ quan tố tụng có thể bắt để điều tra?
+ Bắt người phải có căn cứ, phải được VKS phê chuẩn. Cho dù có 10 lời khai mà chưa khởi tố thì người bị khai ra cũng không thuộc diện điều tra.
 
Xử loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp là sai
Hành vi của năm bị cáo nguyên là công an không phạm tội dùng nhục hình mà có dấu hiệu của loại tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân (Chương XIII BLHS) và loại tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (Chương XII BLHS).
Cáo trạng nêu anh Ngô Thanh Kiều bị bắt lúc 3 giờ sáng. Đây là thời điểm ban đêm (theo quy định, ban đêm được tính từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau). Căn cứ khoản 3 Điều 80 BLTTHS, việc bắt người không được tiến hành vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã (quy định tại Điều 81 và 82 BLHS). Trong trường hợp bắt khẩn cấp thì phải có lệnh và lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.
Việc bắt anh Kiều là không có lệnh. Như vậy những người thực hiện việc bắt anh Kiều đã thực hiện hành vi bắt, giữ người trái pháp luật.

Theo Điều 131 BLTTHS (về hỏi cung bị can) thì điều tra viên hoặc kiểm sát viên bức cung hoặc dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 299 hoặc Điều 298 BLHS. Quy định này áp dụng cho những trường hợp đã có quyết định khởi tố bị can mà người tiến hành tố tụng đã có hành vi dùng nhục hình đối với bị can trong khi hỏi cung họ.

Vụ án này, anh Kiều chưa hề bị chế tài bởi một lệnh hay quyết định tố tụng nào. Việc bắt, giữ anh Kiều là hoàn toàn trái pháp luật và đã xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân. Hành vi này không phải là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp. Nói chính xác, hành vi bắt, giữ anh Kiều đã có dấu hiệu phạm tội bắt, giữ người trái pháp luật (Điều 123 BLHS).

Động cơ đánh anh Kiều cũng giống như động cơ của người tiến hành tố tụng khi thực hiện hành vi dùng nhục hình trong khi hỏi cung bị can. Nhưng khách thể bị xâm hại là tính mạng của con người chứ không phải khách thể bị xâm hại là hoạt động tư pháp, tức là các hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án. Vả lại anh Kiều không phải là bị can trong một vụ án.
72 vết thương trên thi thể anh Kiều cho thấy anh bị đánh rất dã man. Việc xác định tội danh phải căn cứ vào dấu vết, các thương tích bên ngoài cũng như bên trong cơ thể dẫn đến cái chết.
ThS-LS TRỊNH MINH TÂN, nguyên Trưởng phòng Kiểm sát xét xử án hình sự VKSND TP.HCM
TP.HCM từng xử vụ tương tự về tội giết người

. Ông đã từng xét xử trường hợp nào tương tự như vậy chưa?
+ Cách đây vài năm ở TP.HCM có vụ hai CSGT truy đuổi một nhóm đua xe trái phép nhưng khi bị thổi lại thì họ đã phản ứng, chống đối. CSGT đã dùng báng súng đánh vào đầu người vi phạm khiến người này chết vì chấn thương sọ não. Vụ này liên ngành tố tụng thống nhất khởi tố, truy tố và xét xử về tội giết người. Rõ ràng hành vi cầm một vật nguy hiểm đánh vào đầu người khác là xâm phạm đến tính mạng công dân, dù có nóng nảy cỡ nào cũng không thể biện bạch rằng đang thực thi công vụ.
Phương Loan
(Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét