Những chuyện khó tin trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam
Tôi có may mắn được tiếp xúc với nhiều tập san khoa học, bạn bè và đồng nghiệp trong nước từ Nam chí Bắc. Qua những tiếp xúc đó, tôi biết được vài chuyện (không dám nói tất cả) rất … khó tin. Khó tin nhưng hoàn toàn có thật. Những chuyện này ảnh hưởng đến cái mà tiếng Anh gọi là “credibility” (độ tin cậy) của khoa học nước nhà.Chuyện thứ hai là bán dữ liệu. Trong khoa học, dữ liệu có giá trị như vàng. Nói cho cùng tất cả nỗ lực từ thiết kế đến đo lường và chi tiêu tiền bạc cũng chỉ để thu thập dữ liệu. Khi nói “dữ liệu” tôi không chỉ nói đến số liệu, mà còn là hình ảnh và sinh phẩm, mẫu máu, mẫu DNA, v.v. liên quan đến công trình nghiên cứu. Vì lí do y đức, dữ liệu gốc phải được bảo mật rất kĩ, thường phải để trong tủ sắt và chỉ có người có trách nhiệm mới được tiếp cận. Nhưng dữ liệu có khi được chia sẻ giữa các nhà nghiên cứu khi có đề tài mới. Một nguồn dữ liệu tốt có thể khai thác vài chục năm là chuyện bình thường. Chính vì thế mà dữ liệu được xem là vàng. Ấy thế mà ở VN người ta không quí dữ liệu. Có nhiều người làm xong nghiên cứu, hỏi họ dữ liệu ở đâu, họ nói tỉnh queo rằng đã vứt bỏ rồi! Họ nói như là không có gì xảy ra. Nhưng vứt bỏ dữ liệu sau nghiên cứu có thể xem là “tội phạm”. Nhưng nghiêm trọng hơn có người còn bán dữ liệu cho người nước ngoài. Họ không thấy dữ liệu là quí hay không biết làm gì với dữ liệu, nên họ … bán (khi có nhu cầu và người mua). Việc bán dữ liệu như thế là vi phạm đạo đức khoa học một cách nghiêm trọng. Người mua cũng vi phạm y đức. Những công trình như thế không nên cho công bố trên các tập san khoa học.
Chuyện thứ ba là giả tạo dữ liệu. Đã lâu lắm rồi, khi tôi còn quan tâm đến vụ chất độc da cam (gọi tắt là AO – Agent Orange), có một số em sinh viên từng tham gia đoàn khảo sát về nhiễm AO ở miền Trung nói cho nghe những chuyện [mà lúc đó] tôi không tin. Các em đó nói rằng tham gia đoàn công tác khảo sát vui lắm, ban ngày chẳng tìm được ai là nạn nhân AO, nên chẳng thu thập được dữ liệu nào cả, thế là đêm về khách sạn các em phịa ra dữ liệu bằng cách điền vào bộ câu hỏi! Các em kể chuyện một cách vô tư và có phần vui vẻ, làm như là đắc thắng về sáng kiến của mình. Lúc đó tôi nghĩ họ chỉ nói cho vui, chứ không tin có chuyện động trời như thế, nhưng sau này thì có nhiều người xác định đó là điều có thể xảy ra. Sau này càng ngày càng hiểu, tôi biết trường hợp đó chỉ là một trong biết bao trường hợp giả tạo dữ liệu trong khoa học. Bởi vì các em biết mình đi làm với mục đích gì, và để làm vui lòng thầy cô hay cấp trên của thầy cô, các em có thể giả tạo dữ liệu sao cho khi phân tích thì kết quả sẽ rất “đẹp”, hiểu theo nghĩa đúng với ý định của thầy cô.
Chuyện thứ tư là những kết quả nghiên cứu “đẹp” một cách bất thường. Trong khoa học thực nghiệm, không bao giờ có những dữ liệu trơn tru hay đúng với giả thuyết của mình, và nếu có thì đó là điều đáng nghi ngờ. Do đó, bất cứ kết quả nào quá đẹp người ta đều nghi ngờ là “too good to be true”. Có lần ngồi nói chuyện với một đồng nghiệp Mĩ cũng quan tâm và có nghiên cứu về AO, anh ta nói (và tôi diễn giải nôm na): “Eh mày, tao rất ngạc nhiên là tất cả các báo cáo nghiên cứu của đồng nghiệp VN đều cho ra một kết quả nhất quán là AO có hại cho đủ thứ bệnh; tụi tao làm bao nhiêu năm nay và dùng máy Spect đo lường dioxin rất tinh vi, mà trầy trật, lúc phát hiện +ve, lúc phát hiện –ve, lúc chẳng có gì. Tao khâm phục tụi nó”. Tôi biết và hiểu hắn nói gì, thậm chí còn biết câu thứ hai hắn sắp thốt ra là gì! Tôi suy nghĩ vài giây rồi giải thích: Tao nghĩ chắc vì tụi nó nghiên cứu ở môi trường mà độ phơi nhiễm cao nên dễ phát hiện mối liên quan, còn mày là thằng đi rải độc chất, có phơi nhiễm gì đâu, nên tụi mày khó phát hiện là đúng rồi. Tay đồng nghiệp Mĩ nhìn tôi mỉm cười (như thầm nói gì đó) và nhún vai nói: có lí! Thật ra, tôi chưa chắc tin những gì tôi nói , nhưng vì danh dự VN nên phải giải thích cho vui. Nhưng khi hàng chục nghiên cứu cho ra một kết quả nhất quán thì điều đó có thể là sự thật, nhưng cũng có thể là sai sót gì đó trong phương pháp, hoặc giả tạo dữ liệu.
Chuyện thứ năm là vặn vẹo dữ liệu. Có những trường hợp vặn vẹo dữ liệu sau khi đã thu thập xong. Đó là trường hợp một anh bác sĩ sau khi đã thu thập xong dữ liệu, và tiến hành phân tích. Nhưng khổ thay, kết quả phân tích cho thấy không như người hướng dẫn nghĩ. (Dĩ nhiên, những gì người hướng dẫn nghĩ chưa chắc đã đúng). Thế là người hướng dẫn đề nghị anh bác sĩ “sửa vài con số” để sao cho kết quả giống như anh ta nghĩ trong đầu. Khi ra trình bày thì đồng nghiệp chỉ thấy ấn tượng với những bảng biểu, đồ thị hoành tráng, chứ đâu ai biết sự thật đằng sau. Anh bác sĩ này đáng quí ở chỗ là anh cảm thầy dằn dặt vì chuyện làm bậy, nên anh quyết định bỏ cuộc nghiên cứu. Anh ta trở nên chán chường và nghi ngờ tất cả những dữ liệu nghiên cứu của đồng nghiệp khác.
Chuyện thứ sáu là gây áp lực để đứng tên tác giả bài báo. Trong hoạt động khoa học, đứng tên tác giả bài báo là một trách nhiệm nghiêm chỉnh. Người đứng tên tác giả phải đáp ứng các tiêu chuẩn mà cộng đồng khoa học đã đồng ý và tuân theo. Nói ngắn gọn, người đứng tên tác giả bài báo phải là người có đóng góp tri thức và phương pháp trong công trình nghiên cứu, kể cả soạn bài báo. Bộ tiêu chuẩn tác giả ghi rõ nếu là giám đốc hay đứng đầu nhóm nghiên cứu, hay người có công xin tài trợ, mà không đáp ứng các tiêu chuẩn chính thì vẫn không có tư cách đứng tên tác giả bài báo khoa học. Thế nhưng ở VN làm sếp lại là tiêu chuẩn quan trọng để đứng tên tác giả, dù đương sự chẳng có đóng góp gì cho bài báo. Có người thậm chí còn không biết bài báo phản ảnh điều gì và công bố ở đâu. Có lần tôi tiếp nhận lí lịch khoa học của một vị có gần 80 bài báo khoa học, nhưng toàn là đứng tên trong danh sách tác giả như là “foot soldier” (lính đánh bộ), và tôi ngạc nhiên lắm. Nhưng sau này thì rõ ràng là tác giả chỉ là honorary author – tác giả danh dự (vì là giám đốc bệnh viện) chứ không có thực sự làm nghiên cứu. Nhiều nghiên cứu từ bệnh viện này cười nói ai mà không đề tên bác ấy vào danh sách tác giả thì lần sau đừng nghĩ đến chuyện thu thập dữ liệu từ bệnh viện do bác ấy làm giám đốc. Tuy nhiên, theo tôi biết đây là trường hợp thiểu số, vì nhiều giám đốc bệnh viện ở VN không quan tâm đến việc đứng tên tác giả bài báo.
Chuyện thứ bảy là gian dối trong cách đề tên tác giả. Một lần khác ở Chợ Rẫy, tôi nghe được một câu chuyện mà chẳng biết nói sao. Sau khi tôi nói xong bài nói chuyện, có vài câu hỏi cũng thú vị, rồi đến một anh đứng lên phát biểu chứ không hỏi. Anh nói rằng ở VN có những người cố tình gian trá về cách ghi tên tác giả trong hồ sơ xét phong chức danh GS/PGS. Bởi vì theo qui định, một bài báo có n tác giả thì số điểm được tính cho ứng viên là k/n điểm (trong đó k là điểm chung cho bài báo). Do đó, để nâng cao điểm cho mình, ứng viên chỉ cần ghi danh sách tác giả bài báo theo công thức “ứng viên và cộng sự” thì điểm sẽ là k/2 [4]. Tôi thật sự không biết nói gì sau khi anh ấy nói xong, vì nói gì thì cũng đụng chạm [có khi là] bạn bè. Thoạt đầu mới nghe qua, tôi thấy khó tin là vì chẳng lẽ hội đồng chức danh không xem xét bài báo gốc để biết bao nhiêu tác giả! Nhưng nhiều người cho biết mánh khoé đó có thật! Câu chuyện nói lên một sự gian dối quá thấp. Biết rằng gian dối là thấp, nhưng gian dối kiểu như thế trước một hội đồng gồm những người có học và còn qua được thì nó cũng nói lên khả năng của hội đồng.
Chuyện thứ tám là chủ nghĩa bình quân trong cách tính điểm bài báo. Thật ra, việc định lượng hay tính điểm bài báo khoa học đã là một việc rất khó làm và theo tôi biết không có đại học nào làm cả. Nhưng ở VN, các hội đồng chức danh GS/PGS bằng cách nào đó qui định rằng bài báo trên tập san A là 2 điểm, bài báo trên tập san B là 1 điểm, v.v. Nhưng điều còn lạ lùng hơn nữa là họ có qui định rằng bài báo công bố trên tập san nước ngoài có cùng điểm với tập san A ở trong nước! Chúng ta biết rằng đại đa số (có lẽ là 99.9%) các tập san khoa học trong nước không nằm trong danh mục ISI, và không có impact factor. Do đó, đánh đồng một bài báo trong nước với một công trình trên một tập san danh tiếng ở nước ngoài là điều cực kì vô lí. Ngay cả ở nước ngoài, hay cụ thể là ở Úc, không ai điên rồ đến nỗi đánh giá một bài báo trên tập san Medical Journal of Australia tương đương với một bài trên tờ The Lancet! Nhưng trong thực tế thì sự vô lí đó tồn tại qua nhiều năm và vẫn tồn tại: một bài báo trên tạp chí y học của Bộ có điểm y chang như một bài báo trên tập san New England Journal of Medicine!
Chuyện thứ chín là đạo văn. Hai năm trước, khi có dịp ghé thăm và giảng tại một trường y, một đồng nhiệp tặng tôi một số đặc biệt của tạp chí y học của trường. Số này công bố hoàn toàn bằng tiếng Anh, với gần 1000 trang. Nhìn bề ngoài rất “hoành tráng”. Trong lòng thì tôi thật sự mừng vì nghĩ rằng hoá ra có nơi đã ra tập san bằng tiếng Anh, và đó là một dấu hiệu tích cực. Nhưng đêm đó, về khách sạn, tôi đọc qua nhiều bài mình quan tâm, thì thấy có rất nhiều vấn đề về chất lượng. Tiếng Anh cũng còn rất …. Việt Nam, có quá nhiều sai sót. Trong những bài như thế, tôi đặc biệt đến một bài mà đoạn mở đầu (introduction) được viết với văn phong rất smooth (trôi chảy), có chất thơ và cái air báo chí, nhưng đến đoạn phương pháp và kết quả thì có nhiều sai sót về văn phạm, cách dùng từ, cách diễn tả, v.v. Chỉ cần một phút trên mạng, tôi thấy đoạn văn đó được trích từ một website về bệnh mà bài báo quan tâm. Website đó dành cho đại chúng, nên văn phong có cái air báo chí. Tôi có báo cho anh bạn biết, và đề nghị không làm lớn chuyện làm gì, chỉ cần báo cho anh ấy biết và khuyên không nên làm như thế nữa.
Một lần khác (năm ngoái) tôi gặp một trường hợp khá hi hữu. Số là một anh bác sĩ gửi tặng tôi luận án của anh ấy như là một lời cám ơn vì tôi có giúp anh chút việc trong khi học. Tôi đọc đến đoạn mô tả về một hormone (khoảng 1.5 trang) mà tôi thấy giọng văn rất … quen. Quen nhưng nghĩ hoài không ra đã thấy ở đâu. Ngày hôm sau tôi chợt nhớ đó là đoạn văn … của tôi! Đó là bài tôi viết cho báo Tuổi Trẻ. Vì viết cho Tuổi Trẻ nên tôi không dùng những thuật ngữ, và giọng văn có phần bình dân. Kiểm tra lại thì đúng là nguyên đoạn văn từ bài viết đó, và anh ấy đã sao chép nguyên văn. Lúc đó, tôi ở vị thế lúng túng, không biết làm gì cho hợp lí. Tôi chỉ viết email cám ơn anh ấy và có nói nhẹ rằng anh nên cố gắng dùng cách diễn giải của mình và nên viết văn cho khoa học hơn. Nhưng tôi nghĩ anh ấy không hiểu tôi nói gì.
Chuyện thứ mười là qui định lạ lùng về công bố nghiên cứu. Ai cũng biết rằng trước khi bảo vệ luận án, thí sinh thường phải công bố kết quả nghiên cứu. Ở vài nước, đặc biệt là Bắc Âu, luận án tiến sĩ trong thực tế là tập hợp những bài báo đã công bố cộng với hai chương dẫn nhập và bàn luận. Công bố kết quả nghiên cứu trước khi bảo vệ luận án là qui trình chuẩn. Ấy thế mà ở VN có đại học qui định rằng thí sinh không được công bố kết quả nghiên cứu trước khi bảo vệ luận án! Thoạt đầu nghe qua qui định này tôi không tin, vì nghĩ chắc là có hiểu lầm đâu đó, nhưng sau này có dịp tìm hiểu và đọc được email tôi mới biết là có qui định lạ lùng, nếu không muốn nói là “ngược đời” như thế. Thật không hiểu nổi tại sao ban giám hiệu lại để cho một qui định như thế hiện hữu trong đại học.
Những câu chuyện trên đây (dĩ nhiên là chưa đầy đủ) phản ảnh một “văn hoá khoa học” – nếu có thể dùng cụm từ đó – nhếch nhác. Thật ra, đứng trên quan điểm đạo đức khoa học, những câu chuyện trên đây cũng phản ảnh sự gian dối trong khoa học rất nghiêm trọng. Dĩ nhiên, những gian dối này không chỉ xảy ra ở VN, mà còn thỉnh thoảng xảy ra ở các nước tiên tiến. Không ai biết qui mô gian lận khoa học ở VN cỡ nào, nhưng những câu chuyện đạo văn đình đám trên báo cho người ta cảm giác vấn đề khá phổ biến. Một số đại học VN có tham vọng được đứng tên trong danh sách “Top 500” hay “Top 200”, hay muốn trở thành đại học đẳng cấp quốc tế. Thậm chí có một doanh nghiệp Nhà nước và một đại học còn kí kết hợp đồng để trường có giải Nobel trong tương lai! Nhưng với sự nhếch nhác như mô tả trên tôi nghĩ giấc mơ đẳng cấp quốc tế sẽ chỉ là giấc mơ dài.
Nguyễn Văn Tuấn
Theo FB Nguyễn Văn Tuấn
________________________
[1] Rất hiếm có tập san khoa học nào công bố nhiều bài của cùng một tác giả trong cùng một số. Ở nước ngoài, ít ai có thể công bố 5 bài mỗi năm, vì thời gian viết mỗi bài cũng vài tháng trời, rồi chờ bình duyệt và chỉnh sửa, làm thêm, nên rất khó công bố nhiều được.
[2] Ca này là một tai nạn xe hơi nặng mà không bị gãy xương nào cả, và tôi từng đề cập trước đây.
[3] Ngày xưa khi tạp chí TS đăng 2 bài của tôi trong cùng một số, họ phải đổi tên tôi thành một cái bút danh mà họ phịa ra!
[4] Thật ra, chuyện cho điểm đã là vô lí. Làm sao định lượng điểm cho một bài báo, dựa vào tiêu chí gì, ai đặt ra những tiêu chí đó, v.v. Hàng loạt câu hỏi không có câu trả lời. Việc chia điểm đều cho đồng tác giả càng vô lí, vì làm sao hội đồng biết được ai có công gì trong bài báo. Nói chung, qui trình cho điểm bài báo khoa học là hết sức phản khoa học.
Môn học để làm người sao lại bắt học thuộc, chấm điểm?
Học đạo đức kiểu... thuộc lòng
Trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, em Phạm Thái Tiểu Mi,
học sinh (HS) lớp 11, Trường THPT Bình Khánh, huyện Cần Giờ gây sửng
sốt khi chỉ ra thực trạng học đạo đức ở nhà trường hiện nay.
Tiểu Mi cho rằng việc truyền thụ các nội dung, kiến thức đến HS trong
môn Giáo dục công dân hiện vẫn rất khô cứng, nhiều nội dung không phù
hợp với lứa tuổi. Cách kiểm tra môn học này còn nặng, yêu cầu HS phải
học thuộc đạo làm người không chỉ làm HS ngán ngẩm mà dẫn đến nhiều hệ
lụy.
Tiểu Mi kể ra những câu chuyện mà em biết có nữ sinh lớp 10 bỏ học vì
mang thai, học trò đánh nhau, xúc phạm thầy cô… trong khi các bạn được
học đạo đức thì phải chăng cần xem lại hiệu quả của môn học này.
“Học để làm người, sao lại bắt học thuộc, sao lại chấm điểm? Việc dạy
học như vậy rồi đây thế hệ trẻ chúng ta sẽ như thế nào?”, cô học trò nêu
lên câu hỏi nhức nhối đồng thời cho rằng, không riêng gì với HS mà
chương trình học, các kiểm tra cũng đang đẩy giáo viên vào “guồng” có
sẵn không thay đổi được việc dạy theo mẫu, dạy để lấy điểm.
“Ngành giáo dục cần đưa môn Giáo dục công dân trở về đúng chức năng bản
chất của nó là giáo dục cho HS làm người, sống có đạo đức, biết cách cư
xử, yêu thương…”, Tiểu Mi kiến nghị.
Em Tiểu Mi, học sinh Trường THPT Bình Khánh, Cần Giờ, TP.HCM kiến nghị môn Giáo dục công dân phải được trả về đúng bản chất là giáo dục đạo làm người chứ không phải để học thuộc, để chấm điểm. Ảnh: Hoài Nam |
Học trò lo lắng về đạo đức thế hệ trẻ
Cùng với chia sẻ “nặng ký” của em Phạm Thái Tiểu Mi, nhiều HS không khỏi
lo lắng, có phần hoang mang trước ý thức, nhân cách, lối sống và lý
tưởng của thế hệ trẻ hiện nay.
Buồn lòng trước ý thức của nhiều HS, em Phương Linh, HS Trường THPT
Nguyễn Thị Minh Khai cho rằng những hành vi, ý thức không xả rác, chấp
hành luật an toàn giao thông phải được giáo dục, chỉ dẫn từ bậc mầm non
chứ không thể chờ lên phổng thông mới dạy. Hiện nay, các em suốt ngày
nghe ra rả những lời nhắc nhở thì theo cô học trò này“chỉ là chúng ta
đang nói để cho nhau nghe vậy thôi chứ không thay đổi được”.
Em Phụng Bội Bình, HS Trường THPT Trần Khai Nguyên nêu lên băn khoăn về
lý tưởng của thế hệ trẻ ngày nay với ví dụ, bạn trẻ nào nhận được giấy
báo nhập ngũ là hoảng, tìm cách trốn tránh trong khi đi nghĩa vụ là
nhiệm vụ rất cao cả, lý tưởng. Lẽ ra, khi cầm tờ giấy báo nhập ngũ các
bạn trẻ phải cảm nhận được sự khí thế, hạnh phúc.
Vấn đề em Bình đặt ra, ai cũng nói đại học không phải là con đường vào
đời duy nhất nhưng ngoài con đường đó thì HS thiếu môi trường, điều kiện
tiếp cận những con đường khác.
Là người cùng tổ chức, học theo dự án “Học Văn để sống” (học Văn được đi
thực tế để hoàn thành sản phẩm là bài viết, ảnh, xây dựng và triển khai
cách giải quyết thật trong cuộc sống), em Lục Phạm Quỳnh Nhi, Trường
THCS - THPT Đinh Thiện Lý cho rằng, thông qua những trải nghiệm, tiếp
xúc thật sự với những số phận, tình huống trong cuộc sống giúp học trò
biết cảm thông, yêu thương mọi người cũng như trang bị rất nhiều kỹ
năng.
Vậy nhưng, cách học theo dự án chỉ có thể thực hiện khi gỡ bỏ được phần
nào cách chấm điểm theo truyền thống. Thay vào đó là cách chấm điểm dựa
vào các tiêu chí như xã hội, kỹ năng, làm việc nhóm…
Quỳnh Nhi đề xuất, hãy đưa văn hóa Việt Nam vào chương trình học để qua
một món ăn, chén nước nắm, tà áo dài cũng giúp HS hiểu được những giá
trị dân tộc chứa đựng trong đó.
Các em HS, những người hưởng thụ kết quả của giáo dục đã bày tỏ lo ngại
chương trình học nặng nề, chưa thực tế, áp lực về điểm số đang tác động
không tốt đến thế hệ của mình. Đúng như lời một lãnh đạo ngành giáo dục
TPHCM chia sẻ với HS trong buổi đối thoại, nếu việc học thiếu đi mục
tiêu đúng đắn, nặng về điểm số, học chỉ để thi, học lệch thì sản phẩm
của giáo dục sẽ là những con người bị lệch kiến thức và tâm hồn què quặt
là điều khó tránh.
Hoài Nam
(Dân Trí)
Nguyên nhân của đất nước nghèo nàn
Thực ra, việc làm thất thoát lãng phí một cách cố tình, triền miên, không có hồi kết ở lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản (đầu tư công) cũng là một loại hình tham nhũng vì nó có sự câu kết, liên kết chặt chẽ với nhau nhằm đội giá vật liệu, trang thiết bị, nhân công, công tác thẩm định, rút ruột công trình, v.v.
Đảng đã biết hết việc này, nhưng vì Đảng đứng trên pháp luật và chỉ có người của Đảng trong các cơ quan liên quan đến đầu tư công, vì lợi ích nhóm nên các cơ quan của Đảng, các tổ chức Đảng cùng với các đảng viên có chức quyền trong guồng máy nhà nước đã cố tình né tránh không dám đưa sự cố tình gây thất thoát lãng phí, thổi giá vào phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng chống tham nhũng ngay từ khi soạn thảo cũng như lúc sửa đổi để mà có các biện pháp ngăn ngừa xử lý một cách hiệu quả theo luật định.
Việc đội giá cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực trong đầu tư xây dựng cơ bản nói chung và xây dựng đường sá nói riêng, nhất là đường cao tốc đã từng được nhiều người đặt vấn đề. Có nhà báo đã từng phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt về vấn đề này ngay sau khi đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài hoàn thành và đi vào sử dụng, nghĩa là việc đội giá trong xây dựng, đầu tư công đã được đề cập đến từ hơn 20 năm trước. Và nhà báo ấy đã nhận được một nụ cười ý nhị và một tiếng thở dài! Còn vấn đề nhà báo ấy đặt ra từ đó đến nay không biết có sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo hay không mà hơn hai mươi năm nay mới lại được đặt ra.
Nay không còn ai hỏi có hay không có chuyện đội giá. Đó là sự việc ai cũng biết xảy ra thường xuyên, như cơm bữa, hiển nhiên đến mức nó đã ăn sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Chuyện một đất nước còn rất nghèo như ở Việt Nam và sự làm giàu không phải bằng trí tuệ, chất xám của dân tộc, cũng như không phải làm giàu bằng cách nhà nước tự nguyện cho các chủ thể kinh tế được bình đẳng với nhau trong kinh doanh thì cơ chế ban phát xin cho từ những cán bộ có chức quyền là nguyên nhân chính của việc vì sao đường cao tốc quốc gia của một nước nghèo như ta lại đắt gấp ba bốn lần nước ngoài.
Cách gì để nhà nước lấy lại số tiền đã bị đội giá ở những công trình từ trước đến nay?
Chắc chắn vấn đề này sẽ không được bàn thảo thỏa đáng và cũng sẽ chẳng có cách gì để thu hồi số tiền đội giá này nếu như Đảng còn độc quyền lãnh đạo. Và như thế nhân dân và đất nước này sẽ còn phải làm trâu ngựa kéo cày để đóng góp sưu cao thuế nặng cho những ông trong “đội tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam” tha hồ mà vẽ duyệt, quyết toán những công trình có giá cao gấp ba bốn lần nhưng chất lượng lại kém cũng gấp chừng ấy lần so với nước khác.
Việc đầu tư công sẽ không chỉ bị đội giá lên gấp ba lần nước Mỹ như báo chí đã nêu mà sẽ còn bị đội giá nhiều hơn nữa nếu đem so sánh thu nhập, lương bổng của người lao động Việt Nam với thu nhập của người lao động Mỹ!
Làm sao để ngăn ngừa sự đội giá tại các công trình hiện tại và trong tương lai?
Để ngăn ngừa được sự đội giá này rất cần nhiều biện pháp và phải được sự vào cuộc của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt. Không phải “sự vào cuộc của toàn xã hội” dựa vào các đoàn thể do Đảng, nhà nước dựng ra, theo cách hiểu và giải thích của Đảng vì thực tế đó chỉ là những cánh tay nối dài của Đảng, do vậy sự giám sát đầu tư công từ trước đến nay chỉ là hình thức hời hợt và không lòe bịp được ai. Cần mạnh dạn giao cho các chủ thể kinh tế đủ mọi thành phần có kinh nghiệm tâm huyết, nhất là những chủ thể gắn liền và liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư đó, tiến hành thi công, giám sát.
Còn nhớ cách đây gần 10 năm chương trình người đương thời của nhà báo Tạ Bích Loan trên VTV3 đã đề cập đến một nông dân tên Tuấn ở Thái Nguyên đã đầu tư 34 triệu đồng để làm một con đường rộng 5,5m dài 3,5km trên đất đồi rừng có cả hệ thống cống rãnh thoát nước giúp cho kinh tế bản làng quê anh phát triển rõ rệt từ lợi ích của con đường này do anh đầu tư. Khi được hỏi động cơ nào đã thúc đẩy anh làm con đường đó anh đã trả lời do xuất phát từ sự ân hận của anh khi chứng kiến cảnh mẹ mình bị bệnh mà không được chạy chữa kịp thời vì không có đường sá giao thông thuận tiện. Chỉ với 34 triệu đồng và một người nông dân không có kiến thức chuyên ngành về xây dựng cầu đường nhưng với lòng quyết tâm của anh và được sự sẻ chia chung sức của bà con, những người có đất nơi con đường của anh đi qua đã tặng lại cho công trình mà không cần lấy một đồng tiền đền bù nào. Trng khi đó, tôi từng chứng kiến có những địa phương vùng sâu vùng xa trước đây được tổ chức NGO là “Quỹ Tầm nhìn thế giới” đến đặt vấn đề giúp đỡ xây dựng phòng học mẫu giáo cho những địa bàn bản làng xa xôi, thì cán bộ xã thẳng thắn nói rằng nếu cho phép xây lớp mầm non thì họ sẽ được bao nhiêu tiền đút túi?!
Sự câu kết chung hưởng những khoản đội giá từ các công trình đầu tư xây dựng cơ bản đã trở thành một sự câu kết chặt chẽ từ những người có quyền lực thì việc ngăn chặn việc đội giá công trình là rất khó. Nhưng không phải là khó tới mức mà việc đội giá không thể chấm dứt được vì chỉ cần thực hiện những đòi hỏi chính đáng của dân tộc về dân chủ pháp quyền một cách triệt để theo đúng mô hình các nhà nước phát triển đang thực hiện, thì tự nhiên Việt Nam chúng ta sẽ hết mọi chuyện phi lý như hiện nay không chỉ trong lĩnh vực đầu tư công mà còn nhiều lĩnh vực khác.
Chỉ có điều Đảng có dám làm không?!
Đức Thành
Theo Bauxite Việt Nam
Xây nhà văn hóa 20 m2 hết... 300 triệu đồng
Nhà văn hóa ở ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM chỉ khoảng 20m2 nhưng kinh phí xây dựng lên đến 300 triệu đồng.
Nhà văn hóa nói trên chỉ là căn phòng rộng 20 m2, tính luôn cả thềm
(diện tích do PV đo là 4 m chiều ngang và 5 m chiều dài) với kết cấu
tường gạch, mái tôn, nền gạch men. Trước đó, tại đây đã có một căn phòng
rộng 15 m2 là phòng phát thanh của ấp.
Khoảng giữa năm 2013, UBND xã Hiệp Phước được Sở Văn hóa - Thể thao - Du
lịch TP.HCM cấp kinh phí xây dựng thêm căn phòng trên và ghép lại thành
“Nhà văn hóa - thể thao ấp 3 xã Hiệp Phước”.
Trả lời Thanh Niên Mobile về kinh phí xây dựng và chi tiết các hạng mục
công trình, ông Huỳnh Quốc Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Hiệp Phước phụ
trách kinh tế, sáng 20.3, cho biết ông không nhớ chính xác tổng kinh phí
xây dựng là bao nhiêu, chỉ áng chừng 300 triệu đồng.
Theo ông Dũng, công trình này do Công ty dịch vụ công ích huyện Nhà Bè
thực hiện, gồm xây nhà văn hóa (tức căn phòng rộng 20 m2 như đề cập ở
trên) và san lấp mặt bằng. “Tiền san lấp mặt bằng mới nhiều chứ tiền xây
dựng chỉ khoảng 100 triệu đồng…?”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, chủ đất cũ (đã bị thu hồi) và đang ở Long An lại khẳng
định khu đất trên là đất gò, không phải đất trũng, phải san lấp nhiều
như ông Dũng nói.
(Thanh niên)
Venezuela trong ngõ cụt xã hội chủ nghĩa (1)
Biểu tình chống chính phủ tại Caracas, 19/03/2014. Dòng chữ trên biểu ngữ: “Khi Trung Quốc bước vào năm con ngựa, Venezuela ở vào kỷ nguyên con lừa. Hãy ra khỏi chủ nghĩa cộng sản Castro!” |
LND : Mới đây hôm 22/03/2014, hàng chục ngàn người Venezuela lại
xuống đường bất chấp đàn áp, đòi tự do dân chủ, phản đối cách cai trị «
độc tài theo kiểu Cuba ». Quốc gia Mỹ la tinh này tuy xa xôi nhưng lại
ít nhiều gần gũi với Việt Nam với khuynh hướng « xã hội chủ nghĩa »,
thường xuyên đả kích các « thế lực thù địch ».
Thụy My xin giới thiệu hai bài viết trên Le Monde ngày 12/03/2014 nói
về « chủ nghĩa xã hội kiểu Chavez » đã đẩy quốc gia có trữ lượng dầu
lửa hàng đầu thế giới đến tình cảnh phải phân phối theo chế độ tem
phiếu.
Về tiềm năng, Venezuela, đất nước sản xuất dầu lửa, là một nước giàu.
Nhưng mười lăm năm đi theo chủ nghĩa xã hội kiểu Chavez đã làm đo ván
quốc gia này cả về kinh tế lẫn xã hội. Từ đầu tháng Hai, người dân
Venezuela đã xuống đường hàng ngày để phản đối một chế độ đã làm nên ba
thành tựu : lãng phí do quản lý tồi tệ, tham nhũng và độc tài chính trị.
Chủ nghĩa xã hội theo kiểu Chavez – cố Tổng thống nắm quyền từ năm 1999
cho đến lúc qua đời vào năm 2013 là một thứ cốc-tai xã hội – độc lập dân
tộc theo mô hình Cuba, và phong trào đấu tranh chống đế quốc đã lỗi
thời của châu Mỹ la tinh.
Mười bốn năm ngự trị của Hugo Chavez đã giúp ích cho một bộ phận dân
chúng : những người nghèo nhất trong số 30 triệu dân Venezuela đã được
tái phân phối lợi tức từ dầu lửa. Còn lại, Chavez đã đưa quốc gia này
xuống đến đất đen : nền kinh tế ì ạch dưới ách của Nhà nước, các nhà đầu
tư trong và ngoài nước nản lòng ; kiểm soát từ giá cả, ngoại hối cho
đến ngoại thương…
Được bầu lên vào tháng 4/2013, người kế nhiệm ông Chavez là Nicolas
Maduro lại còn làm « tốt » hơn. Chỉ trong vòng một năm, ông ta đã làm
đóng băng hoạt động kinh tế của đất nước. Tuần này ông loan báo buộc
lòng phải thiết lập chế độ tem phiếu, theo cách Cuba đã làm cách đây nửa
thế kỷ…
Ngoài dầu lửa với trữ lượng lớn nhất thế giới, Venezuela sản xuất ngày
càng ít đi, và nhập khẩu hầu như tất cả mọi thứ. Trước đây là quốc gia
trồng trọt và chăn nuôi, ngày nay Venezuela phải đi mua hơn một phần ba
hàng tiêu dùng thông dụng.
Nhà nước hầu như không còn tiền mặt – thật không còn gì để bình luận đối
với một quốc gia xuất khẩu dầu lửa hàng đầu ! Các bệnh viện thiếu thốn
đủ thứ. Việc cúp điện ngày càng trở nên thường xuyên. Tỉ lệ lạm phát
hàng năm vượt mức 56%, khiến những người nghèo lại càng khốn khổ hơn.
Rừng người biểu tình chống chính phủ Maduro tại Caracas ngày 22/03/2014. |
Những người biểu tình đối đầu với các dân quân. Lực lượng trung thành
của chế độ lên án những ai xuống đường là « tư sản ». Họ đã lầm. Đằng
sau các sinh viên, lực lượng chủ công của phong trào phản kháng, là
chiếc bóng của toàn xã hội Venezuela biểu lộ nỗi lo lắng của họ cho
tương lai.
Với việc cá nhân hóa quyền lực tột độ của Chavez, quân đội không ngừng
tăng cường dấu ấn lên đời sống chính trị. « Mô hình Cuba » sản sinh tại
đây tất cả những hệ quả thiếu lành mạnh nhất. Một nền kinh tế không
chính thức ra đời, một thị trường chợ đen cả nội thương lẫn ngoại thương
trong đó những kẻ tai to mặt lớn ung dung hưởng lợi.
Bên cạnh sự sụp đổ của nền kinh tế, còn phải kể đến tình trạng mất an
ninh tăng vọt : 25.000 vụ giết người một năm, không kể đến các vụ trộm
cướp, tấn công, bắt cóc đủ loại. Caracas là thủ đô nguy hiểm nhất hành
tinh.
Cần phải huy động mọi sự thu hút của tính ngoại lai Mỹ la tinh mới có
thể khiến một số nhà trí thức Pháp tìm thấy vài điều thú vị nơi chủ
nghĩa xã hội kiểu Chavez. Dưới thời Maduro cũng như Chavez, tự do của
công chúng bị chế nhạo, một bộ phận báo chí bị bịt miệng và tất cả các
phe đối lập đều bị trấn áp. Trong thực tế, chủ nghĩa xã hội Venezuela đã
biến thành cơn ác mộng.
Thụy My
(Blog Thụy My)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét