Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Cấm bắt giam người khiếu kiện: Việt Nam học gì từ Trung Quốc?

Phạm Chí Dũng - Cấm bắt giam người khiếu kiện: Việt Nam học gì từ Trung Quốc?

Cấm bắt giam người khiếu kiện!

Dù bị một số giới quan sát phương Tây xem là chế độ còn “phát xít” hơn cả Việt Nam, ít nhất thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc vẫn biết và vẫn dám làm một ít đầu việc mà giới chính khách cao cấp ở Hà Nội chưa bao giờ dám quyết định.

Gần cuối tháng 3/2014, một văn kiện do Ban chấp hành trung ương Đảng và Hội đồng nhà nước Trung Quốc ban hành đã nhấn mạnh “Tuyệt đối cấm việc giam giữ trái phép người khiếu kiện”.

Theo nhận định của báo chí phương Tây, đây là một chủ trương khá mạnh dạn sau bốn tháng bãi bỏ hệ thống trại cải tạo lao động.

Trên lý thuyết, các công dân Trung Quốc có tranh chấp với chính quyền địa phương, nhất là trong các trường hợp cưỡng chế đất đai, bê bối vệ sinh môi trường hay lạm dụng quyền hành và bị ngược đãi, đều có thể kêu lên các cấp chính quyền cao hơn, hay thậm chí lên tận trung ương ở Bắc Kinh. Nhưng trong thực tế, đại đa số chính quyền địa phương vẫn làm ngơ trước các khiếu kiện của dân. Nhiều người dân đi khiếu kiện lên cấp trên bị chặn bắt giữa đường hay bị giam giữ trái phép trong các “nhà tù đen” trước khi được thả về địa phương.

Thực ra lệnh cấm đối xử thô bạo đối với người khiếu kiện đã được phát ra vào tháng 5/2013. Sau cuộc bùng nổ chống cưỡng chế tại làng Ô Khảm ở Quảng Đông vào cuối năm 2011, Bộ Tài nguyên Đất đai Trung Quốc đã phải ban hành một thông tư khẩn kêu gọi chấm dứt các vụ cưỡng chế tịch thu đất bất hợp pháp. Theo đó “Các hành động dùng vũ lực để tịch thu đất đai bất hợp pháp sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc”.

Trong những năm gần đây, các vụ cưỡng chế và tịch thu đất đã gây ra hàng chục ngàn vụ biểu tình và xung đột. Khoảng 90.000 vụ “sự cố tập thể” - mỹ từ được sử dụng để chỉ các vụ nổi dậy - được ghi nhận hàng năm tại Trung Quốc, trong đó có đến hai phần ba số vụ liên quan đến việc trưng thu đất - một tỷ lệ gần tương tự ở xã hội Việt Nam.

Cũng như Việt Nam, trong sâu thẳm và tận cùng, xã hội Trung Quốc luôn tiềm ẩn những nghịch lý kinh khủng.

Trong khi tổng khối lượng kinh tế của Trung Quốc nhìn lên chỉ xếp sau Mỹ, thì vẫn còn quá nhiều nông dân phải cắm mặt xuống đất.

Cánh cổng khép kín của quốc gia này đã khiến cho nhiều vụ việc trở nên câm lặng. Như một sự toa rập với định hướng chỉ đạo, một phần trong hệ thống truyền thông đại chúng vẫn ca ngợi sự thịnh vượng của đất nước, thay cho chuyện mổ xẻ cái nghịch lý “nước giàu dân nghèo”.

Dù vào tháng 11/2013, Bắc Kinh đã quyết định xoá bỏ hệ thống trại cải tạo lao động, nơi có thể giam giữ người không qua xét xử, nhưng chính quyền địa phương ở Trung Quốc vẫn bị tố cáo là đã sử dụng hệ thống trại cải tạo để trấn áp những tiếng nói đối kháng, tố giác tham nhũng và cả những người dân oan khiếu kiện. Cho đến nay, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền vẫn cảnh báo vẫn còn tồn tại hiện tượng bắt giữ vô cớ người khiếu kiện. Theo Amnesty International, ở Trung Quốc, nhiều trại lao cải vẫn tồn tại dưới dạng trại cai nghiện.

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “Bạo lực là thủ đoạn sau cùng của kẻ không có năng lực”. Tình trạng bắt giữ vô cớ người khiếu kiện cũng gián tiếp xác nhận thực tế cầm quyền gần như bất lực của chính quyền.

“Đánh thuế” người khiếu kiện

Không thu hoạch được gì từ tinh thần phẫn uất ghê gớm của làng Ô Khảm ở Trung Quốc và vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, vào tháng 5/2013 ông Huỳnh Phong Tranh - người đã tỏ ra mềm mỏng với thông điệp “Công tác thanh tra là bạn của dưới, tai mắt của trên” khi mới nhậm chức Tổng thanh tra chính phủ, còn phát đi một thông điệp khác với quan điểm “kiên định” khác thường: “Đối với các đoàn (khiếu kiện) đông người quá khích, đặc biệt là những đoàn mang màu sắc chính trị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Tổng thanh tra chính phủ yêu cầu phải tiến hành cưỡng chế”.

Cùng thời gian trên, một quan chức của Quốc hội Việt Nam là Phan Xuân Dũng, cũng là người đóng vai trò phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của cơ quan dân bầu này, đã tung ra một sáng kiến chưa thể có tiền lệ: “Cần có quy định bắt buộc người khiếu nại tố cáo ứng ra một khoản tiền đặt cọc. Thua thì coi như mất tiền đặt cọc, còn kiện đúng thì tiền cọc mới được nhà nước hoàn trả”.

Những đề xuất trên được nêu ra trong bối cảnh việc giải quyết khiếu tố đất đai đang hết sức nóng bỏng ở Việt Nam, với khoảng 80% đơn thư khiếu tố thuộc về lĩnh vực đất đai và hơn 70% trong số đơn thư đó nhằm tố cáo rất nhiều sai phạm của các chính quyền địa phương về công tác bồi thường, cưỡng chế giải tỏa, tái định cư…

Cơn sóng thủy triều khiếu kiện vẫn ầm ầm trên mọi nẻo đường đất nước. Không hẹn mà gặp, giữa người dân khiếu kiện từ các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Dương, TP. HCM… đã có một mối dây tương thích về chia sẻ cảnh ngộ và phương thức đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Với người dân khiếu kiện đất đai, giờ đây vấn đề không còn đơn thuần nằm trong những lá đơn khiếu nại gửi tới các cấp thẩm quyền. Thái độ quan liêu tắc trách và cả ý đồ không nhân nhượng của một số nhân vật đặc quyền đặc lợi trong hệ thống chính quyền càng khiến cho người dân thấm thía số phận của mình đã bị an bài như thế nào. Bởi thế trong não trạng của rất nhiều người dân, chỉ có sự đoàn kết, đồng lòng trong khiếu tố, khoa học và bài bản trong tổ chức biểu tình và phản kháng mới có thể làm cho chính quyền địa phương thừa nhận sai lầm và mang lại cho người dân bị giải tỏa một kết thúc có hậu hơn.

Còn với người dân bị mất đất và nhiều trường hợp bị cướp đất, không còn cách nào khác, họ phải liều lĩnh hành động để giành giật sự sinh tồn cuối cùng cho gia đình mình. Thái độ và bản lĩnh trong việc thách thức và sẵn sàng đối đầu, chống đối chính quyền cũng vì thế đang có chiều hướng bùng phát, một sự bùng phát mà đến một thời điểm nào đó, mọi cố gắng kềm chế từ phía chính quyền sẽ trở nên bất khả kháng.

Gần hai chục năm sau “cuộc cách mạng” Thái Bình, một lần nữa cơn bão khiếu tố đất đai của nông dân đang trở nên một phản ứng xã hội ngày càng ghê gớm và có thể đe dọa đến “sự tồn vong của chế độ” - như điều mà người phụ trách cao nhất của Đảng vẫn lo ngại.

Song nhiều giới chức chính quyền lại không hề động não đến một hệ lụy tất yếu của quy luật tâm lý xã hội: sự chèn ép và phủ chụp về não trạng điều hành độc đoán đối với những người dân oan đi khiếu kiện đã góp một phần không nhỏ làm cho mối quan hệ giữa người dân và chính quyền trở nên xung khắc và thậm chí còn mang sắc màu xung đột.

Một khi không thể nhận thức và cũng không chút cảm thông với “những cuộc tụ tập có màu sắc chính trị” của tầng lớp nông dân khiếu tố đất đai, nhà cầm quyền sẽ nhanh chóng rơi vào nguy cơ “không có năng lực” như hiện tình Trung Quốc, và chế độ cũng rất có thể bị đẩy vào tình trạng mất kiểm soát trong không khí đầy bạo lực.

Đổi màu không đổi máu

Như một hiệu ứng đồng pha, hàng chục năm qua đã đồng thời diễn ra một phong trào khiếu tố đất đai lan rộng với mức độ gay gắt bất thường ở cả Trung Quốc và Việt Nam.

Nhưng khác với Việt Nam, chính thể Trung Quốc còn có kế sách để ngăn chặn “nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ”.

Ít nhất, một quy định về cưỡng chế, thu hồi đất đai do Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc ban hành đã chính thức có hiệu lực từ ngày 10/4/2012. Theo đó, chính quyền không được tiến hành cưỡng chế nếu gặp phải một trong những tình huống như: thiếu căn cứ thực tế, thiếu căn cứ pháp luật, bồi thường không công bằng, không rõ ràng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của người bị cưỡng chế, không đảm bảo điều kiện sống cơ bản hoặc điều kiện kinh doanh sản xuất của người bị cưỡng chế.

Còn ở Việt Nam, vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể sau vụ Đoàn Văn Vươn, ngoài việc “rút kinh nghiệm” chỉ đổi màu không đổi máu. Nhiều vụ khiếu kiện đất đai đã bị quy chụp cho cái mũ “tụ tập mang màu sắc chính trị” và đã bị đàn áp nặng nề.

Bài học mà một số giới chức lãnh đạo ở Việt Nam tưởng chừng đã “tỉnh ngộ”, lại vẫn đang bị căn bệnh hoang tưởng quyền lực phong tỏa. Những gì mà giới chức chính quyền địa phương lẽ ra phải được giáo huấn một cách thật sự nghiêm khắc thì lại bị chính quyền trung ương phớt lờ. Ngược lại, có quá nhiều minh họa cho thấy giới chức địa phương và cả trung ương chỉ rắp tâm phục vụ yêu cầu của các nhóm lợi ích bất động sản.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng quá tồi tệ từ năm 2011 đến nay, các chủ đầu tư không thể tiêu thụ sản phẩm và do đó không thể thu hồi được vốn đầu tư và trả món nợ kếch xù cho ngân hàng nếu không nhanh chóng hoàn thiện công trình. Với những dự án còn dở dang trong công tác giải phóng mặt bằng, điều tiên quyết là phải giải tỏa dân chúng càng sớm càng tốt để có thể thu về “đất sạch”.

Riêng những chủ đầu tư máu lạnh phải hoàn thành bằng được bước đi đầu tiên và “sạch sẽ” nhất - ly khai với tầng lớp dân chúng nghèo khổ, để sau đó mới có thể tiếp cận được với một giai tầng dân chúng khác bớt nghèo khổ hơn nhiều.

Một số chủ đầu tư máu lạnh như thế đã đốt cháy giai đoạn bằng cách thúc ép và cả “vận động” chính quyền địa phương bằng một thứ “dịch vụ đặc biệt”, để chính quyền có động lực thi hành biện pháp cưỡng chế đối với những hộ dân thuộc loại “chây lì”. Cảnh sát và quân đội cũng được huy động vào các chiến dịch đẩy đuổi người dân ra khỏi chỗ chôn rau cắt rốn.

Trong bối cảnh thông tin một chiều về “diễn biến hòa bình”, các cơ quan của chính quyền địa phương, từ Ban dân vận, Ban tuyên giáo đến cơ quan giải quyết khiếu nại tố cáo, đặc biệt là cơ quan công an càng có lý do để gán ghép hành vi khiếu kiện và phản ứng đất đai của người dân bị giải tỏa thành “gây rối có tổ chức”. Cán bộ của những cơ quan này, trong khi không mấy quan tâm đến nguồn gốc đầy mất mát thương tâm của các vụ việc khiếu tố đất đai, lại luôn lên giọng về hình ảnh “các thế lực thù địch luôn tìm cách kích động, lôi kéo người dân đi khiếu kiện, tiến đến gây mất ổn định trật tự xã hội và an ninh chính trị”.

Nguy cơ xung đột đất đai và đối đầu giữa người dân với chính quyền cũng bởi thế càng trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết, trở thành tiền đề không tránh khỏi cho một cuộc khủng hoảng xã hội khó thoát khỏi cảnh đổ máu và hồi tố.
 Phạm Chí Dũng
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Nga sẽ chẳng bao giờ giống chúng ta

Procontra

Anne Applebaum
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Chúng ta mất 20 năm gắng biến Nga thành một nước phương Tây. Vô ích.
Từng có những giây phút mặn nồng: Bill Clinton và Boris Yeltsin ôm nhau thắm thiết; George W. Bush nhìn vào mắt Vladimir Putin và “hiểu được tâm hồn của ông”; Hillary Clinton nhấn “nút tái khởi động”.[i] Cũng từng có những lúc đắng cay. Thế nhưng ở phương Tây luôn có một luận thuyết phổ biến về Nga trong hơn hai mươi năm độc lập của đất nước này.
Dù công khai hay ngấm ngầm, từ năm 1991 giới lãnh đạo phương Tây hành xử với giả định rằng Nga là một nước phương Tây còn khiếm khuyết. Có lẽ trong thời Xô Viết, nước này đã trở nên khác hẳn, thậm chí bị biến dạng. Nhưng chẳng chóng thì chầy, đất nước của Tolstoy và Dostoevsky, quê hương của ba-lê cổ điển, sẽ trở về với cái mà Mikhail Gorbachev, lãnh tụ Liên Xô cuối cùng, đã gọi một cách cảm động là “ngôi nhà Châu Âu chung của chúng ta”.
Trong những năm 1990, nhiều người nghĩ rằng để Nga về với ngôi nhà đó chỉ cần có các chính sách mới: Với những cải cách kinh tế đúng đắn, chẳng chóng thì chầy Nga sẽ giống chúng ta. Có người lại nghĩ rằng nếu Nga tham gia Hội đồng Châu Âu, và nếu chúng ta biến G-7 thành G-8, chẳng chóng thì chầy Nga sẽ hấp thu các giá trị phương Tây. Các đặc quyền như vậy thậm chí chưa bao giờ được dành cho Trung Quốc, một cường quốc kinh tế và chính trị lớn hơn nhiều. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta chưa bao giờ tin rằng Trung Quốc sẽ là “phương Tây”. Nhưng trong thâm tâm chúng ta đã tin rằng một ngày nào đó nước Nga sẽ cùng hội cùng thuyền với chúng ta.
Lại cũng có người nghĩ rằng để nước Nga tiến lên cần có một kiểu ngôn ngữ phương Tây nhất định, một cuộc đối thoại tốt hơn. Khi mối quan hệ đó xấu đi, Tổng thống Bush trách Tổng thống Clinton. Tổng thống Obama trách Tổng thống Bush. Và tất cả chúng ta trách cứ lẫn nhau. Hồi năm 1999, Tạp chí New York Times đăng bài chính lên trang bìa với nhan đề “Ai đã đánh mất Nga?” (“Who Lost Russia?”) Được bàn luận nhiều lúc đó, bài báo này cho rằng chúng ta đã đánh mất Nga “vì chúng ta theo đuổi những nghị trình sai bét đối với nước Nga” và đã tư vấn kinh tế sai lầm. Tuần trước, Jack Matlock, cựu đại sứ Mỹ ở Nga, gợi nhớ lại ý của Putin và cho rằng Mỹ chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay vì đã “xem Nga là kẻ thua cuộc”.
Những lập luận này chỉ là suy bụng ta ra bụng người: Chính trị Nga chưa bao giờ “liên can đến chúng ta”. Thực tình mà nói chúng ta chẳng có ảnh hưởng gì đến chính trị nội bộ Nga kể từ năm 1991, ngay cả khi chúng ta hiểu họ. Những thay đổi quan trọng nhất – sự chuyển giao ồ ạt dầu và khí từ nhà nước sang giới chính trị quả đầu (oligarchs), sự trở lại nắm quyền của những người được KGB nhào nặn, sự loại bỏ tự do báo chí và đối lập chính trị – đã diễn ra bất chấp lời khuyên của chúng ta. Các quyết định quân sự quan trọng nhất – các cuộc xâm lược Chechnya và Georgia – đều bị chúng ta phản đối. Tuy nhiều người dường như nghĩ khác, mục đích chính của cuộc xâm lược Crimea cũng không phải là để khiêu khích phương Tây. Như một bình luận viên Nga sắc sảo đã nhận xét, những câu quan trọng nhất trong bài phát biểu sáp nhập [Crimea] của Putin trong tuần này nhìn chung không được chú ý đến: ông nhắc đến “lực lượng phá hoại ngầm” và “những kẻ phản bội” Nga được phương Tây tài trợ mà nay sẽ bị dập tắt. Putin xâm lược Crimea vì Putin cần một cuộc chiến. Trong thời buổi tăng trưởng chậm hơn, và với một tầng lớp trung lưu ngang ngạnh, có thể ông cần thêm vài cuộc chiến nữa. Lần này quả thực không phải liên can đến chúng ta.
Nhưng vì Crimea quá gần với Châu Âu, và vì ngôn ngữ sắc tộc-dân tộc chủ nghĩa mới của Putin gợi lại quá nhiều ký ức về quá khứ đẫm máu của Châu Âu, cuộc xâm lược Crimea có thể có một ảnh hưởng lớn hơn đối với phương Tây hơn cả ý đồ của ông. Tại thủ đô của nhiều nước Châu Âu, các sự kiện ở Crimea đã thật sự gây bàng hoàng. Lần đầu tiên, nhiều người bắt đầu nhận ra rằng luận thuyết này đã sai lầm: Nga không phải là một cường quốc phương Tây còn khiếm khuyết. Nga là một cường quốc chống phương Tây với một tầm nhìn khác, u ám hơn về chính trị toàn cầu. Các danh sách cấm vận công bố ở Châu Âu tuần này ngắn đến buồn cười, nhưng chính sự xuất hiện các danh sách này phản ánh cuộc bể dâu này. Hai mươi năm qua, chẳng ai nghĩ đến chuyện “chế ngự” Nga. Nay thì người ta sẽ nghĩ về chuyện đó.
Dù gì đi nữa, ngay cả danh sách cấm vận mới và dài hơn của Mỹ cũng chỉ là một tín hiệu. Hiện nay, những thay đổi quan trọng hơn nhiều là các thay đổi chiến lược sâu sắc hơn nên xuất phát từ những hiểu biết mới của chúng ta về Nga. Chúng ta cần suy nghĩ lại NATO, cần chuyển các lực lượng NATO từ Đức sang các biên giới phía đông của liên minh này. Chúng ta cần xem xét lại sự hiện diện của tiền Nga trong các thị trường tài chính quốc tế, do quá nhiều tiền “tư nhân” của Nga thực ra do nhà nước kiểm soát. Chúng ta cần xem lại các luật lệ của chúng ta về rửa tiền và các hình thức tránh thuế, do Nga dùng tham nhũng như một công cụ của chính sách đối ngoại. Trên hết thảy, chúng ta cần xem xét chiến lược năng lượng của phương Tây, do các tài sản dầu khí của Nga cũng được dùng để thao túng chính trị và giới chính khách Châu Âu, và tìm cách giảm sự phụ thuộc của chúng ta.
Tất cả những điều này sẽ mất thời gian, và đối với một số người, như vậy có thể đã quá trễ. Tuần trước ở Kiev, Ukraine, tôi gặp những thanh niên Ukraine nói với vẻ hào hứng đến đau lòng về triển vọng một ngày nào đó họ có thể sống trong một đất nước hoàn toàn khác. Tôi không nỡ lòng nói với họ là tôi không biết liệu họ có bao giờ được như vậy hay không.
Nguồn: Anne Applebaum, Russia Will Never Be Like UsSlate, 20/3/2014
__________
Anne Applebaum là nhà báo viết chuyên mục cho Washington Post và Slate. Bà tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Yale (Mỹ) và thạc sĩ quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London (Anh), thông thạo tiếng Anh, Pháp, Ba Lan và Nga. Bà chuyên về lịch sử chủ nghĩa cộng sản và việc phát triển xã hội dân sự ở Trung và Đông Âu, và đã viết nhiều sách về các chủ đề này, trong đó có “Gulag: A History” (Lịch sử nhà tù Gulag) giành được Giải Pulizer năm 2004. Chồng bà, Radosław Sikorski, là Ngoại trưởng Ba Lan.
Đọc thêm: “Đằng sau bức màn sắt“, bài giới thiệu tác phẩm Bức màn sắt: Cuộc thâu tóm Đông Âu (Iron Curtain: The Crushing of Eastern Europe, nhà xuất bản Doubleday) của Anne Applebaum
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra

[i] Nguyên văn: pressing the “reset button”. Chi tiết này nhắc tới chuyện năm 2009 ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tặng ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nút bấm tái khởi động, bày tỏ ý muốn của Mỹ muốn tái khởi động mối quan hệ Mỹ-Nga. (N.D.)

Ai viết hồi ký Con Rồng An Nam cho Cựu hoàng Bảo Đại?

Hồi ký Con Rồng An Nam (Le Dragon d’ Annam) của Cựu hoàng Bảo Đại do nhà xuất bản Plon của Pháp ấn hành năm 1980, đến nay (1999) đã gần 20 năm. Đây là một cuốn hồi ký chính trị, nhiều sự kiện nêu trong Con Rồng An Nam có quan hệ mật thiết với lịch sử Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XX. Nhưng tiếc thay cuốn hồi ký nầy có nhiều sai sót nên đã gây ra nhiều ngộ nhận đối với giới nghiên cứu, đặc biệt là giới nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài.
 
Bản thân người viết bài nầy lúc đầu cũng có sử dụng một số thông tin trong Con Rồng An Nam nhưng sau thấy những thông tin đó không chính xác cũng đâm nghi ngờ. Một người thông minh, có ăn học như ông Bảo Đại tại sao có thể để lọt những sai sót như thế? Hay là ông ở bên Pháp thiếu tài liệu tham khảo, hay có ai đó đã viết hộ cho ông mà ông không để ý đọc lại và “gây ra hậu quả nghiêm trọng”? Để trả lời những câu hỏi nầy tôi đã thực hiện một cuộc điều tra nhỏ qua các nhân chứng mà tôi có thể gặp hay có thể đọc trong thời gian tôi đi nghiên cứu ở Pháp đầu năm 1999 vừa qua.
 
S.M. Bao Dai, LE DRAGON D’ANNAM ( Con Rồng An Nam) hồi ký,
Nxb Plon Paris 1982. 
Sách do Nguyễn Đắc Xuân sưu tập.


1. Những nghi vấn của các nhân chứng và giới nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài:

Ông Trần Văn Đôn - Trung tướng Quân đội của chế độ Sài Gòn cũ từng là sĩ quan dưới thời Bảo Đại làm Quốc trưởng bù nhìn, trong thời gian lưu vong ở nước ngoài đã gặp lại Bảo Đại nhiều lần. Có một lần gặp Bảo Đại tại Pháp, ông Đôn có trao đổi với Bảo Đại về chuyện viết hồi ký sau đây:

“Mỗi lần từ Mỹ qua Pháp tôi thường mời Bảo Đại và Monica[1] đi ăn cơm. Năm 1979 lúc ăn cơm với Bảo Đại tại Ba-lê tôi hỏi ông sao không viết hồi ký.
Bảo Đại và Monica cho biết có một Tướng lãnh Pháp đã lấy tất cả những điểm quan trọng về cuộc đời Bảo Đại để viết sách.
Tôi nói:
- Ngàì viết đề tên Ngài, chứ Ngài kể cho người ta viết thành ra của người ta rồi.

Bảo Đại và Monica đều đồng ý"[2].

Trong những năm tám mươi, bọn Cần lao hoài Ngô ở nước ngoài kêu gào cho việc phục hồi uy tín chính trị cho Ngô Đình Diệm. Bọn nầy đã căn cứ vào Con Rồng An Nam để bảo rằng chính ông Bảo Đại đã từng tha thiết mời ông Diệm về chấp chánh, chứ không phải vì áp lực của ngoại trưởng Foster Dulles của Mỹ và sự vận động tích cực của Hồng Y Spellman buộc ông Bảo Đại phải trao quyền cho ông Diệm như dư luận xưa nay vẫn tưởng. Ông Cửu Long Lê Trọng Văn, từng là tay chân của gia đình họ Ngô biết rõ tội ác của gia đình nầy, biết rõ người Mỹ đã làm áp lực buộc ông Bảo Đại phải giao quyền cho Ngô Đình Diệm. Theo ông Văn, sự kiện quan trọng nầy không được ông Bảo Đại viết trong hồi ký, bởi vì:

“Cuốn Le Dragon d’Annam của Bảo Đại không do Bảo-Đại viết. Viết cuốn sách này do một ông tướng Pháp hồi hưu có quen biết với bà vợ cuả Bảo Đại là bà Monica. Bảo Đại đã đưa bản thảo cho một người khác, người này đã sửa chữa và đưa cho nhà xuất bản in và phát hành. Sau đó, ông tướng Pháp viết cuốn sách đó đã đưa Bảo Đại ra tòa vào năm 1981. Kết quả ra sao tôi không được rõ”[3]

Cùng một quan điểm với ông Văn, nhà nghiên cứu sử Vũ Ngự Chiêu ở Mỹ cũng khẳng định Con Rồng An Nam không do ông Bảo Đại viết: “Cuốn Le Dragon d’ Annam (Con Rồng An-Nam) của vua Bảo Đại do hai người Pháp viết, và cũng có vụ tranh tụng tác quyền, sách nầy nhiều chi tiết sai lầm”.[4]

2.  Gặp người trong cuộc

Vậy thực hư như thế nào? Tôi đã tìm gặp bà Bùi Mộng Điệp ở quận 12 Paris. Sau Hoàng hậu Nam Phương, bà Bùi Mộng Điệp là người tình được Bảo Đại sủng ái một thời và bà đã sống chung thủy với Bảo Đại cho đến ngày nay. Chung quanh cuốn Con Rồng An Nam, bà Mộng Điệp kể:

       - "Người xướng xuất ra chuyện viết hồi ký cho ông Bảo Đại là ông tướng Pháp Jean Julien Fonde. Ông Fonde vốn không quen với ông Bảo Đại. Ông có một người vợ lai Hà Nội. Bà ấy biết tôi là người Hà Nội nên thường gặp tôi. Qua tôi bà Fonde gặp ông Bảo Đại và quen với bà Monica (lúc còn là người giúp việc cho ông Bảo Đại). Hai bà đầm nầy gần nhau và thân nhau. Ông Fonde quen ông Bảo Đại qua bà vợ lai của ông. Ông Fonde vốn là một ông tướng hoạt động ở Việt Nam dưới quyền của ông Leclerc. Ông có điều kiện gặp gỡ các nhân vật Việt Nam từ hồi đầu chiến tranh Pháp Việt và ông cũng lưu giữ được nhiều tài liệu của phòng nhì Pháp. Với cái vốn hiểu biết đó, ông đề xuất viết hồi ký cho ông Bảo Đại. Ông Bảo Đại đã kể những điểm chính của cuộc đời ông cho ông Fonde nghe và thu vào băng casette. Công việc đang tiến hành thì có chuyện trục trặc. Lấy lý do bà Monica là vợ không chính thức của Bảo Đại, ông Fonde không đưa tên bà vào hồi ký của Bảo Đại. Điều đó làm cho bà Monica tức giận, bà không đồng ý để cho ông Fonde tiếp tục công việc nữa. Ông Bảo Đại không có tài liệu lịch sử để tham khảo nên phải dựa vào ông Fonde, nhưng ông Fonde lại không hiểu gì về triều Nguyễn, viết sai nhiều quá và có những câu những chữ sặc mùi thực dân. Vì những lý do đó, ông Bảo Đại đồng ý với bà Monica không để cho ông Fonde hoàn thành cuốn hồi ký mà giao cho bà Monica toàn quyền nhờ một người khác viết tiếp. Người đó là ông Đại úy Guignac. Nhưng ông quan ba nầy không biết gì về văn minh văn hoá triều Nguyễn. Do đó bà Monica phải nhờ ông giáo Bùi Thế Phúc[5] đang dạy học bên Tây viết các phần văn hoá xã hội của cuốn sách. Sau đó ông Hoàng thân Bửu Lộc và ông Nguyễn Đệ cũng giúp một số ý kiến nhỏ nữa. Không được viết hồi ký cho ông Bảo Đại, ông Fonde đem tất cả những tài liệu mình có được và nghe được của ông Bảo Đại cộng tác với ông Jacque Massu viết cuốn L’ aventrure viet-minh và nhà xuất bản Plon cho ra đời vào năm 1980, khổ lớn dày 380 trang.

Sách L’Aventure viet-minh (Biến cố Việt minh)
của hai ông tướng Pháp Jacques Massu và Jean Julien Fonde, Nxb Plon 1980.

Tài liệu của Nguyễn Đắc Xuân
 
Cũng trong thời gian ấy Le Dragon d’Annam của ông Bảo Đại cũng do Plon xuất bản với khuôn khổ, bề dày gần giống với cuốn sách của ông Fonde. Trong cuốn Le Dragon d’ Annam (Con Rồng An Nam) của Bảo Đại không hề có tên ông Fonde. Thế là ông Fonde đưa ông Bảo Đại ra toà. Vụ kiện rất lớn, một ông tướng Pháp kiện một ông Cựu hoàng đế Việt Nam làm ầm cả giới hiếu sự ở Paris một thời. Ông Fonde bảo ông Bảo Đại không có tài liệu, chỉ kể chuyện sơ sài mà thôi, phần lớn những thông tin trong sách đều do ông Fonde cung cấp. Ông Bảo Đại bảo:

- “Chuyện đời của tôi, tôi là chủ nhân của những thông tin ấy tại sao lại bảo tôi ăn cắp. Tôi ăn cắp của chính tôi sao?”.

Vụ kiện kéo dài mấy năm và cuối cùng toà án Pháp, thầy kiện người Pháp họ phải bênh vực cho ông Fonde người Pháp, ông Bảo Đại thua kiện. Không rõ ông Bảo Đại thu được bao nhiêu tiền nhuận bút của cuốn Le Dragon d’ Annam mà ông phải bồi thường cho ông Fonde đến một trăm ngàn quan Pháp. Báo chí Pháp có đăng vụ ông Bảo Đại thua kiện nầy. Ông Bảo Đại phải nhờ một người giúp bán cái appartement nhỏ ở vùng biển do ông đứng tên để bồi thường cho ông Fonde. Ông Bảo Đại sạch hết cả tiền bạc, nhiều lúc thiếu cả tiền ăn. Mất tiền, mất cả uy tín của mình và tai hại hơn nữa là có quá nhiều sai lạc về mình nằm ngay trong cuốn hồi ký tên mình. Bị lừa, ông Bảo Đại giận lắm, ông sinh bệnh, chữa mãi không khỏi.

Sau này gặp mấy ông Tây quen biết thuở trước, họ bảo tôi:

- “Ông Bảo Đại viết hồi ký gì mà chắp vá manh mún giống như cái áo của ông vua Charles Quint vậy?”.

Khổ thật. Họ có biết đâu hồi ký ghi tên Bảo Đại mà nào có phải của ông ấy đâu.

3.  Một việc hệ trọng bậc nhất mà viết sai

Trong phạm vi một bài viết ngắn tôi không thể điểm hết những sai lầm và thiếu sót của cuốn Con Rồng An Nam, chỉ xin trưng dẫn một sự kiện điển hình mà sách hồi ký của ông Bảo Đại viết không đúng.

Nhắc lại sự kiện Bảo Đại tiếp phái đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và lễ thoái vị tại cửa Ngọ Môn, Le Dragon d’ Annam viết:

“Au matin du 25 aout, deux émissaires se présentent au palais. Ce sont des représentants du "Vietnam Doc Lap Dong Minh” qui me sont dépéchés par Hanoi.

... Dans l’après-midi, devant quelques milliers de personnes rassemblées hativement, en costume de Cour, debout sur la terrasse précédant le Ngo-Mon, je donne lecture du dernier rescrit impérial daté le 25 aout 1945". (Le Dragon d’ Annam, Plon 1980, p.119-120)".

"Tạm dịch: Sáng ngày 25 tháng 8 có hai phái viên đến cung điện. Đó là những người đại diện cho "Việt Nam Độc Lập Đồng Minh", do Hà Nội cử vào...

Đến chiều, trước hàng nghìn người tụ hội một cách vội vàng trước cửa Ngọ Môn, tôi bận triều phục và đọc bản Chiếu thoái vị đề ngày 25 tháng 8 năm 1945".

Trong Chiếu thoái vị lịch sử ấy, Bảo Đại đã viết một câu hết sức ý nghĩa: ”Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Đây là ý tưởng độc đáo nhất của ông vua cuối cùng của triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam.

Kể lại một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa vào bậc nhất của cuộc đời chính trị của Bảo Đại, sách Le Dragon d’ Annam đã phạm phải những sai lầm sau:

a) Tư cách của đoàn đại biểu: Theo nhà thơ Cù Huy Cận “Đoàn đại biểu thay mặt cho Chính phủ lâm thời nước VNDCCH”[6] chứ không phải là đại diện cho Việt Nam Độc lập Đồng Minh (Việt Minh) như Le Dragon d’ Annam viết.

b) Ngày giờ Bảo Đại gặp phái đoàn và ngày giờ tổ chức lễ thoái vị: Theo nhà sử học Trần Huy Liệu-trưởng phái đoàn Đoàn đại biểu thay mặt cho Chính phủ lâm thời nước VNDCCH vào gặp Bảo Đại, cho biết ngày 25-8-1945 phái đoàn mới khởi hành tại Hà Nội, chiều 28-6 phái đoàn đến Huế, chiều 29-8-1945 phái đoàn vào điện Kiến Trung gặp Bảo Đại bàn việc thoái vị và đến chiều 30-8 lễ thoái vị mới được tổ chức tại cửa Ngọ Môn.[7] Ngày giờ ông Trần Huy Liệu viết khớp với ngày giờ của ông Phạm Khắc Hoè-nguyên Ngự tiền Văn phòng của Hoàng đế Bảo Đại, viết trong Hồi ký Từ Triều Đình Huế đến chiến khu Việt Bắc.[8] Le Dragon d’ Annam viết Bảo Đại gặp phái đoàn buổi sáng 25-8 và lễ thoái vị tổ chức vào ngay buổi chiều 25.8 là không đúng. Ngày 30.8.1945 là ngày chính thức tuyên bố chấm dứt thời đại quân chủ hàng ngàn năm ở nước ta, không thể viết một cách tùy tiện và sai lạc như thế. Cuốn hồi ký của Cựu hoàng Bảo Đại được bà vợ đầm nguyên là bồi phòng Monica của ông xem như một món hàng được giá. Bà đã cộng tác với mấy người sĩ quan và tướng lãnh Pháp khai thác để làm tiếp. Nhưng vì bà không có trình độ, không có kinh nghiệm nên Monica đã bị tên tướng già Fonde lừa đưa vào bẫy nên bà đã mất sạch. Về phía ông Bảo Đại, vì bản tính nhu nhược, ông đã thả tay để cho bà vợ trẻ tung hoành gây nên hậu quả vừa mất tiền vừa mất uy tín. Hồi ký Con Rồng An Nam tuy ký tên ông Bảo Đại mà thực chất không hoàn toàn của ông. Do đó khi muốn trích dẫn cần phải tham khảo với nhiều tài liệu khác mới có thể tin được.

Nguyễn Đắc Xuân

 

[1] Monica là tên thường gọi, tên chính thức của bà là Monique Baudot. Bà làm phép cưới với Bảo Đại vào đầu năm 1982. 
[2] Việt Nam Nhân Chứng,  tr.509
[3] Lột mặt nạ những con thò lò chính trị, Mẹ Việt Nam tại Mỹ, 1991, tr.179 
[4] Trích lại của Nguyễn Mạnh Quang, Việt Nam Đệ Nhất Cộng Hòa Toàn Thư,1954-1963; Tác giả tự xuất bản, Tacoma, WA 98407, năm 1998, tr. 172 
[5] Người trong gia đình cụ Phó bảng Bùi Kỷ và cụ Trần Trọng Kim. Chú thích của bà Bùi Mộng Điệp. 
[6] Huy Cận, Vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại, trích lại của sách Bình Trị Thiên Tháng Tám Bốn Lăm, Thuận Hoá 1985, tr.77
[7] Trần Huy Liệu, Phái đoàn vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại, t/s Nghiên cứu Lịch sử số 16 năm 1960, trích lại của sách Bình Trị Thiên Tháng Tám Bốn Lăm, Thuận Hoá 1985, tr.37-47 
[8] Phạm Khắc Hòe, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nxb Thuận Hóa 1985, tr.87
Bài đã đăng trên tạp chí Xưa và Nay  năm 1999
 NĐX gửi cho viet-studies ngày 24-3-14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét