Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Điều không thể lý giải về…Tư bản - Lan man những chuyện buồn!!!

Hiệu Minh - Điều không thể lý giải về…Tư bản

CNTB đang ôm vai CNXH và khóc. Ảnh: HM
Mấy hôm nay, truyền thông bình luận nhiều về 2 triệu người Crimea vui mừng trở về với nước Nga. 96% đồng ý là một tỷ lệ rất hiếm trong một cuộc trưng cầu dân ý.
Câu hỏi ở đây là, tại sao nhiều nước Đông Âu tìm cách hội nhập với Tây Âu, thì riêng Crimea lại quay về với nước Nga. Đó là câu hỏi mà thời gian tìm câu trả lời đôi khi mất hàng thế kỷ.

Nhớ cách mạng tháng 10 (1918), chủ nghĩa cộng sản đã lan truyền, kéo theo hơn một nửa nhân loại mơ ước về một trái đất không còn cảnh người bóc lột người, thế giới đại đồng. Nhưng từ giấc mơ của Marx và Lê Nin đến hiện thực, nhân loại cần 70 năm để chứng minh con đường đó là đúng hay sai.
Bàn chuyện đúng sai thật khó. Nó đúng khi người đi trên con đường đó được hưởng lợi, nó sai khi kẻ đồng hành chẳng được gì. Vì thế chuyện Crimea về với Nga, Tây Ukraine hướng EU, sẽ không có hồi kết.
CNTB thối tha nhưng hàng hóa thì không
Thời trẻ tôi được học trong trường, CNTB (Chủ nghĩa tư bản) bóc lột người, thối tha, đưa lợi nhuận lên hàng đầu, giữa họ không có tình người.
Từng ở XHCN Việt Nam từ lúc sinh ra, bên XHCN Ba Lan 7 năm, 3 năm cộng sản Bulgaria và 12 năm ở tư bản đế quốc cả Mỹ lẫn Anh, nhưng tôi không hiểu lắm về tư bản.
Du học Ba Lan những năm 1970-1977, đám sinh viên nghèo từ các nước XHCN như Nga, Tiệp, Cuba, CHDC Đức, Hungary, Việt Nam và Lào, nhìn sinh viên Arap, Palestine, Tây Đức, Pháp với những đồng đô la xanh, quần Levis, nước hoa Cologne, mà thèm thuồng.
Sau này khi hiểu chút về cuộc đời, tôi nhận ra, dù đến từ tư bản, những sinh viên này cũng nghèo, bởi cha mẹ hay chính phủ chỉ trợ cấp một phần học bổng, đủ cho họ ăn ở.
Chim mùa xuân. Ảnh: HM
Chim … xuân. Ảnh: HM
Do chênh lệch tỷ giá giữa đồng nội tệ zloty và đô la quá lớn, nên sinh viên tư bản sống một cuộc đời đế vương trong khu ký túc xá. Gái gẩm, rượu whisky, thuốc lá Marlboro, Pall Mall đỏ chói, quần áo mốt thời thượng. Sự phân biệt của CNXH tươi đẹp không có gì và CNTB thực dụng xa hoa có thể thấy ngay trong đám sinh viên.
Thời đó, giấc mơ của sinh viên Ba Lan là sang các nước tư bản để lao động phổ thông, kiếm tiền trong dịp 3 tháng hè. Sang Tây Đức hái táo, thu hoạch nho, đi London làm chạy bàn, đến Tây Ban Nha chẳng hiểu làm gì.
Sinh viên Việt đi lao động trong nhà máy, công xưởng, làm cỏ khoai tây, giúp nông dân Ba Lan. Nhưng sứ quán cũng cấm, chỉ cho vài tuần, vì bọn trẻ mải kiếm tiền quên học. Được vài nghìn zloty (khoảng vài trăm USD) trong kỳ hè đã là ghê lắm.
Tôi quen bạn Ba Lan sang Tây Đức, hỏi, sang đó làm nghề gì mà ra tiền, họ nháy mắt “bí mật quân sự”.
Sinh viên Ba Lan đồn thổi, sang London thu thập những đồng 10 zloty kim loại sẽ có lợi. Sau mới biết, đồng 10 zloty này có thể cho vào máy tự động mua vé tầu điện, đồ ăn, tương đương với 1 pound (bảng Anh). Một bảng Anh lúc đó ăn cỡ 20-25 zloty (tôi không nhớ lắm), một cách đổi tiền rất lời cho cánh du lịch kèm lao động ít tiền.
Mỗi lần đi lao động tư bản về lại giầu hơn, quần bò, máy cạo râu, bút parker, mua đồ cũ với giá vài đô, mang về Ba Lan cũng dùng được tốt chán, có khi bán lại giá gấp đôi gấp ba.
Nhìn cu cậu nào vừa đi lao động tư bản về là biết ngay. Đồng hồ Rolex, thắt lưng mạ vàng, từ cái mũ Coca Cola đến cái áo phông quảng cáo Marlboro. Sau này sang phương tây tôi mới biết, đôi khi rolex là đồ rởm, mấy cái áo, cái mũ có được là do hãng phát không ở một triển lãm nào đó.
Phim ảnh và văn hóa
Thời đó, chả hiểu sao Ba Lan cho phép chiếu phim tư bản thoải mái. Từ Romeo Juliet đến Spartacus, rồi Cao bồi tìm vàng,  Bố già Mafia, Động đất, rạp chật kín người, dù ít cảnh hở hang, nhưng xem thì hồi hộp từ đầu đến cuối.
Trong khi ấy phim Ba Lan ế ẩm dù phim nào cũng có vài pha trần truồng, làm tình trên màn ảnh rộng. Sứ quán cấm sinh viên đi xem phim tư bản, nhưng không cấm xem phim Ba Lan.
Bọn sinh viên thì thầm, cũng cảnh làm tình, nhưng bên phim tư bản có nội dung đưa đến việc trên giường, trong khi phim Ba Lan thì sống sượng, vừa đi làm về là nhảy vào quấn lấy nhau, trườn như lươn trên sofa, cả trong thang máy.
Mỗi lần lên sứ quán họp, phổ biến chính sách, các em phải nhớ trung thành với CNXH, vì tư bản bóc lột người, thực dụng, toàn đi xâm lược các nước, mang của cải về nên mới giầu có như thế.
Có lần mấy thằng rủ nhau đi xem trộm phim Mỹ. Chọn một rạp cách xa trung tâm Warsaw tới 30 km, tin rằng khó có người Việt nào tới đây. Chỉ là phim “Samuraj và Cao bồi”, kể về cuộc phiêu lưu của anh hiệp sỹ Nhật samuraj đi khắp nước Mỹ, dùng kiếm đấu với cao bồi có súng lục. Có vài phút một cảnh diễn viên nữ cởi truồng bên suối là lãng mạn chút.
Mấy đứa chọn đèn trong rạp tắt mới vào để không ai nhìn thấy, phim gần hết thì ra trước, sẽ không gặp ai. Nhưng lần đó lại gặp mấy bác sứ quán cũng đi xem muộn và ra sớm. Cả hai cùng ngượng và cười trừ. Các bác còn nói, nghe nói tư bản bậy bạ, mà chẳng thấy bậy như phim Ba Lan.
Hàng hóa tư bản lấn át XHCN
Nhớ lần về phép (1973), đất nước còn chiến tranh, sinh viên về nước được đón như những người giầu có. Tôi mang về cái xe đạp Wilga (Ba Lan), cái đài National bán dẫn cũ của Nhật, một ít vải vóc của Ba Lan, sữa ong chúa mua bên Nga, vài củ sâm Trung Quốc. Thế mà cả huyện đã cho nhà tôi giầu nhất.
Đảo chim. Ảnh: HM
Đảo chim. Ảnh: HM
Cụ già thích nhất cái đài, tối nào cả xóm cũng tập trung nghe tin thời sự, ca nhạc, ngâm thơ. Đôi khi ông anh mang ra bụi tre, dò được cả đài BBC và VOA, mấy anh em trong xóm nghe trộm. Có lẽ tôi đã có lỗi tuyên truyền hàng tư bản về làng quê hồi đó.
Tốt nghiệp đại học (1977), chúng tôi về nước đúng vào thời kỳ sau 1975, hàng hóa khuân từ Ba Lan thành vô duyên. Xe máy Honda Nhật, tivi National, đầu Akai và loa thùng, quạt Nhật…tràn từ Nam ra Bắc. Xe máy con muỗi (Komar), Java phè phè của Tiệp, ngay cả Simpson Đức cũng thể địch nổi. Đoàn xe lửa chở sinh viên từ nước ngoài về không được đón long trọng như đoàn cán bộ miền Nam ra.
Sau vài năm, quan hệ Việt Nam dễ dàng hơn với Pháp, các đoàn công tác đi Tây Âu bắt đầu lục tục.
Chuyện đi tư bản hay XHCN là câu chuyện nhà lầu xe hơi hay đi xe đạp và nhà cấp 4. Đi tư bản ba tháng bằng đi Liên Xô hay các nước XHCN ba năm. Chỉ cần một con xe DD (xe máy Nhật) đời mới có thể mua được một căn hộ Thành Công, hơn đứt một container bàn là, xe cuốc và vải vóc nhập từ Liên Xô.
Giáo dục cũng không miễn dịch
Thời tôi du học phải xét lý lịch ba đời, có cống hiến cho cách mạng, có anh em tham gia chiến trường. Tất nhiên phải học rất giỏi. Nhưng khó mà nghĩ đến chuyện đi tư bản.
Capitalism vs Socialism. Ảnh: internet
Thời toàn cầu hóa. có thể gặp sinh viên Việt Nam ở London, Paris, Rome, Tokyo. Họ du học khắp thế giới mà không bị trở ngại gì.

Khi Việt Nam bình thường hóa với Mỹ thì việc lựa chọn giữa Mỹ và Pháp lại được đặt ra. Tiếng Anh thay dần tiếng Pháp. Khoa Nga chẳng còn ai muốn xin vào học. Khoa Pháp cũng ít dần đi.
Sau 20 năm quan hệ Mỹ Việt bình thường, hiện đã có 16 ngàn sinh viên vào Mỹ du học, so với 7-8 ngàn sinh viên thời cao điểm nhất trong những năm 1970-1980 tại Liên Xô và các nước Đông Âu. Chưa tính hàng chục ngàn các em đi Anh, Pháp, Đức, Úc và nhiều nước khác.
Con số đó nói lên, giáo dục tư bản cũng hấp dẫn không kém mấy món hàng xa xỉ.
Vĩ thanh
Hôm nay đi trên đường Hà Nội, Sài Gòn hay bất kỳ thành phố nào ở Việt Nam, thử tìm ra một chiếc xe hơi nào do XHCN sản xuất. Hàng rẻ tiền do Trung Quốc nhái của phương Tây. Cửa hàng sang trọng tràn ngập đồ tư bản. Có những cái túi giá mấy chục ngàn đô la nhưng không phải xuất xứ từ Nga hay Trung Quốc.
Nhân vụ Ukraine, thấy trên mạng nhiều bạn lên án chủ nghĩa tư bản, xâm lược, bóc lột, xấu xa. Chẳng hiểu sao dân vẫn tranh nhau đi tư bản, mua hàng tư bản, gửi con học tư bản.
Hồi công tác ở HN (1978), tôi quen một cô bé có bố là đại tá. Tới nhà chơi, bà mẹ đuổi khéo “Nhà này con gái lấy chồng phải duyệt lý lịch thông gia”.
Ngày nay, con cái các vị lãnh đạo cao cấp cưới tây là chuyện thường, không ai tìm nguồn gốc. Con gái một vị rất cao còn lấy người Mỹ hẳn hoi, và anh còn giúp đưa McDonald vào xứ Việt.
Sau gần 40 năm kể từ hồi du học, tôi vẫn không thể lý giải nổi sự lạ lùng của Tư bản. Dẫu vậy, nước ta có một phần nhỏ có thể thay đổi được. Theo CNXH thì cứ theo thôi, nhưng hàng hóa sản xuất thì phải có qui trình và chất lượng tư bản mới mong tồn tại trong thế giới phẳng.
  Hiệu Minh
22-03-2014
  (Blog Hiệu Minh ) 

Ngư dân liên tục bị cướp phá

Thứ Bảy, 22/03/2014 23:24

Từ đầu năm 2014 đến nay, gần 10 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đã bị phía Trung Quốc đập phá tài sản, ngăn cản khi đang đánh bắt bình thường tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam

Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nước ta vừa gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc (TQ) tại Hà Nội để trao công hàm phản đối phía TQ đã có hành động ngăn chặn, truy đuổi, gây thiệt hại tài sản đối với một số tàu cá Quảng Ngãi đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đại diện của Việt Nam yêu cầu TQ nghiêm túc điều tra vụ việc, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân và không để tái diễn các vụ việc cướp phá tương tự…
Thiệt hại nặng nề
Ngày 22-3, tiếp xúc với phóng viên Báo Người Lao Động tại cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi), ông Võ Văn Tư, thuyền trưởng tàu QNg 90055 TS, cho biết kể từ chuyến biển bị phía TQ đập phá tài sản đến nay, tàu của ông vẫn chưa thể ra khơi trở lại vì không có vốn sửa tàu, mua ngư lưới cụ.
Anh Nguyễn Đông, thuyền viên tàu QNg 90055 TS, kể lại việc bị phía Trung Quốc cướp phá tài sản
Anh Nguyễn Đông, thuyền viên tàu QNg 90055 TS, kể lại việc bị phía Trung Quốc cướp phá tài sản
“Ngày 7-1, khi tàu của tôi cùng 7 anh em đang thả lưới tại đảo Xà Cừ (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), bất ngờ xuất hiện tàu TQ mang số hiệu 1239. Sau khi áp sát tàu của chúng tôi, những người trên tàu TQ nhảy sang dùng dùi cui điện trấn áp anh em. Một số người TQ xuống hầm cá, lùng sục trong cabin… Sau đó, họ chặt dây neo, phá ngư cụ rồi cướp đi 306 tấm lưới, 1 tấn cá chuồn, 1 thúng nhựa, máy Icom định vị… cùng nhiều vật dụng khác trên tàu rồi mới thả chúng tôi. Tổng thiệt hại của tàu chúng tôi là trên 300 triệu đồng” – ông Tư uất ức.
Trở về sau chuyến biển bị tàu TQ cướp phá tài sản, ông Tư cùng nhiều ngư dân phải đi làm chung với tàu bạn vì không có tiền sửa chữa tàu, mua ngư lưới cụ ra khơi.
Gần đây nhất là vụ việc xảy ra ngày 1-3, khi tàu QNg 96074 TS của thuyền trưởng Phùng Trung Thành (xã An Hải, huyện Lý Sơn) cùng 12 ngư dân đang đánh bắt bình thường tại đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì bị tàu Ngư Chính 02 của TQ khống chế, cướp đi rất nhiều tài sản, tổng thiệt hại hơn 150 triệu đồng.
“Không những lấy đi nhiều ngư cụ, tài sản, hải sản đánh bắt được trên tàu, họ còn đánh đập anh em chúng tôi. Đến nay, nhờ sự giúp đỡ của Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (huyện Lý Sơn) và Quỹ Hỗ trợ ngư dân, chúng tôi đang sửa chữa những hư hại do bị tàu TQ phá, chuẩn bị ra khơi bám biển” – ông Thành cho biết.
Vào cứu nạn cũng gặp nạn
Không những bị ngăn cản, bắt bớ, cướp phá tài sản vô cớ khi đang đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa, một số ngư dân Quảng Ngãi còn cho biết nếu có thuyền viên gặp nạn, họ vào đảo để nhờ cứu chữa cũng bị phía TQ hành hạ.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, chủ tàu QNg 92046 TS (xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa), vào ngày 1-12-2013, khi tàu của ông đang đánh bắt cách đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 109 hải lý thì bị vướng lưới. Để tháo lưới vướng, ngư dân Nguyễn Văn Xiện (35 tuổi) lặn xuống biển và chẳng may bị cánh quạt chém trúng, gây vết thương hở dài từ cổ xuống ngực. Vì vết thương của anh Xiện nặng, tàu nằm cách xa đất liền, thời tiết lại xấu nên không thể quay về. Sau đó, tàu QNg 92046 TS quyết định vào đảo Phú Lâm nhờ cấp cứu cho anh Xiện.
“Biết thế nào khi vào đảo Phú Lâm cũng sẽ bị phía TQ phá máy móc, ngư cụ nhưng vì cứu người là trên hết nên chúng tôi cũng phải vào. Đến 6 giờ ngày 2-12-2013, khi chúng tôi đến đảo Phú Lâm, phía TQ yêu cầu toàn bộ ngư dân đứng về một phía, sau đó cho người sang lục soát mọi ngóc ngách trên tàu. Họ phá hỏng máy nhắn tin, máy định vị, bộ đàm, máy dò, radio, dụng cụ đánh bắt…” – ông Lâm bức xúc.
Theo ông Lâm, sau khi đưa ít thuốc cầm máu, sơ cứu cho anh Xiện, phía TQ thả tàu Quảng Ngãi. Vì lúc này không còn thiết bị định vị hay bộ đàm nên các ngư dân phải lênh đênh trên biển, hơn 3 ngày sau mới gặp được một tàu cá khác của Việt Nam và nhờ họ bấm định vị, xem tọa độ… Sau đó, dựa vào chiếc la bàn còn sót lại, tàu của ông Lâm mới chạy về được đất liền.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, cho biết liên tục từ cuối năm 2013 đến nay, phía  TQ đã rất nhiều lần cản trở, phá tài sản, cướp ngư cụ của ngư dân đang đánh bắt bình thường tại Hoàng Sa. Nhiều hành động của họ hết sức ngang ngược, vô nhân đạo. “Nhiều tàu cá của bà con nghiệp đoàn trở về bị thiệt hại nặng nề vì bị cướp phá. Bà con rất mong các cấp xem xét, có biện pháp can thiệp mạnh mẽ với phía TQ, hỗ trợ ngư dân để họ tiếp tục bám biển. Hoàng Sa là của Việt Nam, không thể để phía TQ cản trở ngư dân vô cớ như thế” – ông Chinh khẳng định.
Sẽ sớm ra khơi
Ông Lê Minh Huấn, Chánh Văn phòng – người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trước những vụ việc phía TQ liên tục đập phá tài sản của tàu ngư dân Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã thường xuyên báo cáo vụ việc với trung ương, đồng thời kiến nghị Bộ Ngoại giao có biện pháp can thiệp mạnh mẽ để bảo vệ ngư dân…
“Về phía UBND tỉnh Quảng Ngãi, thông qua Quỹ Hỗ trợ ngư dân, chúng tôi sẽ hỗ trợ ngư dân có tàu thuyền, ngư cụ bị phía Trung Quốc đập phá tài sản để bà con sớm vươn khơi” – ông Huấn nói.
Bài và ảnh: TỬ TRỰC

Nguyễn Minh Đào - Lan man những chuyện buồn!!!

Tháng trước, tôi cùng một số bạn bè về đồi Ô Tà Sóc, núi Dài – một địa danh lịch sử trong vùng căn cứ kháng chiến Bảy Núi năm xưa, dự lể giổ lần thứ 43 người đồng đội chúng tôi là anh Trần Nhất Quyết, đại đội trưởng Đại đội trợ chiến 385 thuộc Tỉnh đội An Giang, anh trúng đạn hy sinh cách tôi vài bước khi di chuyển dưới tầm hỏa lực quân Sài Gòn. Sự hy sinh của anh, cùng sự hy sinh những đồng chí, đồng bào tôi chứng kiến trong các cuộc chiến đã qua, để lại ký ức đau buồn trong tôi khó phai!

Ngẫm chuyện xưa, tôi tự hỏi trong thế kỷ trước trên thế giới có nước nào như nước ta sao lắm kẻ thù, hết Tây đến Mỹ từ phương trời xa cũng tìm đến đánh gây đau thương, tang tóc cả hai miền đất nước, rồi người “đồng chí” láng giềng “vĩ đại” phương Bắc “như môi với răng” và người “đồng chí” bé tí ở phương Nam sát nách ta cũng kiếm chuyện đánh ta vỡ đầu sức trán, mà “chiến tranh đâu phải trò đùa” – lời một bài hát – người dân nước ta thích có chiến tranh?!

Sau các cuộc chiến thãm khốc, gần bốn mươi năm xây dựng, với thời gian nầy hoặc ngắn hơn, những nước và vùng lãnh thổ như Nhật, Hàn quốc, Đài Loan…từng đi qua chiến tranh như ta đã thành những “con rồng”, “con hổ” còn ta thì “hai bước tiến một bước lùi”, con đường đi lên công nghiệp hóa chông chênh, đất nước như con thuyền đi trong giông bão…!

Vụ khai trừ đảng ông Tống Văn Công, kết án tù Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào mới đây, cũng như những vụ trấn áp người bất đồng chính kiến tương tự khác, tôi nghĩ Đảng không cần nặng tay như vậy chỉ thêm thù bớt bạn, chuốc thêm oán hận trong lòng người, tích tụ thêm mâu thuẫn xã hội, làm suy giảm thêm uy tín Đảng và tiềm ẩn nguy cơ khó lường cho chế độ! Ngày xưa, Đảng tồn tại và trưởng thành trong lòng dân, ngày nay Đảng tiếp tục tồn tại và phát triển cũng chỉ trong lòng dân mà thôi…!

Chuyện ông Trần Văn Truyền và ông Ngô Văn Khánh – hai quan chức cấp cao cơ quan tổng Thanh tra Chánh phủ có tài sản lớn bị công luận phanh phui, nghi ngờ sự liêm khiết của hai ông không phải không có căn cứ, nhưng đâu phải chỉ hai ông? Còn những cán bộ, quan chức khác giàu có bất thường như hai ông hoặc hơn, đâu khó nhận ra đang sống nhan nhản khắp nơi thì sao…?

Báo Người cao tuổi số mới đây có bài và ảnh “Vườn phố thường vụ” ở thành phố Bến Tre, nêu đích danh một loạt quan chức cấp cao sở hữu những khu đất rộng mặt tiền xây biệt thự đồ sộ, trong đó có căn nhà nhiều tầng của ông Trần Công Ngữ, cựu phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre được hóa giá 180 triệu đồng, ông bán thu lợi 7 tỷ đồng, mà đâu chỉ có ông Ngữ ở Bến Tre… ? Với cơ chế, chánh sách “ưu đãi người có công” bất bình đẳng như thế, là mảnh đất tốt ươm mầm nẩy sinh tệ nạn đặc quyền, đặc lợi và tham nhũng, làm tha hóa đạo đức, lối sống không ít cán bộ, quan chức!

Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường việc phân hóa giàu nghèo trong xã hội không tránh khỏi, nhưng phân hóa đến mức “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” không thể chấp nhận. Nhìn hình ảnh những cụ già lưng còng chống gậy ăn xin, hay ngồi bán mớ rau tạp nhặt nhạnh đâu đó mõi mắt trông người đến mua, những em bé oằn lưng cổng gạch thuê; hay cảnh lật cầu treo chết người, những chiếc cầu hư mục, gập gềnh, cảnh cô giáo và học sinh “chui vào túi ny long” qua suối đến trường… tương phản với hình ảnh những kẻ giàu có, cuộc sống xa hoa, hợm hĩnh và cảnh “đô thị phồn hoa – ngựa xe như nước…”, người có chút lòng nhân không thể không đau buồn, tức giận!

Chúng ta nói nhiều về “xóa đói giảm nghèo”, thu hẹp “khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền”, thực hiện “công bằng xã hội”… Nhưng làm như “vá múc thêm”, không dành nguồn lực đầu tư thích ứng, có hiệu quả thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước hết lòng chăm lo người nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa trong khi đổ tiền của vô “thùng không đáy” vỗ béo những kẻ quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước bất tài, ăn hại và tạo cơ hội bọn tham nhũng đục khoét làm giàu! Tôi nghe người ta tự mãn khoe khoang “thành tích xóa đói giảm nghèo” ở nước ta, nhưng khi nhìn thấy tình cảnh khốn khổ của người dân khắp nơi và được biết tết Giáp Ngọ rồi cả nước có tới 11 tỉnh xin gạo Trung ương cứu đói cho dân, không biết phải nói sao đây?

Mấy ngày nay, báo Tuổi Trẻ đăng bài vợ nguyên bí thư xã giết người quỵt nợ, một nam sinh giết bạn tống tiền ném xác dưới sông, cha ruột đánh con trai chấn thương sọ não đến chết… Đất nước nầy có bao giờ tội ác giết người kinh hoàng xãy ra liên miên như vậy, tôi nghe có nhà báo gọi “tội ác lên ngôi”! Đau đớn nhất là tội ác cha mẹ giết con, con giết cha mẹ, vợ chồng, anh em chém giết nhau… Ôi! luân thường đạo lý dân tộc ta nay còn đâu? Các tổ chức Đảng, chánh quyền, đoàn thể, các viện – trường nghiên cứu khoa học xã hội… làm gì trước thực trạng đau lòng này, chẳng lẽ chỉ chờ các cơ quan pháp luật trừng phạt kẻ thủ ác sao?

Đang viết bài nầy lòng buồn nặng trĩu, nhận email bạn tôi gởi bài có tựa đề “Giữa người với người” trên báo Thanh niên điện tử trang tin Yahoo đăng lại, của một phóng viên theo chân công an phường X bắt gái mại dâm đứng đường đem về đồn có cả bé gái 16 tuổi, thiếu phụ 45 tuổi và… cụ bà 70 tuổi! Phóng viên viết: “… Các công an lấy cung bắt em gái chụm tay đặt phần ngón lên bàn. Rút thắt lưng, chập đôi lại, vừa hỏi gằn từng câu vừa quật thẳng cánh xuống các đầu móng tay sơn đỏ. Chỉ chốc lát, nước mắt cô gái giàn giụa lem luốc hết khuôn mặt phấn son, tóc rũ ra, người giật lên sau mỗi lần chiếc thắt lưng quật xuống. Còn thiếu phụ nọ không ngồi trên ghế mà ôm đầu ngồi dí xuống sàn. Người hỏi cung rất thành thạo túm từng nhúm tóc bên thái dương chị ta giật mạnh. Không khai. Anh ta thẳng chân đá mạnh vào hạ bộ chị nọ. Hết cú này đến cú khác. Mỗi cú đá, chị ta gập mình lại rên rỉ, nước mắt lấp lánh trên mặt. Tôi run hết cả người, quên hết mình đang ở đâu, quên hết mình đang làm gì. Đang đứng trong một nhóm công an bên ngoài, tôi nhao lên. Thì người đồng nghiệp tôi giữ chặt lại và nói thầm: "Đừng". Tôi cảm thấy ruột gan trào ra ngoài. Tôi cảm thấy muốn nôn ọe. Lát sau, anh đội trưởng mời tôi ra uống trà. Anh xin lỗi tôi, hỏi tôi có làm sao không, rồi giải thích: "Không làm thế, những người này không khai ra bọn tú bà. Họ bị bắt rất nhiều lần rồi, đưa lên trại hết thời hạn lại quay về, ra đường đứng tiếp. Nhiều khi cứ vài tháng lại bắt lên trại một lần. Công an đi bắt quá nhiều lần, quen mặt hết trơn, biết cả gia cảnh. Nhưng nếu không khui ra được đường dây (đường dây tổ chức bán dâm - NV) thì dù biết rõ ràng (họ được chăn dắt) cũng không thể làm gì hơn. Bắt vô trung tâm một tuần, có người lên bảo lãnh là nó được ra. Như con nhỏ này. Đi đứng đường tiếp, có lúc thấy anh em còn cười. Anh em cảm thấy công việc của mình như bắt cóc bỏ dĩa, hết sức mệt mỏi. Nhưng không làm thì không được…"

Đọc xong bài nầy tôi ngồi thẫn thờ! Bài viết phản ánh sự thật đau lòng của những phụ nữ làm nghề “bán trôn nuôi miệng”, mà chẳng lẽ trời sinh họ ra để làm nghề nầy sao?! và bài viết tố cáo sự tàn bạo, vô cảm trước nổi đau đồng loại của một cơ quan công quyền cơ sở. Tệ nạn mại dâm nước ta dù bất hợp pháp nhưng có lẽ đứng vào hàng “số dách” thế giới, chẳng những trong nước, mà còn đi nước ngoài bán cái “vốn tự có” nuôi thân. Tôi không bênh vực phụ nữ làm nghề mại dâm, thiên hạ xem họ là thành phần “cặn bã xã hội”, nhưng tôi thấy họ chỉ “bán cái của họ có” đâu ăn cắp của ai, họ còn tử tế hơn kẻ ăn trên ngồi trốc nhờ ăn cấp của dân, của nước!

Và, báo Tuổi Trẻ điện tử mới đây có bài cho biết: Cả nước mỗi năm 100 ngàn phụ nữ lấy chồng nước ngoài và con số nầy tiếp tục tăng hàng năm! Vì cuộc sống khó khăn, họ tìm chồng nước ngoài để đổi đời, ta nên có cái nhìn rộng lượng, cảm thông họ! Nhưng xem hình ảnh trên báo SGTT.VN nhiều phụ nử tập trung trong phòng khỏa thân cho những người đàn ông Hàn Quốc, Đài Loan… săm soi lựa chọn như mua hàng ngoài chợ, tôi cảm thấy nhục nhã, đau lòng, tự ái dân tộc bị xúc phạm nặng nề! Ôi! người phụ nử Việt Nam một thời “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đãm đang” vì sao ngày nay ra nông nỗi, đến bao giờ thãm trạng nầy chấm dứt!?

Đến đây, tôi định đặt dấu chấm hết bài viết, nhưng đọc báo Tuổi Trẻ ngày 21/3 có bài “Không yên tâm với dự án bôxit” tôi không thể bỏ qua, nên viết thêm chuyện nầy. Theo ông Hồ Uy Liêm, nguyên phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỷ thuật Việt Nam: “Dựa trên số liệu Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (TKV) cung cấp và giá thị trường thế giới cuối năm 2009, các nhà khoa học lúc bấy giờ tính ra mức lỗ có thể lên đến hàng chục triệu USD mỗi năm. Số liệu mới nhất trong năm 2014 do chính TKV cung cấp cũng xác nhận điều này. Đáng tiếc là ý kiến của chúng tôi lúc bấy giờ không được lắng nghe…”. Vẫn trên số báo nầy, ông Tô Văn Trường trong mục Thời sự & Suy nghĩ viết: “Thực tế lỗ lã của dự án nầy là điều có thể thấy trước và không làm ai ngạc nhiên…”. Cuối bài ông viết: “Dù được bao cấp, ưu đãi rất nhiều nhưng tính bằng cách nào chúng tôi cũng chỉ thấy dự án bôxit lỗ, chưa kể rất nhiều rủi ro khó lường khác về chính trị, quốc phòng, kinh tế, xã hội và môi trường. Cảnh báo trên, đến nay nhìn lại càng được thực tế chứng minh là chính xác”.

Chưa từng thấy dự án kinh tế nào ở nước ta gây “náo động dư luận” trong nước kéo dài nhiều năm như dự án khai thác bôxit Tây Nguyên, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nhà khoa học, nhà báo, học giả, giới trí thức nói chung và những bậc “công thần” của đất nước, kể cả cụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; đến người dân bình thường bày tõ ý kiến và ký kiến nghị hàng ngàn người yêu cầu Chánh phủ đình chỉ dự án vì những tác hại, rủi ro khó lường nhiều mặt như ý kiến ông Tô Văn Trường nói trên, nhưng bất chấp tất cả, dự án vẫn triển khai thực hiện ngày nay ra cớ sự, tương lai rồi sẽ ra sao…?!

Rồi đây, dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đang được xúc tiến, khi tai họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Liên Xô cũ ngày xưa và nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật mới đây cảnh báo, khiến cho một số nước công nghiệp ở Châu Âu từng sử dụng năng lượng điện hạt nhân từ lâu, người ta còn tính đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân để tránh hiểm họa cho đất nước họ. Còn ta, chưa từng biết điện hạt nhân là gì, lại “đâm đầu cấm cổ” lao vào, mặc cho ai can ngăn!

Nguyễn Minh Đào

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 22-3-14
 

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật là như thế này sao?

http://lh4.ggpht.com/-jJjY0igRCjk/Uy4slHthWkI/AAAAAAAAsMM/47dY_CrYzAY/clip_image002_thumb.jpg?imgmax=800

Boxitvn

Tập thể 32 dân oan khu liên hợp Bình Dương
Năm 2004, UBND tỉnh Bình Dương bán cho ông Huỳnh Uy Dũng 533ha đất trong khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị Bình Dương để làm khu công nghiệp Sóng Thần 3. Nay Chủ tịch tỉnh không ký chuyển 61 ha trong số đất nầy thành đất thổ cư, nên bị ông Dũng kiện. Báo chí của nhà nước đăng tải rùm beng, và chỉ mấy ngày sau khi nhận được đơn của ông Dũng, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo VPCP ra văn bản giao Thanh tra chính phủ điều tra kết luận vụ việc để báo cáo Thủ tướng xử lý.
Trong khi đó, từ năm 2004, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ký hàng loạt quyết định thu hồi 4.197ha đất của dân đang canh tác để làm khu liên hợp này, trong khi chưa hề có quy hoạch sử dụng đất và cũng chưa có đề án được Chính phủ phê duyệt. Trong các quyết định, Chủ tịch tỉnh căn cứ vào luật đất đai 2003 và nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ để thu hồi đất, nhưng trong các quyết định bồi thường cho dân ban hành lần đầu tiên vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009, tỉnh lại áp giá bồi thường theo quyết định 164/2003/QĐ-UB ngày 23/6/2003 của tỉnh, căn cứ vào nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ đã hết hiệu lực thi hành từ 2004. Trước các quyết định trái pháp luật một cách trắng trợn như thế, người dân không chịu nhận tiền giao đất thì chính quyền ký quyết định và tổ chức cưỡng chế hàng trăm hộ dân để thu hồi đất rồi bỏ hoang từ năm sáu năm nay, trong khi dân không có đất canh tác. Người bị cưỡng chế không phải chỉ bị mất đất mà nhà cửa tan nát, vườn tược bị san bằng, thóc lúa đồ đạc trong nhà bị chở đi mất sạch… Cả nhà không có công ăn việc làm, phải ăn bờ ở bụi từ bao năm nay, chẳng ai thèm ngó tới. Ai ngăn cản thì phải đi tù vì “chống người thi hành công vụ”.
Lá đơn sau đây đã được gởi cho Thủ tướng, Phó Thủ tướng chính phủ ngày 31-12-2013. Cũng như bao nhiêu đơn đã gởi đi từ nhiều năm trước, đơn này đã gởi gần ba tháng nay cũng chỉ được hồi âm bằng sự im lặng.
Sai phạm của một cấp chính quyền như đã nêu trong đơn này có phải lớn gấp hàng trăm lần nội dung tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng? Đây là một việc làm có tổ chức. Ngay cả sau khi có đơn khiếu kiện của nhân dân và đã có thanh tra, tỉnh Bình Dương vẫn cố ý tiếp tục làm trái, gây thiệt hại cho rất nhiều người dân vô tội. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng là cấp trên của UBND tỉnh, sao không hề lên tiếng? Nếu UBND tỉnh Bình Dương làm như vậy là đúng pháp luật, thì cũng cứ trả lời là họ không sai để người dân không tiếp tục khiếu kiện và để các cơ quan chức năng bắt người tố cáo phải chịu tội trước pháp luật vì đã tố cáo sai sự thật.
Sự im lặng của Chính phủ thật là khó hiểu. Hiến pháp ghi rành rành “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, là như thế nầy đây sao? “Quan điểm của Chính phủ trước hết là hoan nghênh tất cả những công dân, doanh nghiệp phản ánh những điều bất cập hay có những kiến nghị, tố cáo phản ánh tiêu cực mang tính xây dựng” (ông Vũ Đức Đam trả lời báo chí ngày 26-10-2013), là như thế nầy đây sao? “Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang quyết tâm chống tham nhũng”, là như thế này sao?
clip_image002
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐỘC LẬP- TỰ DO- HẠNH PHÚC
———————
ĐƠN TỐ CÁO UBND TỈNH BÌNH DƯƠNG QUYẾT ĐỊNH THU HỒI,
BỒI THƯỜNG VÀ CƯỠNG CHẾ TRÁI PHÁP LUẬT ĐỂ LẤY ĐẤT
LÀM KHU LIÊN HỢP DỊCH VỤ CÔNG NGHIỆP BÌNH DƯƠNG.
Bình Dương, ngày 20 tháng 12 năm 2013.
Kính gởi: Ông NGUYỄN TẤN DŨNG, Thủ tướng Chính phủ.
NGƯỜI TỐ CÁO: 32 người có tên trong danh sách với chữ ký và địa chỉ cụ thể dưới đây, thuộc diện có đất bị chính quyền cưỡng chế thu hồi lấy làm khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị Bình Dương cho tới nay vẫn liên tục khiếu nại và chưa nhận tiền bồi thường.
NGƯỜI BỊ TỐ CÁO: Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, mà cụ thể là những người đã ký các quyết định trái pháp luật được nêu dưới đây.
CĂN CỨ TỐ CÁO:
-Căn cứ điều 52 Hiến pháp hiện hành đã quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.
-Căn cứ Luật tố cáo.
-Căn cứ Luật đất đai.
-Căn cứ ý kiến của Chính phủ được Ông Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ công bố tại cuộc họp báo ngày 26-10-2013:“Quan điểm của Chính phủ trước hết là hoan nghênh tất cả những công dân, doanh nghiệp phản ánh những điều bất cập hay có những kiến nghị, tố cáo phản ánh tiêu cực mang tính xây dựng.”
Từ nhiều năm trước, chúng tôi đã gởi nhiều đơn tố cáo với nội dung tương tự, nhưng chưa được giải quyết. Nay nhân việc Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo xem xét giải quyết đơn của Ông Huỷnh Uy Dũng tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, chúng tôi tiếp tục làm đơn nầy tố cáo UBND tỉnh Bình Dương đã cố ý làm trái pháp luật, với nội dung như sau:
NỘI DUNG TỐ CÁO:
1.Ban hành quyết định thu hồi đất để làm khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị Bình Dương trong khi chưa có quy hoạch sử dụng đất và chưa có đề án được Chính phủ phê duyệt.
Từ ngày 20/10/2004 đến ngày 05/5/2005 UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành các quyết định thu hồi toàn bộ 4.197ha đất để xây dựng Khu liên hợp trong khi đề án khu Liên hợp đến ngày 1-9-2005 mới được phê duyệt bởi quyết định 912/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; và chỉ tiêu đất sử dụng để xây dựng Khu liên hợp được bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 – 2010) của tỉnh Bình Dương được Chính phủ phê duyệt bởi Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 28/11/2007 của Chính phủ.
Như vậy các quyết định thu hồi đất nầy trái với khoản 1 điều 39 Luật Đất đai.
(Điều 39. Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng
Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố hoặc khi dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt).
Các quyết định thu hồi đất trái pháp luật nầy do Trần thị Kim Vân, phó Chủ tịch ký thay Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
2. Ban hành “quyết định số 164/2003/QĐ-UB ngày 23/6/2003 quy định chủ trương bồi thường đất và tài sản trên đất công trình Khu liên hợp” trong khi chưa có đề án khu liên hợp được phê duyệt và UBND tỉnh cũng chưa quyết định thu hồi đất, chưa thành lập Hội đồng bồi thường.
Tỉnh Bình Dương viện cớ là lúc đó Luật đất đai 2003 chưa có hiệu lực nên làm theo nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ về việc đền bù thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Nhưng việc ban hành quyết định 164/2003/QĐ-UB ngày 23/6/2003 nầy cũng hoàn toàn trái với quy định tại điều 34 của nghị định số 22/1998/NĐ-CP.
Vậy mà UBND tỉnh Bình đã căn cứ vào 164/2003/QĐ-UB ngày 23/6/2003 để tính toán rồi ra thông báo bồi thường, thu hồi đất. Không cần có quyết định bồi thường cho từng hộ dân. Tính đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 912/QĐ-TTg ngày 01/9/2005 phê duyệt “Đề án tổng thể đầu tư và phát triển Khu liên hợp công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương” thì việc giải tỏa, bồi thường đã thực hiện được 85% diện tích quy hoạch.
Việc làm trái pháp luật nầy đã gây nên tình trạng tréo ngoe là UBND tỉnh Bình Dương thu hồi đất theo Luật đất đai 2003 và nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004; nhưng lại bồi thường theo luật đất đai 1992 và nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998. Ngay cả các quyết định bồi thường được ban hành cho từng hộ dân vào năm 2009, cũng tính toán theo nghị định số 22/1998/NĐ-CP đã hết hiệu lực từ năm 2004.
Người ký quyết định số 164/2003/QĐ-UB ngày 23/6/2003 là Ông Hồ Minh Phương, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Người trực tiếp chỉ đạo và đôn đốc việc bồi thường thu hồi đất theo quyết định nầy là Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trưởng ban chỉ đạo giải tỏa bồi thường khu liên hợp Bình Dương.
3.UBND tỉnh Bình Dương đã giao đất cho nhà đầu tư từ năm 2004, trong đó có nhiều diện tích chưa làm thủ tục thu hồi và bồi thường cho người dân đang có quyền sử dụng hợp pháp. Việc làm nầy hoàn toàn trái pháp luật, gây ra tình trạng chồng chéo là nhiều người cùng được cấp sổ đỏ trên cùng một thửa đất.
Cụ thể như trong phần đất UBND tỉnh Bình Dương đã được giao cấp cho công ty Sóng thần 3 của Ông Huỳnh Uy Dũng vào năm 2004, cho tới năm 2013 nầy vẫn còn một số người có quyền sử dụng đất chưa nhận tiền bồi thường như:
-Ông Thái Văn Dậu, cư ngụ phường Phú Tân, Thủ Dầu Một;
-Nguyễn Văn Giới, cư ngụ TT Tân Phước Khánh, Tân Uyên;
-Lê Thị Muôn, cư ngụ xã Tân Vĩnh Hiệp, Tân uyên;
-Nguyễn Thị Tám, cư ngụ phường Phú Tân, Thủ dầu Một;
-Lâm Văn Lực, cư ngụ phường Phú Tân, Thủ Dầu Một.
-Phan Văn Tác, cư ngụ phường Phú Tân, Thủ dầu Một.
-Huỳnh Văn Nghiệp, cư ngụ xã Tân Vĩnh Hiệp, Tân Uyên
Việc phê duyệt các hợp đồng giao đất cho nhà đầu tư do Hồ Minh Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thực hiện.
4.Ban hành các quyết định và tổ chức cưỡng chế trái pháp luật để thu hồi đất trong khi các hộ dân không chịu nhận tiền giao đất vì việc thu hồi, bồi thường của chính quyền không thực hiện đúng pháp luật.
Từ việc quyết định thu hồi đất và bồi thường đất trái quy định pháp luật như trên, cộng với rất nhiều sai sót của chính quyền trong việc kê khai tài sản trên đất, nhiều hộ dân khiếu nại và không chịu nhận tiền giao đất. Thay vì sửa sai thì UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo UBND Huyện, Thị xã ban hành các quyết định và tổ chức cưỡng chế hằng trăm hộ dân để lấy đất. Chính Trần thị Kim Vân, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo các đợt cưỡng chế diễn ra liên tục trong năm 2009.
5.Quy hoạch nói là để phát triển kinh tế, nhưng UBND tỉnh Bình Dương đã quy hoạch để đầu cơ quỹ đất, kinh doanh đất nền . Cụ thể như khu tái định cư Phú Mỹ, khu tái định cư Tân Vĩnh Hiệp (nay thuộc phường Phú Tân). Đa số diện tích đất bị cưỡng chế đã giao cho Cty Bécamex từ năm 2009 đến nay vẫn bị bỏ hoang, chờ phân lô bán nền. Họ đã bỏ đất hoang nhiều năm để chờ thời cơ kinh doanh lấy lãi, trong khi người bị cưỡng chế thu hồi đất không còn đất sống.
Theo quan điểm của chúng tôi, quyết định thu hồi, bồi thường và cưỡng chế trái pháp luật để lấy đất phân lô bán nền thực chất là cố ý làm trái để tham nhũng. Nhà nước và Chính phủ đang chủ trương bài trừ tham nhũng, vì vậy không thể không xem xét lại vụ cố ý làm trái pháp luật của UBND tỉnh Bình Dương trong việc triển khai đề án khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị Bình Dương.
Rất mong Thủ tướng quan tâm.
32 hộ dân đồng ký tên.
Khi nhận được đơn nầy, xin thông tin lại cho chúng tôi qua địa chỉ liên lạc: Ông Thái Văn Dậu, Khu phố 3 Phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một- tỉnh Bình Dương.
Đồng kính gởi: Ông Nguyễn Phú Trọng, TBT đảng CSVN, Trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng.
Ông Nguyễn Bá Thanh, Phó ban chỉ đạo chống tham nhũng.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ
Ông Vũ Đức Đam, phó Thủ tướng Chính phủ.
Các cơ quan Báo, Đài đã đưa tin vụ Huỳnh Uy Dũng tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương “để xin đăng tải giúp lên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Đính kèm:
-Quyết định 912/QĐ-TTg ngày 01/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tổng thể đầu tư và phát triển Khu liên hợp công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương”
-Quyết định 164/2003/QĐ-UB ngày 23/6/2003 của UBMD tỉnh Bình Dương.
-Một trong các quyết định thu hồi đất của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
clip_image004
clip_image006
clip_image008
Ông Thái Văn Dậu cùng các dân oan khu liên hợp Bình Dương gửi trực tiếp cho BVN..clip_image010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét