Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Hoàng Sa: chiến thuật lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc - Nói thật dân nghe, làm thật dân tin

Nói thật dân nghe, làm thật dân tin



Nguyễn Xuân Lộc  -VOA

Suốt một tuần qua dư luận xôn xao bàn tán, bình phẩm về bài viết đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Dù một số chê hay bày tỏ thái độ dè dặt, hoài nghi, xem ra có khá nhiều người khen và đón nhận thông điệp đầu năm của ông với không ít hy vọng.
Khen vì thấy rằng khác hẳn với những phát biểu cũ mèm, khô khan, nhàm chán, giáo điều hay thậm chí hơi ngô nghê thường thấy nơi một số lãnh đạo Việt Nam hoặc các văn kiện của đảng Cộng sản, bài viết đầu năm của ông Dũng chứa một số điểm mới lạ, thiết thực, lý thú, đáng đọc, đáng chờ.
Vui và hy vọng vì thấy rằng, trong thông điệp đầu năm này Thủ tướng Việt Nam không còn né tránh những khó khăn, trì trệ hiện tại của đất nước và dám đưa ra những thay đổi mà Việt Nam cần tiến hành để có thể vượt qua những thách đố, yếu kém ấy.
Nói cách khác, thông điệp của ông được đón nhận vì ông dám nói thật – nói những điều mà người dân thao thức, băn khoăn và đề cập đến những thay đổi mà người dân muốn có, đất nước đang cần.
Thử điểm lại và kiểm chứng, minh họa một vài điều được coi là thật, đáng hy vọng trong thông điệp này.
‘Động lực không còn mạnh’
Từ khi có Đổi mới vào năm 1986, kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh và phát triển kinh tế đã làm thay đổi hình ảnh Việt Nam, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo đói, lạc hậu và cũng giúp đảng Cộng sản duy trì, củng cố tính chính danh.
Nhưng – như ông Thủ tướng thừa nhận – “trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển”.
Chỉ trong một đoạn rất ngắn ông đã mô tả khá đây đủ và tương đối chính xác tình hình kinh tế, chính trị, xã hội hiện tại của Việt Nam.
Đúng vậy, về kinh tế, mức tăng trưởng và sức cạnh tranh của Việt Nam quả thực đã chậm lại và thua các nước trong khu vực. Chẳng hạn, theo Ngân hàng thế giới, trong năm 2012, với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế là 5.2%, mức tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn mức tăng trưởng ở một số nước ASEAN, như Philippines (6.8%), Thái Lan (6.5%), Indonesia (6.2%) hay Malaysia 5.6%.
Hơn nữa, với mức tăng trưởng như vậy, so với cách đây khoảng 10 hay 20 năm, khi tăng trưởng của Việt Nam ở mức 7% hay 8% và thậm chí có lúc hơn 9% – chẳng hạn 9.5% năm 1995 và 9.3% năm 1996, theo Ngân hàng thế giới – tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện tại giảm rất nhiều.
Về năng lực cạnh tranh, Việt Nam cũng thua xa mấy nước ASEAN trên. Theo chỉ số cạnh tranh toàn cầu – được tính dựa trên 12 tiêu chí, trong đó có thể chế, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh vĩ mô – của Diễn đàn kinh tế thế giới trong hai năm 2012/2013, với chỉ 4.18 trên 7 điểm, Việt Nam được xếp thứ 75 (trên 148 quốc gia, lãnh thổ) và sau xa Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 24), Thái Lan (thứ 37), Indonesia (thứ 38) và Philippines (thứ 59).
Cùng với – hay một phần vì – kinh tế trì trệ, Việt Nam phải đối diện với không ít bất bình, bức xúc xã hội. Dù không nêu cụ thể, nhưng khi thừa nhận “xã hội có không ít vấn đề bức xúc”, hơn ai hết chắc ông Thủ tướng biết rõ những bức xúc ấy là gì, tại sao lại có những bức xúc ấy và những hậu quả mà chúng có thể gây nên cho đảng Cộng sản và xã hội Việt Nam.
Việc ông Lê Hiếu Đằng, một cựu quan chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công khai bỏ đảng Cộng sản, hay vụ ông Đặng Ngọc Viết tới Trung tâm Phát triển Quỹ đất Thành phố Thái Bình bắn chết Phó giám đốc và bắn bị thương bốn cán bộ khác của Quỹ này và sau đó dùng súng tự tử – hai trong nhiều sự kiện đáng chú ý của Việt Nam năm 2013 – là hai ví dụ điển hình cho những bất bình, bức xúc đó.
Ngoài ra, trong thời gian qua nhiều người dân – và đặc biệt giới nhân sỹ, trí thức, trong đó có những người là (cựu) đảng viên hay quan chức – công khai lên tiếng chỉ trích chủ trương, đường lối của đảng. Và một trong những lý do chính yếu dẫn đến những bức xúc, bất bình, chỉ trích đó là dù có mở cửa kinh tế, đảng Cộng sản vẫn không muốn đổi mới chính trị, mở rộng dân chủ, tự do.
Vì không có đổi mới và cởi mở chính trị, Việt Nam tiếp tục bị xếp sau các nước ASEAN khác như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan hay Singapore về dân chủ, tự do. Chẳng hạn, chỉ số dân chủ của The Economist Intelligence Unit 2013 xếp Việt Nam thứ 144 (trên số 167 quốc gia) trong khi đó Indonesia được xếp thứ 53, Thái Lan 58, Malaysia 64, Philippines 69 và Singapore 81.
Năm 2013, tổ chức Phóng viên không biên giới xếp Việt Nam vào gần cuối bảng (172 trên 179) – và sau tất cả chín nước ASEAN khác, trong đó có cả Lào, Campuchia và Miến Điện – về tự do báo chí, ngôn luận.
Và có thể vì không có đổi mới chính trị, cải cách kinh tế của Việt Nam cũng không đạt được những kết quả cao.
Chủ trương Đổi mới của Đảng Cộng sản – như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và giới lãnh đạo Việt Nam thường nhấn mạnh, ca ngợi – được coi là đã giúp Việt Nam có “những bước phát triển vượt bậc”.
Nhưng nếu so sánh mức thu nhập của người dân Việt Nam với mức thu nhập của người dân tại một số nước khu vực sẽ thấy rằng mức cải thiện về kinh tế mà Đổi mới mang lại cho người dân Việt Nam trong gần 30 năm không đáng kể lắm hay không “vượt bậc” như quan chức Việt Nam thường nghĩ.
Theo Ngân hàng thế giới vào năm 1986 – lúc Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế – thu nhập bình quân đầu người (GDP per capita) của Việt Nam là 437 (đô la Mỹ), Thái Lan 813, Singapore 6,783, Philipines 535, Malaysia 1,741 và Indonesia 483.
Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 1,755, Thái Lan 5,580, Singapore 51,709, Philippines 2,587, Malaysia 10,432 và Indonesia 3,557.
Nếu tính theo tỷ lệ, sau 26 năm tiến hành Đổi mới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng 402%. Nhưng cũng trong thời gian đó, thu nhập bình quân đầu người ở Thái Lan tăng đến 686%, Singapore 762%, Philippines 484%, Malaysia 599% và Indonesia 736%.
Như vậy, dựa trên những số liệu này, thu nhập Bình quân đầu người của Việt Nam không tăng bằng thu nhập đầu người của sáu nước ASEAN này kể từ khi Việt Nam có đổi mới năm 1986.
‘Cần thêm động lực’
Đưa ra những chỉ số, số liệu trên để cho thấy rằng – như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh – đã đến lúc Việt Nam “cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững”.
Vì nếu không có thêm động lực, Việt Nam không thể tiếp tục tăng trưởng và phát triển – và điều đó cũng đồng nghĩa với việc quốc gia này tiếp tục tụt hậu và thua xa các nước trong khu vực.
Và như chính ông Dũng nêu rõ, nguồn động lực ấy không phải đến từ một cái gì khác mà “phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.
Ngoài ra, cũng cần “xây dựng một Nhà nước pháp quyền”. Trong một Nhà nước “thượng tôn pháp luật” như vậy, “người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” và “pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải” cũng như “mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch”.
Hơn nữa, một Nhà nước dân chủ, pháp quyền cũng “phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường” và biết “xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh”.
Có thể nói ông Dũng đã đưa ra một số giải pháp khá thiết thực, căn bản, tiến bộ, cấp bách có thể giúp Việt Nam phát triển, tiến tới dân chủ, giàu mạnh – hay ít ra không tụt hậu.
Những cải cách ông nêu cũng nằm trong những điểm chính mà nhiều người đã kiến nghị, đề xuất trong đợt góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 – như cần thay đổi thể chế, tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh trong kinh tế cũng như chính trị hay xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Đây cũng là lý do tại sao có khá nhiều người – trong đó có nhiều nhân sỹ, trí thức – cảm thấy phấn khích, kỳ vọng về thông điệp đầu năm của ông.
Đã nói, sẽ làm?
Việc dư luận nói chung và các nhân sỹ, trí thức nói riêng khen ngợi, ủng hộ thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho thấy người dân không ghét, chống đối hay “thù địch” với đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam như một số lãnh đạo, quan chức Việt Nam thường suy diễn, quy chụp.
Nếu ai đó có chỉ trích, chống đối hay có thái độ “thù địch” chỉ vì họ thấy đường lối, chính sách của đảng hay phát ngôn, thái độ của lãnh đạo Việt Nam không thật, không coi trọng dân, không hợp ý dân, hay không biết đề ra những hướng đi thích hợp, tốt đẹp có thể giúp dân giàu, nước mạnh hoặc có những phát ngôn, hành động vừa thiếu tâm, vừa không có tầm.
Ngoài những người ủng hộ, khen ngợi, đâu đó có một số người tỏ thái độ dè dặt, hoài nghi đối với thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một phần vì không ít lần họ thấy lãnh đạo Việt Nam nói mà không làm hay nói một đàng, làm một nẻo.
Chưa rõ động cơ nào khiến ông Dũng đưa ra một thông điệp như vậy đầu năm và thực sự ông có muốn tiến hành những thay đổi khá căn bản, triệt để và toàn diện như ông đề cập trong thông điệp của mình. Cũng không rõ đó là thông điệp của cá nhân ông hay của lãnh đạo đảng và chính quyền Việt Nam.
Nhưng dù sao đi nữa trong năm 2014 này, người dân chắc chắn sẽ chờ và xem ông Thủ tướng và đảng Cộng sản nói chung có cho tiến hành những cải cách, đổi mới được ông Dũng đưa ra trong thông điệp đầu năm hay không.
Một trong những việc mà dư luận chờ đợi trong những ngày tháng tới đó là xem Chính phủ và đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết như thế nào, đến mức độ nào tình trạng tham nhũng, tham ô – chẳng hạn các vụ án lớn như Vinalines, với nhiều tình tiết mới, quan trọng đang được dư luận quan tâm trong những ngày này.
Và nếu chúng được thực hiện, được tiến hành thì chắc chắn người dân Việt Nam sẽ dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói riêng và giới lãnh đạo Việt Nam nói chung sự ủng hộ, tin tưởng.
Trái lại, nếu ông Dũng và giới lãnh đạo Việt Nam chỉ nói mà không làm hay nói một đàng, làm một nẻo thì chắc chắn người dân sẽ mất niềm tin, không còn coi trọng lời nói của họ hay đặt hy vọng gì vào họ.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.    

Hoàng Sa: chiến thuật lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc


Hoàng Sa.
Hoàng Sa. DR

Tú Anh  -RFI

Cách nay 40 năm, quần đảo Hoàng Sa lọt vào tay Trung Quốc sau một trận đánh ác liệt đã xảy ra vào buổi sáng ngày 19/01/1974 giữa bốn tuần dương hạm và hộ tống hạm hải quân Việt Nam Cộng Hòa với 18 chiến hạm của Trung Quốc. Sự hy sinh của 74 sĩ quan và binh sĩ Nam Việt Nam, ngày nay được dân chúng tôn vinh nhưng Biển Đông đã bị Bắc Kinh từng bước lấn chiếm theo một chiến thuật tầm ăn dâu, như một vết dầu loang, chậm mà chắc.
Từ năm 1949 đến nay, Bắc Kinh đã thi hành thủ đoạn này như thế nào, điều nghiên thời thế ra sao ? Ngày 04/09/1958 ra thông cáo khẳng định lãnh hải. Ngày 11/01/1974 lại ra thông cáo tuyên bố chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa trước khi đưa hạm đội Nam hải bao vây Hoàng Sa…. Rồi đến 1988 thì đánh chiếm một phần Trường Sa và cho đến tháng 2/1992 thì Bắc Kinh tuyên bố toàn vùng biển “Nam hải” là của Trung Quốc. Chính sách “trổi dậy hòa bình” theo kiểu Trung Quốc đã đưa đến hệ quả là Hoa Kỳ “chuyển trục” tập trung lực lượng về châu Á Thái Bình Dương.
Vấn đề là làm thế nào để các quốc gia trong khu vực không bị cô đơn như Sài gòn, như quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 và sau đó Hà Nội năm 1988 trước tham vọng bá quyền của Trung Quốc?
RFI đặt câu hỏi với Giáo sư chính trị quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason, Virginia, Hoa Kỳ.
RFI: Kính chào Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng. Tổng kết tình hình năm 2013 vừa qua, báo chí tây phương mô tả Trung Quốc mở một cuộc tấn công tại hai biển Hoa Đông và Hoa Nam để vươn ra thế giới, bảo vệ an toàn đường hàng hải huyết mạch và đụng chạm vào quyền lợi của các nước trong khu vực và với Hoa Kỳ. Nhật bản đã nhiều lần lên án Trung Quốc muốn « phá vỡ nguyên trạng » trên biển, còn Việt nam mất Hoàng Sa và Philippines mất Scarborough. Câu hỏi đầu tiên xin ông giải thích về từ nguyên trạng này, có sự khác biệt nào trong quan điểm của Bắc Kinh và các nước trong vùng ?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Nguyên trạng trên biển là bởi vì có tranh chấp ở Hoàng Sa và Trường Sa. Vùng này là vùng tranh chấp mà Trung Quốc coi đó là là thuộc chủ quyền lãnh thổ của mình. Hiện nay thì Trung Quốc chưa nắm giữ được và họ tìm cách thay đổi tình trạng đó, thế gọi là nguyên trạng. Chúng ta nên nhớ là mục tiêu này, đòi hỏi này của Trung Quốc đã có từ lâu, từ sau cuộc cách mạng Tân Hợi. Sau cuộc cách mạng Tân Hợi, nhất là sau khi dẹp xong loạn sứ quân, thống nhất được đất nước, từ thời Tưởng Giới Thạch, Trung Quốc bắt đầu tìm cách đòi lại các lãnh thổ đã mất. Theo quan điểm của Trung Quốc, những lãnh thổ đã mất này gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong cả ba giai đoạn mà ông hỏi, chính sách nhất quán của Trung Quốc gồm một số nguyên tắc sau đây:
Chậm và chắc, kiên trì từng bước tiến tối đa đến mục tiêu cuối cùng.
Mềm nắm rắn buông, cho nên Trung Quốc không đòi những vùng bị Nga chiếm đóng.
Lợi dụng thời cơ căn cứ vào những thay đổi trong cán cân lực lượng.
RFI: Trung Quốc đã tấn công vào “nguyên trạng” bằng những phương cách nào ? Ngày 04/09/1958 Bắc Kinh ra thông cáo khẳng định lãnh hải để làm gì ? Chốt thời gian của chiến lược xuyên suốt hay lúc đó Bắc Kinh chỉ mới thăm dò phản ứng ? Đâu là mục tiêu trung hạn và tối hậu của Trung Quốc?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Trước 1974, Hiệp định Geneva năm 1954 chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17, chính quyền Bảo Đại kiểm soát phía Nam vĩ tuyến 17 và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phải mất 2 năm, cho đến năm 1956, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm mới dẹp xong sự chống đối của các giáo phái, thống nhất được quân đội, giành lại toàn vẹn chủ quyền từ tay người Pháp, và thành lập Đệ nhất Cộng Hòa. Trước khi VNCH kịp đem quân ra giữ đảo thì Trung Quốc đã nhanh tay chiếm giữ toàn bộ phía đông quần đảo Hoàng Sa, gồm hai đảo lớn là Phú Lâm và Linh Côn. Tức là từ năm 1956 chứ không phải 1958.
Vào năm 1958, khi bắt đầu điều đình về luật biển Liên Hiệp Quốc thì Trung Quốc ra tuyên bố 12 hải lý và đồng thời thúc đẩy các quốc gia phải tôn trọng. Nhưng trong 12 hải lý này thì Trung Quốc nói là gồm cả chung quanh lãnh thổ Trung Quốc thì lãnh thổ này đối với họ là gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa. Khi Ông Phạm Văn Đồng viết cái công hàm đó (14/09/1958) thì Trung Quốc coi như là công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo đó nhưng thật sự mình đọc kỹ công hàm đó thì ông Phạm Văn Đồng chẳng nói gì đến Hoàng Sa và Trường Sa. Ông chỉ công nhận nguyên tắc 12 hải lý mà Trung Quốc đưa ra thôi.
Nhưng mà dù sao, đó cũng là cái dấu mốc để Trung Quốc tiến từng bước, chậm mà chắc như tôi đã nói, lợi dụng thời cơ vì năm 1956 có thời cơ đã làm rồi , đến năm 1958 thì vấn đề luật biển đưa luôn ra tuyên bố đó (12 hải lý) và sau này chúng ta thấy đến năm 2009, khi hết hạn đưa ra những đòi hỏi thì Trung Quốc lại đưa ra “đường lưỡi bò”. Mỗi thời gian thì Trung Quốc đưa ra những hành động cần thiếp cho họ.
RFI: Cách nay 40 năm, từ ngày 17 đến 19/01 năm 1974, Trung Quốc đem quân chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa. Có thể suy luận rằng đảng Công sản Trung Quốc, từ năm 1949 đến nay, đã thi hành chiến thuật vết dầu loang để làm chủ khu vực ?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Không phải chỉ có đảng Cộng sản Trung Quốc mà ngay từ thời Tưởng Giới Thạch họ đã đưa ra những đòi hỏi về lãnh thổ của họ rồi.
Bởi vì lúc bấy giời họ đương ở trong tình trạng nội chiến cho nên không làm được gì cả. Khi đảng Cộng sản thống nhất được lãnh thổ rồi thì họ mới bắt đầu tiến ra bên ngoài. Cũng như khi ông Ngô Đình Diệm củng cố địa vị của mình rồi thì mới tìm cách đưa quân ra giữ đảo Hoàng Sa. Đó là điều kiện rất tự nhiên.
Vì thế cho nên như tôi đã nói (Trung Quốc) nhất quán và luôn luôn lợi dụng thời cơ. Thời cơ trước như mình đã thấy năm 1956. Về sau này, năm 1974 cũng tạo ra một thời cơ khác. Mà muốn biết như thế nào thì chúng ta phải nhìn khung cảnh lịch sử thời đó. Sau khi Trung Quốc chiếm một phần Hoàng Sa năm 1956, thì sau đó, Trung Quốc không động tĩnh gì cả bởi vì trong suốt thời chiến tranh Việt Nam, có sự hiện diện áp đảo của quân đội Mỹ và đồng minh. Mỹ lại có căn cứ quân sự lớn ở Cam Ranh.
Khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1973, Mỹ rút hết quân khỏi Việt Nam và giảm sự hiện diện hải quân ở Biển Đông. Quốc Hội Mỹ liên tiếp biểu quyết một số luật ngăn cấm các hoạt động quân sự của Mỹ ở Đông Dương (Tu chính án Case-Church tháng 6/ 1973 cấm mọi hoạt động quân sự của Mỹ ở Đông Dương sau ngày 15/8/1973 nếu không được phép trước của Quốc Hội; Luật Chiến Tranh tháng 11/1973 hạn chế quyền sự dụng quân lực của Tổng Thống).
Ngoài những hạn chế pháp lý, chính quyền Nixon còn bị suy yếu trầm trọng vì vụ nghe lén Watergate bắt đầu bị đem ra xử vào tháng 1/1973. Đến tháng 4/1973 khi chính cố vấn pháp luật của Tổng thống John Dean bắt đầu cộng tác với Công tố viên đặc biệt, chính chức vụ Tổng thống Nixon cũng bị lung lay khiến ông bị bó tay, không dám liều lĩnh trong chính sách đối ngoại chống lại ý muốn của Quốc Hội.
Tháng 1/1974, Trung Quốc đã chớp lấy cơ hội này mà chiếm nốt phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa.
Từ sau trận Hoàng Sa, c
uối năm 1978, Việt Nam xua quân vào Cam Bốt đuổi Pol Pot và lập chính quyền thân Việt Nam ở Phnom Penh.
Tháng 2/1979, Trung Quốc xua quân đánh chiếm một số tỉnh ở biên giới phía Bắc Việt Nam trong chiến dịch “dạy cho Việt Nam một bài học.” Vì Việt Nam bị coi như một con bài của Liên Xô ( Đặng Tiểu Bình rêu rao “Việt Nam là một Cuba ở Đông Nam Á” còn Trung Quốc là NATO ), nên Mỹ và Trung Quốc có cùng một mục tiêu chiến lược chung, là ngăn chặn không cho Liên Xô, thông qua Việt Nam, bành trướng ảnh hưởng sang Đông Nam Á và Biển Đông. Chiến tranh Cam Bốt chia ra hai bên, một bên là liên minh Mỹ-Trung Quốc -ASEAN ủng hộ chính phủ liên hiệp Sihanouk, và một bên là Liên Xô-Việt Nam -các đồng minh Đông Âu của Nga ủng hộ chính quyền Heng Samrin-Hun Sen.
Năm 1982, dưới thời Brejnev, các đại cường Mỹ-Trung Quốc -Liên Xô bắt đầu tìm cách hòa hoãn với nhau. Chính sách này tiếp tục dưới thời Gorbachev. Năm 1986, Gorbachev tung chiến dịch “tái cấu trúc kinh tế (perestroika) và cởi mở chính trị (glasnost) ở trong nước. Ở ngoài nước, tháng 7/ 1986, trong một bài diễn văn ở Vladivostok, Gorbachev công bố chính sách hòa hoãn với ASEAN, điều đình ở Afghanistan và ủng hộ giải pháp đàm phán ở Cam Bốt.

Trước đó, năm 1979, Liên Xô ký với Việt Nam hiệp ước hữu nghị 25 năm, được quyền sử dụng quân cảng Cam Ranh và duy trì một hiện diện hải quân lớn ở đó cho đến năm 1987. Tháng 1/ 1988, trong khuôn khổ chính sách Á châu mới, ngoại trưởng Liên Xô Edouard Shevardnadze nói với 4 thượng nghĩ sĩ Mỹ đang thăm Matxcơva rằng Liên Xô sẽ rút quân khỏi các căn cứ không nằm trong lãnh thổ của Nga ở Á châu, và đề nghị Mỹ cũng nên hành động tương tự (nghĩa là nếu Nga rút khỏi Cam Ranh thì Mỹ cũng nên rút khỏi Subic Bay). Trong lúc đó thì có tin của tình báo Thái Lan và báo Mỹ International Herald Tribune cho biết Nga đã rút một số không quân và tàu ngầm khỏi Cam Ranh.
Trước tình huống ấy, từ cuối tháng 1/1988, hải quân Trung Quốc và Việt Nam đã vờn nhau ở bãi South Johnson Reef, rồi đến tháng 3/1988 hải quân Trung Quốc, sau một trận đụng độ, đã chiếm South Johnson Reef và 6 bãi và đảo san hô khác, đặt chân đứng trên quần đảo Trường Sa. Năm 1995 Trung Quốc chiếm thêm bãi Mischief Reef trước sự phản đối của Philippines.

Trong khi Mỹ bị sa lầy vì chiến tranh Afghanistan và Irak, Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng vào Đông Nam Á với chiêu bài “trỗi dậy hòa bình” và “phát triển hòa bình” bằng chính sách hợp tác kinh tế – chính trị. Đồng thời, tiếp tục thăm dò cơ hội kiểm soát Biển Đông.
Tháng 2/ 1992, Trung Quốc ban hành luật tuyên bố toàn biển Nam Trung Hoa là lãnh thổ của họ.
Tháng 1/2005, tàu Trung Quốc bắn vào hai tàu đánh cá của Việt Nam phát xuất từ Thanh Hóa, và từ đó tiếp tục sách nhiễu, tấn công, giam giữ các ngư thuyền ngoại quốc, nhât là của Việt Nam, đi vào vùng tranh chấp.
Tháng 6/2007, tàu hải giám Trung Quốc đâm vào tàu Việt Nam ở biển Đông. Tháng 3/2009, tầu Trung Quốc sách nhiễu tàu quan sát của Mỹ USS Impeccable khi tàu này thực hiện công tác trong vùng lưu thông tự do.
Khi Mỹ “chuyển trục”
Tháng 5/2009, để kịp thời hạn của luật biển, Trung Quốc chính thức công bố đường lưỡi bò gây phản ứng của các quốc gia tranh chấp và thúc đẩy chính sách chuyển trục của Mỹ. Trung Quốc tuyên bố Biển Nam Trung Hoa thuộc “quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc” trong khi Mỹ tuyên bố có “quyền lợi quốc gia” trong việc bảo vệ tự do lưu thông trên biển.
Từ đó, Trung Quốc có nhiều hành động tích cực hơn mà nhiều nước gọi là hành động khiêu khích để vừa thăm dò phản ứng của Mỹ, vừa áp đặt mục tiêu của mình, từng bước thay đổi nguyên trạng ở vùng biển tranh chấp, như:
- đơn phương ra lệnh cấm đánh cá trùm lên vùng tranh chấp vào mỗi mùa hè và tăng thời gian cấm từ 2 lên 3 tháng, đồng thời gửi tàu hải giám ra biển thi hành lệnh cấm ấy.
-cắt giây cáp của tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam.
-phản đối và đe dọa các công ty ngoại quốc cộng tác với Việt Nam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng tranh chấp do Việt Nam kiểm soát, nhưng lại thực hiện những việc đó trong vùng tranh chấp mà Trung Quốc kiểm soát.
-nhân sơ hở của Philippines, Trung Quốc chiếm Scarborough Shoal.
-tránh đụng độ với Mỹ, chia rẽ các nước ASEAN.
RFI: Liệu Hoa Kỳ có để cho Bắc Kinh thực hiện ý đồ của họ hay không? Bằng cách nào?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Chính sách công bố của Hoa Kỳ gồm mấy điểm chính sau đây :
- Hoa Kỳ không có ý kiến trong việc tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền lãnh thổ giữa các nước Á châu.
- Hoa Kỳ đòi quyền tự do lưu thông trong vùng biển Nam Trung Hoa.
- Hoa Kỳ chống việc sử dụng vũ lực và khuyến khích giải pháp điều đình để giải quyết tranh chấp.
- Hoa Kỳ sẵn sàng giúp các nước Á châu tăng cường khả năng phòng thủ.

Chính sách này nhằm phục vụ mục tiêu chiến lươc của Hoa Kỳ : Duy trì thế độc tôn hải quân của mình trong các vùng biển quan trọng và không để cho Trung Quốc độc chiếm biển Nam Trung Hoa.
Tạo thế đa cực tại Á châu-Thái Bình Dương, không để cho Trung Quốc đẩy mình ra khỏi môt khu vực có tầm quan trong chiến lược và kinh tế hàng đầu trong thế kỷ 21.
RFI: Các nước trong vùng phải làm gì để “ngăn cản Trung Quốc đạt mục tiêu?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Muốn thực hiện mục tiêu trên, Hoa Kỳ phải có chân đứng ở trên lục địa Á châu, nghĩa là Hoa Kỳ cần có đồng minh (allies) và đối tác (partners) ở Á châu. Vì thế, không những Hoa Kỳ cần được các quốc gia Á châu tiếp nhận mà những nước cảm thấy bị Trung Quốc chèn ép phảI chứng tỏ họ có quyết tâm chống sự chèn ép ấy đồng thời sẵn sàng chia sẻ gánh nặng phòng thủ bằng cách tăng cường khả năng phòng vệ của chính mình.
Sự điều chỉnh chính sách ngoại giao của Nhật Bản gần đây là một thí dụ điển hình: giải quyết dứt khoát vấn đề căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa, tăng ngân sách quốc phòng, lần đầu tiên công bố sách lược an ninh quốc gia bỏ chính sách nước đôi, vạch rõ “những cố gắng của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng bằng cưỡng chế” và cam kết sẽ phản ứng “bình tĩnh và cương quyết trước sự bành trướng nhanh chóng và tăng cường các hoạt động của hải lực và không lực Trung Quốc .”
Đối với các nước nhỏ ở Đông Nam Á, tốt nhất thì bên trong mỗi nước phải tăng cường nội lực, bên ngoài phải đoàn kết và thống nhất lập trường để tạo khả năng mặc cả tập thể với Trung Quốc, trở thành trái đệm trong thế cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, tránh việc tái xuất hiện của một hình thức chiến tranh lạnh mới với thi đua vũ trang, liên minh quân sự, và phân vùng ảnh hưởng.
Điều này rất khó thực hiện. Nhưng nếu không thực hiện được thì mỗi nước nhỏ phải theo giải pháp cá nhân, sắp hàng sau mỗi nước lớn, không giữ được thế ngoại giao uyển chuyển và độc lập của mình.
RFI: Việt Nam từ 1974, đã mạnh hơn hay yếu đi trong bảo vệ chủ quyền biển đảo?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Trong tương quan lực lượng giữa các nước tranh chấp, khi một nước mạnh hơn thì nước kia tương đối sẽ yếu hơn. Nước yếu phải tìm được đối trọng khả tín (như đoàn kết ASEAN, cam kết của Mỹ) để lập lại quân bình lực lượng. Xét theo tiêu chuẩn này thì dù Việt Nam có cố gắng trong những năm gần đây, nhưng tương đối yếu hơn trong tương quan lực lượng và khả năng mặc cả với Trung Quốc. Tình trạng này không phải là không thể thay đổi được.
RFI: Là chuyên gia độc lập, giáo sư nhận định ra sao về tình trạng người Việt Nam quan tâm đến đất nước lên tiếng báo động nguy cơ xâm lược từ phương bắc lại bị tù hay gặp khó khăn?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Chính quyền Cộng sản hiện nay ở trong cái thế Mỹ gọi là “between a rock and a hard place” tức là “tiến thoái lưỡng nan”. Ở Việt nam, người biểu tình có hai khả năng : thứ nhất, mới đầu họ chống Trung Quốc nhưng mà tình thế có thể trở thành chống lại chính quyền cộng sản. Thí dụ như ở Thiên An Môn (1989) lúc đầu sinh viên biểu tình chống tham nhũng, đòi cải tổ kinh tế. Đùng một cái, biến thành đòi hỏi chính trị thì cái đó (chính quyền) họ rất sợ.
Điểm thứ hai là chính quyền Việt Nam nể mặt Trung Quốc. Trung Quốc đang thúc đẩy tinh thần bài ngoại lớn lắm thành ra nếu mà Việt Nam có biểu tình chống Trung Quốc thì Trung Quốc cũng có biểu tình lớn hơn, gây ra những căng thẳng mà Việt Nam không có khả năng đối phó.
Do đó họ (Việt Nam) không dám cho biểu tình đi xa. Mấy năm trước (2011) cả mùa hè ở Hà Nội đã có biểu tình nhiều lần. Họ có tìm cách đàn áp nhưg họ có điều đình. Nếu họ thật tình đàn áp thì khó có biểu tình.
RFI: Một liên minh khu vực có phải là giải pháp thượng sách để Trung Quốc bớt hung hăng ? Phải chăng Nhật Bản đang thực hiện kế hoạch này ?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Hiện nay thì không ai muốn nói đến “liên minh quân sự” cả bởi vì nó có tính cách tạo ra căng thẳng chiến tranh lạnh. Nhưng mà những “liên minh bán chính thức” đang bắt đầu hình thành hoặc “cộng tác quân sự” thì đã được hình thành. Dần dần, đối với Mỹ các liên minh quân sự được củng cố với Nhật, với Đại Hàn, với Úc… đã bày trận ra rồi.
Còn đối với Asean, là những nước nhỏ cho nên không muốn làm cái chuyện người ta gọi là “cỡi voi với đức ông”. Đi với nước lớn thì thường thường bị phụ thuộc. Và đi với nước này thì bị nước kia giận thành ra họ đứng trung lập, muốn “vai trò trung tâm”. Mà nếu Asean muốn đóng vai trò trung tâm thì họ phải là cái khối đoàn kết. Asean đang cố gắng làm chuyện đó nhưng cho tới nay chưa làm đến nơi đến chốn nhất là không trở thành đối lực với Trung Quốc được. Nhưng nếu Asean làm được chuyện này thì Trung Quốc phải nể Asean. Mà Trung Quốc nể Asean thì có dịp để Mỹ dấn thân sâu hơn vào vùng này để cân bằng lực lượng.
Asean có thể đứng giữa hai khối lớn để tránh tình trạng chiến tranh lạnh nếu không Asean sẽ phải chọn đi nước đôi. Singapore chẳn hạn một đường hô là không chiến tranh lạnh, họ phải đoàn kết Asean. Nhưng mặt khác thì để cho Mỹ có hiện diện hải quân tại Singapore.

Hoàng Sa có vai trò thế nào với an ninh Việt Nam và khu vực?

Năm nay đánh dấu 40 năm ngày bùng nổ trận hải chiến giữa Việt Nam với Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa tháng 1/1974.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu và giảng dạy về Châu Á, Đại học Maine, Hoa Kỳ
Vấn đề Hoàng Sa hiện nay có vai trò thế nào đối với an ninh của Việt Nam và cả khu vực giữa căng thẳng tranh chấp Biển Đông với các hành động gây hấn không ngừng của Trung Quốc?

Nghe tường trình
Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ, nhà nghiên cứu và giảng dạy về Châu Á học thuộc đại học Maine (Hoa Kỳ), Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhận định:

GS Vĩnh Long: Hoàng Sa với an ninh và quyền lợi của Việt Nam thì ta đã thấy rõ, nhưng an ninh và quyền lợi của thế giới nhiều nước chưa thấy rõ. Khi Trung Quốc chíêm đóng toàn bộ Hoàng Sa ngày 19/1/1974, họ đã tính sẽ dùng đảo này để đẩy yêu cầu của họ chiếm thêm những vùng khác trong Biển Đông. Rõ ràng từ đó đến nay, Trung Quốc càng ngày càng khiêu khích. Họ dùng Hoàng Sa làm căn cứ địa, rồi lập thành phố Tam Sa để kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

VOA:
Với sách lược đòi chủ quyền bằng ngoại giao, liệu Việt Nam và các nước Đông Nam Á có thể thành công? Nhìn lại 40 năm đã qua kể từ trận chiến Hoàng Sa, chưa thấy một kết quả cụ thể nào cho Việt Nam, thưa ông?

GS Vĩnh Long: Vâng, Hoàng Sa là vấn đề rất quan trọng về khía cạnh chủ quyền, an ninh cho khu vực, và về luật pháp. Về mặt luật pháp, nếu mình để càng lâu, Trung Quốc càng có thời gian. Sau này nếu có đem ra tòa kiện được, người ta cũng cho rằng Trung Quốc đã chiếm đóng lâu rồi, người ta không muốn làm lộn xộn vấn đề. Cho nên, mình phải dùng vấn đề an ninh khu vực. Chẳng hạn lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc gần đây rõ ràng là sự đe dọa an ninh cho cả thế giới chứ không phải chỉ cho một nước Việt Nam. Nếu hai nước bị thiệt hại nhiều nhất là Việt Nam và Philippines đẩy mạnh vấn đề thành trách nhiệm chung của thế giới thì tôi nghĩ có thể giải quyết sớm vấn đề.

VOA: Còn kịch bản khả dĩ nào khác giúp giải quyết tranh chấp theo chiều hướng ôn hòa, tốt đẹp nhất ngoài vận động ngoại giao? Các biện pháp chế tài, ràng buộc, hoặc kiện tụng thì sao?

GS Vĩnh Long: Việt Nam là nước phải đứng ra kiện vì quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và khi chiếm đóng, Trung Quốc còn giết người Việt Nam. Đây là vấn đề không những luật pháp mà còn nhân đạo. Cho nên, chúng ta có thể đem ra nói với thế giới. Nhưng theo tôi, khi Việt Nam nói với thế giới điều này, cần cho thế giới biết rằng Trung Quốc có đảo Hải Nam với vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm. Nếu họ dùng Hoàng Sa và cũng nói rằng họ có 200 dặm vùng đặc quyền kinh tế ở đây, trong khi giữa Hải Nam và Hoàng Sa chưa tới 400 dặm, thì Trung Quốc sẽ làm tắc nghẽn cả đường lưu thông từ dưới  Biển Đông lên đến vùng Đài Loan. Thành ra, trong lúc Trung Quốc đang ‘quậy’ thế này, Việt Nam nên đẩy mạnh vấn đề thế giới, đặc biệt là Liên hiệp quốc, buộc Liên hiệp quốc phải xét xử vụ này vì chuyện này không phải chỉ là chủ quyền lãnh thổ mà là an ninh biển, ảnh hưởng Luật Biển của Liên hiệp quốc.

VOA: Thế nhưng những áp lực mạnh tay hơn liệu chăng sẽ đưa tới những rủi ro như một trận hải chiến cách đây 40 năm? Giáo sư nhận định khả năng xảy ra xung đột võ trang tại khu vực ra sao?

GS Vĩnh Long: Bây giờ Trung Quốc và Mỹ có quan hệ cộng sinh. 20 năm qua nhờ Mỹ Trung Quốc mới có thể phát triển như ngày nay. Nếu có rắc rối trong khu vực hại đến quyền lợi của Mỹ thì Mỹ phải nói rõ với Trung Quốc là ‘Chúng tôi không thể chấp nhận’. Trách nhiệm của Mỹ và quyền lợi của Mỹ bây giờ rất rõ trong vấn đề này. Cho nên, tôi nghĩ Mỹ không thể dùng dằng. Trong khi đang tìm cách đối phó, Mỹ cần sự giúp đỡ của các nước như ở Đông Nam Á có quyền lợi bị đe dọa. Cho nên các nước cần tìm cách áp lực Mỹ hay giúp Mỹ có cớ để giữ an ninh trong khu vực. Việt Nam là nứơc có lãnh thổ, lãnh hải dài nhất ở Biển Đông. Cho nên, tiếng nói của Việt Nam có sức nặng. Nếu không, đúng như cô nói, sẽ xảy ra sự cố. Khi xảy ra sự cố giữa khu vực Hải Nam và Hoàng Sa, chắc chắn sẽ làm tắc nghẽn lưu thông toàn khu vực. Chúng ta biết 90% các trao đổi hàng hóa của thế giới là trên đường biển và 60% các trao đổi đó là qua Biển Đông. Cho nên thế giới không nên để cho sự cố xảy ra.

VOA: Xin chân thành cảm ơn ông dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
https://www.youtube.com/watch?v=PZqTDk3z6Og#action=share


Trà Mi
(VOA)

 

 Các Nhà Giáo Dục Canada Nói Cắt Đứt Quan Hệ Với Các Viện Khổng Tử

A Canadian association of educators has recommended that Canadian Confucius Institutes be terminated because of political interference from China. In this photo, Sonia Zhao, who was discriminated against by a Confucius Institute, speaks at a rally in Toronto in August 2011. (Gordon Yu/Epoch Times)

Đại Kỷ Nguyên

Một hội đồng đông đảo các nhà giáo dục ở Canada đã thúc giục các trường đại học và cao đẳng trên đất nước này cắt đứt sự liên đới của họ với các viện Khổng Tử, nơi có bề ngoài là các trung tâm dạy tiếng Trung được lập ra bởi Đảng cộng sản Trung Quốc.
Hiệp hội các giảng viên đại học Canada đã tranh luận trong một tuyên bố gần đây rằng việc các viện Khổng Tử này được tài trợ và kiểm soát bởi một chế độ cộng sản độc tài khiến chúng không phải là một đối tác giáo dục phù hợp.
Các đại biểu tại một phiên họp của hiệp hội đã thông qua một nghị quyết trong tháng 12 đề cập về việc khởi kiện tổ chức tuyên truyền mềm mỏng của Trung Quốc này và khuyên những ai đang cân nhắc đến việc mở các viện Khổng Tử không tiến xa thêm, theo bảng tin của tổ chức.
“Để đồng ý tổ chức viện Khổng Tử, các trường đại học và cao đẳng của Canada phải thỏa hiệp sự toàn vẹn liêm chính của mình bằng việc cho phép tổ chức Văn Hóa Ngôn Ngữ Trung Hoa Quốc Tế có tiếng nói trong một số vấn đề giảng dạy, như giáo trình, sách vở và các đề tài thảo luận ở lớp học”, giám đốc điều hành James Turk giải thích. “Việc can thiệp như vậy là sự vi phạm cơ bản đối với sự tự do học thuật”.
Các viện này vốn liên kết với Bộ giáo dục Trung Quốc và bị giám sát bởi các Đảng viên cấp cao,  cung cấp tài liệu giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa, nhưng chúng bị chỉ trích là công cụ để tuyên truyền của Đảng cộng sản và một dạng quyền lực mềm ở nước ngoài. Các nhà phê bình chỉ ra rằng họ truyền bá các hành vi phân biệt đối xử chống lại các nhóm người bị đàn áp ở Trung Quốc.
Trường đại học Manitoba đã quyết định không mở viện Khổng Tử do lo ngại sự kiểm duyệt chính trị, và đầu năm nay trường đại học McMaster đã đóng cửa viện Khổng Tử của mình vì chính sách thuê lao động phân biệt đối xử không cho phép thuê các học viên Pháp Luân Công, Turk cho biết. Vụ việc của Sonia Triệu, người bị phân biệt đối xử, đã trở thành tin thời sự quốc gia ở Canada.
“Tôi thấy cảm hứng sâu sắc bởi hành động này của hiệp hội giảng viên đại học”, Norbu Tsering, Nghị sĩ Bắc Mỹ của chính quyền lưu vong Tây Tạng, nói trong bài phát biểu trên tờ Tibet Post. “Chúng tôi phải truy tìm và thách thức tất cả các hình thức đàn áp, cả bên ngoài và những thứ lăm le xâm nhập vào Canada”.
Kayum Masimov, chủ tịch Hội Đồng người Canada gốc Duy Ngô Nhĩ nói với tờ Tibet Post, “Các học viện của Canada không nên có dính líu đến việc hợp tác với các chi nhánh nước ngoài của chế độ cộng sản. Bất cứ liên hệ nào với viện Khổng Tử là một vết nhơ đối với danh tiếng giáo dục và vị thế quốc tế của Canada”.
“Nói một cách đơn giản thì các viện Khổng Tử được sở hữu và vận hành bởi một chính quyền độc tài và trung thành với đường lối chính trị của nó”, Turk nói về các viện này.

Số phận pháp lý của Dương Chí Dũng sau lời khai chấn động

Nếu lời khai về người mật báo là có thật, cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng sẽ được giảm án vì có công phát hiện tội phạm; ngược lại sẽ thêm tội Khai báo gian dối.
Trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, ngày 7/1 có mặt với vai trò nhân chứng, cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng bất ngờ khai ra người gọi điện thoại mật báo tin ông ta bị khởi tố là một thứ trưởng. Đại diện VKS sau đó đã đề nghị HĐXX khởi tố vụ án hình sự "cố ý làm lộ bí mật công tác" theo Điều 286 Bộ luật hình sự.

Căn cứ lời khai của Dương Chí Dũng cùng các bị cáo..., cho rằng thông tin điều tra tiêu cực tại Vinalines thuộc loại tuyệt mật, HĐXX đã khởi tố vụ án "cố ý làm lộ bí mật nhà nước" theo Điều 263. Mức hình phạt với người phạm tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước có thể lên tới 15 năm tù, cao hơn nhiều so với mức hình phạt 7 năm tù của tội cố ý làm lộ ý mật công tác.

Quyết định này cho thấy sự cương quyết của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm, giữ nghiêm kỷ cương của Nhà nước, không bỏ lọt tội phạm. Bí mật nhà nước được hiểu là những tin tức, tài liệu có nội dung quan trọng mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì sẽ gây nguy hại cho đất nước. Trong khi đó, bí mật công tác có phạm vi hẹp hơn. Quá trình điều tra vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” phải căn cứ nhiều chứng cứ khác bởi nếu chỉ có lời khai của Dương Chí Dũng thì chưa đủ để chứng minh cho việc có hay không việc thông tin mật báo.

Tình huống đặt ra, nếu cơ quan điều tra chứng minh có việc báo tin thì Dương Chí Dũng có thể được giảm nhẹ hình phạt không? Câu trả lời là có thể vì những lời khai chi tiết, cụ thể của Dương Chí Dũng đã giúp phát hiện tội phạm mới. Do đó, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Vinalines sắp tới, tình tiết “khai báo thành khẩn” và “tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm” chưa được xem xét tại phiên sơ thẩm sẽ này có thể trở thành căn cứ giảm án cho Dương Chí Dũng.

Tuy nhiên, giả sử phiên tòa phúc thẩm vẫn y án tử hình với Dương Chí Dũng, nhưng cuộc điều tra về "người mật báo" vẫn chưa đi đến hồi kết thì sẽ giải quyết thế nào? Vấn đề này đã được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 58 Luật thi hành án hình sự. Theo đó, “Hội đồng thi hành án tử hình quyết định hoãn thi hành án tử hình trong trường hợp sau:... Ngay trước khi thi hành án người chấp hành án khai báo những tình tiết mới về tội phạm”. Gần 20 năm trước, bị án Siêng Phênh trước giờ ra pháp trường đã khai ra Vũ Xuân Trường và một số cán bộ công an dính líu đến đường dây buôn bán ma túy. Lời khai của Siêng Phênh đã mở ra một vụ án lớn khác và sau đó Siêng Phênh đã được tha tội chết.

Cũng theo quy định tại khoản 4 Điều 58 Luật thi hành án hình sự: "Trường hợp thi hành án theo quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này mà lý do hoãn không còn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu Hội đồng thi hành án tiếp tục thực hiện việc thi hành án”. Như vậy, trong trường hợp này, việc áp dụng án tử hình với Dương Chí Dũng sẽ được hoãn cho tới khi vụ án “cố ý làm lộ bí mật công tác” được giải quyết (có kết luận của Cơ quan điều tra là không có hành vi phạm tội hoặc có bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật).
DuongChiDung-2974-1389330371.jpg
Cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng trước khi đưa ra lời khai chấn động đã nói: "Tôi đã bị tuyên án tử hình nên ra đây tôi chỉ khai sự thật". Ảnh: TTXVN
Ngược lại, nếu cơ quan điều tra kết luận không có hành vi “mật báo” cũng như nhận tiền hối lộ, Dương Chí Dũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật” theo Điều 307 Bộ luật Hình sự.

Cũng có giả thiết được đặt ra, nếu gia đình ông Dũng nộp tiền bồi thường thì ông Dũng có bị thi hành án tử hình hay không?  Điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự quy định “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tại điểm đ khoản 1.1 Điều 1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự cũng nêu rõ: “Bị cáo không có tài sản để bồi thường nhưng đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác (vợ, chồng, con, anh, chị, em, bạn bè...) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra” thì cũng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nêu trên.

Việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại được thực hiện trước khi diễn ra phiên tòa, hoặc trước khi HĐXX nghị án thì đều được tính để xem xét. Thông thường, trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, nếu người vi phạm khắc phục được ít nhất 1/3 số thiệt hại gây ra mà chứng minh được họ cũng đã làm hết khả năng thì HĐXX cũng có thể lấy đó làm căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Với những phân tích trên, theo phán đoán của tôi, khả năng Dương Chí Dũng bị tử hình là không lớn.
Thạc sĩ luật Phạm Thanh Bình
(VnExpress)

Tượng thánh cũng không yên

Gần đây, dư luận TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) rất thắc mắc việc tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo nằm trong khuôn viên của Công ty TNHH Chương Dương, đường 30.4, trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang, bỗng dưng bị trùm kín lại và đục để xoay hướng khác.
Tượng thánh cũng không yên 1
Bức tượng quay mặt hướng về khu nhà làm việc tỉnh ủy trước khi bị sửa chữa

Tượng thánh cũng không yên 2
Bức tượng bây giờ đã được xoay ra hướng bờ sông - Ảnh: H.P
Theo người dân địa phương, bức tượng Hưng Đạo vương có từ trước năm 1975. Ngoài tượng Trần Hưng Đạo đeo gươm, đứng chỉ tay về phía bờ sông, hai bên còn có 2 khẩu súng thần công và cạnh bờ sông có ngôi nhà lợp ngói rất đẹp, gọi là “nhà 9 nóc”. Sau năm 1975, “nhà 9 nóc” được tỉnh sử dụng làm nơi tiếp khách và hội họp, sau đó khu vực này được cải tạo lại, xây thêm nhà hàng, khách sạn và giao cho Công ty TNHH Chương Dương quản lý. Cũng từ đó, 2 khẩu súng thần công được di chuyển đến Bảo tàng Tiền Giang, còn tượng Hưng Đạo vương thì bị xoay lại 180 độ, quay mặt về hướng bắc, đối diện với khu nhà làm việc của tỉnh ủy. Nay khu nhà làm việc của tỉnh ủy đang được sửa chữa lại thì người ta thấy tượng Hưng Đạo vương được xoay về hướng khác.


Bây giờ nhiều người nói như vậy là không đúng với lịch sử, vì ngày xưa Trần Hưng Đạo chỉ huy đánh trên sông. Vì vậy, chúng tôi xin ý kiến xoay bức tượng trở lại hướng bờ sông... nhưng cũng xéo xéo một chút qua hướng tây nam chừng 15 độ, vì nếu xoay trực diện ra sông thì sẽ... đưa đít thẳng qua khu nhà làm việc của tỉnh ủy

Ông Đoàn Văn Lập - Giám đốc Công ty TNHH Chương Dương


Ông Nguyễn Công Trung, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang cho biết: “Trước giải phóng, bức tượng này quay ra hướng sông Tiền. Đến khoảng năm 1979, khi hội trường Chương Dương được sửa chữa thì mấy ổng nói phải xoay bức tượng lại, vì nếu để... day đít vô (khu nhà làm việc của tỉnh ủy -PV) thì kỳ. Vì vậy, lúc đó bức tượng được quay ngược về đường 30.4. Bây giờ có ý kiến của mấy vị cán bộ hưu trí nói Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch Đằng, đường thủy, vì vậy phải quay ra hướng bờ sông. Sẵn dịp đang sửa lại “nhà 9 nóc” nên mình xoay bức tượng trở lại hướng bờ sông như cũ. Việc này không liên quan gì đến chuyện mê tín như bức tượng chỉ tay ra, chỉ tay vô gì cả”.

Tương tự, ông Đoàn Văn Lập, Giám đốc Công ty TNHH Chương Dương, giải thích: “Bây giờ nhiều người nói như vậy (tượng quay mặt ra đường - NV) là không đúng với lịch sử, vì ngày xưa Trần Hưng Đạo chỉ huy đánh trên sông. Vì vậy, chúng tôi xin ý kiến xoay bức tượng trở lại hướng bờ sông, chớ không liên quan gì đến chuyện phong thủy”. Cũng theo ông Lập, xoay bức tượng hướng ra sông “nhưng cũng xéo xéo một chút qua hướng tây nam chừng 15 độ, vì nếu xoay trực diện ra sông thì sẽ... đưa đít thẳng qua khu nhà làm việc của tỉnh ủy”.
Hoàng Phương
(Thanh niên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét